Kết quả Tìm Kiếm: Có 31 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'Tự lực và tha lực.'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Kính Thưa Thầy, <p>
Thận trọng, chú tâm, quan sát và trở về trọn vẹn, rỗng lặng, trong sáng trong mọi nơi, mọi lúc. Giữa lối thiền như vậy ứng dụng trong đời sống hàng ngày và lối thiền miên mật ví dụ như của Thầy Ananda trước khi đạt được trình độ Arahant sau một đêm thiền định liên tục đến khi rạng sáng lúc đầu vừa chạm gối, sự khác biệt là ở đâu? Có phải trong trường hợp thầy Ananda, có một thành phần "muốn đạt đến" mặc dù với một mục đích tốt? <p>
Siddharta phát lời nguyện không rời chỗ thiền tọa dưới gốc cây bồ đề dầu cơ thể có héo tàn, cho đến lúc tìm được sự Giác Ngộ hoàn hảo. Trong sự phát nguyện này có chăng một thành phần "muốn đạt đến" mặc dù với một mục đích tốt? <p>
Tương tự, người cư sĩ chân chính có nên căn cứ đường lối tu hành của mình dựa trên một mục đích, ví dụ "Đạt đến Arahant trong cõi đời này" để có một động lực thúc đẩy dễ tinh tiến hay nên hoàn toàn buông, không có cái muốn nào, chỉ thận trọng, chú tâm, quan sát, trở về trọn vẹn tỉnh thức, rỗng lặng, trong sáng giữa sự vận hành tự nhiên của vũ trụ? <p>
Xin cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cái đó còn tùy trình độ căn cơ của mỗi hành giả. Trình độ tinh tấn thì đương nhiên phải vận dụng tự lực, vì tưởng rằng nỗ lực cá nhân có thể đưa đến giác ngộ giải thoát. Trình độ đức tin thì tất yếu nương vào tha lực, vì tưởng rằng một năng lực tối cao nào đó có thể cứu rỗi mình. Cả hai trình độ trên đều xuất phát từ nỗ lực của bản ngã dù dưới hình thức tự hoặc tha. Còn trình độ trí tuệ thì tùy pháp hành (không có tự hoặc tha) nên chỉ cần thận trọng chú tâm quan sát, hay trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại tự nhiên như nó đang là, mới có thể sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha. Đức Phật tùy căn cơ mà chỉ dạy nhưng rốt ráo vẫn là căn cơ trí tuệ mới có thể hoàn toàn giác ngộ giải thoát được.
Ngài Ananda lúc đầu nỗ lực tinh tấn nhưng không đi tới đâu, cho đến khi mệt mỏi căng thẳng buông ra nghỉ ngơi vô sự thì liền thuận pháp mà chứng quả Vô Sanh. Còn ông Bāhiya thì khi nghe Phật dạy: Trong thấy chỉ thấy thôi, trong nghe chỉ nghe thôi..., trong biết chỉ biết thôi, không có cái ngã Bāhiya trong đó... thì ông lập tức chứng quả Alahán, vì ông thuộc căn cơ trí tuệ, ngay đó liền rỗng lặng trong sáng vô ngã thuận pháp. Như vậy ai trình độ thế nào thì cứ hành theo trình độ của mình rồi từ đó mà chuyển hóa chứ không thể đồng hóa căn cơ được.
