BÀI PHÁP THOẠI 1
Làm
thế nào để tu tập niệm hơi thở đạt đến An chỉ định
Lời mở đầu
Tôi cảm thấy rất vui
khi được đến
Taiwan
(Đài Loan) theo lời mời của quí sư và tu nữ đã hành thiền
tại Thiền viện Pa-Auk (Thiền viện Pa-Auk = Pa-Auk Tawaya, đúng ra phải dịch là
Rừng Thiền Pa-Auk (Pa-Auk Forest) gần Mawlamyine, Miến Điện. Trong thời gian
lưu lại đây tôi muốn chia sẻ với quí vị một điều gì đó về hệ thống thiền đã
đựơc giảng dạy tại thiền đường Pa-Auk. Hệ thống thiền này được dựa trên những
chỉ dẫn mà chúng ta có thể tìm thấy trong Kinh Phật bằng tiếng Pàli và trong bộ
Luận Visuddhi-magga (Bộ Luận Thanh Tịnh Đạo được xem là cuốn cẩm nang
giới thiệu về Thiền có căn cứ chính xác và bao quát nhất, được soạn từ các bản
chú giải cổ điển có nguồn gốc từ thời đức Phật và lần kiết tập Kinh điển lần
thứ nhất Luận sư Buddhoghosa (Phật Âm) đã dịch từ tiếng Sinhalese ra Pāḷi
và Bhik. Ñānāmoḷi
địch từ Pāḷi
sang
Anh ngữ ). Chúng tôi tin chắc rằng thiền dạy trong Kinh Phật bằng
tiếng Pāḷi hoàn toàn không có gì khác với thiền mà chính đức Phật đã hành, và dạy lại cho các hàng đệ tử của
mình trong cuộc đời của Ngài.
Tại sao phải Thiền?
Trứơc hết chúng ta
nên tự hỏi "Tại sao đức Phật lại dạy Thiền?" hay "Mục đích của thiền là
gì?"
Mục đích của Thiền
Phật giáo là nhằm đạt đến Niết-bàn. Niết-bàn là sự diệt của danh (nāma),
và sắc (rūpa). Do đó, muốn đạt đến Níp-bàn chúng ta phải tận diệt cả
những tâm hành thiện, bắt nguồn từ vô tham, vô sân và vô si lẫn những tâm hành
bất thiện, bén rễ trong tham, sân và si, vì tất cả những thứ đó đều dẫn đến
sanh, già, bệnh, chết mới. Nếu chúng ta hủy diệt chúng hoàn toàn bằng Thánh đạo
(ariyamagga), chúng ta sẽ chứng đắc Niết-bàn. Nói cách khác, Niết-bàn là
sự tự do và giải thoát khỏi nỗi khổ của vòng luân hồi (saṁsāra), và là sự diệt của tái sanh, của già, đau, bệnh và chết. Mọi người chúng ta đều phải chịu cái khổ
của sanh, lão, bệnh, tử này, và vì vậy để tự giải thoát mình ra khỏi những hình
thức của khổ đau chúng ta cần phải hành thiền. Tựu chung lại, vì chúng ta ước
nguyện muốn thoát khỏi mọi khổ đau, nên chúng ta phải học cách hành thiền như
thế nào để đạt đến Niết-bàn vậy.
Thiền là gì?
Như vậy, Thiền là gì?
Thiền gồm có Thiền Chỉ (samadha) và Thiền Quán (vipassanā), cả
hai đều phải được dựa trên giới hạnh của thân và khẩu. Nói khác hơn, Thiền là
sự phát triển và hoàn thiện của Bát Thánh Đạo (ariya aṭṭhaṅgika magga). Bát Thánh Đạo gồm:
1. Chánh kiến - (Sammādiṭṭhi)
2. Chánh tư duy - (Sammā saṅkappa)
3. Chánh ngữ - (Sammā vācā)
4. Chánh nghiệp - (Sāmmā kammantā)
5. Chánh mạng - (Sammā ājīva)
6. Chánh tinh tấn - (Sammā vāyāma)
7. Chánh niệm - (Sammā sati)
8. Chánh định - (Sammā samādhi)
Chánh Kiến đức Phật
gọi là Chánh Kiến Thiền Tuệ (Vipassanā sammādiṭṭhi) và Chánh Kiến Thánh Đạo (magga sammā diṭṭhi). Chánh Kiến và Chánh Tư Duy gộp lại gọi là Tuệ học (paññā).
Chánh Ngữ, Chánh
Nghiệp và Chánh Mạng gộp lại gọi là Giới học (sīla).
Chánh Tinh Tấn, Chánh
Niệm và Chánh Định gộp lại gọi là Định học (sāmadhi), tức tu tập Thiền
Chỉ (samatha bhāvanā).
Bát Thánh Đạo
Bây giờ, chúng ta hãy
nhìn sâu một chút nữa vào từng chi phần của Bát Thánh Đạo này.
Chi
thứ nhất là Chánh Kiến. Thế nào là Chánh Kiến? Chánh Kiến gồm bốn loại trí;
1. Minh sát trí về Khổ Thánh Đế, ở đây là năm thủ uẩn.
2. Minh sát trí về Khổ Tập Thánh Đế, tức phân biệt các nhân sanh ra năm thủ
uẩn; nói khác hơn, đó là minh sát trí về duyên khởi tánh.
3. Sự chứng ngộ và trí biết về Khổ diệt, tức Niết-bàn, hay sự diệt của năm thủ
uẩn.
4. Trí biết về Đạo Thánh Đế đưa Đến sự Diệt Khổ, tức con đường thực hành dẫn
đến sự chứng ngộ Niết-bàn, ở đây là Bát Thánh Đạo.
Chi thứ hai của Bát
Thánh Đạo là Chánh Tư Duy (sammā saṅkappa). Chánh Tư Duy cũng có bốn loại:
1. Tầm đến đối tượng của Khổ Thánh Đế, tức năm thủ uẩn (Applied though = tầm, đồng nghĩa với
tư duy).
2. Tầm đến đối tượng của Khổ Tập Thánh Đế, tức tầm các nhân sanh ra năm thủ
uẩn.
3. Tầm đến đối tượng của Khổ Diệt Thánh Đế, tức Niết-bàn.
4. Tầm đến đối tượng của Khổ Diệt Đạo Thánh Đế - Con đường đưa đến sự Diệt Khổ
tức Bát Thánh Đạo.
Như vậy, Chánh Tư Duy
dán tâm vào đối tượng của Khổ Đế, tức năm thủ uẩn, còn Chánh Kiến tuệ tri năm
thủ uẩn ấy như nó thực sự là. Hai chi phần này hợp tác với nhau để dán tâm vào
mỗi Đế trong Tứ Thánh Đế, và Tuệ tri chúng. Vì lẽ chúng làm việc với nhau theo
cách này, nên được gọi là Tuệ học (paññāsikkhā).
Chi phần thứ ba của
Bát Thánh Đạo là Chánh Ngữ (sammāvācā). Chánh Ngữ là tránh nói dối, nói
chia rẽ, nói lời thô ác, và nói chuyện vô ích.
Chi phần thứ tư của
Bát Thánh Đạo là Chánh Nghiệp (sammā kammantā). Chánh Nghiệp là tránh
sát sanh, trộm cắp và tà dâm.
Chi phần thứ năm của
Bát Thánh Đạo là Chánh Mạng (sammā ājīva). Chánh Mạng là tránh nuôi sống
bằng tà ngữ hay tà nghiệp, chẳng hạn như sát sanh, trộm cắp, hoặc nói láo. Đối
với người tại gia, Chánh Mạng là tránh năm loại nghề bất chính: buôn bán khí
giới, buôn bán người, buôn bán súc vật để giết thịt, buôn bán các chất say
(rượu), buôn bán độc dược.
Ba chi phần Chánh
Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng được gọi là Giới học (sīla sikkhā).
Chi phần thứ sáu của
Bát Thánh Đạo là Chánh Tinh Tấn (sammā vāyāma). Chánh Tinh Tấn cũng có
bốn loại:
1. Tinh tấn ngăn ngừa sự khởi sanh của những tâm bất thiện chưa sanh.
2. Tinh tấn đoạn trừ những tâm bất thiện đã sanh.
3. Tinh tấn khơi dậy những tâm thiện chưa sanh.
4. Tinh tấn tăng cường những tâm thiện đã sanh.
Để tu tập được bốn
loại Chánh Tinh Tấn này, chúng ta phải thực hành và tu tập tam học giới, định,
tuệ.
Chi phần thứ bảy của
Bát Thánh Đạo là Chánh Niệm (sammā sati). Chánh niệm cũng có bốn loại:
1. Niệm thân
2. Niệm thọ
3. Niệm tâm
4. Niệm pháp (dhammas)
Ở đây, Pháp (dhamma)
là năm mươi mốt tâm sở trừ thọ, hoặc năm thủ uẩn, hoặc muời hai nội, ngoại xứ
(6 căn + 6 trần), hoặc mười tám giới, hoặc thất giác chi, hoặc Tứ Thánh Đế
v.v... Nhưng thực sự, bốn loại niệm này có thể rút lại chỉ còn hai, là niệm sắc
và niệm danh.
