Kết quả Tìm Kiếm: Có 267 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'bệnh tật'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 14-01-2012
Câu hỏi:
Thưa Thầy, mẹ con bị bệnh tiểu đường, bệnh Alzheimer nhưng không nặng lắm. Ngặt một điều là mẹ con chỉ thích ăn ngọt. Nếu không cho ăn ngọt thì lén đi mua bánh kẹo. Vợ chồng con không thuận hòa vì mẹ cứ theo quán tính, muốn làm gì thì làm theo sở thích riêng của mẹ. Nếu sống tùy duyên thuận pháp thì con phải làm sao? Thầy chỉ con cách sống. Con kính lạy tạ ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Mẹ thì thích làm theo ý mẹ, con cũng thích làm theo ý con... nên đã tùy bản ngã tham sân si chứ không tùy duyên thuận pháp. Tùy duyên thuận pháp tức tùy vào mỗi hoàn cảnh hoặc mỗi tình huống cụ thể ở mỗi lúc mỗi nơi mà sống hay ứng xử cho đúng tốt hợp với lẽ thật tự nhiên (chân đế) và tuân theo luật định xã hội (tục đế). Muốn sống được như vậy thì cần phải thận trọng, chú tâm, quan sát chính mình và cuộc sống để thấy ra đâu là chân đế đâu là tục đế mới có thể tùy nghi ứng hóa được.
Bệnh tiểu đường không phải là không ăn đường. Đôi khi bị hạ đường huyết người bệnh cần phải có gì ngọt để ăn. Quan trọng là người bệnh biết rõ khi nào cần ăn khi nào không, và liều lượng như thế nào cho đúng chứ nếu con không cho mẹ ăn đường khi cần thiết là cũng sai đó. Nhiều người quá sợ bị tiểu đường nên cử ăn đồ ngọt, đó cũng là một sai lầm vì khi cơ thể thiếu chất ngọt sẽ sử dụng đường dự trữ, do đó đường bị cạn kiệt và điều này cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh tiểu đường.
Ngày gửi: 29-09-2011
Câu hỏi:
Thưa thầy, con nên làm gì để giúp bố con hiểu được Phật pháp, bố con hiện đang bệnh rất nặng. Con cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bệnh cũng là Phật pháp, nếu người bệnh biết lắng nghe trọn vẹn cơn bệnh và thấy ra bản chất vô thường, khổ, vô ngã của thân mà tâm vẫn sáng suốt, nhẫn nại, không dao động, không sợ hãi thì đó chính là chỗ cao siêu nhất của Phật pháp rồi chứ đâu cần hiểu gì nữa? Lúc này con chỉ cần giúp bố con thấy ra điều đó tức là bố con đã hiểu đúng Phật pháp.
Ngày gửi: 12-08-2011
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy!<p>
Con xin cám ơn Thầy thật nhiều vì những điều Thầy đã chỉ dạy. Xin Thầy cho con hỏi, nếu người bệnh không lắng nghe được cơn đau của mình, con cảm nhận vậy vì con chỉ thấy người bệnh nằm yên lặng của đời sống thực vật, nên con thấy thương quá. Con cũng đã trò chuyện, gợi nhớ những chuyện xưa, thầm cầu nguyện... trong tuyệt vọng nhưng con vẫn cố gắng. Kính thưa Thầy, trong thư Thầy có dạy: "bình tĩnh đối diện với sự thật, để lặng lẽ nhìn lại chính mình xem nguyên nhân của khổ đau, sợ hãi đến từ đâu, nó có bản chất ra sao, chứ không phải chỉ lo lắng hay cầu mong thay đổi tình thế. Thay đổi tình thế không quan trọng bằng thay đổi thái độ nhìn nhận vấn đề". Con mạo muội xin Thầy cho con thêm lời khuyên để cho con được tiếp thêm sức mạnh, sao con thấy cuộc đời thật là buồn đó Thầy! Kính chúc Thầy nhiều sức khỏe!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Người bệnh đang ở tình trạng thực vật không hẳn là không biết (vô tri) như con tưởng. Con nói gì người bệnh vẫn có thể hiểu được. Con nên để người bệnh thật yên tĩnh. Có thể mở băng Kinh (hoặc con tự đọc) thật nhẹ cho người bệnh nghe. Đừng đọc lớn hay mở Kinh lớn quá vì có thể làm người bệnh khó chịu. Con hãy rải tâm từ thật dịu dàng mát mẻ đến người bệnh, vì người bệnh có thể cảm nhận được tình thương yêu của con. Nhưng cái chính thầy muốn nói là con nên lắng nghe lại mình để thấy rõ những cảm xúc tiêu cực bên trong. Nếu con không tự hóa giải được những tiêu cực nơi chính con thì sẽ không giúp được gì cho ai cả, thậm chí còn làm cho vấn đề phức tạp hơn, vì những lo âu, phiền muộn của con có thể gây rối loạn cho người bệnh.
