Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 29-11-2014
Câu hỏi:
Kính bạch thầy, cách đây mấy hôm, do một duyên khiến con khóc, nước mắt cứ chảy dài, câu nói của thầy ẩn hiện trong con là do lúc trước con hay nuốt nước mắt vào trong vô thức, nay gặp duyên nó trổ ra, thế là nước mắt con cứ chảy rồi con cho nó chảy, trọn vẹn với nó được một lúc là con loay hoay, tính toán, thêm bớt, lấy bỏ, bỗng nhiên con nhớ được lời thầy (lấy ngã để buông xả và xả ngã là hai vấn đề khác nhau, phải chánh niệm tỉnh giác để nhận ra). Vâng đúng rồi, con đang loay hoay tìm cách buông xả, khi tánh biết thấy ra lòng con nhẹ nhàng rỗng rang trong sáng, lúc đó con mỉm cười thấy ra tên chủ ngục vô minh, nó đã lừa con thật là vi tế. <p>
Thưa thầy, những ý con hiểu, con xin phép được nói ra, nếu thiếu sót chỗ nào, xin thầy dạy thêm cho con. Trong kinh Phổ Môn quyển nhật tụng mà lúc trước con vẫn tụng, có đoạn "gió đông đi biển chìm thuyền/ Niệm danh Bồ-tát sóng tan hết liền", giờ con mới hiểu niệm này là niệm giác, nhờ nghe tiếng lòng mà con đã thoát ra được. Thì ra quán âm bồ tát chính là quán tiếng lòng, gió đông chỉ là những tác duyên, nước biển đó chính là nước mắt chúng sanh, con đã bị thủy đại nhấn chìm. Con thật là vô minh, chính mình đã hại mình. Pháp đã nhắc con rằng khóc như vậy rất tổn hại cho thần-ý-khí-hình, tứ đại bất điều hòa là do nơi mình, một lần nữa con thực niệm lời thầy dạy cho một Phật tử ở xa điện thoại về đang khóc nức nở, không được thầy vỗ về mà thầy còn khuyên: "khóc đi con, khóc nữa đi con, rồi pháp sẽ đạy cho con tự biết cách điều chỉnh". <p>
Vâng thưa thầy, đúng là vậy, chỉ có tự mình mới thấy ra chính mình mà thôi. Cũng liền lúc đó, con mới có thể hiểu được lời thầy dạy, chỉ có giải thoát trong sự tương giao, vâng đây chính là sự tương giao giữa thân-tâm-cảnh. Những lời thầy dạy nghe qua rất bình thường và giản dị, nhưng vời vợi thẳm sâu. Từng giây phút chiêm nghiệm, con tỏ rõ lời thầy. Trên con đường tu tập, lúc nào cũng êm ả, phẳng lặng thì con ngã mạn biết chừng nào, đừng vẽ rắn thêm chân nữa, cứ đáng lẽ, sẽ là, phải là,... hoài thì toàn là khổ đau, mỗi một lần vấp là một lần con vững chãi thêm thầy ạ. <p>
Cho tới giờ này, con tĩnh lặng mà suy ngẫm thầy dạy không hư dối, vạn pháp vô thường biến chuyển là chân lý, trở về trọn vẹn tỉnh thức với đang là, tại đây và bây giờ, buông hết những ảo tưởng lăng xăng tạo tác ra thì ngay đó là giải thoát, không cần phải thêm hay bớt gì cả. <p>
Con thành kính đảnh lễ tri ân thầy.
