Trung Tâm Hộ Tông  Trang Chủ


38 Pháp Hạnh Phúc

Tác giả: Mahà Thông Kham Medhivongs

Hiệu đính: Minh đức Triều Tâm Ảnh


KỆ NGÔN II

HẠNH PHÚC IV

Patirūpadesa vāso: Ở trong xứ nên ở
(Ở trú xứ thích hợp)

 

 Đức Phật đã dạy 38 pháp hạnh phúc chia ra từng giai đoạn rải rác trong nhiều câu kệ và đôi khi trong mỗi câu kệ có 3 hay 4 pháp hạnh phúc. Chúng ta chỉ xem qua vội vàng không quan tâm đến dụng ý của đức Phật, nên ta không nhận thấy cái thâm thúy trong sự sắp đặt mỗi giai đoạn của từng câu kệ. Đó không phải là sự ngẫu nhiên mà là sự dụng tâm cấu tứ trong phương pháp giảng huấn, căn cứ vào kinh nghiệm của ngài và tâm lý của chúng sanh. Cho nên khi hành theo 38 pháp hạnh phúc thì ta phải đi đúng theo từng giai đoạn, như câu kệ ngôn I dạy:

1. Xa kẻ ác.

2. Thân cận với bậc trí thức.

3. Cúng dường đến các bậc đáng cúng dường.

(Không gần gũi kẻ ác,

Thân cận bậc trí hiền,

Đảnh lễ người đáng lễ,

Là phúc lành cao thượng)[i]

Thì ta phải hành theo những điều tuần tự như thế mới hoàn toàn đem sự an vui đến cho ta.

Câu kệ ngôn II cũng có 3 điều hạnh phúc. Có điều ta cần chú ý là nội dung kệ ngôn I và nội dung kệ ngôn II nhằm hai đối tượng khác nhau. Câu kệ ngôn I dạy tổng quát về phần vật chất hay bên ngoài; còn câu kệ ngôn II dạy về phần tâm hay bên trong. Câu kệ ngôn thứ I ví như người nông phu biết quan sát coi đất nầy có thuận lợi không? Có nước không? Coi mùa này phải trồng cây thứ giống nào? Rồi mới gieo trồng. Chúng ta có thể đem so sánh ba điều hạnh phúc trong câu kệ ngôn thứ I với ba điều của nhà nông nhận định về việc gieo trồng đó.

+ Trong kệ ngôn II Phật dạy thêm 3 hạnh phúc số 4 -5 -6 chúng ta cũng phải tuần tự thực hành ba pháp nầy, không thể bỏ một pháp nào. Ba pháp hạnh phúc 4-5-6 ấy là:

4. trong xứ nên ở.

5. Người đã làm những việc lành để dành khi trước.

6. Giữ mình theo lẽ chánh.

( Ở trú xứ thích hợp,

Công đức trước đã làm,

Chơn chánh hướng tự tâm,

Là phúc lành cao thượng)[ii]

+ Theo chú giải về 38 điều hạnh phúc - thì ở trong xứ nên ở là ở trong xứ nào có đủ ba điều kiện:

a) Có các hàng trí thức là tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, thiện nam và tín nữ.

b) Có “puññakiriyāvatthu”[iii], nghĩa là có nơi thuận tiện cho mình làm được 10 điều phước thiện như bố thí, trì giới...

c) Có lời giảng giải của chư Phật, nghĩa là có Pháp bảo, nếu trong thời kỳ không có Phật pháp - thì ít ra cũng phải có lời giảng giải của các bậc trí thức.

Suy nghĩ rộng, thì câu hạnh phúc nầy có ý dạy rằng: Xứ nào mà có bậc trí thức dạy chúng ta tìm được hạnh phúc trong kiếp nầy và vị lai, hoặc giả khi ta ở xứ ấy, ta có thể gặp được sáu điều cao thượng sau đây:

1-.Dassanānuttariya: Thấy cao thượng, thấy đây không phải là thấy những vật lạ như bạch tượng, hoặc vật trân quý như hột xoàn ... mà, thấy cao thượng ở đây chính là thấy rõ pháp vô thường, khổ não, vô ngã, rồi ráng lo tu hành để mau giải thoát.

Đến đây tôi xin nhắc lại một tích khi đức Phật còn tại thế để suy gẫm về sự thấy cao thượng và sự thực hành chánh pháp - như trong kinh Pháp cú:

“- Khi đức Phật còn tại thế, có một thầy bà-la-môn tên là Vakali - thấy đức Thế Tôn có thân hình rất đẹp, ông cứ lẻo đẽo theo bên để ngắm nhìn ngài cho thỏa lòng ưa thích. Nhưng rồi cũng không được thỏa mãn, vì vậy nên ông đã xin xuất gia để có nhiều thì giờ và nhiều cơ hội ngắm nhìn hơn.  Một ngày nọ, đức Thế Tôn mới dạy rằng:

- Nầy Vakali! Ngươi xuất gia để giải thoát, chứ không phải để đi theo ngắm nhìn sắc thân của Như Lai. Người gần Như lai để ngắm nhìn sắc thân nầy không phải là cao quý đâu. Phải thực hành theo pháp mà Như Lai đã dạy bảo mới là cao quý.

Mặc dầu đức Thế Tôn dạy thế, thầy không lấy đó để sửa mình, lại còn giận Phật, nên leo lên núi cao để tự tử - vì thầy nghĩ rằng: Mình bỏ cả gia đình xin xuất gia, những mong chiêm ngưỡng kim thân của ngài, mà ngài lại còn rầy la mình, tủi thân ta quá! Thôi, sống làm gì nữa, chết quách cho xong!

Khi ông vừa gieo mình tự vẫn, thì đức Thế Tôn hiện ra, dùng thần thông làm cho ông ta không bị rơi xuống; rồi bảo rằng:

- Như Lai nói vậy mà ông lại giận Như Lai chăng?

