loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1824 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 24-02-2022

Câu hỏi:

Con kính thưa thầy,
Con là người khiếm thính và nói chuyện có phần ngọng. Con xin phép được kể chuyện với thầy về điều này.
Con có biết đến một câu nói: "Phúc trung hữu hoạ, hoạ trung hữu phúc". Việc con ngọng nên con rất ngại nói chuyện giao tiếp với người khác nhưng từ đó con hiểu được cái gì là nói đúng đắn (chánh ngữ) và nói đúng trọng tâm. Ngoài ra mình mới hiểu lời nói có sức ảnh hưởng đến người khác như thế nào, một lời nói ra có thể làm cho người khác an lòng hay làm người khác đau khổ thế nào. Từ đó mình chú tâm cẩn thận trong từng lời nói. Khi hiểu được điều này con bắt đầu nói chuẩn hơn chút. Mọi người cứ chọc con như người nước ngoài nói tiếng việt vậy ấy thầy.
Ở phần khiếm thính, tuy không nghe rõ được mọi người nói, phải dỏng tai lắng nghe từng lời nhưng lại cảm thấy nghe chăm chú hơn, đôi khi cảm nhận được cảm xúc bi hỷ trong từng câu nói. Vì thế đôi khi con cảm nhận được mong cầu, bi hỷ của người đối diện. Ngoài ra, con nhận thấy con phải dùng trực giác, đọc sắc mặt người đối diện nhiều hơn. Từ đó biết hài hoà giữa mọi người như câu "Ở trong lẽ phải có người có ta".
Con ngẫm lại đúng là trong hoạ có phúc. Đôi khi con nghĩ con không bị thế này làm sao con có cơ duyên được nghe thầy giảng, được gần với phật pháp. Nhưng con vẫn không cam tâm cho lắm vì con vẫn gặp rất nhiều đau khổ do khiếm thính phát sinh. Nhiều khi cứ lo nghĩ sau này khi mình điếc hẳn sẽ làm gì để vực dậy. Nếu có thể, con mong thầy giảng cho con hiểu nhân quả của khiếm thính và nói ngọng là do điều gì và nếu khiếm thính cả đời như vậy liệu mình có đường sống hay không ạ?
Con thấy con hỏi hơi tiêu cực như vậy nhưng con vẫn mong được thầy chia sẻ với con. Con xin cảm ơn thầy nhiều ạ.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 23-02-2022

Câu hỏi:

NAMO SAKYA MUNI BUDDHA!
Con xin chấp tay, cúi đầu, đảnh lễ Thầy.
Dạ kính Thầy, hôm nay con tiếp tục nghe pháp, chiêm nghiệm và có bài chia sẻ.
Con suy ngẫm về "bản chân" và "bản ngã", lấy hình ảnh dễ hiểu bản chân so với mặt trăng, bản ngã so với bóng trăng dưới nước, vì bóng trăng dưới nước nó bị khúc xạ ánh sáng làm cho biến dạng, đã vậy mặt nước khi có chiếc lá rơi hay vật gì rơi xuống thì mặt trăng dưới nước lại càng biến dạng nhiều hơn, ấy vậy vì vô minh mà cứ cho bóng trăng dưới nước là thật, dù nó biến dạng thế nào thì nó vẫn là thật, cứ đi tìm hoài nhưng cuối cùng cái nhận lại được là hư huyễn.
Con thấy ra bản ngã có nghiệp của bản ngã, bản chân có nghiệp của bản chân và từ trước đến giờ vì vô minh mà bỏ chân theo ngã, theo cái chẳng ra gì để tạo nghiệp chẳng ra gì, giống như kẻ cùng tử, bỏ cung điện vua cha đi lang thang tìm kiếm cái chẳng ra gì trong khi cái hiện tại còn tốt gấp nhiều lần, giống như bỏ Phật mà đi làm kẻ sát nhân, làm người gánh phân, làm kỹ nữ...
Trước con chưa biết Phật pháp thì bỏ chân theo ngã, bây giờ học Phật rồi thì bỏ ngã trở về chân, luôn thận trọng, chú tâm, quan sát thân, thọ, tâm, pháp để thấy ra bản thân hiện tại đang ngã hay đang chân, vì còn ngã là còn tạo nghiệp ngã, còn tham, sân, si với việc không vừa ý. Khi tâm rỗng lặng, trong sáng, sáng suốt, định tĩnh, trong lành, vô ngã, vị tha là con đang thực hành đúng. Con có nghe pháp Thầy về "cầu và nguyện", như vậy khi con đã thấy đúng thì xin nguyện đời đời kiếp kiếp luôn đi hướng đi đúng của chánh Pháp ạ.
Con xin cảm ơn ân đức Thầy giảng dạy cho chúng con ạ.
NAMO BUDDHAYA!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 22-02-2022

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy con - Tuệ Liễu Trung - xin được trình pháp ạ:

Tâm luôn không có gì
Mọi sự vẫn đến đi
Hòa mình vào dòng pháp
Trong tất cả oai nghi

