Kết quả Tìm Kiếm: Có 140 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'tình yêu & hôn nhân'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 23-02-2012
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con xin cám ơn lời dạy của Thầy và con chiêm nghiệm thấy rằng mỗi khi ruột thịt con bị gì, con xót xa lo buồn vì có đủ cả ba "tham, sân, si". Tham vì ao ước người đó được sung sướng, sân vì không chấp nhận sự việc và si vì ái luyến, chấp ngã sở. Con xin Thầy dạy con rõ, con xin cám ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Một tình thương yêu thật sự thì vô ngã nên không có buồn khổ. Khi đã có buồn khổ tức là tình thương đã có ý niệm cái ta và của ta xen vào trong đó rồi. Con nói đúng, chính cái ta tham sân si đưa đến luyến ái, bất mãn, chấp trước và không chấp nhận sự thật. Tất nhiên hậu quả là phiền muộn khổ đau. Mỗi lần như vậy con nên lắng nghe, quan sát lại chính những cảm xúc hay phản ứng của mình để thấy ra đâu là nguồn gốc của lo lắng, sợ hãi, và khổ sầu.
Ngày gửi: 15-02-2012
Câu hỏi:
Thưa thầy con là một người phụ nữ đang tột cùng đau khổ. Con trai con bị mất cách đây hơn một năm. Bây giờ chồng con lại đang có thai với ngươi khác, bắt con phải chấp nhận chung vợ, chung chồng nếu không thì li dị. Con đang rất rối lòng và không biết phải quyết định thế nào để tốt cho con và con gái của con. Mong thầy chỉ cho con một lối thoát. Con cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Hãy bình tĩnh để đối diện với sự thật. Nếu con xem cuộc đời là bài học để giác ngộ giải thoát thì đó chính là bài học để con thấy ra bản chất chính mình và cuộc sống. Khi chưa nhận ra sự thật thì con người vẫn ở trong ảo tưởng về đau khổ, hạnh phúc, về cái đúng cái sai, về cái thiện cái ác... và chỉ khi đụng phải sự thật họ mới có thể thấy ra đâu là ảo tưởng để điều chỉnh nhân thức và hành vi sai lầm bất thiện hay mơ mộng của mình. Người xưa nói trong phúc có họa, trong họa có phúc. Trong phúc có họa thì con đã thấy rồi, vậy bây giờ trong họa này chắc chắn con có cái phúc gì đó, hãy chiêm nghiệm xem rồi con sẽ thấy ra thôi. Chúc con học ra được những điều hay trong cái dở này, và điều này tùy thuộc vào thái độ của con.
Ngày gửi: 10-12-2011
Câu hỏi:
Bạch thầy. Con năm nay 21 tuổi, bạn gái của con cũng 21 tuổi. Chúng con đều đang học đại học và đã yêu nhau gần 2 năm. Hơn tháng nay, dưới sự mai mối, tác động phần lớn của ba mẹ nên bạn ấy đang dần giành tình cảm cho 1 người đàn ông đã 28 tuổi, có những thành công bước đầu trong sự nghiệp. Ba mẹ cô ấy đều xuất phát từ mong muốn vật chất và cũng không hề hiểu nhiều về khả năng con có thể đáp ứng tốt hơn như thế trong tương lai. <p>
Con thực sự khá hiểu bản tính người yêu con nên về lý trí và trực giác, con biết gần như chắc chắn người đàn ông đó không hợp và không đem được hạnh phúc lâu dài cho bạn gái con. Cô ấy chỉ choáng ngợp trước những cái mới và có những cảm giác hạnh phúc ban đầu do người đàn ông đang tán tỉnh đem lại. Con đã rất cố gắng để giúp cô ấy hiểu. Nhưng càng ngày con càng thấy mình bị tổn thương từ những hành động tiến sâu hơn với người đàn ông đó của cô ấy mỗi ngày. Những tổn thương đó làm con muốn rời bỏ, nhưng lý trí lại sợ người mình yêu phải đau khổ. Phần vì sợ mất người tri kỉ của mình, chúng con chỉ vì còn trẻ và chưa thuận nhau 1 số tính cách nên mới xảy ra như này. Con đang rất bứt rứt và khổ tâm. <p>
Xin thầy cho một người trần tục như con lời khuyên để con bình an tiếp tục với công việc tổ chức các chuyến tình nguyện của mình trong mùa đông này. Con xin cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tinh yêu là điều không thể gượng ép, nó có cách chon lựa riêng mà lý trí không tính toán được. Điều này cũng đúng khi nhìn theo góc độ duyên nghiệp. Nều cô ấy khổ vì điều cô ấy chọn lựa thì đó là duyên nghiệp đưa đẩy cô ấy. Còn nếu con can thiệp vào thì sau này cô ấy khổ con mới thật sự thấy bứt rứt khổ tâm hơn nữa.
