Kết quả Tìm Kiếm: Có 106 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'giới luật'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 09-08-2012
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,<p>
Ở trong kinh Phật có dạy nếu ở một trú xứ nào mà mình gặp quá nhiều phiền não, tâm bồ đề mình không tăng trưởng và ngày càng mai một dần thì nên đến một trú xứ khác để tu tập. Nhưng trong luật dạy là đệ tử không nên lìa bỏ Thầy ra đi. Như vậy có mâu thuẩn không thưa Thầy? Con hiện đang trong tình trạng đó, con tha thiết có một môi trường để chuyên tu nhưng không biết ở đâu, vì hiện tại con đang ở một ngôi chùa trong thành phố. Con có nên rời Thầy mình không? Kính xin Thầy cho con một lời khuyên. Con xin chân thành tri ân Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Không có luật nào ngăn cấm đệ tử lìa bỏ thầy khi vị thầy hướng dẫn tu tập không tiến bộ. Theo luật thì nếu người đệ tử thấy khi ở trong trú xứ của vị thầy không được tiến bộ về pháp học và pháp hành thì có thể xin thầy đi ở trú xứ khác, nếu xin 3 lần không cho thì người đệ tử có quyền đi không cần xin phép nữa.
Ngày gửi: 20-03-2012
Câu hỏi:
Con thưa thầy khi đã là 1 Phật tử thì phải giữ ngũ giới. Nhưng trong cuộc sống mình vẫn thờ cúng tổ tiên nên vẫn phải làm thịt gà cúng vào các ngày lễ, tết... Khi đó thì phải làm sao ạ?
Con cảm ơn thầy.!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Khi đó thì phạm giới chứ còn làm sao nữa? Giới không phải là điều bị cấm đoán đối với người Phật tử mà là điều hại mình, hại người, hại chúng sanh mà bất cứ ai hiểu biết và tôn trọng sự sống cũng đều tránh, không dám làm. Phạm giới không có nghĩa như phạm một quy định hay một luật lệ hình sự mà là phạm phải lương tâm của chính mình khi làm khổ kẻ khác, vì vậy một người vô lương tâm không bao giờ biết mình phạm giới mà chỉ sợ phạm luật, sợ bị bắt quả tang, sợ bị hình phạt mà thôi.
2) Sát sanh để cúng là một tục lệ xưa bày nay làm, chẳng ai thấy tổ tiên về ăn cả. Theo Phật giáo thì người chết có thể đã tục sinh trong nhiều cảnh giới khác nhau tùy theo nghiệp của họ. Giả sử họ đã sinh làm người hay chư thiên thì làm sao về ăn được? Nếu họ sinh vào địa ngục, súc sanh thì lại càng không thể về ăn. Còn nếu họ sinh vào cõi âm (peta, asura) thì họ không ăn được vật thực bằng vật chất mà phải chuyển thành dạng năng lượng tinh thần như tâm lực và phước lực thì họ mới hưởng được. Khi sát sanh là đã tạo năng lượng loại nhẫn tâm và phi phước lực thì chỉ làm cho người âm khổ thêm chứ gọi là "cúng" gì được? Phải chăng người đương bày ra cúng tế để có dịp tiệc tùng?
Người không thấy đạo lý
Chỉ xưa bày nay làm
Không biết đâu giới hạn
Không quý cũng không tàm!
(Tàm là không biết điều sai xấu nên không hổ thẹn tội lỗi. Quý là làm điều sai xấu mà không hề biết sợ nhân quả)
Ngày gửi: 06-01-2012
Câu hỏi:
Da bạch thầy cho con hỏi, sự giữ giới qua thân, khẩu, ý có phải giảm dần sự thô tháo không ạ? Con cảm on thầy, con kính đảnh lễ thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đúng. Trong giới định tuệ chế định thì giới đối trị phiền não thô, định đối trị phiền não trung, tuệ đối trị phiền não tế.
