PHẨM BIRANATTHAMBHAKA
(Ðám cỏ thơm)
211. CHUYỆN CHÀNG TRAI SOMADATTA (Tiền
thân Somadatta)
Thường xuyên học thuộc lòng...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về Trưởng
lão Làludàyi (Udàyì khờ dại).Tương truyền khi ở trước mặt hai ba người, vị ấy
không thể nói được một lời. Vị ấy nhút nhát đến độ nghĩ thế này, lại nói thế
khác.
Các Tỷ-kheo ngồi trong Chánh pháp đường, bàn luận về
vấn đề này của Trưởng lão. Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, các ông ngồi họp tại đây đang bàn
luận vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Làludàyi mới nhút
nhát quá đáng. Thuở trước, vị ấy cũng đã như vậy. Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện
quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại,
Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn ở xứ Kàsi. Khi lớn lên, Bồ-tát học
nghề ở Takkasilà xong đi về nhà, biết được cha mẹ nghèo khổ, và quyết định:" Ta
sẽ xây dựng lại gia đình bị sa sút".
Bồ-tát xin phép cha mẹ đi đến Ba-la-nại và trở
thành người hầu hạ vua, được vua thương mến.
Bấy giờ người cha Bồ-tát làm nghề cày ruộng với hai con
bò, nhưng một con vừa chết. Ông đi đến gặp Bồ-tát và nói:
- Này con thân, một con bò chết rồi, không thể cày
ruộng được nữa. Hãy xin vua một con bò khác.
- Thưa cha thân, con mới hầu vua không lâu. Nay con
xin bò không thích hợp. Cha hãy xin đi.
- Con thân, con không biết cha nhút nhát quá đáng.
Trước mặt hai ba người, cha không thể nói lên một lời. Nếu cha đi đến xin vua
một con bò, cuối cùng cha sẽ cho vua con bò còn lại này.
- Thưa cha thân, cha đừng giận con. Con không thể xin
vua nên con phải tập cho cha xin.
- Vậy thì hay lắm! Hãy tập cho cha xin đi.
Bồ-tát đem cha đến một nghiã địa có đám cỏ thơm, cột
từng nắm cỏ lại, rải cỏ chỗ này chỗ kia, và lần lượt chỉ cho cha:
- Ðây là vua, đây là phó vương, đây là tướng quân. Và
rồi Bồ-tát nói:
- Thưa cha thân, khi đi đến gặp vua, trước tiên cha nhớ
nói: Ðại vương muôn năm, và đọc bài kệ này, rồi xin con bò.
Và Bồ-tát dạy cha học thuộc lòng bài kệ này:
Thưa Ðại vương, thần có
Hai con bò cày ruộng,
Một con bị chết đi,
Thưa bậc Sát-đế-ly,
Hãy cho con bò khác!
Vị Bà-la-môn cần một năm để học thuộc lòng câu kệ này,
rồi nói với Bồ-tát:
-Này con thân ! Cha đã thuộc lòng những bài kệ này, cha
có thể nói lên bài kệ ấy với bất cứ ai. Hãy đưa cha đến hầu vua.
- Lành thay, thưa cha thân,
Vì vậy Bồ-tát đem theo quà tặng thích hợp, đưa cha đến
yết kiến vua. Vị Bà-la-môn nói:
- Ðại vương muôn năm!
Và ông dâng vua tặng phẩm. Vua hỏi:
- Này Somadatta, vị Bà-la-môn là gì đối với khanh?
- Thưa Ðại vương đó là cha thần.
- Ông đến đây có việc gì?
Lúc bấy giờ vị Bà-la-môn đọc bài kệ để xin bò:
Thưa Ðại vương, thần có Hai con bò cày ruộng, Một con
bị chết đi. Thưa bậc Sát-đế-ly, Hãy lấy con bò kia!
Vua biết vị Bà-la-môn nói sai, liền cười và nói:
- Này Somadatta, hình như ở nhà khanh có nhiều bò lắm
ư?
- Tâu Ðại vương, nếu có vậy là do Ðại vương ban cho.
Vua bằng lòng với câu trả lời Bồ tát, liền cho vị
Bà-la-môn mười sáu con bò với các dây đai trang sức, một ngôi làng để ở và bảo
đưa người cha về với nhiều nghi lễ long trọng. Vị Bà-la-môn leo lên cỗ xe do
ngựa Sindh toàn trắng kéo đi về làng với một số tùy tùng đông đảo trong cảnh
huy hoàng. Bồ tát ngồi trong xe cùng với cha và nói:
- Thưa cha thân, cả năm con đã dạy cha học thuộc lòng.
Khi thời cơ đến, cha lại cho vua con bò!
Rồi Bồ tát đọc bài kệ đầu:
Thường xuyên học thuộc lòng,
Không bao giờ phóng dật.
Cả năm trường như vậy,
Học với chùm cỏ thơm,
Khi đứng trước triều thần,
Trả lời sai ý nghĩa,
Thực hành không ích lợi
Vì trí tuệ ít ỏi.
Nghe Bồ tát nói vậy, vị Bà-la-môn đọc bài kệ thứ hai:
Sô-ma-đát-ta thân,
Người yêu cầu điều gì,
Giữa hai điều được một.
Hoặc không được gì cả,
Hoặc có được tài sản,
Pháp yêu cầu là vậy.
Bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Udàyi mới
nhút nhát quá đáng. Thuở xưa vị ấy cũng nhút nhát quá đáng như vậy rồi.
*
Sau khi thuyết Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện
Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, cha của Somadatta là Làludàyi, còn
Somadatta là Ta vậy.
-ooOoo-
212. CHUYỆN THỨC ĂN THỪA (Tiền thân
Uchitthabhatta)
Trên đầu sắc lại khác...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về sự
luyến ái người vợ cũ.
Tỷ-kheo ấy được bậc Ðạo Sư hỏi:
- Này Tỷ-kheo, nghe nói ông bị ái nhiễm?
