Trung Tâm Hộ Tông
Trang Chủ
Tiểu Bộ Kinh - Tập IV
Chuyện Tiền Thân Đức Phật (I)
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
PHẨM GIỚI. 11. CHUYỆN CON NAI ÐIỀM LÀNH (Tiền thân Lakkhana) Con người có giới hạnh..., Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, gần thành Vương Xá, đức Phật kể về Ðề-bà-đạt-đa. Câu chuyện về Ðề-bà-đạt-đa sẽ được kể cho đến khi làm tướng cướp trong Tiền thân Khandahala (số 533), cho đến khi bị đuổi đi khỏi chức vụ người giữ kho bạc trong Tiền thân Cullapanthaka (số 533), cho đến khi bị quả đất nuốt sống trong Chương thứ mười sáu ở Tiền thân Samud-davanija (số 466). Một thời, Ðề-bà-đạt-đa yêu cầu năm điều kiện, nhưng không được, bèn phá hòa hợp Tăng, đem theo năm trăm Tỷ-kheo đến ở tại Gayàsisa. Rồi khi trí của những Tỷ-kheo ấy được thuần thục, biết vậy, bậc Ðạo Sư bảo hai đệ tử đầu tay: - Này Xá-lợi-phất, năm trăm Tỷ-kheo đệ tử của ông, thích thú sở đắc của Ðề-bà-đạt-đa, đã đi với kẻ ấy. Nay trí của họ đã được thuần phục. Ông hãy đi đến đấy với nhiều Tỷ-kheo, thuyết pháp cho họ làm họ giác ngộ về Ðạo và Quả, và đưa họ về. - Theo lời Thế Tôn, Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến đó, thuyết pháp cho họ làm họ giác ngộ về Ðạo và Quả; đến ngày hôm sau, khi trời mới rạng đông, Tôn giả đem các Tỷ-kheo ấy về Trúc Lâm. Sau khi về, Trưởng lão Xá-lợi-phất đảnh lễ Thế Tôn. Khi đang đứng tại đây, các Tỷ-kheo tán thán vị Trưởng lão với Thế Tôn như sau: - Bạch Thế Tôn, sáng chói huy hoàng là Pháp huynh niên trưởng của chúng con, bậc Tướng quân Chánh pháp, với năm trăm Tỷ-kheo vây quanh đã đi trở về. Còn Ðề-bà-đạt-đa mất hết những người theo kẻ ấy. - Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Xá-lợi-phất mới sáng chói huy hoàng khi về với bà con hội chúng vây quanh, nhưng trong thời quá khứ, cũng sáng chói huy hoàng như vậy! Các Tỷ-kheo yêu cầu Thế Tôn làm sáng tỏ vấn đề này. Thế Tôn trình bày rõ ràng câu chuyện quá khứ sau đây. * Thuở sau, tại nước Ma-kiệt-đà, trong thành Vương Xá, một vị vua Ma-kiệt-đà đang trị vì. Lúc ấy, Bồ-tát ra đời làm con nai, lớn lên và ở trong rừng với đàn nai một ngàn con. Bồ-tát sanh được hai con nai, tên là Lakkhana (Ðiềm lành) và Kala (Ðen). Khi đã già, Bồ-tát nói với hai con: - Này con thân, ta nay đã già, các con hãy coi sóc đàn nai. Rồi Bồ-tát giao năm trăm nai cho mỗi con. Từ đấy về sau, hai con nai ấy chăm sóc đàn nai. Trong nước Ma-kiệt-đà, vào mùa lúa chín, khi lúa trổ đầy, có nhiều nguy hiểm cho đàn nai. Với mục đích giết hại những con thú ăn lúa, dân làng đào hầm hố, cắm chông, bày bẫy đá, đặt bẫy sộp và các loại cạm bẫy khác. Nhiều con nai bị nạn phải chết. Bồ-tát biết là thời lúa chín trổ đầy, cho gọi hai con lại và nói: - Này con thân, nay là thời lúa chín trổ đầy, nhiều con nai đã gặn nạn. Ta nay đã già sẽ dùng bất cứ phương tiện nào để ở lại một chỗ. Còn các con hãy đem đàn nai của các con, ẩn vào những con đường núi đá trong rừng, đợi khi lúa gặt hái xong, sẽ trở về lại! Chúng vâng theo lời dạy của cha, ra đi với đàn nai tùy tùng. Dân làng biết được con đường của chúng đi. Trong thời này, các con nai leo núi; trong thời này, chúng xuống núi nên họ ẩn núp tại các chỗ kín, đây đó dọc đường, để bắn và giết chúng vô số. Con nai Kala, với sự ngu si của mình, không biết thời nào nên đi, thời nào không nên đi, cứ đem đàn nai đi sáng, chiều, khi chạng vạng, khi rạng đông, ngang qua cửa làng. Và các nông dân hoặc lộ liễu hoặc ẩn núp chỗ này chỗ kia giết chúng, khiến nhiều con nai gặp nạn. Như vậy, với sự ngu si của mình, nai Kala làm cho nhiều con nai gặp nạn, số còn lại đi vào rừng với nó rất ít. Còn nai Lakkhana nhờ có trí, thông minh, thiện xảo, biết thời nào nên đi, thời nào không nên đi, nó không đi ngang qua cửa làng, không đi ban ngày, không đi lúc hoàng hôn, khi rạng đông, mà chỉ đem đàn nai đi vào lúc nửa đêm. Do vậy, không một nai nào gặp nạn, và chúng cùng nó đi vào rừng. Chúng sống bốn tháng tại đây khi lúa đã được gặt hái, mới xuống núi. Kala, trên đường về, lặp lại hành động ngu si trước, khiến những con nai còn lại gặp nạn, một lần nữa, chỉ có một mình nó trở về. Con nai Lakkhana không làm một nai nào bị nạn, cùng với năm trăm nai vây quanh, đi về với cha mẹ. Khi Bồ-tát thấy hai con đi về, nghĩ về đàn nai, liền nói lên bài kệ này: Con người có giới hạnh Như vậy, Bồ-tát đón mừng nai con, sống tại đấy cho hết tuổi thọ rồi đi theo nghiệp của mình. * Bậc Ðạo Sư nói: - Xá-lợi-phất không phải chỉ hôm nay mới được chói sáng với bà con vây quanh, mà trước kia cũng đã chói sáng như vậy. Còn Ðề-bà-đạt-đa không phải chỉ hôm nay mới làm cho quyến thuộc bị hủy diệt, mà trước kia cũng như vậy. Sau khi thuyết pháp thoại này xong, so sánh hai câu chuyện, và kết hợp chúng với nhau, Ngài kết luận với sự nhận diện Tiền thân như sau: - Thời ấy, con nai Kala là Ðề-bà-đạt-đa, đoàn tùy tùng của nó là đàn tùy tùng của Ðề-bà-đạt-đa; con nai Lakkhana là Xá-lợi-phất; nai mẹ là mẹ của Ràhula (La-hầu-la) và nai cha là Ta vậy. -ooOoo- 12. CHUYỆN CON NAI CÂY ÐA (Tiền thân Nigrodhamiga) Sống với Nigrodha..., Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về mẹ của Trưởng lão Cumarakassapa (Cưu-ma-la Ca-diếp). Tục truyền rằng thuở còn là con gái một triệu phú giàu có ở thành Vương Xá, nàng đầy thiện căn để chấm dứt các hành, sống đời cuối cùng như cây đèn trong ghè, nội tâm nàng sáng chói niềm hy vọng chứng quả A-la-hán. Từ khi hiểu biết về mình, nàng không vui trong đời sống gia đình, và muốn xuất gia. Nàng thưa với cha mẹ: - Thưa cha mẹ thân, tâm con không vui với đời sống gia đình, con muốn xuất gia trong Giáo pháp giải thoát của đức Phật. Hãy cho phép con xuất gia. - Này con, con nói gì vậy? Gia đình này rất giàu có. Con là con gái độc nhất của chúng ta. Con không được xuất gia! Nàng tiếp tục xin, không được cha mẹ cho xuất gia, nàng nghĩ: "Thôi, hãy chấp nhận là vậy. Khi nào về nhà chồng, được chồng bằng lòng, ta sẽ xuất gia!" Nàng lớn lên, đi về nhà chồng, trở thành người vợ trung thành, sống trong gia đình có giới hạnh và theo thiện pháp. Khi nàng sống trong gia đình, nàng thụ thai, nhưng không biết mình đã thụ thai. Một ngày hội lớn được tuyên bố trong thành ấy và mọi người trong thành phố vui chơi hội lớn. Thành phố được trang hoàng như thành phố Chư Thiên. Nhưng trong khi lễ hội lớn đạt đến cao độ, nàng vẫn không thoa phấn son, không đeo