CHỖ TRỌ QUA ĐÊM
(Từ có nhà đến không nhà)
Tự Truyện của một Tăng Sĩ Hoa Kỳ
[1]
[Bản điện tử lần thứ ba với
tu chính]
Tỳ kheo Yogagivacara Rahula
(Bhavana Society, 2005 )
Chơn
Quán dịch Việt
LỜI NGƯỜI DỊCH
Phât tử Chơn Huy ở Hoa Kỳ về
có đem theo tập tự truyện dày của Tỳ Kheo
Yogavacara Rahula. Cô nói truyện rất hay, khuyên
tôi đọc và nhờ tôi dịch ra Việt ngữ để phổ biến
trong giới Phật tử Việt Nam. Câu chuyện rất lý
thú, nói về đời của một chàng trai Mỹ đi từ chỗ
lang bạt giang hồ đến thiền môn. Truyện tựa đề "ONE
NIGHT'S SHELTER (From Home to Homelessness)--The
Autobiography of an American Buddhist Monk".
Tôi đọc đi rồi muốn đọc lại
để thấu đáo chi tiết trung thực của một đoạn
đời, đời Thầy Yogavacara Rahula. Nhưng thay vì
đọc lại, tôi quyết định dịch vì biết rằng dịch
thuật là phương pháp hay nhứt để hiểu tác giả
một cách trọn vẹn. Vả lại, nếu dịch được ra
tiếng Việt, nhiều Phật tử Việt Nam sẽ có cơ
duyên chia sẻ kinh nghiệm quý báu của Thầy
Rahula hơn.
Anh văn là một ngôn ngữ vốn
rất khó dịch. Tiếng Anh của Thầy Rahula còn khó
dịch hơn, vì như viết trong phần Nhập Môn, Thầy
muốn nói lên cảm nghĩ sống thực của mình lúc bấy
giờ (tức hai thập niên 60 và 70) nên dùng văn cú
và ngôn từ thường nghe trên hè phố California
với nhiều tiếng lóng của giới híp pi[2]
và ma túy. Ngoài ra, Thầy viết như nói nên bản
dịch nhiều khi không thể đi sát với bản chánh,
bởi lẽ nếu không có chút ít sắp xếp bản Việt ngữ
sẽ rất khó đọc. Dám mong quý đọc giả lượng tình
thứ dung.
Thầy Rahula còn dùng rất
nhiều từ của những địa phương Thầy đã đến. Chúng
tôi xin giữ lại các phương ngữ này và ghi thêm
lời chú thích khi cần. Nếu là chú thích của
chúng tôi, chúng tôi ghi (nd, người dịch), còn
chú thích của tác giả được ghi rõ là (tg, tác
giả).
Chúng tôi rất mong được quý
đọc giả chỉ giáo thêm hầu bản dịch của những lần
xuất bản tới rõ ràng và chính xác hơn. Trân
trọng đa tạ.
Chúng tôi chân thành cám ơn
đạo hữu Chơn Huy Trương Minh Nhựt đã gieo duyên,
Thầy Yogavacara Rahula cho phép chuyển ngữ hồi
ký của Thầy, và người vừa là bạn đời vừa là bạn
đạo của chúng tôi là Chơn Quang Trương Nguyệt
Thu đã góp nhiều ý cũng như lời và dò bản thảo
của bản dịch này.
Người dịch: Chơn Quán Trần Ngọc Lợi
*
LỜI TỰA
Nhiều người bị vướng vào cơn
lốc ma túy của thập niên 60 phải thân tàn ma
dại. Một số kịp đổi được đời mình và làm gương
cho kẻ khác. Tỳ kheo Yogavacara Rahula vứt bỏ
được các đam mê không lành mạnh của ông vào lúc
trung niên, bằng cách nhìn thấy sự thật đúng lúc
với đúng thầy. "One
Night's Shelter"
mô tả cách làm thế nào để thực hiện sự thay đổi
lần hồi rất ngoạn mục ấy.
Ông giảng Kinh Phật dựa trên
kinh nghiệm bản thân với tình dục, ma túy, nhạc
rock and
roll,
và tự xét mình. Chuyển cuộc sống thác loạn ra
bình thường đã là rất khó, vậy mà ông còn đi
theo được nẻo đường tôn giáo và tu định. Làm nổi
việc này ắt phải rất thành thật với chính mình
và có nhiều nghị lực lắm. Tỳ Kheo Rahula làm
được nhờ vào sáng kiến riêng hướng dẫn bởi nội
tâm.
Trên một bình diện nào đó,
quyển sách này có thể mở lối cho những ai bị sa
bẩy sa đọa và thói hư tật xấu ảnh hưởng đến thân
cũng như tâm. Họ sẽ thấy, bằng vào con đường học
Phật, ông có thể từ bỏ các thói tật ấy để bước
sang một đời mới. Không phải ông thành đạt trong
nháy mắt, mà ông đã tỉnh thức kiên trì.
Tôi gặp Tỳ Kheo Rahula lần
đầu tiên hồi năm 1985 ở Sri Lanka, khi tôi và
ông tình cờ viếng chung một ngôi chùa tại
Colombo. Lúc bấy giờ tôi bận tiếp khách nên
không có dịp trò chuyện với ông lâu. Khi ông về
phụ tá tôi ở Bhavana Society vào năm 1987, tôi
lần lần biết ông nhiều hơn. Ông là một nhà sư
không quan tâm lắm đến ăn uống và tiện nghi. Ông
luôn dành thì giờ của mình để hành trì Phật
pháp. Đức Thế Tôn gọi người như ông là: "Người
mặc chiếc áo vá quàng, có thân hình ốm o nổi gân
xanh, và hành thiền một mình trong rừng--tôi gọi
người ấy là Phạm Thiên."
Đó là Tỳ Kheo Rahula. Ông "ốm
o, nổi gân xanh đầy mình và hành lâm thiền" ở
tu/thiền viện Bhavana. Những lúc ông không
thiền, ông làm lợi sanh cho mọi người đến viện
để thiền hay tu học. Ông không mong cầu được báo
đáp hay khen thưởng. Trong dịp khánh thành một
thiền đường mới tôi muốn đề cập đến ông, ông
bảo: "Xin Thầy đừng nói gì về con hết. Con rất
ngại nghe lời khen tặng."
Khi được tỏ ngộ rồi, Tỳ Kheo
Rahula bắt đầu biết đâu là giá trị của tình cha
mẹ và thầy bạn, cũng như Phật pháp và thế gian.
Thời nay bên trời Tây, không có mấy người đánh
giá cao công cha nghĩa mẹ. Hễ chưa biết công ơn
của cha mẹ, người con không thể nào biết quý
trọng những hy sinh mà cha mẹ đã dành cho. Đó
chỉ là một phần của sự tỏ ngộ của ông đối với
thế gian và cuộc sống của ông.
Làm người, ta phải trách
nhiệm hoàn toàn cuộc sống của mình. Nhờ học
Phật, tập thiền và luyện yoga[3]
mà ông có được ngày hôm nay. Ông hiện là vị thầy
giỏi về thiền và du già, từng chu du thế giới để
giảng dạy. Ông từng kể ông được "tái sanh" như
thế nào khi say mê nghe Phật pháp lần đầu tại
Nepal. "Hôm ấy là ngày Tạ Ơn (25 tháng 11,1973),
ngày đầu tiên của cuộc đời còn lại của tôi. Hiện
nay tôi là người được tái sanh."
Đó thật sự là những gì mà ta
sẽ nắm bắt được khi nhìn thấy chân lý Phật dạy.
Không thể khác hơn. Ta phải tự hành trì. Dầu đã
nghe được bao nhiêu lời hoặc đọc được bao nhiêu
sách, ta vẫn không bao giờ có thể nói lên điều
đó một cách tâm thành cho đến khi tỏ ngộ Phật
pháp. "One
Night's Shelter"
có thể là nguồn cảm hứng giúp ta hiểu rõ vấn đề
hơn.
Đại Lão Hòa Thượng Henepola Gunaratana Maha
Thera
Trưởng Sangha Nayaka, Hoa Kỳ
Chủ Tịch Bhava Society Lâm Tự/Thiền Viện Bhava
Society
Rt 1, Box 218-3
High View, West Virginia
NHẬP ĐỀ
Tôi là một người Mỹ sống cuộc
đời của nhà sư Phật giáo. Tôi thường được hỏi
bởi nhiều người địa phương cũng như du khách Tây
phương "Tại sao tôi trở thành nhà sư?" Hầu hết
những người hiếu kỳ muốn được trả lời ngắn gọn,
gọn như các câu chuyện ở bến đợi xe buýt. Công
bình mà nói, không thể có câu trả lời ngắn gọn
cho chuyện dài như vậy. 'One
Night's Shelter or From Home to Homelessness'
có thể nói, là lời giải đáp gián tiếp hoặc sự mô
tả quá trình đó. Tôi dùng từ "quá trình" bởi lẽ
tôi nghiệm thấy không có gì dứt khoát khiến cho
quá trình ấy có thể trở thành rõ ràng đối với
đọc giả khi xem hết câu chuyện này.
Sách chia làm hai phần: phần
đầu kể lại cuộc đời niên thiếu của tôi ở
California trong hai thập niên 50 và 60, ba năm
trong quân đội với một thời gian ở Việt Nam, sự
đùa nghịch với ma túy của tôi, và lúc tôi làm
hippi lang thang vòng quanh nửa trái đất tới
Nepal, nơi mà duyên số đưa tôi gặp các Thầy.
Phần này có các điểm chánh như sự chạy theo quần
chúng, tính tự kỹ và lối sống buông thả. Phần
hai ghi lại bước đầu của sự tìm hiểu mình cũng
như chân lý--hành trình của giác ngộ được thể
hiện bằng sự tự giác và đấu tranh chống lại các
tập quán của cái tôi. Sách được kết thúc bằng sự
xuất gia của tôi ở Sri Lanka. Tôi cố gắng giải
thích để đọc giả có thể hiểu những gì đã xảy ra
trong nội tâm tôi liên quan đến yoga và thiền mà
tôi đã theo đuổi. Một ít vấn đề có thể khó hiểu
đối với quý vị chưa quen hay ít quan tâm đến
Phật pháp (học thuyết tinh thần Đông phương).
Nhưng tôi kính mong quý vị kiên nhẫn. Tôi cũng
xin quý vị hiểu cho nếu có lúc tôi tự chỉ trích
tôi quá đáng là vì tôi muốn nhấn mạnh đến sự mê
mờ ăn sâu nơi tâm khảm tôi và tầm quan trọng của
vấn đề.
Trên bề mặt, sách có thể được
đọc như một câu chuyện du lịch với nhiều chi
tiết hữu ích nói về địa điểm, các sự việc xảy
ra, và những mẫu người mà tôi đã gặp và học hỏi
được trong chuyến đi. Tôi dùng văn cú và từ ngữ
thường nghe trên hè phố California; có nhiều từ
của giới hippi và ma túy. Tôi muốn thử kể lại
cảm nghĩ của mình, cảm nghĩ sống thật trong thâm
tâm tôi lúc bấy giờ. Để giúp đọc giả hiểu các
phương ngữ và từ triết Đông phương tôi sẽ dùng
chú thích khi cần và kèm theo một bản định nghĩa
sơ lược ở cuối sách.
Dưới bề sâu, 'One
Night's Shelter'
mô tả đời sống tâm linh và sự chuyển hóa của tâm
tôi từ ngổn ngang đến rạng rỡ. Sách phân tích
tại sao môi trường có thể ảnh hưởng chúng sanh
và tại sao tình huống và tình người mà ta đã
sống với không đơn thuần chấm dứt trong tâm ta
mà cứ đeo đẳng theo ta trong cuộc sống kỳ bí
này. Mỗi niệm--như mong ước, mong muốn, kỷ niệm
tốt xấu--đều tạm lắng đọng đó như một trạm nghỉ
đêm (one
night's shelter),
dầu dòng đời có nối tiếp đổi thay liên tục. Tôi
hy vọng quý đọc giả sẽ có cùng cảm giác khi đọc
qua sách này và sẽ dùng nó như tấm gương cho
chính mình. Vô thường và duyên khởi là chân lý
của mọi người, mọi nơi và mọi thời trên thế gian
này, chỉ có điều kiện biến đổi mà thôi. Sách
được viết với ý định đem lại chút cười vui, tạo
nên chút suy tư, và xác định cảm nghĩ, dục vọng,
phóng túng, ngông cuồng và phiền não của tác
giả. Nó cũng nhằm cho thấy cá thể mình trong đó
và cuối cùng để hiểu rõ hậu quả của hành động
mình.
Sách không có tham vọng làm
thiên khảo cứu mà chỉ muốn phản ảnh trung thực
và thành thật những gì tôi đã trải qua và chứng
nghiệm. Có một khoảng lối mười-mười lăm năm của
đời tôi không có kể trong sách. Vài chuyện về
hành trình, nơi chốn, sự việc xảy ra, và người
tôi gặp có thể đã lỗi thời hay không chính xác.
Nhiều chi tiết, nhứt là nói về thiền--như thời
khóa biểu, bài giảng, thầy giảng và cử tọa--chỉ
có thể đúng theo như tôi đã nhớ lại, mà sự nhớ
lại là cái nhớ của riêng tôi. Có thể có đọc giả
đã đến cùng nơi hay học cùng lúc với tôi nhưng
có cảm nghĩ và kinh nghiệm khác với tôi. Phải
công nhận, trong việc nhận xét mình, có lúc tôi
hời hợt còn lúc khác thì khắt khe, nhưng đó là
để nói lên ảnh hưởng đương nhiên của 'cái tôi'
của tôi.
Trong sách tôi thường đổi
thì, từ quá khứ lúc tả cảnh qua hiện tại khi nói
các việc đương nhiên hay giảng Phật pháp. Tôi
cũng thường đổi ngôi, từ thứ nhứt qua thứ nhì
hay ba vì tôi muốn đọc giả là tôi chớ không phải
là người xa lạ đứng nhìn sự việc xảy đến cho tôi
trong quá khứ. Một phụ lục với chú thích được
đính kèm để bàn rộng thêm một số vấn đề hay đề
tài chưa được biết, nhứt là những vấn đề nói về
thiền, tâm lý Phật giáo, yoga, tục lệ địa
phương, và con người.
Dám xin qúy vị thường lạc
thưởng lãm.
Tỳ Kheo Yogavacara Rahula, Bhavana Society
*
Chương 1
NIÊN
THIẾU
Tôi chào đời ngày đầu hè năm
1948, tại thành phố bụi mờ của miền Nam
California, gần biên giới Mexico. Tôi có một chị
lớn hơn tôi năm tuổi và một anh lớn hơn tôi một
tuổi. Mẹ tôi làm cô giáo còn cha tôi bán máy kéo
cho một công ty. Tôi không nhớ hết buổi thiếu
thời của mình nhưng không thể quên một số sự
việc nổi bật sau đây. Nhà tôi có sân sau khá lớn
với nhiều thú như chó, mèo, gà, vịt, và chồn
hôi. Anh tôi thích đùa với vịt bằng cách bắt vịt
con thảy lên trời rồi chụp lấy. Có lần anh chụp
hụt khiến con vịt rớt chết ngủm. Tôi rất đau
lòng thấy con vịt nằm bất động. Má tôi bảo chúng
tôi bỏ vịt vô hộp đựng giày đem đi chôn. Tôi vừa
lấp đất vừa khóc sướt mướt. Một lần khác, con
chó Sheppard Đức to của hàng xóm nhảy qua rào
vườn chúng tôi rượt đám vịt chạy tán loạn. Chó
chụp con lớn nhứt và vật chết. Tôi lại khóc nữa.
Cạnh sự chết, tôi và anh chị tôi cũng đã có dịp
chứng kiến sự sanh. Chúng tôi mừng thấy con mèo
nhà đẻ con tí hon có lông xù và con chuột bạch
đẻ tới tám-mười con một lứa. Những bài học về
cuộc đời thực tế rất đáng giá ấy đã in sâu trong
tâm trí non nớt của tôi.
Tôi sống cuộc đời niên thiếu
khá đầy đủ, như được tham gia YMCA[4],
vô hướng đạo, đi cắm trại, và được xem cả truyền
hình, một phát minh mới của thời bấy giờ. Tôi đi
nhà thờ Tin Lành Methodist và học đạo đều đều
mỗi chủ nhựt với anh chị tôi. Tôi còn là một cây
thể thao ở trường và biết trợt sóng từ năm 1962.
Tôi được lái xe lúc tròn 16. Xe hơi đầu tiên của
tôi là chiếc van hiệu Ford 1954 màu đen ốp pa
nô. Trước đó, anh tôi được ba má tôi mua cho
chiếc Chevy 1952 khi anh 16, chiếc xe 'Tôm Tít'
mà chúng tôi chất lên để xuống Riverside cách
nhà 50 dặm trợt sóng ít nhứt vài lần mỗi tuần.
Có xe riêng, tôi hay cùng với bạn chạy rong
thành phố, đi tiệc, và chở bạn gái. Chúng tôi
uống bia, nhắm rượu chát, vui chơi rất thỏa
thích. Được biết lúc bấy giờ giới trẻ California
của chúng tôi sống rất phóng túng.. Đó là thời
thịnh hành của nhạc
pop
và rock,
mốt tóc dài, quần jeans Lewis bạc màu, áo thun
chữ T, vân vân. Lối sống buông thả được khởi
xướng và lan rộng ra từ đây mà! Nhiều người xem
đó như một cuộc cách mạng văn hóa với sự xuất
hiện của phong trào hippi và sự thưởng nghiệm
cùng quảng bá chất ma túy và LSD[5].
Tôi bị cuốn hút vào thời kỳ đầy sóng gió này!
Trong một chuyến đi trợt sóng
ở Tijuana, Baja California, lúc đi dạo dọc phố
có nhiều hàng bán tranh màu, đồ sứ, khăn mền, đồ
da, vân vân, tôi đi ngang một tiệm có nhiều
tượng đất nung xếp rất tươm tất. Tôi thấy như có
cái gì đó thu hút tôi. Đó là tượng người thếp
vàng nằm ngất ngưỡng trên các tượng mèo, bò
mộng, hiệp sĩ đấu bò, và nhiều thứ khác. Tượng
sáng rỡ khiến tôi ngạc nhiên. Dường như tượng
đang nói với tôi điều gì. Lúc bấy giờ tôi chưa
biết đó là tượng của Đức Phật. Tuy nhiên, vì
dáng an lành và vị trí cao chót vót của Ngài,
tôi thỉnh Ngài về nhà. Tôi đặt Ngài trên máy
truyền hình hư trong phòng và dùng để máng nón.
Khi má tôi thấy, bà ngạc nhiên nói đó là tượng
của Phật, vị khai sáng đạo Phật. Làm thế nào bà
biết, tôi không biết. Tôi bèn lật tự điển bách
khoa tìm đọc về Ngài và đạo của Ngài. Hay thì có
hay nhưng tôi không thấy gì hấp dẫn. Tôi tiếp
tục dùng tuợng như móc máng nón. Tuy nhiên, hình
ảnh Ngài đã lần hồi in sâu trong tiềm thức tôi.
Tôi tốt nghiệp trung học năm
1966 lúc chiến tranh Việt Nam đang leo thang.
Tôi vào đại học và theo ngành học mới,
data processing
và vi tính. Năm này tôi bắt đầu biết ma túy. Tôi
hút cần sa lần đầu tiên trong chuyến đi trợt
sóng ở Mazatlan dưới Mexico, cùng với nhóm bạn
trẻ cũng mới tốt nghiệp trung học như tôi. Lần
lần quen, tôi hút thường hơn. Tôi xài cả
reds
lẫn
speed
và uống bia thỉnh thoảng. Lúc ấy, phong trào
phản chiến Việt Nam sôi động. Nhưng tôi không
quan tâm lắm tới tánh cách hợp pháp hay đạo đức
của cuộc chiến. Tôi cũng không hiểu gì nhiều về
chiến cuộc này. Như bạn tôi, tôi chỉ nghe nói
phải "chận bước tiến của con quỷ Cộng Sản."
Nhiều bạn ở lứa tuổi 19 của tôi bị bắt đi quân
dịch, tôi biết rồi sẽ tới phiên mình. Tháng 12,
1967 tôi đăng lính và vô quân đội một lượt với
Dave. Tình nguyện đầu quân có nghĩa là tôi sẽ đi
lính ba năm thay vì hai như các bạn đi quân
dịch. Bù lại tôi được lựa ngành mình muốn. Hầu
hết lính quân dịch bị đưa đi bộ binh còn tôi
được chọn ngành điện tử.
Sau một thời gian huấn luyện
quân sự và đào tạo chuyên môn, tôi được gởi đi
NATO[6]
ở Tây Đức. Tôi phục vụ một đơn vị thiết giáp,
sửa chữa vô tuyến điện cho xe tăng. Tôi chuyên
về đội F của
tank outfit
không
khác xa mấy chương trình truyền hình có cùng
tên. Ở đó tôi bắt đầu hút
hashish[7]
và hít LSD. Lúc đã thuốc, mặt tôi giống y mặt
mèo Cheschire vì cái cười mỉm trên môi. Do đó
bạn tôi gán cho tôi cái tên "Smiley" để chọc quê
tôi. Ông trung sĩ nhứt của tôi cũng quen gọi tôi
Smiley và quên luôn tên cúng cơm của tôi; tôi
thích tên này. Có nhiều tay'khùng' trong đội F
nên tôi chỉ là một thằng khùng thêm không có gì
đáng nói. Từ California đến, để tóc dài, có hàm
râu cá chốt và đeo chuỗi yêu[8],
tôi
bị kỳ thị và nhìn như một 'tên du côn Cali dị
hợm[9]'.
Tôi không giống lính, thiếu lòng yêu nước, và là
một quân nhân ngỗ nghịch dưới mắt các trung sĩ
và sĩ quan chuyên nghiệp[10]
Sau chín tháng trong quân
ngũ, tôi quyết định dù[11],
với ba bạn đồng đội. Một đêm nọ, chúng tôi trốn
khỏi trại, ra thành phố Bamberg gần đó, và đáp
chuyến 'xe lửa tìm tự do' lên Copenhagen. Ý định
đào ngũ và đi Stockholm xin tị nạn chánh trị như
vài lính Mỹ đã làm trước đây được nêu ra, nhưng
tôi không tán đồng. Sau hai ươi chín ngày trốn ở
Copenhagen, chúng tôi ra đầu thú với vị sĩ quan
tùy viên quân sự của Tòa Đại Sứ và bị giải về
Đức để chịu tội. Bốn chúng tôi bị ra tòa quân sự
và giam ba tháng tại Nuremberg.
Tôi viết thư cho ba má tôi
trước lúc vô tù để giải thích những gì tôi đã
làm, cảm nghĩ của riêng tôi và án mà tôi đã
lãnh. Tôi nhận thư hồi âm tháng sau đó và biết
trước ba má tôi đã cảm nghĩ như thế nào. Thoạt
tiên ông bà bị sốc, hoảng sợ và lo âu. Ông bà có
nghe những câu chuyện tương tợ của các lính GI[12]
khác nhưng không thể tưởng tượng con mình làm
chuyện đó. Ba tôi khổ tâm nhứt bởi ông là sĩ
quan rất yêu nước từng tham gia thế chiến. Ba mẹ
tôi rất khó nói với người thân và dĩ nhiên không
thể hé môi cho bạn bè biết vì xấu hổ. Lần lần
ông bà bớt rầu và vượt qua cơn sóng gió.
Ra tù tôi bị thuyên chuyển
tới một đơn vị khác, bộ chỉ huy của Đại Đội 7
gần nhà tù ở Furth. Trong thời gian ở đây tôi
gặp nhiều bạn lính mới và sống thoải mái hơn lúc
ở toán F. Tôi chuyển nghề vào làm cho phòng
data
processing,
chạy máy IBM như
collators,
sortors,
vân vân, mà tôi đã được huấn luyện một tuần tại
trường quân đội trên núi Alps. Tôi làm việc
ba-bốn giờ mỗi đêm và rảnh lúc ban ngày cũng như
vào cuối tuần. Tôi có mua một xe van Volkswagen
cũ. Cuối tuần, tôi cùng bạn lái xuống Munich
chơi với tụi bụi đời hippi và thường vô vườn
'English Gardens' hít LSD. Tại đây tôi gặp nhiều
bạn hippi Tây Mỹ đi Ấn và Ma Rốc về kể cho nghe
các phiêu lưu kỳ thú; họ chỉ luôn chỗ mua cần sa
hashish
mạnh mà rẻ. Hè 1969, đọc báo thấy có Đại Nhạc
Hội Great Woodstock Rock bên New York, tôi
'ganh' với những người có cái may được đi coi
nhạc phóng đãng, đùa với ma túy và tự do luyến
ái.
Suốt thời gian sáu tháng ở bộ
chỉ huy đại đội tôi làm việc rất ăn khớp với mọi
người, dĩ nhiên trừ vài 'quân nhân chuyên nghiệp.'
Một ông trong số đó không ưa tôi vì biết tôi có
án tù và nhứt là một thằng hút xách phản động.
Ông rất khó chịu vì cho rằng tôi được thả lỏng
và ham vui quá trớn. Không may cho tôi, ông là
trung sĩ của phòng nhân viên phụ trách thuyên
chuyển. Ông âm thầm làm giấy đổi tôi đi Nam Việt
Nam. Tôi không được biết gì hết về tin bất ngờ
này bởi tối ngày cứ theo cần sa ma túy lên cung
trăng say mê vui thú. Tuy nhiên tôi bình tĩnh
nhận lịnh và nghĩ rằng đây chỉ là một chương mới
của trò đời đầy khôi hài.
Chỉ còn bốn tuần ở Âu châu,
tôi quyết định lấy hai tuần đi London và
Amsterdam, hai thành phố mà tôi rất muốn đến
thăm. Tôi xin và được phép ngay vì trường hợp
đặc biệt của tôi. Tôi rủ một anh bạn cùng đi.
Hai đứa tôi ở mỗi nơi một tuần. Tại London,
ngoài chuyện xem cảnh xem người, tôi còn được
xem vở ca nhạc HAIR và phim
Easy Rider
mới ra lò, mà tôi rất cảm động. Tại Amsterdam,
tôi đến vui chơi trong khu ma túy của dân hippi
quốc tế, cũng là 'thiên đường hippi' của thành
phố. Dân Hòa Lan có vẻ phóng khoáng dễ chấp nhận
các tệ nạn để dân thường có thể sống chung với
bọn nghiện. Tại đây tôi gặp thêm nhiều bạn trẻ
khác. Họ kể tôi nghe những chuyện ly kỳ ở Ấn Độ
và Nepal khiến tôi khát khao được đến đó một
ngày trong tương lai.
Trước khi tới Fort Lewis,
Washington trình diện để qua Việt Nam tôi được
đi phép hai tuần. Trong khoảng thời gian ngắn
này tôi gặp lại nhiều bạn bị bắt lính cùng lúc
trước với tôi vừa mãn hạn và được giải ngũ về.
Dave cũng về. Đi 'Nam' anh là một lính chiến.
Không may, anh bị lựu đạn rơi nổ ngay trong hầm
cá nhân, cắt cụt hai chơn tới đầu gối và miểng
ghim khắp châu thân. Anh phải nằm nhà thương ở
San Francisco nhiều tháng để được giải phẫu, gắn
chơn giả và điều trị tâm thần. Tinh thần anh suy
sụp nặng. Nhiều bạn khác cũng bị thương ở Việt
Nam và một bạn tử vong. Tôi đi thăm vài bạn bị
thương ấy và chúng tôi cùng nhau 'phê'. Tôi cảm
thấy hơi sượng sùng khi nghĩ tới những tai nạn
họ gặp phải trong lúc tôi sống phóng túng bên
Đức. Tôi không có kể họ nghe tôi đi dù, bị ra
tòa quân sự và vô tù. Mỗi người mỗi hoàn cảnh,
mỗi số. Tôi nghĩ, những gì ta hứng lấy hôm nay
là hậu quả của việc ta gây ra hồi trước. Tại sao
tôi được đi Đức còn Dave phải qua Việt Nam và bị
nạn như vậy? Phải chăng Thượng Đế tạo ra mọi thứ
thảm cảnh trên đời? Tôi thật sự không biết. Chỉ
về sau này khi đọc được triết lý Đông phương và
luật nhân quả, tâm trí hay phân vân của tôi mới
được soi sáng.
Tôi nghe các bạn nói lại rằng
ai đi Việt Nam cũng đều có thể đến Fort Lewis
trình diện trễ một-hai tuần. Thông thường trễ
thì bị tù, nhưng trong trường hợp đặc biệt 'rồi
cũng đi Nam thôi', lính qua Việt Nam không bị
phạt mà chỉ bị tống đi ngay mà thôi. Tin vậy và
vì thích phiêu lưu, tôi kéo dài ngày phép của
tôi thêm một tuần nữa để thử xem sao. Tuy nhiên
tôi không cho ba má tôi biết. Ông bà nghĩ tôi
được phép lâu vì phải đi Việt Nam. Tôi cùng một
số bạn, kể cả Dave đi chân giả, xuống chỗ trợt
nước cũ gần Ensenada (Baja Mexico). Tụi tôi mướn
một cái nhà dưới biển và chơi xả láng như hồi
xưa. Tụi tôi lận theo khá nhiều cần sa
pot[13]
và thuốc LSD
và
xuống quán Hussong's Cantina, Ensenada nhậu thả
giàn. Một cuộc hội ngộ đầy thú vị. Tụi tôi gặp
nhiều cô sinh viên từ San Diego State qua nghỉ
lễ, và tôi có dịp thỏa mãn mình tối đa. Bởi vì
tôi sẽ đi đánh giặc ở Việt Nam và chưa biết
chuyện gì sẽ đến, tôi chơi cạn láng biết đâu đây
là cuộc vui chót của đời tôi.
Vào những ngày phép chót của
tôi, Dave (có thể lái xe được rồi) đưa tôi đi
Berkley thăm vài bạn gái cũ ở Riverside. Dave
muốn ghé Veterans Hospital ở San Francisco nơi
mà anh đã nằm nhiều tháng qua sau khi ở Việt Nam
về. Anh muốn thăm vài bạn thân bị thương còn nằm
tại đó. Chúng tôi vô trại thương phế binh, nơi
có hằng trăm lính trẻ, kẻ mất tay người mất
chân, có người mất cả tay lẫn chân. Một anh bị
cụt cả hai tay lẫn hai chân. Một số ngồi xe lăn.
Một số nằm trên giường cùng nhau đấu láo. Số
khác đang học cách sử dụng tay chân giả. Có
người thầm lặng đọc sách, hay nhắm mắt ngủ, hay
nhìn vào khoảng không. Dave nói chuyện với vài
bạn của anh còn tôi đứng đợi đằng xa. Ý tưởng
'Tôi có thể trở về như vậy' thoáng trong đầu
tôi. Tôi bắt đầu bồn chồn và buồn nôn. Tôi lật
đật chạy tìm nhà cầu. Tôi nóng rang và cảm thấy
nhủn người. Tôi ngạc nhiên về các phản ứng này.
Tôi ẩn nhẫn đợi Dave rồi chúng tôi ra về.
Hôm sau, tụi tôi rời nhà ở
Berkley ra Muir Woods chơi. Muir Woods là một
khu rừng bảo tồn nằm trên mạn Bắc đối diện
Golden Bridge, Martin County. Tụi tôi đứa nào
cũng nuốt một mớ
mescaline[14]
trong lúc bách bộ giữa rừng ráng và rêu xanh rì,
dưới tàng cây
redwood[15]cao
ngút ngàn. Tôi cảm thấy gần gũi với vẻ đẹp của
thiên nhiên và nhận biết năng lượng tinh vi của
lực sống chung quanh đang dâng trào. Tôi cũng
biết rằng chân trần tôi đang dẫm lên nền rêu ẩm
mát của rừng già. Tối lại tụi tôi vô Fillmore
Auditorium nổi tiếng của San Francisco xem nhóm
Steve Miller trình diễn. Nhạc của Space Cowboy
và cần sa làm tôi ngất ngây. Tuyệt đỉnh của một
ngày đẹp khôn tả. Ngày mai tôi bay đi Fort
Lewis.
Tôi về Fort Lewis trình diện
trễ một tuần. Quân đội vừa bắt đầu thi hành lệnh
xử phạt lính trình diện trễ không tham gia tuần
lễ hướng dẫn về Việt Nam. Ai trễ quá ba hôm đều
bị cho 'Article 15', tương đương với khinh tội
và bị phạt hai mươi đô la cho mỗi ngày trễ. Sau
đó, tôi được xung vô tiểu đội mới và đi thụ huấn
tác chiến một tuần lễ trong rừng rậm, tiêu chuẩn
cho mọi lính mới đi Việt Nam lần đầu tiên. Tôi
được huấn luyện cả cách tránh bẫy và mìn cá
nhân, và cách cấp cứu. Tôi được phát đồ trận
mới, giầy mới và nhiều món cần thiết cho cuộc
chiến trong vùng nhiệt đới. Tôi phải mặc đồ trận
mới ngay lúc lên máy bay để sẵn sàng chiến đấu
bởi máy bay có thể bị địch bắn lúc hạ cánh. Tôi
cho đó chỉ là những 'xạo ke' được đặt ra để hù
lính mới bắt họ học tập nghiêm túc mà thôi.
