Kết quả Tìm Kiếm: Có 597 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'tinh tấn chánh niệm tỉnh giác'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 02-05-2013
Câu hỏi:
Thưa thầy, khi con chánh niệm lúc làm việc thì dần dần đỉnh đầu của con đau râm ran và đi vào trạng thái hôn trầm. Có lúc con đang rửa bát, rơi bát lúc nào không hay. Thưa thầy con phải làm như nào bây giờ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con không nói con đã chánh niệm thế nào mới được. Niệm sai không thể gọi là Chánh niệm được. Có thể con niệm sai chăng?
Ngày gửi: 02-04-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con đang sống ở Mỹ. trước đây con đã phạm nhiều sai lầm trong cuộc đời nên bây giờ con nhận nhân quả (tù, tội, tình, tiền). Vài năm nay con rất ráng tu hành để mong chuộc lại những lỗi lầm của con. Nhưng Thầy ơi, con càng cố gắng bao nhiêu thì những tánh xấu của con lại càng lớn, nên con lại gây thêm hậu quả xấu. Con rất xấu hổ, con muốn tu sửa để trở thành một con người bình thường trong sạch. Nhưng con không thể và không biết cách làm sao cho đúng được. Mọi người bảo con khùng. Con buồn và mệt mỏi lắm. <p>
Trước đây con đã theo nhiều pháp tu (ăn chay trường, ngồi thiền, tụng kinh, tham thoại đầu, niệm Phật ngày đêm), rồi cũng chẳng tới đâu. Con biết con kém cỏi, nhưng trong cuộc sống con lại thích người ta phải coi con là hight level, bởi vậy mọi người khinh khi con và cho con khùng. Con phần nhiều khi tiếp xúc thì không tự chủ mình, hay khoe khoang, giận dỗi, phản bội, ganh tỵ, tham lam và nhiều nữa. Mà gia đình con ai cũng tánh tình như vậy cả. Con xấu hổ và buồn nữa. Con phải tu như thế nào cho đúng. Con đã thử tu theo cách Thầy hướng dẫn (thận trọng, chú tâm, quan sát). Con xin Thầy giúp con và cho con có chỗ dựa để con trở thành con người đàng hoàng. <p>
Con xin tạ ơn Thầy và mong được gặp Thầy nếu Thầy qua Mỹ giảng pháp.<p>
Kính Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Lỗi lớn nhất trên đời là không thấy lỗi mình. Nhiều người chỉ thấy lỗi người mà không thấy lỗi mình, đó mới là tai họa, do vậy Đức Phật mới dạy trong Kinh Pháp Cú rằng không nên dòm ngó lỗi người, xem họ làm gì hay không làm gì mà chỉ nên nhìn lại mình thử đã làm được gì và chưa làm được gì. Dấu hiệu tốt đầu tiên của con là đã nhận ra hầu hết những sai lầm của mình.
Đúng tốt chỉ có thực khi nhận thức được điều sai xấu để chuyển hóa. Nếu chỉ cố gắng mô phỏng điều đúng tốt lý tưởng mà không thấy ra điều sai xấu của mình thì cái tốt đó vẫn là không thực, chỉ giống như người đang dơ bẩn mà xức nước hoa để khỏa lấp mà thôi. Mọi người đều sẵn có những đức tính đúng tốt, chỉ vì cái ngã nhận thức lầm lạc, tà kiến mà có hành vi sai xấu. Khi còn vô minh ái dục không ai không có sai xấu, tuy nhiên nhờ có sai xấu và nhận ra sai xấu đó mới thấy ra đâu là đúng tốt. Vậy con đừng mặc cảm tội lỗi mà nên qua đó điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình.
Đừng đợi lúc có sai xấu mới tìm cách đối trị. Nên ngừa bệnh hơn là chữa bệnh. Nghĩa là con cứ thường thận trọng chú tâm quan sát chính mình để trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân tâm thì mức độ chánh niệm tỉnh giác sẽ chính xác và vững vàng hơn, lúc đó cơ hội vô thức để cho sai xấu phát khởi sẽ ít đi, như thế con không cần đối trị mà sai xấu vẫn tự giảm dần và chấm dứt.