đồ trang sức, ăn mặc như ngày thường. Chồng nàng nói với nàng: - Này hiền thê, toàn thành phố vui chơi hội lớn. Còn em thì không săn sóc gì cho thân mình. - Thưa hiền phu, thân này của em đầy ba mươi hai bộ phận của thân xác, trang điểm thân này làm gì? Thân này không do chư Thiên hóa sanh, không do Phạm thiên hóa sanh, không làm bằng vàng, không làm bằng châu báu, không làm bằng gỗ chiên-đàn vàng, không sanh từ đài sen trắng, sen hồng hay sen xanh, không đựng đầy thuốc trường sanh. Thân này uế nhiễm do cha mẹ sanh, bị vô thường hủy diệt, băng hoại tan nát, làm nghĩa trang tăng trưởng, bị ai chấp thủ, là nhân của sầu ưu, là căn cứ của than khóc, là kho tàng của mọi bệnh tật, là chỗ dung nạp của nghiệp lực, nội bộ ô uế, ngoại bộ thường bài tiết. Thật vậy, như toàn thế giới có thể thấy cứu cánh của nó là chết, đi đến nghĩa địa, là chỗ tự hội các côn trùng. Và nàng nói lên lời cảm thán: Ràng buộc bởi gân xương, - Kính thưa hiền phu, em trang điểm thân này làm gì? Có phải chăng trang điểm thân này chẳng khác gì trang điểm bề ngoài một cái bình đựng đầy phân? Người triệu phú nghe nàng nói như vậy bèn hỏi: - Nếu hiền thê thấy thân này tội lỗi như vậy, sao hiền thê không xuất gia? - Thưa hiền phu, nếu em được phép xuất gia, em sẽ xuất gia ngay hôm nay! Nói xong, sau khi tổ chức bố thí lớn và tỏ lòng hết sức kính trọng Giáo hội, người triệu phú cùng với một số tùy tùng lớn đưa nàng xuất gia, và nàng được xuất gia với chúng Tỷ-kheo-ni thuộc phái Ðề-bà-đạt-đa. Sau khi xuất gia, nàng sống hoan hỷ với tâm tư viên mãn. Khi cái thai của nàng đã thuần thục, các Tỷ-kheo-ni nhận thấy các căn của nàng đổi khác, tay chân và lưng lớn lên, màn da bụng to lên, hỏi nàng: - Này hiền muội, hình như hiền muội có thai. Sự việc này thế nào? - Thưa các hiền tỷ, tôi không biết sự việc này. Giới hạnh tôi đầy đủ! Rồi các Tỷ-kheo-ni đưa nàng đến Ðề-bà-đạt-đa và hỏi Ðề-bà-đạt-đa: - Thưa Tôn giả, thiện nữ nhân này, với sự chấp nhận khó khăn của người chồng, đã được xuất gia. Nay nàng có thai, chúng tôi không biết nàng thọ thai nhi khi còn là cư sĩ, hay khi đã xuất gia. Nay chúng tôi phải làm gì? Ðề-bà-đạt-đa tự mình chưa phải là bậc Giác ngộ, nên không có lòng kham nhẫn, từ bi, từ mẫn và suy nghĩ: "Một Tỷ-kheo-ni thuộc phái Ðề-bà-đạt-đa nay đã có thai, và Ðề-bà-đạt-đa lại hỷ xả. Ta sẽ bị chỉ trích như vậy. Ta phải đuổi người này." Rồi không điều tra, như xô đẩy một tảng đá, Ðề-bà-đạt-đa lập tức khẳng định và nói: - Hãy đi ngay và tẩn xuất người này! Chúng Tỷ-kheo-ni ấy nghe nói vậy, đứng dậy đảnh lễ rồi đi về trú xứ. Nàng thiếu phụ thưa với các Tỷ-kheo-ni ấy: - Thưa các Nữ Tôn giả, Trưởng lão Ðề-bà-đạt-đa không phải đức Phật! Con xuất gia không phải với Ðề-bà-đạt-đa, nhưng con xuất gia với bậc Chánh Ðẳng Giác, bậc tối thượng ở đời. Chớ làm mất nơi con điều con đã được một cách khó khăn! Hãy đưa con đi đến Kỳ Viên, gặp bậc Ðạo Sư! Chúng Tỷ-kheo-ni ấy đưa nàng đi, vừa qua con đường dài bốn mươi lăm dặm, từ Vương Xá dần dần đến Kỳ Viên, đảnh lễ bậc Ðạo Sư và tường trình sự việc. Bậc Ðạo Sư suy nghĩ: "Dầu thai của nàng ấy được tượng hình khi còn là gia chủ, đây cũng là một dịp để ngoại đạo nói rằng Sa-môn Gotama đã nhận lấy một Tỷ-kheo-ni bị Ðề-bà-đạt-đa loại bỏ. Ðể chấm dứt câu chuyện, vấn đề này còn được giải quyết trước mặt vua và tùy tùng của vua". Ngày hôm sau, Thế Tôn cho mời vua Pasenadi, (Ba-tư-nặc) nước Kosala, ông Cấp Cô Ðộc lớn, Cấp Cô độc nhỏ, nữ cư sĩ Visàkhà, và các nhân vật có tiếng khác. Rồi vào buổi chiều, giữa bốn chúng đã đều tụ họp, Thế Tôn bảo trưởng lão Upàli. - Hãy đi làm cho sáng tỏ sự việc của Tỷ-kheo-ni trẻ này giữa bốn chúng! - Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Vị trưởng lão đi đến giữa hội chúng, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn cho mình, cho gọi nữ cư sĩ Visàkhà trước mặt nhà vua, và giao việc điều tra này: - Hãy đi, này Visàkhà, trước hết, hãy xác định ngày xuất gia, tháng xuất gia của người thiếu phụ này. Sau khi biết rõ rồi, hãy tìm hiểu nàng thụ thai trước đây hay sau thời gian ấy. Nữ cư sĩ chấp nhận lời dạy, cho treo một cái màn. Sau cái màn ấy, nữ cư sĩ quan sát tay, chân, lỗ rún, bụng, các phần thân khác của Tỷ-kheo-ni trẻ. Sau khi tính ngày tháng, biết được nàng thụ thai trong thời kỳ còn là gia chủ, nữ cư sĩ đi đến vị Trưởng lão và báo cáo kết quả. Vị trưởng lão, giữa bốn chúng, tuyên bố Tỷ-kheo-ni ấy là thanh tịnh. Bấy giờ nàng được xác nhận là thanh tịnh, liền đến đảnh lễ chúng Tỷ-kheo và bậc Ðạo Sư, rồi đi về trú xứ với các Tỷ-kheo-ni. Khi bào thai đã thuần phục, nàng sanh được một bé trai có uy lực lớn, do nàng cầu nguyện dưới chân Ðức Phật Padumuttara cách đây nhiều kiếp. Nhà vua, một hôm đi đến gần trú xứ của Tỷ-kheo-ni, nghe tiếng của đứa trẻ, và hỏi các đình thần. Các đình thần biết câu chuyện, thưa lại với vua: - Tâu Ðại Vương, vị Tỷ-kheo-ni trẻ ấy sanh được một đứa con trai. Ðây là tiếng khóc của đứa trẻ. - Này các khanh, nuôi con là một chướng ngại cho các Tỷ-kheo-ni. Chúng ta sẽ nuôi dưỡng nó. Vua giao đứa trẻ cho các thiếu phụ bà con và bảo nuôi dưỡng nó lớn như một hoàng tử. Ðến ngày đặt tên, nó được tên là Kassapa, nhưng được biệt danh là hoàng tử Kassapa, vì được nuôi dưỡng như một hoàng tử. Khi lên bảy tuổi, Kassapa xuất gia với bậc Ðạo Sư, và khi đầy đủ tuổi, được thọ Ðại Giới. Thời gian đi qua, vị ấy trở thành một nhà thuyết pháp tài giỏi giữa các nhà thuyết pháp. Rồi bậc Ðạo Sư ấn chứng cho vị ấy: - Này các Tỷ-kheo, vị này là đệ nhất trong các đệ tử thuyết pháp của Ta, tức là Hoàng tử Kassapa. Hoàng tử Kassapa, nhờ kinh Vammika (Kinh Trung Bộ, số 23) chứng quả A-la-hán. Tỷ-kheo-ni, mẹ vị ấy, nhờ phát triển Thiền quán, chứng quả cao nhất. Trưởng lão Cumarakassapa, giữa giáo pháp đức Phật, sáng chói như mặt trăng rằm giữa hư không. Một hôm, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đức Như Lai khuyến giáo các Tỷ-kheo xong, đi vào Hương Phòng. Sau khi được lời khuyến giáo, Tăng chúng sinh hoạt trong các gian phòng ban ngày, hay gian phòng ban đêm của họ. Vào buổi chiều, họ hội họp tại Pháp đường, và tán thán đức hạnh của đức Phật: - Này các Hiền giả, Ðề-bà-đạt-đa tự mình không phải là Phật, lại không có kham nhẫn, lòng từ bi, lòng từ mẫn, đã khiến cho Trưởng lão Cumarakassapa và Trưởng lão ni gần bị hại. Nhưng bậc Chánh Ðẳng giác tự mình là bậc Pháp Vương, lại thành