Kết quả Tìm Kiếm: Có 35 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'định mệnh'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 27-05-2014
Câu hỏi:
Kính Thầy! Con kính Thầy giải dùm các thắc mắc này giúp con. <p>
1. Một người sinh ra đã mang sẵn theo mình một nghiệp mệnh và pháp cứ vận hành theo dòng nghiệp mệnh đó. Như vậy đối với một người không biết tu, không cố gắng thay đổi duyên nghiệp thì cuộc đời của họ hoàn toàn đi đúng theo thuyết định mệnh phải không ạ? <p>
2. Kinh có nói đến Ngũ Ấm ma. Như thế nào là Ngũ Ấm ma? Làm sao biết được mình có vướng vào Ngũ Ấm ma hay không?
3. Câu nói "Vô thủ trước Niết Bàn" nghĩa là sao thưa Thầy? Từ khi nghe pháp Thầy con không còn quan trọng, không dính mắc vào chuyện "Cho là, phải là, sẽ là" nữa, nhưng con cảm thấy con hay đắm chìm vào cái "đang là". Lúc nào con cũng nhớ, cũng trụ vào cái thấy biết rỗng rang thanh tịnh đó. Con kính Thầy chỉ dạy cho con. <p>
Nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho Thầy được nhiều sức khoẻ. Con thành kính đảnh lễ Thầy và biết ơn Thầy rất nhiều ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Không có người nào không biết tu mà có thể sống thuận theo nghiệp mệnh được cả. Trừ bậc Thánh và người bị tâm thần phân liệt hoàn toàn, những người khác không tạo nghiệp ác cũng tạo nghiệp thiện để phản ứng lại hoặc để thay đổi nghiệp mệnh của mình. Không ai có thể hoàn toàn đi đúng cái mà nhiều người gọi là định mệnh được cả, chỉ có những người đang tu đúng chánh pháp thì mới có thể trọn vẹn qua nghiệp mệnh của mình để học ra bài học giác ngộ mà thôi.
2) Ngũ ấm ma tức là sự chướng ngại của ngũ uẩn (ma ở đây có nghĩa là chướng ngại). Ngũ uẩn là tiến trình tạo ra bản ngã với kinh nghiệm và kiến thức tích tập được qua một phản ứng của tâm (thức) bao gồm sự tiếp xúc của căn trần (sắc), đưa đến những cảm giác (thọ), những khái niệm (tưởng) và những phản ứng tạo tác tâm lý (hành), sau đó hình thành kinh nghiệm và bản ngã nên gọi đó là ngũ ấm ma. Ai có bản ngã đều vướng vào ngũ ấm ma cả. Phá được ngũ ấm ma chính là phá được bản ngã.
3) Vô Thủ Trước Niết-bàn là tâm hoàn toàn tịch tịnh trong sáng không còn tham sân si chi phối nữa nên không còn vướng mắc vào bất cứ tướng gì ở đời. Tâm rỗng lặng trong sáng đối với thực tại không có nghĩa là chìm đắm trong cái đang là mà có khi được gọi là an trú tánh không. Nói an trú có nghĩa là tâm không động trước mọi tướng chứ không phải trụ hay thủ trước vào tánh không, vì ngay cả Niết-bàn còn không thủ trước huống chi hiện tại hoặc tánh không. Ngược lại, trụ vào hiện tại hoặc tánh không thì vẫn gọi là trầm không trệ tịch. Chính vì vậy là pháp Phật gọi là Trung Đạo - không kẹt hữu cũng không kẹt không.