Con xin kính chúc sư ông pháp thể luôn khinh an trụ thế lâu dài để dẫn dắt chúng con trên con đường Đức Thế Tôn đã chỉ dạy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 22-02-2022

Câu hỏi:

Thưa thầy
Con không hiểu nhiều về ngôn ngữ Phật giáo con xin được trình bày theo ngôn ngữ hiện tại mong thầy từ bi chỉ dạy cho con.
Trong quá trình quan sát thân tâm, con thấy những tình trạng của cơ thể và trí năng. Về trí năng có 2 điều rất rõ rệt: 1 là tiếng nói vang vang trong đầu, tiếng nói đó ngưng lại nếu cái biết phát hiện ra nó, và nó sẽ tiếp tục "cằn nhằn" đủ hết cả, 2 là hình ảnh; hình ảnh về quá khứ mình đã thu nhận vô và phát ra như băng đĩa cũ, có cái rõ nét có cái hư mờ, và hình ảnh về tương lai theo lăng kính cũ của quá khứ và tao lên 1 hình ảnh tưởng tượng cho tương lai (con thấy có cái đúng vì dựa trên cơ sở, nền móng của điều thực tế thì sẽ tưởng tượng ra 1 thành phẩm cho tương lai chẳng hạn như thiết kế ... và hầu hết là sai do mình ước muốn)
Quan sát cơ thể con thấy rõ nhất là nóng giận, ai nói động đến cái tôi, lợi ích cá nhân... con cảm nhận đc khuôn mặt nóng bừng, lông, tóc, cơ, da căng cứng, tim đập nhanh.... Kế tiếp là biếng nhác, hưởng thụ...
Những thứ con kể trên chỉ là tiêu biểu vì còn rất nhiều những gì con trải qua trong 1 ngày. Và qua mỗi sự việc đến rồi đi, con quan sát và thấy bản thân mình thật mắc cười, trước giờ mình chưa hiểu chính mình mà cứ bắt người khác hiểu mình.
Hiện tại con cứ sống giữa đời thường và để mắt tới bản thân mà chẳng oán trách giận hờn ai nữa, thấy ai dù kẻ giết người hay trộm cắp đều đáng thương vì họ chưa hiểu rõ chính bản thân họ.
Thưa thầy còn chỗ nào sai, xin thầy chỉ dạy cho con.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 22-02-2022

Câu hỏi:

Con xin trình pháp Sư Ông ạ,
Khi con quan sát tâm mình từ khi thức dậy đến bây giờ, con cảm thấy hôm nay thiếu năng lượng, và có vẻ tâm con bị tâm tham chiếm hữu, nó bị lôi ra ngoài rất nhiều, chạy theo mọi cảnh sắc và lôi con vào những suy tưởng cũng như dự tính, kế hoạch tâm nó vạch ra, dẫu biết rằng muốn làm gì đó thì luôn cần hướng tâm cho đúng, như lý tác ý, nhưng rất khó phân biệt đâu là như lý tác ý, đâu là tâm tham xen vào, mỗi khi có một kế hoạch gì, toan tính để hơn thua kinh doanh hay đầu tư, con liền thấy hình như tâm tham đang lôi con đi, mọi suy nghĩ hành động đều xoay quanh nó, mà không biết mục đích thực sự là gì?/ Khi nhìn lại con mới thấy là hình như chỉ phục vụ tâm tham, và nó luôn bào chữa và có lí do chính đáng cho những kế hoạch và toan tính đó. Thật lưu manh, con ko cố gắng đẩy đuổi nó đi, con muốn quan sát nó thêm nữa để hiểu ra tâm tham nó có thể đưa đến những điều gì. Như vậy làm sao để con có thể phân biệt giữa hướng tâm đúng đắn và tâm tham chi phối ạ. Vì thực sự trong công việc hàng ngày con vẫn phải suy nghĩ và có mục đích dù là trong ngắn hạn cho các công việc hàng ngày, lí do này hay lí do kia thì tâm tham luôn hiện diện, nó có thể tốt xấu, nhưng để vô ngã thì rất khó có phải không ạ.
Cũng liên quan như vậy, khi thực hiện công việc hàng ngày khi con kiên trì bám trên 1 tâm vô ngã, vì lợi ích chung mà ít bị bản ngã xen vào thì thực sự lòng rất an tĩnh và thông suốt, dù có đang là trong cuộc họp đầy mâu thuẫn và tranh cãi.
Con biết ơn Sư Ông đã luôn chỉ dạy cho con.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 22-02-2022

Câu hỏi:

