Kết quả Tìm Kiếm: Có 32 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'bố thí'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 02-06-2015
Câu hỏi:
Xin hỏi làm phước như thế nào là đúng cách?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Làm phước còn tuỳ loại, bố thí chẳng hạn thì nên làm với tâm xả ly và vị tha là tốt nhất. Nếu làm phước với tâm vị kỷ và dính mắc thì không còn là phước nữa. Tất nhiên điều phước phải xuất phát từ thiện tâm. Khi quyết định làm một việc thiện, khi đang làm và sau khi làm việc thiện đó tâm đều hoan hỷ nhưng không dính mắc, không tự mãn, không ngã mạn thì đó là làm phước đúng. Ngoài ra, nên làm phước với trí tuệ tức là biết khi nào nên làm khi nào không, biết nhân quả rõ ràng, biết tâm mình lúc làm phước, biết mình đang làm phước gì và biết đối tượng nào nên làm phước.
Ngày gửi: 07-05-2015
Câu hỏi:
Kính Thưa Thầy.
Con có điều thắc mắc sau đây về bố thí cúng dường, xin Thầy dạy cho con được rõ. <p>
1/ Theo trong kinh khi cúng dường chư Tăng thì sau khi dâng vật cúng dường lên phải để các Sư chứng nhận cho rồi các Sư đọc kệ chúc phúc cho thì tới phần hồi hướng, với tâm và vật cúng hoàn toàn trong sạch trước, trong khi, và sau khi cúng dường thì được xem là viên mãn, con hiểu như vậy có đúng không? <p>
2/ Tuy nhiên trong kinh khác thì lại nói cúng dường cao thượng là không phân biệt người cúng, người nhận và vật cúng, nên có người không muốn có nhiều nghi lễ rườm rà, chỉ mong sao cho các Sư đơn giản để cơm canh không nguội lạnh, và cho như vậy là cúng dường thanh tịnh vì tâm không mong cầu, như vậy có đúng không thưa Thầy? Xin Thầy dạy cho con được rõ. <p>
3/ Trong trường hợp sau khi cúng dường mình có thể về nhà thắp nhang hồi hướng lại cho ông bà tổ tiên chưa siêu thoát và người khuất mặt trong nhà, có được không thưa Thầy, hay là phải ngay lúc đang cúng dường? <p>
Kính xin Thầy chỉ dạy cho chúng con để chúng con làm đúng. Chúng con cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Con hiểu như vậy cũng đúng. Lúc làm phước với tâm thiện, có mục đích vị tha, hồi hướng đến thân nhân và tất cả chúng sanh thì cần trước sau rõ ràng minh bạch đúng với trình tự của nó mới hồi hướng có hiệu quả.
2) Tất nhiên, lúc làm phước với tâm xả ly thanh tịnh, không mong cầu điều gì cho riêng mình cũng tốt, vì đó là hạnh bố thí ba-la-mật. Tuy không có ý hồi hướng nhưng tâm lực và phước lực của người làm phước đó vẫn toả năng lượng tốt đến xung quanh.
3) Vậy hồi hướng hay không tuỳ lúc con làm phước với tâm gì. Còn nếu hồi hướng thì lúc nào cũng được, nhưng hồi hướng ngay sau khi làm phước là tốt nhất.
Ngày gửi: 29-04-2015
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy,
Con không được rõ lắm về việc tài thí. <p>
Khi con gặp một người bị bệnh không có tiền thuốc thì con từ bi giúp đỡ vì con thấy tội quá. Khi con đến chùa thì con hoan hỷ cúng dường chư tăng để hộ trì Phật pháp và để tỏ lòng biết ơn quý sư soi đường chỉ lối cho con. Nếu con đảnh lễ và cúng dường một vị con tôn kính nhưng không làm vậy đối với 1 vị khác mà con không kính trọng thì con có bị tội là cúng dường mà có sự chọn lựa không? Có bị tổn phước không? Cũng giống như con phụng dưỡng cha mẹ thì khác, mà giúp đỡ một bà cô nghèo thì khác vậy mà. Kinh nhờ thầy bày vẽ cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Việc làm phước thiện phải đi đôi với trí tuệ, tức phải biết phân biệt đúng sai, chánh tà, xấu tốt... thì mới thật là thiện đúng pháp. Không phải tâm không phân biệt là không biết việc gì nên làm việc gì không nên làm, dù không còn thương ghét thì vẫn phải làm cho đúng tốt tuỳ theo trường hợp mới được.