Thầy Vakali nghe vậy lấy làm cảm động, trong lòng hỉ lạc phát sanh.

Đức Phật lại dạy minh sát tuệ cho ông rồi đọc kệ ngôn với ý rằng:

- Người nắm lấy chéo y của Như Lai mà không hành theo chánh pháp, là ở xa Như Lai muôn dặm. Người dẫu ở xa Như Lai nhưng hành theo pháp của Như Lai là người ở sát bên Như Lai vậy.

Thầy tỳ-khưu Vakali sau đó đắc đạo quả A-la-hán”.

Tích nầy cho thấy rõ ràng dầu người ở gần Phật cả đời, mà không hành đạo cũng vô ích. Cần nhất phải hành theo chánh pháp, mới gọi là thấy cao thượng.

2- Sotānuttariya: Nghe cao thượng, không phải là nghe lời ca, tiếng hát, đờn kèn thánh thót mê ly - vì sự nghe ấy không đưa ta đến nơi giải thoát mà trái lại càng làm cho ta chìm đắm, mê man trong âm hưởng mộng mị ấy. Nghe cao thượng là nghe Pháp bảo, mới là tiếng lời chân chính, đúng đắn đưa người thoát khỏi luân hồi. Nếu không được là vậy, thì ít nhất, tiếng lời của Pháp bảo cũng làm cho ta kinh sợ tội lỗi, nhứt thời không dám làm điều ác, không dám phạm đến nghiệp dữ.

Tôi xin nhắc sơ lược chuyện của cha con ông tiều phu đang đốn củi, nghe câu hát của cô gái hái hoa sen mà tỉnh ngộ, đắc quả Phật Độc Giác - để hiểu đâu là tiếng lời ẩn chứa sự vi diệu của Pháp bảo:

“- Có một cô gái đang lội bùn để hái sen, vừa hái, cô ta vừa hát rằng:

- Hoa sen sớm nở chiều tàn.

Sắc hương phai nhạt, nhụy vàng rụng rơi!

Gẫm hoa nào khác kiếp người.

Mong manh thân phận, rã rời diệt sinh!

Hai cha con ông tiều phu đang đốn củi gần đấy, nghe được câu hát, xúc động sâu xa - cảm nhận thấm thía và sâu sắc rằng: Cái thân mình đây cũng không bền vững, sống rồi chết, sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, luân hồi mãi mãi trong cõi đời đầy đau khổ nầy. suy nghĩ như vậy, chiêm nghiệm như vậy, quán tưởng như vậy - nên giây khắc ấy, cả hai cha con đoạn tuyệt tất thảy mọi phiền não, đắc quả Phật Độc Giác”.

Tích nầy cho ta thấy rõ rằng, nếu nghe được chân lý hoặc ý nghĩa nào đó liên hệ đến sự thật - rồi chiêm nghiệm, quán xét bằng trí tuệ là có thể chấm dứt phiền não, giải thoát được.

Nghe như hai cha con vị tiều phu mới được gọi là nghe cao thượng. Ta ở xứ nào mà nghe được những lời lành, những lời làm cho tâm ta kinh sợ tội lỗi, lánh xa điều ác, nhất tâm hướng thiện - thì nơi ấy là xứ ta nên ở.

3- Labhānuttariya: Được cao thượng. Được tiền của, châu ngọc, người đời cho là quý báu, nhưng đối với Phật giáo thì đó không phải là cao thượng; vì những vật ấy sẽ đem lại sự cực lòng, phải lo chăm sóc, cất giữ, lo sợ mất mác hoặc sợ bị cướp bóc... Nếu không lo sợ những điều ấy, thì ta vẫn còn một điều lo sợ nhất, là ta mến tiếc nó, lưu luyến nó - khiến cho tâm ta bao giờ cũng phiền não, bất an, dính mắc. Vì vậy nên tiền của, châu ngọc không phải là cái đem đến an lành, hạnh phúc thật sự. An lành, hạnh phúc chơn chính là không còn lo sợ, bất an, hay thao thức, trằn trọc nữa...

Được cao thượng là có được đức tin. Người đời ít ai có được đức tin chân chánh (Tin Tam Bảo, tội phước, nhân quả, nghiệp báo) nên không biết làm việc thiện, không biết bố thí giúp đỡ kẻ nghèo; mà trái lại, chỉ muốn thâu góp, tích trử, vơ vét thêm cho nhiều, cho đầy kho, đầy lẫm, đầy hòm, đầy rương! Nhưng đáng thương thay, những người ấy khi chết không đem theo cho mình được gì cả! Những người ấy khó thấy được thiện pháp, khó đắc được đạo quả; cứ sống mãi trong chốn mê lầm tăm tối, luân hồi tử sinh thống khổ mãi. Người có được đức tin, mới gọi là được cao thượng. Đức tin là chiếc thuyền đưa một người từ bờ mê đến bờ giác, đức tin là căn bản của người tu, nhờ có đức tin con người mới hành đạo được.

vậy đức Phật dạy chúng ta, xứ nên ở là xứ nào có thể làm cho ta có được đức tin.

4- Sikkhānuttariya: Học cao thượng, tức là học các pháp hành, như học cách thức trì giới, tham thiền, niệm Phật, niệm Pháp, hoặc học tu chỉ tịnh, quán minh... Nói tóm lại, học cao thượng là học những phương pháp để đánh đuổi phiền não ra khỏi tâm. Còn tất thảy mọi pháp học của thế gian chỉ để tích lũy bản ngã, tham vọng, danh lợi... nên không được gọi là học cao thượng vậy.