Chi phần thứ tám của
Bát Thánh đạo là Chánh Định (sammā samādhi). Chánh Định là sơ thiền (jhàna),
nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Bốn thiền này được gọi là Chánh Định theo
Kinh Đại Niệm Xứ (Mahā satipaṭṭhāna sutta). Trong Thanh Tịnh Đạo (VisuddhiMagga), Chánh Định được giải thích thêm là bốn thiền tế sắc
(rūpa jhāna), bốn thiền vô sắc (arūpa jhāna) và cận định (upacārā
samadhi).
Trong đời này, một số
người đã tích lũy nhiều công đức ba-la-mật (pāramī), và có thể đắc
Niết-bàn do nghe một thời pháp được giảng tóm tắt hay chi tiết. Tuy nhiên, phần
đông mọi người không có được các ba-la-mật như vậy, nên phải thực hành Bát
Thánh Đạo theo tuần tự. Những người này được gọi là người "Ứng Dẫn" (neyya
puggala), tức cần phải được dẫn dắt, và phải tu tập Bát Thánh Đạo từng
bước một theo trình tự giới, định và tuệ. Sau khi thanh tịnh giới xong, họ phải
tu tập định, và sau khi thanh tịnh tâm nhờ hành thiền định xong, họ phải tu tập
tuệ.
Hành giả tu tập Định
như thế nào?
Hành giả phải tu tập
định như thế nào?
Có bốn mươi đề mục
Thiền Chỉ (samatha), và mỗi người có thể tu tập bất cứ một trong 40 đề
mục này để đắc định.
Đối với những người
không thể quyết định được đề mục nào nên chọn để tu tập, nên khởi đầu với đề
mục niệm hơi thở (ānāpānasati). Phần lớn mọi người đều thành công trong
thiền nhờ dùng hoặc đề mục niệm hơi thở, hoặc phân tích tứ đại. Do đó, bây giờ
chúng ta sẽ nhìn một cách khái quát vào vấn đề làm thế nào để hành niệm hơi
thở.
Tu tập Niệm Hơi Thở như
thế nào?
Tu tập Niệm hơi thở
đã được đức Phật dạy trong Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna) như sau:
"Này các Tỳ khưu,
trong giáo pháp này, vị Tỳ khưu sau khi đã đi vào khu rừng, hoặc đến một gốc
cây, hay căn nhà trống, ngồi kiết già, giữ lưng thật thẳng và thiết lập niệm
trên đối tượng thiền (đặt niệm vào đề mục). Chánh niệm vị ấy thở vào, chánh
niệm vị ấy thở ra.
1. Thở vào một hởi
thở dài, vị ấy biết "Ta đang thở vào một hơi thở dài"; hoặc thở ra một hơi thở
dài, vị ấy biết "Ta đang thở ra một hơi thở dài."
2. Thở vào một hơi
thở ngắn, vị ấy biết "Ta đang thở vào một hơi thở ngắn", hoặc thở ra một hơi
thở ngắn, vị ấy biết "Ta đang thở ra một hơi thở ngắn".
3. "Cảm giác toàn
thân hơi thở, ta sẽ thở vào", vị ấy tập như vậy; và "cảm giác toàn thân hơi thở
ta sẽ thở ra", vị ấy tập như vậy.
4. "An tịnh thân hơi
thở, ta sẽ thở vào", vị ấy tập như vậy, và "an tịnh thân hơi thở, ta sẽ thở
ra", vị ấy tập như vậy.
Bắt đầu hành thiền,
ngồi trong một tư thế thoải mái và cố gắng ý thức rõ hơi thở khi nó đi vào và
đi ra khỏi thân qua lỗ mũi. Hành giả có thể cảm nhận được hơi thở này ở ngay
dưới mũi hoặc một chỗ nào đó quanh lỗ mũi. Không nên theo dõi hơi thở đi vào
trong thân hoặc đi ra khỏi thân, vì làm vậy hành giả sẽ không thể hoàn thiện
đựơc định của mình. Chỉ cần ý thức rõ về hơi thở ở chỗ nó chạm vào hay tiếp xúc
dễ nhận ra nhất, hoặc ở môi trên hoặc quanh lỗ mũi. Như vậy hành giả mới có thể
tu tập và hoàn thiện được định của mình.
Không nên chú ý đến
những đặc tính riêng (sabhāva lakkhana) đặc tính chung (sammañña lakkhana)
hoặc màu sắc của nimitta (tướng của định - sign of concentration).
Các đặc tính riêng là những đặc tính của tứ đại trong hơi thở như cứng, thô,
lưu chuyển, nhiệt, hỗ trợ, đẩy v.v... Các đặc tính chung là vô thường, khổ và
vô ngã của hơi thở. Điều này có nghĩa là hành giả không nên ghi nhận "vô - ra -
vô thường", hoặc "vô - ra - khổ", hoặc "vô - ra - vô ngã", mà chỉ cần ý thức
hay biết rõ hơi thở vô - ra như một khái niệm
Khái niệm về hơi thở
là đối tượng của thiền niệm hơi thở (ānāpānasati). Chính đối tượng này
là cái hành phải tập trung vào để phát triển định. Khi hành giả tập trung vào
khái niệm hơi thở theo cách này, và nếu hành giả đã từng hành thiền hơi thở
trong kiếp trước cũng như đã phát triển được một số ba-la-mật (pāramī),
hành giả sẽ dễ dàng tập trung vào hơi thở vô - ra hơn.
Bằng không, Visuddhi-magga
khuyên nên đếm hơi thở. Hành giả nên đếm sau cuối của mỗi hơi thở như:"vô-ra
Một, vô-ra Hai" v.v..
Đếm ít nhất cũng phải
tới năm, nhưng không quá mười. Ở đây chúng tôi khuyên nên đếm đến tám thôi, vì
con số đó nhắc hành giả nhớ tới Bát Thánh Đạo là con đường hành giả đang cố
gắng tu tập. Vì thế, nếu thích, hành giả nên đếm đến bất kỳ số nào giữa năm và
mười, đồng thời quyết định rằng trong thời gian ấy hành giả sẽ không để cho tâm
trôi lang thang, hoặc đi đến một nơi khác, mà chỉ có ý thức về hơi thở một cách
lặng lẽ mà thôi. Khi đếm như vậy, hành giả thấy rằng mình có thể tập trung tâm
lại và làm cho nó ý thức lặng lẽ duy nhất về hơi thở thôi.
Sau khi đã tập trung
tâm như vậy trong ít nhất nửa giờ, hành giả nên tiếp tục chuyển sang giai đoạn
thứ nhất và thứ hai của thiền:
(1) Thở vào một hơi
dài, vị ấy biết "Ta đang thở vào một hơi dài"; hoặc thở ra một hơi dài, vị ấy
biết "Ta đang thở ra một hơi dài".
(2) Thở vào một hơi
ngắn, vị ấy biết "Ta đang thở vào một hơi ngắn"; hoặc thở ra một hơi ngắn, vị
ấy biết "Ta đang thở ra một hơi ngắn".
Ở giai đoạn này, hành
giả phải tu tập ý thức tỉnh giác về hơi thở vô-ra hoặc là dài hay ngắn. "Dài",
"ngắn" ở đây không nói đến chiều dài thước tấc, mà muốn nói chiều dài thời
gian, tức một khoảng thời gian. Hành giả phải tự mình xác định thời gian dài
bao lâu thì gọi là "dài", và thời gian bao lâu thì gọi là "ngắn". Hãy ý thức rõ
thời gian của mỗi hơi thở vô-ra. Hành giả sẽ để ý thấy rằng hơi thở có lúc dài,
có lúc ngắn. Ở giai đoạn này, tất cả những gì hành giả phải làm chỉ là biết rõ
như vậy. Không nên ghi nhận "vô-ra dài, vô-ra ngắn", chỉ "vô-ra" và ý thức rõ
những hơi thở ấy hoặc dài hoặc ngắn vậy thôi. Hành giả nên biết điều này bằng
cách chỉ ý thức rõ độ dài thời gian mà hơi thở chạm vào và tiếp xúc môi trên,
hoặc quanh lỗ mũi, khi nó đi vào và đi ra khỏi thân. Đôi khi hơi thở có thể dài
suốt thời ngồi thiền, hoặc có khi ngắn, nhưng quan trọng là không nên cố gắng
làm cho nó dài hoặc ngắn có chủ tâm.
