Kết quả Tìm Kiếm: Có 94 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'hữu thức & ý thức, tiềm thức, vô thức & Bhavaṅga'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 16-03-2014
Câu hỏi:
Con xin đảnh lễ thầy!<p>
Con xin tạ ơn thầy về câu trả lời "ý khởi lên có hai loại". Thật tình, từ sự quan sát tâm còn yếu kém của con thì những điều thầy trả lời con chưa thông suốt lắm. Về loại ý thứ hai thì con đã hiểu nhưng còn loại thứ nhất và "ý nghiệp nương đó mà hình thành" con còn mập mờ về mối quan hệ giữa chúng. Kính mong thầy từ bi chỉ dạy! Con xin tri ân thầy!<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi ý vô nhân khởi lên, đó là tập khí quá khứ hay còn gọi là pháp trần đọng lại trong tiềm thức bhavanga (Duy Thức Luận gọi là những chủng tử trong a-lại-da thức) tự nó không tạo ý nghiệp được vì nó thuộc tâm vô nhân hoặc tâm quả, nhưng nó có thể làm duyên cho ý nghiệp hình thành. Thí dụ tự nhiên một sự việc xảy ra trong quá khứ bỗng tái hiện lại trong con, điều này tự nó không tạo nghiệp gì cả, nhưng qua sự việc đó con lại nổi sân hoặc tham thì tham sân đó mới là ý nghiệp, nghĩa là do duyên sự việc quá khứ tái hiện lại mà con có phản ứng thiện, bất thiện của tâm nên mới hình thành ý nghiệp, và đó mới là ý hữu nhân tạo nghiệp. Con cần quan sát để phân biệt được đâu là ý vô nhân khởi lên như một pháp trần làm duyên hay đối tượng cho phản ứng của tâm, và đâu là ý khởi lên như một phản ứng hữu nhân tạo thành ý nghiệp. Còn cái tâm quan sát biết được các loại ý sinh diệt một cách trung thực như tấm gương phản chiếu thì không hề tạo tác vọng nghiệp gì cả.
Ngày gửi: 09-03-2014
Câu hỏi:
Kính xin Thầy hoan hỷ cho con hỏi. Con học bên Duy Thức nghe các thầy dạy rằng thức thứ 6 (ý thức) là khâu có khả năng tạo tác và cũng là quan trọng nhất, vì nó là "Công vi thủ, tội vi khôi." Ý thức còn được ví như người làm vườn, chăm sóc cho khu vườn tâm. <p>
Con đọc trong sách của Thầy thì hiểu rằng Tư hay hành uẩn (chứ không phải Thức uẩn) mới là có công năng tạo tác.
Con không hiểu rõ lắm về sự liên hệ của hai cách giải thích này. Con kính xin Thầy từ bi hoan hỷ chỉ dạy thêm cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thức trong Duy Thức Học chỉ là tên gọi chung cho 121 tâm theo Abhidhamma, nói cụ thể hơn là 121 hiện tượng hay tiến trình tâm, mà trong đó có nhiều thành tố cấu trúc ra nó, đó là các tâm sở và cũng không loại trừ sự cộng tác không thể thiếu của sắc pháp, nên thực ra tâm là một tiến trình tâm - sinh - vật lý thì đúng hơn. Mỗi thành tố cấu trúc nên một tiến trình tâm đều có tác dụng khác nhau, nghĩa là mỗi tâm sở và sắc pháp ấy có một công dụng cụ thể và đặc thù của nó, như cái nhà là tên chung nhưng kết cấu bởi cột, kèo, vách, mái v.v...đều có tính chất và công dụng khác nhau.
Trong một tiến trình tâm cũng vậy, hành đóng vai quyết định thái độ hành động tạo tác chứ không phải là cái tên gọi tâm thức chung chung ấy quyết định điều đó. Ý thức ví như một nội các có thủ tướng là hành, thủ tướng mới quyết định hành động chứ nội các không thủ tướng thì không là gì cả. Trong nội các tâm thức có 121 bộ, và bộ cũng là nói chung chung thôi còn trong đó bộ trưởng nắm vai chính cùng với sự cộng tác của nhiều nhân sự giữ các chức năng liên hệ mới cộng thành nội dung hoạt động thực của bộ ấy, chứ cái gọi là bộ không làm được gì cả. Vậy nói ý thức là "công vi thủ, tội vi khôi" chỉ đúng chung chung, nhưng nếu không biết "thủ tướng" của nội các ý thức là ai thì làm sao biết được công tội trách nhiệm ở đâu. HÀNH chính là thủ tướng của nội các tâm thức và TƯ là bộ trưởng của mỗi tâm vậy.
