Kết quả Tìm Kiếm: Có 208 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'bất an & sợ hãi'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 02-08-2012
Câu hỏi:
Thưa Thầy, xin cám ơn Thầy đã trả lời câu hỏi cho con.<p>
Trên hành trình này con phải học cách tự điều chỉnh cho mình, biết nương tựa vào bản thân là chính. Con định tạm thời chưa hỏi Thầy thêm, nhưng bây giờ lại có câu hỏi khác, nên con xin được hỏi Thầy nhé:<p>
Trong những phép Quán bất tịnh để giảm tham ái, có phép Quán tử thi. Thỉnh thoảng may mắn, từ những nguồn chia sẻ trên mạng, con có được một, hai bức hình tử thi có dòi, hoặc tử thi được mổ xẻ. Hoặc con cũng cố gắng xem thêm video giải phẫu cơ thể người của các bác sỹ nước ngoài (trên Youtube) rồi sau đó con tập quán. Lúc đó thì tưởng chừng như khá ổn. Nhưng có lần, khi xem những mô hình người kích cỡ thật, dùng dàn dựng lại lịch sử, nhìn những bộ tóc giả, những khuôn mặt vô hồn, con lại thấy ghê sợ. Con thấy bao nhiêu nỗi sợ hãi cùng tưởng tượng cứ thế trổi dậy, rồi những hình ảnh về những hủ tục man rợ thời cũ (được thâu lượm qua phim ảnh và sách vở) cũng hiện lên. Lúc đó con chỉ muốn thoát ra khu vực tham quan đó càng nhanh càng tốt. Rồi con nhớ đến ngài Ajahn Chah, cũng từng sợ hãi và hoảng loạn một mình giữa đêm khuya ở nghĩa địa, nhưng cuối cùng đã vượt qua. Con cũng nhớ có một vị Sư nào đó, kịp lúc có một cái xác đang trương phồng, rồi ngồi quán với nó trong 1-2 ngày gì đó, sau đó Sư không còn hứng thú gì với cơ thể nữa.<p>
Thưa Thầy, Thầy có nghĩ là nếu như không đủ ba la mật, thì một người không thể vượt qua những kinh nghiệm như ngài Ajahn Chah không?<p>
Thỉnh thoảng, khi nhìn thấy con rết, con cũng vô cùng sợ hãi, tưởng tượng nếu nó cắn người hoặc chui vào đâu đó, thì thật là tệ. Nếu nó không bò đi nhanh, con không hiểu mình có thể bình tĩnh nổi để không phạm giới không nữa.<p>
Thưa Thầy, đối với những nỗi sợ hãi sâu dày như thế, Thầy có kinh nghiệm nào để vượt qua không, xin Thầy từ bi chia sẻ cho con.<p>
Con xin đảnh lễ Thầy. Con kính chúc Thầy mọi điều an lạc...<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Sợ hãi xuất phát từ tưởng tượng. Tưởng tượng đúng thì cũng tốt, nhưng tốt nhất là tưởng tượng nào đưa đến sợ hãi, khổ đau và bất thiện thì nên chấm dứt nó đi. Khi sợ hải hoặc là con có thể niệm Phật, hoặc là trực tiếp hơn con nên trở về trọn vẹn lắng nghe sự sợ hãi đó thì nó sẽ tan biến ngay, đơn giản là vì khi niệm Phật hay khi lắng nghe lại mình thì tưởng tượng không xen vào được. Đó là trực diện với nhân của sự sợ hãi.
Có một cách nữa là trực diện với duyên tức là đối tượng của sự sợ hãi. (Tưởng tượng là nhân, đối tượng là duyên). Hồi thầy ở tuổi tiểu học có hai lần ấn tượng nhất khi trực diện với đối tượng khiếp đảm và sự sợ hãi đến tận cùng. Một lần đi lửa trại ngoài bãi biển cách nhà thầy khoảng 4 km, không ngờ đến nửa đêm thì thầy giáo cho giải tán, bạn bè mỗi đứa đi mỗi ngã còn thầy một mình đi bộ về nhà trong một đêm trăng mờ ảo, vượt qua một nghĩa địa vùng quê dài gần 1 km với những quả cầu lửa mà dân quê gọi là ma trơi. Thầy không nói thì con cũng biết nỗi sợ hãi khiếp đảm của thầy lúc đó như thế nào!
