• Tiểu ký sự Sri Lanka (Ngày 4)
  • Tác giả: Minh Quang


Sri Lanka - 2014

Ngày 04: Thánh tích Sri Maha Bodhi - Mihintale, tham quan Anuradhapura

 

Sáng thức dậy lúc 4h30, tắm rửa xong thấy còn sớm nên ngồi viết tiếp ký sự vì mấy hôm nay đi nhiều quá nên bị trễ hàng! Hẹn với Sư là 6h15 nhưng lúc xuống khoảng 6h đã thấy Sư ở quầy tiếp tân rồi. Anh tài xế đã chuẩn bị xe xong. Tối hôm qua anh ấy đã quét dọn xe sạch sẽ. Thế là lên đường, chạy sang cội Bồ Đề chừng 5'.

 

 

Sáng sớm trước cây Maha Bodhi

Tưởng rằng sáng sớm yên tĩnh chẳng có ai, lúc đến nơi thì đã có hàng trăm người đến trước rồi. Có người đẩy xe người nhà bị bệnh, bị tâm thần,... mang nhiều lễ vật đến để cầu xin lành bệnh. Có người đến tụng kinh, có người đến ngồi thiền,... Thấy một cặp người Âu Mỹ đang ngồi xếp bằng, nhắm mắt thiền rất nghiêm túc.

Đúng 6h30, buổi kinh sáng do một Sư tụng tiếng Pali với micro nên đứng xa hàng trăm mét nghe cũng rõ. Cũng bắt đầu bằng niệm Phật, lễ bái Phật, ca tụng Tam Bảo, quy y ngũ giới, kinh ca tụng cội Đại Bồ Đề,...

  

 

Cội Bồ Đề sau 2300 năm, chỉ còn 1 nhánh duy nhất (chống bằng các trụ đồng trên mái nhà)

Hai Sư trò tìm một góc vắng ngồi xuống để lắng tâm chiêm ngưỡng. Lúc đó, vị Sư đứng trông coi cây Bồ Đề thấy Sư Walpola liền gọi, Sư đi đến và trao đổi gì đó rồi quay lại chỗ mình ngồi. Vừa ngồi xuống vài phút là sau đó xung quanh chật cứng người luôn. Và sự ồn ào cũng tăng lên nên Sư nhìn mình, cùng hiểu ý nhau và cùng đứng dậy, đi 1 vòng quanh rồi ra về.

Trên đường ra xe, Sư nói là ngày mai 5h30 sáng sẽ cho mình lên đảnh lễ cội Bồ Đề. Mình không dám tin, nên nói nếu không được thì xin Sư lên 1 mình và lượm cho mình 1 lá rơi xuống là đủ rồi.

Về đến khách sạn, đồ ăn sáng đã chuẩn bị xong. Sư kêu mình ngồi ăn chung, còn anh tài xế thì ăn riêng ở một bàn khác. Đồ ăn rất nhiều, mình cũng dùng tay bốc ăn như Sư. Món ngon nhất là cá espadon (một dạng cá ngừ, mũi kiếm) kho cà ri, thơm và dễ ăn. Chang vào với cơm (họ ép cơm trắng lại thành từng miếng hình thoi), mình và Sư ăn hết dĩa cá và 4 miếng cơm. Sau đó tráng miệng bằng đu đủ và thơm. Mình chỉ dùng đu đủ vì vẫn còn bị lở bên trong môi. Qua đây tha hồ ăn đu đủ, trái cây mà không sợ hoá chất!

   


Buổi ăn sáng ở khách sạn

Ăn sáng xong, về phòng vệ sinh cá nhân, sau đó lên xe, Sư nói sẽ dẫn mình đến 1 chỗ đặc biệt, đảm bảo không có trong tours du lịch.

