Kết quả Tìm Kiếm: Có 71 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'ngũ uẩn'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 27-02-2015
Câu hỏi:
Con xin thành tâm sám hối trước Thầy vì hí luận nhiều quá. Ý của con là như vầy Thầy ạ: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đều sinh diệt không ngừng, khi thân hoại mạng chung thì mọi thứ đều đi con đường của nó, nói diệt cũng đúng mà nói sinh cũng đúng ví dụ như Sắc, tánh vẫn là tứ đại chẳng sinh chẳng diệt, tướng thì thay đổi (chuyển) thành con giun chẳng hạn, cái này con cũng hiểu, cũng như thế đối với Thọ, Hành, Thức con cũng hiểu! Nhưng với Tưởng (trí nhớ) thì con không biết nó chuyển thành cái gì? Rõ ràng kiếp trước học toán rất giỏi, thuộc nhiều áng văn thơ, khi chuyển kiếp bị (xóa) luôn như là format bộ nhớ của computer vậy! <p>
Và nếu ngồi một mình, thư giãn, buông xả suy ngẫm những thứ như trên thì có gọi là quán Pháp không ạ? <p>
Một lần nữa con sám hối trước Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tưởng không phải là trí nhớ mà là nhận biết "tướng" hoặc "tượng" của đối cảnh qua khái niệm nên mới gọi là tưởng tri. Khác với thức tri, trong đó có cái biết của ngũ thức chưa qua khái niệm và cái biết của ý thức phải lấy thông tin của tưởng để tạo hoặc tái tạo khái niệm rồi tư tưởng và hình thành quan niệm. Vì tưởng chứa đựng khái niệm nên phải "nhớ lại" mà gọi là hồi tưởng (khái niệm quá khứ), nhưng nó cũng "dự phóng" nên gọi là tưởng tượng (khái niệm tương lai). Vì vậy tưởng chuyển thành "tướng" hoặc "tượng" nên gọi là tướng do tưởng sinh.
Ngày gửi: 26-02-2015
Câu hỏi:
Con xin cung kính đảnh lễ Thầy! Năm mới, con cầu chúc Thầy sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh và trí tuệ sáng suốt! Con luôn luôn vô cùng hoan hỷ khi đọc và nghe Pháp Thầy, từ đó con có giác cảm của sự tiến hóa, nhưng cũng phải tự nhận là có rõ một chút Lý, còn Sự thì kinh nghiệm chưa được nhiều Thầy ạ! <p>
Qua Đông, Xuân lại tới (Sắc)<p>
Hết Lạc, Khổ theo liền (Thọ)<p>
Nhân gieo, Quả ứng khởi (Hành)<p>
Nghiệp chuyển, chuyển liên miên (Luân hồi)<p>
Tưởng chuyển, lại bị tắc <p>
Cố cũng không hiểu ra <p>
Thầy từ bi khai ngộ <p>
Trí nhớ chuyển ra gì? <p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Hỏi gì thầy không hiểu,
"Trí nhớ chuyển" nghĩa gì,
Làm sao khai ngộ được,
Mà thể hiện từ bi?
Ngày gửi: 19-12-2013
Câu hỏi:
Thưa thầy! Con đã đọc khá nhiều tài liệu về Ngũ uẩn mà vẫn chưa thật sự hiểu cặn kẽ về nó. Khi đọc cuốn "Thực tại hiện tiền" của thầy, con thấy thầy lý giải về ngũ uẩn rất phù hợp với thực tế nhưng vì đọc nhiều tài liệu, đều của các vị có tiếng tăm, nên giờ con khá hoang mang không biết nên căn cứ vào đâu ạ. <p>
Đặc biệt con thấy thầy còn vận dụng vào phân tích của mình những kiến thức của Vi Diệu Pháp và Duy Thức Học, mà con thì nghĩ rằng mình vẫn chưa đủ tầm để đọc và nghiên cứu những mảng đó. Vậy có cách nào giải thích về Ngũ Uẩn đơn giản hơn không ạ? <p>
Con cũng thấy trong Kinh Nguyên Thủy, hình như Đức Phật chưa bao giờ nói rõ ràng về Sắc Uẩn, Tưởng uẩn,.. là gì. Liệu có phải đó là kiến thức thông thường vào thời đó không ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con nói như vậy là vì chưa đọc hết Kinh Nguyên Thủy và nhất là Vi Diệu Pháp đó thôi. Tuy nhiên, đừng căn cứ vào luận giải của bất kỳ ai khác, kể cả Kinh Điển của bất cứ Tông phái nào, đó chỉ là giới thiệu khái quát thôi, tốt nhất con nên quan sát lại chính mình để thấy cái gì là sắc (phần tương quan của vật lý và sinh lý hay căn và trần), cái gì là thọ (phần cảm giác và cảm xúc), cái gì là tưởng (phần tri giác), cái gì là hành (phần thái độ phản ứng của nhận thức và hành vi thiện ác, đúng sai, xấu tốt...), cái gì là thức (phần thu gom kinh nghiệm, hữu thức và vô thức) thì con sẽ tự khám phá ngũ uẩn là gì một cách đơn giản, thiết thực và chính xác. Những nhà phân tâm học không biết gì về Vi Diệu Pháp hay Duy Thức học họ vẫn chiêm nghiệm được hoạt động của thân tâm, vậy sao con không tự mình khám phá sự thật?