Quá kinh nghiệm rồi nên tôi
có để dành một liều LSD để xài trong khi bay.
Tôi đáp chuyến bay dân sự do quân đội mướn để
đưa rước quân nhân đi qua hay về từ vùng chiến.
Tôi nuốt acít lúc vừa lên máy bay đặng được 'lên
đỉnh' lúc cất cánh. Tôi tình cờ ngồi cạnh một
đại úy. Có lẽ ông nghĩ tôi sợ đi Việt Nam nên
khuyên tôi đừng lo mà nên hãnh diện rằng mình đi
dẹp bọn Cộng Sản. Ông cho biết ông qua bên đó ba
tua rồi. Tôi say miên man. Máy bay ghé Anchorage
lấy xăng. Tất cả phải xuống ga lối một tiếng.
Tôi say quá nên tưởng chừng mình đang đứng trên
đỉnh địa cầu với núi non tuyết phủ. Mặt đất
dường như đang uốn lượn và quay cuồng dưới chân
tôi. Thay vì vô ga như mọi người, tôi đứng ngoài
trời tiếp tục tận hưởng cái say của mình.
Máy bay đáp xuống lần nữa ở
khu quân sự trong sân bay Tokyo. Hành khách lại
phải xuống nữa. Trong phòng đợi có một nhóm quân
nhân trên đường về Mỹ. Họ chữi thề nói với đám
lính mới tò te tụi tôi rằng họ đã xong việc.
Tất cả lính mới tụi tôi đều
chăm chú nhìn qua cửa sổ xem coi có Việt Cộng
ngoài đó đợi chúng tôi đáp không. Tất cả đều yên
lành dưới ánh nắng sáng rực trên đồi cát trắng
tinh trong vịnh Cam Ranh của Biển Nam Hải. Tôi ở
lại phòng tiếp tân một ngày chờ lịnh thuyên
chuyển, vái van mình không phải ra tác chiến.
Rất may, tôi được đưa tới đại đội tiếp tế y dược
đóng ở Long Bình, một căn cứ quân đội lớn gần
Sài Gòn và xa mặt trận. Nhờ có học
data processing
trong đại học, tôi được chọn giao cho điều hành
máy kiểm toán hàng trữ y dược. Trước khi bắt tay
vào việc, tôi được gởi đi học một tuần để biết
cách sửa máy NCR500. Chạy máy ấy được xem như
một công tác quan trọng nên tôi được miễn các
công tác khác. Tôi chỉ làm việc bốn-năm giờ mỗi
ngày trong xe van có máy lạnh gắn đặc biệt cho
máy móc điện tử. Công việc của tôi rất nhàn và
dễ nên dầu phê tôi vẫn có thể làm được. Do vậy
tôi cùng lính canh phòng hít ít nhứt một lần mỗi
đêm.
Như ở Đức, lính Mỹ ở Việt Nam
hút cần sa và ma túy với lý do để chống trầm cảm
và để quên đi những rùng rợn của nơi mà họ không
muốn đến. Chúng tôi biết chiến tranh là một trò
hề và không đáng hy sinh tánh mạng và tài sản.
Tôi cố làm mình phê càng nhiều càng tốt, đợi
ngày hồi hương.
Ma túy rất dễ mua dưới thể
bột trắng để hít. Nhiều bạn tôi xài nó để phê.
Làm việc cho đại đội quân y, tôi dư thừa ống và
kim chích mà nhiều tay chơi bạo rất cần. Tôi bắt
đầu hít chớ không chích và không bao giờ dám đi
quá trớn đến nghiện ngập. Lính sống ở Việt Nam
thường bị mất tinh thần dầu ở tiền tuyến hay hậu
phương. Lính hậu phương xa trận mạc không sợ
hiểm nguy nên có thể còn dễ bị ảnh hưởng tiêu
cực hơn vì có nhiều thì giờ suy ngẫm.
Đại đội của tôi nằm gần một
bệnh viện quân đội lớn. Kế bên là nhà xác chứa
nhiều tử thi của quân nhân tử trận. Bị xác[16]
màu ô liu đến tấp nập đợi được xử lý; do đó tôi
biết lính Mỹ chết đều đều mỗi ngày trong các
vùng đồng ruộng xa xôi.
Một hôm nọ, tôi và một số bạn
lấy xe đi Vũng Tàu, một bãi tắm cách Long Bình
chừng năm mươi dặm. Chúng tôi chạy ngang đồng
ruộng và vườn dừa ra biển. Trời nắng chang
chang, gió thổi lồng lộng, ai nấy đều để mình
trần trùi trụi, tay cầm lon bia, miệng bập cần
sa. Dọc đường chúng tôi thấy một đoàn công voa
thiết giáp và APC trên đường đi hành quân. Chúng
tôi đưa lon bia lên vẫy. Vài anh lính vẫy lại.
Chắc họ cho chúng tôi là đồ khùng đang lên cơn
nên mới dám ẩu kiểu đó, không có cây súng hộ
tống, không có mảnh giáp che thân. Tuy nhiên có
thể họ rất khoái được khùng như chúng tôi.
Chúng tôi tắm biển, tắm nắng
và dĩ nhiên tự do hút hít trọn ngày hôm ấy.
Trong lúc thả nổi trên phao, tôi ngó lên núi
thấy bốn tu sĩ chẫm rãi theo đường mòn xuống
biển. Họ khoác áo vàng và để đầu trần trọc lóc
láng lẩy dưới ánh nắng gay gắt. Tôi nhìn họ quên
thôi. Tới bãi, họ chẫm rãi cởi áo dài ngoài, xếp
lại tươm tất rồi cẩn thận đặt lên đá. Họ xuống
nước với quần áo lót. Họ nằm để sóng nhè nhẹ đu
đưa. Đó là lần đầu tiên tôi thấy tu sĩ và không
biết họ đang làm gì. Họ đang thiền? Thật tình
tôi cũng không biết thiền là gì. Độ nửa giờ sau,
cũng bằng những hành động tỉnh thức đó, họ leo
dốc lên núi. Chiều lại, mấy thằng GI vô tư tụi
tôi lái xe trở về căn cứ Long Bình, vô phòng tôi
và tiếp tục vui chơi thường lệ tưởng chừng như
chẳng có gì xảy ra trong ngày.
Tháng Giêng 1977, ba năm nhập
ngũ của tôi sẽ chấm hết. Vào đầu tháng Chạp tôi
được lệnh về Mỹ để giải ngũ. Trước khi xuất ngũ
tôi được vinh thăng Spec 5[17].
Tôi cũng được thưởng mề đay
Army Commendation Medal
vì công trạng và cống hiến của tôi. Thật tình
tôi không thể nín cười. Tôi đã làm được gì ngoài
các thành tích dù, ra tòa quân sự, tù tội, và
lợi dụng quân đội để đi đó đi đây, và sống đời
trụy lạc. Tôi được đưa về Fort Lewis,
Washington, để làm thủ tục chánh thức giải ngũ.
Từ Washington tôi lấy máy bay dân sự về Los
Angeles. Tới phi trường LAX tôi đi ngay vô nhà
vệ sinh, thay áo quần và nhét đồ lính vô thùng
rác. Tôi mặc chiếc quần jeans bạc màu và áo
T-shirt (mà tôi đem theo qua Việt Nam) leo lên
xe buýt RTD về Riverside. Tôi vừa đi vừa nghĩ :
'Mẹ kiếp, chuyện gì sẽ tới đây?'
*
Chương 2
NỚI
RỘNG CHÂN TRỜI
Hai tuần sau khi giải ngũ tôi
trở vô Đại Học Cộng Đồng Riverside (RCC[18])
ghi danh học tiếp. Tôi thử quay lưng lại ba năm
lính để lao theo cuộc sống buông thả cũng như
các cuộc vui chơi thời đại. Tôi bắt đầu để tóc
và râu dài cho có dáng dấp hippi. Tôi tiếp tục
hút và hít vì đó là chuyện tất nhiên khi gặp
bạn. Cùng lúc tôi tham gia Thiền Tiên Nghiệm[19]
phong trào đang lên. Dave, tôi và một bạn nữa,
Tom, lấy cua TM ở Đại Học California, Riverside
(UCR). Tôi rất thích các cua này. Tôi cũng thích
lý giải của tiến trình tâm linh và các trạng
thái tâm thức khác nhau trong lúc thiền. Tom và
tôi kiên trì theo học còn Dave thì không hẵn.
Chúng tôi được khuyên nên ngưng mọi thứ thuốc
không phải của bác sĩ cho, không hút cần sa hay
hít LSD trong vòng hai tuần mới được khai tâm.
Tôi ngạc nhiên vì các điều kiện đưa ra nhưng
không chùn bước vì muốn thử thách. Trái lại,
Dave không muốn từ bỏ các thú vui lâu nay của
mình, còn Tom bỏ cuộc khi nghe nói phải đem hoa
và trái cây tới để làm lễ khai tâm.
Tôi vượt qua thử thách và
thành công. Tôi không rớ tới cần sa hay
hash
suốt hai tuần. Tôi còn chịu trả ba mươi lăm đô
la lệ phí nữa. Tôi được khai tâm, nhận thần chú,
và bắt đầu tu tập. Tôi ngồi thiền hai suất mỗi
ngày, mỗi suất hai mươi phút. Tôi nhận thấy
thiền có giá trị cao và rất hữu ích. Tuy nhiên,
vì muốn giữ lấy hình ảnh hippi để lấy le và cũng
vì muốn thỏa mãn thói quen hút hít của mình, tôi
bỏ thiền sau một tháng tu học. Tôi chỉ miễn
cưỡng tự nhủ sẽ quay lại một ngày nào đó.
Vào mùa nghỉ xuân tôi và một
ít bạn lái xe xuống Palm Beach chơi. Trong lúc
loay hoay tìm chỗ vui, tụi tôi gặp nhóm 'Con
Chiên Ttái Sanh[20].'
Họ sinh hoạt dưới mái lều to dựng trong một
khuông viên rộng. Ngoài cổng có vài anh 'Jesus
Freaks[21]'
đón mời bà con vô lều nghe lời chứng của con
chiên thuật lại. Tôi bước vào xem cho biết. Tôi
nghe họ kể làm thế nào họ 'tìm thấy Chúa', và họ
theo đạo Chúa như thế nào. Họ mô tả cuộc đời tối
tăm đầy đau khổ của họ trước đây. Nhiều người
cho biết họ sống bê tha, hút xách và rượu chè
tối ngày. Nhưng bây giờ họ được cứu rổi rỗi và
đang sống hạnh phúc nhờ vào đức tin đầy đủ nơi
Đức Chúa Con của Trời. Họ còn tin rằng con đường
họ đang đi là con đường duy nhứt dẫn họ lên
Thiên Đàng sống đời đời với Chúa. Một anh tới
ngồi xuống bên tôi và hỏi chớ tôi có tin Thượng
Đế không. Lần đầu tiên trong đời tôi phải trả
lời một câu hỏi hốc búa như vậy. Dầu tôi theo
đạo Tin Lành Methodist tôi chưa bao giờ có đức
tin mãnh liệt nơi Thượng Đế hay Chúa. Tôi nghĩ
lâu nay tôi đi nhà thờ là một việc làm tự nhiên
và bình thường. Bây giờ nhờ biết chút ít đạo lý
Đông phương, tôi bắt đầu thấy sự khác biệt giữa
hai khái niệm về Thượng Đế của đạo giáo phương
Đông và phương Tây. Tôi trả lời: "Tôi không tin
Thượng Đế là một người hay một đấng toàn năng
ngự trị trên thiên đường và cai quản vũ trụ bằng
bàn tay sắt đá, thưởng phạt nhân loại." Tôi còn
nói thêm: "Thượng Đế là một năng lực hiền hòa và
sáng suốt quanh đó vạn vật vận hành." Lời đáp
của tôi không xuất phát từ nội tâm sâu kín hay
niềm tin vững chắc của tôi mà từ những gì tôi
học hỏi được hồi gần đây. Nhưng rất hay. Anh con
chiên ngông không tin triết lý Đông phương một
mảy may nào nên cứ ngắt ngang tôi và chêm vô
những lời dạy của Thánh Kinh, lời mà anh cho là
chứng cớ của Luật Siêu Phàm. Sau mười lăm phút
trao đổi, tôi ngấy những lời khuyến dụ của anh
nên bỏ ra tìm lại các bạn cùng đi, hút điếu cần
sa và kiếm chỗ vui chơi.
Hè. Tôi dành trọn hai tháng
rưỡi chu du Âu Châu, Tây Ban Nha và Ma Rốc bằng
cách quá giang xe. Ở Amsterdam tôi gặp một cô
tóc vàng tên Terri từ Santa Cruz qua. Cô theo
tôi xuống Tây Ban Nha. Cô khỏe, đẹp, dạn dĩ nên
dễ xin có giang. Chúng tôi đi một tuần ngang qua
Đức và miền Nam nước Pháp trước khi tới
Pamplona, nơi đang có lễ hội 'bò chạy.' Hằng năm
vào lúc giữa tháng Bảy, Pamplona trở thành một
thành phố sôi động 24 trên 24 với rượu ê hề và
nhiều cuộc vui chơi trên khắp các nẻo đường và
công trường đen nghẹt người. Sáng sáng, kẻ say
và người hùng hay đúng ra là một bọn ngông tuôn
chạy theo một hành lang đường phố ngăn sẵn,
trước một đám bò mộng hung hăng. Người nào lỡ
sẩy chơn sẽ bị bò dẫm ngay. Mỗi năm có vài ba
người bị bò đạp chết oan như vậy. May cho tôi
không đủ say hay quá say hay là 'gà chết[22]'
nên không có thử chạy đua với bò để cho cái tôi
của mình có cơ hội vênh váo với thiên hạ!
Sau hai ngày sống với cuồng
loạn ở Pamplona, tôi và Terri đi tiếp xuống
Barcelona lấy tàu qua Ibiza, một hòn đảo nhỏ rất
thơ mộng ngoài khơi bờ biển Valencia. Chúng tôi
tới một nơi vắng người bên mặt trong của đảo để
dựng lều. Tôi có cái lò ga nhỏ có thể dùng pha
cà phê hay hâm thức ăn. Hai chúng tôi ở lại đó
năm ngày. Chúng tôi vui với rượu vang, cần sa,
nắng, và làm tình trong những đêm đầy trăng sao.
Sau đó chúng tôi chia tay. Terri lên Barcelona
để lấy xe lửa đi Ý rồi về California cho kịp
niên học khai giảng vào cuối tháng Tám. Còn tôi
đi Ma Rốc, Bồ Đào Nha, rồi Amsterdam trước khi
về Mỹ vào giữa tháng Chín.
Tôi và Terri có mối liên hệ
của người mới gặp rất thú vị và có lúc thiệt
thân mật nhưng không ràng buộc. Chúng tôi cùng
nhau vui cái vui xác thịt lẫn tình cảm, và cùng
nhau giải quyết nhu cầu cá nhân của mỗi người
trong một giai đoạn. Đến lúc chia tay, chúng tôi
không luyến tiếc, hay buồn phiền, hay cảm thấy
tội lỗi gì hết. Tôi rất thoải mái với các cuộc
gặp gỡ như vậy. Ba năm lính đã gò ép tôi hết mức
và bắt tôi luôn luôn vâng lệnh nên giờ đây tôi
rất chuộng tự do. Tôi không muốn hứa hẹn với bất
kỳ ai hay trong bất kỳ tình huống nào; tôi cũng
không muốn bị gò bó hay lãnh trách nhiệm. Tôi
muốn sống cho tôi và tận hưởng sự phóng khoáng.
Tôi tiếp tục đi xuống Ma Rốc.
Tôi ở hai tuần tại Essouira, trên bờ biển Đại
Tây Dương, nơi có rất nhiều hippi Âu Châu. Tôi
đến cắm trại gần một đám hippi Tây trong một
làng hoang vắng nhỏ. Chúng tôi gặp nhau thỉnh
thoảng và có hút hít với nhau đôi khi. Một anh
kể tôi nghe chuyến phiêu lưu của anh trong vùng
Trung Đông từ Istambul đến Ấn Độ. Anh chỉ tôi
cách thức đi du lịch ở đó, các thứ thuốc ngon
anh từng nếm, và người tốt cũng như xấu anh đã
gặp.
Nghe phát mê, tôi quyết định
sẽ qua đó vào năm tới khi xong chương trình
2-năm ở đại học cộng đồng. Còn bây giờ tôi phải
trở lại Amsterdam vì vé khứ hồi đã sẵn. Trên
đường đi tôi không sao không nghĩ tới hè sang
năm, lúc mà tôi đã học xong, thu xếp mọi việc,
không còn trách nhiệm, và tự do bay nhảy.
Ngay ngày hôm sau khi tới
nhà, tôi ghi danh cho mùa thu. Tôi bỏ ngành
data
processing
để lấy lớp bổ ích cho các
chuyến đi sắp tới của tôi đồng thời cũng để cho
đủ số tín chỉ cần thiết mà bằng giáo dục tổng
quát 2-năm đòi hỏi. Tôi tiếp tục lớp Tây Ban Nha
và lấy thêm các lớp nấu ăn, địa lý, nhân chủng
học, và đạo giáo trên thế giới. Tôi nghĩ nếu tôi
đi nửa vòng địa cầu qua Ấn hay xa hơn, ít ra tôi
phải biết các khái niệm về địa lý, sử ký, phong
tục, và tín ngưỡng của những nơi tôi muốn đến và
của những người tôi muốn gặp.
Một ngày sau khi học kỳ mùa
Đông bắt đầu, trong lúc ngồi hút cần sa
chillum[23]
và hứng nắng ấm với bạn, tôi
tình cờ gặp được bạn mới, một cô sinh viên trẻ
có mái tóc vàng óng và cặp kính thiệt bự. Cô đi
thẳng tới tôi và lên tiếng nói: "Tôi thấy anh
trong mộng." Ngạc nhiên, tôi đáp: "Mời cô ngồi
rồi chúng mình nói chuyện mộng mị ấy chơi." Cô
tên Gail, chưa hề gặp tôi. Cô kể đã thấy tôi
xuất hiện trong giấc mộng của cô cách nay chừng
hai tuần. Cô quả quyết đã thấy rõ ràng gương mặt
của tôi. Cô học chung lớp Tây Ban Nha với tôi và
khi thấy tôi trong ngày đầu tiên của lớp học, cô
nhận ra mặt tôi ngay, cái mặt mà cô nhớ đã thấy
trong mộng. Tôi có nghe nói tới hiện tượng tâm
linh tương tự, nhưng lần này tôi nghĩ cô muốn
bịa chuyện để bắt cầu làm quen. Cũng chẳng sao.
Cô dễ thương thành thử cũng nên bắt bồ cho vui.
Sau đó chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn.
Gail chỉ mới 19 song có một
con gái ba tuổi rồi. Cô hiện sống một mình với
con trong căn nhà mướn. Cô có mượn một người giữ
con cho cô đi học và đi làm. Cô làm bán thời
gian. Cha của con cô sống ở một thành phố khác.
Hai người chưa bao giờ cưới hỏi nhau. Đó là một
ví dụ cụ thể về cái gọi là 'tình yêu qua đường[24]'
của giới vị thành niên và cũng là trường hợp
điển hình của trai gái sống chung thường thấy
trong xã hội Mỹ hiện nay, mà hậu quả là có nhiều
người vợ không hôn thú, con không thừa nhận, phá
thai, và đau khổ.
Tôi bắt đầu đi lại với Gail
và ở ngủ hai đêm mỗi tuần, hai đêm trước ngày có
lớp Tây Ban Nha. Sau một thời gian cô trở nên
gắn bó với tôi thái quá và muốn tôi làm của
riêng cô. Trong trường cô muốn tôi luôn luôn cặp
kè với cô. Tôi hơi bực bội có lẽ vì đã quen với
cách xử sự phóng khoáng của Terri mà tôi gặp hồi
năm trước. Tôi cũng rất bận bịu với cô nên không
còn thì giờ gặp bạn bè, những cuộc gặp gỡ cần
thiết để tôi được đi rong, uống bia, vân vân.
Nhưng tôi lại mâu thuẩn với chính tôi, vì tuy
không thoải mái với Gail, tôi vẫn muốn có cô kề
bên để thỏa mãn đòi hỏi sinh lý của mình. Dầu
sao tôi chưa thể làm người có trách nhiệm thành
niên chính chắn để sẵn sàng dâng hiến tình yêu
đứng đắn cho một người đàn bà duy nhứt. Để gỡ
mình ra khỏi hoàn cảnh khó xử, tôi nói với Gail
tôi sẽ đi lang thang qua Ấn Độ trong một thời
gian vô hạn định, ngầm báo cô biết liên hệ giữa
tôi và cô không thể kéo dài mãi mãi.
Từ lúc ở Âu Châu về hồi cuối
hè rồi, tôi đã bắt đầu rủ rê một số bạn bè cùng
đi với tôi vào chuyến du lịch tới. Tôi kể tụi nó
nghe nếp sống phiêu lưu phóng túng và các thú
vui mà tôi được nếm ở các nơi ấy. Tôi nói thêm
rằng đi như vậy sẽ giúp người ta sống có ý nghĩa
hơn nhờ nới rộng tầm nhìn ra khỏi khuôn sáo nhàm
chán của cuộc sống hiện tại cũng như của công
việc lặt vặt hằng ngày. Tôi rốt cuộc rủ được ba
đứa bạn tham gia 'Cuộc Du Hành Lớn sang Âu Châu'
và có thể qua tới Ma Rốc. Bạn tôi không thể bỏ
đi dài hạn như tôi được bởi tụi nó còn 'bận bịu'
với công ăn việc làm, bồ bịch, hay học hành.
Trong hai tháng kế tiếp bốn
đứa tụi tôi bận rộn hoạch định chương trình hành
động. Là người duy nhứt từng sang Âu Châu, tôi
được xem như kế hoạch trưởng, tha hồ đưa ý kiến
và đề nghị. Ý sẵn có của tôi là muốn đi giang hồ
và hưởng thụ. Tôi tính sẽ dấu theo một lượng LSD
lớn để bán lại ở những đô thị như Copenhagen,
Amsterdam và Muchich. Tôi định kiếm tiền mua
chiếc mô tô BMW để chạy từ Âu Châu qua Trung
Đông đến Ấn Độ. Tôi sẽ bỏ xe lại Ấn rồi đi bộ
hay xe lừa tới một nơi huyền thoại và hấp dẫn
nhứt. Ở đó tôi sẽ thả nổi và có thể sẽ không về
Mỹ nữa nếu duyên nghiệp tôi định vậy.
Vào lục cá nguyệt chót, tôi
lấy lớp tôn giáo thế giới để học triết lý và đạo
lý Ky Tô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn Độ
giáo/Yoga, và Phật giáo. Cô giáo là một bà đứng
tuổi, luyện yoga, từng qua Ấn Độ nghiên cứu. Bà
dành hai tuần dạy mỗi tôn giáo và bắt sinh viên
viết bài về đạo mình thích. Tôi chọn Phật giáo
vì đạo này hấp dẫn với tôi nhứt. Tôi vô thư viện
của trường và của thành phố tìm tài liệu về lịch
sử, đà phát triển và giáo lý của đạo Phật. Tôi
rất tò mò và mê đọc những thuyết nói về nghiệp,
luân hồi, tái sanh, khổ đau, niết bàn, và thiền.
Lần đầu tiên tôi thật sự đi sâu vào những triết
lý mà từ trước tới nay tôi chỉ được nghe qua
loa. Các thuyết về đời sống, sanh và tử của
phuơng Đông hình như dễ cảm nhận hơn các thuyết
của đạo Do Thái và đạo Chúa. Do đó, tôi viết say
mê như chưa bao giờ say mê viết như vậy. Tôi rất
ngạc nhiên về sự say mê này của tôi. Và giờ đây
tôi mới biết và quý trọng tượng Đức Phật để
trong phòng tôi. Bài tôi được điểm cao nhứt, A+,
và lời khen tôi hiểu biết sâu sắc vấn đề. Nhưng
cảm hứng của tôi tàn nhanh và tôi lại bận rộn
với việc tổ chức 'chuyến đi lớn' sắp tới.
Nhờ giao dịch tôi gặp được
một người có thể cung cấp bốn ngàn tép LSD cam
sáng[25],
một loại acít tốt. Mỗi tép đủ cho bốn người phê
ngon lành. Tôi muốn thứ này để đem qua bán bên
Âu Châu hầu góp tiền mua chiếc mô tô đi Ấn Độ.
Số hàng bốn ngàn tép quá thừa nhưng vì giá rẻ
nên tôi lấy hết. Một thằng bạn xin mua lại một
nửa, tôi chia ngay. Tôi định đem lậu đi bằng
cách cuộn thuốc vô vớ nhét dưới đáy xách đeo
vai.
Ba đứa bạn cùng đi với tôi là
Barry, Fred và Rick. Tụi tôi tính đi bằng cách
rẻ tiền mà khoái nhứt. Tụi tôi sẽ lái chiếc xe
chủ mướn giao từ California qua bờ biển Đông.
Rồi kiếm đại lý nào đó cần giao xe đi New York
hay Boston để tụi tôi lái mướn một lần nữa mà
qua đó. Tụi tôi chỉ phải trả tiền xăng mà thôi.
Nếu chia cho bốn, mỗi đứa chỉ tốn hai mươi lăm
đo la là nhiều. Từ New York tụi tôi bay qua Bắc
Âu và bắt đầu đi phiêu lưu từ đó. Tụi tôi chọn
đến Stockholm trước vì nhiều lý do. Thành phố
này nằm trên đỉnh địa cầu chắc sẽ trắng xóa và
đẹp lắm lúc tụi tôi tới. Lý do chính là tôi có
một thằng bạn ở đó biết chỗ bán hết hay một phần
số ma túy tôi đem qua với giá cao. Tôi sẽ khỏi
phải mang nó kè kè và có thể lấy tiền một lần.
Với nữa, hè đó giá vé đi Stockholm rẻ.
Mấy năm trước, tôi đem theo
cả ký cần sa mua với giá bèo, bán lại một số để
lấy vốn, giữ số còn lại kể như lời để hút. Nhờ
vậy, tôi chẳng những có đủ xài mà còn chia cho
bạn bè, giựt le[26]
vấn điếu
chillum
bự trong nhiều cuộc vui chơi, và giúp tụi nó phê
đều đều. Tôi khoái làm như vậy.
Bạn tôi thường đến nhà tôi
mua một ít lá hay vài gram
hash.
Theo thông lệ, tụi nó vừa nghe nhạc vừa hút thử
ngay trong phòng tôi, trước khi lấy hàng ra về.
Ba má tôi không hay biết việc buôn bán dấu đút
của tôi nhưng có bắt gặp tôi hút vì theo mùi
khói thuốc. Hơn thế nữa, má tôi là hiệu phó của
một trường cấp hai rất mất dạy ở Riverside nên
bà biết rành về hiện trạng ma túy trong trường
học. Bà thường phải đương đầu với đám con nít
nghịch ngợm, hút xách, loạn động vì LSD hay
angel dust[27],
và với cả con gái mới 14 đã chửa hoang. Học
sinh, trai cũng như gái, vô trường phê là chuyện
thường. Chúng còn bán xì ke nữa là khác. Do đó
má tôi nhìn qua cử chỉ của tôi là biết tôi hút
nên bắt không sai.
Là phụ huynh rất lo lắng cho
con cái, ba má tôi không bao giờ chấp nhận nhưng
không sao ngăn cấm tôi hút được, nhứt là ông bà
biết tôi đã trưởng thành với 22 tuổi đầu và đã
có ba năm lính. Vả lại, ông bà thấy tôi hút
nhưng không bị trở ngại trên đường đời cũng như
trong lớp hoc (tôi học luôn luôn trên trung
bình) nên dung thứ và cho tôi hút ngay trong nhà
với chủ ý tránh cho tôi khỏi phê ngoài đường mà
có thể bị nạn. Ông bà tin rằng sớm muộn gì (mà
càng sớm càng tốt) tôi cũng sẽ bỏ thuốc và quay
về lối sống kiểu mẫu với vợ với con. Có lẽ vì
thói quen hút xách mà lần hồi tôi không còn tha
thiết lên đại học 4-năm hay nghĩ tới tương lai
dài nữa. Anh tôi không vướng vô tệ nạn này nên
đã có đời sống trung lưu khá giả. Anh ra trường
kỹ sư, có việc làm ngon, được lương cao, cưới vợ
đẹp, sắp sanh con, và đã sắm đươc ngôi nhà trong
vùng ngoai ô xịn.
Dĩ nhiên ba má tôi muốn tôi
bắt chước anh tôi nhưng ông bà không bao giờ
thúc hối tôi. Má tôi biết mỗi người có một
trường hợp đặc thù và phải theo tiếng gọi riêng
của mình nên bà để tôi quyết định đời sống của
tôi. Tôi có cắt nghĩa cho ông bà biết tôi sẽ đi
chu du để xem người khác sống thế nào, biết tôi
hơn, và có thể tìm ra chân trời mới. Tôi nói tôi
đi không biết bao lâu và nếu gặp gì hay tôi sẽ
xa nhà năm-bảy năm và có thể đi luôn cũng không
chừng. Ông bà không tin lời tôi mà nghĩ rằng tôi
sẽ chán và nhớ nhà rồi quay về hoàn tất hai năm
chót đại học.
Bốn đứa tụi tôi định sẽ khởi
hành qua bờ biển Đông ngay sau khi học kỳ mãn.
Như vậy là tôi sẽ xong bằng
Associate in Arts
(AA)
mà lễ cấp bằng được định vào tối Thứ Sáu liền
theo đó. Tôi không thể chờ để lãnh bằng vì cho
rằng AA chẳng quan trọng gì mà phải tốn công dự
lễ. Ba má tôi ngạc nhiên lắm!
Đêm trước khi lên đường, tụi
tôi có tổ chức ăn nhậu chia tay đằng nhà của
Barry và Rick. Mười thùng bia đã sẵn. Bỏ bít tết
được nướng trên lò than dã chiến đào sau sân
nhà. Khách lúc ban đầu chỉ gồm bạn bè thân cũ
nhưng lần lần con số lên tới trăm vì tiếng đồn
ra. Có cả thực khách mà tụi tôi chưa hề biết
mặt. Tôi muốn thử acít
orange sunshine
nên tán nhuyễn hai chục tép và chuyền tay trên
một dĩa nhỏ. Mọi người ăn no, nhậu đã, hút phê,
và nghe nhạc hết ga. Ai cũng muốn 'gục'. Cuộc
vui kích động quá đà và ồn ào quá mức khiến hàng
xóm kêu mã tà tới 'dội nước giải nhiệt.' Tụi tôi
phải hạ nhạc xuống và 'mời' các khứa không được
mời mà tới đứng dậy ra về dùm. Sau cùng nhóm bạn
thân còn lại chia nhau hút điếu
chillum
chót tiễn bốn anh em tôi lên đường làm 'Chuyến
Thám Hiểm Âu Châu Lớn.'
*
Chương 3
XUYÊN
ÂU CHÂU
Như đã tính trước, bốn đứa
tụi tôi sẽ lái chiếc xe từ Riverside qua New
York giao cho chủ. Ba má tôi và Gail tiển tôi
tại lối xe trước cửa nhà. Chúng tôi xiết mạnh
vòng tay và hun nhau luyến tiếc. Gail khóc. Sau
đó chúng tôi lên xe, chiếc Buick có máy lạnh, ra
lộ xuyên bang số 10, chạy ngang sa mạc Nam
California. Thằng bạn bán xì ke tặng cho bốn đứa
tôi một món quà quý--một
ounce[28]
pot
loại
tốt và một gram
cocaine
để giúp tạo thêm nghị lực cho chuyến đi xa. Tụi
tôi mất bốn ngày mới tới New York; trên đường
tụi tôi thay phiên lái và cùng nhau vui đùa thỏa
thích.
Từ New York, tụi tôi bay qua
vùng Đất có Mặt Trời Giữa Đêm và đáp xuống
Stockholm đúng dịp lễ hội 'giữa hè' vào ngày 21
tháng Sáu, cũng là sinh nhựt của tôi. Lúc sắp
hàng qua quan thuế, tôi rất bồn chồn vì các tép
LSD dấu dưới đáy cái xách tôi mang trên vai.