5- Paricaraṇānuttariya: Sự hầu hạ cao thượng, nghĩa là nên thân cận Tam Bảo nhứt là Tăng bảo để nghe các ngài dạy điều hay lẽ thiệt, đâu phải, đâu không phải, phân biệt đâu tà, đâu chánh, đâu khổ, đâu vui để tu tập mang đến hạnh phúc cho mình và cho người khác. Ta cũng nên tìm cách gần gũi, hầu hạ các bậc có gới đức, định đức, tuệ đức, các bậc thiện trí thức để có thêm phước báu và hoạch đắc nhiều lợi lạc tinh thần.

6- Anussatānuttariya: Niệm (tùy niệm) cao thượng - Tức là niệm cái gì, niệm pháp nào để cho tâm ta khắng khít với pháp lành làm cho phiền não không len thấm vào được. Ngoài ra, lúc tâm ta niệm niệm liên tục - sẽ có hai lợi ích. Một là, tâm ta sẽ lắng dịu sự ham muốn ngũ trần, các tội lỗi và ác nghiệp không thể nẩy sanh được. Hai là có thể đạt đến cận hành định - những cáu bợn phiền não, kiết sử không có cơ hội đâm chồi, mọc rễ được - đồng thời, ta sẽ đạt được hạnh phúc lạc định rất là thù thắng vậy. Nếu không được như thế thì ta cũng có được phước báu sanh về các cõi trời, người với hạnh phúc sang cả.

Đức Phật có dạy sáu điều niệm, tùy niệm cao thượng [iv]:

* Buddhānussati: Niệm ân đức Phật (Niệm Phật). Có thể lựa chọn 01 trong 09 hồng danh của đức Phật để niệm, ví dụ: Buddho, Arahaṃ... Cũng có thể niệm tưởng những ân đức của đức Phật như giải thoát đức, tuệ đức, định đức, giới đức, từ đức, bi đức... của ngài.

* Dhammānussati: Niệm ân đức Pháp (Niệm Pháp). Pháp có 5 đặc tính, cần phải niệm tưởng, ví dụ như: Thiết thực hiện tại, đến để mà thấy...[v]

* Saṅghānussati: Niệm ân đức Tăng (Niệm Tăng). Tăng có 4 đức tính cần phải niệm tưởng, ví dụ như: Thiện hạnh, chánh hạnh, trực hạnh, phạm hạnh...

* Silānussati: Niệm tưởng giới luật (Niệm giới). Niệm tưởng giới của mình thọ trì, coi có trong sạch hay không và nếu không trong sạch, cố làm cho trong sạch; bằng đã trong sạch, càng làm cho trong sạch thêm lên, không xao lãng, không để cho nó bị lủng, bị rỗ, bị đứt, bị vá...

* Cāgānussati: Niệm tưởng bố thí (Niệm thí). Luôn luôn quan sát coi trong ngày chúng ta có làm được việc lành nào chưa, nhứt là sự bố thí; vì bố thí là hạnh dễ làm nhất của người tại gia cư sĩ. Ngoài ra, ta còn cần phải niệm tưởng rằng, bố thí là phước điền, bố thí năng sanh thiện pháp, bố thí nhằm để đối trị bỏn xẻn, xan tham; bố thí nhằm để xả ly, dứt bỏ, bố thí làm cho tâm ta càng ngày càng vắng lặng, trong sạch...

* Devatānusati: Niệm tưởng chư thiên (Niệm thiên);  vì chư thiên có năm thiện pháp, mà chúng ta nên thực hành theo là:

- Saddhā            :  Đức tin

- Sīla                  :  Giới đức

- Suta                :  Đa văn (nghe pháp, đọc kinh sách)

- Cāga               :  Bố thí (dứt bỏ)

- Paññā             :  Trí tuệ

Đó là năm pháp (Tín, giới, văn, thí, tuệ) làm cho các vị được sanh làm chư thiên. Khi ta hành động theo các vị thì ta được sanh về cõi trời, bằng ta thực hành cao thượng hơn năm pháp ấy, hành trì thâm sâu và miên mật hơn - nhất là chỉ tịnh và quán minh thì chúng ta có thể đắc các tầng thiền hoặc tứ đạo, tứ quả và Niết-bàn.

Tóm lại, xứ nên ở là xứ có Phật pháp, nếu không có Phật pháp, ít nhất cũng phải có các bậc thiện trí thức chỉ dạy con đường lành cho mọi người, có điều kiện thuận tiện cho ta thực hành được bảy điều hạnh phúc căn bản:

1. Có dịp để mình làm việc lành.

2. Được học ba pháp (Pháp học, pháp hành và pháp thành)

3. Được sáu điều cao thượng (Như đã nói ở trên)

4. Được trở nên người không dễ duôi, không giải đãi, buông lung, phóng dật...

5. Được chỗ nương nhờ cao quý cho bản thân mình.

6. Được hưởng “Thất bảo”[vi] của nhà Phật.

HẠNH PHÚC V

Pubbe ca katapuññatā

Tánh cách người có việc lành để dành từ trước
(Công đức trước đã làm)
 

 

Câu này dạy rằng: Người đã làm phước trong kiếp trước, ngày hôm nay được thọ hưởng phước ấy.

Khi được lợi lộc hay thoát khỏi một tai nạn, người ta thường cho rằng đó chỉ là tình cờ, hay là sự may mắn. Sự thật, ấy là quả báo của việc lành mà người ấy đã làm trong nhiều kiếp trước, nay đến lúc trổ quả. Người có ít nhiều đức tin và tâm đạo thì cho rằng đó là do phước.

