Kết quả Tìm Kiếm: Có 43 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'vi diệu pháp & duy thức học'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 18-10-2014
Câu hỏi:
Con thưa Thầy! <p>
Có một Phật tử hỏi ngày 15/10 về việc tìm hiểu Vi Diệu Pháp. Thầy có khuyên lên tìm hiểu về Vi Diệu Pháp giản lược hoặc cương yếu.... Con xin thầy chỉ dạy thêm vì sao lại không nên đi sâu tìm hiểu ạ? Vì hiện tại con đang tự chiêm nghiệm nơi Thân, Tâm mình và muốn đi sâu tìm hiểu!
Con thành kính cảm ơn thầy! Cầu mong thầy luôn luôn mạnh khỏe!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Môn Vi Diệu Pháp có trước hay do người quan sát, chiêm ngoạn thân tâm cảnh mà thấy ra rồi giác ngộ mà nói? Nếu đã do giác ngộ mà thấy thì sao bây giờ con không tự quan sát chiêm ngoạn thực tại thân tâm cảnh mà thấy ra, lại đi tìm chi tiết trong ngôn từ người ta nói?
Ngày gửi: 05-03-2014
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con có 2 câu hỏi xin Thầy giảng cho con hiểu thêm: <p>
1. Trong Duy Thức Học thì tất cả mọi vật và hiện tượng đều do thức tạo ra, vậy thực hành thiền Vipassana làm sao thấy rõ được Thực Tánh Pháp, trong khi thức biến hiện ra tất cả các Pháp? <p>
2. Ý thức (thức thứ sáu) có tạo nghiệp không? <p>
Con cám ơn thầy rất nhiều.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Không phải pháp nào cũng đều do thức biến hiện cả. Chỉ có pháp chế định tục đế mới do thức biến thôi, còn pháp thực tánh chân đế thì vốn sẵn tự nhiên. Nếu pháp nào cũng do thức biến thì chẳng lẽ Niết-bàn cũng do thức biến sao? Thiền Vipassanā chính là trí tuệ chiếu phá (tuệ tri) cái ảo do thức biến (tưởng tri, thức tri) để trả pháp về với thực tánh chân đế.
2) Ý thức đương nhiên là tạo nghiệp nếu nó chưa được thanh tịnh, nghĩa là chưa được trí tuệ soi sáng. Có hai loại trí tuệ: Trí tuệ (tuệ giác) do tánh giác trong sáng thấy rõ thực tánh của mọi pháp và trí tuệ (tuệ tri) do ý thức thuần tịnh phân biệt rõ thực tướng của vạn vật. Theo Duy Thức, lúc đó tánh giác là Đại Viên Cảnh Trí, còn ý thức là Diệu Quan Sát Trí nên không còn biến hiện cảnh giới nào nữa.
Ngày gửi: 01-10-2012
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con là một Phật tử, con muốn tìm hiểu Phật Pháp. Con đọc sách về Duy thức học, con thấy dùng nhiều thuật ngữ quá. Con xin quý thầy có thể chỉ cho con nên đọc cuốn sách nào giảng về Duy thức học một cách đơn giản dễ hiểu không ạ? Con xin thành kính tri ân thầy. Nguyện cầu thầy luôn an lạc, cát tường.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con nên đọc cuốn Duy Thức Học của Tuệ Quang, vị này có thực học về Duy Thức chứ không xem trọng ngôn ngữ lý trí.