Vị ấy đã trả lời:
- Có thực vậy.
- Ông luyến ái ai?
- Con luyến ái người vợ cũ.
Bậc Ðạo Sư nói:
- Này Tỷ-kheo, nữ nhân này thuở trước đã làm hại ông và
khiến ông ăn đồ ăn thừa của nhân tình nó.
Nói xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại,
Bồ tát sanh ra trong gia đình một người nhào lộn nghèo khổ, sống bằng cách ăn
xin. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ tát nghèo khổ, thiếu thốn, và xin ăn để
sống.
Lúc bấy giờ trong nước Kàsi, tại làng nhỏ, người vợ của
một Bà-la-môn có tà hạnh, theo ác pháp, thường hành động tội lỗi. Một hôm, vì
một vài công việc, vị Bà-la-môn đi ra ngoài, và người tình của nữ nhân ấy được
cơ hội liền lẻn vào nhà. Sau khi hành lạc với nữ nhân ấy xong, gã nói:
- Ta muốn ăn một chút gì rồi sẽ đi.
Bà ta liền sửa soạn đồ ăn, dọn cơm, hâm canh và cho
người tình ăn, còn mình đứng ở cửa canh chồng đi về.
Tại chỗ người tình ấy đang ăn, Bồ tát đứng chờ xin cơm,
và chứng kiến câu chuyện. Khi vị Bà-la-môn xong việc, ông trở về nhà. Nữ
Bà-la-môn thấy chồng về, liền đi nhanh vào nhà nói:
- Hãy đứng dậy, vị Bà-la-môn đang đi về!
Người vợ bảo tình nhân đi trốn vào kho chứa đồ, và
đón vị Bà-la-môn vào nhà. Khi vị Bà-la-môn ngồi xuống, bà vợ sửa soạn chỗ ngồi,
đưa nước rửa tay, và trên phần cơm nguội lạnh do người kia ăn thừa, bà thêm
phần cơm nóng và mời ông ăn. Vị Bà-la-môn đặt tay xuống cơm, thấy cơm dưới
nguội trên nóng suy nghĩ: "Cơm này có thể là cơm thừa của một người khác đã ăn
rồi". Ông liền hỏi nữ Bà-la-môn với bài kệ đầu:
Trên đầu sắc lại khác,
Phía dưới sắc lại khác,
Ta hỏi nữ Phạm chí,
Sao dưới vậy, trên vậy?
Nữ Bà-la-môn sợ việc làm của mình bị bại lộ, dầu vị
Bà-la-môn hỏi đi hỏi lại, vẫn giữ im lặng. Lúc bấy giờ, con người nhào lộn đang
đứng xin ăn ở ngoài cửa suy nghĩ: "Người đàn ông núp trong kho chứa đồ chắc là
tình nhân. Người này chắc là chủ nhà. Nữ Bà-la-môn sợ việc làm của mình bị bại
lộ nên không nói gì. Vậy ta hãy phô bày việc làm của nữ Bà-la-môn ấy, nói cho
vị Bà-la-môn biết chỗ nấp của người tình trong kho chứa đồ".
Bồ-tát liền đem toàn bộ câu chuyện nói cho vị Bà-la-môn
biết, từ khi ông đi ra khỏi nhà, người kia đi vào nhà, hành lạc, ăn cơm ngon,
và nữ Bà-la-môn đứng ở cửa nhìn ra đường bảo người kia núp xuống trong kho chứa
đồ. Người nhào lộn nói như vậy cho ông chủ nhà biết và đọc bài kệ thứ hai.
Kính thưa bậc Tôn giả
Tôi là người nhào lộn
Tôi đã đi đến đây,
Chỉ là để xin ăn,
Người núp trong kho chứa
Là người Tôn giả tìm.
Bồ-tát nắm búi tóc người tình địch, kéo gã ra khỏi kho
chứa, dặn nó chớ có làm việc ác như vậy nữa, rồi ra đi. Còn vị Bà-la-môn, đánh
và dạy cả hai người chớ làm ác như vậy nữa.
Rồi về sau ông mạng chung và đi theo nghiệp của mình.
*
Sau khi thuyết Pháp thoại này xong, bậc Ðạo Sư giảng
các Sự thật. Cuối bài giảng, vị Tỷ-kheo ấy đắc quả Dư lưu. Và Ngài nhận diện
Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, nữ Bà-la-môn là người vợ trước, vị
Bà-la-môn là vị Tỷ-kheo bị ái nhiễm, còn người nhào lộn là Ta vậy.
-ooOoo-
213.CHUYỆN VUA BHARU (Tiền thân Bharu)
Ta nghe vua Bharu...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về vua
Kosala.
Lúc bấy giờ, Thế Tôn được vua Kosala cung kính tôn
trọng đảnh lễ, cúng dường, nhận các tặng vật dồi dào như đồ ăn khất thực, sàng
toạ, dược phẩm trị bệnh. Chúng Tỷ-kheo cũng được cúng dường.
Hội chúng ngoại đạo thấy lợi dưỡng, danh vọng của họ bị
giảm thiểu bèn hội họp bí mật, ngày đêm thảo luận như sau:
- Từ khi Sa-môn Gotama xuất hiện, các lợi dưỡng danh
vọng của chúng ta bị tổn giảm. Sa-môn Gotama được lợi dưỡng và danh vọng tối
thượng. Vì nhân duyên gì, Sa-môn ấy được thành công như vậy ?
Một người trong hội chúng nói:
- Sa-môn Gotama có một trú xứ tối thượng, an toàn
nhất ở cõi Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ). Do vậy, Sa-môn Gotama được lợi dưỡng cung kính.
Ðể có lợi dưỡng, chúng ta cũng xây dựng một tịnh thất ngoại đạo ở bên cạnh Kỳ
Viên, như vậy chúng ta sẽ được cúng dường nhiều tặng vật.
