Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 24-01-2022
Câu hỏi:
Thưa Sư Ông, con được Sư Ông khuyến khích là đã thấy ra được, Sư Ông khuyến khích rằng con đã có thể tự trả lời mọi câu hỏi của mình và hãy khám phá một cách hoàn toàn tự do, đừng lệ thuộc vào bất kỳ ai dù là Phật hay sư ông. Giác ngộ là con đường hoàn toàn sáng tạo.
Vậy mà trong cuộc sống trải nghiệm bon chen này - con vẫn yếu hèn quá Sư Ông ơi!
Khi chuyện bất như ý xảy ra con mới nhớ trở về trọn vẹn, còn khi có những niềm vui, những sự phấn khởi con lại quên mà vui thích với các niềm vui và sự phấn khởi đó. Lúc vui, lúc phấn khởi đó con vẫn ý thức được mình đang vui, đang phấn khởi, mình đang “tham”, đang chọn tốt bỏ xấu, tự nhủ rằng: “Cái Ngã ơi, cái Tôi ơi sao mày khôn thế!”, nhưng trong sâu thẳm cái Tôi nào đó (mà không phải con) nó vẫn cứ nắm giữ lấy cái vui, muốn bỏ cái buồn - để rồi niềm vui đi theo sự sinh diệt thì lại tới nỗi buồn.
Hôm qua, vợ con có một sự hiểu lầm con nghiêm trọng, quy kết con điều mà một ngàn phần trăm con không có, xúc phạm con nặng nề, dùng những từ không hề nên có của một người vợ đối với một người chồng, vậy thôi mà con không vượt qua được, cả đêm suy nghĩ về những lời đó không ngủ được. Rồi cứ quay về, trọn vẹn với cơn giận, nỗi buồn, mà đến sáng nay con vẫn nhắn tin cho vợ con những lời đáp trả, những miếng tự vệ, những phản công trong lời nói.
Con Sám hối với sư Ông – con kính đảnh lễ Sư Ông vì lòng từ bi mà hàng ngày luôn nhắc nhở tụi con hãy thường thận trọng chú tâm quan sát, trở về trọn vẹn,….
Hôm nay con cũng hiểu hơn bao giờ là tại sao lúc lâm chung di ngôn Đức Phật không phải là một câu gì cao siêu mà nhắc lại là hãy thường tinh tấn.
Khi đã thấy Đạo, mọi chuyện đã xong, mục đích của cuộc đời đã hoàn thành - phận sự chỉ còn là Tinh tấn (luôn nhớ trở về, trọn vẹn với thực tại đang diễn ra này), chỉ vậy thôi mà sao con làm không được, thật hèn yếu!
Con xin sám hối với Sư Ông!
Ngày gửi: 23-01-2022
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,
Con ở nước ngoài và đã tu tập theo nguyên lý chỉ dạy của Thầy trong 2 năm qua và nhận thấy là năng lực tu tập của mình thể hiện ra rõ nhất khi mình đối diện với những điều không vừa ý trong cuộc sống. Con xin trình Pháp với Thầy có 3 kiểu con đã trải nghiệm qua như sau:
1. Kiểu Vô minh: Khi đối diện với điều không vừa ý, ngay lập tức xuất hiện cảm xúc không thoải mái, và khởi tâm muốn sự việc đó chấm dứt ngay để không làm phiền mình nữa. Sau đó thì mất thời gian vào suy nghĩ/lời nói/hành động diễn giải, bàn luận, tìm kiếm, đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người liên quan và cứ luẩn quẩn khó chịu bực mình trong cái vòng đó.
2. Kiểu Tập tu: Khi đối diện với điều không vừa ý thì cũng bị lôi kéo ngay vào thói quen phản ứng như kiểu 1 nhưng sau đó giây lát thì nhận ra và chú tâm quan sát được phản ứng kháng cự đang diễn ra trong ý nghĩ/lời nói/hành động của mình. Và khi quán chiếu đến những thứ này thì trạng thái kháng cự bắt đầu giảm dần lực kéo và sau đó chấm dứt. Nhận ra bài học là đã buông lung thất niệm nên bị bản ngã nó lôi đi. Tự dặn mình phải tinh tấn thận trọng chú tâm hơn nữa.
