Kết quả Tìm Kiếm: Có 300 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'thiền tuệ, thiền Minh Sát - Vipassanā'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Thưa Thầy, <p>
Trong một lần nghe pháp thoại của thầy có nói đến việc đạt được Định và sống với định quá lâu cũng không phải là đúng lắm, vì giống như dòng sông mà không chảy thì không còn giá trị của nó nữa. <p>
Con xin thầy nói cho con rõ chỗ này hơn và khi ngồi thiền hàng ngày thì nên như thế nào.<p>
Con cám ơn Thầy
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đức Phật dạy định nhiều sinh trì trệ, khi đề cập đến 5 yếu tố cơ bản của tâm: Tín, tấn, niệm, định, tuệ. Tín nhiều quá sinh tham lam, tuệ nhiều quá sinh nghi hoặc, tấn nhiều quá sinh dao động, định nhiều quá sinh trì trệ. Niệm là trọn vẹn với thực tánh nên không thể thiếu không thể dư. Tứ thiền bát định của ngoại đạo thuộc 2 kiết sử sắc ái, vô sắc ái, chỉ đạt được đại ngã như Phạm Thiên thôi, không phải là chánh định trong Bát Chánh Đạo. Định trong Bát Chánh Đạo luôn kết hợp hài hoà với Giới và Tuệ chứ không bao giờ quá được. Chánh định thuộc vô ngã nên không thể đem cái ta ra hành được, khi tâm hoàn toàn thư giãn buông xả không còn "cái ta hành" thì nó tự đến, như nước để yên thì tự lắng đọng vậy. Đó là cách hành thiền định mà không hành gì cả.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con nghe lại bài pháp ngày thứ 1 của khóa thiền thứ 4, Thầy có nói là khi có dịp, Thầy sẽ giảng rõ những loại Thiền Định nào làm cản trở và hỗ trợ cho Thiền Tuệ. Con rất muốn nghe bài pháp này, và con nghĩ rằng hiện nay cũng không ít người đang nhầm lẫn, có xu hướng thiên về thiền định mà chưa phân biệt được loại thiền định nào cản trở cho sự giác ngộ. Kính mong Thầy hoan hỷ sớm giảng bài pháp đó khi có dịp. Con xin cảm ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong những khóa sau đó thầy đã có giảng rồi và trong cuốn Sống Trong Thực Tại, chương 8 thầy cũng đã phân biệt các loại thiền định rồi. Thiền định nào đạt được nhờ nỗ lực tạo tác của bản ngã đều trở ngại cho thiền tuệ, dù có thể đạt được thần thông, nó thường đi kèm với tà kiến, trong 62 tà kiến mà đức Phật nói đến hầu hết đều xuất phát từ thiền định, và đọa địa ngục vô gián như Devadatta cũng vì thiền định, thần thông. Chỉ có thiền định nào xuất phát từ tâm buông xả, vô ngã, vô vi mới là chánh định, định này không thể thiếu trong thiền tuệ.