Ngày gửi: 15-11-2014
Câu hỏi:
Dạ thưa sư ông. <p>
Cách đây 10 hôm bên cạnh nhà con có đám cưới, ca hát loa đài ầm ĩ, lúc đó con thấy khó chịu lắm, nhớ lời sư ông dạy cái ta với khó chịu, cứ trọn vẹn với đang là thì làm gì có ngã mà khó chịu, thế là con mỉm cười ứng dụng theo, tùy thuận nó nghe với tâm bình thản, đôi khi thoáng một chút vui với nó, vậy rồi con ngủ lúc nào không hay. <p>
Từ hôm đó tới giờ con thật dễ dàng cho tất cả những thứ gọi là bất bình, bất mãn, bất như ý mà không cần dụng công lấy hay bỏ, chỉ thấy như nó đang là. Đôi khi con tự mỉm cười với mình rằng khỏi cần tu không cầu chứng, buông cái ta bản ngã ra là xong. Giờ con như thoát ra được những lối tu chế định, vì cái gì có tướng đều có vế đối lập, cứ nghe sư ông dạy cái đang là con hoan hỉ lắm, chỉ cần buông cái ta ảo tưởng ra thì ngay đó có đủ tự tánh giới định tuệ. Con sung sướng khi hiểu ra rằng: yêu thương giúp đỡ tất cả mọi người mà không thấy mình yêu thương giúp đỡ ai cả, vì không có bản ngã xen vào thì pháp nó đang là vậy thôi, thấy ta làm thì sẽ có ngày kể công, phân biệt và khen chê. Sư ông dạy đúng quá, lúc bình thường có gì đâu mà tu, khi đụng việc gì tự mình biết rất rõ là mình đã tu hay sửa được tí nào chưa. Cứ lấy tham, sân, si, yêu, giận, hờn, ghét, muốn mà đo lường, các pháp vốn thanh tịnh không làm ai khổ bao giờ, khổ là do nơi người chấp mỗi ngày, giờ thực nghiệm con lại thấy mình biết ra một tí thấy cuộc đời thật an lành sư ông ạ. <p>
Từng giây từng phút con đều tri ân sư ông.
Ngày gửi: 07-11-2014
Câu hỏi:
Con kính bạch sư ông.
Con xin nghe theo lời sư ông chỉ dạy. Con cảm ơn sư ông nhiều lắm!
Ngày gửi: 29-09-2014
Câu hỏi:
Kính đảnh lễ Thầy, <p>
Thưa Thầy, kính xin Thầy cho phép con gửi tặng đạo hữu Diệu An Bình Phước vài lời: <p>
Liên hương đâu ở xa bùn <p>
Nước hồ sạch quá, hoa run rẩy tàn <p>
Rễ vùi sâu dưới đất tanh <p>
Cành vươn trong gió, hương lành toả lan <p>
Tại nơi bất tịnh, bon chen <p>
Mới hay nghịch cảnh trui rèn nhẫn kham <p>
Sống trong đau khổ chất chồng <p>
Nội tâm an tịnh, sen hồng khác chi! <p>
Xin được tán thán, lành thay! <p>
Kinh mong Thầy luôn khoẻ và con xin được cúi đầu đảnh lễ dưới chân Thầy!
Ngày gửi: 28-09-2014
Câu hỏi:
Mô Phật con kính chào thầy ạ. Con là Diệu An Bình Phước. <p>
Thưa thầy 14 giờ chiều ngày 12 tháng 6 năm 2014 (AL), con tìm về tổ đình Bửu Long. Được gặp thầy lúc đó con hỏi thầy rất nhiều và được thầy từ bi chỉ dạy, thời gian đó con rất muốn đi xuất gia vì không thích sự ràng buộc của gia đình, thầy đã tận tình chỉ cho con hiểu, nếu né ràng buộc này lại gặp ràng buộc khác, tu là không chạy trốn mà là "tự tại giữa khổ đau, ung dung trong ràng buộc". Xuất là xuất tham, sân, si gia, xuất phiền não gia, xuất những thế tục của con người đặt ra, xuất tam giới gia. Đó là ý nghĩa của sự xuất gia. <p>
Chào thầy ra về lòng con xúc động nghẹn ngào. Từ đó tới nay con luôn ứng dụng thực hành theo, tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha, thận trọng chú tâm quan sát, không dời nghe tiếng lòng mình, tiếng cũng nghe không tiếng con cũng nghe, con thấy thân, tâm, cảnh luôn chặt chẽ khắng khít với nhau mà không làm trở ngại cho nhau. <p>