tựu kham nhẫn, lòng từ bi, lòng từ mẫn, đã trở thành chỗ nương tựa cho hai vị ấy. Bậc Ðạo sư, với uy nghi của Ðức phật, đi vào Pháp đường, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn, và hỏi: - Này các Tỷ-kheo, các ông đang ngồi luận bàn chuyện gì? Các Tỷ-kheo thưa: - Bạch Thế Tôn, chúng con bàn đến công đức của Thế Tôn. - Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Như Lai mới trở thành chỗ nương tựa cho hai người ấy, nhưng trong quá khứ cũng vậy. Các Tỷ-kheo yêu cầu Thế Tôn làm sáng tỏ vấn đề này. Thế Tôn trình bày rõ câu chuyện quá khứ. * Thuở xưa, khi vua Brahamadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm một con nai. Khi từ bụng mẹ sanh ra, con nai có màu sắc vàng, mắt của nó giống như hòn châu báu, sừng màu trắng bạc, miệng đỏ như tấm màn nhung, móng chân láng trơn như màu sơn mài, đuôi giống như đuôi con trâu rừng (Yak), thân to lớn bằng con nghé. Nó sống trong rừng, được vây quanh với năm trăm con nai và được gọi là nai chúa Nigrodla (Cây Ða). Không xa bao nhiêu, có một con nai khác, với năm trăm con nai tùy tùng và được gọi là nai Sakha (Nhành), nai này cũng màu sắc vàng. Lúc bấy giờ vua Ba-la-nại thường hay săn bắn nai, không có thịt nai thì không ăn cơm. Hằng ngày vua triệu tập dân thành dân tỉnh lại, đình chỉ công việc của mọi người và vua thích đi săn bắn. Mọi người suy nghĩ: "Vua này đình chỉ công việc của chúng ta; chúng ta hãy gieo bẫy mồi và đặt nước uống cho các con nai trong vườn, đuổi nhiều nai vào trong ấy, đóng cửa lại và bắt dẫn chúng đến vua". Như vậy, họ gieo cỏ làm bẫy mồi, đặt nước uống khắp vườn, cho sắp đặt cửa, đem theo những người trong thành, tay cầm côn, gậy và các loại binh khí khác đi vào rừng tìm nai, họ bao một vòng vây khoảng độ một dặm để bắt đàn nai bị vây ở giữa, và như vậy họ vây quanh chỗ ở của đàn nai Nigrodha và đàn nai Sakha. Khi thấy đàn nai, họ bắt đầu lấy gậy đập cây, đập bụi, đập đất, đuổi đàn nai ra khỏi chỗ ở của chúng, khua động các loại vũ khí như gươm, giáo, cung, la hét và đuổi đàn nai vào rừng. Rồi họ đóng cửa lại, đi đến gặp vua và thưa: - Thưa Ðại Vương, vì luôn luôn đi săn nai, Ðại Vương phá hoại công việc của chúng con. Nay chúng con đã dẫn đàn nai rừng vào đầy cả vườn của Ðại Vương. Từ nay trở đi, Ðại Vương có thể ăn thịt chúng. Sau khi thưa như vậy, dân chúng bỏ đi. Nhà vua nghe họ nói, đi đến khu vườn, nhìn các con nai, thấy hai con nai vàng, liền tha chết cho chúng. Từ đấy về sau, có khi nhà vua tự đi bắn một con nai rồi đem về. Có khi người đầu bếp đi đến, bắn nai rồi đem về. Các con nai, thấy cây cung, liền run rẩy vì sợ chết nên bỏ chạy. Nhưng khi bị hai hay ba vết thương, chúng mệt mỏi, bị bệnh, và bị giết. Ðàn nai báo cáo sự việc như vậy lên Bồ-tát. Bồ-tát cho gọi Sakha và nói: - Này bạn, nhiều con nai bị hại, dầu thế nào chúng cũng phải chết. Nhưng bắt đầu từ nay trở đi, chớ để các con nai bị tên bắn một cách vô ích. Hãy để các con nai thay phiên nhau đi đến chỗ phải chết. Một ngày là phiên đàn nai của tôi, một ngày là phiên nai của bạn. Con nai nào đến phiên của mình cứ đi đến, nằm xuống đặt đầu vào chỗ phải chết. Làm vậy, các con nai khác khỏi bị thương. Con nai Sakha chấp thuận. Từ đấy trở đi, theo phiên mình, một con nai đi đến, nằm xuống, đặt cổ vào chỗ bị giết. Người đầu bếp đến, bắt con nai nằm đấy rồi đem đi. Một hôm đến phiên một con nai cái có mang ở trong đàn nai Sakha. Con nai cái đến gặp Sakha và thưa: - Thưa chúa tể, tôi có thai, sắp sanh con, như vậy đàn có hai mạng sống đến phiên. Hãy cho qua phiên của tôi. Nai Sakha nói: - Không thể bảo những con nai khác thế phiên cho ngươi được. Ngươi hãy chịu những gì sẽ đến với ngươi, hãy đi đi. Con nai cái ấy không được nai Sakha chấp thuận, liền đi đến Bồ-tát và trình bày sự việc. Bồ-tát nghe xong liền nói: - Ðược, hãy đi đi! Ta sẽ bỏ qua phiên của người! Rồi nai chúa tự mình đi đến, đặt đầu vào chỗ chết nằm chờ. Người đầu bếp thấy vậy liền nói: - Con nai chúa đã được tha khỏi chết, nay lại nằm ở chỗ chết này. Sự việc này là cớ sao? Rồi kẻ ấy đi báo cáo cho vua hay. Nhà vua lập tức ngự lên xe, đi đến với đoàn tùy tùng đông đảo, thấy Bồ-tát, liền nói: - Này bạn nai chúa, ta đã tha khỏi chết cho người. Sao nay ngươi nằm ở đây? - Thưa Ðại Vương, một con nai cái đến gặp tôi, yêu cầu một con khác thay phiên cho nó. Tôi không có thể bắt một con nào khác chịu đau đớn vì bị chết được. Tôi quyết định cho con nai cái ấy mạng sống của tôi, nhận lấy cái chết thay cho con nai cái, nên nằm ở đây, Ðại Vương chớ có nghi ngờ gì khác! Vua nói: - Hỡi nai chúa sắc vàng, từ trước, ta chưa bao giờ thấy giữa loài người, có ai đầy đủ khảm nhẫn, hòa ái, từ bi như ngươi. Do vậy, ta thật bằng lòng với ngươi. Hãy đứng dậy, ta sẽ cho ngươi và con nai cái ấy thoát khỏi sợ hãi! - Thưa bậc nhân chủ, có hai con nai được thoát khỏi sợ hãi, đàn nai còn lại thì thế nào? - Này nai chúa, ta sẽ cho đàn nai còn lại thoát khỏi sợ hãi. - Thưa Ðại vương, các con nai được thoát khỏi sự sợ hãi, nhưng các con sinh vật bốn chân khác thì sao? - Này nai chúa, ta cũng cho chúng thoát khỏi sợ hãi! - Thưa Ðại Vương, các loài bốn chân được thoát khỏi sợ hãi, nhưng các đàn chim thì thế nào? - Này nai chúa, ta cũng sẽ cho chúng thoát khỏi sợ hãi! - Thưa Ðại Vương, các loại chim như vậy được thoát khỏi sợ hãi, nhưng còn đàn cá sống ở trong nước thì thế nào? - Này nai chúa, ta cũng sẽ cho chúng thoát khỏi sợ hãi! Như vậy con nai chúa đã xin vua được thoát khỏi sợ hãi cho tất cả chúng sanh, đứng dậy, khuyên nhà vua thọ năm giới, và nói: - Thưa Ðại Vương, hãy sống theo Chánh pháp! Hãy xử sự đúng Chánh pháp đối với cha mẹ, đối với con trai, con gái, đối với Bà-la-môn, gia chủ, đối với dân ở thành phố, dân ở các tỉnh. Hãy tự mình sống đúng Chánh pháp, khi nhân loại mạng chung, sẽ được sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này! Sau khi thuyết pháp cho vua với uy lực kỳ diệu của Ðức phật, Bồ-tát sống tại khu vườn trong một vài ngày để khuyến giáo vua, rồi cùng với đàn nai vây quanh, lên núi đi theo chúng vào rừng. Con nai cái đẻ ra một con nai đực đẹp như một nụ hoa. Nai con này đi chơi với đàn nai Sakha. Thấy nai mình đi chơi với đàn nai Sakha, nai mẹ khuyên con mình, bắt đầu từ nay chớ đi tới Sakha, nên đi tới Nigrodha và nói lên bài kệ: Sống với Ni-gro-dha, Từ đấy trở đi, các con nai thoát khỏi sợ hãi khi ăn lúa