Ngày gửi: 04-08-2011
Câu hỏi:
Kính bạch thầy! <p>
1. Xin thầy cho con biết hết các phương pháp đối trị, hay thái độ của mình khi có một tâm bất thiện khởi lên (dục niệm, sân hận...)?<p>
2. Khi hành thiền tuệ, nếu thấy một niệm khởi lên chỉ cần thấy nó đến rồi đi, con có phải cần biết đây là niệm thiện, đây là niệm bất thiện không ạ? <p>
3. Nếu tối con nghĩ là mai 4h mình dậy học, đến sáng tâm con cứ lười biếng không muốn dậy, lúc đó con quyết tâm bật mình dậy, như vậy có đúng không ạ? Con xin thầy phân tích tâm lý con lúc này ạ.<p>
4. Con xin được hỏi, nếu một người tu mà chưa sống được tuỳ duyên thuận pháp (chưa thấy đạo), trong trường hợp giữ giới vị ấy phải khắc kỷ mình, buộc tâm mình làm theo giới luật dù thấy khó chịu lúc đó, làm vậy có đúng pháp không, có bị ức chế tâm không? Con xin thầy phân tích tâm lý người tu lúc này ạ.<p>
Con xin thầy từ bi giảng dạy cho con. Cuối cùng, con xin thầy cho con một lời khuyên (con nghĩ với tình thương của thầy lời khuyên sẽ tự nhiên cần thiết hợp với con, với sự tu tập tâm linh của con lúc này).
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Nói chung, giới, định, tuệ hoặc vô tham, vô sân, vô si đối trị tham, sân, si.
2) Nếu biết thực tánh của thiện hay bất thiện thì được. Nếu biết đây là thiện, đây là bất thiện qua khái niệm hay quan niệm thì không được.
3) Quyết tâm thuận pháp là đúng, quyết tâm vì bản ngã chủ quan là sai.
4) Giữ giới vì hiểu đúng ý nghĩa của giới luật thì không ức chế, hiểu sai mà cố giữ thì có úc chế.
Lời khuyên của thầy vẫn là đọc thêm và đọc kỹ những tài liệu hướng dẫn tu tập trong trang web này.
Ngày gửi: 20-05-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy, con là một Phật tử thường xuyên và có nhiều thời gian thân cận với Tăng giới. Có nhiều điều con được biết, nói đúng hơn là vô tình mà con được biết khiến con dần mất đức tin vào Tăng chúng hiện nay. Nay con được bạn bè giới thiệu webside này. Phật giáo Nguyên Thủy còn khá lạ lẫm đối với con; tuy nhiên khi đọc qua phần Hỏi đáp Phật Pháp này, con thấy Thầy trả lời rất hay, thực tế và gần gũi. Con mạo muội xin hỏi thầy một vấn đề mà con băn khoăn như sau: Vị tỳ kheo, sa di, phạm giới hành dâm; Phật tử đã thọ quy giới và một người thường phạm tội tà dâm thì xét theo phương diện nhân quả và giới luật của nhà Phật tính chất và quả báo có khác nhau không? Có gì thất lễ xin thầy hoan hỷ! Thành kính đảnh lễ thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giới luật rất vi tế. Tuy giới luật áp dụng cho hành động thân khẩu nhưng tội nặng nhẹ lại tùy vào mức độ cố ý sai phạm của tâm và hậu quả mà sự sai phạm ấy gây ra. Bất luận là Tăng, Ni, cư sĩ tại gia hay người thường cũng đều xét trên hai phương diện đó. Về tính chất tội của sự sai phạm giới luật thì hoàn toàn bình đẳng đối với mọi người, nhưng người xuất gia còn cộng thêm tội sống nhờ đàn-na mà làm cho đàn-na mất đức tin nữa. Ngoài ra có một số nguyên tắc cần lưu ý là dù cùng một hành vi sai phạm giống nhau tội vẫn khác nhau:
- Người biết rõ sự sai phạm ít tội hơn người biết ít hoặc không biết mình sai phạm. Vì người không biết mình sai phạm sẽ không biết dừng lại sai phạm của mình.
- Người nhận tội và sám hối ít tội hơn người không nhận tội và không sám hối.