Ngày gửi: 12-03-2014
Câu hỏi:
Kính chào Thầy, <p>
Con là Liên Thu, nhân con có duyên đọc được quyển "LIỄU PHÀM TỨ HUẤN" của Cư Sĩ LIỄU PHÀM. Đây là quyển sách lấy giáo lý Phật giáo làm căn bản để triển khai việc tu thân, hành thiện, tích lập phúc đức để cải tạo vận mệnh. Khi con đọc quyển sách này, con ngộ ra được rằng vận mệnh của mình là do mình tạo ra. Nếu mình làm điều ác thì mình sẽ gặp quả báo, nếu mình làm việc thiện thì mình sẽ có nghiệp lành. Và không ai có thể làm điều gì để thay thế số mạng mình được, mình làm thì mình sẽ gánh chịu hậu quả và còn nhiều điều hay khác. Sau khi đọc xong con muốn chia sẻ quyển sách này với các Phật tử khác và nhất là đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, cuộc đời bạc mệnh và các em nhỏ của lớp học tình thương để động viên và hướng thiện các em rằng cuộc đời không phải do ông trời định đoạt, số mạng của họ có thể sẽ thay đổi hoặc bớt khổ hơn nếu ngay bây giờ họ chịu tu thân, sửa tánh, tích thiện để thay đổi cuộc đời của họ. Vì chúng ta chỉ có thể giúp họ được vật chất, thức ăn, quần áo nhưng chúng ta không thể thay đổi số mệnh của họ nếu họ không thay đổi cách sống. <p>
Vì suy nghĩ như vậy nên nay con kính mong thầy cho phép con cúng dường quyển sách "LIỄU PHÀM TỨ HUẤN" cho chùa. Nếu được phép con xin cúng dường 100 quyển. <p>
Con xin cám ơn thầy, chúc thầy và các sư, ni được mạnh khoẻ.
Xem Câu Trả Lời »
Ngày gửi: 09-11-2013
Câu hỏi:
Thưa Thầy!
Thầy cho con hỏi hai người yêu nhau và tới được với nhau có phải là do duyên số không ạ? Con cảm ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có nhiều cách nói: duyên số, duyên nợ, duyên nghiệp, oan gia, số phận, định mệnh, duyên tiền định, ý Trời, ông Tơ bà Nguyệt, tự chọn, ngẫu nhiên v.v... Xem ra nói sao cũng đúng, nhưng theo thầy thì đó là bài học nhân bản về cuộc sống, nên dù gì thì quan trọng vẫn là qua đó có học ra được bài học về chính mình trong đối nhân xử thế hay không, bài học này cũng chính là bài học giác ngộ về thương yêu và thù hận, hạnh phúc và khổ đau, đam mê và nhàm chán, ràng buộc và tự do v.v... của nhân ngã trong mối quan hệ nhân sinh đã được thiết lập. Đó cũng là đề mục thiền rất thiết thực để giác ngộ ra bản chất của chính mình và đời sống, còn tốt hơn cả những loại thiền đi tìm lý tưởng của cái ta ảo tưởng. Không có giác ngộ thì không bao giờ giải thoát. Vậy đó là bài học tất yếu của một chặng đường phải trải qua trên hành trình giác ngộ. Chỉ khi nào thông suốt được bài học này thì mới có thể ung dung tự tại trong khổ đau ràng buộc, hoặc trong tự do giải thoát. Đừng kết luận đó là gì mà nếu đã xe duyên thì hãy chuyên cần mà học ra bài học của mình, chớ có tự chôn vùi mình trong cái gọi là duyên số.
Ngày gửi: 14-05-2013
Câu hỏi:
Mô Phật thưa Thầy! Con có 1 điều băn khoăn là có phải tất cả mọi sự việc trên cuộc đời này đến với mình đều đã được định sẵn, ngay cả việc mình gặp ai, ăn gì,... đều đã được sắp đặt sẵn thưa Thầy? Và việc mình tu là chỉ thay đổi thái độ hay phản ứng với những sự việc đó thưa Thầy có đúng không? Xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Sinh nghiệp (Janaka) của một đời người được hình thành như hậu quả nghiệp nhân quá khứ của người ấy, nên gần như đã được lập trình sẵn, do đó có nhiều Tôn giáo cho là định mệnh đã được an bài. Phật giáo không chủ trương có đấng quyền năng nào đó an bài số mệnh, mà thấy rằng đó là hậu quả tất nhiên của một quá trình gây nhân và gặt quả. Tuy nhiên trong sinh mệnh của mỗi người không phải chỉ có sinh nghiệp do quá khứ thôi nên Phật giáo cũng không chủ trương tất cả đều do tiền nghiệp mà còn có sự tác động của nhân (thái độ) và duyên (hoàn cảnh) trong đời sống mới đang diễn ra nữa. Thí dụ một người sinh ra không được thông minh (sinh nghiệp) nhưng siêng năng học tập (thái độ nhân) và được một vị thầy dạy tận tình (duyên hoàn cảnh) nên người đó vẫn có khả năng sống đúng tốt và hạnh phúc thay vì đau khổ với tố chất bẩm sinh của mình.