của dân chúng. Và dân chúng nhớ rằng các con nai được thoát khỏi sợ hãi, nên không dám đánh đập hay đuổi chúng đi. Họ tụ họp tại sân vua và báo cáo lên vua biết. Vua nói: - Do ta bằng lòng, ta đã cho nai Nigrodha một đặc ân. Ta thà mất nước chớ không bỏ lời đã hứa. Hãy đi đi, trong quốc độ của ta, không con nai nào bị đánh cả! Nai Nigrodha, nghe tin này, liền hợp đàn nai lại và bảo: - Bắt đầu từ nay, chớ ăn lúa của người khác! Sau khi bảo chúng hứa như vậy, nai Nigrodha báo tin cho dân chúng biết: - Bắt đầu từ nay, những người trồng lúa chớ rào ruộng lại để bảo vệ lúa, chỉ làm dấu bằng cách cột lá lúa lại. Bắt đầu từ đấy, theo tin đồn, khởi lên tục lệ cột lá lúa lại giữa các đồng ruộng. Bắt đầu từ đấy, các con nai không vượt qua đồng ruộng có lá lúa cột lại. Ðây là nhờ Bồ-tát khuyến giáo chúng như vậy. Sau khi khuyến giáo đàn nai, Bồ-tát sống ở đấy cho hết tuổi thọ, rồi cùng với đàn nai đi theo nghiệp của mình. Còn nhà vua nghe lời khuyến giáo của Bồ-tát, suốt đời làm các công đức rồi sau đó đi theo nghiệp của mình. * Bậc Ðạo Sư nói sau khi kể pháp thoại: - Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Ta mới bảo vệ Trưởng lão ni và Kumarkassapa, mà thuở trước Ta cũng bảo vệ như vậy. Rồi Ngài thuyết giảng Bốn Sự thật, nêu sự liên hệ giữa hai câu chuyện, kết hợp chúng với nhau, và kết luận bằng cách nhận diện Tiền thân: - Thời ấy, con nai Sakha là Ðề-bà-đạt-đa, đàn nai là tùy tùng của Ðề-bà-đạt-đa, nai cái là Trưởng lão ni, nai con là Kumarakassapa, vua là Ànanda, con nai chúa Nigrodha là Ta vậy. -ooOoo- 13. CHUYỆN MŨI TÊN (Tiền thân Kandina) Ðáng nguyền rủa mũi tên..., Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, Thế Tôn đã kể lại sự cám dỗ của những người vợ trước đối với các Tỷ-kheo. Câu chuyện này sẽ được kể trong Tiền thân Indriya số 248, Chương tám. Thế Tôn nói với Tỷ-kheo - Này Tỷ-kheo, do người đàn bà này, trước kia mạng ông bị hoại diệt và bị thiêu sống trong lửa hừng. Các Tỷ-kheo yêu cầu Thế Tôn giải thích rõ câu chuyện ấy, và Thế Tôn trình bày rõ câu chuyện bị tái sanh che lấp. [Bắt đầu từ nay, chúng tôi sẽ không nói đến lời yêu cầu giải thích của các Tỷ-kheo, sự trình bày rõ câu chuyện bị tái sanh che lấp, mà chúng tôi chỉ nói: Kể câu chuyện quá khứ. Tất cả các phần còn lại đều được hiểu như ở các chuyện trước.] * Thuở xưa, tại nước Ma-kiệt-đà, vua nước ấy đang trị vì ở thành Vương Xá. Ðến mùa lúa, các con nai trú ở Ma-kiệt-đà gặp nguy hiểm, vì vậy chúng đi vào con đường núi trong rừng. Tại đấy, một con nai rừng lại luyến ái một con nai cái sống ở một làng biên địa. Khi các con nai từ đường núi về trong thời đi xuống biên địa của làng, vì tâm luyến ái con nai cái ấy, con nai núi đi theo nó. Con nai cái nói: - Chàng là một con nai núi ngu si. Tại biên địa của làng, có nguy hiểm và có chuyện đáng sợ hãi. Chớ đi xuống với chúng tôi. Vì con nai núi có tâm luyến ái, không chịu trở lui, vẫn đi với con nai cái. Người dân ở Ma-kiệt-đà biết thời kỳ các con nai từ đường núi đi xuống, và ẩn núp tại chỗ kín bên đường. Trên đường hai con nai ấy trở về, một người thợ săn ẩn núp tại một chỗ kín. Con nai cái đánh được hơi người, biết có người thợ săn ẩn núp, nên bảo con nai ngu si đi trước, còn mình đi sau. Người thợ săn chỉ với một phát tên, bắn ngã con nai tại chỗ. Con nai cái biết con nai rừng bị bắn trúng, liền nhảy lên, chạy như gió. Người thợ săn ra khỏi chỗ ẩn núp, lột da con nai núi, nhen lửa, và nướng thịt nai ngon ngọt trên đống than cháy không ngọn. Sau khi ăn thịt, uống nước xong, với đòn gánh anh ta mang về phần thịt dư thừa còn máu nhỏ giọt để làm vui lòng mấy đứa trẻ, và đi về nhà. Lúc ấy, Bồ-tát được sanh làm một vị thần ở khu rừng ấy. Thấy sự việc đã xảy ra, ngài suy nghĩ như sau: "Con nai ngu dại này chết không phải do mẹ, không phải do cha, chỉ do lòng dục. Chúng sanh hưởng lạc thú khi dục mới tượng hình, nhưng rồi sẽ gặp nạn khổ đau, bị chặt tay, bị năm loại khổ đau, bị trói, bị đánh. Làm cho những người khác khổ và chết là điều đáng bị chỉ trích ở trong đời này! Quốc độ nào có nữ nhân hoành thành, ra mệnh lệnh, quốc độ ấy bị nữ nhân lãnh đạo là điều đáng chỉ trích! Những chúng sanh nào chịu để cho nữ nhân chi phối thật đáng bị chỉ trích". Trong khi các vị thần khác nói lời tán thán và cúng dường hương, hoa v.v..., Bồ-tát tóm thâu ba lời chỉ trích trong một bài kệ, khiến toàn khu rừng ấy vang lên âm thanh dịu ngọt. Ngài thuyết pháp với bài kệ này: Ðáng nguyền rủa mũi tên Như vậy, với một câu kệ, cả ba lời chỉ trích được Bồ-tát tóm thâu, và toàn khu rừng vang dậy lời thuyết pháp khi Bồ-tát thuyết giảng uy lực của đức Phật. * Bậc Ðạo Sư, thuyết pháp thoại này xong, liền giảng về Bốn Sự thật. Cuối bài thuyết giảng, vị Tỷ-kheo ái luyến chứng quả Dự Lưu. Bậc Ðạo sư kể hai câu chuyện, kết hợp chúng với nhau, và kết luận với sự nhận diện Tiền thân: - Thời ấy, con nai rừng là vị Tỷ-kheo luyến ái, con nai cái là vợ trước của Tỷ-kheo, còn vị thần thuyết pháp nêu rõ tội lỗi dục tham là Ta vậy. -ooOoo- 14. CHUYỆN CON NAI GIÓ (Tiền thân Vàtamiga) Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về Trưởng Lão Cullapindapatika Tissa. Theo truyền thống, khi bậc Ðạo Sư ở tại Trúc Lâm, gần Vương Xá, con trai của một gia đình triệu phú giàu có, tên là Tissakumara, một hôm đi đến Trúc Lâm, nghe bậc đạo sư thuyết pháp. Tissa về nhà, xin phép xuất gia, nhưng cha mẹ không bằng lòng. Tissakumara bèn nhịn đói trong bảy ngày như Ratthapàla (Kinh Trung Bộ số 83) và được cha mẹ chấp thuận xuất gia với bậc Ðạo Sư. Ðộ nửa tháng, sau khi truyền giới xuất gia cho Tissakumara, bậc Ðạo Sư, từ Trúc Lâm đi đến Kỳ Viên. Tại đấy, vị thiện nam này theo người ba hạnh đầu đà, dùng thời gian khất thực từng nhà ở Xá-vệ. Với danh xưng Trưởng lão Cullapindapatika, vị ấy trở thành sáng chói trong Giáo pháp bậc Ðạo sư như mặt trăng giữa bầu trời. Trong khi ấy, tại Vương Xá, nhân một ngày hội lớn được tổ chức, cha mẹ của Trưởng lão lấy đồ trang sức, mà con thường dùng trong khi còn ở nhà, bỏ vào trong một cái hộp bạc đặt lên trên ngực, vừa khóc vừa nói như sau: - Trong các ngày hội vui khác, con chúng ta thường mang những đồ trang sức này. Sa-môn Cồ-đàm đem đứa con một của chúng ta đi đến thành Xá-vệ. Nay con chúng ta ngồi ở đâu? đứng ở đâu? Một kỹ nữ có nhan sắc đi đến gia đình ấy, thấy vợ nhà triệu phú khóc, liền hỏi vì sao bà khóc. Bà kể lại