Phước là gì? Phước là những thành tựu đưa đến những lạc thú ở đời, kinh gọi là hỹ mãn ngũ dục như giàu sang, quyền quý, chức tước, danh vọng... [vii] Theo quan niệm thông thường, nếu đem phước ra phân tách thì chúng ta thấy nó có ba nhân tố, ba yếu tố cần và đủ; đấy là:

1- Nhân của phước: Là điều, là việc mà mình đã làm với sự trong sạch của thiện tâm, tức là do vô tham, vô sân, vô si; mà sau khi làm xong, mình không hề ăn năn hối tiếc, trái lại thấy trong lòng hân hoan, vui vẻ, thỏa thích.

2- Quả của phước: Là sự đầy đủ, thỏa mãn từ vật chất đến tinh thần mà mình đang hưởng thụ như giàu sang, quyền chức, danh vọng, địa vị...

3- Lý của phước: Là sự may mắn thoắt đến, chợt đến cho ta, và khiến ta tránh khỏi tai nạn hoặc thoát được một hoàn cảnh hiểm nghèo. Cái lý ấy, người không tu Phật thường không suy gẫm sâu về nhân quả nên họ gọi là sự tình cờ, ngẫu nhiên. Thí dụ như mình đi trễ chuyến xe sáng, nhưng sau đó, chiếc xe ấy bị tai nạn giữa đường. Chuyện này chỉ như là tình cờ, ngẫu nhiên mà mình thoát khỏi tai nạn; nhưng thật ra, đấy là do phước, do phước bảo trợ nên nó xúi ta đi trễ chuyến xe. Phước này không có được từ hiện tại, mà do ta đã để dành sẵn từ kiếp trước. Tạm coi như đấy là lý của phước [viii].

+ Có ba nguyên nhân sanh phước:

- Tâm trong sạch.

- Ba cửa (thân, khẩu, ý) thanh tịnh.

- Tâm biết rung động, biết kinh sợ tội lỗi [ix]

1- Tâm trong sạch: Là tâm không lẫn lộn với tội ác như tham lam, sân hận, si mê, và tâm hằng nhớ đến ân đức Tam Bảo.

“- Trong kinh Pháp cú có chuyện thanh niên Maṭṭakuṇḍali là con của một ông trưởng giả, có tiếng là keo kiệt nhất trong xứ. Khi Maṭṭakuṇḍali bệnh, ông trưởng giả không rước thầy coi bệnh cho thuốc, mà lại hỏi thầy thuốc bệnh thế ấy uống thuốc gì? Thầy thuốc biết ông ta bỏn xẻn, keo kiệt không chịu bỏ tiền mua thuốc, muốn tự tay mình lên rừng kiếm thuốc cho đỡ tốn kém, nên ghét, chỉ thuốc không đúng căn bệnh làm cho con ông càng ngày càng đau nặng. Ông trưởng giả thấy con bệnh nặng, sắp chết, sợ để trong nhà quyến thuộc đến thăm phải tốn kém này nọ, nên ông đem cho con ông nằm ngoài hàng ba. Vì thanh niên Maṭṭakuṇḍali là người đã tạo nhiều duyên lành để lại từ kiếp trước, nên đêm ấy đức Thế Tôn dùng tuệ quan sát thấy chàng có duyên; nên sáng ngày mai, ngài ngự đến ngay trước nhà của ông trưởng giả. Lúc ấy, Maṭṭakuṇḍali lại nằm quay mặt vào trong nên đức Phật lại hiện hình trên vách. Trông thấy đức Thế Tôn tướng hảo quang minh, chàng thanh niên Maṭṭakuṇḍali lấy làm trong sạch và nghĩ rằng: Ta vô phước sanh làm con của người keo kiệt không được làm việc lành. Hôm nay ta không thể ngồi dậy, đứng lên hoặc chấp tay đảnh lễ Phật được. Thôi chỉ có tấm lòng thành kính, trong sạch này, con xin làm lễ đức Thế Tôn.

Hướng đến đức Phật, suy nghĩ thế xong thì tắt hơi, thanh niên Maṭṭakuṇḍali được sanh về cõi trời do nhờ tâm ông kính thành và trong sạch”.

2- Ba cửa thanh tịnh: Là thân, khẩu, ý thanh tịnh. Thân thanh tịnh là không sát sanh, không trộm cướp và không tà dâm. Khẩu thanh tịnh là không nói dối, không nói đâm thọc, không chửi rủa mắng nhiếc và không nói lời vô ích. Ý thanh tịnh là không oán thù, không tham lam, không tà kiến. Nói tóm lại, ba cửa thanh tịnh chính là 10 nghiệp lành.

3- Tâm biết rung động, biết kinh sợ tội lỗi: Nguyên chúng sanh còn say mê theo tài sắc, danh lợi; tâm ác của họ không bao giờ biết rung động, biết ghê sợ, biết kinh sợ trước tội lỗi mà chính mình đã làm. Trong lúc say mê theo tài sắc, lợi, danh; họ đâu biết, đâu nghĩ rằng, khi tử thần gõ cửa, họ sẽ ra đi với hai bàn tay trắng! Thậm chí như khi cha, mẹ, anh em thân bằng quyến thuộc, người này, người kia bỏ họ ra đi về cảnh giới khác,  họ cũng chẳng hề nao núng và chẳng thể nghĩ rằng: Ngày nào đây họ cũng sẽ bỏ những gì mà họ đã có, ra đi với hai bàn tay không cùng một khối tội lỗi nặng nề đè trên tâm hồn họ. Người không biết rung động, biết kinh sợ tội lỗi thì không hề biết tu hành, vì vậy nên không bao giờ có được một giây phút thoải mái, những khoảnh khắc an lành. Vậy ta nên để tâm rung động, ghê sợ trước những việc ác, những nhân tố đưa đến đau khổ; ráng lo tu hành để được hạnh phúc trong kiếp này và sẽ được giải thoát muôn vạn phiền não trong ngày vị lai.

Theo đây tôi xin nhắc tích của đại đức Yasa, người biết ghê sợ, kinh tởm đời sống ngũ dục.