3. Kiểu Soi sáng: Khi đối diện với điều không vừa ý thì thận trọng chú tâm quan sát phát hiện ra cảm xúc khó chịu ngay khi nó hiện lên, kham nhẫn đứng nhìn nó một lúc nên nó không chuyển qua trạng thái kháng cự mà nó dần dần biến mất. Sau đó chấp nhận sự việc không vừa ý xảy ra như nó đang là và thấy điềm tĩnh tự nhiên.
Con thấy mình cứ từ từ đi từng bước tu tập, có những cảm xúc trước đây tưởng không thể chịu đựng được thì nay cứ thận trọng chú tâm quan sát mà không nôn nóng đạt kết quả thì dần dần kham nhẫn được và từ từ thấy rõ ra. Con kính trình Pháp với Thầy và nhờ thầy chỉ dẫn cho con thêm. Con biết ơn Thầy rất nhiều.
Lan Anh - Canada
Ngày gửi: 22-01-2022
Câu hỏi:
Con xin cúi đầu đảnh lễ Sư Ông, con xin chúc Sư Ông thật nhiều sức khỏe. Cho con xin bày tỏ đôi điều.
Từ khi con nghe các bài pháp thoại và đọc sách của Sư Ông viết, con từ "cố gắng chống lại cái ta ảo tưởng, cũng như những khi tâm buông lung, phóng dật" thì nay con đang trên con đường thực hành "không thuận theo, cũng không chống lại, cứ để nó tự nhiên sinh diệt và thấy rõ bản chất vô thường, khổ, vô ngã của mọi sự vật, hiện tượng". Hàng ngày con đều làm mọi việc trong chánh niệm, tỉnh giác và luôn giữ thân tâm theo tam quy, ngũ giới; nhìn nhận và xử lý mọi việc bằng sự định tĩnh, sáng suốt.
Con rất biết ơn Sư Ông, khi nghe pháp của Sư Ông con thấy rất dễ hiểu và thân thuộc. Con luôn có cảm tưởng tuy khoảng cách rất xa nhưng khi nghe pháp thì như con đang ở tại nơi nghe giảng và trọn vẹn với cái nghe, biết. Sư ông cho con hỏi những điều con đang thực tập như lời Sư Ông chỉ dạy đã đúng hay chưa? Và con mong một ngày gần nhất con được hữu duyên đến viếng thăm Tổ Đình Bửu Long và trang nghiêm, cung kính cúi đầu đảnh lễ Sư Ông.
Một lần nữa con xin đảnh lễ Sư Ông và con xin kính chúc Sư Ông luôn mạnh khỏe và an lạc.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Ngày gửi: 22-01-2022
Câu hỏi:
Thưa thầy, thực tại hiện tiền quả là chìa khóa mở ra chân tướng trong mọi pháp môn phương tiện mà con tiếp xúc, và mọi pháp môn phương tiện mà con tiếp xúc càng làm cho thực tại hiện tiền của con vững chắc hơn. Quả là thấy cái thực nơi cái thực hay thấy cái ảo nơi cái ảo thì dễ nhưng thấy cái cực chân thực nơi cái cực huyễn ảo và thấy cái cực huyễn ảo nơi cái cực chân thực thì không dễ chút nào, nhưng khi đã thấy rồi thì sẽ không còn bị lay động nữa.
