Kết quả Tìm Kiếm: Có 53 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'thiền tuệ'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 09-04-2012
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, khi tâm vắng bặt không còn tư tưởng kể cả trong vô thức chợt tánh biết thấy tâm vi tế thú vị với trạng thái đó, sau đó lại still rồi bất chợt tâm lại nói hơi buồn. Tánh Biết biết rất nhanh. Con ở trong trạng thái này hơi lâu trong lúc con đang hoạt động. Nhưng con vẫn thấy hình như có tí yếu tố định, à mà không phải?... Kính Thầy từ bi giảng giải cho con ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đúng là còn vướng chút yếu tố định. Có hai sự tĩnh lặng: Một là sự tĩnh lặng của định, hai là sự tĩnh lặng của tuệ. Trong sự tĩnh lặng của định thì vẫn còn thú vị (hỷ lạc) và sau đó là buồn chán (thoáng chút hôn trầm thụ động). May là đồng thời cũng có sự tĩnh lặng của tuệ nên vẫn thấy rõ, như vậy là tốt, không sao đâu.
Ngày gửi: 07-04-2012
Câu hỏi:
Thưa thầy, khi thiền tuệ ta sẽ nhận biết được những việc làm sai trái, vô minh của mình. Nhưng giai đoạn đầu thì mới chỉ nhận biết chứ chưa thể cắt đứt, diệt trừ mà phải thiền tuệ tinh tấn liên tục thì mới có thể cắt đứt, diệt trừ được những hành động vô minh, sai trái đó phải không ạ?<p>
Có phải vì chưa thể cắt đứt nên mới cần có giới và định để hỗ trợ phải không ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nhận biết bản chất của vô minh ái dục là cách rốt ráo nhất để diệt trừ vô minh ái dục. Giới và định cũng chỉ giúp trí tuệ nhận biết bản chất thật của vô minh ái dục mà thôi. Nếu tu hành tinh tấn nhưng không có trí tuệ thì vẫn không diệt trừ được vô minh ái dục.
Ngày gửi: 03-04-2012
Câu hỏi:
Thưa thầy, con không biết tìm ở đâu bộ giới luật chi tiết của tỳ kheo, sa-di. Xin thầy chỉ cho con nơi có thể đọc được chúng.<p>
Thưa thầy, trong định có tuệ là gì, trong tuệ có định là gì. Một người chỉ tu thiền định, chỉ tu thiền tuệ thì trong trạng thái thiền có gì khác với trong định có tuệ, trong tuệ có định?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Con đọc Luật Xuất Gia của Ngài Hộ Tông, Tứ Thanh Tịnh Giới của Ngài Bửu Chơn, Gương Bậc Xuất Gia của Sư Hộ Pháp, Luật nghi Tổng Quất của Sư Giác Giới.
2) Trong giới định tuệ chế định thì có thể tu chú trọng vào giới, định hoặc tuệ nhưng cũng không thể tách rời hai yếu tố kia. Khi nói tu thiền định có nghĩa là chú ý đến yếu tố định nhiều hơn chứ không phải không cần giới và tuệ. Tuệ trong định là biết cách sử dụng tầm tứ trên đối tượng. Khi nói tu thiền tuệ tức chú trọng vào yếu tố tuệ nhiều hơn nhưng vẫn có giới có định. Định trong tuệ là sự trọn vẹn của chánh niệm trong các niệm xứ. Chỉ khi vượt lên mức "adhi" thì giới định tuệ tự tánh mới hài hòa viên mãn trong sự sáng suốt định tĩnh trong lành trọn vẹn đối với tất cả pháp.
