Kết quả Tìm Kiếm: Có 1151 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'nguyên lý tu tập'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 14-11-2010
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, chị con từ nhỏ đến giờ, gần 60 tuổi, rất khổ vì vô minh, có nhiều tham sân si phiền não, làm khổ mình, làm khổ ba mẹ con và những người trong gia đình nhưng không muốn biết đạo, đừng nói chi đến tu tập. Chị thường xuyên mượn tiền mọi người và than thở, được nhận lời khuyên nhưng tánh nào tật nấy. Bây giờ chị kêu cứu đến con, con có nên tránh những người như vậy không. Con kính xin Thầy cho con lời khuyên vì con chủ trương chỉ có tu, có trí tuệ mới hết khổ thôi. Con xin tạ ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tu là tốt nhưng không phải chỉ lo sao cho mình giải thoát mới là tu, mà chia sẻ với những nỗi khổ đau của người khác, cảm thông tha thứ cho những lỗi lầm của người khác, phục vụ cho lợi ích tha nhân... nghĩa là sống vô ngã vị tha, thì đó cũng chính là tu. Con thử tập lắng nghe chị ấy, tiếp cận chị ấy với lòng thương yêu thông cảm, những người tội lỗi lại cần lòng thương yêu và thông cảm hơn ai khác, biết đâu tình thương yêu của con lại chuyển hóa được chị ấy. Thật ra những người tội lỗi rất đáng thương yêu tha thứ phải không? Nếu con làm được như vậy thì sự tu tập của con sẽ tiến bộ vượt bậc đó.
Ngày gửi: 09-11-2010
Câu hỏi:
Thưa Sư, xin Sư chỉ cho con được rõ, con nghe giảng chỉ cần con người thoát ly Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) thì người đó đã đoạn tận phiền não và thể nhập Niết Bàn. Thưa Sư, quan niệm đó theo tinh thần Phật giáo Nguyên Thủy sai khác thế nào? Vì con có được nghe Sư giảng về giới, định, tuệ có 3 loại trong đó khi ta ngồi nghe Pháp hay đọc Kinh thì giới, định, tuệ ngay lúc đó là tự nhiên không phải do bản ngã tạo ra! Con thấy vấn đề đó cũng gần như khi xa lìa được ba cõi Dục, Sắc và Vô Sắc thì con người sẽ buông bỏ được tất cả sẽ an lạc! Xin Sư hoan hỷ cho con được tỏ tường!
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nói chung là khi giới định tuệ được viên mãn thì thoát khỏi tam giới. Nhưng nếu giới định tuệ do bản ngã cố gắng hoàn thiện thì không bao giờ viên mãn được. Chí có tự tánh giới định tuệ mới viên mãn được thôi. Vì vậy pháp thiền Vipassanà Trong Phật Giáo Nguyên Thủy sử dụng giới định tuệ tự tánh (vô ngã) để loại trừ cái ta ảo tưởng muốn đạt thành. Cái ta luôn tạo ra tam giới, nên nó không bao giờ thoát ly được tam giới. Thoát ly tam giới đồng nghĩa với chấm dứt cái ta ảo tưởng. Bài kệ:
Học Đạo quý vô tâm
Làm, nghĩ nói khộng lầm
Sáng, trong và lặng lẽ
Giản dị mới uyên thâm
chính là mô tả một đời sống sáng suốt, định tĩnh, trong lành thoát ly tam giới vậy
Ngày gửi: 07-11-2010
Câu hỏi:
Bạch thầy, xin thầy giới thiệu vài trường phái thiền hiện nay mà thầy tâm đắc nhất để chúng con có thể nương theo tham cứu học hỏi. Xin thầy hoan hỷ chia sẻ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Câu hỏi của con vô tình làm khó thầy rồi đó, bởi vì thầy không tâm đắc một phái thiền nào cả! Đã là một trường phái với một phương pháp nhất định là đã bị rơi vào cuc bộ rồi. Thiền là trực nhận thực tại đang biến hóa vô cùng nên không thể rập khuôn theo một mẫu mực nào để thấy được. Thực tánh pháp phải được trực nhận với tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng và tự nhiên, không qua bất cứ hệ quy chiếu nào, nhưng các trường phái thiền đều có hệ quy chiếu riêng để đo lường pháp thì không bao giờ thấy thực tánh pháp được. Thiền không phải là rèn luyện để thấy mà buông mọi ý đồ ra mới thấy. Thiền không có đạt được điều gì vì không có tham ưu, không nương tựa, không bám víu điều gì ở đời. Cái mà thiền đạt được chính là không cần đạt được gì cả. Hãy tham cứu thực tại ngay nơi thân tâm con, ở đó có đủ tất cả, đừng tìm cầu bên ngoài, đừng trông cậy vào trường phái thiền nào cả.
