Kết quả Tìm Kiếm: Có 106 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'giới luật'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 13-11-2013
Câu hỏi:
Vì cuộc sống, nên con làm việc cho 1 cửa hàng bán cá. Công việc của con là khách tới mua, chọn cá xong con sẽ bắt đập đầu, làm sạch sẽ rồi giao cho khách. Con không thể chọn nghề khác được vì công việc đang ổn định và phải nuôi sống gia đình nữa. Toàn bộ quá trình giết cá như vậy con là người thụ động về tâm nhưng hành vi lại là người trực tiếp giết. Vậy trong trường hợp này, có tạo thành nghiệp và quả của nghiệp sát sanh không?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giới có nhiều cung bậc khác nhau nhưng chung quy là giúp cho hành động và nói năng của con được trong lành, nghĩa là nói làm đúng tốt xuất phát từ tâm hiền thiện không hại mình hại người. Lúc đầu đối với người tự mình chưa nhận thức được thế nào là hành động xấu tốt, đúng sai, thiện ác thì giới là qui định ngăn cấm, hạn chế và ngăn ngừa từ bên ngoài, như giới luật, pháp luật chẳng hạn. Khi bắt đầu có trí khôn biết nhận xét thì giới là điều học qua đó học ra điều gì nên làm điều gì không nên làm, điều gì lợi mình lợi người, điều gì hại mình hại người. Khi đã nhận thức được điều gì đúng tốt điều gì xấu ác thì giới bắt đầu vượt ra khỏi hình thức chế định hữu hạn từ bên ngoài mà giới trở nên vô lượng, lúc đó giới là thể hiện sự thận trọng từ bên trong. Khi nói làm đã thận trọng thì giới là sự tinh tế trong hành vi tỉnh thức và thông minh để cuối cùng giới chỉ còn lại là tính hiền thiện, trong lành và tự tại. Đó là bài học của con cho trí tuệ và đạo đức nên con cần tự mình quan sát chiêm nghiệm lại việc làm của con xem nó đang ở cung bậc nào của giới để tự điều chỉnh và nâng cao nhận thức trong hành vi của mình cho đến khi đúng tốt và trong lành là được.
Ngày gửi: 14-10-2013
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, <p>
1- Con thường đến một chùa nọ tu tập mỗi tuần. Con biết được quí Tăng chúng trong chùa đó có chuyện xích mích, bây giờ không còn hòa hợp với nhau. Thưa thầy, con có nên tiếp tục đi chùa đó nữa không? Mỗi lần quí thầy lên giảng pháp thường khuyên Phật tử phải sống hòa hợp với nhau, nay quí thầy có chuyện bất hòa không giải quyết để sống hòa hợp được làm con thấy mất lòng tin. Xin thầy cho con lời khuyên. <p>
2- Trong giới luật nhà Phật, người Phật tử không được nói lỗi một vị tu sĩ phải không thầy? Nếu phải, thì tại sao vậy thầy, một vị tu sĩ cũng là một chúng sanh phàm phu đang tu tập như tất cả các cư sĩ Phật tử khác thôi. <p>
3- Tâm của người nói lỗi, phê bình hay chỉ trích người khác là tâm ngã mạn, phải không thưa thầy? Xin thầy hướng dẫn chúng con tu tập pháp gì để chuyển hóa tâm ngã mạn này. <p>
Con cảm ơn thầy rất nhiều. Con kính chúc thầy luôn được khỏe mạnh, bình an.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Đến chùa học đạo và tu tập thì nên "Y pháp bất y nhân" nghĩa là chỉ nên chuyên tâm học Phật pháp còn ai nói pháp và người đó có hành theo hay không không quan trọng. Tích xưa kể rằng Bồ-tát tiền thân đức Phật Thích-ca xin đổi mạng để cầu một con Quỷ Dạ-xoa nói cho ngài nghe câu Phật ngôn mà hắn còn nhớ được, dù nghe xong phải hiến thân cho Quỷ cũng cam lòng. Các vị sư trong chùa bất hòa cũng có mặt tốt của nó vì có như vậy họ mới va chạm để vỡ ra những bảo thủ cố chấp cá biệt một chiều của mình. Tính mâu thuẫn là tất yếu của đời sống để giúp mọi người thấy ra được mặt khác của chân lý đời sống.