Kính Thầy,
Mấy hôm nay con thực hành con có thấy cách cư xử của con thay đổi, con cảm nhận nó có thể là tánh biết làm nhưng không dám chắc chắn, xin Thầy dạy cho con ạ.
Khi có ai tâm sự với con, con thấy có một cái tâm trỗi dậy hối thúc con nghĩ ra biện pháp, giải quyết vấn đề và thể hiện kinh nghiệm.
Mặt khác, con lại thấy sự im lặng lắng nghe họ nói một cách trọn vẹn câu chuyện lại nhẹ nhàng và thân thể con cảm nhận được sự mát mẻ và thả lỏng nếu làm vậy.
Con đã để bản thân lắng nghe.
Con thấy rõ ràng những điều sau:
- Mình không còn chạy theo hoặc ám ảnh câu chuyện của họ.
- Khi họ kết thúc câu chuyện, con thấy rõ ý muốn của họ nên cứ hỏi nương theo ý họ.
- Hiệu quả của việc trên làm con nói ít đi, đúng trọng tâm (thứ họ cần) hơn, con cũng chẳng cần phải nghĩ giải pháp gì cho họ hay phải khuyên bảo gì nhiều.
- Con tiếp thu được bài học từ họ, con thấy tâm bắt đầu hoan hỷ nhẹ nhàng và vắng mặt sự tự mãn hay bực bội khi họ có thái độ.
- Sau khi họ chấm dứt câu chuyện, con cũng gần như quên luôn ngay tại đó. Nó chỉ còn đọng lại một chút sự động viên bản thân con cho việc tu tập nơi tâm.
- Cứ mỗi lần nghe ai đó nói gì thì các điều trên đều lặp lại. Con vẫn cứ nhìn nó và làm. Không nghĩ gì thêm.
Con viết ra những dòng này thật tâm cầu sự dạy dỗ từ Thầy, nó không còn là kiểu thể hiện cái tôi tu tập muốn được Thầy công nhận nữa.
Dạ con trình pháp đã xong.
Con cảm ơn Thầy đã đọc mail.
Con kính chúc Thầy luôn nhiều sức khoẻ và được nhiều sự an lành.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 22-02-2022

Câu hỏi:

Chào thầy, con muốn trao đổi về kinh nghiệm và hiểu biết của mình như sau:

1.Không có gì gọi là vật chất, tất cả đều là RUNG ĐỘNG của trường năng lượng trống rỗng thuần khiết đúng không thầy?

2. Nói TRỐNG RỖNG = VÔ NGÃ = năng lượng vô hạn thuần khiết = CÁI TOÀN THỂ... cũng được thầy nhỉ?

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 20-02-2022

Câu hỏi:

Kính trình thầy,

VÔ TU, VÔ CHỨNG
Tìm đâu Phật ở bên ngoài
Biết thì ngay đó chẳng hoài nhọc công
Trở về tự tánh sáng trong
Vô tu, vô chứng thong dong tháng ngày.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 19-02-2022

Câu hỏi:

Con kính đảnh lễ thầy ạ!
Con có một số cảm nhận về căn cơ trí tuệ và căn cơ đức tin muốn trình thầy ạ.
Con biết căn cơ của con là căn cơ trí tuệ. Nhược điểm của của căn cơ trí tuệ là dễ sinh ngã mạn, hay nghi ngờ, phản bác, khi nào thực thấy, thực chứng mới tin. Cùng với sự thực thấy, thực chứng thì Đức tin cũng sinh khởi.
Con tiếp xúc với những Phật tử căn cơ Đức tin thì con học tập được ở họ rất nhiều. Họ có niềm tin vững chắc vào nghiệp quả, Phước báu. Nhược điểm là dễ chấp hình thức, tông phái, hay vì Phước mà làm hơn là thực thấy. Họ thích cúng dường, luôn cố gắng làm lành, lánh ác, tuỳ hỉ để có Phước báu. Họ luôn tận dụng mọi cơ hội để có Phước báu nên sẵn sàng giúp đỡ người khác và ngày càng trở nên nhẫn nại, kham nhẫn, từ bi. Từ đó trí tuệ cũng khởi sinh.
Mỗi người có một căn cơ trình độ khác nhau nên sẽ phù hợp với các cách tiếp cận khác nhau, với các vị thầy khác nhau.
Trước nay con thường tu tập một mình, ít tiếp xúc các Phật tử khác. Nay được tiếp xúc và hiểu hơn về mọi người, học tập được nhiều điều lòng con rất hoan hỉ nên muốn trình thầy, con mong được thầy chỉ dạy thêm ạ!
Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 17-02-2022

Câu hỏi:

Con xin được trình pháp cho sư ông,
Trong thời gian gần đây, khi con cảm nhận rõ ràng hơn cái gọi là tánh thấy (biết) thì dường như mọi cảnh vật và kể cả thân tứ đại của con trở nên yên lặng. Con còn cảm thấy bản chất của vạn vật là không thể sở hữu và sẽ tan biến rất nhanh kể cả khi con đã nắm một vật nào đó trong tay. Từ góc độ nhận thức này mà cảm thọ và tâm hành của con thường ở trạng thái xả. Nếu có biến cố nào xảy ra thì chỉ vài phút bồn chồn hay hoang mang rồi lại trở lại trạng thái yên tĩnh của cái xả đó.
Đến giai đoạn này con càng tin sâu rằng đạo chỉ là "thấy ra" và "sống lại" chứ không do tìm cầu, sở đắc bên ngoài.
Sư ông có gì chỉ dạy cho con thêm ạ. Con cảm ơn

Xem Câu Trả Lời »