- Người có đạo đức, đức tin, trí tuệ... nhiều ít tội hơn người có ít hoăc không có đạo đức v.v...
- Người phước lớn ít tội hơn người kém phước, vân vân và vân vân.
Ngày gửi: 11-05-2011
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, sư phụ của con dạy rằng: "Đức Phật không cho khoe pháp". Vậy khoe pháp nghĩa là sao và tai hại của nó là như thế nào? Cúi mong thầy chỉ dạy cho chúng con để không vấp phải điều này. Thành kính tri ân thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khoe Pháp bậc cao nhân với người chưa tu lên bậc trên (thọ đại giới Tỳ kheo, Tỳ kheo ni) là 1 trong 4 điều luật bất cộng trụ của vị Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni. Phạm luật này vị tỳ kheo bị tẩn xuất ra khỏi Tăng Chúng, không được làm tỳ kheo nữa. Khoe pháp bậc cao nhân tức là tự xưng mình đã đắc thắng trí, thần thông, Thánh quả v.v... để mưu cầu danh lợi, thuộc tà mạng. Trong trường hợp trình pháp với vị thiền sư, với thầy mình hoặc chia sẻ với những người bạn đồng tu mà nói lên sự thật mình đã thực chứng để thiền sư chỉ bảo thêm thì không phải là khoe pháp bậc cao nhân.
Đây không phải là giới luật của Sadi hay Cư sĩ tại gia, tuy nhiên khoe khoang tự nó là không tốt rồi. Bậc cao nhân thật sự thì lại sống giản dị từ tốn nên không cần khoe pháp để lòe hay lừa thiên hạ làm gì. "Hữu xạ tự nhiên hương" đâu cần phải kheo, cho nên khoe tức là gia. Các Ngài cũng biết rằng đề cao pháp cao nhân chỉ làm cho người khác tham muốn, không lo trở về giác ngộ lại thực tai nơi chính mình. Hơn nữa có nhiều pháp đã đạt được mà khoe khoang thì liền mất ngay, có lẽ vì tâm khoe khoang với pháp cao thượng không thể đi chung với nhau được.
Ngày gửi: 05-07-2010
Câu hỏi:
Thưa Sư, cho con hỏi một điều: Khi xưa Đức Phật có ban giới luật cấm uống sữa không ạ? Nếu có thì trong trường hợp nào mà Đức Phật ban điều luật đó? Con cám ơn Sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đức Phật không ban điều luật nào cấm uống sữa cả. Chỉ có buổi chiều tối (quá ngọ) Đức Phật khuyến giới chư Tỳ kheo không nên uống sữa nhất là sữa chua. Sữa chua hồi đó là sữa tươi để lâu thành chua chứ không phải như yaourt bây giờ. Sữa hồi đó là sữa tươi chưa được xử lý vệ sinh cho nên uổng tươi hay để lâu thành chua thì đúng là không nên uống, có thể gây đau bụng, hoặc bao tử vì các vị tỳ kheo không ăn buổi chiều. Bây giờ là sữa hộp đặc hoặc bột , thậm chí sữa tươi, sữa chua cũng đều đã xử lý vệ sinh, không gây đau bụng nữa nên uống buổi chiều cũng không sao. Nhưng nếu là sữa tươi hay chua chưa xử lý thì đương nhiên khoa học bây giờ cũng không cho uống. Điều luật gọi là điều học nên cần phải hiểu rõ ý nghĩa của nó thì giữ mới tốt, nếu chỉ tuân theo hình thức giới thì chưa phải thật sự giữ giới.
Ngày gửi: 30-04-2010
Câu hỏi:
Kính Thầy,
Trường hợp một người đã có gia đình nhưng lại thương một người nữ khác.
Trường hợp thứ nhất:
Ông xin ly dị hẳn hòi, người vợ vẫn còn thương chồng nhưng vẩn chấp nhận ly dị và người chồng đã có người nữ mới. Trong trường hợp này, người chồng có phạm giới tà dâm đối với người vợ cũ không? (Vì người vợ vẫn còn chưa dứt khoát)
Trường hợp thứ hai:
Vì con còn nhỏ, nên hai người đồng ý trả lại tự do cho nhau mà không cần đến luật pháp, nghĩa là chỉ sống chung như anh em để không gây xáo trộn cho con (nhưng người vợ vẫn còn thương chồng), như vậy người đàn ông này có phạm giới thứ ba không nếu có quan hệ với người nữ ông thương?
