Thầy kính,

Trước hết xin cho con được dùng hình thức duy nhất này để gởi đến Thầy những điều mà lòng con muốn nói và đó cũng là những lời biết ơn chân thành nhất mà con muốn gởi đến Thầy – một trong những Người Thầy Kính Yêu mà con diễm phúc biết được trong cuộc đời mình!

Con nghe Thầy giảng về Tam Quy, Ngũ Giới và về những điều hay lẽ phải trong cuộc đời, thế rồi lần đầu tiên những điều giản dị ấy dần thấm vào trái tim đầy ương ngạnh của con như một lớp cát mỏng nhẹ nhàng nhưng bền chắc. Thế rồi con đã quy y, ăn chay nhưng vẫn chưa hiểu gì về giáo lý nhà Phật. Một ngày nọ tình cờ có người hỏi con, “Ăn chay mà có biết gì về giáo lý đạo Phật không?" Tuy thoáng bối rối và pha chút xấu hổ nhưng con vẫn thản nhiên chấp nhận Sư Thật ấy và từ đó nhủ thầm sẽ tự tìm hiểu để nhằm khẳng định lại rằng phải chăng con đường mình đang đi chỉ  là một sự cả tin mù quáng và thiếu sáng suốt hay sao?

Lần đầu tiên tìm hiểu giáo lý đạo Phật con như rơi tỏm vào một đại dương mênh mông, sâu thẳm. Dù thoáng bối rối và ngỡ ngàng nhưng con vẫn bình tĩnh và lần dò từng bước một theo sự chỉ dẫn của con tim và lý trí mách bảo. Con chỉ đọc những gì đơn giản mà con có thể tiếp nhận và hiểu được và biết rằng nó đúng khi soi rọi vào thực tế những gì mình đang sống. Con đọc những bài giảng của Thầy Thích Thiện Hoa, Thích Thanh Từ, Thích Nhất Hạnh, Thích Trí Siêu, của Cố Đại Lão Hoà Thượng Tuyên Hoá, HT Quảng Khâm, Cố Đại Lão HT Hư Vân... Con học Bát Nhã Tâm Kinh, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Duy Ma Cật... và thế là từng cánh cửa lần lượt mở ra trước mắt con với bao điều thích thú và khi ấy con biết chắc rằng mình hoàn toàn không mù quáng mà trái lại đã vô cùng sáng suốt khi quyết định như thế.  

Nhưng những gì con tìm, con học hình như vẫn chưa thoả mãn được niềm khát khao của con và cái Sự Thật rốt ráo cuối cùng ấy hình như vẫn còn lẩn khuất đâu đó mà mãi con vẫn chưa nhận diện được Thầy ạ, vì những cụm từ đầy nghĩa lý cao siêu như Phật tánh, Bản Lai Diện Mục, Chân Tâm thường trụ... dường như chỉ giúp con hiểu và tâm đắc trên phương diện ngữ nghĩa, còn khi đối diện với thực tại của cuộc sống thì con hoàn toàn lúng túng và sợ hãi khi vẫn chưa nhận diện được bản chất thực của nó để rồi tưởng thì vẫn cứ tưởng mà buồn phiền bực dọc thì vẫn cứ buồn phiền bực dọc vì hình như mình chỉ đang cố gắng đè ép nó trong vô vọng mà thôi. Nhưng dù thế nào đi nữa thì trong con vẫn luôn tồn tại một niềm tin rằng SựThật vẫn đang rất gần và chắc chắn một ngày nào đó con sẽ tìm thấy nó và con luôn tin như thế! 

Thế rồi một điều mầu nhiệm đã đến với con khi tình cờ trong lúc lên mạng tìm đọc kinh sách, con vô tình thấy được quyển “Thực Tại Hiện Tiền” của Thầy và lập tức bị lôi cuốn bởi 02 từ duy nhất “Sự Thật” vì con là một con bé thích nhất sự Chân Thật, luôn khao khát đi tìm Sự Thật. Càng đọc, càng nghe những bài giảng của Thầy con thích thú vô cùng và trong con tin chắc rằng điều mà mình mong mỏi khát khao tìm kiếm bấy lâu phải chăng chính là đây? Cách Thầy giảng rất dễ hiểu, đơn giản và mộc mạc như chính con người của Thầy vậy dù con chưa một lần diễm phúc được diện kiến Thầy, và quan trọng là những điều ấy rất thật và rất gần gũi với những gì mà con đang sống.  

