Kết quả Tìm Kiếm: Có 62 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'niệm hơi thở, sự thở'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 17-05-2012
Câu hỏi:
Dạ thưa Thầy, cho con hỏi. Khi thở vào, biết là đang thở vào, thở ra biết là đang thở ra. Nhưng biết hơi thở từ lúc mới bắt đầu hít vào trong từng sát-na, rồi biết hơi thở ra cho đến hết hơi thở trong từng sát-na, hay là chỉ biết thở vào rồi thở ra chứ không cần phải quan sát thật chi ly từng sát-na ?
Cũng như khi đi, biết là đang đi. Hay là phải biết chi ly từng sát-na như biết đang dở chân lên, biết chân đang bước tới, rồi bàn chân đang đặt xuống mặt đất, bàn chân tiếp xúc với mặt đất, và biết sự khởi đầu cũng như sự chấm dứt trong từng bước chân?
Nếu bao nhiêu chuyện chung quanh cùng xảy ra một lúc, thì con biết hết, nhưng không khởi tâm suy luận hay phán xét. Khi chỉ còn một mình con, thì cái biết về hơi thở hoặc cái biết về đi đứng sẽ như thế nào như con đã hỏi ở trên, xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con. Con kính lạy tạ ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thực ra đối tượng thở hay đi chỉ là yếu tố phụ, tâm thấy biết sự kiện thở hay đi mới là chính yếu. Nếu tâm con có tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác đúng mức thì tất cả thực tánh pháp tự hiển lộ, nhưng khi con khởi tâm tìm kiếm chi ly thì ý niệm của bản ngã lý trí đã xen vào rồi làm sao thấy được thực tánh? Con chỉ cần thấy biết với tâm rỗng lặng trong sáng là được, còn lúc đó đối tượng nào đến thì chính tâm rỗng lặng trong sáng sẽ tự thấy thực tánh chứ không phải cái ta lý trí đầy ắp khái niệm thấy.
Ngày gửi: 10-05-2012
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy cho con hỏi. Mỗi khi tâm con bất an, lo nghĩ nhiều, thầy dạy mình tinh tấn bằng cách buông cái bản ngã ra và trở về với thực tại.
Nhưng con thấy "buông bản ngã" trong lúc này khó quá! Con có thể tạm thời trở về với hơi thở rồi dùng đó như là điểm tựa để ý thức được thực tại đang xảy ra không?
Tạm thời dùng hơi thở trong lúc đó có thể gọi là tinh tấn không? Xin thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trở về hơi thở cũng là trở về thực tại và trở về thực tại chính là buông cái tâm phóng dật thất niệm. Có điều trở về hơi thở như là thực tại chứ không phải lấy đó làm nơi bám víu của cái ta để rồi bỏ quên thực tại toàn diện và tâm rỗng lặng trong sáng.
Ngày gửi: 02-04-2012
Câu hỏi:
Con kính chúc Thầy vạn an. Xin Thầy dạy dùm con cách điều phục hơi thở. Mỗi lần con định tâm theo dõi hơi thở ra, vô thì con rất mệt, như người bị bịnh tim vậy. Hằng ngày con phải giao tiếp nhiều nên tối đến con muốn ngồi thiền nhưng thở một lúc là mệt không tiếp tục đuợc. Kính mong Thầy dạy dùm con phải làm thế nào. Con cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con đừng theo bất cứ phương pháp định tâm nào về hơi thở mà chỉ cần thư giãn buông xả cho thân tâm rỗng rang thoải mái. Càng rỗng rang tâm càng tĩnh lặng trong sáng (định tuệ) và tự nó sẽ thấy pháp gì đến đi, chứ không phải cái ta của con chủ ý muốn định trên hơi thở theo tham vọng của nó. Chính vì cái ta muốn cố gắng định tâm trên hơi thở đã làm cho hơi thở gượng gạo mất tự nhiên khiến con sinh ra mệt mỏi, căng thẳng. Lúc ngồi yên buông xả tĩnh lặng thì bình thường tâm sẽ nhận ra trạng thái thân đang thở một cách tự nhiên, vì lúc đó chỉ còn động thái thở là rõ nhất. Con chỉ cần cảm nhận trạng thái của hoạt động thở đó trong toàn thân như nó đang là (chứ không theo ý con hay theo phương pháp nào cả). Đó chính là thiền ngồi xem trạng thái pháp tự nhiên biểu hiện qua diễn biến động tác thở để thấy bản chất của nó như thế nào mà thuật ngữ Phật giáo gọi là quán niệm thở vô thở ra (Anapanassati). Có phải lúc đó con thấy trạng thái thở là vô thường và vô ngã chứ không do con điều khiển? Nếu thấy được như vậy thì con đâu cần phải cố gắng giữ trạng thái định (thường) mà cái ta (ngã) ưa thích, tìm kiếm và muốn đạt được?
