Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 23-12-2021
Câu hỏi:
Dạ thưa Hòa Thượng. Kính xin HT cho con hỏi một câu ạ.
Con là đệ tử hầu cận cho Thầy con đã nhiều năm từ ngày con vào tu, cũng được xem là một trong những đệ tử đắc lực. Bao nhiêu năm qua con một lòng hướng về thầy tổ và chưa từng đi đâu xa. Sắp tới đây con có một hữu sự phải rời chùa để làm giấy tờ, trong tiền vé tàu đi là tầm hơn 3 triệu nhưng Thầy con chỉ cho con 1 triệu, đương nhiên là con không lấy.
Khi về lại cốc, con có suy nghĩ như thế này: Bao nhiêu năm trôi qua mà Thầy của mình cũng không cho mình tiền vé tàu, rồi con thấy buồn rầu vì chuyện đó. Con đã quan sát kĩ tâm của mình hôm qua nay và con thấy rằng con làm mọi thứ xưa nay, tu tập hay phục vụ đều là vì bản ngã, con cần sự đền đáp, sự phục vụ có yêu cầu - là được đáp lại. Tuy hiểu như vậy nhưng con vẫn cảm thấy khá buồn pha chút tủi thân.
Mong Hòa Thượng có thể cho con một lời khuyên để con tỉnh ra ạ. Nếu thực sự Sư phụ con có đưa cho con 3 triệu để đi tàu thì con cũng sẽ trả lại cho Thầy con chứ con cũng không lấy. Mà đằng này, Thầy con chỉ đưa con có 1 triệu duy nhất dù thầy biết tiền vé là như vậy nên lòng con thấy tủi thân...
Con kính đảnh lễ Hòa thượng, mong Hòa Thượng đừng cười sự ngu si nhỏ nhen của con...
A Di Đà Phật!
Ngày gửi: 18-12-2021
Câu hỏi:
Thưa sư ông, khi nghe giảng pháp, tìm hiểu và chiêm nghiệm, con ngày càng có xu hướng thích nơi yên tĩnh, thích ở một mình, tránh nơi náo nhiệt xô bồ, ít có nhu cầu giao lưu bè bạn. Không phải là không muốn gặp ai, khi cô đơn con vẫn có nhu cầu gặp gỡ chia sẻ tình cảm, cảm nghĩ. Nhưng mà mỗi khi gặp bạn bè lại cảm thấy không có cùng những ham muốn, những mối quan tâm, góc nhìn cuộc sống khác nhau, không có cảm giác “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” thì con lại thấy chán nản với những cuộc giao lưu như thế. Ngược lại nếu đến nơi có thiên nhiên trong lành, tĩnh lặng thì con rất thích. Con kính mong sư ông giải đáp giùm con, việc con có cảm giác “lánh đời” như thế có bình thường hay không, và làm sao cân bằng giữa cảm giác cô đơn và việc duy trì những mối quan hệ với người khác mà mình thấy chán nản? Con chân thành cảm ơn sư ông ạ.
Ngày gửi: 03-11-2021
Câu hỏi:
Kính thưa Sư Ông,
Con năm nay 20 tuổi, trước đây vì học giỏi ở trường phổ thông mà con rất tự cao tự đại, dù không biểu hiện thô thiển nhưng khi tiếp xúc với ai con cũng có một vẻ tự tin lạ lùng mà không quan tâm, chú ý chân thành với những người mà mình tiếp xúc. Nay con lên đại học và kết bạn với một người bạn, hoàn cảnh của con và bạn đó khác xa nhau. Nhà bạn đó thì khá giả hơn nhà con và bạn đó có nhiều tài lẻ bẩm sinh như đàn, hát,... thông minh và cả trí tuệ hơn con.
Con đã tự nghĩ là mình gặp được người bạn tốt, nhưng sao trong tâm con luôn muốn soi mói lỗi xấu bạn đó và luôn cảm thấy nhỏ bé khi tiếp xúc với bạn. Có lần vì không có gì để hơn thua được bạn ấy, vì kiến thức tục đế bạn ấy hơn con mọi mặt, con đã khoe mẽ về những cái vi diệu ở trong đạo Phật để cho bạn đó nể mình. Và có lần con sân vì ganh tị với bạn, nhưng bạn vẫn rất điềm tĩnh và sau đó lại tinh tế cho con thứ làm con ganh tị với bạn, làm cho con vừa nể bạn mà vừa tự ti về bản thân mình hơn.
Con đã thận trọng chú tâm quan sát nhưng vẫn có cái gì đó hụt hẫng, nhiều lúc con muốn chơi với bạn vì con muốn đạt được lợi ích từ bạn chứ không thật lòng.
Vậy con nên ứng xử thế nào cho đúng thưa Sư Ông? Và con chơi vì muốn có kiến thức từ bạn thì có mắc nợ bạn không Sư Ông và làm sao để trả khi con không hơn bạn mặt nào cả?
Con cảm ơn Sư Ông!