câu chuyện. Người Kỹ nữ thưa: - Thưa bà, con trai bà ưa thích gì? - Nó ưa thích thứ này, thứ này! - Nếu bà cho con chủ quyền hoàn toàn trong gia đình này, con sẽ đem con trai bà về. Bà vợ triệu phú chấp thuận lời đề nghị, cho tiền phí tổn, tiễn kỹ nữ đi với tùy tùng đông đảo: - Hãy đi và dùng sức mạnh của mình đem con ta về. Người kỹ nữ ấy ngồi trong xe có màn che đi đến Xá-vệ, tạm trú tại con đường Trưởng Lão thường đi khất thực. Nàng được vây quanh với đoàn tùy tùng của mình, và không cho Trưởng lão thấy những người tùy tùng cùng đến từ gia đình triệu phú. Khi Trưởng lão bắt đầu đi vào đường này khất thực, nàng dùng thìa, dùng bát cúng dường đồ ăn, trói buộc Trưởng lão với lòng tham vị, lần lượt mời Trưởng lão vào ngồi trong nhà và cúng dường đồ ăn. Khi biết Trưởng lão đã bị mình chinh phục, nàng giả đau, nằm ở phòng trong. Trưởng lão, trong khi đi khất thực từng nhà , đến tại cửa nhà nàng. Người hầu cầm lấy bình bát của vị ấy và mời vào ngồi trong nhà. Sau khi ngồi, Trưởng lão hỏi: - Nữ cư sĩ ở đâu? - Thưa Tôn giả, nữ cư sĩ bị đau, và mong muốn được thấy Tôn giả. Bị trói buộc bởi lòng tham vị ngon, phá hoại giới cấm mình đã chấp nhận, Trưởng lão đi vào phòng ngủ của nàng. Sau đó nàng kể lại nguyên do nàng đến đây cám dỗ vị ấy, trói buộc vị ấy với lòng tham vị, khiến vị ấy từ bỏ sự xuất gia, đặt vị ấy vào trong thế lực của mình, và đưa vị ấy ngồi trong xe với đoàn tùy tùng đông đảo, đi về Vương Xá. Sự việc này được lan truyền rộng rãi. Các Tỷ-kheo ngồi trong Pháp đường nói chuyện này: - Này chư Hiền giả, một Kỹ nữ có nhan sắc đã trói buộc Trưởng lão Cullapindaptika Tissa với lòng tham vị ngon và đã đem Trưởng lão đi! Bậc Ðạo Sư đi đến Pháp đường ngồi xuống trên bảo tọa được soạn sẵn, và hỏi chuyện gì đang được các Tỷ-kheo bàn. Các Tỷ-kheo ấy thuật lại chuyện ấy. Bậc Ðạo Sư nói: - Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ Tỷ-kheo này bị trói buộc bởi lòng tham vị, đã rơi vào thế lực của nàng, mà thuở trước kẻ ấy cũng đã rơi vào thế lực của nàng. Rồi Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ. * Thuở xưa, khi vua Brahmadattha trị vì ở Ba-la-nại, có một người giữ vườn tên là Sanjaya. Một con nai gió đi đến khu vườn ấy, thấy Sanjaya liền bỏ chạy. Sanjaya không làm cho nó sợ hãi, cho nó thoát đi. Con nai ấy tiếp tục đến và thường đi qua lại trong khu vườn. Người giữ vườn thường hái các loại hoa quả trong vườn, và hàng ngày dâng vua. Một ngày kia, vua hỏi: - Này khanh, khanh có thấy sự việc gì lạ ở trong khu vườn không? - Tâu Ðại Vương, con không thấy gì khác, con chỉ thấy một con nai gió đi đến, đi qua đi lại trong khu vườn. - Khanh có bắt nó được không? - Nếu được một chút mật ong, con có thể dẫn nó đến ngay trong nội cung. Vua bảo cho kẻ ấy mật ong. Người giữ vườn lấy mật, đi đến khu vườn tại chỗ con nai gió thường đi, kẻ ấy bôi cỏ với mật và ẩn núp. Con nai đi đến ăn cỏ có dính mật, bị trói buộc bởi lòng tham vị, không đi chỗ khác, chỉ đến khu vườn. Người giữ vườn biết được con nai đã tham đắm cỏ dính mật, liền dần dần xuất đầu lộ diện. Những ngày đấu thấy người giữ vườn, con nai ấy liền bỏ chạy, nhưng rồi thấy luôn, nói khởi lòng tin, dần dần đến ăn cỏ đặt trong tay người giữ vườn. Người giữ vườn biết đã lấy được lòng tin của con thú ấy, bèn rải đến đường những cành lá non dày như tấm thảm cho đến nội cung, quàng bên nách một hũ đựng mật, giắt một nắm cỏ và thắt lưng, rải cỏ có dính mật trước mặt con nai, và đưa nó đến tận nội cung. Khi con nai đã vào tận nội cung, họ đóng cửa lại. Con nai thấy người, hoảng hốt, sợ phải chết, cứ chạy qua chạy lại trong nội cung. Nhà vua từ lâu đài đi xuống, thấy con nai hoảng sợ, liền nói: - Con nai gió này, cả một tuần không đi đến chỗ nó thấy người, trọn đời không đi đến chỗ nó sợ hãi, con vật sống nơi rừng rậm ấy bị trói buộc bởi lòng tham vị, nay đã đi đến cảnh ngộ như thế này! Thật vậy, không có gì ác độc hơn là lòng tham vị ở đời. Rồi với bài kệ, vua thuyết pháp: Không gì ác hại hơn Sau khi nói vậy, vua liền thả con nai ấy về rừng. * Bậc Ðạo Sư nói: - Này các Tỷ-kheo, người kỹ nữ có nhan sắc ấy không phải chỉ nay mới trói buộc vị ấy với lòng tham vị, và chinh phục vị ấy, nhưng trong thời quá khứ cũng đã làm như vậy. Sau khi thuyết pháp thoại này, Thế Tôn kết hợp hai câu chuyện với nhau, rồi kết luận với sự nhận diện Tiền thân như sau: - Thời ấy, Sanjaya là người kỹ nữ có nhan sắc, con nai gió là Cullapindapatika, còn vua Ba-la-nại là Ta vậy. -ooOoo- 15. CHUYỆN CON NAI KHARÀDIYA (Tiền thân Kharàdiya) Khi con nai có tám móng..., Câu chuyện này, Khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về một Tỷ-kheo khó bảo. Theo truyền thuyết, vị Tỷ-kheo khó bảo không chấp nhận lời khuyến giáo. Vì thế, bậc Ðạo Sư hỏi: - Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông khó bảo, không chấp nhận lời khuyến giáo? - Thưa thật vậy, Bạch Thế Tôn! Thế Tôn nói: - Thuở xưa, vì khó bảo ông không chấp nhận lời khuyến giáo của bậc Hiền trí nên bị bắt trong bẫy sập, và mạng sống bị diệt vong! Nói vậy xong, Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ. * Thuở xưa, khi vua Brahamadattta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh làm con nai, với đàn nai vây quanh sống ở trong rừng. Một con nai chị đưa đến một nai con và nói: - Này em, đây là cháu của em. Hãy dạy nó học những sự khôn ngoan của loài nai. Bồ-tát nói với con nai cháu: - Vào giờ ấy, hãy đến học. Nhưng con nai cháu không đến vào giờ hẹn. Một ngày như vậy, bảy ngày cũng như vậy, bỏ qua bảy lời khuyến giáo, nó không đến học sự khôn ngoan của loài nai, và cuối cùng, khi đi lang thang đây đó, nó bị bắt trong một cái bẫy. Mẹ nó đến hỏi Bồ-tát: - Này em, em có dạy cho cháu những khôn ngoan của loài nai không? Bồ-tát nói: - Ðừng nghĩ đến con nai không chấp nhận khuyến giáo ấy nữa. Con của chị không học những sự khôn ngoan của loài nai. Nay em không còn muốn khuyến giáo nó nữa. Bồ-tát đọc bài kệ này: Khi nai có tám móng Rồi người thợ săn giết con nai bị bắt trong bẫy ấy, và mang thịt về. * Bậc Ðạo Sư nói: - Này Tỷ-kheo, không phải chỉ nay ông mới khó bảo, thuở trước ông cũng khó bảo như vậy. Thuyết pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư kết hợp hai câu chuyện và kết luận với sự hiện diện Tiền thân: - Thời ấy, con nai cháu là Tỷ-kheo khó bảo, con nai chị là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc), còn