Kết quả Tìm Kiếm: Có 117 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'sát sinh & phóng sinh'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 00-00-0000
Câu hỏi:
Con tên là Thủy. Con xin hỏi quý thầy, con đã từng sát sanh rất nhiều. Con nghe quý thầy nói, tội sát sanh nếu phóng sanh nhiều thì nghiệp sát sanh sẽ tiêu tan. Bây giờ con đang ở Mỹ, con không có phương tiện để làm việc phóng sanh. Mẹ của con hiện tại đang ở Viêt Nam. Nếu con gửi tiền về nhờ mẹ con mua cá,chim để phóng sanh giúp con, như vậy nghiệp sát sanh của con có đươc kết quả không? Khi thả chim hoặc thả cá, mẹ con phải cầu nguyện như thế nào để đạt kết quả tốt? Chị Hai của con cũng mang tội sát sanh nhiều lắm, nếu chị con mua cá để thả thì phải cầu nguyện như thế nào để có kết quả tốt? Nếu con muốn góp 1 phần nhỏ vào hội từ thiện của chương trình này, phải gửi tiền qua địa chỉ nào? Mong quý thầy chỉ dẫn cho con. Con xin cám ơn. Nam-mô A-di-đà Phật.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Biết mình đã mang nghiệp sát sanh nay muốn sám hối chừa cải là dấu hiệu tốt. Đức Phật dạy người nào trước làm ác sau làm lành giống như mặt trăng ra khỏi mây mù đáng được tán dương khen ngợi. Vậy con nên làm những việc sau đây:
- 1) Thường sám hối những tội chướng của mình đã gây ra đau khổ cho chúng sanh. 2) Nguyện từ nay không làm điều gì tổn hại đến chúng sanh khác, chỉ làm việc đem lại an lạc cho đời. 3) Phát triển tâm từ ái và bi mẫn với tất cả chúng sanh để trừ sân tưởng và hại tưởng. 4) Giữ gìn Tam Quy ngũ giới nhất là tôn trọng sự sống của muôn loài. 5) Làm nhiều công đức đặc biệt là cứu sống người hoặc vật đang lâm nạn. 6) Hồi hướng công đức đến muôn loài, nhất là những vật bị ta sát hại, cầu mong cho những chúng sanh ấy thoát khổ được lạc.
- Nếu con vào trang Web này có thể xem mục tin tức để biết phần báo cáo từ thiện của chùa Tổ Đình Bửu Long, chùa Huyền Không và Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa ở Huế để tùy nghi góp phần công đức làm việc từ thiện. Việc thiện giống như con thuyền, việc ác giống như sỏi đá. Việc thiện nhiều ví như con thuyền lớn dù có chở sỏi đá vẫn qua sông mà không bị nhận chìm. Ngược lại nếu việc ác quá nhiều mà việc thiện quá ít thì thuyền còn bị chìm huống chi là sỏi đá. Lúc đó dù cầu nguyện cũng không thể tránh khỏi quả báo.
Ngày gửi: 00-00-0000
Câu hỏi:
Con kính đảnh lễ Tam Bảo! Kính bạch Thầy Viên Minh, bậc thầy cao minh xin chỉ dạy cho con. Cửa hàng con dạo nầy phát hiện con chuột, vì lòng hiếu sinh con không nõ gài bẩy giết hại nó, muôn đuổi nó đi nhưng không biết làm cách nào? Xin thầy từ bi chỉ dạy cho con. Chúc thầy luôn an lành
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nói chung, vì tôn trọng sự sống của muôn loài, chúng ta nên tránh sát hại bất cứ chúng sanh nào. Làm như vậy, chúng ta sẽ phát triển được tâm từ. Tâm từ càng rộng lớn thì những tai hại mới sẽ càng giảm dần. Nếu đã có tâm từ mà vẫn gặp tai hại thì đó là quả của nghiệp nhân quá khứ. Vậy thì phải càng không nên làm hại chúng sanh khác để khỏi phiền não về sau. Chúng ta nên tìm cách ngăn ngừa để tránh chuột bọ hay côn trùng phá hại, ví dụ như cất đặt đồ đạc kỹ lưỡng, đừng tạo điều kiện dẫn dụ chúng đến.
