Kết quả Tìm Kiếm: Có 99 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'Bát Chánh Đạo'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 09-06-2012
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Như con bây giờ hiểu, trở về với thực tại chỉ có nghĩa là trở về với cái tánh biết của mình. Việc gì đang xảy ra thì biết nó đang xảy ra, ví dụ đang giận thì biết đang giận, đang đi thì biết đang đi, trời mưa thì biết trời mưa... và mình cũng không cần phải làm gì hết. Hay là mình cần phải làm gì hơn nữa? Kính xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy thêm.
Con cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có hai cách biết: Một là biết thực tánh chân đế (paramattha), hai là biết khái niệm chế định (paññatti). Khi biết thực tánh thì không qua khái niệm và không phản ứng tạo tác (không làm: vô vi, hoặc làm mà không tạo tác: duy tác). Khi biết khái niệm chế định thì có hai cách: Một là làm thiện theo nhu cầu cần thiết, hai là làm bất thiện theo tà kiến và tham ái. Vậy biết là chính còn làm hay không là tùy theo cách thấy biết đúng theo bát chánh đạo.
Ngày gửi: 27-02-2012
Câu hỏi:
Con thưa Thầy, Phật giáo có quan niệm về vấn đề mưu sinh, công việc hàng ngày và lượng tài chính lo cho gia đình như thế nào ạ? Con cảm ơn thầy đã chỉ dạy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Mưu sinh đúng tốt trong Phật giáo gọi là chánh mạng. Chánh mạng là vừa mưu sinh vừa làm lợi mình lợi người hay ít nhất cũng không hại mình hại người. Lợi nhuận chân chính của việc mưu sinh phải là thành quả có từ năng lực và trí tuệ của chính mình chứ không ỷ lại hoặc bóc lột từ người khác, không sống trên sự đau khổ của người hay chúng sinh khác. Do đó cần tránh những ngành nghề đem lại tai hại về sức khỏe, của cải hay sinh mạng... của người và vật khác.
Thành quả của mưu sinh phải được sử dụng hợp đạo lý: 1) Để nuôi thân; 2) Để xây dựng gia đình (vợ, chồng, con cái, nhà cứa...); 3) Đền ơn bậc sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, thầy tổ và các bậc ân nhân; 4) Dành dụm cho tương lai. Việc dành dụm này được hiểu theo nghĩa làm việc phước đức (từ thiện, cúng dường...) hơn là cất giữ để dành. Vì theo Phật giáo cách dành dụm tốt nhất là sử dụng tài sản cho việc tu nhân, tích đức.
Ngày gửi: 23-11-2011
Câu hỏi:
Kính Thầy!
Thực hành CHÁNH NIỆM - TỈNH GIÁC rất cần thiết trên đường sống Đạo, nhưng con thấy đời sống cư sĩ vì những công việc thường ngày nên rất khó thực hành MIÊN MẬT. Con đường làm nền tảng cho GIÁC NGỘ sẽ thuận lợi hơn đối với cư sĩ chúng con, theo con là sự thực hành tốt BÁT THÁNH ĐẠO. Thực hành BÁT THÁNH ĐẠO, nếu chưa đạt đến sự giải thoát hoàn toàn thì ít ra hành giả cũng đã tạo được một NGHIỆP THIỆN để có được một quả THIỆN, để từ đó hội đủ DUYÊN LÀNH tiếp tục cuộc hành trình. Tuy nhiên để hiểu đúng BÁT THÁNH ĐẠO thì chúng con vẫn chưa hiểu hết mà đôi khi còn rơi vào CỐ CHẤP. Vì thế, nếu có thể con xin THẦY giảng giải cho chúng con thấy được NGHĨA GẦN cũng như NGHĨA MỞ RỘNG của từng THÁNH ĐẠO để chúng con lấy đó làm CƠ SỞ thực hành hằng ngày. Nếu được in ra thành sách thì lại càng tốt. Hoặc có kinh sách nào giảng về BÁT THÁNH ĐẠO rõ ràng xin Thầy chỉ cho chúng con. Chúng con xin biết ơn Thầy.