Ngày gửi: 09-10-2010
Câu hỏi:
Dạ thưa thầy! Lúc trước con có ngồi thiền, nhưng bây giờ thì con không ngồi được vì không có thời gian. Nhưng khi con làm bất cứ một việc gì thì con lại chú tâm, quan sát. Vậy nó có ảnh hưởng đến trình độ thiền của con không nếu con chỉ thận trọng, chú tâm, quan sát trong khi làm và không ngồi thiền thường xuyên? Con kính thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Ngồi thiền thì phải có điều kiện thời gian nơi chốn và không ai ngồi suốt đời được, trong khi suốt ngày nếu con thường tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác hay thận trọng, chú tâm, quan sát trong mọi hoạt động của thân thọ tâm pháp thì con thể hiện giới định tuệ trọn vẹn và tối đa cho việc tu tập mà lại còn làm tròn trách nhiệm bổn phận của con đối với bản thân, gia đình, xã hội... Như vậy con có thể thực hiện được đức vô ngã vị tha, được có dịp thấy rõ mình và cuộc sống. Thiền là minh mà minh chính là thấy rõ bản chất sự thật. Chẳng lẽ sự thật chỉ có trong thế ngồi thôi sao? Đừng nhầm lẫn thiền để thấy sự thật và phá trừ bản ngã với ngồi để tìm sở đắc làm giàu cho bản ngã.
Ngày gửi: 02-10-2010
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,
1. Căn cơ hay trình độ Tâm của một người có liên hệ gì với Hệ số thông minh (IQ) không? Một người thông minh, có trình độ cao (tiến sĩ, giáo sư) khi gặp duyên tu học thì sẽ tiến bộ nhanh hơn người bình thường? Vì nếu có IQ cao thì học pháp sẽ hiểu nhanh hơn, áp dụng ít sai hơn v.v...?
2. Một người có tính cách hướng nội sẽ dễ tu hành hơn hướng ngoại phải không Thầy? Con thấy là bằng cách giảm bớt các mối quan hệ xã hội thì Tâm ít bị phân tán, dễ tu thiền hơn.
Con kính xin Thầy minh giải.
Con cám ơn Thầy
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Trình độ giác ngộ không liên hệ đến IQ. Một người giác ngộ có thể có chỉ số thông minh cao, nhưng một người có IQ cao thì không chắc gì giác ngộ được. Người có IQ cao có thể rất khôn ngoan tinh xảo, hoạt động lý tính tuyệt vời nhưng đồng thời bản ngã tham sân si cũng có thể cao theo, như vậy làm sao có trí tuệ giải thoát được. Trí tuệ đối nghịch với lý trí, nên nếu lý trí không có trí tuệ soi sáng sẽ chính là gốc của vô minh. Trí tuệ được định nghĩa như Lão Tử là: “Trí giả nhược ngu” vì nó phải hồn nhiên, chất phác, không so lường, không dục vọng (kiến tố, bảo phác, thiểu tư, quả dục). Giác ngộ giải thoát trong đạo Phật là không còn bản ngã vô minh ái dục, chứ không phải là sở học cao. Một vi Tăng 4 tháng không học thuộc một câu kệ mà vẫn đắc quả A-la-hán. Tổ Huệ Năng mù chữ vẫn ngộ. Nên Lão Tử nói “Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn”. Học lý trí thì ngày càng tăng, học đạo thì ngày càng giảm. Đó là hai thái độ đối nghịch đối với cái ta ảo tưởng vậy.