Một lần khác cũng nửa đêm thầy phải đi gọi ông chú làm ý tá cách xa nhà khoảng 2 km (từ cửa Thượng Tứ đến cửa Đông Ba), về chích thuốc cho mẹ thầy đang lên cơn đau bụng kinh khủng. Lần này thì đi trong thành nội Huế có điện đường nên không phải sợ ma mà là sợ chó đến rụng rời, khi một con chó sủa thì chúng sủa cả xóm, cả đàn nên vô cùng khiếp đảm. Nhưng nhờ những lần thử thách trực diện như vậy mà từ đó hầu như thầy không còn sợ ma và sợ chó nữa. Sau này khi đã xuất gia, có những lần đối diện với cọp trong rừng, đi ở tù, bị vu khống, bị đố kỵ v.v... đã giúp thầy ngày càng ít sợ hãi vu vơ hơn. Và cũng nhờ biết chiêm nghiệm những lần sợ hãi mà thầy đã thấy ra rằng: sợ hãi xuất phát từ tưởng tượng hơn là giáp mặt với sự thật.
Ngày gửi: 02-08-2012
Câu hỏi:
Bạch Sư Ông.<p>
Em gái của con, T.H. rất sợ bóng tối và trong đầu luôn luôn tưởng tượng ra ma quỷ và những thứ rất đáng sợ. Tâm của em cũng rất hay bị xáo động nên con và em muốn hỏi Sư Ông có cách nào để giúp tâm luôn an lạc?<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Các con nên đọc bài Kinh Ân Đức Phật (ITI'PI SO BHAGAVÀ...), hoặc nếu bài kinh PALI dài các con không đọc thuộc thì chỉ niệm ARAHAM SAMMÀ SAMBUDDHO thôi cũng đủ hết sợ rồi. Hôm nào các con xin mẹ lên chùa sinh hoạt Gia Đình Phật Tử mỗi buổi chiều chủ nhật với các bạn thì sẽ đọc Kinh thuộc dễ dàng hơn.
Ngày gửi: 22-06-2012
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy,
Đọc tâm sự của chị bạn vừa rổi, con thấy hình ảnh của con trong đó những năm về trước, khi chưa được gặp Thầy. Lúc đó, con không biết mình sống để làm gi, dù rằng cuộc sống không có gì để mà than phiền cả, chỉ có cái là con cứ quanh năm uống thuốc do bệnh liên tục! Từ khi được Thầy chỉ dạy, con thấy mính sống thanh thản hơn, biết chấp nhận mình, bớt so sánh. Thầy dạy chúng con "cuộc đời là trường học để mọi người học hỏi khám phá ra bản chất sự thật của chính mình và đời sống" và như thế "con sẽ thấy mọi hiện thực trong đời đểu là bài học có ý nghĩa tuyệt vời của nó". Con đã rất tâm đắc với những điều Thầy dạy, và con đã làm theo. Thưa Thầy, con thấy mặc dù con có tinh tấn hơn, nhưng có những lúc con vẫn thấy con vẫn chưa thực sự can đảm đối diện với sự thật. Con kính mong Thầy chỉ dạy thêm. Con kính cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đơn giản là con chỉ cần sống biết mình từng giây từng phút trong hiện tại thì sự thật là sự thật thôi. Sự thật chỉ đáng sợ khi trí tưởng tượng vẽ vời thêm. Có người nọ sợ ma nên khi đi trên đường vắng anh ta ước gì có người bạn đồng hành cho đỡ sợ. May mắn tới một ngã ba thì gặp được một người cùng đi, anh vui vẻ nói chuyện suốt đường nên không còn sợ hãi gì. Khi đến chỗ có đông người anh quay qua định chào từ giã thì người ấy biến mất. Anh ta sợ muốn chết vì người ấy là một con ma. Như vậy ma không đáng sợ mà tưởng tượng gán cho ma mới là đáng sợ. Cũng y như vậy, chính tưởng tượng làm cho con mất lòng can đảm. Nếu con biết sống trọn vẹn với từng giây phút hiện tại thì sẽ không còn nỗi ám ảnh của quá khứ, vị lai hay những ảo tưởng đáng sợ nữa.