Câu hỏi:
Kính bạch sư ông, <p>
Trước tiên, con xin được đem hết lòng thành kính, đảnh lễ sư ông lần thứ nhất, lần thứ nhì, lần thứ ba. Ngưỡng nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ pháp thể sư ông luôn được khinh an trong suốt chuyến hoằng pháp. <p>
Thưa sư ông, xin sư ông từ bi giảng giải thêm cho con về "tùy tín hành" trong kinh Trung Bộ ạ. Con có nghe qua sư phụ con ngày xưa nói ngài Xá Lợi Phất đi theo "tùy pháp hành" hay tứ niệm xứ, tức đi thẳng không lọt vào ngã tẻ. Đây là con đường thẳng chánh pháp đắc lậu tận thông và có tuệ giải thích (không phát triển ngũ thông). Về "tùy pháp hành" con đã nghe các bài pháp của sư ông nên con mới hiểu. Riêng ngài Mục Kiền Liên đi theo tùy tín hành. Đi con đường này nếu không lọt vào ngã tẻ thì sẽ có được cả lục thông. Con không dám bàn hay hỏi về chuyện thần thông, con chỉ chưa hiểu "tùy tín hành" khác với "tùy pháp hành" thế nào và "tùy tín hành" có liên quan gì đến pháp môn tịnh độ không ạ? (Vì con cho chữ "tín" là tin, vậy là đường lối tu tập có dựa trên niềm tin nên sẽ có mối liên hệ với các pháp môn như tịnh độ). <p>
Xin sư ông từ bi khai thị và chỉ dạy con thêm. Con luôn tôn kính sư ông như sư phụ quá cố của con. Thật sự con cũng không biết căn cơ con thế nào, chỉ dò dẫm tự tìm hiểu và tu tập. Gần đây con có phước duyên được nghe pháp của sư ông nên mới dần sáng tỏ nhiều khúc mắc. Con luôn tha thiết mong sẽ được sư ông dạy bảo con nghiêm khắc như một đệ tử để con thấy rõ đường đi của mình hơn. <p>
Cuối lời, một lần nữa con xin thành tâm cung kính đảnh lễ sư ông ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con hiểu đúng, chữ tín có nghĩa là tin. Tuỳ tín hành là do tin GIÁO PHÁP mà hành, còn tuỳ pháp hành là do thấy PHÁP TÁNH mà hành. Nếu nói theo Thiền Vipassanà thì người đã chứng được thực tánh chân đế, tức thấy pháp tánh qua các tuệ chứng mà Thiền Tông gọi là kiến tánh hay ngộ, thì từ đó sẽ tuỳ pháp hành. Người chưa ngộ hay chưa thấy thực tánh chân đế mà chỉ tin nơi giáo pháp đức Phật dạy hay chư Thánh Tăng thuyết để hành theo thì gọi là tuỳ tín hành. Tuy nhiên chữ tín này không phải là mê tín mà là tin vì Phật nói đúng, tuy chưa tự mình thấy pháp tánh nhưng hiểu lời dạy của đức Phật rồi hành theo mà giác ngộ nên gọi là tuỳ tín hành chứ không phải nhắm mắt mà tin dù không hiểu gì cả.
Câu hỏi:
Kính thưa sư con có những thắc mắc sau xin được sự hướng dẫn của sư: <p>
- Trong bát chánh đạo thì chánh kiến là quan trọng nhất, nhưng con chưa hiểu chánh kiến thực sự là gì? <p>
- Pháp luôn thay đổi rất nhiều hình dạng trạng thái từ xa xưa đến giờ. Nhưng ai tạo ra pháp? Trong đạo Phật con thấy vẫn còn bỏ ngỏ câu hỏi này. <p>
- Ai cũng có Phật Tánh hay Tánh Biết. Như vậy thì Phật tánh mỗi người có giống nhau không? Hai người cùng nhận được Phật tánh và sống với Phật tánh, nếu không trao đổi bằng lời, văn tự thì có biết nhau không? <p>
- Đức Phật đã tu tập rất nhiều pháp. Nhưng những pháp này không đưa đến mục đích giải thoát khổ đau sinh tử luân hồi. Cuối cùng thì đức Phật Thích Ca đã tu tập như thế nào để đạt đến mục đích này? Và thời gian từ lúc thực hành đến khi đạt đạo khoảng bao lâu? <p>
- Lúc gần thành đạo nhiều ma nữ hiện lên để cám dỗ đức Phật Thích Ca nhưng không làm gì đức Phật. Kính xin sư cho biết đức Phật vượt qua ái dục bằng cách nào, vì đây là thử thách rất khó khăn nhiều người không thể vượt qua được? <p>
- Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật chỉ cho ngài A nan chính tánh biết mới là bản tâm của ông Anan. Nhưng kính thưa sư nếu não bị hư hoại, hoặc thân này mất đi thì tánh biết có còn tồn tại không? <p>
- Tất cả mọi sự việc, thân, tâm, cảnh đều có bản chất là không. Như vậy mọi sự vật đều không vướng mắc nhau, mọi sự đều vô sự ngay từ đầu, mọi thành đạt đều không thể. Kính thưa sư có phải như vậy không? <p>
- Nhưng đây là pháp học còn pháp hành thực sự như thế nào? <p>
Với lòng thật tâm kính xin sư hướng dẫn. Ngoài sự ích lợi cho con, lời hướng dẫn của sư con nghĩ cũng đem đến rất nhiều ích lợi cho rất nhiều người khác. Con xin được cảm ơn sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Chánh kiến là thấy biết như thật - thấy mọi sự mọi vật đúng với bản chất hay thực tánh của nó chứ không theo quan niệm, tình cảm của mình.