Ở giai đoạn này nimitta
(tướng của định) có thể xuất hiện, nhưng nếu hành giả có thể thực hành như vậy
một cách lặng lẽ trong khoảng một hay hai giờ mà "nimitta" không xuất
hiện, hành giả nên chuyển sang giai đoạn ba:
(3) "Cảm giác toàn
thân hơi thở, ta sẽ thở vào, vị ấy tập như vậy, và "cảm giác toàn thân hơi thở,
ta sẽ thở ra", vị ấy tập như vậy.
Ở đây đức Phật đang
hướng dẫn hành giả tập ý thức trọn vẹn hơi thở từ đầu đến cuối. Khi hành theo
cách này tướng (nimitta) có thể xuất hiện. Nếu tướng xuất hiện, không
nên chuyển tâm sang tướng liền, mà phải trú với hơi thở.
Nếu hành giả lặng lẽ
ý thức về hơi thở từ đầu cho đến cuối trong khoảng một giờ, mà tướng không xuất
hiện, nên chuyển sang giai đoạn bốn.
(4) "An tịnh thân hơi
thở ta sẽ thở vào", vị ấy tập như vậy và "An tịnh thân hơi thở, ta sẽ thở ra",
vị ấy tập như vậy.
Muốn làm được điều
này, hành giả phải quyết định làm cho hơi thở an tịnh, và duy trì sự tỉnh giác
hay ý thức liện tục về hơi thở từ đầu đến cuối.. Hành giả không nên làm điều gì
khác, nếu không định của hành giả sẽ gián đoạn và mất đi.
Thanh Tịnh Đạo nêu ra
bốn yếu tố làm cho hơi thở an tịnh:
1. Quan tâm (ābhoga),
2. Phản ứng (samannā āhāra),
3. Tác ý (manasikāra),
4. Phản khán (paccavekkhaṇa),
và giải thích với một
ví dụ:
"Giả sử một người
đứng yên lại sau khi chạy hoặc đứng yên lại sau khi từ trên đồi đi xuống, hoặc
đặt một vật nặng đội trên đầu xuống; lúc ấy hơi thở vô và hơi thở ra của người
ấy rất thô, mũi anh ta không đủ (để thở), do đó anh ta phải tiếp tục thở vô và
ra bằng miệng. Nhưng khi anh ta đã làm cho hết mệt, đã tắm rửa, uống nước và
đắp một miếng vải ướt lên ngực, rồi nằm xuống trong bóng mát, lúc đó hơi thở vô
và hơi thở ra của anh ta cuối cùng xuất hiện vi tế đến nỗi anh ta phải kiểm tra
xem mình có hơi thở hay không."
Cũng vậy, Thanh Tịnh
Đạo nói tiếp, hơi thở vô ra của hành giả lúc đầu là thô, càng lúc càng trở nên
vi tế, sau đó hành giả phải kiểm tra xem chúng có hay không.
Để giải thích thêm lý
do tại sao hành giả cần phải kiểm tra các hơi thở vô-ra, Thanh Tịnh Đạo nói:
"Vì trước đó, lúc
hành giả chưa phân biệt (hơi thở vô-ra) thì không có sự quan tâm nơi hành giả,
không có phản ứng, không có tác ý, không có phản khán, với ý nghĩa rằng (vị ấy
biết) "Ta đang tịnh hóa dần dần các thân hành thô (hơi thở vô và ra)". Nhưng
một khi vị ấy đã phân biệt (hơi thở vô-ra) thì có (sự quan tâm). Vì vậy mà vào
lúc vị ấy đã phân biệt thì thân hành (hơi thở vô-ra) của vị ấy là vi tế so với
thân hành lúc không (phân biệt).
1. Quan tâm (abhoga):
Sự chú ý đầu tiên đến hơi thở, hiểu rõ hơi thở, hướng tâm đến hơi thở, với ý
nghĩa "Ta sẽ cố gắng làm cho hơi thở an tịnh".
2. Phản ứng (samannāhārā):
Hành giả tiếp tục làm như vậy, tức là hành giả chú tâm chặt chẽ vào hơi thở
theo cách đó, lập đi lập lại nhiều lần, duy trì hơi thở trong tâm, với nghĩa
"Ta sẽ cố gắng làm cho hơi thở an tịnh".
3. Tác ý (mānāsikāra):
Nghĩa đen "quyết định làm cho hơi thở an tịnh". Tác ý ở đây là tâm sở làm cho
tâm hướng về đối tượng. Tác ý làm cho tâm ý thức và biết rõ về hơi thở.
4. Phản khán (paccavekkhaṇa): hành giả duyệt xét lại (vīmaṁsa
đồng nghĩa với Paccavekkhaṇa,
và là một từ được dùng trong luận của phụ chú giải) hơi thở,
làm cho nó rõ rệt trong tâm, với nghĩa "Ta sẽ cố gắng làm cho hơi thở an tịnh".
Vì vậy, tất cả những
gì hành giả cần phải làm ở giai đoạn này là quyết định làm cho an tịnh hơi thở,
và có sư tỉnh giác liên tục đối với nó. Theo cách đó, hành giả sẽ thấy hơi thở
trở nên an tịnh hơn, và tướng (nimitta) có thể xuất hiệh.
Ngay trước khi nimitta
xuất hiện, đa số hành giả gặp phải những khó khăn. Hầu hết họ thấy rằng hơi thở
trở nên rất vi tế và không rõ rệt, rồi có thể nghĩ hơi thở đã dừng lại. Nếu
điều này xảy ra, hành giả phải duy trì sự tỉnh giác hay cái biết của mình chỗ
mà hành giả ghi nhận được hơi thở lần cuối cùng, và chờ nó ở đó.
Chỉ có bảy loại người
không có hơi thở là: người chết, thai nhi trong bào thai, người đang chìm dưới
nước, người bất tỉnh, người đang nhập tứ thiền, người đang nhập thiền diệt (nirodha
samāpatti) (Thiền diệt là thiền chứng mà tâm, tâm sở và các sắc do tâm
tạo đều dừng lại) và một vị Phạm thiên. Suy theo đó thì hành giả không phải là
một trong bảy loại người này, mà hành giả thực sự đang thở, chỉ vì niệm của
hành giả không đủ mạnh để ý thức rõ nó mà thôi.
Khi hơi thở vi tế,
hành giả không nên làm cho nó hiển hiện rõ hơn, vì sự cố gắng như vậy sẽ tạo ra
trạo cử, và định tâm của hành giả không phát triển. Chỉ cần ý thức rõ hơi thở
như nó thực sự là, nếu nó không rõ, chỉ việc chờ ở nơi lần cuối cùng hành giả
ghi nhận được nó. hành giả sẽ thấy rằng, khi áp dụng niệm và tuệ theo cách này,
hơi thở sẽ tái hiện trở lại
Nimitta (Tướng hay Ấn
chứng)
Nimitta
hay tướng của niệm hơi thở khác nhau tùy theo mỗi người. Đối với một số ít
người, nimitta trong sạch và tinh tế như bông gòn, hoặc sợ bông được kéo
dài ra, hay như gió chuyển động hoặc gió lùa, cũng có thể là một thứ ánh sáng
rực rỡ như sao Mai, một viên hồng ngọc chiếu sáng, hoặc một viên ngọc trai
chiếu sáng. Đối với những người khác thì nó lại giống như thân cây bông, hoặc
một cọc gỗ nhọn. Đối với những người khác nữa, nó giống như một sợi dây hay sợi
chỉ dài, một vòng hoa, một luồng khói, một mạng nhện, một màn sương mù, một đoá
sen, một bánh xe, mặt trăng hay mặt trời v.v...
Trong hầu hết các
trường hợp, một nimitta thuần trắng như bông gòn là "học tướng" (uggaha
nimitta) và thường không được rõ hay chỉ mờ mờ. Khi nimitta trở
nên sáng chói giống như sao mai, rực rỡ và rõ ràng đó là tợ tướng (paṭibhāga nimitta). Cũng vậy, khi nimitta giống như viên hồng ngọc hay viên ngọc mờ mờ thì là học tướng (uggaha
nimitta), còn khi chói sáng và lấp lánh là tợ tướng. Đối với các hình
ảnh khác cũng cần phải hiểu theo cách này.
Vì thế, mặc dù niệm
hơi thở (ānāpānasati) là một đề tài thiền độc nhất, nó vẫn tạo ra các
loại tướng khác nhau, tức là nimitta xuất hiện hoàn toàn khác đối với
mỗi người thực hành.
Thanh Tịnh Đạo giải
thích rằng sở dĩ có điều này là vì tướng (nimitta) đựơc tạo ra bởi
tưởng. Và chú giải của bộ Thanh Tịnh Đạo giải thích rằng đó chính là các tưởng
sai biệt mà những hành giả khác nhau này đã có trước khi nimitta khởi
lên.
Như vậy, các
tướng khác nhau là do tưởng. Nhưng tưởng thì lại không khởi lên một mình. Nó là
một tâm hành (mental formation) luôn luôn khởi lên cùng với tâm và các
tâm hành khác; các tâm hành kết hợp với tâm này được gọi là các tâm sở (cetasika).