Ngày gửi: 30-10-2021
Câu hỏi:
Thầy ơi, từ khi thấu rõ các trạng thái tâm lý địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la, nhân, dục giới thiên, sắc giới thiên, vô sắc giới thiên, tịnh độ, niết-bàn trong từng khoảnh khắc tươi mới của thực tại hiện tiền, con mới thấy mình đang thật sống, một cuộc sống muôn màu muôn vẻ mà mỗi màu mỗi vẻ luôn như nó đang là. Dù là khi tiếp xúc với những vấn đề mới trong võ thuật hay trong xử lý công việc chuyên môn tâm con ít khi còn vướng mắc.
Nhưng con vẫn gặp phải nan đề trong việc lấy vợ, lập gia đình, vì khi con ở một mình con cũng không thấy buồn bã, con không sợ cô độc, điều đó làm cho những mối quan hệ của con trở nên sự tương giao, như phong lai sơ trúc, như nhạn quá hàn đàm. Nhưng như vậy có vẻ lại không phù hợp với thị hiếu của người con gái, người con gái thời nay có vẻ thích sự cuồng nhiệt táo bạo hơn là sự an nhiên tự tại, thích sự phù phiếm hoa mĩ hơn là sự chất phác. Trong Duy Tâm Quyết, Vĩnh Minh Đại Sư nói "Hành chân bất ngại tục". Có phải vì con hành chưa "chân" nên "tục" mới bị ngại không. Trong tâm của con không còn vướng mắc về công việc nhưng vẫn còn vướng mắc về chuyện tình cảm như vậy, con không còn bị kích động để có thể thể hiện ra những trạng thái tình cảm mang tính thái quá, mà dường như con người thời nay chỉ thích sự thái quá, coi thái quá là biểu hiện của sự chân thành, không thái quá tức là không chân thành. Có phải con đang đi chệch hướng không? Điểm sai lầm mấu chốt của con ở đâu, mong thầy chỉ điểm cho con. Con xin tri ân thầy.
Ngày gửi: 11-09-2021
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy cho con hỏi, anh trai con luôn nói rằng khi xảy ra tranh cãi chuyện gì người khác lúc nào cũng đúng chỉ có lỗi ở bản thân mình thôi nhưng con thấy anh con như vậy là tiêu cực quá. Có những chuyện rõ ràng vợ anh đối xử tệ bạc với anh cả gia đình lên án nhưng anh vẫn bảo rằng lỗi tại anh không tốt và cam chịu nhẫn nhịn chị ấy mặc kệ mọi người nói anh ba phải, nhu nhược. Thưa Thầy cho con hỏi như vậy có phải anh con đang nhận thức sai không ạ, có cần phải nhận hết lỗi về mình như vậy không? Anh con bảo chỉ cần thay đổi nhận thức thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng đi nhưng thật sự chị dâu rất quá quắt hành hạ anh lắm ạ. Con xin cám ơn Thầy!
Ngày gửi: 09-09-2021
Câu hỏi:
Kính bạch Sư Ông, con đang gặp phải một vấn đề như thế này làm con tâm con bất an không thể nào thoát ra nó được. Con hiện đang ở chung một người bạn cùng phòng đã được bốn tháng, trong thời gian ở chung thì con phát hiện ra cô ấy nói dối con rất nhiều điều thậm chí những việc nhỏ nhặt, nên khiến tâm con rất khó chịu, giờ con không thể nào tin tưởng cô ấy được nữa. Nhiều lúc con cũng an ủi bản thân rằng tại nhiều kiếp mình cũng không thành thực với bạn bè nên giờ thọ nhận những quả báo như hiện tại, nhưng rồi tâm con cũng đâu vào đó mỗi khi nhìn thấy cô ấy là trong con lại hiện về những gì mà cô ấy đã làm với con. Mong Sư Ông cho con lời khuyên trong tình cảnh này, con phải làm sao để có thể sống một cách hoà hợp như trước. Con cảm ơn Sư Ông
Ngày gửi: 01-09-2021
Câu hỏi:
Con xin kính lễ sư ông Viên Minh! Con kính thưa Sư ông, Sư ông cho con hỏi rằng làm thế nào để ứng xử với người tánh hay ganh tỵ. Nếu xung quanh mình thấy họ ganh tỵ và hay vạch lá tìm sâu với người hơn mình thì mình phải xử lý như thế nào cho đúng với chánh pháp ạ? Con xin cúi đầu tri ân Sư ông!
Ngày gửi: 26-08-2021
Câu hỏi:
Kính Bạch Thầy,
Con thành kính chúc sức khỏe Thầy.
(Vì ứng dụng Tùy Duyên Thuận Pháp, để hi vọng câu hỏi và lời dạy của Thầy có hiệu quả cụ thể cho đối tượng thật, đang sống, đang có nghe pháp thoại của Thầy, thỉnh thoảng đọc và có học hỏi theo mục Hỏi Đáp, con kính xin phép viết riêng cái mở ngoặc nầy cho Thầy thương kính của con.)