Ngày gửi: 24-02-2012
Câu hỏi:
Con kính lễ thầy, từ dạo trước đến nay con luôn theo dõi những lời thầy dạy trong phần hỏi đáp này và chiêm nghiệm. Đó là những lúc con có thể nhìn lại mình trong giây lát. Hằng ngày con bị cuốn vô công việc từ sáng đến tối, nên việc chú tâm quan sát của con thực hành không được nhiều. Thời gian 1 ngày cứ trôi qua thật nhanh, lúc con về đến nhà lo việc cá nhân xong, nằm lên ghế chút là chìm trong giấc ngủ vì đã thấm mệt, mở mắt ra lại đi làm. Con tự thấy mình thật lãng phí thời gian của 1 đời người vì việc tu tập không được là bao. Không phải con tham công việc mà vì con phải làm suốt như vậy thì mới đủ tiền trang trải và phụ giúp gia đình. Trước khi chăm lo cho đời sống tâm linh của mình con muốn mình làm chút gì đó cho cha mẹ đỡ cực khổ, đây là mục tiêu con đặt ra cho mình khi mới biết đạo. Vì thiếu ngủ, stress nên con thấy mình dễ có ý sân si, tuy ít khi thể hiện ra khẩu và thân nhưng nó lại khổ vô cùng thầy ạ, rồi con lại biết mình như vậy là mâu thuẫn, cố gắng học và làm để có lương cao để rút ngắn thời gian. Cuối cùng có thể thoát ly mọi dính mắc mà tu tập (con biết con còn yếu lắm, dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, mỗi lần đối đầu với "sự" là con thường bại trận, cho nên tự mình độc lập nơi xứ thiền là tốt nhất). Mong thầy cho con vài lời chia sẻ. Con xin cảm ơn và hằng mong mọi sự an lạc được phát sanh đến thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vậy là con chưa đọc cuốn "Sống Trong Thực Tại" rồi, hoặc nếu có đọc thì đọc chưa kỹ. Nếu con biết cách làm bất cứ việc gì trong tình huống nào cũng luôn tự biết mình, thấy rõ thân hành, cảm thọ, trạng thái tâm v.v..., ngay lúc đó thì chính là con đang hành thiền tuệ, và nếu con biết cách buông xả, thư giãn cho thân tâm nghĩ ngơi vô sự sau khi làm việc căng thẳng, rồi dần dần con biết cách làm việc trong buông thư thanh thản thì đó chính là thiền định rồi chứ đâu cần trú vào thiền định nào nữa để cho càng tạo ra mâu thuẫn thêm với đời sống hàng ngày? Hãy chú tâm vào hiện tại, đừng mất công loay hoay tìm cách giải quyết. Trọn vẹn với thực tại một cách định tĩnh sáng suốt chính là định tuệ là chánh niệm tỉnh giác đó con, đừng tìm kiếm điều gì bên ngoài thực tại để chỉ rơi vào ảo tưởng mà thôi.
Ngày gửi: 27-12-2011
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con xin Thầy giải đáp cho con thắc mắc trong quá trình ứng dụng pháp hành. Trở ngại của con là 9 năm hành thiền định, dù 2 năm nay con hành thiền quán. Trong vi tế, cái ta tạo tác vẫn muốn thấy các pháp như nó đang là nhờ yếu tố thiền định không tự nhiên nên con bị knock out liên tục. Con ngã gục thì mới nhìn ra được và thay đổi thái độ hành vi mà trước con vẫn tưởng là quán, bởi vì có khi là định, có lúc là quán nên con bị lầm. Con nhận ra rằng, chẳng cần định quán gì cả mà cứ bình thản trên các đối tượng của vạn pháp mà lặng lẽ hay biết như nó đang là, thật sự tâm rỗng lặng trong sáng, thì đó mới là thiền quán có đúng không ạ? Khi tâm suy nghĩ thì con cứ thản nhiên không có một thái độ tích cực hay tiêu cực thì sự thấy biết thân tâm trần cảnh không ngăn ngại. Xin thầy từ bi dạy dỗ thêm cho con. Kính Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Các phương pháp thiền định và thiền quán đều thuộc pháp chế định. Thiền Vipassanà thực sự không thuộc pháp chế định nên không lệ thuộc vào phương pháp. Danh tự biết sắc, hay tánh biết tự biết pháp vốn rất tự nhiên vô ngã. Tánh biết tự đầy đủ tính chất sáng suốt, định tĩnh, trong lành nên chỉ cần lặng lẽ chiếu soi là đã gồm đủ giới định tuệ rồi, không cần rèn luyện theo phương pháp nào cả. Chính con đã thấy, các phương pháp chỉ để dành cho căn cơ của một số người ở một thời điểm nào đó, đến một lúc nào đó phải thoát ra, nếu cứ bám vào phương pháp thì sẽ trở thành chướng ngại.
Ngày gửi: 21-09-2011
Câu hỏi:
Bạch sư cho con hỏi như thế nào là thiền định, như thế náo là thiền tuệ. Chánh niệm tình giác như thế nào là đúng?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con nên đọc và nghe nhiều hơn những điều đã được giảng trong trang web này. Từ từ rồi con sẽ thấy ra hết thế nào là định, là tuệ, là chánh niệm tỉnh giác, chứ chỉ một vài câu định nghĩa cũng không nói được gì đâu. Thầy tặng con bài kệ này để chiêm nghiệm.
Định là tâm không loạn
Tuệ là tâm sáng soi
Chánh niệm tâm tự tại
Tỉnh giác tánh không mê.