Kính mong quý Thầy hoan hỷ giúp con làm đúng.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giới là điều học, lẽ ra con nên lấy đó để tự chiêm nghiệm học hỏi, sao lại đi hỏi thầy. Giới giúp chúng ta điều chỉnh hành vi tinh tế ở từng trường hợp cá biệt của mỗi người, vì vậy mỗi người nên cân nhắc kỹ lưỡng và thận trọng trong hành vi đạo đức của mình chứ không nên rập khuôn theo ai khác.
Tình huống chỉ là hoàn cảnh bên ngoài, nên dù bất cứ tình huống nào thì cốt lõi đạo đức mới là trọng điểm vì nó là nguyên lý chứ không phải hình thức luật lệ. Vậy nguyên lý này là gì? Tất cả "quan hệ" nam nữ được gọi là tà dâm khi đó là hành động cưỡng ép, bất chính, trái với lương tâm, chỉ để thoả mãn nhục dục, hại mình hại người. (Bất chính là quan hệ với người khác phái không phải hay không còn là vợ mình).
Ngày gửi: 27-04-2010
Câu hỏi:
Vì mục đích sau này có thể xuất gia, con tình nguyện giữ một số giới thuộc về giới bản của tỳ khưu có tốt và có phước không thưa thầy hay như vậy là quá vội vàng? (Chẳng hạn như những giới thuộc tăng tàn hoặc ba-dật-đề mà người cư sĩ cũng có thể mắc phải). Xin thầy cho con lời khuyên. Con xin cảm ơn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tất nhiên có ý nguyện sau này xuất gia mà bây giờ con tập giữ giới tỳ-khưu trước càng tốt vì như vậy sau này giữ giới sẽ dễ dàng hơn. Giữ giới dĩ nhiên có phước, tuy nhiên con nên giữ giới để ngăn ngừa hành động nói năng sai trái hại người hại mình thì tốt hơn là cầu phước. Con càng thoát được những sai trái thì càng nhẹ nhàng thanh thoát, ung dung tự tại, đó không phải là phước sao? Thầy cũng đã làm như vậy một thời gian trước khi xuất gia.
Ngày gửi: 29-03-2010
Câu hỏi:
Thưa Thầy! Người cư sĩ nếu lỡ phạm giới thì có nhất thiết phải đến chùa thọ giới lại không? Vì không phải ai cũng có đủ duyên đến chùa thường xuyên để thọ lại năm giới.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tâm lý, người sai phạm khi đối trước người khác, nhất là bậc tôn túc, ở nơi tôn nghiêm, để xin sám hối và nguyện sửa sai thì dễ trở lại trong sạch hơn, do đó người ta thường đi chùa để xin sám hối và thọ giới lại với một vị Tăng để bày tỏ quyết tâm điều chỉnh sai phạm của mình. Tuy nhiên nhiều người sợ tội và nghĩ rằng đi đến chùa thọ giới lại cho hết tội là rất sai lầm. Tốt nhất là người phạm giới có ý thức trách nhiệm về hành vi của mình chứ không tìm cách chạy tội để có được cảm giác an toàn. Trong trường hợp này chẳng thà chịu ray rứt ăn năn còn hơn có được cảm giác yên tâm giả tạo. Cần thận trọng quan sát hành vi của mình để biết mình đã sai phạm điều gì, ở mức độ nào, tính chất và nguyên nhân ra sao... để tự điều chỉnh chính hành vi của mình mới thật sự là thành tâm sám hối và sửa sai. Bất cứ ở đâu con nhận biết sai lầm của mình và sửa sai ngay tại đó đều tốt cả, chứ không nhất thiết đợi đến chùa thọ giới lại cho yên tâm mới là tốt đâu.