Ngày gửi: 07-08-2012
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, xin Thầy hoan hỷ cho con hỏi. Bên Duy Thức họ nói rằng Ý Thức là người làm vườn, và Tàng Thức (Alaya) là thửa vườn, đất trồng. Người làm vườn (ý thức) vun xới, gieo trồng, nhưng chính thửa vườn (tàng thức) mới sinh ra hoa trái (tuệ giác).<p>
Và con nghe bên Duy Thức dạy là mình phải đặt niềm tin vào sự vận hành của tàng thức (Alaya), vì nó phát sinh ra tuệ giác.<p>
Thưa thầy việc ấy có đúng không, và khi thầy nói “để cho pháp vận hành”, điều này có giống với sự vận hành của tàng thức không? Kính xin thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con. Con cũng ngại hỏi Thầy vì có lẽ hơi lý thuyết, nhưng không biết hỏi ai. Con kính cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) không nói như vậy, vì thực ra Tâm (Tánh biết) có 2 phần: Phần hữu thức và phần vô thức. Hữu thức bao gồm hoạt động của 6 thức nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý thức. Vô thức bao gồm hoạt động của Ý Giới mà Duy Thức gọi là Mạt-na thức và của Bhavanga mà Duy Thức gọi là A-lại-da thức. Hoạt động của vô thức tuy rộng lớn hơn hữu thức rất nhiều, nhưng không phải tuệ giác chỉ xuất phát từ vô thức (cũng không chỉ từ hữu thức) mà tuệ giác là tánh biết toàn diện (tâm) bao gồm cả hữu thức lẫn vô thức khi không còn bị cái ta ảo tưởng tham sân si (vô minh ái dục) che ám nữa. Giống như mặt trời tự chiếu sáng khi không còn bị mây che.
Ngày gửi: 06-02-2012
Câu hỏi:
Kính sư, con xin lỗi làm phiền sư. Con có 2 người bạn đạo. Một người nói trong bóng tối không có nhãn thức vì thiếu ánh sáng theo Vi diệu pháp. Người kia nói trong bóng tối cũng vẫn có nhãn thức vì lúc đó sẽ thấy màu đen, đó là cảnh sắc màu đen thôi. Vậy con xin hỏi người bạn nào của con có lý. Có một vị học Trường Bộ Kinh cũng nói là trong bóng tối vẫn có nhãn thức. Con xin cám ơn sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Điều kiện để thấy (nhãn thức) một hình sắc là có ánh sáng, và mắt tốt, nếu mắt không tốt hoặc không có ánh sáng thì không thấy hình sắc ấy, bình thường là như vậy. Tuy nhiên khi không có ánh sáng mắt vẫn thấy bóng tối có màu đen, điều này cũng không sai. Vậy có ánh sáng thì thấy hình sắc, còn không có ánh sáng thì thấy bóng tối, nghĩa là vẫn có thấy (nhãn thức). Có điều lạ hơn nữa là có người mắt bị mù (nhãn cầu bị hư đã thay thế bằng mắt giả) mà vẫn thấy hình sắc, và dĩ nhiên cũng không lệ thuộc ánh sáng. Có người khác bịt mắt để đọc chữ bằng cách sờ vào chữ ấy (không phải chữ dành cho người mù). Và những người có ngoại cảm đặc biệt có thể thấy vật thể nằm sâu dưới đất v.v... và v.v... Vậy tốt nhất là thực kiện xảy ra thế nào thì biết như vậy tốt hơn là tranh luận trên lý thuyết mất thì giờ thôi.