Ngày gửi: 20-11-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,
Con là Phật tử ở Sydney có nghe Thầy giảng pháp ở Cabramatta vừa qua. Thầy giảng pháp hay quá nên con có đọc thêm sách của Thầy. Con có một thắc mắc, nhờ Thầy giảng cho con hiểu. Khi căn + trần + thức = xúc --> thọ --> tưởng --> hành --> thức. Vậy cái tánh biết nó nằm ở đâu, có phải ở thức của căn và trần hay ở tưởng? Con cũng có nghe Thầy giảng về sinh tử luân hồi và Niết-bàn, nó ở tại đây. Vậy nếu không có bản ngã là sẽ không có sinh tử luân hồi, phải không Thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trừ ngũ căn ngũ trần thuộc về sắc pháp, những pháp còn lại thuộc về danh pháp hay tâm pháp. Tánh biết là đặc tính ưu việt nhất của tâm, nó có thể biết được tất cả sắc pháp tâm pháp khác nhưng nó không bị đồng hoá với bất kỳ tâm pháp sắc pháp nào. Nói rõ hơn nó không phải là sắc thọ tưởng hành thức, nhưng nó biết rõ diễn biến của 5 uẩn này. Do đó, trong Tứ Niệm Xứ, tánh biết mới có thể biết thân, thọ, tâm và pháp mà vẫn không động.
Ngày gửi: 13-10-2013
Câu hỏi:
Kính thưa thầy! Con hiểu như thế này không biết có đúng không: <p>
Bản ngã được tạo ra do nhận thức sai lầm của quá trình ngũ uẩn. Đó là tưởng nhận biết đối tượng qua khái niệm. Dựa vào thọ và tưởng biết đối tượng sai nên hành phản ứng tạo tác tham sân si. Nhận thức đúng là biết đối tượng đúng với thực tánh pháp và không phản ứng can thiệp vào sự vận hành của pháp. Xin thầy cho con ý kiến <p>
Con chúc thầy luôn khỏe mạnh. Con xin cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đúng rồi. Bản ngã chỉ là ảo tưởng, hoàn toàn không có thực, nó như là ảo ảnh trong một giấc chiêm bao mà ngũ uẩn đi lệch hướng tạo ra. Tỉnh dậy thì liền trở lại thế giới bình thường của thực tánh pháp. Đó chính là "Bình thường Tâm thị Đạo" của Nam Tuyền hay "Tri thường viết minh" trong "Đạo thường" của Lão Tử vậy. Ngũ uẩn trong tướng dụng tự nhiên thì không sai, nhưng khi nó tích tập kinh nghiệm thành sở tri sở đắc rồi chấp thủ lấy đó làm ta và của ta tách biệt với pháp thì mới hình thành bản ngã.
Do đó ngũ uẩn nguyên là gốc của quá trình nhận thức và xử lý thông tin tự nhiên, mà yếu tố cơ bản không thể thiếu là xúc, thọ, tưởng, tư, tác ý... trong đó nếu hành mà cơ bản là tư không phải là phản ứng tạo tác lăng xăng để trở thành và chồng chất thêm nhân quả nghiệp báo của cái ta lý trí vọng thức, mà là sự soi chiếu từ gốc của tánh biết là ngũ căn tín-tấn-niệm-định-tuệ thì nó trở thành đại dụng của hậu đắc trí trên đường hoàn thành phần tướng dụng của tuệ giác.
Ngày gửi: 08-10-2013
Câu hỏi:
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Thầy, người Cha dẫn đường chỉ lỗi cho chúng con.
