Kết quả Tìm Kiếm: Có 849 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'cuộc sống'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 17-11-2011
Câu hỏi:
Thưa sư, xin cho con hỏi: trong tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, nhà máy phá sản, nhà không bán được, thất nghiệp không có việc làm, bệnh nan y, không có khả năng trả nợ hoặc không đòi được nợ cho vay v.v... Xin sư cho một lời khuyên giúp mọi người không phải khổ tâm về tiền bạc, ngũ dục... và lập lại sự sáng suốt, định tĩnh, trong lành để sống an vui hạnh phúc chứ không phải chỉ biết cầu nguyện và bất toại nguyện.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con người bỏ quên chính mình để không ngừng tìm kiếm những vật sở hữu bên ngoài và xem những vật sở hữu ấy là một phần bản ngã của mình. Nên đến khi những vật sở hữu ấy mất đi thì cũng có cảm giác như mất đi chính minh. Thật ra tất cả những nỗi khổ đau không hoàn toàn tùy thuộc vào phương tiện sống mà xuất phát từ thái độ sống. Thái độ quá dính mắc vào địa vị, danh vọng, tiền tài, tiện nghi vật chất và những mối quan hệ buộc ràng của cái ta ảo tưởng mới là nguyên nhân chính của những nỗi khổ đau. Nếu không buông xuống được thái độ tự đồng hóa mình với tài, tình, danh, lợi thì khổ đau sẽ không bao giờ chấm dứt. Hãy buông xuống và sống trọn vẹn từng giây phút với chính mình trong rỗng lặng trong sáng thì ngay đó sự sống vẫn ngập tràn niềm an vui tự tại.
Ngày gửi: 03-11-2011
Câu hỏi:
Kính bạch thầy, <p>
- Trong cuộc sống hằng ngày con người hoạt động giao tiếp với rất nhiều sự tiếp xúc, va chạm với thực tại có thể đã và sẽ có thể con người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi môi trường mà người đó sống và giao tiếp. <p>
- Bạch thầy, con vốn là một tri thức trẻ, con tốt nghiệp đại học ngành kế toán và đã đi làm được gần 10 năm. Trong khoảng thời gian 4 năm trở lại đây, trong thân tâm con luôn bị xáo trộn bởi những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ những giấc mộng, những giấc mộng cứ xảy ra liên tục và những giấc mộng đó trở thành hiện thực trước mặt con hoặc rất xa ở bên tận các nước ngoài trong khoảng một thời gian gần nhất sau đó (3 hôm hoặc 1 tuần sau đó). Điển hình trong một đêm con nằm ngủ mộng thầy "con đi qua một con đường vắng vẽ, nhưng khi con quay trở lại thì vô tình chân con chạm phải một cái quan tài của người chết. Đàng trước cái quan tài đó có 3 cây đèn cầy (cây nến) đang cháy rất sáng và một bát hương, con lại bưng bát hương đó đi một đoạn, rồi vía con nghĩ tại sao phải bưng bát hương của người khác đi. Thế là con quay lại để bát hương đó ngay chỗ cũ và tỉnh giấc". Qua hôm sau khoảng 4 giờ chiều con chạy xe ngay qua một con đường thì thấy rất đông người vây quanh đứng xem canh đường, con dừng xe lại và hỏi mới biết được đó là vụ "3 người đàn ông khoảng độ 34 tuổi chết dưới nước cách đó vài giờ đồng hồ". Lúc đó con nhớ lại giấc mộng tối hôm qua, chân tay con bủn rủn đứng muốn không vững vì sự trùng hợp này. Và còn rất nhiều giấc mộng đã xảy ra hiện thực như thế trước mặt con và xa tận ở nước ngoài. Tư duy con luôn bị xáo trộn vì những giấc mơ như thế.<p>
- Bạch thầy, thầy có thể vui lòng cho con một lời khuyên hữu ích. Nếu đó là sự dao động cùng tần số giữa con và thế giới tự nhiên nên con nhận thấy được qua giấc mộng thì phương pháp nào để phát huy những tiềm thức đó không? Và nếu đó là do thân tâm con đã có duyên nghiệp thì con phải làm thế nào để điều đó không tiếp diễn nữa để tâm con không còn vọng động mà chuyên lo cho gia đình và công việc. <p>
Con xin chân thành cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, nếu một người không đủ chánh niệm tỉnh giác để tự tri, tự giác, tự chủ thì thân tâm dễ bị tán loạn hoặc căng thẳng bất an. Hiệu ứng này tác động từ từ nên khó nhận ra, cho đến khi xuất hiện một vài triệu chứng mất tự chủ hoặc đã bị ảnh hưởng bởi những trường năng lượng bên ngoài thì sự xáo trộn đã đến thời kỳ báo động. Giấc chiêm bao là một trong những triệu chứng đó. Đây không phải là một sự linh cảm của tánh biết khi tâm rỗng lặng trong sáng, vì như thế thì đã không có sợ hãi, mà là hiện tượng "đài" yếu nên bị nhiễu sóng mà nhận thông tin của "đài" khác.