Nơi đây nằm gần 1 hồ tự nhiên rất lớn, phải vài chục hoặc vài trăm hecta, cách đồi Mihitale chừng 10km đường chim bay. Xưa kia, khi Ngài Thánh Tăng Mahinda ở trên đồi Mihitale, khi vào mùa khô, nóng quá thì Ngài cùng chư Tăng đi đến đây, sát bờ hồ và cũng có rất nhiều hang đá. Các Ngài trú ngụ tại đây trong thời gian đó.

Đường đi không khó nhưng lâu quá không đi, phải hỏi mấy lần mới đến nơi. Nếu ai thích nơi thật sự vắng vẻ để hành thiền, cảm nhận đời sống độc cư thoát tục thì thật là một nơi lý tưởng!

Đến nơi, vừa xuống xe, điều đầu tiên đập vào mắt mình là cả trăm đứa bé, áo quần trắng tinh, nghiêm chỉnh, nhỏ thì 4-5 tuổi, lớn thì 9-10 tuổi đang quây quần theo nhóm trong sân chùa, dưới các tán cây. Mỗi nhóm có một thầy, cô hoặc 1 người lớn chỉ bài. Thầy cô cũng mặc đồ rất đẹp, nghiêm túc như đám nhỏ.

  

 

Hình ảnh dễ thương, thanh bình...

 

Họ đang học Giáo pháp. Nhỏ thì học thuộc lòng rồi đứng lên đọc, lớn thì nghe giảng và ghi chép. Cảnh tượng cứ ngỡ y như trong truyện tranh hay trong quá khứ xa xưa nào đó!

Khi Sư xuống xe, tất cả thầy trò đều đứng dậy mỗi khi Sư đi ngang qua.

 

 

  

Để chân trần thể hiện sự tôn kính Tam Bảo

Sau đó Sư dẫn mình đến xem hang mà ngài Mahinda ở mỗi khi đến đây. Các hang này hiện nay đã xây bên ngoài thành cốc, vệ sinh không sạch sẽ vì ẩm thấp do bị tường che xung quanh. Nếu chỉ để nguyên trạng thì không cần gìn giữ gì cả vì đây là đá granite, vài ngàn năm đâu có nhằm nhò gì.

   


Hang đá khi xưa nơi Ngài Mahinda trú ngụ vào mùa nóng. Bây giờ đã bị xây bên ngoài.

Đúng lúc vị Sư quản lý nơi này đến, đảnh lễ Sư Walpola. Mình đảnh lễ xong thì vị Sư dẫn cả hai lên một đồi nhỏ, trên có một tượng Phật và một tấm tượng khắc chân dung ngài Mahinda. Sư chỉ cho mình xem con đường thẳng ngày xưa từ đồi Mihintale đến đây, bây giờ không còn nữa. Nhìn khoảng cách thì chừng 10km, chẳng là gì so với sự di chuyển ngày xưa của Đức Phật và chư Tăng (khoảng 70km mỗi ngày).

 


Tượng Phật và tượng họa Ngài Mahinda. Xa xa chấm trắng trên núi là đồi Mahintale với bảo tháp màu trắng.

Sau đó cả 3 đi xuống dưới, Sư dẫn xem một hang khác rất đặc biệt, nằm khuất bên dưới. Trên tảng đá còn khắc những chữ Pali cổ, mái vòm hang tương đối cao. Đáng tiếc là hang cũng bị xây thành một cốc với tường bao quanh nên rất ẩm thấp.

Mình trao đổi với Sư Walpola là nên phá bức tường gạch, dọn sạch sẽ thì đây là một di tích rất có giá trị cho thế hệ sau về Phật Pháp. Sư hoàn toàn đồng ý và nói lại với vị Sư kia.

Vị Sư nói đáng tiếc là hội đồng quản lý hiện nay lại thích như vậy nên thuyết phục họ phá bỏ thì không dễ dàng. Sư nói là về cá nhân, sẽ dùng tịnh tài mà mình vừa cúng dường để dọn dẹp và giữ cho sạch sẽ. Đó là khả năng mà Sư làm được.