“- Sau khi chuyển pháp luân tại vườn Lộc uyển Bārāṇasī, Đức Thế Tôn tạm ở với 5 vị Kiều Trần Như. Lúc ấy tại thành Bārāṇasī có chàng thanh niên Yasa, con của một vị trưởng giả, được cưng chiều như viên ngọc quý. Chàng ở trong ba tòa lầu để trong ba mùa, ngày đêm yến tiệc linh đình, tiếng ca hát không bao giờ dứt. Đêm nọ, Yasa đang xem mỹ nhân múa hát, chàng phát chán rồi bỏ đi ngủ. Khuya lại, tỉnh giấc, Yasa thấy những mỹ nhân đang ngủ, mồ hôi xông ra mùi khó thở, có cô nước miếng chảy ra, có cô ngáy om sòm, chàng cảm thấy đó là những tử thi và tưởng như mình đang đứng giữa bãi tha ma. Lấy làm kinh sợ, Yasa thốt rằng: “Thế gian bẩn thỉu quá”! Ý chàng muốn nói thế gian nầy toàn là những vật nhơ nhớp, người bị nhốt trong vòng tỏa của sự đau khổ, không biết nương tựa vào đâu được. Rồi Yasa bỏ lầu ra đi về hướng vườn Lộc Giả. Đức Thế Tôn biết duyên lành của Yasa đã đến, nên ngồi chờ chàng tại một nơi. Nơi đó, Yasa vừa đi vừa lập lại câu: “Thế gian bẩn thỉu quá!”. Đức Thế Tôn gọi Yasa và nói rằng: “Đây không bẩn thỉu, không bực bội, ngươi hãy đến đây". Yasa mới đến gần và đảnh lễ đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn mới thuyết về Anupubba cho ông nghe. Sau khi nghe xong thời pháp, Yasa đắc quả Tu-đà-hoàn đến sáng ngày chàng đắc A-la-hán quả sau 5 thầy Kiều Trần Như. Và thanh niên Yasa là vị A-la-hán thứ sáu trong Phật giáo”.

Nhơn đó đức Phật dạy cho đệ tử nghe rằng: Kiếp trước Yasa là người làm nghề thiêu tử thi. Có ngày nọ ông thiêu tử thi của một người đàn bà có thai. Khi đốt tử thi cháy, ông thấy đứa trẻ lòi ra trông rất ghê tởm. Ông phát tâm chán sợ về sự nhơ nhớp của xác thân, đó là cái nhân. Đến kiếp nầy ông thấy mỹ nữ là những tử thi.

+ Đây tôi xin nói tóm về pháp Anupubba (thuận thứ) của đức Phật đã thuyết cho đại đức Yassa là pháp hành theo tuần tự 5 điều:

1. Dāna: Dạy về bố thí

2. Sīla: Dạy về trì giới

3. Sagga: Nói về sự an vui trong các cõi trời

4. Kāmādīnava: Nói về tội ngũ trần

5. Nekkhammanissanda: Dạy về cái quả của sự xuất gia

Sở dĩ pháp đó gọi là pháp đi theo tuần tự (thuận thứ), từ thấp lên cao -  là vì trước hết đức Phật dạy về bố thí, thứ nhì là trì giới, sau ngài mới nói về an lạc cõi trời, tiếp theo là nói đến cái hại của ngũ trần sau đó mới nói đến kết quả của sự xuất gia, là con đường chấm dứt tất cả mọi khổ ách.

Nếu ta hành được pháp tuần tự đó thì tạo được nhân sanh phước và ta tạo được phước lành trong kiếp trước, thì chắc chắn chúng ta sẽ được hưởng phước trong ngày vị lai.

Có người hỏi: Có ai có thể cướp được hạnh phước báu của ta chăng?

Đức Thế Tôn dạy: Phước ấy theo ta như bóng với hình, không ai có thể trộm cắp hay cưỡng bách hoặc lập mưu kế gì để cướp giật phước báu ấy được, chẳng khác gì hột ngọc Siri trong sự tích sau đây.

“- Khi đức Thế Tôn còn tại thế, ông trưởng giả Cấp Cô Độc làm phước bố thí cho đến khi nghèo. Ông làm chùa Kỳ Viên, mua vườn xoài của hoàng thân Kỳ-đà bằng cách trải vàng đầy mặt đất. Vì vậy chùa Kỳ Viên cũng có tên là Bố Kim Tự (Chùa trải vàng). Ngoài ra ông còn làm phước bố thí nhiều không kể hết. Ông làm phước cho đến lúc chỉ còn cháo tấm và bột chua. Nhưng về sau ông giàu trở lại. thầy bà-la-môn tìm hiểu coi tại sao ông giàu, rồi lại nghèo, trở lại giàu! Sau nhiều lần quan sát, thầy bà-la-môn thấy trên đầu một con gà trống ở nhà ông trưởng giả có viên ngọc Siri. Biết đây là nguyên nhân sanh phước, ông bà-la-môn liền đến xin con gà ấy và thầy tin chắc rằng ông trưởng giả sẽ cho vì thầy viện lẽ rằng, nhà thầy có gà, nhưng toàn là gà gáy sai canh, cần một con gà gáy đúng canh để học trò dậy học bài. Ông trưởng giả vốn là người giàu lòng bố thí, thì con gà đối với ông không có nghĩa lý gì, nên ông cho liền. Khi ông trưởng giả bằng lòng cho con gà thì cái Siri lại bay qua đậu trên cây gậy của ông trưởng giả; thầy bà-la-môn xin luôn cây gậy, ông cũng cho, thì Siri bay lên đậu trên đầu của bà trưởng giả.