Sự cảm ứng với những "trường năng lượng âm" này thường là do thần kinh bất ổn hay suy nhược bởi nguyên nhân căng thẳng trong công việc hoặc trong những bức xúc lâu dài về bản thân, gia đình hay quan hệ xã hội tích lũy mỗi lúc một ít mà không tự tri và tự chủ được. Đây là tình trạng chung của con người trong xã hội văn minh hiện đại. Kiến thức ngày nay phần lớn có tính kỹ thuật để ứng phó trong công việc kiếm sống hơn là tính nhân văn trong giáo dục đạo đức xử thế hoặc tính lương tâm trong nhận thức về ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
Do đó ngọn lửa tâm linh trong nội lực tự sinh mỗi ngày một tàn lụn! Tinh thần bị chi phối bởi quá nhiều điều kiện vật chất, quan hệ xã hội, môi trường ô nhiễm và nhiều mối đe dọa khác... làm sao không bất an căng thẳng và xáo trộn được. Vậy cách tốt nhất là phải quay lại tự biết mình trong mọi hoạt động bên trong cũng như cách đối nhân xử thế bên ngoài. Hãy sống trọn vẹn tỉnh thức với chính mình và hoàn cảnh xung quanh, để mọi việc đến đi phải hoàn toàn minh bạch thì mới mong thoát khỏi tình trạng xáo trộn bất minh này. Và đó chính là yếu tính của thiền.
Ngày gửi: 30-10-2011
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con là 1 du học sinh hiện đang học tập ở nước ngoài. Cuộc sống bôn ba đã dạy cho con rất nhiều điều: không nên mừng vội khi mình gặp may hay thành công, cũng như không nên buồn hay chán nản khi thất bại. Chính vì thế trước mọi sự việc con đều bình thản đón nhận. Thế nhưng thưa thầy, cuộc sống của con bây giờ khi ai hỏi con thích cái gì thì con cũng không thể trả lời được, tương lai con muốn làm gì con cũng không thể trả lời được. Vậy có phải con đang mất phương hướng không ạ? Con phải làm thế nào để có thế tìm được cách sống của mình? Thầy có thể chỉ hóa giúp con được không? <p>
Thưa thầy, cuộc sống của gia đình con không được hạnh phúc cho lắm. Mẹ của con giờ đang bệnh nặng, tuy nhiên lại không hề muốn chữa trị. Mẹ con luôn bảo với mọi người là giờ không muốn chữa trị, xác định tư tưởng để đón nhận nó. Mẹ con không chữa, cứ để kệ thế rồi còn bảo là chết sớm được thì càng tốt, được bạn bè đồng tu đưa tiễn mình... Phận làm con, con rất buồn trước suy nghĩ của mẹ con, con có cảm giác như mình là đứa con bất hiếu không thể làm gì để giúp mẹ được. Thưa thầy, con nên làm thế nào để mẹ con có thể thay đổi suy nghĩ được ạ? Con giờ ở xa nên không thể hàng ngày động viên hay ở bên cạnh mẹ con được. Kính mong thầy chỉ dạy cho con. Con xin cảm ơn ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Không ai biết trước được tương lai của mình, do đó xác định được tương lai hay không không quan trọng, mà vì tương lai bắt đầu từ ngày hôm nay do đó quan trọng là con có nhận thức đúng và hành động tốt ngay tại đây và bây giờ hay không mà thôi. Nếu con sống đúng tốt từng ngày thì tương lai của con chắc chắn là đúng tốt, còn nếu ngay bây giờ con nhận thức và hành động sai xấu thì dù có mơ ước một tương lai tốt đẹp cũng không thể nào có được. Mất phương hướng chính là không tự biết rõ mình ngày hôm nay.