Ngày gửi: 19-11-2013
Câu hỏi:
Thầy ơi cho con hỏi, khi nào gọi là tâm, khi nào là không có tâm? Sao có lúc thì là tâm, có lúc không phải là tâm, con không hiểu, xin thẩy hoan hỉ trả lời giúp con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thực ra tâm khi nào cũng có, chỉ là hiện diện dưới nhiều dạng khác nhau mà thôi. Vì người ta chỉ biết có tâm khi nó khởi lên theo đối tượng, còn khi nó không khởi lên thì cho là không có tâm, đúng ra tâm lúc đó ở dưới dạng bhavanga, tiềm thức hoặc vô thức, mà cũng có thể lúc đó là Tâm Bất Sinh, cái tâm luôn chiếu sáng (pabhassara citta) mà đức Phật gọi là "không sinh, không hữu, không tác, không thành". Khi khởi tướng dụng thì có tới 121 tâm khác nhau, người không cảm nhận vi tế ít thấy được tâm xả hoặc tâm si trong trạng thái hôn trầm, và càng không thấy được cái tâm vốn Bất Sinh. Hiện tướng của tâm thì lúc sinh lúc diệt, lúc có lúc không nên còn dễ thấy, vậy mà người không chánh niệm tỉnh giác vẫn không thấy được, huống chi tự tánh của tâm thì không sinh-diệt, không đến-đi, không thường-đoạn, không hữu-vô, làm sao mà thấy, nên nói thế nào cũng đúng, thế nào cũng sai. Tốt nhất là khi nó thế nào con thấy như vậy là được.
Ngày gửi: 18-11-2013
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy, <p>
Trong cuộc sống hằng ngày, con không hề nhớ hoặc nghĩ, vương vấn về một người lúc thời sinh viên đã quen và đã chia tay. Nhưng tại sao trong giấc mơ thỉnh thoảng vẫn thấy người đó xuất hiện (khoảng 3-4 tháng/ lần), và lần nào con cũng vẫn còn ấm ức là tại sao lại chia tay vì không biết lý do. Vậy thì làm sao để có thể quên hẳn chuyện đó đi, vì con biết tiềm thức của con vẫn còn nhớ đến chuyện đó. <p>
Xin Thầy gỡ rối dùm con, con vô cùng tri ân Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chính là vì sự ấm ức đó mà con còn thấy chiêm bao. Khi chia tay con đã gieo vào tiềm thức nỗi ấm ức đó, nó đã trở thành khuynh hướng xung động vô thức, do đó thỉnh thoảng nó trở về trong giấc chiêm bao. Ban ngày con lo nghĩ công việc, gia đình, xã hội v.v... nên dường như con đã quên nó, nhưng ban đêm là lúc nó dễ xuất hiện nhất để nhắc lại nỗi ẩn ức đã chôn sâu trong lòng con. Con đừng lo, thực ra giấc chiêm bao ấy không phải nhắc chuyện quá khứ để con phiền muộn mà nó chỉ làm như vậy để mong giải thoát chính mình ra khỏi cõi vô thức tăm tối mà thôi. Nó cần con giúp hữu thức hoá vô thức để nó được giải thoát. Con nên lắng nghe chiêm nghiệm tiếng kêu cứu của nó để con hiểu ra mà thương yêu thông cảm cho nỗi khổ của nó chứ không nên tiếp tục dồn nó vào vô thức nữa. Tất cả những động tác xử lý sai lầm đều do bản ngã mà ra. Vì vậy đừng có diệt ngọn mà cần phải phát hiện ra gốc rễ của cái ngã tạo tác ra tất cả những ấm ức này. Thường quan sát minh bạch lại chính mình là cách tốt nhất để giải thoát thực tại ra khỏi mọi lăng xăng tạo tác của cái ta ảo tưởng này.