Ngày gửi: 22-05-2012
Câu hỏi:
Cháu năm nay 14 tuổi chuẩn bị thi vào lớp 10, cháu rất lo sợ sẽ không vào được trường công lập. Cháu sợ phụ lòng ba mẹ. Vậy mong thầy chỉ giúp cháu làm thế nào để tự tin hơn được không ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi cháu siêng năng, chú tâm và tỉnh táo chăm lo học tập thì cháu sẽ tự tin hơn và cũng không để phí thời gian cho việc lo lắng vô ích. Vào trường công là tốt nhưng không nên vì thế mà tạo áp lực cho mình. Chính sự siêng năng, chăm chú và nhẫn nại học tập tạo nên khả năng đạt được thành quả cao trong thi cử, đồng thời cũng tạo nên phẩm chất cao quý của một con người. Vì vậy dù vào được trường công hay không thì cháu vẫn có được phẩm chất cao quý mà thầy nghĩ đó mới là điều ba mẹ cháu mong cháu có được hơn cả mong cháu vào trường công để chỉ gây áp lực phản tác dụng. Thầy chúc cháu cứ tự nhiên mà học tập chăm chỉ, không có gì đáng sợ cả, chỉ sợ là không siêng năng chuyên chú học tập mà thôi.
Ngày gửi: 10-05-2012
Câu hỏi:
Kính chào Thầy, xin thầy cho con hỏi 2 ý như sau:<p>
1. Con sắp sửa lấy chồng và xuất ngoại, nhưng trong lòng con vẫn nặng trĩu tình cảm gia đình. Nhìn cha mẹ già, anh chị em, những người đã sống với con hơn 30 năm qua, giờ đây sắp chia xa họ, con đau lòng quá. Con ra đi vì hạnh phúc riêng cho bản thân và con biết rằng anh chị em con rồi cũng có gia đình riêng của mình, nhưng lòng con vẫn buồn khi nghĩ đến cảnh sống xa người thân suốt cả nửa đời còn lại. <p>
2. Con sắp xuất ngoại theo chồng nhưng con đang rất lo lắng. Sang xứ người con sẽ làm gì để sinh sống? Ở Việt Nam, con cũng có công việc trí thức, thu nhập không cao nhưng cũng vừa nuôi sống bản thân. Sang xứ người, con muốn làm việc để vừa có thể tự lo cho mình, vừa có thể giúp đỡ gia đình ở Việt Nam. Và con cũng luôn tâm niệm, nếu có thể con sẽ giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh nghèo khổ ở quê nhà. Nhưng con luôn lo lắng không biết con sẽ làm gì nơi xứ người để có điều kiện giúp mình giúp người. Con đã từng sống và học tập ở nước ngoài nên con hiểu khá rõ cuộc sống ở đó. Con biết rõ khả năng của mình cũng khó tìm được một công việc phù hợp như mong muốn nên con cứ hay lo lắng trong lòng. <p>
Con thường đọc sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh, sống ở đây, sống cho hiện tại, còn tương lai và quá khứ chúng ta không thể kiểm soát được. Biết vậy nhưng sâu thẳm trong lòng con vẫn lo, lo cho tương lai không biết mình sẽ thế nào. Con không trút bỏ được cái suy nghĩ này nên con xin thầy cho con một lời khuyên để con tìm lại sự an lạc, sống sao cho có ích, có ý nghĩa hơn để làm được nhiều việc cho mình và cho người. <p>
Con xin chân thành cám ơn thầy và kính chúc thầy nhiều sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thầy cũng chẳng có lời khuyên nào hơn là con nên bình tĩnh cân nhắc thật kỹ để có tự tin hơn trong quyết định tương lai của mình. Chủ yếu là sự bình tĩnh sáng suốt và tự tin, còn lại mọi thứ đều sẽ vận hành theo duyên nghiệp của mỗi người, không phải điều gì mình cũng tính toán được như ý mình, nghệ thuật sống là biết chấp nhận những điều bất ngờ. Nếu một người xem cuộc đời là bài học giác ngộ thì bất cứ điều gì đến với anh ta đều là bài học tốt cả, vì vậy anh ta sẽ không phân vân chọn lựa, anh ta biết rằng mọi chọn lựa đều có giá trị như nhau nếu biết học ra từ đó bản chất đích thực của đời sống. Con phân vân vì con sợ ước mơ hay những tính toán của mình không trở thành hiện thực. Nếu con biết rằng mọi hiện thực đều giúp con giác ngộ thì sẽ không còn phân vân sợ hãi nữa.
Ngày gửi: 27-04-2012
Câu hỏi:
Bạch Thầy!