Câu hỏi:
Mô Phật kính thưa sư! Con biết sư công việc rất nhiều nhưng vì những gút mắc của chúng con không biết hỏi ai, hơn nữa từ khi con biết được website trungtamhotong đã giúp con tháo gỡ rất nhiều những vướng mắc trong giáo pháp và cũng như hành pháp. Con thấy sư tận tình chia sẻ cho rất nhiều Phật tử, hơn nữa sư trả lời rất linh hoạt và trung thực giúp cho chúng con đi đúng đường, chúng con vô cùng cảm ơn sư và cố gắng tu hập để không phụ công sư dạy dỗ. Chúng con rất có phước báu mới gặp được sư, nếu không chúng con cứ mãi loanh quanh trong niềm tin tín ngưỡng. <p>
Thưa sư, trước đây chúng con có thờ Phật bổn sư Thích-ca Mâu-ni, nhưng gần đây có một số quý thầy nói chúng con là Phật tử tại gia không được thờ ngài, chỉ có chùa mới thờ, nếu con thờ thì có những chuyện không tốt xảy ra. Con có hỏi tại sao thì quý thầy không nói rõ và khuyên con nên thờ bộ tam thánh là Di-đà, Quan Âm, Thế Chí và thầy giải thích Quan Âm thì luôn cứu khổ cứu nạn khi gặp nguy tai, còn Di-đà thì thờ ngài để khi lâm chung được Phật tiếp rước về Tây phương. Con thấy thầy giải thích cũng có lý vì con thấy đa số Phật tử Việt nam ít ai thờ Phật bổn sư, đa số là thờ bồ tát Quan Âm còn Di-đà sau này mới thờ theo bộ tam thánh. <p>
Con có một chút suy nghĩ, tôn giáo bạn nhà nào cũng phải thờ đấng giáo chủ của họ và thường xuyên niệm dến danh hiệu để tưởng nhớ tri ân. Trong khi đó đạo Phật thì khác hẳn, hình như ít ai biết đến đức Phật lịch sử và giáo lý của ngài, chỉ thờ tự và tưởng niệm những Phật và bồ tát ở huyền thoại, vậy thì sự truyền thừa làm sao có sự chính xác. Nếu mà thờ đức Bổn sư thì có ảnh hưởng gì đến cuộc sống gia đình không thưa sư mà con nghe một số quý thầy nói làm con hoang mang vì đa số chúng con chỉ biết đi chùa đại thừa không được gần gũi các sư Nam tông để học hỏi thêm giáo lý nguyên thuỷ, nhờ có website này mà chúng con mới có cơ hội tiếp cận với những lời gốc Phật dạy. <p>
Cúi xin sư hoan hỷ cho chúng con vì chúng con còn lơ mơ trong pháp học nên không biết thế nào là đúng sai. Mỗi thầy nói mỗi kiểu, mỗi chùa nói một hướng khác nhau, chúng con thật sự bối rối, chúng con rất tha thiết gởi đời sống tâm linh vào sư mong được sư chỉ dạy ạ. Cầu nguyện cho sư có nhiều sức khoẻ để giúp chúng con và cho những ai có duyên để đi đúng con đường mà Phật đã tận tâm chỉ dạy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Từ Đạo Phật nguyên thuỷ đến Phật Giáo phát triển rồi dần dần đi xuống Tín Ngưỡng thờ Phật như Thần linh ban ơn cứu khổ. Ba giai đoạn này ứng với ba thời kỳ mà đức Phật tiên đoán về sự thoái hoá của Giáo Pháp là: chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp.
Chánh pháp là thời kỳ khai thị chân lý trực tiếp nguyên vẹn của đức Phật, tương ứng với Đạo Phật Nguyên Thuỷ. Tượng pháp là pháp triển khai vận dụng của các Tông phái, đã biểu tượng hoá các đức tính bên trong mỗi người thành những vị Phật và Bồ-tát bên ngoài, tương ứng với Phật Giáo Phát Triển, mang tính triết học tôn giáo. Mạt pháp là thời kỳ biến các biểu tượng thành nhân vật thật để thờ cúng, khấn vái cầu xin để được ban ơn cứu khổ như các Thần Linh đến từ các cảnh giới xa xăm đầy quyền lực, tương ứng với Tín Ngưỡng thờ Phật như "Thần Giáo" của đạo Bà-la-môn trước thời đức Phật! Chính vì mất gốc theo ngọn như vậy nên gọi là mạt pháp.