2) Mẹ con có quyền quyết định thái độ sống của riêng mình. Nếu quyết định của mẹ con xuất phát từ nhận thức đúng tốt và bà cảm thấy an lạc trong quyết định của mình thì chính con mới tự đặt ra vấn đề cho mình, chứ mẹ con không có vấn đề gì cả. Thái độ của mẹ con chưa hẳn đã sai, biết đâu bà có lý do chính đáng để quyết định như vậy. Tốt nhất là con nên tìm hiểu xem vì sao mẹ con quyết định như vậy. Nếu mẹ con quyết định đúng thì con phải tôn trọng, nếu quyết định sai thì con phải khéo léo giúp bà điều chỉnh lại. Vấn đề là con có chắc chắn mình biết điều gì đúng và điều gì sai không?
Ngày gửi: 07-10-2011
Câu hỏi:
Con thành kính đảnh lễ thầy! Hôm qua gia đình làm lễ trai Tăng ở chùa chị con hỏi pháp nhiều quá nên con không có thời gian để hỏi. Hiện nay con chăm sóc cho mẹ, nhưng do chị con ở Pháp về nên đã đón mẹ con trở lại nhà cũ. Bây giờ mà nói về Thủ Đức ở với con là mẹ con rất sợ. Mẹ con rất sợ xa ba con, bà không thích ai chăm sóc ngoài ông. Về phần ông thì cũng rất sợ việc chăm sóc bà. Ông chỉ dám than khổ với con thôi, bởi vì mọi người trong nhà ai cũng cho rằng việc chăm sóc cho bà là của ông.<p>
Thầy ơi, bản chất bất toại nguyện luôn thể hiện mỗi lúc mỗi nơi. Có được cái này thì phải chịu mất cái kia. Đến đây là con bị kẹt rồi, một mình con không thể nào chịu nổi áp lực từ phía anh chị em con cháu dòng họ trong nhà. Tất cả nguyền rủa con làm chuyện bất nhân bất nghĩa, chia rẽ vợ chồng (cha mẹ con) là tạo tội ác. Ngay mẹ con cũng trách móc con. Phần con con có tâm nguyện là vừa chăm sóc được mẹ, vừa đỡ đần cho cha nên mới xin đưa mẹ về nhà mình để làm tròn chữ hiếu, như vậy sao gọi là tội ác chia rẻ cha mẹ được? Vì con thương cha mẹ già thui thủi chăm sóc nhau, với lại ông cũng không thể chăm sóc tốt cho bà bằng con gái lo cho mẹ được. Việc con chăm sóc cho mẹ chỉ có mình ông vui. Như vậy con phải làm sao bây giờ? Con cúi xin thầy một lời khuyên. Thành kính tri ân thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi con làm một việc gì có liên quan đến người khác, ví dụ như việc con chăm sóc mẹ như con nói chẳng hạn, thì cần xem xét nhiều yếu tố. 1) Nguyện vọng và việc làm đưa mẹ về chăm sóc xuất phát từ thiện ý của lòng hiếu thảo. 2) Việc làm đó có được sự hoan hỷ chấp nhận của mẹ con không? 3) Có bàn bạc để lấy quyết định của cha và anh chị em trong gia đình không?
Tuy con hành động với lòng hiểu thảo và thiện ý giúp mọi người (cha và các anh chị em) nhưng có thể vì những nguyên nhân sau đây khiến con bị "làm ơn mắc oán": Hoặc là biện pháp chăm sóc không vừa lòng mẹ và những người khác trong gia đình, hoặc là con chưa hỏi ý kiến mọi người để được sự đồng thuận. Nếu đúng như vậy thì dù con làm tốt cách mấy cũng vẫn bị phê phán như thường. Làm tốt cũng không phải dễ, nhất là không nên chủ quan.