Bụng tôi đánh lô tô[29]
khi thấy vài người đi trước tôi bị giữ lại để
khám kỹ, nhưng tôi cố làm tỉnh. Tới lượt tôi,
nhân viên quan thuế nhìn tôi, xem thông hành tôi
rồi hỏi tôi có bao nhiêu tiền, định ở lại Thụy
Điển bao lâu và yêu cầu tôi xuất trình vé lượt
về. Tôi đưa ông xem năm trăm đô la bằng chi
phiếu du khách và nói tôi dự tính ở Thụy Điển
hai tuần. Ông có vẻ vừa ý, khoác tay cho tôi qua
và chúc tôi vui vẻ. Fred đi sau tôi bị giữ lại
và bị xét rất lâu. May là nó không có tép thuốc
nào trong lưng hết. Một phút trớ trêu bắt đầu
chuỗi thời gian ngông nghênh sắp tới!
Chuyện đầu tiên tôi phải làm
là tìm tên Thụy Điển chịu mua các tép xì ke cam
sáng của tôi. Tôi muốn tống nó đi cho khỏe thân
vì tôi đang như ngồi trên đống chất nổ. Nhờ có
địa chỉ nên tôi không mất nhiều thì giờ tìm hắn.
Hắn ta đang ở chung với cô bồ cũng hippi như
hắn. Hai người làm nữ trang để bán dạo ngoài
phố. Hắn sáng mắt khi thấy các tép cam sáng tôi
đem tới, Hắn muốn mua một ngàn tép và chịu trả
một ngàn đô la hay số tiền cu ron tương tương.
Thuốc cam sáng thứ tốt có thể bán tới mười đô la
một tép vì quý hiếm ở Stockholm. Không có tiền
sẵn, hắn yêu cầu tôi đợi vài ba hôm để hắn xoay
sở với bọn ghiền của hắn. Tôi đồng ý đưa hắn một
ngàn tép để hắn cất trong tủ lạnh và bán lần
lần. Tôi hơi ngây ngô khi tin hắn, nhưng tôi
không có chỗ cất và không thể mang tất cả kè kè
bên mình. Còn chín trăm tép cũng là nhiều cho
tôi bán dọc đường rồi. Bốn đứa tụi tôi định làm
một vòng Thụy Điển-Na Uy-Thụy Điển trong một
tuần, bằng cách có giang xe lên Sundswall, băng
qua Na Uy xem một ít
fjord[30]
nổi tiếng của xứ này, xuống Oslo, rồi trở về
Stockholm. Trước khi lên đường tụi tôi nhờ thằng
Thụy Điển đưa đi mua mười gram lá
hash.
Để dễ có giang tụi tôi chia làm hai nhóm, tôi đi
với Fred còn Barry đi với Rick. Không ngờ hai
nhóm tụi tôi không có dịp gặp lại nhau cho đến
khi về lại Stockholm một tuần sau đó theo chương
trình đã được đồng ý trước.
Mưa tầm tã trọn một tuần
nhưng tôi và Fred vẫn tiếp tục chương trình
hoạch định, cứ dầm mưa xin quá giang. Về đêm thì
ngủ hoặc trong trang trại hoặc ở chỗ nào có thể
ngủ được dọc theo đường. Đêm nọ, sau một ngày
dan mưa, tụi tôi lủi vô trú trong một chuồng bò
sau nhà một nông dân. Bò không bị quấy rầy sẵn
sàng yên giấc với tụi tôi. Một đỗi sau bác nông
dân ra thăm chừng bò, kinh ngạc gặp bốn đứa tôi.
Tôi nghĩ bác sẽ giận dữ tống cổ tụi tôi ra.
Nhưng không, bác cười thân mật, xí xô xí xào và
ra dấu (bác không biết tiếng Anh) biểu tụi tôi
vô nhà bác ngủ cho ấm. Tôi và Fred không ngại
mùi cứt bò, rất vừa ý với nệm rơm sẵn có và đang
muốn hút một mẻ
hash
để kết thúc ngày dài vừa qua nên chần chờ. Bác
vừa bịt mũi vừa chỉ bò ra dấu bắt tụi tôi phải
vô nhà. Tụi tôi xin đồng ý để bác vui.
Bác gái còn vui hơn khi thấy
bác trai dẫn tụi tôi vô nhà. Bà liền hâm cho mỗi
đứa một tô súp, cắt cho mỗi đứa một góc bánh
pie
nhà nướng và rót cho mỗi đứa một ly sữa tươi.
Tụi tôi cám ơn bà rối rít rồi ăn uống ngấu
nghiến. Sau đó bà đưa tụi tôi vô ngủ trong phòng
trước đây là của con bà. Mền lông dầy giúp tụi
tôi quên đi cơn mưa lạnh đêm nay. Sáng dậy, tụi
tôi được cho ăn điểm tâm với trứng luộc, bánh
mì, bơ tươi và phó mát nhà làm. Trong chuyến đi
tuần này tôi và Fred gặp nhiều dịp hên, được bà
con giúp đỡ rất nhiệt tình. Quang cảnh Na Uy
thật hùng vĩ;
fjord
và
làng đánh cá xem như tranh in trên bưu thiếp.
Thêm vào, ngày hè dài 24 tiếng trên cực Bắc nên
tụi tôi có thể thưởng lãm thiên nhiên liên tục
nếu không muốn dừng chơn ngơi nghỉ.
Trở về Stockholm, tôi và Fred
đi thẳng tới nhà của đôi bạn Thụy Điển. Tụi tôi
sửng sờ khi nghe cô nàng cho biết anh chàng đã
vô tù. Bằng giọng thiếu bình tỉnh và hấp tấp cô
kể tụi tôi nghe câu chuyện cảnh sát vồ anh lúc
anh bán LSD ngoài công trường thành phố, nơi tụ
tập của hippi và du khách. Rồi phòng anh bị khám
xét. Lúc thấy lính tới cô hoảng quá bèn tống hết
các tép còn lại xuống cầu và dội nước. Cô khuyên
tụi tôi mau rời khỏi chỗ này vì lính có thể còn
đang theo dõi. Tôi bị sốc và chưa biết tính sao.
Tuy nhiên vì an toàn, tôi phải đi ngay. Tôi liền
băng qua đường vô công viên nhỏ gần đó tìm chỗ
chôn các tép thuốc còn lại. Tôi cẩn thận làm dấu
chỗ chôn. Xong, tôi và Fred xuống công trường
nơi anh bạn Thụy Điển bị lính tóm. Tình cờ tụi
tôi gặp lại Barry và Rick. Tất cả ngồi xuống bực
thang gần đó để nghỉ và bàn về chuyện đã xảy ra.
Lúc ấy tôi thấy ai như anh chàng Thụy Điển đó đi
trên cầu vượt ngang công trường. Có lẽ anh thấy
tôi nhìn nên lật đật lẫn mất. Tôi vụt chạy theo
nhưng vô ích vì người qua lại đông quá. Tôi nghĩ
ra rằng cô nàng kia đã nói láo. Tôi bèn gọi sở
cảnh sát hỏi và được trả lời không có ai tên như
anh trong tù hết. Tôi biết ngay rằng mình bị gạt
một cách ngang nhiên rồi. Tôi hoang mang nhưng
không thể kêu cứu vì chẳn lẽ nhờ mã tà bắt bọn
cướp cạn LSD của tôi để 'lạy ông tôi ở bụi này'
sao. Tôi không dám dính dáng với công lực. Fred
và tôi căm lắm nhưng chẳng biết phải làm gì giữa
thành đô điên loạn này.
Barry và Rick kể lại những
vui buồn trong chuyến phiêu lưu vừa qua của hai
đứa. Tôi kể chuyện bị gạt, Barry nghe nổi nóng
đòi đi đập tụi lưu manh, tôi can vì tôi kể như
mình bị mất và định quên hết để tiếp tục xuôi
Nam. Chiều lại, tụi tôi gặp Jim, thằng bạn cùng
ở Riverside vừa từ Los Angeles tới. Jim được
công ty du lịch của nó đưa qua Âu Châu viếng một
số đô thị để chuẩn bị đưa khách sang. Chuyến đi
của nó nửa công nửa tư nên bị giới hạn nhiều về
thời gian. Thêm Jim, nhóm Riverside có tới năm
mạng. Nhóm định đi Copenhagen sáng mai vì không
còn hứng thú ở lại Stockholm, một thành phố đắt
đỏ (khó kiếm nhà trọ rẻ tiền), với dân (theo
tôi) lạnh lùng lẫn rỗng tuếch, và bợm say nhan
nhản ngoài đường cũng như trong hầm xe điện
ngầm. Riêng tôi bị cướp cạn giữa ban ngày nên
không có chút cảm tình nào với thủ đô này hết.
Trước khi đi, tôi trở lại công viên đào lấy các
tép LSD dấu hôm trước. Và để hiểu thêm chuyện
mình bị lừa, tôi đi qua nhà cặp xỏ lá Thụy Điển,
để bị thất vọng thêm vì đứng gỏ cửa hoài mà
không ai mở nên bực mình bỏ ra về. Bị vố ấy, tôi
hết mơ mua mô tô. Tôi phải tự bằng lòng với gì
mình đang có, tìm cách bán lẻ chín trăm tép cam
sáng và đi du lịch bằng phương tiện địa phương
hay bằng lối có giang xe.
Tối, năm đứa tôi ra ngoại ô
tìm chỗ ngủ ngoài trời. Tụi tôi dừng lại nơi sân
cỏ trong khu nhà cao từng, trải nóp ra nằm. Thấy
dân bụi đời, một ít thanh thiếu niên trong khu
ra gạ mua LSD. Chúng là bọn con nhà trung lưu
thừa tiền nhưng thiếu vui. Tôi ra giá mười lăm
đô một tép để bù lại số bị giựt. Chúng móc túi
trả tiền tỉnh khô cho năm tép rồi chạy dông vô
nhà gần đây. Năm đứa tôi vừa cười chúng vừa hút
chillum
và thưởng thức một đêm ngoài
trời ấm áp thú vị.
Barry, Rick và Jim lấy xe lửa
xuống Copenhagen còn tôi và Fred chọn cách có
giang xe. Tôi thích có giang vì ham phiêu lưu và
muốn có cơ hội gặp bà con địa phương cũng như
học hỏi về nơi mình đã đi qua. Có giang cũng là
cách du lịch rẻ tiền, nhứt là ở Âu Châu và đặc
biệt ở Bắc Âu. Tụi tôi đến Copenhagen gặp lại
Barry và Jim ở điểm hẹn sau hai ngày quá giang
bằng nhiều thứ xe. Barry cho tôi và Fred biết
Rick có lẽ nhớ nhà nên đã bỏ cuộc và trở lên
Stockhom lấy máy bay về Mỹ. Hai đứa tôi rất ngạc
nhiên. Bốn đứa tụi tôi ở lại đây vài ngày để vui
với sinh hoạt hè. Tôi nhớ mùa Đông năm 1968 lúc
tôi dù lên đây. Mùa hè này trở lại tôi cảm thấy
khác biệt lạ thường. Phải chăng vì bây giờ tôi
là con người tự do có pha trộn chút vị ngon lành
của "flower
children[31]."
Vùng ngoại ô có nguyên một
thành phố lều dựng lên đón dân hippi đi tứ xứ
Đông Nam Tây Bắc.. Tụi tôi ngủ lại đây và có dịp
nói chuyện với nhiều người. Được biết cuối tuần
tới sẽ khai mạc đại nhạc hội
rock
ngoài
Copenhagen. Nhạc hội và lễ hội là những dịp tốt
để tiêu thụ ma túy. Barry muốn đến đó để bán bớt
hai ngàn tép của nó. Tụi tôi tin rằng sẽ bán
được nhiều với giá mắc và sẽ lấy lại cả vốn lẫn
lời khẳm.
Ở Copenhagen có nhiều chỗ cho
mướn xe đạp vì xe đạp là phương tiện di chuyển
mà dân địa phương cũng như du khách rất thích.
Xe cho mướn thường cũ kỹ, có vỏ mòn, và chỉ gắn
một thắng. Tôi mướn một chiếc chạy quanh thành
phố. Tôi nảy ra ý định mướn dài hạn để đạp đi
Amsterdam, đạp thong thả chừng mươi ngày chắc
cũng tới nơi. Như vậy tôi sẽ thấy được đồng trại
và làng mạc kỳ thú của Đan Mạch và Hòa Lan. Hai
xứ này có địa hình phẳng phiu nên chắc dễ đạp.
Tôi quyết định thực hiện ý mình trong lúc ba bạn
tôi chọn xe lửa cho có tiện nghi. Tôi đi mướn xe
đạp. Không có chỗ nào cho mướn một vòng và không
ai chịu cho đem xe ra khỏi xứ. Tôi có cách. Được
biết ở Đan Mạch mướn xe không phải đăng ký hay
dằn cọc vì chủ xe tin người mướn chơn thật và
nhứt là vì xe cũ cà tàng không ai thèm lấy làm
gì. Vậy thì tôi mướn một tháng, trước để đạp ra
Roskilde dự nhạc hội rồi sau đó đạp luôn qua
Amsterdam. Tiền mướn một tháng, tôi tính, sẽ còn
nhiều hơn tiền mua chiếc xe đạp đầm cũ sét có
cặp vỏ lán o mà tôi đã nhắm. Bây giờ ngồi ngẫm
lại, tôi nhận ra đó là một ví dụ điển hình của
cái tâm và cái tôi xão quyệt đã dựng lên cái ý
niệm cho là hữu lý để làm chuyện trái luân
thường.
Ngày khai mạc lễ hội, tôi
mướn xe, chất túi đeo vai lên bọt-ba-ga sau,
ràng kỹ, rồi đạp hai mươi dặm ra dự. Barry, Fred
và Jim lấy xe lửa tới. Tụi tôi gặp nhau lại
ngoài ga của thành phố nhỏ Roskilde. Cùng đến có
cả mấy trăm người trẩy hội, hầu hết thuộc giới
trẻ. Tôi khóa xe vô rào ngoài khu lễ hội. Rồi
bốn đứa vô tìm chỗ. Tụi tôi chiếm được một ô sau
cái quầy nhìn thẳng lên sân khấu, cắm dùi ở đó
liền tù tì trọn hai ngày đại hội. Nhạc đã bắt
đầu. Bà con kẻ nhún nhảy người âm thầm hút
chillum;
một số khác đùa nghịch trong hồ bơi dã chiến mà
ban tổ chức dựng lên để giúp khách tạm quên đi
phần nào cái nóng rang của mùa hè. Nhiều cô cởi
trần đi nghễu nghến. Hội không có cảnh sát kiểm
soát nên tha hồ buôn bán và hút hít ma túy. Tôi
viết tấm bảng "California
sunshine orange"
và cắm trước chỗ đang ngồi để chào hàng. Trong
vòng mười phút tôi bán được năm tép giá năm đô
mỗi tép. Sau hai tiếng tôi và Barry mỗi đứa bán
hơn năm mươi tép. Và đến cuối tuần tụi tôi bán
trên năm trăm tép. Tụi tôi cũng có thí một ít
cho mấy thằng cô hồn ghiền mà không có tiền mua.
Và tụi tôi cũng xài một mớ để rung cảm với nhạc
điệu đang lên của cái không khí hoang dã và loạn
cuồng đang diễn ra ở đây. Tụi tôi có mua thêm
hai mươi gram
hash
để
theo cho kịp cuộc đua đường trường hút
chillum
và cũng để phát không cho ông đi qua bà đi lại.
Ôi vui thiệt là vui và mọi việc đều trôi chảy êm
xuôi. Tôi rất thỏa dạ vì tôi đã thu lại vốn rồi
mà còn lời những năm trăm tép, chưa kể số bị
cướp cạn.
Trên đường đi Amsterdam, tôi
ung dung đạp và đạp được những sáu bảy chục cây
số mỗi ngày, dầu rằng cái xe thuộc loại cà tàng.
Tôi thường phê và vui đậm với cảnh vật chung
quanh. Tôi quên hết mọi việc kể cả xe cộ đi qua.
Đến khoảng 6:00 giờ chiều tôi mới để ý tìm chỗ
nghỉ đêm, có thể là một cụm cây bên lề, khu
picnic dựa hồ, công viên làng, hay trang trại
của nông dân. Tôi có ghé qua Isle of Sylt, một
ốc đảo của giới khỏa thân Bắc Âu, ở hai ngày
mong có dịp lấy lại cái sạm nắng California. Rất
tiếc trời mù mịt và lạnh liên miên. Tuy nhiên
cũng có khối dân Đan Mạch và Đức đến chơi. Họ
nằm trần như nhộng trên ghế bật, dưới bóng dù
cản tia hồng ngoại dầu mây đã che kín mặt trời.
Không có nắng để phơi, tôi vô một chòi nhỏ nằm
cho yên tĩnh. Chòi làm bằng cành cây khô và giấy
bồi dựng dưới bãi. Tôi dấu xe sau bụi rậm, mở
xách và xây ổ nằm thoải mái. Chập sau một đám
trẻ con tới. Chúng ngạc nhiên thấy tôi chiếm
chòi mà chúng đã bỏ công cất để chơi riêng trong
những ngày dự trại hè thiếu niên. Tuy nhiên
chúng vui vẻ theo nói chuyện để luyện Anh văn
khi biết tôi là người Cờ Hoa chánh cống. Tối lại
chúng còn đem cho tôi một ít thức ăn của trại.
Nghe bọn trẻ báo lại, cô giáo
của chúng đến xem cho rõ thiệt hư. Cô trạc 20,
có dáng điệu nội trợ. Cô không rành tiếng Anh
nhưng cứ theo hỏi hết chuyện này tới chuyện
khác. Tôi có cảm tưởng cô đang thiếu tình yêu.
Cô trở lại tìm tôi lúc tối khi trẻ con đi ngủ.
Hai tụi tôi đứa thì khát khao đứa lại sẵn sàng
nên không thể chờ lâu. Chúng tôi lăn ra làm tình
say sưa ngay trên cát và cả hai đều thỏa mãn như
ý. Sáng, một em bưng cho tôi ít thức điểm tâm
còn thừa của trại, bữa điểm tâm do người tình
ngang xương gởi tới. Thấy trời cứ mù mù hoài tôi
nhổ neo lên đường sợ cô giáo người tình đến thăm
nữa. Làm vậy tôi khỏi phải bâng khuâng vì lời
tạm biệt hay khó nghĩ với yêu cầu 'xin viết cho
tôi.' Tôi muốn chuồn êm như lúc tôi đến.
Sau nhiều ngày đi qua vùng
Bắc của hai nước Đức và Hòa Lan, tôi đạp tới bờ
đê nhơn tạo, dài và lớn nhứt của xứ hoa tu líp,
và vui mừng biết sắp đến Amsterdam. Bấy giờ tôi
mệt nhoài và ngán các đoạn đường đất tới tận cổ,
nhưng chiếc xe đạp cũ khả kính kia chưa thấy
sao, tôi thiệt tình phục nó sát đất. Tôi gặp lại
Barry và Fred ít giờ sau khi tới nơi hẹn, Vondel
Park. Không có Jim vì nó phải tách ra đi công
việc cho hảng. Vườn Vondel là nơi tụ tập quen
thuộc của bọn hippi đi rong. Thành phố cho phép
họ cắm trại tại đây bởi thiếu nhà trọ rẻ tiền.
Vườn có chỗ gởi hành lý và một câu lạc bộ bán
thức ăn uống; nhạc và ma túy cũng có luôn. Tôi
dựng xe dựa gốc cây cho ai cần cứ lấy đạp, nhập
bọn với Barry và Fred, và cắm lều dưới một tàng
cây lớn bên bờ con kinh. Có nhiều nhóm nhỏ như
nhóm tụi tôi sống rải rác trong khuông viên
rộng. Các nhóm thường đi làm quen với nhau để
trao đổi tin tức hay kể cho nhau nghe những
phiêu lưu của mình.
Tôi và Barry có dịp bán số
orange
sunshine
còn lại, bán chạy như tôm tươi. Nhờ vào tiền
kiếm được tôi khỏi phải rớ tới số chi phiếu năm
trăm đô. Đã vậy tôi còn dư một số nữa. Để an ủi
nỗi dầy vò ăn lời quá trớn, tôi phát không một
ít cho bọn ghiền 'ca bài con cá' tại sao chúng
không có tiền mua. Một lần nọ, nhơn dịp có nhạc
miễn phí trong công viên, tôi tán nhuyển và thí
những hai chục tép. Tôi rất vui khi thấy dân
hippi phê trong những buổi chiều đầy nắng ấm và
đầy nhạc vang vang. Phần tôi, hippi cũng không
thua ai vì tóc vàng tôi đã dài tới vai và râu
hun tôi ra rậm ri.
Ở đây tôi bắt đầu giở sách
'The
Teaching of Don Juan[32]'
ra đọc, cuốn sách mà tôi đổi
bằng một liều acít. Sách kể chuyện của tác giả
Carlos Castenada với thuốc
peyote[33]
và nhiều thứ cây thuốc gây ảo
tưởng khác. Don Juan, nhà phù thủy Mễ Tây Cơ,
dạy cho Carlos cách dùng chất gây ảo giác để
khám phá bí mật của tâm và phát huy quyền năng
tâm thần hầu đạt giác ngộ. Tác giả là một sinh
viên nhân chủng học của Đại Học UCLA[34].
Anh thọ giáo thầy Don Juan và thu thập được
nhiều kinh nghiệm ngộ nghĩnh quý báu mà anh
thuật lại trong sách. Tôi thích sách vì câu
chuyện chớ lúc bấy giờ tôi chưa hề biết gì về
các chuyển biến của tâm linh. Tôi có thử
peyote
và một ít thứ nấm quỷ thuật khác nhưng chỉ để
phê hơn là để khám phá tâm. Tôi chỉ học hỏi được
thêm sau khi đọc tiếp sách của cùng tác giả.
Vào một ngày chủ nhựt nắng ấm
nọ, có một nhóm Krishna đông tới công viên. Tôi
có nghe nói về nhóm Tinh Thần Krishna từng gây
tranh luận sôi nổi này, nhưng chưa bao giờ được
gặp mặt. Và qua lớp tôn giáo thế giới lấy ở Đại
Học Cộng Đồng Riverside, tôi biết Krishna là vị
thần Hindu mà tín đồ rất sùng bái và nguyện cầu
bằng cách xướng tên ngài, 'Hare Krishna, Hare
Rama'. Guru[35]
tinh thần Hare Krishna được kiệu tới và đặt trên
bục dành riêng cho ngài. Ngài là một cụ già ốm
yếu, mặc áo dài vàng. Trán ngài điểm nhiều chấm
màu. Ngài có nhiều thầy và rất đông tín đồ hộ
giá. Hầu hết đều mặc áo vàng và cũng có chấm màu
trên trán. Đầu họ cạo trọc chỉ chừa chùm tóc
đuôi ngựa nhỏ sau ót. Lần đầu tiên đứng gần họ
và nhìn thấy họ tận mắt, tôi hơi là lạ.
Sau khi được giới thiệu, nhóm
bắt đầu đọc chú Đại Hare Krishna theo nhịp
trống, chập chõa và vũ điệu của tín đồ. Lúc nhịp
điệu lên cao tôi có cảm tưởng như bị cuốn hút
theo không khí huyền bí chung. Tôi bắt đầu lẩm
nhẩm rồi lần lần đọc ra tiếng các câu chú. Sau
lối mười lăm phút, tôi và đám đông đều như bị
nhập tâm và có cùng một chu kỳ tâm linh. Hầu hết
uốn mình nhảy nhót chung với các thầy và tín đồ
Krishna. Tôi cảm thấy lâng lâng lên chín từng
mây xanh. Tôi có nghe nói tới ảnh hưởng mê hồn
của lối đọc chú này nhưng không biết ma túy hay
lời chú đã đưa tôi lên cao, bởi trước đó tôi có
nuốt nửa tép cam sáng
và hút nhiều
chillum.
Tiếp theo, các thầy và tín đồ xuống đám đông
phát
'prasad',
một thứ bánh ngọt hình viên tròn nhỏ, để chúc
phúc, hạnh phúc ban bố từ chính Đấng Krishna.
Bánh ăn ngon.
Ít hôm sau tôi tìm đến đền
Hare Krishna gần công viên. Được nghe nói rằng
ai viếng đền lúc ngọ trai đều được mời ăn bữa
cơm trưa Ấn Độ cổ truyền. Tôi đến lúc trước trai
thời. Tôi thấy họ đang đọc kinh. Đền thờ có
nhiều tranh và tượng của Krishna cùng nhiều thần
linh Ấn Độ khác. Tôi ghé xem vì tò mò hơn là vì
sùng kính. Tuy nhiên tôi yên lặng tôn trọng mọi
nghi thức trong lúc chờ cơm. Trước lúc cáo lui,
tôi ngạc nhiên nghe vài thầy và tín đồ cải nhau
về nhiệm vụ được giao phó vì tôi đinh ninh rằng
các bậc tu hành ấy không thể bôi mặt đá nhau
trước mặt khách thập phương. Tôi ra về mà lòng
chưa thanh thỏa và không mấy thiết tha với lối
tìm Giải Thoát như tôi vừa thấy lúc bấy giờ.
Trong số người tôi gặp ở công
viên, có một cậu người Mỹ chỉ tôi chỗ của một
đảo nhỏ tên Gomera trong quần đảo Canary
Islands. Anh có ở đó rồi và cho biết đảo có đời
sống rẻ nhưng là nơi thoát phàm lý tưởng vì còn
trinh nguyên. Nhóm nhỏ tụi tôi vui mừng tiếp tục
chương hai của cuộc phiêu lưu tự do--mùa Đông ở
Canary Islands. Thiệt ra cũng là lúc nghĩ tới
việc theo nắng ấm xuống miền Nam vì hè trên vùng
Bắc Âu Châu sắp chấm dứt.
Không hiểu vì sao tôi lại
muốn rủ Gail qua Amsterdam để cùng quá giang xe
đi với tôi xuống Tây Ban Nha và Canary Islands.
Có lẽ tôi có đủ tiền trả cho cô nàng cái vé khứ
hồi và muốn cô nàng có cùng kinh nghiệm du lịch
xuyên Âu Châu và sống ở Canary Islands trong mùa
Đông sắp tới. Tôi không có ý định đưa nàng qua
Ấn vì sợ nàng bỏ con lâu quá. Ngoài ra, hình như
tôi đang thiếu bàn tay mềm dịu của người đàn bà
và tình tri kỷ của một bạn đường như tôi đã từng
được Terri dành cho trong kỳ hè vừa qua. Sau khi
suy nghĩ kỹ tôi gọi Gail từ Amsterdam. Nàng hết
sức vui mừng và nói sẽ xin thôi việc ở Sears
ngay để đi càng sớm càng hay. Nàng cho biết có
thể gởi con cho ngoại ba-bốn tháng và đang có
vài trăm đô la trong quỹ tiết kiệm nên tôi chỉ
gởi về năm trăm đô nữa là nàng có thể mua vé khứ
hồi đi từ Los Angeles.
Barry và Fred định mua chiếc
xe con bọ VW[36],
láí xuống Cadiz, bán xe, rồi lấy tàu qua Canary
Islands. Gail và tôi sẽ gặp tụi nó ở Cadiz và
cùng nhau làm một chuyến du lịch bằng tàu..
Sau khi hai thằng bạn tôi đi,
tôi ở lại công viên hai tuần tiếp tục bán acít.
Tôi cố đào ra tiền càng nhiều càng tốt để trả
cho chuyến đi của tôi và Gail. Lúc bấy giờ tôi
gặp khá nhiều du khách trở về từ Ấn Độ. Tôi hỏi
thăm cách xin chiếu khán, phương tiện rẻ tiền,
chỗ nên đến hay nên tránh, nơi có thể mua thuốc
tốt, vân vân. Ngần ấy giúp tôi hăng hái đi về
phương Đông sau khi chuyến đi Canary Islands kết
thúc vào mùa xuân tới.
Gail đến đúng giờ. Tôi rước
nàng về công viên và lưu lại đó hai ngày trước
khi xuống miền Nam. Nàng cho tôi biết nàng bị
tổn thương nặng nề khi tôi rứt áo ra đi, cho nên
giờ đây nàng không còn hứng thú ái ân với tôi
nữa mà chỉ muốn làm bạn đường đi du lịch. Tôi
ngạc nhiên về lời nói phũ phàng nhưng thành thật
của nàng và nhận thấy nàng có thay đổi thiệt.
Tôi thiếu đàn bà trong hai tháng dài và đang
mong đợi Gail cho tôi những phút tùng phục thần
tiên như trước đây. Nhưng trong đêm đầu với nhau
tôi bị nàng lạnh lùng cự tuyệt. Tình tôi với
nàng không còn nguyên vẹn nữa vì lời qua tiếng
lại, ý nghĩ không hay và đau khổ. Tất cả tại tôi
mong cầu quá trớn, gắn bó quá đậm và không chịu
mở mắt nhìn nhận sự tự chủ và đổi thay nơi nàng!
Tôi và Gail mất một tuần quá
giang xe đi từ Amsterdam đến Barcelona. Hai
chúng tôi dừng đây hai ngày để lấy lại sức.
Chúng tôi ăn hải sản, uống
sangria[37]
trong những quán bên lề đường. Nhiều lần tôi
muốn làm tình nhưng nàng khăng khăng từ chối.
Sau cùng nàng chìu lòng tôi nhưng dị biệt giữa
chúng tôi vẫn còn nên chẳng ai hứng thú gì.
Lật đật xuống Cadiz, chúng
tôi lấy xe lửa đi. Trên đường, chúng tôi có tạt
qua Granada để xem Alhambra. Ở Cadiz, chúng tôi
ra bến tàu hỏi chuyến đi Las Palmas và gặp lại
Barry với Fred. Hai đứa tụi nó vui mừng lắm. Tụi
nó đã mua vé rồi, đi chuyến ngày mai, và mong
tụi tôi có thể cùng đi một lượt. Rất may, tàu
còn chỗ. Cùng đi với Barry là cô nàng người Mỹ
tên Penny gặp ở Paris lúc nó ghé ở vài hôm. Một
tuần đợi tôi ở Cadiz, Barry và Fred có làm quen
với một số thủy thủ Mỹ. Họ mua lại chiếc VW và
cho tụi nó trọ với họ ở nhà riêng ngoài trại.
Ráp lại, nhóm kéo nhau về nhà trọ mở tiệc hội
ngộ và cũng để mừng nhóm Riverside có thêm Gail
với Penny. Tất cả nhậu vang, hút
hash
và chơi xả láng.
Tàu thuộc loại đi biển lớn
rất tiện nghi. Tụi tôi nằm trên ca-bin có giường
ngủ, nơi mà tụi tôi thỉnh thoảng tụ họp để hút
chơi. Sau hai ngày lênh đênh tàu vô bến Las
Palmas. Hỏi ra biết hai ngày nữa mới có đò qua
đảo Gomera, tụi tôi đi quanh đảo Gran Canaria để
giết thì giờ. Nghe nói có trại bên kia đảo, cả
đám kéo lên xe buýt đi qua. Tụi tôi dựng lều
chung với nhiều du khách khác trong khu trại
rộng và nghỉ lại đây trong đêm đầu tiên để ăn
mừng đã đến Canary Islands.
Đò liên lạc với các đảo trong
vùng ghé tại cầu cảng chính San Sebastian vào
lúc trưa. Tụi tôi xuống đi qua Gomera, rồi từ đó
lấy buýt về Valle Gran Rey, một làng nhỏ bên bờ
đối diện với Gomera. Chỉ có một xe buýt duy nhứt
nên tụi tôi phải chờ hai tiếng, đợi xe trở về.
Xe chạy theo đường khúc khuỷu đồi dốc qua nhiều
làng nhỏ đang say ngủ, nhiều ruộng từng trên
cao, đồi xanh mơn mởn, và rừng già trên đỉnh đảo
trước khi đổ dốc xuống đậu trước tòa hàng chánh
trong phố.
Điểm đến của tụi tôi có bờ
biển với một dãy nhà, tiệm ăn, quán rượu, và một
ít khách sạn nhỏ trải dài chừng một dặm. Có thêm
vài nhà cho mướn trong làng và hai nhà cho khách
thích ở ẩn nằm xa trên sườn đồi. Chưa tìm được
chỗ vừa ý--nhà rộng đủ chứa đám năm người ngay
trên bờ biển--tụi tôi cấm lều cạnh bụi rậm trên
bãi. Hai ngày sau tụi tôi dọn vô nhà ở gần quán
của ông chủ vui tính Marciello, nơi mà tụi tôi
đến mỗi đêm để uống bia và say sưa.
Du khách ở đây thường biết
nhau hết bởi thung lũng quá hẹp và bờ biển không
dài. Lúc tụi tôi đến có chừng hai chục người
ngoại quốc thuộc giới trẻ sống từng nhóm nhỏ rải
rác. Họ thường mở tiệc và mời qua mời lại hoài.
Sau hai tuần với nhau, Penny bất thần khăn gói
ra đi, cô trở về Âu Châu vì chán ngấy lối sống
ăn nhậu đậm của nhóm đực rựa (Barry, Fred và
tôi), và buồn lòng bởi Barry theo o bế các cô
khác.