Thấy hiện tượng ấy, thầy bà-la-môn biết rằng, vật ấy, viên ngọc Siri, viên ngọc may mắn ấy thường đi liền với chủ, không ai có thể xin mượn hay cướp giật được, bèn thú nhận: “Tôi xin trả lại con gà trống trắng và cây gậy lại cho ông. Thật ra tôi thấy cái Siri của gia đình ông ở trên đầu con gà, nên tôi mới xin nó, không dè ngọc Siri lại bay đậu trên cây gậy của ông, rồi tôi xin cây gậy thì cái Siri ấy lại bay đậu trên đầu bà. Cái viên ngọc Siri may mắn và quý báu ấy là vật sở hữu của ông, thật không ai có thể lấy được”.

+ Vậy khi có phước thì không ai làm thể nào cướp lấy được phước của ta. Muốn tạo ra phước, ta có ba pháp phải hành:

- Bố thí trừ tham lam.

- Từ bi để diệt lòng sân hận.

- Tham thiền theo hai pháp: Chỉ tịnh (định) và quán minh (tuệ, minh sát tuệ) để trừ si mê và tà kiến.

Nhưng phải hành ba pháp đó bằng tâm trong sạch, sốt sắng, quyết định, thì quả phước đến cho ta mau lẹ. Trái lại nếu ta làm chần chờ, giải đãi, dụ dự thì quả lành cũng đến chậm chạp. Lẽ cố nhiên, mỗi khi ta muốn làm một việc gì quấy, thì cả trăm tâm ác xô đẩy xúi giục ta mau thi hành việc quấy ấy; còn khi nào ta muốn làm lành như bố thí, thì hằng ngày cái tâm ác kéo lại không cho ta thực hành.

+ Phước đem lại rất nhiều lợi ích an lành cho ta như là:

1. Ajeyya: Không ai dành lấy được - vì không gì có thể thắng nổi phước.

2. Anugaminī: Theo dính bên mình ta, nó theo vào, đi liền với ta như bóng không lìa hình.

3. Etaṃ adaya gacchati: Khi người bỏ xác thân này không đem gì theo được, ngoài nghiệp nhân mà mình đã gieo.

4. Asādhāraṇa: Riêng biệt, không phải công cộng. Nghĩa là, phước không phải là của chung, của ai tạo thì người ấy hưởng, chớ không phải của người này tạo mà người kia hưởng được, cho dù là quyến thuộc.

5. Acoro: Kẻ trộm không thể trộm được.

6. Sabbakammaddā: Phước ấy trả quả cho người đã tạo được an vui và đắc kỳ sở nguyện. Được thọ lãnh trọn vẹn kết quả nghiệp lành mà mình đã tạo.

7. Yaṃ yaṃ devahipatthanni (?) [x]: Nguyện vọng gì đều được kết quả như ý.

8. Suvaṇṇatā: Có làn da đẹp

9. Sussaratā: Có tiếng nói dịu dàng, nghe rất hay.

10. Susaṇṭhāna: Có tướng tốt.

11. Surūpatā: Có thân hình đẹp, sắc tướng tuyệt mỹ.

12. Adhipaccam: Được chức phận lớn

13. Parivāro: Được nhiều người tâm phúc, nhiều kẻ tùy tung, hầu hạ.

14. Padesarajjam: Được quyền uy trong một xứ, một địa phận.

15. Issariyam: Được độc lập, nghĩa là không dưới quyền ai; nhiều của cải, tài sản.

16. Cakkavattī: Được làm vua Chuyển luân vương.

17. Devarajjampi: Được làm Thiên vương

18. Manussika: Được sanh làm người giàu sang

19. Devaloke: Được sanh vào cõi trời

20. Nibbānasampatti: Đắc được quả vô thượng là Niết-bàn

21. Mittasampadamagamma: Được có nhiều bạn lành

22. Vijjāvimutti: Đắc giải thoát do nhờ trí minh

23. Paṭisambhidā: Đắc tuệ phân tích

24. Vimokkha: Được giải thoát

25. Savakaparamī: Đắc được Ba-la-mật của bậc Thanh văn đệ tử Phật

26. Paccekabodhi: Đắc được quả Độc Giác Phật

27. Buddhabhūmi: Được căn bản của trí Phật

28. Sukhanaṃ nidānaṃ: Có được phương tiện (nhân) để đưa đến hạnh phúc, an vui.

29. Sampattinaṃ mūlam: Là gốc rễ của sự may mắn, thành tựu, an vui, giác ngộ, giải thoát.

30. Bhoganaṃ mūlaṃ: Là nguồn gốc có được những sở hữu tài sản.

31. Visamagatassatnam (?) : Phước là vật vô tri cho người còn luân hồi.

32. Dānasadiso avassayo: Phước giống như sự nương nhờ.

33. Sīhasadisaṃ : Phước giống như (hang) sư tử, nghĩa là nơi mà các con thú khác không dám leo đến, người có phước không bao giờ gặp tai nạn của kẻ ác gây nên.

34. Papahapaṭhavī sadisaṃ: Phước giống như quả địa cầu chở người có phước.

35. Rajjudisaṃ: Phước giống như sợi dây cột tâm lại không cho đi lầm đường.

36. Navasadisaṃ: Phước giống [xi] như thuyền chở người qua bể khổ.

37. Saṅgāmasuro: Phước ví như vị tướng tài can đảm đánh tan quân thù nơi trận địa [xii].

38. Susaṅkhatanagaraṃ: Phước ví như kinh thành hay phố thị mà người ta trang điểm huy hoàng.

39. Padumasadisaṃ: Phước giống như hoa sen - không hôi tanh mùi bùn, nghĩa là không hề đưa người đi vào đường tội lỗi, xấu ác.

