• Về thói ngồi lê mách lẻo
  • Tác giả: Krishnamurti

VỀ THÓI NGỒI LÊ MÁCH LẺO


Hỏi:
- Ngồi lê mách lẻo có cái giá trị trong sự phát hiện bản thân, nhất là trong sự phát giác về người khác. Một cách nghiêm túc, tại sao lại không dùng sự ngồi lê mách lẻo để khám phá "cái đang là", thực tại. Dù từ ngữ "ngồi lê mách lẻo" đã bị nhiều thế hệ chỉ trích, nhưng điều đó không làm cho tôi phải ớn lạnh, sợ hãi nó.

Krishnamurti đáp:
- Tôi thắc mắc tại sao chúng ta lại có thói ngồi lê mách lẻo? Không phải vì lý do nó phơi bày chuyện của những người khác cho chúng ta thấy. Và tại sao chúng ta lại muốn chuyện của những người khác bị phơi bày ra? Tại sao bạn lại muốn biết chuyện của những người khác? Tại sao lại có vấn đề đặc biệt quan tâm đến người khác này?
Trước hết, tại sao chúng ta ngồi lê mách lẻo? Đây là một dạng của nội tâm không an lạc, phải vậy không? Cũng giống như lo lắng, ngồi lê mách lẻo biểu thị một tâm trí bồn chồn, không yên tịnh. Tại sao lại khát khao xen vào chuyện người khác, muốn biết người khác làm gì, nói gì? Một tâm trí quá nông cạn, hời hợt, thì mới ngồi lê đôi mách, phải vậy không? -- một đầu óc tò mò xoi mói được hướng dẫn sai lầm. Người hỏi dường như nghĩ rằng vì thấy anh ta quan tâm tới họ, những người khác sẽ bày tỏ với anh ta về những công việc, tư tưởng và ý kiến của họ. Nhưng liệu chúng ta có hiểu được người khác khi mà chúng ta không tự hiểu nổi chính mình chăng? Nếu chúng ta không biết cung cách suy nghĩ, hành động và cư xử của chính mình thì liệu chúng ta có thể phê phán người khác được chăng? Tại sao lại có cái sự kiện đặc biệt xen vào chuyện của người khác này? Phải chăng sự thèm muốn moi móc coi thế nhân nghĩ gì, cảm tưởng ra sao, ngồi lê mách lẻo thế nào chính là một cách lẩn tránh? Phải chăng điều đó cho chúng ta cơ hội lẩn tránh chính bản thân chúng ta? Phải chăng đồng thời nó cũng tiềm ẩn sự khao khát xâm lấn vào đời sống của những người khác? Không dính dáng, xen lấn vào chuyện người khác thì phải chăng cuộc đời của chính chúng ta không đủ khó khăn, không đủ rắc rối, không đủ đau khổ hay sao? Chúng ta lại còn có thì giờ để mà nghĩ về những người khác với cung cách xấu xa, tàn nhẫn, ngồi lê mách lẻo như vậy hay sao? Tại sao chúng ta làm vậy? Bạn biết đó, mọi người đều làm thế. Trên thực tế, hầu như mọi người đều ngồi lê mách lẻo về chuyện người khác. Tại sao vậy?
Tôi nghĩ rằng, trước nhất, chúng ta ngồi lê mách lẻo về người khác vì chúng ta không quan tâm một cách thích đáng đến tiến trình tư tưởng và hành động của chính bản thân. Chúng ta muốn coi người khác hành xử ra sao để -- nói một cách dễ nghe -- chúng ta bắt chước họ. Thông thường, khi chúng ta ngồi lê mách lẻo là chúng ta chỉ trích người khác, nhưng mà thôi thì chúng ta cứ diễn giải một cách độ lượng, có thể là chúng ta muốn bắt chước người khác. Nhưng sao chúng ta lại muốn bắt chước người khác? Phải chăng điều đó nói lên sự quá nông cạn của chúng ta? Đó là từ cái đầu óc quá sức ù lì muốn có điều hứng thú nên phải vọng ra khỏi nội tâm để mong đạt được. Nói cách khác, phải chăng ngồi lê đôi mách là một hình thức của cảm giác, ở đó, chúng ta đắm chìm trong sự thỏa mãn? Có thể đó là một loại cảm giác khác biệt, nhưng luôn luôn vẫn là từ niềm khao khát tìm kiếm sự thích thú, sự giải trí.
Nếu thực sự đi sâu vào vấn đề này, rồi trở về nội tâm, người ta sẽ nhận ra rằng bản thân thật là quá hời hợt, nông cạn, cho nên mới tìm kiếm sự thích thú từ bên ngoài qua hành động bàn tán chuyện thị phi về người khác.
Lần tới, khi bạn đang ngồi lê mách lẻo chuyện người, nếu chợt tỉnh, nhận ra được, hãy quay vào nội tâm, nó sẽ chỉ cho bạn rất nhiều về chính bản thân bạn. Đừng che dấu bằng cách nói rằng bạn chỉ muốn tìm hiểu về người khác. Bàn tán chuyện thị phi, ngồi lê mách lẻo biểu thị nỗi bất an, một cảm giác khích động, một sự nông cạn, một sự thiếu chân thành quan tâm sâu sắc đến kiếp nhân sinh, vốn không liên quan gì tới thói ngồi lê đôi mách.
Vấn đề tiếp theo là làm sao để chấm dứt thói ngồi lê mách lẻo? Đây là vấn đề kế tiếp, phải vậy không? Khi bạn trực nhận ra rằng bạn đang ngồi lê mách lẻo, làm thế nào bạn ngưng lại được? Nếu nó đã trở thành một thói quen, một tật xấu xẩy ra liên tục, ngày này qua ngày khác, làm thế nào bạn có thể ngưng lại được?
Câu hỏi đó đã nảy ra trong tâm bạn chưa?
  