Thưa thầy, não của con bị nhiễm ký sinh trùng, chỉ số bình thường cho phép là 130 UI/ml. Kết quả xét nghiệm của con là 1280 UI/ml, vậy là lên gấp 10 lần cho phép. Bác sĩ khuyên con không được sử dụng thần kinh trung ương trong lúc điều trị vì trong não con 20 nốt tổn thương. Con có tánh đam mê kinh sách, thích tìm hiểu về giáo lý Phật, nên con vừa uống thuốc vừa học, vừa nghe thầy giảng và hành theo. Mỗi ngày con đều có nhẹ nhàng và an lành. <p>
Thưa thầy, trên con đường tu tập, nếu con không gặp được minh sư thì người bị nhiễm ký sinh trùng như con không bao giờ tu được, vì con người có mỗi các đầu để tỉnh táo thì lại bị đau mất rồi, tất cả các phương tiện chế định đều khiến bị căng thẳng thần kinh cả. Thật may mắn trong đời này con gặp chánh pháp, học hành chánh pháp cho nên kí sinh trùng hoành hành là chuyện của nó, về phần con tu học con chỉ cần xem tâm trạng ứng mọi lúc mọi nơi. <p>
Khi nghe thầy giảng: "Con người sinh ra không phải để thay đổi vạn pháp mà là để thay đổi thái độ", con tư duy suy ngẫm ngay câu đó và thực hành theo, luôn định tĩnh trong lành và sáng suốt thì sẽ không thọc gậy bánh xe pháp, những gì tạo tác đã qua đều được hóa giải hết. Niệm chết là con đường thật dễ tu, vì niệm chết nên luôn tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha, tu sửa tất cả mà không thấy mình tu sửa gì cả, buông xả những lăng xăng tạo tác mà không thấy mình buông xả gì cả, trở về ngay nơi thực tại trọn vẹn pháp như nó đang là, không có sự nỗ lực hay dụng công, tức khắc tánh rỗng lặng trong sáng tự nhiên chiếu soi một cách trung thực đó gọi là thiền, là tiến trình khám phá nội tâm sâu thẳm tùy sự trở về non hay sâu, ngay đó trạng thái hỉ lạc có cùng. <p>
Đúng vậy thưa thầy, ánh sáng phủ khắp không gian và thời gian, không tìm đâu ra đầu mối quá khứ, hiện tại hay tương lai, kết thúc hay khởi đầu, dường như như bất động, từ vô thỉ vô chung mãi mãi vẫn là vậy, đó là thực tánh pháp, không phải quả sở chứng để ôm chấp. Vọng thì thực tánh ẩn, không vọng thì thực tánh hiển bày, từng giây phút mà con thực nghiệm liên tục, trong con thốt nhẹ rằng, thầy dạy đúng quá thầy ơi! Không ai có thể lấy hay bỏ được cái gì, nó không thực mà cũng không hư, trọn vẹn với đang là thì ngay đó, những gì xưa kia Đức Phật nói ra, những văn tự ngôn thuyết mà những bậc cao tăng thạc đức viết lại, những tư tưởng bát nhã ba-la-mật mà ngày nay thầy đang giảng nói nghe không thấy Trời Trời Phật Phật gì cả mà bao nhiêu bộ tạng kinh điển đều gói gọn trong pháp thoại của thầy như nó đang là. Li văn, li ngôn, tức khắc sẽ thấy liền, biết liền tại đây ngay bây giờ. Không, vô tướng, vô tác, vô cầu, buông hết ý niệm phân biệt năng sở đó ra... <p>
Vâng, thưa thầy, thật là bất khả tư nghì (vô minh thực tánh tức Phật tánh, ảo hóa không thân tức pháp thân). Thưa thầy, thư này con viết hơi dài vì con mới phát hiện thêm một bệnh nữa là đa u, thân con đang hoại một cách nhanh chóng, đó là chuyện của pháp, con nhường quyền cho pháp, chân lý từ muôn thủa, con đã ngưng uống thuốc và thật là hoan hỉ trọn vẹn với đang là "duyên khởi từ không trở về không". Pháp vốn tự nhiên rất hoàn hảo muôn đời như nó vẫn là, giờ đây hoàn cảnh và môi trường, bệnh tật, dù nghịch duyên cỡ nào, với con, nơi thân thọ tâm pháp đều là xuân bất tận! <p>
Viết đến đây nước mắt con cứ trào ra, con khó có thể dùng lời để diễn tả, con cảm nghe vừa sung sướng vừa ngậm ngùi, nao nao, man mát trong lòng, vừa khởi niệm tri ân đức Phật, tri ân Thầy, cám ơn tất cả các duyên tận đáy lòng thâm sâu vô lượng.