 

 

Đến rồi mới thấy và cảm nhận được đời sống xưa kia của chư Thánh Tăng, đúng như lời dạy của Đức Phật "nhất hướng, yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, chánh trí, giác ngộ, Niết Bàn".

Không những bên trong thanh tịnh mà bên ngoài cũng thiểu dục tri túc. Hai ngàn năm lẽ thì có xa xôi gì, hương vị Pháp bảo vẫn còn bay thoảng quanh đây!

  


Các cháu nhỏ đảnh lễ Sư

 

Chỗ này khi xưa chư Tăng tắm giặt. Mấy chục năm trước, Sư Walpola đến đây hành thiền cũng tắm giặt nơi này.

 

Các cháu nhỏ đang trả bài

 

... và vô tư học, chơi

Lên xe ra về mà lòng sao sao khó tả, chẳng phải vui, chẳng phải buồn, cũng chẳng nao nao hay nhiều tâm sự. Chẳng biết là gì nữa!

Trên đường về, Sư nói ngày xưa, mấy chục năm trước đến đây hành thiền, Sư tắm gội, giặt rửa ngay dưới hồ như thời ngài Mahinda, bây giờ thì không còn như vậy nữa.

Sư nói lúc đó, chiều tối, voi trong rừng ra hồ uống nước cả đàn, cảnh rất ấn tượng. Nơi đây không phát triển du lịch. Sư nói là mai mốt Sư lớn tuổi, đi lại không nổi nữa thì mình sẽ là hướng dẫn viên để dắt các Phật tử khác đến chiêm bái những nơi như vầy.

Mình chợt nghĩ, thời mạt pháp này, chúng sinh tìm đến ngọn chứ có mấy ai quay về gốc. Có mấy ai đến để cảm nhận cuộc sống thoát tục, tự tại giữa đất trời của ngài Mahinda hay chư Thánh Tăng, an trú trên một tảng đá cheo leo, hay dưới một mái hang vô giá trị. Thôi thì mình chỉ biết im lặng ngắm đất trời mà thôi!

Sư hỏi mình đi đâu? Mình xin quay lại đồi Mihintale, chỗ giường đá của ngài Mahinda để toạ thiền một chút. Sư hoan hỷ lắm. Mình nói nếu Sư mệt thì ở khách đường dành riêng cho chư Sư chờ mình, nhưng Sư không chịu, muốn cùng đi với.

Những người gác cổng, bán vé thấy Sư vội ra quỳ xuống chào. Sư nói với vị trưởng nhóm bảo vệ rằng mình khỏi mua vé (dân trong nước miễn phí, khách ngoại quốc 500rp/người) vì mình đã cúng dường nhiều hôm qua rồi. Họ vui vẻ đồng ý liền.

Hôm nay vắng hơn hôm qua vì đã qua rằm. Với lại trời nóng quá nên thường họ đến vào buổi chiều từ 16h.

 


Đây là nơi cúng dường vật thực cho chư Tăng hơn 2300 năm trước

Hai Sư trò leo lên các bậc dốc đá. Có chỗ thì mới làm, có chỗ được đẽo thẳng trên đá núi granite từ hơn 2300 năm trước. Đến cổng, bỏ giày ra đưa cho người giữ. Hôm qua Sư không cho trả tiền (vì họ không dám nhận của quý Sư, thành ra họ cũng không dám lấy tiền của mình luôn), nên tự nhắc là chút nữa mình chủ động ra lấy 2 đôi giày để trả tiền cho họ, chỉ có 20rp/đôi thôi.

Hai Sư trò hướng thẳng đến chỗ nằm của ngài Mahinda. Đi ngang qua khu Tăng xá thì gặp người cháu của vị Sư quản lý nơi này. Đứng hỏi chuyện Sư Walpola, sau đó xin được cúng dường Sư buổi trai ngọ khi nào đi lên lại. Sư đồng ý và kể cho mình nghe. Thật lòng lúc đó mình còn no quá, thêm nữa cũng hơi ngại vì ké phước Sư hơi bị nhiều.