2) Không phải chỉ không nên nói lỗi chư Tăng mà không nên chỉ trích lỗi của bất kỳ ai khác, bởi vì ai mà không từng có lỗi, nếu không có lỗi có sai làm sao thấy ra cái đúng cái tốt, làm sao biết tu tập để điều chỉnh nhận thức và hành vi. Người chỉ lo chỉ trích lỗi của người khác thì không thể thấy ra lỗi của mình. Cái sai của một số cư sĩ là muốn các nhà sư phải hoàn hảo theo ý mình nghĩ mà không thông cảm rằng họ cũng là những người còn sai nên mới đi tu. Hơn nữa mình không ở trong hoàn cảnh của họ làm sao phê phán họ được. Thầy đã từng thấy nhiều người ở ngoài chỉ trích các vị sư nhưng khi họ xuất gia thì còn tồi tệ hơn thế.
3) Đúng là chỉ trích người khác thì phần lớn là tự cao ngã mạn. Cho nên đức Phật dạy:
Chớ nên dòm lỗi người
Xem họ đã làm gì
Chỉ nên nhìn lại mhình
Thử đã làm được gì.
Vậy cách tốt nhất là thường thận trọng chú tâm quan sát để phát hiện ra lỗi mình, thì sẽ biết thông cảm với lỗi người.
Ngày gửi: 01-10-2013
Câu hỏi:
Kính thưa thầy,<p>
Con rất thích câu trả lời của thầy trong mục hỏi đáp, rất tận tình và trí tuệ. Con muốn hỏi thầy về giới. Thầy cho con hỏi sử dụng xà bông, nước rửa chén, kem đánh răng hay bột giặt có phải là phạm giới sát sanh? Hồi xưa thời của đức Phật không có những thứ này nên các vị thời đó nếu muốn giữ giới đều có thể hoàn hảo có phải không thầy? Mong thầy giải đáp nghi vấn này của con. <p>
Con xin cám ơn và đảnh lễ thầy. Mong thầy thân tâm được an ổn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giới là điều học (sikkhāpadam) để qua đó con học ra thái độ hành động của mình là đúng hay sai, thiện hay bất thiện, hại mình hại người hay vô hại... do đó mỗi người phải tự học ra bài học điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình chứ không nên lệ thuộc vào ai khác, cũng không nên bắt chước ai. Mỗi người một trình độ khác nhau nên cách giữ giới cũng không giống nhau. Có người tưởng như giữ giới sai nhưng lại đúng, và ngược lại, người tưởng là giữ giới đúng hóa ra lại sai.
Giới có nhiều loại: Loại chế định, loại tự tánh, loại hữu hạn, loại vô hạn đều có giới tướng, giới tánh khác nhau... Riêng giới chế định cũng có 4 loại: 1) Thu thúc lục căn 2) Quán tưởng bốn vật dụng 3) Nuôi mạng chơn chánh 4) Giới giải thoát theo từng điều học. Nhưng chung quy con hành động nói năng thận trọng là cách tốt nhất để giữ giới được trong sạch. (Con vào mục Pháp Thoại nghe thầy giảng Khóa 13 ngày 8B có trả lời câu hỏi về việc giữ giới. Và muốn rõ hơn nữa con vào mục Thư Viện đọc Sống Trong Thực Tại, chương 7: Hành Xử Tinh Tế có nói về ý nghĩa của giới).
Riêng đối với giới sát sanh thì có 5 chi:
1) Vật còn sống
2) Thấy biết vật còn sống
3) Muốn giết
4) Cố ý giết
5) Vật chết do sự cố sát.
Hành động đủ 5 chi trên mới gọi là sát sanh. Như vậy trong 5 chi sát sanh cố ý sát hại khi thấy biết vật còn sống là chính, nếu không thấy biết và không cố ý thì không thành tội. Thí dụ con giặt áo, đánh răng... cho sạch chứ không cố ý diệt trừ vi khuẩn, con đi chùa học đạo chứ không cố ý đạp kiến chết, con nấu thức ăn dâng chư Tăng chứ không cố ý luộc chết vi trùng, v.v... thì không những không có tội mà còn có phước nữa. Ngài Cakkhupāla vì tu quá tinh tấn - không ngủ để hành đạo - nên vừa đắc quả Alahán cũng vừa bị mù luôn, nên khi đi kinh hành ngài đạp chết rất nhiều côn trùng, nhưng ngài không có tội vì không thấy biết và không cố ý sát sanh. Giới thanh tịnh là để tâm thanh tịnh (định), tâm thanh tịnh là để tri kiến thanh tịnh (tuệ), nên nếu tâm và tuệ đã tịnh thì giới tánh đương nhiên là tịnh, lúc đó giới tướng bên ngoài không còn quan trọng nữa.