Ngày gửi: 30-08-2014
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy, <p>
Con thường vào mục "Hỏi Đáp Phật Pháp" để học hỏi vì rất sinh động và gần gũi, dễ hiểu. Con có đọc được câu hỏi của một quý đạo hữu hôm 23/8/2014 về vấn đề "cô đơn" và đề nghị Thầy giảng bài pháp về sự “Cô Đơn” cũng như đề cập đến ý định viết cuốn sách về “xây dựng môi trường tu học”. Thầy đã trả lời về nguyên lý rất rõ ràng, khúc chiết cho "hai loại cô đơn: Cô đơn hữu ngã và cô đơn vô ngã". <p>
Con cũng có cơ duyên đọc được một cuốn sách về vấn đề mà quý đạo hữu đã hỏi nên mạn phép đóng góp ở đây. Đó là cuốn "Sống chung an lạc – phương cách xây dựng tăng thân", con mua đã lâu ở ngoài nhà sách. Trong đó nêu lên tầm quan trọng của Tăng thân (Sangha) và có đề cập đến vấn đề "cô đơn" trong tăng đoàn của Phật thông qua Kinh Tư Lượng có trong tạng Pali lẫn trong Hán tạng. Trong tạng Pali, kinh nằm ở trong Trung Bộ (Majjhimanikaya, 15) mang tên là Kinh Anumana, kinh tương đương ở Hán tạng là kinh Tỳ Khưu Thỉnh. <p>
Việc xây dựng tăng thân dựa trên Luật Tạng và những nguyên tắc sống chung an lạc trong tăng đoàn của Phật ngày xưa. Sách cũng đề xuất cách xây dựng "tăng thân" ở gia đình để có được sự an lạc. <p>
Hiện con có bản in trên giấy cũng như bản bằng tập tin PDF của cuốn sách này, vì thế nếu quý đạo hữu cần con có thể cho mượn hay gửi bản PDF (bản này có thể tìm trên mạng). <p>
Con xin đảnh lễ Thầy.
Ngày gửi: 02-08-2014
Câu hỏi:
Con cám ơn Thầy! Câu nói "Ý THỨC CHẤP SAO TÌM THẤY NGỌC" là lời của một vị Thầy đã dạy cho con trong một giấc mơ (rất tiếc con không thấy rõ dung nhan của người) sau lần đầu tiên con đến đảnh lễ chư Phật tại Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử cách đây khoảng 07 năm. Đây cũng là khoảng thời gian con tuyệt vọng nhất (cái tuyệt vọng này thường trực trong tâm hành hạ con từng giây từng phút, mặc dù con có một điều kiện vật chất có thể nói là khá giả, có bố mẹ, anh chị thương yêu, vợ đẹp con ngoan và một công việc ổn định, có thể nói là con không thiếu gì cả) nhưng trong tâm con như luôn sống trong địa ngục. Từ đó con không ngừng cố gắng và nỗ lực vượt qua những tra tấn hành hạ của vọng tưởng nhưng dường như không có tác dụng. Có những lúc con như cảm thấy mình đang lang thang trong sa mạc, không định hướng và không người giúp đỡ. Cho đến vài ngày vừa qua con quyết định không làm gì cả và nghỉ ngơi... thì con đã thấy được điều mà Thầy khai sáng, như vậy con đang đi đúng hướng. Giờ đây con chỉ cần sống được với tánh biết đó mọi lúc và mọi nơi nữa thôi phải không thầy? Mặc dù con biết làm được như vậy là rất khó khăn, vì vậy xin thầy hoan hỷ từ bi giúp đỡ con làm được điều đó. Con đội ơn Thầy, Cám ơn Người đã nhẫn nại lắng nghe. Kính chúc sức khỏe Thầy và mong lắm sự hồi đáp dạy dỗ của Người.
