Chương 8
NGƯỠNG
NHÌN PHẬT PHÁP
Tôi đến Kopan lúc xế chiều
của ngày khai giảng và được chỉ định tạm trú nơi
nhà dưới chân đồi, cách đỉnh chừng năm phút đi
bộ. Nhà có hai phòng lớn, trống rỗng trừ lớp rơm
phủ nền đất làm nệm. Nhà mướn của dân làng cho
khóa sinh sử dụng. Tôi có cảm tưởng nhà này
không phải để ở mà để chứa lúa hay nhốt trâu bò
vào mùa lạnh. Hai mươi người sẽ sống tạm tại
đây; ai tới trước được chọn chỗ trước và giữ chỗ
đó suốt tháng học. Cạnh bên nhà có vòi nước công
cộng mà chúng tôi sẽ dùng chung với dân làng; họ
tới đây giặt giũ hay gánh nước. Ngoài nhà tôi ở,
còn có nhiều nhà khác cũng mướn và nhiều lều
dựng trên đồi gần khu bếp để chứa khoảng một
trăm năm mươi khóa sinh tất cả.
Theo chương trình hôm nay,
các khóa sinh dùng bữa ăn nhẹ giữa 5:00 và 6:00
giờ chiều rồi qua lều thiền dự lễ khai giảng lúc
6 giờ rưỡi. Trong lều, ngay phía trước thấy có
bàn thờ to phủ vải vàng với nhiều lễ vật như
hoa, quả, nhang, đèn, vân vân. Ở giữa có một ghế
bành lớn lợp nệm dầy và vải quý trông như cái
ngai đặt trên bục cao sau cái thang nhỏ. Sau
ngai là bức che vải bố với nhiều tranh màu vẽ
Phật, Bồ Tát, và Bánh Xe Pháp Luân; mỗi tranh (thankas)
được viền bằng vải vàng và nhiều tua tụi. Phía
trên và chính giữa có hình to của Đức Đạt Lại
Lạt Ma với dải khăn trắng dài phủ cạnh trên và
thả lòng thòng hai bên.
Lều đầy nhóc, tổng cộng gần
một trăm bảy mươi người. Tất cả ngồi xuống nền
rơm, trên gối, hay nóp cuốn tròn, hay mền của
mình đem theo. Là học viên mới và hơi nhát, tôi
chọn một chỗ gần cuối để không ai thấy nhưng ngó
thẳng lên ngai để nhìn rõ thầy Lạt Ma. Hầu hết
người mới ngồi ở nửa lều sau cùng và hai bên
dưới, còn các vị sư, ni phương Tây và đệ tử của
Lạt Ma ngồi gần đằng trước. Mọi người ngồi lặng
im chờ Đức Lạt Ma đến. Khung cảnh tĩnh mịch với
khói hương phảng phất trông thiêng liêng và
huyền bí.
Lúc Đức Lạt Ma bước vô lều,
mọi người đứng lên và những người đứng phía
trước cung kính chấp tay vái chào. Vì không quen
với nghi thức phương Đông, tôi và nhiều người
khác ở đằng sau chỉ lấy mắt nhìn thầy đi vô lên
bàn thờ. Thầy đứng lại ngước nhìn
thankas
và hình Đức Đạt Lại Lạt Ma rồi sụp lạy ba lạy
với hai gối và trán chấm đất. Sau đó thầy tiến
lên ngai. Thầy ngồi xuống theo thế kiết già, sửa
lại y để lộ vai phải; y thầy màu rượu chát lợt.
Lúc bấy giờ các đệ tử và tăng ni trên các hàng
đầu bắt đầu lạy ba lạy dài với thân người nằm
sấp xuống đất. Một lần nữa, những người mới đứng
nhìn với sự dè dặt và hiếu kỳ.
Theo ngôn từ Tây Tạng, Lạt Ma
chỉ nhà sư có quá trình tu học thâm sâu thuộc
bực Thầy hay Guru. Một từ nữa, Rinpoche có nghĩa
'ngọc quý,' dành tôn vinh các Lạt Ma có tâm linh
thượng thừa. Rinpoche là bậc tôn sư đang đi theo
con đường Bồ Tát; ngài có khả năng tái sanh ở
nơi đâu ngài muốn để tiếp tục cứu độ chúng sanh.
Lạt Ma Zopa[1]
trông rất trẻ, như lối 25, nhỏ con, tóc đen ngắn
(chừng 1/4 in), đeo kiến trắng. Thấy ngài tôi
liên tưởng ngay đến các thần đồng hay học sinh
gạo cội ở trường. Ngài đặt bọc kinh vải cam nhỏ
xuống trước mặt rồi ngồi cuối đầu trầm lặng. Tôi
không biết ngài đang làm gì, chỉ đoán là ngài
đang thiền hay đang suy nghĩ trước khi mở lời.
Lúc ngài nói, ngài nói bằng tiếng Anh khá rõ
ràng; ngài đã dạy khóa tu học này trong năm năm
qua.
Lạt Ma Zopa có viết quyển
sách tham khảo như sách giáo khoa bằng Anh ngữ
mà chúng tôi được phát lúc đến nơi. Sách có bìa
màu vàng, tựa đề
'The Wish-fulfiling Gem and
the Golden Sun of Mahayana Thought Training',
và hình vẻ đơn sơ của mặt
trời đang lên với tia sáng chiếu rọi. Sách gồm
nhiều đề tài triết lý và thiền mà Đức Lạt Ma sẽ
dùng để giảng trong khóa. Phần nói về thiền được
viết để chỉ rõ tính chất của khổ đau bắt rễ từ
tâm của mỗi người, khuyên mọi người nên chấm dứt
các khổ đau vô ích do mình tạo ra, và giúp nhơn
loại thoát khỏi khổ đau. Điểm được nhấn mạnh ở
đây là hạnh Bồ Tát
(Bodhicita).
Hạnh
Bồ Tất là động lực vị tha của người giác ngộ hay
đã thoát khỏi khổ đau đang dẫn dắt người khác
trên đường chính đạo. Phải cứu vớt mọi chúng
sanh bằng cách hành trì vị tha và bác ái. Đó là
phương châm của trường phái Phật giáo Mahayana.
Lạt Ma Zopa khai thị bằng cách giới thiệu các
đường nét chính nói trên, những đường nét mà
chúng tôi sẽ học hỏi tỉ mỉ trong những ngày sắp
tới.
Bấy giờ tôi mới có chút ít
khái niệm về những gì tôi sẽ học. Tuy nhiên, tôi
không muốn đoán trước nội dung của các bài giảng
sắp tới, cũng không muốn có thành kiến tốt hay
xấu mà chỉ muốn mở rộng tâm mình. Tôi nghĩ nếu
là tốt cho các vị Lạt Ma và số đông đệ tử đến từ
phương Tây ắt phải tốt đối với tôi. Tôi đem suy
tưởng ấy theo xuống đồi dưới bầu trời đầy sao
lấp lánh và cùng vài đồng môn về nhà nằm nghỉ
trên nệm rơm.
Hai tuần đầu không có gì khó
khăn lắm vì giới luật, thực phẩm cũng như giờ
giấc không mấy gắt gao. Ngoài ra, đó là giai
đoạn chuẩn bị cho hai tuần học rút sắp tới.
Chúng tôi dậy lúc 6:00 giờ sáng, rửa mặt súc
miệng rồi tự thiền ngay trong nhà hay trên lều
thiền. Sau đó chúng tôi ăn sáng và đọc sách vàng
tới 9:00 giờ, lúc Lạt Ma bắt đầu giảng giờ đầu
tiên trong ngày. Sau phút nghỉ xả hơi ngắn,
chúng tôi được thầy hướng dẫn thiền tập thể theo
nội dung bài vừa học. Tiếp theo là giờ ăn và
nghỉ trưa cho đến 3:00 giờ; lúc này chúng tôi có
thể đọc thêm sách hay ngồi thiền tùy ý. Lúc 3:00
giờ chúng tôi nghe thầy giảng bài hai và vào
thiền tập thể lần nữa. Sau bữa ăn tối nhẹ, thầy
thuyết pháp và hướng dẫn nhóm vào thiền lần chót
trong ngày. Buổi học được kết thúc bằng thời
kinh tiếng Phạn.
Bài giảng trong những ngày
đầu đề cập tới bản chất của tâm và của khổ đau
do tâm gây ra--các khổ đau vô tận, dưới mọi hình
thức và mọi cấp độ. Nguồn gốc của khổ đau cá
nhân và tiếp theo là của khổ đau tập thể đều do
ba độc mà ra; ba độc ấy là vô minh, tham lam và
sân hận. Sở dĩ có vô minh vì bị ảo tưởng của cái
tôi, cái tôi hiện hữu riêng biệt không có liên
hệ chủ/vật thể. Vì vô minh mọc gốc mọc rễ nên
tâm bị gắn chặt với chấp trước và tham cầu những
gì ưa thích và ghét bỏ những gì không ưa thích.
Khi tập quán hình thành, bản ngã hay
'cái-tôi-yêu-dấu' sẽ làm mọi việc, kể cả việc
phi luân phi đạo, để thỏa mãn lòng tham lam và
sân hận. Tâm bị đầu độc như thế và bị lèo lái
bởi ba độc vừa kể sẽ cùng với các cơ chế do nó
tạo nên tự lăn quay trong vòng sanh tử gọi là
luân hồi (samsara).
Vòng luân hồi không có khởi điểm; vòng ấy quay
từ 'lúc-không-có-lúc-đầu.' Dầu luân hồi không có
khởi điểm trong không gian và thời gian, Đức
Phật đã tìm thấy điểm chấm dứt sau cùng của luân
hồi sanh tử mà Ngài gọi là Giải Thoát, Giác Ngộ
hay Niết Bàn. Chân lý ấy vượt ngoài tầm của bản
ngã và được thọ đắc bằng cách diệt tận gốc vô
minh, chấp trước và sân hận từng ăn sâu trong
tâm vốn trắng trong. Tâm Giác Ngộ sẽ trở lại
trong ngần nhờ được giải thoát khỏi các giới hạn
và bệnh tật của đời sống do duyên khởi.
Đức Lạt Ma giải thích tiếp
cặn kẽ thuyết nghiệp chướng (định luật thiên
nhiên của nhân và quả) và sự vận hành của nghiệp
trong thân/tâm theo tiến trình chung của luân
hồi. Hành động tiêu cực của thân, khẩu và tâm do
tam độc (tham, sân, si) gây nên. Chúng tạo nhân
xấu mà quả là khổ đau thể chất lẫn tinh thần có
thể gặp phải ngay trong đời sống hiện tại. Nhân
xấu còn có khả năng gây quả tái sanh trong cõi
thấp nhứt, cõi động vật. Hành động tích cực,
ngược lại, bắt nguồn từ trí tuệ, sự không chấp
trước và không thù hiềm/tình bằng hữu/tình
thương. Chúng đem lại hạnh phúc trên đời và tạo
quả tái sanh trong ba cõi cao hơn mà cõi người
là một. Theo học thuyết Tây Tạng, có sáu cõi
luân hồi[2]
mà sách vàng mô tả rất tỉ mỉ. Tất cả đều duyên
khởi, vô thường, tạm bợ, phức tạp, và được xác
định bởi các hành động chồng chất (nghiệp) của
mỗi người. Hành trì Phật pháp là tự tách rời
mình ra khỏi tất cả các nghiệp của cuộc sống
duyên khởi để đến Niết Bàn bất diệt[3].
Tôi nghĩ tôi có đọc các điều
nói trên rồi khi viết bài cho lớp Phật giáo ở
đại học; nhưng tôi đã quên gần hết. Với các chi
tiết vừa học được, tất cả như mới đối với tôi.
Là người phương Tây sống trong môi trường Thiên
Chúa giáo, tôi không sao không hoài nghi triết
lý vô thần, nhưng tôi thử không lý luận, không
so sánh, không bác bỏ, mà cũng không nhắm mắt
tin tưởng. Tôi nghĩ tôi cần bình tâm suy nghĩ.
Mục đích của các thời thiền sau bài giảng là để
chúng tôi có thì giờ, cơ hội và sự hỗ trợ của
nhóm đặng mà suy ngẫm các chân lý ấy. Không có
gì làm, không có nơi để đi, chúng tôi đến vì
khóa học, nhưng chúng tôi không mong đợi gì cả;
do đó, tâm rỗng nên dễ thu nhận thực chất của
vấn đề.
Trong lúc thiền, tôi dễ dàng
nhận thấy sự tham lam và chấp trước của tôi đã
gây nên nhiều sự việc không hay cho tôi và người
chung quanh. Sự đổ vỡ giữa tôi với Gail là một
trường hợp mới ràng ràng đó; chính lòng tham và
sự chấp trước của tôi đã làm thay đổi cuộc sống
của cô. Và việc làm điên rồ của tôi ở
Afghanistan phần lớn là do sự tham lam và cái
ngã của tôi. Các hành động tiêu cực ấy trở lại
đối diện với tôi và ảnh hưởng cả cha mẹ tôi ở xa
tới nửa vòng trái đất. Rồi mới đây là chuyện với
Ron mà sự thiếu suy nghĩ và ích kỷ của tôi đã
làm hỏng tình bè bạn.
Tôi có quan sát thời cuộc
trong quá khứ cũng như hiện tại và thấy rằng
luật nghiệp quả, nhứt là đối với các nghiệp tiêu
cực, đã lập lại tai hại trên thế giới. Xét tất
cả các yếu tố vừa nói, tôi bắt đầu biết rằng tâm
lực--thúc đẩy bởi cái tôi tham lam và ham
sống--rất mạnh và có thể ảnh hưởng đến chu kỳ
luân hồi; tâm không phát xuất từ con số không mà
cũng không tan biến sau cái chết. Thuyết luân
hồi bắt đầu có ý nghĩa đối với tôi hơn thuyết
Thượng Đế tạo ra thế giới của Thiên Chúa giáo.
Bấy giờ tôi bị lôi cuốn vào vòng thật tình.
Mỗi lần Đức Lạt Ma vào lều,
ngài đều lạy ba lạy trước bàn thờ trước khi lên
ngồi vào ghế. Sau đó khóa sinh lạy ba lạy dài
theo hướng của ngài. Đêm đầu tiên tôi chỉ đứng
nhìn vì hiếu kỳ; tôi không hiểu tại sao phải lạy
kỳ cục như vậy. Tôi không muốn lạy và chắc cũng
sẽ không lạy vì nghĩ rằng làm vậy mình tự hạ
mình và tùng phục thầy quá.
Nhưng hôm sau, tôi tự buộc
mình vượt qua rào xúc động để cố hòa mình. Hơn
thế nữa, một ni người Âu giải thích rõ ràng ý
nghĩa và cách lạy. Cô nói lạy có nhiều mục đích,
mà đại để là để kỉnh Phật, Pháp và Tăng--Tam Bảo
mà chúng ta quy y; để nhún mình trước biểu tượng
của từ bi, trí tuệ và sự trắng trong tuyệt đối;
và để từ bỏ cái tôi, nguyên nhân của tham và sân
và là chướng ngại to lớn nhứt. Tượng Phật,
thankhas,
kinh sách, tháp, và gurus đều tượng trưng cho
Đức Phật hay Giác Ngộ và dĩ nhiên là đáng cho
chúng ta bái lạy. Điều quan trọng khi lạy là
chúng ta phải ý thức sự từ bỏ bản ngã, chấp
trước, tị hiềm, sân hận và những tật xấu khác
đang ngăn bước của chúng ta vì chúng ngăn che
ánh quang minh mà chúng ta rất cần.
Sau vài ngày thiền đầu tiên
và suy ngẫm về bản ngã, tôi bắt đầu thầm cám ơn
và xin tự nguyện lạy ba lạy dài. Hầu hết những
người không lạy trong ngày đầu bây giờ cũng bắt
đầu lạy như tôi; hình như có từ lực vi tế nào đó
buộc chúng tôi quỳ và lạy nằm dài trên sàn. Tôi
cảm thấy thích thú và mong được lạy; bản ngã của
tôi chừng như được thuần hóa và tôi bớt ngạo mạn
để hấp thu mọi lời thầy dạy.
Đề tài thiền thứ hai là 'Tái
Sanh Làm Người Toàn Hảo[4]'
nói về phước đức được làm người. Được sanh vào
cõi người là vì trong các kiếp trước người ấy đã
gieo trồng nghiệp lành, gìn giữ giới hạnh, và
hành trì từ bi. Sống trong cõi người là dịp tốt
nhứt để tạo căn lành và phát huy trí huệ. Trong
đời, các cảm giác sướng khổ, vui buồn, có hay
không có hạnh phúc luôn luôn hòa quệnh mà chỉ có
con người mới biết phân biệt và chọn lựa. Chúng
ta có thể thay đổi khuôn mẫu của ý tưởng cũng
như hành động của chúng ta khi thấy chúng sai
trái. Thú vật không thể làm thế. Ngoài ra, làm
người ta mới có thể trì hành Phật pháp. Nhiều
người sanh ra tàn tật hay thiếu thông minh có
rất ít cơ hội để phát triển tâm linh hay thiền.
Và, hơn nửa dân số trên thế giới sanh ra trong
nghèo khó hay ở những nơi đèo heo phải đầu tắt
mặt tối lo cuộc sống thì còn thì giờ đâu đọc
triết, học đạo. Cho đến chúng ta là những người
có đầy đủ phương tiện nhưng mấy ai biết tận dụng
các phương tiện ấy. Bên phương Tây, nhiều người
giàu có chỉ biết sống cho riêng mình, chạy theo
dục lạc, và đắm chìm trong vòng chấp trước,
thiên kiến và ích kỷ. Khi nghe nói đến Phật pháp
(thứ pháp cần trì giới và lấy từ bi và vị tha
làm trọng) họ thối lui ngay. Bỏ qua cơ hội tuyệt
đối vì mải mê theo các thói quen tiêu cực và kéo
dài khổ đau trong luân hồi là xa lìa thượng
giới.
Lạt Ma Zopa giảng rất sâu và
dành nhiều ngày để chúng tôi thiền về đề tài Tái
Sanh này. Tôi ghi chép hết những điểm quan
trọng, đọc kỹ các chương liên hê, và học thuộc
lòng "Bát
Freedoms
và Thập
Receptacles
của thuyết Tái sanh." Hiểu được, tôi say mê suy
nghiệm ảnh hưởng của từng yếu tố một. Tôi quên
mất thời gian, hoàn toàn bị thu hút trong suốt
giờ thiền và quên cả mình đang ở trong lều với
nhiều bạn đồng khóa khác. Lý do dành nhiều ngày
cho một đề tài là để người mới học chưa biết
định tâm hiểu thấu ý nghĩa sâu xa, những ý nghĩa
không thể giải thích bằng lời mà chỉ chứng bằng
cách hành thiền. Thật vậy, chẳng bao lâu tôi
hiểu được đâu là chân lý.
Lúc thiền hay nghe giảng tôi
cố gắng ngồi kiết già. Thoạt tiên tôi bị mỏi rất
khó chịu nếu ngồi hơi lâu; tôi phải thay đổi thế
hay sửa gối kê thường xuyên. Nhưng sau một thời
gian tôi quen dần, có thể ngồi lâu và tập trung
tư tưởng. Trong những lúc suy tư thoải mái ấy,
tôi cảm thấy vui sướng và thích thú lạ thường.
Tuy nhiên, tôi luôn luôn tỉnh thức cảnh giác để
cái tâm tiêu cực không thể quay trở lại. Thỉnh
thoảng tôi có xao lãng, nghĩ tới trưa hay tối
nay sẽ ăn gì hoặc nghĩ tới chuyện đã qua. Tôi
cũng có nghĩ xằng bậy tới các bà, các cô bạn
đồng môn. Tôi cũng có tò mò muốn mở mắt xem các
bạn chung quanh đang làm gì; tôi so sánh họ với
tôi xem ai thiền giỏi hơn ai. Tôi quên rằng đó
là sự trở về của bản ngã và cái tâm bị động.
Mỗi chiều trước khi ngủ hay
mỗi sáng trước khi xuống đất, chúng tôi được
khuyến khích ngồi trên giường nghiền ngẫm đề tài
đang học. Thường tôi tập trung tư tưởng rất tốt
và ngồi rất lâu. Thỉnh thoảng, bản ngã tôi muốn
tôi là người nằm xuống hay ngưng thiền sau cùng.
Những dịp này giúp tôi soi thấy tôi là ai và
phát triển sự hiểu biết cũng như tin tưởng.
Trong lúc xếp hàng đợi cơm
hay đi/về, tôi muốn hỏi thăm bạn tôi "Thế nào?"
câu hỏi mà nhiều học viên không thể không hỏi.
Vài bạn từng học và hành thiền ở chỗ khác có lời
so sánh và ý kiến riêng đối với cách học và
thiền ở đây. Nhiều bạn khác than phiền về chỗ
ngủ, nhà cầu, sàn giặt, thức ăn, chương trình,
vân vân. Những chuyện như thế tôi không sao
không nghe lóm khi chúng lọt vô tai. Rồi tôi
nhận thấy tôi cũng có ý kiến riêng, cũng khó
chịu vì những tiêu cực, và cũng đồng tình đôi
khi. Tôi biết rằng nói chuyện là một thói quen
khó tránh, vì bản ngã muốn khoe cái ta của mình
hay muốn nịnh kẻ khác. Không thể tự chế, tôi
thỉnh thoảng nói chuyện với vài bạn thân nhứt
trong nhà. Nhưng tôi chỉ nói về Phật pháp, hay
hỏi cảm nghĩ của họ về một đề tài nào đó, hay
muốn biết họ thiền thế nào thôi. Tôi cần trao
đổi và mong được nghe lời nói mình đang đi đúng
đường.
Dầu đã nhứt định rồi, vậy mà
vào giờ chót tôi vẫn đem theo một chút cần sa đủ
cho một điếu. Tôi biết tôi không muốn hút nhưng
tôi nghĩ nên có cho chắc ăn'. Trong vài ngày
đầu, thú phê thuốc còn lảng vảng trong đầu nên
tôi vẫn nhớ tới của dấu để dưới đáy túi đeo vai.
Nhưng sau khi tôi bắt đầu thiền, tất cả các dư
âm ấy đều tan biến. Như vậy mới biết khi tâm
muốn thoát khỏi tình trạng buồn chán, người ta
mới tìm thú phê tạm bợ. Với tôi, thiền đã là
nguồn vui trám hết những chỗ trống không, nên
tôi không còn thèm khát nữa.
Vào
tuần thứ hai chúng tôi được dẫn giải chi tiết về
vô thường và tử biệt. Chúng ta biết mọi công
trình thiên nhiên và nhân tạo đều bị thay đổi,
biến hoại, tiêu tan, hay tiêu diệt. Tuy nhiên,
chúng ta không để ý tới nên sống thản nhiên.
Sách cũng như Đức Lạt Ma giảng rằng khi chết
chúng ta không thể đem xuống mồ hay qua thế giới
bên kia bất kỳ của cải gì, cả một sợi tóc cũng
không. Hành trang cho cuộc đời sắp tới chỉ là vô
minh hay trí huệ, tham cầu, và chấp trước mà
chúng ta đã tích tụ lâu nay; những hành trang
làm nhân này sẽ đơm trái tương ứng. Ngoài ra,
chúng ta nào ai biết tử thần sẽ đến lúc nào.
Thân xác này, được tạo nên bởi tứ đại[5],
rất mong manh và tùy thuộc nhiều yếu tố bên
ngoài cũng như nghiệp quả trồng bấy lâu nay, có
thể chết bất cứ lúc nào. "Ai biết được ngày mai
hay đời tới sẽ đến trước," là câu mà một vị hiền
triết Tây Tạng từng thốt lên từ lúc xa xưa.
Để thực hành những điều học
hỏi, chúng tôi thực tập thiền định về một trường
hợp tử vong đặc biệt. Chúng tôi tưởng tượng mình
đã chết một giờ qua, rồi lại được tái sanh với
những ý nghĩ hay tập quán quen thuộc nhứt. Cũng
có thể tưởng tượng mình tái sanh thành thú trong
giới hạ tiện hay con ma đói trong chín từng địa
ngục. Chúng tôi đã được cho đọc biết cảnh thiếu
thốn và các khổ đau trong các cảnh ấy. Lúc
thiền, chúng tôi sẽ tưởng tượng mỗi cảnh khổ một
và tưởng tượng ra càng nhiều chi tiết càng tốt.
Chúng tôi sẽ tưởng tượng luôn những cảm giác khổ
đau. Mục đích là để chúng tôi biết chết như thế
nào và giúp chúng tôi gạt bỏ những ý tưởng tiêu
cực, ý tưởng sẽ dẫn dắt sự tái sanh.
Thoạt tiên, tôi rất hoài nghi
việc thực tập thiền này và nhớ tới những nguy
hiểm do thao tác tâm linh mà nhiều nhà phân tâm
học Tây phương từng mô tả trước đây. Họ cho biết
thao tác tâm linh có thể tạo sốc tâm lý cùng
nhiều xáo trộn thân tâm nơi một số người. Tôi
không tin tất cả những gì đã viết hoặc là tin có
địa ngục trần gian, những điều kỳ quặc đó. Tôi
nhận thấy rằng, dầu thật hay không, những suy
ngẫm ấy là một cách buộc chúng ta thức tỉnh
trong lúc đang mê. Tôi đã biết lợi ích của thiền
do các buổi thực tập trước đây nên bắt đầu theo
Thầy Lạt Ma. Tôi tin tưởng những gì Thầy nói là
Thầy biết vì Thầy có nhiều kinh nghiệm bản thân,
thành thử tôi chú tâm thiền trọn vẹn.
Nơi một số người sự thăm dò
tiềm thức có thể gây phản ứng tâm/thân tai hại.
Trong một buổi thiền tập thể tôi nghe một thiền
sanh khóc nức nở và rất lâu. Về sau biết ra qua
đôi mách là một cô. Thiền như vậy thấm nhập thâm
sâu và chạm tới tầng thần kinh dễ xúc cảm nhứt
khiến người ta khóc mùi mẫn. Thêm nữa, một thiền
sinh người Anh lên cơn, bỏ đồi đi Kathmandu.
Nghe nói anh ra đi chỉ vỏn vẹn với bộ đồ lót, vô
một quán ăn trên 'Đường Dân Ngông' leo lên bàn
đứng đái vung vẩy xuống sàn. Anh bị mấy anh 'con
chiên hay làm phúc[6]'
giữ trước khi cảnh sát đến dẫn vô 'nhà của kẻ
mất hồn[7]'
mà nhóm 'Con Chiên Tái Sanh[8]'
dựng lên ở Kathmandu. Đó cho thấy rằng người ta
phải giải tỏa hết khổ đau tàn trữ trong tiềm
thức mình mới có thể đạt được trạng thái tự do
tâm linh, tức chấm dứt khổ đau.
Qua hai tuần đầu, những gì
tôi đọc, thấy và nghe bắt đầu có lý và ảnh hưởng
tôi nhiều. Nếu lúc trước tôi có ý tưởng Phật
giáo 'trong đầu', bây giờ tôi có 'trong tâm';
chúng chuyển từ não xuống tim thành những cảm
nhận không lời và bắt đầu thay đổi cái tâm thông
lệ của tôi. Mỗi bài pháp, mỗi đề tài suy tư mới,
mỗi khóa thiền như mỗi miếng ghép được ráp vào
đúng vị trí của nó trong trò chơi ghép ráp, hay
như cái nhọt đang trong thời kỳ chín muồi. Tôi
có cảm tưởng như có cái gì đó lâu nay ở kín dưới
đáy sâu đang từ từ trồi lên mặt. Cảm tưởng ấy mơ
hồ, vi tế, không thể nắm bắt, và không thể tả
bằng lời.
Như mọi ngày, hôm lễ Tạ Ơn
tôi ngồi mải mê nghe thầy Lạt Ma giảng ý nghĩa
sâu xa của đạo. Bỗng nhiên tôi chợt thấy mình
như là miếng ghép chót được ráp đúng vào hình
ghép ráp, hay như là cái nhọt đang vỡ. Sau phút
sửng sốt, tôi tự thốt lên "Úi chào, úi chào, úi
chào! Tôi chẳng hiểu biết gì cả trong những năm
qua của cuộc đời mình." Ý nghĩa bí truyền hay
mục đích của cuộc đời chừng như đang rạng tỏ.
Những câu mà tiềm thức tôi muốn hỏi từ bấy lâu
nay đang được trả lời rõ ràng. Tôi ngồi đó nhưng
không còn để ý nghe lời giảng của Lạt Ma nữa.
Tôi chỉ nghĩ tại sao lâu nay tôi có thể ngu
xuẩn, dốt nát và mù quáng như vậy, và tại sao
tôi tham cầu chạy theo dục vọng của cái tôi và
bị vướng vô vòng nhân duyên như thế đó. Sau khi
Lạt Ma giảng xong, mọi người ra nghỉ xả hơi, còn
tôi nằm dài tại chỗ tiếp tục tận hưởng dư âm
khai ngộ mà tôi vừa mới biết. Tôi có cảm tưởng
như khối đá ngàn cân mà tôi đeo trên vai nay mới
được vứt xuống. Rồi tôi viết lên quyển sổ xanh
của tôi:
"Hôm nay là Ngày Tạ Ơn, ngày đầu tiên của chuỗi
đời còn lại của tôi. Hôm nay tôi được tái sanh."
Khi tôi bước ra ngoài dưới
ánh trăng thanh, tôi có cảm tưởng không có chỗ
nào khác hơn để đi hay còn việc gì để làm; mọi
việc hầu như toàn hảo và không còn nhuốm màu
thời gian. Số thiền sinh còn lại đang trên đường
về lều. Tôi không buồn ngủ mà trái lại rất tỉnh
táo và thấy mình gần với khoảng không gian bao
la yên lành của vũ trụ. Tôi không biết các bạn
đồng khóa có cảm giác như tôi không hay chỉ có
mình tôi thôi. Cảm giác này giống như cảm giác
phê khi tôi xài thuốc gây ảo giác, nhứt là
mescaline.
Tôi bắt đầu nghĩ đến việc
mình phải làm ngay bây giờ: thanh lọc tâm và cố
tìm đường giải thoát là thiết yếu nhứt. Tôi
dường như không còn thiết tha gì đến thế giới
bên ngoài hay cuộc sống thường ngày nữa. Tham
vọng chu du để thỏa tính tò mò của tôi trước đây
bất thần tan biến. Tôi có ý muốn làm một tu sĩ
Đại Thừa. Nhưng thâm tâm tôi dạy "Khoan đã, nên
giữ tình thế này một thời gian; chờ xem; vui
mừng và tin tưởng lúc ban đầu có thể bộc phát
nhứt thời và có thể, vào ngày mai hay vài hôm
nữa tôi sẽ không còn cảm hứng này." Đó là ví dụ
của cái tôi thuần lý xưa đang xen vào để cứu
tôi. Tôi rảo bước xuống đồi mang trong tâm cái
quyết định tạm thời là vậy. Tôi trở về chỗ ở
được dành cho trong thế giới vô thường này, biết
rằng phải lâu lắm tôi mới tới đuợc đây và đoạn
đường tôi sẽ đi còn dài lắm. Tôi thầm cung kính
và cảm ơn Thầy Lạt Ma Zopa đã giúp tôi mở mắt,
đưa đuốc soi đường, và chỉ đúng lối cho tôi đi.
Đến nay còn chừng một trăm
năm mươi khóa sanh tham dự. Lối hai mươi người
bỏ cuộc vì nhiều lý do khác nhau, có thể vì khóa
tu học không thích hợp, thiên về giáo lý quá,
quá tôn xưng thầy, và khuyến khích diệt bản ngã
tận tình quá. Thực tình, ai coi cái tôi trọng sẽ
khó chịu với các nghi thức như lạy, vân vân. Đó
là trường hợp 'phân biệt người hay với người dở'
trên phương diện tin tưởng và kiên tâm. Tới đây,
nếu ai không chuyên cần thì không nên ở lại làm
gì, vì trong hai tuần tới chúng tôi sẽ nghiêm
túc học hạnh Bồ Tát, hạnh tối cần cho việc hành
trì Phật Giáo Đại Thừa Tây Tạng. Chúng tôi sẽ
suy ngẫm các đề tài về phương thức giúp mọi
chúng sanh hiểu thế nào là khổ để diệt bằng đạo
từ bi. Và, nhiệm vụ tiên quyết của chúng tôi là
phải bẻ gãy 'cái-tôi-thân-yêu', cái bản ngã thổi
phồng của mình.
Hai tuần lễ sau cùng của khóa
tình cờ bắt đầu vào hôm sau đêm Lễ Tạ Ơn. Chúng
tôi sẽ chính thức quy y và thọ Thập Giới. Mười
giới mà chúng tôi sẽ lập lại mỗi sáng lúc 5:30
gồm có:
(1) không sát sanh hay giết
bất cứ sanh vật nào
(2) không trộm cắp hay không
lấy những gì không đuợc cho
(3) không tà dâm
(4) không nói láo và nói lời
không thật
(5) không uống rượu hay dùng
thuốc đầu độc tâm
Năm giới trên chỉ là những
điều luân lý thông thường dựa trên luật nhân quả
và cần cho cuộc sống cộng đồng. Năm điều ấy cũng
là nền tảng của hầu hết các tôn giáo lớn và
triết lý sống mà các nhà hiền triết xưa từng
thuyết giảng. Còn năm giới sau dành cho thiền
định, giúp giữ tâm đơn thuần và sở nguyện:
(6) không ăn nặng sau 12:00
giờ trưa
(7) không ca hát, nhảy nhót,
xem chiếu bóng, thể thao, vân vân
(8) không đeo vòng vàng, dùng
dầu thơm và các trang điểm khác
(9) không dùng ghế giường cao
và xa hoa
(10) không giữ tiền bạc và
làm thương mại.
Người vào thiền cần trì các
giới này để giảm bớt ngạo mạn, chấp trước và hôn
trầm. Bắt đầu mỗi ngày bằng Tam Quy và Thập Giới
là cách gia tăng tỉnh thức và tinh tấn.
Để giữ giới không đeo vòng
vàng, tôi phải tháo hai chiếc nhẫn đang mang.
Tôi phải cắt luôn mớ tóc dài để vứt bỏ quá khứ
hippi. Ngày tôi thọ giới, tôi cho nhẫn; mỉa mai
thay có người nhận. Thoạt tiên tôi muốn bán
nhưng sau đó tôi không muốn bận tâm với các thứ
vật chất này. Mà chúng tôi đâu đuợc buôn bán với
tiền bạc nếu muốn giữ giới thứ 10. Về việc cắt
tóc, tôi hơi do dự hy sanh những lọn tóc vàng
của mình, dẫu biết rằng nếu thật sự muốn thực
tập không chấp trước thì tốt nhứt tôi phải thí
phát. Lúc bấy giờ tôi bị dằn vật bởi bản ngã cố
hữu và hạnh Bồ Tát vô ngã vừa chớm nở nơi tôi.
Tôi bèn lý luận: "Không dám cắt bỏ mớ tóc này
thì làm sao tôi có thể thành Phật, người chịu
mọi gian khổ và hy sanh?" Không biết may hay
rủi, hôm ấy đầu tôi bắt đầu ngứa ngáy. Thì ra
tôi bị chí cắn; một người bạn xem dùm nói vậy.