Tất cả đi đến kết luận chung là như vậy.
Nhưng rồi họ nghĩ:"Nếu chúng ta không báo tin cho vua
biết việc xây tịnh thất này, thì các Tỷ-kheo sẽ ngăn chận chúng ta. Còn nếu vua
nhận được quà tặng, vua sẽ không ngần ngại phá trú xứ của họ. Do vậy chúng ta
phải hối lộ vua, và chúng ta sẽ lấy được chỗ làm tịnh thất.
Họ thỏa thuận yêu cầu các cận thần đem dâng vua một
trăm ngàn đồng và thưa:
- Thưa Ðại vương, chúng tôi muốn làm một tịnh thất
ngoại đạo ở bên cạnh Kỳ Viên. Nếu các Tỷ-kheo nói với Ðại vương: Chúng tôi
không cho phép làm, thì Ðại vương chớ trả lời họ.
Vì tham của hối lộ, vua chấp thuận việc ấy.
Hội chúng ngoại đạo được vua chấp thuận, liền mời một
kiến trúc sư bắt đầu công trình xây dựng, và gây tiếng ồn ào. Bậc Ðạo Sư hỏi:
- Này Ànanda, tiếng ồn ào ầm ĩ này là tiếng gì?
- Bạch Thế Tôn, các người ngoại đạo đang xây dựng
tịnh thất bên cạnh Kỳ Viên. Tiếng ồn ào nổi lên từ đấy.
- Này Ànanda, chỗ ấy không thích hợp cho tịnh thất
ngoại đạo. Các phái ngoại đạo ưa lớn tiếng ồn ào. Không thể sống với họ được.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư họp chúng Tỷ-kheo lại và nói:
- Này các Tỷ-kheo, hãy đi báo cho vua biết, yêu cầu
vua ngăn chận việc làm tịnh thất ngoại đạo.
Chúng Tỷ-kheo đi đến và đứng tại cửa hoàng cung. Vua
nghe chúng Tỷ-kheo đến, biết rằng họ đến để ngăn việc xây tịnh thất ngoại đạo.
Nhưng tự mình đã nhận tiền hối lộ, nên vua bảo người hầu cận ra nói rằng vua
không có ở nhà. Các Tỷ-kheo trở về trình bậc Ðạo Sư. Ngài biết vua nhận hối lộ
nên làm vậy. Ngài cử hai vị đại đệ tử ra đi. Vua nghe hai vị đại đệ tử đến,
cũng bảo người trả lời như trước. Hai vị đại đệ tử ấy trở về trình bậc Ðạo Sư.
Ngài nói:
- Này Xá-lợi phất, chắc chắn hôm nay vua không ở trong
nhà. Có lẽ vua đi ra ngoài.
Vào sáng hôm sau, bậc Ðạo Sư đắp y, cầm bát, cùng với
năm trăm Tỷ-kheo, đi đến cửa cung. Vua nghe chư vị đến, liền từ trên lầu bước
xuống cầm lấy bình bát của bậc Ðạo Sư. Vua cúng dường các món cơm cháo lên
chúng Tăng với đức Phật là vị lãnh đạo, và đảnh lễ bậc Ðạo Sư, rồi vua ngồi
xuống một bên.
Bậc Ðạo Sư bắt đầu thuyết giảng cho vua:
- Thưa Ðại vương, các vua thuở trước đã nhận của
hối lộ, do đó gây ra sự đấu tranh giữa các vị có giới đức, nên đã mất chủ quyền
nước mình và gặp đại nạn.
Nói vậy xong, theo lời yêu cầu của vua, bậc Ðạo Sư kể
lại câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, tại nước Bharu, vua Bharu trị vì quốc độ. Lúc
bấy giờ, Bồ-tát là vị khổ hạnh, đã đạt được năm Thắng trí và tám Thiền chứng,
là bậc sư trưởng một hội chúng, cư trú lâu ngày tại khu vực Tuyết Sơn.
Vì cần dùng muối và giấm, Bồ-tát cùng năm trăm vị
tu khổ hạnh từ Tuyết Sơn theo thứ tự đi đến thành Bharu. Tại đấy hội chúng khất
thực xong, đi ra khỏi thành, ngồi xuống gần cổng phương bắc, dưới gốc một cây
bàng đầy cành lá. Họ dùng cơm và trú ở đấy.
Bấy giờ, khi chúng đạo sĩ ấy sống tại đấy khoảng
nửa tháng, một vị sư trưởng hội chúng khác với năm trăm đạo sĩ cùng đi đến khất
thực trong thành xong, đi ra khỏi thành, ngồi xuống tại cổng phía nam, dưới một
gốc cây bàng tương tự. Sau khi ăn uống xong, họ cũng trú tại đấy. Như vậy hai
hội chúng đạo sĩ ăn uống ở đấy cho đến thỏa thích, rồi đi về Tuyết Sơn.
Khi hội chúng đi rồi, cây bàng ở cổng phía nam bị
khô héo. Lần sau, hai hội chúng ấy lại đến. Những vị trú ở cây bàng tại cổng
nam đến trước, và thấy cây bàng của mình bị khô héo. Sau khi đi khất thực, họ
ra khỏi thành đến gốc cây bàng tại cổng phía bắc. Ăn uống xong, họ sống ở tại
đấy. Các đạo sĩ của hội chúng kia đến sau, khất thực trong thành xong, đi đến
gốc cây của mình, ngồi ăn uống và cũng muốn trú tại đấy. Họ nói:
- Cây này không phải là cây của các ông. Chính là cây
của chúng tôi.
Như vậy, vì cái cây họ bắt đầu tranh cãi nhau. Cuộc
tranh cãi trở thành lớn chuyện. Một số đạo sĩ này nói:
- Các ông không được lấy chỗ của chúng tôi ở trước
kia.
Một số đạo sĩ khác nói:
- Lần này chúng tôi đến đây trước. Các ông không được
lấy chỗ này. Như vậy chúng tôi là chủ.