Ngày gửi: 17-07-2012
Câu hỏi:
Kính Thưa Thầy cho con hỏi:<p>
1. Danh và Sắc đều là do nhân duyên sinh khởi vậy thì tính cách, sinh nghiệp hay số mệnh của một người cũng đều như vậy. Cho nên khi một người có tính cách không tốt không phải là vì họ như thế mà là do vô minh và vì thế nên "Không có ai cả". Điều người tu cần phải làm là quán xét để thấy rõ sự thật, không còn dính mắc chứ không cần phải thay đổi làm gì, vì thay đổi là còn có mong muốn có phải như vậy không thưa Thầy?<p>
2. Tu cốt yếu là ở Tâm chứ không phải ở Tướng, vì Tâm làm chủ, có tạo nghiệp, có giải thoát được hay không cũng là ở nó. Khi Tâm không còn dính mắc thì đó là Niết Bàn, tịch tịnh, vô vi, vô tác, vô cầu có phải không thưa Thầy?<p>
Con xin cảm ơn Thầy đã chỉ dạy và tiếp tục mong được sự chỉ dạy của Thầy. Con cảm ơn Thầy và chúc Thầy sức khỏe!<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Không phải tất cả Danh và Sắc đều do nhân duyên khởi, chỉ khi chúng bị thiết lập quan hệ tạo tác mới do nhân duyên khởi. Tất nhiên trong Danh Sắc "không có ai cả", Danh tự biết Sắc không có người biết và vật được biết, cũng không có người đắc và vật đắc được (sở đắc), chỉ có pháp đang vận hành. Có thay đổi nhưng đó là sự chuyển hóa tự nhiên, không phải là ý đồ thay đổi để trở thành.
2) Đúng. Nhưng khi tâm tịnh thì tướng cũng tịnh. (Khi tâm thanh tịnh thì thấy tất cả pháp đều thanh tịnh). Tâm bị cái ta ảo tưởng chiếm cứ thì vô minh ái dục, luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau; tâm không bị cái ta ảo tưởng chiếm cứ thì ngay đó là Niết-bàn "Tịch tịnh siêu lạc" (Santì paramam sukham).
