Kết quả Tìm Kiếm: Có 45 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'Tội & phước'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 29-06-2015
Câu hỏi:
Kinh gởi sư. Con thành kính đảnh lễ sư! <p>
Con nghe rất nhiều người nói hành thiền là phước báu lớn nhất, không cần phải làm những việc từ thiện khác. Bởi vì khi hành thiền, tâm trụ vào đề mục, không khởi tham sân si, không tạo nghiệp. Nhưng bản thân con thì thấy khi ngồi tâm con vẫn suy nghĩ đây đó, đôi lúc con thấy tâm có sự ganh ghét khi người ta vui. Khi con biết điều gì tốt thì con khởi lên sự độc chiếm và không muốn chia sẻ. Trong mỗi ngày tâm con khởi lên rất nhiều tham sân si và con không thấy hành thiền thì những tâm đó không khởi sanh, nhưng con nhận thức và không hành động theo thôi. Vậy sao gọi là phước báu lớn nhất, sao gọi là dẫn đến giải thoát? Và chỉ cần hành thiền mà không cần cúng dường và làm những việc thiện sao? <p>
Kính xin sư chỉ bảo cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trước hết phải xác định loại thiền gì rồi mới biết hành có phước nhất hay không. Thiền có quá nhiều cách, đúng, sai, chánh, tà, thiện, ác... đều có đủ. Vậy cần hỏi kỹ hành thiền gì mới biết được tốt hay xấu. Chỉ có một loại thiền tốt nhất là soi sáng lại toàn bộ sinh hoạt đời sống của mình, nếu không chúng ta vẫn mãi sống trong vô minh ái dục. Kể cà muốn hành thiền để được phước báu nhiều nhất cũng là thiền của vô minh ái dục.
Nếu thiền là soi sáng thực tại đời sống thì không cần phải loại trừ những hành động vô ngã vị tha như bố thí, cúng dường, phục vụ, và nhiều hình thức thiện sự khác. Như vậy, nên nói sống thiền đúng hơn là nói hành thiền theo nghĩa ngồi tham thiền nhập định để trụ tâm. Tóm lại, con có thể làm mọi thiện sự, miễn là "khi xúc chạm việc đời, tâm không động, không sầu, tự tại và vô nhiễm" mới "là phúc lành cao thượng" nhất.
Ngày gửi: 15-06-2015
Câu hỏi:
Con xin liên hệ câu hỏi về Niệm Phật thế nào để diệt tội vô gián, với câu chuyện của Bác Hai Như Sanh, hợp hay không ở chỗ nào, xin Thầy giúp con. <p>
"Có lần Bác đi thăm người bạn, ngày về là lúc trời bão nhưng mình có vấn đề phải về thôi.
Mấy người bạn cầm nán lại nhưng Bác quyết đi, dù mưa cũng đi. <p>
Bác dẫn xe đạp ra về; đến nhà, tắm xong lên giường nằm, Bác nghĩ lại hôm nay mình đi dưới trời mưa gió mà lòng bình an như ngày đẹp trời vậy bởi mình sẵn sàng chấp nhận. <p>
Bác suy rộng ra, nếu đối với mưa gió của đời mình, mà mình có tâm trạng sẵn sàng như vậy, chắc là sống yên lành, hạnh phúc lắm." <p>
Con cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Câu chuyện của Bác Hai Như Sanh có ý nghĩa thật tuyệt vời nhưng áp dụng vào tội vô gián thì không đúng. Chấp nhận mưa bão là chấp nhận thiên nhiên mà lòng vẫn bình an là đúng, nhưng khác xa với chấp nhận tội vô gián ở chỗ tội này phải chịu "đau khổ do tội lỗi giày vò không gián đoạn", do đó nếu người này sau khi đã gây đại tội mà "lòng bình an" như không thì sai lầm quá đáng. Chỉ có khổ đau mới giúp người ấy thấy ra sự thật và rửa sạch tội lỗi.
Ngày gửi: 14-06-2015
Câu hỏi:
Thưa thầy,
Niệm Phật thế nào để diệt tội vô gián. Phạm tội vô gián có vãng sanh Cực Lạc được không?