Kính thưa Thầy, cho con hỏi:
Ngũ uẩn là gì? Thực hành như thế nào để thấy rõ, biết rõ ngũ uẩn, sự sanh diệt của ngũ uẩn?
Con xin thành kính tri ân cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Quá trình ngũ uẩn diễn ra khi căn tiếp xúc với đối tượng trần cảnh tương ứng, đó là SẮC, sự tiếp xúc ấy sinh ra những cảm giác, đó là THỌ, nhận biết xúc và thọ và đối tượng là TƯỞNG, có thái độ phản ứng trên đối tượng là HÀNH, và tùy phản ứng ấy là loại tâm gì thì đó là THỨC. Thí dụ: Tai nghe một âm thanh, đó là SẮC, có cảm giác dễ chịu, đó là THỌ, nhận biết âm thanh và sự dễ chịu là TƯỞNG, ham thích âm thanh ấy là HÀNH, chuỗi diễn biến này có nội dung là tham nên THỨC lúc đó chính là tâm tham. Tiến trình này có thể lặp đi lặp lại rất nhiều lần do đó tâm tham này mới kéo dài lâu được.
Khi quá trình 5 uẩn này diễn ra thì một cái "Ta" khởi lên có ảo tưởng rằng "Ta" nghe, "Ta" cảm thấy dễ chịu, "Ta" thích, rồi cái "Ta" cố gắng duy trì sự ưa thích đó và ghi nhớ vào bhavanga (tiềm thức, Alaya thức). Quá trình này lặp đi lặp lại từ hữu thức đến vô thức nên ngày càng chồng chất phức tạp mà gọi là UẨN. Muốn hóa giải sự hình thành 5 uẩn - tức tiến trình tâm này - thì không thể dùng TƯỞNG UẨN hay THỨC UẨN của chính tiến trình tâm ấy, vì tiến trình hiện tại không thể tự quan sát chính nó. Vì vậy dùng sự quan sát của tánh biết để thấy tiến trình ngũ uẩn đang diễn ra, đó là tánh biết của tâm có thể thấy được hiện tướng của tâm đang diễn ra đồng thời. Đây chính là pháp hành chánh niệm tỉnh giác trên diễn biến của thân thọ tâm pháp để thấy rõ ngũ uẩn và hóa giải sự hình thành bản ngã.
Ngày gửi: 09-06-2013
Câu hỏi:
Thưa Thầy! Đầu thư, con xin được vấn an Thầy ạ!<p>
Gần đây con đọc lại ba cuốn "Sống trong thực tại" và "Thực tại hiện tiền", "Lá thư Thầy" con thấy và hiểu ra nhiều điều sâu sắc mà trước đây con chỉ hiểu phần nào. Con nhận ra đây là cốt tủy của Đạo Phật và là tâm huyết cả một đời tu tập của Thầy. Con thích nhất là bài giảng về ngũ uẩn và sự tạo thành ngũ uẩn. Những hiểu biết này đã giúp con thấy ra và không bị một số tham ái "khó" chi phối. Con rất biết ơn Thầy đã khai sáng cho con, nhất là vấn đề phải thấy ra bản ngã và buông bản ngã mới là con đường tu tập đúng. <p>
Thưa Thầy, trưa nay con bị ngất do một cơn đau bụng bên ngoài nhà vệ sinh. Trong khoảng khắc bị ngã, con thấy ý thức không hề làm chủ được tình huống, con thấy trong tâm lúc đó cũng không có một phản ứng nào cả. Rất nhanh, con tỉnh dậy và thấy mình nằm trên sàn nhà. Lúc đó con đứng dậy và vào nhà vệ sinh, con thấy trong tâm bắt đầu có phán đoán, suy nghĩ về sự việc vừa xảy ra. Con xin hỏi Thầy là tâm hay biết khoảnh khắc lúc con đang bị ngất có phải là tánh biết không Thầy? <p>
Xin Thầy từ bi khai sáng cho con. Con xin cảm ơn Thầy và chúc Thầy khỏe mạnh trên đường hoằng pháp.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tánh biết hoạt động cả khi hữu thức lẫn vô thức. Cái giây phút thấy biết trong sáng đầu tiên khi chưa khởi lên ý niệm nào của bản ngã chính là tánh biết, nhưng sau đó khái niệm của lý trí, tình cảm riêng tư xen vào làm giới hạn tầm nhìn rỗng lặng trong sáng của tánh biết mà hình thành ảo tưởng "ta thấy", "ta biết" ... Thiền nói thấy "bản lai diện mục lúc chưa sinh" chính là chỉ ra tánh biết lúc chưa bị bản ngã che lấp. Con cứ ngay nơi thực tại thân tâm mà thấy thì sẽ trực nhận ra đâu là tánh biết, đâu là vọng thức mà không cần qua kiến thức nào cả.
