Kết quả Tìm Kiếm: Có 110 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'Phật tánh, chân tâm, tánh giác, tánh biết chói sáng (Pabhassara Citta)'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 03-06-2012
Câu hỏi:
Kính bạch Hòa thượng!
Sự sâu lắng của cái nhìn trong sáng định tĩnh là thế nào ạ? Kính xin Hòa Thượng chỉ dạy!<p>
Con xin tri ân Ngài!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Sự sâu lắng của cái nhìn trong sáng định tĩnh chính là tâm bình thường tự nhiên nhất. Đó không phải là sự sâu lắng của định vì định vẫn còn cạn cợt, khuôn định, cô lập và dính mắc, vì vậy định không thể là cái nhìn rỗng lặng trong sáng để thấy ra lẽ bình thường tự nhiên sâu lắng nhất được.
Khi con hỏi như vậy là lý trí đã khởi lên rồi làm sao có cái nhìn trong sáng định tĩnh đươc? Không có cái nhìn định tĩnh trong sáng thì con làm sao cảm nhận được tính sâu lắng của nó? Con cứ thể nghiệm đi rồi sẽ thấy ngay thôi. Nào hãy buông xuống cho tâm rỗng lặng trong sáng và hãy cảm nhận từ bên trong thử xem!
Ngày gửi: 02-06-2012
Câu hỏi:
Kính thưa Sư, tâm không sinh diệt có phải là tánh biết rỗng lặng trong sáng không? Vì do phân biệt nên mới có tâm sinh diệt và tâm không sinh diệt phải không ạ? Con kính cám ơn Sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Phải lắm. Cái gì sinh diệt thì cứ sinh diệt, cái gì không sinh diệt thì cứ không sanh diệt, còn tánh biết đã rỗng lặng trong sáng thì thấy hết mà chẳng bận tâm phân biệt mấy chuyện đó nữa, phải không con?
Ngày gửi: 30-05-2012
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy cho con hỏi Tánh biết trùm khắp là như thế nào ạ? Có phải mỗi người đều có tánh biết và tất cả các tánh biết này đều giống nhau? Khi không còn vô minh ái dục thì mình sẽ nhận thấy ai cũng như ai là do sự giống nhau của tánh biết này và thậm chí có thể hiểu được người kia đang suy nghĩ gì (Tha Tâm Thông)? Mong Thầy giải đáp và chúc Thầy sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tuệ đầu tiên mà một người hành Vipassanà chứng được đó là thấy ra chỉ có danh sắc chứ không hề có bản ngã. Danh là tâm, sắc là thân và cảnh. Đặc tánh của tâm là biết thân, cảnh và biết được cả chính mình nên gọi là tánh biết trùm khắp. Đồng thời tất cả chúng sanh đều có tánh biết chỉ khác nhau ở chỗ thể hiện thô hay tế mà thôi, và khi giác ngộ thì thấy tánh biết đều bình đẳng như con đã nói. Trùm khắp là vậy chứ đừng tưởng tượng đó là bản thể thường hằng bất biến gì mà rơi vào thường kiến.
Ngày gửi: 23-03-2012
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, cho con hỏi: như trong 6 đại (đất, nước, gió, lửa, không gian và thức) thì tánh biết nằm ở thức. Còn như nếu mình nhìn Pháp qua 18 giới (6 căn, 6 trần và 6 thức) thì tánh biết của mình nằm ở đâu? Ý thức?
Con kính xin Thầy hoan hỷ giải thích cho con. Cám ơn Thầy
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tánh biết chính là đặc tính của tâm. Tánh biết vừa biết đối tượng qua mắt tai mũi lưỡi thân ý vừa biết chính nó. Do đó tánh biết có thể biết được 18 giới. Tánh biết ở khắp mọi nơi nhưng cũng không ở đâu cả, vì vậy không cần phải xác định tánh biết ở đâu mà chỉ nên biết ứng dụng nó thế nào cho đúng tốt trong đời sống hàng ngày. Cũng như không cần xác định lửa nằm ở đâu mà chỉ cần biết làm sao lấy lửa được để dùng và dùng sao cho lợi mình lợi người là được.