Và vì vấn đề gốc cây, cả hai hội chúng đi đến hoàng
cung. Vua quyết định cho hội chúng đạo sĩ đến ở trước tiên là chủ nhân của gốc
cây ấy. Nhóm kia nói với nhau:
- Nay chúng ta không thể nhịn thua những người này.
Với thiên nhãn họ nhìn xung quanh, thấy một hòm xe xứng
đáng là sở hữu của một vị đại vương, liền mang xe báu ấy hối lộ cho nhà vua và
thưa:
- Thưa Ðại vương, hãy làm cho chúng tôi thành người chủ
cái cây.
Nhà vua nhận hối lộ và quyết định cả hai hội chúng ở
đây đều là chủ nhân. Nhóm đạo sĩ kia đem lại những bánh xe bằng bạc của chính
hòm xe ấy, hối lộ vua và thưa:
- Thưa Ðại vương, hãy làm chúng tôi trở thành người
chủ độc nhất.
Vua làm đúng như vậy. Sau đó hai hội chúng đạo sĩ
suy nghĩ: "Chúng ta là những người đã đoạn tận dục về sở hữu và các dục gây
phiền não, xuất gia tu hành, nay lại vì một gốc cây mà sanh ra đấu tranh, rồi
đem của hối lộ. Ðây là việc không xứng đáng."
Họ ăn năn hối lỗi, và vội vã đi về Tuyết Sơn.
Chư thần trú trong toàn nước Bharu đều nhất trí phẫn nộ
đối với vua Bharu vì vua đã làm các vị có đức hạnh tranh đấu với nhau, một việc
làm không thích đáng. Họ liền dâng nước lên tràn ngập xứ Bharu đến ba trăm dặm
khiến cả nước ấy không còn nữa. Như vậy, chỉ vì vua Bharu toàn dân trong nước
Bharu gặp nạn diệt vong.
Sau khi kể câu chuyện quá khứ, bậc Ðạo sư nhân danh bậc
Chánh Ðẳng Giác, nói lên những bài kệ này:
Ta nghe vua Bha-ru,
Làm đạo sĩ đấu tranh,
Tự mình gặp đại nạn,
Cùng với cả quốc độ,
Như vậy vì tội ấy,
Vua đi đến diệt vong.
Vậy bậc trí không khen,
Dục chinh phục nội tâm,
Vị có tâm không nhiễm,
Nói toàn lời chân thật.
Khi bậc Ðạo sư thuyết Pháp thoại này xong, Ngài nói
với đức vua:
- Thưa Ðại vương, chớ để lòng dục ngự trị, làm cho hai
hội chúng xuất gia đấu tranh với nhau là việc không nên.
*
Rồi bậc đạo sư nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, Ta là người lãnh đạo nhóm các vị
hiền trí.
Khi cúng dường đức Như Lai xong, và bậc Ðạo sư đã
ra về, vua sai người đến phá hủy tịnh thất ngoại đạo, khiến các phái ngoại đạo
không có trú xứ.
-ooOoo-
214. CHUYỆN CON SÔNG ÐẦY (Tiền thân
Punna-Nadi)
Vật gì người ta nói...,
Câu chuyện này khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể về trí tuệ
Ba-la-mật.
Một thời đại chánh pháp đường, các Tỷ-kheo nói
chuyện liên hệ đến trí tuệ của Như lai:
- Thưa các Hiền giả, bậc Chanh đẳng giác có trí tuệ
vĩ đại, trí tuệ rộng rãi, minh trí, mẫn tiệp, trí tuệ sắc bén, trí tuệ thấu
triệt, và đầy đủ phương tiện.
Bậc Ðạo Sư đến và hỏi:
- Này các Tỷ-kheo, các ông hội họp ở đây đang bàn luận
vấn đề gì?
Khi nghe vấn đề trên, bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay, mà thuở trước
cũng vậy, Như Lai đã có trí tuệ và thiện xảo phương tiện.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại,
Bồ-tát sanh ra trong gia đình của vị cố vấn tế tự. Khi trưởng thành, vị ấy đi
học tất cả các nghề ở Takkasilà. Sau khi phụ thân mất, vị ấy nhận được chức vụ
cố vấn tế tự cho vua về thánh sự và tục sự.
Sau một thời gian, vua nghe theo lời gièm pha của các
nịnh thần, phẫn nộ không cho Bồ-tát ở gần, và tẩn xuất vị ấy ra khỏi thành
Ba-la-nại. Bồ-tát đem vợ con đi, và sống tại một làng nhỏ ở Kàsi.
Sau một thời gian, vua nhớ lại công đức của Bồ-tát,
suy nghĩ: "Nếu ta cử một sứ giả đi mời sư trưởng về, như vậy không thích hợp.
Ta hãy làm một bài kệ, viết trên lá cây, cho nấu thịt quạ, gói cả lá và thịt
trong miếng vải trắng, đóng dấu ấn của vua rồi gửi đi. Nếu sư trưởng là bậc
hiền trí, sau khi đọc tấm lá, và biết là thịt quạ, sư trưởng sẽ đến. Nếu không,
vị ấy sẽ không đến".
Vì vậy, nhà vua viết bài kệ này trên tấm lá:
Vật gì người ta nói
Uống được nước sông đầy?
Vật gì người ta nói
Ðược lúa mì che lấp?
Vật gì người ta nói
Người lữ hành đi xa?
Vật ấy, nay đã đến,
Hãy ăn, Bà-la-môn!
Như vậy vua viết bài kệ này trên lá, rồi gửi cho Bồ
tát. Bồ tát đọc thư tự nghĩ: "Vua muốn gặp ta" và đọc bài kệ thứ hai:
Vì vua còn nhớ ta,
Nên mới gởi cho quạ,
Ngỗng trời, hạc, chim công,
Vua cũng sẽ gửi thôi,
Nếu vua không gửi gì
Ấy là điều đáng ngại.