2) Nếu Thầy trả lời A tạo ra pháp thì con thỏa mãn chưa hay còn hỏi ai tạo ra A? Nếu vậy hỏi đáp khi nào dứt? Giống như hỏi gà sinh ra trứng hay trứng sinh ra gà vậy!
3) Nếu thầy nói Tánh Biết giống hay khác thì con chấp nhận ngay hay còn phải kiểm chứng? Nếu phải kiểm chứng mới thực biết thì con tự kiểm chứng cũng biết đâu cần hỏi thầy?
4) Biết bằng tánh biết khác với biết bằng lời. Điều này con cũng cần khám phá nơi chính mình thì sẽ thấy ra sự khác biệt đó.
5) Pháp tu cuối cùng khi giác ngộ là tánh biết thấy ra Sự Thật. Sự giác ngộ này là thấy ngay (sanditthiko) không trải qua thời gian (akàliko). Còn trải qua sinh tử luân hồi thì vô lượng kiếp.
6) Ngài vượt qua tà kiến và tham ái bằng Minh và Hạnh viên mãn.
7) Tánh biết không sinh, không diệt, không thường, không đoạn, không hữu, không vô, không đến, không đi nên chết sống không ảnh hưởng đến nó. Ví như hộp quẹt hư đâu có nghĩa là hết lửa, và khi con không thấy lửa đâu phải là lửa diệt?
8) Phải.
9) Nếu hiểu học pháp tức là quan sát pháp (minh sát) để thấy pháp (thực tánh) thì thấy pháp tức là hành pháp. Hành Vipassanà đơn giản là thấy pháp đúng với pháp tánh, do đó hành chính là học và học chính là hành, chứ học không có nghĩa là thu thập ngữ nghĩa để tích lũy kiến thức, và hành không có nghĩa là áp dụng kiến thức để đạt được điều gì. Thầy chỉ gợi ý thôi, con đừng mong đợi một câu trả lời như ý, hãy tự trải nghiệm và chiêm nghiệm ngay nơi thực tại thân tâm cảnh con sẽ tự thấy ra tất cả, đó mới thật là câu trả lời chính xác nhất mà con tìm thấy nơi pháp. Nếu con chịu khó tự chiêm nghiệm học hỏi ở pháp một tí thì thầy sẽ đỡ mất công biết bao!
Câu hỏi:
Thưa thầy, <p>
Con đang đọc quyển Thực tại hiện tiền của thầy. Theo cách hiểu còn non cạn của con, thầy có dạy về cách nhìn mọi thứ như nó đang là. Ví dụ như khi con nhìn một bông hoa thì không để tiến trình ngũ uẩn làm cho cái thấy này rối ren chồng chất thêm bằng các kinh nghiệm, kiến thức trước đó, tức là nhìn trực tiếp không qua so sánh với bông hoa trong tiềm thức của con. Được như thế thì bông hoa luôn là một thực thể sống động, tươi mới vì không bị khuôn khổ trong kinh nghiệm. Vậy cái-bông-hoa-đang-là có phải là thực tánh chưa ạ? Vì con nghĩ do con chịu nghiệp quả sắc là thân người nên mới có nhận thức và đối tượng nhận thức tương ưng, nên nhìn bông hoa, mà thực tướng chỉ là hào quang hay năng lực hội tụ, vọng hóa theo nghiệp mà thành hình tướng hoa. Nếu con là bướm chắc cái nhìn và cảm nhận về bông hoa đã khác. Như vậy cái-thực-thể-bông-hoa-đang-là dù không đeo theo vọng tình, vọng tưởng của sự yêu ghét trong diễn trình tâm lý cũng mới là "mặt trăng thứ 2 do đè mí mắt mà thấy" như trong kinh Lăng Nghiêm dạy chứ chưa phải là "thực tướng vô tướng". <p>
