Hỏi Đáp Phật Pháp
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 01-03-2011
Câu hỏi:
Xin thầy cho biết cách hành thiền sao cho có hiệu quả nhất? Cách ngồi, cách điều phục tâm để tâm định được sâu và thế nào là ngồi đúng cách và không đúng cách?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cứ ngồi tự nhiên thoải mái, đừng quá gò ép thân trong một tư thế nhất định nào. Đừng cố gắng điều phục tâm, đừng bắt tâm phải định. Nếu biết buông cái ta lăng xăng tạo tác, nỗ lực muốn trở thành, muốn bỏ trạng thái này lấy trạng thái kia, trong ý đồ tham sân mê muội thì tâm sẽ tự định một cách dễ dàng. Chính ý chí của cái ta muốn đạt được trạng thái định lý tưởng đã làm cho cái tâm bất an mê muội. Giống như nước, cứ để yên nó đó đừng động đậy gì cả thì nó sẽ tự không chao động. Tại sao con muốn cái tâm định sâu mà lại cứ bắt nó phải như thế này thế kia theo ý mình? Có phải như vậy là định hay đang khuấy động nó lên?
Muốn định sâu hãy bắt đầu thận trọng chú tâm quan sát mọi việc hàng ngày một cách bình thường tự nhiên, chẳng bao lâu con thấy tâm con trầm tĩnh hơn trong mọi sự, rồi bỗng một hôm con thấy mọi xáo trộn bên ngoài không làm ảnh hưởng tới con nữa, đó là con đã định rất sâu, sâu hơn rất xa so với tứ thiền bát định mà ngoại đạo cố gắng luyện tập để đạt thành.
Ngày gửi: 01-03-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy, mấy ngày nay con được đọc các câu trả lời của thầy về vấn đề hôn nhân. Con thấy chung quanh con không có ai hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi mà sao ai hầu như cũng có khuynh hướng chọn lựa con đường đó. Con thường nói với con của con nên xuất gia hơn là lập gia đình nhưng cô bé vẫn muốn lập gia đình và sanh con. Con rất sợ cho cháu bị khổ và nếu sanh con tật nguyền lại càng khổ nữa. Con nghĩ như vậy có đúng không thưa Thầy? Con xin cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Với con thì đúng vì con đã thực sự thấy đó là khổ. Nhưng với con của con thì sai, vì cháu chưa thấy ra khổ nên cháu cần phải trải nghiệm để thấy ra sự thật đó. Khi cháu chưa thấy như con thì việc chọn lựa đời sống gia đình là tốt, vì qua đó không những cháu học ra chân lý về sự khổ mà còn vô tình rèn luyện được nhiều phẩm tính khác như nhẫn nại, thương yêu, chia sẻ, cảm thông v.v... để loại dần sự trói buộc của cái ta ích kỷ, si mê và lầm lạc. Ái dục chỉ được loại trừ khi thấy ra sự khổ, vì vậy khổ là một sự thật rất mầu nhiệm có khả năng đánh thức cơn mê của cái ta ảo tưởng. Hãy để cháu tự do lựa chọn, chỉ nên giúp cháu can đảm, bình tĩnh và sáng suốt để học ra bài học của mình. Một người xuất gia nếu chưa thực sự thấy ra chân lý về sự khổ, thì còn tệ hại hơn là sống trải nghiệm sự đời để thấy ra chân lý ấy.