Bồ tát cho thắng bò vào xe và đi đến yết kiến vua. Vì
thế vua thoả mãn, đặt Bồ tát vào chức vụ cố vấn tế tự như cũ.
*
Bậc Ðạo Sư kể Pháp thoại này xong, liền nhận diện Tiền
thân:
- Lúc bấy giờ, vua là Ànanda, còn vị tế tự là Ta vậy.
-ooOoo-
215. CHUYỆN CON RÙA (Tiền thân
Kachapa)
Con rùa nói lên lời...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về
Kokàlika. Câu chuyện sẽ được kể trong Tiền thân Mahàtakkàra (số 481). Bấy giờ,
bậc Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Kokàlika mới bị
hại vì lời nói. Thuở trước, kẻ ấy cũng đã bị hại như vậy.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại,
Bồ-tát sanh ra trong gia đình một đại thần, khi lớn lên, trở thành vị cố vấn
của vua về thánh sự và thế sự. Nhưng vua có tánh hay nói nhiều. Khi vua nói,
không cho ai cơ hội xen vào. Và Bồ tát muốn ngăn chận vua nói nhiều, nên cố tìm
một cơ hội.
Lúc bấy giờ, trong khu vực Tuyết Sơn, một con rùa sống
ở một hồ nước. Hai con ngỗng trời trẻ đi tìm mồi, đến kết thân với con rùa ấy.
Dần dần, chúng trở thành rất thân thiết. Một hôm ngỗng trời con nói với rùa:
- Này bác rùa, chỗ chúng tôi ở tại Tuyết Sơn, trên
cao nguyên núi Cittakùta, trong một cái hang bằng vàng, trú xứ rất đẹp. Hãy đi
với chúng tôi nhé!
- Làm sao tôi đi được?
- Chúng tôi sẽ đưa bác đi, nếu bác có thể giữ gìn cái
miệng của bác và đừng nói một điều gì hết.
- Ðược, tôi sẽ giữ gìn. Hãy đem tôi đi.
Chúng chấp thuận, bảo con rùa ngậm một cây gậy, còn
chúng cắn vào hai đầu gậy, rồi bay lên hư không.
Bọn trẻ con trong làng thấy con rùa được các con ngỗng
trời trẻ đưa đi như vậy, liền la lên:
- Hai con ngỗng trời mang con rùa lên cái gậy!
Con rùa muốn nói lên: Nếu bạn ta đưa ta đi thì có
can hệ gì đến các ngươi, đồ bọn vô loại kia?
Trong khi ấy, hai con ngỗng trời đã bay mau đến khoảng
trên cung điện vua trong thành Ba-la-nại. Con rùa vừa nhả cây gậy định nói,
liền rơi xuống trong sân trống và bị vỡ làm hai. Khi ấy tiếng ồn ào nổi lên:
- Con rùa rơi trên sân trống đã bị vỡ làm hai rồi!
Vua đem theo Bồ tát, cùng với các đại thần vây quanh,
đi đến chỗ ấy, thấy con rùa, hỏi Bồ tát:
- Này bậc Hiền trí, vì sao con rùa này rơi xuống?
Bồ tát suy nghĩ: "Chờ đợi đã lâu, ta muốn giáo huấn vua
và đang tìm một phương tiện. Nay thời cơ đã đến. Chắc con rùa này kết thân với
những con thiên nga, được chúng đưa đi đến Tuyết Sơn. Chúng bảo rùa ngậm cây
gậy và đưa nó đi giữa hư không, rồi có lẽ con rùa nghe lời ai đó nói, không thể
giữ gìn cái miệng, nó muốn nói nên nhả cái gậy ra, liền rơi từ hư không xuống
như vậy, và đi đến chỗ chết". Và Bồ tát thưa với vua:
- Thưa Ðại Vương, những ai lắm mồm miệng, nói không
dừng nghỉ, đều phải gặp tai họa như vậy.
Rồi Bồ-tát đọc các bài kệ này:
Con rùa nói lên lời,
Lời nói tự hại mình,
Tuy khéo ngậm cái gậy,
Mở miệng tự sát hại.
Hãy thấy rõ điều này,
Bậc Nhân chủ vĩ đại,
Hãy nói lên vừa phải,
Cẩn thận nói đúng thời.
Kẻ nào nói nhiều lời,
Như con rùa gặp nạn.
Vua biết Bồ-tát kể chuyện này vì mình liền nói:
- Thưa bậc Hiền trí, có phải vì trẫm mà bậc Hiền trí
nói vậy?
Bồ-tát trình bày rõ ràng và trả lời:
- Dù Ðại vương hay người khác, nếu nói quá lượng
đều gặp nạn như vậy.
Từ đấy trở đi, vua bỏ tánh nói nhiều và trở thành nguời
ít nói.
*
Sau khi thuyết Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện
Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, con rùa là Kokàlika, hai con ngỗng trời
là hai vị Trưởng lão lừng danh, vua là Ànanda, còn vị đại thần hiền trí là Ta
vậy.
-ooOoo-
216. CHUYỆN CON CÁ (Tiền thân Maccha)
Không vì lửa này đốt...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một
người luyến ái với vợ cũ. Thế Tôn hỏi Tỷ-kheo ấy:
- Này Tỷ-kheo, có thật chăng ông bị ái nhiễm?
Tỷ-kheo đáp:
- Bạch Thế Tôn, có thật vậy.
Bậc Ðạo Sư hỏi:
- Vì ai?
- Bạch Thế Tôn, vì người vợ cũ.
Bậc Ðạo Sư nói với vị ấy:
- Này Tỷ-kheo, nữ nhân này đã đem tai hoạ cho ông.
Thuở xưa, vì nữ nhân này, ông gần bị cây cọc đâm và bị nướng trên lửa để làm đồ
ăn. Nhờ các bậc Hiền trí, ông được cứu mạng.