Vì thế, nếu một hành giả tập trung vào tướng hơi thở (ānāpāna nimitta)
với tâm hân hoan chẳng hạn, các tâm sở không chỉ có một mình tưởng, mà có tất
cả ba mươi bốn, như xúc, tư, nhất tâm, tác ý, tầm, tứ, thắng giải, tinh tấn, và
dục; không chỉ tưởng khác, mà các tâmsở khác cũng khác nữa.
Thực vậy, điều này đã
được giải thích trong Thanh Tịnh Đạo, phần nói về phi tưởng phi phi tưởng xứ
thiền (neva saññā nasaññāyatana jhāna), thiền vô sắc thứ tư.
Trong phần này, Thanh
Tịnh Đạo giải thích rằng "tưởng" trong thiền đó rất vi tế, đó là lý do tại sao
chúng ta gọi nó là thiền chứng phi tưởng, phi phi tưởng. Tuy nhiên không chỉ có
tưởng ấy là vi tế. Các thọ, tâm, xúc và tất cả tâm hành khác cũng rất vi tế.
Như vậy, Thanh Tịnh Đạo tiếp, trong thiền chứng phi tưởng phi phi tưởng cũng có
phi thọ phi phi thọ, phi tâm phi phi tâm, phi xúc phi phi xúc v.v...(VS.
X. "Nevasaññā nāsaññāyatana kathā" B 287 (Neither Perception Nor
Non-Perception Base Explanation)
Vì vậy, khi các bản
chú giải nói các tướng là khác nhau do tưởng, các bộ Luận ấy chỉ giải thích
tướng hơi thở (ānāpānanimitta) trên quan điểm độc nhất về tưởng hay dưới
dạng tưởng (saññāsīsa), và dùng tưởng như ví dụ của luận mà thôi.
Song, dù hình dáng
hay mầu sắc của tướng (nimitta) của hành giả là thế nào, dù cho tưởng
của hành giả về hơi thở vô-ra là thế nào, điều quan trọng là không nên đùa với
tướng của mình. Không nên để cho tướng mất đi, cũng không cố ý thay đổi hình
dạng và sự xuất hiện của nó. Nếu không, định của hành giả sẽ không phát triển
thêm được nữa, và sự tiến bộ của hành giả cũng sẽ dừng lại. Tướng của hành giả
có thể sẽ biến mất. Do đó, khi tướng của hành giả lần đầu tiên xuất hiện, không
được chuyển tâm (của hành giả) từ hơi thở sang tướng. Nếu làm vậy, hành giả sẽ
thấy nó biến mất.
Khi hành giả thấy
rằng tướng đã ổn định, và tâm của hành giả tự nó gắn chặt được vào đó, lúc ấy
hãy để tâm ở đó. Nếu hành giả ép tâm mình rời khỏi tướng, có thể hành giả sẽ
mất định. Nếu tướng xuất hiện ở xa phía trước hành giả, hãy phớt lờ nó, vì
tướng ấy có thể sẽ biến mất. Nếu hành giả phớt lờ nó, và chỉ tập trung vào hơi
thở chỗ nó tiếp chạm (môi trên, hay quanh lỗ mũi), tướng sẽ đến và trú ở
đó.
Trường hợp tướng của
hành giả xuất hiện tại chỗ hơi thở tiếp chạm, là ổn định, và xuất hiện như
chính nó là hơi thở, và hơi thở như là tướng, lúc ấy hãy quên đi hơi thở, và
chỉ ý thức rõ tướng ấy. Nhớ chuyển tâm từ hơi thở sang tướng, hành giả có thể
sẽ đạt đựơc tiến bộ thêm. Khi hành giả duy trì tâm trên tướng, tướng sẽ trở nên
càng lúc càng trắng hơn, và khi nó trắng giống như bông gòn, thì đó là học
tướng (uggaha nimitta).
Hành giả nên quyết
định giữ cho tâm an định trên học tướng trắng ấy trong một, hai, ba giờ, hoặc
hơn nữa. Nếu hành giả có thể giữ tâm gắn chặt trên học tướng trong một hoặc hai
giờ, học tướng ấy sẽ trở nên rõ rệt, trong sáng và rực rỡ hơn. Đây là tợ tướng
(Pāṭibhāga nimitta). Cũng như
trước, hành giả quyết định giữ cho tâm dán trên tợ tướng trong một, hai, hoặc
ba giờ. Thực hành cho đến khi thành công.
Ở giai đoạn này hành
giả sẽ đạt đến hoặc là cận định (upacāra) hoặc là an chỉ (appanā)
định. Sở dĩ gọi là cận định vì nó gần với và đi trước bậc thiền (jhāna).
An chỉ định là bậc thiền.
Cả hai loại định này
đều có cùng đối tượng là tợ tướng. Khác nhau duy nhất giữa chúng là trong cận
định các thiền chi chưa được phát triển đầy đủ. Vì lý do này các tâm hữu phần (bhāvaṅga) vẫn khởi lên, và hành
giả có thể rơi trở lại hữu phần hay dòng tâm duy trì kiếp sống này (bhavaṅga = life continuum consciousness). Khi rơi vào hữu phần, có thể hành giả
sẽ cho rằng mọi thứ đều dừng lại, thậm chí còn nghĩ đó là Niết-bàn. Trong thực
tế tâm không dừng lại, mà chỉ do hành giả không đủ thiện xảo để phân biệt điều
này, vì tâm hữu phần rất là vi tế.
Quân bình ngũ
căn
Để tránh rơi vào hữu
phần và để phát triển thêm, hành giả cần đến sức trợ lực của ngũ căn (pañcindriyā)
nhằm nhấn tâm vào và quấn chặt nó trên tợ tướng. Ngũ căn gồm: 1. Tín (saddhā);
2. Tấn (vīriya); 3. Niệm (sati); 4. Định (samādhi); 5. Tuệ
(pañña)
Ngũ căn là năm sức
mạnh kiểm soát tâm, giữ cho nó khỏi lang thang ra ngoài con đường Thiền Chỉ (samatha)
và thiền quán (vipassanā) đưa đến Niết-bàn. Nếu một hay nhiều trong số
các căn này trở nên thái quá, tâmsẽ mất quân bình.
Căn đầu tiên là Tín (saddhā)
hay tin vào những gì nên tin, như tin tam bảo, hoặc tin nghiệp và quả của
nghiệp. Điều quan trọng là phải có niềm tin nơi sự giác ngộ của đức Phật, vì
không có nó, hành giả sẽ thối chuyển và rút lui khỏi công việc hành thiền của
mình. Quan trọng không kém là phải có niềm tin nơi Giáo pháp hay là lời dạy của
đức Phật, đó là tin nơi bốn đạo, bốn quả và Niết-bàn v.v.. Lời dạy của đức Phật
chỉ cho chúng ta con đường hành thiền, vì vậy ở giai đoạn này có niềm tin trọn
vẹn vào đó thực là quan trọng.
Giả sử như một người
hành thiền nghĩ "Liệu có thể thực sự đắc thiền chỉ bằng việc theo dõi hơi thở
vô, hơi thở ra không? Có thực rằng học tướng (uggaha nimitta) giống như
bông gòn trắng, còn tợ tướng (paṭibhaga nimitta) giống như nước đá hay thủy tinh trong suốt hay không?" Nếu những ý nghĩ như vậy tồn tại, chúng sẽ
đưa đến những quan kiến như là "Thời buổi hiện đại này đễ gì mà đắc thiền (jhāna)
được?" Và thế là niềm tin của hành giả nơi giáo pháp sẽ thối thất, và tất nhiên
sẽ không thể ngăn được việc từ bỏ tu tập thiền chỉ này.
Vì vậy một người đang
tu tập định với đề mục chủ niệm hơi thở (ānāpānasati) chẳng hạn, cần
phải có niềm tin vững chắc. Hành giả phải tu tập niệm hơi thở không chút hoài
nghi. Phải nghĩ rằng "Nếu ta theo đúng những chỉ dẫn có hệ thống của đức Phật
Toàn Giác, ta có thể thành tựu Thiền."
Tuy nhiên, nếu một
người để cho niềm tin của mình trở thành thái quá, ở đây muốn nói đến niềm tin
nơi tợ tướng phát sanh trong lúc thiền, thì định của người ấy sẽ suy giảm. Tín
thái quá hàm chứa hỷ thái quá (pīti), hỷ này dẫn đến những xúc động. Như
vậy có nghĩa là tâm hành giả đã bị quấy động bởi sự kích thích của hỷ, và trí
tuệ sẽ không thể tuệ tri được tợ tướng. Như vậy, do tín thái quá đã quyết định
trên đối tượng, trí tuệ sẽ không đuợc rõ rệt và vững chắc, và các căn còn lại
như tấn, niệm, định cũng yếu đi: tấn không thể nâng các tâm hành đồng sanh lên
tợ tướng, niệm không thể thiết lập được sự nhận biết của nó về đối tượng (tợ
tướng); định không thể ngăn tâm đi đến một đối tượng khác; và tuệ không thể
thấy sâu vào tợ tướng. Do đó tín thái quá thực sự lại dẫn đến sự suy thối của
niềm tin.