Có thể là vì biện pháp thực hiện của con chưa đúng ý mọi người nên gây ra sự hiểu lầm từ các thành viên khác trong gia đình. Nhưng con đã làm với thiện tâm, thiện chí, thiện nguyện thì lương tâm con không có gì để buồn phiền áy náy. Chỉ là qua bài học này con thận trọng và tế nhị hơn trong cách thể hiện thiện tâm thiện chí của mình mà thôi.
Ngày gửi: 12-08-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy, xin thầy cho con hỏi, có số phận "an bài" không ạ? Những việc như xem tuổi, xem tử vi, xem cung hoàng đạo... để kết nghĩa vợ chồng hoặc làm việc lớn có cần thiết và có đúng không ạ?<p>
Có người nói với con, ngay cả Đức Phật người ta cũng xem bói đúng cho Ngài? Vậy khi con đã học đạo, con cố tu rèn tâm mình để nhìn thấy pháp và sẽ hòa hợp với Pháp, nhưng các tài liệu mang tính chất tiên đoán đó lại cho rằng con không thể hòa hợp được với pháp đó, cố gắng sẽ chỉ gây hại cho mình và người thì con phải chọn sao thưa Thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong Phật giáo không có ý tưởng "định mệnh" hay "an bài", tuy nhiên có nói đến sinh nghiệp. Sinh nghiệp là tổng số những sự kiện sẽ được hình thành và dàn trải suốt sinh mệnh của một người, chủ yếu là những kết quả do nghiệp nhân trong quá khứ, chứ không do ai định đoạt. Nhưng theo Phật giáo, một sinh mệnh không hoàn toàn chỉ là quả của nhân quá khứ mà còn một phần tích cực hơn, đó là nhân hiện tại: những thái độ phản ứng, hành động, tạo tác mới đối với sinh nghiệp ấy.
Vậy vấn đề không phải là có nên tuân theo tư vấn của thầy bói, thầy phong thủy hay không, dù họ nói đúng được bao nhiêu phần trăm(?), mà là chúng ta có học ra được điều gì từ sinh mệnh của mình để ứng xử cho đúng với nguyên lý vận hành của pháp hay không. Vì, một là nếu mọi sự đã được an bài thì cứ vậy mà chấp nhận chứ cần gì thầy tiên tri tư vấn. Hai là nếu mọi sự tùy thuộc vào thái độ ứng xử của mình thì hãy ứng xử một cách sáng suốt, định tĩnh, trong lành là tốt nhất, sao lại phải nghe lời tiên đoán?
Sống chủ yếu là để học ra từ sinh nghiệp của mình bài học giác ngộ, có giác ngộ con mới sống đúng pháp, mới lợi mình lợi người. Vì vậy điều quan trọng là con có học được điều gì từ đời sống của mình hay không, chứ không phải xem đó là định mệnh hay là sự chọn lựa theo ý riêng của con. Nếu đã là định mệnh thì con chẳng làm được gì cả. Còn nếu chọn lựa theo ý mình thì con vẫn phải theo đúng quy luật của pháp, nếu không, dù cố gắng cũng vô ích, chỉ hại mình hại người mà thôi. Tóm lại, dù định mệnh hay tự chọn thì con vẫn phải học ra bài học về bản chất thật của pháp thì mới sống đúng và sống tốt được. Để học ra bài học giác ngộ thì tốt nhất là sống tỉnh thức trọn vẹn trong thực tại đang là.
Ngày gửi: 22-04-2011
Câu hỏi:
Kính Thưa Thầy
Được theo Thầy học đạo là sự may mắn nhất của cuộc đời con. Do con còn mang nặng nghiệp chướng mà không thể đi xuất gia được. Thầy ơi, vì muốn không tạo nghiệp thêm nữa nên con đang rất cần Thầy cho con một lời khuyên. Con muốn lén gia đình đi triệt sản vì không bao giờ muốn sinh con thêm nữa nhưng nếu gia đình con mà biết họ sẽ không tha thứ cho con được. Xin Thầy giúp con một lời khuyên.
Con vô cùng biết ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chuyện đó hoàn toàn do quyết định của con. Nếu quyết định gì xuất phát từ nhận thức đúng tốt, lợi mình lợi người thì nên làm, quyết định nào xuất phát từ tâm bất thiện hại mình hại người thì không nên làm. Tự con mới có thể biết được quyết định của mình xuất phát từ đâu. Vậy hãy nhận thức cho rõ quyết định của mình để tránh nhầm lẫn.