Ngày gửi: 25-01-2012
Câu hỏi:
Con thưa Thầy! Nhân dịp đầu xuân, xin Thầy giúp con 2 câu hỏi ạ:<p>
1. Gốc của bản ngã có phải được bắt nguồn từ thích và không thích, muốn và không muốn không ạ. Ngoài nguồn gốc đó nó còn nguồn gốc nào không, thưa Thầy?<p>
2. Theo con hiểu, nếp sống đơn giản chính là môi trường gìn giữ Tính Biết, Tính Sáng của tâm rỗng lặng thanh tịnh. Có đúng như vậy không, thưa Thầy?
Con thành kính tri ân Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Đúng là do thích và không thích mà có bản ngã. Nói chính xác hơn là do tà kiến và tham ái mà trong 12 nhân duyên sinh gọi là vô minh --> ái --> thủ --> hữu. Trong quá trình tương giao giữa căn-trần-thức đưa đến nhận thức và hành động (xúc --> tác ý --> thọ --> tưởng --> tư...) mà hình thành 5 uẩn (Sắc --> thọ --> tưởng --> hành --> thức), đó là quá trình góp nhặt kinh nghiệm và tích lũy kiến thức. Những tích tập này hình thành kết luận, quan niệm, và sở hữu riêng tư về sở tri và sở đắc. Cũng từ sự chọn lựa giữa cái thích và không thích sinh ra tham sân và chấp thủ, nên bắt đầu tự cô lập mình trong sở tri và sở đắc phiến diện của mỗi cá nhân. Một khi đã bị tham và sân (tham ái) che lấp thì không thấy được sự thật do đó mà hình thành tà kiến về một cái ta có sở hữu riêng tư.
2) Đúng vậy. Mọi nỗ lực của cái ta được hình thành như đã nói trên đều là tập đế đưa đến khổ đế. Chính là buông cái ta ảo tưởng ấy đi thì Tính Sáng liền xuất hiện. Đó là lý do vì sao đức Phật dạy trong Dhammapada 72 như sau:
Quả thật điều bất lợi
Người ngu sinh sở tri
Hủy Phần Sáng của mình
Tự chẻ đầu chính nó!
Ngày gửi: 03-08-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy Viên Minh, con thắc mắc là mọi hiện hữu đều từ Đất-Nước-Gió-Lửa-Hư Không-Tánh Biết, như vậy thì tâm con là gì trong 6 thứ ấy, hay là cả 6 thứ vậy Thầy? Khi con tự hỏi: "Ủa, tâm mình ở đâu?". Con không tìm thấy tâm con nơi thân con, không thấy tâm con nơi một vật cụ thể nào, sao con thấy tự do quá chừng! Nhưng thực là con vẫn chưa biết tìm tâm con nơi đâu cả?! Xin Thầy giải đáp giúp con. Con cám ơn Thầy nhiều nhiều.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con làm thầy cười thật đó, giống như có lần thầy lấy cây đèn pin rọi khắp nơi để tìm chính cây đèn pin ấy, tìm mãi không ra mới bỏ nó xuống thì ra chính nó bị làm công cụ đi tìm nó thì làm sao mà tìm được đây? Nhà thơ Tô Đông Pha có hai câu thơ nói về điều này rất tuyệt:
"Bất thức Lô Sơn chân diện mục
Chỉ duyên thân tại thử sơn trung."
Ý là, chỉ vì đang ở trong núi Lô Sơn nên không thấy nó thật sự ra làm sao! Chẳng lẽ cái gì tánh biết cũng biết mà lại không biết chính nó đang biết hay sao? Tâm là tánh biết thuộc về danh, đất-nước-gió-lửa-hư không thuộc về sắc. Danh biết sắc nhưng sắc không biết danh. Không nên dùng lý trí để tìm hiểu những điều này, vì đó là pháp thực tánh, chỉ có thể chứng ngộ chứ không thể nghĩ bàn, nghĩ bàn liền sai.