Nếu tấn mạnh, các căn
còn lại cũng sẽ không thể làm tốt các phận sự của nó. Như tín: quyết định,
niệm: an trú, định: ngăn sự phân tán, và tuệ: phát triển sự phân biệt sâu xa.
Như vậy tấn thái quá khiến tâm không an định trên tợ tướng.
Điều này có thể được
minh họa bằng câu chuyện của Trưởng lão Soṇa sau đây: Trong kinh thành Vương Xá (Rājagaha), ngài nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp
và phát sanh đức tin. Ngài xin phép cha mẹ xuất gia và thọ đại giới. Đức Phật
dạy cho ngài một đề tài thiền, rồi ngài đi đến tu viện Sìtavana. Tại đây
ngài thực hành rất chuyên cần. Do lúc nào cũng tinh tấn đi kinh hành, nên đôi
chân của ngài bị thương tổn. Dù vậy, ngài cũng không hệ đặt lưng ngủ nghỉ,
vàkhi không còn có thể đi được, ngài bò bằng hai tay và hai đầu gối. Nỗ lực
tinh tấn quá mức này đã làm cho con đường kinh hành của ngài loang lỗ vết máu.
Mặc dù như thế ngài vẫn chẳng đắc một quả chứng nào mà lòng còn đầy tuyệt vọng.
Lúc bấy giờ đức Phật
trên đỉnh Gijjhakūta (đỉnh núi Kên Kên) biết được nỗi tuyệt vọng của
Son.a và đi đến thăm. Đức Phật nhắc cho ngài nhớ rằng khi còn là người tại gia
cư sĩ ngài đã từng chơi đàn cầm (vīṇā), và phải chăng cây đàn sẽ không phát ra âm thanh và có thể chơi được nếu dây đàn ấy
lên quá căng hoặc quá chùng không, tất cả những sợi dây đàn cần phải được điều
chỉnh cho thật đều. Việc hành thiền cũng như vậy, đức Phật giải thích, tinh tấn
hay nỗ lực quá mức dẫn đến trạo cử, và tinh tấn quá yếu sẽ dẫn đến lười biếng.
Từ bài học này, trưởng lão đã rút ra kinh nghiệm. Chẳng bao lâu, sau khi suy
xét đến bài học, ngài trở thành một bậc A-la-hán.
Việc quân bình tín
với tuệ, và định với tấn được bậc trí ca ngợi. Chẳng hạn, nếu tín mạnh và tuệ
yếu, một người sẽ nhắm mắt tin vào và kính trọng những đối tượng được xem là vô
ích và vô căn cứ, họ nhắm mắt tin kính những đối tượng mà ngoại đạo (những tôn
giáo ngoài Phật giáo), tôn kính như thần linh hoặc chư thiên bảo hộ.
Ngựơc lại, nếu tuệ
mạnh và tín yếu, một người có thể trở thành xả trá hay ngụy biện. Không hành
thiền, họ phí thời giờ của mình và những việc phán đoán. Bệnh này cũng khó chữa
như chữa một căn bệnh do uống thuốc quá liều gây ra vậy.
Tuy nhiên, nếu tín và
tuệ được quân bình, người ấy sẽ đặt niềm tin nơi Tam bảo, nơi nghiệp và quả của
nghiệp. Người ấy tin rằng nếu họ hành thiền đúng theo những chỉ dẫn của đức
Phật họ có thể sẽ thấy tợ tướng (patibhāga nimitta) và đắc thiền (jhāna).
Lại nữa, nếu định
mạnh và tấn yếu, một người có thể trở nên lười biếng. Chẳng hạn, khi định của
hành giả nâng cao, nếu tác ý đến tợ tướng hơi thở với một cái tâm lơi lỏng,
không đi sâu vào đó, hành giả có thể trở nên giải đãi. Trong trường hợp như vậy
các thiền chi không đủ mạnh để duy trì mức độ định cao hơn, điều này có nghĩa
tâm hành giả sẽ thường xuyên rơi trở lại hữu phần (bhavaṅga).
Nhưng nếu tấn mạnh,
và định yếu tâm hành giả có thể trở nên dao động. Tuy nhiên, khi định và tấn
đựơc quân bình, hành giả sẽ không rơi vào lười biếng cũng không bị dao động, và
có thể đắc thiền.
Tóm lại khi một người
muốn tu tập một đề mục thiền chỉ, trong bất kỳ trường hợp nào, có đức tin mạnh
là rất tốt. Nếu người ấy nghĩ "chắc chắn ta sẽ đắc thiền, nếu ta phát triển
định tâm trên tợ tướng", lúc đó nhờ năng lực của tín và nhờ tập trung trên tợ
tướng, hành giả dứt khoát sẽ thành tựu thiền. Điều này là do thiền (jhāna)
chủ yếu dựa trên định.
Còn đối với một người
tu tập vipassanà (minh sát), tuệ mạnh là điều rất tốt, bởi vì khi tuệ căn mạnh
hành giả có thể sẽ biết và thấy ba đặc tánh vô thường, khổ và vô ngã một cách
thấu suốt.
Chỉ khi định và tuệ
quân bình, các thiền hiệp thế mới có thể phát sanh. Đức Phật dạy rằng điều này
cũng áp dụng cho các thiền siêu thế (lokuttara jhāna) vốn đòi hỏi thêm
là định và tuệ ấy phải được quân bình với tấn và tín.
Riêng niệm là cần
thiết cho mọi trường hợp, bởi vì niệm bảo vệ tâm khỏi dao động do tín, tấn hoặc
tuệ thái quá, và (bảo vệ tâm) khỏi lười biếng do định thái quá. Niệm quân bình
tín với tuệ, định với tấn, và định với tuệ.
Do đó, niệm luôn luôn
cần thiết như muối cần cho các món canh, và như Tể Tướng đối với các công việc
của đức Vua. Chính vì thế các bản chú giải cổ xưa dẫn lời đức Thế Tôn nói:
"Niệm luôn luôn cần thiết cho bất kỳ đề mục thiền nào. Tại sao? Vì nó là nơi
nương tựa và bảo vệ cho tâm thiền. Niệm là nơi nương tựa vì nó giúp tâm đạt đến
các trạng thái đặc biệt và cao hơn chưa từng được đạt đến và biết đến trước
đây. Không có niệm, tâm không có khả năng đạt đến các trạng thái đặc biệt và kỳ
diệu được. Niệm bảo vệ tâm, và giữ gìn đối tượng thiền không bị lạc mất. Đó là
lý do vì sao đối với một hành giả đang phân biệt nó với minh sát trí, niệm xuất
hiện như cái bảo vệ cho đối tượng thiền, cũng như cho tâm của người hành thiền.
Không có niệm, họ không thể nâng tâm lên hoặc chế ngự tâm được, đó là lý do vì
sao đức Phật nói niệm là cần thiết trong mọi trường hợp.
Hành giả quân bình Thất
Giác Chi như thế nào?
Quân bình thất giác
chi cũng là điều quan trọng nếu hành giả muốn thành tựu thiền dùng dề mục niệm
hơi thở (ānāpānasati). Thất giác chi gồm:
1. Niệm (sati): ghi nhớ tợ tường và phân biệt nó tới lui nhiều lần.
2. Trạch pháp (dhammavicaya): hiểu biết tợ tướng một cách sâu xa, hay
thể nhập vào tợ tướng.
3. Tinh tấn (vīriya): đem các chi phần giác ngộ lại với nhau, và quân
bình chúng trên tợ tướng, đặc biệt tự củng cố chính bản thân nó, và trạch pháp
giác chi.
4. Hỷ (pīti): sự hân hoan của tâm khi kinh nghiệm tợ tướng.
5. Tịnh (passadhi): sự an tịnh của tâm và các tâm sở, có tợ tướng làm
đối tượng.
6. Định (samādhi): sự nhất tâm trên tợ tướng.
7. Xả (upekkhā): sự đều đặn của tâm không bị dao động, cũng không co rút
khỏi tợ tướng.
Hành giả cần phải
phát triển và quân bình cả bảy giác chi này. Nếu tinh tấn không đầy đủ tâm sẽ
rơi khỏi đối tượng thiền, ở đây là tợ tướng. Khi trường hợp này xảy ra, hành
giả không nên tu tập tịnh, định và xả, mà phải tu tập trạch pháp, tinh tấn và
hỷ. Như vậy tâm được nâng lên (đối tượng) trở lại.