Người Tự quy Y PHẬT.
TÂM DUYÊN
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Từ miên mật thường bị hiểu lầm trầm trọng. Miên mật tuyệt đối không có nghĩa là cố gắng nối tiếp thời gian liên tục không dừng nghỉ, hay nỗ lực kéo dài thời gian ý thức, vì như vậy chỉ là ý đồ của cái ta lý trí muốn được tồn tại thường hằng. Miên mật là trọn vẹn với thực tại đang là (sanditthiko) mà không còn ý niệm về thời gian (akāliko) và bản ngã (anatta).
2) Đừng cố gắng tìm hiểu quá chi tiết về Bát Chánh Đạo, hay bất kỳ pháp gì khi chưa cần thiết, chỉ cần hiểu đơn giản nhưng chính xác theo căn cơ trình độ của mình. Thấy biết sự thật đúng như chính nó gọi là chánh kiến, suy nghĩ ý cứ trên thấy biết đúng đó gọi là chánh tư duy, nói ra từ thấy biết và suy nghĩ đúng sự thật gọi là chánh ngữ, hành động đúng đắn và lương thiện gọi là chánh nghiệp, sinh sống hợp đạo lý không gây tổn hại cho mình và người gọi là chánh mạng, tâm không buông lung phóng dật theo cái ta vọng tưởng gọi là chánh tinh tấn, tâm trọn vẹn với thực tại thân tâm không xao lãng (thất niệm) gọi là chánh niệm, tâm an ổn không tán loạn theo ngoại cảnh gọi là chánh định. Chỉ cần biết đơn giản như thế rồi tự mình khám phá qua trải nghiệm và chiêm nghiệm thì con sẽ thấy ra Bát Chánh hay Thánh Đạo là gì.
Ngày gửi: 28-06-2011
Câu hỏi:
Kính Thưa Thầy.
Hiện nay con đang nghiên cứu bộ sách Một cuộc đời Một vầng nhật nguyệt, quả là một bộ sách hay và dường như tất cả các triết lý sâu rộng đều có trong bộ sách này. Tuy nhiên con thấy có một số điểm mà con chưa hiểu xin Thầy chỉ dạy cho con
- Phải chăng khi Đức Phật chiến đấu với Ma Vương là chiến đấu với chính ngũ dục của mình?
- Nếu như con không thể bố thí được: gia đình, của cải, thân thể... thì con vẫn bị vướng vào luân hồi sinh tử?
- Nếu thực hành định-tuệ mà không đi kèm Bát chánh đạo thì không thể đắc quả được và Bát chánh đạo là phải sinh cùng lúc chứ không thể sinh cái này trước cái này sau?
Con còn rất nhiều điều muốn hỏi nhưng hôm nay chỉ xin Thầy giảng cho con như vậy thôi ạ.
Con cảm ơn Thầy. Chúc Thầy luôn An Lạc
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Ma bên ngoài gọi là Thiên ma, Tử ma; ma bên trong gọi là Ngũ uẩn ma, Phiền não ma, Pháp hành ma. Cảm thắng ma có nghĩa là cảm hóa được các loại ma trên.
2) Không dính mắc vào gia đình, của cải, vợ con, thân thể, mạng sống... cũng gọi là bố thí.
3) Bát Chánh Đạo gồm Chánh kiến, Chánh tư duy thuộc Tuệ; Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng thuộc Giới; Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định thuộc Định. Vậy khi tu Giới Định Tuệ chính là hoàn thiện Bát Chánh Đạo. Trong Siêu thế tâm, Bát Thánh Đạo mới tròn đủ.
Đúng ra thầy chỉ hướng dẫn pháp hành thôi chứ không giải đáp thắc mắc về giáo lý, những điểm về giáo lý con nên hỏi các vị giáo thọ thì đúng hơn.