Riêng con có một sự cảm nhận "thực tướng vô tướng" của các pháp là khi nhìn sâu vào hiện tướng của các pháp, chúng đều được đột khởi lên từ trong lặng lẽ mà con không biết dùng danh từ gì để gọi - con tạm gọi là chân không. Như khi tự hỏi lửa từ đâu đến, con cũng cảm nhận là lửa có sẵn ở ngay đây, chỉ tùy duyên mà phát hiện trong chân không thôi. Hoặc như khi con niệm Phật hay nghe một âm thanh, có lúc con không chú tâm vào chính âm thanh đó, mà chỉ nghe sự yên lặng nơi âm thanh khởi lên rồi rơi xuống chìm vào đó. Con nghĩ sự lặng lẽ chân không ấy mới chính là nơi làm phát hiện các pháp và là chỗ trở về của vạn vật và các pháp. Vậy sự quán chiếu đó của con có phải là một cách thiền không? Và nó khác với thiền minh sát như thế nào ạ? <p>
Con xin thầy từ bi khai sáng thêm cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu con "thấy" với tâm rỗng lặng trong sáng tự nhiên, tuỳ duyên phát hiện, không qua cái gọi là "quán chiếu" theo bất kỳ ý niệm nào, dù là ý niệm "chân không" hay "thực tướng vô tướng"... thì thực tánh pháp tự hiển bày như nó đang là, đó là thiền Vipassana, còn nếu con "quán chiếu" bằng cách "nhìn sâu vào hiện tướng của các pháp", theo một chiều kích có dụng ý nào đó thì vẫn ở trong phạm trù khái niệm, nghĩa là vẫn qua lăng kính của "cách nhìn" chứ không phải pháp như nó đang là. Đang là chứ không cho là, nghĩ là, phải là, sẽ là... chân không hay diệu hữu gì cả. Nếu con thấy với cái thấy mà dù có con nhìn hay không thì pháp vẫn đang là thì đó là cái thấy của thiền Vipassana hay Kiến Tánh.
Câu hỏi:
Con cảm ơn Thầy. <p>
Kính thưa Thầy chỉ cho con, con có nghe Pháp trong bài Ốc Đảo Tự Thân có dạy rằng khi tâm phát sinh điều ác thì cắt không duy trì còn khi tâm phát sinh điều thiện thì duy trì. Nhưng con có nghe Thầy giảng về một bài Pháp thoại nào đó, nếu khi tâm phát sinh ý nghĩ xấu mà liền sợ và lo niệm để diệt thì không thấy được tận gốc của tâm và không diệt được tận gốc rễ của Tham Sân Si, chỉ thận trọng chú tâm quan sát trạng thái để thấy rõ sân thì mới diệt được. Khi cái ngã ý thức xen vào thì tâm sẽ nhảy sang suy nghĩ khác và nếu chánh niệm còn yếu thì sẽ bị dẫn dắt đi thật xa rồi mới quay về với chính mình được. <p>
Còn khi tâm phát sinh ý tốt mà ta muốn duy trì thì theo con hiểu nếu ta níu kéo cố duy trì thì cũng là ý thức của bản ngã xen vào nên đó cũng là tục đế phải không Thầy? Con không biết có nghe và và hiểu sai trong bài Ốc Đảo Tự Thân không. Con xin Thầy chỉ dạy cho con. Thành kính tri ân Thầy chúc Thầy và Quý Sư được nhiều sức khoẻ.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Duy trì điều tốt và loại bỏ điều xấu là giai đoạn đối trị của pháp tu tinh tấn theo Tứ Chánh Cần. Còn trong pháp tu Tứ Niệm Xứ hoặc thiền Vipassanā thì tinh tấn chánh niệm tỉnh giác chính là trở về trọn vẹn trong sáng với trạng thái tâm ngay đó, dù nó là tốt hay xấu cũng chỉ thấy thực tánh sinh diệt của nó thôi chứ không sinh tâm tham ưu, nắm giữ hay nương tựa vào bất kỳ điều gì.