Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 09-12-2017
Câu hỏi:
Con thành kính đảnh lễ thầy.
Xin thầy chỉ dẫn cho con.
1. Gần đây con bị kẹt vào sự ghi nhận. Do con có ý muốn biết các tâm sinh khởi hoạt động thế nào. Đồng thời con nghe một số bài pháp thoại hướng dẫn thiền Vipassana của các vị cũng nói đến sự ghi nhận đối tượng như nó đang là. Trên thực tế trải nghiệm con nhận thấy trong thái độ dù như là tâm không sinh khởi ghi nhận đối tượng thân, thọ, tâm, pháp nhưng trên thực tế thì thái độ này vẫn là ý trí chứ chưa phải là tự nhiên vô tâm như thầy dạy. Tự nhiên vô tâm như thầy dạy thì mới phát hiện ra thái độ trên còn là lý trí sử dụng cái biết làm ta và của ta. Tự nhiên vô tâm thực sự là trả pháp lại cho pháp, không còn người thấy và đối tượng thấy. Cũng như pháp học và pháp hành cũng phải buông luôn vì còn nắm giữ thì còn khái niệm.
2. Chấp ngũ uẩn: Cái ta thể hiện ở công đoạn Hành. Tuy nhiên các công đoạn Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn thì hoạt động tự động theo quán tính. Như con thấy thì cái ta cũng tội nghiệp vì nó không biết ngũ uẩn mới thực sự chi phối nó mà nó thì lại tạo ra ngũ uẩn mà không biết gì hết.
3. Có một bài pháp hướng dẫn thiền, thầy hướng dẫn là cần phân biệt tập khí và thái độ bằng cái nhìn cái thấy. Bình thường thì ở chỗ không sinh khởi con thấy tập khí sinh khởi tự động rồi thì mơ màng trong đó còn ý thức thì không ý thức được tình trạng này. Nhưng khi ý thức được thì có thái độ muốn ghi nhận, muốn biết dòng tâm đã qua. Hoặc bình thường cũng có nhiều phản ứng tâm tự động như mắt thấy sắc thì liền kéo theo một chuỗi phản ứng trên đối tượng mà chính ý thức cũng không biết tình trạng này. Như con thấy thì ý thức phải đi kèm với cái ta thành ta biết nên cái ta biết rất ít so với các tiến trình tâm khởi lên mà nó không ý thức được…. Con có chỗ không thông được là tập khí khi khởi lên tạo ra một chuỗi vận hành tâm nối tiếp các vấn đề với nhau nhưng sao có thể sinh sôi nảy nở được như là rất hợp lý hoặc trong giấc mơ sao tập khí lại hư cấu được các sự kiện, viễn cảnh rất hoàn hảo… Nhờ thầy khai thị cho con. Con thành kính tri ân thầy. Con chúc thầy luôn mạnh khỏe.
Ngày gửi: 25-11-2017
Câu hỏi:
Con thành kính đảnh lễ Thầy!
Thưa Thầy, con xin được hỏi ạ:
1/ Chánh kiến có thể được gọi là cái thấy không làm khổ mình khổ người, như thế có được không ạ? Và để có chánh kiến chúng ta cần nên học bài học hai mặt trên cuộc đời này để có sự thấy biết những gì nên làm, những gì không nên làm, thưa thầy có phải như thế không ạ? Vì nhiều lúc con sợ cách nói của mình sai hoặc chưa đủ. Mong thầy chỉ thêm cho con ạ.
2/ Thưa Thầy, thực hành thiền tuệ có phải là thuận lợi nhất khi chúng ta ở nơi yên vắng, hạn chế hoặc hạn chế tiếp duyên nhất có thể, như là giữ giới vậy, không nghe ca hát, nói chuyện người khác phái... Vì như thế làm tâm ta dễ bị dính mắc. Thì như thế hành giả sẽ dễ vắng lặng vọng tưởng, trí tuệ sẽ phát sinh.
3/ Bạch Thầy, trí tuệ tự phát sinh do không còn vọng tưởng hay là phát sinh do thấy biết hai mặt cuộc đời ạ?