con nai khuyến giáo là Ta vậy . -ooOoo- 16. CHUYỆN CON NAI CÓ BA CỬ CHỈ. (Tiền thân Tipallatthamiga) Nai với ba cử chỉ..., Câu chuyện này, khi ở tại tinh xá Badarika ở Kosambi, bậc Ðạo Sư đã kể về Trưởng lão Ràhula (La-hầu-la) ham học các học giới. Một thời, bậc Ðạo Sư trú ở điện Aggàlava, gần thành Àlavi, nhiều nữ cư sĩ và Tỷ-kheo-ni thường đến tinh xá để nghe pháp. Thuyết pháp được tổ chức ban ngày. Nhưng sau một thời gian, các cư sĩ và các Tỷ-kheo-ni không đi nữa, chỉ có Tỷ-kheo và nam cư sĩ. Từ đấy, thuyết pháp được tổ chức ban đêm. Sau buổi thuyết pháp, các Tỷ-kheo trưởng lão đi về chỗ ở của mình, còn các tu sĩ trẻ nằm tại phòng giảng với các nam giới. Khi họ ngủ, một số nằm ngáy khò khò và nghiến răng. Một số chỉ nằm một lát rồi dậy, nhìn thấy sự kiện không thích đáng ấy, và báo cáo lên Thế Tôn. Thế Tôn chế ra học giới như sau: - Tỷ-kheo nào nằm ngủ với người chưa thọ Ðại giới là phạm tội Pàcittiya (Ba-dật-đề: tội phải thú nhận trước Tăng chúng) Rồi Ngài đi đến Kosambi. Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo nói với Tôn giả La-hầu-la: - Hiền giả La-hầu-la, Thế Tôn đã đặt ra học giới. Hiền giả nay hãy tìm chỗ ở của mình. Lúc trước, vì kính trọng Thế Tôn, vì Tôn giả tha thiết học hỏi các học giới, các Tỷ-kheo ấy đã tiếp đón La-hầu-la như vào nhà của mình, đã soạn một chiếc giường nhỏ và cho Tôn giả một cái y lam gối. Nhưng hôm ấy, các Tỷ-kheo vì sợ vi phạm học giới, nên không cho La-hầu-la chỗ ở. Hiền giả La-hầu-la không đi đến Thế Tôn là phụ thân của mình, cũng không đi đến Xá-lợi-phất là vị Tướng quân Chánh pháp và là giáo thọ sư của mình, cũng không đi đến Ðại-mục-kiền-liên là bậc sư trưởng của mình, lại đi vào phòng vệ sinh của Thế Tôn, như thể đi vào cung điện Phạm thiên và trú ở đấy. Trong phòng vệ sinh của đức Phật, cửa luôn luôn khéo đóng, nền làm bằng đất thơm. Hoa và vòng hoa kết thành vòng dọc theo những bức tường. Suốt đêm có cây đèn thắp sáng. Hiền giả La-hầu-la không vì cảnh sang trọng này mà trú ở đấy, chỉ vì các Tỷ-kheo bảo tìm lấy chỗ ở, chỉ vì tôn trọng lời khuyên bảo, vì muốn học tập nên trú chỗ ấy. Thỉnh thoảng, các Tỷ-kheo thấy Tôn giả từ xa đi đến, vì mục đích thử thách, thường quăng bên ngoài cái cán chổi hay một ít rác, chờ khi La-hầu-la đi đến, liền hỏi: - Hiền giả, ai quăng đồ rác này? Khi được nghe: Chính La-hầu-la đi qua đường này, La-hầu-la không nói: - Thưa Tôn giả, tôi không biết việc này. Trái lại, La-hầu-la thường dọn rác ấy đi, khiêm tốn xin lỗi, và sau khi được tha lỗi mới đi. Vì mong muốn học tập như vậy, nên La-hầu-la mới trú tại chỗ ấy. Rồi trước khi rạng đông, bậc Ðạo Sư đứng trước cửa phòng vệ sinh và đằng hắng. Tôn giả đằng hắng lại. - Ai đó? - Con là La-hầu-la. Rồi Tôn giả đi ra đảnh lễ. - Này La-hầu-la, sao con nằm ở đây? - Vì không có chỗ ở, bạch Thế Tôn, trước đây các Tỷ-kheo cho con ở chung, nay vì sợ phạm tội, không cho con chỗ ở. Nghĩ rằng, đây là một chỗ không va chạm một ai, nên con nằm ở đây! Thế Tôn xúc động mạnh vì Chánh pháp, suy nghĩ: "Với La-hầu-la, các Tỷ-kheo còn vất bỏ như vậy, thì đối với các lớp chúng trẻ mới xuất gia, có gì họ không làm được". Buổi sáng sớm, Thế Tôn cho họp các Tỷ-kheo và hỏi Tướng quân Chánh pháp: - Này Xá-lợi-phất, ông có biết nay La-hầu-la trú tại chỗ nào không? - Bạch Thế Tôn, con không biết. - Này Xá-lợi-phất, La-hầu-la đang ở trong nhà vệ sinh! Này Xá-lợi-phất, nếu các ông vứt bỏ La-hầu-la như vậy, thì đối với các lớp trẻ mới xuất gia, có gì các ông không làm được? Nếu sự việc là vậy, những ai xuất gia trong Giáo pháp này sẽ không ở lại. Bắt đầu từ hôm nay, các ông được phép cho người chưa thọ Ðại giới ở chung một hay hai ngày. Ðến ngày thứ ba, cho họ ở ngoài, sau khi biết chỗ ở của họ. Sau khi thêm điều khoản phụ này, Thế Tôn chế định học giới. Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo ngồi trong pháp đường tán thán đức hạnh của La-hầu-la: - Thưa các Hiền giả, hãy xem La-hầu-la tha thiết học tập như thế nào. Khi được hỏi chỗ ở của mình, La-hầu-la không nói: Ta là con đức Thế Tôn. La-hầu-la không chống đối một Tỷ-kheo nào, nhưng đã đến ở phòng vệ sinh! Khi các Tỷ-kheo đang nói như vậy, bậc Ðạo Sư đến tại pháp đường, ngồi xuống bảo toạ có trang hoàng và hỏi: - Này các Tỷ-kheo, các ông nay ngồi ở đây đang nói chuyện gì? - Bạch Thế Tôn, chúng con nói đến lòng tha thiết học tập của La-hầu-la, không nói chuyện gì khác. Bậc Ðạo Sư nói: - Không phải chỉ nay La-hầu-la mới tha thiết học tập, mà trước kia khi làm bàng sanh, cũng đã tha thiết học tập rồi. Và Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ. * Thuở xưa, một vị vua Ma-kiệt-đà đang trị vì tại Vương Xá. Lúc ấy Bồ Tát sanh làm một con nai, với đàn nai vây quanh sống ở trong rừng. Con nai chị đem con mình đến và nói: - Này em, hãy dạy cho cháu em sự khôn ngoan của loài nai. - Tốt lắm. Bồ-tát đáp lại và nói: - Này cháu thân, hãy đi, và vào giờ ấy, hãy đến học. Con nai cháu không quên giờ cậu nói, đúng giờ nó đến và học sự khôn ngoan của loài nai. Một ngày kia, khi đi qua lại trong rừng, nó bị mắc vào bẫy sập và thốt tiếng kêu của con thú bị bắt. Ðàn nai bỏ chạy, về báo cho nai mẹ biết con bị mắc bẫy. Nó đi đến nai em và hỏi: - Này em, cháu đã học sự khôn ngoan của loài nai chưa? Bồ-tát nói: - Ðừng sợ những điềm dữ đến với cháu. Nó đã khéo học được sự khôn ngoan của loài nai. Nay sẽ đến lượt chị cười rồi đó! Nói vậy xong, Bồ-tát đọc bài kệ này: Nai với ba cử chỉ, Như vậy, Bồ-tát nêu rõ cháu mình đã học tốt đẹp sự khôn ngoan của loài nai, và an ủi nai chị. Còn nai con bị bắt trong bẫy sập, không vùng vẫy, nằm duỗi chân hết sức thoải mái theo một bên hông, móng chân cào đất tại chỗ gần chân, hất lên bụi và cỏ, đi tiểu và đại tiện, đầu gục xuống, le lưỡi, làm thân đẫm ướt mồ hôi, rồi nó nín thở khiến bụng trướng lên, trợn mắt, chỉ thở với một lỗ mũi ở dưới, nín thở vói lỗ mũi ở trên, khiến toàn thân cứng đờ như con vật đã chết. Vì thế cho nên các loài ruồi xanh đến bu quanh nó. Chỗ này, chỗ kia, các con quạ đã đậu xuống. Người thợ săn đi đến, lấy tay vỗ bụng nó, suy nghĩ: "Con này bị bắt hồi sáng, nay đã bắt đầu thối rồi", kẻ ấy cởi dây trói cho nai, và nói: - Nay ta làm thịt nó ở đây và sẽ mang thịt về. Không ngờ vực gì cả, người thợ săn bắt đầu lượm cành cây và lá. Con nai con liền trỗi dậy, đứng lên bốn chân, vùng vẫy cái thân, vươn cổ, và