A-di-đà Phật.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vay và trả là luật nhân quả tự nhiên giúp chúng ta học ra bài học đạo đức làm người mà ai cũng phải trải qua để hoàn thành cứu cánh giác ngộ giải thoát. Nếu một em học sinh nhác học lại còn hung dữ đánh thầy cô mà mong được cấp bằng tiến sĩ ngay mới là lạ. Người phạm tội đại nghịch vui lòng chấp nhận vào địa ngục vô gián để học ra bài học nhân quả mới thật sự nhận thức được thế nào là đạo đức và ngay đó anh ta liền thanh thản đón nhận Sự Thật Nhiệm Mầu, đó chính là Cực Lạc hiện tiền chân thực.
Ngày gửi: 17-03-2014
Câu hỏi:
Thưa Thầy,<p>
Phòng con có nhiều bánh nhưng nó sắp hết hạng rồi. Tuy buổi chiều con không đói bụng, nhưng nghĩ nếu để đến ngày mai thì bánh hư đi, nên con ăn cho xong. Nhưng rồi con lại bị phạm giới ăn sái giờ. Chọn ăn thì bị phạm giới cũng mang tội, hoặc chọn giữ giới mà vứt bánh vô thùng rác thì cũng mang tội. Dù chọn trong một cái nào cũng bị tội. Thiệt là kẹt ghê.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tại con quá phân biệt tội phước nên mới phân vân, còn nếu con xem đó là điều học để học ra sự thật thì con sẽ nhờ đó mà giác ngộ giải thoát. Ngược lại nếu con chấp vào phước tội thì muôn đời vẫn không thoát khỏi phân vân. Phân vân chính là hoài nghi và chấp hình thức (giới tướng) mà không thông nội dung (giới thể) chính là giới cấm thủ.
Ngày gửi: 17-01-2014
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy. <p>
Chúng con xin tri ân Thầy đã trả lời câu hỏi của chúng con. Tuy nhiên chúng con vẫn còn có điều chưa hiểu. Theo như chúng con được biết thì từ muôn vạn kiếp trước Đức Phật Thích Ca cũng đã từng là nai, là sư tử, là chúng sinh bị đọa ở địa ngục,... như vậy Ngài đã nhờ nhân duyên nào mà trở thành người để tu tập cho đến Chánh đẳng Chánh giác? Và chúng con phải lý giải như thế nào về sự khác biệt giữa những con chó được chủ cưng chiều như con chó của Elizabeth Taylor và những con chó bị làm thịt? Chúng con còn được dạy rằng nếu tạo nghiệp bất thiện sẽ bị đọa vào các cõi địa ngục hoặc súc sinh, nếu bị đọa vào đó thì sẽ đến lúc nào mới được trở ra làm người? Chúng con ngu muội, kính xin Thầy từ bi chỉ giáo. <p>
Chúng con kính Thầy được nhiều sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con cứ trải nghiệm, chiêm nghiệm rồi tự mình sẽ thấy ra điều đó. Hành trình khám phá này vô cùng thú vị. Đừng vội giải thích mọi thứ bằng lý trí khô khan để rồi đinh ninh đã hiểu nên không còn chứng nghiệm sự thật được nữa. Phước họa cũng khó lường, không nên vội vàng kết luận ai phước hơn ai. Đây là một bí ẩn kỳ diệu mà con cần nhiệt tình chiêm quan để tự mình cảm nhận.