Tình yêu thật sự (hiểu theo cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp) là thứ quý giá nhất trên đời, ngược lại nó cũng chẳng có ý nghĩa gì hơn là nguyên nhân của khổ đau phiền muộn. Giá trị của tình yêu ở nơi chính nó chứ không phải nơi đối tượng mà nó muốn có, nếu không có đối tượng thì tình yêu vẫn phải là cái đẹp nhất trên đời. Con có nhận ra điều đó không?
Ngày gửi: 01-12-2011
Câu hỏi:
Kính thưa Sư Ông, con đọc được một chia sẻ trên mạng, trong đó trích dẫn một câu nói: "Được yêu say đắm sẽ mang lại cho bạn sức mạnh, còn yêu ai đó sâu sắc sẽ cho bạn sự can đảm." Họ mở ngoặc tác giả câu nói là Lão Tử. Con thắc mắc là câu nói trên có thật tác giả là Lão Tử không, và ý nghĩa của câu nói trên là gì? Con cám ơn Sư Ông.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Sư ông nghĩ câu đó đã bị trích dịch một cách lệch lạc và bóp méo thế nào đó chứ không thể là lời của Lão Tử được. Say đắm là đã hàm nghĩa vô minh ái dục rồi thì dù có sức mạnh hay can đảm thì cũng là sức mạnh và can đảm của bản ngã thôi, chứ đó không phải là tình thương yêu vô lượng và vô ngã được.
Ngày gửi: 01-11-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy, Thầy cho con hỏi việc chia tay với người yêu vì con cảm thấy yêu hạnh phúc quá ít, phần lớn chỉ là tưởng tượng mà đau khổ thì quá nhiều. Việc ấy có phải là bất thiện pháp không ạ? Đức Phật dạy rằng nếu một pháp nào mà làm khổ mình khổ người thì là bất thiện pháp, và trong trường hợp này thì đương nhiên người yêu con rất đau khổ, con cũng khổ nhưng ít ra là con còn biết là có khổ, con còn sống để thấy khổ. Nhưng nếu yêu một tình yêu dục vọng thì con sống mà chẳng ra sống nữa Thầy à.<p>
Thưa Thầy, đây là lần thứ 3 con quyết định chia tay rồi Thầy, trong tâm con luôn tin tưởng việc đoạn đứt của mình là đúng nhưng bản ngã của con cứ muốn cãi là việc làm như thế là bất thiện và nên quay về với người mình yêu. Bây giờ con vẫn còn đang khổ và chẳng thể sáng suốt, nên cũng chẳng buồn cãi lại rằng đâu là thiện, đâu là bất thiện pháp nữa. Chia tay con thấy khổ nhưng lại nhẹ tênh cả người. Mong Thầy chỉ giúp con tại sao đó không thể là bất thiện pháp được.
Con cảm ơn thầy
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chấp nhận hay từ bỏ tình yêu không phải là vấn đề quan trọng mà quan trọng là con có thực sự nhận thức được gì từ tình yêu của con hay không. Tình yêu vô cùng đa dạng, nó có thể tốt hay xấu, đúng hay sai, cao thượng hay thấp hèn v.v... nên khó mà kết luận một chiều về nó. Không phải riêng tình yêu mà mọi lãnh vực đời sống của con người cần được thăng hoa qua một quá trình trải nghiệm, chiêm nghiệm để khám phá ra bản chất thật của tất cả. Nếu con đã thật sự thông suốt về tình yêu thì con đã có thể quyết định mà không còn do dự. Nhưng con còn phân vân như thế e rằng con chưa thật sự nhận thức đúng để có thể xuất ly khỏi nó.
Ngày gửi: 06-10-2011
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, khi con duy trì một cảm thọ dễ chịu như con nghĩ về cha, mẹ, thầy tổ hay những người con thương và thương con, cảm thọ đó rất dễ chịu, hạnh phúc giống như khi mình đang yêu thì có gì sai trái không ạ? Có phải là ái không ạ?