Thực ra, người Phật tử chân chính không cần thờ ai cả, chỉ sống đúng Bát Chánh Đạo chính là thờ Phật rồi. Nếu có thờ thì chỉ để tỏ lòng tri ân và tôn kính đối với vị Bổn Sư đã khai thị cho mình chứ không phải để khấn vái cầu xin ban ơn giáng phước. Từ một Đạo Phật với chân lý nhân quả nghiệp báo rất công bằng phân mình để mỗi người tự học ra bài học giác ngộ thành Phật, nay đã biến thành một tôn giáo tín ngưỡng mang tính cầu xin tha lực cứu độ, và do người ta không tin vào sự giác ngộ do tánh giác nơi chính mình nữa nên không dám thờ đức Phật lịch sử vì Ngài dạy phải trở về với chính mình mà giác ngộ. Tất nhiên ai căn cơ đức tin muốn cầu xin van vái thì cứ để họ thờ các biểu tượng Thần Phật, còn ai căn cơ trí tuệ thấy rõ pháp vận hành mà giác ngộ ra Sự Thật thì Phật đã ở trong tâm đâu cần thờ nữa.
Câu hỏi:
Kính gửi thầy, con có điều này thắc mắc là nếu như một Phật tử bình thường tôn kính Tam Bảo nhưng không phát nguyện trở thành Bồ Tát hay Phật, chỉ mong nhờ Ân đức của Đức Phật soi sáng mà làm lành tránh dữ để có thiện quả, vẫn ước mong giàu có, vợ chồng thuận thảo, con ngoan, vui với cuộc sống thường nhật thì có phải là chìm đắm trong mê muội, vô minh theo quan niệm của Phật giáo không? Có ranh giới nào về Pháp giữa một Phật tử và tỳ-khưu không? Con cám ơn thầy đã lắng nghe câu hỏi của con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vấn đề không phải là phát nguyện gì ở tương lai hay mong cầu gì ở tha lực mà là có nhận thức đúng và hành vi tốt hay không, nghĩa là có đang sống tuỳ duyên thuận pháp xả kỷ vị tha hay không mà thôi. Nhận ra chính mình trong hiện tại mới cần yếu, vì tất cả chân lý cao thượng nhất đều đã đầy đủ trong chính mình, không cần tìm cầu đâu khác.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy. <p>
Tối nay con tới chùa ngồi thiền và học giáo lý. Có một hiện tượng trong con mà con không lý giải được. Khi con ngồi thiền và cả khi học giáo lý trong con cảm giác lâng lâng, cảm giác mất thân, nhất là khi con quán tâm từ: làm sao giúp đỡ đứa cháu bà con vùng sâu, được học hành có nghề nghiệp. Thì con thấy ánh sáng từ bi phủ khắp người con, con sợ quay sang niệm "Araham, đức Phật trọn lành" thì mới yên. Con sợ tẩu hỏa nhập ma. Theo thầy có tha lực mạnh ở trong chùa không? Nếu mình để tưởng cuốn mình đi, quán theo tưởng, thì có sao không? Mong thầy từ bi giảng dùm con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có ba trường hợp có thể xảy ra:
Một, đó là trạng thái hỷ lạc khi con khởi tâm từ.
Hai, đó là sự cảm ứng đạo giao khi thực hành đúng pháp.
Ba, đó là sự hỗ trợ của một tha lực.
Trong cả ba trường hợp nếu con thực hành đúng thì không có gì phải lo lắng. Niệm tâm từ còn gọi là "ly sân tưởng", tuy là niệm tưởng nhưng là niệm tưởng mang tính ly sân, như thật lòng có tư tưởng tốt cho một người nào hay cho tất cả chúng sanh thì đó là niệm đúng pháp. Khi niệm đúng pháp thì đừng sợ gì cả. Phản ứng của con là niệm "Araham" cũng là phản ứng đúng đắn, nếu con cảm thấy nghi hoặc bất an.