(MH - người vợ từ 1975, có cơn giận đột xuất rất kinh khủng, không phải chỉ là Phi Hữu Ái bình thường. Như Thầy đã dạy, cũng nhờ vậy mà con được có dịp tu... Mới đây, khoảng 1 tiếng trước, cơn giận ấy bùng lên khi có qua lại 1 chuyện rất bình thường trong gia đình. Vì thấy MH đã nghe & hiểu pháp thoại của Thầy, con (hay bản ngã của con) có nhắc là cái sân đang nổi lên đó em. Chỉ vậy mà con bị chửi (thô lổ), ngay cả đem ba con (qua đời 2008) & mẹ con (qua đời 1997) mà chửi. Con sinh năm 1949.
Câu hỏi của con như sau:
Thầy đã từng dạy qua biết bao bài giảng là trở về Thân-Thọ-Tâm khi phải tiếp xúc với pháp là tiếng ai đó chửi mình, nghe đó chỉ là âm thanh thôi, không khởi tâm mới là tu. Mầu nhiệm quá Thầy ạ. Khi bị chửi, con nghĩ ngay đến Thầy. Đây chỉ là âm thanh. Con bình thản. Nhờ vậy con cũng đã cảm nhận rõ ràng chỉ cái tâm sân đang chửi, chớ không phải người ấy chửi. Không phản ứng, mà còn cảm thương cái quả của hoàn cảnh căn cơ trong bao nhiêu năm qua.
Thấy được như vậy thì an cho con. Nhưng, vậy có ích kỷ không thưa Thầy, và mình có nên thỉnh thoảng, nếu có duyên thuận, đánh tiếng chuông để thức tỉnh, hay hoàn toàn không thọc gậy cái pháp đang diễn ra.
Con kính xin Thầy từ bi dạy cho con. Con thành kính cảm ơn Thầy.
Ngày gửi: 22-08-2021
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy
Hôm nay con gặp vấn đề trong cuộc sống nhưng con không biết giải quyết như thế nào. Chuyện là con còn đi học. Việc học đòi hỏi phải lập nhóm để làm việc với nhau. Nhưng có 1 bạn, bạn đó không có tinh thần làm việc đội nhóm, khi nhóm bàn bạc làm bài bạn đó cũng không tham gia, có thể nói là vô trách nhiệm với nhóm. Con có làm việc chung 1 lần và con đã chứng kiến điều đó và con cũng nghe nhiều bạn khác những dịp làm việc chung bạn đó cũng phàn nàn như vậy. Cho nên lần này lập nhóm bạn đó xin vào con đã từ chối. Nhưng con suy nghĩ mãi con làm như vậy có phải là ích kỉ, là không có lòng từ bi không Sư ông. Con suy nghĩ rất nhiều về điều đó, mong được Sư ông chỉ cho con biết con nên xử lý như thế nào cho hợp lý ạ. Con xin cám ơn Sư ông.
Ngày gửi: 29-06-2021
Câu hỏi:
Con kính chào sư ông,
Con được biết đến sư ông đã được hơn một năm và thường xuyên nghe pháp của sư ông. Năm nay con 22 tuổi. Con nghe pháp của sư ông và thực hành trong đời sống của mình thì cảm thấy cuộc sống rất nhẹ nhàng. Con thường quan sát những diễn biến cảm xúc, cảm giác và những dòng suy tưởng trong con. Đôi khi con còn chạy theo và mất Chánh niệm. Ngay lập tức con trở về thì ngay đó không còn lăng xăng nữa.
Con rất biết ơn sư ông!
Con còn khá trẻ và chưa va vấp nhiều sự đời. Nhưng gần đây con có sự quan sát sâu sắc hơn về những mối quan hệ trong chính gia đình mình. Con thấy ở đó có đầy rẫy những mong cầu chồng chéo lên nhau từ các thành viên trong gia đình dẫn đến những lời nói, suy nghĩ có thể khiến đối phương và chính bản thân bị đau khổ và tổn thương.
Khi gia đình con xảy ra cãi vã do thiếu thấu hiểu con thấy sự lo lắng trong con đi lên. Con có cảm giác bất an và những sự suy tưởng về những điều không hay xảy ra. Con vừa thấy cảm giác này là tự nhiên nhưng cũng thấy sự thiếu hợp lí vì đó là sự suy diễn ảo trong đầu càng làm mình thêm bất an. Khi con nhận ra thì mọi thứ dừng lại. Cảm giác bất an đi lên thì con nhìn nó và nó biến mất. Con không muốn suy nghĩ nữa. Song trong con lại thắc mắc “Liệu rằng mình có vô tâm?”
Con đã khuyên mọi người bằng tấm lòng của mình nhưng lại bị cho là sáo rỗng, là vô nghĩa. Con thấy bản thân cũng đang mong cầu sự hoàn hảo trong gia đình. Dẫu biết rằng xung đột là chuyện đương nhiên nhưng sự bất an cứ chực chờ.
Con kính xin sư ông cho lời khuyên ạ.
Nam mô Phật Bổn sư Thích ca Mâu Ni