Bỏ qua chuyện đó, để ý xuống bước đi vì ở đây giống như đường dốc, bậc thang cao, lại đi chân không nên cẩn thận không thôi đạp lên đá nhọn đau lắm. Hôm mới tới, lúc viếng đại tự Kelaniya còn thích thú khi đi chân không. Hôm qua cả ngày nếm mùi chân không ê ẩm ra sao rồi nên không còn hăng hái như trước nữa.

Hôm nay vắng vẻ, chỉ có đám khỉ quậy phá, nhảy rào rào từ cành cây này sang cành khác gây ồn ào thôi. Còn lại chỉ có mấy người bán đồ uống, bánh kẹo. Họ thấy Sư đi đến, đang ngồi thì đều đứng dậy, không cúi chào nhưng cũng là một cử chỉ thể hiện sự kính trọng.

Đến nơi, Sư để mình ở lại rồi quay lên, nói một chút gặp lại, mình xin Sư cho ở đây 1 tiếng. Có gì lên kiếm Sư ở trong khu Tăng đường.

 


Sư quay lên 1 mình


Còn lại một mình, leo lên ngồi ngắm chỗ của Ngài, lòng rất nhẹ nhàng. Bây giờ mới không bị xếp hàng để yên tĩnh chiêm bái. Mình định xếp bằng ngồi đó nhưng chợt nghĩ là trong cả tiếng, thế nào cũng có lượt người lên xuống. Chỗ chật hẹp như vầy, mình ngồi chiếm hết thì cũng không tiện.

Nghĩ vậy nên lại leo xuống, sau đó đi xuống dưới chừng 4m, chọn một tảng đá bằng phẳng nhất và quay lưng lại với đường dốc rồi bắt đầu toạ thiền. Khoảng 20' sau, chân đau quá vì cấn vào miếng đá bên dưới, mình quyết định đi lên. Cà nhắc leo lên thì Sư đã ngồi đó tự khi nào. Mình cười với Sư rồi đến bên tảng đá cạnh đó, hơi dốc xuống nên ngồi thoải mái hơn. Định trò chuyện với Sư, nhưng tự nhiên nhắm mắt lại rồi ngồi luôn đến 12h (ngồi khoảng hơn 20').

Sư kiên nhẫn ngồi chờ, sau đó lấy điện thoại ra chụp hình, quay phim,... trong lúc nhắm mắt, mình có nghe tiếng chụp hình, tiếng của nhiều người đến viếng cảnh,... Nhưng không biết đó là Sư.

   


nhắm mắt thư giãn

Đúng là với không gian như vầy, chư Tăng ngày xưa rất dễ đắc định và giữ các tầng định này. Gặp người thầy chỉ đúng nữa thì chuyển sang tuệ dễ dàng. Sự xả ly, yểm ly, thiểu dục có lý do của nó!

Hai Sư trò đi lên. Đến Tăng đường, hôm nay tất cả chư Tăng được thỉnh thọ trai bên ngoài. Người cháu hồi nãy bắt đầu dọn thức ăn lên. Mình từ chối xin không dùng nhưng Sư bảo ăn đi. Đồ ăn nhiều, món chính thì cũng là cà ri, và cà ri,... ngoài ra có đậu que luộc, cà rốt luộc, trứng chiên, xúc xích, và xoài với thơm tráng miệng.

Mình không bốc ăn mà dùng nĩa vì cũng tính ăn rau luộc thôi do chưa đói. Cho vào dĩa một ít cơm trắng, đậu que và cà rốt luộc với dừa xay trộn chanh, ăn thấy rất ngon. Sư có lẽ cũng ngon miệng nên dùng nhiều hơn. Sư đưa dĩa trứng nhưng mình không ăn.