Con đã có đức tin vào Phật. Con đã cố gắng tu tập đối với bản thân và hành thiền được một thời gian... nhưng sao tâm con vẫn không được yên lúc nào cũng giống đứng ngã ba đường, luôn có sự đấu tranh, cãi cọ trong tâm làm người con bất an, đôi lúc nóng giận ra bên ngoài. Con mong thầy chỉ con nên đi tiếp như thế nào? Con xin cảm ơn thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Một, tâm bất an là vì con đang mong muốn được an, bất an này gọi là trạo cử hay phóng tâm. Hai, tâm bất an do con đang chọn lựa giữa cái đang là và cái phải là (giữa căn cơ trình độ của con với hệ quy chiếu lý tưởng mà con hướng đến), bất an này gọi là phân vân hay nghi hoặc. Ba, tâm bất an do cố gắng hành động để trở thành mà con gọi là tu tập hay hành thiền, bất an này chính là hành vi tạo tác.
Chỉ cần con thực sự trở về lắng nghe nhìn ngắm lại chính mình như hiện trạng nó đang là thì ngay đó mọi bất an đều biến mất.
Ngày gửi: 20-03-2012
Câu hỏi:
Bạch thầy cho con hỏi! <p>
Con hay mất tập trung khi làm việc, chánh niệm của con không được lâu, TÂM con hay bị đi ra khỏi công việc con đang làm, hay nghĩ những chuyện không đâu. Một điều nữa, là khi ngủ nhiều đêm con mơ mộng nhiều chuyện bậy bạ, giật mình dậy con thấy mệt và hoang mang, dường như con thấy mình bất an.
Bạch thầy như vậy là TÂM con có vấn đề gì?
Thầy có cách nào dạy bảo đề con khắc phục những chuyện này không? <p>
Con rất mong những giải đáp của sư thầy. Con xin cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đúng là tâm con bất an. Bất an do nhận thức chưa đúng về bản thân mình và cuộc sống xung quanh, khi nhận thức chưa đúng thì sinh ra phân vân bất định và phản ứng thiếu trầm tĩnh sáng suốt, kết quả tất nhiên là không chú tâm được và ảnh hưởng đến vùng tiềm thức qua những giấc mơ mệt mỏi. Con nên thực hiện một số nguyên tắc sau đây:
- Nghe Pháp Thoại để điều chỉnh nhận thức về mình và cuộc sống
- Niệm "Araham, Sammà Sambuddho" là 2 ân đức Thanh Tịnh và Sáng Suốt của chư Phật để phục hồi tính thanh tịnh sáng suốt của tâm. Nhớ là vừa niệm vừa lắng nghe sự thanh tịnh sáng suốt trong tâm. Niệm như vậy sẽ giúp tâm bớt tán loạn.
- Thận trọng, chú tâm quan sát mọi trạng thái diễn biến trong hoạt động hàng ngày của thân. Tự nhiên thôi chứ đừng quá cố gắng, miễn sao con không phân tâm là được. Điều này giúp con luôn có mặt trong hiện tại, không bị quên mình trong thất niệm tán loạn.
Ngày gửi: 18-03-2012
Câu hỏi:
Kính thưa sư, con có người con gái cũng bác sĩ như con, ra trường được vài năm siêng năng chăm chỉ học hành và làm việc. Tuy nhiên mỗi lần thấy cảnh bệnh nhân hấp hối và người nhà đau khổ vật vã thì tâm cũng chấn động khủng hoảng, về nhà bỏ ăn mất ngủ, thậm chí muốn bỏ nghề. Kính mong sư dạy con nên làm gì để vượt qua trạng thái tâm lý đó. Cầu mong sư luôn sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Hầu hết những phản ứng cảm tính đều do tưởng tượng. Sợ hãi là một cảm xúc vị ngã bởi vì nó liên tưởng đến bản thân mình. Thực ra sợ hãi đã có trước do tưởng tượng bị kìm nén, ví dụ như sợ rắn, sợ ma, sợ chiến tranh, sợ chết, sợ đói, sợ bệnh, sợ mất mát, sợ đau đớn, sợ nhục nhã, sợ bị tổn thương v.v... đến với mình, nên khi giáp mặt với những sự kiện ấy thì sự sợ hãi liền bùng phát.