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, trong quyển 'Thiền Phật giáo Nguyên Thuỷ và Phát triển' ở phần đầu Thầy viết về thiền định, phần sau là thiền tuệ. Phần thiền tuệ thì con biết cách ứng dụng bằng tánh biết để tu như lời Thầy dạy, nhưng phần thiền định thì con chưa biết ứng dụng làm sao, vì nếu con dùng để mục để quán thì trong con đã xác định mục đích như là đạt được quang tướng, tứ thiền bát định rồi. Có phải phần thiền định chỉ dùng cho những ai còn nhiều tham muốn tu tập tạm thời để dễ đoạn trừ như dùng đề mục quán tử thi, sau đó phải chuyển qua tu tập thiền tuệ đúng hướng phát triển tự nhiên phải không Thầy? Hay là trong Phật giáo tuy liệt kê ra thiền định và tuệ nhưng cách ứng dụng tu tập vẫn là thiền tuệ phát triển chánh định tự nhiên. Vì con muốn dùng pháp quán 32 thể trược thuộc thiền định nhưng lại băn khoăn là quán như vậy thì trái với cách tu trong sáng, định tĩnh, trong lành rồi. Kính mong Thầy chỉ dạy cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tuy là nói thiền tuệ để phân biệt với thiền định ngoài đạo Phật, nhưng thực ra trong thiền tuệ đã có chánh định rồi. Nếu con tu đúng thiền tuệ thì giới định tuệ đều được phát huy viên mãn. Những người ngoại đạo trước đây đã có tu tứ thiền bát định khi theo Phật thì họ vẫn được giữ các mức định này nhưng không được đắm chìm trong hỷ lạc và các loại thần lực. Chính thiền tuệ giúp họ chuyển hóa các định đó thành chánh định trong giới định tuệ, vì có chánh định thì có trí tuệ, còn tứ thiền bát định vẫn còn trong vô minh ái dục nên thường chỉ cản trở trí tuệ mà thôi. Vì vậy chấp định, chấp không thì vẫn còn nương tựa (nissita), còn bám víu (upadāna) vào sinh, hữu, tác, thành không phải là con đường xả ly, ly tham, đoạn diệt trong không, vô tướng, vô tác, vô cầu.
Đức Phật dạy tâm vốn rỗng lặng trong sáng (pabhassara citta), còn các phiền não tham sân si chỉ là khách vãng lai (āgantuka). Thầy phát hiện tâm rỗng lặng trong sáng ấy vốn tự có 3 yếu tố là sáng suốt, định tĩnh, trong lành. Sáng suốt là tuệ, định tĩnh là định, trong lành là giới, nên có thể gọi đó là giới định tuệ tự tánh, vốn vô ngã tức không sinh, không hữu, không tác, không thành. Nên nếu biết buông xả (10 pháp ba-la-mật đều là buông xả), bớt tích lũy, thì khách phiền não (āgantuka) sẽ không lui tới và thân tự giới, tâm tự định, tuệ tự chiếu. Nếu tâm thường buông lung, thất niệm, mất tỉnh giác, ngay đó chỉ cần trở về (tinh tấn) trọn vẹn (chánh niệm) trong sáng (tỉnh giác) với thực tại thân-tâm-cảnh thì liền phục hồi tự tánh giới định tuệ. Hoặc thận trọng, chú tâm, quan sát để tâm bớt phan duyên theo ngoại cảnh. Đó là cách tu phát huy giới định tuệ tự nhiên nhất đúng như tâm nguyện của con mà không cần đi theo con đường tứ thiền bát định, mất thì giờ vô ích.
Còn nếu con muốn quán 32 thể trược là pháp đối trị lòng tham ái nơi cái gọi là "thân này của tôi" hay "thân kia xinh đẹp" thì cũng tốt, nhưng phải quán trên 32 thể trược thật chứ không tưởng tượng thì cũng chính là thiền tuệ.