Riêng loài chuột được gọi là thiêng, vì chúng cảm ứng được tâm ý chúng ta. Một hôm tôi đến ngủ lại đêm tại một ngôi chùa miệt vườn. Tối đó tôi vừa chợp mắt thì mấy chú chuột kéo nhau đến quấy phá, một chú còn chui được vào mùng, cắn vào chân tôi làm tôi giựt mình thức dậy. Tôi đuổi chúng đi nhưng vừa tấn mùng nằm xuống, thì lập tức chúng lại đuổi nhau vừa kêu vừa chạy tán loạn làm tôi không sao ngủ được. Tôi nhớ lại anh tôi ở Huế, năm nào trồng sen ở hồ Tịnh Tâm cũng đều phải lập bàn hương cúng chuột thì mới yên, nếu không sẽ mất trắng. Đêm đó tôi cũng thử nói chuyện với chuột xem sao. Tôi nói một cách rất nghiêm túc và chân tình rằng: "Ngày mai tôi phải dự lễ của chùa và thuyết pháp nữa, nếu tối nay không ngủ được thì sẽ không có sức hoàn thành Phật sự. Xin mấy chú vui lòng thông cảm giúp cho tôi đêm nay được yên tĩnh". Lạ lùng thay đám chuột im lặng rút lui hết không còn một tiếng động, thế là đêm đó tôi được ngủ hoàn toàn yên giấc, thật là ngoài sức tưởng tượng của tôi. Bạn hữu cứ thử xem sao.
Ngày gửi: 00-00-0000
Câu hỏi:
Kinh bach chu dai duc Tang! Cho con xin hoi tiep mot cau hoi nua. Con co biet mot ngoi chua va khi con den do thi con thay o trong bep co rat nhieu kien va co mot su co co khi thi do dau vao o kien do, co khi thi xit thuoc vao, co khi doi nuoc. Nhu vay mghia la sao? Su co do noi la kien vo nhieu qua khong the nao du no ra het duoc nen phai lam nhu vay. Con rat la thac mac viec nay nhung khong dam noi la su co da pham gioi sat sanh, vi con con nho ma gioi luat cua su co do con dau co biet. Con co doc cach day du kien ra cua thay da bay trong nay rat la de thi tai sao su co do khong biet lam theo de khoi phai lam mot viec dau long vay! Su co do la su co cua he phai Nam tong. Con mong thay cho con loi giai dap de con khong con phan van ve viec lam cua su co ay. Con xin thanh kinh tri an.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con không cần phải phân vân gì cả, việc sát sanh của cô đó chắc chắn là đã sai rồi. Mọi chúng sanh đều có quyền được sống không thể xâm phạm. Chúng ta có quyền tránh kiến bằng những biện pháp giữ gìn hay ngăn ngừa cho mình mà thôi. Không những không nên hại chúng mà nhiều khi cần phải thương yêu thông cảm và chia sẻ với chúng nữa là khác. Đức Phật dạy khi rửa bát, còn chút ít đồ ăn, nếu có tâm để một nơi nào đó cho kiến ăn, đó cũng là tâm từ và vẫn có phước bố thí.