Ngày gửi: 04-07-2014
Câu hỏi:
Kính đảnh lễ Thầy! <p>
Thưa Thầy, đã gần một tuần lễ kể từ khi con có hạnh ngộ được gặp Thầy ở Geneva, con mong Thầy vẫn được mạnh khỏe, an lạc. <p>
Thưa Thầy, dù con chỉ được ở gần và nghe Thầy giảng có 2 ngày, nhưng đó là một khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa đối với con. Cái cảm giác "trực chỉ nhân tâm" khi ngồi nghe Thầy giảng quả thực vô cùng đặc biệt. Giờ đây con quay trở lại với những eo sèo của nhân thế, nhưng con đã hiểu ra rằng không thể có Giải Thoát nếu không có Ràng Buộc, không thể có Bến Giác nếu không có Bờ Mê. Trước đây con cứ mãi loay hoay đi tìm kiếm một cách tu nào đó để mà thoát ly khỏi cái căng thẳng của cuộc sống thường nhật, ban ngày thì đi làm còn buổi tối thì ngồi tu, thực là ngốc có phải không Thầy?
Thưa Thầy, con không có câu hỏi gì mà chỉ viết mấy dòng vấn an Thầy và kính đảnh lễ Thầy bằng vài câu góp nhặt dông dài. <p>
Ngay nơi cuộc Lữ khôn cùng, <p>
Áo vàng ôm trọn muôn trùng núi sông. <p>
Ai thong dong giữa Sắc - Không, <p>
Bờ Mê - Bến Giác giờ con tự tìm. <p>
Trăm năm nơi cõi tử sinh, <p>
Một mai tỉnh giấc, thấy mình hư không.
Ngày gửi: 21-06-2014
Câu hỏi:
Con xin đãnh lễ Thầy! Con nghe bài pháp của Thầy có bài kệ: <p>
"Tâm không làm muôn việc <p>
Công hạnh trả về không <p>
Sống nhờ ơn không tạng <p>
Chết từ thuở lọt lòng." <p>
Con hiểu theo nghĩa làm việc gì cũng nên để tâm rỗng không, không dính vào tham sân si, và không nghĩ làm việc đó sẽ đem phước đức lại cho mình, còn hai câu còn lại con chưa hiểu nghĩa lắm, con xin Thầy chỉ dạy thêm cho con. <p>
Mấy hôm nay ngồi thiền tâm con có lúc rỗng lặng, tự nhiên nhiều lúc sâu lắng đến nỗi mà con có cảm giác như vào thiền định, chỉ có khác là tâm con không mong cầu gì cả, cũng không trụ vào hơi thở mà thật sự thư giãn, buông xả. Đôi lúc con cũng nhận ra tâm mình buông lung chạy theo những suy nghĩ lo toan cho công việc kinh doanh. Con không biết thiền như vậy có đúng không, có bị lẫn lộn vào định không, vì thời gian đầu con có thiền định, bây giờ con theo sự hướng dẫn của Thầy nên con bỏ thiền định rồi. Hôm qua đang ngủ nửa đêm, con chợt trực giấc dạy và không ngủ được, tự nhiên con thấy mình nhỏ nhen, ích kỷ vậy mà bản ngã che lấp làm con lầm tưởng mình lúc nào rộng lượng. Có những chuyện con nhận ra bản ngã trổi dậy ngay khi con làm việc gì đó, hay qua hành động, qua thái độ, qua lời nói... Con rất biết ơn Thầy. <p>
Con xin đăng ký ngày 13/7 này tham gia khoá tu ở Tổ Đình Bửu Long, con có cần làm thêm thủ tục gì không thưa Thầy, con có rủ thêm 3 người nữa tham dự khoá tu này.
Con cảm ơn và xin chào Thầy!