Thật là một bất tiện lớn trong lúc ngồi thiền vì
tôi không thể không gãi đầu thỉnh thoảng. Thế là
tôi bị đặt trước một quyết định lớn--phải làm
sao bây giờ?
Giải pháp trước tiên là gội
đầu cho chết chí nhưng không diệt hết trứng chí
được. Có người chỉ tôi nhúng tóc vô dầu hôi để
giết cả chí lẫn trứng. Nhưng tôi sực nhớ tôi vừa
thọ giới không sát sanh kia mà. Tôi phải hỏi một
sư cô việc này. Cô tán đồng điều mà tôi đã biết
trước: "Vâng, chí là chúng sanh." Bấy giờ tôi
chỉ có hai cách giải quyết: cạo đầu để khỏi giết
chí hoặc để nguyên trạng rồi sẽ quen dần về lâu
về dài. Tôi không cần đợi lâu mà quyết định ngay
trong buổi thiền sau đó lúc tôi ngồi cắn răng
chịu đựng cho chí cắn. Tôi nghĩ đó là cái điềm
hay sự thúc hối tôi giải quyết khó khăn mà tôi
đang vật lộn với.
Vào giờ nghỉ trưa, tôi nhờ
một người bạn lấy kéo cắt mớ tóc của tôi, cắt
càng ngắn càng tốt. Thấy tóc rơi tôi bất chợt
nhớ tới một số kỷ niệm cũ. Nhưng tôi quên mau
khi bắt đầu thấy nhẹ gọn và nghe hơi gió thoảng
qua màng tang, tai, cổ, và đầu. Tôi cảm thấy
khỏe khoắn như được thoát khỏi một cục nợ. Tôi
vò chưn tóc còn lại để gạt chí nhưng cẩn thận
không dám làm chúng chết, trước khi gội đầu bằng
xà bông. Tuyệt. Sự tương phản rất lớn, lớn đến
nỗi tôi không còn muốn để tóc dài nữa. Ngoài ra
tôi không còn phải bận bịu với những khó chịu.
Tôi có cảm tưởng tâm thân tôi nhẹ nhàng và tôi
vui sướng vì tôi đã làm tạm đủ. Tuy nhiên tôi
vẫn còn núm níu hình ảnh cũ của bộ râu và chiếc
jalaba
mà tôi từng có rất lâu. Sau cùng, tôi nghĩ mình
cần có gì đó để mặc vào những ngày lạnh và tôi
cũng cần có hàm râu không chí.
Rất có thể tôi bị lây chí
trong các chuyến đi vì tôi đã ngủ trên chiếu hay
giường rơm, mà cũng có thể từ phòng ngủ ở
Kathmandu. Trên đường qua các làng mạc tôi
thường thấy nhiều bà ngồi trước cửa nhà bắt chí
cho nhau, chứng tỏ cái nạn lây chí ở đây thông
thường. lắm, một nạn mà du khách Tây phương rất
sợ, khi họ bước vô nhà nghỉ rẻ tiền ở Á châu.
Viêm gan, bệnh đường ruột và lây chí là những
chứng dân hippi đi qua Á châu thường mắc phải.
Tôi bị hết cả ba rồi; bây giờ còn đi chảy thỉnh
thoảng đây!
Tôi vô hội rồi! Trong buổi
thiền hồi xế tôi có nhận xét và tự hỏi chớ bà
con có nhìn ra tôi không và họ nghĩ sao về tôi.
Trừ vài người, còn hầu hết hình như không để ý;
tâm trí họ có thể đã quá bận rộn. Những ngày sau
đó tôi thấy thêm một ít đầu cạo trọc nữa, nam có
nữ có. Tôi không biết vì sao nhưng thiền định
hình như có ảnh hưởng.
Trong việc hành thiền hạnh Bồ
Tát--đập tan vỏ bản ngã và mở rộng tâm--đề tài
quan trọng đầu tiên là nhớ ơn cha mẹ. Chúng ta
phải biết rằng cha mẹ chúng ta đã yêu thương và
hy sinh cho chúng ta rất nhiều. Mẹ cho con bú
mớm, ru con, dành cho con biết bao tình, và bảo
bọc con lúc con còn non dại. Cha mẹ tảo tần suốt
hai mươi năm khó nhọc để dưỡng dục và chu cấp
cho con mọi thứ. Thông thường người làm con coi
đó như chuyện dĩ nhiên và không tỏ lòng biết ơn.
Một thực tế trong xã hội phương Tây ngày nay!
Chúng tôi cũng nghĩ tới việc không sao con có
thể trả hết công ơn cha mẹ. Dẫu có phải cõng cha
mẹ trên lưng và đút cho cha mẹ ăn uống đến ngày
cùng, con cũng không thể trả hết.
Suy tư ấy làm tôi rơi nước
mắt; tôi rất am hiểu khi tôi nhớ lại những ngày
thơ ấu của mình. Tôi thích thú nhớ tới những
chuyến đi chơi hè do ba má tôi tổ chức cho chúng
tôi học hỏi, lúc ba má tôi khuyến khích chúng
tôi học tập, các hội hướng đạo, YMCA mà ba má
tôi ghi danh cho chúng tôi tham giai, vân vân.
Tôi nhớ các ngày đi trợt sóng; những ngày ấy ba
tôi dậy sớm lo điểm tâm và xe cộ trong lúc chúng
tôi ngủ vùi. Lúc bấy giờ tôi coi đó là chuyện
bình thường, ít khi nghĩ tới việc làm gì để trả
công ơn cha mẹ. Trái lại, tôi còn làm cha mẹ lo
âu, buồn bực, thất vọng vì không nghe lời, hay
đi chơi rong với bạn, tinh nghịch và làm nhiều
điều vô trách nhiệm mà ông bà không sao hãnh
diện nổi. Bây giờ có thiền định về công ơn cha
mẹ tôi mới biết thay đổi thái độ và hiểu cha mẹ
nhiều hơn. Ngoài ra, vì không còn ở với cha mẹ
nữa nên tình cảm của tôi đối với cha mẹ thay đổi
dễ dàng hơn.
Một khía cạnh khác của thiền
định về báo hiếu là đưa đường cho cha mẹ vào
Phật pháp. Cả trời châu báu không thể sánh bằng
mở tâm cha mẹ để cha mẹ hấp thu giáo lý giải
thoát và tu hành Phật đạo. Do đó, một cách báo
hiếu tốt nhứt là tôi cố gắng hành trì Phật pháp
rồi chuyển nhân lành sang ba má tôi. Buổi thiền
chấm dứt bằng cách cho thiền giả tưởng tượng
đang chiếu bạch quang vào cha mẹ đứng trước mặt
mình. Tôi vui sướng chiếu bạch quang vào ba má
tôi trong lúc tôi tưởng tượng ông bà đang ngồi
trong phòng khách ở Riverside. Tôi tưởng tượng
ông bà đang xem truyềnh hình, hay ăn cơm hay làm
bất cứ việc gì đó, biết rằng tôi cách ông bà
những mười hai tiếng đồng hồ. Tôi còn tưởng
tượng tôi đang đứng trước ông bà trong khòng
khách để nói: "Đừng sợ, con đã được giải thoát
và đang đến giúp ba má đây." Tôi không biét ông
bà có thể nào cảm nhận được luồng điện tâm linh
mà tôi gởi về chăng?
Trò tâm linh nói trên và các
trò khác mà chúng tôi thử nghiệm đều mơ hồ và ảo
tưởng, chắc không có ảnh hưởng gì đến ai trừ
tôi. Tôi thực nghiệm một cách chân tình và đúng
với lời Thầy dạy. Ngoài ra, chúng có thể là một
hình thức vi tế của sự tự lừa dối mình, làm gia
tăng hơn là diệt bản ngã.
Tiếp tục con đường đang đi,
chúng tôi nới rộng phép trì hành Bồ Tát hạnh
bằng cách suy ngẫm về 'Tất Cả Mẹ Chúng Sanh'. Từ
lúc vô thỉ chúng ta và tất cả chúng sanh đều lăn
quay trong sáu cõi luân hồi, một thời gian khá
đủ dài để chúng ta có thể là cha mẹ lẫn nhau. Vì
vậy, chúng ta phải quý mọi chúng sanh như quý
người mẹ hiện hũu của chúng ta; phải kể luôn
cha, anh, chị, em, bà con, bạn bè, thầy, người
dưng, hành khất ngoài đường, người mình không
ưa, và kẻ thù. Chúng ta phải quên mình trong
hiện tại để kính trọng, thương yêu, và tội
nghiệp họ. Như vậy, tất cả những dị biệt, thiên
kiến và dã tâm đối với các chúng sanh khác sẽ
tan biến và chỉ còn lại thiện ý, từ bi và bác
ái. Buổi thiền kết thúc cũng bằng cách tưởng
tượng cha mẹ mình đang đứng giữa chúng sanh
trong sáu cõi, đang được chiếu rọi bạch quang,
và đang được giải thoát.
Để việc hành trì Bồ Tất đạo
được đúng mức, chúng tôi thực tập 'Nhận và Cho'.
Tất cả chúng sanh trong mười phương được hình
dung như ngồi chung quanh ta. Dùng hơi thở,
chúng ta hít vô bằng mũi nghĩ rằng mình đang
nhận tất cả khổ đau, thân cũng như tâm, của các
chúng sanh ấy, để làm họ bớt khổ qua ngả chuyển
đổi tâm linh. Tiếp theo, bằng sự tinh khiết và
quyền lực của cái tâm giác ngộ của chúng ta,
chúng ta biến đổi các khổ đau kia thành bạch
quang và gởi lại họ sự tinh khiết/tuệ quang ấy
qua hơi thở ra mũi của chúng ta. Sau cùng, chúng
ta ngồi trên tòa sen giữa trời với chúng sanh mà
tất cả bây giờ đều là Phật cùng ngồi trên tòa
sen. Và toàn thể chúng sanh trong vũ trụ đều ngộ
theo giai điệu 'và đều sống hạnh phúc mãi mãi về
sau'.
Trong hai tuấn lễ chót, tôi
rất tán thán Mười Giới Cấm, nhứt là giới không
ăn sau 12:00 giờ trưa. Tôi nhận thấy như vậy sẽ
giúp tâm chẳng những bớt tham ăn mà còn bớt tham
các ham muốn khác. Tôi rất vừa lòng với thiểu
dục và cảm thấy thân mình nhẹ nhàng hơn. Không
ăn sau ngọ còn cho thấy ăn quá trớn sẽ làm thân
tâm chậm chạp và thiếu nhạy cảm. Tôi tỉnh táo
hơn lúc về đêm và có thể ngồi thiền lâu hơn trên
giuờng trước khi đi ngủ.
Sáng dậy tôi thảnh mảnh và có
thể bước ngay xuống giường. Đứng xếp hàng lãnh
phần ăn sáng, tôi có dịp quan sát bản ngã/cái
tôi thao tác. Tôi thấy nó hiếu kỳ muốn biết sáng
nay ăn gì, làm như đó là điều quan trọng lắm.
Bữa ăn luôn luôn ngon, bổ dưỡng và đầy đủ nên
không phải lo thiếu chất lượng dầu ăn chỉ hai
lần mỗi ngày. Nhà bếp chẳng những nấu đủ cho mọi
người mà còn dự trù dư cho ai muốn ăn thêm. Có
người lo xếp hàng trước để ăn phần đầu tiên rồi
lãnh thêm phần nữa trước khi người khác lãnh
phần họ. Thoạt tiên tôi cũng có ý tham đó nhưng
tôi không bắt chước làm theo mà chỉ ăn một phần
của mình.
Vì muốn chế ngự bản ngã mình
và nghĩ tới người khác, tôi cố ý chờ cho mọi
người xếp hàng trước rồi mới vào đứng sau dưới
đằng đuôi. Nhiều khóa sinh khác cũng làm như
tôi, nên chúng tôi ngầm tranh nhau xem ai đi
chậm và đến sau. Để tránh trò chơi bản ngã tinh
tế này, tôi không làm như lúc trước nữa mà đứng
vô chỗ tùy theo lúc đến. Giữ Mười Giới giúp tôi
thấy thân tâm có rất nhiều liên hệ hỗ tương dưới
chiều sâu. Tôi nhận thấy nơi tôi cũng như nhiều
người khác, thân tâm rất tùy duyên và tùy thuộc
ngoại cảnh cùng ký ức của chúng. Tôi hiểu và
biết chấp trước cùng với tham ái làm thế nào tạo
ra 'cái tôi', để rồi tách 'tôi' ra khỏi tổng
thể, canh giữ tâm và che giấu Sự Thật.
Khóa học chỉ còn vài hôm nữa
là kết thúc. Cảm hứng và tin tưởng nơi Phật pháp
đến với tôi trong đêm Lễ Tạ Ơn vẫn còn đầy, tuy
nhiên lòng hâm mộ bồng bột của lúc đầu bây giờ
đã lắng dịu. Tôi vẫn muốn hành trì kinh Phật hơn
là đi tìm các thú vui tầm thường khác, nhưng
không còn ý định làm tăng nữa. Tôi rất mừng được
học các pháp Tây Tạng, những pháp khả dĩ đã ít
nhiều biến tôi thành con Phật. Tôi tin tôi đã
tìm được đường đi cho đời tôi, con đường mong
cầu và thỏa đáng. Tôi hằng nhớ lần gặp Jim,
chiếc chìa khóa mở đường tôi lên Kopan, và câu
chuyện hứng thú của anh về thiền minh sát. Từ
dạo đó, tôi luôn nghe nói thiền minh sát là
phương cách của tông Nguyên Thủy (Hinayana
hay
Theravada)
nhằm khám phá thân tâm của hành giả một cách
trực tiếp và thâm sâu nhứt. Tôi mong được thử
phương cách bổ sung này để mở rộng tầm nhìn và
biết thân tâm mình hay nói cách khác để khai nội
tâm/trí huệ.
Vào sáng ngày chót, Lạt Ma
cho bài thuyết giảng rất rõ ràng về ý nghĩa của
Tam Quy (quy Phật, quy Pháp và quy Tăng). Hầu
hết chúng ta không biết chỗ nương tựa bèn dựa
vào thế giới vật chất để định danh, cầu an toàn
và tìm lạc thú. Chúng ta tự tạo một thế giới hạn
chế riêng quanh gia đình, công ăn việc làm, bạn
bè, tiền tài, liên hệ xã hội, thể diện, và tham
ái trong cộng đồng đầy tranh đua này. Rất tiếc
các điều vừa kể đều vô thường, tức biến đổi liên
miên, nên không thể là chỗ nương dựa tin cậy
được. Nhiều lắm là chúng giúp cho
"một đêm nương tựa"
,
một sự thỏa mãn cấp thời và tạm bợ, sau đó chúng
ta lại phải rong tìm nữa. Chỉ có Tam Bảo mới là
nơi nương tựa đáng tin cậy, vì Tam Bảo không đổi
thay theo thời gian, không gian và điều kiện.
Phật, Pháp và Tăng là ba khía cạnh của một Sự
Thật làm mầm trong mỗi chúng sanh. Sự thật ấy
chính là Giác Ngộ Nguyên Thủy hiện diện như môt
tiềm năng cố hữu mà chúng ta phải công nhận và
nên nhận làm chỗ tựa. Tất cả các Phật, Guru của
quá khứ, hiện tại và tương lai đều là những hình
thể của Sự Thật Tối Hậu đó.
Tuy nhiên, chúng ta đang sống
trong thế giới của tương đối và tâm chúng ta
chưa đủ vững vàng, chúng ta cần có chỗ nương
hiện thực để bám víu. Do đó, trên thực tế Tam
Bảo rất hữu ích vì Phật, Pháp và Tăng hướng
chúng ta đi đúng đường, giúp chúng ta nguồn cảm
hứng và là động lực thúc đẩy của chúng ta. Chúng
ta về nương tựa nơi Đức Thích Ca Mâu Ni, mà các
Lạt Ma và Guru là hiện thân. Chúng ta về quy y
Pháp bằng cách xem kinh điển như ngọn đưốc soi
sáng ý niệm, lời nói, hành động và pháp hành
thiền của chúng ta. Chúng ta về quy y Tăng là
quý sư ni đã dâng hiến thân tâm cho Phật Pháp.
Tăng giữ Pháp đúng như Sự Thật đã được xác minh
và là Lữ Chúng mà chúng ta tìm đến để được
khuyến khích, hứng khởi và hướng dẫn.
Lạt Ma cũng có giải thích ý
nghĩa và tầm quan trọng của Ngũ Giới trong tiến
trình phát triển tâm thân. Năm giới ấy là những
tự chế đặt ra để giúp chúng ta tỉnh thức trong
cuộc sống, giúp chúng ta hài hòa với luật nhân
quả, và lành mạnh hóa tâm thân của chúng ta. Nếu
lỡ phạm một giới chúng ta chớ nên buồn rầu cho
rằng thế là chấm hết mà nên biết lỗi và quyết
tâm tu sửa để tránh sai phạm về sau.
Sau khi nghe thuyết pháp,
chúng tôi có cơ hội chánh thức quy y và chọn
trong ngũ giới những giới nào có thể giữ được để
thọ trọn đời. Thọ giới, hành giả chánh thúc trở
thành Phật tử, và nếu muốn, Lạt Ma sẽ đặt cho
pháp danh Tây Tạng luôn, một truyền thống xưa
của Phật giáo Đông phương. Đó biểu thị sự tự lìa
bỏ nhân dạng quá khứ, mê muội, tập quán xấu, vân
vân. Trên bình diện tâm linh, người thọ giới
được xem như tái sanh, và pháp danh mới thường
có ý nghĩa liên quan đến những đức tính chớm nở
của người đệ tử mà Thầy đã nhìn thấy được.
Từ đêm Tạ Ơn ấy, tôi đã tự
xem mình như người đi cầu tìm tâm linh rồi.
Nhưng bây giờ tôi mới chánh thức quy y vì được
thêm nhiều sự khuyến khích và cũng vì muốn tỏ
lòng biết ơn các Lạt Ma. Tôi chọn những giới mà
tôi sẽ thành tâm thọ trọn đời mình. Tôi biết hai
giới mà tôi tin chắc có thể giữ được trọn đời:
đó là không bao giờ có ý giết hại và sẽ không
bao giờ ăn cắp nữa. Còn hai giới không tà dâm và
không uống rượu hay hút hít, tôi không chắc lắm
nên không dám khấn. Không phải tôi muốn phạm hai
giới đó, nhưng nào ai biết được những cái bất
ngờ, sức mạnh của tập quán, và tâm chưa hẳn
quyết của tôi. Tôi nhận thấy trong lúc đi đó đi
đây bên Á Châu, người ta cần nói ít chuyện không
thật nhưng không hại. Ví dụ, tôi nói láo về việc
tôi không có giấy phép khi leo núi, hay tôi
không có mua vé khi
lên xe lửa ở Ấn Độ. Tôi không
dám khẳng định tôi sẽ không tái diễn. Và tôi
không hiểu rõ nghĩa của tà dâm là gì--phải chăng
là chỉ được ăn nằm với một người vợ chánh thức
mà thôi? Như vậy thì tôi không dám khấn sợ lỡ
gặp người đàn bà nào đó ở chỗ nào đó mà tôi muốn
thì sao. Về việc uống rượu đến say tôi chắc chắn
là không có; còn hút hít tôi không dám nói chắc.
Tôi hỏi một tăng Tây phương về chuyện hút cần sa
ganja,
hashish,
và các chất gây ảo giác như
mescaline,
LSD
và nấm kỳ diệu. Ông nói các
thứ ấy không có trong danh sách nhưng Lạt Ma xem
chúng là đồ cấm kỵ. Tôi biết tôi có thể cai
thuốc, nhưng một lần nữa, tôi không dám quả
quyết rằng tôi sẽ không muốn phê nữa. Tôi không
dám khấn trọn đời những giới mà tôi chưa chắc
giữ được. Do đó, tôi nghĩ nên tạm hoãn thọ ba
giới ấy cho đến lúc tôi sẵn sàng.
Tự xem mình như được tái sanh
và đang lần hồi trở thành con của Phật, tôi xin
nhận pháp danh. Pháp danh được viết sẵn và bỏ
trong tô lớn mà Lạt Ma sẽ chọn để đặt cho mỗi
người. Trong buổi lễ chúng tôi tụng Tam Quy như
từng tụng mỗi sáng trong hai tuần qua. Lúc thọ
giới, mỗi người chỉ đọc giới mình chọn thọ mà
thôi. Không theo một thứ tự nhứt định nào nên hể
ai muốn nhận pháp danh thì cứ đứng lên đến trước
Lạt Ma. Pháp danh được xem như phải thích hợp
cho mỗi người nhưng nhìn cách rút từ trong tô ra
như rút thâm tôi không biết làm sao chọn được.
Pháp danh Thầy đặt cho tôi là
Thubten Torgme.
Thubten là họ mà mọi người đều có như nhau, còn
Torgme là tiếng Tây Tạng có nghĩa 'không kháng
cự'. Tôi rất thích pháp danh này vì có nghĩa tôi
sẽ không cưỡng lại việc đạt mục tiêu tâm linh
cầu nguyền của tôi. Thực hư thế nào chỉ có thời
gian mới trả lời được mà thôi.
Lễ bế giảng của khóa học được
cử hành trọng thể với sự tham dự của nhiều Lạt
Ma Tây Tạng. Như lễ ở Sawayambunath, có kèn,
trống, chuông, chập chõa, và kinh kệ. Cũng có
rất nhiều thực phẩm cúng dường. Không khí trong
lều thiền tưởng chừng tràn đầy thần lực khả dĩ
khởi động trí tưởng tượng của tôi. Tôi thấy
nhiều Phật và Bồ Tát từ bốn phuơng về tham dự
đầy lều và ban ơn lành cho các bồ tát mới còn
non nớt như chúng tôi. Đây là màn kết thúc rất
đích đáng của tháng học đầy xúc cảm, hướng
thượng, và khai phóng mà tôi được dự. Tôi tiếc
khóa học đã mãn và tôi phải rời khu đồi mà tôi
rất mến và quen thuộc này. Tuy nhiên tôi cũng đã
sẵn sàng rời môi trường an lành và bao che của
khóa học để trở về thế giới riêng của tôi. Tôi
tò mò muốn xem tôi có thể tự giữ sự tỉnh thức và
lòng cam kết của mình đối với Phật pháp không
trong lúc không có ai ngoài tôi nhắc nhở lấy
tôi. Tôi nghĩ đó mới là thử thách thật sự coi
tôi có thể giữ được mình như thế này chăng, tức
không còn cần hút hít hay những khoái lạc của
thế giới bên ngoài nữa.
Bây giờ khóa học đã két thúc,
chúng tôi được tự do chuyện vãn và giao tiếp.
Chúng tôi có thể giao hảo thân thiện với ngưới
mình thích nhưng trước đây không thể mở lời
được. Ngọn đồi bỗng nhiên trở thành sanh động
với một trăm năm mươi người đang chuẩn bị đi về
mọi ngả. Nhiều người lo trao đổi địa chỉ, lập
hành trình hay tìm bạn đường. Tôi không vội vã
nên ở lại gặp và nói chuyện với nhiều người
trong lúc thử tìm quyết định cho hướng đi mới.
Nghe đồn vào đầu tháng giêng
Đức Đạt Lại Lạt Ma cùng hằng ngàn đệ tử sẽ đến
Bodhgaya. Ngài sẽ làm lễ thọ giáo Kalachakra cho
ai tham dự. Kalachakra là một lễ kết nạp đặc
biệt chỉ có Đức Đạt Lại Lạt Ma mới có quyền chủ
trì và ngài chỉ cử hành chừng vài ba lễ trong
đời khi ngài thấy thế giới sắp bị khủng hoảng.
Quyền lực tạo ra bởi Kalachakra được
tin là có thể hóa giải các
trở lực tai hại và ngăn chận thảm họa. Hầu hết
quý thầy, cô và cư sĩ Tây phương đều đi dự lễ
hiếm có và ân lành này. Nhân dịp này, Đức Đạt
Lại Lạt Ma sẽ thọ phong cho các tăng ni Tây
phương theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Hầu
hết là khóa sinh của lớp tu thiền này. Một lần
nữa tôi lại nghĩ tới làm tăng sĩ Đại Thừa vì đây
là cơ hội đặc biệt được Đức Đạt Lại Lạt Ma thứ
14 thọ phong. Nhưng khi soát xét lại tâm mình,
tôi thấy chưa ổn thỏa để gia nhập nhóm mà tôi
cho là tinh túy nhứt này. Tôi cần thời giờ để
cho riêng mình và để tiếp tục thực tập cũng như
theo các nhu cầu nội tâm mà tôi tin rằng
tôi có thể biết. Dầu thế nào
đi nữa, tôi đang bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi
xuống Ấn Độ về Bodhgaya vào dịp đó và có thể dự
luôn lễ Kalachakra. Chiều, sau khi các khóa sinh
ra đi gần hết, tôi buồn nói lời từ biệt khu đồi,
rồi thơ thẩn băng đồng lúa qua Boudnath và vô
Kathmandu.
*
Chương 9
CHUYẾN
ĐI BODHGAYA
Vậy mà tôi ở lại Kathmandu
tới hai tuần. Tôi mướn một phòng trong nhà ngủ
nhỏ và tiếp tục ngồi thiền mỗi ngày. Qua ngày
thứ hai tôi cảm thấy cần vô quán cà phê của dân
híp pi để hút hết chút thuốc mà tôi giữ bao lâu
nay. Tôi thầm nói với chính mình không nên vì
làm vậy sẽ không sao tránh khỏi bị lôi trở về
thói quen cũ. Tuy nhiên, tôi lý luận, cũng nên
vô quán nghe nhạc
rock
củ của một thời thử xem phản ứng tâm lý mình như
thế nào. Và tôi cũng muốn biết mình có còn phê
như lúc trước không hoặc có cảm giác mới nào
khác hôn. Chút cần sa
hash
bắt đầu bốc cháy trong túi tôi, hay đúng ra là
trong tâm tôi, vì tôi biết mình đã ra khỏi môi
trường cấm đoán của khóa học rồi. Tôi chịu thua
và chọn vô quán cà phê trên con đường nhỏ dưới
đầu phố, nơi có nhạc quen thuộc nhưng không có
dân Tây Mỹ. Tỉnh thức, tôi cảm thấy hơi tội lỗi
và hy vọng không gặp bất cứ ai trong khóa học
rồi. Tôi nhận thấy tâm tôi nhớ lại dễ dàng và
tật cũ trở lại mau chóng khi tôi vấn điếu cần sa
và bắt đầu mồi.
Thuốc hình như không còn mấy
ma lực đối với tôi. Nó chỉ làm tâm tôi mờ và
chán. Các điệu nhạc cũng không đem lại cho tôi
hứng thú nào mà chỉ làm tôi chói tai, hai tai
vừa mới được lên dây lại. Tôi nghĩ rằng đây là
một thử nghiệm chứng tỏ tôi không còn cần các
thứ ấy nữa và thiền đã có hiệu lực nơi tôi.
Không vừa lòng với hiện tại, với trạng thái hoặc
tình huống hiện hữu của tâm, người ta muốn thay
đổi nên phê. Còn tâm tôi đang bận với Phật pháp
và thiền đang giúp tôi thoải mái, tôi không muốn
thay đổi cũng không muốn phê. Thật sự, tôi đang
trong tâm trạng phê đây mà. Tôi bắt đầu biết
rằng con đường Phật pháp là phương tiện hữu hiệu
để thay thế cái phê thuốc. Lý thú!
Ngay trong tuần lễ đầu tôi
viết thư liền về nhà. Lúc trước khi nhập khóa,
tôi có viết về rồi nhưng chỉ nói qua loa ý định
tôi theo học thiền. Lần này tôi cũng định không
nói rõ những thay đổi sâu xa tôi đang chứng
nghiệm mà chỉ nói tôi sẽ tiếp tục chu du Ấn Độ
chừng một năm nữa. Tuy nhiên tôi nghĩ lại, nếu
không nói thật cho ba má tôi biết cảm nghĩ tôi
về cuộc sống mới và lý do chính mà tôi nán lại
Ấn Độ--để tiếp tục hành thiền và học hỏi
thêm--tôi bị xem như lẫn tránh vấn đề mà sớm
muộn gì tôi cũng phải nói. Hơn thế nữa, tôi cho
rằng không nói hết sự thật là một hình thức nói
dối. Tôi không có thọ giới không nói láo nhưng
tôi biết những gì sẽ xảy tới vì phản ứng dây
chuyền, và tập quán có thể hình thành do các
'chuyện lặt vặt' như vậy, những tập quán mà tôi
mong được tránh.
Vì sự tôn kính sâu xa dành
cho cha mẹ mà tôi đã học được qua thiền quán về
đề tài này, tôi mong được chia xẻ với ba má tôi
cũng như gia đình về con đường mới mà tôi đang
dấn bước. Tôi chỉ hơi lo ba má và gia đình tôi
không hiểu tại sao tôi ngoảnh mặt với Chúa để
lao theo Phật! Tín ngưỡng Thiên Chúa cộng với sự
hiểu biết nông cạn và méo mó về Phật giáo có thể
sẽ là những cản trở cho sự cảm thông giữa tôi và
gia đình. Thêm vào, mấy lúc gần đây báo chí
không mấy thuận lợi đối với các tín ngưỡng Đông
phương cũng như nhiều
đạo ở phương Tây. Nhiều tin
tức không đúng sự thật được gán cho một số nhóm,
như Hare
Krishna
ăn xin ở phi trường và nhảy múa ngoài đường;
Mooni
có Guru quá khích;
Jesus Freaks
bị tố giác bắt cóc và tẩy não đám con nít trung
lưu. Đạo ngoài dòng và tín ngưởng mới như vừa
nói thường bị đa số người Mỹ bảo thủ nghi ngờ và
không thiện cảm. Vì các lý do đó, tôi lo không
biết gia đình tôi sẽ phản ứng thế nào khi biết
tôi đã quy y thành một Phật tử Đại Thừa Tây
Tạng. Rất có thể họ sẽ điên tiết hay ít lắm là
kinh ngạc. Dĩ nhiên tôi không muốn tình trạng
này xảy ra bởi lẽ ba má và gia đình tôi vừa mới
hoàn hồn sau tai họa Afghanistan của tôi. Thêm
một vố nữa chẳng khác nào như 'thêm một giọt để
làm tràn ly nước'.
Tôi quyết định bật mí nhưng
bằng cách vòng vo và nhẹ nhàng hơn. Tôi viết tôi
rất thích khóa thiền vì khóa này đã giúp tôi hồi
tưởng thiền tiên nghiệm mà tôi có thực tập một
thời gian ngắn lúc trước. Tôi nói thêm tôi sẽ
trở lại Ấn Độ để tập thiền và học triết Đông
phương trong lúc đi viếng một số thắng tích xưa
của xứ bao la và cổ kính này. Sự thật gần như
vậy và thư tôi viết có vẻ không sai ý định của
tôi lắm.
Nói chuyện với một số Tây Mỹ
vừa từ Ấn Độ về, tôi được biết thầy S.N. Goenka
hiện đang hướng dẫn khóa tu thiền tại Bodhgaya.
Thầy sẽ tổ chức một khóa nữa ở thị trấn có tên
Prataphgarh, gần Lucknow vào giữa tháng giêng;
tôi có ý muốn tham gia khóa kế tiếp này. Còn bây
giờ tôi muốn đi hành hương ở Bodhgaya. Ngày tôi
sắp đi, tôi nhận được thư của Larry. Nó nói nó
đang làm cho tiệm rượu/thịt nguội của gia đình
và công việc làm ăn đang khắm khá. Nó vui trở về
quê cũ nhưng vẫn thèm được du lịch dã ngoại ở
Nepal và lang thang ở Ấn Độ như tôi. Nó đang
tính chuyện buôn bán lam ngọc với thị trường kim
hoàng của thổ dân Mỹ và có thể sẽ làm một chuyến
qua Á Châu để mua ngọc. Tôi hơi ngờ ngợ vì đọc
thấy nó còn đam mê vật chất quá; tôi bây giờ
ngày càng lánh xa các ham muốn đó. Tôi không
biết Larry có hiểu nổi chăng nếu tôi cho nó hay
tôi đã thay hình đổi dạng rồi.
Sau gần ba tháng ở trong
giang sơn núi non quyến rũ này, tôi không muốn
ra đi. Nhưng tôi nghĩ mục đích của tôi đến đây
đã đạt, một chương của đời tôi sắp khép lại để
nhường chỗ cho chương mới mở ra. Tôi biết đời
chỉ là một dòng sự việc tuần tự đến rồi đi; mỗi
tình huống, người và cảnh trí mà chúng ta gặp
đều cho chúng ta cơ hội học hỏi và trưởng thành
dầu chúng ta có biết hay không biết. Mỗi kinh
nghiệm là một chỗ nghỉ tạm, 'chỗ tạm trú qua
đêm' của cái tôi/tâm. Khi mục đích đã đạt, chúng
ta chớ nên trì huỡn mà nên bước tới lúc thuận
tiện để theo dòng. Biết vậy, tôi rời Kathmandu
hôm Giáng Sinh để bắt đầu giai đoạn tới của
chuyến đi vô định.
Chuyến xe đò dừng lại lúc đến
nửa đường trên rạng núi phân ranh Kathmandu và
Ấn Độ. Tại địa danh Daman này có trạm nghỉ chân
và điểm vọng cảnh với chiếc kính viễn vọng. Vào
một ngày trời trong mây tạnh dãy Đông Hy Mã Lạp
Sơn với ngọn Everest có thể thấy rõ mồn một. Tôi
hy vọng được nhìn đỉnh Sargamartha[9]
lần đầu tiên trong đời, nhưng thiên nhiên không
chìu lòng. Sau khi vô đất Ấn tôi dừng lại ở thị
trấn đầy cát bụi có tên Raxaul. Tại đây tôi ăn
cơm tối với cà ri, sữa chua,
chapattis
và chuối. Sau đó, tôi rời phố ra ngoài tìm chỗ
ngủ. Tôi trải
poncho,
jalaba
và chiếc mền làm bồ đoàn ngồi
tịnh tâm dưới gốc cây
pipa,
một
loại cây mà Thái Tử Siddhartha Gautama ngồi tham
thiền và giác ngộ ở Bodhgaya. Dầu
thích Nepal, tôi cảm thấy vui
sướng được trở lại Ấn Độ. Nhưng lần này tôi có
cảm giác và hứng thú mới lạ hơn vì tôi đi hành
hương. Với ý nghĩ ấy và trong đêm an lành, tôi
rải ánh quang đến mọi chúng sanh trước khi vươn
vai xả thiền. Tôi lâng lâng hạnh phúc.