Một tháng sau, tôi cũng đi,
dọn ra bìa thung lũng sống một mình. Tôi cần
ngưng tiệc tùng cho tâm trí thảnh thơi và rời
Gail một thời gian để bình tâm suy nghĩ kỹ về
mối liên hệ giữa hai chúng tôi. Tôi mướn nhà của
mẹ Marciello trong làng La Vizcaina, bên phía
trái của thung lũng, tuốt trên đồi cao. Nhà bà
cất cho thuê chưa hoàn tất, nhưng ở được nhờ đã
xong một phòng ngủ với nhà tắm riêng và có chỗ
làm bếp tạm dầu hơi bê bối. Từ phòng ngủ tôi có
thể thấy toàn cảnh rất đẹp của thung lũng tận
tới bờ biển cách đó chừng năm dặm và thấy cả mặt
trời lặn trên hòn Hierro (đảo nhỏ nhứt của quần
đảo Canary Islands) hai mươi dặm ngoài khơi về
phía Nam.
Ở phía sau phòng tôi và trên
cao một chút, có hai ông bà già Manuel và
Henrietta sống rất nghèo nàn, chắc là nghèo nhứt
trong làng này. Nhà ông bà là cái chòi đá đơn sơ
một phòng với nhiều lỗ hang được trám bằng giấy
báo cũ quấn nùi hay bịt cũng bằng báo cũ dán qua
loa. Ông bà ở đây từ nhỏ tới bây giờ suốt hơn
bảy mươi năm nay. Dầu tuổi đã cao, hằng ngày ông
vẫn phải ra đám ruộng từng hay leo dốc lên đồi
kiếm sống. Tôi thấy ông còng lưng ôm cỏ về cho
dê ăn hoặc vác cây khô về làm củi đốt. Tôi phụ
giúp ông mỗi khi gặp dịp và ông thỉnh thoảng mời
tôi về nhà ăn tối bằng khoai lang ngọt với súp
mở heo. Tôi rất thích thú. Ông bà có thêm con
heo nuôi để xẻ thịt ăn trong mùa Đông. Chuồng
heo chỉ cách phòng tôi chừng vài thước nên tôi
nghe heo kêu ột ột tối ngày tưởng chừng nó có
điều gì muốn nói với tôi. Nó còn ngáy rất to nữa
chớ. Riết rồi quen, tôi thấy mến con heo và tự
đặt cho nó cái tên Petunia. Nhưng chẳng bao lâu
Petunia không còn nữa. Tôi buồn lắm. Định mệnh
là đó! Mọi chúng sanh, gồm cả con người, luôn bị
ngoại cảnh chi phối và là mồi ngon của tham.
Lần hồi tôi quen gần hết bà
con trong làng và là bạn thân của nhiều nhà. Tôi
thường được mời ăn tối và uống rượu chát. Uống
'rượu chát đồng quê--vino
del campo'
là thú vui của đàn ông nông dân. Họ khó thể bước
chân ra khỏi nhà mà chưa cạn bốn-năm ly. Họ rất
anh hùng rởm, nghĩ rằng đàn ông mà không uống
nổi cở một lít rượu khi rời bàn tiệc thì không
phải là đàn ông. Nhờ xã giao tôi nói được tiếng
Tây Ban Nha nên dân làng khoái tôi lắm. Họ thân
mật gọi tôi là 'El Rubio', chàng tóc hung, vì
một số không phát âm được tên Scott của tôi. Có
một ông thích tôi đến đỗi muốn gả con gái và cho
tôi luôn cái nhà để tôi ở lại làng này. Đề nghị
hấp dẫn nhưng rất tiếc tôi chưa sẵn sàng.
Sau ba tuần xa nhau, tôi muốn
mời Gail lên La Viscaina ở chung, hy vọng môi
trường mới sẽ giúp hàn gắn mối tình giữa hai
chúng tôi. Tôi đã suy nghĩ kỹ và tự hứa sẽ thay
đổi tánh chiếm hữu và tham dục của mình, cái
tánh mà cô không chịu nổi. Tôi bắt đầu hiểu thế
nào là tham lam quá độ và sức mạnh khó lường của
nó. Gail chán tôi và trong những tháng qua cô đã
gặp nhiều người khác khá hơn. Tôi biết lỗi về
mình và cam phận chấp nhận sự đổ vỡ. Nhưng tôi
không thể không suy tư và thường đặt vấn đề dưới
nhiều góc độ khác nhau.
Cùng lúc, tôi đọc thêm quyển
sách thứ nhì của Don Juan, 'A
Separate Reality[38].'
Sách mô tả ảnh hưởng vi tế của nhiều chất hữu cơ
gây ảo giác. Tôi có thử so sánh kinh nghiệm của
tác giả với kinh nghiệm tôi thu thập được khi sữ
dụng
mescaline
hay nấm 'huyền diệu,' nhưng không thấy có gì
giống nhau hết. Trong lúc tác giả bị phản ứng
mạnh, dồn dập cộng với hồi hộp và sợ hãi, tôi có
cảm giác thoải mái, an lành, và hạnh phúc với
thiên nhiên. Một ví dụ khác. Don Juan đã có lần
dùng rể cây cà dược
Datura
trong
thí nghiệm gây ảo giác của ông. Tôi cũng thí
nghiệm bằng cách lấy hột của cây cà dược mọc dọc
bờ biển Gomera. Người ta nói hột chín đen của
Datura
nấu nước uống có phản ứng gây ảo giác mạnh. Tôi
nấu nước rất đậm để uống thử nhưng cứ tỉnh bơ,
trong lúc Fred cảm thấy như đang đi trong mộng
và ảo giác đó kéo dài hằng giờ.
Đầu tháng Mười Hai, Barry
được thư của em sanh đôi nó là Larry cho biết
cậu sẽ bay qua nhập bọn trong hai tuần tới đây.
Lúc nó tới tôi có xuống mừng. Thêm Larry, nhóm
Riverside vui nhộn hơn bởi nó cũng là một tay
thích chè chén, phì phèo và mèo mỡ không thua gì
anh nó. Lấy lý do có Larry là bạn học cũ từ lớp
6 đến, tôi xuống chơi thường xuyên hơn.
Một cuốn sách nữa mà tôi được
đọc là 'The
First and Last Freedom[39]'
của đạo sư nổi tiếng Ấn Độ, J. Krishnamurti nói
về tâm, chấp trước, tự do tâm linh, thiền, và
tỉnh thức. Lần đầu tiên tôi đọc được những kiến
thức hay như vậy nên suy tư nhiều. Suy tư rất
cần thiết vì tôi vừa trải qua giai đoạn đổ vỡ
với Gail và còn trong tình trạng hỗn độn tinh
thần với nhiều khó khăn, khổ đau, dục vọng, và
chấp trước. Đọc Krishnamurti tôi muốn qua Ấn Độ
ngay. Tôi (đã tốn nhiều thì giờ đi lang bang) ở
Âu Châu và Canaries lâu rồi nên chân tôi bắt đầu
thấy ngứa ngáy. Tôi bèn cùng Barry, Larry và
Fred hoạch định chương trình sắp tới, sau khi
rời Gomera vào ngày đầu năm.
Tụi tôi tính lấy tàu từ Las
Palmas đi El Aiun, thành phố nằm trên bờ biển
của Sahara Tây Ban Nha dưới phía Nam Ma Rốc, một
vùng sa mạc đang tranh chấp. Đó là phương tiện
đến Ma Rốc gần và rẻ nhứt. Còn bay thì quá mắc.
Vả lại tụi tôi muốn đi phiêu lưu một phen cho
biết con đường sa mạc từ El Auin lên mạn Bắc mà
tụi tôi nghe nói nhiều lâu nay. Nhóm Riverside
đi hết trừ Gail vì cô không đủ tiền còn tôi thì
không thể giúp. Tôi ngưng giúp cô từ khi cô
không chịu lên đồi ở với tôi. Tiền cô mang theo
chỉ đủ cho cô lấy tàu về Tây Ban Nha và xe lửa
lên Amsterdam để bay về Los Angeles bằng vé khứ
hồi sẵn có mà thôi. Tôi khuyên cô làm vậy để trở
về với con cô như tôi đã bàn với cô lúc trước.
Con cô chắc đang trông cô lắm vì cô đi xa lâu
quá rồi, lâu hơn dự định. Tôi nghĩ không giúp cô
đi Ma Rốc sẽ bắt buộc cô trở về sớm. Lý luận của
tôi lúc bấy giờ, sau này nghĩ ra, chỉ là một
cách ngầm trả thù vặt cho cái ngã của tôi được
chút thỏa mãn!
Sáng hôm Giáng Sinh, tôi lấy
hết hai chục tép
orange sunshine
còn lại cắt đôi và đem theo xuống bãi. Trên
đường quanh co qua làng mạc, tôi ghé chúc các du
khách bạn "Merry
Christmas"
và mời họ hút. Ai cũng hoan hỷ nhận. Tôi tiếp
tục mời các bạn dưới bãi. Hôm ấy tất cả khách
ngoại quốc trong thung lũng tụ tập hết ở bờ
biển, nằm ngồi trên bãi cát hay đùa giỡn với
sóng nước. Nắng lên sưởi ấm buổi sáng 'thiêng
liêng.' Hầu hết đều lâng lâng vui. Một số trong
đó có tôi lội ra mỏm đá ngoài khơi tắm nắng hay
ngồi ngắm cảnh đẹp chung quanh--trời, biển, núi,
đồi, bãi cát, vườn chuối, vân vân. Tôi cảm thấy
đến sát thiên nhiên, và trước thiên nhiên cái
ngã cũng như tâm hồn vụn vặt của tôi trở nên vô
nghĩa và không thật.
Vài người hiếu kỳ theo dõi
đám lội ra mỏm đá nói lại rằng tụi tôi trông như
một bầy hải cẩu trên đá, thỉnh thoảng nhảy ùm
xuống nước cho mát rồi leo trở lên. Tôi cười và
đồng ý ngay, biết rằng acít có thể ảnh hưởng
nhận xét của con người. Tôi không biết hải cẩu
có vui như tụi tôi đang phê vì acít không hay là
chúng vui nhờ được thiên nhiên luôn luôn cho
phê.
Tối 30 Tết Tây, có tiệc lớn
tại nhà của nhóm bạn người Đức. Tiệc cũng để
tiễn nhóm Riverside tụi tôi sẽ rời Gomera vào
sáng mai. Không cần nói ra ai cũng biết tất cả
chủ khách đều nhậu say, hút đã. Đến giờ giao
thừa trai gái ôm nhau xà nẹo, chúc nhau 'Happy
New Year.'
Nhiều cặp lăn ra sàn, hun hít, mân mê, và ...
làm tình thả giàn. Có cặp còn đổi bồ nữa. Một
màn cụp lạc hết cỡ nói kéo dài tới lúc không ai
còn đủ sức chơi nữa mới chấm dứt!
Trưa hôm sau, tụi tôi ra đi,
trừ Gail. Gail không muốn ở lại nhưng không nói
sẽ đi đâu. Tôi chỉ biết cô sẽ tạm trú với vài
bạn mới gặp. Lúc chia tay thiệt buồn. Ramon và
Manual mà tôi rất thân buồn nhứt khi thấy tôi
leo lên taxi. Họ hỏi "El Rubio" chừng nào trở
lại. Tôi cố giải thích cho họ biết tôi phải đi
Ấn Độ và có thể sẽ trở lại một ngày nào đó.
Antonio đề máy và rồ xe phóng, trong lúc tôi ghi
lại trong tâm những kỹ niệm đẹp của thung lũng
ngoạn mục này.
*
Chương 4
MA RỐC,
HY LAP VÀ TRUNG ĐÔNG
Tụi tôi đặt tên tàu hơi nước
cổ lỗ sĩ đưa tụi tôi đi El Aiun là 'tàu chuối'
vì nghĩ rằng tàu này được dùng để chở chuối từ
Canaries qua Bắc Phi trong những thập niên 40 và
50. Tàu chạy rất mệt nhọc, nghiêng tới nghiêng
lui nghiêng qua nghiêng lại giữa sóng đại dương
cuồn cuộn. Hầu hết khách trên tàu là thanh niên
Tây Mỹ như tụi tôi đang theo 'lộ trình hippi' đi
từ thiên đàng này qua thiên đàng khác khi mùa
thay đổi.
El Aiun là một phố nhỏ hay
đúng ra là một khu đồn quân sự. Tại đây tụi tôi
qua cổng quan thuế, rồi lấy taxi ra trạm biên
giới Tarfiya giữa Sahara Tây Ban Nha và Ma Rốc.
Nói là trạm chớ thật sự chỉ là một vài cái chòi
lợp tôn, dừng bằng giấy bồi rách nát, nằm chơi
vơi giữa đồng không mông quạnh. Tuy nhiên
Tarfiya rất quan trọng vì mọi thủ tục di trú và
quan thuế của khách và hàng ở Ma Rốc xuống
Mauritana hay Senegal đều làm tại đây.
Vừa xuống taxi ở Tarfiya, tụi
tôi gặp ngay một lão già trong chiếc áo
jalaba[40]
lếch thếch dơ hem cà rà theo gạ bán ma túy; tụi
tôi mua một ít
hash.
Nghe đồn
hash
Ma Rốc rất ngon và không
thiếu nên tụi tôi đã xài hết trọi xì ke acít lúc
ở Gomera. Lời đồn không sai.
Sau khi làm xong thủ tục di
trú, tụi tôi thót lên xe
landrover
đang chờ khách đi Tan Tan, thành phố địa đầu của
miền Nam Ma Rốc. Xe chất mười hai mạng, xếp như
cá mòi. Tôi chọn ngồi trên mui với hành lý để
nhìn sa mạc mênh mông và được thở không khí
trong lành. Chuyến đi sẽ mất hai mươi bốn tiếng.
Bác tài có tên Elydi và biệt hiệu 'con sói sa
mạc' ba hoa rằng bác biết sa mạc này như lòng
bàn tay bác và có thể chạy xe không cần mở mắt.
Tôi thấy bác chạy phom phom trên đường mòn giữa
đồng cát di động nên nghĩ bác nói không ngoa. Xe
ngừng nghỉ lúc 11:00 giờ đêm. Tụi tôi trải nóp
nằm ngủ ngay trên cát.
Bốn giờ khuya xe chạy lại.
Khoảng 7:00 giờ sáng, tụi tôi bắt đầu thấy cừu
và lều du mục. Elydi ngừng lại trước lều lớn của
một gia đình Berbers. Một người đàn ông với bộ
râu rậm muối tiêu và chiếc áo
jalaba
bạc màu nhưng đẹp mắt ra đón chào Elydi và đám
khách. Vài đứa con nít ăn mặc lếch thếch thò đầu
ra ngó. Ông chủ lều có vẻ rất quen với Elydi.
Ông mời chúng tôi vô lều. Lều rất đơn sơ chỉ có
một tấm thảm Ba Tư trải trên nền cát phủ các bao
(gunny bags).
Tất cả chúng tôi được mời ngồi xuống thảm. Một
bà bịt mặt theo phong tục Hồi giáo ra pha trà.
Trà được rót ra nhiều ly nhỏ từ cái bình xưa rất
đẹp. Mùi trà bạc hà ướp lá xô thơm[41]
rất ngon. Bác Elydi quả là một người hướng dẫn
khéo!
Vừa xong tuần trà, tôi ra
ngoài ngắm cảnh. Sa mạc mênh mông với cừu và lều
du mục lấm tấm nhiều nơi. Elydi và ông chủ đến
gần tôi nói chuyện gì đó bằng tiếng Á Rạp. Ông
chủ nhìn tôi, lấy tay vuốt râu ông rồi chỉ râu
tôi nói líu lo. Tôi tò mò chú ý. Elydi dịch đại
để rằng ông chịu tôi, muốn gả con, và cho tôi
lều với một đàn cừu nhỏ để tôi bắt đầu cuộc sống
ở đây. Tôi nghĩ hai người nói đùa nhưng họ đang
chờ câu trả lời của tôi. Hình ảnh của một cuộc
sống tới già ở Sahara để chăn cừu và nhâm nhi
trà bạc hà thoáng qua trong trí tôi. Nhưng trở
lại thực tế với chuyến đi dở dang, tôi xin được
khước từ. Và, lên xe tiếp tục đoạn đường còn
lại, mọi người dự định sẽ tới Tan Tan trong vòng
hai tiếng nữa.
Hôm sau bốn đứa tụi tôi lấy
xe đò lên Goulimine, thành phố của 'Người Xanh--Blue
Men',
chuỗi Goulimine, và chợ lạc đà cuối tuần. Không
thể kiếm chỗ trọ cho cả đám nên tụi tôi phải nằm
tạm dưới sàn gỗ trên gác lửng của một quán đông
khách rất ồn ào. Thôi thì để làm quen với không
khí và tập quán Ma Rốc và học vài chữ Á Rạp vậy.
Barry, Larry, Fred và tôi mỗi
đứa mua cái áo
jalaba,
y phục cổ truyền không người Ma Rốc nào mà không
có. Áo chấm gót có tay dài và mũ đội, thường
được may bằng len, hay sợi, hay cả hai.
Jalaba
dùng để che nắng nóng và bão gió lúc ban ngày và
chống lạnh vào ban đêm. Áo cũng có thể dùng để
quấn ngủ như một loại nóp. Tụi tôi mặc
jalaba
vì muốn thử và cũng vì muốn làm như dân địa
phương để tránh làm du khách. Barry và Larry có
râu tóc đen nên tương dối giống người Ma Rốc,
còn tôi trông rất dị hụ bởi tóc vừa vàng vừa dài
và râu lại màu hung. Nhưng không sao vì đàn ông
địa phương rất khoái tụi tôi có lẽ bởi tụi tôi
hạp với họ, biết uống trà bạc hà, hút
kief[42],
và biết nói tiếng Á Rạp chút chút, các câu tụi
tôi mới học trong sách.
Từ Goulimine tụi tôi kêu taxi
ra Sidi Ifni ngoài biển. Sidi Ifni trước kia
thuộc Tây Ban Nha thành thử thổ dân biết tiếng
Tây Ban Nha nên rất tiện cho tụi tôi giao dịch.
Phía Bắc thành phố có bãi biển vắng, nơi đây tụi
tôi gặp một chỗ mát dưới chân bờ đá để cấm trại.
Không ngờ tụi tôi có thể ở lại đây tới hai tuần.
Tôi vẫn còn cái lò ga dùng luộc rau, trứng và cá
tươi mua mỗi ngày dưới chợ hay từ ghe câu lên.
Tụi tôi còn bắt chước trẻ con đi soi mực dọc bờ
đá. Mực nấu đúng cách làm súp ngon lắm. Cách chỗ
tụi tôi cắm trại chừng một dậm trên bờ đá có
trại lính nên lính thường xuống đi tuần làm tụi
tôi khó chịu lúc ban đầu. Nhưng về sau biết họ
vui gặp tụi tôi, có cử chỉ thân thiện và để ý
bảo vệ tụi tôi, tụi tôi hết lo. Ngoài ra vài anh
còn thích hút
kief
nữa nên tụi tôi ráp với nhau dễ dàng.
Từ Sidi Ifni nhóm Riverside
tụi tôi đi dọc theo bờ biển lên Mirlift, Agadir,
Essouira, và Marrakesh, ở lại mỗi nơi vài ngày.
Thành phố hồng Marrakesh là tâm điểm, còn được
gọi là Mecca của dân hippi trên đất Ma Rốc. Họ
tới đây vì ăn ngủ rẻ và muốn phê bằng thứ gì
cũng có hết--kief,
hash,
thuốc phiện, ma túy, acít. Vài tiệm trà có cả
bánh cúc ki[43]
đặc biệt làm bằng
hash.
Chợ chính hay
souk
rất đặc thù, ngồ ngộ, đáng xem. Cả một khuông
viên lộ thiên với hằng trăm sạp bán đủ thứ hàng
nội địa và nhập cảng và vô số cửa hàng ăn. Có cả
người chơi nhạc, vũ công, phù thủy rắn, vân vân.
Nhiều người bán nước uống mang túi da đựng nước
lớn có cách ăn mặc diêm dúa lạ mắt.
Từ đây tụi tôi chia hai nhóm
đi hai đường khác nhau bởi một nhóm đông không
tiện và có nhiều vấn đề xảy ra khi chung đụng
lâu. Tôi và Larry đi hướng núi Atlas và hẹn sẽ
gặp lại Barry và Fred một tuần sau đó ở Ketama,
chỗ trồng gai dầu/hash
nổi tiếng trên phía Bắc dãy
Riff.
Một chiều nọ Larry và tôi lấy
xe lửa từ Fez đi Tangier. Xe trống trơn, tụi tôi
nằm dài trên băng cây cho khỏe. Tôi lấy xách kê
đầu nằm trong khi Larry nằm kế bên với chiếc
xách để dưới sàn xe. Tôi mốc ống vố ra hút vài
vố hash
để quên cái lộc cà lộc cộc của xe và thiếp ngủ
lúc nào không hay. Sáng dậy Larry la hoảng bị
mất xách và chửi thề om tỏi. May là nó dấu tiền,
thông hành và các giấy tờ quan trọng khác trong
cái đãy da nhỏ nịt ngang eo ếch. Larry học một
bài học đắt tiền và giận một thời gian khá lâu.
Mất hết đồ đạc nhưng nó không thèm sắm lại, chỉ
mua bàn chải đánh răng và ít áo quần lót rồi tạm
dùng xách tôi đựng đở. Hai đứa thay phiên nhau
quảy xách.
Bốn đứa tụi tôi gặp lại nhau
ở Ketama như dự định và ở lại đó mấy hôm để cùng
nhau phê đê mê. Cũng tại đây Barry và Fred rút
lui vì đã du lịch tạm đủ và có việc nhà phải trở
về California. Sẵn có thằng bạn Hòa Lan mới gặp
lái xe van Volkswagen về Amsterdam, hai đứa có
giang theo để từ đó bay về nhà. Tôi và Larry
buồn khi chúc hai đứa về vui vẻ. Larry ở lại với
tôi và hai đứa đi tiếp. Trước khi rời Ketama tôi
mua năm gram
hash
đem theo tới Tunis.
Tụi tôi đi nhiều chặng xe đò
mới tới được Ousda gần biên giới. Tụi tôi ở đây
một ngày để làm thủ tục và qua Algerie trót lọt
không gặp trở ngại nào nhờ đã dấu kỹ
hash
trong giầy. Algerie khác Ma Rốc ở chỗ ảnh hưởng
chiếm đóng của Pháp thấy rõ rệt. Thế hệ lớn tuổi
và sinh viên nói rành tiếng Pháp. Họ chọn ăn mặc
theo lối Âu Tây. Chỉ một số ít đàn ông trên mạn
Bắc mặc
jalaba
hoặc đóng khăn, còn đàn bà ít khi thấy che mặt.
Dân chúng thích người từ Âu Mỹ qua và ham luyện
tiếng Pháp hay Anh nên tụi tôi dễ làm quen và đễ
xin quá giang.
Trên chuyến xe đò đi Algers
tôi gặp một chuyện buồn cười. Hành khách trên xe
hầu hết là nữ sinh mặc đồng phục trắng với cà
vạt và tóc đen thắt bín. Hai đứa tôi ngồi tuốt
phía sau và là hai người ngoại quốc duy nhứt.
Tôi thản nhiên mở máy ghi âm nghe nhạc không
biết mình là điểm tò mò của mọi người vì mớ tóc
dài quá vai và vàng khè của tôi tương phản rõ
rệt với tóc đen quen mắt của địa phương. Nhiều
cô lơn lớn theo nhìn trộm tôi hoài. Các cô không
dám hỏi mà chỉ cười khúc khích, vừa chỉ tóc tôi
vừa bàn tán. Một cô, chắc vì bị bạn khích và
cũng vì quá tò mò, đến xin rờ thử tóc tôi. Cô
còn xin tôi một lọn nhỏ nữa để tỏ cho bạn biết
mình 'chì[44]'.
Tôi vui vẻ bứt một ít cho cô. Cô cẩn thận xếp
tóc vô tập rồi trở lại chìa ra cho cả đám xem
chiến lợi phẩm của mình.
Từ Algiers hai đứa tôi xuống
miền Nam đến thành phố Ghardia và Quargla ở bìa
sa mạc Sahara. Tụi tôi hy vọng sẽ được thấy
quang cảnh khác của Algeria và lối sống Á Rạp cổ
điển hơn. Cũng có thể tụi tôi sẽ gặp nhiều phiêu
lưu cũng như nhiều thứ khác lạ hơn trên miền
Bắc. Tụi tôi đến một thị trấn nhỏ lúc xế chiều
sau nhiều lần quá giang xe tải. Trong lúc ngồi
trong quán ăn trừu hầm rau với bánh mì, hai đứa
tôi bị một đám học sinh vây quanh xem mặt, mặt
của hai thằng ngoại quốc mà tụi tôi không dấu
đâu được. Ăn xong, tụi tôi hỏi chúng chớ ở đâu
có chỗ ngủ yên tĩnh. Chúng bàn tán rồi dẫn tụi
tôi đi gặp thầy hiệu trưởng của chúng. Thầy hiệu
trưởng cho tụi tôi ở lại trường trong một phòng
có khóa để phòng ngừa kẻ gian phi. Tụi tôi muốn
ngủ ngoài trời cho mát nhưng nhớ chuyện Larry bị
mất cắp, đành vô lớp học khóa trái cửa, nằm dài
trên bàn học sinh.
Sáng hôm sau tụi tôi đi ra
ngoại ô và tình cờ gặp một lượt năm chiếc xe
limo[45]
bóng loáng đậu hàng dọc bên lề với tài xế râu
tóc tươm tất và đồng phục sậm cộng cà vạt chỉnh
tề đang đứng hút thuốc. Tụi tôi tới làm quen với
ý định xin quá giang. Tôi hỏi anh tài xế biết
nói chút chút tiếng Anh vậy chớ họ sẽ đi đâu. Họ
nói sẽ lái lên ốc đảo Quargla cho đoàn của Tổng
Thống Algeria đi kinh lý. Quargla là điểm cực
Nam tụi tôi muốn viếng nên thử thời vận xin quá
giang, nhưng anh tài xế nói không được phép.
Larry khéo thuyết phục hơn làm các anh xiêu lòng
cho tụi tôi có giang tới thị trấn kế tiếp cách
đây năm mươi dặm. Họ giải thích rằng họ sợ bị
phạt nhưng biết hai đứa tôi là du khách Mỹ nên
cho đi tới đó là một thành phố ngả ba để tụi tôi
dễ xin quá giang hơn mà đi tiếp.
Limo
Mercedes Benz rộng rải, có nệm êm và máy lạnh
tốt chẳng bù các chuyến xe tải nóng nực và bụi
băm. Tụi tôi rất tiếc phải xuống xe chỗ thị trấn
ngả ba như nói trên. Cảnh vật nơi đây khác xa
cảnh đồi cát trùng điệp của Sahara Tây Ban Nha,
mà lại hao hao giống vùng Cây Joshua ở
California nhưng không có cây Joshua, chỉ có đá
chồng và đồi đá tảng giữa cảnh trơ trụi.
Đưa tay lên tụi tôi được cho
quá giang nữa, lần này tụi tôi ngồi chung với
hai ông Á Rạp chít khăn đóng và năm con cừu
trong một xe bít bùng. Cừu có đóng dấu đỏ chứng
tỏ chúng đã được bán và sẽ bị làm thịt cho buổi
chợ sáng mai. Tôi nghĩ năm con thú bốn chân này
biết tử thần gần kề nên đang rầu. Thương hại
chúng, tôi mở nhạc cho chúng nghe. Hai ông Á Rạp
tưởng tôi điên nên mới đi lo cho số phận của các
con thú này lúc tôi ra dấu cho họ biết tôi muốn
cho chúng nghe nhạc. Tôi chẳng biết tôi thương
thật tình năm con cừu hay tôi muốn đùa với hai
ông Á Rạp để quên cái nóng và quên mình đang bị
nhốt trong xe bít bùng. Tụi tôi đến chợ giao cừu
lúc xế chiều. Nhiều người hiếu kỳ nhìn tụi tôi
bằng con mắt khó chịu; tôi nghĩ không có mấy
thằng Tây như hai đứa tôi đến đây hôm nay. Tụi
tôi để râu tóc ra dài thòn và tròng áo
jalaba
chắc làm họ thấy lạ lắm.
Trong lúc đang lo không biết
sẽ ngủ đâu đêm nay, tôi chợt thấy cụm đá gần chợ
liền đề nghị với Larry ra xem. Một đám con nít
đi theo hai đứa tôi cho tới tối mới ra về và để
tụi tôi yên. Từ trên chóp gộp đá tôi quan sát
thấy trọn xóm nhà dưới chân, giữa đồng đá trơ
trọi và dòng suối cạn khô. Có thêm ga xe lửa và
một đoàn tàu dài đậu trong đó. Vì gần xóm nhà
nên chỗ này có chút không hay: hầu hết bà con
trong xóm ra đây đi cầu nên cứt đái vung vẩy tứ
tung, tụi tôi phải cẩn thận lắm mới tìm được chỗ
đủ trải nóp nằm. Xong, tụi tôi móc thuốc ra hút
cho bán mùi phân người và phân cừu, xua đám ruồi
bay vo vo, và quên mấy con heo đang rảo chung
quanh. Tụi tôi xem tất cả như pha[46]
và tự cảm thấy vui. Dầu sao tụi tôi đang sống tự
do và xin cám ơn Thượng Đế đã dành cho một bầu
trời vĩ đại đầy sao sáng.
Sáng dậy, tụi tôi xuống đồi
ra ga với ý định quá giang đi Quargla. Tụi tôi
thấy một xe lửa chở hàng dài đang chuẩn bị đi về
hướng Nam, nghĩ chắc xe ấy chạy xuống Quargla vì
trên bản đồ chỉ thấy có một đường rầy duy nhứt
đi về hướng đó. Tôi và Larry làm chuyến mạo hiểm
leo lên xe. Hai đứa vừa tìm được toa trống thì
bị ông kiểm soát bắt gặp; ông quát tụi tôi phải
xuống. Thay vì tìm cách thuyết phục ông như
Larry đã thuyết phục năm bác tài
limo,
tụi tôi nhảy xuống, bỏ ý định đi Quargla để tiếp
tục lên miền Đông Bắc đến Constantine và qua
Tunisia.
Sau hai ngày lặn lội tụi tôi
lên được quốc lộ Đông Tây chính của Bắc Phi,
cách Constantine chừng 50 dặm. Gần một ngả ba
chỗ vườn cam, hai đứa đứng đưa tay hằng giờ
nhưng không có xe nào cho có giang hết. Trời sắp
tối và mưa rỉ rả suốt ngày, tụi tôi lo không
biết phải làm sao đêm nay. Bỗng bên kia đường có
hai em nhỏ từ nhà ra, đi tới ngoắc dường như bảo
tụi tôi theo chúng về nhà. Hai đứa chưa biết
đích xác là gì nhưng sẵn sàng nhận mọi đề nghị
nên theo hai cậu bé. Cha hai cậu mời tụi tôi
ngồi xuống chiếu trải dưới sàn (phòng khách nhà
không có bàn ghế). Ông biểu vợ ông đang đứng
khép nép sau cửa đi pha trà đãi khách. Larry mù
tịt tiếng Pháp, tôi chữ nhớ chữ quên, còn ông
chủ chỉ biết chút tiếng Pháp chút tiếng Anh, vậy
mà chúng tôi nói chuyện được. Ông cho biết thấy
hai đứa tụi tôi xin quá giang suốt hai tiếng
đồng hồ mà không được, vả lại trời sắp tối lại
mưa, nên ông thương tình kêu tụi tôi về nhà nghỉ
đêm. Ông nói thêm ông thấy tụi tôi hút cối thuốc
hash
lúc chờ xe nên muốn thử. Ở Algeria không có
trồng cần sa nên không có
kief
và hash,
mà cũng ít khi dân họ hút thứ này. Tuy nhiên ông
biết thứ thuốc này nên rất muốn thử. Tụi tôi sẵn
sàng nên rút ống vố ra và nhận liền một cối,
trong lúc bà vợ và con ông đứng sau cửa đằng xa
chăm chú nhìn. Tôi và Larry thấy chuyện hơi ngồ
ngộ nhưng vui lắm. Sau khi rít vài hơi và ho vài
tiếng ông ngây người. Tụi tôi vừa uống trà vừa
cười với ông. Tối đó chúng tôi được đãi một bữa
ăn tuy đơn sơ nhưng ngon miệng gồm cơm, rau, và
cừu mà vợ và con gái ông dọn rất tươm tất.
Ông chủ nhà là vị quản lý
vườn trại đóng gói cam. Ông thu xếp cho hai đứa
tôi ra Constantine bằng xe giao cam hằng ngày.