Tuy nhiên khi có quá
nhiều tinh tấn, tâm sẽ trở nên dao động và phân tán. Lúc đó hành giả nên làm
ngựơc lại, tức không tu tập trạch pháp, tinh tấn và hỷ nữa, mà thay vào đó tu
tập tịnh, định và xả. Theo cách này tâm dao động và phân tán sẽ được chế ngự và
an tịnh lại.
Đây là cách làm thế
nào để quân bình ngũ căn và thất giác chi.
Làm thế nào để đắc
Thiền (jhāna)?
Khi ngũ căn tín, tấn,
niệm, định và tuệ đã được tu tập đầy đủ, định sẽ vượt qua cận định để nhập vào
thiền (Jhāna) hay an chỉ định. Khi hành giả đạt đến thiền, tâm hành giả
sẽ biết tợ tướng không gián đoạn. Sự kiện này có thể liên tục trong vài giờ,
thậm chí cả đêm hay có khi suốt ngày.
Khi tâm đã duy trì
định trên tợ tướng liên tục trong một hoặc hai giờ, hành giả nên cố gắng phân
biệt (nhận thức rõ) vùng trong trái tim nơi đây tâm hữu phần (bhavaṅga) trú, đó là sắc trái tim hay sắc ý vật. Tâm hữu phần vốn sáng trong, và được các nhà chú giải giải
thích rằng đó chính là ý môn (manodvāra). Nếu hành giả cố gắng nhiều
lần, tức là làm đi làm lại nhiều lần, thì cuối cùng hành giả sẽ phân biệt được
cả hai. Ý môn (bhavaṅga) và tợ tướng khi nó xuất hiện ở đó. Kế tiếp hành giả phân biệt năm thiền chi, mỗi lần một chi. Với
việc thực hành liên tục, có thể hành giả sẽ phân biệt được cả năm thiền chi một
lần. Trong trường hợp của niệm hơi thở (nāpānasati) có 5 thiền chi là:
1. Tầm (vitakka): hướng và đặt tâm trên tợ tướng hơi thở (nāpāna paṭhibhaga-nimitta)
2. Tứ (vicāra): duy trì tâm trên tợ tướng
3. Hỷ (pīti): thích thú đối với tợ tướng
4. Lạc (sukha): an vui với tợ tướng
5. Nhất tâm: Sự hợp nhất với tâm trên tợ tướng.
Các thiền chi này khi
đứng riêng thì gọi là thiền chi, song khi kết hợp lại thì gọi là bậc thiền. Lúc
mới bắt đầu hành thiền, hành giả phải hành để nhập thiền trong một thời gian
tương đối, không nên dùng quá nhiều thời gian vào việc phân biệt các thiền chi.
Hành giả cũng còn phải tu tập năm pháp thuần thục trong bậc thiền (vasībhāva)
ấy.
1. Nhập thiền bất cứ lúc nào hành giả muốn
2. Quyết định (adhiṭṭhāna) trú trong thiền trong một thời hạn đã định và thực hiện quyết định
ấy.
3. Xuất thiền vào giờ ấn định.
4. Tác ý đến các thiền chi.
5. Phản khán các thiền chi (Tác ý và phản khán xảy ra trong cùng tiến trình tâm
Ý môn (manodvāra vīthi). Tác ý được thực hiện bằng Ý môn hướng tâm (manodvāra
vajjana), trong trường hợp này, nó lấy một trong năm thiền chi làm đối
tượng. Nó được theo sau bởi bốn, năm, sáu hoặc bảy tốc hành tâm (javana)
phản khán có cùng một đối tượng. Xem bài giảng 5 )
Trong Aṅguttara Nikāya (Tăng chi bộ kinh), bài kinh ví dụ Con Bò Cái (Pabhateyyagāvī sutta), đức Phật nói hành giả
không nên cố gắng chuyển sang nhị thiền khi chưa thuần thục sơ thiền. Ngài giải
thích rằng nếu người nào không hoàn toàn thuần thục sơ thiền, mà cố gắng đi lên
các bậc thiền cao hơn, họ sẽ mất sơ thiền, cũng như không thể đạt đến các bậc
thiền khác. Như vậy người ấy sẽ mất tất cả các bậc thiền.
Khi hành giả đã thuần
thục sơ thiền, hành giả có thể cố gắng để tiến lên nhị thiền. Muốn đắc nhị
thiền hành giả cần phải nhập vào sơ thiền mà lúc này đã rất quen thuộc, xuất
khỏi thiền ấy, suy xét đến những khuyết điểm của nó và những lợi ích của nhị
thiền. Đó là, sơ thiền còn gần với năm triền cái, và có các thiền chi thô tầm,
tứ khiến cho nó kém an tịnh hơn nhị thiền, không tầm không tứ. Vì thế, lúc này
không mong muốn các thiền chi đó nữa mà chỉ mong muốn hỷ, lạc, nhất tâm, hành
giả sẽ định tâm trên tợ tướng trở lại và đạt đến sơ thiền . Khi xuất khỏi sơ
thiền, duyệt lại các thiền chi với chánh niệm, tỉnh giác, hai thiền chi tầm,
tứ, sẽ có vẻ thô đối với hành giả, trong khi hỷ, lạc và nhất tâm có vẻ an tịnh
hơn. Do đó, để từ bỏ hai thiền chi thô và có được các thiền chi an tịnh ấy,
hành giả tập trung vào tợ tướng trở lại.
Bằng cách ấy hành giả
có thể sẽ đạt đến nhị thiền chỉ có hỷ, lạc và nhất tâm. Sau đó hành giả cũng tu
tập năm loại thuần thục của nhị thiền.
Khi hành giả đã thành
công, và muốn tu tập tam thiền, thì nên xuất khỏi nhị thiền bây giờ đã quen
thuộc ấy, suy xét đến những khuyết điểm của nó, rồi suy xét đến những lợi ích
của tam thiền. Đó là, nhị thiền này còn gần với sơ thiền có các thiền chi thô,
tầm, tứ. Và nhị thiền, tự thân nó có thiền chi thô là hỷ (ngài
Pa-Auk Tawya Sayadaw giải thích rằng thiền chi hỷ là một yếu tố phụ thêm vào
việc tăng cường sự gắn bó đối với lạc của bậc thiền (jhāna sukha) được
xem là vi tế, vì đối tượng của nó cũng rất vi tế, nên không thể tạo thành dục
lạc - rāga: sensual happiness - được), khiến cho nó kém an
tịnh hơn tam thiền, một bậc thiền không có hỷ. Vì thế, bây giờ không có ước
muốn đối với thiền chi thô đó, mà chỉ ước muốn các thiền chi an tịnh, hành giả
sẽ tập trung vào tợ tướng trở lại và đắc nhị thiền. Khi xuất khỏi nhị thiền, và
duyệt lại các thiền chi, thì thiền chi hỷ sẽ có vẻ thô đối với hành giả, trong
khi lạc và nhất tâm có vẻ an tịnh hơn. Do đó, để từ bỏ thiền chi thô và có được
các yếu tố an tịnh, hành giả định tâm trên tợ tướng trở lại. Theo cách này,
hành giả có thể sẽ đạt đến tam thiền, chỉ có lạc và nhất tâm. Sau đó hành giả
cũng tu tập năm loại thuần thục đối với tam thiền như trứơc.
Khi đã thành công và
hành giả muốn tu tập tứ thiền, thì cần phải xuất khỏi tam thiền đã quen thuộc
đó, suy xét đến các khuyết điểm của nó, rồi suy xét đến những lợi ích của tứ
thiền. Đó là, tam thiền này còn gần với nhị thiền, có thiền chi thô là hỷ. Và
tam thiền tự thân nó có thiền chi thô là lạc, khiến cho nó kém an tịnh hơn tứ
thiền, không có lạc. Bây giờ với ước muốn đạt đến tứ thiền, hành giả lập lại
định trên tợ tướng và đắc tam thiền. Khi xuất khỏi tam thiền, duyệt lại các
thiền chi, hành giả thấy rằng thiền chi lạc có vẻ thô, trong khi xả và nhất tâm
an tịnh hơn. Vì thế, để từ bỏ yếu tố thô và có được các yếu tố an tịnh, hành
giả lại tập trung vào tợ tướng. Theo cách này hành giả có thể sẽ đắc tứ thiền,
chỉ có xả và nhất tâm. Và cũng như trước, hành giả nên tu tập năm loại thuần
thục đối với tứ thiền.
Với sự chứng đắc tứ
thiền, hơi thở dừng lại hoàn toàn. Sự kiện này hoàn tất giai đoạn thứ tư trong
việc tu tập niệm hơi thở.
(4) "An tịnh thân hơi
thở , ta sẽ thở vào" vị ấy tập như vậy, và "An tịnh thân hơi thở , ta sẽ thở
ra" vị ấy tập như vậy.