Ngày gửi: 06-06-2013
Câu hỏi:
Thưa thầy, thế nào gọi là làm phước? Làm phước và làm việc tốt có quan hệ như thế nào? Vì theo con nghĩ, làm việc tốt, chẳng hạn như giúp 1 ai đó, không nhất thiết họ có quan hệ gì với mình, là lẽ đương nhiên, mà cũng như tự nhiên vậy - Việc xảy ra như vậy, người nọ gặp hoạn nạn, cần sự giúp đỡ, mình giúp họ. Vậy lẽ đương nhiên này có liên quan đến việc làm phước như thầy nói không? <p>
Và người chết vì sao khi được mình hồi hướng phước thì họ hoan hỷ và thoát khỏi cõi Âm? Trong sự hồi hướng đó, điều gì xúc tác tới họ, để họ thoát ra, thưa thầy?<p>
Và nếu như mình không chỉ muốn hồi hướng tới người thân, mà những thần thức đang vướng ở đâu đó, vì lý do nào đó, họ còn đau khổ, thì sao hở thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Làm phước là làm điều thiện có lợi ích cho người hay chúng sinh khác. Khi làm với thiện tâm thì sinh ra năng lực của phước. Tâm lực và phước lực này có thể hỗ trợ cho người đang ở trong cõi Âm hoan hỷ và nhờ đó được thoát khỏi cảnh giới này. Trong phạm vi hỏi đáp thầy chỉ trả lời vắn tắt thôi, còn con muốn biết cách làm phước thế nào có thể giúp người Âm siêu thoát thì con phải tìm hiểu cụ thể hơn mới được.
Ngày gửi: 10-04-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, trước nhất con xin thành kính tri ân Thầy đã giúp con hiểu và giải tỏa những thắc mắc qua mấy lần hỏi Thầy. Con đã làm theo lời Thầy dạy, thêm nữa là con luôn quan tâm tới mục Hỏi đáp Phật pháp của Thầy và quý đồng đạo. Nay con đã hoàn toàn yên tâm là đã đủ duyên đến với chánh pháp, chỉ còn luôn chuyên tâm hành trì, tiếp tục học hỏi và nương theo lời Thầy chỉ dạy cho mọi Phật tử. <p>
Thưa Thầy, con xin Thầy giải thích 1 vấn đề, con nghe nói rằng hàng đêm luôn trì tụng Chú Đại Bi, niệm Phật, niệm Bồ-tát,... thì sẽ được vạn hạn tiêu trừ, được phước ba đời, mọi đau khổ sẽ biến mất, hơn nữa khi chết sẽ được lên Niết-bàn.<p>
Vậy xin Thầy giảng cho con hiểu ý nghĩa và tác dụng của các bài Kinh nói trên vì con thấy những lời giảng trong Kinh Tiểu Bộ và Trung Bộ không có như vậy thưa Thầy.<p>
Rất mong được Thầy hoan hỷ giúp con. Con xin tri ân và chúc Thầy sức khỏe. Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Mục đích tu hành không phải để được phước báo ba đời hay để tiêu tai trừ hạn. Một Đạo Phật trí tuệ lấy tâm tỉnh giác để thấy ra thực tánh và sống với thực tánh ấy, sau khi Phật Tịch Diệt đã biến thành tôn giáo, lấy kinh điển, chữ nghĩa, giáo điều làm kim chỉ nam cho việc tu tập, nên được gọi là Phật giáo, như thế là đã ít nhiều thoái hóa rồi. Thế nhưng, giờ đây tôn giáo ấy cũng đã và đang biến dần thành tín ngưỡng của các Tông môn, Hệ phái... không còn giới định tuệ, bát chánh đạo... làm gốc nữa mà chỉ còn biết tụng kinh, trì chú, niệm tha lực Bồ-tát để cầu được ban phúc cứu khổ, điều mà ngày xưa đức Phật đã vạch trần hoạt động của ngoại đạo trong Kinh Sa Môn Quả, Kinh Phạm Võng và rất nhiều pháp thoại khác của Ngài. Phải chăng Đạo Phật đang hưng thịnh với hàng tỷ tín đồ hay đang đi quá sâu vào thời mạt pháp?