Ngày gửi: 09-06-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con đã thọ bồ tát giới năm 2012 và đã ăn chay trường được 1 năm sau đó con bị bịnh lao phổi nên không thể ăn chay được vì phải chích và uống quá nhiều thuốc.<p>
Theo tư vấn của bác sĩ con đã bị bịnh này lần thứ 2 (vì năm 1978 con đã bị một lần), nếu tiếp tục để sức khỏe xuống dốc thì con không thể điều trị nữa ở lần thứ 3.<p>
Điều con muốn hỏi là không trường chay mà chỉ ăn chay tháng 10 ngày vậy con có bị phạm giới không? Con phải làm sao đây Thầy? Kính mong Thầy chỉ dây cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giới là điều học (sikkhàpada) giúp chúng ta học ra hành động đúng sai thiện ác một cách thực tế chứ không phải là điều răn cấm mang tính hình thức quy định hay ràng buộc bên ngoài. Nếu chấp vào hình thức của giới mà không thấu rõ nội dung ý nghĩa thực sự của nó thì vẫn gọi là giới cấm thủ, một trong 10 ràng buộc không thể giác ngộ giải thoát được. Một người thông suốt giới sẽ biết uyển chuyển tuỳ trường hợp chứ không chấp thủ một cách cứng nhắc. Và vì là điều học nên mỗi người phải tự mình học ra bài học uyển chuyển đó để giác ngộ chứ không nên ỷ lại vào quan điểm của ai khác.
Ngày gửi: 03-06-2013
Câu hỏi:
Con chào thầy! Con có một suy nghĩ đã từ lâu ấp ủ trong lòng mà không dám hỏi bất cứ ai. Chuyện của con hơi tế nhị. Mỗi lần con ở bên cạnh người bạn đời của con, chuyện ân ái vẫn xảy ra bình thường, nhưng sau mỗi lần con cảm giác tội lỗi chất chồng. Chuyện này cứ dày vò con mãi, con không biết phải xử sự sao cho tốt. Có phải do con học Phật pháp chưa đúng cách phải không thầy? Con sợ con không bao giờ giác ngộ được nếu có người bạn đời bên cạnh. Mong thầy từ bi khai thị cho con, con cám ơn thầy rất nhiều!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có thể là do con hiểu chưa đúng về giới tà dâm (kàmesu micchacarà) của người tại gia và giới phi phạm hạnh (abrahma cariyà) của người xuất gia. Người tại gia quan hệ vợ chồng không phạm tội, mà chỉ phạm tội tà dâm khi quan hệ với người không phải vợ hay chồng mình. Trong thời Đức Phật nhiều cư sĩ tại gia tuy có vợ chồng con cái mà vẫn đắc bậc Thánh Tu-đà-hoàn. Đời sống gia đình vẫn là một giai đoạn tất yếu để thấy ra chính mình và cuộc sống trên hành trình giác ngộ. Nếu con chưa thấy ra nhân duyên sinh diệt của nó, chưa thấy mặt vui mặt khổ của nó thì nó vẫn còn là nỗi ám ảnh của vọng tưởng và khát ái mà thôi. Trong đời sống gia đình quan trọng là con học được bài học "thanh tịnh trong ô nhiễm" mà trong đó chủ yếu là thái độ nội tâm của con đối với hoàn cảnh thực tế của duyên nghiệp chứ không phải là hướng đến một tình trạng lý tưởng.