Khi bạn biết là bạn đang ngồi lê mách lẻo, khi bạn ý thức được là bạn đang ngồi lê đôi mách, nhận ra được tất cả những ẩn ý của sự bép xép chuyện thị phi, lúc đó bạn có tự nhủ: "Làm thế nào mình ngưng lại được nhỉ?" chăng? Không phải là thói xấu đó tự ngưng lại ngay khi bạn trực nhận ra được là bạn đang ngồi lê đôi mách đó sao? Chữ "làm thế nào" không hề xuất hiện. Chữ "làm thế nào" chỉ xuất hiện khi bạn không tỉnh thức, và thói ngồi lê mách lẻo là biểu hiệu của sự thiếu tỉnh thức. Bạn hãy tự thể nghiệm thì sẽ biết, lần tới, khi bạn đang bàn chuyện thị phi về người khác, ngay khi bạn trực nhận ra là bạn đang ngồi lê mách lẻo, thì cái miệng lưỡi bẻo lẻo sẽ chấm dứt ngay lập tức. Sự chấm dứt này không đòi hỏi phải có hành động của ý chí. Tất cả điều cần thiết là phải tỉnh giác, ý thức được điều mình đang nói và nhìn rõ ẩn ý của nó. Bạn không phải kết án hoặc bào chữa cho thói ngồi lê mách lẻo. Chỉ cần tỉnh giác nhận ra nó rồi bạn sẽ thấy nó biến đi nhanh tới cỡ nào; bởi vì nó hé mở cho ta thấy cung cách hành xử, phẩm hạnh, chiều hướng suy tư của chính ta; trong sự bộc lộ này, ta nhận ra được bản thân, điều đó còn quan trọng hơn nhiều so với sự ngồi lê mách lẻo về chuyện người khác đang làm gì, đang nghĩ gì, họ đang cư xử ra sao.
Phần đông chúng ta, những độc giả nhật báo, trong tâm trí thường là đầy nhóc những chuyện thị phi trên thế giới. Tất cả đều là một cách trốn tránh sự phải đối diện với bản thân, với sự nhỏ nhen, sự xấu xa của chính mình. Chúng ta nghĩ rằng với sự quan tâm một cách hời hợt đến những sự kiện xẩy ra trên thế giới, chúng ta ngày càng trở nên thông thái, tăng thêm khả năng xử thế trong đời sống của chính chúng ta. Thật ra thì tất cả những chuyện này cũng chỉ là những cách cho chúng ta lẩn tránh khỏi phải trực diện với bản thân, phải vậy không? Từ đáy lòng, chúng ta thật là rỗng tuếch, nông cạn, chúng ta sợ hãi phải nhìn thẳng vào sự thật của chính chúng ta. Nội tâm chúng ta quá thấp thỏi cho nên sự ngồi lê mách lẻo đã đóng vai trò của một hình thức tiêu khiển phong phú, khoái trá, một cách thoát ly thực tế của bản thân. Chúng ta cố gắng lấp đầy khoảng trống đó bằng kiến thức, bằng những nghi lễ, bằng thói ngồi lê mách lẻo, bằng những buổi hội họp đông đảo -- bằng vô số cách trốn tránh, khiến cho sự thoát ly bản thân trở thành điều tối quan trọng chứ không phải là sự thâm nhập được cái đang "là", thực tại. Thâm nhập cái đang "là" đòi hỏi một sự tập trung tâm ý; biết rằng mình trống rỗng, mình đau khổ, phải cần đến sự quan tâm sâu xa chứ không phải là sự lẩn tránh, nhưng phần lớn chúng ta lại thích các hình thức lẩn tránh này, bởi vì nó dễ chịu, khoan khoái hơn. Ngoài ra, khi chúng ta biết rõ về mình, cũng khó cho chúng ta khi phải đối phó với bản thân, đó là một trong những vấn đề mà chúng ta phải trực diện. Chúng ta không biết phải làm gì. Khi tôi biết rằng nội tâm tôi trống rỗng, rằng tôi đang khổ sở, rằng tôi đang đau đớn, tôi không biết phải làm gì, phải hành xử cách nào. Cho nên cực chẳng đã, người ta phải ứng dụng mọi cách để thoát ly.
Câu hỏi là, phải làm gì?