Ngày gửi: 22-01-2009
Câu hỏi:
Kính Thầy! Thầy ơi, con muốn hỏi là con đã thọ tam quy ngũ giới rồi mà nhà con kiến rất nhiều, mỗi lần rửa chén thì nó tụ lại nên con đã giết rất nhiều kiến, vậy có sao không thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thầy có chỉ cho một người chủ tiệm bánh ở Biên Hòa làm một thử nghiệm và người ấy đã thành công. Cách đó như sau: Rải tâm từ cho kiến và bố thí cho chúng ít bánh mà chúng thích ở một chỗ nào đó ngoài nơi để bánh và nói với với chúng bằng một tình thương yêu thật sự rằng: "Kiến ơi, hãy ăn bánh ở đây đừng vào trong chỗ để bánh kia nữa, như vậy là các bạn giúp tôi được bán bánh tốt cho khách hàng đấy". Từ đó kiến không vào trong bánh nữa. Con thử làm xem, nếu không được thì đành phải dụ chúng đi chỗ khác rồi làm vệ sinh chỗ rửa chén thật sạch, đừng để có mùi hấp dẫn khiến kiến thích vào là xong. Dẫu sao tập tánh tôn trọng sự sống vẫn tốt hơn, phải không con?
Ngày gửi: 22-01-2009
Câu hỏi:
Xin cho hoi, toi benh nan y, nay muon huong Phat, toi dinh quy y, cau xin cho benh tat mau chong khoi va dieu ki dieu se den. Toi co can phai an chay khong, toi co phat nguyen an chay moi thang 3 ngay roi. Vi suc khoe va cong viec, khong the an chay truong hoac trong vong 1 thang. Nhu vay toi co duoc quy y noi cua Phat khong?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Quy y Tam Bảo là việc nên làm, dù có bệnh hay không cũng vậy. Bệnh tật thường làm chúng ta đau khổ, sợ hãi, lo lắng..., quy y Tam Bảo giúp chúng ta vững tin hơn, có niềm tin tâm sẽ bớt lo âu sợ hãi nên bệnh dễ thuyên giảm, bởi vì tinh thần bình ổn là yếu tố rất quan trọng trong phương pháp trị liệu. Quy y thì luôn kèm theo ngũ giới: không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh, không dối trá, không uống các chất say. Chỉ cần giữ năm giới, chứ không nhất thiết phải ăn chay. Ăn chay được cũng tốt, nhưng không sát sanh quan trọng hơn. Nếu thịt cá không tự mình giết, không bảo người khác giết, hoặc không phải vì mình mà giết thì chỉ là vật thực không có sự sống, chỉ còn tứ đại, nên có ăn thì cũng như ăn thực vật, không có tội gì cả.
Ngày gửi: 22-01-2009
Câu hỏi:
Cúi lạy thầy! Con xin hỏi về chuyện đức Phật. Đọc lịch sử Phật thấy Phật ngồi thiền ở trong rừng, gốc cây, hang động, bờ sông v.v... nhưng không thấy nói đến vấn đề muỗi mòng, côn trùng cắn đốt. Con đã truy tìm nhiều tài liệu về Phật sử cũng không thấy ghi chép lại vấn đề làm sao khắc phục được, cũng đi hỏi nhiều người trong đạo Phật nhưng họ điều phỏng đoán là Phật có thần thông, là xứ Ấn ngày xưa không có muỗi, là do Phật toả tâm từ nên không bị côn trùng cắn đốt... Nhưng tất cả đều là giả thuyết. Hay là đức Phật có phương pháp nào chăng....?! Riêng con cũng đã từng thử ngồi thiền nhưng ngay trong nhà nếu không giăng mùng hoặc đốt nhang, quạt gió v.v... thì không thể chịu nổi. Và cố gắng thì cũng có thể chịu được vài thời, nhưng còn bệnh sốt xuât huyết sốt rét thì sao.... con chỉ sợ chưa vượt đến bờ bên kia thì bè phải bỏ.... thắc mắc lắm thay! Đức Phật và các tỳ kheo xưa và nay làm như thế nào, xin thầy hoan hỷ nói lại cho con kinh nghiệm. Cúi lại thầy của con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cách đây 30 năm, có một vị thiền sư nguyên thủy tu hạnh đầu đà trên núi Cấm, cứ ngồi thiền suốt đêm giữa rừng. Vị sư khách tới thăm, chỉ mới một đêm đã không chịu nổi vô số muỗi rừng tại đây, vô cùng ngạc nhiên khi quan sát thấy vị thiền sư không hề bị một con muỗi nào đốt cả. Sáng ra vị sư khách hỏi: "Ngài có bí quyết gì mà muỗi không đốt vậy?" Thiền sư trả lời: "Lúc đầu tôi cũng bị đốt chịu không nổi, sau tôi cứ để mình trần bố thí cho muỗi ba ngảy đêm, với lời nguyện rằng do phước bố thí này xin cho muỗi đừng đốt nữa để tôi ngồi thiền không trở ngại. Lạ lùng thay sau đó muỗi chẳng hề đốt tôi nữa". Vị sư khách lè lưỡi cáo từ. Khách ra về còn phân vân mãi không biết vị thiền sư nói chơi hay nói thật, nhưng rõ ràng là vị ấy không hề bị muỗi đốt. Nếu con chưa biết chắc điều đó có đúng hay không thì tốt hơn cứ treo mùng mà ngồi thiền cho chắc vậy.