Ngày gửi: 30-10-2011
Câu hỏi:
Kính sư, trong Hỏi đáp ngày 29/10/2011, có 2 đạo hữu hỏi về bệnh quên và tạp niệm của tâm, con rất cám ơn 2 vị và sự chỉ giáo của sư, 2 vị đã hởi giúp con. Giờ con xin sư dạy cho:<p>
Theo cuốn Thực Tại Hiện Tiền phần nói về tương giao của 18 giới, sư có đề cập rằng, trong Duy thức thì sở hữu biến hành tâm có 5, còn trong Vi diệu pháp thì có 7 (thêm nhất tâm và mạng quyền). Nhờ 2 biến hành này mà tiến trình tâm mới nhất quán, không trộn lẫn các tiến trình tâm khác nối tiếp, liên tục với vận tốc cực nhanh (sat-na). Trong VDP, tiến trình tâm là một chương quan trọng, có khảo sát mới nhận ra sự vận hành của tâm thức, còn trong DTH con không thấy đề cập đến. Con tìm trong mục lục sách Duy thức học của HT. Thích Thiện Hoa và Khảo nghiệm Duy thức học của HT. Thích Thắng Hoan cũng không thấy. Vậy có phải DTH không nói về tiến trình tâm mà chỉ có VDP mới đề cập mà thôi? Hay DTH cũng có đề cập nhưng dưới dạng khác, nếu vậy là dạng nào? <p>
Con kính mong được sư chỉ giáo. Con thành tâm đảnh lễ sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tuy đối tượng nghiên cứu của Vi Diêu Pháp (VDP) và Duy Thức Học (DTH) giống nhau nhưng cách trình bày khác nhau. VDP khảo sát sự diễn biến trong vận hành của Pháp (Tâm, tâm sở, sắc, Niết-bàn) cho nên trình bày tâm dưới dạng tiến trình động, còn DTH mô tả dạng thức trong cơ cấu của Pháp (định dạng các thành tố của pháp), nên trình bày tâm dưới dạng sự kiện tĩnh, do đó hai cách trình bày khác nhau. Ví dụ VDP mô tả tiến trình tâm qua ngũ môn với 17 sát-na tâm trong 8 công đoạn: 3 sát-na bhavanga đầu -->1 sát-na Ngũ môn hướng tâm --> 1 sát-na ngũ thức --> 1 sát-na tiếp thọ tâm --> 1 sát-na suy đạc tâm --> 1 sát-na xác định tâm --> 7 sát-na tác hành tâm --> 2 sát-na sao lưu vào bhavanga. Trong khi đó DTH trình bày dưới dạng cơ cấu thành 8 thức riêng biệt: 5 tiền ngũ thức + ý thức thứ 6 + mạt-na thức thứ 7 + a-lại-da thức thứ 8.
(5 thức thì bên giống nhau, còn tác hành tâm tương đương với ý thức, các công đoạn thuộc ý giới như ngũ môn hướng tâm, tiếp thọ tâm, suy đạc tâm, xác định tâm tương đương với mạt-na thức và bhavanga tương đương với a-lại-da thức).
Ngày gửi: 31-07-2011
Câu hỏi:
Kính bạch thầy! Con cảm ơn thầy trả lời thắc mắc của con. Xin thầy cho con hỏi về buổi giảng khóa 7 hôm thầy giảng về tiến trình hướng tâm là có 17 sát-na tâm. Con không hiểu về giai đoạn javana (tốc hành tâm) có 7 sát-na tâm bao gồm những sát-na tâm nào không ạ? Con cũng đọc sách tìm hiểu về thiền tuệ của thầy Hộ Pháp. Con thấy Thầy dùng nhiều ngôn ngữ trong Vi Diệu Pháp, vậy thưa thầy con có nên tìm hiểu Vi Diệu Pháp trước khi thực hành thiền không ạ? Kính thầy từ bi chỉ dạy cho con. Con chúc thầy thân tâm an lạc!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Nội dung Javana gồm nhiều sát-na tâm tùy theo Javana này thuộc tâm dục giới, sắc giới, vô sắc giới hay siêu thế tâm.
2) Môn học Vi Diệu Pháp phân tích chia chể thực tại để có nhận thức đúng về bản chất thực của tâm, tâm sở, sắc, Niết-bàn nên nó có ích cho việc tu tập, Tuy nhiên có hai cách học Vi Diệu Pháp. Cách thứ nhất là quan sát thực tại mà thấy ra. Nhờ cách này mà trước khi có môn Vi Diệu Pháp rất nhiều vị vẫn chứng ngộ Thánh Trí. Cách thứ hai là học qua Tạng Vi Diệu Pháp. Cách này cũng giúp nhiều vị hiểu và hành đúng nên cũng chứng ngộ Thánh Trí. Tuy nhiên, nếu người nào chỉ học để thu thập kiến thức thì đôi khi phản tác dụng, trở thành sở tri chướng, chỉ làm cho họ khó thực hành thiền hơn.