Constantine nằm trên ngọn đồi rất thơ mộng với
con sông sâu vắt ngang giữa lòng. Thành phố có
vẻ lịch lãm và quý phái. Có đại học lớn với
nhiều nam nữ sinh viên trẻ, học thức, rất Âu
Tây. Sinh viên ngoại quốc đông. Nhiều cô rất
đẹp. Larry và tôi không được tắm gội và ăn uống
đàng hoàng từ khi rời Algiers tới nay nên rất
muốn vô khách sạn ở vài hôm cho thoải mái. Nhưng
không biết vì sao tụi tôi hỏi đâu cũng đều bị
trả lời là hết phòng. Chắc là hình dáng bụi đời
và jalaba
đầy bụi đường của tụi tôi làm họ ngán. Sau nhiều
lời như khẩn cầu, một khách sạn nhận tụi tôi
nhưng miễn cưỡng nói là 'chỉ một đêm thôi.' Hai
đứa vô phòng tắm nước nóng đã thèm và thót lên
giường nghỉ ngơi khoái chí.
Chiều, tụi tôi xỏ bộ đồ sạch
duy nhứt nhưng nhăn nheo đi dạo phố. Tụi tôi đi
xem phong cảnh và rất mê con sông ngoạn mục chia
hai thành phố. Sau đó, tụi tôi tìm chỗ ăn tối.
Tụi tôi phân vân vì không biết ăn đâu cho khoái
khẩu bởi có cả một rừng nhà hàng với đủ thứ bếp.
Sau cùng hai đứa đồng ý ăn 'beggars
banquet[47]'
Ý với rượu chát đưa mồi.
Hôm sau, tụi tôi ăn sáng trễ:
trái cây, sữa chua và bánh mì. Xong, tụi tôi rời
thành phố ra biên giới Tunisia. Không hên, hai
đứa chỉ quá giang được tới ngả ba còn cách biên
giới tới hai mươi dặm. Tại ngả ba có viên cảnh
sát đứng kiểm thông hành xe qua lại. Larry và
tôi tới nói chuyện làm quen. Anh khuyên tụi tôi
không nên ngủ ngoài trời vì lý do an ninh mà
phải nghỉ đêm trong quán trà bên kia đường; để
anh nói với ông chủ quán dùm cho. Rồi sáng mai
anh sẽ thu xếp cho tụi tôi quá giang ra biên
giới.
Ở những xứ Hồi giáo chỉ có
đàn ông mới tới quán xá. Trong quán trà này họ
ngồi chụm năm chụm bảy uống trà và đánh bài hay
đánh cờ, thứ cờ như cờ vua. Hai đứa tôi vô ngồi
vào một bàn nhỏ trong góc. Không ai thèm đá động
tới cả, họ chỉ thỉnh thoảng nhìn bằng cái nhìn
lạnh lùng không thiện cảm. Thấy còn tới một
tiếng nữa quán mới đóng cửa và tụi tôi mới có
thể ngủ, tụi tôi ra ngoài xem sao tán gẩu để
giết thì giờ và cũng để hút liều thuốc chót cho
thần kinh thư giãn. Tụi tôi muốn ngủ sau bụi cây
ngoài trời nhưng sợ làm trái lòng anh cảnh sát
tốt bụng nên thôi. Trở vô trong lúc tâm trí hơi
lâng lâng, tôi có cảm tưởng quán trà này là chỗ
gặp gở kín đáo của bọn đồng tình luyến ái. Tụi
tôi đã tính sẵn cách đối phó nếu bị gạ gẫm,
nhưng rất may không có gì xảy ra.
Như đã hứa, anh cảnh sát
thương lượng với một xe cho tụi tôi theo lên
Tunis, thủ đô/cảng của xứ nhỏ bé Tunisia. Tụi
tôi hy vọng sẽ đến nơi kịp chuyến tàu đi
Palermo, Sicilia, nhưng rất tiếc bị trễ vài
tiếng. Giữa Tunis và Palermo chỉ có hai chuyến
mỗi tuần, tụi tôi không muốn đợi hai ba ngày nữa
nên định bay bằng các chuyến bay rể tiền hằng
ngày. So với Marrakesh và Constantine, Tunis
không hấp dẫn với tôi lắm. Vì vậy tụi tôi lấy vé
đi ngay vào sáng mai. Chiều, tụi tôi đi dạo phố
để ăn kem và bánh ngọt cho đã thèm, kem và bánh
bán đầy các góc phố trong Tunis. Tại chợ
bazaar
chính Larry mua được cái túi đeo vai nhỏ đủ cho
nó nhét tấm nóp, khăn lau mặt, và bộ đồ thay.
Túi nhỏ nó khỏi mua đồ nhiều và sẽ đi du lịch
nhẹ, điều mà nó rất khoái. Tôi cũng khoái vì từ
nay tôi khỏi phải mang nặng nữa.
1 tháng Tư rồi. Tụi tôi hơi
sốt ruột vì muốn sớm tới Hy Lạp để xích gần
Afghanistan hơn. Trên chuyến bay ngắn đi
Palermo, Larry bắt chuyện với hai ông bà người
Mỹ và biết ông bà ở Naples đi nghỉ hè một tuần ở
Tunis về. Tới Palermo ông bà sẽ thuê xe lái về
Naples. Larry nói tụi tôi đang trên đường du
lịch bằng cách quá giang, đã đi ngang Bắc Phi và
sẽ qua Brindisi để đáp tàu đi Athens. Sau khi
hỏi ý bà vợ, ông cho tụi tôi quá giang đến chỗ
càng gần Brindisi càng tốt. Âu là cái may lớn vì
trời đang mưa to và còn mưa trọn ngày mai nữa.
Tụi tôi được đi xe tiện nghi ngang Sicilia, hòn
đảo có cây cối xanh tươi hùng vĩ. Qua câu chuyện
khào trên xe, tụi tôi nghe ông kể về Mt Athos,
bán đảo dài nhô ra dưới cạnh Đông Nam của
Thessalonika, Hy Lạp. Lần đầu tiên tôi được nghe
nói tới nơi nổi tiếng ấy, nơi có nhiều tu viện
Chính Thống rất nghiêm khắc. Chuyện ông kể về
lối sống trầm mặc của các thầy dòng cũng như vẻ
đẹp của các dốc đá cheo leo rất hấp dẫn. Tôi
thoáng nghĩ sẽ đến đó khi tới Hy Lạp. Tuy nhiên
hình như có nhiều điều kiện cho khách du lịch
lắm, ví dụ chỉ có đàn ông mới được vô và tóc tai
phải cắt ngắn. Nếu quả vậy, tôi xin rút lui vì
tôi không thể cắt tóc và không muốn thay đổi
hình ảnh hippi của tôi. Ngoài ra, tôi nào có ý
đi tu! Nhưng có thể đó là cái duyên khuấy động
tiềm thức tôi và là cái chốt cho tương lai tôi.
Ông bà thả tụi tôi chỗ đoạn
đường cua lên Naples trên bán đảo Ý. Hôm sau tụi
tôi đến cảng sầm uất Brindisi đúng lúc để lấy
tàu đêm qua Hy Lạp. Tụi tôi trở về với văn minh
Âu Tây sau sáu tháng tự tách rời khỏi lục địa Âu
châu và khối người du lịch. Áo
jalaba
pha màu cát bụi biến Fred và tôi thành hai tay
có hạng trong giới hippi nên vị thuyền trưởng
đang đứng coi chừng khách lên tàu nhìn tụi tôi
với cặp mắt tò mò. Nụ cười toe toét sau hàm râu
xồm xoàm trên gương mặt phong sương của tôi làm
ông vui vẻ cười tươi. Tàu đầy hành khách. Phần
đông là học sinh Âu, Mỹ và Gia Nã Đại đi tua
giáo dục quanh Âu Châu và Hy Lạp vào mùa xuân.
Chuyến tàu đêm rất thú vị. Tụi tôi nằm trên
boong lộ thiên nói chuyện khào với nhiều hành
khách. Không còn thuốc để hút vì liều chót đã
hút hết ở Tunisia nên tụi tôi 'có dịp' không xài
ma túy, nhưng vẫn vui. Sáng, tàu vô biển Aegean
và đang lướt nhẹ trên biển xanh màu lam lục,
giữa các đảo tuyệt vời của Hy Lạp. Rồi, tàu cặp
bến Patrai.
Patrai nằm trên cửa Vịnh
Corinth về cực Bắc của vùng Peloponneusus nổi
tiếng. Tôi có học về văn minh Hy Lạp nhưng bây
giờ mới thật sự biết vẻ đẹp có một không hai của
kiến trúc và điêu khắc cổ Hy Lạp. Hảy còn sớm,
tôi và Larry không muốn ở lại đây nên bèn theo
dòng khách ra ga mua vé xe lửa tốc hành đi
Athens. Vài giờ sau tụi tôi tới nơi. Tụi tui vui
đến một thành phố tứ phương sinh động, một gạch
nối giữa quá khứ và hiện tại.
Larry và tôi dừng lại Athens
một tuần, ở chỗ nhà nghỉ rẻ tiền trong lòng
thành phố. Trong tuần tụi tôi lo đi xin hộ chiếu
vô Iran và chích ngừa dịch tã. Riêng tôi đang
đợi mẹ tôi gởi năm trăm đô la qua. Tiền bán ma
túy tôi xài đã hết và xài thâm hai trăm đô chi
phiếu du khách mà tôi đem theo lúc ra đi. Tôi
cần có tiền sẵn để có thể đi tuốt qua Ấn Độ hay
xa hơn. Tôi cũng cần tiền phòng khi bất trắc.
Tôi viết thư về má tôi hai tuần rồi nhờ bà
chuyển tiền dành dụm của tôi trong băng qua một
chi nhánh của Bank of America ở Athens.
Sau chuyến đi dài tụi tôi
muốn nghỉ ngơi nên chỉ đi xem Acropolis và một
số đền đài tương tự và chỉ tham gia vài cuộc vui
chơi thông thường của thành phố. Tụi tôi cũng
thừa cơ hội này ăn uống lấy sức để còn đi tiếp.
Tụi tôi chọn nhà hàng quốc tế ăn cho ngon miệng
và cũng hay ăn vặt bánh kem, sữa chua với mật,
và souvlaki.
Tụi tôi thường ngồi quán cà
phê vỉa hè nhiều giờ, nhâm nhi bia Hy Lạp
retsina
và
nhìn bà con qua lại. Quán lộ thiên trước
AMX
đông du khách nhứt; hầu hết là thanh niên nam nữ
từng đi tứ xứ. Họ ngồi uống cà phê, nước ngọt
hay bia, đọc thư nhà. Gặp nhau, họ trao đổi tin
tức, hoặc kể cho nhau nghe những mẫu chuyện đi
rong, hoặc khoe với nhau những kỹ vật như áo
quần, nữ trang và đồ lỉnh kỉnh họ sắm trên đường
chu du. Nhiều người sạch túi và, như tôi, đang
chờ tiền bên nhà gởi qua đặng đi tiếp.
Trước khi rời Athens tôi muốn
cắt tóc ngắn bớt vì nghe nói Người Hồi giáo ở
Trung Đông không ưa hippi tóc dài. Dĩ nhiên tôi
không muốn gặp rắc rối nào cả; trái lại tôi muốn
hòa mình càng nhiều càng tốt. Vả lại, để tóc dài
phài mất nhiều công và thì giờ chải gội. Tôi bèn
ra tiệm hớt tóc, chỉ kỹ càng cho thợ cắt. Vì tôi
cứ lưỡng lự, thợ phải cắt ba phen mới xong. Tóc
tôi bây giờ ngắn đi sáu
inch[48],
chỉ phủ tai và vừa chấm vai, tức vừa đủ để hình
ảnh hippi của tôi còn nguyên vẹn. Ra khỏi tiệm,
tôi không ngờ mình thấy nhẹ vì đã bớt được bộn
tóc thừa.
Larry và tôi đang bàn đổi lộ
trình. Tụi tôi định bỏ Istambul để đi thẳng
xuống Marmaris dưới bờ biển Nam của Thổ Nhỉ Kỳ.
Trên đường sẽ ghé qua đảo Rhodos của Hy Lạp
trước. Từ Marmaris tụi tôi sẽ theo bờ biển đi về
hướng Đông đặng gặp đường xe lửa chánh
Istanbul-Teheran trên mạn Đông Bắc xứ Thổ. Theo
các du khách mà tụi tôi gặp, Thổ và Ba Tư không
được đánh giá cao lắm. Họ cho đàn ông Thổ khả ố
còn đàn ông Ba Tư khùng. Ngoài ra, hai xứ này
rất gắt về ma túy; bị bắt là chắc chắn phải ngồi
tù rục xương. Do đó tụi tôi không muốn ở lại lâu
mà sẽ qua Afghanistan càng sớm càng tốt.
Tụi tôi lấy đò địa phương qua
đảo Rhodos trước khi lấy tàu lớn đi Marmaris.
Bước lên Marmaris tụi tôi xem như đã đặt chân
lên châu Á vĩ đại. Larry và tôi rất tiếc không
còn thuốc để hút mừng. Ngoài ra, phải nhịn miệng
trong nhiều ngày rồi nên bắt đầu nhớ, tụi tôi hy
vọng sẽ kiếm được một ít cần sa Thổ để đem theo
đi. Trong vài giờ chờ xe đò đêm để đi tiếp, tụi
tôi rảo một vòng; chẳng phải đợi lâu có hai
thằng bé tới bỏ nhỏ 'hashish,
hashish',
âm thanh quen thuộc mà tụi tôi rất thèm nghe.
Nhìn thấy không có ai để ý, tôi biểu hai đứa cho
coi hàng. Một đứa móc túi lấy ra một tờ
hash
ép mỏng như giấy và được bọc cẩn thận trong bao
nhựa. Thấy có vẻ đúng thứ thiệt, tôi trả cho nó
tiền lire
tương đương với một đô la. Rồi tụi tôi đi thẳng
xuống bờ biển vắng ngoài thành phố phê trước giờ
lên xe.
Tụi tôi sang nhiều chuyến xe
đò, đi dọc bờ biển về hướng Đông tới Iskenderun
rồi lấy xe lửa lên Tatvan trên phía Bắc. Trong
vùng tương đối xa xôi của miền Đông xứ Thổ, tôi
và Larry là hai hành khách mũi lõ duy nhứt. Tụi
tôi lên xe lửa và chọn một buồng trống vô ngồi.
Larry móc thuốc ra vấn hai điếu để hai đứa phê
đặng quên phần nào chuyến đi xa lên Tatvan. Tôi
kéo cửa sổ trong và khóa cửa cái, chỉ để hở cửa
sổ ngoài cho khói cần sa thoát ra mà thôi. Hút
chừng nửa điếu, tụi tôi giựt mình nghe tiếng gõ
cửa. Tôi vội quăng thuốc ra ngoài trong lúc
Larry nhét điếu hút dở của nó và số thuốc còn
lại dưới đít ghế. Nhìn ra thấy lính. Hai đứa sợ
run nhưng không còn cách nào hơn là mở cửa. Bốn
tên lính ngạc nhiên thấy hai thằng Mỹ hippi trên
đoạn đường tưởng chừng không bao giờ có du khách
Mỹ. Một trong bốn tên chắc chắn là tù vì bị còng
dính vô tay thầy đội, còn hai tên kia mang súng
đã lên đạn đi theo.
Bị động, tôi và Larry ngồi
nép vô cho họ ngồi xuống và đang chờ xem. Thầy
đội chỉ vào tóc và râu dài của tụi tôi vừa ra
dấu vừa nói tiếng Thổ. Tôi hiểu (đúng) thầy muốn
nói tụi tôi có cần sa và thầy muốn hút. Tụi tôi
bối rối không biết phải xử sự như thế nào. Có lẽ
mùi khói cần sa còn lảng vảng, hay là sự bối rối
của tụi tôi, và cũng có thể vì tụi tôi khóa cửa
mà thầy sanh nghi? Thầy cho biết thầy muốn hút "charees"
và xin tụi tôi chia cho. Thầy trấn an tụi tôi
chớ lo vì tất cả là anh em hết mà. Rồi họ nói
cười với nhau, kể cả tên tù. Nhớ tới đời lính
cũ, tôi nghĩ họ thật sự muốn phê như mọi người.
Liếc qua Larry tôi biết Larry cũng nghĩ như tôi
'What the
hell'.'
Do đó, tôi khum xuống rút điếu thuốc ra đưa cho
thầy đội. Thầy sáng mắt. Thầy ra lịnh cho một
tên lính ra gát cửa. Larry mồi thuốc cho thầy và
cùng tôi thở phào. Thiệt mỉa mai khi nhìn thấy
cảnh này. Thầy đội và lính kể cả tên tù chuyền
nhau hút, và tất cả bắt đầu lâng lâng. Thầy đội,
lính, Larry và tôi cùng cười đùa và nói chuyện
theo kiểu của mỗi người. Tôi lôi bản đồ ra chỉ
họ xem đường qua từ Hy Lạp và nơi đến
Afghanistan của hai đứa tôi. Họ ngạc nhiên thấy
hai thằng Mỹ trẻ mà dám cả gan đi tới các xứ lạ.
Thầy đội chỉ lên bản đồ chỗ thầy sẽ tới,
Diyarbakir, nơi có nhà tù quân đội lớn mà tên
lính này bị giải về vì tội hành hung cấp trên
lúc say rượu. Thiệt là buồn cười cho Larry và
tôi trong hoàn cảnh ngộ nghĩnh này và tụi tôi
chắc sẽ còn cười trong tương lai dài.
Tatvan nằm về phía Tây của Hồ
Van trên vùng Đông Bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Tụi tôi phải
ở lại đây qua đêm đợi xe lửa tốc hành
Istanbul-Teheran, đoạn đường nối dài sang Á Châu
của tuyến xe nổi tiếng
Orient Express
(London-Istanbul) khi xưa mà bây giờ không còn
nữa. Xe đến Tatvan đúng 7:00 giờ sáng. Hành
khách đông như kiến; họ đi hành hương trong lễ
Phục Sinh lúc giữa xuân. Phải tìm lâu và mỉm
cười ngoại giao mãi tụi tôi mới có chỗ ngồi
chen. Xe chạy ngang Mt. Ararat, ngọn núi đứng
sừng sững trên đồng phẳng của đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên kia núi là Nga Sô. Theo Kinh Thánh Núi
Ararat là chỗ thuyền Noah's Ark đỗ sau trận Hồng
Thủy. Nghe nói có gặp chứng tích của thuyền rồi
trên đỉnh cao những mười bảy ngàn bộ với tuyết
phủ quanh năm.
Như nói trước đây, tụi tôi
không thích Teheran vì đã nghe nhiều chuyện
không hay về thủ phủ này, ví như cả thành phố
chỉ có một khách sạn luôn luôn đầy nhóc tụi trẻ
đi đi về về từ Ấn Độ. Larry và tôi ở đây hai
ngày không phải để du lịch mà để săn tin chỗ ăn
ngon, ngủ tốt, đi chơi vui, xin chiếu khán, vân
vân. Một trong các tin hay là nên đi xe đò tiện
nghi hơn là đi xe lửa đông nghẹt ra Mashad gần
biên giới để xin chiếu khán vô Afghanistan. Xe
đò chạy đường Đông Bắc, gần biên giới Sô Viết
trước khi quẹo xuống Mashad. Mashad cũng là nơi
có thể mua lam ngọc lấy trong núi chung quanh. Ở
đây du khách có thể tìm thấy đủ thứ đồ lam ngọc
làm ngay trong các cửa hiệu địa phưong. Sau hai
ngày ở Teheran tụi tôi lấy xe đò đi Mashad.
Vừa xuống xe, hành khách
chúng tôi bị đám trẻ bao vây mời đi xem cửa hàng
ngọc, vì nghĩ chúng tôi sẽ mua nhiều. Larry và
tôi đi coi. Theo tin nóng của giới đi du lịch,
nên mua một 'thẻ' lam ngọc đem về. Môt thẻ gồm
từ một tới mười tám viên dán vô một tấm bìa
cứng. Số đó có thể đủ để làm một xâu chuỗi hay
một bộ bông tai cà rá. Nhớ chọn ngọc trong sáng
và đủ màu. Sẽ lời to nếu bán lại được ở những đô
thị lớn. Hai thẻ có thể đủ tiền cho một chuyến
xuôi Đông.
Larry và tôi thăm vài cửa
hàng, xem kỹ ngọc, rồi mỗi đứa mua một thẻ. Tụi
tôi cũng xem ngọc rời nữa. Thấy ngọc quý, lòng
sanh tham, sự ham muốn tuy tìm ẩn nhưng rất lớn.
Dẫu suy tư của mỗi đứa mỗi khác, Larry cũng như
tôi đều chọn một viên lớn và thích nhứt lén đùa
vào túi trong lúc người bán hàng đang lo tiếp
khách khác. Ăn cắp! Để bù lại tôi trả mua một
thẻ và để biện minh tôi thầm nhủ 'Chỉ một viên
mà ăn nhằm gì.' Về sau khi biết ra hai đứa có ý
nghĩ ăn cắp giống nhau và xài chiêu ăn cắp như
nhau, hai đứa cười to. Một ví dụ của tâm bất
chánh hành động như nhau ở mỗi người khác nhau
để thỏa mãn dục vọng của cái tôi chung.
Sau khi được chiếu khán và đi
xem vài thánh đường đẹp ở Mashad tụi tôi lấy xe
đò ra biên giới. Tụi tôi qua hai trạm di trú và
quan thuế của hai bên dễ dàng vào xế chiều hôm
đó. Tụi tôi nghỉ đêm tại Islam Quala, ngay biên
giới bên phía Afghanistan dẫu rằng thị trấn lớn
Herat cách đây không đầy hai mươi dậm. Nghe nói
giới xe đò và nhà nghỉ ăn công ký không chở
khách ra Islam Quala sau 5:00 giờ chiều. Nhờ vậy
nhà nghỉ có khách còn giới xe đò được tiền chia
và chuyến xe sáng đầu tiên luôn luôn đầy khách.
Ở lại phố nhỏ Islam Quala này đối với tụi tôi
không phải là điều bất lợi hoàn toàn bởi hai đứa
được mua cần sa (charees
tiếng địa phương) vừa dễ vừa
rẻ; nhà nghỉ có đủ thứ và tụi trẻ đi gạ bán
không thiếu gì.
*
Chương 5
VÔ TÙ Ở
AFGHANISTAN
Larry và tôi ở lại Herat ba
hôm để làm quen với lối sống và con người rất
khác biệt của Afghanistan. Chuyện đầu tiên tôi
làm là mua một áo hippi Afghan, kiểu mà tôi ước
mơ từ lúc thấy du khách mặc ở Athens. Theo trí
tưởng tượng của tôi, tôi đi đặt may một cái quần
ống chưn voi màu cam và một cái áo Afghan màu
hồng. Tôi mua thêm áo vét thêu bông màu mè và
khăn đóng trắng. Vét tôi mua may sẵn còn khăn
đóng tôi mua của một ông đang đội. Chắc ông cho
tôi là thằng khùng nên mới đòi mua khăn cũ của
ông. Phần tôi, tội cho ông phải đi đầu trần.
Tiền chi phối tất cả, kể luôn sự ngần ngại lột
khăn bán của ông lúc ban đầu. Vậy mới biết cái
tâm tham vi tế làm đủ mọi trò để đạt điều nó
muốn. Tôi có thể mua mười thước vải trắng rẻ mạt
làm khăn giống như khăn ông, song tôi chỉ muốn
cái khăn của ông đang đội mà thôi.
Trong ba ngày ở đây Larry và
tôi thường tới lui trên phố và thỉnh thoảng dừng
lại nói chuyện với chủ tiệm buôn. Có lần tụi tôi
được ông chủ xư·ng
dệt mời ra đằng sau hút
hooka
(điếu nước to) với công nhân trong lúc họ nghỉ
tay. Họ rất vui gặp tụi tôi nên mời luôn tuần
trà. Họ cho biết họ hút cần sa để dễ tập trung
vào việc, ngồi cả ngày mà không chán, và quên đi
buổi làm lụng dài. Tôi đồng ý lắm vì tôi từng
làm vậy trong ba năm quân ngũ. Và, tôi còn đang
làm vậy để giúp che dấu sự không vừa ý của tôi
với cuộc đời hay với chính tôi.
Kandahar là một thị trấn nhỏ
dễ thương nằm trong sa mạc dưới miền Nam
Afghanistan. Tụi tôi ở lại đây hai tuần, mướn
một phòng rẻ tiền của khách sạn Paradise trên
đường vô phố. Có nhiều chỗ đến chơi được, không
xa lắm, chỉ trong vòng hai-ba dặm đường kính.
Tôi và Larry mướn xe đạp ra khu picnic bên bờ
sông chảy siết, ra chỗ con kinh và ra hồ nước
trử của thành phố. Tụi tôi đi bơi, tắm nắng, ăn
picnic, ngủ trưa, và dĩ nhiên phê.
Ngày nọ, tụi tôi gặp một nông
dân trên đồng trồng cây thuốc phiện. Bác rủ tụi
tôi về nhà coi cách bác chích mủ thuốc phiện từ
các trái đúng lứa no tròn. Bác không quên cho
tụi tôi thử thuốc vì nghĩ rằng hai đứa tôi là
khách hàng sộp của gia đình bác. Nhưng Larry
cũng như tôi không hứng mấy với thuốc phiện. Tụi
tôi tìm cách nói ra và cho bác biết tụi tôi chỉ
thích
charees.
Bác liền bảo bác có một 'ông chú' (một cách nói
rất thông thưuờng ở đây) có trồng đai và xư·ng
chế hash.
Dầu không có ý định mua nhiều, ít ra là trong
lúc này, tụi tôi vẫn lấy tên của 'ông chú';ông
có tiệm may nhỏ gần khách sạn.
Sau chuyến viếng bác nông
dân, Larry định trở về Mỹ vì cạn tiền và cũng vì
cần về để phụ ba nó và Barry coi tiệm rượu của
gia đình. Hơn thế nữa, là một tay mê gái, nó bắt
đầu nhớ bồ ở Riverside rồi. Phần tôi đang nuôi ý
ngông mua một kí cần sa Afghan loại tốt, đem
theo qua Ấn Độ lên một chỗ cô tịch trên Hy Mã
Lạp Sơn hút và phê cho đã điếu chừng nào hết mới
hạ san. Tôi biết Pakistan, Ấn Độ và Nepal có
nhiều cần sa giá rẻ, nhưng tôi muốn thứ thượng
hảo hạng của Afghanistan, thứ mà tụi ngông bên
Tây thèm chảy nước miếng. Larry cũng muốn liều
mạng đem hai trăm gram qua Hy Lạp để bán phân
nửa lấy tiền đi Tây Ban Nha chơi trước khi bay
về Mỹ. Còn lại một trăm gram nó đem về Riverside
hút và đãi bạn.
Tụi tôi định đem lậu qua
Pakistan bằng ngả biên giới phía Nam dưới
Kandahar sáu mươi dặm. Tụi tôi nghĩ đó là con
đường dễ ăn nhứt vì hẻo lánh và ít khách du lịch
. Tại Quetta, sáu mươi dặm trong nội địa
Pakistan, hai đứa sẽ chia tay. Larry sẽ đi về
hướng Tây, ngang miền Nam Pakistan, qua Iran
khoảng Zahedan, rồi tiếp tục tới Athens. Tôi lên
Lahore, qua Ấn khoảng Amristar, rồi tiếp tục lên
Hy Mã Lạp Sơn theo ý ngông của tôi.
Tụi tôi bắt đầu đi lục lọi
cần sa thứ tốt và dĩ nhiên không quên tiệm may
được giới thiệu. Tiệm may chỉ là bề mặt của nơi
buôn lậu ma túy. Tiệm chỉ có vài ba cái áo sơ mi
đầy bụi treo lổng chổng trong căn phòng trống
trơn. Ở phía sau thấy có bình điếu
hooka
với bầu nước bằng sứ to đậy bởi cái nắp cũng
bằng sứ và cái cần điếu bằng tre dài cao ngang
tầm ngực. Tiệm nằm trên con đường dẫn ra ngoại
thành có nhiều nhà nghỉ dành cho dân hippi mà
khách sạn Paradise là một. Anh chủ tiệm thường
đón du khách Tây đi ngang mời vô hút điếu nước
để gạ bán cần sa.
Larry và tôi vô tiệm anh hai
ba lần rồi để hút thử
charees
của anh. Quả ngon thiệt và chỉ mười lăm đô la
một ký lô. Tôi và Larry muốn mua nhưng không
hình dung nổi cách đi lậu an toàn qua biên giới
nên hỏi anh. Anh nói anh bảo đảm vì anh đã nhiều
lần giúp du khách như tụi tôi đem cần sa qua
biên giới rồi. Anh bày kế là sẽ may nửa ký vô áo
vét mà hải quan không sao biết được. Kế này, anh
nói, hiệu nghiệm nhiều lần lắm rồi. Nửa ký còn
lại tôi sẽ may vô đít cái xách đeo vai. Còn hai
trăm gram của Larry, nó sẽ dấu dưới dái nó. Bàn
thảo xong, tụi tôi nói sẽ đi Kabul một tuần rồi
trở về lấy hàng.
Chiếc xe buýt du lịch lớn màu
cam đưa tôi và Larry lên thủ đô Kabul. Tụi tôi
vô một trong vô số nhà nghỉ rẻ tiền của bọn quỷ
hippi. Họ chọn ở lại đây để nghỉ ngơi sau chuyến
đi Ấn xa và mệt mỏi, hay dưỡng sức vì bị viêm
gan, hay sửa soạn cho chuyến tới, hay phê, hay
chỉ vì không còn gì làm. Các nhà nghỉ này có bán
nhiều thức ăn Tây Mỹ và chơi toàn nhạc
rock
xưa, hai thứ mà nhiều dân hippi cảm thấy thiếu
trong các chuyến đi xa xứ. Thêm vào, khách có
thể hút
chillum
thoải mái từ sáng tới tối.
Larry và tôi ra ngoài rất
thường. Tụi tôi đi bát phố, vô chỗ bán đồ cổ,
thảm, áo quần Afghan, nữ trang, và nhiều thứ
khác kể cả đồ nhập cảng bên Tây và Mỹ. Tụi tôi
đặt mua mỗi đứa một chiếc vòng bạc chạm, to, nạm
viên lam ngọc bự (mà tụi tôi chôm ở Iran). Tôi
còn mua thêm nhiều vòng ở những nơi tôi đến để
khoe mình đã đi du lịch nhiều nơi và cũng để làm
đẹp hình ảnh hippi của tôi. Larry may năm bộ
kaftan
thêu rất ngộ và cái áo vét Afghan trắng để làm
quà cho gia đình và bạn bè.
Trở xuống Kandahar, hai đứa
về lại khách sạn Paradise rồi tới viếng anh
chàng 'bán kẹo' ngay. Cần sa đã sẵn sàng, tụi
tôi chuẩn bị để lên đường.
Theo kế hoạch đã lên, cái áo
vết của tôi trông rất bình thường, chỉ hơi cứng
và nặng một chút; lúc mặc vào, nó có vẻ 'vô tội'
lắm. Còn nữa ký tôi may dưới đáy xách cũng khó
ai biết được. Larry may cái túi hình dây bằng
vải dày, nhét hai trăm gram thuốc vô, rồi đeo để
điều chỉnh cho khuất dưới dái; nó khoe không còn
chỗ nào an toàn hơn. Trong lúc chuẩn bị tôi hơi
lo nhưng rồi cố quên. Tôi tự nhủ đã trễ rồi, chỉ
còn nước xấn tới mà thôi.
Tới lúc này suy lại, tôi nghĩ
trí óc của hai đứa lúc bấy giờ đã bị đần bởi hút
quá nhiều thuốc, nên tụi tôi thiếu sáng suốt và
cẩn thận khi lao vô việc buôn bán nguy hiểm này.
Tụi tôi cũng quên để ý hỏi mấy thằng quỷ kia chớ
hippi có bị xét kỹ và thuốc có thể qua lọt biên
giới ở Spin Buldak không. Tụi tôi ngây ngô nghĩ
rằng việc tụi tôi làm 'dễ như trở bàn tay'. Và,
tụi tôi cũng không có tự hỏi chớ lời của 'anh
tiệm may' có tin nổi hôn.
Sáng, lúc tụi tôi rời
Kandahar, trời bắt đầu nóng và khi tới biên giới
lúc giữa trưa, nắng như thiêu. Larry và tôi ngồi
tuốt đằng sau xe buýt bị nắng dọi nên đổ mồ hôi
như tắm. Nắng sưởi cần sa làm chiếc áo vết tôi
lên mùi mà Larry là người nghe trước tiên và lo
lắng cho tôi biết. Tôi thử hửi và nghe đúng như
vậy. Vừa lúc ấy, xe đò bắt đầu vô trạm quan thuế
Afghan. Là hai người ngoại quốc, Larry và tôi
phải xuống xe, xách hành lý vô làm thủ tục hải
quan. Một tên Tây ba-lô[49]
bên trong ra cười chào tụi tôi trước khi lên xe
đi về phía Pakistan. Anh đáp chuyến xe buýt
trước và vừa được khám xét xong. Larry và tôi
liếc nhau rồi nhún vai thầm nhắc mùi thuốc còn
phảng phất đó. Nhưng đã trễ rồi, thôi thì chỉ
vái cho hai đứa đều qua trót lọt.
