Kết quả Tìm Kiếm: Có 595 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'tinh tấn chánh niệm tỉnh giác'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 19-01-2012
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, có phải chánh niệm tỉnh giác là tâm rỗng lặng trong sáng hay biết các pháp tự nhiên mà không bị mệt, lại không phải mất công đi tìm kiếm ở đâu xa, tất cả là đã sẵn có? Kính thầy từ bi giảng giải cho con ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Không riêng chánh niệm tỉnh giác mà tất cả yếu tố trong Đạo Đế không có yếu tố nào do cái ta ảo tưởng rèn luyện mà thành được cả, tất cả đều vô ngã, đều là pháp tự nhiên, sẵn có. Những yếu tố này luôn tự ứng để hóa giải sự lăng xăng tạo tác của cái ta vô minh ái dục. Nhưng khi cái ta vô minh ái dục còn lăng xăng tạo tác thì nó tưởng là nó đang cố gắng rèn luyện để tự hoàn thiện chính mình, mà không biết rằng nó đang hình thành Tập Đế, hành trình của luân hồi sinh tử, hoàn toàn trái ngược với Pháp Tự Nhiên vô ngã, vô vi của Đạo Đế. Những yếu tố Đạo Đế luôn Vô vi, Vô tác, Vô cầu, nghĩa là không do cái ta ảo tưởng lăng xăng tạo tác nữa.
Ngày gửi: 19-01-2012
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con ở trong trạng thái giống như lúc ngồi thiền đã lâu nhưng hôm nay con muốn hỏi thầy, xin thầy từ bi giảng giải cho con ạ. <p>
1. Trong lúc làm những việc như rửa chén, đi bộ, tập thể dục,… khi tâm con rỗng lặng trong sáng, con hay biết nhiều thứ bên ngoài cũng như trong thân, có khi con thấy rất bình thản, nhưng có khi biết nhiều thứ con thấy hơi mệt tâm.<p>
2. Những cảm giác như vibrant trong thân hay những nhịp đập trên cơ thể có chỗ bị stiff,… như vậy có bình thường không hay là con có bị bệnh gì? <p>
3. Nếu một lúc con hay biết nhiều thứ sanh diệt nhanh như vậy thì con phải nhìn đối tượng nào từ lúc sinh cho đến lúc diệt, hay chỉ biết được gì thì biết? <p>
4. Tham sân vọng tưởng rất nhiều, sự hay biết pháp bên trong bên ngoài như vậy thì con phải niệm cái gì hay chỉ mặc kệ chúng? <p>
Kính thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Nếu biết với tâm rỗng lặng trong sáng một cách tự nhiên thì không mệt, nhưng khi khởi lên cái tâm muốn biết thì liền có người biết và đối tượng được biết và mệt sẽ đến ngay.
2) Những cảm giác như vậy cũng bình thường, tuy nhiên chúng có thể phát sinh do điều kiện của cơ thể lúc đó, hoặc do ảo giác tâm lý khi yếu tố tưởng trong định hơi nhiều.
3) Tùy tác ý chú tâm của con lúc đó trên đối tượng. Nếu đối tượng là cái toàn thể thì con cứ để mọi thứ đến đi sinh điệt một cách tự nhiên mà không cần để ý một đối tượng nào, còn nếu đối tượng là một sự kiện nổi bật thu hút sự chú ý của con thì con chỉ thấy sự sinh diệt của pháp đó mà thôi.
4) Không quan trọng là niệm cái gì hay đối tượng nào, nhiều hay ít, cũng không mặc kệ chúng, mà là tâm có chánh niệm tỉnh giác hay không. Tâm có chánh niệm tỉnh giác thì đối tượng nào cũng đều là thực tánh cả có gì mà phải ngại.
Ngày gửi: 14-12-2011
Câu hỏi:
Kính Bạch thầy, con nhận biết con là người nhu nhược. Kính thầy chỉ dạy cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thường tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác thì sẽ hết nhu nhược được thôi. Nhu nhược mà biết mình nhu nhược tức là không nhu nhược rồi.