Năm xưa các Tổ thường đặt đệ tử vào giữa hai thái cực, mới nhìn dường như không có mối liên hệ gì với nhau, rồi mới thúc đẩy họ tự đột phá được ranh giới giữa cái cực ảo và cái cực thực, giữa sắc và không, giữa tục và chân, giữa hóa thành và bảo sở, giữa cái cực cao siêu và cái cực bình thường,... để khai thị và củng cố một cách dữ dội "nhất chân pháp giới". Khi đã lên tới tận cùng trời (Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên), xuống tới tận cùng đất (Địa Ngục), điên đảo một phen rồi thì không còn gì có thể làm cho mình điên đảo nữa, chỉ còn lại thực tại thân, thọ, tâm, pháp trong lành, định tĩnh, sáng suốt hiện tiền.
Hôm qua con chợt nhớ tới Tâm Địa Pháp Môn khi trước con thấy trong ngữ lục Thiền Tông. Ban đầu con suy nghĩ chi ly và xa vời quá thành ra không thấy tâm địa pháp môn (cửa vào đất tâm), nhưng với tâm trực quan, đơn giản thì tự nhiên con lại có sở ngộ. Hóa ra trong tâm như mặt đất, như lăng kính, có khả năng nhuốm trùm thực tại. Như tâm nhuốm trùm sân hận đau khổ thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ Địa Ngục; tâm nhuốm trùm tính chất tham xan đói khát thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ A-tu-la; tâm nhuốm trùm tính chất ái dục ngũ giới thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ người Tứ Đại Bộ Châu; tâm nhuốm trùm tính chất ái dục thập thiện thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ trời Lục Dục; tâm nhuốm trùm tính chất ly dục nhập sắc thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ trời Sắc Giới; tâm nhuốm trùm tính chất ly sắc nhập không thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ trời Vô Sắc; tâm nhuốm trùm tính chất mê lầm bấn loạn thì tất cả mười tám giới khúc xạ và ảnh hiện ra chúng sinh cùng quốc độ Ma; tâm cần mẫn tu tập tứ đế mà thành Chính Giác thì thâm nhập quốc độ Thanh Văn; tâm cần mẫn quán chiếu nhân duyên mà thành Chính Giác thì thâm nhập quốc độ Duyên Giác; tâm cần mẫn lục độ vạn hạnh mà thành Đẳng Giác thì thâm nhập quốc độ Bồ Tát; tâm trong lành định tĩnh sáng suốt mà thành Diệu Giác thì thâm nhập quốc độ Như Lai.
Như vậy tính chất của thế giới biến chuyển theo tâm, tâm của chúng sinh như thế này sẽ dẫn tới tư duy và hành động thành ra nền văn minh như thế này, tâm của chúng sinh như thế kia sẽ dẫn tới tư duy và hành động thành ra nền văn minh như thế kia. Khi đã qua được cửa Tâm Địa Pháp Môn hay khai được mắt Tâm Địa Pháp Nhãn thì có thể liễu giải các Phương Tiện Thiện Xảo. Chẳng hạn như những mô tả về Tam Giới của Vọng Tâm có nói đến Tam Luân, Cửu Sơn, Bát Hải, Tứ Đại Bộ Châu, Địa Ngục, Địa Cư Thiên, Không Cư Thiên. Qua Tâm Địa Pháp Môn, khi nói về Hư Không là nói về sự vô biên vô chất của tâm, khi nói về Phong Luân là nói về sự dao động của tâm, khi nói về Kim Luân là nói về sự kiên cố của tâm, khi nói về Thủy Luân là nói về sự nhu nhuận của tâm, khi nói về Địa Luân là nói về sự thô ráp của tâm, khi nói về Tu Di Sơn phong phú cao quý là nói về nơi tích thiện kiên cố của tâm, khi nói về Thiết Vi Sơn nghèo nàn thô lậu là nói về nơi tích ác kiên cố