Hai đứa tôi được đưa vô phòng
khám trong ấy có sẵn bốn nhân viên đang chờ. Câu
hỏi đầu tiên, theo lệ thường và rất thành thật,
là 'Ông có đem theo
hashish
không?' Câu hỏi bất ngờ và thẳng quá làm tụi tôi
mất bình tĩnh và trong hai đứa không biết đứa
nào phải trả lời. Tôi đớ lưỡi. Larry biết vậy
nên vọt miệng nói với giọng điềm tĩnh và thuyết
phục rằng: "Thưa ông, chúng tôi không có dùng
thuốc, chúng tôi chỉ muốn qua Pakistan." Viên
sếp không tin và không lòng vòng lôi thôi anh
bắt đầu xét xách của Larry. Hai đứa bối rối và
cảm thấy tội lỗi vì lời nói láo. Tôi đứng qua
một bên nhìn họ khám với sự sợ hãi càng lúc càng
lên cao.
Không thấy gì trong xách,
nhân viên quan thuế bắt đầu khám người Larry. Để
làm giảm sự chú ý, Larry kiếm chuyện nói huyên
thuyên. Tuy nhiên ông không bị chi phối mà cứ
tiếp tục khám kỹ, lần tay tới cứ địa. Rồi tay
ông lướt qua tưởng chừng như bỏ sót, Larry mừng.
Nhưng sau một phút ngập ngừng ông quay lại và
đặt tay lên hạ bộ của Larry. Mắt sáng lên, ông
la 'Hashish.'
Tim tụi tôi ngừng đập!
Tôi biết sẽ tới phiên mình,
bụng tôi đánh lô tô mạnh. Viên sĩ quan quay qua
tôi và hỉnh mũi hữi gió. Trong chớp mắt ông tìm
thấy cần sa trong áo và xách của tôi. Hết trốn
rồi, hai đứa tôi bị bắt tại trận và sẽ bị tù
suốt đời. Tụi tôi xoay qua hối lộ--tiếng bản xứ
là
baksheesh.
Thoạt tiên tụi tôi xin hiến năm mươi đô la rồi
lần lần lên tới một trăm. Ông nói ông rất tiếc
sự việc đã xảy ra và ông chỉ biết làm phận sự
của ông thôi. Ông nói thêm rằng tụi tôi chớ lo,
ông sẽ cố gắng giúp đở để mọi việc được suông
sẻ. Trọn ngày và đêm đó tụi tôi bị tạm giam tại
trạm và qua sáng hôm sau bị giải về sở cảnh sát
ở Kandahar. Tôi bắt đầu đặt nghi vấn. Nếu viên
sĩ quan muốn giúp tụi tôi sao ông không nhận
baksheesh
thả tụi tôi đi cho rồi. Tôi cố tin ông để nghĩ
mình sẽ được thả trong một hai ngày tới, nhưng
thâm tâm tôi biết chuyện không đơn giản.
Tại sở cảnh sát Kandahar tụi
tôi bị ông đại úy phỏng vấn. Bằng tiếng Anh
thông thạo, ông từ tốn nói ông rất tiếc báo cho
chúng tôi biết rằng chúng tôi phải ra tòa về tôi
buôn lậu và bây giờ cho đến ngày ra tòa chúng
tôi sẽ bị nhốt tại nhà lao địa phương này. Như
vậy, tụi tôi hết trông mong được gặp lại viên sĩ
quan hứa giúp đỡ chúng tôi rồi.
'Cái khám nhỏ' mà dân địa
phương thường gọi, nằm bên kia đại lộ đối diện
với bộ chỉ huy cảnh sát. Lúc bị hai cảnh sát
giải tới, tụi tôi chỉ thấy có bờ tường bằng đất
với hai lằn kẻm gai rỉ sét kéo bên trên. Cổng là
hai cánh cửa cây mục khóa bằng sợi xích với ống
khóa. Anh lính gác xúng xính trong bộ quân phục
Nga Sô cũ đang ngủ gục cạnh bên cây súng trường
có gắn lưỡi lê. Phía trong, sau bàn viết, có một
anh lính khác ngồi kiểm tù ra vô. Nhìn chung nhà
tù này trông chẳng khủng khiếp lắm.
Vừa vô trong, điều đầu tiên
mà Larry và tôi thấy là một nhóm đàn ông đứng
dưới gốc cây duy nhứt trong sân đang ho khan,
tiếng ho quen thuộc của người hút
hooka.
Đám khói thuốc còn lảng vảng trên đầu trong bầu
không khí nóng bức và đứng gió của xế chiều.
Thấy tụi tôi, họ liền gọi đến hút với họ. Chẳng
có lý gì mà không, tôi nháy mắt Larry, thầm hỏi
'Đây là khám sao? Nếu vậy được hưởng gì thì cứ
hưởng.' Rồi tụi tôi đi thẳng tới nhập cuộc. Các
tù nhân được một trận cười vui khi thấy hai
thằng ngoại quốc đồng bịnh ghiền như họ.
Khám là một khuông viên
vuông, không mái che, sàn đất, với nhiều phòng
cất dọc theo chu vi tường đất. Có cái cầu tiểu
khai òm ở một góc và khu tắm giặt sạch hơn với
giếng nước mát nằm giữa sân. Tù nhân sống bằng
cách tự đem theo chiếu mền và nồi chảo, chớ khám
không cung cấp gì cả. Họ cũng phải đem thức ăn
uống vô hay nhờ cai ngục ở đây mua giùm. Tù nhân
không tiền phải làm tạp dịch cho đám có tiền. Họ
tự chia nhóm để ăn, chơi, ngủ, nghỉ với nhau.
Tụi tôi bị giữ thông hành và
tất cả chi phiếu du khách, chỉ còn một ít tiền
Afghan để xài vặt. Tụi tôi cho tiền nhờ một anh
chủ ngục đi chợ mua bánh mì, đậu phộng, trái
cây, xà lách, và nước nho để ăn uống. Tụi tôi
may gặp một 'lão làng' nói chút chút ttiếng Anh.
Được biết trước đây anh ta là đại úy trong quân
đội Afghan. Anh bị án khổ sai chung thân vì tội
giết vợ. Anh hiện là 'đại ca' trong khám này.
Anh có phòng riêng trải thảm Ba Tư đàng hoàng.
Anh có cả cây đàn
sitar
của một tù Tây mua từ Ấn Độ cho. Larry và tôi
gọi anh là Ali Baba. Ali Baba tội nghiệp tụi tôi
nên thâu hai đứa tôi dưới trướng và cho ăn uống
đầy đủ cũng như dạy cho quen với luật lệ sống
trong khám này. Được biết Tây Mỹ vô đây khá
nhiều, nhiều nhứt vì tội nhập lậu ma túy. Có hai
thằng Tây vừa được thả tuần trước. Nghe nói
thường thường tù ngoại quốc bị nhốt từ hai tuần
tới một tháng là nhiều. Tin này của Ali Baba làm
tụi tôi hy vọng vì nhà tù ở đây có lệ không cho
tù nhân biết gì ráo trọi. Tụi tôi có nghe nói về
nhà tù ở Iran và Thổ Nhĩ Kỳ: người ngoại quốc có
thể bị nhốt cả năm khi phạm tội như tụi tôi và
khám ở hai xứ đó kinh khủng lắm.
Là Mỹ, tụi tôi được xem như
thứ lạ nên được tù nhân địa phương coi như VIP's
(very
important prisoners,
tù
nhân trọng yếu). Mỗi nhóm nhỏ thay phiên mời tụi
tôi cơm tối, thường là ăn thịt trừu, rau cải,
bánh mì, và trái cây. Tôi và Larry hay góp rau
để nấu chung. Thật là một sự đãi đằng tiện lợi
cho đến một hôm hai nhóm cãi nhau về việc tới
phiên ai mời tụi tôi. Và, tuần lễ sau đó, nhãn
hiệu VIP của tụi tôi không còn ăn khách nữa, tụi
tôi phải tự lo liệu lấy.
Larry bực dọc nhiều và muốn
được về California. Nó tự rủa nó và oán tôi đã
rủ rê. Để thư giãn nó mượn
sitar
của Ali Baba chơi. Nó biết đánh tây ban cầm nên
chỉ sau vài lần mò mẫm nó chơi được
sitar.
Tôi thì dễ dãi hơn vì đã chọn thái độ 'take
it or leave it[50].'
Tôi biết tôi tự đẩy mình vô tròng nên chuẩn bị
tinh thần để nhận hết hậu quả (nghiệp). Tôi cũng
biết rằng đời sống trong 'khám nhỏ' này không
đến đỗi nào và có thể ra tù trong vài tuần tới.
Mỗi sáng, tôi và Larry bị đưa
qua sở cảnh sát để hoặc trả lời ông đại úy hỏi
cung, hoặc điền hồ sơ, hoặc lấy dấu tay, hoặc
chụp hình, vân vân. Vị đại úy cho biết hồ sơ tụi
tôi sẽ được chuyển về Washinghton, đúng ra là về
FBI và Quan Thuế Hoa Kỳ. Dụng cụ lấy dấu tay và
chụp hình cũng như các còng, tôi thấy đều có
hiệu 'Made
in USA[51].'
Ông nói thêm hút
charees
trong lãnh thổ Afghanistan thì được nhưng đem
lậu ra ngoài là bất hợp pháp và sẽ bị tội. Cần
sa và thuốc phiện bị liệt vào danh sách hàng
quốc cấm phải chăng để chứng minh chi phí viện
trợ mà Afghanistan và Thổ Nhĩ Kỳ đang nhận của
Hoa Kỳ để giúp xứ này giải quyết tệ nạn ma túy.
Chớ thật ra ngay trong nhà tù này tù nhân đang
trồng cần sa và cây thuốc phiện, và người nhà
của nhiều tên tù đem vô cho họ mủtươi để họ ép
thành khối mà xài. Họ dạy hai thằng ngáo tụi tôi
cách làm; tụi tôi thường giết thì giờ bằng cách
chăm sóc 'vườn cần sa' và dĩ nhiên hút
hash.
Điếu thuốc nước
hooka
bự được để thường xuyên dưới gốc cây như một
dụng cụ bất di bất dịch sẵn sàng cho ai muốn xài
thì xài. Điếu được một tên tù tạp dịch dọn dẹp
hằng ngày như thay nước, lau chùi ống hút, vân
vân. Tôi và Larry có tới hút
hooka
thỉnh thoảng với các nhóm nhưng tụi tôi thích
hút píp Ma Rốc, hay
chillum,
hay thuốc lắc hơn. Tụi tôi cứ đê mê phê thuốc
hoài trong suốt hai tuần bị nhốt ở đây. Phê rất
đỡ, ví như nhờ phê mà tôi hết bị sôi ruột và
khỏi phải chạy vô nhà xí hoài như lúc không phê;
tôi bị đau bụng có lẽ vì ăn trừu hầm có nhiều mỡ
quá.
Trong trại tù có một trò vui
ngộ nghĩnh. Bọn tù bắt thằng tù khùng cột vô gốc
cây để nó chạy quanh kêu la inh ỏi rồi ngồi
chung quanh cùng nhau cười. Họ còn chọc cho nó
hung lên để nó dở nhiều trò hơn để cười nhộn
hơn. Một trò chơi bệnh hoạn, hành hạ, tàn bạo,
nhưng tôi chẳng biết làm sao ngăn cản. Văn hóa
và đạo lý mỗi nơi mỗi khác và bị ảnh hưởng nhiều
bởi đạo giáo và xã hội. Con người cũng khác
biệt. Tôi suy tư nhiều.
Nhiều lần trong ngày, tù Hồi
giáo tụ trên bục hướng về Mecca đọc
namuz
(cầu nguyện của họ). Hình ảnh này cổ súy tôi
nghĩ đến đạo giáo và nghi thức lễ lạc mà lâu nay
tôi ít để ý. Tôi cũng có nghĩ tới ý nghĩa của
cuộc sống và cái gì sẽ xảy ra sau khi chết. Lúc
châm chillum
tụi tôi hay đọc bốn chữ 'Bom
Shiva, Bon Shankar'
dùng bởi các đạo sư tu trên Hy Mã Lạp Sơn để ban
hồng ân cho sự đê mê do hút cần sa
ganja
gây ra. Tôi nghe tụi hippi Tây đọc chú này trong
công viên ở Amsterdam nên lập lại như két vậy
chớ thật tình tôi không có ý niệm đạo giáo gì
hết.
Hai tuần trôi qua, sáng nay
Larry và tôi đi hầu tòa. Tòa án là một kiến trúc
ba từng nằm bên kia thành phố trong công viên
rộng có nhiều cây cao bóng mát. Tụi tôi được dẫn
lên lầu hai. Vị chánh án là người đứng tuổi, có
râu bạc, đẹp lão. Chiếc khăn đóng làm ông thêm
thanh nhã. Ông ngồi oai nghi trong ghế bành to
trên bục cao. Hai đứa tôi được lịnh ngồi xuống
thảm trải trước bục. Chúng tôi nhận tội. Tôi bị
phạt năm trăm đô la vì mang lậu một ký lô cần
sa, còn Larry bị phạt hai trăm vì một trăm gram
của nó. Chúng tôi đóng phạt ngay. Rất may chúng
tôi còn tiền, nếu không chắc phải ở tù thêm cho
đến khi nào đóng hết tiền phạt mới được thả.
Bấy giờ Larry chỉ còn đủ tiền
đi Madrid để trở về Mỹ. Còn tôi phải quyết định
ngay chương trình sắp tới. Tôi còn vừa đủ tiền
đi Ấn Độ và sống như đã tính nên có nhiều cách
du di hơn Larry. Tôi có thể ở lại Kabul rồi viết
thư về nhờ má tôi gởi dùm qua năm trăm đô la
hoặc qua New Delhi rồi nhờ má tôi gởi tiền qua
đó. Tôi có nghe nói tiền gởi qua Kabul hay New
Delhi có thể bị lạc hai-ba tuần hoặc hai-ba
tháng hay mất luôn cũng không chừng, nên không
muốn nhà chuyển tiền qua hai nơi đó.
Không muốn đợi chờ trong nghi
ngờ và lo âu ở những nơi như Kabul, New Delhi,
hay cả Teheran, tôi quyết định đi Athens với
Larry sau khi bàn tính. Tôi tin Athens vì tôi đã
có lần nhận tiền ở đó rồi. Từ Athens tôi sẽ lấy
xe lửa và xe đò nhanh nhứt đi thẳng qua Ấn Độ;
dĩ nhiên tôi không thèm cà rà ở Afghanistan làm
gì nữa. Tôi viết thư kể rõ mọi chuyện luôn cả
chuyện ở tù và xin má tôi gởi dùm qua Bank of
America ở Athens năm trăm đô la rút trong chương
mục tiết kiệm của tôi.
Trong hai ngày chờ đi Athens,
Larry và tôi nghĩ ra kế làm tiền để kiếm thêm
cho chuyến đi. Một trong những lối lường gạt
thông thường trong giới chợ đen du lịch là bán
nửa giá chi phiếu du khách không ký tên cho một
tay buôn chợ đen nào đó, rồi báo là mất để được
hoàn lại tổng số trị giá. Larry bán chi phiếu
năm mươi đô của nó cho một chỗ đổi tiền trong
chợ vải với giá hai mươi lăm đô. Còn tôi nghĩ
một cách khác có lợi nhiều hơn. Tôi nhờ Larry ký
tên tôi vô chi phiếu một trăm đô của tôi rồi đem
vô nhà băng đổi. Sau đó tôi và Larry qua Teheran
báo mất chi phiếu du lịch. Làm vậy, American
Express Company sẽ nghĩ rằng tôi mất chi phiếu
thiệt và chi phiếu mất cấp của tôi bị kẻ gian
giả mạo chữ ký. Sở dĩ hai đứa tôi làm được vì
khi Larry lãnh tiền, nhà băng không có kiểm
thông hành của nó. Có thêm 'tiền đen' hai đứa sẽ
khỏi lo thiếu lúc qua Hy Lạp.
Đến Teheran, tụi tôi đi liền
tới văn phòng của American Express làm đơn đòi
bồi hoàn và nhận được tiền dễ dàng trong vòng
hai tiếng đồng hồ. Có tiền rồi tôi không vội đi
Athens nữa. Tôi biết ba má tôi phải hai-ba tuần
nữa mới được thư gởi từ Kabul, qua cơn khũng
hoảng, rồi mới gởi tiền cho tôi được. Mà có thể
ông bà không thèm gởi tiền qua cũng không chừng.
Ông bà cũng có thể nghĩ tôi bị ma túy đầu độc
quá rồi nên muốn tôi trở về. Không có tiền gởi
qua chắc là tôi phải bỏ chuyến đi Ấn Độ. Tôi
chẳng còn cách nào hơn là về lại Riverside, sống
bình thường, và làm lại cuộc đời như hoàn tất
hai năm chót đại học chẳng hạn. Chuỗi ý nghĩ ấy
thoáng qua trong đầu tôi trong lúc tôi chiêm bao
trên chuyến xe lửa từ Teheran qua Istanbul.
Tại Istanbul tôi và Larry
chia tay. Tôi nấn ná bằng cách đi lòng vòng xem
Hy Lạp trong hai tuần để đợi tiền qua, còn Larry
phải đến Athens ngay cho kịp chuyến tàu nghe nói
sẽ đi Barcelona trong vòng bảy ngày tới. Tôi và
Larry cùng chia ngọt sớt bùi trong khoảng thời
gian khá lâu, giờ đây mỗi đứa đi mỗi ngả để lo
việc mình. Mọi thứ trên đời đều đổi thay theo
tình huống, kể cả tình cảm cá nhân. Một mặt nào
đó, tôi muốn có thay đổi vì cùng đi chung với
nhau lâu ngày không sao tránh khỏi đụng chạm,
bởi mỗi người có cái tôi riêng. Nói vậy chớ tôi
và Larry không bao giờ để tâm tới chuyện lớn nhỏ
nào, nhứt là sau khi cùng nhau hút một điếu hay
cùng nhau cười đùa. Phút chia tay đến, hai đứa
siết chặt nhau, rơm rớm nước mắt, và chúc nhau
những điều tốt lành nhứt.
Qua câu chuyện với một khách
lữ hành, tôi quyết định dừng lại trên hòn đảo
nhỏ Skyros để tắm biển trước khi lên Athens.
Trên tàu từ Thessalonika qua Skyros, tôi gặp một
số bạn trẻ trở về từ nhiều nơi xa xôi bên Á
Châu, như Sri Lanka và Bali. Họ khoe áo quần và
trang sức lạ của họ mới sắm. Tôi cũng khoe bộ đồ
hồng, áo vét Afghan, và chiếc nhẫn lam ngọc của
tôi. Thỉnh thoảng tôi vấn thêm chiếc khăn đóng,
để chót khăn phe phẩy với mớ tóc vàng của tôi
trong gió chiều. Tôi khoái chí lắm. Một đêm
trăng nọ, trên tàu qua Skyros, tôi bắt chuyện
với một anh người Đức rồi hai đứa làm bạn đồng
hành. Lên đảo tụi tôi ra chỗ cũng có cùng tên
Skyros, ngoài thành phố, tương đối vắng, cách
phố chính chừng một phần tư dặm. Thấy có một cặp
đang trần truồng, tôi nghĩ ở đây hay ít ra trên
đoạn bờ biển này khỏa thân được, nên liền tuột
hết đồ ra tắm nắng rồi tắm biển--biển màu lam
ngọc rất đẹp. Tôi ở lại chỗ ưng ý này trọn một
tuần lễ để nghỉ ngơi.
Mỗi chiều, hai đứa đều vô phố
ăn bữa tối no và mua bánh mì với trái cây cho
bữa sáng mai. Một chiều nọ, trong lúc nhâm nhi
rượu chát trong quán vỉa hè, tụi tôi gặp hai cô
sinh viên từ New York qua. Tụi tôi mời hai cô.
Hai cô cho biết qua đây nghỉ hè một tháng và
đang ở với hai bà người Hy Lạp và hai con của
hai bà trong một nhà nghỉ lớn dưới biển. Hai bà
đi xã hơi, muốn tạm xa các ông chồng và công
việc nhà một thời gian. Hai bà thấy hai cô đơn
côi nơi xứ lạ nên thương tình đem về nhà ở coi
như con.
Tôi làm thân với cô tên Linda
có gương mặt xinh xinh, thân hình cân đối, tóc
đen huyền, và giọng New York. Để tìm hiểu thêm,
tôi mời hai cô xuống trại dự một tiệc vui nho
nhỏ. Manfred, bạn tôi, mua một đùi cừu để nướng
trong hỏa lò dã chiến đào dưới bãi biển. Tôi mua
ít chai rượu chát để đãi khách và cũng để đưa
mồi trừu. Tôi có đem ra chút
hash
tôi mua ở Istanbul để mọi người cùng hút trong
dịp đặc biệt này. Tôi bắt đầu thấy tình mình
đang dậy, bởi sau lần ngủ với Gail ở Gomera hơn
tám tháng nay, tôi có gặp ai nữa đâu. Linda cũng
lâng lâng và coi mòi khoái tôi lắm. Tiệc vui kéo
dài cho đến khi thời điểm chín muồi tới. Tôi và
Linda bèn đi dọc bờ biển tìm một chỗ vắng. Hai
đứa 'yêu nhau' trọn một tiếng đồng hồ, giúp nhau
thỏa mãn những thèm khát xác thịt bị đè nén lâu
nay. Cát vẫn còn ấm vì nắng ngày nhưng nước đêm
mát lạnh, và trăng tròn rất thơ mộng.
Trước khi rời Skyros, Linda
và tôi thu xếp để gặp nhau lần nữa, gặp nhau
nhứt thời, bất chợt chớ không gắn bó. Lần này
tại nhà trọ của cô lúc bạn cô, Penny, và các
người khác đi tắm biển xa. Giường êm nệm ấm đưa
chúng tôi vào cuộc hoan lạc say sưa.
Tình cờ tôi gặp hai bà Hy Lạp
cùng đi trên một chuyến đò; hai bà trở về nhà ở
ngoại ô Athens. Một trong hai bà mời tôi đến ở
với bà ít hôm nếu tôi muốn. Tôi hân hạnh nhận
lời. Linda và Penny đến ở với bà kia. Đò cặp bến
Kimi cách Athens vài tiếng lái xe. Chồng của một
trong hai bà đón tại bến tàu. Ông lái chiếc
station
wagon[52]
to nên đủ chỗ cho mọi người. Nhà của ông bà rất
to và tráng lệ. Tôi ở đó ba hôm trong lúc
Manfred ở một mình bên Skyros. Biết ông là tổng
giám đốc của một công ty hàng hải Hy Lạp lớn,
tôi có ý định xin làm công cho một tàu hàng đi
Ấn Độ để được biết Kinh Đào Suez, Mombassa (Đông
Phi) và Bombay. Tôi còn nghĩ sẽ dời chuyến đi Ấn
Độ để đi vòng quanh thế giới trong một năm, đi
tới chỗ nào mà tàu sẽ đến. Thơ mộng ha! Tôi xin
ông giúp, ông trả lời ngay là khó lắm vì tôi
không có giấy tờ thuyền viên. Tôi nghe nói có
thể mua giấy tờ giả nên cố thuyết phục ông nhưng
ông không sốt sắng lắm. Ông và tôi khác nhau một
trời một vực nên hai tư tưởng không thể gặp
nhau. Ông là một tay cự phú kẻ hầu người hạ còn
tôi là một thằng hippi lang thang. Ông gình
giàng to lớn rượu thịt hằng ngày còn tôi ốm tong
ăn uống thất thường; dưới mắt ông tôi không thể
nào đảm đang nổi công việc thuyền viên. Tôi và
ông không gần nhau được nên ông không thể tin
tưởng tôi để giúp tôi có việc như tôi mơ mộng.
Tôi đành trở về thực tại và lo đi Ấn Độ càng sớm
càng tốt.
Bấy nhiêu kinh nghiệm cho tôi
thấy cái tâm có thể nhớ và xếp hạng người, việc,
và nơi chốn theo một số sắc thái hay hành vi ghi
nhận. Và, cái tôi rất tinh khôn trong việc lèo
lái để trục lợi. Tôi cũng nhận thấy tính không
hằng thường của tâm cũng như sự thay đổi thường
xuyên của các ước muốn của tâm--như một niệm (đi
Ấn Độ) dấy lên rồi đi qua nhường chỗ cho một
niệm khác (làm thuyền viên) tiếp theo liền.
Tôi nhận được thư của ba má
tôi (má tôi luôn luôn viết thế cho ba tôi) lúc
đến American Express. Tôi biết chuyện gì sẽ xảy
ra nên mở thư đọc mà sờ sợ. Má tôi viết bà điếng
hồn khi nghe tôi nói bị tù vì buôn lậu ma túy.
Đồng thời bà ngạc nhiên sao tôi có thể ra tù dễ
dàng và nhanh như vậy. Bà tưởng tượng tôi sẽ
phải bị tù rục xương như báo chí thường tường
thuật các trường hợp của đồng hương ở Iran và
Thổ Nhĩ Kỳ. Nhờ tôi đợi tới lúc ra tù rồi mới
viết thư về nhà, nếu không ba má tôi chắc phải
chết đứng!
Ngoài ra, má tôi còn cho biết
ba má tôi bị sốc lớn khi nhận được thư của
American Express báo rằng tôi đã lập kế gạt lấy
một trăm đô la bằng cách đổi chi phiếu du khách
rồi khai là bị mất. Văn phòng chính của AMEX
không tin lời khai của tôi và buộc tôi tội gian
(rất đúng vậy). Tôi phải trả lại một trăm đô
ngay nếu không sẽ bị đưa ra toà. Ba má tôi sợ
quá nên lật đật trả AMEX một trăm đô cho yên
việc dầu ông bà không biết đầu đuôi như thế nào.
Hai chuyện động trời của tôi xảy ra liên tiếp
làm ba má tôi rất buồn lòng. Ông bà nghĩ tôi đã
mất hết lương tri, không biết phải quấy, nhục
vinh, và xuống mức hạ tiện thấp nhứt. Ông bà vô
cùng thất vọng và nhục nhã. Tuy nhiên, má tôi
vẫn gởi tôi tiền và tiền đến vài ngày sau đó.
Bây giờ mọi việc đã qua, tôi
cảm thấy nhẹ người sau bao ngày mang nặng lo âu
và tội lỗi trong tâm cũng như trên người. Tôi
thầm nghĩ mình phải nhứt quyết từ bỏ mọi hành vi
bất chánh trong tương lai để tránh tù tội, bị
dầy vò, và làm cho ba má tôi sầu lo. Tôi hy vọng
ông bà sẽ quên đi mọi chuyện, quên cả buồn phiền
và đau khổ, như ông bà đã quên sau khi tôi ra
tòa quân sự lúc trước.
Trong vài ngày ở Athens tôi
gặp một người Đức tên Stephen vừa về từ Gomera.
Anh biết Gail và cho tôi hay Gail có mang với
anh chàng ở Valley Gran Rey mà tôi cũng quen và
làm đám cưới với anh ấy rồi. Tôi ngạc nhiên và
thầm nghĩ 'nhanh quá,' chỉ mới có bảy tháng sau
khi tôi xa Gail. Tôi tiếc cho cô và đoán rằng cô
làm vậy vì hận và cũng vì muốn tỏ ra mình luôn
luôn tự chủ. Tôi tự hỏi không biết cô có trở về
với đứa con gái bốn tuổi của cô chăng, con cô
chắc thế nào cũng hỏi bà ngoại nó câu 'Mẹ con ở
đâu?' Một lần nữa, ý nghĩ tội lỗi đến với tôi.
Gail và tôi bắt đầu rất thơ mộng (bằng cuộc làm
tình hồn nhiên sau khi gặp nhau ở RCC) nhưng kết
thúc thật là bất hạnh!
Một xế nọ, tôi muốn làm ra vẻ
nên đóng bộ đồ hippi luôn cả khăn đóng đi ra
công viên Syntagma. Đây là lần chót tôi bận bộ
đồ này vì sau đó tôi đóng thùng gởi tất cả về
nhà; tôi chỉ giữ lại cái áo
jalaba
và chiếc cà rá lam ngọc. Và trong số đồ đạc tôi
đem theo từ California tôi chỉ giữ cái quần
Levis, đôi giày
huaraches
Mễ Tây Cơ, cái quần ngắn nhà binh bằng len màu
xanh lá cây, và cái
poncho
mà tôi nghĩ sẽ có dịp xài ở đất lạnh Hy Mã Lạp
Sơn. Tôi gởi đồ về để làm kỹ niệm và cũng để
khỏi mang theo nặng. Vả lại, tôi không còn ạo ực
của lạ như lúc trước nữa. Tôi muốn đi du lịch
nhẹ như nhiều du khách tôi thấy ở phuơng Đông
về.
Con đường ngắn và nhanh nhứt
để tới Afghanistan mà tôi chọn sẽ phải đi ngang
Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Tôi sẽ bay từ Athens qua
Istanbul bằng vé rẻ của sinh viên, lấy xe lửa
tốc hành Istanbul-Teheran, rồi xe đò đi Kabul.
Sáng hôm đến Istanbul tôi đọc báo thấy tin dữ.
Hồi tối hôm qua tại phi trường Athens, bọn khủng
bố đã liệng lựu đạn vô quày vé của hảng hàng
không Thổ, chuyến bay đi Tel-a-viv, làm hai
người chết và bốn bị thương. Lựu đạn nổ ngay chỗ
tôi đứng ghi vé hai giờ trước đó. Giai đoạn bất
ổn 1972-73 này có rất nhiều vụ nổ bom và không
tặc do bọn khủng bố chủ mưu; cuộc tàn sát đoàn
Olympic Do Thái năm 1972 ở Munich là ví dụ điển
hình. Đoc xong tin, tôi thầm nghĩ duyên nào đã
giúp tôi thoát nạn trong gang tấc như vậy?
Sáng hôm sau tôi đi phà qua
eo Bosphorous đến ga xe lửa. Xe dài nhưng đông
nghẹt. Tôi ngồi chung phòng với năm người: hai
anh người Đức, một anh người Áo và cô bạn gái
người Pháp của anh, và anh người Anh. Một trong
số hai người Đức tên Klaus từng buôn ma túy lớn
ở Berlin, chỉ buôn
hash
Afghan nhưng chưa hề đến Afghanistan cho tới
chuyến đi hôm nay. Anh có vẻ rất vui thích. Anh
có đem theo một ít
charees
và vui vẻ chia cho bà con cùng xài. Khi xe ra
khỏi ga chúng tôi bắt đầu hút điếu thứ nhứt để
chúc mừng Klaus. Không khí hứng khởi và vô tư
trong phòng làm tôi bồn chồn. Nếu ma túy trong
phòng bị người soát vé, hay cảnh sát, hay lính
phát giác, cả đám sẽ gặp nguy, kể cả tôi tuy tôi
không có ma túy trong tay. Giờ tôi chỉ mong tới
Ấn Độ an bình càng sớm càng tốt. Lần lần tôi bớt
lo, vui theo, mừng gặp bạn, và thật sự phê. Ở
Teheran chúng tôi đổi qua xe đò đêm tiện nghi
hơn để đi Mashad rồi ra biên giới sau khi xin
được chiếu khán.
Khi xe tới gần biên giới,
Klauss hứng lên hơn vì thấy sắp đến 'đất của
charees.'
Nhưng sau khi qua khỏi rào Afghan, Klauss bỗng
dưng im lặng và ngồi một chỗ. Lúc ấy là 5:00 giờ
chiều. Như lần trước, tôi và năm bạn mới phải
ngủ lại đêm ở đây đợi sáng mai vô 'Tâm'. Klauss
vô nhà ngủ và bất tỉnh ngay trên chiếc giường
đan dây. Anh xanh như tàu lá và yếu hẵn đi; anh
không còn thiết tha với
chillum
mừng đến nơi như hôm qua nữa. Thấy anh không
thèm thuốc, chúng tôi biết anh không khỏe rồi.
Bạn thân anh, Hanz, lo lắng nhứt, phải thức suốt
đêm canh anh. Sáng dậy, Klauss đỡ nhưng vẫn chưa
muốn hút điếu
chillum
mừng đến đất Afghan. Sau khi đi xe đò vô 'Tâm',
chúng tôi vô khách sạn ở chỗ ngả ba chính. Lúc
ngồi ăn sáng, Klauss trông trắng bạch như ma
trơi và lơ láo như mất vía. Thình lình anh gục
và rớt xuống đất. Tất cả điếng hồn. Hanz kêu inh
ỏi nhờ khách sạn tìm bác sĩ. Bác sĩ đến 20 phút
sau nhưng chỉ để cho biết anh đã chết rồi. Một
tai họa bi thảm!
Tôi hoang mang hơn và sợ cảnh
sát đến lấy cung sẽ nhốt hết chúng tôi. Tôi vừa
bị một vố mà thông hành còn ghi ràng ràng đây
nên không muốn dính dấp với mã tà nữa. Tôi bèn
lỏn ra đi lang thang quanh phố. Hai giờ sau tôi
trở về khách sạn, tôi chỉ thấy có mình cô đầm
Monique đang đợi tôi. Bằng tiếng Anh bồi và với
giọng sợ hãi cô thuật tự sự cho tôi nghe. Cảnh
sát đến làm tờ trình theo thủ tục, hỏi Hanz một
số câu hỏi thông thường về bạn của anh.