Tôi thức giấc với tiếng chim
hót và gà gáy lúc rạng đông. Tôi ngồi thiền và
tập yoga dưới tàng cây thân thiết. Sau khi ăn
sáng với bánh
chapattis
nguội và chuối mà tôi để dành hôm qua, tôi đi
dọc xuống đường đón xe quá giang. Có chiếc xe
tải đến, tôi ngoắc, xe ngừng. Tài xế biểu tôi
ngồi bên trong phòng lái cùng với hai bạn đường
khác. Nhưng tôi xin ngồi đằng sau để tránh khói
thuốc trong ca bin chật. Anh nói đằng sau không
có chỗ nào sạch ngồi được. Tôi nài nỉ và nói sẽ
ngồi trên
poncho,
không sao đâu. Anh đành chìu để tôi leo lên phía
sau ngồi dưới tấm bố đóng khói đen ngòm dùng
trùm một mớ bao xi-măng bự. Cuốc xe đến
Muzzaffapur dài ba tiếng, lắc lư và bụi bặm,
nhưng tôi chịu được. Tôi xuống xe; anh tài xế
chẳng những không lấy tiền mà còn mời tôi uống
trà với hai bạn của anh nữa. Tôi cám ơn và nhận
lời ngay vì đang khát sau chuyến đi dài. Có thể
vì tôi là người ngoại quốc đơn độc trên xứ bao
la như Ấn Độ nên anh thương hại tôi. Với những
kinh nghiệm tuơng tự, tôi nhận thấy tính hiếu
khách ngoại quốc bắt nguồn từ văn hóa cổ Hindu
quý khách như quý thần thánh. Tôi cám ơn anh
trong lúc anh chỉ hướng đến Patna mà tôi muốn
tới.
Hãy còn sớm, tôi lửng thửng
đi bộ giữa ánh nắng trưa, trên con đường làng
rợp bóng cây. Cuối cùng tôi dừng lại một quán ở
đầu làng ăn cái bánh
samosa
và uống ly trà sữa.
Samosa
làm
bằng khoai tây chín bọc bột và chiên trong
dầu--có khẩu vị na ná như khoai tây chiên bên
Mỹ. Kế, tôi ra đứng nơi đầu làng xin quá giang
tiếp tục. Nửa giờ qua nhưng không kết quả. Bấy
giờ có một thanh niên, mặc áo tay dài và chiếc
dhoti[10]
cổ truyền, đến gạ chuyện. Anh nói rành tiếng
Anh. Anh là bác sĩ có phòng mạch trong làng nhỏ
này, đến đây làm việc vài hôm mỗi tuần rồi về
nhà bên một làng khác cách đây vài cây số và
đông dân hơn. Tại đó anh có bệnh viện chính. Anh
rất dễ mến. Anh mời tôi vô văn phòng anh nghỉ
chân.
Phòng khám bệnh của anh rất
đơn sơ. Anh mời tôi ngồi xuống chiếc ghế cây và
bảo cậu bé pha trà. Cùng lúc anh mời tôi ăn
chuối. Trong câu chuyện, anh hỏi nhiều điều mà
tôi thường gặp, như tôi có bao nhiêu anh chị em
và tôi đến đây với nhiệm vụ gì. Lần này, tôi
nghĩ, tôi có mục đích rõ ràng nên trả lời rằng
tôi đi tìm hiểu Phật Giáo và hành hương ở
Bodhgaya. Câu trả lời của tôi làm người có học
như anh bác sĩ này rất vừa lòng. Hơn thế nữa,
anh gốc Hindu nhưng rất quý trọng Đức Phật và
giáo pháp của Ngài. Anh cho biết
người Hindu tin Phật là vị
Avitar
thứ Chín hay là hiện thân của Thần Vishnu. Theo
họ, Phật Thích Ca chỉ là một nhà cải cách của
đạo Hindu vì Người chỉ có công đả phá tệ nạn kỳ
thị cũng như nghi thức giết súc vật tế thần rất
thịnh hành của thời bấy giờ. Người Hindu không
nghĩ Phật có chơn lý nào khác ngoài chơn lý của
đạo Hindu (trong kinh Vệ Đà hay Áo Nghĩa Thư[11]).
Lần đầu tiên tôi nghe nói như vậy và tôi nghĩ
không đúng với những gì tôi vừa học. Tuy nhiên,
tôi không đủ kiến thức và kinh nghiệm trong vấn
đề nên không dám có ý kiến. Về sau, tôi biết ra
rằng tín ngưỡng nghĩ Đức Phật là một
Avitar
của Thần Vishnu bị các nhà Phật học chính tông
xem như dị giáo và bác bỏ thẳng thừng.
Anh bác sĩ mời tôi về nghỉ
đêm trong làng. Anh cho tôi biết cách đây chừng
vài dặm phía bên kia làng có điểm hành hương
Vaishali. Nếu tôi muốn viếng, anh sẽ nghỉ một
ngày để hướng dẫn. Tôi nghĩ đây là dịp đi hành
hương và để biết thêm chút ít đồng quê cũng như
văn hóa Ấn Độ. Thường anh đạp nhưng hôm nay anh
dắt xe đi bộ để trò chuyện với tôi. Con đường
làng quanh co qua nhiều thửa ruộng xếp như bàn
cờ và nhiều đám mía ửng vàng trong nắng chiều.
Nhìn bầy trâu và các nông phu đang cày sâu cuốc
bẫm, tôi nghĩ đến luật nhân quả và thuyết luân
hồi rồi thầm cám ơn tôi được 'sanh làm người
toàn hảo.' Có ba bạn của anh bác sĩ đạp xe tới.
Ba anh xuống xe dắt đi bộ với chúng tôi một đỗi
để tìm hiểu tôi là ai trước khi lên xe đạp tiếp.
Ngay lúc đến làng của anh bác
sĩ, tôi bất chợt trở thành mục tiêu tò mò của
đám đông. Chắc từ lâu lắm rồi không có người
ngoại quốc nào trừ tôi đặt chơn tới làng nghèo
nàn này. Anh bác sĩ líu lo giải thích cho đám
đông biết tôi là ai và đến đây làm gì. Có ít
nhứt năm mươi người đến xem mắt 'ngài' râu đỏ
quảy túi đeo vai. Anh bác sĩ thu xếp cho tôi ngủ
trong phòng rộng nhứt của bệnh xá anh. Tôi xếp
hai ghế dài làm giường và dùng cái bàn với ghế
ngồi làm chỗ đọc sách trước khi ngủ. Tôi ngạc
nhiên thấy làng hẻo lánh này có điện. Anh bác sĩ
về nhà bên kia đồng lúa rồi bưng cơm tối đến cho
tôi. Tôi không muốn làm phiền anh và tôi không
cần ăn tối hôm đó. Tuy nhiên tôi cám ơn anh đã
đem lại
chapattis
và cà ri khoai tây. Trước lúc ngủ tôi thiền về
'Mẹ của tất cả chúng sanh' và kết thúc bằng cách
hồi huớng công đức đến người chủ tốt bụng và các
nông dân nghèo, nguyện cầu tất cả được giác ngộ.
Sáng ra, anh bác sĩ đem lại
chapatttis,
dahl
và một ly sữa tươi cho tôi điểm tâm. Anh còn đem
theo ông hiệu trưởng trường trung học[12]
để giới thiệu với tôi. Ông sẽ cùng đi Vaishali
với hai chúng tôi. Ông cũng rất sùng kính Phật
nên yêu cầu tôi nói về đạo Phật cho học sinh
trường ông nghe vào ngày mai. Thiếu tự tin,
không đủ kiến thức Phật học và chưa có kinh
nghiệm nói trước đám đông, tôi xin từ chối.
Ngoài ra, tôi thật tình trình bày tôi còn cần đi
Patna trưa nay rồi tiếp tục đi Bodhgaya. Không
dè bảy năm sau tôi trở lại và thuyết pháp như
một nhà sư.
Di tích Vaishali nằm ngoài
thành. Chúng tôi đạp xe đi thăm mỗi nơi trong
khu cổ tích rộng lớn đó. Vừa đi, các bạn hướng
dẫn vừa giải thích những bia ký Phật tích. Trong
suốt bốn mươi lăm năm hoằng pháp trên lãnh thổ
Bắc Ấn, Đức Phật dừng lại đây rất nhiều lần, nên
có xây một tu viện để Ngài và tăng đoàn của Ngài
trú ngụ. Sau 2500 năm, giờ đây tu viện chỉ còn
là một gò đất thấp và những trũng với nhiều mảnh
gạch ngói rải rác đó đây.
Ba chúng tôi cùng ăn
picnic
trưa
dưới bóng cây bên cạnh nhà điều dưỡng. Sau đó,
các bạn đưa tôi ra bến xe dưới phố để tôi đợi xe
đò đi Patna cách đây chừng hai mươi dặm. Tôi cám
ơn, nhứt là anh bác sĩ đã dành cho tôi sự đón
tiếp chân tình và nồng hậu trong suốt thời gian
qua. Tôi nói rằng tôi là người Mỹ có cái may duy
nhứt được các anh đưa đi xem tận mắt đời sống
thôn quê và nhiều chi tiết về sử ký, triết lý và
tín ngưỡng của xứ Ấn. Nếu đi với các bạn đồng
hành trên các tuyến du lịch chính, làm sao tôi
có được các cuộc gặp gỡ với 'bà con chất phát' ở
đây. Kinh nghiệm này cho tôi thấy giá trị của
câu nói 'đi một ngày đàng học một sàng khôn.'
Xe đò đưa tôi đến Hajipur
trên bờ Bắc sông Hằng. Từ đây tôi lấy đò ngang
qua Patna, thủ đô của Bihar. Sông rất rộng nên
đò phải mất trọn một tiếng đồng hồ mới qua tới
bến bên kia. Đò đông khách hành hương Tây Tạng.
Họ ngồi bẹp xuống sàn cạnh bên nhiều đống hành
lý chất ngổn ngang. Tôi phải tìm mãi mới đuợc
một chỗ gần đám người đông. Đò cặp bến lúc mờ
tối. Hầu hết khách chất lên nhiều chiếc taxi
3-bánh và đi về hướng ga xe lửa. Sau phút lưỡng
lự, tôi chọn thả bộ ngang thành phố ra ga. Có lẽ
tôi sẽ ngủ lại đó đợi sáng mai mới lấy xe đi
Gaya. Tôi lựa vài em có vẻ sáng sủa để hỏi đường
rồi bắt đầu ra đi.
Trong ga, tôi thấy ngoài các
khách hành hương Tây Tạng tôi gặp trên đò, vô số
hành khách khác đang nằm ngồi la liệt trên sàn.
Họ quây quần thành nhóm, cùng uống trà bơ và nấu
ăn trên lò dầu đem theo. Trong lúc tôi đi tìm
chỗ, có mấy người Tây Tạng nhận ra tôi bèn gọi
tôi lại nhập bọn với họ. Tôi chen vô trải tấm
nóp và vui vẻ nhận tách trà bơ họ mời. Tôi cám
ơn họ đã đối đãi với tôi rất thân thiện. Trước
khi nằm xuống tôi tính ngồi thiền, nhưng thôi vì
sợ con mắt dòm ngó của bà con và cái tôi của tôi
bị thổi phồng. Sàn xi măng cứng và tiếng ồn ào
khiến tôi lăn trở nhiều lần mới chợp mắt được.
Sáng sớm, tôi phải vất vả lắm mới chen nổi lên
xe; xe chật ních nên mạnh ai nấy lấn vì không có
hệ thống giữ chỗ trước. Bốn tiếng sau, xe ghé vô
ga Gaya; tôi mừng hết lớn--trong đời tôi chưa có
lần nào tôi mừng được xuống xe như lần này. Xe
3-bánh đi Bodhgaya đợi cho tới khi hết nhét nổi
khách--thường là mười người--mới chuyển bánh.
Chặng đường dài chừng mười cây số, hẹp, chạy sát
theo lòng sông rộng. Dọc đường tôi chỉ thấy được
chút ít phong cảnh vì ngồi đằng sau bị cái mui
xe che khuất tầm nhìn rất nhiều.
Làng nhỏ và khu chùa kế cận
rất tấp nập. Tôi ngồi lại trong một quán bên
cổng vừa ăn bánh ngọt uống trà vừa ngắm cảnh
tượng bận rộn. Dân chúng ra vô nườm nượp. Xe
3-bánh chất đầy nhóc khách Tây Tạng liên tục đỗ
về. Nhiều đám người rách rưới lang thang trên
đường đến trại Tây Tạng. Họ vác, họ gánh tất cả
những gì họ có trên vai. Buýt du lịch nhìn thấy
nhan nhản khắp mọi nơi và từng đoàn du khách ra
vô không ngớt. Hành khất cũng rất nhiều; họ bu
theo du khách lợi dụng lòng từ bi của con nhà
Phật. Đền Sri Maha Bodhi, cao 50 m, xây từ thế
kỷ thứ 7 trước dương lịch, uy nghi điềm nhiên
tọa thị trước cảnh ồn ào náo nhiệt này.
Sau khi ngồi trong quán một
đỗi, tôi nghĩ nên vô chùa chiêm bái gốc Bồ Đề
nơi mà Thái Tử Siddhartha ngộ đạo. Chùa và cội
Bồ Đề ở giữa một vùng rộng có tường và rào bao
quanh. Từ cổng chánh xuống phải bước mấy bực
thang; ở bực chót có treo một đại hồng chung để
khách hành hương thỉnh theo lời cầu nguyền riêng
của mỗi người. Thường khách thỉnh chuông để nói
lên số lần đến đây hành hương. Noi gương Bồ Tát,
tôi thỉnh ba tiếng, ba tiếng mà chư Vị gióng lên
để hóa giải u minh của chúng sanh. Qua cổng và
lớp cửa gỗ tôi bước vô chánh điện, nơi thờ tượng
Đức Bổn Sư; tượng sơn son thếp vàng, rất to.
Nhiều Phật tử Tây Tạng đang thành khẩn kính lạy
trong lúc lâm râm đọc chú; họ cầm hai thanh gổ
và lạy trườn mình theo nghi thức cổ truyền.
Nhiều người khác đi nhiễu vòng quanh tháp cao
theo chiều kim đồng hồ; Phật tử Tây Tạng vừa đi
vừa quay ống cầu nguyện và đọc chú Án Ma Ni Bát
Ni Hồng (Om
Mani Padme Hum).
Để dép ở ngoài, tôi mang túi xách bước theo đám
đông và nhiếp tâm đi ba vòng.
Cây Bồ Đề đứng sau đền trong
rào và được trang trí bằng nhiều cờ Phật giáo.
Trong vòng rào, giữa gốc cây và chùa có khối
xi-măng mang tên Vajrasana chỉ định chỗ mà Thái
Tử Siddharta Gautama tham thiền trong đêm quyết
định ấy. Hầu hết Phật tử dừng lại đây thắp nhang
đèn hay chắp tay xá. Có người vói đưa đầu chạm
vào thành của bệ để lễ vật đặt trước
khối xi-măng. Sau ba vòng đi
nhiễu quanh tháp, tôi để xách ở ngoài, vô giữa
chánh điện, lạy ba lạy trước Đức Thế Tôn. Rất
đông: người lạy, người ngồi thiền, người đọc
chú. Tôi hân hoan chứng kiến và tham gia vào
sanh hoạt thấm nhuần đạo hạnh đang diễn ra
quanh đây. Có thêm một ít du khách Ấn, có lẽ là
Hindu. Họ rảo quanh; có người vô ý đi ngược
dòng, nói cười thiếu thận trọng, và trố mắt nhìn
Phật tử Tây Tạng đang lạy theo lối trườn hay
ngồi thiền đó đây. Nhìn chung, quang cảnh gồm
một đám người xô bồ đến từ mọi nơi, kể cả một số
Tây Mỹ như tôi.
Bodhgaya quan trọng vì là nơi
tiêu biểu cho sự dò tìm Chân Lý hay ý nghĩa của
sự sống. Tại đây, dưới gốc Bồ Đề này, Thái Tử
Siddhartha dừng bước chân du tìm không hiệu quả
để ngồi lại thiền. Ngài nhứt định không đứng lên
nếu chưa tìm ra chánh quả. Trong một đêm trăng
tròn Ngài vượt khỏi vòng vô minh và giác ngộ. Đó
là đêm mà Ngài không còn phải đi lần tìm nữa,
Ngài thành Phật.
Trong suốt cuộc đời, chúng ta
luôn tìm cách thỏa mãn ước mơ và khát vọng.
Chúng ta đổi bạn, thay nguời yêu, nghề nghiệp,
nhà cửa, quê quán, và cả xứ sở nữa hy vọng tìm
thấy một trạng huống tuyệt hảo và hạnh phúc.
Nhưng cái đích tuyệt đối đó không bao giờ đạt
được nếu chúng ta chỉ thay đổi ngoại cảnh. Trái
lại, nếu một ngày nào đó chúng ta dừng lại và
bắt đầu quán chiếu vào nội tâm để tìm nguồn gốc
của bất mãn cũng như thỏa mãn thì chúng ta sẽ
thấy sự thật. Đó là những gì Thái Tử Siddhartha
đã làm dưới cội Bồ Đề này nên Bodhgaya mang một
ý nghĩa đặc biệt; Bodhgaya là nơi mà Bồ Đề hay
Trí Huệ Tối Thượng hay Chân Lý được tìm thấy.
Tất cả chúng ta đều có Bodhgaya trong tâm, tức
có nhân Giác Ngộ mà chúng ta cần phải vun trồng.
Đó là cuộc hành hương tối hậu, chuyến trở về
nguồn của sự tự do thiệt thọ và hạnh phúc lâu
bền. Tôi miên man suy nghĩ như trên trong lúc ở
lại đây thêm một tiếng đồng hồ nữa, ngồi dưới
bóng của gốc bồ đề gần bên.
Sau đó tôi đi xem các chùa
chiền trong khu Bodhgaya. Hầu hết các quốc gia
Phật giáo trên thế giới đều có xây chùa hay nhà
nghỉ trong vòng nửa dặm của khu dân cư để đón du
khách hành hương. Vào những lúc trái mùa, khách
có thể ở lại đó một thời gian ngắn nếu nhà có dư
chỗ chứa.
Trong khu chùa Tây Tạng, dân
tháo vát của xứ này có dựng một thành phố dã
chiến bằng lều nhà binh lớn để làm nhà nghỉ và
tiệm ăn. Cạnh bên thành phố lều có cái nghĩa địa
cổ với tường bao bọc, trong đó tôi thấy có một
ông và hai cậu bé Tây Tạng căng lều ở dưới một
gốc cây lớn. Tôi nghĩ đó là chỗ ngon lành cho
tôi tạm dựng lều và tha hồ thiền hay luyện du
già dầu ở giữa mồ mả. Tôi không biết địa phương
có cho phép ngủ trong nghĩa địa chăng, nhưng tôi
biết các nhà du già khổ hạnh thường khuyến khích
làm như vậy để tập không sợ cái chết. Tôi bèn
leo tường vô, tìm một điểm xa mả, khuất giữa bụi
rậm, trải nóp ra. Tôi thầm cám ơn đã có chỗ ngủ
nghỉ. Quang cảnh này yên tĩnh ngồ ngộ nhờ được
tách rời khỏi không khí bon chen của khu du lịch
chính. Tôi hy vọng tôi không bị tống ra hay bị
lấn chiếm bởi những người có cùng ý nghĩ như
tôi.
Còn một tuần nữa Đức Đại Lại
Lạt Ma mới đến và hai ngày nữa là Tết Tây. Nhiệt
độ trong vùng Bắc Ấn tương đối ôn hòa, ngày ấm
và đêm mát. Áo
jalaba
của tôi rất tiện nhứt là về đêm khi tôi ngồi
thiền. Mỗi ngày tôi thức dậy lúc hừng đông. Tôi
ngồi thiền ngay trên nóp rồi tập yoga hay làm
ngược lại. Xong, tôi dọn đồ vô xách quảy ra tiệm
ăn sáng. Thường tôi ăn miếng bánh mì Tây Tạng,
chén tàu hủ, chuối, và uống tách trà. Tôi gởi
xách lại quán đoạn đi ra Đền Maha Bodhi. Tôi
mang theo cái túi đeo vai đựng thông hành, chi
phiếu du khách, tiền mặt, chiếc mền để ngồi, và
chai nước--tất cả hành trang tôi dùng trong
ngày. Tới chùa tôi thỉnh ba tiếng chuông trước
khi vô chánh điện lạy Phật ba lạy; đôi khi tôi
ngồi lại thiền. Sau đó tôi ra đi nhiễu vòng
quanh Chùa/Bồ Đề ít nhứt ba vòng. Thỉnh thoảng
tôi ngồi lại ngay dưới tàng cây linh thiêng để
thiền hay chứng nghiệm làn sóng thiêng liêng.
Một số 'con Phật lang thang'
Tây Mỹ sống trong Nhà Nghỉ Miến Điện (Burmese
Vihar). Nhà có nhiều phòng cá nhơn dùng như cốc
và một thiền đường trên lầu. Đó là nơi mà U.N.
Goenka chủ trì các khóa thiền minh sát; khóa sau
cùng mới bế giảng cách nay một tuần nên nhiều
học viên còn tiếp tục hành thiền tại đây. Tôi có
nghe nói tới ông Joseph, người gốc New York,
từng hành thiền minh sát nhiều năm nay và rất có
tiếng. Ông hiện ở Bodhgaya và đang thuyết giảng
tại Burmese Vihar tối nay. Tôi theo vài người
khách lên lầu nghe.
Ông Joseph ngồi kiết già trên
sàn với cử tọa ngồi chung quanh. Ông ốm cao. Tóc
ông màu nâu, hớt ngắn. Râu ông được cắt tỉa tươm
tất. Bằng giọng nói chẫm rãi rõ ràng, ông thuyết
đề tài tỉnh thức và nội thức. Ông giải thích sự
cần phải quán chiếu từng phút từng giây hành
động của thân và hoạt động của tâm để hiểu mình
sâu xa hơn. Nếu ta sinh hoạt chậm lại và quan
sát cử động của thân như ta xem phim quay thật
chậm, ta sẽ thấy và hiểu rõ mối liên hệ giữa
thân với tâm. Ông chứng minh bằng cách đưa tay
lên xuống thật chậm và chỉ cho thấy thân tùy
thuộc hoàn toàn vào tâm khi cử động. Đưa tay lên
hay xuống vài phân đòi hỏi nhiều sự sai khiến hỗ
tương giữa thân tâm và nhiều cử động tinh vi.
Hướng ý thức đến tiến trình đó giúp ta trực tiếp
nhận biết các khía cạnh của thân và tâm. Có một
hình thức thiền tọa hoặc thiền hành đặc biệt khả
dĩ giúp ta thực tập cách quan sát tinh tế đó.
Mục đích của sự thực tập như vậy, ông Joseph
nói, là để cho ta thấu hiểu chân lý tối thượng
mà Đức Phật đã khám phá: vô thường, khổ và vô
ngã. Thực tập như vậy cũng sẽ giúp ta hiểu ý
nghĩa sâu xa của Tứ Diệu Đế. Nếu hành trì tinh
tấn, ý thức duy trì đó sẽ tạo nên không gian và
kỹ năng tâm linh khả dĩ hóa giải những tập quán
xấu, những khó khăn tâm lý và những hạn chế tự
đặt, để đạt đến kết quả tối hậu là giác ngộ.
Bài giảng làm tôi thêm thích
thiền minh sát. Trong tiến trình phát huy trí
tuệ, phương pháp thiền này đặc biệt huấn luyện
tâm một cách trực tiếp, chớ không thần bí và
không nghi thức như thiền Tây Tạng. Nói cách
khác, không có đề cập đến chư Phật và chư Bồ
Tát, không cần cứu rỗi chúng sanh, và cũng không
trì chú hay gợi những tưởng tượng phức tạp. Đó
là phương pháp Tiểu Thừa chỉ nhằm giải thoát
mình mà tôi có dịp nghe nói như là ích kỷ và
không cao thượng. Tôi không biết giữa hai lối
thiền có khác biệt nào khi nhìn dưới khía cạnh
từ bi và giải thoát khỏi khổ đau. Tôi có nghe
nói Thầy Goenkaji rải tâm từ mỗi đêm trong lúc
người thuyết giảng.
Có hai phương pháp thiền minh
sát. Phương pháp của Thầy Joseph khác với phương
pháp của Thầy Goenka, mỗi bên có gốc độ nhìn mỗi
khác. Tôi định sẽ dự khóa thiền của Thầy Goenka,
tôi muốn học phương pháp của ông trước. Còn bây
giờ tôi tiếp tục hành thiền Tây Tạng bởi tôi đã
hiểu và đang thích thú với pháp đó.
Ngày đầu năm đến rồi đi,
không có gì quan trọng và cũng không có lễ lạc
gì bởi ở Ấn Độ người ta ăn Tết theo âm lịch và
người Hindu mừng Tết vào tháng Tư. Chỉ có một
buổi hội ngộ nhỏ nơi Chùa Nhựt Bổn với lễ thỉnh
chuông và tiệc mì nửa đêm. Mọi người đều đuợc
mời dự, nhưng tôi chọn ở lại chỗ của mình trong
nghĩa địa để chiêm nghiệm 108 tiếng chuông được
thỉnh. Tôi mừng năm mới theo tinh thần mới. Tôi
nghĩ đến luân hồi (samsara)
và luật tái sanh tuyệt hảo của con người. Tôi
mừng năm mới với quyết tâm hành trì Phật pháp.
Nhớ lại những điều ngu xuẩn mà tôi đã làm trong
năm qua vì vô minh, tôi cương quyết tu tập để xa
lánh các hành động tệ hại và phát huy tỉnh
thức/trí tuệ.
Lúc bấy giờ Lạt Ma Yeshe và
Lạt Ma Zopa vừa đến với đạo tràng Tây Mỹ của hai
ngài. Đoàn dựng hai lều trong một góc của Khu
Birla Dharmasala. Hằng trăm dân từ cao nguyên
Nepal, Sikkhim và Bhutan lục tục kéo tới. Lều
moc như nấm gặp mưa. Một thành phố lều nữa được
dựng lên trên khoảng đất trống gần viện bảo
tàng. Tinh thần đạo hạnh mỗi lúc mỗi dâng cao
trong khi bà con ráo riết chuẩn bị lễ
Kalachakra. Lễ sẽ được tổ chức ngoài trời trong
sân rộng trước nhà nghỉ; lễ đài đang được dựng
lên để nghinh đón Đức Đạt Lai Lạt Ma. Mỗi ngày
vào lúc 5:00 giờ chiều, khoảng một trăm tu sĩ
Tây Tạng tập họp dưới cội Bồ Đề để làm lễ
puja
với chiên trống và nhiều linh khí khác. Hằng
trăm ổ bánh mì được bày trên bàn cúng để rồi
cúng dường chư tăng và phát cho đồng bào tham
dự. Chiều tối, có vô số chiếc đèn dầu nhỏ thắp
sáng một bãi đất vuông; đèn được canh chừng liên
tục và châm dầu thường xuyên. Khách hành hương
cắm nhang đèn thắp cùng trong khu chùa. Quang
cảnh thật ngoạn mục với cả ngàn ánh sáng lung
linh và mùi hương bay thơm khắp mọi nơi. Hằng
trăm tín đồ đi nhiễu quanh khuông viên theo ba
vòng khác nhau. Tăng ni và dân Tây Tạng nhiệt
thành bái lạy từ giờ này sang giờ khác. Nhiều
ông bà lạy trườn mình bằng cách nằm sấp xuống
đất vói thẳng tay tới trước rồi đứng lên đến
điểm tay đã vói tới bắt đầu lạy trườn mình tiếp.
Họ vừa lạy vừa trì chú và từ từ lạy hết một
trong ba vòng nhiễu quanh chùa. Họ thành tâm
đến nỗi nhiều lúc nằm trườn trên nước, trên bùn.
Mục đích của phương cách lạy này là để thuần hóa
bản ngã và định tĩnh tâm. Thật hứng khởi khi
chứng kiến các Phật tử biểu lộ công khai nhiệt
tâm vì đạo pháp. Tuy nhiên tôi chọn cách khác ít
ngoạn mục và kín đáo hơn. Mỗi tối tôi đi vô chùa
vài giờ để dự lễ và thể nhập không khí thiêng
liêng.
Vì có quá nhiều khách thập
phương đến Bodhgaya nên các nhà nghỉ kể cả
Burmese Vihar
đều đầy nhóc; nghĩa địa không
sao tránh khỏi bị chiếm đất. Tôi có khuynh hướng
xem nơi này như 'của riêng mình' thành thử tôi
có cảm giác bị xâm lấn mỗi khi có du khách đến
cấm trại gần. Tôi biết tôi ích kỷ và để tránh
tánh xấu này tôi vui vẻ mời hai nguời Tây đang
đi tìm chỗ ở lại đây. Hai người cám ơn và nhận
lời.
Trong những ngày lễ hội
chính, nhiều hành khất trong làng kế cận cũng
đến hành hương. Nhưng họ không hẳn tin nơi Đức
Phật mà nhắm vào mục đích làm tiền nhanh. Biết
rằng một trong những đức tính Phật dạy là lòng
nhân, họ, những người thật sự què quặt hay chỉ
là dân nghèo trong làng, đến đây đóng kịch để
tạo sự xót thương của tín đồ giàu lòng bác ái.
Họ xếp hàng dài ngoài cổng chìa lon xin tiền. Họ
ăn mặc rách rưới bần cùng nhứt (có thể là bộ đồ
duy nhứt của họ cũng không chừng) và làm ra vẻ
thảm não nhứt. Nhiều dân Ấn làm ăn cũng tới. Họ
đặt bàn đổi tiền lẻ để bố thí. Khách đổi giấy
1-, 5- và 10-rupee
ra đồng 5-,10- và 25-paise
để mỗi khi cho họ có cảm tưởng xài số lớn, vì
mỗi rupee
(bằng 10 xu US vào 1974) có thể cho mười người,
mỗi người mười
paise
hoặc
hai mươi người mỗi người năm
paise.
Nhiều hành khất khác, bất lực
có phung cùi có, len lỏi vô tiêm buôn vật kỹ
niệm, quán trà/ăn, và nhà nghỉ để xin khách đang
ăn hay đang mua sắm. Sự có mặt của họ làm khách
tự cảm thấy có chút tội lỗi khi đang ăn sung mặc
sướng hay đang bỏ tiền mua sắm. Nếu khách không
cho, họ đứng lì ra đó khua lon hay bám theo van
lơn thảm thiết. Có thể bực bội lắm, nhưng là dịp
tốt để quan sát tâm lý phản ứng, chấp trước, xua
bỏ, và dè xẻn của con người. Ai cũng biết chúng
ta đang xài cho cá nhân mình gắp mười hay trăm
lần nhiều hơn tiền của của các người bất hạnh ấy
có, và nếu cho họ hai mươi lăm hay năm mươi
paise
thì có là bao. Nhưng chúng ta thường vẫn bị dằn
co; thiệt là oái oăm. Nhiều lúc chúng ta cho
không phải vì rộng lượng hay từ bi mà chỉ vì
muốn xua người ăn xin đi khuất mắt cho rồi. Cũng
có trường hợp ngược lại, tức cho rồi nhưng hành
khất chưa vừa ý theo năn nỉ xin thêm. Dĩ nhiên
người cho không sao không buồn lòng.
Rất tốt cho tôi được ở trong
hoàn cảnh như vậy để tôi quan sát phản ứng của
mình. Tôi hay thử xét xem người xin có đáng được
cho hay không, và nếu cho thì sẽ cho bao nhiêu.
Đôi khi tôi thấy tôi keo kiệt và chỉ biết nhớ
tới mình, nghĩ rằng với số tiền cho tôi có thể
sắm cho mình món gì đó. Vài lúc khác tôi không
cho, lý luận rằng làm vậy tạo cho họ thêm tùy
thuộc vào du khách. Có thể đúng, tuy nhiên có
người thật sự không có nguồn thu nhập nào khác
ngoài số tiền nhỏ họ ăn xin. Có lúc tôi muốn mua
cho họ thức ăn bồi dưỡng hơn là cho tiền vì tôi
có thấy hành khất lấy tiền mua bậy bạ hay thuốc
lá; điều làm tôi rất khó chịu. Tình huống như
vậy khiến tâm phải bất ngờ đối đầu trực tiếp với
những khía cạnh mà bình thường tâm không nhìn
thấy. Nhiều khi không phải dễ chấp nhận. Nếu ý
tưởng tiêu cực không được nhìn là tiêu cực thì
sẽ không thấy có tội lỗi và được phản ứng bình
thường tức không chú ý đến hậu quả lâu dài.
Trong trường hợp ngược lại, sẽ có phản ứng phải
giải quyết và trận chiến nội tâm bắt đầu để phân
biệt phải trái, tốt xấu dựa theo nghiệp quả. Đó
cũng là khởi điểm của ý thức lành mạnh hóa tâm
hay con đường tâm linh theo quan điểm Phật giáo.
Nhiều người dừng ở thời điểm này và không muốn
suy tư sâu hơn; tâm họ khéo léo nại ra nhiều lý
do để khỏa lấp sự không muốn thay đổi của họ.
Ngày 5 tháng Giêng, Đức Đạt
Lai Lạt Ma đến với nhiều nghi thức trịnh trọng.
Hai hôm sau lễ Kalachakra khai mạc. Ngài nói
pháp nhiều lần trong suốt hai ngày đầu. Bài pháp
của ngài luôn luôn rất dài và bằng thứ tiếng tôi
không hiểu được nên tôi dễ chán và thường bỏ
qua. May cho tôi là lễ đài được dựng ngay trước
nghĩa địa mà chỗ tôi nhìn thấy rất rõ, tôi có
thể nằm ngồi tùy ý, thành thử cũng đở. Nhưng đến
phần quan trọng--lễ thọ giáo và truyền
thừa--tôi nhiếp tâm và thể nhập với những gì
Ngài tụng. Tôi tụng chú theo Ngài nhờ bài được
in ra giấy và phát không cho mọi người trước.
Tụng để người tu Bồ Tát giới thể nhập thần lực
của bài chú đặc biệt này, thần lực khả dĩ trừ tà
ma trong nội tâm và ngoài cõi Ta Bà. Tôi chưa
thật lòng tin nhưng tôi làm theo và cảm thấy rất
hân hoan. Vài hôm tiếp theo được dành riêng để
Đức Đạt Lai Lạt Ma ban hồng ân cho cá nhân. Rất
nhiều người, nhứt là người Tây Tạng, xếp từ ngai
Ngài ngự trong Gompa ra ngoài, dài hằng cây số
ngàn. Hàng nhích như rùa bò nên phải đợi nhiều
giờ dưới nắng nóng. Tôi cũng muốn vào kính lễ
Ngài nhưng đợi qua hôm sau lúc hàng ngắn bớt.
Chiều ngày thứ hai, hàng xếp không dài quá cổng
nhà nghỉ tức chỉ chừng mươi phút đợi, tôi vào
hàng. Theo thông lệ, mỗi người được trịnh trọng
đưa tới trước ngai của Ngài đặt cao trên tầm
vai, dưng lên Ngài dải khăn trắng truyền thống
và thành kính nghiêng mình xá. Ngài có thể để
tay lên đầu tín
đồ hay nói vài câu ngắn. Đến
lượt tôi, tôi dâng khăn và kính cẩn xá với ước
nguyện được Ngài rờ đầu để tôi hân hạnh được
nhận nhân điện của Ngài. Ngài có đặt tay lên đầu
tôi nhưng tôi không thấy gì khác lạ. Tôi cảm
thấy vui sướng vì tôi đã làm xong một bổn phận
tâm linh.