Ngày gửi: 08-12-2011
Câu hỏi:
Thưa thầy! Một người thấy rõ vô ngã, thì ý thức của người đó không còn chấp trước vướng mắc vào một pháp nào nên người đó luôn thanh thản và an lạc, không còn tham ái nên không còn nhân muốn hiện hữu để tái sanh nữa, con hiểu như vậy có đúng không ạ? <p>
Khi tu tập thiền minh sát một thời gian thì mình có thể không bị các cảm xúc và tư tưởng tập khí của mình lôi kéo nữa, mình tự tại chọn pháp thiện để tăng trưởng đưa đến hạnh phúc, pháp ác không nuôi dưỡng nữa. Vậy thấy được pháp thiện ác đó là do ý thức mình thấy, và tu tập là dùng ý thức để tu phải không ạ? Con hỏi như vậy vì con bị hiểu nhầm khi sức tỉnh giác của con còn yếu, con quan sát các tập khí của mình mà không phân biệt thiện ác nên thường làm theo nó và chịu nhiều hậu quả do sai lầm của mình. Con còn hiểu nhầm tu là cứ mặc kệ nó dù an lạc hay khổ đau gì cũng được mình nhận biết cảm thọ đó rồi tách mình ra khỏi nó là hết khổ, có hành động gì nhận biết nó là được mà không cân nhắc thấy đúng sai, không trau dồi giới hạnh nên phải nhận nhiều sai lầm. Xin thầy cho con lời khuyên. Con cảm ơn thầy ạ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Khi tâm đã hoàn toàn sáng suốt, định tĩnh, trong lành không còn cái ngã tham sân si thì không còn tham ái hướng đến chỗ để trờ thành mà đức Phật gọi là sinh y, nên không còn sinh tử.
2) Khi chánh niệm tỉnh giác chưa đúng thì tâm còn bị lý trí vọng thức xen vào nên chưa có đủ trí tuệ minh sát để thấy rõ đúng sai thiện ác do đó vẫn còn bị đúng sai thiện ác chi phối. Khi chánh niệm tỉnh giác đúng thì sẽ thấy rõ bản chất thật của đúng sai thiện ác và không bị ý niệm đúng sai thiện ác chi phối nữa.
3) Người mặc kệ đúng sai thiện ác là do bị tâm si chi phối, phóng dật giãi đãi, thất niệm bất giác, nghĩa là người đó hoàn toàn không có tinh tấn chánh niệm tỉnh giác. Tâm thấy rõ thiện ác thì biết rõ điều gì nên làm điều gì không nên làm mà không bị dính mắc không chấp trước khác hẳn với tâm si không thấy rõ thiện ác và buông lung phóng dật theo chúng.
Ngày gửi: 03-11-2011
Câu hỏi:
Kính bạch thầy, <p>
- Trong cuộc sống hằng ngày con người hoạt động giao tiếp với rất nhiều sự tiếp xúc, va chạm với thực tại có thể đã và sẽ có thể con người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi môi trường mà người đó sống và giao tiếp. <p>
- Bạch thầy, con vốn là một tri thức trẻ, con tốt nghiệp đại học ngành kế toán và đã đi làm được gần 10 năm. Trong khoảng thời gian 4 năm trở lại đây, trong thân tâm con luôn bị xáo trộn bởi những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ những giấc mộng, những giấc mộng cứ xảy ra liên tục và những giấc mộng đó trở thành hiện thực trước mặt con hoặc rất xa ở bên tận các nước ngoài trong khoảng một thời gian gần nhất sau đó (3 hôm hoặc 1 tuần sau đó). Điển hình trong một đêm con nằm ngủ mộng thầy "con đi qua một con đường vắng vẽ, nhưng khi con quay trở lại thì vô tình chân con chạm phải một cái quan tài của người chết. Đàng trước cái quan tài đó có 3 cây đèn cầy (cây nến) đang cháy rất sáng và một bát hương, con lại bưng bát hương đó đi một đoạn, rồi vía con nghĩ tại sao phải bưng bát hương của người khác đi. Thế là con quay lại để bát hương đó ngay chỗ cũ và tỉnh giấc". Qua hôm sau khoảng 4 giờ chiều con chạy xe ngay qua một con đường thì thấy rất đông người vây quanh đứng xem canh đường, con dừng xe lại và hỏi mới biết được đó là vụ "3 người đàn ông khoảng độ 34 tuổi chết dưới nước cách đó vài giờ đồng hồ". Lúc đó con nhớ lại giấc mộng tối hôm qua, chân tay con bủn rủn đứng muốn không vững vì sự trùng hợp này. Và còn rất nhiều giấc mộng đã xảy ra hiện thực như thế trước mặt con và xa tận ở nước ngoài. Tư duy con luôn bị xáo trộn vì những giấc mơ như thế.<p>
- Bạch thầy, thầy có thể vui lòng cho con một lời khuyên hữu ích. Nếu đó là sự dao động cùng tần số giữa con và thế giới tự nhiên nên con nhận thấy được qua giấc mộng thì phương pháp nào để phát huy những tiềm thức đó không? Và nếu đó là do thân tâm con đã có duyên nghiệp thì con phải làm thế nào để điều đó không tiếp diễn nữa để tâm con không còn vọng động mà chuyên lo cho gia đình và công việc. <p>
Con xin chân thành cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, nếu một người không đủ chánh niệm tỉnh giác để tự tri, tự giác, tự chủ thì thân tâm dễ bị tán loạn hoặc căng thẳng bất an. Hiệu ứng này tác động từ từ nên khó nhận ra, cho đến khi xuất hiện một vài triệu chứng mất tự chủ hoặc đã bị ảnh hưởng bởi những trường năng lượng bên ngoài thì sự xáo trộn đã đến thời kỳ báo động. Giấc chiêm bao là một trong những triệu chứng đó. Đây không phải là một sự linh cảm của tánh biết khi tâm rỗng lặng trong sáng, vì như thế thì đã không có sợ hãi, mà là hiện tượng "đài" yếu nên bị nhiễu sóng mà nhận thông tin của "đài" khác.