của tâm, khi nói về Tứ Đại Bộ Châu là nói về nơi thiện ác giao thoa của tâm, khi nói về Bát Hàn Địa Ngục là nói về nơi lạnh lẽo khổ cực của tâm, khi nói về Bát Nhiệt Địa Ngục là nói về nơi bức bối khổ sở của tâm, khi nói về Địa Cư Thiên là nói về nơi an vui dựa trên tâm thiện dục, khi nói về Không Cư Thiên là nói về nơi an vui dựa vào tâm ly dục hoặc tâm ly sắc, càng gần núi Thiết Vi thì càng sống chật vật, càng gần núi Tu Di thì càng sống thoải mái, càng lên cao trên núi Tu Di thì càng hoan hỷ tự tại,…. Hoặc khi nói về hỏa tai là nói về sự bùng lên của lửa sân hận, khi nói về thủy tai là nói về sự ngập tràn của nước tham dục, khi nói về phong tai hủy hoại từ Địa Ngục đến cõi Tam Thiền là nói về sự dao động của gió si mê, khi nói về Bất Sát Sinh là không đối kháng và tiêu diệt mà bao dung và tôn trọng mọi trạng thái hiện hữu của tâm, khi nói về Bất Thâu Đạo là không ôm giữ và chiếm hữu mà buông bỏ và hoàn trả mọi trạng thái hiện hữu của tâm, khi nói về Bất Tà Dâm là không nhập nhằng và lai tạp mà mạch lạc và tinh thuần mọi trạng thái hiện hữu của tâm, khi nói về Bất Võng Ngữ là không ngụy trang và biến tướng mà phô bày và trình diện mọi trạng thái hiện hữu của tâm, Bất Ẩm Tửu là không đắm đuối và lệ thuộc mà tỉnh thức và làm chủ mọi trạng thái hiện hữu của tâm. Bất sát sinh là không giết hại chúng sinh, nhưng chúng sinh không phải chỉ là thân vật lý mà xét cho cùng cái làm nên giá trị của các dạng sống là tâm. Như sự hiện hữu của trạng thái tâm có thiện quả nhưng còn nặng tật đố chính là sự hiện hữu của chúng sinh a-tu-la, thiện quả làm nên sức mạnh to lớn của a-tu-la, tật đố làm nên tính cạnh tranh để thống trị của a-tu-la. Bất sát sinh là khi trạng thái tâm ấy hiện ra thì ta không đối kháng tiêu diệt nó vì mọi thứ xảy ra đều có nguyên nhân hợp lý của nó, nó là nguyên liệu quý giá cho sự giác ngộ giải thoát, điều cần thiết không phải là lựa cái này bỏ cái kia mà phải trọn vẹn tỉnh thức với thực tại đang là thì mới học ra được bài học giác ngộ giải thoát. Hoặc Cuộc chiến giữa A-tu-la được trợ giúp bởi Phi Pháp Long với Chư Thiên được trợ giúp bởi các Hành Pháp Long, qua Tâm Địa Pháp Nhãn là sự xung đột nổi lên giữa trạng thái tâm hoan hỷ tích thiện và trạng thái tâm tật đố tích thiện, tâm hoan hỷ tích thiện được hỗ trợ bởi sự biến hóa của môi trường thiện, tâm tật đố tích thiện được hỗ trợ bởi sự biến hóa của môi trường bất thiện. Cuộc chiến giữa Ma Vương được trợ giúp bởi ma nữ ma quân với Thánh Nhân được làm chứng bởi đại địa là sự mâu thuẫn nổi lên giữa tâm mê lầm bấn loạn và tâm trong lành định tĩnh sáng suốt, tâm mê lầm bấn loạn được trợ lực bởi sự lừa phỉnh cám dỗ từ vẻ bề ngoài hấp dẫn hay sự đe dọa bức bách từ vẻ ngoài dữ dằn, tâm trong lành định tĩnh sáng suốt được phát minh và chứng minh bởi từng sát na thực tại hiện tiền kiên cố. Khi thấy ra tất cả nơi tâm thì biết rằng tâm là cội gốc thân cận và thiết thực nhất mà mình có. Tâm ấy không phải là một linh hồn vĩnh cửu mà là tính biết vốn tròn đầy, không sinh, không diệt sẵn có nơi mình.
Ngày gửi: 20-01-2022
Câu hỏi:
Sự Thật.
