Kết quả Tìm Kiếm: Có 89 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'bắt đầu tu học'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 14-11-2011
Câu hỏi:
Thưa thầy, con mới quy y nên có những điều cơ bản về Phật pháp chưa hiểu rõ. Cho con hỏi, con muốn tìm hiểu cơ bản về Phật pháp thì tìm tài liệu gì ở đâu để con có thể tìm hiểu sâu. Mong thầy hướng chỉ giúp con. Con xin cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con nên đọc cuốn Đức Phật và Phật Pháp (The Buddha and His Teachings) tác giả Narada do Phạm Kim Khánh dịch. Những Điều Phật Đã Dạy (What The Buddha Taught) tác giả Walpola Rahula do Lê Kim Kha dịch, hoặc Ni sư Trí Hải dịch. Con Đường Hạnh Phúc do thầy biên soạn. Khi đã hiểu được những giáo lý cơ bản (nhưng trung thực và sâu sắc) thì sẽ đọc thẳng vào Tam Tạng và đọc sách dạy về pháp hành. Con cũng có thể vào mục Thư Viện trong trang web này để đọc những sách đã được chọn đăng.
Ngày gửi: 24-10-2011
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con không có đủ từ ngữ để nói lên sự biết ơn với những gì con nhận được từ khóa học thiền (thứ 8) do Thầy truyền giảng. Cuộc sống của con từ ngày đó đã hoàn toàn đổi khác, những khoảnh khắc thận trọng, chú tâm, quan sát của con ngày càng nhiều hơn. Con đã thoát khỏi bệnh mất ngủ triền miên hơn 20 năm qua và lần đầu tiên trong cuộc đời, con có những phút giây hoàn toàn trong suốt yên lành. Con đã dự lễ dâng y Kathina ở chùa VIên Không và đọc một số sách, thư của Thầy viết. Con nghe các bài giảng của Thầy và mỗi ngày lại ngộ ra một ít từ chính sự trải nghiệm của bản thân mình.<p>
Thưa Thầy, con ước ao được có dịp đi theo và nghe Thầy giảng. Con hiểu rằng quá trình tu tập là sự trải nghiệm giác ngộ chính mình. Con đang tự đọc và tìm hiểu thêm trong sách, nhưng thiếu sự chỉ dẫn của Thầy con thấy rất lúng túng và không biết phải bắt đầu từ đâu. Con không dám đến gặp Thầy vì sợ những câu hỏi ấu trĩ của con làm mất thời gian của Thầy. Nhưng nếu có thể xin Thầy chỉ cho con biết con có thể tham gia vào các hoạt động thường nhật của chùa và có thể nghe Thầy chỉ dạy ở đâu đó không ạ? Thật tình con là kẻ khá nhút nhát và rất sợ thất lễ do sự thiếu hiểu biết của mình gây nên. Con kính mong được Thầy chỉ dạy. Con xin thành kính biết ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thật ra là con đã nghe, hiểu và làm khá tốt nên mới có kết quả như vậy. Chủ nhật tới (30/10/11) con lên học Kinh với các bạn, nhóm Yên Lặng cũng sẽ lên học Kinh ở đó. Mặc dù thầy chưa mở lại khóa giảng mới (vì thầy chuẩn bị đi Úc) nhưng thầy vẫn để những ngày chủ nhật dạy Kinh và sinh hoạt với các con. Nhóm Yên Lặng bạn con còn học vẽ trúc với thầy nữa. Con cứ tự nhiên có gì mà sợ. Cứ đến chùa sinh hoạt bình thường. Xây tháp xong các con mặc sức mà lên quét dọn phụ thầy. Trí thức như các con mà đi lau chùi quét dọn chùa thì không có gì tuyệt vời bằng. Biết lau chùi quét dọn với tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành một tiếng đồng hồ còn hơn ngồi thiền một tháng đó. Cuộc đời thầy thấy ra được pháp thiền cũng nhờ lao động chân tay mà thôi. Thầy đã ngẫu hứng làm bài thơ khi đang cùng chư huynh đệ của thầy lao động ở chùa Huyền Không:
Ta không biết đâu suối nguồn An Lạc
Sáng sớm ra vườn bón đậu trồng dưa.
Ta không biết đâu bến bờ Diệu Giác
Đúng ngọ về chùa cất cuốc, ăn trưa.
Chẳng có gì phải lúng túng, con hãy sống thật nhiệt tình và lấy đó làm bài học giác ngộ, như vậy không tuyệt vời sao con?