Ngày gửi: 11-05-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, có những tham ái con nhìn thấy rất rõ ràng nhưng con cứ chìm đắm vào đó mà không tìm được lý do để thoát ra. Con hiểu là chỉ cần tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác là được mà không cần phải có lý do, nhưng đối diện với tham khó hơn với sân nhiều thầy ạ, phải chăng con chưa nhìn thấy được sự nguy hại của nó nên chưa thể thoát ly hả Thầy? <p>
Đây là những dục vọng không xảy ra thường xuyên với con mà 2,3 tháng mới xảy ra một lần, và lần nào con cũng thất bại trong việc tỉnh giác, nhưng mỗi lần như vậy con lại rút ra được nhiều trải nghiệm hơn, có phải bình thường con đã vô tình tích lũy nó để đến lúc nào đó nó bùng phát phải không Thầy? <p>
Có những giới con không thấy được sự nguy hại của nó thì làm sao mà giữ được hả Thầy?<p>
Con xin tri ân thầy, cầu chúc Thầy luôn được khỏe mạnh, và mong được Thầy khai mở!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vấn đề là ở chỗ con không đủ bình thản để thấy hiện trạng và nhân duyên của tham ái như nó là. Con nói con nhìn thấy nó rõ ràng nhưng thực ra con vẫn nhìn nó theo một quan niệm hay kiến thức nào đó. Thực tế là con không thực sự muốn thấu hiểu nó mà chỉ muốn loại trừ nó nhưng không có cách nào, chứ không phải là không tìm được lý do thoát ra, chính vì thế mà con thấy mình vẫn đắm chìm trong đó. Mong thoát ra cũng là trói buộc chẳng khác gì chìm đắm. Mong thoát ra là "bước tới", bị chìm đắm là "dừng lại". Không bước tới, không dừng lại mới thoát khỏi dòng sông ái dục như Đức Phật đã làm. Chỉ thấy mà không xen quan niệm và ý đồ của bản ngã vào mới gọi là thấy rõ. Nếu con đã thấy rõ tức không còn cái Ta thấy thì lúc đó cái gì tham ái, cái gì thoát khỏi tham ái?
Ngày gửi: 12-04-2013
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy, xin Thầy hoan hỷ cho con được hỏi một vấn đề. Con có nghe các vị giảng là không nên huân tập những thói quen xấu, nó sẽ trở thành bản năng. Như việc nói dối, dẫu không làm hại ai nhưng con thấy dường như con đã bị thói quen đó ảnh hưởng. Con xin Thầy chỉ lối để con không bị thói quen đó làm mất đi bản tính của mình, đồng thời không gây tạo những nghiệp thức - chủng tử không tốt.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đơn giản là con cần phát hiện kịp thời cái tâm ý muốn nói dối. Nếu mỗi lầm khởi tâm muốn nói dối mà con nhận ra ngay sự sinh khởi đó thì sẽ không còn rơi vào thói quen nói dối nữa.
Ngày gửi: 19-02-2013
Câu hỏi:
Nam Mô Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. <p>
Con kính chúc thầy thân tâm an lạc ạ.<p>
Thưa thầy, con là một thiền sinh mới hành thiền được nửa năm và con cảm thấy rất an lạc khi hành thiền. Càng ngày con càng nhận thấy sự tạm bợ của mọi thứ, chẳng có gì để bám víu vào điều gì cả, con cảm thấy con đường ý nghĩa nhất là thiền tập, đi con đường mà Đức Phật đã đi. Càng ngày con càng hiểu hơn về tác dụng của giữ giới cho việc thiền tập của mình, việc thiền chỉ phát triển khi con giữ giới trong sạch. Nhưng cũng vì hiểu những điều đó mà con lại tránh xa các cuộc vui dễ làm tâm mình phóng dật hơn, tránh nói những lời nói xã giao, khách sáo mà người đời vẫn hay nói hơn, nó khiến con sống khác mọi người hơn, con không biết con đi có đúng con đường không nữa, nhưng con thấy rằng những cuộc vui, những lời nói xã giao chẳng có chút lợi ích và ý nghĩa gì cả, cuộc đời này chúng ta sống trong các quy ước và là một cư sĩ tại gia, một thiền sinh trẻ con nên sống như thế nào thầy giúp con hiểu hơn ạ.<p>
Kính bạch thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giữ giới và tránh được những điều vô ích là tốt nhưng nếu quá ham mê trong thiền định thì như đức Phật đã nói, định nhiều sinh ra trì trệ hôn trầm. Mục đích đời sống cao nhất của một người Phật tử là trầm tĩnh sáng suốt trong mọi biến đổi như đức Phật dạy trong Hạnh Phúc Kinh: "Khi xúc chạm việc đời, Tâm không động không sầu. Tự tại và vô nhiễm, Là phúc lành cao thượng".