  
Hiển nhiên, chắc chắn là người ta không thể bỏ chạy; vì đó là cung cách vớ vẩn và trẻ con nhất. Nhưng khi bạn trực diện với con người thật của bạn, bạn phải làm gì? Trước nhất, bạn có thể nào không phủ nhận hoặc biện hộ mà chỉ giữ nguyên tình trạng, bạn vốn thế nào thì cứ để y vậy? -- điều này vô cùng khó khăn vì cái tâm luôn luôn tìm tòi sự giải thích, sự buộc tội, sự nhận dạng. Nếu nó lại không làm điều gì trong những chuyện này, mà chỉ giữ nguyên trạng thái, thì nó lại có vẻ như là đã chấp nhận cái gì đó. Nếu tôi chấp nhận rằng da tôi màu nâu, thế là mọi sự chấm dứt; nhưng nếu tôi lại khao khát đổi màu da cho sáng hơn, thế là có chuyện lôi thôi phiền toái xẩy ra. Chấp nhận mọi sự như là nó đang "là", là điều khó khăn nhất; người ta chỉ có thể làm điều đó khi không có sự trốn tránh, và lên án hoặc biện minh là một hình thức trốn tránh.

Vì thế, khi người ta hiểu được toàn bộ quá trình dẫn đến thói ngồi lê mách lẻo và khi người ra nhận ra được sự ngu xuẩn, độc ác và tất cả những điều bao gồm trong chuyện ngồi lê mách lẻo, người ta sẽ còn lại được tự thể, như nó vốn là như thế. Và chúng ta thường giải quyết chuyện ngồi lê mách lẻo này bằng cách hoặc là tiêu diệt nó hoặc là thay đổi nó bằng điều khác. Nếu chúng ta không làm những điều đó, nhưng chỉ tiếp cận nó với sự thấu hiểu, sống trọn vẹn với nó, rồi chúng ta sẽ thấy nó không còn là điều khiến cho chúng ta phải kinh hãi nữa.
Khi đó mới có khả năng chuyển hóa được vấn đề.
(Krishnamurti -- The First and Last Freedom)


[ Ðầu trang ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024