Ngày gửi: 31-03-2013
Câu hỏi:
Thưa Thầy, con nhờ Thầy giảng lại rõ cho con hiểu thế nào là: thận trọng, chú tâm, quan sát; sáng suốt, định tĩnh, trong lành. Con cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Những từ đó tự nó đã đầy đủ ý nghĩa rồi đâu cần giảng thêm gì nữa con. Bây giờ con cần tự thể nghiệm để khám phá trên sự kiện thực, nếu con hiểu sai hành sai thì chính sự kiện thực sẽ giúp con điều chỉnh nhận thức lại cho đúng.
Thận trọng là cẩn thận, không lơ là chểnh mảng đối với thực tại đang là; chú tâm là tâm trọn vẹn với thực tại đang là, không bị phân tâm, không bị quá khứ, vị lai và ngoại cảnh chi phối; quan sát là thấy, nghe,... biết thực tại rõ ràng như nó đang là, không qua tư tưởng hay quan niệm nào.
Sáng suốt là tâm trong sáng minh bạch, không si mê, không mông muội, không vọng tưởng; định tĩnh là tâm lặng lẽ, an nhiên, tự tại, không loạn động, không phóng túng; trong lành là tâm thanh tịnh, trong sạch, không bị ô nhiễm bởi những hành động, nói năng, suy nghĩ bất thiện, hại mình hại người.
Ngày gửi: 20-02-2013
Câu hỏi:
Năm mới con Chúc Thầy thân tâm thường lạc, vạn sự kiết tường!<p>
Thưa Thầy con mới biết đến trang này, con thấy rất hay. Con có vấn đề thắc mắc xin Thầy chỉ dạy cho. Làm sao Chánh niệm trong lúc ta đang ngủ, đêm nào con cũng nằm mơ cả, mộng lành cũng có, mộng dữ cũng có, cho nên con rất sợ ngủ, có phải nghiệp con rất nặng không Thầy? Kính mong thầy giải bày cho, Con kính chào Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu ban ngày con chánh niệm tỉnh giác tốt thì vô thức của con sẽ được chuyển hóa (hữu thức hóa vô thức). Khi vô thức được chuyển hóa, con sẽ không còn chiêm bao mộng mị nữa. Và ban đêm dù có mộng thì trong giấc mộng, tâm thức con vẫn có chánh niệm tỉnh giác (mộng trung ý thức). Vì vậy trước khi ngủ con cần nên chánh niệm tỉnh giác với tâm buông xả là được.
Ngày gửi: 28-10-2012
Câu hỏi:
Thưa sư ông, con là ngượi bị loạn tâm, con hay bị cuốn theo các ý nghĩ vọng tưởng mà không có cách nào kiềm chế lại được, con không có cách nào làm chủ mình được. Ví dụ, khi con đọc 1 cuốn sách hay đọc một đề toán mà trong tâm con nhạc nó cứ nổi lên (những bài nhạc con đã từng nghe dù cố ý hay vô tình). Nó cứ khởi lên mãi như thế làm con không tài nào tập trung vào học được, không thể hướng ý nghĩ của con vào bài học. <p>
Tâm trí con bị những ý nghĩ vọng tưởng ấy chiếm hữu trong khi con lại là đứa không thông minh nên kết quả là con học kém và làm việc không thể nào tập trung vì cứ bị những ý nghĩ lăng xăng trong con lôi cuốn. Khi những ý nghĩ vọng tưởng ấy khởi lên trong lúc con đang học bài hay làm kiểm tra thì con rất hoảng loạn, nó làm con mất tập trung và không thể nào chú tâm vào công việc con đang làm được, con không cách nào ngăn chặn nó lại được. Nhưng vì thời gian dành cho công việc gấp rút nên con vẫn phải làm mà vẫn không tài nào chú tâm vào công việc. Khi vọng tưởng nổi lên, nếu con cố gắng đấu vật với nó, tập trung hết sức vào công việc đang làm và cố gắng quên nó đi thì con có cảm giác rất khó chịu nơi cổ họng là như có cái gì nghẹn nghẹn và rất là rát, nóng giống như bị kiềm nén! Cúi xin sư ông chỉ bày cho con!<p>
Mà sư ông ơi, con vẫn chưa hiểu cách quán sát tâm là phải làm như thế nào, con vẫn không tài nào hiểu được, cúi xin sư ông chỉ bày tường tận cho con ạ! Con xin cảm ơn sư ông.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Để tâm bớt vọng động có rất nhiều cách, một vài thí dụ như: 1) Chú tâm quan sát mọi chi tiết hoạt động của thân như khi thở, đi, đứng, ngồi, nằm, nhai, nuốt, uống, tắm, rửa, gãi, lái xe v.v... 2) Thận trọng quan sát và nhận biết những tư tưởng hay trạng thái tâm đang khởi lên để xem nó diệt đi như thế nào. 3) Niệm "Araham Sammà Sambuddho: Thanh tịnh, Trong sáng" liên tục một thời gian, khi tâm đã bớt vọng động thì chỉ niệm khi vọng khởi, còn khi tâm thanh tịnh trong sáng thì thôi. 4) Thư giản buông xả toàn thân tâm để cho thân tâm nghỉ ngơi vô sự hoàn toàn, chỉ thấy mọi sự diễn ra trong thân như thế nào thì thấy như vậy, không phản ứng gì cả, vân vân và vân vân. Thầy chỉ gợi ý để con hiểu ra nguyên lý thôi còn chủ yếu là con tự tìm ra cách phù hợp với mình mới tốt.