Tôi bắt đầu nghĩ tới việc sẽ
làm gì sau khi xong khóa học của Thầy Goenka vì
khóa chỉ có mười hôm. Một trong những tưởng
tượng đầu tiên của tôi là sống lõa thể trên bãi
biển Goa. Đó là động cơ quan trọng nhứt thúc đẩy
tôi đến Ấn Độ. Nhưng động cơ này bị khỏa lấp bởi
những cảm hứng và bận rộn muốn làm con Phật lúc
tôi tới Nepal và Bodhgaya.
Nay trở lại bình thường, ý
tưởng đi Goa hóa thành hấp dẫn. Một mái chòi
tranh trên bờ biển Goa rất có thể là nơi lý
tưởng để tôi sống giản dị mà hành thiền và luyện
yoga. Tuy nhiên tôi băn khoăn không biết mình có
thể sống thuận với đạo pháp không, bởi ở đó tôi
có thể sẽ lao theo nhiều cái vui dục thú. Tôi
còn biết ở đó sẽ không thiếu cần sa ma túy và
tôi có thể bị cám dỗ dễ dàng. Nhưng, nếu tôi
không bị sa ngã, tôi sẽ thành công trên đường tu
học vậy.
Tôi còn có nhiều lý do khác
để đi xuống phía Nam ngang qua Goa. Tôi nghe nói
ở Tích Lan có nhiều trung tâm thiền minh sát rất
thuận tiện cho việc học hỏi thâm sâu. Một trong
những trung tâm này còn có thầy nói tiếng Anh và
dạy phương pháp như ông Joseph mô tả trước đây.
Ngoài ra, việc xin chiếu khán 6-tháng vô Tích
Lan không khó nếu là để học Phật. Người Tích Lan
(còn gọi là
Sinhalese)
rất sùng đạo Phật và chánh quyền có chánh sách
nâng đở người ngoại quốc tìm học đạo. Thêm vào,
đời sống ở Tích Lan rất rẻ. Chiếu khán ở Ấn của
tôi sẽ mãn hạn vào cuối tháng Ba, tôi phải ra đi
một nơi nào đó. Goa là điểm đến xem ra thuận lợi
nhứt. Đi Goa tôi sẽ có dịp ghé viếng các động ở
Ajanta mà tôi từng nghe nói tới rất nhiều. Các
động này nằm trên đường đi Bombay, thành phố mà
tôi sẽ đi thăm. Trong hiện tại tôi tạm quyết
định như vậy. Tôi nói tạm vì tôi còn tùy thuộc
vào khóa học của Thầy Goenka. Lúc viếng Burmese
Vihar ở Bodhgaya, theo sự chỉ vẽ, tôi có gởi bưu
thiếp đi Pratagarth để xin ghi danh trước vì
nghe nói khóa chỉ nhận tối đa bảy mươi học viên.
Tới nay tôi chưa nhận được thư trả lời; các bạn
khác cũng vậy. Nhưng chúng tôi quyết định cứ đi
Pratapgarth, hy vọng sẽ có người bỏ chỗ vào giờ
chót.
Trước khi rời Bodhgaya, tôi
thi lễ trước cây Bồ Đề và bái lạy cũng như ngồi
thiền trong chánh điện. Tôi muốn đem 'tinh thần
Bodhgaya' theo với tôi bất kỳ ở nơi nào, dầu tôi
biết tôi sẽ trở lại đây trong tương lai.
Bodhgaya rất có duyên và luôn lan tỏa sự an lành
mặc dầu đông đúc và bon chen theo kiểu thương
mại. Lần đầu tiên tôi đến trên chiếc xe 3-bánh,
tôi chưa kịp chuẩn bị tư tưởng; tôi đến vội và
như người mù nên tôi không thể tự tạo được thái
độ kính cẩn cần có trong chuyến hành hương. Hôm
nay, để bù lại, tôi muốn ra đi với tinh thần
thanh tịnh bằng cách đi bộ mười cây số trở lại
Gaya trong không khí mát dịu của ban mai, dọc
con suối đang cạn khô. Tôi có dịp thuởng lãm
cảnh đồng quê hoang dã và tưởng tượng lúc Phật
tại thế, cách nay 2.500 năm.
*
Chương 10
ANICCA,
ANICCA, ANICCA[13]
Đường tới Pratapgarth đi
ngược về Benares, nơi mà tôi đến vào lúc chiều
tối. Tự xem mình là một Phật tử hành hương, tôi
vô trú trong Burmese Vihar ở Benares, nhà nghỉ
nằm gần ga xe lửa rất thuận tiện. Còn ba hôm nữa
khóa học mới khai giảng nên tôi muốn lưu lại đây
thêm một thời gian để thể nhập không khí đạo
hạnh nhan nhản trong thành phố, nhứt là dọc theo
bờ sông. Tôi trở lại bãi hỏa đàn để suy ngẫm về
sự chết qua nhản quan Phật giáo mới của tôi; tôi
thích thú lắm. Một chiều nọ tôi mướn xuồng qua
bờ cát bên kia sông.. Bờ vắng, trừ vài người
đang giặt hay phơi đồ dưới nắng nóng. Tôi cũng
xuống giặt đồ và tắm mát; nước ở đây có vẻ sạch
hơn bên phía thành phố. Tắm trong sông Hằng đuợc
xem như đã tẩy tịnh. Tuy nhiên, đó không phải là
động lực khiến tôi xuống nước và cũng không phải
là ước vọng của tôi.
Ngày chót, tôi đi xuống
Sarnath một lần nữa, lần này khác với lần trước
vì những hiểu biết và lòng mộ đạo mới của tôi.
Đền thờ chính mở cửa. Tôi vào xem các tranh vẽ
trên tường mô tả các thời điểm quan trọng trong
đời của Thái Tử Siddhartha. Tôi có cảm tưởng tôi
gần gũi với con người của Đức Phật hơn và hiểu
Ngài nhiều hơn khi Ngài xúc cảm cũng như đấu
tranh để đạt sự toàn mỹ.
Có hai tu sĩ Tích Lan đang
trụ trì tại chùa này. Tôi kể cho vị nói rành
tiếng Anh rằng tôi dự tính sang viếng xứ ông để
học thêm Phật pháp và nhứt là để học thiền. Ông
rất niềm nở và khuyến thich tôi. Ông cho tôi tên
của vài chùa lớn mà tôi nên viếng. Ông nói một
trong các chùa này có thờ nha xá lợi (chiếc răng
của Đức Phật) và đề nghị tôi đến lễ bái di vật
thiêng liêng. Trước khi đi tôi ra góc phố tìm
mua một số sách loại toát yếu nói về triết lý
Theravada để đọc trên xe lửa và xe đò.
Trở lại Vihar chiều hôm ấy,
tôi gặp một số hành khách sẽ đi cùng chuyến xe
lửa tới Pratapgarth tối nay. Một trong số khách
này là anh Stephen người Đức tôi có dịp gặp rồi
lúc ở Athens và cũng là người đưa tin về Gail ở
Gomera. Anh cũng đã đi Ấn và du lịch dã ngoại ở
Nepal. Anh cũng vừa theo khóa thiền của Thầy
Goenka ở Bodhgaya và, như nhiều người khác, đang
dự tính theo học thêm khóa thiền minh sát kế
tiếp. Anh ghi danh trước nên đã có thư chấp
thuận rồi. Nhưng anh không thấy khỏe trong người
nên sợ sẽ không theo nổi vì khóa học cần ngồi
lâu.
Khóa sẽ khai giảng vào xế hôm
sau. Có tin nói rằng khóa đã đầy và người đến
trễ có thể sẽ không được nhận. Nhưng tôi vẫn hy
vọng. Trên chuyến xe tối nay có nhiều nhóm nhỏ
người Tây Mỹ cùng đến Pratapgarth với mục đích
như tôi. Khóa được tổ chức tại trung tâm thiền
mới cất ở ngoại ô thành phố bụi bặm này, bên kia
cầu. Đến nơi, chúng tôi vào hàng dài chờ ghi
danh--trả mười lăm đô la học phí và được chỉ
định cho một chỗ ngủ nghỉ. Trong vài trường hợp
học viên phải tự tìm xem mình được chấp thuận
chưa. Tôi có tên trong danh sách chờ, đứng số 2
trong mười người. Tôi được khuyên nên chờ vì có
thể sẽ có người bỏ chỗ vào giờ chót. Tôi phấn
khởi bởi hy vọng nhiều. Tôi nằm lại ngay trên
đống rơm, nóng lòng chờ đợi. Một tiếng sau, tôi
nghe gọi tên cho biết tôi được nhận.
Nơi bàn ghi danh tôi gặp lại
Stephen. Anh nói vừa rút tên vì cảm thấy yếu
người và nghĩ mình bị viêm gan thành thử không
nên dự. Như vậy sẽ có thêm một chỗ cho người
trong danh sách chờ. Stephen nói anh sẽ về lại
Benares tịnh dưỡng. Tôi hiểu ngay và chúc anh
mau mạnh. Sau đó tôi đi về lều chỉ định, trải
nóp ra trên thảm rơm như hồi ở Kopan, rồi ngả
lưng. Tôi tự hỏi phải chăng nhờ Stephen bỏ mà
tôi có chỗ. Tôi tội nghiệp anh nhưng tôi biết đó
là sự vận hành của nghiệp quả.
Đây là lần đầu tiên khóa tu
học được tổ chức nơi mới xây này, nơi mà công
trình chưa thiệt sự hoàn tất. Do đó, học viên
hoặc sống trong hai mươi phòng cá nhơn 4'x8'
hoặc trong lều nhà binh lớn như ở Kopan. Mỗi lều
chứa mười người; tôi ở trong một lều đó. Thiền
đường chung là toà nhà chưa xong nhưng vẫn đưa
vào sử dụng. Nền chỉ là một lớp rơm dày trải
trên đất và xà ngang của trần còn nhiều cây tre
cao chống đỡ.
Chuông rung mời mọi người đến
thiền đường. Chúng tôi mỗi người đem theo gối và
đệm của mình để lót ngồi trên nền rơm. Trong
thiền đường nam nữ chia ngồi hai bên theo chiều
dài. Chia hai phái là để tránh tình trạng các
niệm không hay có thể dấy lên khi gần gũi. Người
có sắc dục mạnh ngồi gần người khác phái có thể
sẽ nảy sanh nhiều ý tưởng hay tưởng tượng vô bổ
khả dĩ ngăn cản sự tập trung chú ý. Dầu chuyện
không có xảy ra ở Kopan, tôi hiểu vấn đề rất rõ.
Học viên chúng tôi ngồi ngó
lên phía có cái bục cao và đang im lặng đợi Thầy
Sri U.N. Goenka đến. Thầy đến với bà. Bà mặc sà
ri. Cả hai bước lên bục ngồi đối diện học viên.
Tôi ngạc nhiên thấy bà tới với Thầy. Phải chăng
là để cho biết thiền quán không có nghĩa là bỏ
mặc gia đình hay thế giới như một số người lầm
tưởng. Thầy lùn, tròn, tóc thưa chải gọn ghẽ, và
râu cạo nhẵn nhụi. Thầy vận sà rong dài tới gót
chân, loại y phục cổ truyền của Miến Điện và
nhiều xứ Á Châu khác. Sà rong là một kiểu
dhoti
biến
cải trang trọng của người Ấn. Nhìn chung Thầy có
dáng dấp của nguời có học, tươm tất, đứng đắn,
và đàng hoàng. Tuy nhiên tôi cảm thấy là lạ
không biết tại sao người bụ bẫm và không có gì
lôi cuốn như ông mà có thể là guru của hằng vạn
tín đồ.
Thầy Goenkaji bắt đầu bằng
cách tóm lược nhu cầu quy y Tam Bảo và thọ Ngũ
Giới như cách để đối trị bản ngã và làm tâm
không những không quá khích mà còn dễ chấp nhận
những điều học hỏi. Chúng tôi lập lại theo Thầy
ba lần chú nguyện cổ truyền bằng tiếng Pali của
tông Therevada. Chú nguyện này khác với chú
nguyện ở Kopan. Kế, Thầy nói về các giới luật
trong khóa học. Phải tuyệt đối giữ im lặng trong
lúc thiền--để giữ tâm tập trung và hướng nội.
Không nên tập lối thiền nào khác hay luyện du
già. Tôi có nghe nói tới các luật này lúc ở
Bodhgaga nên đã chuẩn bị trước. Tôi có thể thấy
lợi ích không nên pha trộn các cách thiền quán
nhưng tôi không hiểu tại sao luyện yoga lại có
hại. Thầy nói làm vậy sẽ tạo nên sự phân tâm vô
ích và làm loãng phép nhứt-điểm-tập-trung[14]
. Tôi không tin lắm nhưng tôi làm theo dầu có
hơi chống đối lúc ban đầu; nghĩ cũng ngồ ngộ.
Chiều, chúng tôi
được ăn chút trái cây và uống
ly sữa chớ không có ăn cơm. Tôi đã quen và rất
thoải mái vì vào hai tuần chót tại Kopan tôi có
ăn cơm tối lần nào đâu.
Thầy chia khóa 10-hôm ra làm
hai giai đoạn. Ba hôm đầu giúp khóa sinh phát
triển nhứt-điểm-tập-trung còn bảy ngày sau học
thiền minh sát. Thiền minh sát có nghĩa dùng
định lực quán chiếu vào tánh chân thực hay cơ
bản của thân, tâm và vạn thể, nhìn chúng thật
như là chúng chớ không phải như mình đã được
dạy, lý gỉải, hay mong cầu. Cái nhìn tường tận
và xuyên thấu ấy đòi hỏi sự tỉnh thức an tịnh và
rốt ráo khả dĩ khám phá được những gì đang xảy
ra trong thân một cách liên tục và từng giây
từng phút. Kỹ thuật dùng để phát huy sự tỉnh
thức đó là
Anapanasati[15],
từ Pali có nghĩa cảm nhận
luồng không khí thở ra thở vô ngay ở chót mũi.
Chúng tôi bắt đầu tập thở như vậy ngay trong đêm
học đầu tiên.
Sau phần nhập môn khoảng một
tiếng đồng hồ, chúng tôi nghỉ giải lao bằng sữa
và trái cây. Tiếp theo, chúng tôi trở vô thiền
đường để tập thở
anapanasati
lối
một tiếng, như đã được chỉ dẫn. Chúng tôi phải
tập ngồi tréo chưn trong thế hoa sen, lưng thẳng
đứng, đầu nhìn tới trước, hai bàn tay chồng lên
nhau và đặt lên đùi. Chúng tôi phải đặc biệt chú
ý đến cảm giác do hơi thở ra vô ngay trên chót
của hai lỗ mũi. Cảm giác ấy có thể là hơi ấm của
khí thở khi khí chạm vách trong của hai lỗ mũi
hay là ngay trên môi trên. Cũng có thể là cảm
xúc như kim châm làm ngưa ngứa vùng mũi vừa nói.
Chúng tôi không được nghĩ ngợi, diễn giải, hay
có phản ứng, mà chỉ quan sát hay cảm nhận mỗi
khi cảm giác hiện biến, đến rồi đi. Khi tâm bị
xao lãng vì mơ màng, tê nhức, hay bất kỳ lý do
nào khác, chúng tôi phải đưa định lực tỉnh thức
trở lại chót mũi và bắt đầu quan sát tiếp. Đối
với thiền sinh mới, Thầy cho biết, tâm thường
lao xao rất nhiều lần trong một giờ thiền, nhưng
xin đừng bực bội và nản chí. Công phu thực tập
sẽ giúp tâm thư giãn và lắng đọng, cũng như sự
tập trung hơi thở vào chót mũi sẽ gia tăng.
Tôi quen ngồi thiền Tây Tạng
hằng giờ để suy tư và tưởng tượng. Bây giờ tôi
không được nghĩ mà chỉ nghe và cảm nhận một cách
tỉnh thức. Tôi còn thói quen suy nghĩ nên thỉnh
thoảng bị vướng vô các chuỗi suy tư lê thê.
Trong giờ thiền đầu tiên, tôi chỉ tập trung được
tổng cộng chừng mười lăm phút, khoảng 15-30 giây
mỗi lần. Rất may có Thầy Goenka
kế bên nhắc nhở phải ý thức
hay cảm nhận hơi thở đang ra vô nơi đầu chót
mũi, nếu không tôi đi lạc tuốt !
Một giờ gần cạn, có nhiều
tiếng trở mình. Tôi cũng bị khó chịu và có đổi
thế ngồi nhưng kín đáo chớ không nghe thành
tiếng như một số bạn khác. Chuông báo hiệu giờ
thiền đã mãn. Mọi người đồng thanh xướng "Sadhu,
Sadhu, Sadhu"
bằng giọng kéo dài.
Sadhu[16]
là tiếng Miến Điện và Tích Lan mà Phật tử địa
phương dùng để nói lên sự tốt lành. Đó là cách
thông thường chúng tôi chấm dứt buổi thiền tập.
Trước khi kết thúc buổi học
tối, Thầy Goenkaji tụng vài đoạn kinh Pali và
chú nguyện từ bi (lời của Thầy viết ra) gọi là 'Metta.'
Sau đó Thầy nguyện: "Mọi chúng sanh xa lìa sân
hận, tà tâm, ganh ghét, kiêu căng, và tự phụ.
Mọi chúng sanh được tốt lành, an bình và hạnh
phúc." Lời Thầy du dương và truyền cảm. Chúng
tôi ngồi lặng thinh trong trạng thái thiền định.
Tâm cảm nhận của chúng tôi dường như bị thu hút
bởi lời nguyện đầy chân tình và giọng nói hiền
hòa của Thầy. Mọi buồn phiền đối với bất cứ ai
hầu như tan biến. Tâm cảm nhận của chúng tôi
dường như bị thu hút bởi lời nguyện đầy chân
tình và giọng nói hiền hòa của Thầy. Mọi buồn
phiền đối với bất cứ ai hầu như tan biến bởi
tiếng cầu xin chân thật và thiết tha của Thầy:
Thầy xin tình thân hữu và tình thương hòa đồng
của mọi chúng sanh. Đó là 'Từ--Metta,'
một hình thức thiền định phổ thông trong các
quốc gia tu Phật theo tông Theravada. Chúng tôi
mở rộng tâm nhận
Metta
và
chuyển Metta
đến vạn hữu. Tôi nhận thấy có nhiều điểm tương
đồng với công phu tu hạnh Bồ Tát.
Trong hai ngày kế tiếp, khả
năng chú ý đưa hơi thở lên mũi của tôi khá dần
ra. Tâm tôi bớt lao xao và thân tôi thêm thư
giãn. Nhịp thở của tôi chậm lại rất nhiều và tôi
khó nhận ra luồng không khí ra vô qua mũi. Trong
những lúc an tịnh sâu lắng như vậy, tôi cảm thấy
thân tâm mình nhẹ bỗng như lông hồng. Dường như
không còn phiền não và mọi việc đều tuyệt hảo.
Thỉnh thoảng tôi cảm nhận như có luồng sinh lực
ấm áp lan tỏa khắp châu thân tương tợ những làn
sóng nhỏ trườn nhẹ lên bãi. Đôi khi tôi cảm thấy
có đốm sáng như sao trên vòm trời đen hay như
lửa đom đóm trong đêm tối hiện ra sau làn mi
nhắm kín. Lần khác tôi thấy một thứ ánh sáng dịu
lóe trong đầu. Những hiện tượng ấy hiện biến
trong vòng đôi giây nhưng khá thường xuyên ở
khoảng nửa tiếng sau của giờ thiền.
Trong thời vấn đạo, tôi hỏi
Thầy về các hiện tượng nói trên. Thầy nói đó cho
thấy tâm tôi tương đối tĩnh lặng và tôi tương
đối thành công trong việc tập trung tâm ý. Nhiều
bạn khác tường trình nhiều hiện tượng tương tự,
có khi còn tuyệt diệu hơn. Thầy khuyên chúng tôi
nên thận trọng và đừng vội quan trọng hóa vấn đề
vì làm vậy chúng tôi sẽ bị phân tâm và sẽ gặp
trở ngại trong công phu thiền.
Trong những ngày đầu tiên ấy,
Thầy Goenkaji nói pháp liên hệ đến sự phát triển
của tâm theo quan điểm Theravada. Thầy giải
thích tỉ mỉ sự chuyên cần giữ năm giới và cho
biết tại sao đời sống luân lý thích ứng với công
phu hành thiền và cuộc sống hằng ngày nói chung.
Thầy nhấn mạnh đến sự phải có đức tin vững chắc
nơi Tam Bảo để giữ đúng con đường đạo pháp.
Thầy nói đến những khác biệt
giữa lời dạy của Phật và kinh sách thần quyền,
lưu ý chỗ Tứ Diệu Đế được đặt trên sự quán xét
nội tâm và thực tại một cách trực tiếp và thâm
sâu. Phật giáo không hướng về tương lai, không
tìm hạnh phúc ở thế giới xa xăm của ngày mai.
Phật giáo quan tâm đến việc tạo dựng thiên đàng
ngay trên quả đất này, bằng cách đem sự toại
nguyện,, sung sướng và hạnh phúc trọn vẹn ngay
tại đây và hôm nay. Thâm tâm của chúng ta là một
phòng thí nghiệm lưu động trong ấy chúng ta có
thể quán chiếu bản thể chân thật của chúng ta.
Hai dụng cụ tâm linh giúp chúng ta trong việc
quán chiếu này là sự tập trung hay an định tâm (samatha)
và sự minh sát (vipassana)
khả dĩ thấu hiểu những gì đang xảy ra. Tập trung
giống như điều chỉnh kính hiển vi để nhìn thấy
rõ mẫu vật quan sát. Quán định như là đôi mắt
giúp nhà khoa học quan sát và xét nghiệm những
yếu tố tiềm ẩn và những cử động của mẫu thí
nghiệm. Bằng cách như vậy, Đức Phật đã đạt được
sự quán sát sâu thẳm vào bản thể của thân và
tâm, và ngộ được sự thật tối hậu của cuộc sống.
Đến chiều ngày thứ ba, khóa
học chuyển sang thiền minh sát. Thầy Goenkaji
hướng dẫn chúng tôi quán xét thân y như tôi đã
nghe Jim mô tả lúc ở Tatopani. Chúng tôi bắt đầu
bằng cách tập trung định lực vào một điểm lớn
bằng chừng đồng tiền 25 xu trên đỉnh đầu. Đồng
thời chúng tôi thức tỉnh xem có cảm giác gì khác
lạ không. Tiếp theo chúng tôi đưa định lực này
xuống tai mặt và quan sát như đã dạy. Rồi sang
tai trái, mũi, mắt, miệng, cằm, cổ, ót, hai vai,
hai tay, đến các ngón tay. Bằng giọng nói trầm
cảm như thôi miên, Thầy hướng dẫn tiếp, đi từ
ngực xuống bụng, sang hai bên mông, hai chân cho
tới các ngón chân. Ở mỗi nơi chúng tôi quan sát
mọi thay đổi nếu có. Quán xét trọn thân thể mất
chừng một tiếng.
Nhờ có Thầy chỉ dẫn từng ly
từng tí nên tôi theo rất dễ và tôi có thể đưa
định lực mình trở về điểm tập trung mỗi khi Thầy
nhắc nhở. Tôi cảm thấy tâm tôi như lao tới lao
lui giữa các điểm. Thầy Goenkaji hướng dẫn thêm
vài lần nữa cho tới khi chúng tôi nhớ hết diễn
tiến.
Khi khả năng nhận biết các
cảm giác đã nhuần nhuyễn, chúng tôi được dạy
đưa định lực tỉnh thức mình một cách tổng quát
hơn mà Thầy gọi là 'quét--sweeping.'
Chúng tôi 'quét' từ đầu xuống châu thân không
dừng lại một điểm nào cả. Khi đến đầu ngón chân,
sự quán sát được đưa trở lên đỉnh đầu và 'quét'
lại. Chừng tập thuần thục rồi, chúng tôi
có thể 'quét' từ chân lên đầu
hay từ đầu xuống chân và 'quét' nhiều lần như
vậy. Sau khi 'quét' lên xuống một đỗi, chúng tôi
có cảm tưởng như toàn thân thể chỉ là một khối
cảm giác đang thay đổi.
Một đêm nọ, trong buổi nói
pháp, Thầy Goenkaji giảng kỹ về quan niệm Vô
Thường. Vô
thường là tiến trình của sự thay đổi không ngừng
hay là của những thay đổi không ổn định mà tất
cả hiện tượng vật chất hay tinh thần đều phải
trải qua. Vật chất kể cả thân thể gồm bốn nguyên
tố căn bản là Đất, Nước, Gió, và Lửa. Những
nguyên tố này phối hợp theo nhiều tỷ lệ khác
nhau tạo nên nguyên tử, phân tử, tế bào, mô,
xương, vân vân của thân thể. Chúng thay đổi
triền miên và tế bào sanh diệt hằng giây. Sự
tiếp xúc, cử động và phản ứng với nhau tạo ra
cảm giác và cảm thọ mà chúng ta chứng nghiệm.
Nhờ vào định lực tỉnh thức
của thiền minh sát, chúng ta quay về quán xét
thấu trong thân, đến tận lãnh vực hoạt động của
tế bào hay nguyên tử. Và, chúng ta chứng nghiệm
được tánh vô thường của thân. Chúng ta thấy rằng
thân của con người cũng như tất cả thế giới vật
thể chỉ là những tập hợp của bốn nguyên tố vô
ngã ấy. Mục đích của sự quán xét này là để giúp
chúng ta thức tỉnh hầu hiểu biết tiến trình thay
đổi của vạn vật và cảm nhận chớ không nắm bắt
cảm giác đến rồi đi của khổ cũng như lạc. Thậm
chí chúng ta cũng không nên cố giữ cảm thọ vui
sướng[17]
vì chúng cũng chỉ thoáng qua. Nắm giữ chúng chỉ
tạo thêm khó xử, phiền toái, khổ đau, và thất
vọng. Theo định luật thiên nhiên, có sanh thì có
diệt. Tất cả đều vô thường. Tâm buông xả, không
vướng mắc vào vô thường là tâm thật sự an tịnh.
Ngoài tính vô thường của
thân, thiền minh sát còn giúp chúng tôi hiểu thế
nào là tính vô thường của tâm. Lúc 'quét' chúng
tôi nhận thấy nhiều ý tưởng, cảm thọ, cảm giác
và tập quán tự dưng đến không sao kiểm soát hay
kiềm chế nổi. Do đó, chúng tôi bắt đầu nhìn cuộc
sống dưới một góc độ khác: cuộc sống phải thuận
với quy định tự nhiên trong nội tâm và ngoại
tại. Và, chúng tôi có cảm tưởng mình ít bị kiến
chấp chi phối hơn để có thể tạo thêm không gian
tâm linh và trí huệ khả dĩ giảm thiểu buồn phiền
và sầu muộn mà chúng tôi tự mang vào thân mỗi
ngày. Trong lúc thiền tập thể, Thầy Goenkaji
thường dùng chữ
Anicca, Anicca, Anicca--mỗi
khi chúng tôi quên hay đi lệch hướng. Lúc kết
thúc Thầy thuờng tụng một bài kệ bằng tiếng Pali
mô tả trí huệ liên quan đến thiền quán: "Vạn vật
tùy duyên đều vô thường; ai thấy được bằng huệ
nhãn, người ấy đang trên đường tẩy tịnh."
Trong lúc hành thiền 'quét',
tôi cảm thấy thân tôi thêm thư giãn và tâm tôi
thêm định lực. Tôi cảm nhận được cảm giác trong
nhiều lãnh vực và dưới nhiều mức độ khác nhau.
Dường như tôi đang khám phá và khảo sát một thực
tế toàn diện riêng biệt trong thân tôi và tôi
rất thích thú được quán sát nó. Tôi thể nghiệm
nhiều cảm thọ vui sướng cũng như buồn đau. Cảm
giác đau thường thấy nơi bàn tọa, đầu gối, mắt
cá, và xương sống vì ngồi lâu. Lúc hành thiền
Tây Tạng, tâm tôi bận rộn với suy tư và không để
ý tới thân, nên tôi quên hẳn đau nhức. Hay là
tôi tự động trở mình nên không bị khó chịu.
Trong phép thiền minh sát này, mục đích là quán
xét thân với tất cả cảm giác nhỏ nhặt nhứt, nên
chi đau nhức hóa ra dễ nhận diện, chớ không thể
bỏ qua hay quên đi. Tôi nhận thấy tâm tôi có
kháng cự và tôi phải vất vả đè nén.
Mỗi sáng thức dậy lúc 5:00
giờ, chúng tôi ngồi lại tại chỗ để tập 'quét' ít
nhứt một tiếng cho đến lúc ăn sáng. Mỗi tối
trước khi đi ngủ, chúng tôi cũng 'quét', nhưng
nằm. 'Quét nằm' giúp tạo nên một dòng cảm thọ
tịnh lạc khắp thân tâm và được xem như tẩy tịnh
cũng như quét rác ra khỏi nhà. Tôi có cảm giác
dễ ngủ hơn. Thầy Goenkaji cho rằng thiền quán
như vậy có thể chữa được một số bịnh, nhứt là
chứng nhức đầu đông. Nghe nói nhiều người thực
tập phương pháp 'quét' này hằng ngày thấy áp
huyết hạ và khối u xẹp.
Tiếp theo, Thầy Goenkaji
giảng về 'quyết tâm ngồi'. Vào thời điểm này
chúng tôi phải nguyện quyết tâm giữ thân hoàn
toàn bất động. Tập không cử động một mảy may nào
trong suốt một giờ ngồi thiền, Thầy nói, là để
làm tăng sự tập trung và nâng cao sự tỉnh thức.
Tê nhức chắc chắn sẽ khó chịu vì chúng ta ép
xác, nhưng về lâu về dài chúng ta sẽ đạt được
sức mạnh tinh thần. Nếu không nhiếp tâm
nguyện--chuyện thường xảy ra cho người mới học
thiền--sự tỉnh thức và dũng cảm sẽ không đủ cao
để có thể khắc phục ý muốn thông thường là 'loại
bỏ đau nhức'. Nhứt quyết ngồi như vậy cũng sẽ
giúp chúng ta quán chiếu sâu vào trong bản chất
tối hậu của cảm giác đau nhức. Tôi nhận thấy
công phu thiền quán này rất sâu sắc và hữu ích.
Trong thời gian nguyện tôi có dịp trực diện với
tê nhức và nhận thức rằng hoặc rán ngồi với cái
đau hoặc tìm cách loại nó. Như đã được dạy, tôi
tinh cần quán xét thân thể như là một tập hợp vô
ngã của bốn nguyên tố (tứ đại) và cảm giác sanh
rồi diệt. Nhờ vậy tôi thấy càng lúc càng bớt khó
chịu, đau nhức mỗi lúc mỗi bớt dần và 'không
gian tâm linh' càng ngày càng phát lộ. Trong
khoảng không gian ấy tôi có thể nhìn thấy rõ
ràng hơn các mối liên hệ giữa tâm và thân trong
vấn đề đau nhức. Nếu chúng ta xem thân như 'cái
tôi' hay 'của tôi', tâm chúng ta sẽ có những
phản ứng tự phát thông thường với mọi kích thích
và cảm giác xảy đến. Qua duyên khởi, tâm sẽ nhận
diện một số cảm giác như thoải mái và một số
khác như không thoải mái và phản ứng thuận hay
nghịch tùy trường hợp.
Quán sát tâm như một tập hợp
của tứ đại còn làm giảm thiểu mối liên hệ giữa
thân và tâm. Biết vậy, tôi bắt đầu thực nghiệm
sự giảm bớt đau nhức. Cảm giác vẫn còn nhưng
không rõ nét và sâu đậm vì đến rồi đi vào trong
hậu trường của sự tỉnh thức vô tham (detached
awareness).
Tôi không còn để ý tới chúng nữa và có thể ngồi
hằng giờ không cần xoay trở. Tôi thầm cám ơn và
vui thích nghe lời Thầy nhủ
Anicca, Anicca, Anicca
vì hiểu rằng quan niệm về đau và phản ứng với
đau (vui thú cũng vậy) chỉ do nơi tâm mà ra. Thế
mới biết tại sao con người có thể tự tạo ra
thiên đường hay địa ngục cho chính mình ngay
trong cuộc đời này. Với những nhận thức đó, tôi
bắt đầu thấy được đâu là cốt lõi của công phu
hành thiền mà tôi đi tìm bao lâu nay. Tôi cảm
thấy sung sướng và say sưa theo đuổi. Tôi quyết
xem mỗi giờ tọa thiền như một lời nguyền. Và tôi
thật sự cảm kích lời bi nguyện mà Thầy Guruji
hồi hướng hằng đêm.
Sau một giờ ngồi thiền thường
lệ, nếu ai muốn ngồi thêm cho đến lúc giải lao
thì cứ tự tiện. Nhiều lúc tôi ngồi lại lâu hơn
vì muốm xem tôi có thể chịu đựng tới mức nào,
chịu đựng các đau nhức như buốt nơi đầu gối và
sau lưng mà tôi thường thấy sau bốn mươi lăm
phút hay một giờ ngồi bất động. Một lần nữa 'cái
tôi' của tôi bắt tôi vào cuộc tranh đua xem ai
ngồi lâu hơn ai. Nhiều người không chịu nổi phải
bỏ cuộc ra ngoài. 'Cái tôi' của tôi tâng tôi lên
làm 'ông vua ngồi' và buộc tôi phải ngồi lâu hơn
ít ra là một bạn nữa. Tuy biết đó là một sự nung
chí không chánh đáng nhưng tôi có dịp tập ngồi
lâu hơn--mọi thứ đều có thể giúp ích. Tôi cố
ngồi càng lâu càng tốt, nhưng đến lúc không kham
nổi tôi cũng 'ao[18]'
và ra ngoài tìm không khí mới.
Một lần nọ, tôi thành nhà vô
địch. Tôi ngồi suốt hai tiếng với định tâm và
tỉnh thức cao. Tôi có bị tê nhưng tôi bình tâm
cố nén. Bất thần sự tỉnh thức của tôi vượt qua
khỏi rào đau nhức vào trong cõi an tịnh. Tôi
không còn cảm thọ nào về tự thể và cả các cảm
giác sanh diệt của mình. Tôi có cảm tưởng như
đang lơ lửng giữa không trung và không có trọng
lượng. Tôi thấy luồng ánh sáng dịu lóe trong đầu
dẫu ranh giới giữa đầu và thân không còn nhận
ra. Tôi không thể cử động cũng không thể suy
nghĩ. Tôi đang thức tỉnh kỳ diệu trong im lặng
dầu không có gì nhiều để tỉnh thức.