Đợi Sư bắt đầu dùng trái cây thì mình cũng lấy 1 ít vào dĩa. Mới đầu tưởng là đu đủ vì đỏ au, nhưng nhìn kỹ lại thì là xoài. Xoài này dạng xoài hoang, cực ngọt nhưng mùi hơi hăng chứ không thơm như xoài mình. Dạo này đã phá bỏ được sự kén ăn nên ăn gì cũng thấy ngon, hạnh phúc. Sư không ăn nữa nên mình lấy thêm ít miếng.

 

Tiếp tục ăn ké phần của Sư!


Trong lúc ăn thì anh ta đứng bên cạnh hầu chuyện Sư. Ăn xong đi ra ngoài, mình xin Sư cho leo lên đồi nơi đặt tượng Phật mà hôm qua chưa leo lên. Sư đứng bên dưới chờ.

Ui cha, trưa nắng nung nóng tảng đá granite, đặt chân trần lên nó nóng rát đã luôn. Kệ nó, leo lên tới nơi thì cảnh xung quanh rất dịu mát, trái ngược với 2 bàn chân gần như đang bị phỏng. Chụp mấy tấm hình, đứng ngắm 1 chút rồi đi xuống.

  


Tượng Phật tọa trên đỉnh đồi

 

và quang cảnh xung quanh

Xuống dưới, mình cúng dường thêm cho phần của bố Phúc và Khoa thì gặp chính anh chàng cúng dường bữa ăn hồi nãy. Cũng hay vì mình đỡ áy náy, còn anh ta chắc cũng vui.

Đi ra thì gặp Sư đang giảng pháp cho một anh du lịch trẻ người Pháp. Anh ta được một Sư giới thiệu đến tìm gặp Sư Walpola nhưng hoàn toàn không cho thông tin gì để liên hệ. Tình cờ đến đây gặp Sư hỏi thì gặp ngay đúng người, nhân duyên là vậy!

 


Chân Lý không dành cho riêng ai, không phân biệt màu da, quốc tịch, sang hèn!

Cùng lúc đó thì Sư trụ trì về, mình đảnh lễ xong rồiu ra lấy giày, trả tiền và mang đến cho Sư. Xuống dưới xe, vì đã biết Sư nên bảo vệ cho đậu sát bên, khỏi phải đi xuống xa hơn. Mọi người quyết định về ks nghỉ ngơi khoảng 1 tiếng rưỡi, đến 16h Sư dẫn đi mấy chỗ khác gần đây.

 

Cố đô Anuradhapura :

Đúng 16h, Sư bắt đầu dẫn đi tham quan 4 chỗ đặc trưng còn lại của cố đô cũ Anuradhapura. Sư nói tổng cộng có 6 nơi, hôm qua đã đi xem 2 nơi là Bảo tháp Stupa và cội Maha Bodhi. Các di tích còn lại là:

- stupa do ngài Mahinda dựng lên đầu tiên. Tuy nhỏ xíu nhưng có giá trị về khảo cổ.

- 2 stupa cổ rất lớn, để nguyên hiện trạng hư hỏng, trong đó có 1 cái là lớn nhất trên đất Sri Lanka. Theo khảo cổ thì cái này cao đến 120m và đường kính cả trăm mét.

- tượng Phật nhập định xưa nhất được tìm thấy ở Sri Lanka.

  


Di tích stupa có liên quan đến Ngài Mahinda

 

Đại tháp Abhayagiri, lớn nhất Sri Lanka

 

các chú khỉ nhởn nhơ xơi đồ cúng

 

tường gạch phai nhạt với thời gian

 

 

Đi vòng quanh hết 4 chỗ này cũng cả 3 tiếng dù chúng nằm cách nhau không xa, và cách khách sạn chừng vài km. Về đến khách sạn là tối mịt rồi. Mình không ăn mà chỉ dùng một chén súp nhỏ với một ít đu đủ. Hết một ngày nữa.


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024