Câu hỏi:
Kính Bạch Thầy, con đang tu pháp môn tịnh độ, con chỉ niệm Phật ở nhà. Mấy ngày truớc con đọc được quyển Thư Thầy Trò, con có thấy pháp môn thiền nên con mong thầy chỉ con những bài pháp về thiền đuợc không ạ? <p>
Kính chào thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Mục đích của Tịnh Độ là niệm Phật để thấy ra tánh giác của tâm mình vốn thanh tịnh (tượng trưng là cõi Tịnh) và trong sáng (tượng trưng là vị Phật rất sáng). Còn thiền thì ứng tâm thanh tịnh trong sáng (Pabhassara citta) đó để đối nhân tiếp vật. Và khi không có gì để phải ứng ra thì trở về tự tánh rỗng lặng trong sáng. Trở về thể tánh hay ứng ra tướng dụng của tâm thanh tịnh trong sáng là việc làm đương nhiên của người hành đạo, nên nếu con đã tu Tịnh Độ đúng hướng trở về tự tánh thanh tịnh trong sáng thì con sẽ tự biết ứng tâm ra tướng dụng mà sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha. Thiền Vipassanà (thiền Minh Sát) hay thiền Kiến Tánh chính là tự soi chiếu để thấy ra thể tánh và tướng dụng của cái tâm (tánh biết) trong sáng sẵn có nơi mỗi người. Hãy tự mình khám phá thực tại thân tâm cảnh như nó đang là, đừng cầu cạnh bất kỳ một phương pháp quy định nào của người khác. Nếu chưa thông, con nên nghe pháp thoại và đọc thêm sách thầy hướng dẫn để phá bỏ những quan niệm tu tập sai lầm trong con thì tự nhiên tâm sẽ chiếu sáng, như không bị mây che thì mặt trời tự chiếu vậy.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy,<p>
1. Con xin kính chúc thầy luôn được khỏe mạnh, an vui. Thưa thầy, nhiều người bạn trẻ của con ở bên này (Mỹ) không hiểu hết tiếng Việt. Họ chỉ hiểu kha khá những gì thầy giảng nên khi ứng dụng tu tập cũng hơi lúng túng. Họ nhờ con thưa với thầy, nếu có thể, xin thầy giúp chuyển những lời giảng cốt yếu của thầy sang tiếng Anh. (If possible, please translate the core of your teachings into English). Họ không muốn những lời giảng của thầy được dịch sang tiếng Anh một cách chủ quan của ai đó mà không có thầy duyệt lại để xem từ ngữ dùng có đúng với ý thầy không. Họ là những bạn trẻ rất thích phong thái ung dung tự tại của thầy, và đặc biệt là rất thích thú tu tập theo pháp hành mà thầy chỉ dạy. Nếu như trang web này có được những lời dạy cốt yếu của thầy được dịch sang tiếng Anh thì điều đó thật tuyệt vời. Con xin mạn phép thưa lại với thầy những điều các bạn ấy muốn thưa với thầy, xin thầy từ bi hứa khả. Chúng con thành kính tri ơn thầy. <p>
2. Đây là câu hỏi của một bạn nhờ con hỏi thầy. <p>
"Con thường nghe nói người tu tập pháp hành nào cũng phải có định. Từ khi nghe pháp của thầy, con làm gì cũng chú tâm vào việc đó, không nghĩ đến việc tiếp theo, con chỉ trọn vẹn với một việc đó thôi, xong rồi con mới qua việc khác. Con cũng ứng dụng y như thế với các suy nghĩ và cảm xúc của mình. Con thấy tâm rất yên và vắng lặng, trạng thái tâm như vậy có thể gọi là định không, thưa thầy. Định, theo lời dạy của thầy là gì và nó có khác với cái định của những người tu thiền khi không còn vọng tưởng không thầy? Con muốn hiểu về định trong pháp hành của thầy, xin thầy dạy thêm cho con thông suốt. Thành kính đảnh lễ và xin cảm ơn thầy."
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Cốt lõi pháp thiền thầy hướng dẫn phần lớn ở trong cuốn Sống Trong Thực Tại. Có lẽ là thầy sẽ nhờ người dịch cuốn sách này ra tiếng Anh rồi thầy sẽ hiệu đính lại. Câu hỏi về thiền định của bạn con cũng đã được nói rõ trong cuốn sách này. Có thể có một cách khác là các bạn cứ đọc cuốn sách đó rồi chỗ nào không hiểu hỏi thầy qua mục hỏi đáp cũng được. Thầy sẽ mở một mục tiếng Anh cho trang web này.