Ngày gửi: 04-10-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy! Con biết đến Đạo khoảng vài chục năm nhưng vì nghiệp nặng nên mãi đến nay mới hiểu. Hiểu rồi vẫn không quyết tâm hành mà cứ trì trật mãi. Thưa Thầy! Năm 2009 con dẫn con gái út vào chùa Hang - Châu Đốc - An Giang tu cùng quý Sư và quý phật tử. Hy vong rằng, qua khóa tu như vậy con sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm tu tập để sau này về hướng dẫn lại cho người dân ở quê con. Nhưng, sau 2 thất tu Tổ Sư Thiền, con chỉ được nghe băng giảng, được hàng chục đĩa CD và một loạt tài liệu về Tổ Sư Thiền thôi ạ.
Vậy, thưa Thầy! Con xin biết mục tiêu của những khóa tu thiền tại chùa Thầy có được không ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong trang web này thầy có hướng dẫn tu tập, nhất là nghe các pháp thoại thầy giảng trong 8 khóa thiền vừa qua. Sở dĩ quý Sư cho nghe pháp vì phải nghe cho thông suốt thì hành mới đúng. Nếu chỉ hành theo một phương pháp nào đó mà không thông hiểu thì rất bị lạc đường.
Ngày gửi: 03-08-2011
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy! Phước lành khi con được biết đến Thầy, con xin được hỏi Thầy ạ. Vì con thấy mình ít khi sống được một cách buông thư không tầm tứ, chỉ tỉnh giác tự nhiên, để thấy được những ý niệm, cảm thọ, hay biết rõ việc mình đang làm một cách tự nhiên (cho con hỏi đây có phải là thiền tuệ mà thầy hướng dẩn không ạ? Con chỉ được đọc sách của thầy chứ chưa có duyên lành để gặp thầy) nên con thường tác ý để biết việc mình đang làm và làm mạnh ý thức của mình lên để không rơi vào tình trạng làm theo vô thức, ví dụ: nấu cơm tôi biết tôi nấu cơm, hay khi kinh hành con tác ý: khi đi tôi ý thức được từng bước chân của tôi. Tác ý như vậy có được không ạ?<p>
Kính bạch Thầy, con còn có nhiều tập khí xấu, nếu khi tập khí xấu nổi lên con theo dõi nó nhưng con không tách mình khỏi nó được, lúc đó con dùng ý thức nhất định không làm theo tập khí xấu đó. Tu như vậy thì có bị ức chế tâm không ạ, có đúng không ạ? Xin Thầy chỉ dạy và cho con lời khuyên. Con cám ơn thầy nhiều.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con nên đọc và nghe thêm tài liệu hường dẫn tu tập trong trang web này, vì thực ra những gì con hỏi đã có trong Thư Viện, Hỏi Đáp, Pháp Thoại và những sách thầy cho đăng trong đó. Bước đầu con tu tập như vậy cũng tốt, nhưng không nên tác ý chủ quan. Càng quan sát thân, thọ, tâm, pháp khách quan vô tư chừng nào càng dễ thấy bản chất thật của các pháp ấy. Mục đích của thiền tuệ là thấy ra bản chất của thực tại thân-tâm-cảnh chứ không phải để loại trừ hay duy trì điều gì. Nếu con cố gắng loay hoay xử lý các tập khí thì nó càng mạnh thêm. Cho dù ý thức con có mạnh lên và kiểm soát được chúng thì chúng chỉ ẩn vào vô thức thôi. Hãy xem chúng là pháp đến giúp con giác ngộ ra bản chất của thực tại. Nếu không nhờ chúng con không thể nào giác ngộ được, vì vậy đến một lúc nào đó con sẽ phải tri ân chúng rất nhiều.
Ngày gửi: 28-07-2011
Câu hỏi:
Kính thưa thầy. Con là một du học sinh đang du học ở nước ngoài. Thưa thầy, bây giờ trong tâm con đầy ắp những tạp niệm, lo lắng, đau khổ, chán chường... Con muốn tập thiền để cho tâm mình được tĩnh lặng nhưng con không biết phải tập như nào? Con cũng muốn tham gia các khóa học thiền nhưng do con đang ở nước ngoài nên không thể. <p>
Thưa thầy, thầy có thể chỉ dạy cho con cách tự mình tập thiền được không ạ? Muốn tìm hiểu về thiền con nên tìm hiểu ở các trang web nào vậy ạ? Con cảm ơn thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vậy là con chưa vào đọc (Thư viện) và nghe dữ liệu (Pháp thoại) trong trang web này rồi. Con cứ đọc từ từ đi rồi con sẽ nhận ra được thiền là gì, thể hiện ra sao. Khi con đã thấu hiểu thiền lý thì việc thực hành sẽ rất dễ dàng. Đến lúc đó khi thực hành gặp khó khăn gì thầy mới tháo gỡ được. Đừng cố gắng tập thiền theo một phương pháp nào, chỉ cần thường tự biết mình là được.
