Trong lời tựa của quyển sách mới, Not for Happiness, Không phải cho Hạnh phúc, thầy Rinpoche Dzongsar Jamyang Khyentse có chia sẻ với độc giả của mình như sau, “Nếu như bạn chỉ quan tâm đến vấn đề có được một cảm giác dễ chịu, an vui, thì có lẽ bạn nên đi đến các spa thư giãn, hoặc là nghe những bản nhạc nâng cao tâm hồn, hơn là tiếp nhận giáo pháp của đức Phật.”

  Ngài Lạt-ma Dzongsar cảnh báo độc giả của ông rằng, nếu như mục đích của mình chỉ là để có những cảm giác an vui, thư thái và dễ chịu, thì ta hãy bỏ tiền ra để đi thư giãn, hay là nghe nhạc, thì có lẽ sẽ có nhiều hiệu quả hơn là mua quyển sách của ông.

 

Hạnh phúc không cần điều kiện

Chúng ta ai cũng muốn có hạnh phúc. Và thường thì hạnh phúc được chia ra làm 3 loại.

Loại thứ nhất là hạnh phúc do những cảm giác dễ chịu, ưa thích mang lại. Uống một tách cà phê ngon, nghe một bài nhạc hay, được một lời khen tặng, ngồi dưới bóng mát… là những cảm thọ dễ chịu và an vui. Nhưng những hạnh phúc này cũng chóng phai và mau tàn, nên ta lại cứ phải đi tìm những cái mới, để tiếp tục duy trì chúng.

Loại hạnh phúc thứ hai, cao rộng hơn, là có được một cuộc sống tốt đẹp. Ta có sức khỏe, một gia đình êm ấm, làm công việc mình thích, có một sự nghiệp… là một hạnh phúc lớn. Theo trong kinh, thì những hạnh phúc này có được phần lớn là do nghiệp quả tốt lành của mình đã gieo trồng trong quá khứ. Nhưng chúng cũng sẽ đổi thay và vô thường, như mọi việc khác trong cuộc đời.

Luật tự nhiên là hễ hạnh phúc của mình còn bị điều kiện bao nhiêu, thì nó lại càng mỏng manh bấy nhiêu. Một ngày nào, khi những điều kiện ấy không còn nữa, thì hạnh phúc ấy cũng sẽ tàn phai.

Loại hạnh phúc thứ ba là một hạnh phúc có mặt tự nhiên, không tùy thuộc vào hoàn cảnh chung quanh, hay do đạt được những gì mình muốn. Nó không nhất thiết là một cảm thọ dễ chịu, hay là một sự an ổn, đầy đủ nào đó theo ý của mình. Nhưng loại hạnh phúc này có một năng lực chuyển hóa rất lớn. Nó có mặt tự nhiên chứ không phải do một sự tìm cầu hay thành đạt nào của ta. Hạnh phúc này biểu hiện ra trong thái độ của mình, đó là hạnh phúc của một sự giải thoát ra khỏi mọi điều kiện.

 

Chuyển hóa là do thái độ của mình

Mark Epstein, là một nhà phân tâm học, psychotherapist, và cũng là tác giả của quyển Thoughts without a Thinker, có chia sẻ một kinh nghiệm tu học của ông như sau.

Trong hơn 30 năm qua, mỗi năm ông đều cố gắng đi tham dự một khóa tu học nhiều ngày. Và ông cũng giữ một quyển nhật ký tu học, ghi lại những kinh nghiệm và khám phá của mình có được trong mỗi khóa tu. Gần đây, ông có dịp đọc lại những gì mình đã ghi chép trong quyển nhật ký ấy. 

Ông ngạc nhiên và khám phá ra một điều này, là tuy mỗi khóa tu ông ghi lại những kinh nghiệm khác nhau, nhưng thật ra chúng chỉ trình bày một sự thật duy nhất mà thôi, đó là “Những gì khởi lên trong kinh nghiệm của ta, hoàn cảnh nào ta đối diện, chúng không là quan trọng. Nhưng điều quan trọng là cách phản ứng, và thái độ của ta tiếp nhận chúng như thế nào.”