Vào những ngày chót của khóa
học, bịnh đường ruột của tôi trở lại. Tôi bị
bịnh này hồi ở Afghanistan nhưng đã được chữa
khỏi rồi, chỉ còn đi chảy đôi khi mà thôi. Nay
không biết sao nó lại tái phát. Tôi hơi lo vì sợ
phải bỏ lỡ khóa học nếu bịnh tệ hơn. Ngoài ra,
cầu tiêu ở đây không mấy tiện nghi bởi được xây
gấp rút cho khóa học và không đủ chỗ cho số
đông--chỉ có ba cầu. Sáng sớm hay khi nghỉ giải
lao thường có hai ba người chờ trước mỗi nhà cầu
rồi. Một sáng nọ, tôi dậy theo tiếng chuông báo
thức, tôi cần đi cầu và lật đật xách khăn chạy u
ra nhà vệ sinh gần lều để rồi thất vọng vì đã có
người đợi rồi. Không thể chần chờ, tôi ngó quanh
tìm chỗ và thấy một bụi sau lều. Tôi chạy đại ra
đó không cần nghĩ suy. Nhưng hỡi ôi không còn
kịp nữa; chiếc quần vải của tôi đã bị ... rồi
không còn cứu vãn nổi. Không muốn giặt để xài
lại, tôi bèn dùng quần lau sạch và chôn luôn
quần sau đám cây. May tôi có quơ theo cái khăn
nên lấy quấn đỡ rồi rón rén về phòng hy vọng
không ai thấy hay nghe mùi lạ. Tôi mừng thấy các
bạn mình hoặc còn ngủ hoặc đã ra ngoài. Tôi vội
tròng chiếc
jalaba
vô và ra phòng tắm. Xong, tôi trở về lều cùng
các bạn ngồi thiền. Không cần nói ai cũng biết
tôi không sao tập trung được. Tôi nơm nớp lo mùi
lạ từ bụi rậm bay vô hay cái quần dơ bị chó đánh
mùi bươi lên; hai niệm này phát khởi và tồn tại
chớ không ra đi.
Trọn buổi sáng tôi không tài
nào tập trung quán niệm. Tôi cứ nhớ tới việc đã
xảy ra và cảm thấy lo lắng. Có lần tôi thấy câu
chuyện hơi khôi hài và bật cười một mình cùng
lúc tôi quay lại khúc phim khôi hài đó trong
đầu. Tôi thật tình hy vọng đoạn phim kia sẽ
không bao giờ tái diễn. Không có, nhưng tôi
không dám ngồi rán nữa vì phải lo xếp hàng để
giải quyết nhu cầu thiết yếu trước.
Vào ngày chót, Thầy Goenkaji
thuyết về Bát Chánh Đạo và Đạo Đế của Tứ Diệu
Đế. Đó là toa thuốc của Phật kê đơn sự suy tư và
quán niệm tuyệt diệu khả dĩ giúp hành giả chứng
ngộ sự tự do tối thượng trong đời sống và sự
giác ngộ tối hậu. Có cả thảy tám hình thức tu
luyện thân tâm, thể hiện trọn vẹn sự hành trì
Phật pháp trên bình diện thực tiễn. Con đường tu
(Đạo) của Phật dạy bắt đầu bằng Chánh Niệm. Hành
giả phải có ít nhứt tri giác để hiểu Tứ Diệu Đế,
đặc biệt là hiểu luật nhơn quả cùng những giềng
mối liên hệ đến tâm và khổ. Chánh niệm được xem
như động lực tiên khởi thúc đẩy việc tìm cầu tâm
linh hay ít ra là để làm sáng tâm và cuộc đời.
Chánh niệm được nối tiếp bởi Chánh Kiến. Hành
giả phải thường xuyên nghĩ tới Phật pháp, mong
cầu đạt sở nguyện và gạt bỏ mọi ý tưởng cũng như
hành động không lành. Hiểu đúng và mong cầu tốt
phải được đưa vào cuộc sống hằng ngày bằng cách
hành trì Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, và Chánh Mạng.
Bát chánh đạo được ví như tám
cây căm của bánh xe. Tất cả phải tốt như nhau để
bánh xe có thể lăn êm ái và hữu hiệu. Nếu một
căm bị yếu hay thiếu, bánh xe sẽ khập khểnh.
Hành trì Bát chánh đạo cũng thế, phải tốt như
nhau vì tám đường chánh hỗ trợ lẫn nhau. Khi sự
hiểu biết và tinh cần phát triển thì sự hành trì
Phật pháp sẽ có đà tiến tới cho đến khi đích là
Niết Bàn được đạt. Đức Phật đã gọi buổi thuyết
pháp đầu tiên của Ngài trong Vườn Lộc Uyển ở
Sarnath là 'Chuyển Pháp Luân'.
Được nghe những lời dạy đơn
giản, rõ ràng và đầy ý nghĩa của Tiểu Thừa và
được hành thiền như đã học hỏi, tôi hiểu đạo
Phật và cuộc đời một cách thâm sâu hơn. Bát
chánh đạo là một tiến trình từng bước rất hợp lý
và toàn vẹn giúp tâm đạt được giác ngộ. Tuy
nhiên hành giả phải tự bắt đầu và tự đi; Phật
chỉ là người chỉ đường. Thật vậy, trước khi nhập
diệt, Đức Phật từng nói lời sau cùng với các tỳ
kheo và cư sĩ đang khóc biệt ly rằng: "Ta đã
trình bày tỉ mỉ Phật pháp bằng nhiều cách, không
có gì dấu diếm; hảy về nương tựa nơi Phật pháp;
đốt lên ngọn đèn Phật pháp trong tâm; đừng nhờ
ai cứu rỗi. Duyên sanh vạn hữu đều vô thường;
hãy tinh tấn tự cứu mình." Đó là con đường tôi
bắt đầu thấy và sẽ theo. Tôi lần hồi nghiêng về
Theravada hay Hinayana, có thể Lạt Ma Zopa và
Lạt Ma Yeshe sẽ phải lắc đầu, nhưng tôi không
biết làm sao hơn.
Ngày giờ hình như đi qua quá
nhanh. Tôi bàng hoàng khi nghĩ tới lúc ra đi
trong vài hôm sắp tới. Tôi sẽ phải rời môi
truờng định tỉnh của trung tâm thiền này để trở
lại quang cảnh thành đô hỗn độn của xứ Ấn, đôi
co với phu xe, và bon chen trong nhà ga xe lửa.
Ngay ngoài vòng rào của khu này đã có nhiều
người Ấn Độ hiếu kỳ thường xuyên chỏ mắt nhìn
vào rồi. Họ đứng hằng giờ để xem chúng tôi trong
này đi tới lui lúc giải lao, xếp hàng chờ cơm,
hay ngồi chụm năm chụm bảy dùng bữa ngoài sân.
Tôi tức cười khi nghĩ các người dân quê mùa mộc
mạc này lấy làm lạ không biết bọn da trắng ngoại
quốc chúng tôi đang làm gì trong rào. Nhiều lúc
tôi thấy thương hại họ và tôi không quên cầu
phước cho họ trong lời chú nguyện Bồ Tát khi kết
thúc ngày học. Trong lúc Thầy Goenkaji ru hồn
chúng tôi bằng
Metta,
tôi xin phép được thêm vào lời niệm Phật. Tôi
nghĩ chắc không có gì sai trái, ngược lại tôi có
cảm tưởng phối hợp lời nguyện Bồ Tát và Phật rất
cao đẹp.
Vào đêm chót Thầy Goenkaji
thuyết về tâm Từ
(Metta)
và hướng dẫn chúng tôi thiền quán về đề tài này.
Bài giảng của Thầy rất hứng khởi và buổi thiền
tập dài hơn mọi khi. Chúng tôi chú tâm nghe và
thực tập tinh tấn. Tôi vô cùng vui sướng đến rơi
nước mắt. Nhiều bạn đồng khóa khác cũng có cảm
giác tương tự vì giọng nói truyền cảm của Thầy
làm tình cảm của mọi người dâng trào. Hơn thế
nữa, Thầy chúng tôi đang chân thành và rộng tâm
hồi hướng công đức từ bi cho chúng tôi cùng tất
cả chúng sanh trong cõi Ta Bà này.
Sáng hôm sau, Thầy Goenkaji
kết thúc khóa học bằng những lời khuyên thiết
thực giúp chúng tôi tiếp tục tự hành thiền minh
sát về sau. Thầy nói hiện nay có nhiều thầy dạy
nhiều cách thiền quán khác nhau. Tuy nhiên,
chúng tôi không nên pha trộn vì pha trộn sẽ
không ích lợi mà khó đạt thành chánh quả bởi
hành giả sẽ phải đổi cách liên tục, bị rối tâm,
và khó quy tụ định lực. Nếu thấy rằng phương
pháp thiền minh sát này có tác dụng phá chấp và
giúp soi rọi được nội tâm, chúng tôi nên giữ lấy
và triển khai triệt để thay vì bôn ba chạy tìm
học các phương cách khác.
Thầy đề nghị chúng tôi nên
ngồi thiền hai lần mỗi ngày dầu chúng tôi có đi
đâu, như hồi hương, tiếp tục du lịch, hay trở về
đời sống hằng ngày. Lý tưởng nhứt là ngồi thiền
một tiếng ngay sau khi thức dậy và trước khi đi
ngủ. Đừng quên phần hồi hướng từ bi khi kết thúc
giờ thiền. Bấy nhiêu tạm gọi đủ để duy trì lợi
lạc, nuôi dưỡng định lực và tăng gia trí huệ
cũng như phá chấp. Mỗi năm nên tham gia ít nhứt
một khóa học tập trung chừng mười hôm có thầy
dạy hay một khóa tự học để bồi dưỡng kiến thức
và hành trì chuyên sâu hơn. Thực tập tối thiểu
như vậy được xem như đầy đủ đối với người cư sĩ
tu tại gia bởi họ không thể thiền quán liên tục
như các vị xuất gia vào rừng tu. Thầy cũng
khuyên chúng tôi nên giữ năm giới trong đời sống
hằng ngày để cuộc sống bớt tội lỗi và cho tâm
được thoải mái hơn.
Trước khi mãn khóa, mỗi chúng
tôi đều có cơ hội gặp riêng Thầy để cám ơn người
đã rộng lòng dạy dỗ Phật pháp cho chúng tôi và
cũng để mỗi người chúng tôi có dịp giải tỏa
thắc mắc nếu có. Tôi thưa với Thầy rằng phương
pháp thiền 'quét' đã thay đổi trọn vẹn cách hành
thiền của tôi và tôi chân thành cảm tạ Thầy. Tôi
cũng có hỏi chớ tôi có thể dạy lại người khác
không--tôi nghĩ tới ba má tôi. Được, Thầy trả
lời, nhưng tôi không nên thay đổi mảy may nào mà
nên chỉ dẫn đúng y như tôi đã học từ nơi Thầy.
Thầy còn khuyên tôi không nên tự xem mình là
thầy mà nên kiên tâm thực hành cho mình để đạt
kết quả mong muốn. Tôi cung kính chắp tay cúi
đầu theo thông lệ và cáo từ trong niềm vui mới.
Bây giờ tôi sẵn sàng lên đường.
Trong những ngày học chót,
những lo lắng chuẩn bị cũng như các ước mơ sẽ
làm gì trong thời gian sắp tới thuờng đến với
tôi dầu tôi cố đẩy chúng ra một bên. Nhưng sau
cùng tôi quyết định đi Goa. Đã vào đầu tháng Hai
rồi. Tiết Đông dịu mát và dễ chịu sắp chấm dứt
nhường chỗ cho khí trời nóng bức và ẩm thấp tràn
về miền biển phía Nam Ấn Độ. Tôi hy vọng sẽ được
một tháng thoải mái, sống lõa thân trên bờ biển
và tiếp tục thiền quán. Tôi cũng sẽ luyện du già
mà tôi phải bỏ hồi gần đây vì khóa học. Thầy
Goenkaji nói luyện du già không sao, nhưng không
nên quá bận tâm với thể xác mà không còn đủ thì
giờ cho thiền quán. Từ Goa, tôi có thể sẽ đi
Tích Lan để theo học thêm trong những trung tâm
thiền. Nhưng việc trước nên làm trước: tôi sẽ
cùng một số bạn đồng khóa lấy xe lửa đi Benares
và trở lại ở đằng Burmese Vihar.
Tôi có gặp một ít du khách
Tây Mỹ và được họ chỉ cho đường đi tốt nhứt
xuống Goa và tôi đã xếp đặt xong xuôi mọi việc.
Tôi sẽ đi xe lửa xuống Bombay rồi từ đó lấy tàu
qua Panjim, thủ phủ của Goa. Trên đường xuôi Nam
tôi sẽ tạt qua viếng các động cổ Phật giáo vĩ
đại ở Ajanta mà hầu hết du khách đều ngợi khen
và cho rằng không thể bỏ qua nếu đang ở trong
vùng. Tôi nghĩ tôi là một Phật tử đi hành hương
nên chuyện đến viếng Động Ajanta rất là hợp lý
và thú vị vậy.
*
Chương 11
ĐỘNG
AJANTA, AURANGABAD
Xe lửa vô ga Jalgoan đúng
giờ, lúc sáng sớm. Tôi vui mừng. Sân ga yên
tĩnh. Bà con còn ngon giấc đó đây. Nhìn quanh
thấy có chỗ trống trong phòng đợi hạng nhì, tôi
bèn tới đó trải chăn ra. Thừa lúc ban mai vắng
vẻ tôi ngồi một giờ thiền 'quét' và rải tâm từ,
trước khi hành khách bắt đầu lao xao ồn ào đón
xe đến. Tôi cảm thấy hình như tôi muốn ngồi nán
lại lâu hơn để cho thiên hạ biết tôi là một nhà
thiền yoga. Tôi nghĩ đó là điều tốt giúp dân Ấn
quanh đây thấy có người, mà là người ngoại quốc,
đang tu tập truyền thống của họ mà họ đã quên
hay giả quên. Tôi thử phân tích lý do khiến tôi
có ý phô trương. Phải chăng đó là sự hãnh diện
hoàn toàn tự kỷ của tôi muốn chứng tỏ mình đạo
hạnh hơn họ hay là lòng từ bi chơn thật của tôi
muốn họ chớ quên tập tục cổ truyền cao đẹp của
họ rồi tự vấn lương tâm. Có thể là cả hai cộng
với ước muốn làm lợi lạc cho chính tôi nữa. Đây
là một hình thức tự xét mà tôi cần phải lập đi
lập lại nhiều lần trong tương lai.
Ajanta cách đây chừng trăm
dặm, tôi sẽ quá giang xe đến đó, nhưng bây giờ
tôi phải ăn chén khoai tán lót lòng trước đã.
Trên đường rời thành phố tôi đi ngang một chùa
Chà sơn phết sặc sỡ. Tôi dừng lại xem sinh hoạt
của chùa. Hai đạo sĩ Bà La Môn vận khố
dhoti
để ngực trần đang làm lễ
puja
sáng,
tắm các tượng thần cùng lúc rung chuông, thắp
hương và đọc chú tiếng Phạn. Một số tín đồ đứng
sẵn chờ nhận phấn xám và đỏ điểm lên trán. Không
khí thiêng liêng thành kính bao trùm ngôi chùa
nhỏ. Tôi bất giác nghĩ đến lý do của các nghi
thức cúng tế linh thần. Mà Thần Linh là ai? Có
phải là tinh lực sáng tạo hay nguyên lý ý thức
phổ bác điều hành thế giới chuyển biến duyên
sanh hiện hữu? Nếu vậy thì sao lại cần đến các
hình tượng,
puja,
phấn màu, vân vân. Tôi không am tường đạo Hindu
nên khó có thể nhận xét đúng mức. Tôi hy vọng có
thể hiểu biết hơn sau khi được vào một
Ashram[19]
Du Già. Còn bây giờ tôi nghĩ thiền minh sát có
lẽ trực tiếp và giản dị hơn.
Các Động Ajanta được khoét
sâu trong khối đá hoa cương hình vòng cung giữa
thế kỷ thứ VI-XII trước Tây lịch. Công tác vĩ
đại này được khởi xướng và thực hiện bởi nhiều
tu sĩ nhiệt tâm và sùng đạo. Có hai mươi chín
động tất cả. Hầu hết được dùng làm tịnh xá,
thiền đường và chánh điện. Nhiều hình Phật to
được khắc thẳng lên vách động. Cũng có nhiều
tranh hay bích họa nói về Phật pháp mà tôi ngạc
nhiên thấy một số còn nguyên vẹn.
Các động nằm trên vách đứng
của một con sông hẹp. Sông chảy ngoằn ngoèo và
bắt nguồn chỗ cái thác đổ từ trên con lạch sâu
xuống hồ dưới chân thác. Cạnh hồ là vườn cây
xanh mướt với nhiều bàn ăn ngoài trời. Dòng sông
khoét thành hẻm núi sâu xuống lòng đất. Nhìn
quang cảnh thơ mộng chung quanh, tôi ước ao mình
được ngủ đêm nay tại đây dưới ánh trăng tròn.
Tôi thấy có một ít nhân viên kiểm lâm đang trèo
dốc lên điếm canh trên đỉnh bờ đá đối diện các
động. Tôi bắt chước leo theo lên đỉnh. Tôi tới
một điểm quan sát; điểm có mái che và ghế đá.
Cảnh trí nhìn từ đây--ngang qua sông đến các
động--thật huyền hoặc. Bờ đá vành móng ngựa uốn
cong theo hẻm núi với các cửa động được nhìn
thấy rõ ràng từ đầu đến cuối. Nguồn của hẻm núi
với dòng thác đổ, công viên và hồ nước trông đẹp
tuyệt từ góc nhìn này. Tôi tưởng tượng lúc trăng
lên, ánh trăng sẽ biến toàn khu vực thành tiên
giới. Không do dự, tôi quyết định sẽ thưởng thức
trăng tròn đêm nay tại đây. Tôi bèn đi tìm gom
một mớ cỏ khô để làm đệm tạm ngả lưng lúc cần.
Con đường mòn dọc theo bờ đá
đứng dẫn từ đây đến nguồn thác rồi băng qua bên
kia tới một làng nhỏ cách thác chừng nửa dặm.
Hầu hết các nhân viên kiểm lâm và phu rừng đang
lần lượt về làng; nhà cửa họ ở đó. Vài anh tạt
qua chỗ tôi ngồi ngắm mặt trời lặn để hỏi
chuyện. Họ nói tiếng Anh khá. Họ cho biết nơi
này không thể nghỉ lại đêm vì lạnh và có nhiều
rắn rít lắm. Họ hỏi tôi ăn uống thế nào. Tôi lấy
chuối và đậu phộng chỉ họ coi. Họ tỏ vẻ thương
hại tôi kham khổ. Một anh thân mật mời tôi theo
về nhà anh ăn tối với cơm sốt,
chapattis,
dhals
và rau sống, và ngủ lại trên giường đan giây của
anh. Tôi cảm kích lắm nhưng xin từ chối lòng
hiếu khách chơn thành của anh. Tôi không muốn
rời cảnh quang hùng vĩ và đang chờ trăng lên.
Biết tôi tha thiết muốn ở lại nơi này, anh hứa
sẽ đem ra cho tôi ít sữa và
chapattis
sáng hôm sau khi anh trên đường đi làm.
Lúc trăng vừa ló khỏi chân
trời, ánh sáng dịu bắt đầu tỏa khắp hẻm núi; cửa
các động được nhìn thấy rõ ràng và vườn cây xanh
cùng hồ dưới chân thác trở nên tuyệt mỹ. Đây là
một cảnh trăng lên đẹp nhứt mà tôi không bao giờ
quên, như tôi chưa thể quên hình dáng Hy Mã Lạp
Sơn trên dãy Naudanda sau Pokhara. Tôi chợt mơ:
"Ước gì mình được phê." Rồi tôi liền biết đây là
một thói quen cũ. Tôi như bị thôi miên và tự
dưng thấy tâm mình an bình trước cảnh xinh đẹp
đang phơi bày trước mắt. Tôi nghĩ chắc không có
thuốc nào có thể giúp tôi bay cao hơn. Tôi say
sưa cảnh trí thiên nhiên và cảm thấy mình như
được tăng cường sinh lực mới, trạng thái mà tôi
chưa bao giờ có được trừ lúc phi
mescaline.
Tôi thầm nghĩ đó là do lực hồi sanh của trăng
tròn cộng với công phu hành thiền và du già mà
tôi tập luyện trong hai tháng qua. Tôi bèn tréo
chân vào thế hoa sen nhắm mắt vào thiền, nhưng
tôi không thể nào không thấy cảnh trí tuyệt vời
này.
Tôi thử tưởng tượng lại thời
kỳ vàng son lúc mà hằng trăm sư sãi tụ tập sanh
sống quanh các hang động đây. Họ tự trồng trọt
trên các bờ vực này. Tôi không thể ngờ có tôn
phái hay giáo chủ nào đó đã động viên thành công
tín đồ mình để thực hiện các chương trình rất
tốn công và khó thực hiện như vậy. Vĩ đại! Lúc
trăng trên đỉnh bắt đầu ngả về Tây, sinh lực nội
tại của tôi cũng bắt đầu vơi. Đêm trở lạnh trên
Cao Nguyên Deccan. Tôi ngả lưng xuống lớp nệm cỏ
và kéo tấm
jalaba
quen thuộc đắp lên mình. Tôi thanh thản!
Tôi dậy lúc hừng đông vừa hé
với cảm giác sảng khoái. Tôi liền ngồi thiền lối
một tiếng. Tôi bắt đầu bằng lời chú linh cảm Tây
Tạng và làn thở thanh lọc ánh sáng trắng/khói
đen trước khi thiền quán. Tôi chấm dứt bằng cách
rải tâm từ đến mọi chúng sanh. Đúng lúc tôi xả
thiền, có tiếng người đi lại từ phía làng ở bên
kia thác. Họ theo đường mòn trên bờ vực vừa đi
vừa huýt gió và ca hát có vẻ tự tại và hạnh phúc
lắm. Anh bạn hứa đem cho tôi bữa ăn sáng đến với
chiếc giỏ xách sữa bò và một ít
chapattis
lạnh. Tôi cám ơn, nhận quà, rồi điềm nhiên ăn
trong lúc họ nhìn tôi với nụ cười trên gương mặt
gầy gò sạm nắng. Tôi bắt đầu hiểu ảnh hưởng của
bản sắc văn hóa đạo giáo mà dân tộc Ấn đã gìn
giữ trong tâm, nhứt là ở vùng thôn quê. Họ cố
gắng hết sức trong khả năng hạn hẹp của họ để
đón chào khách như họ kính trọng Thượng Đế.
Tôi bị thu hút bởi vẻ đẹp của
vạn vật chung quanh nên quyết định ở lại thêm
một ngày và một đêm. Tôi đi dạo một lần nữa--đi
chẫm rãi--quanh các động đẹp nhứt, và thỉnh
thoảng ngồi thiền ở một góc kín đáo. Lúc tôi
đang thiền bên trong một phòng nhỏ, có một nhóm
du khách tới. Tôi nghĩ nếu họ gặp tôi chắc họ sẽ
ngạc nhiên lắm. Một em bé nhìn vào thấy bóng tôi
và nhận ra tôi là người thật chớ không phải là
tượng đá, em kêu cha mẹ em đến chỉ phát hiện lạ
kỳ của mình. Cả gia đình tới nhìn người ngồi như
tượng Phật và thì thầm bàn tán. Tôi không thể
không mỉm cười sự ngây ngô của họ. Tôi muốn hí
mắt nhìn họ nhưng thôi. Tôi nghĩ nếu họ thấy tôi
mở mắt họ sẽ không còn giữ hình ảnh tôi đang
chìm sâu trong thiền định nữa, hình ảnh mà tôi
muốn được họ thấy. Tôi nhận biết đây là sự phô
trương kỹ xảo của cái tôi nhưng tôi tiếp tục
ngồi lặng yên cho đến khi họ bỏ đi. Trong những
trò đùa nho nhỏ này thật khó cho tôi biết rằng
những gì tôi vừa làm để giảm thiểu 'cái tôi'
thật ra là đã gia tăng nó. Sự phô trương 'cái
tôi' như vầy chỉ được chế ngự sau khi tôi công
phu tu tập và có thêm nhiều kinh nghiệm. Bây giờ
cho đến lúc ấy, tôi phải mò mẫm thực tập mới
được, như tôi từng thực tập trong các lãnh vực
khác.
Chiều, tôi ra công viên bên
dòng sông; nước chảy ùng ục. Tôi xuống thác tắm.
Có một khách đang du ngoạn trong vườn. Anh tên
Charles, Pháp kiều. Trong câu chuyện trao đổi,
anh cho tôi biết trên mạn Bắc của Goa có một bãi
biển ít người khá tĩnh mịch. Cạnh bãi chừng năm
mươi bộ có hồ nước ngọt với nhiều chòi nhỏ của
du khách dựng xài rồi bỏ lại mà ai cũng có thể
dùng. Tôi nghĩ đây là một địa điểm lý tưởng đáp
ứng mong đợi của tôi.
Trong lúc nói chuyện, Charles
mở hồ bao vấn điếu cần sa Kerala[20].
Thấy cần sa tôi muốn hít một hơi. Tôi biết chắc
rằng anh sẽ không từ chối san sẻ nếu tôi ngỏ ý.
Tuy nhiên, tôi tự hỏi mình có thật muốn không và
nếu muốn, mình có phạm giới thứ năm cấm rượu chè
hút xách chăng. Tôi biết hai thầy Lama Zopa và
Goenkaji sẽ không bao giờ chấp nhận và tôi cũng
biết tôi sẽ bị rơi vào vết xe cũ nếu tôi muốn.
Lúc ở Kathmandu, có lần tôi hút lại cần sa trong
một quán cà phê, nhưng tôi không thấy thú vị. Có
phải đó là triệu chứng cho thấy tôi không còn
thích cần sa nữa? Mà có lẽ tôi không cần thứ đó
nữa đâu. Đêm qua tôi đã lâng lâng bay bổng, tôi
phê vì thiên nhiên chớ nào có nhờ vào thuốc. Tôi
biết chắc bây giờ tôi không còn thèm hay tùy
thuộc vào cần sa, tôi cũng không có ý tìm kiếm
nó. Tuy nhiên, tôi lý sự rằng cũng là điều hay
cho tôi nên thử để xem sau một thời gian dài
ngưng cai, tôi có còn bị mê hoặc nữa không và
nếu có thì như thế nào. Nói cho cùng, đó chỉ là
một loại cỏ không tai hại như thuốc lá, nhưng
biết đâu tôi lại được một phút sảng khoái mà tôi
sẽ có thể thí nghiệm so sánh với tham thiền. Vả
lại, tôi đâu có quy y và thọ giới cấm thứ năm,
và tôi tin chắc tôi sẽ không bao giờ đánh mất sự
tự chủ của mình. Tôi chỉ xã giao trong thời điểm
hiện hữu. Từ chối hút có thể làm mất nhịp cầu
tri kỷ và Charles có thể nghĩ tôi là một kẻ xu
thế xảo biện. Ngoài ra, từ chối còn gây thêm ác
cảm trong tâm tôi--ác cảm với hút xách.
Tất cả những niệm--thuận và
chống--dấy lên trong khoảnh khắc Charles vấn
xong điếu thuốc bự. Tôi kinh ngạc không hiểu sao
trí óc mình có thể ôn lại những sự việc quá khứ
và nảy sanh nhiều cảm nghĩ kể cả giải đáp, một
cách nhanh chóng và tài tình như cái máy vi tính
không bằng. Tôi chào thua chút tập quán cũ còn
rơi rớt lại và thử không để bất cứ định kiến nào
cản ngăn khả năng tiếp thu những gì phải đến,
dẫu là những định kiến về một 'nhà thiền' hay
một 'thánh nhân'. Với khói thuốc tôi cảm thấy
thư giãn và lâng lâng. Nhờ vậy, phần lớn những
dằng dai nơi tôi lắng xuống và tôi trở nên nhạy
cảm hơn đối với âm thanh và biến động của thiên
nhiên. Tâm tôi đang trong trạng thái như tôi vừa
đứng dậy và bước ra sau hai tiếng 'thiền quét'
của khóa học trước đây. Tôi đi đến kết luận
chung chung rằng, ít ra trong khoảnh khắc này,
khói thuốc đã thay sự đấu khẩu dằng dai của cái
tôi ba hoa giúp tôi đạt trạng thái lâng lâng.
Nhưng tôi biết chắc chắn khói thuốc sẽ không thể
nào thay thế được thiền.
Tiếp theo, tôi thấy hình như
thâm tâm tôi muốn gần Charles, có thể hai chúng
tôi sẽ cùng nhau ngủ trên vọng điểm để tôi được
hút thêm một liều nữa với anh tối hôm nay. Đó là
dịp cuối cùng! Tôi nhứt định từ đó tôi sẽ đi
đường tôi trước khi tập quán mới lại nảy sanh.
Một lần thì được nhưng hút thêm lần thứ hai là
bị vướng mắc. Tôi nhận ra mình chưa hẳn có đủ
nghị lực để đối phó với vấn đề này. Rất dễ từ
hay quên việc gì khi nó vắng mặt, nhưng lúc nó
có cơ hội tới, tất cả lại xảy ra nhanh chóng,
đôi khi dồn dập. Tôi mô tả say mê cảnh quang
trên đỉnh và cảm giác mình trong đêm trăng hôm
qua, rồi khuyến khích Charles lên ngủ thử.
Charles tin rằng trên ấy tuyệt và chắc sẽ lên đó
ngủ. Còn tôi sẽ ngủ cạnh hồ dưới chân thác.
Trước khi trời sụp tối chúng
tôi xuống bãi đậu xe mua một ít trái cây để ăn
đến ngày hôm sau. Lúc trở về tôi chỉ Charles con
đường mòn lên điểm vọng cảnh rồi chúc anh một
đêm tuyệt vời. Anh đề nghị vấn cho tôi điếu
thuốc để tôi hút tối nay, nhưng tôi dứt khoát từ
chối bằng lời nhã nhặn "Không, xin cám ơn" và
bước đi nhanh sợ mình đổi ý. Hồi trước, lúc chưa
hiểu Phật pháp, tôi không hề bận tâm với những
quyết định luân lý như vầy hoặc tìm cách kiểm
soát tâm mình. Tôi chỉ làm những gì đến với tôi,
không cần gạn hỏi hoặc xét xem trúng hay trật,
tốt hay xấu. Còn bây giờ, đang tập thiền và đang
hăng say an tịnh hóa tâm, mọi công việc dò xét
và lắng đục tìm trong đều quan trọng. Nó trở
thành công tác lý thú cấp bách đáng để bắt tay.
Tôi lấy xe buýt địa phương ra
xa lộ cho tiện. Rồi từ đó tôi sẽ quá giang xe
xuống miền Nam xứ Ấn. Sau năm mươi dặm đi bằng
xe tải, tôi được chiếc Jeep của một công sở Ấn
cho quá giang đến Aurangabad. Tôi ít nghe nói
tới thành phố này nên tưởng tượng chỉ bách bộ
qua bên kia là có thể đến các động Ellora trong
cùng ngày. Lúc đi ngang qua phố tôi thấy một khu
ngồ ngộ chừng như là điểm du lịch. Khu có tường
cao bao quanh một kiến trúc giống như một đền
thờ Hồi giáo. Hiếu kỳ và vì chưa cần đi vội, tôi
trả năm mươi
paise
mua vé vô xem. Thì ra đó là đền thờ thánh Hồi
giáo Panchakki. Để tránh cái nóng giữa ngày, tôi
vào trong một phòng mát, nơi có ngôi mộ của một
vị nào đó, rồi ngồi xếp bằng hoa sen trên thảm.
Thấy có nhiều ông Hồi hồi đang trầm tư, tôi nghĩ
ở đây tôi có thể ngồi thiền trong giây lát. Cùng
lúc, có nhiều người ra vô.
Khi tôi trở ra đường chừng
một giờ sau đó, có anh thanh niên Ấn theo làm
quen. Anh nhã nhặn, nói tiếng Anh thông thạo.
Anh nói thấy tôi ngồi thiền trong mộ và hỏi tôi
có phải là người theo Hồi giáo không. Tôi trả
lời tôi không phải là người Hồi giáo mà là Phật
tử. Anh mừng rỡ nói anh cũng là Phật tử và rất
hân hạnh được gặp tôi. Anh mời, tha thiết mời
tôi về nhà gặp bạn anh để luận bàn Phật pháp.
Tôi giải thích cho anh biết tôi muốn đi Ellora
trong ngày, nhưng anh cố nài nỉ tôi nán lại đôi
hôm. Anh nói không có mấy người ngoại quốc đi
ngang qua đây, nhứt là Phật tử Tây Âu, và tôi
đem tới anh cái duyên may. Anh nói thêm
Aurangabad là thành phố dễ thương, tự do tín
ngưỡng, có nhiều đạo giáo sống chung hòa đồng,
dân tình dễ mến và có nhiều thắng cảnh du lịch.
Còn có thêm trường Phật giáo và một đại học mới
mà anh sẽ đưa tôi tới viếng.
Anh thanh niên tên Sardar.
Anh có học, lễ độ và rất nhiệt tâm. Anh tỏ vẻ
thành thật và là một Phật tử người Ấn đầu tiên
tôi có dịp gặp. Bởi không có gì gấp gáp, tôi
quyết định thả nổi và đồng ý theo anh. Anh dẫn
tôi đi bộ chừng mươi lăm phút ra ngoại ô nơi anh
ở. Trên đường anh nói không nghỉ, kể tôi nghe về
anh, các bạn Phật tử của anh và thành phố anh.
Sardar đang theo học tại Đại Học Marathwada mới
thành lập. Anh vừa học vừa làm việc vặt cho ông
Phó Viện Trưởng. Phần lớn sinh viên của Đại Học
Marathwada và trường Milinda kế bên là Phật tử.
Trường Milinda do cố Tiến sĩ B. R. Ambedka sáng
lập. Từ 1956 đến nay Tiến sĩ Ambedka đã giúp
hằng triệu dân cùng đinh Ấn quy y Phật. Họ quy y
hầu hết là vì lý do kinh tế-xã hội chớ không
nhất thiết là vì họ tin Phật pháp hay Đức Chí
Tôn. Trong những bước đầu, phần đông không biết
hoặc biết rất ít về Tứ Diệu Đế, thậm chí có
người không biết Phật là ai. Họ chỉ muốn thay
cuộc sống, dầu phải đổi tín ngưỡng thành Phật tử
trước rồi học Phật sau.
Sardar ở trọ trong gia đình
Hồi hồi. Anh rất muốn tôi gặp người bạn thân Hồi
giáo của anh. Ông Quaz-Sir là một nhà giáo
Muslim thuần thành nhưng rất tôn kính các đạo
giáo khác. Ông muốn nghe quan điểm Phật giáo của
tôi và muốn học cả thiền định. Ông mời tôi ở lại
dùng cơm tối với ông; tôi không thể từ chối. Tối
hôm đó tôi ngủ lại trên sân thượng để được một
mình và cũng để có nơi yên tịnh mà thiền cùng
thưởng thức bầu trời về đêm với ngàn sao lấp
lánh. Tôi nghe một giáo sư hóa học nói, theo
ông, không khí vùng Aurangabad có lượng oxy cao
nhứt và tinh khiết nhứt xứ Ấn, nếu không muốn
nói nhứt thế giới.