Rồi bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại,
Bồ-tát là vị cố vấn tế tự cho vua ấy. Một hôm, các người đánh cá kéo lên một
con cá bị mắc trong lưới, liền quăng con cá trên mặt cát nóng.
Họ đẽo nhọn một cái que và nghĩ:"Chúng ta sẽ nướng con
cá này trên than đỏ và ăn". Con cá nghĩ đến con cá cái, khóc than và đọc hai
bài kệ này:
Không vì lửa này đốt,
Không vì dùi nhọn đâm,
Vì cá cái nghi tôi
Vui chơi với cá khác!
Chính lửa tình đốt tôi!
Làm khổ tâm tư tôi.
Các ngài hãy thả tôi,
Ái dục không đáng chết!
Lúc bấy giờ Bồ-tát đi đến bờ sông nghe con cá ấy
than khóc, liền đi đến gặp các người thợ săn và can thiệp để họ thả con cá ấy.
*
Sau khi thuyết Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư thuyết
giảng các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo bị ái nhiễm đã đắc quả Dự lưu.
Và Ngài nhận diện Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, con cá cái là người vợ thuở trước,
Tỷ-kheo bị ái nhiễm là con cá, còn vị cố vấn tế tự là Ta vậy.
-ooOoo-
217. CHUYỆN NGƯỜI BÁN RAU (Tiền thân
Seggu)
Thế giới thích hoan lạc...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một nam
cư sĩ bán rau trái. Câu chuyện này đã được nói đến trong Chương một (số 102).
Tại đây, bậc Ðạo Sư hỏi nam cư sĩ ấy:
- Này nam cư sĩ, sao lâu ngày ông không đến?
- Bạch Thế Tôn, con gái của con thường hay cười. Sau
khi thử thách nó, con đã gả nó cho con trai một gia đình quý tộc. Vì phải làm
việc này, con không có dịp đến yết kiến Ngài.
Rồi bậc Ðạo Sư nói với nam cư sĩ ấy:
- Này nam cư sĩ, không phải chỉ nay con gái ông có giới
hạnh. Thuở trước, nàng cũng có giới hạnh rồi. Không phải chỉ nay ông mới thử
thách nàng. Thuở trước, ông cũng đã thử thách nàng.
Rồi theo lời nam cư sĩ yêu cầu, bậc Ðạo Sư kể câu
chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại,
Bồ-tát làm một vị thần cây.
Lúc bấy giờ, người nam cư sĩ buôn bán rau trái này
nghĩ: "Ta sẽ thử con gái của ta". Rồi ông đem cô vào rừng, cầm tay cô làm như
thể ông có ham muốn tội lỗi với cô. Sau đó người cư sĩ đọc bài kệ đầu với con
gái đang than khóc:
Thế giới thích hoan lạc,
Còn con gái của ta
Lại không khéo hiểu biết
Ðối với chuyện hạ liệt.
Nay con còn được gọi
Thiếu nữ đồng trinh chăng?
Bị ta bắt trong rừng,
Thôi con đừng khóc nữa!
Nghe vậy, cô con gái nói:
- Thưa cha thân, con vẫn là con gái! Con không biết gì
về dâm dục cả.
Rồi vừa khóc, cô vừa đọc bài kệ thứ hai:
Người đáng bảo vệ con
Khỏi buồn phiền đau khổ,
Người ấy là cha con,
Lại ác ý trong rừng,
Nay con khóc với ai,
Giữa núi rừng thanh vắng,
Người đáng bảo vệ con,
Lại muốn dùng sức mạnh?
Như vậy, người bán rau trái ấy thử con gái mình xong,
liền đưa cô về nhà, và gả cô cho một chàng trai tốt. Về sau, ông mạng chung và
đi theo nghiệp của mình.
*
Khi bậc Ðạo sư kể Pháp thoại này xong, Ngài thuyết
giảng các Sự thật. Cuối bài giảng, người bán rau chứng quả Dự lưu và Ngài nhận
diện Tiền thân:
- Lúc bây giờ người cha và cô con gái là hai người hiện
tại, còn vị thần cây chứng kiến câu chuyện ấy là Ta vậy.
-ooOoo-
218. CHUYỆN NGƯỜI LÁI BUÔN LỪA ÐẢO
(Tiền thân Kùtavànija)
Man trá trị man trá...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ Viên, bậc Ðạo Sư kể về một
người đi buôn lừa đảo.
Có hai người lái buôn ở Xá-vệ, một người lừa đảo và
một người lương thiện. Hai người này hùn vốn với nhau, chất đầy hàng hóa trên
năm trăm cỗ xe, di chuyển từ đông sang tây, buôn bán thâu hoạch lợi tức nhiều,
rồi đi trở về Xá-vệ.
Người lái buôn lương thiện nói với người lái buôn
lừa đảo:
- Thưa bạn, chúng ta sẽ chia hàng hoá.
Người lái buôn lừa đảo suy nghĩ:"Người này lâu ngày mệt
mỏi vì thiếu ăn thiếu ngủ. Nay về nhà, được ăn uống đầy đủ các món ngon đặc
biệt khác nhau sẽ chết vì không tiêu hóa được. Khi ấy tất cả hàng hóa thuộc về
ta". Vì vậy, anh ta nói:
- Sao các trời hôm nay không được tốt. Ngày cũng không
được lành. Mai mốt chúng ta sẽ tính việc ấy.
Anh ta cố tìm cớ trì hoãn. Nhưng người lương thiện cứ
thúc bách mãi nên họ cũng chia hàng hoá. Sau đó, vị ấy đem theo hương và vòng
hoa đi đến cúng dường bậc Ðạo Sư, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo
Sư hỏi:
- Ông về từ bao giờ?
- Bạch Thế Tôn, con về khoảng nửa tháng.
Ngài lại hỏi:
- Tại sao ông chậm đến thăm Như Lai?