Sự cảm ứng với những "trường năng lượng âm" này thường là do thần kinh bất ổn hay suy nhược bởi nguyên nhân căng thẳng trong công việc hoặc trong những bức xúc lâu dài về bản thân, gia đình hay quan hệ xã hội tích lũy mỗi lúc một ít mà không tự tri và tự chủ được. Đây là tình trạng chung của con người trong xã hội văn minh hiện đại. Kiến thức ngày nay phần lớn có tính kỹ thuật để ứng phó trong công việc kiếm sống hơn là tính nhân văn trong giáo dục đạo đức xử thế hoặc tính lương tâm trong nhận thức về ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
Do đó ngọn lửa tâm linh trong nội lực tự sinh mỗi ngày một tàn lụn! Tinh thần bị chi phối bởi quá nhiều điều kiện vật chất, quan hệ xã hội, môi trường ô nhiễm và nhiều mối đe dọa khác... làm sao không bất an căng thẳng và xáo trộn được. Vậy cách tốt nhất là phải quay lại tự biết mình trong mọi hoạt động bên trong cũng như cách đối nhân xử thế bên ngoài. Hãy sống trọn vẹn tỉnh thức với chính mình và hoàn cảnh xung quanh, để mọi việc đến đi phải hoàn toàn minh bạch thì mới mong thoát khỏi tình trạng xáo trộn bất minh này. Và đó chính là yếu tính của thiền.
Ngày gửi: 29-10-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy, vì sao con hay quên, nhiều khi con mới nghĩ ra chuyện gì đó, con muốn nói, nhưng con đi xuống nhà sau để làm việc gì đó thì lại quên hồi nãy ở nhà trên mình nghĩ sẽ làm việc gì nữa. Con nhờ Thầy chỉ cách chữa chứng tâm bất định này. Con cảm ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Sở dĩ quên là do khi hành động nói năng suy nghĩ thiếu sự biết mình, thiếu sự trọn vẹn với từng giây phút để tâm không bị chi phối bởi những chuyện khác. Chỉ cần thận trọng, chú tâm, quan sát hoặc tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác đối với mọi hoạt động của thân tâm thì sẽ ít quên hơn.
Ngày gửi: 17-10-2011
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy.
Khi không còn tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác thì trở về hiện tại.
Khi không còn định tĩnh, sáng suốt, trong lành thì mọi pháp hiển bày.
Quả là "Chỉ còn kẹt một niệm Ngộ, muôn kiếp ở bến mê"
Con kính xin đảnh lễ Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong thực tánh chân đế
Không nói ngộ nói mê
Nhưng để cứu người mê.
Phật chỉ đường giác ngộ.
Do đó trong rốt ráo thì không có gì để nói, nhưng đã nói thì thầy sẽ nói là:
Khi không còn cái ta tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác thì tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác tự trở về thực tại. Khi không còn cái ta sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì sáng suốt, định tĩnh, trong lành liền trở về tánh biết. Ở đó không có mê nên cũng không cần ngộ.
Ngày gửi: 16-10-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy! Con xem câu hỏi ngày 12/10 thấy vị ấy thực hành theo lời dạy của Thầy: sáng suốt, định tĩnh, trong lành và vị ấy ngay lập tức đạt được "tâm con tâm rỗng lặng, trong sáng, con có cảm giác như từng tế bào trong cơ thể rung lên và thật sự an lạc". Vậy, kính xin Thầy chỉ dạy cho con phương pháp thực hành với ạ! Có phải vị ấy đã tu học và tu hành từ lâu rồi mới được như vậy không thưa Thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cũng không phải là vị ấy đã thực hành lâu mà là thực hành đúng. Nhưng trước hết con phải chịu khó nghiên cứu lại cho kỹ để hiểu đúng rồi mới hành đúng như vị ấy. Nếu thực hành lâu mà không đúng thì lại càng khó sáng suốt, định tĩnh, trong lành được.
Vậy con cứ xem lại các câu Hỏi Đáp trước đây, đọc những bức Thư Thầy Trò và đọc thêm các cuốn sách thầy viết trong mục Thư Viện, đồng thời con vào Pháp Thoại nghe thầy giảng để thấm nhuần từ từ rồi tự nhiên con sẽ sống sáng suốt, định tĩnh, trong lành không khó khăn gì. Khi nào có kết quả nhớ cho thầy biết.