Ngày gửi: 20-03-2012
Câu hỏi:
Mô Phật, kính thưa Thầy, trong mục hỏi đáp Phật pháp con đọc được nội dung câu trả lời của Thầy cho một Phật tử như sau:<p>
"Trong thiền định thì hành giả quan sát ở bụng hay ở mũi v.v... vì cần tập trung một chỗ duy nhất để định tâm, nhưng trong thiền tuệ thì quan sát toàn thân trong trạng thái thở vì cần tỉnh giác để nhận biết mọi diễn biến động tịnh, sinh diệt... mới thấy ra thực tánh của thân (sắc pháp). Lưu ý là trong thiền định thì lấy tướng hơi thở (pháp chế định) làm đối tượng, còn trong thiền tuệ thì lấy trạng thái thở (pháp thực tánh) làm đối tượng do đó không để ý đến tướng hơi thở." <p>
Con cúi xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con: <p>
Thế nào là "tướng hơi thở (pháp chế định" và thế nào là "trạng thái thở (pháp thực tánh)"? <p>
Con thành tâm tri ân Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong một câu hỏi tương tự đặt ra trước đây, thầy đã trả lời như sau:
Vì "hơi thở" chỉ là một khái niệm chế định không có thực tánh nên chỉ có thể làm đối tượng cho thiền định, còn đối tượng thiền tuệ phải là thực tánh vì vậy phải lấy thực tánh của trạng thái thở làm đối tượng. Trạng thái thở là thực trạng diễn biến của động thái thở, nói cách khác là tình trạng đang diễn ra của động tác thở.
Như vậy, hơi thở là một tướng khái niệm mà chúng ta chỉ có thể tưởng tới chứ không thể thấy, biết hay xúc chạm được. Những gì có thể trực tiếp thấy biết hay xúc chạm được là thực tánh của đất, nước, gió, lửa nơi trạng thái thở (pháp thực tánh), chứ không phải tướng khái niệm của hơi thở (pháp chế định).
Thực ra thầy có định nghĩa gì mà con không thực chứng được thì cũng chỉ có thể "hiểu" qua lý trí thôi. Hãy thực nghiệm để khám phá đâu là pháp thực tánh nơi trạng thái thở, đâu chỉ là tướng khái niệm của hơi thở.
Ngày gửi: 08-03-2012
Câu hỏi:
Thưa Thầy, con xin Thầy chỉ dạy cho con được rõ hơn về quán niệm hơi thở: với tâm trong sáng rỗng lặng quan sát hơi thở thì lúc đấy mình để tâm ở đâu ạ, mình quan sát trạng thái của hơi thở ở chỗ nào trên đường hô hấp ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong thiền định thì hành giả quan sát ở bụng hay ở mũi v.v... vì cần tập trung một chỗ duy nhất để định tâm, nhưng trong thiền tuệ thì quan sát toàn thân trong trạng thái thở vì cần tỉnh giác để nhận biết mọi diễn biến động tịnh, sinh diệt... mới thấy ra thực tánh của thân (sắc pháp). Lưu ý là trong thiền định thì lấy tướng hơi thở (pháp chế định) làm đối tượng, còn trong thiền tuệ thì lấy trạng thái thở (pháp thực tánh) làm đối tượng do đó không để ý đến tướng hơi thở.