Ngày gửi: 11-11-2013
Câu hỏi:
Kính Thầy! <p>
Mỗi khi ngồi tĩnh lặng để quán hơi thở hay quán tâm mình con thường hay bị mất chánh niệm. Khi có một suy nghĩ (thất niệm) khởi lên con không nhận ra được nó ngay, chánh niệm chỉ trở lại khi dòng suy nghĩ đã "đi được một đoạn". Thưa Thầy, như vậy có phải chánh niệm của con còn quá yếu? Có phương pháp nào để tập luyện gia tăng chánh niệm không?
Mong Thầy từ bi hoan hỷ chỉ dạy cho con. Con chúc Thầy có nhiều sức khỏe!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Phương pháp đã có sẵn nơi mỗi người, biết sử dụng những yếu tố vốn đã đầy đủ nơi chính mình (tự tánh) là được, đừng vay mượn hay lệ thuộc vào bất cứ phương pháp nào của người khác. Do tập khí đã tích lũy lâu ngày trong Bhavanga nên nó sẽ khởi lên như những xung động vô thức, nếu cái tâm thiếu tinh tấn chánh niệm tỉnh giác thì bị dòng thác tập khí này cuốn đi mà không hề hay biết. Đó chính là vô minh nên Phật dạy phải thường quay lại thấy nó như nó đang là (Ehipassiko), thấy tức là minh. Điều này Phân Tâm Học gọi là hữu thức hoá vô thức. Lúc đầu bị vô thức cuốn đi xa rồi mới ý thức lại được, nhưng đừng vội vàng tìm cách xử lý, lấy hay bỏ, vì đó là thái độ tham sân si của bản ngã lý trí, chỉ đẩy tập khí vào vô thức để nuôi lớn nó thêm thôi.
Cứ nhẫn nại mà trở về thấy nó tức đang chuyển hoá vô thức thành hữu thức một cách tự nhiên. Một khối tập khí lớn lao như vậy mà muốn giải quyết được ngay là điều không thể. Đức Phật từ khi khởi tu phải mất 20 a-tăng-kỳ 100 ngàn đại kiếp, một con số không đếm được, mới hoàn toàn Giác Ngộ, còn chúng ta thì cứ hấp tấp muốn thành Phật liền nên mới mãi trôi lăn trong luân hồi sinh tử. Khởi tu giống như học mẫu giáo nếu không muốn đánh vần sai lên sai xuống mà muốn đọc được ngay mới lạ, đúng không? Cứ từ từ mà học bài học tập khí hay phiền não đó đi, chính nó đang giúp con phát huy chánh niệm tĩnh giác, sao con lại muốn có phưong pháp diệt nó đi? Không có nó thì không bao giờ khai mở được trí tuệ nơi tánh biết của tự tâm con. Hãy nhớ "quay về là bến", đừng để rơi vào trong quỹ đạo của cái ngã lý trí luôn lăng xăng cho là, sẽ là, phải là... để rồi không bao giờ thấy được Sự Thật..
Ngày gửi: 05-11-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, <p>
Như vậy con xin được hỏi thêm Thầy là con nên làm thế nào thì mới thận trọng chú tâm quan sát ngay lúc các tâm sinh diệt ạ? Con không rõ là do con chưa tu tập đúng cách hay là con chưa thật sự hiểu đúng ý nghĩa của việc thận trọng chú tâm quan sát, nhưng con chỉ thấy rằng con thường không tự kiểm soát được mình. <p>
Cụ thể là lúc bình thường thì không có gì, nhưng mỗi khi con gặp phải một cảm xúc mạnh nào đó thì thường con như bị u mê hẳn đi mất một đoạn thời gian, đến tận lúc cảm xúc ấy tự nó qua đi thì con mới "tỉnh" lại được. <p>
Vậy con xin hỏi là con cần có phương pháp nào, hay là đọc sách nghe pháp thoại nào thì mới có thể thận trọng chú tâm quan sát một cách đúng đắn ạ? <p>
Con xin cảm ơn thầy và chúc thầy luôn mạnh khỏe ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tánh biết của tâm tự nó có thể ứng ra để tiếp xử đối tượng hay thích nghi hoàn cảnh:
1) Khi con có nhu cầu làm một việc gì thì tánh biết sẽ tự thận trọng chú tâm quan sát để làm việc đó. Thí dụ con cần rót nước sôi vào bình thuỷ thì tự động thận trọng chú tâm quan sát một cách tự nhiên. Hoặc khi con nghe ai gọi thì tự động thận trọng chú tâm lắng nghe. Đối với mũi, lưỡi, thân cũng vậy, khi ngửi, nếm, sờ chạm vào vật gì thì tự có thận trọng chú tâm ứng ra. Đó không phải là ý thức của cái ngã lý trí tò mò, suy đoán, phán xét, tìm cầu hay giải quyết điều gì.