2) Trong Đạo Phật những yếu tố giới, định, tuệ hòa hợp với nhau thành một chứ không phải là những thành phần tách rời riêng biệt, tám yếu tố trong Bát Chánh Đạo cũng vậy. Giống như hydro và oxy hòa hợp thành nước vậy, nếu tách rời hai thành phần ấy ra thì chúng không thành nước được nữa. Khi thận trọng, chú tâm, quan sát tức trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thì ngay đó có giới định tuệ mà có giới định tuệ thì có chánh kiến, có chánh kiến thì có chánh tư duy, có chánh tư duy thì có chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, mà đã có 5 chánh trên thì chắc chắn tâm ổn định nên tất nhiên là có chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Nói cách khác trong Bát Chánh Đạo mỗi yếu tố luôn bao hàm những yếu tố kia. Trong thiền minh sát Vipassanā có 3 yếu tố dẫn đầu trong Bát Chánh Đạo đó là chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh kiến. Chánh kiến ở đây được thực hiện qua tỉnh giác. Khi 3 yếu tố này hòa hợp với nhau thì 5 yếu tố kia cũng cùng hiện hữu.
Chính khi con thận trọng chú tâm quan sát một động thái nơi thực tại thân-thọ-tâm-pháp thì thận trọng là giới, chú tâm là định và quan sát là tuệ. Thiếu một trong ba yếu tố thì 2 yếu tố kia cũng không thành. Định trong trường hợp này được gọi là sát-na định (khanika samādhi), tùy thời định (tadanga samādhi), hay tịch tịnh định (santo samādhi) tùy theo mỗi lúc và tính chất của nó. Định này mới là chánh định trong thiền minh sát. Trong Dīgha Nikāya 3/278 mô tả: “Định này là tịch tịnh, vi diệu, đạt tĩnh lặng, chứng nhất tánh, không điều kiện, không đối kháng, không trở ngại” (Ayam samādhi: santo, panīto, patipassaddhaladdho, ekodibhāvādhigato, na ca sasankhāra-niggayha-vāritavato’ti). Các loại định sắc giới, vô sắc giới chỉ gây trở ngại cho thiền minh sát, nếu không biết vượt qua, điều này đức Phật gọi là 10 phiền não chướng của thiền Vipassanā (Ánh sáng, hỷ, lạc, khinh an, trí quá nhạy, tin quá nhiều, tấn quá mạnh, xả quá mức, dục tốc sở đắc).
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, xin Thầy cho con trình pháp: <p>
Sau một thời gian dài quan sát, con chợt nhận ra những suy nghĩ về Pháp học cũng là vọng. Bỏ luôn vọng này thì có phải là chỗ Phật dạy: "Chánh Pháp còn phải bỏ huống chi phi pháp" đúng không Thầy? Nhiều lúc không có việc gì suy nghĩ, nhưng tâm luôn luôn khởi vọng, hết chuyện này đến chuyện khác, cũng chỉ là những chuyện hàng ngày mình gặp thôi. Ban đầu con còn bị nó lừa, bây giờ cũng còn, nhưng bắt đầu nhận ra được rồi Thầy ạ. Điều này làm con liên tưởng đến từ Lậu Hoặc - tâm liên tục tiết ra tư tưởng, suy nghĩ, cảm xúc... và nếu mình chấp đó là thật, nó liền quay trở lại ràng buộc mình, bắt mình hành động và suy nghĩ theo nó, hình thành nên các Kiết Sử, kéo dẫn chúng sinh trong cõi luân hồi. <p>
Vậy nhìn tổng quát thì tất cả chúng sinh đều đang bị điều kiện hóa và bị chi phối như những con rối bởi các Lậu Hoặc và Kiết Sử này, và tất cả những điều này chính là điều được gọi là Nghiệp, đúng không Thầy? <p>