Sáng hôm sau Sardar đưa tôi
viếng trường Milinda và Đại Học Marathwada. Anh
giới thiệu tôi với nhiều giáo sư và sinh viên
bạn anh. Tôi được gặp ông Phó Viện Trưởng và một
số nhân viên hành chánh đại học. Tôi có hỏi về
học trình và cấp bằng Phật học cũng như các lớp
dạy tiếng Pali và Sanskrit của đại học này và
nảy ý muốn theo học ở đây một thời gian trong
tương lai gần. Nhưng tôi không biết đại học có
được chuẩn nhận để tôi có thể dùng trợ cấp GI
của tôi chăng. Tôi còn tới ba năm trợ cấp và tôi
biết GI có thể xử dụng ngoài nước Mỹ. Tôi muốn
xài tiền miễn phí này để học tiếng Pali và Phật
học. Được vậy ba mẹ tôi chắc sẽ hài lòng và tôi
sẽ có tiền ở lại châu Á thêm vài năm nữa. Theo
yêu cầu tôi được đưa đi viếng thư viện. Thư viện
to, đầy ấp sách, và có nhiều sinh viên đang cặm
cuội học tập. Thật lý thú khi tôi thấy tâm trí
mình lao vù tới tương lai và dấy lên ước mơ trở
lại đại học. Tôi hỏi vị Phó Viện Trưởng về việc
chuyển các tín chỉ tôi đã lấy ở đại học cộng
đồng để tôi có thể ghi danh ngay vô năm thứ ba.
Ông nghĩ có thể được nhưng tôi phải tự thu xếp
để gởi học bạ đến cho trường xem trước. Ông cũng
cho tôi biết xin chiếu khán sinh viên vô Ấn Độ
phải cần thời gian.
Vị giáo sư Hoá học--người nói
với tôi về sự tinh khiết của khí trời
Aurangabad--rất muốn học thiền nhưng không có ai
ở đây có thể giúp ông. Ông yêu cầu tôi chỉ cho
ông những điều căn bản; tôi thông cảm giúp ông.
Một giáo sư khác mong tôi thuyết trình về phương
pháp thiền cho lớp Triết Phật của ông. Không như
lúc trước, bây giờ tôi thấy mình có chút khả
năng và kinh nghiệm khả dĩ nói về vấn đề này một
cách rõ ràng và chính xác. Tôi hy vọng giúp họ
hiểu sâu hơn những gì mà họ mới biết. Tôi cũng
nghĩ đây là cơ hội giúp tôi kinh nghiệm thuyết
giảng trước đám đông, cũng như cho phép tôi đo
lường khả năng, nổi lo lắng bồn chồn và các phản
ứng khác của tôi. Tôi chưa lần nào lên bục
thuyết trình, trừ các buổi thực tập trong lớp
Nói ở đại học cộng đồng, nên chi tôi nhận lời
mời ngay và nói chuyện liền vào sáng hôm sau.
Tối lại, tôi tới nhà ông giáo
sư Hóa để chỉ ông tập thiền định bằng phương
pháp sổ tức mà tôi đã học được trong ba ngày đầu
tiên trong khóa của Thầy Goenka. Hai chúng tôi
ngồi lặng yên trong mười lăm phút. Tôi thỉnh
thoảng nhắc ông đưa tỉnh thức mình về chót mũi
nếu tâm ông lăng xăng. Ông rất thích thú. Tôi
khuyến khích ông ngồi lâu hơn, hai mươi hoặc ba
mươi phút, lúc tảng sáng và chiều tối. Tôi nghĩ
bấy nhiêu là đủ cho ông rồi nếu ông tiếp tục
được, bởi tôi biết ông rất bận rộn với công vụ
và gia đình.
Thật buồn cười, khi không tôi
được đưa lên hàng giáo sư về thiền và được mời
giảng dạy. Tôi chỉ mới làm Phật tử chừng ba
tháng nay trong khi nhiều người ở đây đã quy y
nhiều năm rồi. Mới biết kiến thức đạo pháp của
họ rất hời hợt và họ rất mong được chỉ vẽ cũng
như khuyến khích. Phật pháp của họ hầu hết là
dưới dạng tri thức và a tòng theo quần chúng.
Thật ra không phải là lỗi của họ. Tôi cảm thông
với họ nhưng không thể giúp nhiều hơn. Tôi luôn
nhớ lời khuyên của Thầy Goenkaji lúc tôi rời
khóa tu học. Thầy khuyên tôi không nên làm thầy
sớm quá. Tôi biết tôi còn nhiều việc phải làm
nên không thể dấn thân vào chuyện mà tôi chưa
sẵn sàng. Do đó tôi quyết định tiếp tục con
đường không vấn vương sau buổi nói chuyện sáng
sớm hôm sau.
Tôi dành nhiều thì giờ trong
đêm để chọn xem phải nói gì và làm sao giới
thiệu đề tài thiền. Đây là lần đầu tiên tôi sẽ
phải ứng khẩu trước cử tọa; tôi biết bụng tôi
thế nào cũng 'đánh lô tô'. Tôi không phải là một
học giả Phật giáo mà cũng chưa được giác ngộ.
Tôi chỉ có được một mớ lý thuyết cộng với chút
kinh nghiệm; kinh nghiệm thực hành còn lý thuyết
nói suông. Hầu hết Phật tử ở đây quen với Tiểu
Thừa hơn Đại Thừa hay Phật Giáo Tây Tạng. Do đó,
tôi nghĩ nên giới thiệu đề tài qua lăng kính
Tiểu Thừa và nói về thiền minh sát. Trước tiên
tôi sẽ dẫn giải Tứ Diệu Đế để họ thông hiểu. Kế
tôi mô tả thiền minh sát theo chút kinh nghiệm
sẵn có của tôi--chỉ họ phương pháp tỉnh tâm bằng
cách tập trung (định) để tỉnh thức. Dàn bài là
vậy còn lời giảng sẽ được tùy nghi ứng khẩu.
Sáng ra, Sardar đi với tôi
đến trường Milinda. Tin một tu sĩ Mỹ thuyết
trình về thiền được truyền đi nhanh chóng. Lúc
10:00 giờ, khi bước chân vô hội trường, tôi hết
sức ngạc nhiên thấy gần một trăm năm mươi thính
giả phần đông thuộc lớp trẻ đang ngồi chờ. Buổi
nói chuyện dự tính cho một lớp bỗng chốc thành
một buổi thuyết trình cho toàn trường, ai muốn
đến nghe cũng được. Nhiều lớp khác đóng cửa để
sinh viên có thể tham dự dịp hiếm có này. Tôi lo
lo và bụng bắt đầu đánh lô tô khi Sardar đưa tôi
lên bục giảng.
Sardar giới thiệu tôi và nói
lý do sao ông gặp được tôi cũng như ông đã
thuyết phục tôi nán lại hai ngày, vân vân. Cùng
lúc, tim tôi đập thình thịch, trí tôi lu mờ và
tôi không còn biết đầu đuôi ra sao. Phản ứng tâm
và sinh lý ấy đến với tôi đột ngôt, khiến tôi
không còn biết mình có thể nói năng mạch lạc
chăng và cử tọa có biết sự bối rối của tôi
không. Tôi bèn nhắm mắt, hít nhiều hơi dài và tự
nhủ phải bình tĩnh, bình tĩnh và bình tĩnh.
Dường như có hiệu quả. Dàn bài tôi soạn hồi đêm
qua từ từ trở lại với tôi và nhịp tim tôi đập
chậm dần.
Tôi ấp úng bắt đầu bằng những
lời cám ơn vị chủ tọa, ông Sardar vừa giới thiệu
tôi và vị giáo sư đã mời tôi cũng như tổ chức
buổi thuyết trình hôm nay. Rồi tôi vô đề bằng
cách nói qua đời sống của Hoàng Tử Siddharta,
nhấn mạnh điểm Ngài từ bỏ nhung lụa để đi tìm
nguồn gốc của khổ đau và cách diệt tận gốc khổ
đau. Sau vài phút đầu tiên, tôi cảm thấy bớt
căng thẳng và lời ra tự nhiên hơn. Tôi ngạc
nhiên thích thú.
Tôi tiếp tục trình bày rằng
mọi khổ đau thể chất cũng như tinh thần của
chúng ta đều bắt nguồn từ tâm. Mức độ tham, sân,
si của mỗi chúng ta định đoạt mức khổ đau hay
hạnh phúc của cá nhân đó. Kế, tôi giải thích tại
sao thiền có thể làm phát triển tỉnh thức và
tỉnh thức có thể giúp chế ngự bình diện thiếu
lành mạnh của tâm và nuôi dưỡng huệ để đạt giải
thoát. Tôi kết thúc bằng sự mô tả thiền về Từ
Bi, ví từ bi và trí huệ như hai cánh hỗ trợ lẫn
nhau trên đường giải thoát. Tôi chúc phúc mọi
người và cầu mong ai cũng hân hoan trong niềm
tin mới. Tôi cũng khuyến khích mọi người tu tập
thiền định.
Một sinh viên đứng lên hỏi
tôi có thể ở lại đây một thời gian để dẫn dắt họ
thực tập thiền không? Tôi đáp rằng tôi còn non
kém lắm và chưa đủ khả năng giảng dạy chính
thức. Tôi đang trên đường tự vấn nội tâm và thực
tập Bát Chánh Đạo, mong làm bất cứ điều gì có
thể giúp tôi trưởng thành tâm linh. Trong hiện
tại tôi đang thử thả mình theo dòng vô thường
bằng cách trôi giạt đó đây và cố không dính mắc
vào bất cứ gì trong hành trình cũng như tư
tưởng. Tôi không có đề cập tới ý định sẽ đi đến
bờ biển Goa để sống đời lõa thể. Tôi có tin họ
biết về Thầy U. N. Goenka và các khóa tu học
ngắn hạn 10-ngày của thầy. Tôi khuyến khích họ
viết thư mời thầy đến hướng dẫn các buổi học tập
tổ chức ngay tại địa phương. Sardar kết thúc
buổi thuyết trình bằng cách cám ơn tôi đã hoan
hỷ chia xẻ những hiểu biết về Phật pháp của tôi
và đã đem đến cho họ nguồn hứng khởi. Mọi người
cảm kích và tôi rất vừa lòng với kết quả.
Tôi rất vui được ghé lại
thành phố dễ mến Aurangabad, dầu rằng cuộc
viếng thăm quá ngắn ngủi và bận rộn. Và lần
viếng thăm này không phải là lần sau cùng. Tuy
nhiên về sau, tôi biết ra rằng Đại Học
Marathwada không nằm trong danh sách các đại học
nhận tiền GI nên tôi bỏ ý định ghi danh như nói
trước đây. Vả lại, lãnh thêm bằng cấp Phật học
không phải là mong ước sâu xa của tôi, tôi cũng
không nghĩ rằng bằng cấp quan trọng cho sự tu
tập Phật pháp.
*
Chương 12
GOA
Theo hành trình, tôi đến
thành phố náo nhiệt Bombay lúc xế trưa. Mục đích
tôi tới đây để lấy tàu đò đêm xuống Panjim. Tuy
nhiên tên Bombay gợi trong trí tôi nhiều hình
ảnh ngoại lai, tôi muốn ghé qua để gọi là mình
có đến đây. Tôi ít được nghe gì hay ở Bombay trừ
một số khách sạn rẻ tiền rải rác ở Cửa Ngõ vào
Ấn Độ. Việc đầu tiên tôi làm là đi thẳng xuống
bến hỏi thăm chuyến tàu đi Goa. Tôi vui mừng
biết chuyến tới sẽ khởi hành vào xế mai. Tôi mua
được vé đi hạng nhì. Rồi tôi bách bộ xuyên thành
phố đồ sộ này đến Cửa Ngõ của Ấn Độ. Tôi có thấy
mấy khách sạn tôi muốn ở và tôi đã giữ được một
giường chót trong một nhà nghỉ đông khách.
Sáng ra tôi đi xuống khu
thương mại mới. Tôi rất đỗi ngạc nhiên vì các
đường sá thênh thang, văn phòng tân kỳ và cửa
tiệm đầy ấp hàng hoá. Trong một nhà sách tôi có
thấy quyển
Yoga Self Taught
(Tự
Học Yoga)
của giáo sư yoga Ấn Sri
Yogendra. Sau khi xem sơ tôi mua liền. Sách viết
có vẻ công phu và có nhiều hình ảnh. Tôi có tập
yoga rồi nhưng thấy sách này chỉ nhiều thế khó
hơn và hữu dụng. Tôi muốn thử các thế ấy để cho
thân thể dẻo dai thêm. Sách còn giảng ngắn gọn
và rõ ràng triết lý của yoga--là công phu luyện
tập tổng thể nhằm thanh tịnh hóa và hợp nhất
thân với tâm để đi đến Giác Ngộ hay
Moksha[21].
Các thế và cách tập được chỉ vẽ tường tận bằng
hình ảnh. Hô hấp nhịp nhàng điều hòa hít thở với
động tác cũng được dẫn giải. Sách xem chừng rất
hay và có thể đem đến nhiều điều mới lạ mà tôi
chưa biết. Thế là tôi sẽ có sách để đọc lúc dư
thì giờ trong khung cảnh tuyệt hảo của bãi biển
Goa. Nghĩ tới đó tôi rất hứng khởi.
Tôi đến cầu tàu hơi sớm để
làm người tới trước hầu mong được chỗ tốt trên
sàn tàu đặng nghỉ qua đêm. Đã có nhiều người xếp
hàng rồi vì họ cũng nghĩ như tôi; một số là dân
Âu Mỹ nôn nao muốn tới thiên đàng sớm. Tàu không
đầy, còn trống nhiều chỗ, nên ai muốn ngồi đâu
cũng được hết. Tôi chọn một góc khuất các khách
Tây; họ đang vấn thuốc để mừng chuyến ra khơi
đến thánh địa híp pi.
Tàu nhổ neo đúng giờ, lìa cảng Bombay để lại
đằng sau Cửa Ngõ của Xứ Ấn.
Tôi đứng dựa lan can tàu nhìn
chân trời Bombay nhỏ dần ở phía sau. Tôi đang
vào cõi mộng của chuyến xuôi Nam trên sóng nước
nhiệt đới của Biển Á-Rạp để đến bãi Goa rạp bóng
dừa. Tôi chợt nhớ lại những ngày ở Gomera lúc
nhóm nhộn Riverside trù tính chuyến du hành
hoành tráng này. Với một chút tự hào, tôi nghĩ
không biết giờ này mấy thằng bạn trung học cũ
của tôi đang làm gì ở cái vùng Riverside đầy
khói ô nhiễm đó. Để không quên tụi nó, hồi sáng
nay tôi vừa gởi cho Barry và Larry cái bưu thiếp
vẽ Cửa Vô Ấn Độ và ghi vài lời về điểm đến mong
đợi của tôi. Tôi cũng có thêm lời an ủi rằng tôi
sẽ vui dùm tụi nó bằng những thú vui mà bọn tôi
đã cùng nhau hoạch định trước đây. Tức là tôi sẽ
vì tụi nó mà trịnh trọng hút một điếu
chillum
khi đến nơi và sẽ 'mây mưa' thả dàn trong bữa
tiệc ngoài bãi lúc trăng tháng Ba vừa tròn.
Tàu chạy dọc bờ. Vài làng
chài còn đèn sáng lấm tấm đó đây. Trong tâm
trạng suy tư, tôi thức ngắm sao giăng và trăng
khuyết trên tiểu châu lục đang say giấc điệp.
Sau đó tôi quấn tròn trong chiếc
jalaba
ấm và để cho nhịp tàu đong đưa dỗ giấc. Sáng sớm
tôi thức dậy ngồi thiền. Trăng còn trên chân
trời ở phía Tây. Tôi kết thúc giờ thiền bằng
những dòng Từ trải ra mọi phía. Vừng cầu hồng
vừa lên khỏi rạng dừa dọc duyên tạo bức tranh
tuyệt đẹp. Tàu gần tới bến vì mới đi qua bãi Bắc
đón mời của xứ Goa để vào trong cảng nhiệt đới
bình dị và cũng là thủ phủ Panjim.
Tỉnh Goa nhỏ hơn các tỉnh
khác của Ấn Độ, với bờ biển dài không quá sáu
mươi dặm. Tuy nhiên vùng nhỏ hẹp này có một số
bãi đẹp nhứt xứ. Không biết bằng cách nào mà vào
thập niên 60 bọn du thực Âu Mỹ đã khám phá ra
thiên đường xa xôi này. Rồi từ dạo đó các bãi
này khét tiếng là nơi có cuộc sống buông thả với
nhiều khu lõa thể và cần sa. Những bãi mà dân
Tây phương thường tụ tập nằm dài trên mạn Bắc
của Panjim. Mùa Đông, vào những lúc trăng tròn,
ở đây có lệ vui hoang dại suốt đêm. Nghe nói
những đêm trăng sáng trong mùa Giáng Sinh có
nhóm nhạc
rock
Âu châu đến và chơi miễn phí cho các cuộc vui.
Và dĩ nhiên họ cũng đem theo bộn LSD. Họ còn để
lại loa và dụng cụ âm thanh cho các cuộc vui kế
tiếp trong tương lai. Vào những tháng khác không
có nhạc sống thì có máy phát âm với nhiều băng
nhạc rock
của thời 60/70. Bãi Anjuna
luôn có nhiều cuộc vui chơi. Tuy không thích
tham gia tôi vẫn muốn đến cho biết, ít ra vì tò
mò.
Điểm tới đầu tiên của tôi là
bãi vắng trên chót Bắc của Goa gọi là Hồ Arambol
mà Charles đã giới thiệu với tôi trước đây. Còn
ba tuần nữa trăng mới đầy. Tôi nghĩ tôi có đủ
thời giờ lên đó để tham thiền và tập yoga trước
khi xuống bãi Anjuna xem dạ tiệc trăng tròn. Sau
đó, chiếu khán tôi còn được hai tuần, tức đủ cho
tôi đi xuống chót Nam của Ấn Độ và lộn qua bờ
Đông đến Rawesmaran lấy đò sang Tích Lan. Đó là
chương trình tôi tạm nghĩ ra cho những ngày sắp
tới.
Trước khi lên Hồ Arambol, tôi
đi mua hai thước hàng vàng mỏng làm sà rong ngắn
thay thế cái quần vải của tôi. Tôi xuống xe buýt
ở một làng nhỏ. Theo lời chỉ đường của Charles,
tôi đi qua một dãy chòi lá cách bãi chừng nửa
dặm. Tôi thấy nhiều heo Goa chạy rong lục lạo
phân người hay những đồ dơ khác để ăn. Tôi thầm
nhủ không biết nghiệp dữ nào đã khiến xui chúng
phải tái sanh trong hoàn cảnh như vầy.
Cái nhà hàng duy nhứt mà tôi
sẽ ghé ăn một bữa mỗi ngày nằm ngay bìa giữa
vườn dừa và bãi biển. Nó là túp lều lá với một
khu ăn và khu gọi là bếp ở phía sau. Tôi vô
nghỉ, ngồi vào bàn và gọi một dĩa sà lách ăn bữa
ăn cuối cùng trong ngày cho đến trưa hôm sau mới
ăn lại. Quán trông rất tồi tàn và vắng hoe, với
độc nhứt một cậu bé Ấn trông coi. Cậu không có
gì khác hơn là trái cây và sa lách. Không có
nước ngọt cũng không có trà. Charles có cho tôi
biết trước, nhưng thay vì phải cộ thức ăn và bận
bịu với nấu nướng, tôi quyết định đi một đoạn
ngắn mỗi ngày ra đây ăn trưa, và chỉ ăn một bữa
với trái cây và sa lách. Như vậy mới gọi là một
lối ăn tốt của nhà yoga. Ngoài ra, sa lách chỉ
tốn có một
rupee.
Dĩa sa lách lớn gồm cải nồi,
cà rốt, dưa leo và cà chua xắt nhỏ trộn với chút
chanh và muối. Ngon! Tôi khen cậu coi quán và
nói sẽ ra đây mỗi ngày khoảng trưa để ăn bữa cơm
hằng ngày của tôi. Tôi hỏi cậu để châm đầy chai
nước uống mỗi ngày và được cậu ưng thuận. Nước,
cậu xách từ cái giếng không xa ở trong làng.
Trước khi ra về, tôi hỏi cậu cho biết hiện giờ
có bao nhiêu du khách ngoại quốc trong khu hồ,
mong rằng chỉ một số ít thôi. Tôi yên tâm khi
nghe cậu nói chưa tới mười người. Tôi cám ơn cậu
bé dễ thương và hẹn sẽ trở lại hôm sau. Tôi
tiếp tục đi hết đoạn đường còn lại vòng mỏm đá.
Theo con đường mòn ngoằn
ngoèo quanh các tảng đá, tôi thấy nhiều chòi đơn
sơ cất cheo leo trên dốc đứng cao. Trong một
chòi tôi nhận ra hai người đang hút
chillum,
còn ba bốn chòi khác hình như trống. Lúc ra tới
bãi tôi dừng lại tuột hết áo quần để được thoải
mái. Bãi ngắn, nhỏ. Chỉ có vài ba người rải rác
trên bờ cát. Phía đầu trên, chừng trăm thước xa,
có một vách đá chận biến bãi biển thành nơi rất
hẻo lánh. Bên mặt, có hồ nước ngọt cách bờ biển
chừng ba mươi thước. Tôi dừng lại đây quan sát
địa thế quyến rũ chung quanh.
Quanh hồ dưới mé nước thấy có
nhiều lều và mái che đơn sơ với một ít người.
Khói từ một đống củi un âm ỉ vươn lên cao và tan
dần trong hư không. Hồ tròn, nhỏ, không quá ba
mươi bộ đường kính. Nó nằm giữa hai dãy bờ cao
có nhiều cây chạy song song từ ngoài biển vô
chừng nửa dặm, tạo thành thung lũng hẹp rợp
bóng. Nước ngọt chảy vô hồ bắt nguồn từ một con
suối nhỏ trên đầu thung lũng. Toàn vùng có một
vẻ đẹp thiên nhiên trong lành, nhưng không mấy
ai biết tới để thưởng thức. Thật lạ kỳ nếu so
với hằng trăm người chen chúc ở Anjuna cách đây
không xa. Tôi không biết tại sao nhưng tôi mừng.
Có thể đây là chỗ đặc biệt trời dành cho những
ai có số tốt mới được hưởng.
Cho tới lúc niềm thích thú
ban đầu của tôi lắng xuống, tôi mới đi vòng
quanh hồ tìm chỗ cắm trại để cất giữ đồ đạc. Tôi
dừng lại ở một điểm mà chưa ai đụng tới ở bên
kia bờ, một ô trống nhỏ gần mé nước có lùm bụi
che khuất với bên ngoài. Tôi nằm nghỉ lưng một
đỗi rồi ra bãi biển lúc trời lặn để ngồi thiền.
Năm sáu người ở đằng xa đang phi
chillum.
Nghe hai tiếng "Bom
Shiva"
quen thuộc, tôi chợt mỉm cười nghĩ rằng mình đã
qua thời kỳ ấy rồi. Và với hình ảnh mình là nhà
'Yogi[22]
thật sự', tôi ngồi vào thế thiền định và lắng
nhìn vừng thái dương đỏ ối chìm dần xuống Biển Á
Rạp. Lúc sập tối tôi trở về trại lấy áo
jalaba,
mền và nước đem ra ngủ ngoài bãi. Tôi thấm mệt
nên chỉ thiền về Từ một thời gian ngắn trước khi
nằm soài ra nhìn sao sáng long lanh trên trời.
Tôi thức dậy lúc rạng đông
vừa ló dạng. Tôi ngồi 'thiền quét' lối một tiếng
rồi tập yoga. Không khí ban mai rất ấm áp. Bên
bờ Tây Ấn Độ mặt trời lên trên tiểu lục nên chỉ
thấy được vào lúc 7:30 hay 8:00 giờ sáng khi nó
qua khỏi các bờ vực cao. Tập xong, tôi nằm nghỉ
đợi những tia nắng sớm đến sưởi ấm toàn thân
trần truồng mình. Thoải mái. Tôi ngủ lại cho tới
lúc thấy nóng. Tôi chạy u lao mình xuống biển
tắm mát.
Để rửa lớp muối khô trên da,
tôi qua hồ kế bên ngâm mình trong nước ngọt. Một
cảm giác tương phản ngồ ngộ. Hồ cạn và có nhiều
rong nên tôi không bơi được. Tôi bèn ngồi xếp
bằng xuống đáy cát, chỗ nước sâu vừa và cách bờ
chừng vài bộ để được sự mát lạnh của lớp nước
đáy trong lúc nắng phản chiếu gương hồ hắt lên
mặt tôi. Tôi được hai khoái cảm cùng một lúc và
thử hòa chúng thành một kinh nghiệm duy nhứt. Có
một cô gái đi xuống hồ tới chỗ đám lau cao. Cô
thả tấm nệm hơi lên nằm sắp tắm nắng. Quang cảnh
thật tĩnh mịch.
Trở lên ngồi trên chiếc khăn
đi biển, tôi bắt đầu đọc chương một của quyển
sách yoga. Sách hay. Tôi lật coi hình và miệt
mài cả tiếng. Tác giả đề cập đến sự phối hợp
giữa hai khía cạnh của con người, thân và tâm,
thành một chủ thể sinh học đáp ứng mọi mặt. Khi
chúng đồng điệu, sức khỏe tuyệt hảo và tinh thần
khoan khoái sẽ là kết quả đương nhiên. Nói cao
hơn, chúng sẽ dẫn đến Giải Thoát--cá nhân con
người không còn khác biệt với tổng thể mà chính
là tổng thể, theo quan niệm của ý thức vũ trụ
chung[23].
Hô hấp sâu và nhịp nhàng giúp thanh lọc hệ thần
kinh và tạo nền tảng cho nhiều động tác cũng như
cử chỉ của thân thể. Tác giả giới thiệu một hệ
thống hô hấp điều hợp với động tác của thân. Các
động tác khác nhau làm cơ thể co giãn nhiều
cách. Bài viết có giá trị khoa học và nhiều hình
ảnh kèm theo nên rất rõ ràng và hấp dẫn. Tôi
định sẽ bắt đầu áp dụng một ít vào chiều tối hôm
nay.
Ăn trưa xong, tôi về lều để
tránh cái nắng nóng ban trưa. Xế chiều, tôi tập
một số thế yoga mới học bằng cách phối hợp với
nhịp thở như đã được chỉ dẫn. Thế đứng giúp làm
giãn cột sống và các khớp xương khác một cách
khác thường mà tôi chưa từng biết trước đây.
Những động tác này rất thông thường--cũng là
khom tới, ngửa lui, nghiêng trái, nghiêng
phải--nhưng được hòa nhịp với hơi thở sâu và
nhịp nhàng nên tạo ra nhiều kết quả thêm sức rất
lợi lạc. Tôi có thể nghe thấy nhiều luồng cảm
giác mà tôi gọi là khí lực
prana
lan tỏa khắp châu thân. Tôi tập nửa giờ rồi nghỉ
thư giãn năm phút như sách đã dạy. Lần đầu tiên
này tôi không nghĩ tôi tập đúng một trăm phần
trăm nhưng tôi tin sẽ làm được trong tương lai
khi tôi chú ý phối hợp tất cả để tâm không còn
cơ hội giao động. Tôi cảm thấy mình đang thực
sống trong hiện tại, trong tâm trạng nửa thực
nửa thiền nhưng hoàn toàn tỉnh thức. Tôi rất
phấn khởi. Sau lúc nghỉ thư giãn, tôi ngồi vào
thế hoa sen và dễ dàng đi thẳng vô 'thiền quét'
cũng như chiêm ngưỡng cảnh hoàng hôn.
Trong suốt ba tuần lễ kế
tiếp tôi giữ nguyên thời khóa biểu cũ. Tôi ngủ
ngoài bãi dưới bầu trời đầy sao và thức dậy lúc
rạng đông để ngồi thiền một tiếng đồng hồ. Tiếp
theo, tôi dành lối một tiếng nữa để tập yoga
theo sự chỉ vẽ của sách; mỗi bữa tôi thêm hai ba
thế mới cho tới lúc đủ hết mười hai thế mà sách
đã dạy. Sau đó tôi nằm nghỉ tắm nắng mai--những
tia nắng mới chan hòa chiếu thẳng từ các ngọn
cây xuống mình nhộng của tôi. Rồi tôi xuống biển
bơi hay thả nổi ngoài các làn sóng vỗ. Thì giờ
của buổi sáng còn lại tôi dùng để đọc sách, tắm
nắng hay đôi khi đi quan sát chung quanh.
Sau bữa ăn trưa tôi về lều
nghỉ trong bóng mát. Lúc bấy giờ tôi hay ngồi
thiền. Nhưng tôi không khỏi hoang mang ghi nhận
rằng tâm mình thường tìm cớ để rút ngắn giờ
ngồi. Cớ thông thường nhứt là mệt mỏi mà tôi ít
khi cố gắng vượt qua. Tôi nằm xuống với ý định
tiếp tục 'quét' nhưng thuờng ngáp dài và ngủ
tuốt. Thức dậy, tôi cảm thấy mình có chút tội,
nhưng tự an ủi rằng vì cách ăn uống nhẹ làm tôi
yếu sức và mau mệt vào lúc xế trưa; thương thân
mình tôi cần nghỉ ngơi vậy. Đó chắc không sai
lắm. Nhưng mẹ nó! tại sao mỗi lần tôi muốn thiền
thì buồn ngủ lại kéo tới?
Tôi nhớ bài giảng của Thầy
Goenkaji trong tập sách tôi vớ được ở Sarnath
nói về năm chướng ngại của thiền.
Lười biếng hay hôn trầm là
một trong những chướng ngại lớn nhứt. Nó được
biểu thị bằng hôn mê và trì độn nhứt là trong
lúc thiền, nó làm ngưng hẳn sự tỉnh thức. Nó như
đám mây đen che phủ tâm thân. Nhiệm vụ của nhà
thiền là phải nhận diện nó và loại nó ra khỏi
tâm hay dập tắt nó bằng sự tỉnh thức can cường
để vượt qua bờ bên kia. Nếu thành công, tâm sẽ
minh mẫn, nhẹ nhàng và sáng suốt.
Tôi thử thực hành như lời dạy nhưng không thành
công mấy. Trong nhiều trường hợp khác, vì bồn
chồn hay không thể kiềm chế những mơ mộng viễn
vong, tôi cắt bớt giờ thiền, viện cớ cần đọc
sách, ra suối giặt đồ, hay đặt nhiều điều khác.
Bồn chồn cũng là một trở ngại nữa. Tôi biết tất
cả các lý do giả tạo kia là dấu hiệu của sự thối
thoát ngồi lâu bởi vì tôi đã từng ngồi được lâu,
thật lâu trong các giờ giảng xế chiều của Thầy
Goenka mà.
Các
kinh nghiện ấy cho thấy ích lợi của thiền tập
thể và giúp nhìn thấy rõ một khía cạnh khác nữa
của tâm. Trong thiền tập thể, ai cũng phải ngồi
hết giờ quy định, do đó tâm cam chịu thử thách.
Còn thiền một mình không có thầy bạn dòm ngó,
rất dễ chìu những thói quen thâm căn cố đế do
các chướng ngại tạo nên trước đây. Đại để, thiền
giả luôn muốn thoát hay trốn những khó chịu, bất
an, hoặc khổ não của một tình huống đặc biệt. Và
đó là những gì mà tâm, ý thức hay thường là
không ý thức, muốn làm trong hầu hết mọi cấp độ
từ vi đến thô. Cái nhìn sâu vào hội chứng tìm
khoái lạc/tránh khổ đau--khổ đế rao giảng bởi
Đức Phật--sẽ đến với tôi rõ ràng hơn về sau, khi
tôi có thêm kinh nghiệm. Còn hiện giờ tôi đang
tìm cách giải quyết các trở ngại được bao nhiêu
hay bấy nhiêu.
Cuối ngày, tôi thường cởi bỏ
hết áo quần xuống biển ngồi hay nằm để sóng
nhồi. Tôi để sóng đu đưa lên xuống, không mảy
may cưỡng lại, như tôi để cho tất cả đi qua và
không thèm bám víu vào đâu hết. Như thế, tôi thư
giãn và nhận thức nội tâm cho đến lúc có ngọn
sóng to chụp lên, tung cát nước lên đầu, mắt,
mũi, tôi mới choàng dậy để tránh sặc và phủi
cát. Bù mắt và mồng cũng thường theo thử tánh
kiên nhẫn của tôi và giúp tôi nhận thức cảm nhận
cũng như cảm xúc của mình.
Một ngày nọ tôi gặp ba người
Đức trẻ, hai cô và một cậu. Họ mặc toàn đỏ hoặc
cam và mỗi người mang một tràng hạt gỗ với hình
một vị yogi râu ria xồm xoàm. Tôi bắt chuyện và
được biết họ là đệ tử của Guru Ấn nổi tiếng
Rajneesh. Trước đây tôi có thấy vài tân
sannyassins
đắp y màu cam nhưng không biết gì nhiều hơn. Họ
rao giảng cho tôi nghe chủ thuyết
Tantra[24]
cấp tiến của thầy họ. Guru Rajneesh thuyết rằng
tình dục là ức chế lớn nhứt của chúng ta và đau
khổ sở dĩ xảy ra là vì xã hội và các đạo giáo
lớn đã đặt ra cho chúng ta nhiều điều kiện quá.
Hầu hết các điều kiện này trấn áp hay gạt bỏ bản
tính tự nhiên căn bản của con người, nghĩ rằng
tình dục là tội lỗi hay tồi tệ dưới mắt Thượng
Đế hoặc một thần quyền nào đó. Ý tưởng ấy dẫn
đến chứng loạn thần kinh thường thấy ở Âu Mỹ và
cả bên Á châu nữa. Do đó, để tránh tình huống ức
chế tình dục, ông có lý giải riêng về
Tantra,
lý giải bao gồm tình dục công khai và thỏa mãn.
Guru Rajneesh có
ashram
chính tại Poona, nằm về phía Đông Bombay. Ba
người Đức này sống ở đó một thời gian trước khi
tới Goa. Ông còn có một chi nhánh nữa ở bãi biển
Anjuna. Khách đến
ashram
của ông thường được khuyến khích đến phòng
Tantric
trước; phòng chỉ có nệm dưới sàn và là nơi mà
nam nữ sống lõa thân chung đụng với nhiều phối
ngẫu khác nhau. Mục đích là để làm nhàm chán
khát vọng dâm dục hay ít ra là để vượt mọi dè
dặt hoặc ngại ngùng. Do đó, Đạo sư Rajneesh nổi
tiếng là "Guru Tình Dục" tiếng phong bởi nhiều
tác giả. Ngoài ra ông còn dạy tai chi, vũ Sufi,
karate, yoga, Zen và cả thiền định, cộng với trị
bịnh tập thể, mà mục đích là để tinh hóa định
lực và tỉnh thức.