Ngày gửi: 24-05-2011
Câu hỏi:
Thưa thầy, con đọc đi đọc lại quyển Thực Tại Hiện Tiền của thầy giảng do Ban Hoằng Pháp (sư Đức Minh) ở Pháp ấn tống để hướng dẫn con đường tu học. Trong cuốn sách này thầy có nhắc đến môn Vi Diệu Pháp và Duy Thức, con mong được học hỏi, xin thầy chỉ cho cách tìm để có những bài giảng về môn học này.
Kính bái. Trinh Long Hai.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Về môn Vi Diệu Pháp, bước đầu đạo hữu có thể tìm đọc cuốn
Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Abhidhammattha Sangaha) của Luận sư Anuruddha do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch và chú giải. Sau đó, nếu muốn tìm hiểu sâu thêm thì đạo hữu vào trang web
BuddhaSasana sẽ có đầy đủ tài liệu về Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Pitaka) này. Còn về Duy Thức Học, đạo hữu có thể tìm hiểu trước trong
Duy Thức Học Nhập Môn, sau đó vào
Duy Thức Học trọn bộ để tìm hiểu sâu hơn. Nói chung, Vi Diệu Pháp và Duy Thức Học đều có thể xem là môn Tâm Lý Học của Phật Giáo. Thầy có dự định viết một cuốn sách so sánh Vi Diệu Pháp của Nguyên Thủy và Duy Thức Học của Đại Thừa, hy vọng sắp tới sẽ có thời gian để hoàn thành. Chúc đạo hữu tìm được những gì cần thiết cho việc tu học của mình.
Ngày gửi: 25-04-2011
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con không biết nhiều về Vi Diệu Pháp lắm, vậy bắt đầu tu thiền có cần phải học qua Vi Diệu Pháp hay không? Hay chỉ ứng dụng những lời dạy của thiền sư mình theo học rồi trình pháp là đủ?
Vi Diệu Pháp có quan trọng đối với việc tu thiền Vipassanà không?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu học Vi Diệu Pháp đúng hướng có thể giúp chúng ta xóa bỏ những ảo tưởng, tà kiến hay những quan niệm sai lầm về NGÃ và PHÁP, rất có lợi cho thiền Vipassanà. Nhưng nếu học để thu thập kiến thức không thôi thì chỉ làm chướng ngại cho việc chứng nghiệm pháp. Vì vậy, học Vi Diệu Pháp cũng tốt nhưng không nhất thiết phải học Vi Diệu Pháp mới tu thiền Vipassanà được. Trước khi có môn học Vi Diệu Pháp thì nhiều vị vẫn đắc bốn bậc Thánh. Và chính đức Phật tự mình thấy ra bốn đối tượng Vi Diệu Pháp ngay trong thân tâm chứ không học ở ai cả, điều này chứng tỏ cách học VDP hay nhất là hành Tứ Niệm Xứ - Minh Sát Tuệ.
Ngày gửi: 12-01-2011
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con vẫn chưa có khái niệm rõ phân biệt giữa Sắc Pháp và Danh Pháp. Kính mong thầy phân tích chỉ rõ giúp con. Con xin cảm ơn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong pháp học, sắc pháp và danh pháp nói rộng ra thì thành một bộ Abhidhamma (Vi Diệu Pháp). Nhưng trong pháp hành thì thân và thân hành gọi là sắc pháp, tâm gọi là danh pháp. Cụ thể hơn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân gọi là sắc pháp; ý gọi là danh pháp. Hoặc trong ngũ uẩn, sắc thuộc về sắc pháp; thọ, tưởng, hành, thức thuộc về danh pháp. Ví dụ khi đi là sắc thân di chuyển đó là sắc pháp, tâm biết được sắc thân đang di chuyển đó là danh pháp. Như vậy, với chánh niệm tỉnh giác thì khi đi chỉ có sắc di chuyển và tâm biết sắc di chuyển chứ không có ảo tưởng ta đi hay ta biết.