2) Đối với ý, khi con cảm xúc, suy nghĩ, tưởng tượng, hồi tưởng v.v... thì ý thức hướng theo nắm bắt những đối tượng của nó mà quên chính mình, lúc đó ý thức chỉ biết đối tượng chứ không biết mình, nghĩa là chính mình thì để chìm trong vô thức. Tuy nhiên, khi đó tánh biết vẫn lặng lẽ biết hết điều đó nên đến lúc thích hợp sẽ nhắc ý thức quay về với thực tại thân tâm để trọn vẹn biết mình trở lại. Đó chính là bản chất tinh tấn (trở về thực tại), chánh niệm (trọn vẹn với thực tại) và tỉnh giác (biết rõ thực tại một cách trong sáng) của tánh biết.
3) Khi ý thức không để ý hay tập trung vào một đối tượng nào, nghĩa là không nắm bắt tướng chung hay tướng riêng của một đối tượng đặc biệt nào cả thì tâm tự trở về với tánh biết sáng suốt, định tĩnh, trong lành và lúc đó thì đối tượng là tất cả pháp, hay nói cách khác là pháp nào đến đi thì cứ đến đi, tánh biết đều biết mà vẫn không động. Ý thức của cái ta lý trí thì không thể làm được điều này.
4) Khi tâm buông xả, rỗng lặng trong sáng thì đó chính là tự tánh không, vô tướng, vô tác, vô cầu của tánh biết. Nó thoát khỏi mọi hoạt động ý hành của cái ta lý trí để trở về với tự tánh, đó chính là cái tâm mà Đức Phật gọi là Trong Sáng (Pabhassara Citta). Tâm này thì không sinh, không hữu, không tác, không thành (Tiểu Bộ Kinh) nên Ngài cũng gọi là an trú Tánh Không (Kinh Tiểu Không, Đại Không), lúc đó Tâm không, Pháp cũng không. Hoàng Đế Nội Kinh cũng gọi đó là tâm "điềm đạm hư vô".
Vậy con cứ tuỳ nghi tuỳ duyên tuỳ pháp để việc đến thì tâm ứng ra tiếp xử, việc đi thì tâm trở về không, hay "Tuỳ cảm nhi ứng tuỳ ngộ nhi an" là được, đừng cố gắng loay hoay giải quyết theo ý thức của cái ngã lý trí mà chỉ làm cho vọng niệm càng tăng.
Ngày gửi: 17-09-2013
Câu hỏi:
Con chào Thầy và xin đảnh lễ Thầy! <p>
Kính thưa Thầy, con được nghe dòng TÂM nơi ta (một chúng sinh chưa giác ngộ) luôn chảy và sinh diệt trong những đơn vị thời gian rất ngắn, mà TÍNH BIẾT là đặc tính của TÂM, vậy phải chăng tính biết cũng sinh diệt? <p>
Tiến trình tâm này nơi một vị Thánh A-la-hán (đã giác ngộ) có điểm gì khác biệt so với chúng sinh chưa giác ngộ không hả Thầy? <p>
Kính xin Thầy khai ngộ, con xin cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giống như sóng sinh diệt nhưng tính nước không sinh diệt, hoặc nước có thể chảy từ suối qua sông qua biển rồi biến thành hơi, thành mây, thành mưa nhưng tính nước vẫn không đến đi. Tính biết cũng vậy, tuy biểu hiện sinh diệt qua mắt tai mũi lưỡi thân ý, hữu thức, vô thức nhưng vẫn không sinh diệt. Đừng nói là tính biết mà ngay cả tính vật lý như đất, nước, gió, lửa, hư không cũng không sinh diệt như vậy. Đừng nhầm lẫn giữa bản chất với hiện tượng bên ngoài. Giữa không sinh diệt với thường tồn bất biến
Tiến trình tâm một vị Thánh với một người phàm đều diễn ra theo quy luật của tâm nên cơ bản là giống nhau nhưng một bên là tuệ tri với đối tượng là Thánh đế, bên kia là thức tri hoặc phàm tuệ với đối tượng là tục đế. Nói cách khác là một bên tâm thuận theo đạo đế, diệt đế nên sống ung dung tự tại, còn bên kia tâm bị cuốn trôi trong khổ đế, tập đế nên sống ràng buộc đắm chìm.