Ngày gửi: 02-05-2014
Câu hỏi:
KỆ TRÌNH THẦY <p>
Vô cớ sinh ra giữa cõi đời <p>
Sanh già bệnh lão có gì vui <p>
Cuộc đời chấm dứt là cảnh tử <p>
Biệt ly, ly biệt hỡi người ơi <p>
Sau cái chết là gì, gì nhỉ? <p>
Thân xác này rồi sẽ hoại tiêu đi <p>
Nếu còn hồn, hồn sẽ đi đâu chớ <p>
Cuộc thế gian vui ít khỗ nhiều <p>
Giận buồn thương ghét…có bấy nhiêu <p>
Thân tứ đại khi vầy khi khác <p>
Hết bệnh này rồi đến bệnh kia <p>
Chưa kể đến thiên tai địa ách... <p>
Ngẫm thân mình rồi nghĩ đến người <p>
Chẳng khác gì lũ gà trong bội <p>
Làm thế nào để thoát thân ra? <p>
Tìm trong cõi thế có ai vượt thoát <p>
Khỏi khổ đau sinh tử luân hồi <p>
Ngày xưa nghe nói có ngài Thích Ca <p>
Nhưng trong thời này, có ai như vậy <p>
Tỷ tỷ người biết kiếm đâu ra <p>
Kinh sách luận đọc suốt đời không hết <p>
Đừng nói gì sáng suốt chọn ra <p>
Một phương cách để thoát ra cảnh khổ <p>
Ngước nhìn vũ trụ bao la <p>
Cầu Ơn Trên giúp con lời giải đáp <p>
Mặc khác đọc kinh, hỏi bạn, tầm thầy <p>
Rồi thêm quán xét ngày ngày <p>
Thấy có chút mối manh, manh mối <p>
Xin bày tỏ và cúi xin lời khai ngộ <p>
Ai khổ đau? Ai hạnh phúc đây? <p>
Thân biến đổi từng giây từng phút <p>
Cùng một lúc tế bào sinh diệt <p>
Từng giây qua thân xác lại qua <p>
Tâm biến đổi buồn thương giận ghét… <p>
Có lúc nào cố định đâu mà <p>
Cảnh bên ngoài từ nhỏ đến to <p>
Từ nguyên tử cho đến thiên hà <p>
Mỗi sát na đều là di chuyển <p>
Thân, Tâm, Cảnh mỗi giây mỗi mới! <p>
Vạn sự vật như tuồng ảo hoá <p>
Khổ đau, hạnh phúc tựa bọt xà phòng <p>
Xuất hiện rồi biến đổi lại mất đi <p>
Cái mới cứ thay nhau tiếp diễn <p>
Thật không thể tắm hai lần trên một dòng sông! <p>
Mọi cảnh vật, tình huống vốn vô tình <p>
Chỉ thành vấn đề khi xen vào tư kiến! <p>
Do ảo hoá mà không đặng thất <p>
Trong chỗ tối tăm thấy sợi dây là rắn <p>
Hoặc thấy đó là sợi chuyền vàng <p>
Rồi từ đó nghĩ sai, làm không đúng <p>
Người dụng pháp tu cũng giống như vầy <p>
Thiền Tịnh Mật như gãi ngứa ngoài giày <p>
Vậy trường hợp này thì phải làm sao??? <p>
Tôi trộm nghĩ chỉ cần XEM KỸ <p>
Để mình lúc nào cũng BIẾT RÕ <p>
Biết rõ thân tâm cảnh vô thường <p>
Biết rõ mình vốn là tánh GIÁC <p>
Cũng còn gọi tánh Nghe hay tánh Biết <p>
Chỗ gọi Chơn Tâm, bản lai diện mục vậy mà <p>
Cái vốn thường hằng chẳng sinh chẳng diệt <p>
Không quán, chẳng tưởng, không hành <p>
Không tu, không đắc, không gì vướng mắc <p>
Chỉ XEM KỸ, BIẾT RÕ, thì GIẢI THOÁT <p>
Nhưng chỉ là kiến giải thường tình <p>
Chưa thực sự bước vào cổng Đạo <p>
Có lẽ phải cần “ hành thâm ” hơn nữa <p>
Con thành tâm cúi đầu khấn nguyện <p>
Khi nào tìm lại được Bản tâm <p>
Đem hết sức mình âm thầm gỡ rối <p>
Cho kẻ hữu duyên còn trong bóng tối <p>
Tìm lại được viên ngọc quên trong chéo áo của mình <p>
Từ trước đến giờ chưa từng làm thơ <p>
Nay viết kệ trình thầy ra mắt <p>
Và xin được cảm ơn Ơn Trên đã dẫn lối soi đường <p>
Kính chúc thầy dồi dào sức khỏe. Hải.