Ngày gửi: 10-08-2012
Câu hỏi:
Bạch Sư Ông. Con xin quay về chủ đề trước. Lúc đó Sư Ông có dạy cho con về Tinh Tấn, Chánh Niệm và Tỉnh Giác. Nhưng có một điều con vẫn chưa hiểu, Sư Ông có nói: "...không quên mất chính mình gọi là Chánh Niệm". Nhưng làm sao mà mình có thể quên mất chính mình nếu như mình đã là mình rồi? Ý của Sư Ông là sao, con vẫn chưa rõ. Còn mình phải biết rõ chính mình như thế nào mới gọi là Tỉnh Giác?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có lẽ là do sư ông nói không cụ thể nên con không hiểu. "Quên mất chính mình" là quên tình trạng (trạng thái, thái độ, tư thế...) hiện thời của mình. Ví dụ con đang đi bộ nhưng lại quên mình đang bước đi trên đường mà ý tưởng đang lang thang đi tìm lại hình ảnh một người bạn hôm qua mới quen ngoài cổng trường. Lúc đó con quên mình đang bước, quên sự xúc chạm trên mặt đường, quên tư thế dang đi... chỉ thấy hình ảnh ảo đang nói chuyện với người bạn mới một cách rất hào hứng mà thôi. Bỗng nhiên một người bạn gọi con mới giật mình trở lại với toàn bộ hiện trạng đi lúc đó.
Sự lang thang của tâm tưởng theo hình ảnh ảo bên ngoài gọi là buông lung. Sự quên mất hiện trạng đang là gọi là thất niệm. Và sự không biết mình trong tình trạng hiện tại gọi là không tỉnh giác. Ba tình trạng trên đều biểu hiện sự "quên mất chính mình". Vậy trở về với tình trạng hiện đang là gọi là tinh tấn. trọn vẹn với hiện trạng của thân tâm gọi là chánh niệm. Và thấy, nghe, cảm, biết rõ ràng chính mình trong thực trạng tại đây và bây giờ gọi là tỉnh giác.
Lúc nào tâm con rỗng lặng, không vọng động, không bị chi phối hay ám ảnh bởi điều gì thì nó sẽ rất trong sáng và nó có thể thấy biết mọi sự rõ ràng trung thực, đó chính là tinh tấn chánh niệm tỉnh giác.
Ngày gửi: 25-07-2012
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, cho con hỏi để có dịp được trình pháp với Thầy. Con thấy trong sự thực hành mình không thể nào tách biệt ra là lúc nào thì cần tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác và lúc nào thì cần thận trọng, chú tâm, quan sát được. Vì lúc nào cũng phải thực hành 2 phương cách đó chung với nhau. Ví dụ con thực tập là: <p>
1. Lúc nào cũng tinh tấn, có nghĩa là nhớ buông thư và thư giãn thân tâm mọi lúc, mọi nơi. Nó giúp mình dễ có mặt với thực tại.<p>
2. Và giữ chánh niệm bằng cách thực tập thận trọng, chú tâm, quan sát trong mỗi việc làm. <p>
3. Tỉnh giác sẽ tự nhiên có mặt <p>
Kính xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy và điều chỉnh lại cho con. Con cám ơn Thầy.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thực ra, trong lành định tỉnh sáng suốt, thận trọng chú tâm quan sát và tinh tấn chánh niệm tỉnh giác là ba nhóm khác tên gọi, khác chỗ dùng nhưng có cùng tính chất như nhau nếu không muốn nói là một, vì cả ba đều là giới định tuệ. Do đó thầy mới nói trong lành định tỉnh sáng suốt là tự tánh giới định tuệ, thận trọng chú tâm quan sát là tuỳ dụng giới định tuệ, và tinh tấn chánh niệm tỉnh giác là minh sát giới định tuệ. Khi tâm trong lành, định tĩnh, sáng suốt thì đó là giới định tuệ tự nhiên; khi tâm thận trọng, chú tâm, quan sát thì đó là giới định tuệ được ứng dụng trong từng trường hợp cụ thể; khi tâm tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác thì đó là giới định tuệ để đưa tâm phóng dật, thất niệm, bất giác trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại. Vậy con cứ tuỳ nghi mà ứng tâm tự nhiên phù hợp với giới định tuệ chính là sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha. Con thấy như vậy là đúng.