2) Hướng nội không hẳn là tốt hơn hướng ngoại. Quan trọng vẫn là thái độ tâm. Khi cần hướng nội thì hướng nội, khi cần hướng ngoại thì hướng ngoại, đôi lúc phải hướng cả hai hoặc chẳng cần hướng vào đâu cả. Người hướng nội dễ sinh thụ động, trầm trệ, nếu nặng sẽ trở thành trầm cảm, thu rút, cô lập. Người hướng ngoại dễ sinh dao động, trạo cử, nếu nặng thì bị rơi vào phấn khích, căng thẳng, bất an. Người chánh niệm tỉnh giác hay định tĩnh sáng suốt sẽ tự biết điều hòa không để thiên lệch trong ngoài.
Ngày gửi: 20-09-2010
Câu hỏi:
Dạ thưa thầy, theo con biết là cái gì sinh thì nó sẽ diệt, vậy thầy cho con hỏi Chánh Pháp có thể diệt không? Nếu Chánh Pháp bị diệt thì tại sao mọi người lại tu tập theo Chánh Pháp đó bởi vì cái gì sinh diệt cũng chính là ảo ảnh. Xin thầy giải thích cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu chánh pháp hiểu theo nghĩa là lời dạy chân chánh của bậc giác ngộ về sự thật của pháp (thực tại), thì đúng là có sinh có diệt. Nhưng chính vì vậy mà con phải mau mau tu theo chánh pháp ấy kẻo nó diệt đi thì biết bao giờ có lại mà tu! Ví như con đang đói, có người biết chỉ con đến địa chỉ như vầy như vầy để ăn cơm, vậy con phải theo chỉ dẫn đó mà đi mau, nếu không thì hết cơm đấy! Nếu con nghĩ lời nói đó nói ra đã diệt rồi đâu có giá trị gì để theo thì thôi, hoặc con nghĩ có cơm ăn rồi cũng đói lại thì không đi là tùy con, còn người đi sẽ được ăn cơm là chuyện của người ta con lo làm gi? (Thầy nói vui thôi nha).
Không phải cái gì có sinh diệt là ảo ảnh đâu. Cái có thể sinh diệt được tức là cái có diễn ra thực, còn ảo ảnh là cái không diễn ra thực nên không có sinh có diệt gì cả. Ví dụ sợi dây mà thấy là con rắn, sợi dây mới có sinh diệt, chứ con rắn là ảo ảnh thì đâu có thật mà sinh diệt? Trong trường hợp này cái tâm tưởng ra con rắn lại có sinh diệt, vì cái tâm tưởng có hoạt động thực.
Nếu chánh pháp hiểu theo nghĩa chân đế: bản chất muôn đời của pháp thì từ vô thỉ đến vô chung vẫn là bản chất ấy. Ai thấy ra được bản chất ấy cũng đều được giác ngộ giải thoát như nhau. Như vậy cũng phải thấy ra và sống thuận theo chánh pháp ấy, nếu không sẽ tự chuốc lấy đau khổ cho mình mà thôi.
Ngày gửi: 19-09-2010
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,
1.Trước đây con thực hành Thiền theo Pháp Lý Vô Vi Khoa học Huyền Bí Phật Pháp. Hiện nay con đã chuyển sang thực hành Thiền Minh sát; nhưng một số thói quen cũ đôi khi vẫn còn như: khi đang ngồi thiền thì đỉnh đầu có cảm giác rút rút làm cho con dễ bị lôi cuốn vào đối tượng này. Nếu con không chú ý thì một lúc sau sẽ hết.