Có thể nguyên nhân là lúc còn thiếu niên sống bưng bít, ít tiếp xúc với thực tế và thiếu trải nghiệm tính vô thường, khổ và vô ngã của đời sống nên đã hình thành những ảo ảnh tươi đẹp lý tưởng khác xa với thực tế trần trụi của đời thường. Vậy, một là chỉ cần can đảm trải nghiệm những sự kiện hiện thực thì sợ hãi sẽ giảm dần. Hai là mỗi khi sợ hãi nên lắng nghe lại nỗi sợ hãi ấy thì nó sẽ lắng dịu xuống để có thể dễ dàng đối diện với sự thật hơn. Sự thật là liều thước duy nhất chữa trị căn bệnh ảo tưởng của cái ta sợ hãi.
Ngày gửi: 17-03-2012
Câu hỏi:
Con sinh năm 1989, con đang là sinh viên năm cuối. Năm nay gia đình con gặp rất nhiều chuyện không may, cụ thể là ngoại con mới mất, con buồn lắm cộng thêm nhiều chuyện về tiền bạc làm con hay suy nghĩ, lắm đêm con ngủ không được và hay nằm mơ, con mệt mỏi ghê lắm, con lo lắng không biết sao nữa con không có tâm trí nào học cả. Con xin thầy hãy cho con những lời khuyên và hướng dẫn con để con có những bước đi đúng.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con đang lo nghĩ chứ không phải là suy nghĩ. Con đã để cho những tình cảm đau buồn lo lắng xen vào việc học hành của con. Nếu con trầm tĩnh sáng suốt mà suy nghĩ cho thấu đáo thì lẽ ra con phải quyết định chuyên tâm học hành cho thật tốt để sau này giúp bản thân và gia đình mới phải. Hãy tích cực lên và chú tâm vào việc học để hoàn thành năm cuối.
Ngày gửi: 31-01-2012
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con nay đã lớn tuổi, gần như đã đi hết cuộc đời, nhưng con vẫn có cảm giác luôn lo sợ, hoảng loạn vì những chuyện chưa xảy ra. Trước khi tiếp xúc hay nói chuyện với một ai, dù là chuyện rất đơn giản, con vẫn cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Vẫn biết như vậy là không hợp lý nhưng con không thể tự kiềm chế cảm xúc của mình. Con cũng đọc sách học làm người hay sách báo về Phật giáo để cầu mong tâm hồn được thanh thản nhưng dường như quá khó khăn. Đôi lúc con nghĩ, con muốn chết để thoát khỏi sự căng thẳng. Con mong được sống với tâm hồn bình an. Kính mong thầy chỉ con đường đi để có cuộc sống thanh thản. Con xin cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chính vì con muốn bình an hay an toàn nên tâm luôn bất an, lo lắng. Khi con muốn một việc nào đó sẽ diễn ra an toàn tốt đẹp thì tâm lo sợ sẽ phát sinh: sợ không như ý muốn của mình, sợ điều xảy ra bất thường, không như nếp sống bấy lâu đã quen thuộc... thành lề thói an toàn.
An có nghĩa là trọn vẹn với hiện tại như nó đang là, không loại bỏ cũng nắm giữ nó, mặt khác an là không phân tâm bởi hối tiếc quá khứ hay lo lắng tương lai, vì những điều này tạo ra thời gian tâm lý, và bị chi phối bởi thời gian tâm lý chính là bất an. Trật tự hiện hữu của thời gian và không gian là thực tại ngay đây và bây giờ mà Dịch Lý gọi là thời vị trung chính. Khi tâm trọn vẹn chánh niệm tỉnh giác với thực tại thân tâm (thân, thọ, tâm, pháp) thì đó chính là thời vị trung chính, thoát ra mọi trói buộc của thời gian tâm lý gây ra lo âu sợ hãi.
Có 2 cách đơn giản mà hiệu quả rất tốt: Nếu con là người có niềm tin trội hơn thì con nên nhiếp tâm niệm Phật để tâm nhất niệm trong hiện tại thì sẽ thoát khỏi lo âu sợ hãi. Nếu con có trí tuệ trội hơn thì nên lắng nghe quan sát lại thân tâm mình ngay khi đang ở trong tình trạng hoạt động nào đó, như biết rõ mình đang đi, đang ngồi, đang ăn, đang thở... đang khổ, đang vui, đang buồn, đang sợ v.v... Khi trọn vẹn với hiện tại một cách rõ ràng minh bạch như vậy, con sẽ không còn thời gian để lo lắng về điều chưa xảy ra. Còn có một bí quyết nếu con làm được thì ngay đó không còn sợ hãi: Buông xuống!