Ngày gửi: 26-02-2011
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy! là người cư sĩ tại gia nên con rất khó khăn trong việc tìm một nghề đúng với chánh mạng và con có ý định mở một trang trại để nuôi gà thả vườn, vậy có đúng với chánh mạng không ạ? Xin thầy tư vấn cho con một nghề thích hợp với người cư sĩ tại gia ạ. Thành tâm tri ân thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tư vấn cho con một nghề thích hợp thì thầy không làm được. Thầy chỉ có thể giúp con hiểu thế nào là nghề chánh mạng, thế nào mà nghề tà mạng để con biết tự chọn nghề theo khả năng của mình mà không tà mạng là được.
Nói chung những nghề nào lợi mình hại người, nghĩa là kiếm được lợi nhuận trên sự đau khổ hay tổn hại của chúng sanh khác đều là tà mạng. Ví dụ nghề chăn nuôi, nghề sát sinh, buôn bán thịt cá, buôn bán rượu, chất độc, ma túy, buôn bán nô lệ, buôn bán vũ khí, hàng gian hàng giả v.v...
Nghề nào kiếm được lợi nhuận một cách chân chính, lợi mình lợi người, do công sức và trí tuệ mà có chứ không do gian xảo lừa gạt là chánh mạng. Tất nhiên làm một nghề chân chính để sống chân chính trong cuộc đời này là khó, nhưng chẳng thà sống kham khổ còn hơn sống sung sướng trên sự đau khổ của người khác. Vì đã là tội thì chỉ là khổ không thể là phúc được.
Ngày gửi: 01-01-2011
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con xin hỏi:
Chiêm nghiệm lại "bản vẽ" của mình từ hiện tại trở ngược về những gì đã xảy ra trong quá khứ, để nhìn ra bản ngã được tạo thành ra sao, để thấy rõ mình đã tham sân si ra sao..., từ đây sự hình thành của bản ngã được nhận rõ..., có phải việc làm nầy là chánh tư duy không?
Có cần làm điều nầy mới đánh bật được gốc của bản ngã và vô minh ái dục không? Chúc Thầy sức khỏe tốt.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nhớ lại quá khứ là một chức năng tự nhiên xuất hiện khi cần đến. Nhưng không cần phải chủ tâm "trở ngược về những gì đã xảy ra trong quá khứ, để nhìn ra bản ngã được tạo thành ra sao". Bởi vì không chừng ý đồ trở về này cũng phát xuất từ bản ngã. Chỉ cần nhận ra cái ta trong hiện tại thì tự nhiên thấy ra nó trong quá khứ đã diễn biến như thế nào. Nói là "chiêm nghiệm" nhưng thực ra chỉ chiêm nghiệm thật sự khi lắng nghe quan sát thực tại đang là, vì chỉ có thể nhớ lại quá khứ để suy ngẫm chứ không thể chiêm nghiệm quá khứ được. Đúng nghĩa từ chiêm nghiệm là quan sát sự kiện đang trải nghiệm. Nếu lo nhớ lại quá khứ để suy ngẫm thì không thể phát hiện được cái ta đang hiện hành ra sao, như vậy làm thế nào mà đánh bật được gốc của bản ngã? Chánh tư duy chỉ có khi có chánh tri kiến trên sự kiện thực tại. Thực tại đó có thể là một hình ảnh quá khứ đang tái hiện tự nhiên. Nhưng tự ý tư duy về quá khứ để tìm tòi thì đó không phải là chánh tư duy mà chỉ là hoạt động của lý trí, phần lớn hoạt động này là vọng niệm. Do đó, đức Phật dạy: "Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính là đây" vậy.