Ngày gửi: 06-05-2011
Câu hỏi:
Kính thưa sư! Hiện giờ con rất hoang mang vì giữa một rừng các phương pháp hành thiền, con phân vân không biết chọn phương pháp nào. Không biết bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào cho thích hợp với hoàn cảnh (hiện con đang là một quản lý điều hành cho một cơ sở nhỏ nên công việc rất nhiều). Một số phương pháp thiền định con tìm hiểu thì đầu tiên phải cần có thời gian, không gian để thực tập (cái này thì hoàn cảnh của con không cho phép). Riêng con thấy pháp hành mà sư dạy (tinh tấn chánh niệm tỉnh giác) thì con thấy có thể thực tập được trong đời sống sinh hoạt hằng ngày nhưng kẹt nỗi là con chưa thật sự hiểu chánh niệm tỉnh giác là gì (hoặc chỉ hiểu rất mơ hồ) và cũng không biết phải bắt đầu thực tập từ đâu và phải phối hợp như thế nào trong công việc. Xin chỉ giúp giùm con. Xin chân thành tri ân sư!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thỉnh thoảng anh nên dành một ít thời gian để đọc thêm những câu hỏi đáp, những lá thư chia sẻ nhận thức về tu tập của nhiều người, đọc Thực Tại Hiện Tiền, Sống Trong Thực Tại v.v... trong Thư Viện và download pháp thoại xuống để nghe. Vì muốn tu tập đầu tiên phải nhận thức đúng. Thậm chí tu tập chính là nhận thức đúng chứ không phái là cố gắng trở thành hay đạt được điều gì.
Thiền Vipassanā chỉ có nghĩa là thấy ra sự thật một cách minh bạch. Đầu tiên là thường trực nhận lại chính mình, tức là nhìn lại để thấy biết thực tại thân tâm, không để tâm chìm đắm trong quá khứ, hiện tại và vị lai, nghĩa là không chạy theo cái ta ảo tưởng. Không buông lung phóng dật theo cái ta ảo tưởng hướng ngoại tìm cầu tức là tinh tấn. Trở về với thực tại thân tâm tức là chánh niệm, lúc đó liền thấy biết minh bạch hoạt động hay trạng thái của thân gọi là tỉnh giác trên thân, trạng thái của mọi cảm giác gọi là tỉnh giác trên thọ, trạng thái của những tâm hiện khởi gọi là tỉnh giác trên tâm ... Như vậy bất cứ tại đâu và lúc nào cũng không buông theo vọng tưởng, trở về thực tại và thấy biết chính mình một cách minh bạch. Đó chính là thiền tuệ Vipassanā lấy tinh tấn chánh niệm tỉnh giác làm nguyên tắc tu tập.
Không nên gượng gạo hành thiền định vì chính anh đã thấy là không phù hợp với hoàn cảnh của mình. Và cũng đừng áp dụng một phương pháp thiền nào, vì tất cả phương pháp đều do lý trí chế định, mà đối tượng của chánh niệm tỉnh giác là thực tánh pháp tự nhiên, do đó tất cả phương pháp chế định tuyệt đối không phải là thiền tuệ. Thiền tuệ chỉ khế hợp nguyên lý chứ không bao giờ áp dụng theo bất cứ một phương pháp nào. Vậy anh thấy pháp thiền nào phải áp dụng theo một phương pháp đã định sẵn đều là sản phẩm của lý trí, không phải là thiền tuệ đích thực. Chúc anh thấy ra sự thật.
Ngày gửi: 18-02-2011
Câu hỏi:
Con rất thích thiền, xin thầy hướng dẫn cho con học thiền nên bắt đầu từ đâu? Đọc sách gì ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thiền không phải là một pháp môn tách rời Phật Pháp nên muốn biết rõ về thiền thì nên học hỏi Phật Pháp cho thông suốt. Nhiều người muốn đi tắt nên chỉ học theo phương pháp thiền của một trường phái nào đó mà không biết gì về Phật Pháp, như vậy thì lợi bất cập hại. Ví như một người thích ăn phở chỉ tìm phở mà ăn không biết gì về phép dưỡng sinh trong ăn uống (thực dưỡng). Thiền chỉ hữu ích khi biết sử dụng đúng nguyên lý, đúng mục đích và đúng mức độ, nếu không chỉ phí công vô ích mà còn đi xa chân lý hoặc tẩu hỏa nhập ma nữa là khác.