Con chân thành tri ân Thầy!
Ngày gửi: 24-11-2017
Câu hỏi:
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. Kính bạch thầy, gần đây khi nhắm mắt con thấy có quầng sáng trước mắt, vậy con nên tiếp tục theo dõi hơi thở hay quán sát vầng sáng ạ? Con xin cảm ơn thầy.
Ngày gửi: 20-11-2017
Câu hỏi:
Con chào Thầy. Dạ thưa Thầy có phải là trong định có tuệ và trong tuệ có định, đó là tuệ giác nhà Phật tịch tĩnh trong sáng, còn chỉ có tuệ không thôi hoặc định không thôi thì đó là tuệ thế gian và định thế gian phải không Thầy? Con cảm ơn Thầy.
Ngày gửi: 14-11-2017
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy!
Cho con xin được hỏi 2 câu ạ.
1/ Đối với một hành giả thực hành thiền định thì có thể không có được tuệ giác giải thoát do không hướng đến chánh trí. Nhưng người thực hành thiền vipassanā thì sẽ có chánh trí và cũng có thể đắc định (thần thông) nếu vị ấy muốn có phải vậy không ạ? Thưa Thầy một hành giả thực hành vipassanā có cần phải đi qua tứ thiền không ạ?
2/ Dạ bạch Thầy đối với tâm rỗng lặng, sáng suốt thì cần phải hoàn toàn tự nhiên, như tự tánh của nó, đối với một người nhiều lậu hoặc có thể tự ngộ nhận tâm rỗng lặng thì như thế có phải là ảo tưởng không ạ?
Con rất cảm động khi được Thầy trả lời những câu hỏi của tất cả mọi người trong đó có con, con sẽ cố gắng tu học không phụ lòng Thầy. Con chân thành cảm ơn những câu hỏi của các hành giả cũng như học giả ạ!
Con cung kính tri ân tất cả!
Ngày gửi: 10-11-2017
Câu hỏi:
Kính thầy,
Các pháp thiền đều dẫn đến Tuệ, thấy biết chân tướng của vạn pháp.
Thế tại sao chỉ có Vipassãna là gọi là Thiền tuệ còn Samatha và Samādhi thì không gọi là Thiền tuệ?
Kính xin thầy chỉ bảo.
Ngày gửi: 09-11-2017
Câu hỏi:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch Thầy từ bi cho con hỏi: chữ hỉ trong tứ vô lượng tâm có khác hỉ khi đạt thiền không ạ? Trong tâm con nặng nhiều về tham dục và sân thì con nên chọn đề mục thiền nào ạ?
Ngày gửi: 28-10-2017
Câu hỏi:
Thưa Thầy!
Ngồi thiền lúc đầu cốt lõi là để tĩnh tâm, và khi ngồi lâu ngày sẽ sinh ra tuệ giác, và nếu một người ngồi thiền đủ lâu đã dứt hết những tham ái của thế tục, ví như trái đã chín mùi mà không chịu nhập vào các tầng của thiền định để đạt được quả vị giác ngộ thì cũng như một người học mà không chịu lên lớp phải không thầy?
Ngày gửi: 25-10-2017
Câu hỏi:
Kính thầy con muốn hỏi hiện tượng khi con ngồi thiền thì hay có cảm giác xung quanh mình sáng lên, đôi lúc như nhìn thấy mảng trắng đục như khói luôn thay đổi hình dạng trong nền không gian màu đen bất sinh bất diệt.
Ngày gửi: 24-10-2017
Câu hỏi:
Con kính bạch THẦY,
"Phiền não tức Bồ Đề", "vô minh thực tánh tức Phật tánh", " không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm", “đối cảnh tâm sổ khởi”, phiền não tham sân si là chất liệu trui rèn, nuôi dưỡng trí tuệ giác ngộ! đúng không ạ?
Con xin THẦY giảng giải về trạng thái thiền bệnh (tà định) "trầm không trệ tịch".
Con chân thành tri ân.