• Nhật ký Sri Lanka: 04/12/2013
  • Tác giả: Pháp Tông


Ngày 4/12/2013

 

Sáng sớm lên nhà hàng ở tầng trên dùng điểm tâm. Chưa thấy dọn gì. Đi loanh quanh ngắm cảnh. Chiều hôm qua khi xe ghé vào khách sạn có lẽ do chú mục vào việc nhận phòng, tranh thủ nghỉ ngơi để chặp tối đi chiêm bái răng Phật nên không quan sát không gian xung quanh nơi này.  Hoá ra rừng nguyên sinh chỉ cách con đường rộng 8m! Sương mù còn bám trên triền núi trước mặt đó thôi! Mình nhầm rồi! Thì ra có khá nhiều nhà cao tầng ở quanh đây. Quan sát kỹ thì dường như các khối kiến trúc nhiều tầng kia là khách sạn và công ty hay công sở thì phải. Quanh các khối nhà cao thấp, dưới chân núi, bên triền núi không gian xanh vẫn là chủ nhân của vùng đất này. Đáng mừng!

 

 

 



Bếp ăn ở khách sạn Senani kém hơn khách sạn ở Dambulla. Phục vụ điểm tâm hầu hết là các món Tây, mà lại nghèo nàn thực đơn. Chương trình lên đường lúc 7g30. Nhưng gần đến giờ khởi hành, Phương Mai vào thỉnh chư Tăng ghé nhà bà dì của sư Panna Loka thăm và tụng kinh cầu siêu cho bà cụ mới qua đời.

 

 

 

Đám tang ở xứ này không giống ở VN một chút nào: trước ngõ xóm hay hẻm người ta treo một bức nghi môn màu trắng - hôm lễ rước xá lợi ở chùa sư Panna Loka thì nghi môn màu cờ Phật giáo (một tấm vải giăng ngang, ở hai đầu là hai tấm nhỏ như đuôi nheo). Trước mặt nhà tang gia dựng  một bảng cáo phó. Bên trong nhà bày biện cũng đơn giản. Người chết đã được tắm rửa, mặc áo quần mới màu trắng (theo tập tục Phật giáo ở xứ này) đặt nằm ngay ngắn trên giường - Đúng hơn là mặt đáy phía trong của quan tài theo kiểu Tây. Một bộ khung màn cũng màu trắng vây xung quanh chiếc áo quan. Một cặp ngà voi chầu hai bên người chết. Đầu giường đặt một giá đèn bằng đồng mà trên đỉnh là một con chim phụng hoàng (dáng như con gà trống ở xứ mình!). Dưới chân quan tài  đặt một cặp đèn điện bóng tròn. Các thành viên trong nhà lần lượt ra đón chào chư Tăng ni. Cách hành lễ của Phật tử Sri Lanca khá đơn giản. Nam hay nữ đi đến trước từng vị ngồi sụp xuống (mông không đụng đất) hai tay chắp lại, đầu chỉ hơi cúi xuống rồi đứng dậy lùi ra liền.
Chư Tăng tụng kinh cầu siêu chú nguyện vãng sinh cho bà cụ. Cụ bà thọ được 89 tuổi Tây (tức 90 tuổi ta).

 

 

 


Khoảng 10 giờ xe dừng lại để đoàn vào thăm vườn thực vật quốc gia. Khách nước ngoài phải mua vé vào cửa (1.100 Rs).

Hầu hết cây và hoa trong vườn ở xứ mình cũng có. Đáng nể và có ấn tượng là một số gốc đại thụ vừa kỳ vừa vĩ. Giống đã lạ (VN chưa thấy)  mà vóc dáng ngất ngưỡng, chót vót, đường kính thân khổng lồ, thật đáng bậc lão trượng của loài cây!

 

 


 

Trưa ghé vào một quán ăn nhỏ ven đường ở đoạn đường có một số quán bán hàng lưu niệm và trại nuôi voi con mồ côi bố mẹ. Lần này chọn mua được ít món rẻ tiền nhưng đặc thù của Tích Lan.

Buổi chiều ghé nhiều chỗ hơn nhưng quan trọng nhất là vào thăm chùa Kelaniya. Thiện Đức dịch lại lời thuyết minh của sư Panna Loka về đặc điểm của ngôi chùa này. Đáng lưu ý là ở đây còn một gốc đại bồ đề là một trong tám nhánh con được chiết từ cây bồ đề mẹ về trồng. Cây bồ đề mẹ  do đức Thánh ni Sanghamitta, công chúa con đại đế Asoka và tuỳ tùng phụng mệnh hoàng đế chiết từ gốc bồ đề nơi Đức Phật thành Đạo đưa sang cố đô Anuradhapura trồng.

 (Tiếp theo)



[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024