Hanz muốn đưa xác Klauss về
Đức cho cha mẹ anh bên Berlin qua ngả Kabul.
Thông thường có một chuyến bay từ 'Tâm' về Kabul
của hảng hàng không Ariana Airlines, nhưng vì
trục trặc kỹ thuật (rất thường xảy ra) và không
có máy bay thay thế nên phải lấy taxi. Chiếc hòm
Hanz mua liệm Klauss dài quá khổ của ta-xi nên
phải dở nệm sau và đút hòm từ sau xe vô mới lọt.
Viên cảnh sát hộ tống ngồi ghế trước cạnh tài
xế, còn Hanz và Ronald ngồi trên hòm. Xe đi phải
mất ít lắm mười tới mười một tiếng và chạy trong
nắng gắt ban trưa nên Monique không thể đi, còn
Ronald không thể bỏ bạn trong giờ phút cuối nên
đã đi theo. Phần tôi, thằng tồi bỏ bạn!
Hôm sau tôi chịu đi với
Monique lên Kabul khi cô hỏi ý tôi. Chúng tôi
đến nơi lúc chiều và gặp lại Hanz với Ronald
trong nhà ngủ. Hai anh đang hút
chillum.
Qua câu chuyện, được biết chuyến đi Kabul của
Klauss mất tới mmuời hai tiếng vì tài xế và viên
cảnh sát ghé lại nhiều trạm để uống trà, ăn cơm
và nói chuyện với bạn dọc đường. Trời nóng xác
dễ sình, mà hòm lại mỏng, mùi bắt đầu thoát ra,
Ronald và Hanz phải hút
chillum
liên tục. (Tôi không thể nín cười, mong bạn
Klauss tha thứ). Tới Kabul lúc 10:00 giờ đêm,
Ronald và Hanz ra phi trưòng liền nhưng không
thể đưa hòm đi vì xác đã nặng mùi và không có
máy bay nào ra khỏi Kabul cho đến ngày mai. Hanz
phải lên toà Đại Sứ Đức sáng nay để báo cáo sự
việc và đánh điện về ba má Klauss báo tin chẳng
lành: ông bà không còn dịp thấy mặt con nữa!
Hồi trưa này, Hanz nhờ xe
ngựa kéo hòm đi chôn tại nơi có biệt danh là 'Boot
Hill'',
một khu trong nghĩa địa Kabul dành an nghỉ du
khách. Có khá nhiều du khách Tây Mỹ chôn ở đây;
họ chết vì lậm thuốc, bị giết, hay bệnh hoạn bất
thần như Klauss. Hanz cho chúng tôi biết Klauss
có bịnh tim, di căn từ bên nội. Chắc ảnh chết vì
bị nhồi máu cơ tim; trái tim suy yếu của ảnh có
thể không chịu nổi những cảm xúc mạnh mà ảnh đã
trải qua hôm trước. Chôn Klauss xong xuôi, Hanz
và Ronald về lại phòng đây ngồi nghỉ và hút
chillum
để tang cho Klauss. Monique và tôi tham gia,
cũng để tang cho Klauss, theo lối hippi !
Tôi đang ở chỗ mà tôi đã đến
hồi ba tháng trước và rất mong được hoàn tất
đoạn đường chót của chuyến đi. Hôm sau tôi lấy
xe buýt màu bạc đi Peshawar; tôi được dịp đặt
chân lên ngọn đèo nổi tiếng Khyber vô Pakistan.
Rồi một xe buýt khác chạy đêm đưa tôi qua
Lahore. Tôi phải dừng lại Lahore để xin chiếu
khán 3-tháng vô Ấn Độ. Tôi ở chung phòng với hai
du khách Anh trong một khách sạn hai từng lớn.
Một trong hai người từng du lịch ở Ấn Độ nên
rành ngõ ngách và biết cách sống rẻ bên đó. Anh
đi rất nhẹ, chỉ có cái quần vải và áo anh đang
mặc, chiếc mền mỏng đeo trên lưng, và cây đờn
tây ban cầm. Thêm cái túi nhỏ đựng của quý,
chillum
và charees.
Tóc anh cắt thật ngắn để đỡ nóng và chân anh đi
giày vá. Tôi học nơi anh kiện tướng này rất
nhiều qua một đêm ngủ chung phòng. Anh biết hết
những chỗ mà dân hippi có thể đi xem, mua thuốc
rẻ mhưng ngon, và sống tự do--Manali và bãi biển
ở Goa là hai chỗ anh thích nhứt.
Chiều hôm sau, khi lấy xong
chiếu khán, tôi lên xe đò đi một đoạn đường ngắn
ra biên giới Wagah. Viên sĩ quan di trú xem
thông hành tôi cho biết tôi thiếu giấy phép mà
du khách nào cũng phải có để đi từ trạm Pakistan
qua trạm Ấn Độ. Năm 1947 lúc India chia đôi và
Pakistan lập quốc, có rất nhiều tranh chấp biên
giới. Do đó dải đất rộng một phần tư dặm giữa
hai quốc gia được xem như vùng đất không người
mà du khách phải có giấy phép đặc biệt mới qua
được. Giấy phép được cấp miễn phí tại Lahore.
Tôi có nghe nói tới giấy phép này nhưng quên
lửng không xin. Viên sĩ quan bảo tôi về Lahore
xin hay là để ông giúp với điều kiện tôi phải
giúp lại ông bằng một "bakseesh"
nhỏ, hối lộ ông mười rup (chừng một đô la), cái
giá chuẩn dành cho du khách. Giấy phép không bao
giờ phải trình cho ai nữa nên thiệt tình tôi
chẳng cần có trong tay. Tuy nhiên, ông làm ra vẻ
quan trọng vì ông có quyền cấm tôi qua đoạn
đường ông kiểm soát, đoạn đường cụt ngủn liệng
đá cũng tới. Để tránh rắc rối và khỏi phải về
Lahore, tôi làm 'thủ tục đầu tiên[53]'và
buớc qua Ấn Độ.
Bước chân trên đoạn đường có
hàng cây cao đến trạm kiểm soát Ấn Độ, tôi cảm
thấy hân hoan. Tôi còn nhận thấy nhiều đổi thay
ngay trước mắt. Mấy anh cu-li ai cũng quần khaki
áo đỏ. Không khí êm ả. Nhân viên công lực cười
tươi thư giãn. Viên sĩ quan kiểm giấy thông hành
vui vẻ chúc tôi những ngày thoải mái ở Ấn. Tôi
mường tượng mọi việc sẽ tốt lành. Và, tới nay
tôi đã rời Hoa Kỳ đúng một năm hai tháng.
*
Chương 6
ẤN ĐỘ
Theo những tin hành lang của
giới du lịch, tôi đi thẳng đến Amristar (có
nghĩa là 'Rượu Thiêng Linh Ứng hay Bất Tử'), đặc
biệt đến thăm Đền Vàng[54].
Đền Vàng là đền thiêng nhứt của dân Sikhs. Đền
là tâm điểm của Đạo Sikh, có thể nói tương đương
với Mecca của Đạo Hồi, Vatican của Đạo Ky Tô,
Jerusalem của Đạo Do Thái, và Cây Bồ Đề ở Bồ Đề
Đạo Tràng (Bodhgaya) của Đạo Phật. Đạo Sikh là
một chi của đạo Hồi. Đạo Sikh rất hiếu khách và
không bao giờ kỳ thị vì tin tưởng rằng mỗi chúng
sanh là một phần của Thuợng Đế Duy Nhứt. Đền
Vàng bố thí[55]
chỗ ăn ở cho tất cả mọi người, không phân biệt
chủng tộc hay tôn giáo. Do sự tiếp đãi nồng hậu
này mà Đền là nơi dừng chân của nhiều du khách
ba lô. Du khách chỉ cần kính trọng phong tục tập
quán của đạo là đủ, ví như không để đầu trần và
không mang giày lúc vào viếng các nơi linh
thiêng trong Đền. Chánh điên là một vòm thếp
vàng lộng lẫy, nằm giữa hồ nước vuông vĩ đại,
nối liền với bên ngoài bằng chiếc cầu nhỏ. Vào
đúng lúc trong ngày, vòm chiếu xuống nước tạo
hình ảnh tuyệt mỹ.
Chánh điện là nơi các thầy và
tín đồ tụng kinh, còn chung quanh hồ là chỗ cho
đạo hữu, già như trẻ, lâm râm cầu nguyện hay âm
thầm thiền định. Không khí thành tâm mộ đạo bao
trùm cả không gian, cái không khí mà tôi hân
hoan được thở lấy. Không khí ấy cũng từng nuôi
dưỡng tinh hoa của Ấn Độ xưa, nơi được xem như
cái nôi của đạo giáo mà ta cần vào để nhìn thấy
Thượng Đế--thực chất của đời sống. Chuyến viếng
thăm ngắn ngủi của tôi ở đây đã để lại trong tâm
tôi ấn tượng càng lúc càng chán cái xã hội ganh
đua xô bồ và cái tâm bấn loạn của tôi.
Ngoài Đền Vàng, Amritsar đại
để cũng bụi bặm, ồn ào, đông người như các thành
phố lớn của Ấn Độ. Nghĩ tới miền núi mát lạnh ở
Manali, tôi liền dỡ bản đồ ra xem để chọn đường
lên đó nhanh nhứt: phải đi xe lửa tới Ludhiana
rồi xe đò ngang qua Simla và vô bang Himachal
Pradesh của Manali. Sáng hôm sau tôi ra ga đi,
cuốc xe lửa đầu tiên của tôi ở Ấn. Tôi tới trễ
và không biết phải mua vé ở quầy nào vì là lần
đầu tiên tới ga này, nên tôi lính quýnh chạy đại
ra sân và nhảy đại lên xe lúc xe chuyển bánh. Xe
quá đông kẻ chen người lấn, tôi phải đeo ngoài
cửa. Tôi có nghe nói ở Ấn Độ có thể đi xe lửa
khỏi tốn tiền nếu đi hạng nhì. Bấy giờ tôi đang
đeo trên một toa hạng nhì và biết tại sao. Vì xe
đông quá, người xét vé không thể và làm biếng
len chân đi kiểm từng người. Không có ý định lợi
dụng, tôi rất ái ngại và sợ bị bắt nên mắt cứ
lom lom dòm chừng người xét vé mà tôi có lần
kiếm khi xe ngừng ở một ga nọ. Đi đuợc nửa
đường, lúc xe bắt đầu rời một ga lớn, có ông xét
vé nhảy lên toa tôi và đeo ngay trước mặt tôi.
Ông hỏi vé, tôi điếng hồn và lặng câm. Giây sau,
tôi cố giải thích với chút mắm muối dậm thêm:
"Tôi định mua vé nhưng...." Tôi cố làm như một
du khách nghèo mới đến chưa am hiểu cách đi xe
lửa ở đây, hy vọng chứng minh được là tôi không
có ý định đi chui. Dẫu tả oán thế mấy ông vẫn
không tin và chẳng chút động lòng. Bằng giọng
khẳng định, ông buộc tôi phải gặp ông xếp ga khi
xe đến ga tới. Rồi ông nói thêm, nếu tôi không
muốn mất thời giờ thì tôi phải trả tiền vé cộng
với một
baksheesh
là mười lăm rúp. Tôi biết mình có lỗi rồi và vì
không muốn bỏ lỡ chuyến xe để vô phân trần với
ông xếp ga nên tôi chọn con đường nhanh và dễ
nhứt, cũng như tôi đã từng làm ở chỗ biên giới.
Sau đó tôi có vé chánh thức đi tới Ludhiana một
cách danh chánh ngôn thuận..
Sau cùng, tôi chen vô được
bên trong và được một cậu Sikh cho ngồi ké vô để
cậu có dịp tập nói tiếng Anh với tôi. Cậu lịch
sự hỏi tôi một lô câu hỏi như tôi thường nghe ở
Thổ Nhĩ Kỳ, cộng thêm câu tìm hiểu: "Ông đi vì
công việc gì?" Nhiều người Ấn nghĩ rằng khách
ngoại quốc đến Ấn Độ với mục đích gì đó, chớ ít
khi biết có người chỉ muốn đến đây để du lịch.
Tôi trả lời: "Mục đích của tôi là không có mục
đích gì cả." Thiệt tình tôi không có mục đích rõ
ràng nào trong đầu hết, dầu tôi đang trên đường
lên Manali để được khí hậu mát mẻ hơn.
Manali nằm dưới chân dãy Hy
Mã Lạp Sơn, rất ngoạn mục như tôi đã hình dung
qua nhiều mô tả trước đây. Xe đò ngừng ở trạm
nằm trên khoảng giữa của con đường dài chính rất
đông đúc. Dọc hai bên đường là hai dải tiệm
nước, tiệm ăn, tiệm buôn, và nhà nghỉ. Sau cuộc
xâm lăng của Trung Quốc hồi 1959, nhiều người
Tây Tạng di cư đến đây lập nghiệp; họ còn giữ
lối sống và trang phục cổ truyền rất đậm nét.
Việc đầu tiên tôi làm là tìm một khách sạn rẻ
tiền để nghỉ đêm. Chỗ đầu tiên tôi đến là một
phòng ngủ chung trong ấy có anh chàng người Mỹ
bị bịnh vàng da đang ở. Mắt và móng tay anh ta
vàng chạch. Anh mệt mỏi trông thấy và đang được
vài bạn tới lui thăm viếng giúp đỡ. Tôi không
muốn sống với anh ấy trong phòng chung đó nhưng
đành phải tạm mướn một giường trống sẵn có đó để
đồ rồi sẽ đi tìm nhà riêng hay phòng trong nhà
riêng mướn một tháng đặng có thể phê một mình.
Qua một ngày lục lọi, tôi
mướn được phòng trong một căn nhà gỗ lớn trên
lưng đồi không xa thành phố lắm, với giá rất
nhẹ, mười đô la một tháng. Sáng hôm sau tôi dọn
vô; tôi ở từng dưới còn gia đình ông bà chủ
người Tây Tạng ở từng trên. Nhiều bạn Tây khác
cũng mướn nhà riêng như tôi và đang ở rải rác
quanh đây.
Manali là nơi nghỉ ngơi mà
dân hippi Tây Mỹ rất thích vì có đồng cần sa bốn
phía. Chỉ cần ra khỏi nhà, nhổ một bụi cây
trồng, phủi phấn hoa rin rít, là có thể có
hash
hút rồi. Tuy nhiên nếu muốn có vài gram nhựa để
hút một ngày, phải mất nhiều thời gian mới chích
được đủ. Nhiều dân địa phương cũng như bọn ghiền
Tây sống bằng nghề này; họ bán cho tụi làm biếng
như tôi chẳng hạn. Tôi mua một cục lớn. Là dân
California, tôi có thể hút bằng cách vấn hoa với
phấn già theo kiểu thông thường hay trộn với
hash
làm chillum.
Dọc con đường mòn lên rừng,
theo suối đi qua xóm nhà lá của dân tị nạn Tây
Tạng, bên kia cầu, có nguồn nước nóng/nhà tắm.
Với món tiền vô cửa nhỏ, khách có thể ngâm mình
để mồ hôi và dơ bẩn trên người trôi đi, hoặc cho
vết ong độc chích bớt nhức. Trên núi có thiền
viện của một Lạt Ma Tây Tạng già mà du khách Tây
Mỹ thường lên để học hành thiền. Lúc bấy giờ tôi
không thấy cần thiết lên đó gặp ngài, nhưng tôi
có dành nửa ngày đi xem vùng núi đồi chung quanh
sau khi hít một liều với thằng bạn ghiền. Từ lúc
rời Gomera tới nay đây là lần du ngoạn đầu tiên
của tôi; tôi cảm thấy tâm trí thênh thang nhẹ
nhàng.
Sau hai tuần sống trên núi,
tôi bỗng cảm thấy người uể oải, lờ đờ. Đồng thời
nước tiểu tôi biến màu nâu sậm. Tôi nghi tôi bị
'hep[56]'.
Trong hơn hai tháng qua, tôi sống chung chạ với
nhiều người có triệu chứng của bịnh này hay có
thể đã bị bịnh mà triệu chứng chưa lộ ra, nên
tôi không ngạc nhiên nếu mình bị đau gan. Để
biết chính xác hơn, tôi xuống bệnh xá truyền
giáo địa phương nhờ ông bác sĩ người Anh thí
nghiệm nước tiểu. Da, mắt và móng tay móng chân
tôi trở vàng rất nhanh, còn phân có màu trắng
bệt. Sinh lực tôi mất đi rất nhiều. Theo lời
khuyên của bác sĩ cũng như các bạn, tôi uống
'Liver 52', không ăn dầu mỡ, đồ chiên xào, cử
rượu, và nghỉ ngơi. Không có cách trị liệu nào
khác hơn cho bệnh viêm gan
hepatitis
nhẹ này. Tôi thường bị mệt nên chẳng nấu nướng
gì nhiều, chỉ cắt rau đậu thảy vô nồi súp nấu để
vừa ăn trưa vừa ăn tối. Ronald có tới mỗi ngày
một lần giúp nấu nướng hay đi chợ mua dùm rau
củ. Tôi gặp lại nó trước khi bị bệnh; nó đi
Afghanistan về và mướn nhà ở gần đây. Cô bạn
Monique của nó đã đi đường khác không biết vì lý
do gì mà nó không có nói. Tôi cũng đề phòng
trước nên có trử một số thuốc xài cho mươi ngày.
Tôi được khuyên không nên hút nhưng vì đã quen
quá lâu thành thử không cai được. Sau bữa ăn
sáng tôi thường ra sân truớc làm điếu
joint
haychillum.
Tôi ngồi đây ngắm rạng cây,
thung lũng và thành phố dưới chân đồi cho đến
khi mệt mới thôi. Vô nhà, tôi ngủ một giấc cho
đến giờ ăn trưa mới dậy. Tôi lập lại thời khóa
biểu này cho tới bữa ăn tối, rồi từ tối tới lúc
tôi buồn ngủ.
Sau một tuần, da và mắt tôi
bớt vàng và tôi bắt đầu lại sức. Vài ngày tiếp
theo, tôi khỏe hẳn và không thấy còn các chứng
bệnh cũ nữa. Bấy giờ chân tôi bắt đầu ngứa ngáy,
tôi muốn lên đường. Tôi và Ronald định đi chung
chuyến đi hippi này qua Nepal trong lúc thu
sang.
Hai đứa xuống ở dưới New
Delhi vài hôm để xin chiếu khán. Sau đó tụi tôi
đi Agra như nhiều du khách khác để xem Taj
Mahal. Sáng hôm sau tụi tôi lấy xe lửa đi theo
hướng Đông tới Benares. Benares còn gọi là
Varanasi là thành phố cổ nhứt nhưng còn sinh
động lắm. Đó cũng là thành phố mà dân Ấn xem như
linh thiêng nhứt nên ai cũng ước ao được gởi xác
lại đây. Thành phố nằm trên bờ Tây sông Hằng
(Ganges), dòng sông mà người Hindu trên toàn
quốc mong được đến để nhúng mình trong nước tin
tưởng là trong lành đặc biệt. Người chết nào mà
được tẩy trần bằng nước sông Hằng và hỏa thiêu
trên bờ sông Hằng thì phúc đức vô lượng. Nếu
chết trong đêm, sáng hôm sau thi thể sẽ được
kiệu ngay tới giàn hỏa để thầy Brahmin làm các
lễ tang sau cùng. Càng giàu bao nhiêu thì nghi
lễ càng rườm rà bấy nhiêu. Mỗi ngày từ sáng đến
tối có cả trăm đám hỏa thiêu trên bờ sông này.
Tụi tôi ở lại Benares vài
ngày và mỗi ngày tôi đến bờ sông xem hỏa táng.
Lúc bé, nhiều tối nằm trên giường chờ ngủ, tôi
tưởng tượng chết rồi chắc mình sẽ không còn biết
thế giới về sau như thế nào, tôi đâm sợ. Nhưng
bây giờ thấy thân người cháy thành tro bụi trong
khoảnh khắc, tôi suy tư nhiều về bản chất của
con người. Tôi nghĩ tới lý sanh tử, sự vô nghĩa
của thể xác lúc tử thần gần kề và sự tan hoại
tiếp liền sau đó. Tôi nhận biết tính mong manh
của thể chất và khoảng thời gian mà mọi sinh vật
sanh sống, nhưng không biết lúc nào chấm dứt, và
sau cái chết việc gì sẽ nối tiếp. Tôi phân vân
không biết tâm sẽ đi đâu, đến một cõi khác hay
sẽ mất và chấm hết. Tôi chẳng biết làm sao giải
đáp thỏa đáng các câu hỏi bí truyền nát óc ấy.
Tôi cũng thường xuống mé sông
ngồi trên bực thang dưới bến nhìn đám đông. Họ
vừa giặt đồ hay ngâm mình trong nước thiêng, vừa
nghe kinh và các khúc hát đạo phát ra từ nhiều
loa đặt trên nóc đền. Tôi tìm cách hòa mình với
hàng ngàn tính đồ đang hướng tâm lên Thượng Đế.
Một hôm tôi vô tiệm bán hàng vải gần đó mua cái
khăn choàng mỏng in nhiều biểu tượng và câu chú
Hindu và Phật giáo, phù hiệu tôn giáo đầu tiên
của tôi. Tôi thấy nhiều Tây ba lô choàng khăn
này nên muốn mình cũng có một cái cho có vẻ duy
linh. Tôi lục nhiều thùng để chọn màu và biểu
tượng mà tôi thích. Sau cùng tôi mua khăn màu
vàng với hàng chữ Phạn OM và hình Đức Phật đang
tọa thiền. Tôi bắt chước choàng khăn lên vai.
Thỉnh thoảng tôi dùng khăn cột mớ tóc dài.
Một xế nọ, tôi lấy xe đò đi
ra khu di tích lịch sử Saranath, nơi Đức Phật
thuyết bài pháp đầu tiên 'Chuyển Pháp Luân,' sau
khi Ngài ngộ đạo. Công viên Saranath rộng, ít
người, trong lành, và được gìn giữ tươm tất. Sau
khi đi quanh xem các phế tích và lâu đài nguy
nga, tôi đến đền chánh. Đền không có mở cửa. Tôi
bèn ngồi xuống gốc cụm tre, móc điếu thuốc vấn
sẵn ra hút. Thoạt tiên tôi nghĩ không biết có vô
lễ hay phạm thượng không nếu hút ma túy trong
chốn thiêng liêng, dầu tôi có biết một số người
Hindu tu khổ hạnh hút
ganja
vì tin rằng thuốc giúp họ thiền định. Tôi tự hỏi
tại sao tôi cần hút trong lúc tôi cảm thấy rất
thoải mái và an lạc rồi; tôi tự nhận rằng tại vì
thói quen và vì tôi luôn luôn muốn phê ở những
nơi xa lạ hoặc nổi tiếng là có thần lực đặc
biệt. Mặc dầu tôi hỏi và có ý thiên về phía
không nên hút, tôi không thể cưỡng lại. Tôi bật
lửa mồi thuốc trong lúc mắt đảo quanh xem có ai
nhìn mình không.
Nhơn lúc ở tại đất Phật, tôi
thử nhớ lại những gì đã học hay nghe về Đức
Phật, kinh Phật, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, vân
vân, nhưng tôi không còn nhớ gì nhiều. Nói về sự
ngộ đạo, tôi đoán: "Phải chăng là cái lâng lâng
thường xuyên và cái phê tối hậu?" Tôi hơi bi
quan vì biết mình đã hút hít lâu nay và nhứt là
vì không biết mình sẽ đi về đâu. Lúc học hành
Thiền Tiên Nghiệm (Transcendental
Meditation),
tôi có được dạy rằng ma túy xung khắc với thiền;
thâm tâm tôi hoàn toàn đồng ý với lời dạy ấy.
Tôi hy vọng sẽ sớm bỏ hút và trở lại thiền như
tôi đã có lần tự nhủ sau khi tạm ngưng TM. Đã
hơn hai năm qua, tôi nhận thấy mình hút nhiều
nhưng vui ít. Tuy nhiên tôi chưa có lựa chọn nào
khác đủ khả năng quyến rũ, hay những điều kiện
có thể khuyến khích tôi bắt đầu xa lánh ma túy.
Ronald và tôi chọn vô Nepal
qua ngả biên giới ít người lui tới trên phía Bắc
Gorakpur rồi đi thẳng đến Pokhara. Đó là con
đường ngắn nhứt từ Benares đến. Trong địa phận
Nepal, cách đây lối hai mươi dặm là Lumbini, nơi
Phật đản sanh. Đã viếng Lộc Uyển ở Saranath, tôi
muốn ghé qua di tích thiêng liêng thứ nhì của
Phật giáo dầu rằng đức tin nơi Phật của tôi chưa
hẳn đủ mạnh thúc đẩy tôi làm việc này. Bấy giờ
sự việc tùy thuộc nơi chiếc xe đò đi Pokhara
đang đợi khách ngoài biên giới. Nói là đợi khách
chớ thật sự xe đã đầy nhóc đến đỗi vài khách
phải ngồi trên mui. Tôi và Ronald leo lên mui vì
chỉ trên đó mới còn chỗ. Vã lại, chúng tôi cũng
muốn được nhìn phong cảnh hoành tráng của Hy Mã
Lạp Sơn, thở không khí trong lành, và hút thoải
mái. Annapurna Himal tuyệt vời với Núi
Machhapuchhre như cái 'Đuôi Cá[57]'
vượt cao chọc trời trên năm-sáu ngọn núi khác.
Tất cả đều cao hơn hai mươi hai ngàn bộ.
*
Chương 7
NEPAL
Pokhara ẩn mình trong vị trí
vô cùng quyến rũ, cuối thung lũng dài và rộng,
dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ. Ngoài thành
có hồ Phewa Tal to với nhiều đồi chập chùng..
Dọc bờ hồ mọc lên nhiều hàng quán, khách sạn và
tiệm buôn phục vụ du khách ba lô; họ đến đây để
du lịch dã ngoại. Nước hồ trong xanh và phẳng
lặng quanh năm. Có nhiều ca nô và thuyền mà
khách có thể mướn để dạo chơi--thú tiêu khiển
của khách và nhiều dân địa phương vào những
chiều chủ nhựt. Sau chuyến đi dài, Ronald và tôi
định ở lại đây vài hôm để thưởng thức cảnh đẹp
cùng không khí trong lành và cũng để chuẩn bị
cho cuộc leo núi sắp tới. Phòng chúng tôi mướn
nằm ngay trên bờ hồ, nơi có nhiều cậu bé lảng
vảng gạ bán
charees
vấn tay và nhiều phụ nữ, già
có trẻ có, lẻo đẻo theo mời khách mua "nấm kỳ
diệu Hy Mã Lạp Sơn." Không thể tự chế, tôi có
mua mỗi thứ một ít để xài cho chuyến đi sắp tới.
Du lịch dã ngoại ở đây rất
thú nhờ có sẵn từ nhiều thế kỷ nay hệ thống
đường mòn ngang dọc nối liền các làng mạc rải
rác trên đồi núi chung quanh. Dân địa phương
dùng các đường mòn này để khuâng, vác hay cho
lừa chở các vật dụng cần thiết ra/vô làng. Do đó
cảnh người, lừa và du khách nối đuôi trên đường
nhan nhản hằng ngày. Trong hầu hết các làng đông
dân cư và ở nhiều ngả ba quan trọng còn có nhà
nghỉ và tiệm ăn với giá rất phải chăng. Nhờ vậy,
du khách không cần phải mang theo đồ ăn và đồ
cắm trại nặng nếu họ muốn.
Ronald và tôi định lấy đường
từ Pokhara đi Jomsom, đi về chừng trăm dặm và
mất khoảng mươi ngày. Có thể tụi tôi không đi
hết, mà chỉ đi tới đâu thấy vừa đủ là thôi, để
khỏi mang theo nhiều đồ lỉnh kỉnh. Ngoài ra, tôi
không có giày bốt leo núi mà chỉ có đôi xăn đan
huaraches
đế cao su nên rất sợ bị phồng chưn nếu phải đi
xa; thường ngày tôi chỉ thích đi dép. Áo quần
lạnh của tôi--gồm cái
jalaba
và cái
poncho
mà tôi sẽ dùng để quấn ngủ--chắc không đủ ấm. Để
phòng hờ, tôi sẽ ra
bazaar
mua
thêm cái mền mỏng.
Chiều,, tụi tôi đến làng lớn
Naudanda. Làng nằm trên đỉnh của dãy núi sau
Pokhara. Ở phía đằng xa, dãy Annapurna với ngọn
Machhapauchare đứng sừng sựng như bức trường
thành vĩ đại.. Tụi tôi dừng lại, mướn nhà nghỉ.
Rồi với vài bạn đường mới gặp, chúng tôi cùng
nhau hút điếu
chillum
và thưởng thức cảnh hoàng hôn đang lịm tắt.
Ronald có vẻ mệt mỏi nên là người muốn phê sớm
để đi ngủ sớm. Nó nói nếu sáng mai không khỏe,
nó sẽ không dậy đi sớm được. Còn tôi ngông
nghênh tưởng tượng cảnh mình sẽ được phê ngay
trên dãy Hy Mã Lạp Sơn dưới ánh trăng liềm, bằng
liều acít mang theo từ Manali.
Sáng dậy, tôi gọi Ron vào lúc
4:00 giờ.. Bằng giọng chếnh choáng, nó nói không
đi và muốn ở lại để nghỉ ngơi thêm. Từ chiều hôm
qua tôi nghi nó bị viêm gan nhưng không dám nói
ra. Cái thói quen 'chỉ-nghĩ-tới-mình' không cho
phép tôi nghĩ dùm Ron. Hơn thế nữa, tôi không có
mảy may ý định hoãn chuyến đi này, dầu chỉ hoản
đôi giờ để chờ xem Ron thế nào sau khi được ăn
sáng đầy đủ. Tôi đã sẵn sàng rồi. Tôi phải
đi--chuyến 'đi với acít' mà tôi chỉ có mỗi một
dịp trong đời. Biết tôi muốn đi, Ron miễn cưỡng
bảo tôi cứ đi một mình trước rồi nó sẽ theo sau
khi nó khỏe ra. Tôi nói tôi sẽ đi chầm chầm, sẽ
nghỉ nhiều lần, và sẽ chờ nó ở làng trên. Trời
bắt đầu sáng. Tôi ực liều acit và quảy xách ra
đi. Vầng trăng vành chênh chếch trên đỉnh non
cao.
Đi được mươi lăm phút, tôi
dừng lại ngồi ngắm các ngọn núi sáng trăng và
hút điếu thuốc cho ấm lòng và cũng để tăng thêm
lượng acít.. Sảng khoái, tôi tiếp tục lên đường.
Tôi hân hoan bước đi trong hoàng hôn dưới bóng
của Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ. Không một bóng người,
thật tĩnh mịch. Không khí yên lặng chỉ bị khuấy
động bởi các niệm dấy lên trong tôi và tiếng gà
gáy nơi làng xa. Mặt trời ửng hồng. Tôi dừng lại
lần nữa để chiêm nghiệm sự bừng tỉnh của thế
gian và ngắm nhìn các tia nắng mới đang chiếu
rọi đồng đều xuống vạn vật. Giữa các suy tư ấy,
tôi tự dưng cảm thấy ân hận đã bỏ Ron chèo queo
nơi nhà trọ. Tuy nhiên, tôi tự an ủi ngay bằng
cách nói rằng nó sẽ không sao và nó sẽ dậy đi
vào sáng hay chiều nay. Tôi hơi nghi ngờ, nhưng
tôi cũng sẽ thử đợi nó ở Birethandi, chỗ làng
ngả ba quan trọng cách đây chừng vài giờ.
Tôi đợi Ron suốt năm tiếng
liền, nhưng chỉ gặp được vài bạn mới biết hồi
tối dưới nhà nghỉ. Họ nói Ron bị viêm gan (tôi
đoán mò mà đúng y) và nó đã mướn lừa chở xuống
Pokhara để điều trị. Lúc bấy giờ tôi hết phê
nhưng vẫn còn ngây. Tôi bắt đầu lo cho Ron và
nửa muốn trở lại, nữa muốn tiếp tục đi lên..
Sau cùng tính ích kỷ đã
thắng: tôi tiếp tục đi lên. Tôi tự biện hộ bằng
cách nghĩ rằng Ron sẽ được nhiều người trong
khách sạn giúp, như nó từng giúp tôi hồi ở
Manali; họ sẽ nấu mướng dùm và nó sẽ có đầy đủ
thức ăn chín hợp vệ sinh. Tôi còn lý luận thêm:
"Ron chắc không muốn bệnh của nó gây phiền toái
cho tôi và làm hư chuyến leo núi mà tôi đã trù
tính lâu nay." Tuy nhiên thâm tâm tôi luôn bảo
tôi cần phải trở về, nếu phải chỉ về để hỗ trợ
tinh thần Ron hay là chỉ để cho Ron có người
chuyện trò.