Ba cô cậu 'tân
sannyassins'
định lưu lại hồ Arambol nhiều ngày để tránh đám
đông ở bãi Anjuna. Chiều hôm đó, một trong hai
cô gái nhìn thấy tôi luyện yoga, việc mà tôi ít
khi dấu diếm. Chờ tôi tập và tắm biển xong, cô
hớn hở nhảy chân sáo đến trong lúc trên thân chỉ
vỏn vẹn có tràng chuỗi với hình Guru chồng chềnh
giữa đôi vú nhỏ sạm nắng. Cô rất tự nhiên tưởng
chừng như trên đời không có gì có thể quấy rầy
hay cản ngăn cô. Cô mở lời "Chào" rồi ngồi bệt
xuống cát bên cạnh tôi. Cô nói thấy tôi luyện
yoga cô muốn nhờ tôi dạy dùm vì cô mới vừa bắt
đầu học môn này. Cô nhờ tôi chỉ cô những gì tôi
biết. Hóm hỉnh, tôi không biết cô muốn luyện thứ
yoga[25]
nào? Tôi trả lời tôi cũng mới học nhưng sẵn sàng
chỉ cô. Tôi biểu diễn một ít động tác làm giãn
chân và xương sống và uốn cột sống sang trái
sang phải trong lúc giải thích sự nhịp nhàng của
hơi thở đi theo động tác. Tôi nói những động tác
này giúp chuyển dòng năng lượng hoan lạc đến
toàn thân nhằm gây cảm giác sảng khoái nhứt
thời. Cô tập thử vài động tác theo sự chỉ dẫn
của tôi. Cô thich thú. Cô cám ơn tôi và cho biết
tập như thế sẽ làm tăng
kundalini[26]
của cô.
Cô bạn người Đức ở lại chơi
với tôi khá lâu. Cô thích trò chuyện và hỏi tôi
theo đạo nào. Tôi nói rõ rằng tôi là Phật tử.
Nghe tới đây cô liền tung chủ thuyết
tantric
của thầy Rajneesh của cô: chúng ta cần để sở
thích mình tự nhiên phát triển dưới bất cứ dạng
thức nào cũng được và phải sống đời sống hưởng
thụ lạc thú. Cô nói Guru Bagwan của cô coi nhẹ
sư ni Phật giáo vì họ đã từ bỏ bản tánh thọ
hưởng thế gian (đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh
tình dục và nếp sống độc thân mà họ đã khấn
hứa). Cô nói tiếp rằng tình dục rất đẹp đẻ mà
thế gian phải được biết qua và nên thọ hưởng,
đừng mặc cảm tội lỗi. Trong lúc nói chuyện tôi
cảm thấy tình mình đang dâng trào, trong đầu
cũng như trên cơ thể, và tôi phải kín đáo chuyển
thế ngồi để dấu con chim đang dậy, nhưng chắc
tôi không qua được mắt cô. Tôi trả lời với cô
rằng cách trì giới vô chấp trước và không đam mê
của Phật giáo hữu ích đối với một số người vào
một số thời điểm nào đó của đời họ. Và tôi đang
phải kiếm cách giải quyết vấn đề 'đứng lên' của
chính mình.
Cô tha thiết mời tôi đêm nay
đến chòi cô dưới bờ hồ để cùng nhau hút điếu cần
sa mừng lạc thú của cuộc đời. Bộ ba của cô rõ
ràng là không cân bằng và cô bé này là người đơn
côi nhứt. Tôi nhận ra rằng những thèm khát tình
dục vẫn còn tiềm tàng nơi tôi. Chúng đang lẩn
quất trong đầu tôi cũng như đang âm ỉ đun nóng
hạ bộ tôi. Không muốn tỏ ra mình ham hố, tôi lơ
lửng trả lời rằng tôi có thể sẽ đến sau khi
thiền xong. Cô vui ra mặt và nói: "OK, sẽ gặp
lại anh." Khỏi cần nói, buổi thiền đêm đó của
tôi bị ngắt quãng và làm hỏng bởi các ý tưởng
hồi chiều, những ý tưởng ấy trở tới trở lui liên
tục.
Tôi biết tôi đang bị dục vọng
lôi kéo nên bối rối không biết phải làm sao. Tôi
đã quy y Phật và Chánh Pháp của Ngài, bây giờ
lại nghe các lời
tantric
của Guru Rajneesh. Hai lối đi đều có lập luận
căn bản hấp dẫn, còn tôi chỉ là một tay mơ trên
khía cạnh diệt tham ái cũ. Nhưng thôi, tôi muốn
mở rộng tầm nhìn để học hỏi những điều mới lạ;
đó là một cách mà tôi thấy tôi cần làm để tôi
học cho tôi. Do đó, tôi định bụng rằng nếu có cơ
hội làm tình với một trong hai cô tân
synnyassins
kia, tôi có thể sẽ không bỏ qua, nhưng tôi không
nhứt thiết phải tốn thì giờ và công sức mưu tìm.
Khi trời vừa tối, bộ ba nhóm
lửa trại trước lều họ. Phút sau, tôi vận tấm vải
vàng lửng thửng qua. Anh chàng đang bận vấn điếu
thuốc Tây bự gồm cần sa pha với thuốc lá, còn
hai cô nàng đang pha cà phê sữa chế vô bình thủy
để dùng về sau; hai cô chỉ vấn có chút xíu vải
bó sát người. Sau khi chào hỏi nhau tôi ngồi
cạnh bên bếp lửa chờ họ xong việc. Tôi định bụng
trước là sẽ hút với họ nếu họ mời, sẽ thả nổi
theo họ, sẽ không có ý nghĩ gì khác hơn, và cũng
sẽ không cảm thấy tội lỗi gì cả. Khi họ ngồi
vào, họ đưa cho tôi điếu thuốc để tôi mồi đúng
điệu chủ khách. Tôi nhận nhưng hơi do dự. Để
nhập bọn, tôi trịnh trọng bật lửa và hô to 'Bom
Shiva,
Bom
Shankar'
theo nghi thức gần như thiêng liêng của dân híp
pi.
Tôi ngạc nhiên thấy mình phê ngay sau vài hít và
cũng không bị thuốc lá hành như trước đây.
Bốn chúng tôi ngồi quanh lửa
vừa uống cà phê vừa nói chuyện cho tới tối mịt.
Khi lửa gần tàn, ý nghĩ làm tình với Grita, cô
nàng trẻ nhứt trong đám và cũng là người tôi dạy
yoga,
chợt đến với tôi. Rồi như cô hiểu ý tôi, cô đề
nghị tôi với cô xuống bãi biển đi dạo mát. Tôi
đồng ý ngay vì tôi đã biết ý cô và cũng đang cần
không khí mới. Hai người kia, hình như là bồ
bịch với nhau, cũng đi nhưng đi đường riêng của
hai người.
Hai chúng tôi lên đầu bãi
đằng xa rồi ngồi bệt xuống cát nhìn sao đêm trên
vòm trời nhiệt đới. Không để mất thì giờ, Grita
tiến ngay bước đầu. Tôi quy phục. Rồi tôi đáp
lại. Chúng tôi măn mê nhau mê man và sau cùng đi
tới giai đoạn hoàn thành. Một luồng khoái lạc
bộc khởi làm đê mê cả người tôi, tôi biết và cố
để nó dâng trào, dâng càng cao càng tốt. Nhưng
không hiểu sao lúc ấy tôi không thật sự tận
hưởng mà lại để xuất tinh. Tôi thử nhìn vấn đề
bằng con mắt khách quan và thật tình vô chấp
nhưng tôi chẳng mấy thành công. Grita không phải
là người dễ thỏa mãn vì cô từng có hai tháng
kinh nghiệm sống ở
ashram
rồi. Tôi hơi mệt và chán chường sau hiệp đầu nên
không hứng thú tiếp tục. Tôi chào thua dục tình
chưa thỏa mãn của Grita. Làm tình với cô tôi có
ý muốn biết xem nỗi khát khao tình dục tiềm tàng
sâu trong tôi ở mức độ nào và tôi hy vọng tận
diệt chúng.
Nghỉ ngơi lấy sức, tôi cố
chơi thêm hai hiệp nữa. Sau đó tôi đo ván và
chán ngán cuộc truy hoan. Tôi tự hỏi phải chăng
tôi muốn giải quyết vấn đề một lần cho xong. Ít
ra tôi đã biết rằng ngần ấy thừa đủ cho tôi
trong một thời gian dài và rằng thiền minh sát
Nam Tông có thể giúp tôi giải quyết những vấn đề
còn lại. Hai ngày sau đó cho đến khi Grita và
hai bạn của cô rời đi, tôi không dám bén mảng
đến họ bởi sợ bị lôi cuốn lần nữa.
Vào tuần thứ ba, tôi có vẻ
thành thạo các thế yoga
mới học mà kết quả rất khả
quan bởi tôi cảm thấy mình nhẹ nhàng, giàu sinh
lực và an sinh hơn. Lối ăn uống theo yoga, nhẹ
và giới hạn bằng sa lách với trái cây tươi mà
tôi chú tâm đeo đuổi hồi gần đây, cũng đã đóng
góp phần nào vào những lợi lạc này. Hai yếu tố
nói trên giúp tôi nhiếp tâm khi thiền và vượt
qua nhiều trở ngại cũng như phiền não. Tôi có
thể đạt và giữ tâm mình vững vàng, giống như hồi
những ngày chót tôi theo học với Thầy Goenka.
Vào tuần chót có hai anh
người Úc đến trú ở một trong các lều bên kia hồ.
Họ cũng muốn học yoga và tìm hiểu những vấn đề
tâm linh nên đến gặp tôi. Chúng tôi kết bạn. Họ
có mời tôi qua lều họ dùng cơm tối vài lần--ăn
chapattis
và rau mà họ nấu nóng trên lửa trại. Vào những
lần này tôi bỏ lệ ăn một bữa mỗi ngày, nghĩ mình
nên thông cảm xã giao và có thể cũng vì món
chapattis
mới làm ngon quá. Họ chỉ mới biết sơ kinh phương
Đông thành thử tôn tôi làm thầy. Chắc tôi có
dáng dấp của ông thầy thiệt bởi tôi mặc áo vàng,
sống một mình, luyện yoga và thiền, và chỉ ăn
một bữa nhẹ mỗi ngày.
Tôi giới thiệu họ những gì
tôi biết về Phật pháp và dạy họ yoga và thiền.
Mỗi ngày, sáng và chiều, tôi chỉ họ một ít thế
yoga và những điều căn bản của quán sổ tức để
giúp họ đi bước đầu. Họ học rất chăm chỉ và tôi
cảm thấy vui vui đã có dịp chia sớt với họ những
gì mình biết. Tình anh cả/bạn tinh thần nảy nở
làm đôi bên đều được lợi lạc. Tuy nhiên tôi cần
phải hết sức thận trọng để đừng nghĩ sai rằng
mình biết nhiều và xem mình là kẻ cả thật sự, mà
có thể bị rơi vào cạm bẫy của cái ngã tự phong
mình làm
guru,
"Ông Thầy Tinh Thần."
Hai anh người Úc cũng định sẽ
dự dạ tiệc trăng tròn ở bãi Anjuna. Họ trở về đó
hai ngày trước còn tôi chỉ sẽ đến một ngày trước
khi dạ hội bắt đầu; chúng tôi hẹn sẽ gặp lại.
Thật sự tôi không có mục đích và cũng không có ý
muốn tham gia vào cuộc truy hoan nên định sẽ
đứng bên lề để quan sát. Làm vậy tôi hy vọng sẽ
thỏa mãn và dập tắt mong ước ngông cuồng tuy yếu
ớt song vẫn tiềm tàng nơi tôi bấy lâu nay, mãi
từ lúc tôi rời Amsterdam. Tôi cũng nghĩ rằng làm
vậy để giữ đúng triết lý của Guru Rajneesh. Tôi
cũng còn chút ý định sẽ hút tối hôm ấy nếu có cơ
hội. Tôi nghe nói bằng cách này hay cách khác sẽ
có rất nhiều LSD trong cuộc vui ở đó; thuốc sẽ
đến tìm mình nếu mình không đi tìm nó. Tôi không
biết nó có giúp hiểu tâm tôi thêm sâu sắc hay
làm tâm tôi trải rộng ra hơn không, cái tâm đang
hướng tới chân trời tâm linh.
Ngày trước khi trăng tròn,
tôi sửa soạn ra đi sau khi xong các sinh hoạt
thường nhựt. Tôi do dự không muốn rời và để lại
cho người khác hưởng cái thiên đường vô cùng
duyên dáng và đẹp đẽ đã thích nghi tôi tuyệt
hảo. Mang xách lên vai ra bãi, tôi dừng lại, lưu
luyến nhìn hồ và thung lũng kỳ diệu lần chót
trước khi đi khuất sau mỏm đá. Tôi quyết định đi
bộ tới Anjuna nên phải đi dọc theo bờ biển xuống
phía Nam chừng mười dặm rồi lội băng lạch lấy đò
chèo qua sông cái Chapora. Tới bên kia sông tôi
vô quán nghỉ chân và ăn bánh ngọt uống nước,
bánh Ấn Độ ngon và nước ngọt mát. Thật thích thú
vì tôi kiêng cữ đã lâu ngày. Thế mới biết thèm
muốn cũ vẫn còn, và tôi tạm thời đứng phía Thầy
Bhagwan tức không dẹp bỏ mà thỏa mãn chúng.
Anjuna còn lối hai dặm nữa
mới tới, đi bằng con đường mòn qua ngọn đồi
ngang vài xóm nhà và tiệm ăn cho Tây ba lô. Tại
đây tôi chạm một mặt quen--Ronald. Chúng tôi
ngạc nhiên gặp lại nhau và dừng lại nói chuyện.
Tay anh còn băng bột; anh kể tôi nghe chuyện
không hay xảy ra. Lúc say thuốc--mà anh đang bị
vướng vô--anh té xuống đá, chống tay nên bị gãy.
Anh đi với một nường nghiện người Pháp từ Nepal
xuống Calcutta và theo bờ biển Đông tới Puri. Cô
nàng là người tập anh có thói quen tai hại này.
Tại Puri cô ăn cắp hộ chiếu, tiền bạc và cả túi
thuốc của anh trốn đi, bỏ anh thất tha thất thểu
giữa đường. Từ đó anh đi lần tới Goa bằng cách
ăn xin du khách. Trường hợp anh cũng là cảnh ngộ
của nhiều con nghiện Tây Mỹ ở Ấn Độ. Tiều tụy,
hốc hác và mất hết tư cách, Ron biến thể thành
một nạn nhơn nữa của bi kịch á phiện Á châu.
Ron sỗ sàng xin tôi một ít
tiền làm như tôi thiếu nợ anh không bằng. Tôi
cho anh năm mươi rúp vì thương hại anh mà cũng
vì chút tội lỗi còn sót lại trong tôi. Đây cũng
là dịp tôi thực hành bác ái, một khía cạnh của
sự hành trì Phập pháp. Tôi hầu như không có xài
gì trong ba tuần rồi nên có phương tiện chia
sớt. Tôi không buồn kể chuyến đi của tôi từ
Nepal khi anh không hỏi. Tôi có nói tôi đang
trên đường đi Tích Lan nhưng hình như anh không
để ý tới. Ngay sau khi được tiền anh lật đật đi
như đã trúng tủ mong muốn. Một lần nữa, tôi ngẫm
nghĩ thấy rằng mỗi người có mỗi nghiệp dẫn dắt
họ đi mỗi ngả khác nhau. Tôi suy tưởng lại sự
sanh tuyệt hảo của con người và tôi mừng cho ơn
phước mình có được.
*
Chương 13
ĐÊM VUI
TRĂNG TRÒN Ở BÃI ANJUNA
Tôi đến bãi Anjuna để xem
trại khỏa thân lớn nhứt thế giới mà tôi có ý
mong đợi lâu nay. Bãi biển thênh thang với nhiều
ngọn dừa đu đưa trong gió. Hằng trăm thân hình
trần trụi sạm nắng đang nằm, ngồi, đi, đứng khắp
nơi. Để khỏi 'dị', tôi cởi chiếc quần đùi vắt
vai rồi thơ thẩn dọc theo bãi. Đó đây, có nhiều
nhóm nhỏ đang chụm nhum hút cần sa
chillum.
Có luôn một cặp đang làm tình giữa thanh thiên
bạch nhựt. Nhiều chòi lá bán thức ăn nằm rải rác
giống như ở Hồ Arambol. Tôi đến đầu dưới chỗ dốc
đá cao ngồi nghỉ mệt sau ngày đi dài. Tôi chợt
chú ý tới một người có dáng quen quen đang nằm
sấp gần bên. Anh vừa ngồi dậy đưa mắt nhìn chung
quanh. Như bị nam châm hút, hai chúng tôi ngó
nhau và nhận ra nhau cùng một lúc. Thì ra đó là
Martin, người bạn Mỹ mà tôi có dịp gặp trong một
tiệc vui ở Ma Rốc cách nay hơn một năm. Tôi nhận
ra anh ngay vì mớ tóc hung dài bồng bềnh và bộ
râu rậm ri của anh. Còn anh nhận ra tôi sau vài
giây lưỡng lự bởi nay tôi không còn mái tóc vàng
dài dưới vai, tôi đã thay đổi rồi nên không còn
dễ coi mặt đặt tên nữa. Chúng tôi ráp vô liền,
kể cho nhau nghe chuyện của mình hồi năm qua và
hỏi thăm tin tức của các bạn cũ. Martin và người
bạn tên Bill của anh cũng có đi Ấn Độ bằng ngả
Afghanistan, đến Manali và nhiều nơi khác trước
khi tới bãi Anjuna hai tháng nay. Trên đường đi
họ 'cáp độ' với hai cô bạn rất xinh. Tất cả đang
sống trong cái chòi nhỏ sau bụi rậm lớn gần đây.
Tôi kể anh nghe tôi đã đổi lối sống, thiên về
thiền và đã gần như bỏ hút hẳn. Tôi cho anh biết
thiền có thể giúp người ta lâng lâng tự nhiên và
lâu bền chớ không như ma túy làm người ta phê vì
nghiện, dẫu rằng tôi chưa đạt đến trạng thái
tuyệt mỹ đó. Martin nói anh rất tin lời tôi
nhưng trong hiện tại anh chưa thể theo được vì
anh còn đang vui cái thú phê thuốc. Anh cho biết
thêm anh đã dự hai cuộc liên hoan trên bãi
Anjuna rồi và từng chứng kiến nhiều cảnh hoang
dại với mọi người say thuốc kích động và lắc lư
theo nhạc
rock
inh ỏi của các loa cực mạnh. Tôi nói với anh tôi
đến đây là vì muốn mắt thấy tai nghe các thứ đó,
những thứ mà tôi đã đuợc nghe kể hồi trước.
Martin mời tôi ở lại nhưng
tôi xin phép từ chối. Tôi không muốn làm cuộc
vui của anh và bạn anh bớt hứng thú. Vả lại, tôi
muốn ngủ ngoài trời dưới bãi để ngắm sao. Tuy
nhiên, tôi có tới lều để chào Bill và gặp hai cô
bạn của anh. Bill ngạc nhiên khi thấy tôi; hai
đứa có nói chuyện một lúc. Anh có đề nghị tôi
hút mừng tái ngộ nhưng tôi hẹn khi khác. Vì
không có ăn từ sáng nên tôi đói và muốn kiếm gì
lót lòng. Tôi để xách lại lều và đi ra dò xem
chung quanh. Tôi thấy có nhiều lều bán trà, nước
ngọt, khoai tây chiên, sà lách, sà lách trái cây
và sữa chua. Tôi vô quán gần bên ăn sà lách và
sà lách trái cây trộn sữa chua. Khá ngon miệng.
Theo lối cát mòn đi vô phía trong, tôi gặp nhiều
nhà và lều quán ẩn mình dưới rạng dừa cao, những
hình thức kinh doanh nhằm phục vụ nhóm híp pi
thường tới lui khá đông trong vùng này. Nhiều
người ngoại quốc đến đây mướn nhà ở qua mùa Đông
từ tháng 10 tới tháng 4. Phía trong xa hơn là
làng Anjuna. Làng nhỏ nhưng có trạm bưu điện,
bến xe buýt, nhiều chỗ cho mướn xe đạp, và một
ít tiệm bán đồ dùng hằng ngày. Nếu cần mua sắm
nhiều cho cả tuần, các nhà nội trợ híp pi
đi chợ Mapusa cách đây hai
dặm. Làng Mapusa lớn hơn và có đường xe đò đi
đến hầu hết các địa điểm chánh ở Goa. Tôi đự
định sẽ lên đây trong vài ngày tới để lấy xe
buýt xuống miền Nam.
Chiều tối, tôi nhận lời
Martin và Bill hút điếu cần sa. Tôi hút nhưng
không thấy có gì tội lỗi vì tôi hút để kỷ niệm
thời xưa và nhớ lại bạn cũ như Barry, Larry và
Fred. Cần sa Afghan làm tôi phê ngon lành. Lát
sau, nghe có nhạc tây ban cầm và tiếng hát vọng
lại từ quán trà gần. Tôi thấy bà con bắt đầu kéo
về phía quán, nơi có tiếng kèn túi. Martin cho
tôi biết đó là tín hiệu mời cơm miễn phí và mời
cùng hát do đám Con Chúa Ngông tổ chức mỗi chiều
tối. Họ gồm mười người, tất cả đều là Tây, sống
trong căn nhà nằm dưới phía Nam của bờ đá, cách
đây chừng hai mươi phút đi bộ. Nhà họ là cứ địa
của 'cuộc thập tự chinh ồ ạt' vào 'ổ tội lỗi'
trong vùng (bãi biển Anjuna). Mỗi đêm nhóm nấu
một nồi thức ăn lớn, thường là súp hay hầm, ăn
với cơm và
chapatti
để phát không cho ai tham
gia. Trong lúc soạn bữa ăn, một người trong bọn
họ chơi tây ban cầm và hướng dẫn cùng-hát để cổ
động. Thấy vui vui, tôi đến xem. Tôi ngồi xếp
bằng chừng như đang ngồi thiền. Vì còn say cần
sa, tôi chỉ ngồi nhắm mắt, nghe hát dân ca trong
lúc theo dõi phản ứng của thân mình và hơi thở.
Tôi đặc biệt thích bài hát có
câu 'You
must be like a tiny baby to get into the kingdom
of heaven--Bạn
phải giống như một em bé nho nhỏ để bước lên
chốn thiên đàng.' Chợt nghe câu hát ấy tôi liền
mở mắt và thấy em bé đang được một người đàn bà
trong nhóm đu đưa trên tay. Em trông ngây thơ và
trong trắng với nụ cười rạng rỡ trên môi. Tôi
hiểu câu hát này theo quan niệm Phật giáo của
tôi. Trong năm đầu sơ sanh, bé chưa bị hoen ố
bởi ích kỷ, thù hằn, thành kiến và những quy
định thuờng thấy ở đời. Do đó, chúng ta cần quay
lui về thời ấu thơ; tâm ta cần được tịnh hóa
khỏi cái bản ngã yêu quý và các độc tố tâm linh
hầu đạt sự tự do thật sự hay Niết Bàn. Đó là
"Niết Bàn trong ta". Tôi lắng nghe hết tất cả
các bài hát trong tâm trạng phóng khoáng đó và
không quan tâm đến những từ như Chúa, Thượng Đế,
tội, thiên đường, cứu rỗi, vân vân, theo nghĩa
của kinh thánh; tôi hiểu ý bóng của lời hát. Tôi
không cần hát theo nhưng hiểu ý nghĩa thâm sâu;
đó mới là điều quan trọng. Tôi thấy tâm hồn mình
dâng trào niềm vui lớn và tôi ngồi trong lặng
yên gần nửa tiếng đồng hồ. Thật buồn cười khi
thấy hầu hết bọn hâm mộ ăn mặc hở hang chỉ xuất
hiện trước khi cơm dọn ra và chuồn lẹ ngay khi
vừa ăn xong để khỏi nghe những lời phúc giảng
phục sinh hùng hồn. Mặc dầu tôi mới ăn vài giờ
trước đó, tôi không thể bỏ qua món rau hầm với
cơm, bữa ăn mà tôi nghĩ rất tốt cho tấm thân sụt
ký của tôi. Sau đó mỗi người trong nhóm chia đi
nói chuyện với từng khách một. Tôi biết truớc họ
sẽ nói gì bởi tôi có chút kinh nghiệm với đám
Jesus Freaks
ở Palm Spring rồi. Để tỏ ra lịch sự đối với sự
chu đáo mà họ đã dành cho và cũng vì tin tưởng
nơi căn bản Phật pháp mới học, tôi ngồi lại
trong lúc các híp pi khác tan hàng sớm. Một anh
ngồi xuống và hỏi tôi có tin Chúa không? Tôi trả
lời: "Tôi tin vì Ngài là một vị Bồ Tát lớn và là
người đã ngộ." Anh nhìn tôi hoang mang và nói
"Mà anh có nhận Ngài là con của Thượng Đế và là
vị cứu rỗi của anh không?" Tôi trả lời rằng nếu
ai theo gương và lời chỉ giáo của Ngài, ví như
quên mình, hy sinh và thương yêu mọi người,
người ấy tự cứu rỗi bằng hành động và ý niệm, và
như thế là nhận Ngài như đấng cứu rỗi vậy. Anh
kinh ngạc và lật đật rút Thánh kinh ra chỉ cho
tôi đoạn nói: "Tôi là Sự Thật, Ánh Sáng và Con
Đường; không ai có thể đến với Thượng Đế trên
Thiên Đàng mà không qua Tôi; Tôi và Đức Thánh
Cha là Một." Anh nhấn mạnh điểm không ai có thể
tự cứu rỗi chỉ bằng sự cố gắng của mình, dẫu có
nghĩ rằng mình trong trắng thế mấy đi nữa. Tôi
cố thuyết để anh hiểu Đức Chúa đã nói rằng:
"Thiên Đàng ở trong anh", do đó anh có thể tự
tìm thấy bằng cách thiền. Tôi nói thêm Đức Phật
cũng từng nói như thế nhưng bằng lời lẽ khác mà
thôi. Trước khi tôi nói hết câu, anh cướp lời và
biện bác thêm bằng nhiều đoạn Thánh Kinh dí dỏm.
Anh vặn lại bằng cách nói rằng người vô luân
không thể thấy và đạt được Thiên Đàng bằng công
sức riêng và thiền không thể giúp tự cứu rỗi.
Tôi có thể tranh luận với anh
tiếp, nhưng kinh nghiệm cho biết tôi chỉ phí sức
nên lặng thinh. Sau thêm vài phút giảng Thánh
kinh bằng lời lẽ 'đao to búa lớn', anh kết luận
tôi chưa thể cải hóa được trong lúc này. Anh cố
khuyên tôi nên suy nghĩ lại kỹ càng và nhận Chúa
trước khi quá trễ. Tôi cám ơn anh và nói tôi sẽ
suy nghĩ. Anh đứng lên từ giã tôi để đi tìm một
'linh hồn lạc lõng' khác.
Sau khi ghé Martin lấy xách,
tôi xuống biển tránh đám đông. Tôi ngồi 'thiền
quét' một đỗi để thể nghiệm sự vô thường trong
và quanh tôi và kết thúc bằng cách rải tâm Từ.
Sau đó, tôi nằm dài trên cát ấm dưới bầu trời vô
tận. Tôi thức dậy lúc chạng vạng, ngồi thiền một
giờ rồi tập du già
Vừa lúc tôi kết thúc và định
xuống biển tắm có đôi nam nữ đến. Cả hai đều
trần trụi trừ mảnh khăn vắt trên vai và xâu
chuỗi mala
quấn quanh cổ. Người đàn ông xách cái trống thon
thon bịt da hai đầu. Họ đi thẳng tới trong lúc
tôi còn ngồi trên bồ đoàn. Họ hỏi tôi có thể
giúp họ không. Tôi chợt nhận ra hình của Bagwan
Sree Rajneesh trên xâu chuỗi của họ, hình ảnh mà
tôi có dịp thấy Grita và các bạn của cô đeo lúc
ở đằng Hồ Arambol. Đôi nam nữ này là người Đức
và cũng là đồ đệ của Guru Rajneesh. Họ giải
thích họ sẽ hành một lối 'thiền hỗn loạn' theo
tiếng trống. Họ chỉ cần tôi giúp đánh trống theo
nhịp điệu của họ, trước chậm sau nhanh. Họ sẽ
đứng múa trước và khi họ sà xuống cát ngưng tác
động thì tôi ngưng trống. Tôi nói tôi chưa biết
nhưng tôi sẵn lòng giúp. Người đàn ông trao cho
tôi chiếc trống dài và nói tôi cứ đánh tùy hứng
hay tự nhiên theo động tác của họ. Tôi ngồi vào
thế hoa sen, để trống ngang trên chân trong lúc
họ gỡ chuỗi thảy lên trên hai thẻo vải để dưới
cát.
Tôi bắt đầu đánh trống chầm
chậm như đã chỉ còn hai anh chị bắt đầu hít thở
sâu. Chẳng bao lâu họ xoay thân hình trần truồng
của họ qua trái qua phải, mỗi người theo điệu
riêng của mình và theo tiếng trống của tôi. Khi
nhịp trống lên nhanh, họ nhảy múa, quơ tay, lắc
đầu, rơi ngồi trên gối, cung tay đập xuống cát,
gào thét, và để mọi thứ bốc ra như người ta
thường nói. Tôi không biết tại sao các động tác
'ngây ngất' ấy phát sanh và tôi cũng 'bị lây'
trong lúc đánh trống. Ba chúng tôi dường như vô
tình hòa quện vào nhau và tôi không biết họ theo
tiếng trống của tôi hay tôi theo nhịp điệu của
họ. Tôi không còn điều khiển được tay tôi nữa.
Tôi tưởng chừng cả ba bị dẫn dắt bởi một lực
siêu nhiên đi lần lên cực điểm.
Chừng mươi lăm phút sau chúng
tôi bất thần dừng lại cùng một lúc. Tôi vỗ nốt
chót và hai anh chị ngưng hẳn mọi động tác rồi
từ từ quỵ xuống cát nằm bất động. Tôi cũng mệt
lả, để trống lăn khỏi chân, nằm chuồi ra cát.
Ánh nắng nhẹ của ban mai dịu hiền chiếu xuống ba
tấm thân kiệt lực. Tâm tôi yên tĩnh, ngập tràn
an lạc. Thân tâm tôi như được trẻ lại từ trong
ra ngoài. Một cảm giác hòa điệu hoàn toàn với
thiên nhiên lan tỏa khắp người tôi. Cả ba nằm mơ
màng trong khoảng mươi lăm phút mới thức tỉnh.
Hai anh chị cám ơn tôi đã tham gia và họ cho
biết họ đã cảm nhận luồng nhân điện của tôi. Tôi
trả lời: "Tôi rất hân hạnh." Đoạn, ba chúng tôi
xuống biển bơi tuốt ra khơi, khỏi vùng sóng đỗ.
Đôi bạn người Đức này đã có
lần sống trong
ashram
ở Anjuna đây, nơi mà Grita và hai bạn của cô đã
ở. Dĩ nhiên họ biết nhau. Họ giải thích cho tôi
biết rằng lối 'thiền hỗn độn' là một liệu pháp
gào thét căn bản dùng để trút mọi cảm xúc bị dồn
nén hay mọi đau buồn của thời thơ ấu. Theo Guru
Rajneesh của họ, thực hành lối thiền này để làm
vơi mọi căng thẳng tinh thần hay thể chất trước
khi hành các môn thiền thông thuờng. Mọi người
sống trong
ashram
của ông đều hành 'thiền hỗn độn' mỗi sáng. Họ có
lập lại những điều mà Grita đã có lần nói với
tôi về triết lý
Tantric
và
"phòng
Tantric'
ở ashram.
Họ còn cho biết thêm
ashram
địa phương đang bán hạ giá một số sách cũ và mời
tôi tới xem. Sau đó, họ cáo biệt ra về theo
hướng lúc họ đến.
Tôi xách đồ trở lại lều của
Martin. Martin mời tôi ở lại ăn cháo trái cây mà
hai cô bạn anh vừa nấu. Tôi thuật lại câu chuyện
'thiền hỗn độn.' Martin cười và nói đồ đệ trời
ơi của Rajneesh thường tới rẻo bờ biển yên tĩnh
này, theo lời anh, để 'nhảy ngựa'. Anh nói đây
là nơi lý tưởng để họ hành 'thiền hỗn độn', thỏa
mãn tình dục và hút cần sa thả giàn. Anh cho
biết thêm rằng đám con gái
neo-sannyassins
nổi tiếng là dễ chung chạ và là mồi ngon của
bọn con trai kể cả những đứa không phải là
sannyassin
muốn 'chơi không'. Martin từng sống nơi đây ba
tháng nay nên biết rành các trò của họ. Anh
không tán đồng và nghĩ họ rất dị cũng như các
Jesus
Freaks.
Sau bữa ăn sáng, tôi thả lên
bãi Bắc, thân trần truồng như nhộng. Trên đường
đi tôi thỉnh thoảng xuống nước ngâm mình. Tôi
cảm thấy tuyệt diệu khi sống tự nhiên--không cần
dấu diếm mà cũng chẳng phải hổ thẹn nhận những
gì thiên nhiên đã dành cho. Thật đẹp đẽ biết bao
khi nhìn thấy mọi người đến từ mọi nẻo cùng gặp
và cùng chung sống với nhau, dẹp bỏ mọi phiền
toái của xã hội để trở về cội nguồn. Trên đường
trở lại lều tôi gặp một người quen: Antonio, anh
bạn Tây Ban Nha có mớ tóc dài mà tôi biết hồi ở
Gomera và Kabul. Anh đi cùng nguời bạn tên
Pablo. Pablo mời tôi đến căn lều nhỏ của anh ở
gần đây để hút điếu
chillum
với các bạn. Tôi không muốn vì đang lâng lâng tự
nhiên, nhưng tôi nhận lời vì bản tính xã giao
cũ. Tôi theo về. Pablo vấn một điếu lớn dùng cần
sa Manali và nhiều thuốc lá, thứ thuốc lá mà tôi
rất sợ. Sau hai hơi tôi buồn nôn và có cảm tưởng
như bị bịnh tới nơi. Nhưng không muốn mang tiếng
'hút rồi chạy', tôi ráng ngồi lại một thời gian
cho đến khi hết chịu nổi. Tôi bèn cám ơn cáo từ
rồi rút lui ngay để kịp hít không khí trong lành
bên ngoài; tôi qua mắt được họ. Đi một chút tôi
thấy khỏe lại dầu đầu còn nặng và tôi chưa thật
thoải mái như trước. Tôi trách tôi sao quá điên
rồ đã cưỡng lại nhận xét chính đáng của mình.
Tôi sực nhận ra rằng có một xu lực khá mạnh ẩn
náu trong tiềm thức luôn luôn đấu tranh với
những thiện ý để dành phần thắng. Tôi cũng nghĩ
tôi đã học được một bài học là phải quyết tâm từ
bỏ hẳn cái tật xấu kia đi. Tôi chợt nhớ lại lời
của Guru Rajneesh khuyên nên chìu tham dục cho
đến khi nó nhàm hay chán để không còn đòi hỏi
nữa.
Tôi đi vô làng nhỏ Anjuna,
đến thăm trung tâm của Guru Rajneesh. Tôi được
anh chàng người Đức gặp hồi sáng đưa đi xem.
