Kết quả Tìm Kiếm: Có 38 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'Tứ Diệu Đế '.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 20-10-2015
Câu hỏi:
Thưa Thầy! Có phải chỉ nhận biết Tập đế, Khổ đế, Diệt đế, Đạo đế khi vắng bóng cái Ta, chỉ có sự nhận biết đơn thuần, rõ ràng, trong sáng, không qua ngôn ngữ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Phải con. Qua ngôn ngữ, khái niệm thì không còn là thực tánh chân đế nữa.
Ngày gửi: 08-09-2015
Câu hỏi:
Kính thưa sư ông Đức Phật là người tỉnh thức. Nhưng con không hiểu Phật tỉnh thức những gì? Ngài tu theo Thiền Tịnh hay Mật hay tu cách nào để tỉnh thức? Con chân thành cảm ơn Sư ông.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trước khi giác ngộ đức Phật tu đủ cách, cuối cùng Ngài thấy tu gì cũng sai, chợt nhớ hồi còn bé thơ không tu gì cả mà tâm hồn nhiên trong sáng thấy gì cũng hồn nhiên trong sáng nên không khổ gì cả. Từ đó Ngài giác ngộ ra rằng: Khi tâm trong sáng hồn nhiên đó chính là Đạo đế, Đạo đế liền thấy ra Diệt đế nên chẳng có khổ gì cả. Nhưng khi tâm không trong sáng thì ham muốn khởi lên, đó chính là Tập đế, Tập đế sinh ra Khổ đế nên mới chuốc lấy phiền muộn khổ đau thế thôi. Đó là Bốn Sự Thật rất hiển nhiên mà không ai thấy được nên họ cứ mãi trầm luân trong biển khổ. Thì ra, tâm vốn thanh tịnh trong sáng, pháp vốn tịch tịnh tự nhiên, chỉ cần tỉnh thức, buông mọi kiểu tu toan tính, nỗ lực, tìm cầu, khổ luyện... thì ngay đó tâm liền chói sáng (Pabhassara Citta), ở đó tâm vốn không sinh, không hữu, không tác, không thành nên liền thoát khỏi mọi ý đồ sinh hữu, tác, thành của vô minh ái dục. Tỉnh thức là thế đó con!
Ngày gửi: 27-11-2014
Câu hỏi:
Kính thưa sư ông xin sư ông giải thích cho con: <p>
- Sau khi chết còn hay hết. Nếu hết thì tu hành (dù tu cách gì đi nữa) có ích lợi gì? Nếu còn thì còn gì, con người hay con vật đi về đâu? <p>
- Đời sống con người so với cái bao la vô cùng của vũ trụ như điển chớp như bóng bọt. Thật tình con không thể biết được ý nghĩa và mục đích của đời sống con người là gì? <p>
- Mỗi loài đều có cái nhìn về mọi sự vật khác nhau. Cái nhìn đó được chồng chéo bởi nhiểu tư tưởng, nghĩ suy, thành kiến... Như vậy sự vật xuyên qua cái nhìn của từng loài bị bóp méo không đúng sự thật. Do đó sinh ra khổ đau, hạnh phúc (những điều này không đúng). Dù cho mình có quan sát, chỉ quan sát đơn thuần thân, tâm và cảnh vật thì trong cái quan sát này tưởng chừng như chỉ đơn thuần quan sát vẫn còn vướng. Như khi con người nhìn cái ly chỉ biết cái ly thì đó cũng đã bị kiến thức chồng lên trước đó (trong khi con bò, con kiến khi nhìn thấy cái ly chúng sẽ chẳng biết gì). Khi nghe, thí dụ nghe nhạc hay nghe kinh, nghe khen, chê thì chẳng qua là nhiều loại sóng âm tác động vô tình vào tai. Vậy mà con người sinh ra vui buồn khác nhau. Kính xin sư ông hướng dẩn con một cái nhìn, nghe, ngửi, nếm... đúng với sự thật. <p>
Con xin cảm ơn sư ông.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chẳng ai trả lời được những vấn nạn của con, và dù có thì cũng chỉ là những thông tin làm mù mờ thêm sự thật. Đạo Phật không đáp ứng những điều đó, con muốn hiểu đạo Phật thì chỉ nên chiêm nghiệm Bốn Sự Thật (Tứ Diệu Đế) thôi. Bốn Sự Thật ở trong con nên chỉ cần trở về trọn vẹn tỉnh thức với chính mình là con có thể thấy được.