Ngày gửi: 02-09-2013
Câu hỏi:
Thầy Tôn kính! <p>
Bạch Thầy, con có một thắc mắc xin trình lên Thầy mong Thầy từ bi giảng thêm cho con được hiểu rõ hơn ạ. <p>
Thưa Thầy, con có duyên lành nghe được đoạn pháp Thầy giảng rằng: "Sau một ngày với rất nhiều việc, với rất nhiều sự sinh diệt của thân-thọ-tâm-pháp thì giấc ngủ sẽ có nhiệm vụ sắp xếp và cân bằng lại mọi thứ vì lúc đó tánh biết vẫn tiếp tục làm việc và những nhân đã gieo vào tiềm thức vẫn hình thành quả". Vốn kiến thức ít ỏi và sự trải nghiệm của con thì con chưa thông suốt được "tánh biết vẫn làm việc trong giấc ngủ", mong Thầy giảng thêm cho con đựợc hiểu câu này ạ. <p>
Ví như bản thân con, rất hiếm khi con có đựợc giấc ngủ trọn vẹn và bình yên, lúc thì con cứ hay thấy về thế giới vô hình, lúc thì con luôn bị ám ảnh chuyện lúc nhỏ, chuyện gia đình... Con nghĩ do thần kinh con yếu, sức khỏe không tốt nên con mới bị như vậy. Nhưng khi con nghe Thầy giảng đoạn pháp trên, con tự hỏi phải chăng con không có giấc ngủ trọn vẹn như người khác là do cái Ý, cái SUY NGHĨ của con vẫn làm việc liên tục trong cả giấc ngủ mà vô tình che lấp đi cái tánh biết nên con mới bị như vậy? Con mong Thầy khai sáng cho con. Con xin tri ân và kính chúc Thầy thân Tâm luôn an lạc ạ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Lúc ngủ thì tâm (tức tánh biết) hoạt động dưới dạng bhavanga - tạm xem như tương đương với tiềm thức trong tâm lý học Phương Tây. Nếu ban ngày tâm là hữu thức thì lúc ngủ tiềm thức hoạt động một cách vô thức, chỉ trừ trong giấc chiêm bao được gọi là "ý thức trong mộng". Ý thức trong mộng tuy có vẻ như hữu thức nhưng cũng là một loại vô thức vì nó chỉ tái tạo lại kịch bản đã thực hiện ban ngày trong hữu thức chứ không hẳn là ý thức. Thực ra mộng cũng là một cách sắp xếp lại những dữ liệu trong vô thức giống như chúng ta xem lại đoạn phim về một buổi lễ đã qua để biết rõ lại những diễn biến mà trong buổi lễ chúng ta chưa theo dõi hết vậy.
Việc sắp xếp của tánh biết trong vô thức có phần giống như việc defragment trong máy tính. Giấc ngủ bình yên thì việc sắp xếp dễ dàng hơn vì ban ngày mọi việc đã thông suốt nhờ chánh niệm tỉnh giác nên khi ngủ khỏi phải sắp xếp nhọc nhằn. Còn ban ngày (có thể là trong quá khứ) không ổn định vì thiếu chánh niệm tỉnh giác thì ban đêm phải "xem lại phim" để tìm cách hóa giải. Giống như thao tác trên máy tính có trật tự thì việc defragment sẽ không mất nhiều thời gian và mệt mỏi. Những dữ liệu được đưa vào tiềm thức dù dưới dạng ổn định hay không ổn định đều được sắp xếp lại theo trình tự nhập kho để lưu trữ, nhưng không lưu trữ như kho hàng bất động mà trong kho tiềm thức, dữ liệu được xử lý vô cùng linh động. Tất cả những dữ liệu được gọi là chủng tử này luôn trong quá trình diễn biến từ nhân đến quả như những phản ứng hóa học chứ không phải là những thành phần riêng biệt.