Con kính tri ân Thầy và kính chúc Thầy luôn được khỏe ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bản chất của tình yêu thương là cao khiết, trừ phi nó bị cái ta luyến ái, dính mắc và vị kỷ buộc ràng. Tất nhiên tình yêu thương cao khiết phải bao gồm bốn đức: Từ, bi, hỷ và xả. Khi tình yêu thương có 4 đức đó thì mới thực sự là hạnh phúc - hạnh phúc của niềm tịnh lạc hay an lạc. Còn nếu trong tình yêu thương có luyến ái và ích kỷ thì hạnh phúc chỉ là cảm xúc thỏa mãn và sớm muộn gì nó cũng đưa đến khổ đau. Khổ này gọi là hoại khổ. Vì khi người mình yêu thương không thương yêu mình nữa hoặc khi người ấy xa cách hay vĩnh viễn ra đi thì hạnh phúc sẽ trở thành đau khổ xót xa không gì bù đắp được. Vậy con hãy nhìn kỹ lại xem tình yêu thương và hạnh phúc của con thuộc loại nào mới biết là đúng hay sai, ái hay không ái. Dù tình yêu thương cao khiết nhất nó vẫn đứng sau trí tuệ. Vì khi yêu thương không hẳn có trí tuệ, nhưng khi có trí tuệ thì liền có lòng yêu thương.
Ngày gửi: 01-03-2011
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy! Hàng ngày con làm việc nhiều, về nhà lại lo toan chuyện gia đình, thời gian hành thiền của con rất ít. Nhưng mỗi ngày trong lúc làm việc hoặc mọi lúc mọi nơi con thường quan sát sự việc và thấy được tính chất vô thường của nó, tâm con bình lặng trở lại, không lăng xăng hay nóng giận khi có ngoại cảnh tác động. Do vậy tâm con có những lúc được an bình, trong sáng. Thưa thầy, đó có phải là thiền không? Xin thầy chỉ dạy. Kính chúc Thầy nhiều sức khỏe và vô lượng an lạc.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thiền không nhất thiết phải ngồi. Thiền là thấy ra sự vận hành đúng như bản chất của pháp nơi thực tại thân tâm, nghĩa là ngay nơi mọi hoạt động hàng ngày của con. Thận trọng chú tâm quan sát trạng thái hoạt động của thân, của cảm giác, của tâm hành, của sự tương giao thân tâm và ngoại cảnh một cách tự nhiên được đức Phật gọi là thiền Tứ Niệm Xứ. Mỗi người vốn tự nhiên đã sẵn có sự thận trọng, sự chú tâm, sự quan sát. Nếu tâm không buông lung theo sự thúc dục của cái ta ảo tưởng thì ngay đó tâm liền có tinh tấn, chánh niệm và tỉnh giác, và lúc đó thận trọng chính là giới, chú tâm chính là định, quan sát chính là tuệ. Vì vậy, thiền là thái độ sống sáng suốt, định tĩnh, trong lành một cách tự nhiên. Con đang thiền rất đúng rồi đó. Chúc mừng con.
Ngày gửi: 01-03-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy, Người giác ngộ đã thấy Pháp, nhưng sống trong đời thường thì ở MỘT GÓC ĐỘ nào đó có bị sức ép về mưu sinh, như chuyện cơm - áo - gạo - tiền không? Và khi sống trong đời thường thì không thể nói tôi không lập gia đình, xây dựng gia đình lo cho con cái được vì mình vẫn phải đặt trong cái chung, cái tổng thể xã hội để sống chứ ạ? Và đặc biệt khi đến lúc phải lập gia đình - tìm 1 người đi cùng mình để trải nghiệm bài toán cuộc đời thì lúc đó mình nên đi tìm kiếm, hay chỉ đơn giản là cầu nguyện và để pháp tự vận hành (như thầy hay nói: hãy lo việc của Pháp còn việc của mình thì để Pháp lo). Con rất mong câu trả lời của thầy, con xin cảm ơn!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thầy đã từng dẫn chứng để trả lời cho một số câu hỏi tương tự rằng: Trong Tam Tạng Kinh Điển của đức Phật có kể nhiều trường hợp những vị Thánh Tu-đà-hoàn tại gia vẫn lập gia đình, vẫn có con cái, vẫn làm những phận sự gia đình, xã hội như bao nhiêu người khác. Tất nhiên một ngươi thấy Pháp thì có nhận thức và hành vi đúng tốt hơn nên sẽ đem lại lợi ích cho gia đình và xã hội nhiều hơn
Việc chủ động tìm kiếm một người bạn đường hay tùy duyên phận là quyền tự do quyết định của mỗi người, và tất nhiên một khi đã chọn lựa theo tiêu chí của mình đề ra thì đồng thời cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định đó của mình. Nhiều người đã chọn cho mình một ý trung nhân rất tâm đắc nhưng chẳng bao lâu họ đã phải chia tay trong oán hận, do đó điều quan trọng không phải là chọn lựa kiểu nào, mà là thái độ nhận thức và ứng xử ra sao trong hoàn cảnh đã chọn lựa. Ví dụ cô B là người con chọn lựa, hay đó là duyên nợ của con, thì vấn đề vẫn là thái độ nhận thức và ứng xử của con như thế nào để có một đời sống gia đình đúng tốt với cô ấy. Mặt khác, hiệu quả của thái độ chọn lựa đó không phải là hạnh phúc hay đau khổ, thành công hay thất bại, mà là con có học được điều gì trong đó cho sự giác ngộ bản chất đời sống hay không, vì rồi mọi thứ đều sinh diệt, chỉ có thấy biết đúng (chánh kiến) mới giúp con giác ngộ giải thoát mà thôi.
