Kết quả Tìm Kiếm: Có 92 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'chết & tái sinh'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 15-02-2014
Câu hỏi:
Con xin cúi đầu đảnh lể Sư. Con có đọc cuốn sách Đức Phật & Phật Pháp của Đại đức Narada trong chương 28 có nói về hiện tượng tái sanh và ngài dẫn chứng rất cụ thể về một người sau khi trút bỏ hơi thở cuối cùng thì lập tức tái sanh ngay vào cảnh giới thích ứng với nghiệp đã tạo. Trong truyện cuộc đời ông trưởng giả Cấp Cô Độc vào lúc cuối đời cũng tương tự, sau khi được hai vị đại đệ tử Phật là Trưởng lão Xá Lợi Phất và Tôn giả Anan đến thăm hỏi và thuyết pháp cho ông nghe, sau khi hai vị ra về ông trút hơi thở cuối cùng tái sanh ngay vào cung trời Đâu Suất do phước cúng dường Kỳ Viên tịnh xá và niềm tin vững chắc của ông đối với Phật. <p>
Con có một nghi vấn là con người chết đi thì chỉ cái thân tứ đại tan rã do tính chất vô thường của vạn pháp còn cái tâm thức thì chuyển từ cảnh giới này sang cảnh giới khác trong 6 nẻo luân hồi, riêng các bậc thánh vô lậu thì niết-bàn. Vậy thì nếu nói con người sau khi chết đi phải trải qua 49 ngày hay lâu hơn để cho thần thức tìm cảnh giới thích hợp để tái sanh như vậy có mâu thuẩn với lời Phật dạy không và việc cúng thất 7 tuần cho người thân quá vãng có phải là theo tập tục của dân gian không hay đó là phương tiện để người thân người quá vãng có cơ hội gieo duyên với Phật Pháp? Nếu như vậy thì việc tụng kinh làm phước hồi hướng cho người quá vãng trong những cõi giới nào được và không được hưởng xin Sư khai thị cho con được rõ. Con xin cảm ơn và kính chúc Sư dồi dào sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Không có chuyện thần thức người chết phải đợi 49 ngày để đi đầu thai, mà ai cũng đều tùy duyên nghiệp mà sau tử tâm (cuti) liền đến kiết sinh thức (patisandhi) đi tái sinh ngay, không chậm trể hay chờ đợi ngày giờ nào cả. Tuy nhiên, tái sinh ở cảnh giới nào thì đó là chuyện khác, chứ không phải không tái sinh ngay.
Người chết có thể do duyên nghiệp tương ứng hoặc do sự quyến luyến dính mắc vào đời sống vừa qua mà tái sinh vào cảnh giới Peta (Cõi Âm) hoặc Asura (Cõi Thần) mà người gọi là thân trung ấm là những cõi mà người chết tưởng mình còn như lúc đang sống để trả nợ ân oán chưa dứt, do đó họ còn lảng vảng như "hồn ma" nên người ta tưởng đó là "linh hồn" hay "thần thức" người chết chưa được tái sinh. Thực ra đó vẫn là những cảnh giới 6 cõi, chứ không có tình trạng trung gian nào cả.
Như vậy, việc làm phước hồi hướng cho hai cõi Peta và Asura này là đúng, vì họ rất cần phước báu để đủ lực thoát khỏi những cảnh giới "do tưởng sinh" mà họ đang kẹt trong đó. Việc hồi hướng có hiệu quả đến tất cả 6 cõi tuy nhiên trực tiếp nhận được phước hồi hướng có hiệu quả nhất vẫn là hai cõi giới Âm và Thần này.
Ngày gửi: 12-11-2013
Câu hỏi:
Thưa thầy, con hỏi giùm cho một người bạn không muốn hỏi trực tiếp thầy nhưng muốn xin thầy cho ý kiến. <p>
Hôm nay khi đọc được một câu trong một đoạn truyện tranh có ý nghĩa "tôi muốn làm......... và nếu như tôi có chết thì ít nhất tôi cũng đã cố gắng vì nó", tự nhiên con nhận ra. Từ khi con bắt đầu cố gắng không sợ chết, xem cái chết chỉ là thay một lớp áo thì đó là lúc con bắt đầu sợ được "sinh" ra thêm lần nữa. <p>
Hôm nay con mới thấy rõ điều này, con thấy điều này không ổn bởi vì nếu như đã không sợ "chết" thì sao lại phải sợ "sinh"? <p>
Con xin Thầy nói rõ thêm cho con được tường tận.