Ngày gửi: 01-03-2011
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy! Hàng ngày con làm việc nhiều, về nhà lại lo toan chuyện gia đình, thời gian hành thiền của con rất ít. Nhưng mỗi ngày trong lúc làm việc hoặc mọi lúc mọi nơi con thường quan sát sự việc và thấy được tính chất vô thường của nó, tâm con bình lặng trở lại, không lăng xăng hay nóng giận khi có ngoại cảnh tác động. Do vậy tâm con có những lúc được an bình, trong sáng. Thưa thầy, đó có phải là thiền không? Xin thầy chỉ dạy. Kính chúc Thầy nhiều sức khỏe và vô lượng an lạc.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thiền không nhất thiết phải ngồi. Thiền là thấy ra sự vận hành đúng như bản chất của pháp nơi thực tại thân tâm, nghĩa là ngay nơi mọi hoạt động hàng ngày của con. Thận trọng chú tâm quan sát trạng thái hoạt động của thân, của cảm giác, của tâm hành, của sự tương giao thân tâm và ngoại cảnh một cách tự nhiên được đức Phật gọi là thiền Tứ Niệm Xứ. Mỗi người vốn tự nhiên đã sẵn có sự thận trọng, sự chú tâm, sự quan sát. Nếu tâm không buông lung theo sự thúc dục của cái ta ảo tưởng thì ngay đó tâm liền có tinh tấn, chánh niệm và tỉnh giác, và lúc đó thận trọng chính là giới, chú tâm chính là định, quan sát chính là tuệ. Vì vậy, thiền là thái độ sống sáng suốt, định tĩnh, trong lành một cách tự nhiên. Con đang thiền rất đúng rồi đó. Chúc mừng con.
Ngày gửi: 01-03-2011
Câu hỏi:
Thưa Thầy, Người giác ngộ đã thấy Pháp, nhưng sống trong đời thường thì ở MỘT GÓC ĐỘ nào đó có bị sức ép về mưu sinh, như chuyện cơm - áo - gạo - tiền không? Và khi sống trong đời thường thì không thể nói tôi không lập gia đình, xây dựng gia đình lo cho con cái được vì mình vẫn phải đặt trong cái chung, cái tổng thể xã hội để sống chứ ạ? Và đặc biệt khi đến lúc phải lập gia đình - tìm 1 người đi cùng mình để trải nghiệm bài toán cuộc đời thì lúc đó mình nên đi tìm kiếm, hay chỉ đơn giản là cầu nguyện và để pháp tự vận hành (như thầy hay nói: hãy lo việc của Pháp còn việc của mình thì để Pháp lo). Con rất mong câu trả lời của thầy, con xin cảm ơn!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thầy đã từng dẫn chứng để trả lời cho một số câu hỏi tương tự rằng: Trong Tam Tạng Kinh Điển của đức Phật có kể nhiều trường hợp những vị Thánh Tu-đà-hoàn tại gia vẫn lập gia đình, vẫn có con cái, vẫn làm những phận sự gia đình, xã hội như bao nhiêu người khác. Tất nhiên một ngươi thấy Pháp thì có nhận thức và hành vi đúng tốt hơn nên sẽ đem lại lợi ích cho gia đình và xã hội nhiều hơn
Việc chủ động tìm kiếm một người bạn đường hay tùy duyên phận là quyền tự do quyết định của mỗi người, và tất nhiên một khi đã chọn lựa theo tiêu chí của mình đề ra thì đồng thời cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định đó của mình. Nhiều người đã chọn cho mình một ý trung nhân rất tâm đắc nhưng chẳng bao lâu họ đã phải chia tay trong oán hận, do đó điều quan trọng không phải là chọn lựa kiểu nào, mà là thái độ nhận thức và ứng xử ra sao trong hoàn cảnh đã chọn lựa. Ví dụ cô B là người con chọn lựa, hay đó là duyên nợ của con, thì vấn đề vẫn là thái độ nhận thức và ứng xử của con như thế nào để có một đời sống gia đình đúng tốt với cô ấy. Mặt khác, hiệu quả của thái độ chọn lựa đó không phải là hạnh phúc hay đau khổ, thành công hay thất bại, mà là con có học được điều gì trong đó cho sự giác ngộ bản chất đời sống hay không, vì rồi mọi thứ đều sinh diệt, chỉ có thấy biết đúng (chánh kiến) mới giúp con giác ngộ giải thoát mà thôi.