Ngày gửi: 18-12-2011
Câu hỏi:
Thưa thầy,
Trong một buổi thiền đàm với các doanh nhân và trí thức ở thành phố vừa qua, con trình bày về ứng dụng thiền trong doanh nghiệp, và sau đây là một số câu hỏi chính của họ, mặc dù con đã trả lời nhưng xin thầy chỉ dạy thêm:<p>
1. Có cuốn sách nổi tiếng viết: “Làm theo sở thích sẽ sống lâu hơn”. Vậy chúng ta nghĩ sao khi Đạo Phật có vẻ ép mình phải bỏ đi một số sở thích bất thiện? Đời sống giống như quả bóng, phải chăng nếu ép bên này thì bên kia phình ra to hơn?<p>
2. Một doanh nhân thì phải đặt mục tiêu nhưng hướng vọng, nhiệm vụ và tiêu chí có vẻ giống như tham sân si trong nhà Phật như vậy phải giải quyết ra sao? <p>
3. Khi thiền hơi thở có nhiều phương pháp khác nhau vậy phương pháp nào là tốt nhất? <p>
4. Đởi sống của mỗi người có phải đã được an bài hay lập trình sẵn không? Vậy thì phấn đấu để làm gì? Có thay đổi được gì không? <p>
5. Doanh nhân là phải phấn đấu, tâm tĩnh lặng rồi thì làm sao phấn đấu? <p>
6. Trong thận trọng, chú tâm, quan sát thì thận trọng có vẻ ép quá có nên đổi lại là trọn vẹn không?<p>
Thành kính cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1. Một đời sống có ý nghĩa không đo lường bằng thời gian sống bao lâu mà bằng nội dung phẩm chất đời sống ấy. Một trong những phẩm chất đời sống là lương thiện. Nếu một người sống bất thiện theo sở thích thì càng sống lâu càng hại mình hại người, liệu có ích gì cho bản thân và xã hội? Sao không nghĩ rằng cuộc sống như khinh khí cầu, càng bớt đi vật nặng thì càng bay lên cao? Đời sống càng bớt đi điều bất thiện thì càng an lạc hành phúc hơn? Hoặc giống như đầu óc của chúng ta càng bớt đi ngu dốt thì càng khôn ngoan hơn, sao gọi đó là “ép”? Phật giáo dạy sống có ý nghĩa là phải biết điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt, chính yếu tố này mới giúp sống lâu chứ không phải làm theo sở thích của vô minh ái dục. “Làm theo sở thích” chỉ đúng khi “Tòng tâm sở dục bất du củ” tức làm theo sở thích mà vẫn không sai đạo lý. Còn làm theo sở thích như giết ngưởi cướp của thì bị án tử hình mất rồi làm sao mà sống lâu cho được!?
2. Một doanh nhân có ước vọng, mục tiêu và nhiệm vụ lương thiện - lợi mình lợi người, khác hẳn với tham vọng và chủ đích tham sân si. Đó chính là nhiệm vụ tiên quyết mà một doanh nhân phải biết thật rõ ràng trước khi bước vào thương trường. Một doanh nhân muốn thành công một cách chính đáng phải ứng dụng 4 yếu tố như ý (Iddhipàda) trong Phật giáo:
- Ý muốn chân chính và khả thi (Chanda).
- Có năng lực và nỗ lực đúng mức (Viriya)
- Có quyết tâm trước sau như một (Citta)
- Có nhận thức thông suốt để thực hiện (Vimamsa)
Đó là ước vọng, mục tiêu và nhiệm vụ chân chính của doanh nhân Phật tử.
3. Thiền hơi thở Phật giáo không theo một phương pháp nào cả. Phương pháp thường xuất phát từ yoga (Ấn Độ) và khí công (Trung Hoa). Thở là một hoạt động tự nhiên biểu hiện sự sống nơi mỗi người, nhưng hầu như chúng ta quá ham muốn tìm cầu cái yêu thích hay đối kháng lại cái không thích bên ngoài nên tâm ngày càng lăng xăng, vọng động và đánh mất khả năng chú tâm đúng mức cần thiết. Sự tiêu hao năng lực này khiến cho tâm tán loạn, bất an và căng thẳng. Chỉ cần thư giãn, buông xả, trở về với chính mình thì liền thấy lại hơi thở và sự sống đang diễn ra một cách âm thầm lặng lẽ. Lắng nghe sự sống chân thực qua từng hơi thở tự nhiên cho tâm lắng dịu, tĩnh lặng và trong sáng đó chính là thiền hơi thở. Trong thiền hơi thở Phật giáo hoàn toàn không có mục đích rèn luyện để trở thành điều gì như yoga và khí công mà chỉ đơn giản là biết trở về với sự sống đích thực ngay nơi thực tại hiện tiền mà thôi. Trọn vẹn với hơi thở như nó đang là giúp thân tâm nghỉ ngơi vô sự và phục hồi năng lực đã bị tiêu hao trong những cố gắng đấu tranh đầy căng thẳng, để chúng ta có đủ khả năng sống an nhiên tự tại giữa kiếp sống đa đoan phức tạp này. Nếu cố gắng rèn luyện để trở thành thì không còn là thiền nữa.