Con cám ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Không sợ chết và sợ sinh là hai chuyện khác nhau rất xa. Không sợ chết có nhiều lý do: Đối với người đã giác ngộ giải thoát thì sống chết không thành vấn đề nên không sợ. Đối với người đoạn kiến cho rằng chết là xong nên không có gì để sợ. Đối với người có quá nhiều đau khổ trong cuộc đời này thì chết đi là niềm hy vọng may ra được thay cũ đổi mới, hoặc được chấm dứt những nỗi đau bất tận. Đối với người thường kiến, cho rằng dù chết vẫn còn tồn tại mãi mãi, hay đó chỉ là trở về cõi vĩnh hằng nên không sợ chết. Đối với người tin vào sự tái sinh và tin rằng mỗi kiếp sống là một sự khám phá mới thì họ không sợ chết vì chết là được khám phá những điều mới lạ trong kiếp sau. Đối với người sẵn sàng hy sinh cho tha nhân, cho đất nước, cho lý tưởng của mình thì cũng không sợ chết. Cũng có thể do lòng sân hận, chí báo thù quá cao nên không sợ chết v.v...
Còn sợ sinh lại có lý do khác: Đối với người thấy cuộc đời chỉ là khổ đau không như ý mình nên không muốn tái sinh nữa. Đối với người làm nhiều tội ác thì sợ tái sinh sẽ gặp quả báo. Đối với người thấy từ khi mới sinh ra cho đến khi nhắm mắt lìa đời phải trải qua bao nhiêu là phấn đấu, giành giựt, chém giết, hơn thua bất tận và vô nghĩa cũng không muốn tái sinh. Đối với người không thấy ra ý nghĩa đích thực của sự sống cũng không muốn tái sinh. Đối với người có lý tưởng cao siêu ở một cõi hoàn hảo bên ngoài cuộc sống cũng sợ trở lại đời này. Đối với người thấy tâm sinh khởi tham ái rồi chấp thủ và tạo tác để trở thành là nguyên nhân của phiền não khổ đau luân hồi sinh tử, nên thấy sự nguy hại của tâm "sinh sự sự sinh hà nhược liễu" (hễ đã sinh thì kéo theo sinh sinh mãi biết bao giờ dứt) mà không còn vọng tưởng "sinh y" (chỗ muốn sinh đến) nữa thì đó mới là sợ sinh một cách chân chính.
Ngày gửi: 03-11-2013
Câu hỏi:
Bạch thầy, có phải khi sinh ra thì sẽ có thân xác này, và bắt đầu có cái gọi là tâm, là ngũ uẩn, này kia kia nọ... nhưng mà sau khi chết đi, ta lại phải tái sinh, thân xác về với cái bụi, thế thì cái gì tái sinh để hưởng nghiệp trước kia ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đừng quan tâm đến chuyện cái gì tái sinh. Nếu con thấy được sự diễn biến của thân tâm trong từng giây phút hiện tại một cách rõ ràng thì con sẽ có câu trả lời trong đó. Ngay nơi tâm hiện tại con có thể thấy đâu là động lực tái sinh đâu là lặng lẽ bất sinh. Thấy được điều này chính là liễu ngộ sinh tử và liễu thoát tử sinh. Còn dù thầy có nói ra cái gì tái sinh thì cũng chỉ là kiến thức để thỏa mãn sự tò mò của lý trí, không thể giải toả được khối phân vân nghi hoặc.
Ngày gửi: 13-09-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Sư, con có 1 vướng mắc xin Sư gỡ giúp con! <p>
Trong Kinh có dạy, A-la-hán là bậc không còn tái sinh lại nữa. Theo lời dạy này rất dễ làm cho người đọc hiểu rằng đích đến cuối cùng của sự giải thoát là mất đi hay chết đi vĩnh viễn, vì không còn tái sinh, luân hồi? Mà như vậy thì có rơi vào đoạn kiến hay thường kiến không? <p>
Vậy phải hiểu lời dạy đó như thế nào để không rơi vào tà kiến?
Kính cám ơn Sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu con hiểu luân hồi sinh tử chính là cái tâm vô minh ái dục luôn đánh mất thực tại để sinh khởi vọng cầu và nỗ lưc tạo tác để trở thành... chính ảo tưởng của mình, thì Alahán có nghĩa là tâm trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại, không còn sinh vọng động tạo tác để trở thành nữa. Không còn bị ràng buộc trong vọng động tạo tác để trở thành bất kỳ điều gì chính là Alahán, cho nên Alahán được gọi đó là vô vi, vô ngã hoặc vô sinh, mà đã vô vi, vô ngã, vô sinh thì ai và cái gì tạo tác để "tái sinh"?