Ngày gửi: 13-06-2011
Câu hỏi:
Có một cái Tâm Hay Biết hay biết tất cả. Nó ở bờ bên kia. Nó rỗng lặng, trong lành, hoàn toàn không bị dính mắc bởi bất kỳ điều kiện vật chất nào song lại được thấy nhờ các điều kiện vật chất. Nó đi như gió mây, chẳng hề bị cản trở bởi bất kỳ điều kiện nào. Nó dường như tràn ngập khắp nơi, nhờ đó mà nó hay biết được tất cả. Sống với nó, ta không bị dính mắc; nhờ không dính mắc mà ta sống được với nó. Nó không động thì tràn lan vô biên mà tĩnh lặng; khi thấy việc Đức nó liền tự động dụng. Càng sống với nó, càng đi sâu vào nó càng thấy mênh mông, thấy thật vô cùng... không thể tả. Sống với nó thật là hay, hoàn toàn không bị dính mắc; trong sáng, thanh thoát, ung dung, tự tại. Không làm mà như mọi việc tự thành... Con xin chia sẻ với Thầy, với các đạo hữu, và cũng coi đó như là một việc làm tri ân Thầy. Con cũng đoán rằng cái Tâm Hay Biết con vừa miêu tả chút ít đó cũng giống cái Tâm Sáng Suốt, Định Tĩnh, Trong Lành mà Thầy thường nói, thường làm để cho mọi người thấy nó. Con đoán vậy có đúng không, thưa Thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cái Tâm này thì ai cũng có chỉ tại mê theo cái ta ảo tưởng mà quên rằng nó vẫn đang sống và làm việc một cách vô vi vô ngã với mọi người mọi vật không bao giờ mệt mỏi. Cái Tâm này thầy gọi là Tánh Biết rỗng lặng trong sáng. Chính cái Tâm này thấy Pháp nên gọi là giác ngộ chứ không có ai thấy, ai biết, ai giác ngộ cả. Nó thật là vi diệu, nhưng cứ để nó bình thường tự nhiên như nó đang là, đừng nên tưởng tượng quá xa, cũng đừng tôn vinh hay gắn cho nó bất cứ khái niệm nào, vì hình như nó thích giản dị tự do và hành tung không dấu vết, nó đem lại lợi lạc cho muôn loài vạn vật nhưng không muốn ai lấy nó làm mục tiêu của tham cầu chiếm hữu. Con đã thấy nó thì cứ để nó tự tại tại ra vào.
Ngày gửi: 16-01-2011
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy con cảm thấy hình như tánh biết của Phật với tánh biết của mỗi người chúng ta đều khác nhau. Vì sao vậy? Vì khi người khác ăn cơm thì người khác no chớ chúng ta không có no. Người khác bệnh thì người khác đau đớn chớ chúng ta không có đau đớn. Người khác nhập định thì người khác an lạc chớ chúng ta không có an lạc. Vì vậy theo con tánh biết đó chính là ta. Nếu ta trở về sống với tánh biết đó thì ta sẽ được giải thoát khỏi mọi khổ đau. Còn nếu chúng ta bỏ quên tánh biết đó chạy theo trần cảnh thì sẽ bị trầm luân sanh tử. Con hiểu như vậy có đúng không xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy. Nam mô Hoan hỷ tạng bồ tát.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tánh biết không khác, nhưng cái biết ở mỗi người có khác. Do mức độ che lấp của bản ngã nơi mỗi người mà cái biết nơi họ trở thành sai khác, vì vậy nhân quả mỗi mỗi đều khác nhau. Vậy trở về tánh biết mà tu chứ không phải lấy cái biết đã bị giới hạn trong bản ngã mà tu. Nếu không nhận ra điều này thì sai một ly đi một dặm đó. Ví như nước có tánh giống nhau nhưng nước cam, nước trà, nước sữa, nước sông, nước biển... đều có tướng trạng khác nhau. Chúng sanh bất đồng vì cho mình là cam. là trà, là sữa... nên có tranh chấp hơn thua, có phân biệt ta người. Chỗ sai không phải là cam, là trà mà là chấp cái ta ảo tưởng mình là cam, là trà, không biết rằng tánh nước vẫn như nhau, còn cam, trà chỉ là tướng dụng tùy duyên mà sinh mà diệt nên gọi là vô thường, khổ, vô ngã. Tu chính là loại trừ cái biết giới hạn của bản ngã để trở về với tánh biết vô cùng và vô ngã. Quan trọng là có biết thực không chứ đừng gán cho nó lả Thượng Đế, Phạm Thiên hay Đại Ngã, Phật Tánh gì cả.