Trong trang web này có khá nhiều sách giới thiệu về thiền, con vào Thư Viện đọc Kinh, Sách, Văn, Thơ... để nâng cao trình độ Phật Pháp. Vừa rồi thầy mới giới thiệu một bạn đọc sách thầy viết để có gì muốn hỏi thì thầy dễ trả lời hơn. Nên đọc theo thứ tự những cuốn sách sau đây: 1) Con đường hạnh phúc, 2) Tuyển tập thư thầy, 3) Thực tại hiện tiền, 4) Sống trong thực tại, 5) Thiên Phật Giáo: Nguyên Thủy và Phát Triền, 6) Vi Tiếu. Con nhớ là khi chưa thông suốt, tuyệt đối không hành theo một phương pháp nào cả. Phương pháp chỉ đưa đến kinh nghiệm cục bộ chứ không mở toang cánh cửa tâm hồn để đón ánh sáng mặt trời chân lý.
Ngày gửi: 09-05-2010
Câu hỏi:
Thưa thầy.
Con đang ở Huế.
Con không có điều kiện được tu ở chùa. Con thấy cuộc sống đầy những khổ đau, con đã đau khổ. Con tìm thấy bình an ở những tác phẩm văn học Phật Giáo. Con muốn tu tập ở nhà nhưng con không biết bắt đầu từ đâu. Mong thầy chỉ dạy cho cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con nên đọc thêm kinh sách để có nhận thức đúng về Phật pháp. Hiểu đúng đạo lý thì tu tập mới có hiệu quả. Chỉ cần hiểu sai một ly trên giáo lý là tu tập sai đi một dặm. Con có thể vào mục Thư Viện để đọc sách, hay mục Pháp Thoại để nghe giảng ngay trên trang web này. Có điều gì không hiểu thì hỏi ở mục Hỏi Đáp. Con cũng nên xem lại những câu hỏi đáp trong mục này để trau dồi thêm giáo lý.
Nguyên tắc tu tập là luôn biết mình trong từng hành động, nói năng, suy nghĩ. Hễ quên mình là thất niệm, không biết mình là si mê. Không quên mình gọi là chánh niệm, biết mình là tỉnh giác. Hàng ngày hành động, nói năng, suy nghĩ đều chánh niệm tỉnh giác thì sẽ không có phiền não khổ đau. Để dễ thực hiện chánh niệm tỉnh giác con nên tập thận trọng, chú tâm, quan sát trong mọi sinh hoạt thân tâm tức là đã tu tập rất tốt. Đừng nên quá tin tưởng vào tha lực mà sinh ra mê tín dị đoan.
Ngày gửi: 22-01-2009
Câu hỏi:
Kính Thưa Quý Sư! Cháu đang là sinh viên hiện đang học tại Hà Nội. Ngay từ bé cháu đã thích Triết Lý Nhân sinh của Đạo Phật nên những lúc có thời gian cháu cũng hay tìm hiểu. Vừa rồi may mắn cháu tình cờ có quen 1 cô bạn và được biết website này. Cháu đang đọc cuốn Sách Bản Đồ Hành trình Tâm Linh. Trong sách có nói nhiều tới việc Hành Thiền và Hiệu quả của nó. Nhưng cháu lại không biết phải làm thế nào để có thể Hành Thiền và bắt đầu từ đâu. Vậy Kính Mong Quý Sư Giúp cháu cách hành thiền có hiệu quả. Cháu xin cảm ơn nhiều!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có lẽ con nên đọc thêm nhiều sách Thiền Nguyên Thuỷ để nắm vững lý thuyết (pháp học), khi đã nắm vững nguyên lý thiền thì việc thực hành sẽ dễ dàng hơn và không sợ bị lạc. Đừng vội hành, vì hành sai còn tệ hơn chưa hành. Pháp học đúng, tức tri kiến về thiền đúng, sẽ giúp rút ngắn thời gian trong pháp hành. Lúc nào cảm thấy lý thuyết về thiền tương đối tốt, con nên tìm gặp một vị thiền sư để tham vấn trực tiếp. Lúc đầu không nên tự hành mà không có thiền sư chỉ dẫn. Chúc con gặp nhiều thuận lợi trong pháp học và pháp hành thiền.