Ngày gửi: 23-11-2012
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy,<p>
Con có người bạn hay cùng nhau nói chuyện về việc thực hành. Con thì thực hành theo cách dạy của thầy là quan sát mọi việc diễn ra như chúng là. Nhưng người bạn của con bảo rằng con bị sai lầm ở chỗ là không giữ giới, nghĩa là con phải sống trong sạch như đời sống người xuất gia, không yêu đương người khác phái. Con lại thấy rằng không cần phải gượng ép cái gì cả, việc cần làm là giữ chánh niệm tỉnh giác cho được, rồi khi có được sự hiểu biết thì giới sẽ tương ứng mà thôi, và ngay trong việc giữ chánh niệm cũng đã có giới tương ứng với mức độ hiểu biết của mình. Mà thật ra là cứ quan sát mọi việc diễn ra, bạn con phù hợp với cách làm của bạn con, và con phù hợp với cách làm của con. Việc con muốn bạn con có cái nhìn giống con là đã không theo đúng cách thầy dạy rồi. Con hiểu thì như vậy đó, nhưng cứ tranh luận với nhau hoài, thật là bịnh của con nặng lắm. Kính mong thầy chỉ dạy thêm cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Không sao, lúc đầu tranh luận cũng giúp thấy ra sự thật, rồi khi con đã thấy rõ căn cơ trình độ của mỗi người thì con sẽ không tranh luận nữa mà chỉ tôn trọng trình độ nhận thức của mọi người. Ví dụ về phương diện giới cũng có nhiều cấp độ nhận thức và thể hiện khác nhau theo thứ tự như sau: ngăn cấm > ngăn ngừa > điều học > thận trọng > tinh tế > trong lành. Người ở trình độ nào thì giữ giới theo trình độ đó cũng là điều tự nhiên, phải không con?
Ngày gửi: 25-08-2012
Câu hỏi:
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! <p>
Kính bạch Hòa thượng, <p>
Con có một huynh đệ học cùng khóa và tu cùng Chùa với con, vị ấy đang gặp khó khăn và nhờ con thỉnh ý dùm các bậc Tôn túc. Con chỉ có thể thỉnh ý của Hòa thượng mà thôi. Kính mong Hòa thượng từ bi hoan hỷ chỉ dạy cho chúng con.<p>
Sư huynh con đang bị những người Phật tử thân thiết thị phi và đồn thổi rất nhiều chuyện. Nhưng nặng nhất là nói huynh ấy là 1 người xuất gia mà "phá giới phạm trai". Sư huynh con đang rất phiền não. Trong nhóm Phật tử này còn 1 số vẫn đi theo và nghe Sư huynh giảng pháp. Nhưng không hiểu sao họ lại tin lời của những người Phật tử kia và nói với nhau là: "Sư cô tuy là người phá giới phạm trai, nhưng đó đã là quá khứ, sư cô làm gì cũng có lý của Sư cô". <p>
Kính bạch Hòa thượng,<p>
Huynh đệ tu chung 1 Chùa hai mươi mấy năm, con biết rất rõ đạo hạnh của vị này là bậc chơn tu thật học. Đứng trước hoàn cảnh này huynh ấy khó có thể vượt qua được. Vì huynh ấy là người trì Luật rất miên mật. Nhưng hiện tại con khuyên không được.<p>
Con kính xin Hòa thượng cho chúng con 1 lời khuyên, để Sư huynh của con có thể vượt qua được cú sốc này.<p>
Con thành kính tri ân Hòa thượng.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu không phạm giới mà bị mang tiếng phạm giới thì đó là quả của nghiệp quá khứ. Đã vậy thì phải nhẫn nại để trả nghiệp của mình, đồng thời qua đó học ra được rất nhiều bài học quý giá. Một người giữ giới vì có trí tuệ thấy rõ việc sai trái nên không thể làm, hoặc vì lòng từ bi nên không thể hành động hại mình hại người thì người ấy biết rõ sự trong sạch của mình nên không những không buồn mà còn cảm thấy thương cho những người nói xấu mình vì họ cũng sẽ gặt quả như mình đang gặt. Chỉ khi nào giữ giới để được tiếng trong sạch, để được người khác tôn kính, cúng dường hoặc vì những mục đích ích kỷ khác thì mới sợ tiếng tăm.
Hồi mới tu thầy cũng đã từng bị mang tiếng xấu, hình như đó là thử thách, thầy cũng rất buồn nhưng không sợ, thầy nghĩ dù ai nói thế nào thì mình vẫn là mình. Về sau thầy mới nhận ra rằng chính những thử thách này là yếu tố không thể thiếu để giúp mình giác ngộ, để phá đi cái thành trì bản ngã mà mình muốn duy trì bảo vệ. Nếu mình không là gì cả thì ai sợ hãi, uất ức... và cái gì gọi là thanh danh để bị xúc phạm? Thì ra cái bản ngã này mới là kẻ thù nguy hiểm còn những kẻ phỉ báng mới chính là những người bạn thân. Có những điều trong cuộc sống chúng ta chưa hiểu hết ý nghĩa của nó, hãy chiêm nghiệm thêm nữa để thấy sự nhiệm mầu của vạn pháp.