Vị ấy trình câu chuyện trên. Bậc Ðạo Sư nói:
- Này nam cư sĩ, không phải chỉ nay kẻ ấy lừa đảo
như vậy. Thuở xua, kẻ đó cũng là người lái buôn lừa đảo.
Rồi theo lời yêu cầu của vị ấy, bậc Ðạo Sư kể câu
chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại.
Bồ-tát sanh ra trong gia đình của một đại thần. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài
đuợc cử làm quan tư pháp.
Lúc bấy giờ có hai người lái buôn, một người ở làng,
một người ở thành phố làm bạn với nhau. Người ở làng giao cho người ở thành phố
năm trăm lưỡi cày. Người ở thành phố bán những lưỡi cày ấy giữ lấy tiền, và tại
chỗ cất những luỡi cày ấy, anh ta rải phân chuột.
Sau một thời gian, người ở làng đến và nói:
- Hãy trả các lưỡi cày cho ta.
Người lái buôn lừa đảo nói:
- Các lưỡi cày của bạn đã bị chuột ăn hết!
Và anh ta chỉ những đống phân chuột. Người kia nói:
- Ôi! Những con chuột! Chúng mày đã ăn thì ta còn
làm gì được nữa?
Khi đi tắm, anh ta đem theo con trai của người lái buôn
lừa đảo, gửi nó trong nhà một người bạn và dặn không cho đứa bé đi đâu cả, cứ
bắt nó ngồi trong phòng. Sau khi tắm xong, anh ta đến nhà người lái buôn lừa
đảo. Người này hỏi:
- Con tôi đâu?
- Thưa bạn, tôi để con bạn trên bờ sông. Trong khi
tôi lặn dưới nước, thì một con diều hâu đến, giơ móng vuốt bắt con bạn và bay
lên không rồi. Tôi cố gắng đập nước, la lớn tiếng, nhưng không thể cứu nó được.
- Bạn nói láo con diều hâu không thể bắt đứa trẻ
đem đi được!
- Này bạn sự thật là vậy. Việc không đáng xảy ra
lại xảy ra, thì tôi làm gì được ? Con bạn đã bị con diều hâu bắt đi mất rồi!
Người kia mắng nhiếc:
- Ôi tên lừa đảo độc ác! Ôi kẻ giết người! Nay ta
sẽ đi đến quan tòa và kéo mày đến đấy!
Rồi anh ta ra đi. Người lái buôn ở làng nói:
- Hãy làm như ý bạn muốn.
Và anh ta đi đến pháp đường trình quan. Người lái
buôn lừa đảo nói với Bồ-tát:
- Thưa quan lớn, người này dắt con tôi đi tắm. Khi tôi
hỏi con tôi đâu rồi, anh ta nói nó đã bị con diều hâu bắt đi rồi. Xin ngài xử
vụ kiện này cho tôi.
Bồ-tát nói với người kia:
- Này ông, hãy khai sự thật.
- Thưa quan lớn, vâng đúng vậy. Tôi dẫn con nó đi, con
nó bị diều hâu tha rồi. Sự thật là như vậy, thưa ngài.
- Nhưng ở đời làm sao diều hâu lại tha đứa trẻ đi
được.
- Thưa quan lớn, tôi có một câu muốn hỏi ngài: Nếu các
con diều hâu không thể bắt đứa trẻ và bay lên không được, thì làm sao các con
chuột lại ăn những lưỡi cày?
- Ông muốn nói gì thế?
- Thưa quan toà, tôi có cất tại nhà người này năm trăm
lưỡi cày. Khi tôi hỏi, anh ta nói những lưỡi cày ấy đã bị chuột ăn. Rồi anh ta
chỉ cho tôi đống phân của các con chuột đã ăn các lưỡi cày. Thưa quan lớn, nếu
các con chuột ăn được lưỡi cày thì các con diều hâu cũng có thể mang đi các đứa
trẻ. Nếu các con chuột không ăn được thì các con diều hâu cũng sẽ không mang
đứa trẻ đi được. Anh ta nói các con chuột đã ăn các lưỡi cày, xin ngài hãy phán
xét chúng có thể bị ăn hay không thể bị ăn. Hãy xử vụ kiện này cho tôi.
Bồ-tát biết anh ta nghĩ ra cách man trá để đối trị với
cách man trá của tên kia, nên ngài nói:
- Thật là một sự suy nghĩ khôn ngoan!
Rồi Bồ-tát đọc hai bài kệ này:
Man trá trị man trá,
Ðây thật suy tính hay,
Dùng lừa đảo phản công
Ðối trị kẻ lừa đảo
Nếu cho rằng loài chuột
Có thể ăn lưỡi cày,
Thì sao các diều hâu
Lại không mang đứa trẻ?
Có những kẻ lừa đảo,
Lừa đảo kẻ lừa đảo,
Có những kẻ lường gạt
Lường gạt kẻ lường gạt!
Mất con, ông hãy cho
Lưỡi cày kẻ đã mất.
Người đã mất lưỡi cày,
Hãy trả con người khác!
Như vậy kẻ mất con nhận lại con, và kẻ mất lưỡi cày
nhận lại lưỡi cày. Và về sau, cả hai đi theo nghiệp của mình khi mạng chung.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền
thân:
- Người lái buôn lừa đảo thời bấy giờ và người ngày nay
là một, người lái buôn lương thiện cũng là người hiện tại. Và vị quan tư pháp
là Ta vậy.
-ooOoo-
219. CHUYỆN ÐÁNG CHỈ TRÍCH (Tiền thân
Garahita)
Vàng ròng là của tôi...,
Câu chuyện này, khi ở Kỳ viên, bậc Ðạo sư kể về một
Tỷ-kheo thối thất tinh tấn và không hoan hỷ.