Ngày gửi: 10-06-2011
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con xin có 3 câu hỏi:
1. Thầy có dạy rằng trong Thiền tuệ chỉ cần sát-na định thôi. Con chưa hiểu rõ thế nào là sát-na định và làm thế nào để có sát-na định trong lúc thiền tập?
2. Lúc ngồi Thiền con có thể lấy oai nghi ngồi làm đối tượng thiền tuệ được không, thưa Thầy?
3. Cách đây hơn 10 năm, vào một buổi tối, sau khi mở cửa vào nhà (lúc đó nhà con vừa mới xây xong và gia đình con dọn về ở vài tuần; hiện nay con không còn ở trong căn nhà ấy nữa), mở đèn lên con bỗng thấy có 1 con rắn con (dài khoảng 2 tấc) nằm khoanh tròn ngay giữa nhà, hốt hoảng con lấy dép đập nó chết ngay. Giết nó xong con mới thấy hối hận. Việc này vẫn còn ám ảnh con và thỉnh thoảng con vẫn nhớ lại. Sau này con tu Thiền, nghe Thầy giảng pháp, hiểu biết về luật nhân quả nghiệp báo, về tâm cận tử v.v... trong thời gian gần đây con nhớ lại việc này thường xuyên hơn, ngay cả khi đang ngồi thiền. Con vẫn nguyện rằng xin con được sáng suốt để không tạo ác nghiệp mới và sẵn sàng trả ác nghiệp đã tạo trong quá khứ; sau khi ngồi Thiền xong con cũng hồi hướng công đức đến con rắn kia và cầu mong nó thoát khỏi cảnh khổ, được hưởng an lạc lâu dài. Xin Thầy chỉ dạy con phải làm gì để tâm con không bị việc này ám ảnh.
Con xin cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Chỉ cần buông cái ta lý trí dính mắc trong thời gian thì tâm liền trở về với thực tại, đó là chánh niệm. Khi chánh niệm sát-na định liền có mặt, không cần làm gì để có nó, vì nó đến tự nhiên khi tâm rỗng lặng trong sáng - chánh niệm tỉnh giác.
2) Bốn oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm đều có thể lấy trạng thái hay tư thế của nó làm đối tượng cho chánh niệm tỉnh giác được cả.
3) Thầy có giới thiệu
pháp tạ ơn sám hối trong mục Hỏi Đáp và trong Thư Thầy Trò ở mục Thư Viện. Ngoài ra, việc hồi hướng công đức cho nó và rải tâm từ đến loài rắn như vậy là được.
Ngày gửi: 09-01-2011
Câu hỏi:
Thưa thầy! Trong thời gian gần đây con gặp một hiện tượng lạ nên muốn hỏi thầy. Trong giấc ngủ, thình thoảng toàn thân con có cảm giác "bừng bừng" tỉnh. Mặc dù khi đó con đang ngủ, nhưng con biết rất rõ toàn thân. Cảm giác này "rất rõ ràng" từ đầu đến chân. Hiện tượng này xuất hiện và kết thúc trong vài phút. Khi đó nếu con thích thú chú ý hoặc ngắm nhìn thì sau khi hết, con có cảm giác hơi căng thẳng và đau đầu. Nhưng cũng có một số lần con không đau đầu. Vậy đây có phải là hiệu ứng của pháp hành thiền tuệ không ạ? Con xin thầy cho con lời khuyên ạ. Con cảm ơn thầy nhiều ạ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố mới biết nó phát xuất từ đâu. Ví dụ như quá trình hành thiền tuệ như thế nào, Cảm giác "rất rõ ràng" là cảm giác thoải mái tự nhiên hay có kèm theo phản ứng phụ gì. Giấc ngủ có một loại hoạt động vô nhân của ý giới, nó là một dạng "ý thức" mà Duy Thức Học gọi là mộng trung ý thức. Nói chính xác theo Phân Tâm Học thì nó không hẳn là ý thức cũng không hẳn là vô thức. Dưới hình thức một giấc chiêm bao, nó tái tạo hoạt động của ý thức ban ngày nhưng tự động điều chỉnh sắp xếp lại cho đúng những gì mà ý thức chủ quan của bản ngã đã nghĩ và làm sai. Có những bài toán không giải được ban ngày thì trong giấc ngủ lại giải được. (Tất nhiên cũng có những giấc chiêm bao hư cấu để khẳng định hay biểu lộ bản chất của bản ngã ý chí ban ngày thôi chứ không điều chỉnh nội dung). Tánh biết (tâm) có một khả năng kỳ diệu rất tích cực là khả năng tự động điều chỉnh, cả trong hữu thức lẫn vô thức. Cái biết của vô thức rất "huyền bí" nó hỗ trợ cho cái biết hữu thức rất nhiều. Nếu là hữu thức trí tuệ vô ngã thì rất tốt, nhưng là hữu thức lý trí bản ngã thì chính là kẻ phá hoại tính tự động điều chỉnh kỳ diệu này của tánh biết trong vô thức. Tất nhiên vô thức này là hoạt động trong bhavanga, chứ không phải là vô thức theo nghĩa không ý thức của tâm si.