Thấy và nghĩ đến đó làm con thấy rất xúc động và có vẻ như những điều Đức Phật giảng dù rất khó hiểu, khó tin, nhưng đều là sự thật. <p>
Con đọc đi đọc lại vài lần về "16 tuệ minh sát", nhưng con không thể xác định được mình đang ở giai đoạn nào. Thưa Thầy, mình cứ sống bình thường rồi khi nào "đến" sẽ biết vậy có được không? <p>
Con xin trình pháp với Thầy như vậy. Nếu cái thấy và suy nghĩ của con còn chỗ nào sai, xin Thầy chỉ giúp cho con để con tiến tu. Con xin cám ơn Thầy và kính chúc Thầy an lạc.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có quan sát nên con đang thấy ra dần cơ cấu hoạt động của sự tương quan giữa thân tâm và cảnh, thấy ra dần những che lấp, trói buộc của những ảo tưởng, vọng tâm. Hành động quan sát phải thật sự tự nhiên, vô tâm và giản dị thì mới thấy ra bản chất thật của pháp. Từ chánh pháp ở đây ám chỉ giáo pháp chân chính, nhưng dù chân chính đến đâu thì giáo pháp vẫn là phương tiện ngôn ngữ chế định để chỉ bày thực tánh pháp chứ không phải là thực tánh chân đế tự nhiên. Khi quan sát trực tiếp thực tại thân-tâm-cảnh thì ngôn từ trong pháp học dù đúng đắn tới đâu cũng phải bỏ mới thấy được thực tánh chân đế. Nếu không loại được ngôn ngữ chế định thì cái gọi là chánh pháp cũng thành độc hại, giống như dù thức ăn bổ dưỡng cách mấy mà không tiêu hóa thì vẫn sinh bệnh.
Có hai loại vọng tâm: Một là tập khí tồn động trong vô thức, khởi lên dưới hình thức vô nhân dị thục mà phân tâm học gọi là các khuynh hướng xung động. Chúng tự khởi lao xao, có khi bức xúc nhưng không tạo tác vì là những trạng thái hậu quả vô nhân. Nếu chạy theo chúng hay bị chúng sai sử, chi phối - do ưa thích hay sợ hãi - thì mới sinh ra tạo tác vọng nghiệp, còn nếu sáng suốt quan sát chúng thì chúng dễ dàng tan biến hoặc không gây ảnh hưởng gì cả. Hai là những thái độ tạo tác hữu nhân, đây mới là phản ứng tạo nghiệp. Những vọng khởi - sankhàra vô nhân - thường được tiếp sức bởi những phản ứng tạo tác - sankhàra hữu nhân, khi thiếu thiếu chánh niệm tỉnh giác, nhưng khi có thận trọng chú tâm quan sát một cách trọn vẹn trong sáng thì cả hai đều bị hóa giải.
Phần nhiều "16 tuệ minh sát" được diễn giải bằng những khái niệm ngôn từ (danh khái niệm) qua lý trí của những người chưa thực chứng, nên đã bị "vẽ rắn thêm chân" không ít, do đó con đọc mà không tẩu hỏa nhập ma là may lắm rồi! Thực ra những tuệ này rất đơn giản, chỉ vì người ta gán ghép vào quá nhiều khái niệm và quan niệm không xác thực khiến người đọc (hoặc nghe) tưởng quá cao xa không với tới được. Thực tế là nó nằm ngay trước mắt mà cứ kiếm tìm trong ảo tưởng xa vời, như tự vẽ ra diện mạo người trong mộng rồi đem đi tìm người thực vậy. Các tuệ tự đến khi tâm an nhiên trong sáng và nó bình dị đến độ con chỉ thấy và mỉm cười thôi, chứ không lời nào tả được. Nhiều người cũng tưởng đã thực chứng nhưng thật ra đã bị đánh lừa bởi những khái niệm biết trước từ kiến thức pháp học. Chỉ khi nào bặt dứt mọi khái niệm ngôn ngữ và mọi ý niệm tâm hành thì tuệ giác liền đến một cách rất tự nhiên, mà không cần đối chiếu với bất kỳ khuôn mẫu chế định nào.