2. Khi bắt đầu ngồi Thiền con hít thở sâu 3 lần bằng bụng, sau đó mới ngồi bình thường.
Kính xin Thầy chỉ dạy hai điều trên đúng hay sai và con nên làm thế nào? Con rất cám ơn Thầy
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Trong thiền vô vi mà anh nói thì chữ vô vi có nghĩa là dựa vào "năng lực cõi trên" theo Tiên Đạo, chứ không phải nghĩa không tạo tác nhân quả nghiệp báo như lời Phật dạy. Anh không nên dựa vào tha lực để tu tập, mà tu vô vi theo Phật chính yếu là xả ly cái bản ngã tạo tác hữu vi. Muốn xả ly bản ngã thì phải thấy rõ nó và hóa giải tiến trình tạo tác của nó. Điều này không phải là việc làm của bản ngã, bản ngã không thể xả ly chính mình, nó có thể từ chối bản ngã này nhưng lại tạo ra bản ngã khác. Bản ngã cũng không xuất hiện riêng trong thế ngồi mà nó có thể hiện diện khắp mọi hoạt động của mỗi người, vì vậy thiền là khám phá bản ngã trong mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoạt động.
2) Đi đứng ngồi nằm là tùy duyên, không nên ngồi nhiều. Ngồi nhiều trệ khí chỉ sinh bệnh thôi. Khi duyên cần thiết hay phù hợp với ngồi thì chỉ cẩn ngồi buông cái ta ảo tưởng lăng xăng đi thì tánh biết sẽ tự soi sáng, lúc đó dù tĩnh hay động cũng đều là pháp vô thường, khổ, vô ngã. Đâu phải ta hay của ta mà phải cố gắng lấy cái nầy bỏ cái kia theo tư ý của bản ngã. Ngồi thiền không phải để giữ trạng thái tĩnh (bất động) mà là thái độ không lăng xăng tạo tác nên mới gọi là vô vi theo đúng nghĩa thiền nhà Phật. Hít thở sâu hay làm một vài động tác cho khí huyết điều hòa là tốt, nhưng đó không phải là thiền. Thiền thuộc về trí tuệ nên điều chính yếu là thấy thực tánh chứ không phải để đạt bất cứ điều gì. Nếu có cái gọi là "đạt" thì đó là việc của pháp.
Ngày gửi: 12-09-2010
Câu hỏi:
Con nghe nhiều vị giảng sư thuyết pháp rất hay, nhưng làm sao để biết vị ấy giảng đúng hay sai? Xin thầy chỉ dẫn cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con vui lòng đọc bài
Kinh Kalama (Tăng Chi Bộ Kinh / Chương Ba Pháp / Phẩm VII: Phẩm Lớn / 65) thì sẽ được chính Đức Phật trả lời câu hỏi này một cách rất đầy đủ. Thầy xin trích một đoạn chính trong Kinh như sau:
“Này các người Kālāma, đừng vội tin vì nghe kể lại, đừng vội tin vì theo truyền thống, đừng vội tin vì lời đồn đãi, đừng vội tin vì kinh điển lưu truyền, đừng vội tin vì lý luận hay, đừng vội tin vì có công thức, đừng vội tin vì có suy tư về sự kiện, đừng vội tin vì chấp nhận định kiến, đừng vội tin vì có vẻ thích hợp, đừng vội tin vì “vị Sa môn này là thầy mình”. Này các người Kālāma, khi nào tự mình biết rõ: Đây là pháp bất thiện, đây là pháp lầm lỗi, đây là pháp bị người trí chỉ trích, pháp này nếu đem thực hành sẽ đưa đến khổ đau bất hạnh; thì này các người Kālāma, các người hãy từ bỏ chúng. Nhưng này các người Kālāma, khi nào tự mình biết rõ: Đây là pháp thiện, đây là pháp không lầm lỗi, đây là pháp được người trí ca ngợi, pháp này nếu đem thực hành sẽ đưa đến an lạc hạnh phúc, thì này các người Kālāma, các người hãy chấp nhận và hành trì”.