Thưa ân sư, sáng nay con thấy ra điều này kính trình ân sư chỉ dạy.
Con thấy tất cả mọi sự mọi vật trên thế giới này đều là như chân như thật. Từ cây cỏ, hoa lá, nhà cửa, con người, tiếng ồn, tất cả vạn vật đều là thật hết. Ko có cái nào là ảo, kể cả 1 làn gió thoảng qua cũng là thật, nó chỉ là nó, chỉ như vậy thôi. Chỉ khi con khởi lên thích hay ghét gió mới rơi vào ảo tưởng của bản ngã. Khi thoát ra cái ảo tưởng của bản ngã rồi thì con thấy rõ tất cả chứ ko phải chỉ thấy cục bộ 1 cái nào.
Khi con nhìn về tục đế, con vẫn thấy tất cả cũng đều là thật hết. Cái cây thì nó là cái cây, nước cũng là nước, mây cũng là mây, cái nhà của con thì là nhà của con, vợ con con thì cũng là vợ con con thôi. Nhưng tâm ko chấp giữ 1 điều gì hết, khi cần thì cứ sử dụng những khái niệm, những quy ước của tục đế, còn ko thì trở về như nó vậy thôi. Khi nhìn con mèo họ nói đó là con mèo, ừ thì con mèo. Nhưng họ nói đó là con chó, thì ừ thì con chó. Họ kêu sao mình ừ vậy, nhưng mình thấy biết rõ ràng nó là như vậy. Tâm con thấy mọi sự đến đi rất rõ ràng. Con có cảm giác là, về lý con đã thoát ra đc cái ảo tưởng của bản ngã và thấy ra đc rốt ráo của sự thật chân đế.
Tâm con hiện tại rất là an tịnh, rỗng không.
Ngày gửi: 19-01-2022
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con xin chia sẻ vài điều con học được.
Có người hỏi: Một đời này cầu mong gì, những thứ mất đi là những thứ ta đang có.
Đức Phật trả lời:
Con chỉ mất đi những gì con dính mắc.
Con xin cám ơn thầy.
Ngày gửi: 18-01-2022
Câu hỏi:
NAMO SHAKYAMUNI BUDDHA!
Con xin chấp tay, cúi đầu đảnh lễ Thầy. Con kính chúc Thầy, quý tăng, ni, quý đạo hữu thật nhiều sức khỏe và bình an ạ.
Hôm nay con tiếp tục nghe pháp, chiêm nghiệm và có bài chia sẻ ạ. Con rất thích và "Thấy ra" rất nhiều điều khi nghe pháp đến đoạn anh chàng được bạn tặng cho ngôi nhà quý, mắt của anh ta bị bịt chặt lại và để anh tự trải nghiệm ngôi nhà đó, nhưng cách xử lý của anh ta lại sai, thay vì mở miếng vải che mắt ra rồi trải nghiệm những gì có trong nhà, thì anh vẫn để nguyên miếng vải che mắt và cứ thế đau khổ khi phải trải nghiệm ngôi nhà đó và cho là ngôi nhà đó chỉ đem lại khổ đau chứ không hề có một chút hạnh phúc gì cả, nhưng cuối cùng người bạn của anh ta đã chỉ cách bỏ miếng vải che mắt xuống, để "Thấy ra" những gì có ở ngôi nhà này hoàn toàn khác so với cách anh xử lý trước đó. Tuyệt vời thưa Thầy, và con đã "Thấy ra" từ bài học đó là:
Muốn "Thấy ra" thì hãy "Mở ra"! Mở gì? Mở tâm thấy biết ra, đừng đóng lại, vì vô minh đã huân tập nhiều sai quấy, phiền não rồi, đã vậy còn đóng chặt tâm lại không chịu mở tâm ra cho nên vô minh chồng chất vô minh, phiền não chồng chất phiền não, đau khổ chồng chất đau khổ. Khi tâm "Mở ra" thì bao nhiêu chất chứa, phiền não, khổ đau tích tụ trước đó đều được "Thấy ra", và khi đã "Thấy ra" thì sẽ "Xả ra" và cuối cùng là sự an vui hạnh phúc. Con đã thấy ra được điều này, rất tuyệt vời thưa Thầy, con cảm ơn Thầy rất nhiều ạ.