40. Aggisadisaṃ: Phước ví như lửa - đốt cháy phiền não trong tâm

41. Asīvissadisaṃ: Phước ví như rắn độc vì nó cắn chết tội.

42. Sīhasadisaṃ: Phước ví như sư tử rất can đảm khi đứng trước kẻ thù là tội lỗi [xiii].

43. Seta-usabhasadisaṃ: Phước ví như bò Usabha, vì bò này quý nhứt thế gian [xiv].

44. Hatthīsadisaṃ: Phước ví như bạch tượng - là thú quý nhứt.

45. Vahassarāja: Phước ví như thiên lý mã [xv] chở người bay qua bể khổ luân hồi.

46. Gatamaggaṃ: Phước là con đường đi của các bậc thánh nhơn.

47. Buddhavansaṃ: Phước là dòng của Phật, nghĩa là muốn đắc quả Phật thì phải tạo nhiều phước.

Phước còn đem lại cho ta nhiều hạnh phúc, như là: Phước là vật thực trong đời vị lai của người chưa đi đến Niết-bàn.

Phước là nguyên nhân cho chúng ta được ba điều an lạc là: Nhân, thiên, và Niết-bàn.

 

HẠNH PHÚC VI

Attasammāpaṇīdhi: Giữ mình theo lẽ chánh
(Chơn chánh hướng tự tâm)

 

Atta nghĩa là mình, là ta, và ngụ ý sâu rộng hơn là chữ tâm, vậy câu này nghĩa là: Hướng tâm mình theo lẽ chánh.

Câu này dạy rằng: Giữ mình theo lẽ chánh, vì ngụ ý có chánh, là có tà, mà tà là ác. Mà ác là phiền não, mà phiền não thì đưa ta vào vòng luân hồi mãi mãi, vì vậy nên đức Phật dạy: “Người nên giữ mình theo lẽ chánh, đem tâm mình ra khỏi các pháp phiền não là tham lam, sân hận và si mê - để ra khỏi vòng luân hồi.”

Từ vô số kiếp đến giờ phút này, tâm ta không ở trong thiện pháp, nghĩa là không ở trong lẽ chánh, dầu có chăng cũng chỉ là thoáng qua; trong một phần rất lớn của những ngày luân hồi của chúng ta, tâm ta thường mải miết trong ác pháp, làm những điều tội lỗi xấu xa; vì vậy hôm nay chúng ta vẫn còn luân hồi trong vòng thống khổ. Cho nên đức Phật dạy, hãy đưa ta, hay tâm ta thoát khỏi vòng trầm luân, nghĩa là cho tâm ta giải thoát khỏi tam độc, đưa tâm vào pháp bố thí, trì giới và tham thiền.

Ý câu này đức Phật dạy ta phải uốn nắn dạy tâm, hay chùi rửa, sửa trị tâm theo chánh đạo.

Theo bộ chú giải, giảng về điều hạnh phúc thứ VI nầy thì mình phải để tâm mình vào những pháp là: Đức tin, trì giới, nghe pháp, bố thí, trí tuệ [xvi]. Năm pháp này gọi là Saradhamma nghĩa là pháp có lõi, ngụ ý nói pháp này cứng rắn, có khả năng đối trị với phiền não - giúp cho người thọ trì, hành theo năm pháp ấy là người đang tạo cho mình một thành trì kiên cố chống kẻ thù địch là phiền não, không có phiền não xâm nhập vào mình được. Là người đã ở một nơi rất kiên cố, tránh khỏi kẻ thù phiền não.

Giữ mình (hay hướng tâm mình) theo lẽ chánh còn có nghĩa là dẫn dắt tâm hành theo minh sát tuệ. Khi người nào thường thiền quán, tu tập minh sát, thì chắc chắn tâm người ấy cứng rắn, không bị xao động vì phiền não; và đó là một pháp đưa ta ra khỏi luân hồi, chống đối phiền não khi chưa hoàn toàn giải thoát. Vì chăng, xưa nay tâm ta thường cột oan trái oán thù làm hại kẻ khác. Khi ta đã hiểu đạo, nhận thấy đó là những điều ác, là nguyên nhân đưa vào đường sanh tử luân hồi, thì ta phải đưa tâm ta ra khỏi những điều tội lỗi ấy và để tâm ta vào nơi trong sạch, tức là giữ mình theo lẽ chánh. Người vì không để tâm theo lẽ chánh, nên hằng bị luân hồi, trái lại để mình theo lẽ chánh, thì người được những quả báo sau đây:

1. Là nhân đưa sự an lành đến.

2. Là người không dễ duôi

3. Là người thực hành theo lẽ chánh pháp

3. Là người không có lỗi, nghĩa là người không bị chi phối vì hoàn cảnh bên ngoài.

5. Là người có tam học trong tâm (Giới, định, huệ).

6. Là người đã chuẩn bị mọi việc trước khi chết, ý nói là người đã chuẩn bị sẵn những phương tiện để đi đến nơi an lạc.

7. Là người hộ trì Pháp bảo.

8. Là người đi đến đâu cũng đến được sự an lành.

9. Là người có hy vọng được sanh về cõi người, trời và đắc quả Niết-bàn.

10. Đáng gọi là người cúng dường cao quý Tam Bảo.

11. Là lương dân của chánh phủ.

12. Là người đang làm khuôn mẫu cho người đời noi theo.

13. Là người đóng cửa ác đạo.

Sự tích dưới đây cho thấy rằng người biết hướng tâm theo lẽ chánh thì được an lành và đắc đạo quả.

“- Khi đức Thế Tôn ngự tại Xá-vệ, có thầy bà-la-môn tên Bharadvājagotra là người tà kiến, khi nào y nghe tới tiếng Phật pháp, thì y bịt tai lại lập tức. Vợ y là vị Tu-đà-hoàn đệ tử Phật; khi nào bà nhảy mũi hay làm gì giựt mình, thì bà niệm Phật.