Ngày gửi: 14-10-2010
Câu hỏi:
Nam-mô A Di Đà Phật.
Con có một nỗi khổ là chồng con có người khác ở bên ngoài. Anh chỉ gặp cô này một lần thôi mà đã si mê tới bây giờ. Con buồn lòng quá nên đề nghị chia tay nhưng anh không chịu, nói là vẫn còn thương con. Cô gái đó đang ở Việt Nam nên không gặp thường xuyên, một năm chỉ một lần thôi. Nhưng anh chịu khổ làm việc để dành dụm tiền bạc cho cô. Nhiều người nói với con là anh bị trúng bùa. Theo con biết bùa ngãi không phải là chuyện mê tín dị đoan vì đức Phật đã thuyết Thủ Lăng Nghiêm cho Ngài Ananda. Con muốn hỏi làm sao biết được là người bị bùa ngãi? Và có cách trị không? Con nghe là khi bị, không những bị kiếp này mà còn ảnh hưởng đến kiếp sau nữa.
Con quá mệt mỏi. Con chỉ biết cầu Phật và niệm Phật để bình an và hy vọng con có thể chuyển nghiệp. Con xin thầy giúp con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Gốc của mọi đau khổ là ở chính con. Chính con đã chọn lựa cho mình bài học này, vậy tốt nhất là con nhẫn nại để học ra bài học của chính mình. Hãy nhìn lại để thấy ra chính mình trước. Gốc chưa vững thì gió lay sẽ đổ. Nếu gốc vững thì ngọn có lay cũng chẳng sao. Con không thể đặt cược hạnh phúc của con vào những yếu tố bên ngoài, vì hạnh phúc chỉ có trong lòng con. Nếu con xem hạnh phúc là điều kiện bên ngoài mà con phải dành lại cho bằng được thì con sẽ mãi mãi khổ đau, vì không bao giờ có hạnh phúc ở ngoài con. Hạnh phúc chỉ có khi con nhận chân được bản chất của mình và cuộc sống. Vậy đây là cơ hội tốt nhất để con nhận chân được bài học của mình. Thành bại, được mất, hơn thua, vui khổ không phải là mục đích của đời sống mà là bài học để con thấy ra ý nghĩa đích thực của nó. Hãy can đảm để đối diện với sự thật và học ra bài học tuyệt vời của mình. Khi con thấy ra sự thật con sẽ cám ơn tất cả bài học mầu nhiệm này.
Ngày gửi: 30-04-2010
Câu hỏi:
Kính Thầy,
Trường hợp một người đã có gia đình nhưng lại thương một người nữ khác.
Trường hợp thứ nhất:
Ông xin ly dị hẳn hòi, người vợ vẫn còn thương chồng nhưng vẩn chấp nhận ly dị và người chồng đã có người nữ mới. Trong trường hợp này, người chồng có phạm giới tà dâm đối với người vợ cũ không? (Vì người vợ vẫn còn chưa dứt khoát)
Trường hợp thứ hai:
Vì con còn nhỏ, nên hai người đồng ý trả lại tự do cho nhau mà không cần đến luật pháp, nghĩa là chỉ sống chung như anh em để không gây xáo trộn cho con (nhưng người vợ vẫn còn thương chồng), như vậy người đàn ông này có phạm giới thứ ba không nếu có quan hệ với người nữ ông thương?
Kính mong quý Thầy hoan hỷ giúp con làm đúng.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giới là điều học, lẽ ra con nên lấy đó để tự chiêm nghiệm học hỏi, sao lại đi hỏi thầy. Giới giúp chúng ta điều chỉnh hành vi tinh tế ở từng trường hợp cá biệt của mỗi người, vì vậy mỗi người nên cân nhắc kỹ lưỡng và thận trọng trong hành vi đạo đức của mình chứ không nên rập khuôn theo ai khác.
Tình huống chỉ là hoàn cảnh bên ngoài, nên dù bất cứ tình huống nào thì cốt lõi đạo đức mới là trọng điểm vì nó là nguyên lý chứ không phải hình thức luật lệ. Vậy nguyên lý này là gì? Tất cả "quan hệ" nam nữ được gọi là tà dâm khi đó là hành động cưỡng ép, bất chính, trái với lương tâm, chỉ để thoả mãn nhục dục, hại mình hại người. (Bất chính là quan hệ với người khác phái không phải hay không còn là vợ mình).