Ngày gửi: 07-09-2010
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy, con có quen một người bạn và người ấy có nói rằng: "Việc ngồi thiền không phải cốt yếu là ngồi lâu, nếu một người ngồi một giờ đồng hồ mà tâm loạn hay hôn trầm thì không bằng một người ngồi 30 phút mà tâm nhiếp được trong thiền định." Do đó người bạn này chỉ ngồi 30 phút và hướng dẫn cho những người khác mới tập cũng như vậy.
Con thầy rằng điều đó đúng chứ không có gì sai. Nhưng con nghĩ rằng: Nếu một người ngồi thiền cũng chừng ấy thời gian, mà tâm họ loạn thì vẫn thua một người cố gắng ngồi một giờ mà thỉnh thoảng tâm họ vừa có an định vừa có loạn chứ!
Hơn nữa nếu một người ngồi được 30 phút mà tâm họ an định được, thì chắc chắn người này có khả năng ngồi được lâu hơn nữa chứ không chỉ giới hạn trong 30 phút.
Bởi vì khi tâm có an định thì đồng thời có khinh an, mà đã có khinh an thì cũng phát sinh hỷ lạc và họ cảm thấy không còn đau đớn về thân, do đó có thể ngồi kéo dài thêm vẫn được!
Hơn nữa, với kinh nghiệm của bản thân, thì con thấy rằng khi mới bắt chân vào ngồi thiền thì những giây phút đầu tiên, tâm rất khó yên tĩnh. Nhưng càng về cuối, nhất là từ 30 phút trở lên thì tâm con mới có phần làm chủ được và yên lắng hơn.
Như vậy, việc tu thiền không quy định ở thời gian nhiều hay ít, mà quan trọng là sự khéo léo, uyển chuyển của mỗi người, để tìm cho mình một sự tĩnh tâm sáng suốt và đạt được chánh niệm tỉnh giác. Còn việc người ấy đạt tới đâu là do kinh nghiệm của tự thân và tự biết lấy, chứ người ngoài làm sao thấy được để mà so sánh hơn thua!
Con có những thắc mắc như vậy, kính nhờ Thầy chỉ dạy thêm để chúng con tu tập có kết quả hơn. Con xin cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Việc ngồi thiền đúng là không quan trọng thời gian. Mà đã không quan trọng thời gian thì sao lại phải qui định 1 giờ hay 30 phút? Ngồi bao lâu không quan trọng mà ngồi với thân tâm như thế nào mới đáng quan tâm. Đừng cố ngồi nhiếp tâm thiền định, cũng đừng cố tinh tấn để mau đắc tuệ, vì cố đạt tới định hay tuệ tức đã tạo ra thời gian, lúc đó dù ngồi ít ngồi nhiều thì vẫn bị thời gian chi phối. Đã bị thời gian chi phối sao gọi là định, tuệ được? Thời gian, sở đắc đều là những sản phẩm của bản ngã tham sân si, thì ngồi làm gì cho nhiều để tăng thêm bản ngã? Mục đích của định tuệ là thấy ra thực tánh vô thường, khổ, vô ngã của thân tâm thì thậm chí không ngồi vẫn thấy. Tốt nhất trước khi ngồi thiền nên tự hỏi: "Ai ngồi thiền" để không bị bản ngã, thời gian và ảo tưởng đánh lừa.
Đừng tách rời định tuệ mà tu, cứ ngay tại đây và bây giờ, đừng nghĩ tới thời gian trước hay sau đó. Tâm thư giãn buông xả, rỗng rang trong sáng thì liền ngay đó có đủ chánh niệm tỉnh giác, có đủ định tuệ cả rồi, sao phải cố gắng đạt được định tuệ nào nữa để cho bản ngã, thời gian và sở đắc xen vào? Nếu có tính thì nên tính xem ngay trong sát-na hiện tại con có trọn vẹn rỗng rang trong sáng hay không mà thôi. Để ý niệm thời gian xen vào thì sát-na định tuệ duy nhất đã mất. Lúc ấy chỉ có bản ngã thời gian và đau khổ thôi, lấy gì mà tu định tuệ đây? Nhớ là đừng mất thời gian tranh luận, đừng để mất giây phút tại đây và bây giờ quý báu này trong vô minh ái dục.