Ngày gửi: 07-03-2012
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Trong chuyến về VN hồi sau Tết con có lên chùa thăm thầy và được thầy chỉ dạy, soi sáng rất nhiều. Con thành thật cám ơn thầy. <p>
Thưa thầy con có một thắc mắc này xin thầy hoan hỷ chỉ dạy thêm. Trong kinh Quán Niệm Hơi thở, Phật có dạy về 16 hơi thở cho thân thọ tâm và pháp, trong đó, có những lời dạy như vầy: "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. <p>
Thưa thầy đó có phải là một sự rèn luyện chăng? <p>
Con thành thật cám ơn thầy, và kính chúc thầy được nhiều sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Dù nhiều người theo kinh này mà rèn luyện thì cũng đạt được nhiều kinh nghiệm lợi ích, nhưng tất nhiên đó không phải là mục đích của bài kinh. Bài kinh này có tên là "Nhập tức xuất tức niệm" (Anapanassati) tức quán niệm những trạng thái thở vô thở ra, trong đó có câu "Vị ấy học" (sikkhati) chứ không phải "Vị ấy tập" như đã được dịch. Tập hay rèn luyện là lặp đi lặp lại cho thuần thục một cách có chủ ý (có chủ quan năng niệm sở niệm), còn học theo cách quán niệm này là quan sát minh bạch và trọn vẹn bằng chánh niệm tỉnh giác hay với tâm rỗng lặng trong sáng tự nhiên (không có chủ quan năng sở).
Nhiều đạo sĩ trước khi theo đức Phật đã có sẵn sở đắc thiền định nhờ rèn luyện hơi thở và bị kẹt trong đó không thể vào được thực tánh chân đế, vì thiền định ngoại đạo dựa trên tưởng mà thành, do đó để hóa giải cho họ sự vướng mắc này đức Phật dạy pháp quán niệm trạng thái thở vô thở ra mà trước đây họ đã hành để đạt định. Trong pháp Anapanassati này họ phải học bằng cách quan sát minh bạch mọi trạng thái diễn biến của định mà họ trải qua để soi sáng và hóa giải sự bám víu trong định đó (ba đoạn trên) và cuối cùng đưa tâm họ vào trí tuệ quán chiếu thấy rõ thực tánh chân đế và giải thoát giác ngộ (đoạn cuối cùng của bài kinh).
Như vậy đây hoàn toàn không phải là rèn luyện mà là soi chiếu để phá mê chấp trong trạng thái sở đắc thiền định và mở ra tầm nhìn của trí tuệ không còn chỗ bám trụ (Anissito anupadiyati).
Ngày gửi: 13-05-2011
Câu hỏi:
Thưa thầy, do ngày trước con tự học thiền và theo hướng dẫn của một quyển sách thì con chọn cách theo dõi hơi thở. Nhưng khi ngồi thiền con không an được, khi chú tâm vào hơi thở như vậy con nghe tiếng nói thầm: "hơi thở vào, hơi thở ra" làm con cảm thấy nhức đầu hơn. Nghe bài giảng trong khóa thiền của thầy thì con biết là đang kẹt vào hơi thở. Con xin thầy hoan hỷ chỉ con cách thoát ra. Con xin đa tạ thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đơn giản là con đừng theo dõi hơi thở nữa. Thiền không phải là trói buộc tâm vào một đối tượng nào, mà là không buộc tâm vào bất cứ điều gì cả (na kinci loke upadiyati), tâm không bị trói buộc đó là tâm thiền. Biết mình đang thở với tập trung vào hơi thở là hai thái độ hoàn toàn khác nhau. Mục đích của việc biết mình đang thở là để không quên mình trong thất niệm, tạp niệm hay vọng niệm, không để tâm lang thang hay lăng xăng tìm kiếm bên ngoài chứ không phải để buộc tâm vào hơi thở như cố gắng tập trung vì một tham vọng khác.
Tạm thời con quên việc theo dõi hơi thở đi mà nên biết mình đang đi, đứng, ngồi, nằm hay đang làm một động tác nào đó như nhai cơm, uống nước, rửa mặt v.v... như vậy con vẫn không quên mình trong thất niệm như khi con biết mình đang thở, không khác nhau gì cả. Đức Phật dạy tinh tấn chánh niệm tỉnh giác như vậy chính là để buông ra mọi dính mắc bên trong lẫn bên ngoài, để tâm ung dung tự tại chứ không phải để trói buộc tâm mình. Khi con thay đổi thái độ tu tập như vậy nếu có gì còn vướng mắc thì cứ hỏi ngay đừng để sai lầm lâu ngày thành thói quen quán tính.