Ngày gửi: 02-11-2013
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy! Con xin đảnh lễ Thầy!<p>
Con có đọc đoạn: "Bố thí đến người có giới, quả phước sẽ thù thắng hơn đến người không có giới. Bố thí cho người ít tham, sân, si quả báu sẽ lớn hơn khi bố thí cho hằng trăm người nhiều tham sân si. Bố thí cho hằng chục người đói khổ không bằng cúng dường cho một tỳ-khưu, một sa-di dù giới luật khuyết thủng nhưng còn tăng tướng và phẩm mạo sa-môn." <p>
Thưa Thầy, không phải là mình không nên có tâm phân biệt khi cúng dường bố thí hay sao? Mình bố thí bằng tấm lòng vị tha rồi sao còn phân biệt người có tuệ - định - giới?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bố thí với tâm không phân biệt nhưng vẫn phân biệt được tánh tướng thể dụng của mọi sự kiện rất minh bạch mới là từ bi và trí tuệ. Khi nào tâm phân biệt và không phân biệt tương thông với nhau thì nhận thức và hành vi mới toàn diện, không một chiều. Nếu con thấy hay chấp một chiều tức rơi vào phân biệt nhị nguyên. Đó mới là phân biệt không tốt.
Ngày gửi: 18-02-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con nghe đến chương thứ 9 trong sách Sống Trong Thực Tại, Thầy giảng ngắn gọn về pháp bố thí (Dāna) trong Phật giáo Nguyên Thủy có nghĩa là "sự cho ra dưới nhiều hình thức như san sẻ, biếu tặng, cúng dường, phục vụ, trợ giúp, xả ly,... thoát ly hoàn hảo ra khỏi cái ta ích kỷ." Con lên Google tìm để hiểu thêm nhưng những bài viết về pháp Dāna của Phật Giáo Nguyên Thủy rất ít. Thầy cho con xin các tài liệu về Dāna nhé.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con vào Thư viện đọc cuốn Tìm Hiểu Phước Bố Thí của Sư Hộ Pháp:
http://www.trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/TimHieuPhuoc/index.htm
Hay cuốn Nền Tảng Phật Giáo - Quyển V:
http://www.trungtamhotong.org/thuvien/index.php?l_id=304
Hay cuốn Thập Độ của Ngài Hộ Tông:
http://www.budsas.org/uni/u-thapdo/thapdo-00.htm
Ngày gửi: 21-06-2012
Câu hỏi:
Mô Phật, kính bạch thầy. Thầy có thể cho con thỉnh những cuốn sách của sư Hộ Pháp như Tìm hiểu Pháp hành Thiền tuệ, Tìm hiểu phước bố thí, Gương bậc xuất gia, Ba mươi pháp hạnh Ba-la-mật được không ạ? Con là một Phật tử ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Con thành thật cám ơn thầy.<p>
Địa chỉ của con: Hoang Quoc Thang, 283 Tran Phu, Loc Son, Bao Loc, Lam Dong.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con liên lạc với phòng phát hành chùa Bửu Long. Số điện thoại: 0122 8608925.
Ngày gửi: 17-04-2012
Câu hỏi:
Thưa Thầy cho con hỏi.
Thế nào là bố thí ba la mật thượng, trung, hạ?
Ba-la-mật theo truyên thống Nam truyền và Bắc truyền có mấy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Nam Truyền có 10 ba-la-mật gọi là Thập Độ: Bố thí, trì giới, ly dục (hay xuất gia), trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định (hay nguyện lực), tâm từ, tâm xả. Bắc Truyền có 6 ba-la-mật gọi là Lục Độ: Bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ.
2) Bậc hạ là thực hiện ba-la-mật dù thiệt hại tài sản. Bậc trung là thực hiện ba-la-mật dù thiệt hại tứ chi. Bậc thượng là thực hiện ba-la-mật dù thiệt hại sinh mạng.
Ngày gửi: 21-12-2010
Câu hỏi:
Thưa thầy cho con hỏi.
1. Thực tánh pháp là cái có sẵn, quay lại nhìn là thấy. Vậy sao chúng sanh phải huân tu 10 ba-la-mật trong nhiều đại kiếp mới có thể giải thoát?
2. Bố thí cúng dường nhiều có gây trở ngại cho việc tu tập đời sau không, vì con nghĩ phước nhiều sẽ sanh trong gia đình giàu sang sung sướng, không thấy sự khổ nên khó giác ngộ chân lý?