Giai đoạn này bắt đầu
ngay trước khi nimitta (tướng) xuất hiện, và khi định đã được tu tập qua
bốn bậc thiền, hơi thở càng lúc càng trở nên an tịnh hơn, cho đến khi nó dừng
lại hoàn toàn ở tứ thiền.
Bốn bậc thiền này
cũng còn gọi là bốn thiền sắc giới (rūpavacara jhāna), vì chúng chỉ có
thể cho quả tái sanh trong cõi sắc giới. Song ở đây chúng tôi không khuyến
khích quý vị hành giả tu thiền để được tái sanh vào cõi sắc giới, mà chỉ dùng
chúng làm nền tảng để phát triển thiền Minh sát (Vipassanā).
Khi hành giả đã đạt
đến tứ thiền bằng cách dùng niệm hơi thở, và đã tu tập năm pháp thuần thục, ánh
sáng của định sẽ sáng chói, rực rỡ và tỏa chiếu, và nếu muốn vị ấy có thể
chuyển sang tu tập thiền Minh sát. Ngược lại, hành giả cũng có thể tiếp tục tu
tập tịnh chỉ (samatha). Đó sẽ là đề tài của bài giảng kế, hành giả tu
tập thiền chỉ trên ba mươi hai phần của thân (32 thể trược), bộ xương, mười kasiṇa (biến xứ) vv... như thế nào.
HỎI
ĐÁP 1
Hỏi 1.1:
Trong bốn giai đoạn của thiền niệm hơi thở (ānāpānasati), làm sao để chúng tôi
xác định được khi nào thì chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác?
Đáp 1.1:
Đức Phật dạy ānāpānasati tuần tự từng bước một: hơi thở dài, hơi thở
ngắn, toàn hơi thở và hơi thở vi tế, cho dễ hiểu vậy thôi. Lúc hành thực thụ,
cả bốn giai đoạn có thể xảy ra cùng một lúc.
Như vậy, nếu hành giả
có thể tập trung vào toàn hơi thở dài, và toàn hơi thở ngắn trong khoảng một
giờ, lúc ấy (khi định của hành giả nâng cao) hơi thở của hành giả tự động trở
nên vi tế, và hành giả có thể chuyển sự tập trung vào hơi thở vi tế. Khi hơi
thở vi tế là dài, hành giả sẽ cố gắng biết toàn hơi thở dài và vi tế ấy; khi
hơi thở vi tế là ngắn, hành giả cố gắng biết hơi thở là ngắn và vi tế ấy.
Nếu hơi thở tự nó
không trở thành vi tế, hành giả sẽ tập trung vào hơi thở đó (tác ý - manāsikāra)
với quyết định rằng nó phải là vi tế (Xem
trang sau, để biết thêm chi tiết về an tịnh hơi thở). Theo cách đó,
hơi thở sẽ trở nên vi tế, nhưng hành giả không được cố tình làm cho hơi thở vi
tế, cũng như không cố ý làm cho nó dài ra hoặc ngắn lại; chỉ quyết định rằng nó
phải trở nên an tịnh thôi. Theo cách này, hơi thở dài, hơi thở ngắn, toàn hơi
thở và hơi thở vi tế, cả bốn giai đoạn, đã được gồm trong một giai đoạn duy
nhất.
Ở phần trước của giai
đoạn thứ tư , hơi thở chỉ trở nên rất vi tế, chứ chưa diệt hoàn toàn. Hơi thở
diệt hoàn toàn chỉ có ở tứ thiền. Đây là giai đoạn vi tế nhất.
Hỏi 1.2:
Trong thiền có cần thiết phải có một nimitta (tướng) không?
Đáp 1.2:
Trong một vài đề mục thiền (kammaṭṭhāna) như niệm hơi thở, thiền đề mục kasiṇa (biến xứ) và thiền đề mục bất tịnh (ashubha), một nimitta
rất cần thiết. Nếu hành giả muốn đắc thiền trong các đề mục thiền khác, như tùy
niệm Phật (Buddhānussāti), có thể không cần nimitta. Trong thiền
tâm từ (mettā bhāvanā), phá bỏ ranh giới được gọi là nimitta (tướng)(Đây
chỉ là một tên gọi, vì kỳ thực nó không phải là một nimitta đúng
nghĩa.)
Hỏi 1.3:
Có một số người nói rằng trong lúc đang hành niệm hơi thở "hồn" của họ xuất ra
khỏi thân. Như vậy có đúng không, hay họ hành sai?
Đáp 1.3:
Thường thường, tâm an định có thể tạo ra một nimitta. Khi định càng sâu
và mạnh mẽ, lúc đó, do các tưởng sai biệt, mà các nimitta khác nhau sẽ
xuất hiện. Chẵng hạn, nếu hành giả muốn nimitta là dài, nó sẽ dài, muốn
nó ngắn, nó sẽ ngắn; muốn nó tròn, nó sẽ tròn, muốn nó màu đỏ, nó sẽ màu đỏ. Vì
thế các tưởng khác nhau có thể phát sinh trong lúc đang hành niệm hơi thở. Hành
giả có thể tưởng như mình đang ở ngoài thân. Đó chỉ là một sáng tạo của tâm,
chứ không phải do một linh hồn. Không có vấn đề gì cả. Cứ việc bỏ qua nó và trở
lại với niệm hơi thở của hành giả.
Chỉ khi nào hành giả
phân biệt được danh-sắc chân đế (paramatha nāma-rūpa) bên trong và bên
ngoài, lúc đó hành giả mới có thể giải quyết được vấn đề linh hồn, nghĩa là
hành giả sẽ không tìm đâu ra một linh hồn. Vì vậy, hành giả cần phải phá bỏ các
nguyên khối tưởng về danh sắc, và thấu hiểu danh sắc chân đế.
"Nānādhātuyo
vinibbhujitvā ghanavinibbhoge kate anattalakkhanaṁ yāthāvasarasato upaṭṭhāti"
(Khi chúng ta phá bỏ được nguyên khối tưởng, thì vô ngã tưởng (anatta saññā)
sẽ khởi lên - Vs. XXI "Upakkilesavimutta Udayabbayañāṇa
kathā
B739 (Trí quán sự sanh và diệt).
Chính do nguyên khối
tưởng mà phát sinh cái tưởng về một linh hồn này.
Muốn phá bỏ nguyên
khối tưởng về sắc, trước tiên chúng ta phải phân biệt các nhóm sắc - rūpa
kalāpas (kalāpas: là những phần tử nhỏ, hay nhóm, bọn hoặc tổng
hợp sắc). Kế đó hành giả phải phân biệt các loại sắc chân đế khác nhau, có ít
nhất tám sắc trong mỗi rūpa-kalāpa (nhóm sắc). Không làm điều này thì
tưởng về linh hồn sẽ không biến mất (Chi tiết liên
quan đến nguyên khối tưởng về sắc, xem trang sau).
Tương tự, không phá
bỏ nguyên khối tưởng về danh, thì tưởng về linh hồn sẽ không biến mất. Chẳng
hạn, khi tâm hành giả phóng đi, hành giả có thể nghĩ rằng cái tâm lang thang ấy
là linh hồn của mình.
Làm thế nào để hành
giả phá bỏ được cái nguyên khối tưởng về danh này? Chẳng hạn, lấy một tiến
trình ý môn thuộc cận định có đối tượng là tợ tướng làm ví dụ.
Trong tiến trình nhận
thức như vậy có một ý môn hướng tâm và bảy tốc hành tâm (javana). Trong
sát-na ý môn hướng tâm có mười hai tâm hành và trong mỗi sát-na tốc hành có ba
mươi bốn tâm hành.
Trong một tiến trình
nhận thức như vậy có bốn loại nguyên khối tưởng cần phải được phá bỏ bằng Minh
sát trí.
1. Nguyên khối tưởng
về tính tương tục (santati
ghana
): muốn phá bỏ khối tưởng này hành giả cần phải
phân biệt (để thấy) bằng cách nào từng tâm khác nhau cùng với các tâm sở của nó
khởi lên trong mỗi sát-na tâm suốt tiến trình nhận thức.
2. Nguyên khối tưởng
về tập hợp (samūha
ghana
): muốn phá bỏ khối tưởng này, hành giả cần phải
phân biệt để thấy ra mỗi tâm và mỗi trong các tâm sở của nó trong từng sát-na
tâm suốt tiến trình nhận thức.
3. Nguyên khối tưởng
về phận sự (kicca
ghana
): muốn phá bỏ khối tưởng này, hành giả cần phải
phân biệt đặc tính, phận sự , sự thể hiện và nhân gần của mỗi tâm và mỗi tâm sở
trong các tâm sở của nó.
4. Nguyên khối tưởng
về đối tượng (rammaṇa
ghana
): muốn phá bỏ khối tưởng này, hành giả cần
phải phân biệt tiến trình nhận thức thuộc minh sát tuệ (trí) đã phân biệt tiến
trình nhận thức mà hành giả vừa khảo sát (tiến trình ý môn thuộc cận định) .