Ngày gửi: 28-09-2013
Câu hỏi:
Thưa Thầy. <p>
Khi một người bị lưỡi dao làm bị thương có hai trường hợp xảy ra khiến cho người không cảm thấy đau đớn đó là: hoặc là lưỡi dao chém vào cơ thể quá sắc, quá ngọt khiến không kịp cảm giác đau, hoặc do công phu của người bị thương đạt đến mức có thể tự điều phục xem vết thương ấy như không có! <p>
Cũng vậy, khi một người bất chợt có sự đổ vỡ lớn và hụt hẫng trong lòng mà họ vẫn rất tỉnh không đau khổ thì có thể giải thích như trường hợp vết thương thể xác không ạ? <p>
Nếu có tồn tại sự kiềm chế trong tâm người ấy thì không bàn ở đây vì đó cũng là cách ứng xử tốt trong cuộc sống.
Tuy nhiên nếu khả năng không có sự kiềm chế thì sự xả ly nhanh chóng thoát khỏi mọi sự đau khổ ràng buộc khiến trở nên tỉnh táo như vậy có thể nào tồn tại trong một người có đời sống thiên về tình cảm chăng hay chỉ người có "máu lạnh" mới làm được? <p>
Con thành kính tri ân Thầy.
Kính chúc Thầy ngày cuối tuần an lành.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vấn đề không phải ở chỗ có đau hay không đau, hoặc có kiềm chế được cơn đau hay không được, bởi vì nếu vậy thì chỉ cần uống thuốc giảm đau, hoặc chích thuốc mê, thuốc tê gì đó là xong. Trong sự tu tập của Đạo Phật thì dù đau hay không vẫn không sinh ảo tưởng về cảm giác đó, tâm vẫn trở về trọn vẹn trong sáng với cảm giác đó để thấy nó như nó đang là hay nói cách khác là thấy rõ bản chất vô thường, khổ-lạc-xả, và vô ngã của nó, mà không sinh thêm cái khổ tâm lý - khổ khổ do muốn kiềm chế cảm giác đau gọi là phi hữu ái, hoại khổ do muốn giữ lại cảm giác lạc gọi là hữu ái và hành khổ do muốn tìm cảm giác tốt hơn cảm giác xả gọi là dục ái. Vậy tu tập không phải là kiềm chế cảm giác đau mà là loại bỏ tà kiến và tham ái của cái Ta ảo tưởng về cảm giác đó mà thôi.
Ngày gửi: 17-01-2013
Câu hỏi:
Bạch sư cho con hỏi.<p>
Vị trí và vai trò của quan niệm về "KHỔ" trong triết lý Phật giáo.<p>
Vì sao đức Phật lại giảng cho chúng sinh bài giảng đầu tiên là "Tứ diệu đế"?<p>
Kính mong sư trả lời giúp con.<p>
Con cảm ơn và cúi đầu đảnh lễ sư!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1. Khổ không phải là một quan niệm mà là một sự thật, sự thật đó là: Khổ khổ, hoại khổ và hành khổ.
Khi sự thật này được "thấy, biết, hiện quán và thực chứng" thì nguyên nhân của chúng: phi hữu ái, hữu ái và dục ái cũng được thấy rõ và đoạn trừ.
Như vậy nhận chân ra sự thật về khổ là điều tất yếu trên con đường giác ngộ của mỗi người.
2. Đức Phật giảng Tứ Diệu Đế là giảng về cái thực, từ sự thực tương đối (Tục đế) đến sự thực rốt ráo (Chân đế). Như vậy, trong suốt 45 năm hoằng pháp, Đức Phật luôn luôn giảng về Tứ Diệu Đế, bằng cách này hay cách khác, tuỳ duyên, tuỳ đối tượng, nhưng luôn luôn chỉ thẳng vào sự thực là Tứ Diệu Đế.
Ngày gửi: 19-01-2012
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, có phải chánh niệm tỉnh giác là tâm rỗng lặng trong sáng hay biết các pháp tự nhiên mà không bị mệt, lại không phải mất công đi tìm kiếm ở đâu xa, tất cả là đã sẵn có? Kính thầy từ bi giảng giải cho con ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Không riêng chánh niệm tỉnh giác mà tất cả yếu tố trong Đạo Đế không có yếu tố nào do cái ta ảo tưởng rèn luyện mà thành được cả, tất cả đều vô ngã, đều là pháp tự nhiên, sẵn có. Những yếu tố này luôn tự ứng để hóa giải sự lăng xăng tạo tác của cái ta vô minh ái dục. Nhưng khi cái ta vô minh ái dục còn lăng xăng tạo tác thì nó tưởng là nó đang cố gắng rèn luyện để tự hoàn thiện chính mình, mà không biết rằng nó đang hình thành Tập Đế, hành trình của luân hồi sinh tử, hoàn toàn trái ngược với Pháp Tự Nhiên vô ngã, vô vi của Đạo Đế. Những yếu tố Đạo Đế luôn Vô vi, Vô tác, Vô cầu, nghĩa là không do cái ta ảo tưởng lăng xăng tạo tác nữa.