Con cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Thực tánh pháp luôn có sẵn nơi mỗi người, nơi vạn vật, chúng sanh... nhưng bị che lấp bởi hoạt động của cái ta ảo tưởng quá lâu đời nên người mê không thấy được. Tu ba-la-mật chính là để loại bỏ cái ta ảo tưởng ấy đi thì thực tánh pháp liền hiển lộ. Nhưng vì tập khí của bản ngã quá sâu dày, nên dù quay lại là thấy vẫn phải mất thời gian rất lâu mới phá trừ được hết tập khí sinh tử ấy. Cho nên mới nói "Lý đốn ngộ, sự tiệm tu" là vậy. Tuy nhiên, người "ít bụi trong mắt", nghĩa là tập khí sinh tử đã cạn, chỉ nghe một câu kệ có thể ngay lập tức loại hết bản ngã, thấy rõ chân đế Niết-bàn, hoàn toàn giác ngộ giải thoát. Lưu ý: Ba-la-mật là xả ly chứ không phải huân tu theo nghĩa tích lũy. Xem Chương 9: Buông xuống là bờ (Sống Trong Thực Tại, mục Thư Viện).
2) Bố thí cúng dường là ba-la-mật thứ nhất trong Thập Độ. Mục đích của pháp này là thí xả (càga) để loài trừ ngã và ngã sở nên dù có phước sinh ra giàu có thì tâm vẫn xả ly, không ích kỷ, nên không bị dính mắc trói buộc. Ngược lại, trong điều kiện đó càng dễ thực hiện đời sống vô ngã vị tha, như ông Cấp Cô Độc, bà Visakhà v.v... Tất nhiên nếu bố thí để tích lũy phước đức thì chỉ làm giàu cho bản ngã làm sao giải thoát được! Còn nói về giác ngộ khổ thì giàu sang sung sướng không phải là khổ sao?
Ngày gửi: 13-12-2010
Câu hỏi:
Bạch thầy, con biết định luật nhân quả chi phối cả vũ trụ và nhân sinh. Làm phước thì được phước. Những người làm ăn thành công ở đời thì thế gian cho là họ có số hên, trong Đạo thì giải thích đó là do phước hay quả của quá khứ, người ấy đã làm các việc thiện như bố thí, giúp đỡ người nghèo khó... Con rất muốn thực hiện hạnh bố thí, nhưng nếu không có điều kiện thì làm sao tích lũy phước cho đời sau? Mong thầy từ bi chỉ dạy. Con cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giàu không có nghĩa là nhiều tiền của mà là giàu lòng vị tha sẵn sàng chia sẻ cho người khác tùy theo sức mình. Bố thí cúng dường cũng không tính bằng số lượng tiền của cho ra mà là thái độ cho ra. Ở Thái Lan người ta thử điều tra thì thấy đa phần những người nghèo thường bố thí cúng dường nhiều hơn so với người giàu. Một nhóm sinh viên Việt Nam tại Mỹ, tổ chức thành một hội chuyên cấp học bổng cho học sinh nghèo ờ Việt Nam, không phải vì họ giàu mà chính họ cũng phải làm thuê để kiếm tiền đi học.
Muốn giúp đỡ người nghèo khổ là tốt, nhưng cũng phải tùy duyên, tùy khả năng. Không nên nghĩ những điều quá sức mình, vì nghĩ như vậy chỉ làm mình tự ti hoặc phát sinh tham vọng không thực tế. Nên thể hiện lòng vị tha trong khả năng mình có thể. Nếu không có khả năng bố thí thì phục vụ cũng là một hính thức bố thí vị tha.
Ngày gửi: 18-12-2009
Câu hỏi:
Kính bạch sư! Trong lễ dâng y Kathina thì chỉ có người đại thí chủ chủ lễ là có cơ hội cúng dường y Kathina để có phước báu đặc biệt, còn lại những Phật tử khác khi tham dự lễ dâng y làm sao để có thể tạo được phước báu lớn nhất? Để tạo phước bố thí ba-la-mat thì khi làm phước phải không phân biệt đối tượng bố thí. Trường hợp bố thí cúng dường cầu phước để trong vòng sanh tử luân hồi đầy đủ phương tiện vật chất thì có thể chọn đối tượng cúng dường có phải như vậy không, thưa sư?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Lễ dâng y Kathina sở dĩ phước lớn vi tác ý dâng chư Tăng chứ không dâng cá nhân vị sư nào. Người thí chủ chính đương nhiên có phước báu lớn nhưng tất cả những người có hùn phước trong đó đều có phước báu của lễ Kathina theo tâm tùy hỷ (anumodana) của mình. Nếu tâm tùy hỷ của người hùn phước cao hơn tâm hoan hỷ của thí chủ chính (vì bị buồn bực điều gì trong cuộc lễ nên hoan hỷ không trọn vẹn) thì phước báu cũng lớn hơn thí chủ đó. Muốn làm phước có phước báu lớn tâm phải tương ưng với trí, đối tượng làm phước là người hay việc có thể đem lại lợi ích lâu dài cho nhiều người, đồng thời có tâm hoan hỷ cao là tốt nhất.