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy, trước tiên con xin Kính chúc Thầy luôn luôn mạnh khỏe và có chuyến đi hoằng pháp thành công. <p>
Thưa Thầy con có chuyện này mong Thầy giải đáp giúp con. Cách đây 8 năm, đúng lúc sự nghiệp đang thành công rực rỡ, con có tất cả mọi thứ: nhà lầu, xe hơi, vợ đẹp và 2 đứa con ngoan thì con nằm mơ thấy 1 ông Tiên râu tóc bạc phơ đến nói với con rằng: cuộc đời con còn nhiều gian nan lắm, nhưng khi về già sẽ rất là giàu có. Nhưng hôm nay, khi ngồi viết những dòng này thì con đang trong tình trạng phá sản, vợ bỏ, còn lại một mình với 2 bàn tay trắng, 1 mẹ già và 2 đứa con. <p>
Thưa thầy cũng cách đây hơn 1 năm con chưa biết gì về đạo Phật, chưa biết gì về đức Phật nên con không tin đạo Phật và cho rằng đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng chỉ là một ông thần như bao ông thần hay thánh của các tôn giáo khác nên con không tin. <p>
Nhưng cũng trong giai đoạn này, con nằm mơ thấy con nằm ngủ cạnh 1 bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, khi mở mắt ra thì thấy da mặt và sau đó là toàn thân của Ngài đang từ màu trắng bạch cứ từ từ hồng hào như người thật và ngài mở mắt ra. Con mừng quá nên gọi thật to cho Mẹ và 2 con của con biết, nhưng ngay sau đó thì bức tượng lại trắng bạch trở lại. Con ôm chặt bức tượng khóc thật to và xin lỗi vì tại con mà Ngài không còn là người nữa, cũng thật lạ là sau đó bức tượng lại hồng hào trở lại và Ngài nói rằng con không có lỗi. <p>
Trong thời gian này do khủng hoảng tinh thần nên con tìm hiểu về Thiền mong sao cho bớt khủng hoảng và cũng vô tình biết được trong Thiền viện Nguyên Thủy ở Q.2, TpHCM có mở khóa Thiền 10 ngày. Con đăng ký tham gia. Lúc này con cũng chưa biết gì về đạo Phật và Phật Pháp. Sau 10 ngày ở Thiền viện, con bắt đầu hiểu lơ mơ về Phật pháp, con bắt đầu thích bởi vì biết rằng đức Phật trước đây cũng là một con người. Con tìm đọc nhiều sách về Đạo Phật như: Đức Phật và Phật Pháp, Phật học phổ thông... và hàng trăm bài giảng của các Thượng Tọa, Đại Đức và Thiền sư... có thể nói lúc này con mới cảm nhận thấy rằng đây mới là cái mà mình tìm kiếm bấy lâu nay. Cũng vô tình con biết được Học viện Phật Giáo TpHCM có mở khóa đào tạo từ xa và con đã đăng ký và học gần được 1 năm nay. Cũng ở đây con được học Sư cô LP và Sư Cô đã giới thiệu cho con về Thầy. <p>
Đến hôm nay thì cả nhà con đã quy y Tam Bảo, con thì thấy thanh thản hơn lúc còn có nhiều tiền và nhiều tài sản mặc dù hiện nay đang trắng tay. Thầy giúp con hiểu về 2 giấc mơ trên và có phải con may mắn biết được Phật Pháp hay không dù là hơi muộn vì năm nay con đã 49 tuổi rồi. Con xin cảm ơn Thầy rất nhiều ạ. Riêng giấc mơ đầu thì con hiểu là được học những giáo Pháp vĩ đại của đức Phật và sự chỉ giáo dạy dỗ của các Thầy là một tài sản vô cùng lớn lao có phải vậy không ạ? Một lần nữa con xin cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Không phải chỉ tạ ơn Phật và Tăng mà con cũng cần cám ơn tất cả những gì con đã trải qua trong đời sống, dù là mơ hay thực, vì đó chính là Pháp. Mọi thứ đến với con đều là bài học của Pháp giúp con trưởng thành trên đường giác ngộ Sự Thật. Những gì đến đi trong đời con mới thật sự giúp con giác ngộ giải thoát, còn Phật, Bồ-tát và Tăng chỉ có thể trợ duyên cho con thôi. Hãy tin vào Pháp và vào sự giác ngộ của chính Tâm Trong Sáng nơi con. Đừng để cho niềm tin trở thành mê tín nơi tha lực, cũng đừng quá tự tin vào tự lực vì đó là cái bẫy của bản ngã, mà chỉ tin vào Sự Thật, vào nguyên lý vận hành của Tâm và Pháp. Con không cần tìm chân lý đâu xa, cứ ngay nơi thân tâm (thân, thọ, tâm, pháp) mà thấy thì con sẽ giác ngộ mọi chân lý đều đã hoàn hảo ở đó.