Ngày gửi: 27-03-2011
Câu hỏi:
Thưa thầy, sau một thời gian niệm Phật con cảm nhận hơi thở rõ ràng tự nhiên. Hiện nay con đã chuyển sang quán sát hơi thở ra vô ở điểm xúc chạm. Nhưng những lúc không hành thiền (quán sát hơi thở) thỉnh thoảng con cảm thấy nhói ở xương ức (khi xoay chuyển người). Con xin hỏi thầy biểu hiện đó là gì?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi con niệm Phật mà thấy hơi thở rõ ràng tự nhiên, như vậy tốt hơn là con quan sát hơi thở ở điểm xúc chạm theo cách thiền định, vì vậy con không nên bỏ niệm Phật. Niệm Phật tốt hơn là định an chỉ trong việc giúp con thực hành thiền tuệ. Có thể khi con theo dõi hơi thở vô tình làm cho hơi thở mất tự nhiên và đưa đến tình trạng đau nhói. Nhưng cũng có thể việc đau nhói không liên quan gì đến niệm hơi thở. Con hãy tự chiêm nghiệm để biết rõ đau nhói đó phát xuất từ đâu.
Ngày gửi: 08-11-2010
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, xin Thầy hoan hỷ giải thích cho con cách thực hành lời dạy sau đây trong kinh Tứ Niệm Xứ, phần Quán Thân:
- "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô/thở ra", vị ấy tập.
- "An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô/thở ra", vị ấy tập.
Có quan điểm cho rằng toàn thân ở đây là hơi thở (ví dụ Thanh Tịnh Đạo Luận), có quan điểm khác thì cho toàn thân ở đây là thân thể. Kính xin thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ hơn.
Nguyện cầu Thầy trụ thế dài lâu để mang lợi lạc cho chúng con.
Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
"Hơi thở" là một khái niệm, nếu nói toàn thân là hơi thở thì toàn thân cũng là khái niệm. Điều này chỉ đúng trong thiền định, vì thiền định sử dụng tưởng và khái niệm như một nimitta - tướng do tưởng sinh. Nhưng trong thiền tuệ thì sai, vì đối tượng của thiền tuệ phải là thực tánh (paramattha) chứ không phải là tướng do tưởng sinh. Vậy trong thiền tuệ toàn thân ở đây là toàn bộ trạng thái diễn biến của thân khi thở. Hay nói cách khác là toàn bộ động tác thở diễn ra trên thân. Đây là sự khác biệt rất rõ ràng giữa thiền định và thiền tuệ. Tóm lại, trong thiền định nói toàn thân là hơi thở, còn trong thiền tuệ nói toàn thân là toàn bộ động tác thở.
Ngày gửi: 05-05-2010
Câu hỏi:
Thưa Thầy! 1. Kinh điển thường hay nói 4 niệm xứ nhưng có phải niệm thân, niệm thọ, niệm tâm đều chỉ là một phần của NIỆM PHÁP không ạ (vì thân, thọ hay tâm đều là các pháp)?
2. Trong kinh quán niệm hơi thở có câu: "quán vô thường - tôi sẽ thở ra", đối tượng của sự quán vô thường trong lúc này là gì ạ? Xin thầy giải đáp. Chúc thầy luôn an lạc.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Con nói đúng. Trong phần niệm Pháp đều có thân, thọ và tâm, ví dụ như niệm pháp về 5 uẩn. Chỉ khác ở chỗ là khi niệm thân, thọ, tâm thì ba đối tượng thân, thọ, tâm được tách riêng để niệm đối tượng nào thì chỉ niệm đối tượng đó thôi. Còn niệm pháp thì thấy cả ba trong quá trình diễn biến tương giao của chúng. Tuy nhiên ở đây không nói pháp một cách chung chung mà chỉ nhấn mạnh đến: 5 triền cái, năm uẩn, 12 xứ, Thất Giác Chi, Tứ Diệu Đế mà thôi.
2) Quán vô thường ở đây có nghĩa là trong khi thở thấy ra tánh vô thường ngay nơi mọi diễn biến vô thường của động tác thở hoặc trạng thái thở. Nhớ rằng tứ "quán" này không có nghĩa là suy gẫm về ý nghĩa của sự vô thường, mà là thấy biết trực tiếp tính chất vô thường ngay nơi sự thực tại hiện tiền..