Tôi thấy, ngày nay dường như con đường tu học của chúng ta chú trọng nhiều về vấn đề chuyển hóa bằng cách thay đổi hoàn cảnh, hay phương pháp thực tập, để giúp mình trở thành một cái gì đó. Nhưng bạn biết không, chúng ta cũng có thể vô tình chỉ làm mới và đẹp hơn thêm một cái tôi xưa cũ của mình, thay vì là nhìn thấy rõ được bản chất trung thực của chính nó.

 

Thái độ chánh niệm và tỉnh giác

Ông Mark Epstein chia sẻ rằng những ngày mới bắt đầu tu học, ông cho rằng trước khi có thể đối diện và tiếp xúc với khổ đau, chúng ta cần phải tôi luyện cho mình có được một cái tôi hạnh phúc vững vàng trước cái đã. Nhưng bây giờ sau nhiều năm thiền tập, ông hiểu rằng ý nghĩ ấy rất là sai lạc.

Ông có một người bạn sang Ấn độ tu học theo truyền thống ở rừng (forest tradition) trong nhiều năm, và anh ta cũng có chia sẻ một kinh nghiệm tương tự. Vài năm sau khi vị thầy của mình qua đời, người bạn ấy trở lại Ấn độ và đến thăm nhà của người đệ tử lớn của vị thầy mình.

Một hôm, người đệ tử lớn bảo anh, “Tôi muốn cho anh xem cái này. Thầy đã để lại cho tôi một vật này.” Lẽ dĩ nhiên là anh bạn rất vui mừng, bất cứ một dấu tích nào của Thầy mình cũng là châu báu đối với anh. Người đệ tử già bước lại, mở một cánh cửa gỗ cũ kỹ, vang tiếng kêu cót két, ông ta cúi xuống lấy một vật nằm ở ngăn dưới cùng. Vật ấy được quấn trong một miếng vải dơ cũ. “Anh có thấy không?” Ông ta hỏi. “Không! Thấy gì?” anh ta thắc mắc đáp. Người đệ tử già mở miếng vải quấn ra, bên trong là một chiếc ấm nước bằng nhôm cũ kỹ và móp méo. Một loại ấm nước bình thường mà bất cứ trong nhà nào ở Ấn độ cũng đều có.

Nhìn thẳng sâu vào mắt anh bạn, ông ta nói, “Thầy trao cho tôi vật này trước khi Ngài ra đi. Anh có thấy không?” Người bạn trả lời, “Không. Tôi thật không thấy gì hết.” Ánh mắt của vị đệ tử già lại càng trở nên mãnh liệt và sâu sắc hơn, ông nói, “Ta không cần phải đánh bóng nó. Ta không hề cần phải đánh bóng nó!”

  Người bạn tôi đã học được một bài học thật quý giá. Chúng ta không cần phải tôi luyện hay chuyển hóa theo một sự mong cầu hay tưởng tượng nào đó của mình. Ta chỉ cần thấy rõ và tiếp nhận mình một cách trọn vẹn, với một tình thương lớn. Dầu hoàn cảnh của ta có như thế nào đi nữa, nó bao giờ cũng là một thực tại tròn đầy.

  Một cái thấy trong sáng sẽ chuyển đổi tâm thức của ta, mà không cần phải thay đổi hoàn cảnh hay bất cứ một cái gì khác. Trong đạo Phật cái thấy ấy là chánh niệm (mindfulness) và tỉnh giác (clear comprehension), cái thấy ấy giúp cho năng lượng trong sáng, tĩnh lặng và hạnh phúc trong ta biểu hiện ra một cách tự nhiên.

 

Thấy rõ chứ không phải là thay đổi

Trong những khóa tu chúng ta thường nghe nói nhiều về việc an trú trong giờ phút hiện tại. Nhưng tôi thấy ta cũng có thể dễ hiểu lầm về thế nào là “an trú”.

