Kết quả Tìm Kiếm: Có 114 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'chân đế & tục đế'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, xin Thầy hoan hỷ cho con hỏi. Con đọc trong quyển "Thực tại hiện tiền", chương 2 thầy có viết: <p>
"Vậy vô ngã là gì? Anh ta trả lời: vô ngã là không có gì là ta, không có gì là tôi cả. Ta, tôi, đã không có thì làm gì có cái gọi là xe của tôi, nhà của tôi! Nghe nói thế là tôi biết anh ta trật rồi... Vô ngã là vô ngã, còn cái nhà của tôi vẫn là cái nhà của tôi, nó có liên hệ gì với nhau đâu?..." <p>
Con không hiểu rõ chỗ này "Vô ngã là vô ngã, còn cái nhà của tôi vẫn là cái nhà của tôi" Kính xin thầy soi sáng thêm cho con, thành thật cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đối với tục đế thì cái nhà của tôi hay của anh vẫn chỉ là khái niệm chế định có thể chấp nhận được một cách tương đối (có như vậy thì người ta mới mua bán nhà được chứ!), nhưng đối với chân đế thì cái gọi là "nhà" vẫn vô ngã. Cái ta, tôi, của ta, của tôi chỉ là chủ cách hay sở hữu cách trong ngôn ngữ chế định thôi, dù có nói mỗi ngày chữ tôi ấy ngàn lần thì nó vẫn vô ngã. Nhưng khi người đã chấp ngã thì dù cả ngày lặng yên trong thiền định, không nghĩ, không nói tới chữ ta chữ tôi thì cái ngã vẫn lớn dần. Do đó, nói ta, tôi với chấp ngã là hai việc khác nhau. Để dễ hiểu thầy chia ra bốn trường hợp:
1) Nói tôi và cũng chấp ngã.
2) Nói tôi nhưng không chấp ngã.
3) Không nói tôi nhưng chấp ngã.
4) Không nói tôi cũng không chấp ngã.
Vậy chủ yếu là thấy ra vô ngã thật sự chứ không phải là nói sáo ngữ hay chỉ tránh dùng từ ngã thôi là được đâu.
Câu hỏi:
Con xin đảnh lễ Thầy!<p>
Con có nghe pháp thoại Thầy giảng tại Úc. Thầy có thể nói kỹ sâu hơn cho con về tục đế & chân đế với ạ, nếu được xin thầy cho con ví dụ cụ thể. Con xin đảnh lễ Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chân đế (paramattha sacca) là sự thật như nó là, còn tục đế (sammuti sacca) là sự thật do quy ước mà nhiều người chấp nhận. Ví dụ chất liệu tờ giấy in bạc là chân đế còn tờ bạc được định giá 100 đồng là tục đế.
Câu hỏi:
KÍnh thưa Thầy, <p>
Con rất biết ơn về những gì Thầy đã giải thích cho con. Nay con có một thắc mắc. Trong pháp hành nếu như trạng thái tâm mình ở cái biết ngay nơi thực tại, không chấp trước hay vướng mắc các pháp vì là giả tướng, cũng có nghĩa tâm không rơi vào chỗ phân biệt đối đãi nhị nguyên, nhưng trong thực tế cuộc sống mình không có sự phân biệt chấp trước thì rất khó. Ví dụ mình vào nhà hàng nếu tâm không phân biệt món ăn ngon, dở thì mình đâu cần tìm kiếm trên thực đơn làm gì. Như thế thì không thể không dùng tâm phân biệt được, mà đã có tâm phân biệt tức có chấp pháp, có ngã tướng xuất hiện. Kính xin Thầy giải thích để con được hiểu rõ hơn về pháp vô ngã, vô chấp, vô phân biệt của đạo Phật. Và với những đối tượng cần ở sự lựa chọn như vậy, ngay lúc đó mình phải dùng tâm nào?<p>
Con cám ơn Thầy. Con chúc Thầy nhiều sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có hai loại phân biệt: Một của trí tuệ, hai của lý trí. Nếu là của trí tuệ thì phân biệt rõ ràng, vô ngã và không chấp, nếu là của lý trí thì phân biệt chủ quan, hữu ngã và chấp trước. Trí tuệ phân biệt pháp trên lãnh vực thực tánh chân đế, lý trí phân biệt pháp trên lãnh vực khái niệm tục đế. Khi một người đã vượt qua giai đoạn lý trí vọng thức, tâm thanh tịnh trong sáng, không bị tham sân si v.v... chi phối thì dù ở trong lãnh vực tục đế hay chân để người ấy cũng không chấp. Điều này thì con phải tự chiêm nghiệm mà thấy ra chứ nếu con chỉ hiểu trên mặt lý trí thì cũng vẫn chấp trước như thường.