Ngày gửi: 25-07-2012
Câu hỏi:
Bạch Sư Ông. <p>
Thưa Sư Ông, con nghe mẹ và bà ngoại con thường nói phải ăn, đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm. Nhưng thực ra con và mọi người cũng có ai hiểu được chánh niệm nghĩa là gì. Xin Sư Ông giải nghĩa cho ạ.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thực ra Chánh Niệm không đi riêng một mình mà khi nói Chánh Niệm là ám chỉ cả 3 yếu tố Tinh Tấn, Chánh Niệm và Tỉnh Giác. Con người thường sống bị chi phối bởi hoàn cảnh bên ngoài, sống quên mình trong mê mờ như vậy dễ bị đắm chìm trong phiền phức và đau khổ. Sống chạy theo bên ngoài gọi là buông lung, sống quên mất chính mình gọi là thất niệm và sống không biết rõ chính mình gọi là mê muội không tỉnh thức. Vậy không buông lung theo lòng tham muốn bên ngoài mà biết trở về với chính mình, gọi là tinh tấn; sống trọn vẹn với chính mình, không quên mất chính mình nữa, gọi là chánh niệm; và sống biết mình một cách rõ ràng trong sáng gọi là tỉnh giác. Bà ngoại và mẹ nhắc con chánh niệm là ý nói rằng khi làm bất cứ việc gì như uống, ăn, đi, đứng, học bài... đều luôn trở về trọn vẹn trong sáng với việc ấy thì con sẽ thấy hứng thú và hiệu quả hơn, và vì không bị bên ngoài chi phôi, nên con sẽ không bị lo lắng buồn phiền gì cả, phải không nào? Sư ông chỉ cho con một cách thực hiện ý của bà và mẹ dễ dàng hơn là con nên thường thận trọng, chú tâm và quan sát việc làm của mình thì con sẽ chánh niệm không gì khó cả.
Ngày gửi: 27-06-2012
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,<p>
Câu hỏi này con nóng lòng muốn biết vì con thắc mắc lâu rồi nhưng con lại quên mỗi khi viết câu hỏi.<p>
Thưa Thầy, con hiểu chữ "vô niệm" nhưng quán vô niệm thì thứ tự (ordre) phải như thế nào hay chỉ niệm cái vô niệm? Xin Thầy giảng nghĩa cho con.<p>
Con rất cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Quá trình điều chỉnh nhận thức là từ vọng niệm đến nhất niệm, từ nhất niệm đến vô niệm, từ vô niệm đến chánh niệm tức là tâm trọn vẹn với thực tại mà hoàn toàn rỗng lặng không còn một ý niệm nào. Quán chiếu (soi sáng) với tâm vô niệm chính là chánh niệm tỉnh giác.
Ngày gửi: 23-06-2012
Câu hỏi:
Kính bạch thầy: Trong nghe chỉ biết nghe, trong thấy chỉ biết thấy. Vậy trong cái tâm biết này, con có cần biết có tham có sân có si hay không? Con cám ơn thầy, mong thầy chỉ dạy cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tất nhiên là có. Tâm có tham biết tâm có tham, tâm có sân biết tâm có sân v.v...chính là soi sáng tâm. Đối với thọ khổ, lạc, xả; đối với sự tương giao của pháp có trói buộc hay không trói buộc đều soi sáng như vậy. Tánh biết của tâm có thể soi thấy mọi trạng thái sinh diệt trong tâm kể cả sự sinh diết của 6 thức. Do đó tánh biết vừa là 6 thức vừa không phải là 6 thức.