Câu hỏi:
Con xin phép được hỏi về cách để tập tâm bi. <p>
Theo con hiểu karuna có hai phần. Phần 1 là thấy nỗi đau khổ của chúng sinh khác như nỗi đau khổ của chính mình. Phần 2 là làm cái gì cho bớt nỗi khổ đau đó. <p>
Con thấy con rất kém về cả hai phương diện này. Xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con cách tu tập để cho khi con gặp cảnh này, con không bỏ lỡ môt dịp tạo phước báu. <p>
Con thành kính nhớ ơn Thầy. <p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bi không hẳn là phải đau cái đau của người và cố gắng giúp người hết đau. Bi chỉ cần là không có tâm làm tổn hại bất kỳ ai hay bất cứ vật gì là đủ. Khi có ý nghĩ, nói năng, hành động hại người - hay dù là chỉ hại mình - cũng không có tâm bi. "Trí không bi là trí thông minh điêu xảo, bi không trí là bi thương hảo thương quàng". Không muốn làm khổ ai, dù chỉ trong ý nghĩ, vì luôn thấu hiểu (trí) và cảm thông (bi) nỗi khổ đau của người khác, chứ không phải khổ theo cái khổ của họ rồi cho là bi. Khổ theo cái khổ của người khác là bệnh đồng hoá cảm giác hoặc cảm xúc với họ trong sự tha hoá, chứ không phải lòng bi mẫn.
Mặt khác, giúp người hết khổ không hẳn là bi, vì đôi lúc giúp họ hết khổ chính là can thiệp vào bài học gieo nhân gặp quả của họ, mà lẽ ra qua kết quả Khổ đế đó họ giác ngộ ra Tập đế - nguyên nhân tạo ra cái khổ của họ - mà biết dừng lại việc tạo tác nhân hại người hại vật. Người có tấm lòng vô ngã vị tha đương nhiên là có thể xả thân cứu người khi cần thiết, nhưng phải hiểu rằng trong sự vận hành nhân quả của Pháp đã có tính chất Bi Mẫn vô lượng, ngầm nhắc bảo chúng sinh biết tự điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình cho thuận theo lẽ đạo mà không để họ ỷ lại vào tha lực. Nếu muốn học bài học Tâm Bi vô lượng thì vị Bồ-tát cần thấu hiểu sự bình đẳng, tính từ bi hỷ xả, tính giáo dục rất hoàn hảo trong sự vận hành của Pháp. Đó chính là trí trong bi và bi trong trí vậy.