Ngày kia ông chồng muốn làm lễ cúng dường 500 vị bà-la-môn, mới yêu cầu bà đừng niệm Phật trong khi cúng dường cho các thầy; vì họ không ưa nghe tiếng niệm Phật, và không bao giờ chịu thọ thực tại nhà của Phật tử.

Bà vợ nói: “Ông muốn cúng dường ai cũng được, tôi vui lòng làm cho, nhưng xin thưa, là tôi không thể không niệm Phật được”.

Ông ấy nói: “Nếu bà không nghe tôi, thì tôi sẽ chặt cổ bà bằng cây đao này”.

Bà liền đáp: “Nếu ông có bằm nhỏ tôi ra thì tôi cũng chẳng màng. Thật ra, dù chỉ một khoảnh khắc, tôi cũng không thể lãng quên hay lìa xa Tam Bảo được”.

Sáng ngày các thầy bà-la-môn đến thọ thực nơi nhà họ. Bà vợ vâng lời chồng đi dâng cúng cho các vị bà-la-môn, chẳng may bị vấp bà liền niệm Phật. Mấy thầy bà-la-môn nghe được lấy làm tức giận bỏ ra về, sau khi mắng chửi thí chủ.

Thầy bà-la-môn gia chủ tà kiến ấy lấy làm tức giận, muốn giết vợ nhưng không giết được, nên vào chùa gây sự với đức Phật. Thầy mới hỏi: “Người diệt được gì mới ngủ yên giấc? Người diệt được gì mới không sầu? Này thầy Cồ Đàm! Thầy thích diệt pháp gì?”

Đức Phật đáp: “Người diệt được lòng sân hận mới không sầu khổ. Nầy thầy bà-la-môn! Các bậc thánh nhơn thường diệt lòng sân hận, vì lẽ lòng sân hận có chất thật độc (là sự khổ), ngọn nó có vị ngọt (ý nói khi làm hại kẻ thù được thì lòng rất vui vẻ, thỏa mãn). Khi người diệt được lòng sân hận xong thì không bị sầu khổ nữa”.

Khi nghe xong câu kệ, thầy bà-la-môn liền phát sanh trong sạch, có đức tin xin xuất gia theo Phật và ráng lo hành đạo đắc quả thánh”.

Tích này chỉ cho quý vị thấy con người sầu khổ cũng vì lòng sân hận, khi đã diệt được lòng sân hận thì được an lạc gọi là người được nhiều sự an lành cũng nhờ để tâm theo lẽ chánh hay là giữ mình theo lẽ chánh.

Xin nhắc lại một lần nữa rằng: “Chúng ta là Phật tử, tức là người mong được giải thoát, hãy xin quan sát tâm, coi tâm ta ở trong chánh pháp hay tà pháp và nên đem tâm mình ra khỏi tà pháp để vào chánh pháp”.



[i] Đại sư Viên Minh dịch - in trong Kinh tụng Huyền Không, phát hành nội bộ.

[ii] Ghi chú 14.

[iii] Nơi, chỗ, xứ để làm việc phước thiện.

[iv] Thật ra , nếu nói đầy đủ thì phải là thập tùy niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm sự chết, niệm tịch tịnh (Niết-bàn), niệm thân, niệm hơi thở.( 8 đề mục đầu chỉ đưa đến cận định, 2 đề mục sau thì có khác - như niệm thân có thể đắc đến tứ thiền; niệm hơi thở thì đến tứ thiền, đạo quả và Niết-bàn). Tuy nhiên, trong một buổi giảng nói, có lẽ pháp sư không đi sâu vào chi tiết, chỉ nói những cái khái quát.

[v] Cho đầy đủ là: Sandiṭṭhiko: Thiết thực hiện tại; Akāliko: Vượt thời gian; Ehipassiko: Đến để mà thấy; Opanāyiko: Có khả năng hướng thượng (chú tâm, chánh niệm); Paccattaṃ  veditabbo viññūhi: Bậc trí tự mình giác hiểu.

[vi] Chưa rõ “thất bảo”hàm chỉ vật trân quý gì. Có thể là 7 thánh sản : Tín, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ? Hay là thất giác chi: Niệm, trạch pháp, tấn, hỷ, an, định, xả? Theo tôi, có lẽ là 7 thánh sản.

[vii] Trong Nikāya, Hòa thượng Minh Châu dịch là “ngũ dục công đức”, do phước báu thù thắng nên thọ hưởng sắc, thanh, hương, vị, xúc hơn người.

[viii] Đây là sự phân tích, kiến giải riêng của Pháp sư!

[ix] Có lẽ Pháp sư muốn giảng rộng cho đại chúng hiểu; chứ thật ra, tâm trong sạch chính là thân khẩu ý trong sạch; và câu cuối có lẽ là nói phải có tàm (hổ thẹn tội lỗi) và quý (biết ghê sợ tội lỗi).

[x] Những dấu hỏi này (cả quyển sách) là do người hiệu chính chưa tìm ra nghĩa, có lẽ trước đây đánh máy sai hoặc pháp sư trích quá tóm tắt. Thành thật xin cáo lỗi.

[xi] Các câu 33, 34, 35, 36 đều có từ  Sadisa, có nghĩa là giống nhau, như nhau, ngang bằng nhau.

[xii] Sura còn có nghĩa là vị thần, vị thiên.

[xiii] Câu 42 này và câu 33 - giống nhau.

[xiv]  Seta là màu trắng, Usabha là bò chúa; vậy có lẽ là ngưu vương, bạch ngưu.

[xv] Assarāja: Vua của loài ngựa.

[xvi] Tức là tín, giới, văn, thí, tuệ.

 

(Tiếp theo)


[Trở về Mục lục][Trở về trang Thư Viện]
updated: 2010