4. Phật giáo không chủ trương thuyết định mệnh, nên không có gì gọi là an bài, cũng không có ai an bài cả. Chỉ có mỗi người phải chịu trách nhiệm với chính mình và cuộc sống qua chủ tâm hành động mà họ gây ra cho mình, cho những người khác, cho xã hội hay môi trường sống xung quanh. Hành động có chủ tâm đó gọi là nghiệp. Nghiệp chính là sự chuyển hóa chứ không phải là định mệnh an bài. Sinh mệnh hiện tại của một người gọi là sinh nghiệp, là kết quả của nhân quá khứ. Do đó phần quả có vẻ như đã được lập trình sẵn, tuy nhiên ngưởi nhận quả có thể chuyển hóa nhờ nhân mới, hoặc nhờ tiếp ứng bằng một thái độ bình thản trong sáng, tức không bị nghiệp quả ấy chi phối. Thay đổi chính là tạo nhân tích cực và tốt đẹp mới, hoặc giữ thái độ an nhiên tự tại, không dao động.
5. Tĩnh lặng mới có đủ khả năng và nội lực để hoạt động tích cực. Hoạt động tích cực nhiệt tình không phải là phấn đấu để giành quyền lợi cho riêng mình. Sức mạnh của tĩnh lặng mới thật là phấn đấu chân chính.
6. Thận trọng không có nghĩa là e dè ngần ngại hay dè dặt quá mức mà thận trọng hay cẩn thận là một thái độ tích cực ứng ra một cách tự nhiên nhưng rất nghiêm túc, chừng mực và chu đáo. Một người thận trọng có đủ tự tin nên dễ dàng vượt qua những thử thách khó khăn, còn người e dè ngần ngại không bao giờ dám mạo hiểm. Vì vậy, đức Phật dạy thận trọng dẫn đầu tất cả thiện pháp.
Trọn vẹn thuộc về chú tâm nên không thể thay thế cho thận trọng được. Một cách đầy đủ hơn chúng ta có thể nói thận trọng chu đáo, chú tâm trọn vẹn và quan sát minh bạch.
Ngày gửi: 29-09-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy, con chúc Thầy luôn mạnh khỏe, an lạc. Lần trước con đã hỏi thầy về chuyện con ăn ít nên để mọi người trong gia đình lo lắng, nay con ăn nhiều hơn chút và người cũng mập ra chút nên bố mẹ đã yên tâm để cho con ở Đà Nẵng một mình và học tiếp năm cuối đại học rồi ạ.<p>
Hôm nay tự nhiên con nhớ tới một chuyện mong thầy chỉ giúp con. Thưa Thầy, người mẹ mà khi bắt đầu mang thai con mình mà nhìn thấy Sao Mai thì đó là điềm lành hay dữ và nó có liên quan gì tới số mệnh của người con không?
Chuyện này rất quan trọng với con, mong thầy từ bi giảng giải.<p>
Mong thầy luôn mạnh khỏe và an lạc.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thầy không biết đoán mộng, thầy chỉ chia sẻ về việc tu học thôi.