Ngày gửi: 28-12-2010
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy. Có những người bạn con gặp bất an, nếu có duyên, con cũng khuyên họ hãy sáng suốt đón nhận những bài học cuộc sống, và sự an vui thực sự lại nằm chính trong nghịch cảnh cuộc sống chứ không phải ở đâu khác. Nhưng có những điều con nói ra, con chỉ nói theo nhận thức mà chính con chưa làm được. Vì thế, có những lúc đang nói, con khựng lại không nói được vì tự hỏi liệu có phải mình đang nói những lời trống rỗng. Con không biết phải làm sao. Chỉ trên cái nhận thức mà nói, dù là nói vì lợi ích của người khác có được xem là Chánh ngữ không thưa Thầy. Kính xin Thầy chỉ dạy cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chia sẻ nhận thức đúng với người khác vì tâm từ, không phải để khoe khoang, không tự tôn tự đại thì vẫn là thiện, vẫn không phải là tà ngữ. Có hai sự chia sẻ về Pháp là chia sẻ PHÁP HỌC, và chia sẻ PHÁP HÀNH. Khi con học được Pháp học đúng, con có quyền chia sẻ với người khác để họ cùng có nhận thức đúng, đó là chia sẻ pháp học. Khi con hành và thực chứng được hương vị của Pháp con đem chia sẻ với những người hữu duyên thì đó là chia sẻ Pháp hành. Biết đâu trong khuyên lơn an ủi người khác con cũng học ra bài học thực tế từ đó. Trong thời đức Phật có nhiều vị đắc Đạo Quả ngay trong khi đang giảng Pháp cho người khác. Ngay trong khi khuyên người khác con thấy ra được mình thì cũng là khuyên lại chính mình. Miễn là không khoác lác này nọ, mà chỉ là giúp người ta giải tỏa được mối bận tâm là được.
Ngày gửi: 06-11-2010
Câu hỏi:
Thưa Sư, sau này con định làm công việc dịch thuật. Làm thế nào để giữ được "Chánh mạng" (right livelihood) trong công việc này ạ? Công việc này có dễ bị thành "tà mạng" không ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tà mạng tức là hành nghề bất chính để nuôi thân. Nghề bất chính là nghề hại mình hại người, hoặc lợi mình hại người. Như vậy, bất cứ nghề nào được thực hiện có hại cho người hay chúng sinh khác đều là tà mạng, nghề nào làm lợi mình lợi người đều là chánh mạng. Ở đây cần lưu ý chữ lợi và hại. Hại là làm tăng trưởng bất thiện pháp (phiền não khổ đau), lợi là đoạn giảm bất thiện pháp hay tăng trưởng thiện pháp cho mình và người.
Nếu dịch thuật để cống hiến cho đời những điều hay lẽ đẹp thì đương nhiên là chánh mạng, còn nếu dịch sai ý đúng tốt của tác giả, hoặc dịch những tác phẩm sai trái, nguy hại đến đạo đức hay thuần phong mỹ tục v.v... thì chắc chắn là tà mạng rồi. Nếu xét thấy hành nghề này có thể vừa giúp đời vừa có thu nhập để sống thì sao gọi là tà mạng được!