Ngày gửi: 12-12-2010
Câu hỏi:
Kính thưa sư, trong thời gian con hành pháp buông xả con hiểu Tập đế là bị bản ngã thao túng, Đạo đế là pháp hành xả bản ngã, Diệt đế là thấy các pháp như nó đang là. Con xin sư chỉ dạy thêm cho con. Con xin cám ơn sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đúng vậy, khởi đầu như thế là rất tốt, nhưng về sự thì tốt nhất đừng gọi pháp là gì cả, chỉ rỗng lặng trong sáng mà thấy biết pháp, không xen vào ý niệm nào thì mới thấy thực tại như nó đang là. Khi xen ý niệm, dù là ý niệm Tập đế, Đạo đế hoặc Diệt đế, vào thì đã bị tưởng che lấp rồi. Về lý, con nói về Tập đế và Đạo đế thì đúng, nhưng về Diệt đế thì có hai cấp độ thấy pháp như nó đang là: Khi pháp đang là là tham. sân, si... thì thực tánh của pháp đang là đó được gọi là thực tánh pháp (sabhàva dhamma), thực tánh pháp này chưa gọi là Niết-bàn. Khi pháp đang là là tịch tịnh trong sáng, không có tham sân si được gọi là chân nghĩa pháp (paramattha dhamma), pháp chân đế này mới gọi là Niết-bàn. Bản ngã cũng có hai mức độ: Khi nói buông bản ngã là nói bản ngã bị loại ra khỏi khu vực ý thức bởi chánh niệm tỉnh giác, nhưng bản ngã ngủ ngầm trong vô thức thì vẫn còn. Vì vậy khi đó nếu là Diệt đế hay Niết-bàn thì gọi là thời Niêt-bàn (Tadanga Nibbàna). Khi cả trong ý thức lẫn vô thức đều không còn bản ngã thì mới là Niêt-bàn trọn vẹn (Parinibbàna).
Ngày gửi: 11-12-2010
Câu hỏi:
Kính thưa sư. Con là người đang bị chết chìm trên con đường tu suốt gần 8 năm. Nhưng nhân duyên đến nên con được sư chỉ dạy trong bài pháp Tứ Diệu Đế tại Melbourne Australia. Từ đó, gần 2 năm nay con luôn hành pháp xả và trong khi xả, con nhận biết với sự thận trọng, chú tâm, quan sát một cách tự nhiên, không bị ép buộc dưới sự chỉ đạo của bản ngã. Thưa sư, con hành như vậy có đúng không?
Thỉnh thoảng con nhận ra rằng khi nào bị stress là do bản ngã thao túng, lúc đó con quan sát sự căng thẳng bằng pháp xả thì stress dần dần tan biến và con thấy được nguyên nhân từ đâu. Con nhận ra sự sanh diệt, vô thường, vô ngã nên con hoàn toàn không coi nó như kẻ thù cần phải đẩy lui như trước đây. Con còn phát hiện ra con thỉnh thoảng đang bị đắm trong xả do bản ngã là con xả bản ngã trong sự quan sát tự nhiên bình đẳng giữa dục ái, hữu ái và phi hữu ái, đến từ nguyên nhân gì, thì con thấy được thực tại. Con kính xin sư chỉ dạy thêm cho con. Con hành như vậy có đúng không ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tuyệt lắm, con chỉ nghe bài giảng Tứ Diệu Đế một lần mà đã hiểu và hành rất chính xác. Sadhu lành thay! Đây gọi là thấy được lý trong sự nên sự và lý được thể hiện một cách dung thông. Nhiều người sau khi nghe giảng, do hiểu sai nên một là họ cho rằng đó chỉ là lý thuyết không thể thực hành được, hai là họ tưởng đó là một phương pháp đem ra áp dụng để cầu mong đạt được điều họ muốn đạt. Pháp này chỉ giúp người hành phát hiện ra đâu là cái ta ảo tưởng, đâu là thực tại tự tánh. Thấy ra được hai điều này chính là "nội tâm thanh tịnh và thấy rõ các pháp" mà đức Phật dạy là hai thắng đế (hai chân lý thù thắng) còn được gọi là minh. Cứ tiếp tục theo hướng tu tập như vậy con sẽ khám phá Tứ Diệu Đế ngay trong sinh hoạt đời sống hàng ngày. Xin chúc mừng!