Phòng tiếp tân có treo rất nhiều hình của Guru
Rajneesh chụp trong nhiều dịp khác nhau. Tôi
đứng lại xem một hồi. Ông có dáng dấp của một
guru Ấn Độ, ngoại trừ cái trán sói. Áo dài
trắng, tóc râu hoa râm, gương mặt trong lành, và
đôi mắt có thần của ông làm ông trông rất kỳ bí,
một sự kỳ bí tiềm tàng sự ngộ đạo của ông. Trên
bàn để trong góc thấy có nhiều sách cũ được bày
bán. Tôi lựa ba cuốn, hai cuốn do ông viết là
From Sex to
Super Consciousness--Từ
Tình Dục đến Siêu Ý Thức và
The Book of Secrets--Sách
về những Bí Mật' và cuốn thứ ba tựa đề "The
Way of Zen--Thiền
Zen' của Alan Watts, một người trước theo Chúa
sau trở thành đồ đệ Zen. Sách bị rách nhiều
chứng tỏ đã qua tay nhiều người đọc rồi. Rất rẻ.
Tôi mua hai cuốn và bỏ lại 'The
Book of Secrets'
vì cuốn này dày và nặng không tiện mang theo.
Như vậy, tôi có sách hay để đọc trên đường xuống
phương Nam sắp tới. Anh người Đức có chỉ tôi xem
'phòng
Tantra'
nơi dành cho những ai có đòi
hỏi sinh dục mạnh mà theo Guru cần phải được xả
bớt. Đồng sự để giúp những người có nhu cầu đó
có thể không khó tìm.
Đặt nặng vấn đề sinh dục như
nói trên đối với tôi có vẻ quá đáng. Tôi chưa
bao giờ bị ám ảnh bởi thứ sinh dục công khai mà
Guru Rajneesh cũng như các 'thầy áo vàng' của
ông và nhiều người khác từng quan tâm. Dĩ nhiên,
tôi có nhu cầu nên đã giao du với Gail trước đây
hay với Linda ở Skyros và Grita hồi gần đây.
Thật tình, tôi có nghĩ phớt qua thỉnh thoảng khi
thấy một cô gái Âu Mỹ khêu gợi hay một bà Ấn Độ
đẹp và tôi có bị mộng tinh đôi lần. Tuy nhiên
tôi không có nghĩ tới ái ân hay bị dục tình ám
ảnh triền miên. Trong giờ thiền, nếu có niệm ấy
dấy lên tôi xem nó, Anicca, như một phản xạ tập
quán, đến rồi đi. Ai cũng biết đó là những biểu
hiện của dục vọng tiềm tàng và bản năng thâm căn
mà nam nữ đang tuổi thanh xuân không sao không
có. Trong trường hợp của tôi, tôi thật tình
không biết đó là biểu hiện của sự tự chế hay
đàn áp của tiềm thức. Mà tôi không muốn đặt
thành vấn đề làm gì. Có thể sách 'From
Sex to Super Consciousness'
giúp tôi hiểu rõ hơn. Giờ đây, tôi cần sẵn sàng
cho lễ hội trăng tròn sắp đến. Bà con đang lo
đặt máy phát âm và loa lớn trên bục cây dựng
trên bãi cát cách chỗ của Martin không quá hai
trăm mét.
Sập tối, tôi ngồi vào thế hoa
sen, thở sâu và nhịp nhàng để vận chuyển năng
lực. Tôi quán chiếu mình như một nhà du già đang
cảm thọ khí lực
prana
mà hơi thở mang vô toàn thân. Phương cách này
làm con người tôi thoải mái nhờ máu được tiếp tế
nhiều oxy và não bộ được kích thích. Khi tôi
xong đâu vào đấy rồi nhạc
rock
cũng
vừa trổi lên. Vài phút sau có anh chàng Ngông
tóc dài
tới nhoẻn cười qua hàm râu
rậm ri và đưa cho tôi một ô giấy nhỏ với lời
chúc 'happy
trails--lên
đường cực lạc'. Trên người anh chỉ vỏn vẹn có
cái xi-líp cột dây chữ G và cái đãy đeo vai. Anh
xuất hiện bất thần làm tôi mất hồn nên không kịp
có lời cám ơn; mà cũng không cần. Tôi mất định
hướng và không rõ thời gian một chập. Khi hoàn
hồn tôi đã nuốt tọt ô giấy a cít rồi, còn anh
thì đã biến mất.
Tôi không thể tưởng tượng
việc gì đã xảy ra và cũng không thử tìm hiểu.
Chẳng bao lâu, tôi lâng lâng và không còn cảm
giác mình gắn liền với thân nữa; hình như tôi
chỉ còn là một cái túi không khí. Nhạc trở nên
huyền diệu chừng như đang nhảy múa trong không
trung và bầu trời trở thành một bức tranh phấn
màu làm tôi mê say. Hơi thở sâu mà tôi bắt đầu
lúc nãy bây giờ cứ tự nhiên tiếp tục. Toàn thân
tôi ngứa rang và rộn ràng với một nguồn khí lực
vi tế, dầu rằng hình dạng nó không rõ ràng. Tôi
không thể nghĩ suy và 'cái tôi' của tôi đã tạm
vắng mặt. Tôi cũng không thể tự cử động. Xác
thân tôi trở thành mỏng manh và kỳ lạ nhưng đồng
thời rất tươi đẹp.
Hình như lối ba mươi phút
sau, nhạc Led Zepplin trổi lên, tôi sực tỉnh.
Nhóm acid
rock
độc đáo và quen thuộc mà tôi rất yêu thích này
tác động ký ức tôi khiến tôi say sưa mãnh liệt.
Tuy nhiên tôi cố kiểm soát mình để có thể tự
đứng lên và đi tới phía phát ra âm thanh cám dỗ
ấy. Túi đeo vai đựng đồ cần thiết và chiếc khăn
màu cam thắt ngang lưng giờ thành thừa thãi, nếu
không muốn nói kỳ dị. Tôi không biết làm sao và
muốn liệng chúng đi cho rảnh nợ. Nhưng một
thoáng lý lẽ nhắc tôi trở về thực tại. Tôi nhét
khăn vô xách và xách xách theo. Tôi đi mà có cảm
tưởng như mình lướt chầm chậm và nhẹ nhàng trên
cát.
Trời tối nhưng khu vui chơi
rực sáng đền và lửa trại. Bà con đã xuôi ngược
và tụ năm tụ bảy trong khu vực. Nhạc nghe càng
lúc càng lớn khi tôi xích tới gần nhưng không
quấy rầy tôi chút nào hết. Tôi dừng lại chỗ đèn
không chói lắm, sát khán đài, rồi ngồi bệt xuống
cát; thân tôi không muốn đứng. Tôi ngồi tréo
chưn và cứ ngồi như vậy, không còn để ý tới nữa.
Cái ngã của tôi đã chìm khuất, chỉ còn có không
trạng tỉnh thức, tình trạng không gian không
thuộc về ai, trong ấy dấu vết lơt lạt của 'cái
tôi' chỉ lơ lửng ở phía sau xa xôi. Khá đông
trai gái Ngông nhảy múa man dại, uốn éo thân
trần truồng theo nhịp trống phát ra từ các loa
điện tử.
Thâu đêm tôi được nghe nhiều
khúc nhạc của thời vàng son xưa như The Doors--'Light
My Fire';
Jefferson Arplane--The
Moody Blues--'InSearch
of the Lost Chord';
The
Beatles--'Magical
Mystery Tour';
Jimi
Hendrix--"Are
You Experienced'; và
Led
Zepplin--'Stairway
to Heaven'.
Chắc là ai đó có nhiều kinh
nghiệm lắm trong việc lựa chọn và điều hành việc
chơi nhạc đêm nay. Tôi cảm động khi được nghe
lại các điệu cổ điển xưa nhờ sự hiểu biết rộng
rãi của người điều khiển đó. Tôi có thể khám
phá, thâm nhập và thưởng thức ý nghĩa bí truyền
của các lời nhạc một cách sâu xa và thắm thiết
mà trước đây tôi chưa nghe biết. Tôi từng nghe
các bản này nhiều lần rồi trong lúc phê, nhưng
ít khi được nghe trong tình trạng tâm an định
khả dĩ phân biệt từng câu từng chữ và hiểu hết ý
nghĩa duy linh. Và ví dầu tôi có hiểu đi nữa thì
chỉ hiểu lờ mờ, vì lúc bấy giờ tôi đâu có thiêng
về siêu hình hay thật sự tin vào tâm linh. Chung
chung, tôi biết rằng các âm điệu đó nói lên
những gì cao xa ngoài trí thông thường, nhưng
cũng chỉ là những khúc hát phóng đại tiêu biểu
cho giới híp pi đương thời.
Ngoài đám nhảy múa, có nhiều
nhóm nhỏ ngồi hút cần sa, và 'Bom
Shiva, Bom Shankar'
được nghe xướng lên đó đây từng chập. Nhóm gần
tôi nhứt cách tôi chừng vài thước. Một người
trong nhóm vói đưa tôi điếu thuốc, nghĩ rằng tôi
đang cô đơn vì ngồi có một mình. Thiệt tình
không phải vậy, tôi biết tôi: tôi không cần gì
hết trong lúc này. Tôi có cảm tưởng lực
sống/tỉnh thức của tôi không khác cái lực điều
động các người đang nhảy múa; lực này do khói
cần sa kích thích bầu không khí lễ hội. Tỉnh
thức mà tôi đang vui hưởng là một phần hòa nhập
hay là phần căn bản của quang cảnh chung, 'quang
cảnh khiêu vũ vũ trụ của cuộc sống[27]'.
Đó là cảnh mộng lành và là trạng thái tỉnh thức
cao nhứt, bao la nhứt mà tôi chưa hề cảm thọ.
Cảm thọ ấy dâng cao một lúc.
Khi tôi có thể suy tư trở lại, tôi không biết
trạng thái giác ngộ có giống vậy chăng. Tôi
không nghĩ Niết Bàn có thể bao la và đẹp đẽ hơn,
ngoại trừ tính thường hằng. Vì mục tiêu đó, tôi
hành thiền, luyện du già và hút cần sa ma túy;
cần sa ma túy, tôi nghĩ, có thể giúp tôi một
cách tuyệt diệu. Tôi biết tôi sẽ trở lại thực
tại, nhưng nếu còn hưởng được lúc nào tôi tận
hưởng lúc đó, chỉ tận hưởng mà không tham lam
vướng mắc. Kinh nghiệm huyền diệu ấy làm tôi tin
nơi công phu tập luyện tâm linh hay hành trì
Phật pháp; nó 'put
the icing on the cake--phết
kem lên bánh',
như người ta thường nói; nó giúp hiểu rằng không
còn gì phải nghi ngờ kết quả thu đạt được do
công phu nói trên. Con đường tôi đang đi được
xác quyết rõ ràng và tôi nhứt định đi tới để đạt
sự tỉnh thức hay trạng thái tương tợ. Và từ hôm
nay tôi tin tôi không cần tới ma túy nữa.
Trở lại bình thường vào lúc
nửa đêm, tôi chợt nghĩ nên ra bãi ngắm trăng.
Nước biển long lanh như mời gọi, tôi bèn xuống
nhúng mình để hưởng lấy cái long lanh ấy. Tôi có
cảm giác kỳ lạ tưởng chừng như mình với nước
cùng là một thể. Nước dường như thấm thấu qua
màn trong suốt và phi vật thể của thân tôi. Tôi
tự cảnh giác không để bị cuốn trôi và mất liên
lạc với thế giới hiện hữu. Tôi bèn lên bờ chỉ
sau vài phút xuống nước để tránh có thể bị đắm.
Có tiếng gọi to "Joseph,
Joseph[28]".
Tôi quay lại và thấy hai bạn người Áo. Họ cũng
đã nuốt acít và cũng đã phê. Họ tìm tôi để hỏi
về những cảm giác kỳ lạ mà họ vừa chứng nghiệm;
họ dùng thuốc gây ảo giác lần đầu tiên nên chưa
có kinh nghiệm. Một trong hai anh thuật lại cảm
giác thân anh như tan biến và anh không còn nhận
ra thời gian và không gian được nữa. Anh sợ anh
không thể trở về với xác thân mình và có thể
chết hay mất trí. Anh kia không có cảm giác mạnh
đó nhưng lây sợ vì thấy bạn anh quá sợ. Hiện giờ
họ tỉnh vì thuốc đã tan. Họ nghĩ tôi biết tại
sao và nhờ tôi cắt nghĩa dùm. Tôi còn đang lơ mơ
theo mây theo gió nên chưa thể suy tư chính chắn
được. Tôi chỉ có thể nói rằng: "Tất cả đều là
trống không, là ảo giác; và tất cả do tâm mình
mà ra." Tôi lập đi lập lại hai ba lần trong sự
kinh ngạc của riêng tôi.
Trăng đang chìm sâu dần và
nhạc đang trên đà kết thúc. Lối hai mươi người
còn đang thức qua đêm; họ ra bãi đi dạo, tắm
biển, làm tình (những người có cặp), hay chỉ nằm
nhoài xuống cát vì chưa tỉnh. Còn tôi thì lúc
ngồi, lúc nằm, lúc đi dọc mé nước; tôi chiêm
nghiệm quá khứ, hiện tại và vị lai theo nhân
quả; tôi chiêm nghiệm lý do mà mỗi người tiến
hay thối trên bước đường sanh tử theo nghiệp của
mình. Khi trăng khuất dưới chân trời, tôi xuống
biển tắm sáng. Mặt trời lên tôi tắm nắng mai.
Sau đó tôi ngủ một giấc say. Tôi không luyện du
già hay ngồi thiền sáng nay vì tôi chưa thật là
mình trong lúc bấy giờ. Vả lại, trọn đêm hôm qua
là thời thiền của tôi đó.
Hôm sau tôi giã từ không khí
híp pi trên bãi Anjuna và tiếp tục xuôi Nam về
vùng đất mũi. Tôi lấy xe đò địa phương chạy
đường dọc duyên qua Kerala. Tôi nghỉ lại mỗi
chiều để xuống biển. Làm vậy, tôi có thể tiếp
tục thiền và tập du già mỗi sáng và tối, và khỏi
tốn tiền phòng ngủ.
Một chiều nọ, tôi gặp một
chuyện thật dị kỳ khi lửng thửng vô làng nhỏ
dưới biển. Có nhiều người đằng trước đứng ngó
tôi chòng chọc. Khi đến gần, tôi thấy họ xầm xì
với nhau và ánh mắt họ không mấy thiện cảm. Rồi,
họ kêu thêm dân làng ra. Không biết làm sao, tôi
cứ lầm lủi đi tới. Họ chận tôi lại. Họ nhắm tôi
hét lớn nhưng tôi nào đâu hiểu được tiếng địa
phương của họ. Họ chỉ vô xách và như đòi tôi mở
ra cho họ xem. Bị động nhưng cố làm tỉnh, tôi
tìm lối đi quanh. Họ hè nhau vây tôi; vài người
xô tôi, vài người khác tìm cách giựt xách đeo
vai của tôi. Tôi rất sợ vì không biết tại sao họ
có thái độ dọa nạt như vậy. Đúng là họ quan tâm
tới những gì tôi mang trong xách nên không ngớt
chỉ vô đó. Tôi đành mở xách cho họ xem để họ hết
tò mò--sự tò mò rất ầm ĩ. Người chủ chốt trong
đám lục xách nhưng không tìm thấy gì họ muốn tìm
nên đám đông lần lần dịu xuống.
Lúc bấy giờ có một thanh niên
đến giải cứu. Anh ăn mặc khá tươm tất và nói
được tiếng Anh. Tôi hỏi anh chuyện gì vậy. Anh
hỏi lại đám đông và được biết họ tưởng tôi là
tên thầy ác ôn vì thấy tôi để râu xồm và mặc áo
màu cam. Họ nói bọn giả dạng thầy tu đi rong để
rình bắt cóc con nít thường xảy ra ở đây lắm. Họ
nghi tôi có giấu một em bé trong xách. Thật là
chuyện hoang đường! Tôi không ngờ đám dân quê
chất phác này thật sự nghĩ tôi có thể nhét một
đứa bé trong xách nhỏ của tôi rồi dám ngang
nhiên đi ngang qua họ giữa thanh thiên bạch
nhựt. Hết sức phi lý. Tôi không biết làm gì hơn
là thương họ phải sống trong sự sợ hãi như vậy.
Anh bạn trẻ mời tôi về nhà
không xa đó. Anh tiếc tôi đã bị đám đồng bào
khiếm nhã của anh làm phiền và tha thiết mời tôi
về đằng anh nghỉ ngơi sau câu chuyện rởn tóc gáy
đó. Đã bốn giờ rồi, tôi thấy cần có chỗ qua đêm
nên vui vẻ nhận lời và thành thật cám ơn anh.
Anh tên Dinesh, sống với mẹ già, một em trai và
hai em gái, trong căn nhà đơn sơ theo tiêu chuẩn
Ấn Độ. Dinesh là ca sĩ có dĩa thu thanh, thường
ca hát trong các hàng quán hay đình đám ở
Kerala. Anh rất mừng nghe nói tôi thiền và biết
du già bởi ba anh từng là một đồ đệ du già
cho tới khi mất vài năm trước
đây. Ở Ấn người ta thường nghe nói tới bạn bè
hay thân thuộc luyện môn này chớ ít khi gặp
người thật sự luyện. Dinesh đưa tôi khăn và xà
bông rồi chỉ tôi ra tắm ngoài giếng sau nhà. Tôi
không được tắm nước ngọt với xà bông lúc gần đây
nên chụp ngay cơ hội ra dội nước giếng và kỳ cọ
toàn thân.
Tối đó tôi được mẹ và hai em
gái của anh dọn cho bữa ăn linh đình với cơm,
dhal,
chapattis
với tàu hủ,
hai ba món cà ri chay, và chuối tráng miệng. Sau
đó anh đưa tôi vô làng xem liên hoan và lễ hội
tôn giáo hằng năm đang diễn ra trọn tuần này.
Có voi với thảm phủ đầu, đèn màu, nhạc ầm ĩ, trò
chơi, quầy thức ăn, và đám người đông đến từ các
làng kế cận. Dinesh giới thiệu tôi với một số
bạn của anh và gọi tôi là 'nhà du già người Mỹ'.
Sau nửa giờ rảo quanh tôi đâm chán và xin về;
anh cũng về theo. Được thấy cách vui chơi của
dân quê Ấn cũng là điều hay hay, tôi nghĩ. Rồi
tôi nghĩ thêm không biết các người nhà quê thiếu
thốn này phản ứng thế nào nếu được xem xiệc của
The Ringling Bros hoặc những pha xiệc ngoạn mục
khác.
Tôi đến Mũi Comorin vào lúc
xế hôm sau. Người Ấn gọi mũi đất này là
Kanyakumari, có nghĩa Nữ Thần Đồng Trinh. Ở đây
có đền Hindu lớn thờ Bà, người mà thần thoại
Hindu gọi là Parvati, phu nhân của Thần Shiva.
Đền thờ là một điểm du lịch thu hút rất đông
khách. Khách đến đây còn được ngắm trời lặng và
trăng lên cùng một lúc. Kanyakumari cũng là nơi
trăng mật lý tưởng của các cô dâu chú rể Ấn.
Mũi Comorin là giao điểm của
ba biển: Ấn Độ Dương, Biển Á Rạp và Vịnh Bengal.
Ngoài khơi chừng vài trăm thước có một đảo nhỏ
với đền kỷ niệm Swami Vivekananda, người con nổi
danh của xứ Ấn có công đầu phổ biến tư tưởng
Đông phương sang Tây phương hồi gần đây. Ngài
đại diện cho Ấn Độ và Ấn giáo trong Đại Hội Tôn
Giáo Hoàn Cầu tổ chức tại Chicago năm 1893, Ngài
mạnh dạn đề cập đến sự tương quan và hài hòa
giữa các đạo giáo trên thế giới. Chính tại mỏm
đá giữa ba biển này Ngài thọ nhận linh cảm tham
dự Đại Hội Lành ở Chicago và quyết tâm đưa Phật
Pháp sang phương Tây. Ngài là đồ đệ bậc nhứt của
Thánh Paramahansa Ramakrishna, Người đạt giác
ngộ khi quán chiếu bản thể của các đạo giáo.
Thông điệp hiệp nhứt tôn giáo và tâm linh của sư
phụ được Ngài truyền bá qua sự hình thành các
Hội Truyền Giáo Ramakrishna mà hiện nay có rất
nhiều trụ sở trên toàn thế giới.
Tôi chọn ở trong một khách
sạn gần bến xe buýt. Tôi vô khách sạn để có chỗ
cất giữ đồ đạc an toàn trong lúc đi chơi. Vả lại
không có chỗ nào dưới hay gần biển có thể ngũ
nghỉ được bởi dọc biển, ngoài bờ đá, tất cả các
bãi được dùng để xây đền rất to, tượng đài ông
Mahatma Gandhi, và bến tàu. Xế, tôi ra xem toàn
khu và viếng đền. Trong đền có quầy sách lớn của
Hội Truyền Giáo Ramakrishna với nhiều sách do
Swami Vivekananda viết. Tôi dành khá nhiều thì
giờ lục lạo và mua được hai quyển nhỏ có vẻ hay
hay. Một trong hai cuốn đó là
'Raja Yoga'
của
Swami mà khi lật sơ qua tôi thấy sâu sắc và đáng
đọc. Sách sẽ giúp tôi hiểu du già trọn vẹn và
sâu xa hơn nhờ làm sáng tỏ các bước dẫn tới
Moksha.
Chiều lại tôi lấy tàu ra đài
kỷ niệm nơi có đền thờ và tượng của Ngài Swami
Vivekananda. Đền được chăm sóc tươm tất còn
tượng trông rất uy nghi. Tôi vào phòng thiền
trong đền ngồi vào thế hoa sen thiền một đỗi.
Trong lúc đang cảm thọ các vi ba thiêng liêng,
tôi bỗng giựt mình vì có cái chi đó đụng vào đầu
gối tôi. Hé mắt, tôi thấy một bà cụ lết tới và
dùng hai tay xoa đầu gối tôi. Bà tưởng tôi là
đạo sư nên làm vậy để tỏ lòng tôn kính theo
truyền thống của đạo Hồi. Bà cụ sùng đạo cũng có
lẩm nhẩm vài tiếng mà tôi nghĩ chắc là
sadhu
(đạo
sư). Tôi giữ thế hoa sen và không động đậy vì
không muốn làm cụ mất đi hình ảnh đẹp của tôi
đang tĩnh tọa. Lát sau tôi ra ngoài đứng nhìn
khối nước xanh thẳm mênh mông của Ấn Độ Dương;
về hướng Nam bên kia đại dương là Nam Cực. Biển
y có sức thu hút đặc biệt, thảo nào Ngài Swami
Vivekananda đã bất kể gian nguy lội ra hòn đá
nhỏ này ngồi quán chiếu thực tại.
Sáng sớm hôm sau, tôi sang
nhiều chuyến xe đò để tới Rameswaram, một thành
phố nằm trên hòn đảo cách chừng một dặm dãy đất
hình ngón tay cong nhô ra từ lục địa Ấn Độ.
Ngoài khơi là Eo Palk rộng lối ba mươi dặm phân
chia Ấn Độ với Sri Lanka. Muốn qua hòn đảo hình
giọt nước mắt của Sri Lanka, ngoài cách bay chỉ
có đường phà từ Rameswaram. Chiếc phà cũ S.S.
Ramanujan đi về mỗi tuần ba lần, lượt nào cũng
nghẹt khách. Thoạt tiên, đường này được dùng để
hồi cư hàng ngàn dân Tamil đi làm cho các vườn
trà ở miền Bắc đảo. Đó cũng là con đường tiện
lợi mà nhiều Phật tử Tích Lan dùng để sang Bắc
Ấn hành hương và nhiều du khách tiện tặn như tôi
dùng để tới lui giữa Ấn Độ và Tích Lan.
Tôi xuống bến phà sáng hôm có
chuyến đi. Vé đã bán hết rồi và bà con đang xếp
hàng dài xọc chờ qua cổng di trú/hải quan. Tôi
phải mua vé--vé hạng ba--cho chuyến sau sẽ ra
khơi vào hai ngày tới và đành nằm chờ nơi
giống-như-ốc đảo này trong lúc chiếu khán của
tôi chỉ còn đúng hai ngày. Tôi đi trở lại xóm ga
và vô Dhammasala (nhà nghỉ của khách hành hương)
gởi xách đeo vai. Đoạn tôi đi xem phố phường,
chùa chiền và vùng lân cận trọn ngày hôm đó.
Về phía Nam của thành phố có
nhiều đồi cát vươn cao khắp vùng, nơi lý tưởng
cho tôi luyện du già,
ngồi thiền và cả ngủ đêm.
Trước khi chiều xuống, tôi trở về
Dhammasala--đầy nghẹt khách--lấy xách rồi ra
nhắm làng chài dưới chân núi cát to đi tới. Trên
đường tôi ghé mua ít chuối, nước, đậu phọng, và
bánh mì ngọt cho buổi ngủ ngoài trời đêm nay.
Tôi lội qua nhiều đồi cát để đến ngọn cao nhứt
và cũng là ngọn gần biển nhứt. Từ đây tôi nhìn
thấy trọn thành phố và khu bến tàu với vô số
thuyền câu giăng khắp nơi. Quang cảnh thật tuyệt
vời. Thêm vào, gió biển nhè nhẹ thổi làm dịu mát
cái nóng ẩm địa phương. Chỉ có một bất tiện duy
nhứt là những đồi cát vắng vẻ quanh xóm chài
thường là nơi phóng uế của dân chúng và là chỗ
kiếm ăn của bầy heo đi lục lạo dọn dẹp dùm một
cách bất đắc dĩ. Sau một lúc tìm kiếm tôi thấy
một chỗ tương đối sạch trên đỉnh đồi; tôi trải
nóp ra.
Cảnh hoàng hôn nơi đây thật
ngoạn mục vì chân trời nhìn được trọn vẹn, 360
độ. Trong lúc tập du già và thiền tôi có cảm
tưởng mình trơ trọi, biệt lập và quá nhỏ nhoi
giữa biển cát ngút ngàn. Tôi tưởng tượng tôi chỉ
là một hột cát trong tỷ tỷ hột, như là một kiếp
người trong đại dương vô lượng của luân hồi. Cảm
nhận đó làm tôi hân hoan khôn tả và tạo cho tôi
một nội lực, vì tôi biết rằng trong những giới
hạn và tiêu cực của cuộc sống hiện tại có con
đường siêu việt.
Cảnh rạng đông cũng cực kỳ
đẹp mắt với mặt trời tỏ dần lên từ chân trời
Đông. Tôi ngồi thiền và tập du già thật lâu, từ
lúc hừng đông cho tới lúc mặt trời lên khỏi chân
trời-nước. Tôi thở sâu và hít vào buồng phổi
không khí trong lành của buổi ban mai. Nhiều dân
chài đi vệ sinh sáng cùng đám heo đi theo đem
đến cho tôi những bạn đồng hành đầu tiên trong
ngày. Họ lấy làm lạ thấy người như tôi lên đây
một mình; họ tò mò đến gần trố mắt nhìn. Khoảng
8:30 giờ sáng, lúc bắt đầu nóng, tôi cuốn nóp
leo xuống đồi, vô thành phố ăn sáng và ở lại
trong đó.
Trong quán trà, tôi gặp một
người Anh vừa từ Madurai tới hồi sớm bằng xe lửa
để đi Tích Lan. Anh cao lỏng thỏng với râu tóc
hớt cạo tươm tất. Chúng tôi vừa ăn sáng, vừa
uống trà, vừa nói chuyện một đỗi lâu. Anh tên
Chris, đi một mình, chỉ mang có cái xách đeo
vai. Anh xuống từ phương Bắc và đã tới những nơi
mà tôi từng đi qua. Anh rất thích thiền và du
già nhưng chưa có học mà cũng chưa có tập. Tôi
thuật anh nghe kinh nghiệm thiền tôi thọ giáo
với Thầy Goenka ở Kopan và trong khóa tự học tại
Goa. Như thường lệ, tôi cố tránh phóng đại vì sợ
rơi vào cao ngạo. Chris rất thích nghe chuyện
tôi kể và nói sẽ bắt chước.
Tôi cho Chris biết tôi qua
Tích Lan để học Phật và tôi định sẽ tìm vô một
trung tâm thiền có thầy giảng bằng tiếng Anh.
Anh rất nhiệt tình và xin theo. Anh nghĩ nếu đi
riêng một mình anh sẽ bị xao lãng và có thể sẽ
đổi ý trước khi tới thiền viện. Anh gặp trường
hợp này rồi khi anh định tới học với Thầy Goenka
vài tháng trước đây. Lúc bấy giờ anh không có ai
nâng đỡ tinh thần nên bỏ cuộc và đi tìm thú vui
khác. Anh tin rằng anh sẽ không bị lạc hướng nếu
được theo tôi. Tôi thích anh cao lêu nghêu với
giọng Đông Luân Đôn này, nên nếu có thể giúp tôi
chẳng những sẽ sẵn lòng mà còn khuyến khích anh
theo tôi qua Colombo. Chris đã có khách sạn rồi,
còn tôi sẽ ra đồi cát để thưởng ngoạn cảnh đẹp
và có nơi thiền tĩnh mịch.
Sáng ra, tôi đi ăn sáng với
Chris trong cái quán đã chọn trước khi ra bến
tàu. Đúng như dự đoán, quang cảnh của trạm quan
thuế rất hỗn tạp. Các ông bà Ấn Độ và Tích Lan
trở về xứ hay la lối, chen lấn và thiếu kiên
nhẫn nhứt. Họ tay xách nách mang nhiều hành lý
cồng kềnh. Họ đem về đồ ngoại, tức đồ khó kiếm ở
xứ họ vì lúc bấy giờ chánh quyền xã hội Sri
Lanka rất giới hạn nhập cảng. Hàng hóa tôi thấy
họ thích đem về nhứt là các ống nhựa màu, thùng
xách nước và sà-ri dệt ở Ấn. Ngoài khách Nam Á
có thêm chừng mười tới mười lăm Tây ba lô tìm
đường qua nơi mà một tờ quảng cáo nọ gọi là 'Hòn
Đảo Rực Rỡ[29]'.
Chúng tôi lên được đò sau ba tiếng xếp hàng và
làm thủ tục!
Trên chuyến đò dài gần bốn
tiếng qua Sri Lanka, Chris và tôi gặp hai anh em
người Tích Lan. Hai người nói thạo tiếng Anh,
rất thích nói và nói chuyện với chúng tôi một
hồi lâu. Khi biết tôi theo đạo Phật, họ nói họ
'sanh ra là con Phật'. Tôi không biết làm sao họ
sanh ra là con Phật, nhưng tôi đoán họ cũng như
nhiều người Tây phương thường tự cho mình là con
Chúa từ lúc mới lọt lòng. Tôi chỉ được hiểu rõ
ràng hơn lúc về sau này.
Hai anh em Fernando mời tôi
và Chris cùng về Negombo, cách Colombo chừng hai
mươi dặm, ở với họ để có dịp làm quen với phong
tục Tích Lan. Âu là một lời mời hào phóng, nhưng
tôi không dám nhận. Tôi định tới thủ đô
Anuradhapura trước tiên, nơi có rất nhiều di
tích Phật giáo và cội bồ đề cổ mà tôi mong được
kính viếng và đảnh lễ. Ngoài ra, tôi muốn làm
một cuộc du lịch tự do trên đất Tích Lan và
xuống miền Nam cho biết dân tình cùng phong cảnh
ở đó. Tôi xin địa chỉ họ và hứa sẽ ghé lại thăm
nếu có dịp đi ngang.
Trên chuyến đò này tôi còn
gặp một người Tích Lan nữa. Ông mời tôi và Chris
đến thăm một người bạn Phật tử của ông đang ở
tại Colombo. Ông nói hai chúng tôi có thể ở lại
nhà ông bạn đó vài hôm khỏi phải tốn kém gì cả.
Tôi cũng lấy địa chỉ để nếu có dịp. Như vậy,
trước khi đặt chơn lên hòn đảo nổi tiếng thân
thiết Sri Lanka, chúng tôi có những hai lời mời
rất hiếu khách. Một bước đầu rất may mắn.
*
[1]
Lạt Ma Zopa Rinpoche sanh năm 1946 tại
Thami, trên Hy Mã Lạp Sơn, Nepal, không
xa động Lawudo nơi mà bậc tiền bối của
ngài từng thiền định trong 20 năm. Ngài
hiện là vị lãnh đạo tinh thần của The
Foundation for the Preservation of the
Mahayana Tradition và trông coi mọi
hoạt động của hội này (tg).
[2]
Trời, a tu la, người, ngạ quỷ, súc sanh,
và địa ngục (nd).
[3]
Từ đây nhiều từ tiếng Sanskrit và Pali
được dùng vì các từ này không có từ
tương đương trong tiếng Anh. Ngoài ra,
các từ này cần được lập đi lập lại nhiều
lần để rõ nghĩa hơn (tg).
[4]
Perfect Human Rebirth (tg).
[5]
Thuyết nhà Phật cho rằng thân thể con
người được tạo nên bởi sự kết hơp của
bốn chất là đất, nước, gió, và lửa (nd).
[6]
'good Samaritan Christian' (tg).
[7]
'home for lost souls' (tg).
[8]
'Born Again Christians' (tg).
[9]
Tên của đỉnh cao nhứt thế giới mà người
Nepal thường gọi.
[10]
Xà rong cổ truyền dài tới đầu gối (nd).
[11]
Vedas or Upanishads (tg).
[12]
Trường trung học ở đây được gọi là
college (tg).
[13]
Tiếng Phạn có nghĩa Vô Thường
(nd).
[14]
Nguyên văn của tác giả là one-pointed
concentration.
[15]
Sổ Tức Quán, Quán Hơi Thở (nd).
[16]
Tiếng Hán Việt là Thiện Tai. Cũng thường
nghe nói Lành thay. (nd)..
[18]
Tiếng Anh Out có nghĩa là ra
ngoài (nd).
[19]
Ashram có thể dịch là viện nhưng
không sát nghĩa lắm; do đó chúng tôi
chọn dùng chữ ashram hơn là viện
(nd).
[20]
Cần sa Kerala trồng ở tiểu bang Kerala,
nam Ấn Độ (nd).
[21]
Niết Bàn của Ấn Giáo. Sự thoát vòng sanh
tử. Còn gọi là Brahma Nirvana
(nd).
[22]
Yogi là người luyện yoga (nd).
[23]
Nguyên văn của tác giả là pervading
Cosmic-Consciousness.
[24]
Mật Tông. Chúng tôi giữ nguyên văn
Tantra để đưọc sát nghĩa hơn (nd).
[25]
Yoga có nghĩa đen là sự kết hợp hay cái
ách. Dầu tôi nghĩ tới Tantric yoga (tg).
[26]
Trong khoa Yoga, tiềm lực tinh
thần nằm ở chót cột sống được khai triển
bởi một số động tác yoga. Sẽ được giảng
giải thêm về sau (tg).
[27]
Nguyên văn của tác giả là
the cosmic dance of
life (nd).
[28]
Tên mà tôi dùng từ khi rời Gomera.
Joseph là tên đệm của tôi (tg).
[29]
Resplendent Isle (tg).
-ooOoo- |