Ngày gửi: 27-02-2011
Câu hỏi:
Con xin phép thầy, cho con hỏi một câu về cuộc sống đời thường là: con năm nay đã 30 tuổi và là con một nên chuyện lập gia đình, lấy vợ là việc cả nhà đều quan tâm và thúc dục, nhất là mẹ con. Mẹ còn bảo nếu trong năm nay con không lập gia đình là mẹ con xin vào chùa (hiện giờ mẹ con đã ăn trường chay), sự việc đã làm cho con rất sốt ruột, nhiều lúc bảo cứ gật đầu cho xong, với con cũng không có kén chọn gì cả chỉ vì chưa gặp ai thương con thật lòng mà thôi. Con vẫn tin vào sự vận hành của Pháp, vợ chồng là duyên số khi nào tới thì sẽ xuất hiện và mình sẽ nhận ra và đến với nhau thôi, không gì có thể ngăn được, nên hiện giờ con vẫn kiên trì chờ đợi. Con làm như vậy có đúng không thầy? Con rất mong thầy trả lời!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Mẹ con làm áp lực chỉ vì muốn con sớm lập gia đình để nối dõi tông đường, sợ để trễ quá bà không thấy được cháu nội hoặc đến lúc tuổi quá lớn con không muốn lấy vợ nữa. Mẹ tuy đi chùa, ăn chay nhưng không hiểu rằng lẽ nhân duyên không thể gượng ép được. Nếu cứ chủ quan theo ý mình thì ai chịu trách nhiệm những hậu quả về sau? Cha mẹ đâu biết chắc tương lai gia đình con cái mình sẽ ra sao. Con người thường sống theo bản năng, tình cảm hoặc quan niệm về hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời một cách chủ quan, chứ không cần biết sống như vậy rồi sẽ đi về đâu.
Mặt khác, khát vọng được thực hiện cái quyền sở hữu trong ý niệm "con của tôi", "cháu của tôi", "gia đình của tôi" ... để khẳng định và thỏa mãn cái "tôi" làm mẹ, làm bà... đã trở thành quá sâu dày và kiên cố trong tâm khảm con người. Phải nhận thức đúng đắn về bản chất cuộc sồng, vì trình độ nhận thức và cách xử sự non kém đã đẩy biết bao người vào cái bẫy của chính mình và gây ra biết bao hậu quả khổ đau cho người khác. Quan trọng không phải là có nên lập gia đình hay không mà là có biết giá trị đích thực của đời sống là gì không. Vì sống 100 năm không biết ý nghĩa đời mình chẳng bằng sống trọn vẹn trong một ngày đầy ý nghĩa chân thực.
Ngày gửi: 26-02-2011
Câu hỏi:
Con lấy chồng từ VN sang Hoa Kỳ, sau đó tụi con không được gần nhau trong 3 năm. Trong thời gian đó con luôn cầu nguyện để chúng con được gần nhau thì con sẽ tạ ơn Ngài. Hiện giờ con đã được toại nguyện, vậy xin Thầy con phải làm sao để tạ ơn. Con Tina
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cách tạ ơn tốt nhất là con nên nguyện sống trong thiện pháp, thường nói năng, hành động, suy nghĩ sáng suốt, định tĩnh, trong lành; thường sống lợi mình lợi người, không tham lam ích kỷ, không mê tín dị đoan... Đó là cách cúng dường, tạ ơn một cách cao thượng, như lời Phật đã dạy.
Ngày gửi: 26-02-2011
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy! là người cư sĩ tại gia nên con rất khó khăn trong việc tìm một nghề đúng với chánh mạng và con có ý định mở một trang trại để nuôi gà thả vườn, vậy có đúng với chánh mạng không ạ? Xin thầy tư vấn cho con một nghề thích hợp với người cư sĩ tại gia ạ. Thành tâm tri ân thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tư vấn cho con một nghề thích hợp thì thầy không làm được. Thầy chỉ có thể giúp con hiểu thế nào là nghề chánh mạng, thế nào mà nghề tà mạng để con biết tự chọn nghề theo khả năng của mình mà không tà mạng là được.
Nói chung những nghề nào lợi mình hại người, nghĩa là kiếm được lợi nhuận trên sự đau khổ hay tổn hại của chúng sanh khác đều là tà mạng. Ví dụ nghề chăn nuôi, nghề sát sinh, buôn bán thịt cá, buôn bán rượu, chất độc, ma túy, buôn bán nô lệ, buôn bán vũ khí, hàng gian hàng giả v.v...
Nghề nào kiếm được lợi nhuận một cách chân chính, lợi mình lợi người, do công sức và trí tuệ mà có chứ không do gian xảo lừa gạt là chánh mạng. Tất nhiên làm một nghề chân chính để sống chân chính trong cuộc đời này là khó, nhưng chẳng thà sống kham khổ còn hơn sống sung sướng trên sự đau khổ của người khác. Vì đã là tội thì chỉ là khổ không thể là phúc được.