Điều này có nghĩa rằng tiến trình nhận thức trước, tự nó cũng cần phải được
biết bằng tiến trình nhận thức sau.
Nếu hành giả phá bỏ
được bốn loại nguyên khối tưởng về danh theo cách này, hành giả sẽ chỉ thấy sự
sanh và diệt nhanh lẹ của tâm và các tâm sở của nó.
Với tưởng vô thường
ấy, hành giả không thể nào còn nghĩ tâm của mình là linh hồn nữa, vì khi có
tưởng vô thường thì tưởng vô ngã cũng có mặt. Như Đức Phật đã dạy trong Kinh
Meghiya (U.N.I (cũng xem A. IX.I.1.3).
Aniccasaññino meghiya
anattasaññā saṇthāti (Này Meghiya, đối với ai có minh sát trí về vô thường mạnh,
thời minh sát trí về vô ngã cũng sẽ hiển lộ cho người ấy).
Hỏi 1.4:
Tướng hơi thở (nāpānā nimitta) từ đâu đến? Cái gì làm cho nó xuất hiện?
Đáp 1.4:
Hầu hết các tâm sanh lên dựa vào sắc ý vật hay tâm cơ tạo ra hơi thở. Do đó một
tướng hơi thở thực thụ phải xuất phát từ hơi thở. Tuy nhiên không phải mọi tâm
đều tạo ra một nimitta. Chỉ tâm nào có định sâu lắng mới tạo ra tướng.
Vì thế, hơi thở do tâm định sâu lắng tạo ra mới làm cho tướng hơi thở (ānāpāna-nimitta)
xuất hiện. Nếu tướng ở xa lỗ mũi, đó không phải là tướng thực. Một tướng có thể
xuất hiện do định, nhưng đó không nhất thiết sẽ là tướng hơi thở thực thụ. Nếu nimitta
do thiền (jhāna) tạo ra, chúng ta có thể gọi đó là một nimitta
hơi thở thực sự. Còn nếu nó không do thiền tạo ra, nó không phải là tướng hơi
thở đích thực. Nếu hành giả định tâm trên tướng ấy, thiền sẽ không sanh. Thông
thường, định không trở nên mạnh và có năng lực nếu hành giả thiền trên tướng
ấy, vì thế chẳng bao lâu nó sẽ biến mất.
Hỏi 1.5:
Bảy giai đoạn thanh tịnh và mười sáu tuệ Minh sát là gì?
Đáp 1.5:
Bảy giai đoạn thanh tịnh là:
1. Giới thanh tịnh (Sīla visuddhi)
2. Tâm thanh tịnh (Citta visuddhi)
3. Kiến thanh tịnh (Diṭṭhi visuddhi)
4. Đoạn nghi thanh tịnh (Kaṅkhāvitarana visuddhi)
5. Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh (Maggāmaggaññā
ṇadassana visuddhi)
6. Đạo hành tri kiến thanh tịnh (Paṭipadāñāṇa dassana visuddhi)
7. Tri kiến thanh tịnh (ñāṇadassana visuddhi)
Và
16 tuệ Minh sát là (Tuệ = Trí):
1. Danh sắc Phân tích trí (Tuệ) nāmarūpa - pariccheda ñaṇa)
2. Tuệ Nắm bắt (phân biệt) Nhân duyên (paccaya pariggaha ñāṇa)
3. Tuệ Thẩm sát Tam tướng (sammasana ñāṇa)
4. Sanh Diệt Tuệ (udayabbaya ñāṇa)
5. Hoại Diệt Tuệ (bhaṅga ñāṇa)
6. Kinh Úy Tuệ (bhya ñāṇa)
7. Quá Hoạn Tuệ (dīnavānupassanā ñāṇa)
8. Yếm Ly Tuệ (Nibbidānupassanāa ñāṇa)
9. Dục Thoát Tuệ (Muñcitukamyatā ñāṇa)
10. Giản Trạch Tuệ (Paṭsaṅkhā ñāṇa)
11. Xã Hành Tuệ (Saṅkhārupekkhā ñāṇa)
12. Thuận Thứ Tuệ (Anuloma ñāṇa)
13. Chuyển Tộc Tuệ (Gotrabhū ñāṇa)
14. Đạo Tuệ (Monga ñāṇa)
15. Quả Tuệ (Phala ñāṇa)
16. Phản Khán (Duyệt) Tuệ (Paccavekkhana ñāṇa)
Bây giờ, hành giả đã
biết tên gọi các tuệ minh sát là vậy, thử hỏi hành giả có kinh nghiệm của các
tuệ ấy không? Không (phải không?). Đó là lý do tại sao chỉ có kiến thức suông
chưa đủ; hành giả cũng còn phải thực hành với nỗ lực lớn để chứng ngộ chúng
nữa.
(Cuối bài giảng này
Ngài Pa-Auk Tawyahayadaw đã giải thích thêm về năm triền cái như sau).
Bây giờ chúng tôi sẽ nói ngắn gọn về năm triền cái (nīvaraṇa)
1. Tham Dục (Kāmacchanda)
2. Sân Hận (Byāpāda)
3. Hôn trầm - thụy miên (Thina middha)
4. Trạo cử - Hối quá (Uddhacca kukkucca)
5. Hoài nghi (Vicikicchā)
Triền cái thứ nhất -
Tham dục (Kāmacchanda), là dính mắc vào tài sản hay vào con người. Đó chính là lòng mong ứơc
đối với các đối tượng giác quan hay trần cảnh. Chẳng hạn như hành giả có thể bị
dính mắc vào cốc liêu (Kuti) của mình. Trong khi đang hành thiền hành
giả có thể nghĩ "Ồ, giá mà cốc của ta đẹp đẽ thì hay biết mấy". Hoặc bạn có thể
nghĩ, "Ồ, nếu mà cả căn phòng này mà thuộc về ta thì thật là tuyệt !" Nếu hành
giả bị tràn ngập bởi tham dục như vậy, hành giả sẽ không thể nào tập trung tốt
vào đề mục thiền của mình được. Hành giả phải vận dụng chánh niệm mạnh mẽ và
thực hiện một nỗ lực để chặn đứng sự khởi lên của những tham dục này.
Triền cái thứ hai - Sân
hận (Byāpāda). Đó là oán ghét hay bất mãn với người hoặc vật nào đó. Chẳng hạn, trong
lúc ngồi thiền, nếu một thiền sinh ngồi kế bên gây ra tiếng động, hành giả có
thể khởi tâm bực bội và nghĩ "Ôi, sao mà y làm ồn quá mức như vậy!" Nếu tâm
hành giả bị sân hận hay bất mãn áp đảo, hành giả cũng sẽ không thể nào tập
trung trên đề mục thiền của mình cho tốt được.
Triền cái thứ ba - Hôn
trầm - thụy miên (Thina middha). Nếu tâm yếu đuối, hay không thích thú trong đề mục thiền, hôn trầm
thụy miên có thể xảy ra. Tuy nhiên, có lúc buồn ngủ cũng có thể là do mệt mỏi,
bệnh hoạn, hoặc thiếu nghỉ ngơi.
Triền cái thứ tư - Trạo
cử - Hối quá (Uddhacca kukkucca). Nếu tâm hành giả bất an hay trạo cử nó sẽ giống như 1 đống tro
bị hòn đá ném vào bay tứ tán và vung vãi khắp nơi. Tâm cũng phân tán như vậy.
Trong khi hành thiền, hành giả không nên buông thả tâm, để cho nó rơi khỏi đề
mục thiền của mình. Nếu làm vậy, trạo cử sẽ xảy ra. Hối quá là ân hận hay hối
tiếc về những việc xấu đã làm, và những việc tốt lại bỏ qua trong quá khứ. Ở
đây cũng vậy, hành giả phải vận dụng chánh niệm và nỗ lực lớn để chận đứng sự
khởi lên của trạo cử hối quá.
Triền cái thứ năm -
Hoài nghi (Vicikicchā). Đó là sự hoài nghi về Đức Phật - Giáo Pháp - Chư Tăng; Tam học: Giới
Định Tuệ; năm uẩn quá khứ; năm uẩn tương lai, năm uẩn quá khứ và tương lai;
pháp Duyên khởi gồm - năm uẩn hiện tại.
Nếu hành giả có sự
hoài nghi về pháp hành thiền định, có thể hành giả sẽ không thiền được. Chẳng
hạn, hành giả có thể nghĩ: "Có thể đắc thiền bằng niệm hơi thở được không?",
"Liệu thiền (Jhāna) có thể đạt đến nhờ định tâm trên tướng hơi thở (ānāpāna
nimitta) hay không?"
Năm Triền cái làm
chướng ngại cho thiền là như vậy.
-ooOoo-
Tiếp theo
|