Ngày gửi: 22-08-2010
Câu hỏi:
Thưa thầy, nếu thiền được thúc đẩy bởi một động cơ thành tựu thì không phải là thiền thực sự mà chỉ là tạo tác của tham sân si. Vậy tại sao đức Phật lại hứa hẹn rằng nếu kiên trì tập luyện Tứ niệm xứ 7 năm, 7 tháng, 7 ngày... thì sẽ đạt quả vị này quả vị kia? Chẳng phải như vậy sẽ tạo nên một động cơ, một thành tựu (achievement) cho người tu tập theo đuổi sao? Xin thầy giải nghi.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Hành thiền Vipassanà chủ yếu là trở về trọn vẹn với thực tại thân-thọ-tâm-pháp gọi là chánh niệm, thấy biết thực tại thân-thọ-tâm-pháp ngay tại đây và bây giờ một cách trong sáng minh bạch, tuyệt đối không để (động lực) tham ưu xen vào bất cứ pháp nào trên đời gọi là tỉnh giác, cứ như vậy mà tu tập không buông lung phóng dật gọi là tinh tấn. Đó là toàn bộ cốt lõi pháp hành Tứ Niệm xứ. Trong đó không tìm đâu ra hai chữ hứa hẹn và bốn chữ kiên trì tập luyện cả. Nếu đức Phật hứa hẹn một tương lai thì sao lại nói: "Quá khứ không truy tầm, tương lai không ước vọng, chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính là đây." Và khi Phật dạy: "Không động không rung chuyển, biết vậy nên tu tập, hôm nay nhiệt tâm làm, ai biết chết ngày mai" lại càng chứng tỏ nhiệt tâm tu tập một cách trọn vẹn ngay tại đây và bây giờ, (vì biết khi nào chết mà vọng móng ỏ tương lai), hoàn toàn khác với kiên trì tập luyện do động lực tham ưu của bản ngã mong được sở hữu một sở đắc (achievement) ở tương lai. Nếu không thấy ra chỗ khác biệt vi tế này thì không phải chỉ sai một ly đi một dặm mà còn đi ngược hoàn toàn Giáo Pháp của Đức Phật. Vô tình đồng hóa Ma Đạo với Phật Đạo, mà người xưa gọi là hủy báng Phật Pháp đó con à!
Ví dụ: Một người đi học cách trồng ổi. Chuyên gia nói rằng: "Anh cứ gieo trồng cây ổi con rồi nhiệt tâm chăm bón đúng mức thì tùy theo giống ổi mà 3 năm, 2 năm, 1 năm, thậm chí 6 tháng ổi sẽ có hoa có trái." Người trồng ổi cứ bình tâm mà gieo trồng đúng, tưới bón đúng, còn ra hoa ra trái là việc của cây ổi, chứ đâu phải việc của anh ta mà tham lam cố gắng làm quá sức mình để sinh bệnh (tẩu hỏa nhập ma) và không chừng chết trước khi ổi có trái! Đó là lý do vì sao khi một vị tỳ kheo xin hoàn tục vì kiên trì tập luyện không thành công và trách Pháp Phật không có kết quả. Phật dạy: "Như Lai đâu có hứa hẹn những thành quả mà ngươi mong muốn", và Ngài xác nhận tinh tấn quá mức là hoàn toàn vô ích chẳng khác lên dây đàn quá căng thì chỉ đứt thôi chứ đâu có được âm thanh hay ho gì! Trong một bài kinh khác đức Phật dạy rằng: "Không phải mong cầu hay không mong cầu mà là có làm đúng pháp hay không mà thôi."