Trong kinh chỉ nói rằng người hành thiền trong rừng nên nhẫn nại với rắn rít muỗi mòng và thú dữ, nên thường đọc kinh rải tâm từ đến các sinh vật đó. Những bài kinh này có trong Kinh Tụng Pàli.
Ngày gửi: 22-01-2009
Câu hỏi:
Kính lạy quý sư! Con xin phép được hỏi về giới sát và nói dối trong ngũ giới cấm. Số là con có một căn nhà trống không xài đến để lâu mối mọt nhiều lấn sang nhà bên cạnh, người nhà bên cạnh khiếu nại biểu con phải khắc phục ngay. Con đã hứa một trong hai ngày tình trạng này sẽ được khắc phục. Rắt rối là con vừa làm lễ quy y Tam bảo xong, đứng trước mặt thầy mặt Phật con đã long trọng tuyên thệ giữ năm giới đến trọn đời, không sát sanh, không biểu người sát và cũng không hoan hỷ khi thấy người sát. Lại nữa, không nói dối v.v... Nay đã hứa với người ta thì phải khắc phục ngay, nếu sát thì phạm giới sát sanh còn nếu không sát thì cũng không xong với người và cũng phạm giới nói dối... Nay xin quý thầy chỉ dạy con phải làm sao để đúng với tinh thần Phật giáo, Phật tử tại gia. Con đã lật nhiều sách giới luật ra chưa thấy ghi trường hợp này..... phải giải quyết sao đây? Phải tư duy thế nào...??? Một lần nữa con xin đảnh lễ quý sư với tinh thần cung kính lắng nghe chỉ dạy. Kính chúc quý sư sức khỏe dồi dào , thân an, tâm lạc. Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giới có mục đích: 1) Ngăn ngừa điều ác, phát triển điều lành; 2) Tập thận trọng, tinh tế trong hành động, nói năng; 3) Qua giới chúng ta học hỏi chiêm nghiệm được bản chất đạo đức của thân khẩu ý mình. Cũng giống như nguyên tắc y đạo là ngừa bệnh hơn chữa bệnh, giới là điều học (sikkhapada) giúp chúng ta học hỏi chiêm nghiệm lại hành động nói năng của mình để thận trọng ngăn ngừa trước những hành vi hại người hại mình chứ không phải để nước đến chân mới nhảy. Nếu không chịu học hỏi chiêm nghiệm để thận trọng trong ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc...thì khó ngăn ngừa được những căn bệnh hiểm nghèo, lúc đó muốn chữa chạy thật không phải dễ, thậm chí đành phải bó tay. Cũng vậy, nếu không thường tự quan sát hành động nói năng của mình để đến khi đã gây ra tình huống khó khăn rồi mới kêu than khó xử, tức là chúng ta chưa thật sự biết giữ gìn giới hạnh. Như vậy, dù không phạm giới cũng không học hỏi được điều gì về mình qua những học giới đó. Trong tình huống của con, hãy vận dụng toàn bộ khả năng của mình để học hỏi chiêm nghiệm và ứng xử, đó chính là dịp để con tự biết thế nào là giữ giới.