Đừng xác định gì cả, cứ để vậy mà chiêm nghiệm xem nó cho con bài học gì. Ví dụ như nó cho biết niệm thân là thấy rõ toàn thân như nó là một cách tự nhiên, chứ không phải cố gắng chú ý ngắm nhìn hay tìm kiếm điều gì trong đó một cách chủ quan.
Ngày gửi: 27-12-2010
Câu hỏi:
Thưa Sư. Con xin hỏi:
1. Trong bài kinh Tứ Niệm Xứ Đức Phật nói đến cả thiền định không hay chỉ thiền tuệ (vipassana) thôi ạ? Trong bài giảng Đại Niệm Xứ phần niệm thân có nói đến phép quán xét bất tịnh hay quán xác chết bị phân hủy dần (phần này cũng được ghi lại khá dài trong kinh), cái này là thiền định hay thiền tuệ ạ? Và khi hành giả thực hành loại thiền này thì cần nhìn trực tiếp hay dùng tranh ảnh tử thi cũng được ạ?
2. Con đọc lại một câu trả lời cũ của Sư trong mục hỏi đáp này Sư có nói đến phép quán niệm hơi thở (16 phép quán niệm hơi thở) là để hóa giải thiền định chứ không phải để tu thiền định an chỉ như nhiều người lầm tưởng. Xin Sư giải thích rõ hơn điều này được không ạ? Phiền não của định an chỉ là gì và tại sao phép quán niệm hơi thở lại có thể hóa giải được nó?
Chúc Sư mạnh khỏe và an lạc ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Kinh Tứ Niệm Xứ chủ yếu là để hành thiền tuệ. Nhưng trong đó có nhiều đối tượng vừa có thể là đề mục thiền tuệ, vừa là đề mục thiền định, chỉ khác nhau về cách hành mà thôi. Vì vậy mà nhiều người không phân biệt được hai cách hành đã sử dụng những đối tượng này như đề mục thiền định mà tưởng là thiền tuệ. Đó là khi hành giả tách rời hai pháp tu định và tuệ ra riêng theo chế định, nhưng trong pháp hành thiền tuệ thì định và tuệ 2 yếu tính không thể tách rời nhau. Giống như mặt hồ yên thì soi rõ cảnh, mặt hồ động thì cảnh vật tan mất. Trong thiền gọi hai công năng này là tịch và chiếu.
2) Khi một người đắc định an chỉ về hơi thở, mỗi lần người ấy hành vipassanà thì một số trạng thái của định lại xen vào làm phát sinh 10 chướng ngại gọi là phiền não của thiền tuệ (xem Thư Thầy Trò (9) trong Thư Viện - Văn). Để thoát khỏi 10 chướng ngại đó, hành giả phải vào lại hành trình niệm hơi thở trong thiền đinh, nhưng đến giai đoạn nào thì phải dùng thiền tuệ quan sát rõ trạng thái đó để thoát ra, không để đắm vào trạng thái đó (sắc ái, vô sác ái), nên gọi là phép hóa giải thiền định.
Ngày gửi: 05-10-2010
Câu hỏi:
Thưa Thầy!
Xin Thầy cho con biết sự khác nhau và sự liên hệ giữa Niệm và Định trong thiền quán?
Con xin cám ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong thiền quán giới, định, tuệ đều phải đầy đủ. Trong Bát Chánh Đạo, tinh tấn, niệm và định đều thuộc về định phần, như vậy có chánh tinh tấn và chánh niệm đã là có định rồi. Định trong thiền tuệ chỉ cần sát-na định và tùy thời định chứ không cần an chỉ định (kể cả cận định). Chánh niệm tức là không thất niệm, không tạp niệm và không vọng niệm, nghĩa là trọn vẹn với thực tại thân-thọ-tâm-pháp tại đây và bây giờ. Đó cũng chính là tùy thời định và sát-na định. Người đắc an chỉ định nếu không biết cách hóa giải định này thì sẽ không vào thiền tuệ được. Hầu hết những phiền náo của thiền tuệ đều phát xuất từ định an chỉ. Phật dạy quán niệm 16 hơi thở chính là để hóa giải thiền định chứ không phải để tu thiền định an chỉ như nhiều người tưởng lầm.