Ngày gửi: 24-08-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy, con xin đa tạ lời chỉ dẫn của Thầy trong bức thư Thầy trò số 29. Nhờ đó, con đã dần thoát khỏi nhiều phần u tối trong tâm hồn.<p>
Hiện giờ, con vẫn trăn trở về khái niệm "sứ mệnh" cuộc đời mà chồng con luôn nói đến - đó là việc phải sinh ra con cái, nuôi dạy chúng khôn lớn để đền đáp cuộc đời. Đó là lý do chính anh ấy ra đi.<p>
Rồi trong lúc thiền định, con chợt thấy, do nghiệp quả nên con mới được sinh ra dưới thân một người phụ nữ, con phải học hết mọi bài học dành cho người phụ nữ, về sinh lý và tâm lý.<p>
Về tâm lý, phụ nữ phải chịu đựng những chế định mà xã hội đã áp đặt lên họ từ hàng ngàn năm, có lẽ, không phải là chỉ do con người - mà phải có sự xuất phát nào đó về tâm linh, vì vậy, cần học về sự chịu đựng, hy sinh, nhường nhịn, khiêm tốn, thiệt thòi và suốt đời là người thứ hai đằng sau đàn ông - khi vượt qua và tìm thấy hạnh phúc trong những áp lực tâm lý đó, thì coi như con mới được hoàn thành bài học tâm lý của mình, với thân phận một người phụ nữ.<p>
Về sinh lý thì phụ nữ có thiên chức sinh nở và nuôi con; con đã và đang được học bài học nuôi con, còn thiên chức sinh nở thì sao? Phải chăng con sẽ vô cùng khiếm khuyết nếu không học được bài học này? Phải chăng con nên cố gắng để được mang thai và vượt cạn, chịu đựng nỗi đau thể xác và tinh thần khi thực hiện thiên chức này của mình để hoàn chỉnh bài học sinh lý của phụ nữ? Có phải vì thế mà chồng con luôn cố gắng có con đẻ?... Nhưng dường như có điều gì xa cách với giáo pháp khi con cố gắng phải đạt được việc có thai và sinh nở, để được giác ngộ hoặc mong học xong nhanh bài học cuộc đời?<p>
Chắc là sai rồi phải không thầy, vì với tâm tham, sân, si này, con còn phải luân hồi vô lượng kiếp nữa để học. Như vậy mỗi một kiếp sống, con đang được pháp giao cho những bài học nhất định, tùy theo sinh nghiệp của con. Tức là con phải chấp nhận pháp hiện tại và học tốt bài học từ pháp hiện tại, hóa giải nó từ đau khổ thành hạnh phúc, từ vô minh thành trí tuệ trên pháp hiện tại. Như vậy mới là sống "thuận pháp" phải không Thầy? Con không có quyền lựa chọn bài tập của pháp. Nếu con cố tình trốn tránh hoặc bỏ qua bài học của pháp đang là thì con sẽ phải học nó trong tương lai và còn tạo thêm nghiệp bất thiện nữa... Đường đến với giác ngộ càng xa!<p>
Giờ đây, con vui mừng vì đã được học nhiều nỗi đau đặc biệt của một người phụ nữ: vô sinh, nuôi con nuôi, si mê luyến ái, cô độc, bị áp đặt và bạo hành, ương bướng và bản ngã,... Con sẽ được hưởng sự an lạc khi không phải mang thai và vượt cạn, con sẽ được thảnh thơi, tự do và trên hết, con sẽ thấy vui khi biết nhún nhường, hy sinh, khiêm tốn... nếu con học tốt từ những bài học đau khổ đó. Đồng thời, rồi con sẽ hoặc đã học tốt những bài học mà con chưa được giao: mang thai và sinh nở, nghèo khó, túng quẫn,...<p>
Cuộc đời thật đơn giản quá Thầy ạ, vì tất cả chỉ là làm bài tập. Nhờ duyên lành, con đã được biết đến giáo pháp, tức là đã được hiểu rõ đầu bài và có cách thức để giải bài, phần còn lại là việc của con. Giờ thì con có thể thong dong, thư thái và say mê giải những bài tập cuộc sống. Con không cần phải vội phải không Thầy? Vì đường còn dài lắm, mà đâu cần kết thúc vì hạnh phúc và an lạc đã có ở đây, lúc này rồi.<p>