Ngày gửi: 21-04-2011
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy!
Con xuất gia tu học đã lâu nhưng trong lòng con hiện nặng trĩu với chuyện gia đình. Là do mẹ con bán rượu và chị con bán cháo gà vịt, con cũng có khuyên mãi nhưng không lay chuyển được.
Con luôn cảm thấy có tội lỗi với nghiệp nhân của gia đình con. Kính xin Thầy ban bố cho con lời khuyên, con phải làm sao cho mẹ và chị con chuyển nghiệp?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con có lòng thương yêu gia đình là tốt, nhưng tâm người xuất gia phải thấy gia đình cũng như tất cả chúng sinh. Chỉ thương yêu chứ không can thiệp. Can thiệp và khai thị là hai chuyện khác nhau. Khai thị là chỉ bày cho đối tượng thấy ra sự thật, còn can thiệp là bắt đối tượng phải làm theo ý mình. Thiền nói: “Nhập lâm bất đạp thảo, nhập thủy bất động ba” (vào rừng không đạp cỏ, xuống nước sóng không chao) là ý nói người đạt đạo tuy khai ngộ cho đời nhưng không động gì đến đời cả. Vì người đạt đạo biết rõ chúng sanh đang học chân lý qua nhân quả nghiệp báo của mình, dù làm sai xấu thì cũng chỉ có nhân quả mới có thể dạy họ thấy ra sự thật để tự điều chỉnh nhận thức và hành vi của họ mà thôi. Con muốn họ tốt ngay chẳng khác nào muốn một người đừng học đánh vần mà biết đọc ngay vậy. Tâm bổ-tát không những từ bi mà phải nhẫn nại nữa. Vậy con phải kiên nhẫn mới đủ bình tĩnh sáng suốt để chỉ bày sự thật cho những người thân.
Ngày gửi: 05-03-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy, gần đây tâm ganh tỵ của con càng ngày càng lớn, đặc biệt là trong học tập khi thấy bạn học giỏi hơn mình. Dù biết là nên vui với thành công của bạn mới đúng nhưng con không làm được. Xin thầy chỉ cho con cách vượt qua tính xấu này. Con đa tạ thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con thấy được tâm ganh tỵ của mình là tốt. Ganh tỵ đi kèm với tâm ngã mạn. Ngã mạn gồm có tự ti và tự tôn. Tất cả đều phát xuất từ ý muốn khẳng định cái tôi. Và khi con thấy tâm ganh tỵ là xấu, con muốn loại trừ nó đi để có một tâm rộng lượng hoan hỷ cho sự thành công của bạn bè cùng lớp. Liệu đó có phải là một cách khẳng định cái tôi ở một tầm vóc khác, cao cấp hơn? Không phải chỉ có ganh tỵ mà còn rất nhiều tánh xấu khác nữa, thay đổi được ganh tỵ thì sẽ có những tánh xấu khác xuất hiện. Nếu thế thì chỉ là thay đổi cách phản ứng của cái tôi, chứ không thay đổi tận gốc cái tôi ngã mạn, ganh tỵ...
Càng trọn vẹn với chính mình càng ít bị ảnh hưởng từ người khác, vì vậy, đơn giản là con chỉ nên chuyên chú vào việc học tập và thường sống biết lại chính mình hơn là so sánh mình với người khác. Nếu việc nhìn những người xung quanh để biết người biết mình thì tốt, vì đó là cách để phát hiện sai lầm và biết tự điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt, nhưng không nên so sánh để đưa đến mặc cảm tự ty, tự tôn và ganh tỵ. Không cần cố gắng loại bỏ tâm ganh tỵ, chỉ cần thấy nó để học ra bộ mặt thật của cái tôi ảo tưởng. Ảo tưởng cái tôi càng giảm thì những tánh xấu cũng sẽ giảm theo. Hãy thường biết mình thì mọi sự sẽ tự chuyển hóa.