Câu hỏi:
CON CHÀO THẦY! <p>
Con tên là Kim Ngân pháp danh Nguyên Khánh: Con có điều thắc mắc muốn hỏi thầy. Con đi nhiều chùa ở nhiều nơi, có thấy trong chùa thờ Mẹ Địa Mẫu, nhưng khi lên mạng con lại được nghe thông tin là Mẹ địa mẫu không có trong kinh Phật, và còn có nhiều Thầy sư nói về đạo Mẹ là giáo phái không được hay cho lắm (nhưng tại sao trong rất nhiều chùa đều có thờ Mẫu). Con hoài nghi và không biết lý do thờ Mẫu trong chùa khi có nhiều ý kiến trái chiều như vậy. Và con được biết, đối với Mẹ thì thường hay mượn xác về để cứu dân, con gặp nhiều trường hợp thực tế là như vậy. Con đã gặp ngoài đời rồi ạ! Xin Thầy cho con một hướng đi đúng đắn, và con cảm nhận có duyên với người. Cảm ơn Thầy ạ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đạo Phật khác với Tín Ngưỡng ở chỗ Đạo Phật lấy trí tuệ giác ngộ Chân Lý làm gốc, Chân Lý ở khắp mọi nơi và trí tuệ thì đã có sẵn trong tánh biết của mỗi người, chỉ cần trở về quan sát lại mình là thấy ra Sự Thật. Trong khi Tín Ngưỡng lấy đức tin nương tựa vào tha lực làm nền, nên có nhất thần và đa thần giáo. Niềm tin chính đáng cũng tốt, nhưng tín ngưỡng dân gian thì quá tin vào tha lực nên dễ sinh tham cầu mà trở thành mê tín. Thực ra không có tha lực và tự lực, vì cả hai niềm tin này đều xuất phát từ bản ngã lý trí và tình cảm. Đối với người giác ngộ chỉ có Thực Tánh Chân Đế chứ không có tự với tha, ta với người, ngã với pháp. Trở về với Thực Tánh Chân Đế thì không còn khái niệm phân chia nhị nguyên của biên kiến. Nhưng vì con người không thấy được thực tánh nên mới khởi sinh khái niệm tự - tha mà tin vào tự ngã nên hướng ngoại tìm cầu tha lực. Nếu con chưa thấy ra thực tánh để có thể sống "Duy tuệ thị nghiệp" thì cứ tạm thời tin vào tha lực để cải thiện quan hệ nhân ngã trong đời sống trước, rồi một ngày kia ngộ ra thực tánh thì sẽ sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha mà vẫn không rời Thực Tánh Chân Đế..
Câu hỏi:
Con xin chào Sư Ông ạ!
Kính mong Sư Ông giải giảng cho con hiểu về một niềm tin trong sạch nơi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. <p>
1. Như thế nào được gọi là niềm tin trong sạch ạ? <p>
2. Làm như thế nào có được niềm tin trong sạch đó ạ? <p>
3. Niềm tin và Đức tin có khác nhau không ạ? Nếu có khác nhau thì khác nhau ở những điểm nào ạ? <p>
4. Ý nghĩa của sức mạnh niềm tin ạ?<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Niềm tin trong sạch là tin nơi Tam Bảo chứ không tin vào cái ta tham sân si. Tin Phật là tin đức tính sáng suốt của Phật, tin Pháp là tin đức tính vắng lặng (tịch tịnh) của Pháp, và tin Tăng là tin đức tính trong lành (thanh tịnh) của Tăng.
2) Thường sống với hành động, nói năng, suy nghĩ sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì niềm tin sẽ trong sạch.
3) Phật giáo thường dùng từ niềm tin để chỉ sự tin tưởng nơi Tam Bảo đồng thời tự tin sự sáng suốt định tĩnh, trong lành nơi chính mình, chứ không dựa vào tha lực. Còn một số tôn giáo khác sử dụng từ đức tin để chỉ sự giao phó mình cho Thượng Đế, Đấng Phạm Thiên hay các vị Thần Linh của họ, có tính dựa vào tha lực nhiều hơn. Tuy nhiên ngôn từ không quan trọng, chủ yếu là có dùng với ý nghĩa đúng tốt hay không mà thôi.