Ngày gửi: 10-08-2011
Câu hỏi:
Con có duyên đi chùa từ nhỏ, gặp Thầy con đã thay đổi nhận thức, con rất “thấm nhuần” Lá Thư Thầy và đã ứng dụng vào cuộc sống trong những đau khổ mà con đã đối diện. Con chỉ được gặp Thầy vài lần, tuy nhiên tướng mạo, phong thái của Thầy, và nhất là trí tuệ, cách nhìn nhận của Thầy đã giúp cho con hiểu bản chất quy luật của cuộc sống là sinh lão bệnh tử. Thầy ơi, kính xin Thầy từ bi cho con một bài pháp về cách đối diện với khổ đau, với người thân đang bị bạo bệnh, như thế con sẽ được tiếp sức. Con kính xin cám ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Sinh, lão, bệnh, tử không phải là trở ngại. Trở ngại là ở thái độ của chúng ta đối với quy luật sinh-trụ-dị-diệt ấy. Đau khổ xuất phát từ ý niệm "ta" và "của ta", đưa đến dính mắc và chấp thủ. Thực ra, chính sinh, lão, bệnh, tử giúp chúng ta thấy rõ bản chất vô thường, khổ, vô ngã trong quy luật tất yếu và tự nhiên của đời sống. Hãy khuyên người bệnh lắng nghe cơn đau của mình, đừng phân tâm lo nghĩ gì khác, vì một sự lắng nghe trọn vẹn sẽ giúp người bệnh trầm tĩnh sáng suốt hơn.
Thương yêu, chăm sóc người thân bị bệnh là điều cần thiết, nhưng vẫn phải loại ra ngoài sự lo âu, sợ hãi, luyến lưu, thương tiếc... để bình tĩnh đối diện với sự thật, để lặng lẽ nhìn lại chính mình xem nguyên nhân của khổ đau, sợ hãi đến từ đâu, nó có bản chất ra sao, chứ không phải chỉ lo lắng hay cầu mong thay đổi tình thế. Thay đổi tình thế không quan trọng bằng thay đổi thái độ nhìn nhận vấn đề. Đây chính là cơ hội giúp con giác ngộ sự thật.
Ngày gửi: 29-07-2011
Câu hỏi:
Thưa thầy con bị chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực, từ hưng cảm giờ lại chuyển sang giai đoạn trầm cảm, nhiều lúc thấy tự ti, mặc cảm về năng lực, tài năng của mình có khi không còn thiết sống nữa. Theo Pháp con không biết tự mình điều chỉnh thế nào, mong thầy chỉ giúp con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có một số lá thư trong Thư Viện đề cập đến bệnh lý này, con nên vào đọc để hiểu thêm kinh nghiệm của một số bạn về chứng hưng cảm và trầm cảm này. Trước hết con không nên vội tìm cách đối trị, mà nên nhẫn nại lắng nghe, quan sát trạng thái con đang trải nghiệm dù đó là hưng cảm hay trầm cảm. Qua cách chiêm nghiệm này con sẽ hiểu ra nguyên nhân, bệnh trạng và cách điều chỉnh các trạng thái lưỡng cực này. Nguyên tắc phổ quát để xử lý là khi rơi vào trạng thái hưng cảm thì con nên thư giãn buông xả cho ý và khí ổn định lại. Ngược lại khi rơi vào trạng thái trầm cảm thì con nên hoạt động sao cho thân tâm hoan hỷ phấn chấn lên để không bị trì trệ, ví dụ như tập thể dục, dạo chơi, bơi lội v.v...