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy.<p>
Khi nhìn một người, mình có cần phải biết người đó là đàn ông hay đàn bà? Hay mình chỉ biết là một người thôi? Theo Thầy thì cái nhìn nào đúng?<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tùy dụng ý của con, nếu muốn biết về phương diện tục đế thì con phải biết đó là đàn ông hay đàn bà, người hay vật, núi hay sông, ... theo pháp chế định. Còn nếu con muốn biết phương diện chân đế thì chủ yếu tâm con phải rỗng lặng trong sáng để thấy pháp thực tánh chứ không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng gì cả.
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy! xin Thầy giải thích cụ thể cho chúng con về thể, tướng, dụng của pháp!
con xin tri ân Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thể là chất lượng, tướng là hình thái, dụng là sự lợi ích. Thể tướng dụng liên hệ đến chân mỹ thiện. Thể thì phải chân, tướng thì phải mỹ và dụng thì phải thiện thì một pháp mới hoàn hảo. Thực ra trong tự nhiên pháp luôn có thể tướng dụng hoàn hảo, chỉ vì trình độ nhận thức hạn hẹp mà người ta biến nó thành cục bộ và bất toàn.
Khi thể được dùng bao hàm cả nghĩa tánh (tính) thì nó có thể được hiểu là thể tánh - tức thể chất và bản tánh của pháp. Thể tánh là bản chất bên trong, tướng dụng là biểu hiện bên ngoài. Khi một hành giả tuệ tri được thực tánh pháp thì thực tánh ở đây bao hàm thể tướng dụng hoàn hảo trong chính nó vì vậy nó còn được gọi là tự tánh hay chân tánh, chứ không phải chỉ tách riêng tánh ra khỏi thể tướng dụng tự nội của một pháp.
Câu hỏi:
Bạch Thầy khi thấy thực tánh pháp rồi thì người ta có còn bị thất niệm nữa không hay là kể từ khi thấy là người đó có thể sống an nhiên tự tại đến trọn đời ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thực tánh chân đế (paramattha) có hai loại: Tánh đế (sabhava sacca) và Thánh đế (Ariya sacca). Khi mới thấy tánh đế thì chỉ mới thấy lý nên vẫn còn chưa thong dong trong sự được, phải vào sự cho đến khi không còn vướng mắc trong bất cứ sự nào thì mới an nhiên tự tại được.
Câu hỏi:
Thưa thầy cho con hỏi, nhận thức trực tiếp đối tượng không qua tưởng tri và thức tri, đó là nhận thức trực nhận để thấy Pháp. Nhưng trong đời sống tục đế thì vấn đề mưu sinh hàng ngày là thiết yếu của cuộc sống, mà để có ngành nghề kiếm sống thì phải học hỏi để có kiến thức có kỹ năng nghề nghiệp mới mong kiếm được việc làm để có thu nhập chi trả cuộc sống hàng ngày, mà trong trường hợp này con không biết nhận thức trực nhận đối tượng (Pháp chân đế) không qua kiến thức, khái niệm, kinh nghiệm... có giúp được gì trong đời sống mưu sinh hàng ngày không ạ. Con cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tục đế đương nhiên cần cho đời sống thế thế gian, vì vậy khái niệm, ngôn ngữ, biểu tượng, tư tưởng v.v... đều có thể giúp ích cho sinh hoạt đời thường. Nhưng trực nhận chân đế lại là không lệ thuộc vào những pháp chế định ấy vì thấy thực tánh thì không những vô niệm (không khái niệm) mà còn vô vi (không tạo tác) nữa. Có điều khi người đã thực chứng chân đế thì họ lại làm việc giỏi hơn và hiệu quả hơn mà không cần rời bỏ tục đế. Họ ở trong tục đế mà không bám chấp vào khái niệm, ngôn ngữ, biểu tượng... vì vậy họ sống hữu ích cho đời mà không bị phiền não đau khổ.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, Con xin hỏi thêm về vấn đề Chân đế và Tục Đế mà 1 bạn đã nêu lên, 02-04-2012, rằng ta không thể tìm chân đế ngoài tục đế.<p>
Thưa Thầy con cũng nghe một số thầy khác dạy rằng ta nhờ nhìn qua sóng (tục đế) mà thấy được nước (chân đế), và nếu ta bỏ sóng (tục đế) thì ta cũng mất luôn nước (chân đế).<p>
Kính xin thầy hoan hỷ chỉ dạy và soi sáng thêm cho con được hiểu về điểm này. Thành thật cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Sóng và nước đều là chân đế chứ ai có ảo tưởng phân biệt nước là chân đế sóng là tục đế? Chính ảo tưởng phân biệt này chế định ra khái niệm của lý trí vọng thức rồi gán vào cho sóng và nước mới là tục đế thôi. Ví như tâm người sợ rắn thấy sợi dây là con rắn, hay người đi trong sa mạc khát nước thấy huyễn cảnh sông nước mênh mông. Thực tánh của sợi dây không phải là ảo tướng con rắn, thực tánh của sa mạc không phải là huyễn cảnh nước sông. Vì tin con rắn ảo là thật nên bỏ chạy khiến càng sợ thêm, vì thấy nước ảo là thật nên chạy đi lấy khiến càng khát thêm, đó chính là thái độ của vô minh ái dục. Khi nhận ra tướng con rắn là ảo thì thấy ra thực tánh của sợi dây nên không còn sợ hãi, đó chính là thái độ của minh giác, Niết-bàn.