Tóm lại, không tái sinh chứ không phải ý niệm không tái sinh như chúng ta nghĩ. Đức Phật dạy ngay đây, trong cái thân một trượng này thế giới tập khởi và thế giới đoạn diệt, hay nói cách khác nếu ngay tử và không còn luân hồi tái sinh, chứ không cần tưởng tượng xa xôi ở kiếp tương lai làm gì cho phí công vô ích. Vậy, bây giờ ngay nơi thực tại thân-tâm-cảnh con đang thấy gì? Sinh hay không sinh?
Ngày gửi: 29-10-2012
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy cho con hỏi khi chết xác thân tan rã thì: sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không còn, vậy cái gì đi luân hồi để có ra đời sau.<p>
Mong thầy giải thích, con cảm ơn thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nói 5 yếu tồ ấy còn cũng không đúng, nói không còn cũng không đúng, nói vừa còn vừa không cũng không đúng, nói không còn không không cũng không đúng. Vậy làm sao con quyết chắc là không còn? Theo thầy thì con nên thấy hoạt động của 5 yếu tố này đang diễn ra nơi con như thế nào để không mê lầm, không bám chấp và không khổ lụy thì tốt hơn, còn chuyện sau khi chết 5 yếu tố đó ra sao thì cứ để pháp lo, con lo làm gì cho mệt!
Ngày gửi: 16-03-2012
Câu hỏi:
Thưa Thầy, qua câu trả lời của Thầy con hiểu rằng MA tức là MA CHƯỚNG do mình vô minh chưa thấu triệt được LÝ DUYÊN SINH nên CHẤP HỮU... Chứ MA ở đây không phải là MA như mình thường nghe nói phải không ạ? Mình chấp có MA sau khi mình chết có phải là chấp THƯỜNG không? Mong thầy từ bi giải nghi cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có 5 loại ma: 1) Phiền não ma 2) Ngũ uẩn ma 3) Hữu vi ma 4) Thiên ma 5) Tử ma. Nói chung ma nào cũng đều là ma chướng nhưng trong 5 loại ma này vẫn có "ma" mà người đời thường nói được gọi chung là thiên ma.
Người chết đi vẫn còn nghiệp thì vẫn còn tục sinh làm người ở cõi dương, làm ma ở cõi âm hay làm chư thiên ở cõi trời dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Tục sinh là sự biến đổi của thân tâm (danh sắc) theo nghiệp nên không thể gọi là chấp thường, ngược lại nếu cho rằng chết là hết không còn tục sinh nữa thì gọi là chấp đoạn.
Ngày gửi: 28-02-2012
Câu hỏi:
Thưa Thầy! Nếu như một người thật sự vừa tin Phật, vừa tin Chúa và người đó chọn theo 1 lúc 2 tôn giáo: Phật giáo & Thiên Chúa giáo. Vậy xin hỏi Thầy, khi người đó chết đi linh hồn người đó sẽ đi về cõi nào? Cực Lạc của Phật hay Thiên đàng của Chúa ạ? Tại vì con nghe nói 1 linh hồn không thể nào một lúc đi về 2 cõi được.
Xin cảm ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thiên Đàng, Cực Lạc, chỉ là cách gọi tên thôi. Phật giáo, Thiên Chúa giáo chỉ là hệ thống tổ chức Tôn giáo và Giáo lý thôi. Trên thực tế Chân Lý vẫn là một đối với người đã giác ngộ. Giống như người miền Trung gọi là củ sắn thì người miền Nam gọi là củ mì, còn người nào ăn củ đó rồi thì mới thấy chỉ là một củ thôi. Vì vậy thầy mới nói: khi còn tranh cãi nhau về cách lập ngôn hay còn chấp giữ hệ thống lý thuyết riêng của mình thì vẫn còn chưa thấy Chân Lý. Lúc thầy qua Úc, có một tín đồ Thiên Chúa giáo đến nghe pháp và xin quy y Tam Bảo với điều kiện vẫn được tin Thượng Đế. Cuối cùng người ấy xin quy y khi hiểu rằng Thượng Đế chính là Pháp trong Phật giáo, cả hai từ khác nhau nhưng đều chỉ Chân Lý Rốt Ráo. Chính ý niệm của con người chia cắt manh mún Sự Thật thành cái của tôi và của anh mà thôi.