như đám mây bị gió lớn tan, nó chạy rất nhanh về với mẹ nó. * Bậc Ðạo Sư nói: - La-hầu-la không phải nay mới ham học, thuở trước cũng đã ham học như vậy. Thuyết pháp thoại này xong, sau khi kết hợp hai câu chuyện, Ngài kết luận với sự nhận diện Tiền thân như sau: - Khi ấy, con nai cháu là La-hầu-la, con nai mẹ là Upplavannà và con nai cậu là Ta vậy. -ooOoo- 17. CHUYỆN GIÓ THỔI (Tiền thân Màluta) Nếu là tối hay sáng..., Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về hai Tỷ-kheo xuất gia đã lớn tuổi. Truyền thuyết kể rằng, tại quốc độ Kosala, họ sống tại một khu rừng, một trưởng lão tên Tối, và một trưởng lão tên là Sáng. Một hôm, Tối hỏi Sáng: - Thưa Tôn giả, thời nào gọi là lạnh? Sáng nói: - Trong thời tối trăng. Một hôm, Sáng hỏi Tối: - Thưa Tôn giả, thời nào gọi là lạnh? Tối nói: - Trong thời sáng trăng. Cả hai không thể tự giải quyết sự phân vân, bèn đi đến bậc Ðạo Sư, đảnh lễ Ngài rồi hỏi: - Bạch Thế Tôn, thời nào gọi là lạnh? Bậc Ðạo Sư, lắng nghe câu chuyện của họ xong, liền nói: - Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, Ta đã trả lời câu hỏi này cho các ông. Do nhiều đời sống chất chứa, nên các ông nhận định không rõ ràng nữa. Nói xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. * Một thời dưới chân núi, một con sư tử và một con hổ làm bạn với nhau, cùng ở trong một cái hang. Lúc bấy giờ, Bồ-tát xuất gia làm một ẩn sĩ, cũng ở dưới chân núi ấy. Một hôm, một cuộc tranh cãi khởi lên giữa hai con vật ấy về vấn đề lạnh. Con cọp nói trời lạnh trong thời mặt trăng tối. Con suu tử lại nói trời lạnh trong thời mặt trăng sáng. Chúng không thể tự giải quyết sự phân vân, bèn đến hỏi Bồ-tát. Ngài nói lên bài kệ: Nếu là tối hay sáng Như vậy, Bồ-tát giải hòa đôi bạn. * Bậc Ðạo Sư nói: - Này các Tỷ-kheo, thuở trước, Ta đã trả lời cho các ông câu hỏi này. Thuyết pháp thoại này xong, Ngài thuyết giảng Bốn Sự thật. Cuối bài giảng ấy, hai vị Trưởng lão chứng quả Dự lưu. Sau khi kết hợp hai chuyện, bậc Ðạo Sư kết luận với sự nhận diện Tiền thân: - Lúc ấy, con cọp là Sáng, con sư tử là Tối, còn Ta là người khổ hạnh đã trả lời câu hỏi. -ooOoo- 18. CHUYỆN ÐỒ ĂN CÚNG NGƯỜI CHẾT (Tiền thân Matakabhatta) Nếu chúng sanh biết được..., Câu chuyện này, khi ở tại Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về đồ ăn cúng người chết. Trong thời ấy, nhiều người giết hại nhiều dê cừu... để cúng đồ ăn cho người thân đã mệnh chung. Các Tỷ-kheo thấy họ làm như vậy, hỏi bậc Ðạo Sư: - Bạch Thế Tôn, nay nhiều người giết hại sinh mạng nhiều loài hữu tình để cúng đồ ăn cho người chết, Bạch Thế Tôn, ở đây có hạnh phúc, lợi ích nào không? Thế Tôn nói: - Cúng đồ ăn như vậy cho người chết không có lợi ích gì. Khi đã sát sanh, làm sao có lợi ích được? Thuở xưa, các bậc Hiền trí ngồi giữa hư không thuyết pháp, nói rõ nguy hại của tập tục này, khiến toàn thể dân chúng ở cõi Diêm-phù-đề bỏ hành động ấy. Nhưng nay, bị sanh hữu tích lũy, nên hành động ấy lại khởi lên. Nói vậy xong, Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ. * Thuở xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì ở Ba-la-nại, một Bà-la-môn thông hiểu ba tập Vệ-đà, một danh sư nổi tiếng bốn phương, muốn cúng dường đồ ăn cho người chết, cho bắt một con dê và bảo các đệ tử. - Này các con thân, hãy dẫn con dê này đến sông, tắm cho nó, đeo vòng hoa ở cổ nó, cho nó ăn lúa độ nửa đấu, chải chuốt cho nó rồi đem nó lại đây. Các đệ tử vâng lời, dắt dê đến sông, tắm cho nó, chải chuốt cho nó, rồi để nó đứng trên bờ sông. Con dê ấy thấy được việc của mình đã làm từ đời trước, suy nghĩ: "Hôm nay, ta sẽ được thoát đau khổ", vì vậy nó cảm thấy sung sướng, cười lớn tiếng như đập bể cái ghè, lại nghĩ: "Bà-la-môn này, khi giết ta, sẽ chịu nỗi đau khổ của ta thuở trước", nó khởi lòng thương hại người Ba-la-môn và khóc lớn tiếng. Các thanh niên ấy hỏi nó: - Này bạn, bạn cười lớn tiếng rồi khóc lớn tiếng. Vì nhân gì bạn cười, vì nhân gì bạn khóc? - Hãy hỏi câu hỏi này trước mặt thầy các ông! Họ đem con dê ấy đi, và báo cáo cho thầy biết. Vị thầy nghe câu chuyện, hỏi con dê: - Này dê, sao ngươi lại cười và sao ngươi lại khóc? Con dê nhờ trí biết được đời trước, nhớ đến việc đã làm của mình, và nói với Bà-la-môn: - Này Bà-la-môn, thuở trước, giống như ông, ta là một Bà-la-môn học giỏi các chú thuật, muốn cúng dường đồ ăn cho người chết, đã giết một con dê để cúng dường. Vì giết chỉ một con dê, ta bị chém đầu trong bốn trăm chín mươi chín lần sống chết. Nay là lần thứ năm trăm sống chết cuối cùng của ta. Hôm nay, ta sẽ thoát khỏi sự đau khổ ấy. Nghĩ vậy, ta cảm thấy sung sướng, do nhân duyên này ta cười. Còn ta khóc, vì ta nghĩ rằng chỉ vì giết một con dê, ta phải chịu khổ hình chặt đầu đến năm trăm lần. Hôm nay ta sẽ thoát cái khổ ấy. Nhưng Bà-la-môn này, vì giết ta, sẽ như ta chịu khổ hình chặt đầu trải năm trăm đời sống. Vì thương xót ông, nên ta khóc. - Này dê, chớ sợ, ta sẽ không giết ngươi! - Này Bà-la-môn, ông nói gì thế? Dầu ông có giết ta hay không, hôm nay ta cũng không thể thoát chết! - Này dê, chớ sợ, ta sẽ bảo vệ ngươi, sẽ cùng đi với ngươi! - Này Bà-la-môn, nhỏ nhoi thay là sự bảo vệ của ông và mạnh bạo thay là nghiệp ác ta làm! Vị Bà-la-môn thả con dê ra, nói với các đệ tử: Và cùng với các đệ tử, vị Bà-la-môn đi theo con vật. Con dê vừa được thả, vươn cổ lên, đến bụi cỏ mọc sau lưng tảng đá ấy, và bắt đầu ăn lá cỏ. Liền khi ấy, sét đánh trên lưng tảng đá ấy, một mảng đá bị đánh vỡ, rơi trên cổ con dê đang vươn ra và chặt đứt đầu. Nhiều người qui tụ lại xem. Lúc bấy giờ, Bồ-tát sanh làm vị thần cây tại chỗ ấy. Với uy lực của vị thần, Bồ-tát ngồi kiết-già trên hư không, trên đại chúng đang đứng nhìn, và suy nghĩ: "Những chúng sanh này, nếu biết được kết quả của việc ác như vậy, sẽ không làm ác nữa!" Rồi với âm thanh dịu ngọt, Ngài thuyết pháp qua bài kệ: Nếu chúng sanh biết được Như vậy, bậc Ðại Sĩ thuyết pháp khiến cho mọi người sợ hãi địa ngục. Và nhiều người nghe bài thuyết pháp ấy, biết sợ hãi điạ ngục, nên từ bỏ sát sanh. Bồ-tát thuyết pháp xong, an trú quần chúng vào Ngũ giới, rồi về sau đi theo nghiệp của mình. Còn quần chúng, an trú trong lời khuyên của Bồ-tát, sau khi làm các phước đức như bố thí v.v... được sanh lên thiên giới, làm tràn đầy thành phố chư Thiên. * Bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này xong, kết hợp hai câu chuyện với