Ngày gửi: 22-01-2009
Câu hỏi:
Kính lạy thầy! Con xin hỏi về pháp. Trước con có đọc truyện tích thiền tông. có ngài thiền sư nào đó vì muốn giáo hoá đệ tử đã ra tay chém chết một con mèo... Đọc điển tích này trong lòng con rất bất nhẫn. Con đã đem chuyện này đi hỏi nhiều người được cho là hành giả thiền: công án thoại đầu v.v... Mỗi người giải thích một cách khác nhau, rằng giết một con mèo để có thể cho hai vị thầy kia kiến tánh. đó là một việc làm có lợi vì sẽ có hai vị tổ ra đời như hai vị phật sẽ độ được biết bao nhiêu người và cái chết tức thì của con mèo kia lại là một sự hi sinh cao cả và nói không chừng con mèo có thể thành người, trời vì có công đức vô lượng... Với tâm bình thường của con nghe sao mà không thuận. Nó có tính chất biện luận cưỡng cầu. Đọc lịch sử đức Phật đâu thấy ngài giêt một con gì để mà thành đạo, hoặc giúp cho đệ tử thành đạo đâu. Và trong ngũ giới cấm do ngài chế định, giới sát lại là đứng đầu các giới phải cần giữ. Hơn nữa nếu dùng cái nhân sát sanh để cầu đạo thì đâu khác gì anh chàng Vô Não định chém Phật để cầu thành đạo của anh ta. Trường luận chiến này thường xảy ra giữa con với các anh bạn hành giả trong Tổ sư thiền. Và con thì luôn được họ cho là người không có tâm thiền. Vì tâm thiền là tâm không gì gì đó. Khi có nghi tình thì không biết gì, mà không biết gì thì không nhân không quả không tội không phước, tha hồ sát và phạm giới mà họ gán cho một mỹ từ là "phá chấp"! Trở lại vấn đề "thiền sư sát sanh", dưới gốc độ "mày trần mắt thịt" của con thì con thấy vậy đó không biết trong đó cơ phong như thế nào. Con nay có dịp xin hỏi quý sư là người theo truyền thống nguyên thuỷ, là những người trực tiếp đi theo và trung thành với đường lối của chư Phật về vấn đề này. Mong quý sư hoan hỷ giải đáp thắc mắc trong lòng con. Nhưng nói gì thì nói, nếu sát sanh để cầu đạo thì con thà làm một người bình thường hơn là làm một vị Phật. Vì con đã từng kề cận sự chết nhiều lần nên con rất yêu quý sự sống, không chỉ của mình mà còn của những sinh linh khác. Và theo con, tu hành là để giải thoát chứ không phải để trở thành. Và người càng thành công trên đường tu tập chừng nào thì hãy xem họ đã buông xả được bao nhiêu chứ không phải đắc một cái gì và trở thành một cái gì ngay cả thành Phật cũng vậy. Mạo muội trình bày thắc mắc và tư kiến của mình, kính thỉnh sư phụ chỉ dạy cho con. Mam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đạo hữu đừng quan tâm chuyện Nam Tuyền trảm miêu làm gì. Ai dám biết chắc chuyện đó có thật hay không. Khi viết ngữ lục các thiền sư thường lồng thiền ý vào trong một câu chuyện hư cấu nào đó, vì vậy chỉ cần thấy ra thiền ý ấy thôi chứ đừng quan tâm câu chuyện. Lưỡi kiếm thường tượng trưng cho trí tuệ. Trí tuệ luôn dứt khoát, chớp nhoáng, không do dự nghi hoặc như lý trí vọng thức, không tô vẽ màu mè như tình cảm ướt át, nó giống như một thanh gươm sắc bén cắt đứt mọi ý nịệm nhị nguyên phân biệt. Con mèo chẳng qua chỉ là biểu tượng cho một vấn đề nào đó mà Đông đường Tây đường giằng co tranh cãi trên mặt lý trí kiến giải. Nam Tuyền chém mèo tức là tuyệt dứt đối tượng lý trí của nhị nguyên phân biệt, thế thôi. Chính điều đạo hữu nói tu hành là buông xả chứ không phải trở thành, mà Nam Tuyền dùng một nhát dao ngọt xớt cắt đứt mọi lý tưởng trở thành. Đông đường, Tây đường tượng trưng cho lý trí vọng thức luôn luôn lơ lửng giữa thực tại đang là với lý tưởng sẽ là. Lý tưởng sẽ là luôn ám ảnh những người tu hành rơi vào phân vân chọn lựa, mơ ước trở thành, thả mồi bắt bóng của lý trí phân biệt nhị nguyên. Không có một nhát dao trí tuệ sắc bén cắt đứt chỗ hướng ngoại cầu huyền đó thì muôn đời chỉ như Đông đường Tây đường tranh nhau con mèo ảo tưởng mà thôi.