4) Tất nhiên tự tin hay tin vào tha lực đều có sức mạnh. Tin vào tự lực không có nghĩa là tin vào bản ngã mà tin vào nguyên lý vận hành của Pháp trong mỗi người. Và tin vào tha lực cũng chỉ để niềm tin nơi chính mình vững vàng hơn. Thực ra, chỉ có năng lực của Pháp Tánh Tự Nhiên (thực tánh pháp) chứ không có tha lực hay tự lực gì cả.
Câu hỏi:
Thưa thầy,
Trước hết con muốn bày tỏ sự vui mừng khi tìm ra web site này và nguyện sẽ tìm cách đóng góp để phát triển trang web này. Sau dây xin thầy giúp con sáng tỏ một vài điều:
1. Đa số tôn giáo đều nói tới Thượng Đế và sự mặc khài, nhưng trong Phật giáo thì không thấy đề cập tới. Có phài đây là sự khác biệt giữa Phật giáo với tôn giáo khác? Xin thầy giải thích.
2. Có phải Ky Tô giáo là một hình thức Tịnh độ tông của Phật giáo vì dùng nghi thức tụng niệm (đọc kinh) và thờ phượng?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Khi chưa thấy Pháp thì cần có đức tin nơi Pháp (Chân lý rốt ráo), vì nếu không thấy mà cũng không tin thì chắc chắn rơi vào lầm lạc. Hầu hết các tôn giáo đặt nặng đức tin vì rất ít người có khả năng thấy Pháp. Phật giáo có đủ tín, tấn, niệm, định, tuệ, nhưng lấy tuệ làm chính, nên nói "Duy Tuệ thị nghiệp" cũng đúng. Do Thiên Chúa giáo lấy đức tin làm chính nên mới có mặc khải (từ tha lực). Trong khi Phật giáo lấy trí tuệ làm chính nên mới có khai ngộ (tự lực). Thực ra, nếu thay các từ Thượng Đế và Pháp thành Chân Lý Rốt Ráo (Paramattha Sacca) thì mặc khải hay khai ngộ cũng giống nhau. Nhưng do hai hệ thống ngôn ngữ truyền đạt khác nhau nên khai thị và mặc khải có vẻ như ngàn trùng xa cách, trên thực tế đã thấy ra Chân Lý Rốt Ráo thì Chân Lý là một chẳng còn khái niệm gì để so sánh giống hay khác cả.
2) Đúng là nhiều người có cảm tưởng Thiên Chúa giáo và Tịnh Độ Tông có nhiều điểm giống nhau như anh em sinh đôi:
- Phát xuất cùng thời: sau đức Phật khoảng trên 600 năm.
- Cùng tôn thờ một Đấng Tối Cao của mình. Tuy Đấng Tối Cao của họ có danh xưng khác nhưng lại có ý nghĩa tương tự nhau:
- Phật A-di-đà ở cõi Tây Phương <=> Đức Chúa Cha ở trên Trời (Thiên Đàng)
- Niệm Phật Vô Lượng Quang <=> Nguyện danh Cha Cả Sáng
- Nguyện sinh Tây Phương Tịnh Độ trung <=> Nguyện Nước Cha trị đến vâng ý Cha
- Niệm Phật A-di-đà với đức tin bất thối và nhất niệm gọi là Vô biệt niệm <=> Nguyện danh đức Chúa Trời với đức tin bất thối gọi là Vâng ý Cha.
- Niệm đến Vô biệt niệm thì "Bất lao đàn chỉ đáo Tây Phương" <=> Nguyện đến vâng ý Cha thì "Dưới đất bằng trên Trời vậy".
Có lần đức Phật dạy "Không phải là ước nguyện gì mà là có làm đúng hay không". Vậy điều quan trọng không phải là hai chủ trương tu tập của Tịnh Độ và Thiên Chúa có giống nhau không, mà là ai sống đúng với Chân Lý Rốt Ráo thì sẽ có Chân Lý Rốt Ráo và đã là Chân Lý Rốt Ráo thì sao lại sai khác được.