nhau, và nhận diện Tiền thân như sau: - Thời ấy, Ta là vị thần cây. -ooOoo- 19. CHUYỆN LỄ CÚNG DO CÓ LỢI (Tiền thân Àyàcitabhatta) Nếu muốn thoát hiện tại..., Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư đã kể về lễ cúng dường do cầu nguyện các thần linh. Lúc bấy giờ, theo truyền thuyết, quần chúng trong khi đi buôn, thường hay giết các loài hữu tình, để làm lễ cúng dường cho các thần với lời cầu nguyện: "Nếu chúng tôi về được an toàn, có được tiền lời, chúng tôi sẽ làm lễ cúng dường cho các ngài!". Cầu nguyện như vậy rồi họ ra đi. Khi trở về được an toàn, có được tiền lời, họ nghĩ được vậy là nhờ uy lực các vị thần, nên giết hại nhiều loài hữu tình, làm lễ cúng dường để giải toả lời cầu nguyện của mình. Thấy vậy, các Tỷ-kheo hỏi Thế Tôn việc này có lợi ích gì không, Thế Tôn kể câu chuyện quá khứ. -ooOoo- Thuở xưa, tại nước Kàsi, một vị gia chủ tại một ngôi làng nhỏ có hứa làm đồ ăn cúng dường cho thần cây bàng mọc gần cổng làng. Khi đi về được an toàn, vị ấy giết nhiều loài hữu tình, và đến gốc cây để xin giải toả lời hứa. Nhưng vị thần cây đứng giữa hai cành cây nói lên bài kệ này: Nếu muốn thoát hiện tại, Từ đấy về sau, dân chúng từ bỏ sát sinh, sống theo chánh pháp, sau khi mạng chung được sanh lên Thiên giới làm tràn đầy thành phố chư Thiên. * Bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này xong, kết hợp hai câu chuyện, và nhận diện Tiền thân: - Lúc bấy giờ, Ta là vị Thần cây. -ooOoo- 20. CHUYỆN HỒ NALAKAPÀNA (Tiền thân Nalakapàna) Thấy dấu chân đi xuống..., Trong khi du hành ở Kosala, đi đến làng Nalakàpàna, sống ở rừng Ketaka, gần hồ Nalakapàna, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện này về cọng lau. Lúc bấy giờ các Tỷ-kheo, sau khi tắm tại hồ Nalakapàna, bảo các Sa-di đi lấy những cọng lau để làm ống kim, họ thấy các cọng lau đều trống rỗng hoàn toàn, liền đến hỏi Thế Tôn: - Bạch Thế Tôn, chúng con cho lấy các cọng lau để làm ống kim. Nhưng từ gốc cho đến ngọn, các cọng lau ấy đều trống rỗng hoàn toàn. Vì sao lại như vậy? Bậc Ðạo Sư nói: - Này các Tỷ-kheo, đây là do đại nguyện xưa của Ta vậy. Nói xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ. * Thuở xưa, theo truyền thuyết, tại đây có cái hồ trong khu rừng rậm. Trong hồ ấy, có một con quỷ La-sát ăn thịt những ai xuống nước. Lúc bấy giờ, Bồ-tát sanh làm khỉ chúa, to lớn như một con nai màu đỏ, được vây quanh với độ tám mươi ngàn con khỉ, Bồ-tát che chở đàn khỉ sống ở trong rừng. Bồ-tát thường khuyên đàn khỉ: - Này các con thân, trong rừng này có những cây độc và có những hồ chết, tại đấy các loài phi nhân đang sống. Khi các con ăn những trái cây trước kia chưa ăn và uống nước trước kia chưa uống, hãy hỏi ta đã. Ðàn khỉ vâng lời. Một hôm, đi đến một chỗ trước kia chưa từng đến, sau nhiều ngày, chúng tìm nước uống, và thấy một cái hồ. Nhưng chúng không uống nước, cứ ngồi chờ Bồ-tát. Ngài đến và nói: - Các con thân, sao các con không uống nước? - Chúng con chờ ngài đến. - Tốt lắm, các con thân! Bồ-tát đi vòng hồ thấy có dấu chân đi xuống, không có đi lên, và suy nghĩ:" Không gì nghi ngờ nữa, hồ này có phi nhân ẩn trú". Bồ-tát nói với đàn khỉ: - Này các con thân, việc các con làm tốt lắm, vì đã không uống nước. Hồ này có phi nhân ẩn trú. Con quỷ La-sát dưới nước biết được chúng không uống nước, liền hiện ra hình thù ghê rợn với bụng xanh, mặt trắng vàng, tay chân màu đỏ, rẽ nước đi lên và nói: - Sao lại ngồi đây, hãy xuống uống nước! Bồ-tát hỏi: - Có phải ngươi là La-sát sanh ra ở trong nước không? - Phải. - Có phải ngươi bắt những ai xuống uống nước ở đây? - Phải. Ta bắt từ con chim nhỏ xuống nước trở lên, ở tại đây, ta không tha một ai! Ta sẽ ăn tất cả các ngươi. - Chúng ta sẽ không để ngươi ăn chúng ta. - Nhưng hãy uống nước đi. - Ðược, chúng ta sẽ uống nước. Nhưng chúng ta sẽ không rơi vào quyền lực của ngươi. - Làm sao các ngươi uống nước được? - Sao, ngươi nghĩ rằng chúng ta sẽ đi xuống, rồi uống nước à? Không đi xuống nước, tám mươi ngàn chúng ta mỗi ngày lấy một cành lau, như uống nước ngang qua một cành sen xanh, chúng ta sẽ uống nước hồ của ngươi. Như vậy, ngươi sẽ không thể ăn thịt chúng ta được! Biết được ý nghĩa này, bậc Ðạo Sư đọc câu kệ: Thấy dấu chân đi xuống, Nói vậy xong, Bồ-tát cho đem lại một cọng lau, hồi tưởng lại những hạnh Ba-la-mật, phát lời chân ngôn, lấy miệng thổi cọng lau. Cọng lau trở thành trống rỗng hoàn toàn, không một khúc mắt nào còn lại ở trong. Với cách thức này, Bồ-tát cho đem lại ống lau khác, rồi ống lau khác và thổi. Nhưng nếu làm vậy, Bồ-tát không thể thoåi hết được. Do đó, Bồ-tát không làm như vậy nữa. Rồi Bồ-tát đi vòng quanh hồ và ra lệnh: - Tất cả cọng lau đều trống rỗng hết! Do lợi hành rộng lớn của các vị Bồ-tát, mệnh lệnh ấy được thành tựu. Từ đấy trở đi, tất cả cọng lau ở xung quanh hồ trở thành trống rỗng. Trong kiếp này, có bốn thần thông tồn tại suốt kiếp. Thế nào là bốn? 1. Tướng con thỏ trong mặt trăng, sẽ tồn tại trong suốt kiếp này (Tiền thân số 316). 2. Ðiạ điểm mà lửa được dập tắt, như đã được kể ở Tiền thân Vattaka (số 35), địa điểm ấy sẽ không bị lửa chạm đến trong suốt kiếp này. 3. Tại chỗ có ngôi nhà của người làm đồ gốm Ghatikara không bao giờ mưa rơi xuống trong suốt kiếp này (Kinh Trung Bộ số 81). 4. Các cây lau mọc xung quanh hồ này sẽ hoàn toàn trống rỗng trong suốt kiếp này. Ðây là bốn thần thông sẽ tồn tại trong suốt kiếp này. Bồ-tát ra lệnh như vậy, và lấy một cọng lau rồi ngồi xuống. Tám vạn con khỉ ấy, mỗi con cầm lấy một cọng lau, đều ngồi xuống vòng quanh hồ. Và trong khi Bồ-tát hút nước vào qua ống lau, tất cả chúng đều ngồi trên bờ uống nước. Chúng uống nước như vậy, và con quỷ La-sát dưới nước không bắt được một ai nên không hoan hỷ, bỏ đi về trú xứ của nó. Còn Bồ-tát với tuỳ tùng vây quanh, trở về sống ở trong rừng. * Bậc Ðạo Sư nói: - Này các Tỷ-kheo, những cây lau này hoàn toàn trống rỗng chính do lời phát nguyện xưa của ta. Sau khi thuyết pháp thoại này xong, Ngài kết hợp hai câu chuyện, và kết luận với sự nhận diện tiền thân: - Thời ấy con quỷ La-sát nước là Ðề-bà-đạt-đa, tám vạn con khỉ là hội chúng của đức Phật, còn khỉ chúa khéo dùng phương tiện là Ta vậy. -ooOoo- Đầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 |
Chân thành cám ơn anh HDC đã có thiện tâm giúp tổ chức đánh máy vi tính (B. Anson, 05/2002).
[Mục lục Tiểu Bộ][Thư Mục Tổng Quát]