Con đa tạ Thầy và đa tạ duyên lành đã cho con ngày hôm nay.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
"Sứ mệnh" đó ở thú vật thì hoàn toàn đúng, còn ở con người thì còn có những sứ mệnh thiêng liêng cao cả hơn, bởi con người có tiến hóa từ thể xác đến tâm hồn, còn con thú thì dừng lại nơi sứ mệnh bản năng của nó mà thôi. Nếu một người chưa học ra bài học làm cha làm mẹ hay bất cứ bài học nào khác mà pháp "giao phó" thì trước sau gì họ cũng phải học, nhưng người đã vượt qua được bản năng thể xác thì họ không cần phải làm "sứ mệnh" truyền giống nữa, mà họ sẽ "cưu mang" chân lý để "truyền giống" giác ngộ giải thoát cho đời. Con đừng trăn trở gì cả, hãy lắng nghe quan sát chính mình để phát hiện ra con thật sự cần phải thi hành "sứ mệnh" nào. Con không cần chọn lựa "sứ mệnh" theo ý mình hay theo quan niệm của ai khác mà bài học của pháp đã, đang và sẽ đến với con trong từng giây từng phút, và "sứ mệnh" đích thực của con là học nhận thức ra "ý pháp" muốn truyền đạt điều gì trong bài học đó. Pháp luôn đến điều chỉnh nhận thức và hành vi của con, giúp con giác ngộ giải thoát, do đó "sứ mệnh" duy nhất của con cũng chính là học cách tùy duyên điều chỉnh nhận thức và hành vi cho thuận pháp. Tất cả những quan niệm và hành vi chủ quan sai lầm đều phải trả giá trước sự "phán xét" rất công minh của pháp để giúp họ giác ngộ. Khi con thấy ra điều đó tâm con sẽ không còn thắc mắc vì rất bình an trước tất cả bài học giữa cuộc đời cho từng tình huống riêng của mỗi người.
Ngày gửi: 12-08-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy, xin thầy cho con hỏi, có số phận "an bài" không ạ? Những việc như xem tuổi, xem tử vi, xem cung hoàng đạo... để kết nghĩa vợ chồng hoặc làm việc lớn có cần thiết và có đúng không ạ?<p>
Có người nói với con, ngay cả Đức Phật người ta cũng xem bói đúng cho Ngài? Vậy khi con đã học đạo, con cố tu rèn tâm mình để nhìn thấy pháp và sẽ hòa hợp với Pháp, nhưng các tài liệu mang tính chất tiên đoán đó lại cho rằng con không thể hòa hợp được với pháp đó, cố gắng sẽ chỉ gây hại cho mình và người thì con phải chọn sao thưa Thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong Phật giáo không có ý tưởng "định mệnh" hay "an bài", tuy nhiên có nói đến sinh nghiệp. Sinh nghiệp là tổng số những sự kiện sẽ được hình thành và dàn trải suốt sinh mệnh của một người, chủ yếu là những kết quả do nghiệp nhân trong quá khứ, chứ không do ai định đoạt. Nhưng theo Phật giáo, một sinh mệnh không hoàn toàn chỉ là quả của nhân quá khứ mà còn một phần tích cực hơn, đó là nhân hiện tại: những thái độ phản ứng, hành động, tạo tác mới đối với sinh nghiệp ấy.
Vậy vấn đề không phải là có nên tuân theo tư vấn của thầy bói, thầy phong thủy hay không, dù họ nói đúng được bao nhiêu phần trăm(?), mà là chúng ta có học ra được điều gì từ sinh mệnh của mình để ứng xử cho đúng với nguyên lý vận hành của pháp hay không. Vì, một là nếu mọi sự đã được an bài thì cứ vậy mà chấp nhận chứ cần gì thầy tiên tri tư vấn. Hai là nếu mọi sự tùy thuộc vào thái độ ứng xử của mình thì hãy ứng xử một cách sáng suốt, định tĩnh, trong lành là tốt nhất, sao lại phải nghe lời tiên đoán?