Ngày gửi: 16-08-2012
Câu hỏi:
Thưa thầy cho con được hỏi là:<p>
- Người thông minh, có kiến thức, có kỹ năng làm kinh tế nên đời sống sung túc, giàu có. Nhưng chưa chắc đã là người đến được với đạo, thấy Pháp?<p>
- Người giác ngộ, đã thấy Pháp, vào được Pháp rồi thì trong trường hợp này người giác ngộ đó có còn phải sống cuộc sống nghèo khó về vật chất không ạ? Hay Pháp là bình đẳng, ai thấy là thấy ngay, không phụ thuộc vào nghiệp quả giàu sang hay nghèo khó?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Thiện ác thuộc phạm vi đạo đức. Giàu nghèo chỉ là biểu hiện của nhân quả nghiệp báo thuộc hệ quả của hành vi đạo đức. Có thể giàu mà thiện và hạnh phúc, có thể giàu mà bất thiện và đau khổ. Có thể nghèo mà thiện và hạnh phúc, có thể nghèo mà bất thiện và đau khổ. Điều này rất vi tế cần thấy ra bản chất sâu xa của hành vi đạo đức chứ không thể đánh giá trên tiêu chuẩn giàu nghèo được.
2) Giác ngộ thuộc phạm vi nhận thức. Chánh kiến, tà kiến là biểu hiện của nhận thức đúng hay sai đối với sự thật, chứ không thuộc hành vi đạo đức. Tuy nhiên nhờ nhận thức đúng (chánh kiến) mà hành vi tốt (thiện) và do nhận thức sai (tà kiến) mà hành vi xấu (bất thiện). Hành vi tốt có thể giàu hay nghèo nhưng luôn là hạnh phúc. Hành vi xấu cũng có thể giàu hay nghèo nhưng luôn là đau khổ. Đó là sự liên hệ giữa giác ngộ và hành vi đạo đức.
Đừng nghĩ giàu là có phước và nghèo là vô phước. Phước và vô phước dựa trên tiêu chuẩn có hạnh phúc đích thực (tịnh lạc) hay không, chứ không dựa trên tiêu chuẩn giàu nghèo.
Ngày gửi: 23-05-2012
Câu hỏi:
Nghèo có phải là cái tội không thưa Thầy. Theo nhân quả thì nghèo là do tội bỏn sẻn không biết bố thí,...là có tội đúng không thưa Thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bỏn xẻn là bất thiện nhưng không phải là nguyên nhân chính của nghèo, ngược lại lắm khi vì ích kỷ bỏn xẻn mà giàu cũng có. Giàu mà bất chính (lợi mình hại người) mới là có tội. Người ích kỷ bỏn xẻn dù giàu vẫn thấy mình còn nghèo. Do đó đánh giá giàu nghèo theo mức thu nhập là không đúng, và xem giàu nghèo là biểu hiện của phước tội lại càng không đúng hơn. Đó là một hiểu lầm trầm trọng về thiện và ác, phước và tội.
Theo thầy, giàu là người dù có thu nhập thấp nhưng vẫn thấy dư, sống hạnh phúc và sẵn sàng san sẻ cho người khác. Còn nghèo là người dù có thu nhập cao nhưng vẫn thấy thiếu thốn, và sống bất hạnh vì tham lam ích kỷ. Người "an bần lạc đạo" thì phước chứ không tội. Người "phú giả bất nhân" thì tội chứ không phước. Vậy phước tội được đánh giá theo tính chất thiện và bất thiện của hành vi (nhân) và thái độ chấp nhận hoàn cảnh (quả) chứ không căn cứ trên mức thu nhập cao hay thấp. Thu nhập thấp mà thấy an vui là hạnh phúc, thu nhập cao mà thấy buồn bực là khổ đau. Tội phước, khổ vui rất vi tế, khó mà xét được qua hình thức bên ngoài.
Ngày gửi: 24-04-2012
Câu hỏi:
Dạ kính thưa thầy cho con hỏi về việc chia phước ạ. Nếu như một người làm một phước thiện nhỏ nhưng lại chia cho nhiều người thì phước đó có ít hơn khi chỉ chia phước cho một người thôi không ạ? Con kính cảm ơn thầy, chúc thầy sức khỏe ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chia phước tức là chia sẻ niềm hoan hỷ trong điều thiện (phước) với người khác cho nên chia sẻ càng nhiều thì niềm hoan hỷ càng tăng. Giống như một ngọn đèn nhỏ càng mồi cho nhiều ngọn đèn khác thì ánh sáng càng tăng thêm chứ không giảm đi.