Ngày gửi: 17-02-2012
Câu hỏi:
Thưa thầy, con chiêm nghiệm và gặp một số điều khó hiểu. <p>
Những người bị mắc bệnh về trí não như tâm thần, điên... (theo cách gọi của y học) thì là bất hạnh vì không còn minh mẫn để tu học hay là họ hạnh phúc hơn chúng ta vì không bị tham sân si trói buộc? <p>
Khi chúng ta ngủ thì tánh biết còn hoạt động không? Tại sao con không biết rằng mình đang ngủ giống như biết mình đang ăn uống đi lại...?<p>
Tánh biết hay tâm, hay ý thức... có phải chính là não bộ của chúng ta không? Vì một người khi về già hoặc bị bệnh thần kinh thì không còn biết nữa. <p>
Theo Phật giáo thì linh hồn sẽ đi đầu thai sau khi chết vì họ chìm trong luân hồi sinh tử, vậy tại sao chỉ cần biết được hiện tại mà có thể chấm dứt được luân hồi?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Một người đang thọ quả khổ thì hạnh phúc gì được? Người đang bị bệnh tâm thần thì không hẳn đã không phản ứng với tham sân si hay không bị tham sân si trói buộc như con nghĩ.
2) Khi ngủ thì 6 thức không hoạt động ở mặt nổi nhưng tâm (tánh biết) thì vẫn hoạt động ngấm ngầm bên trong ở dưới trạng thái bhavanga. Thậm chỉ trong lúc ngủ dễ linh cảm hay cảm ứng tốt hơn cả lúc 6 thức hoạt động bên ngoài.
3) Não bộ chỉ là phương tiện để tâm sử dụng thôi chứ nó không phải là tâm.
4) Tái sinh chỉ là một phương diện của luân hồi thôi, còn nghĩa chính của luân hồi là quá trình vô minh--> Ái --> Thủ --> Hữu --> Sinh tử. Sinh tử - tử sinh qua kiếp khác gọi là tái sinh còn cái tâm luôn sinh tử tử sinh bất cứ lúc nào mới thật sự gọi là luân hồi. Vì vậy khi trở về với hiện tại tức là ngưng lại hoặc không còn ái - thủ - hữu để luân hồi sinh tử nữa.
Ngày gửi: 14-01-2012
Câu hỏi:
Bạch thầy cho con hỏi: Thần thức để tái sanh qua kiếp sau có phải là cái tôi ảo tưởng mà thầy dạy không? Con xin cảm ơn thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Hầu hết chúng sinh đi tái sinh với kiết sinh thức (patisandhi) đều hàm chứa cái tôi ảo tưởng bên trong, trừ các bậc Thánh Hữu Học, các vị này tuy còn tái sinh vì nghiệp lực dư sót nhưng không còn cái tôi ảo tường nữa.
Ngày gửi: 09-01-2012
Câu hỏi:
Dạ, con thành kính đảnh lễ thầy. Thưa thầy, thông thường thì chúng sanh nói chung khi tái sinh tùy theo duyên nghiệp sẽ có 4 hình thức là noãn, thai, thấp, hóa. Riêng con người và thú bốn chân thì là thai sinh, muốn thụ thai phải hội đủ 3 yếu tố: tinh cha, noãn mẹ và thức tái sanh. Tuy nhiên, trong kinh Mi Tiên vấn đáp có nói về trường hợp mẹ của hai vị đạo sĩ Singa và Sankiccha là một con nai cái (trang 319). Trường hợp này con không hiểu. Thưa thầy, có thật là có trường hợp cá biệt không theo nguyên lý thông thường trong cách đi tái sinh không ạ? Kính thầy từ bi giải nghi cho con. Con xin cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Lý trí luôn muốn biết để thỏa mãn óc tò mò, nhưng biết rồi thì cũng chẳng bổ ích gì cả, chuyện đó có hay không chẳng dính dáng gì tới con sao con lại muốn biết làm gì? Thực ra, việc này cũng chẳng có gì khó hiểu. Ngày nay các nhà khoa học có thể cho thụ thai trong ống nghiệm, thụ thai nhờ một người khác sinh giùm v.v... chỉ cần hội đủ 3 yếu tố tinh + noãn + kết sinh thức là được. (Trong trường hợp nhân giống vô tính ở động vật thì chỉ cần nhân sống được kích hoạt cộng với thức tánh vẫn có thể sinh sản). Vậy nếu ngày xưa ai đó có khả năng thụ thai vào bụng nai để nhờ nai sinh giùm thì sao? (Nai sinh chắc chắn là dễ hơn người rồi!). Điều đó đâu có gì trái với quy luật sinh nở. Nhiều người phản đối việc thụ thai trong ống nghiệm chỉ vì lý do tâm lý cho đứa bé hơn là tính sinh học của nó.