Ngoài ra, con cần sự tư vấn của một bác sĩ chuyên khoa về loại bệnh này để dùng thuốc hỗ trợ thêm. Cách trị liệu theo phương pháp phân tâm học cũng nên dùng đến, vì trong bệnh này yếu tố tâm lý rất quan trọng. Có nhiều trường hợp chỉ cần giải tỏa sự ám ảnh hay áp lực tâm lý là bệnh khỏi ngay.
Ngày gửi: 17-07-2011
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,
Con được nghe thầy giảng về Thiền tại đà nẵng. Con đã thực hành tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Con vừa học xong năm thứ 4 - Đại học bách khoa Đà Nẵng. Con đang nghỉ hè ở quê. Thưa Thầy, con thực hành thiền mọi lúc mọi nơi trong ngày bất cứ khi nào nhớ tới, do đó con không thấy đói và bây giờ một ngày con chỉ ăn một bữa. Nhưng cũng vì thế mà con cũng gầy (ốm) hơn. Khi về nhà thấy con gầy đi thì ba mẹ và tất cả anh em bà con nội ngoại đều phản đối kịch liệt. Thời gian đầu, con có cãi lại nhưng bây giờ con phát hiện đó cũng chỉ là hành vi của bản ngã. Do đó bây giờ mọi người nói con chỉ lặng yên lắng nghe và giữ im lặng, quan sát sân hận nổi lên rồi mất đi. Con bây giờ sẵn sàng chấp nhận mọi chuyện xảy ra một cách bình thản được rồi thầy à, nhưng con còn một thắc mắc và một thỉnh cầu mong thầy giúp con
1. Tất cả mọi người đều nói là vì con mà mọi người khổ, nếu con không bỏ tu đi thì chuyện sẽ càng lớn, và mọi người càng khổ. Con thì vẫn bình an nhưng con không muốn làm mọi người khổ chút nào dù biết khổ đó cũng do mọi người tự chuốc lấy vì muốn áp đặt, và quản lý con.Vậy con phải xử sự ra sao cho đúng pháp?
2. Thưa thầy, Nếu lúc này con xin đi tu thì Thầy có thể nhận con làm đệ tử không ạ? Con bây giờ luôn bình an và hạnh phúc rồi thầy ạ, con chỉ muốn mọi người cũng bình an và hạnh phúc như con thôi. Nhưng con biết mình vẫn chưa được giải thoát, nên cũng chẳng nên và chẳng thể làm ai thức tỉnh được. Con xin sẵn sàng nhận mọi thử thách, đau khổ vì bây giờ nó rất có ích với con.
Kính thầy.
Mong thầy sức khỏe và an lạc.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu con chánh niệm tỉnh giác đúng đắn và tự nhiên thì không thể vì vậy mà mất ăn và gầy đi được. Nhiều người nhờ chánh niệm tỉnh giác mà hết bệnh và khỏe ra. Vậy trường hợp con gầy đi có thể do 2 nguyên nhân: Một là do cơ thể con đang có vấn đề, không liên quan đến việc tu tập của con. Con nên đi bác sĩ khám để chẩn bệnh và để được tư vấn cách chữa trị. Hai là do con căng thẳng quá nên thần kinh thực vật bị yếu đi, do đó con không thích ăn. Ngược lại nhiều người hành thiền thấy mau đói bụng và ăn nhiều hơn bình thường. Nếu do căng thẳng thì có thể bắt nguồn từ những năm học đại học con đã cố gắng học hành quá sức, sau đó nếu con hành thiền đúng thì lẽ ra có thể giải tỏa được những căng thẳng đó dễ dàng, nhưng con lại gầy đi làm mọi người lo ngại. Vậy phải chăng con đã cố gắng hành thiền hơi quá?