Ngày gửi: 12-10-2011
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, khi con thực hành theo lời dạy của Thầy: Sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì ngay lập tức tâm con rỗng lặng, trong sáng, con có cảm giác như từng tế bào trong cơ thể rung lên và thật sự an lạc. Phật dạy: Người tỉnh thức theo con hiểu là sự hiện hữu đầy ý thức. Nhưng khi con thực hành với "sự hiện hữu đầy ý thức" thì có sự căng thẳng, nhức đầu... Xin Thầy từ bi chỉ dạy. Con xin cúi đầu đảnh lễ Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Điều này rất rõ. Cố gắng "hiện hữu đầy ý thức" mà nhiều người cho là tỉnh thức miên mật chỉ là nỗ lực duy trì bản ngã. Trong khi vắng bặt bản ngã thì lập tức sáng suốt, định tĩnh, trong lành hiện hữu, nghĩa là tâm rỗng lặng trong sáng, viên mãn định tuệ. Như vậy tỉnh thức không phải là ý thức của cái ta. Cho dù ý thức có vô ngã đi nữa thì vẫn chỉ là một phần nhỏ ứng ra từ sự tỉnh thức (sáng suốt, định tĩnh, trong lành) của tánh biết tự nhiên. Con cảm nhận như vậy hoàn toàn chính xác. Chúc mừng con.
Ngày gửi: 11-10-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy cho con hỏi ạ! Trong sinh hoạt hàng ngày khi mình làm việc gì đó thì mình hướng tâm vào việc đó, chú ý vào đó hay cứ để tâm tự nhiên, cái gì nổi trội thì niệm cái đó ạ? (con thực sự chưa hiểu điều này ví dụ như khi con rửa bát mà các ý niệm nổi trội, tâm biết các ý niệm này và không niệm việc rửa bát nữa lúc đó con làm gì ạ?)
Do vô minh nên con vẫn chưa hiểu được lời dạy của Thầy. Xin thầy từ bi hướng dẫn cho con. Con xin cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Do con hiểu chữ niệm theo nghĩa "ghi nhận hoặc chú ý đến đối tượng". Rất nhiều người hiểu lầm cụm từ tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác này như là sự cố gắng ghi nhận đối tượng của cái ta muốn biết và muốn đạt được. Nhưng chính khi buông cái ta muốn biết muốn đạt xuống thì tánh biết mới thể hiện chức năng tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác một cách hoàn toàn tự nhiên, trong sáng.
Khi con để ý ghi nhận đối tượng thì liền phân ra người ghi nhận và đối tượng được ghi nhận, vì vậy người ghi nhận luôn muốn nắm giữ đối tượng được ghi nhận. Đó không phải là thấy biết của tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Khi con không chạy theo cái ta vọng động muốn biết muốn được thì mới là tinh tấn, ngay khi đó tâm con liền trở về trọn vẹn với thực tại thân tâm. đó chính là chánh niệm. Khi tâm không ảo tưởng, không thất niệm tức không có gì che lấp thì thấy biết rất trong sáng tự nhiên, đó mới là tỉnh giác. Như vậy, để cho chánh niệm tỉnh giác có thể tự ứng một cách trong sáng thì phải buông cái ta muốn biết muốn được đi mới thấy thực tánh pháp. Nói cách khác, không thất niệm thì tâm tự chánh niệm, và khi chánh niệm thì thực tại tự hiển bày, chứ không phải cái ta cố gắng niệm một đối tượng nào.
Vì vậy, con đừng bận tâm đến đối tượng nào phải chú niệm, vì đó là tính toán của cái ta lý trí rồi. Bình thường con chỉ cần sáng suốt, định tĩnh, trong lành thôi còn đối tượng tự đến tự đi. Khi tâm con rỗng lặng trong sáng thì việc rửa bát, cảm giác mỏi tay, tâm phản ứng bực bội v.v... con đều thấy biết mà chẳng cần bận tâm chú ý vào đối tượng nào cả. Rồi một cái bát trượt khỏi tay thì lập tức phản ứng tự nhiên là tâm con hoàn toàn chú ý vào cái bát đang rơi, và con nhanh tay chụp lấy cái bát đang rơi, nhưng không kịp... cái bát vỡ toang. Đó chính là đối tượng nổi bật. Khi đó có thể con sợ hết hồn hoặc là con giác ngộ ra thực tánh pháp. Điều này hoàn toàn không phải do cái ta lý trí tính toán, mà là hoạt động tự nhiên của tánh biết. Sợ hãi vì có cái ta lý trí xen vào, giác ngộ vì tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng và vô ngã.