Ngày gửi: 25-02-2011
Câu hỏi:
Có một bữa khi tâm xuất ra khỏi thân, con muốn cử động chân tay mà thân vẫn nằm im nên con thấy được sự vô thường, vô ngã. Và một bữa, khi tâm không dính mắc (buồn vui, mừng giận, bản ngã) thì nó bình lặng như hư không, không trong không ngoài, không dài, không ngắn... Đó có phải là thấy đạo ở trong tâm? Con xin tri ân thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cho dù tâm ở trong thân hay ngoài thân thì cả thân lẫn tâmđều vô thường, vô ngã. Nhưng khi tâm không còn chỗ nương tựa, dính mắc thì nó liền rỗng lặng trong sáng như hư không (không, vô tướng, vô tác, vô nguyện) nên dĩ nhiên nó vượt ngoài ý niệm khứ - lai, thường - đoạn... Đó chính là thực tánh chân đế.
Ngày gửi: 24-02-2011
Câu hỏi:
Thưa thầy, khi tâm mình đang thúc dục làm một việc gì đó, đến một nơi nào đó thì có phải là vì nhân duyên nào đó đang chờ mình sẵn tại đó rồi phải không Thầy? Có phải khi tĩnh tâm sẽ thấy biết đúng, làm đúng với trí tuệ sáng suốt không Thầy? Con vô cùng tri ân Thầy chỉ dạy con. Con chúc Thầy sức khỏe!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Phải xem thúc dục đó phát xuất từ sự vận hành của pháp tự nhiên hay phát xuất từ ý đồ của bản ngã. Ví dụ như thúc dục của cơn đói hay thúc dục từ lòng tham ăn. Tất nhiên phát xuất từ cái gì thì cũng sẽ có duyên quả tương ứng với nhân phát xuất ra nó đang tiềm ẩn bên trong để chờ thời phát tiết.
Tốt nhất là cứ để tâm rỗng lặng trong sáng thì sẽ thấy biết mọi tiến trình nhân quả của pháp tự nhiên hay của cái ta ảo tưởng. Quan trọng là thấy ra được cái nhân nơi chính mình chứ không phải là biết được cái quả gì sẽ đến.
Ngày gửi: 24-02-2011
Câu hỏi:
Thầy ơi, thật khó để thấy biết, đánh giá, nhìn nhận, hành xử... với tâm trong sáng. Thầy chỉ dạy cho con rõ hơn ạ. Con xin tri ân Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Phần lớn chúng ta có thói quen đánh giá, nhìn nhận, hành xử... mọi vấn đề bằng lý trí chủ quan hoặc tình cảm riêng tư, nghĩa là phản ứng hay hành động theo kinh nghiệm, kiến thức, tư tưởng, quan niệm v.v... đã được lập trình sẵn trong tâm (hay trong đầu gì đó). Vì vậy, dường như ít ai thấy biết hay hành động một cách mới mẻ và trực tiếp từ tánh biết rỗng lặng trong sáng, mà chỉ là lặp lại kinh nghiệm quá khứ, những quan niệm hay thành kiến đã lâu đời. Điều này dễ dàng hình thành thói quen hay lối mòn khuôn sáo và chỉ còn hành động như con rối, bị điều khiển bởi cái ta cái ta ảo tưởng.
Thấy biết, hành xử trong sáng là khi tâm không bị tư tưởng, bản ngã và thời gian chi phối. Cái ta ảo tưởng luôn bị sa lầy trong quá khứ, hiện tại và vị lai nên không thể thật sự trong sáng được. Chỉ khi nào vắng bóng cái ta ảo tưởng thì hoạt động lý trí cùng với ý niệm thời gian cũng biến mất, lúc đó chỉ còn lại thực tại hiện tiền. Thấy biết thực tại hiện tiền chính là thấy biết trong sáng. Điều này được thể hiện qua chánh niệm tỉnh giác một cách tự nhiên và vô ngã, như đức Phật đã dạy trong kinh Tứ Niệm Xứ.