  Ta có thể ngồi yên nơi đây, hoặc đặt những bước chân thảnh thơi trên một con đường đất đẹp bên hồ nước trong, có hoa vàng và nắng ấm. Nhưng liệu mình có thể ngồi yên trong phòng bệnh chờ nghe tin của người thân không? Hay ta có thể mỉm cười an lạc khi nghe tiếng chuông điện thoại reo giữa đêm khuya? 

Và giả sử như giờ phút này không có gì là đau khổ cả, chỉ là một thực tại bình thường thôi, liệu ta có khả năng an trú trong hiện tại được không? Hay ta cũng sống theo thói quen của mình, quẩn quanh theo những tập khí xưa, và rồi trách cho hoàn cảnh chung quanh? Thật ra, vấn đề đâu phải là hiện tại này đang như thế nào, mà vấn đề là ta tiếp nhận chúng ra sao.

An trú chỉ có nghĩa là ta biết trở về có mặt với những gì đang xảy ra, và thấy được sự tự nhiên của pháp thực tại đang hiển lộ.

 

Bầu trời vụn vỡ trăng sao.

Tôi nhớ một bài thơ của bà Mary Oliver, một thi sĩ nổi tiếng từng được trúng giải thưởng Pulitzer Prize về văn chương,

 

Tự tánh của đá

Là hài lòng với nơi này

Tự tánh của nước

Là đi về một nơi khác

Bất cứ nơi nào ta nhìn

Tiếng róc rách ngọt ngào nhưng thâm trầm

Của nước nhào lộn tuôn chảy về nơi xa

Bất cứ nơi nào ta nhìn

Đá tảng, nằm yên dưới nắng mới

Hoặc hiến mình cho những cành dây leo lá vàng óng

Nhưng bản chất của ta lại không thấy được rằng

Cuộc sống này rất đẹp.

Ta chọn đứng trong bóng tối,

Dưới một bầu trời vụn vỡ đầy trăng sao

Hay trong một ngày trưa, giữa ngàn tia sáng muôn màu

Và bức xúc tự hỏi rằng

Nó có nghĩa gì, khi bảo rằng cuộc sống này là đẹp?

Nó có nghĩa gì?

 

Mà thật ra tôi không nghĩ bản chất của chúng ta là chọn đứng trong bóng tối, và không thấy được ngàn tia nắng đẹp muôn màu. Nhưng vì chúng ta có tập quán, thói quen hay mong cầu và tạo tác theo cái tôi của mình, nên ta đánh mất thực tại và cứ lang thang đi tìm một ý nghĩa nào khác xa xôi.

Giáo pháp của Phật có nói về lý vô tác, apranahita, tức là ta không đặt một sự tìm cầu nào trước mặt mình. Vô tác có nghĩa là không có gì cần được tạo tác nữa, không có gì cần được thực hiện nữa. Vì thực tại bao giờ cũng đang đầy đủ tự nhiên.

Bạn biết không, tôi nghĩ nhờ có thái độ trong sáng ấy mà ta không đánh mất đi thực tại này. Trên hành trình của sự sống, dầu con đường ta đi là ở đoạn nào, khúc quanh nào, mỗi bước chân đều có thể buông thả và tròn đầy như nhau. Và bạn đừng nghĩ rằng tôi muốn nói là ta cứ buông thả và không cần phải làm gì hết, nhưng như ông Epstein chia sẻ, “kinh nghiệm của ta, hoàn cảnh nào ta đối diện, chúng không là quan trọng. Nhưng điều quan trọng là cách phản ứng, và thái độ của ta tiếp xử chúng như thế nào”…

  Tự tánh của đá là hài lòng với nơi này, tự tánh của nước là đi về một nơi khác. Và tự tánh của ta là thấy được bầu trời đêm thênh thang vụn vỡ muôn trăng sao, hay sáng hôm nay, với ngàn tia nắng ấm muôn màu…

 


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024