Ngày gửi: 01-03-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy, mấy ngày nay con được đọc các câu trả lời của thầy về vấn đề hôn nhân. Con thấy chung quanh con không có ai hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi mà sao ai hầu như cũng có khuynh hướng chọn lựa con đường đó. Con thường nói với con của con nên xuất gia hơn là lập gia đình nhưng cô bé vẫn muốn lập gia đình và sanh con. Con rất sợ cho cháu bị khổ và nếu sanh con tật nguyền lại càng khổ nữa. Con nghĩ như vậy có đúng không thưa Thầy? Con xin cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Với con thì đúng vì con đã thực sự thấy đó là khổ. Nhưng với con của con thì sai, vì cháu chưa thấy ra khổ nên cháu cần phải trải nghiệm để thấy ra sự thật đó. Khi cháu chưa thấy như con thì việc chọn lựa đời sống gia đình là tốt, vì qua đó không những cháu học ra chân lý về sự khổ mà còn vô tình rèn luyện được nhiều phẩm tính khác như nhẫn nại, thương yêu, chia sẻ, cảm thông v.v... để loại dần sự trói buộc của cái ta ích kỷ, si mê và lầm lạc. Ái dục chỉ được loại trừ khi thấy ra sự khổ, vì vậy khổ là một sự thật rất mầu nhiệm có khả năng đánh thức cơn mê của cái ta ảo tưởng. Hãy để cháu tự do lựa chọn, chỉ nên giúp cháu can đảm, bình tĩnh và sáng suốt để học ra bài học của mình. Một người xuất gia nếu chưa thực sự thấy ra chân lý về sự khổ, thì còn tệ hại hơn là sống trải nghiệm sự đời để thấy ra chân lý ấy.
Ngày gửi: 01-03-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy, Người giác ngộ đã thấy Pháp, nhưng sống trong đời thường thì ở MỘT GÓC ĐỘ nào đó có bị sức ép về mưu sinh, như chuyện cơm - áo - gạo - tiền không? Và khi sống trong đời thường thì không thể nói tôi không lập gia đình, xây dựng gia đình lo cho con cái được vì mình vẫn phải đặt trong cái chung, cái tổng thể xã hội để sống chứ ạ? Và đặc biệt khi đến lúc phải lập gia đình - tìm 1 người đi cùng mình để trải nghiệm bài toán cuộc đời thì lúc đó mình nên đi tìm kiếm, hay chỉ đơn giản là cầu nguyện và để pháp tự vận hành (như thầy hay nói: hãy lo việc của Pháp còn việc của mình thì để Pháp lo). Con rất mong câu trả lời của thầy, con xin cảm ơn!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thầy đã từng dẫn chứng để trả lời cho một số câu hỏi tương tự rằng: Trong Tam Tạng Kinh Điển của đức Phật có kể nhiều trường hợp những vị Thánh Tu-đà-hoàn tại gia vẫn lập gia đình, vẫn có con cái, vẫn làm những phận sự gia đình, xã hội như bao nhiêu người khác. Tất nhiên một ngươi thấy Pháp thì có nhận thức và hành vi đúng tốt hơn nên sẽ đem lại lợi ích cho gia đình và xã hội nhiều hơn
Việc chủ động tìm kiếm một người bạn đường hay tùy duyên phận là quyền tự do quyết định của mỗi người, và tất nhiên một khi đã chọn lựa theo tiêu chí của mình đề ra thì đồng thời cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định đó của mình. Nhiều người đã chọn cho mình một ý trung nhân rất tâm đắc nhưng chẳng bao lâu họ đã phải chia tay trong oán hận, do đó điều quan trọng không phải là chọn lựa kiểu nào, mà là thái độ nhận thức và ứng xử ra sao trong hoàn cảnh đã chọn lựa. Ví dụ cô B là người con chọn lựa, hay đó là duyên nợ của con, thì vấn đề vẫn là thái độ nhận thức và ứng xử của con như thế nào để có một đời sống gia đình đúng tốt với cô ấy. Mặt khác, hiệu quả của thái độ chọn lựa đó không phải là hạnh phúc hay đau khổ, thành công hay thất bại, mà là con có học được điều gì trong đó cho sự giác ngộ bản chất đời sống hay không, vì rồi mọi thứ đều sinh diệt, chỉ có thấy biết đúng (chánh kiến) mới giúp con giác ngộ giải thoát mà thôi.