NAMO BUDDHĀYA!
Ngày gửi: 18-01-2022
Câu hỏi:
Con kính đảnh lễ Thầy,
Thưa Thầy, càng lớn càng hiểu về đạo, ngẫm lại con mới thấy thì ra con đã thấy pháp từ hồi còn rất nhỏ, tầm 8, 9 tuổi gì đó thôi. Khi đó tuy không biết đó chính là "tánh biết", nhưng con trực nhận được khi vui hay khi buồn đều có một cái gì đó ở một tầm cao hơn đang ngắm nhìn mọi thứ cảm xúc đang xảy ra trong tâm con. Nhất là khi giận, con thấy có một "người" nào đó đang làm mình làm mẩy, đang nhõng nhẽo với mẹ con.
Lúc đó con không biết hỏi ai, cũng không biết phải mô tả thế nào về điều đó, cho đến khi con nghe được những bài pháp của Thầy. Bây giờ nhìn lại mọi thứ, con mới hiểu về cái tánh biết mà Thầy hay nhắc tới, mới hiểu được vì sao phải trở về "hồn nhiên như con trẻ" thì mới thấy được điều đó. Nguyên lý tu tập Thầy đã chỉ rất rõ, nghe thì rất đơn giản nhưng đến khi lao vào cuộc sống cơm áo gạo tiền thì mới thấy chông gai biết bao nhiêu. Hôm nay là sinh nhật 30 tuổi của con, con chỉ mong một điều là mình luôn được thấy pháp và đi đúng chánh pháp. Con xin tri ân Thầy đã luôn là ngọn đèn sáng đưa đường chỉ lối cho chúng con.
Namo Sanghāya
Ngày gửi: 17-01-2022
Câu hỏi:
Dạ thưa Thầy,
1/ Con có bé con 4 tuổi. Môt hôm bé nói với con: "Ba ơi, con không muốn ngủ mà mơ". Chắc là bé đã vài lần mơ những điều lo sợ.
Con nói: "Không sao. Mỗi lần mơ như vậy con hãy gọi tên Ba, Ba sẽ xuất hiện ngay". Và điều này đã thật sự hiệu quả. Lúc khuyên bé như vậy, con không hề suy nghĩ gì, tự nhiên xuất ra vậy thôi.
2/ Tình cờ con thấy nhiều người share một câu đại ý là 'chuyển hóa khổ đau để hạnh phúc'.
Dạ điều này theo con là không đúng. Như mình cứ chạy xe theo cách phóng nhanh vượt ẩu, để bị tai nạn (đau khổ) rồi mới mổ xẻ băng bó (chuyển hóa). Đúng ra là phải 'xử lý' cái trước đó, tức là cái nhân của khổ, cái tạo tác, phản ứng làm nên khổ chứ. Và việc "chuyển hóa" này nếu hiệu quả thì cũng không cùng vì cứ phải làm hoài không thôi, vậy thì sao còn hạnh phúc được.
Mà thật ra, cái chuyển hóa này có phải cũng là ý muốn có chủ đích của chính mình hay không? Vậy thì hạnh phúc này sẽ là một định nghĩa riêng tư, của bản ngã?
Dạ điều này con tình cờ thấy nên 'lý luận' chút cho vui. Chứ con rất tâm đắc câu "không có hạt mưa nào rơi sai chỗ!"
3/ Khi ngồi thiền, con thấy rất rõ con đang 'an toàn' với mọi thứ bên ngoài. Con đang xây một tòa tháp cho mình.