Tiếp tục leo núi hai ngày
nữa, tôi đến làng Tatopani (Nước Nóng). Làng có
suối nước nóng lưu hoàng là nơi dừng chân quen
thuộc của nhiều khách mệt mỏi sau những ngày đi
vất vả. Có một số nhà nghỉ bán cả
pancakes, spaghetti, apple
pie, corn flakes,
trứng luộc, bánh mì tây, sữa chua, trái cây, mật
ong, cà phê, vân vân. Trên đường lên, tôi gặp
một anh phu vác thùng nước ngọt coca; anh phải
mất ba ngày đi về mới xong một chuyến hàng từ
dưới lộ cái lên trên này. Thấy vậy mới biết
quyền lực của tập quán và ý chí mạnh đến dường
nào; thiếu nó làm gì anh có thể làm chuyện khó
tưởng tượng ấy. Tôi được giới thiệu vào một nhà
nghỉ có phòng trên lầu hai nhìn ra rạng núi
trước mặt và sông dài dưới lũng. Sau mấy ngày
leo núi ăn uống thất thường--chỉ với
dhal, bat, subji,
bánh tây, quít và chuối--tôi rất thèm những bữa
'như-ở-nhà' để ăn cho hả hê.
Sáng sớm hôm sau lúc chưa ai
tới, tôi xuống suối nước nóng ngâm đôi chân mỏi.
Tôi cũng hút một điếu cho đã trước khi chuồi
xuống nước nóng ngâm mình; tôi khoái cảm và
tưởng chừng thời gian ngừng trôi. Sau hai mươi
phút tôi bắt buộc phải trèo lên vì biết rằng
nước lưu hoàng có thể hại cơ thể nếu ngâm lâu.
Tôi chọn ở lại đây ít hôm và
định ngày mai sẽ ăn 'nấm kỳ diệu' mà tôi mua ở
Pokhara. Hôm ấy trời nóng và trong rất thuận
tiện cho món ăn giàu chất hữu cơ này. Tôi nhờ
khách sạn làm cho cái trứng chiên với nấm, trông
rất hấp dẫn. Rồi tôi soạn đem theo vật dụng cần
thiết như
jalaba
để lót ngồi, khăn lông, ít trái quít,
chillum, charees
và ống quẹt. Hên là chưa có ai đến nên tôi muốn
ngồi đâu tùy thích. Tôi chọn bờ cát sát vũng
nước cạn; vũng nước cách dòng sông chính đang ầm
ầm chảy bằng nhiều tảng đá to. Từ đáy thung lũng
nhìn lên, tôi thấy cả một cảnh trí tuyệt vời với
nhiều đỉnh núi tuyết trắng bông. Tôi vui sướng
ngây người tưởng chừng như đang phê thuốc. Sinh
lực tràn trề và hư không vĩ đại của thiên nhiên
lộng lẫy và hiền hòa đủ để làm lắng đọng tất cả
mọi phiền não.
Sau khi ngồi xuống, việc làm
đầu tiên của tôi là trịnh trọng vấn điếu
chillum
rồi châm lửa mồi. Tôi niệm câu chú "Bom Shankar"
để hoàn tất nghi thức cầu đảo trước khi ăn nấm
và hút thuốc. Tôi cầu Thần Shiva dẫn dắt đến cõi
tỉnh thức. Không biết thiệt hư thế nào nhưng
nghi thức khẩn cầu chứng minh thiện ý phê của
tôi. Tôi phê chừng ba mươi phút trong khung cảnh
thiên nhiên. Hoan lạc tột đỉnh!.
Tôi xuống ngâm mình dưới suối
nóng, tung mình lội trong sông, rồi lên bãi sải
tay tắm nắng ấm. Bấy giờ có môt anh Tây đến; anh
xuống ngồi gần bên. Chúng tôi chào xã giao và
bắt đầu nói chuyện khào. Được biết anh tên Jim,
là một nguời Anh sinh sống ở Ấn Độ. Anh vừa tới
Tatopania sáng nay, và đến xứ Nepal này lần đầu
tiên như tôi. Trong câu chuyện, Jim kể tôi nghe
về khóa tu thiền minh sát[58]
10-ngày của sư Mién Điện Goenka mà anh vừa dự ở
Ấn. Anh học được kinh nghiệm tập trung sự chú ý
lên thân thể để nhận biết những cảm giác khác
nhau đang xảy ra. Sự chú ý thoạt tiên được tập
trung trên đỉnh đầu, cho tới khi một số cảm giác
như ngứa, nhột, nóng, hay bất kỳ cảm giác nào
khác xuất hiện. Từ đỉnh đầu anh đưa sự tập trung
chú ý từ từ xuống tai, mắt, mũi, miệng, và ghi
nhận cảm giác ở mỗi nơi. Sau phần đầu, anh tiếp
tục chú ý tới vai, tay, ngực, lưng, bụng, chân,
kể cả đầu ngón chân. Anh cho biết sau năm ngày
thực tập, anh có kinh nghiệm tập trung rất tốt
và bắt đầu cảm nhận được nhiều cảm thọ vi tế mà
anh gọi là vi ba của thân thể, thứ vi ba tự đến,
tự đi, tự hiện, và tự mất. Anh thấy thân anh như
một khối xốp trong ấy các nguyên tố có sự sanh
diệt như các nguyên tử. Có lúc anh tưởng chừng
tấm thân vật chất sờ mó được của anh như biến
mất; anh không thể giải thích lý do vì, như anh
nói, kinh nghiệm ấy khó có thể diễn tả bằng lời.
Anh thuyết nghe phát ham; tôi say mê theo dõi và
quên hẳn là mình đang có cái thân xương thịt cho
đến khi tôi sực nhớ tới nó. Jim còn cho biết
trong suốt mười hôm học, mỗi đêm Thầy Goenka đều
có dạy Phật pháp mà trọng tâm là vô thường và Tứ
Diệu Đế. Sau phần Phật pháp, ngày học được kết
thúc bằng sự rải tâm Từ đến mọi chúng sanh do
Thầy chú đọc. Hành pháp rải tâm Từ để giúp dẹp
bỏ tự ngã, diệt bớt sân hận và dỗ giấc ngủ cho
an lành..
Nghe Jim xong, tôi nói với
anh rằng trước đây tôi có thực tập thiền tiên
nghiệm (TM) nhưng vì thói quen hút hít nên tôi
phải tạm ngưng. Hôm nay trong lúc đang lâng lâng
vì món nấm, tôi bị động mạnh khi nghe anh tả
phương pháp thiền của anh. Tôi cũng có tâm sự
với anh rằng nay tôi không còn thiết tha với hút
hít nữa, tôi nghĩ có lẽ thiền sẽ là cách làm cho
trí óc tôi minh mẫn và vui thú tự nhiên. Anh
đồng ý. Anh cho biết Thầy Goenkaji của anh, anh
kính cẩn gọi như vậy, dạy thiền minh sát ở nhiều
nơi trên miền Bắc Ấn, mỗi khóa mười ngày; tôi
nên dự một khóa khi trở lại Ấn Độ.
Theo Jim biết, sẽ có một khóa
tu thiền Tây Tạng dài một tháng khai giảng vào
ngày 11 tháng 10, tức ba tuần nữa, ở gần
Kathmandu. Thầy chủ trì là hai Lạt Ma Tây Tạng,
rành tiếng Anh, từng dạy thiền cho nhiều người
phương Tây trong năm năm qua. Quý ngài có nhiều
đệ tử Tây phương thọ giới sư và ni. Nghe nói các
khóa 1-tháng này là những lớp khai tâm về Phật
Giáo Đại Thừa có tác động mạnh khả dĩ thay đổi
lối sống của nhiều khóa sinh. Dầu hiểu biết của
tôi về Đại Thừa, Tiểu Thừa hay Hinayana rất lờ
mờ, tôi rất tâm đắc và mong được dự khóa thiền
ấy. Tôi có cảm tưởng như tâm tôi được khai mở,
như tôi được một cái gì mà tiềm thức tôi mong
muốn bấy lâu nay. Tôi không biết chuyện gì sẽ
đến nhưng tôi tin chắc đó là cái mà tôi cần học
hỏi.
Tôi hỏi Jim thêm về khóa tu
thiền Tây Tạng, nhưng anh không thể nói gì hơn
vì chưa dự. Anh có ý muốn dự song chắc là không,
vì đang tập hành thiền minh sát và đang đạt kết
quả tốt. Ngoài ra, anh muốn theo sát lời khuyên
của Thầy Goenkaji là không nên thực tập nhiều
phương pháp thiền trong một lúc.
Câu chuyện của Jim kể rất lý
thú khiến ba mươi phút qua nhanh. Giờ trở lại
chuyện (làm hơn nói) của mình, tôi cảm thấy còn
đang lâng lâng và rất muốn nghỉ ngơi để cảm nhận
thiên nhiên và thử hình dung xem thiền thật sự
như thế nào. Trước khi thu về nội tâm, tôi theo
phép lịch sự mời Jim hút điếu
chillum,
tôi muốn Jim hút cho anh vui hơn là cho tôi vui.
Anh từ tốn khước từ nói rằng đã bỏ thói quen hút
hít khi bắt đầu thiền vì biết thuốc ảnh hưởng
tới khả năng tập trung tư tưởng. Thế là hai
chúng tôi ngồi im lặng, Jim thiền còn tôi vui
với ý nghĩ mình là một phần của thiên nhiên
chung quanh. Tôi tự hỏi phải chăng đó là tâm
trạng của Người Ngộ. Sau đó, Jim xuống ngâm mình
trong nước suối nóng rồi tắm lại nước sông trước
khi lên đường tiếp tục qua Jomsom khi trời hãy
còn sáng. Tôi gặp Jim chỉ một lần, Jim chợt đến
chợt đi, nhưng lần gặp nhau ngắn ngủi đúng lúc
ấy đối với tôi như là một tia sáng soi rọi con
đường mà tâm thức tôi muốn theo đuổi để thay đổi
hướng đi của đời mình.
Tối hôm đó tôi nằm mà chỉ
nghĩ tới chuyện trở về Pokhara để lên Kathmandu
xin học lớp thiền của sư Goenkaji. Tôi nôn nóng
muốn ghi danh sớm vì sợ lớp đầy nếu đến trễ. Tôi
quyết định lên đường ngay vào sáng mai; tôi chỉ
mất hai ngày đi ngang Beni và Kusma là tới
Pokhara. Đến khách sạn, tôi hỏi về Ronald và
được biết nó đi Kathmandu hôm qua. Nó đã bình
phục sau sáu ngày tịnh dưỡng vì ca viêm gan của
nó nhẹ. Sáng sớm hôm sau tôi lấy xe đò đi
Kathmandu liền.
Tôi tới Kathmandu lúc xế
chiều. Hôm sau, tôi đi bộ ra Boudnath, ngoại ô
Kathmandu. Boudnath cũng là tên của cái tháp cổ
rất lớn nằm bên đường giữa nhiều hàng quán. Sau
tháp có tu viện Tây Tạng mới xây giữa đồng
ruộng. Nơi mà khóa tu học sẽ khai giảng được gọi
là Kopan nằm trên đồi, cách tu viện chừng một
dặm bằng con đường mòn ngoằn ngoèo xuyên qua
nhiều ruộng rẫy và nhà cửa. Kopan gồm tu viện,
trường và văn phòng chánh của Học Viện Mahayana
Quốc Tế, cơ quan tổ chức các khóa tu học hằng
năm. Lúc tới nơi, tôi không thấy ai ngoài một ít
người đang làm việc rải rác đó đây. Tôi đi tìm
phòng ghi danh và được một nữ tu niềm nở tiếp
đón và trả lời tường tận những gì tôi muốn biết
về khóa học sắp tới. Sư cô là một tu sĩ Gia Nã
Đại, còn trẻ, đầu cạo trọc bóng, mặc áo màu rượu
chát của dòng
Tibetan Monastic Order.
Cô vui vẻ ghi danh tôi. Biết khóa có thể nhận
đến 175 học viên và thấy danh sách mới có ba
mươi người, tôi biết lo âu đến sớm sợ hết chỗ
của mình hơi quá đáng!
Sư cô cho tôi biết về thể lệ
của khóa tu học. Không được dùng thuốc; không
được có cử chỉ thân thiện với người khác phái;
chỉ đươc nói chuyện tối thiểu; không được rời
khu đồi xuống phố nếu không có phép của vị giáo
thọ--chỉ được đi trong trường hợp khẩn cấp; phải
tuân mười giới (như không sát sanh, không trộm
cắp, không nói láo, không đeo trang sức, không
ăn sau ngọ, vân vân), vào hai tuần chót phải học
rút; và lúc bấy giờ chỉ có trà hay cà phê dùng
sau ngọ mà thôi. Sư cô nói các thể lệ này nhằm
giúp học viên loại trừ các tật xấu, sự chấp
trước và tâm tự cao tự đại có thể gây trở ngại
cho việc hành thiền.
Các giới luật này rất hợp lý
đối với tôi, nhứt là giới không được dùng thuốc,
một thử thách quan trọng cho thói quen hút hít
của tôi trong sáu năm qua. Đôi lúc tôi tự hỏi
tôi có bị nghiện không. Tranh luận về sự nghiện
ngập do cần sa và
hashish
gây ra chưa thiệt sự ngã ngũ. Trong bốn năm gần
đây tôi hút hít rất nhiều nhưng tôi nghĩ tôi có
thể bỏ được--tôi chưa muốn bỏ mà thôi chỉ vì lúc
nào tôi cũng có lý do hay cơ hội tốt. Vậy đó có
phải là ghiền không? Nhưng thôi, tôi sẽ không
đem theo thuốc và không tìm dịp tự cám dỗ mình
để ngưng hút hít trong một tháng; dễ dàng thôi.
Sau khóa học, được tự do trở lại, tôi có dở thói
quen tật cũ chăng là chuyện sắp tới. Không biết
chừng đây là cơ hội mà tôi mong đợi lâu nay, cơ
hội để tôi thay thói quen hút hít bằng tập quán
nào đó mỹ mãn và có ý nghĩa hơn?
Tôi đi lòng vòng trên đồi
khoảng một tiếng đồng hồ để làm quen với chỗ mà
sẽ là nhà tôi trong một tháng dài sắp tới. Phong
cảnh thật tuyệt vời: phía trước là thung lũng
Kathmandu và phía sau là một phần dãy Hy Mã Lạp
Sơn. Tuy chưa biết thiền là gì nhưng tôi nghĩ
chỗ này chắc thiền tốt lắm. Tôi chuẩn bị tinh
thần để thâu đạt những gì tôi sẽ được dạy. Tôi
thật sự không biết gì hết và không muốn đoán
trước hay có định kiến về khóa học cũng như đề
tài mà học viên sẽ thiền. Trong lúc lang thang,
tôi gặp một ít người ngoại quốc đến để giúp
chuẩn bị cho khóa học; họ dựng lều, đào hố tiêu
tiểu, vân vân. Có rất nhiều việc phải làm để
thích nghi số người đông sắp đến. Lều rất cần
thiết vì số phòng trên đồi và dưới thung lũng
không đủ chứa hai đám học viên nam nữ riêng
biệt. Nghe nói vài người cạn tiền tình nguyện
làm phụ việc để được học miễn phí. Tôi biết vậy
nhưng không tình nguyện được. Vả lại, vì thói
quen chì nghĩ tới mình, tôi lo tính những vui
chơi trong hai tuần sắp tới trước khi nhập học.
Tôi trở lại Kathmandu vài
ngày đi tham quan thành phố ngộ nghĩnh này.
Kathmandu được giới du lịch Á châu cho là nơi
không thể thiếu. Đó là một thành phố cổ nằm dưới
chân Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ như một viên ngọc quý
với vô số đền Hindu và chùa Phật. Đó còn là một
thiên đường cho du khách thấm mệt dừng chân
thưởng thức bánh sô cô la cũng như bánh
pie
táo nhà làm trong các nhà hàng/nhà nghỉ dầy đặc
trong phố. Lúc ở Amsterdam tôi có nghe nói tới
ngôi đền nổi danh Swayambunath hay 'Đền Khỉ' nơi
mà khỉ sống từng đàn chung quanh khu chùa và
tháp trên đỉnh đồi. Đền xưa trên hai ngàn năm,
rất thiêng, rất oai nghiêm, với 'Tuệ Nhãn Siêu
Việt' vẻ trên chóp. Trên cầu thang dài dẫn lên
đền hút hít hoàn toàn tự do. Nghe nói có nhiều
sư thích hút đến đây để được hút chillum ngoại
nhập do du khách đem sang,; đổi lại, khách được
học nghi thức cầu "Bom
Shiva, Bom Shankar"
do sư dạy.
Nhân lúc ở Kathmandu, tôi có
ý tìm gặp Ronald để xin lỗi đã bỏ rơi nó lúc nó
cần tôi, và cũng để xem nó có buồn hay giận tôi
không. Tôi biết là đã trễ rồi nhưng vẫn muốn gặp
nó cho đỡ bức rứt. Tôi cũng muốn dành một tuần
để leo núi chung quanh đây và trở về trước khi
khóa học khai giảng. Ngoài ra, tôi còn phải xin
gia hạn chiếu khán nữa, gia hạn ít lắm là một
tháng. Đó là những dự tính của tôi trong khoảng
thời gian hai tuần tôi còn 'tự do'.
Chiều đó tôi xuống 'Đường Dân
Ngông[59]',
một trong những con đường ngang dọc ở khu gần
Công Viên Durbar. Đường có nhiều nhà nghỉ rẻ
tiền và nhiều tiệm buôn. Họ bán từ áo quần và
đãy dệt may tại Nepal hay Tây Tạng, tới hành
trang leo núi, và đủ thứ tranh ảnh đạo giáo kể
cả các pháp khí lớn nhỏ. Có rất nhiều hippi tóc
dài đi nghểu nghến và dĩ nhiên có nhiều thứ ma
túy giá rẻ. Nhiều quán cà phê nặc nồng khói
thuốc (nhiều quán cho phép hút tự do) và đậm đặc
nhạc rock
điếc tai (để giúp khách hippi phê). Do đó, không
ai lấy làm lạ khi biết con đường này có hổn danh
'Đường Dân Ngông'. Và tôi đang là một tên ngông
góp phần làm cho con Đường Ngông thêm ngông
nghênh hơn.
Luôn luôn có ý tìm Ron nên
chẳng bao lâu tôi gặp lại nó dưới phố. Tôi bước
tới chào và dò xem phản ứng nó trước khi hỏi
thăm và nói chuyện nhiều hơn. Như tôi dự đoán,
nó không còn vồn vã cởi mở như dạo trước. Nó
nghiêm nghị trách tôi ích kỷ; là bạn mà tôi đã
bỏ nó trong lúc nó bịnh như vậy. Rồi nó cay đắng
nhắc lại chuyện nó đã săn sóc tôi ở Manali cho
đến khi tôi mạnh, mặc dầu tôi có thể lây bịnh
cho nó. Tôi biết tôi đáng bị trách cứ nên đứng
lặng thinh để nó nói cho hả giận. Câu chuyện xảy
ra chừng ba phút, ở giữa đường, trước đám đông.
Sau đó hai đứa vô quán cà phê ngồi nói chuyện
bình tĩnh và lâu hơn. Tôi xin lỗi Ron và cho nó
biết về khóa thiền mà tôi sẽ dự. Nó mỉa mai nói
thiền có thể giúp tôi mở tâm để hiểu biết tình
cảm và nhu cầu của người khác cũng như trách
nhiệm của mình, và nó chúc tôi gặp nhiều may mắn
lúc tu học. Ron rời đây đi Nepal rồi theo bờ
biển Đông của Ấn Độ tới Puri và sau cùng đến Goa
để tham gia các cuộc vui mùa Đông ở đó. Hai đứa
tạm biệt không có siết tay mà cũng không có nước
mắt.
Sư việc này ảnh hưởng tôi sâu
đậm; tôi sực tỉnh biết mình phải đối đãi tử tế
với mọi người. Sự thiếu hiểu biết của tôi cũng
là nguyên nhân của rạn nứt và đổ vỡ giữa tôi với
Gail. Sự việc còn giúp tôi nhìn thấy tình người
và các tình cảm khác rất mong manh, hay thay đổi
và tùy thuộc vào nhiều yếu tố không lường được.
Tôi chẳng biết khóa thiền có mở tâm tôi trong
những lãnh vực nói trên không?
Trưa hôm sau tôi đi thăm
Swayambunath. Từ phố lên, tôi theo con đường vừa
chật vừa dơ, qua cái cầu bắt ngang dòng nước xú
uế nặng mùi, rồi tiếp tục đi sâu vô chân đồi.
Lối đi lót bằng đá cục. Dọc theo lối có nhiều
hàng bán áo quần và túi xách Nepal. Cuối lối có
bực thang đá/xi-măng dẫn lên Swayambunath. Dốc
cao và đứng. Có nhiều tượng Phật và tháp nhỏ rải
rác dọc theo dốc. Đồi rợp bóng.cây im mát.
Ngay trên dốc này tôi hú vía
bởi mấy con khỉ nghịch ngợm. Số là vì không biết
và không được ai cho biết trước nên tôi vô tình
tháo túi đậu phộng mua đem theo ăn dọc đường.
Bất chợt hai con khỉ to nhảy sổ xuống đón đường
tôi. Chúng nhe răng gầm gừ và vói tay đòi đậu
phộng. Tiếp theo nhiều con khác tới bao vây tôi.
Rồi con bự nhứt đi lần lần tới gần tôi, chụp lấy
gói đậu--nó chụp thiệt chớ không phải làm trò
khỉ! Tôi không biết phản ứng thế nào và rất lo
nếu không muốn nói là rất sợ. Tôi nghĩ nếu tôi
cho nó đậu, mấy con kia sẽ tấn công tôi ngay;
tôi không nghĩ chúng sẽ để tôi yên. Trong phút
vô vọng, tôi tung gói đậu lên trời. Đám khỉ
tranh nhau giựt. Tôi thoát vòng vây chạy mau lên
nhiều bực cấp. Rất may chúng không rượt theo.
Tôi tiếp tục leo lên cao hơn trong lúc tim đập
thình thịch. Thỉnh thoảng tôi ngó ngoái lại xem
chừng. Đây là một bài học về lòng tham mà bọn
khỉ vướng bận; chúng quyết đoạt cho được gói đậu
phộng của tôi. Còn tôi, bài học cho thấy sức
mạnh của bản năng sống còn bằng cách dùng phản
xạ sợ hãi để làm tiết adrenalin trong các trường
hợp lo âu hay bất an.
Tháp ở Swayambunath nhỏ hơn
tháp ở Boudhanath nhưng được trang trí bằng
nhiều hoa văn mạ vàng và phướng nguyện cầu cổ
điển của Tây Tạng. Quanh chân tháp có nhiều ống
kim khí tròn gọi là chuông quay cầu nguyện để
khách hành hương quay lúc đi vòng tháp. Khách
phải đi quanh tháp theo chiều kim đồng hồ vì nếu
đi ngược lại sẽ bị xui xẻo và bị xem như phạm
thượng. Phướng cầu nguyện và sớ nhét trong các
chuông cầu nguyện luôn luôn có viết các câu thần
chú, thường là câu OM MANI PADME HUM[60].
Nghe nói quay chuông sẽ làm thần chú linh ứng
khả dĩ dẹp sạch tà ma, xoa dịu khổ đau của nhân
loại và giúp chúng sanh giác ngộ. Tôi đi ba vòng
vì bắt chước, quay chuông để mà quay, chớ chẳng
có chút hiểu biết hay tin tưởng nào. Tháp được
xây từ lúc Đức Phật nhập diệt để thờ xá lợi của
Ngài sau khi Ngài được trà tỳ. Mục đích là để
nhớ lại sự giác ngộ, trí huệ và lòng từ bi của
Đức Thế Tôn. Do đó, tháp được xem như biểu tượng
của chính sự Giác Ngộ.
Cạnh tháp có một tu viện với
một ít sư Tây Tạng đang hành lễ
puja
thường kỳ. Lễ gồm có lời kinh xen kẻ với tiếng
nhạc của trống, chập chõa và kèn trầm; nhạc được
tấu bởi các tu sĩ mặc áo nâu ngồi trên bục. Cộng
thêm, khói nhang dày mịt bốc lên nồng nặc biến
không khí tu viện trở nên xa lạ, huyền bí dị
thường. Tường và trần tu viện được trang trí
bằng nhiều tranh ảnh Phật giáo dầy màu sắc sặc
sỡ mà người không rành không thể hiểu biết nổi.
Lễ puja
được cử hành nhiều lần trong ngày để niệm tưởng
các vị Phật và Bồ Tát và cũng để trừ tà ma hầu
giúp các sư có nơi tinh khiết mà tu tập. Sau khi
lễ tất, tôi bước vô trong xem lại các tranh ảnh
kỹ càng hơn. Tôi còn thấy thùng phước sương để
giúp điều hành chùa và nuôi ăn các thầy.
Tôi đi lang thang trên đồi
vài tiếng đồng hồ chờ mặt trời lặn. Tôi hy vọng
được gặp vài vị đạo sư Hindu mà tôi có dịp nghe
nói để mời họ
chillum
trong lúc ngắm cảnh chiều hôm chìm dần xuống
thung lũng Kathmandu thênh thang. Tôi mong tưởng
tượng của mình thành sự thật, nhưng tôi chưa
thấy sư nào hết. Tôi chỉ thấy khỉ chạy rong và
nhảy cùng khắp trên tháp, chùa tưởng chừng nơi
này là giang sơn của chúng không bằng--thì đã
gọi là 'Đền Khỉ' mà. Nhiều khách du lịch thảy
cho chúng thức ăn; chúng không hung hăng như các
anh em chúng ở dưới đồi.
Tôi không gặp đạo sư nhưng
gặp một quái kiệt người Pháp đang muốn phê như
tôi. Là một tay kỳ cựu, anh biết rõ ngõ ngách
quanh đây. Anh dắt tôi leo tường ra ngoài chỗ
hai đứa có thể ngồi xếp bằng ngắm toàn cảnh
thành phố. Hai đứa tán dóc trong lúc tôi nhồi
thuốc. Sau đó tôi trao điếu mời anh.. Lúc tôi
đưa diêm lửa lên mồi, anh xướng
'Bom Shiva, Bom Shankar'
và trì nhiều chú khác mà tôi chưa từng nghe. Khi
anh trao thuốc lại cho tôi, ý nghĩ 'chừng nào sẽ
dứt' khởi trong đầu tôi cho đến khi tôi đọc
'Bom
Shiva'.
Tụi tôi phê đậm đến đỗi không ai còn thiết nói
với ai và ngồi bất động gần nửa tiếng. Do sự
tình cờ thiên định, lúc bấy giờ các thầy trong
tu viện bắt đầu khóa lễ
puja
chiều
nên âm thanh thích thú của trống, kèn, chuông,
chập chõa, và giọng kinh trầm lắng lan tỏa mọi
phương. Tôi không biết Phật và Bồ Tát có nghe
chăng? Và tôi tự hỏi: " Thật sự có sự khác biệt
giữa các thần linh của hai đạo Ấn giáo và Phật
giáo không? Các vị ấy có thật chăng hay chỉ là
biểu tượng của cái gì đó cao thượng hơn, một
đồng nhất tâm linh?" Màn đêm đang bao trùm thung
lũng huyền diệu, một thực tế mà tôi tỉnh giác
quay về sau khi lễ
puja
chấm dứt. Tụi tôi bèn xuống dốc, men theo đường,
trở lại thành phố.
*
[1]
Biên dịch từ ONE NIGHT'S SHELTER (From
Home to Homelessness)--The Autobiography
of an American Buddhist Monk, 3rd
Revised Edition, Electronic Version của
Tỳ Kheo Yogavacara Rahula, Bhavana
Society.
[2]
Híp pi hay hippi là hai từ dùng thay đổi
trong bản dịch này. Đó là phong trào
thịnh hành vào thập niên 60 của nhiều
người, nhứt là giới trẻ, không chấp nhận
định chế xã hội thường lệ và có lối sống
cũng như ngôn từ và cách ăn mặc khác lạ
mà đa số quần chúng cho là lập dị (nd).
[3]
Yoga hay du già là hai từ được dùng thay
đổi trong bản dịch nầy nd).
[4]
Young Men's Christian Association
(nd).
[5]
Lysergic acid diethylamide
(C20H25N3O) gọi tắt là LSD là một
loại thuốc thuộc nhóm gây ảo tưởng. LSD
được khám phá 1938 và là một trong những
loại hóa chất làm thay đổi tâm thần. Nó
được chế tạo từ acid lysergic tìm
thấy trong ergot, một thứ nấm mọc
trên lúa mạch và nhiều loại gạo nếp khác
(nd).
[6]
North Atlantic Treaty Organization,
Khối Bắc Đại Tây Dương (nd).
[7]
Lá non của cây thầu dầu phơi khô để hút
hoặc nhai có tác dụng như thuốc ngủ
(nd).
[8]
Love beads--Xâu chuỗi to mà dân
hippi thường đeo lủng lẳng trên cổ biểu
thị yêu thương và hòa bình (nd).
[9]
queer punk California (tg).
[11]
Vắng mặt không có lý do-- AWOL,
absence without leave (nd).
[12]
Quân nhân Hoa Kỳ (nd).
[13]
Potiguaya,
tiếng Mễ chỉ cần sa (nd).
[14]
Thuốc gây ảo giác rút từ xương rồng
Lophophora williamsii (nd).
[15]
Sequoia semperviren (nd).
[17]
Specialist Fifth Class (nd).
[18]
Riverside Community College (nd).
[19]
Transcendental Meditation, viết
tắt là TM (tg).
[20]
'born again Christians' (tg).
[21]
Freak là người bị xem như bất
bình thường vì cách ăn mặc, hình dáng,
hay tư tuởng. Ngông. Thay vì dịch
Jesus Freak là Con Chiên Ngông,
chúng tôi dùng nguyên văn của tác giả
cho đầy đủ ý nghĩa hơn (nd).
[22]
Tiếng lóng có nghĩa nhát gan (nd).
[23]
Lá cây gai dầu Cannabis sativa có
tác dụng như cần sa (nd).
[24]
Chỉ thoáng qua chớ không bền lâu. Nguyên
văn là puppy love (nd).
[25]
Orange sunshine, loại LSD màu cam
(nd).
[26]
Tiếng lóng có nghĩa là rất hãnh diện
theo kiểu cao bồi (nd)
[27]
Thuốc gây ảo giác phencyclidine
(nd).
[28]
Một ounce bằng 28,35 gram (nd).
[30]
Fjord: cửa sông sâu do băng tạo
nên bằng cách mài mòn vách núi đá (nd).
[31]
Chỉ đám hippi của thời 1960 dùng hoa làm
biểu tượng hòa bình và tình yêu mà họ
tôn thờ (nd).
[32]
'Lời Giáo Huấn của Don Juan'
(nd).
[33]
Thuốc gây ảo giác rút từ một loài xương
rồng Lophopora williamsii (nd).
[34]
University of California, Los Angeles
(nd).
[35]
Đạo sư. Bậc thầy lãnh đạo tinh thần của
người Hindu (nd).
[36]
Chữ tắt của Vokswagen, một hiệu xe Đức
(nd).
[37]
Một loại rượu pha chế với chát đỏ và
nước trái cây (nd).
[38]
'Một Thực Tế Riêng Rẽ' (nd).
[39]
'Sự Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng"
(nd).
[40]
Áo dài cổ truyền của Bắc Phi (nd).
[41]
Lá mùi Salvia officinalis dùng để
nêm (nd).
[42]
Thuốc lá đen pha cần sa (nd).
[43]
Từ chữ cookie, bánh ngọt nướng
của Mỹ (nd).
[45]
Limousine, loại xe vừa to vừa
sang (nd).
[46]
Không để ý, không lấy làm quan trọng
(nd).
[47]
Lối ăn với thức ăn vừa nhiều vừa ngon
nhưng không đắc lắm (nd).
[48]
Một inch bằng 2,54 phân tây (nd).
[49]
Chỉ bọn khách đi du lịch rẻ tiền, chỉ
mang theo một xách đeo lưng, thường thấy
ở Việt Nam trong thập niên 90 khi Việt
Nam mở cửa (nd).
[50]
Dịch nôm na là: 'chơi hay không chơi'
(nd).
[52]
Loại xe du lịch lớn có thùng dài đằng
sau rất thịnh hành ở Mỹ trong những thập
niên 60-80 (nd).
[53]
Nói lái đầu tiên là 'tiền đâu', tức hối
lộ, một câu thường nghe ở Việt Nam sau
1975 (nd.)
[55]
Xem thêm mục III, Phụ Bản I (nd).
[56]
Hepatitis, bịnh viêm gan (nd).
[58]
Vipassana meditation (tg).
[60]
Án Ma Ni Bát Di Hồng (nd).
-ooOoo-
Tiếp theo |