Câu hỏi:
Thưa thầy, Con có băn khoăn về câu hỏi của một bạn trong mục này về việc nhẹ vía và buổi đêm đi ngủ thường có cảm giác như đang nói chuyện với ai và ngủ xong thấy mệt mỏi.
Thưa sư, theo như con biết thì hình như ở một vài trường phái tâm linh khác cũng có khi chủ động làm việc này như "xuất vía đi học hỏi trao đổi từ nơi này nơi kia hoặc làm một số việc này khác". Như vậy thì ở một góc độ khác việc này cũng không phải là vấn đề gì lắm, nếu mình thực sự có thể hiểu và chủ động trong việc này.
Lại nữa, thầy có nói nên niệm ARAHAM SAMMÀ SAMBUDDHO là hai trong 9 ân đức của đức Phật, là đức tính hoàn toàn thanh tịnh trong sáng của chư Phật. Con cũng không hiểu về niệm Phật lắm nhưng con nghĩ chắc niệm Phật hay niệm một điều gì khác cũng mang lại định tâm thôi.
Và có đoạn này con cũng hơi thắc mắc: "Nếu có dịp đến chùa thầy tặng con một tượng Phật để đeo sẽ không còn hiện tượng đó nữa", con cũng băn khoăn không biết tượng Phật có tác dụng nhiều không ạ vì con thấy bên Phật giáo Nguyên thủy ít nói tới vấn đề tha lực.
Những điều trên theo con hiểu là vậy, không biết con có bị thiếu đức tin vào những điều thiêng liêng không?
Con mong thầy chỉ bảo những sai thiếu cho con. Con xin cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Trạng thái "nhẹ vía" trong giấc ngủ đó có thể do bị xáo trộn tâm lý đưa đến thần kinh căng thẳng hay suy nhược, cũng có thể do "điển" bên ngoài quấy nhiễu. Trường hợp thật sự thông hiểu và chủ động được thì không sao, nhưng nếu thích xuất vía để thỏa mãn cái ta thì cũng có ngày gặp "ma", nếu không thì dần dần cũng rơi vào tình trạng ... suy nhược!
2) Nếu tâm trí luôn sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì tất nhiên là không cần niệm Phật hay niệm bất cứ điều gì khác. Đeo tượng Phật cũng vậy. Đó chỉ là tùy bệnh mà cho thuốc, không bệnh thì cũng không cần dùng thuốc. Tha lực hay tự lực đều có chỗ sai chỗ đúng, tùy thuộc vào mức độ nhận thức của mỗi người. Nếu xem tự lực là bản ngã thì chẳng thà tin tha lực mà vô ngã còn hơn. Ngược lại, hoàn toàn nô lệ vào tha lực thì biết khi nào mới tự tri tự giác. Một người sống vô ngã thuận pháp thì tha lực và tự lực không hai, vì tha lực hay tự lực cũng đều là pháp cả.
Nếu hiểu tha lực là lực bên ngoài thì mỗi pháp tồn tại đều có tự và tha. Mỗi ngày chúng ta sống đều nhờ vào vô số nguồn lực bên ngoài làm sao mà hoàn toàn tự lực được. Sống là sự tương giao vận hành giữa trong và ngoài, do đó phải biết rõ sự tương giao đó hơn là phân biệt trong với ngoài, tự với tha. Nếu hiểu tha lực là lực siêu nhiên, như Ân Đức của Tam Bảo, oai lực của Chư Thiên v.v. thì vẫn có. Do đó, với những người chưa đủ chánh niệm tỉnh giác, thường thiên về đức tin, thì một số pháp môn như niệm Phật hay đeo tượng Phật là pháp hỗ trợ để tâm họ dễ an ổn hơn. Đó là mượn tha lực để phục hồi tự lực. Trong rất nhiều trường hợp đức Phật không dùng tới tự lực mà tha lực làm giúp Ngài. Ví dụ như khi đức Phật bị xúc phạm thì vi Hộ Pháp hiện ra làm cho người kia sợ hãi không dám xúc phạm Ngài nữa.