Sống chủ yếu là để học ra từ sinh nghiệp của mình bài học giác ngộ, có giác ngộ con mới sống đúng pháp, mới lợi mình lợi người. Vì vậy điều quan trọng là con có học được điều gì từ đời sống của mình hay không, chứ không phải xem đó là định mệnh hay là sự chọn lựa theo ý riêng của con. Nếu đã là định mệnh thì con chẳng làm được gì cả. Còn nếu chọn lựa theo ý mình thì con vẫn phải theo đúng quy luật của pháp, nếu không, dù cố gắng cũng vô ích, chỉ hại mình hại người mà thôi. Tóm lại, dù định mệnh hay tự chọn thì con vẫn phải học ra bài học về bản chất thật của pháp thì mới sống đúng và sống tốt được. Để học ra bài học giác ngộ thì tốt nhất là sống tỉnh thức trọn vẹn trong thực tại đang là.
Ngày gửi: 16-02-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy, con xin hỏi: Vì sao nhiều vị tu rất tốt nhưng về già bị lẫn rất nặng, nếu họ thường chánh niệm tỉnh giác hay liễu liễu thường tri thì mọi sự đều minh bạch làm sao bị lú lẫn được? Như vậy do tu chưa đúng hay còn lý do nào khác, xin thầy chỉ dạy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tu hành tốt nghĩa là gieo nhân đúng tốt có thể giác ngộ giải thoát hoàn toàn hoặc nếu còn tái sinh thì sẽ cho quả lành trong những kiếp sau. Còn một người sinh ra phần lớn bị chi phối bởi sinh nghiệp (Janakakamma) là do nhân đã tạo trong những kiếp sống trước, sẽ cho quả trong sinh mệnh hiên tại của người này. Cho nên nghiệp quả của sinh mệnh (= sinh nghiệp) có thể tiên đoán được qua lá số tử vi. Đó là mặt thụ động bất khả kháng của nghiệp quả mà có nhiều chủ thuyết cho là số mệnh. Theo Phật giáo thì đời sống không phải chỉ là mặt quả trong sinh nghiệp (tạm xem như số mệnh đi), nhưng còn có mặt chủ động tạo nhân mới nữa, đó là thái độ của mỗi người đối với sinh mệnh mình. Nếu tạo nhân tốt có thể giúp cải thiện nghiệp quả về sau. Tuy nói chuyển nghiệp, nhưng người tu chỉ lo chuyển nhân chứ không lo chuyển quả. Và tuy nói đức năng thắng số nhưng có chuyển được nghiệp quả thì cũng chỉ ở một mức độ nào đó thôi, dù đã giác ngộ giải thoát, vì quả trong sinh nghiệp khó mà loại trừ hẳn được, trừ phi nhập vô dư Niết-bàn.
Đức Phật dạy nghiệp quả là bất khả tư nghì (acinteyya). Không nên đánh giá, phê bình hay suy đoán chủ quan, vì nghĩ ngợi nhiều quá về điều này có thể đưa đến "tẩu hỏa nhập ma". Đức Phật là bậc Toàn Giác vẫn bị rất nhiều nạn và còn bị đau bụng mới nhập diệt. Đức Chúa bị hành hình trên cây thánh giá đến chết.. Ngài Mục Kiền Liên thần thông quảng đại mà chết bị phân thây v.v... Cho nên, những người tu hành tốt họ có thể giác ngộ giải thoát hay có phước quả về sau, còn trong sinh nghiệp của kiếp sống hiện tại thì vẫn phải nhận lấy hậu quả của nghiệp quá khứ như thường. Như vậy tuy có chánh niệm tỉnh giác nhưng đến tuổi già, tế bào não bị suy yếu vẫn có thể quên. Chánh niệm tuy cũng có nghĩa là nhớ (rememberance) nhưng nghĩa trong thiền là không bỏ quên thực tại hay tâm trọn vẹn với thực tại (mindfulness) nên nếu do nghiệp hay do tế bào não suy nhược thì có thể chuyện gì qua là quên ngay, nhưng với thực tại thì vẫn minh bạch. Vậy cần phải phân biệt giữa hai trạng thái quên mà vẫn minh bạch với quên mà lú lẫn.