Nhưng khi bình thường (con không biết gọi là gì), thì con thấy không có con và cái bên ngoài. Nó là cái thấy nhưng không có cái nhìn và đối tượng được nhìn. Tất cả không phải là một vì có thể chỉ ra từng thứ nhưng lại không có hề có sự ngăn cách. Từng hạt bụi, tia nắng, hơi ấm, làn gió, tiếng rắc gãy của chiếc lá, cành cây rung nhẹ... tất cả đều trọn vẹn đẹp đẽ mà không hề có sự phân chia nào.
Dạ một ngày cuối năm, con xin phép chép vài dòng chia sẻ.
Dạ con kính chào Thầy.
Con SC
Ngày gửi: 15-01-2022
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy,
Hiện tại không biết thầy có còn nhớ không, vào ngày 4/11/2021 con là 1 chàng thanh niên trẻ chỉ vừa 23 tuổi con có đến xin gặp Thầy. Lúc đó con đang thất nghiệp và con chán nản với cuộc sống vì con thao thức mãi những vẫn chưa trả lời được cho câu hỏi con sẽ sống cuộc sống như thế nào? Và con đến chia sẻ với Thầy nhưng Thầy cũng chỉ đưa ra lời khuyên cho con 1 cách đại khái và khái quát vấn đề, rồi Thầy dẫn con đi dạo trong chùa. Người khác nhìn vào câu chuyện này thấy có vẻ lạ lùng nhưng con cảm ơn Thầy vì lúc đó Thầy không nói gì nhiều mà chỉ nói khái quát, vì có như vậy qua 2 tháng kể từ ngày đó con đã trải nghiệm rất nhiều, đã được học hỏi và đã được thấy ra nơi bản thân con nhiều bài học mà con nghĩ là hành trang cực kì quý giá không gì có thể thay thế được khi con tiến vào đời.
Bây giờ công việc con hiện tại cũng đã ổn rồi, cái gì đến nó đến vậy thôi. Nay con viết trên này chứ con không có câu hỏi gì. Vì quan trọng theo lời chỉ dạy của Thầy con cần sống và chiêm nghiệm chứ không có khái niệm chủ quan hay kiến thức mà người khác truyền đạt. Con viết đây chỉ là con muốn chia sẻ với Thầy một chút niềm vui một chút sự tự thấy ra và dần hoàn thiện bài học mà Pháp (dhamma) đưa đến với con, mặc dù con rất ít gặp Thầy nhưng thật lòng Thầy luôn là người mà con nghĩ đến đầu tiên khi con muốn chia sẻ và Thầy luôn là một cây đại thụ để chúng con nương vào (cầu ơn Tam bảo đêm ngày che chở).
Bây giờ con có lẽ con đã trả lời được cho câu hỏi cuộc sống của con là như thế nào. Nó là như vậy đó, muôn màu muôn vẻ, cứ học đi khi nào xong thì thôi, không có bất kì khái niệm định hình hay thành kiến nào đối với cuộc sống hết, bất kì cặp kính khái niệm nào mình đeo vào nhìn cuộc sống đều sai cả, tốt hơn nên bỏ cặp kính ra mà nhìn chân thật cuộc sống dù bỏ ra thấy mờ thì là mờ, thấy rõ thì là rõ.
Thầy ơi, con nhớ lắm, nhớ lắm những buổi sáng tinh mơ sau buổi nói chuyện trà đạo, thầy cùng các bạn trẻ và chú chó Mitta đi dạo với nhau trong khuôn viên chùa. Tuy đi chung nhưng Thầy rất ít nói ít giảng dạy tụi con điều gì, nhưng con cảm nhận được qua cách đi đứng, cách nhìn đầy tình thương của Thầy với quý Phật tử đó là lời dạy chân thành nhất Thầy có thể trao cho tụi con mà người ta hay gọi là “thân giáo”. Hi vọng tình hình dịch bệnh sẽ ổn định để chúng con và Thầy có những kỉ niệm quây quần bên nhau như vậy nữa.
Con TM xin phép cung kính đảnh lễ Thầy!