Chánh niệm tỉnh giác là một động tác hoàn toàn tự nhiên, thậm chí nó chỉ là một thái độ rỗng lặng trong sáng nên không cần một chút dụng công nào để cố gắng tạo tác gì cả. Nó làm cho tâm trí hồn nhiên thoải mái thì sao con lại mất ăn và sút cân được? Lão Tử nói: "Hư kỳ tâm thực kỳ phúc" nghĩa là tâm nên rỗng lặng trong sáng, còn bụng thì phải ăn đầy đủ. Nếu con để bụng biếng ăn, còn tâm thì cứ đầy ắp cả những nỗ lực tu tập thì đã đi ngược lại với nguyên lý "không, vô tướng, vô tác" mà Phật dạy rồi đó. Con đừng để cho người nhà con nói tại hành theo pháp thầy mà gầy đi đó nha, thầy còn mập ra nữa đó. Hãy sống thật tự nhiên với tâm tĩnh lặng trong sáng, ăn uống cho điều độ, tập thể dục trong chánh niệm tỉnh giác thì con sẽ phục hồi sức khỏe nhanh thôi.
Lúc này con chưa nên đi tu, hãy ở nhà làm cho tốt để chứng minh cho mọi người trong nhà tin rằng tu sẽ tốt hơn chứ không phải xấu đi như họ tưởng. Nhớ ăn, ngủ và tập thể dục điều độ. Cái gì sai thì nhận là sai để điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt thì con có thể lấy lại niềm tin nơi mọi người, nhất là cha mẹ, nếu cha mẹ không cho đi tu thì đi không được đâu.
Ngày gửi: 00-00-0000
Câu hỏi:
Con kính đảnh lễ Tam Bảo. Kính bạch Sư Viên Minh, bậc Thầy cao minh xin chỉ dạy cho con. Theo con hiểu bịnh có 2 loại tâm bịnh và thân bịnh. Bịnh do nghiệp và bịnh do thời tiết. Bịnh nghiệp thì lâu lành còn bịnh thời tiết thì mau lành. Nhưng nếu muốn dứt trừ căn bệnh trầm kha thì phải làm thế nào? Kính cảm ơn Thầy. Con xin chờ câu trả lời của Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thực ra bệnh thân hay bệnh tâm gì cũng đều do nghiệp cả. Có bệnh do nhân quá khứ, có bệnh do nhân hiện tại, kể cả bệnh thời tiết cũng không hoàn toàn do nhân bên ngoài, bên ngoài chỉ là duyên. Thời tiết chỉ ảnh hưởng đến người thể lực yếu, thiếu sức đề kháng, còn rất nhiều người mạnh khỏe vãn không bị bệnh thời khí. Nếu chúng ta biết bệnh có nguyên nhân hiện tại thì nên khắc phục, điều chỉnh lại ngay. Ví dụ, bệnh do ăn uống thiếu vệ sinh thì phải giữ vệ sinh và ăn uống cẩn thận. Nếu bệnh do thiếu hoạt động thì nên tập thể dục dưỡng sinh. Nếu bệnh do nghiệp xấu quá khứ thì hiện tại phải tạo nghiệp tốt nhiều hơn để hóa giải bớt. Như trường hợp bác sĩ Kasi ỏ Mỹ dùng thôi miên để dò tìm nghiệp quá khứ của bệnh nhân, sau đó khuyên bệnh nhân làm những việc thiện thì liền khỏi bệnh. Hồ sơ hàng ngàn bệnh án của ông hiện vẫn đang được lưu trữ ở Mỹ.