Con ạ, không phải thầy nêu ra vấn đề để lý luận đâu, lý luận thì không bao giờ cùng, thầy chỉ muốn giúp các con trực nhận ngay nơi chân tánh của pháp mà thấy ra sự thật, đường vin vào khái niệm ngôn ngữ chế định của tục đế mà tìm kiếm chân lý. Hãy thận trọng, chớ có phóng dật theo cái ta lý trí đầy khái niệm ảo tưởng.
Câu hỏi:
Thưa Thầy, con nghe thầy giảng rằng tất cả các pháp đều có 2 mặt trái-phải tương hỗ cho nhau và luôn cùng tồn tại. Vậy thì minh-vô minh, chân đế-tục đế cũng chẳng thể tách rời nhau được, vì vậy không thể lấy minh mà bỏ vô minh được, vì khi còn muốn lấy bỏ thì lại vô minh mất rồi. Tương tự như vậy cũng chẳng thể tiếp xúc với chân đế mà không tiếp xúc sâu sắc với tục đế được. Như người chưa giác ngộ như con thì chỉ thấy tục đế mà chưa thấy chân đế, vậy nếu mỗi giây phút trôi qua mà mình không để ý kỹ bằng chánh niệm tỉnh giác vậy thì mỗi giây phút trôi qua ấy mình đã bỏ lỡ cơ hội giác ngộ rồi đúng không thầy? xin Thầy từ bi chỉ dạy. Vì con tin chắc chẳng thể tìm chân đế đâu ngoài tục đế được. Kính mong thầy luôn mạnh khỏe để đem pháp hạnh phúc tới mọi người!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con có nghe nhầm không? Trong pháp chân đế nghĩa là pháp tánh tự nhiên thì mới luôn tồn tại 2 mặt không thể lấy bỏ. Còn tục đế là pháp quy ước chế định do khái niệm không thực tạo ra thì nó có tồn tại thực đâu mà lấy hay bỏ. Vô minh là chấp tục đế có thực nên không thấy chân đế và tự chuốc lấy phiền não khổ đau. Minh là thấy ra tục đế không thực có, nó chỉ là ảo tưởng, do đó chân đế hiển bày chứ đâu cần lấy hay bỏ. Ví dụ như Trang Chu chiêm bao thấy mình là bướm, vì vậy không biết mình là bướm hay Trang, bởi vì Trang Tử muốn nói rằng cả bướm và Trang đều cũng chỉ là cái ảo của tục đế. Khi vô minh thì chấp có bướm có Trang, khi minh thì thấy cả bướm lẫn Trang đều là ảo, và ngay đó Trang cũng đồng thời thấy ra chân đế tự nhiên. Nếu con chưa thấy chân đế thì những lý luận của con chỉ mất thì giờ vô ích mà thôi! Còn nếu con thật sự tinh tấn chánh niệm tỉnh giác thì đã thấy ra chân đế rồi còn lý luận làm gì nữa? Vậy con hãy xem lại con đang chánh niệm tỉnh giác hay đang tìm ảo tưởng trong ảo tưởng "vì con tin chắc chẳng thể tìm chân đế ngoài tục đế được". Con đừng nhầm quan niệm đó của con với lời Lục Tổ Huệ Năng: "Phật pháp bất ly thế gian giác" chứ? Câu nói nổi tiếng này có nghĩa là giác ngộ được tục đế là ảo tức thấy chân để hoặc đã thấy chân đế rồi thì không còn cho tục đế là thực nữa, chứ không phải chân đế nằm trong tục đế hay ngược lại. Tóm lại, thầy thành thật khuyên con nên hiểu chân đế và tục đế là gì, ít nhất là trên nghĩa thôi chứ chưa cần trên lý trước khi nói "chẳng thể tìm chân đế ngoài tục đế được".
Câu hỏi:
Kính Bạch Thầy! Xin Thầy cho con hỏi về chân đế và tục đế là như thế nào ạ? Con cần có cái nhìn đúng về hai sự thật này như nào để ứng dụng vào cuộc sống và tu tập cho tốt hơn ạ? Kính mong Thầy giải thích giùm con. Con cảm ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chân đế là sự thật trong bản chất tự nhiên của mọi sự mọi vật, hay nói cách khác là sự thật như nó đang là. Tục đế là sự thật do con người chế định hoặc quy ước với nhau về sự vật hay những vấn đề trong cuộc sống, nói cách khác là sự thật mà con người cho là, nghĩ là, hay công nhận với nhau là.
Khi trí tuệ chưa được khai mở thì người ta không thấy ra chân đế mà chỉ thấy tục đế nên chỉ sống theo quan niệm hay quy tắc do xã hội con người quy định, do đó mới có sự bất đồng giữa quan niệm này và quan niệm khác, giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, giữa ý thức hệ này với ý thức hệ khác v.v... và v.v...