Ngày gửi: 02-01-2011
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con có vài thắc mắc, xin thầy vui lòng giải đáp cho con:
1. Con người lúc còn vô minh thì có bản ngã. Khi mạng chung, mất thân người, bản ngã vẫn còn hay không?
2. Các loại thực vật vẫn có cái biết theo bản năng mà không có tham sân si, vậy có phải cây cỏ luôn sống trong Niết-bàn không?
3. Những loài vật thông minh vẫn có tánh biết, vậy có thể nói loài vật cũng có Phật tánh hay không?
4. Con người theo lục đạo luân hồi mà tái sanh, phải chăng con người đánh mất Phật tánh của mình khi tái sanh vào các cõi thấp hơn?
Con xin cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong khóa giảng lần 5 tại Bửu Long, ở ngày đầu tiên (Ngày 1A - Cái thực) thầy đã có nói rất rõ về những vấn đề này rồi, con vào mục Pháp Thoại để nghe nhé. Ở đây thầy chỉ trả lời vắn tắt thôi.
1) Khi sống có chấp ngã thì khái niệm ngã đã được ghi sâu trong tiềm thức Bhavanga hay Duy Thức gọi là A-lại-da thức, nên dù chết khái niệm bản ngã vẫn còn như hạt giống, và hạt giống đó sẽ có cơ hội tái hiện sau khi tái sinh.
2) Bài kệ sau đây sẽ thay thầy giải đáp câu hỏi của con:
Chư Pháp tùng bản lai
Thường tự tịch diệt tướng
Xuân đáo bách hoa khai
Hoàng Oanh đề liễu thượng
3) Triệu Châu trả lời là "VÔ" (Chừng nào con ngộ chữ VÔ ấy của Triệu Châu thì đó chính là câu trả lời, còn bây giờ thầy nói cũng vô ích thôi)
4) Nếu không có Phật tánh đương nhiên là ... không mất, còn nếu đã có Phật tánh thì con nói mất cái gi?
Những câu hỏi này không có câu trả lời để thỏa mãn lý trí đâu. Hãy tự khám phá sự thật, sẽ thú vị hơn là chỉ dựa vào nhận thức của người khác.
Ngày gửi: 03-11-2010
Câu hỏi:
SỰ THÔNG MINH.
Kính Bạch Thầy!
Người ta thường quan niệm "trán cao và rộng là thông minh, hoặc đầu có sọ khỉ là rất thông minh". Nhưng đó chỉ là một phần thôi vì quan điểm cá nhân của con là thông minh đích thực phải sử dụng đúng chỗ không phô trương, song song đó người không có sẵn sự thông minh thì cần cù siêng năng tinh tấn nỗ lực thì vẫn là thông minh (mặc dù chậm nhưng chắc). Con nghĩ như vậy có sai không ạ, vì con biết mình còn thiếu sót sơ suất trong câu hỏi này.
Kính mong Thầy hoan hỷ chia sẻ cho chúng con được rõ ạ!
PT: Quang Pháp.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trán cao có thể là biểu hiện tướng bên ngoài của người thông minh, nhưng dĩ nhiên đó không phải là sự thông minh. Cố gắng, nỗ lực rèn luyện cũng không bao giờ tạo ra được sự thông minh, nhiều lắm là có thêm kiến thức, kỹ năng, sự khôn khéo... nhưng những điều này càng làm mất đi sự thông minh vốn có sẵn trong tâm mỗi người. Thông minh là bản chất tự nhiên của tánh biết (tâm). Khi tánh biết được rỗng lặng trong sáng thì sự thông minh xuất hiện tự nhiên. Sở dĩ tính thông minh ấy mất đi vì con người cố gắng thay thế nó bằng lý trí, kiến thức, sự khôn khéo... Khi tâm bị nhồi nhét đầy ắp những khái niệm, tư tưởng, kiến thức, quan niệm... thì sự thông minh cũng bị che lấp không còn hoạt dụng được nữa. Vậy muốn lấy lại được tính thông minh sẵn có thì phải buông bỏ mọi tạp niệm mà cái ta ảo tưởng đã thu thập để tâm được rỗng lặng trong sáng thì thông minh liền xuất hiện. Đó là lý do vì sao có chánh niệm tỉnh giác thì trí tuệ liền khai mở.