Ngày gửi: 29-06-2013
Câu hỏi:
Con kính chào thầy! Con vừa đọc phần trả lời của thầy cho một Phật tử. Phần trả lời đó như sau:<p>
"Tánh biết chính là khả năng riêng biệt của tâm. Người cõi âm vẫn đầy đủ năm uẩn, chỉ tại người cõi dương ở trong thế giới 3 chiều nên không thấy thôi, vậy tâm họ vẫn hoạt động bình thường trong điều kiện ở cõi họ. Người mê tạm thời không hoạt động trong vùng hữu thức nhưng vùng vô thức vẫn hoạt động nên khi hết mê liền có hữu thức. Giống như tài xế tạm thời không lái được khi xe hỏng máy, anh ta có thể ngủ một giấc cho đến khi xe sửa xong anh vẫn lái lại bình thường, sao nói anh tài xế là chiếc xe hư được?" <p>
Thầy ơi, qua đoạn thầy trả lời này con cứ băn khoăn: Như vậy có tồn tại một thế giới khác dành cho những người cõi âm sao ạ? Vậy nếu theo thuyết nhà Phật thì sau khi chết con người tùy theo nghiệp báo của mình mà vãng sanh. Vậy sao còn cõi của người âm được ạ? Con mong thầy hoan hỉ chỉ giúp con điều băn khoăn này ạ. Con cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đơn giản là vì nghiệp lực của những người này không tái sinh vào cõi khác được mà chỉ có thể tái sinh vào cõi Âm như cõi Peta, Asura v.v... Những cõi đó cũng là cõi tái sinh vậy.
Ngày gửi: 09-06-2013
Câu hỏi:
Thưa Thầy! Đầu thư, con xin được vấn an Thầy ạ!<p>
Gần đây con đọc lại ba cuốn "Sống trong thực tại" và "Thực tại hiện tiền", "Lá thư Thầy" con thấy và hiểu ra nhiều điều sâu sắc mà trước đây con chỉ hiểu phần nào. Con nhận ra đây là cốt tủy của Đạo Phật và là tâm huyết cả một đời tu tập của Thầy. Con thích nhất là bài giảng về ngũ uẩn và sự tạo thành ngũ uẩn. Những hiểu biết này đã giúp con thấy ra và không bị một số tham ái "khó" chi phối. Con rất biết ơn Thầy đã khai sáng cho con, nhất là vấn đề phải thấy ra bản ngã và buông bản ngã mới là con đường tu tập đúng. <p>
Thưa Thầy, trưa nay con bị ngất do một cơn đau bụng bên ngoài nhà vệ sinh. Trong khoảng khắc bị ngã, con thấy ý thức không hề làm chủ được tình huống, con thấy trong tâm lúc đó cũng không có một phản ứng nào cả. Rất nhanh, con tỉnh dậy và thấy mình nằm trên sàn nhà. Lúc đó con đứng dậy và vào nhà vệ sinh, con thấy trong tâm bắt đầu có phán đoán, suy nghĩ về sự việc vừa xảy ra. Con xin hỏi Thầy là tâm hay biết khoảnh khắc lúc con đang bị ngất có phải là tánh biết không Thầy? <p>
Xin Thầy từ bi khai sáng cho con. Con xin cảm ơn Thầy và chúc Thầy khỏe mạnh trên đường hoằng pháp.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tánh biết hoạt động cả khi hữu thức lẫn vô thức. Cái giây phút thấy biết trong sáng đầu tiên khi chưa khởi lên ý niệm nào của bản ngã chính là tánh biết, nhưng sau đó khái niệm của lý trí, tình cảm riêng tư xen vào làm giới hạn tầm nhìn rỗng lặng trong sáng của tánh biết mà hình thành ảo tưởng "ta thấy", "ta biết" ... Thiền nói thấy "bản lai diện mục lúc chưa sinh" chính là chỉ ra tánh biết lúc chưa bị bản ngã che lấp. Con cứ ngay nơi thực tại thân tâm mà thấy thì sẽ trực nhận ra đâu là tánh biết, đâu là vọng thức mà không cần qua kiến thức nào cả.