Rồi vào một buổi sáng đẹp trời trên đường đi làm với một tâm tư luôn khao khát tìm kiếm Sự Thật cùng với một tâm hồn nhẹ nhàng lắng trong, vượt lên trên tất cả, con nhận ra rằng, thì ra Vạn Pháp tồn tại trong vũ trụ này không ngừng biến chuyển từng sát-na, cũng như ngày xưa con đã được học rằng, “vật chất không tự sinh ra và cũng không tự mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác” và con người chúng ta cũng không ngoại lệ, có chăng thì chỉ là một dạng vật chất cao cấp mà thôi. 

Vạn pháp đến đi thật tuyệt vời 

Tuỳ duyên biến hiện đấy con ơi! 

Không Có, không Không cũng là thế. 

Rằng hiểu rồi con sẽ nên người”.

Qua Thầy con đã biết được bao điều tuyệt vời mà Thầy đã chia sẻ cùng chúng con nhưng thích nhất và ấn tượng nhất  trong con là bài “Bậc chân tu đạo hạnh”. Con đã khóc rất nhiều khi đọc được bài viết ấy vì bao lẽ “Thương Thầy quá, Thầy ơi!”, bài “Bác Hai Như Sanh” với tác phẩm “Cặn bã ký ức” mà con rất thích, bài “Tư tưởng Lão Tử qua quan điểm Phật học” để rồi một ngày trong con bừng tỉnh lại và mỉm cười khi chợt nhận ra rằng, “Sự thật hoàn toàn không cao siêu mà đơn giản chỉ là thực tại mà chúng ta đang sống, sống một cách Trọn Vẹn thì chắc chắn nhận ra nó mà thôi”, phải không Thầy? 

Khi nhận ra Lẽ Thật con thấy mình không là gì cả mà cũng là tất cả trong cái vũ trụ mênh mông bao la vô cùng tận, “Ta không Ta trong cái gọi là Ta. Ta chưa bao giờ sinh ra và cũng chưa bao giờ mất đi”. Nhìn tổng thể trên bình diện tuyệt đối thì bản thân Pháp vốn dĩ đã luôn tự vận hành một cách hoàn hảo - hoàn hảo đến tuyệt vời - vậy thì những khái niệm như đẹp xấu, hơn thua, được mất, cao thấp, sang hèn... thật ra chỉ là những ý niệm, hay như Thầy nói là những “nhãn mác” do con người tự gán lên cho nó mà thôi. Và khi sống ở trên bình diện Chân Đế thì đối với con tất cả đều tuyệt vời cho đến từng cái cây, cọng cỏ, từng tiếng chim hót, từng chiếc lá rơi... và đó là cả một Sự Mầu Nhiệm, Thầy ạ! 

Thật sự con vốn rất dở văn và dù những câu từ, ngôn ngữ hạn hẹp không thể diễn tả được hết tất cả những điều mà lòng con muốn nói nhưng con vẫn tin rằng với Tình Thương Bao La không bờ bến của Thầy thì chắc chắn rằng Thầy sẽ hiểu con vì Sự Thật thì chỉ cần thấu hiểu bằng sự cảm nhận chứ không hẳn bằng lời nói, phải không Thầy? Và ngày hôm nay ngồi viết những dòng chữ này con muốn mình sống thật Trọn Vẹn với Thực Tại từng phút giây để rồi cho dù cơn gió vô thường có xảy đến với con đi chăng nữa thì con vẫn mỉm cười và đón nhận nó trong sự biết ơn khôn cùng vì nhờ có nó mà con biết trân trọng mỗi phút giây mình đang sống, sống trọn vẹn không hối tiếc quá khứ không vọng cầu tương lai và với con đó là tất cả, Thầy ạ!  

Vì Vô Thường nên Vô Ngã. 

Vì Vô Ngã nên vốn Không.

Vì tất cả là trùng trùng Duyên khởi”. 

Gởi đến Thầy với tất cả niềm kính yêu và lòng Biết Ơn trong muôn một!

Mong một ngày con sẽ được đến thăm Thầy dù chỉ lặng lẽ ngắm nhìn Thầy – Vị Bồ Tát của lòng con!

Kính thư,
Con Hương Tuệ.

  


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024