Ngày gửi: 21-10-2012
Câu hỏi:
Kính bạch thầy con có chỗ chưa hiểu trong giáo lý Đạo Phật mong thầy hoan hỷ giúp con!
- Nếu ngũ uẩn vô ngã thì cái gì đi luân hồi? mặc dù con cũng được biết Đao Phật giải thích là nghiệp đi luân hồi, nhưng con cũng chưa hiểu rõ lắm. Kính mong thầy giảng giải và cho vi dụ dễ hiểu. Con cảm ơn thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu không còn cái ta thì sự hình thành ngũ uẩn cũng không còn, làm sao còn luân hồi được nữa. Có thể còn nhân quả nơi danh sắc nhưng không còn gọi là luân hồi. Ví dụ cái quạt máy khi ngắt dòng điện thì mặc dù cánh quạt còn quay nhưng thực ra cái quạt đã ngưng hoạt động ngay khi không còn điện vậy.
Ngày gửi: 24-07-2012
Câu hỏi:
Con xin thành kính đảnh lễ thầy! <p>
Dạ thưa thầy, thầy cho con xin hỏi việc sau: mấy hôm trước con và một số người làm cỏ chung với nhau, sau khi xong việc, mọi người đổ cỏ vào gốc cây. Lúc không có mọi người ở đó, con đi ngang qua, nhìn thấy đống cỏ đó, con liền nhớ tới họ với tâm hoan hỉ hơn là trọn vẹn với cái đang là tức là nhìn thấy cỏ như nó đang là, lúc đó con chợt nghĩ, à thì ra cái này là tưởng đây, vậy thầy cho con hỏi con suy nghĩ như vậy có đúng không và cái suy nghĩ "đây là tưởng" nó là cái gì vậy? Con xin thành kính tri ân thầy!<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi con thấy một sự kiện (đống cỏ) và hồi tưởng đến những người làm cỏ với tâm hoan hỷ thì trong đó có những hoạt động như sau:
1) Mắt tiếp xúc với sắc (đống cỏ).
2) Cảm thọ hỷ.
3) Tưởng nhận ra đống cỏ.
4) Nhớ lại những người làm cỏ với phản ứng tâm hoan hỷ.
5) Thu nhận những diễn biến trên vào bộ nhớ (nên bây giờ mới kể lại với thầy được).
Năm giai đoạn thu thập kinh nghiệm trên được gọi là ngũ uẩn (theo thứ tự sắc --> thọ --> tưởng --> hành --> thức).
Nếu con đắm chìm trong 5 khâu này thì đó là hoạt động của cái ta ảo tưởng. Nếu con thấy khâu 1 với chánh niệm tỉnh giác thì gọi là niệm thân. Nếu con thấy khâu 2 với chánh niệm tỉnh giác thì gọi là niệm thọ, nếu con thấy khâu 3, 4 và 5 với chánh niệm tỉnh giác gọi là niệm tâm. Nếu con thấy toàn bộ diễn biến của cả 5 khâu với chánh niệm tỉnh giác thì gọi là niệm pháp. Vậy nếu không bị tưởng cuốn mất vào hoạt động của bản ngã mà tánh biết vẫn chánh niệm tỉnh giác thì cũng đâu có sao. Tánh biết thật kỳ diệu dù con đang thế nào tánh biết vẫn có thể thấy biết hết, do đó thường quay về tánh biết thì không bị đắm chìm trong hành trình ngũ uẩn của bản ngã vậy.
Ngày gửi: 14-03-2012
Câu hỏi:
Có một số vị Thầy giảng rằng vì "ngũ uẩn giai không" nên không có ma do thức uẩn cũng giai không. Con rất băn khoăn về vấn đề này. Mong thầy từ bi chỉ dạy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Ngũ uẩn là quá trình tạo tác của bản ngã cho nên nói "ngũ uẩn giai không" có nghĩa là không còn khởi tâm vọng động tạo tác, hay hoàn toàn vô ngã của các bậc Thánh trí tuệ thâm sâu (thâm bát-nhã). Chúng sanh thì còn vọng động tạo tác nên đều gọi là "ngũ uẩn giai hữu". Ma chính là một trong những loại chúng sanh "ngũ uẩn giai hữu" chứ làm sao mà không được!