Vị này không thể tập trung tư tưởng vào một đối tượng
độc nhất, và sống với tâm luôn luôn bất mãn. Tăng chúng đưa Ty-kheo ấy đến bậc
Ðạo Sư. Ngài hỏi:
- Có thật chăng ông thối thất tinh tấn ?
Vị ấy trả lời:
- Thật vậy, vì con bị phiền não chi phối !
Bậc Ðạo Sư nói với Tỷ-kheo ấy:
- Này Tỷ-kheo, phiền não này, thuở trước, đã bị ngay
các loài bàng sanh khinh miệt. Ông đã xuất gia trong Giáo pháp này, sao lại
thối thất tinh tấn, vì bị chi phối bởi thứ phiền não mà ngay các loài bàng sanh
cũng khinh miệt?
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại,
Bồ-tát sanh ra làm con khỉ chúa ở khu vực Tuyết Sơn. Bồ-tát bị một người đi
rừng bắt đem về dâng vua. Sống lâu ngày trong cung vua, làm đầy đủ các bổn
phận, Bồ-tát rõ biết việc làm, nếp sống trong thế giới loài người. Vua bằng
lòng với sự phục vụ của khỉ chúa, liền cho gọi người thợ rừng và ra lệnh thả
khỉ chúa tại chỗ trước kia nó đã bị bắt. Người đi rừng làm đúng như lệnh
truyền. Khi đàn khỉ biết được Bồ-tát đã về, chúng đến thăm, và hội họp trên một
tảng đá lớn. Sau khi chào đón hỏi thăm Bồ-tát, chúng nói:
- Thưa chúa khỉ, trong thời gian dài như vậy, ngài
sống ở đâu ?
- Trong cung vua tại Ba-la-nại, vua dùng ta như con khỉ
làm trò mua vui và bằng lòng vì sự phục vụ của ta, nên đã thả ta.
Các con khỉ ấy hỏi:
- Chắc ngài biết cách sống của loài người. Hãy nói cho
chúng tôi biết. Chúng tôi muốn nghe chuyện ấy.
- Chớ có hỏi ta về nếp sống của loài người.
- Hãy nói đi, chúng tôi muốn nghe.
Bồ-tát nói:
- Loài người dầu là Sát-đế-ly hay Bà-la-môn đều nói:
Ðây là tài sản của tôi!. Họ không hiểu tánh vô thường làm cho mọi vật biến
hoại. Các bạn hãy nghe những hành động của những kẻ mù lòa ngu si ấy.
Rồi Bồ-tát đọc những bài kệ này:
Vàng ròng là của tôi,
Vàng quý là của tôi !
Như vậy suốt ngày đêm,
Chúng rêu rao lớn tiếng,
Những người ngu si ấy
Không nhìn đến Chánh pháp.
Trong nhà, có hai chủ,
Một chủ không có râu,
Vú dài, có tóc bện,
Hai tai có đâm lỗ,
Ðược mùa với nhiều tiền,
Làm khổ đau mọi người.
Nghe vậy, tất cả đều nói:
- Chớ nói, chớ nói nữa chúng tôi vừa nghe điều
không đáng nghe !
Chúng bịt chặt tai với hai tay. Và chúng không ưa chỗ
ấy vì chúng nói:
- Tại chỗ này chúng ta đã nghe một điều không xứng
đáng nghe!
Vì vậy chúng đi chỗ khác. Tảng đá chúng ngồi được
gọi là tảng đá bị chỉ trích, người ta nói như vậy.
*
Khi bậc Ðạo sư kể Pháp thoại xong, Ngài thuyết giảng
các Sự thật. Cuối bài giảng ấy, vị Tỷ-kheo đắc quả Dự lưu và ngài nhận diện
tiền thân:
- Lúc bấy giờ, đàn khỉ là hội chúng đức Phật, còn khỉ
chúa là Ta vậy.
-ooOoo-
220. CHUYỆN TẾ SƯ DHAMMADHAJA (Tiền
thân Dhammadhaja)
Ngài sống vẻ an lạc...,
Câu chuyện này, khi ở Trúc Lâm, bậc Ðạo Sư kể về những
âm mưu sát hại Ngài, Lúc bấy giờ Ðạo Sư nói:
- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay, mà thuở trước
cũng vậy, Ðề-bà-đạt-đa đã âm mưu sát hại ta, nhưng dù chỉ làm Ta sợ hãi cũng
không thành.
Nói vậy xong, bậc Ðạo Sư kể câu chuyện quá khứ.
*
Thuở trước, vua Yasapàni trị vì ở Ba-la-nại, vua có một
vị tướng quân tên là Kàlaka (Hắc nhân). Lúc bấy giờ, Bồ-tát là vị cố vấn tế tự
tên là Dhammaddahaja (Ngọn cờ Chánh pháp). Vua có một người thợ hớt tóc và làm
đồ trang sức đầu tóc cho vua tên là Chattapànì (Người cầm dù).
Vua trị vì theo Chánh pháp. Nhưng vị tướng quân lo
việc xử kiện thường ăn hối lộ và hay gièm pha. Khi đã lấy hối lộ, ông lừa đảo
và chiếm đoạt tài sản của những người sở hữu chủ chính đáng.
Một hôm, một người bị thua trong một vụ kiện, hoa tay
khóc lóc, khi đi ra khỏi pháp đình, thấy Bồ-tát đang hầu vua, liền gieo mình
xuống chân Bồ-tát và thưa:
- Thưa ngài, trong khi ngài khuyến giáo vua về thánh sự
và tục sự, thì tướng quân Kàlaka lấy hối lộ, làm các người sở hữu chủ phải mất
tài sản.
Và ông ta thuật lại vụ kiện của mình. Bồ-tát động
mối bi tâm nói:
- Này bạn, hãy đi theo ta, ta sẽ xử vụ kiện cho
bạn.
Bồ-tát đưa người ấy đến pháp đường. Một số đông quần
chúng tụ họp lại. Bồ-tát xử vụ kiện của người ấy, và khiến người sở hữu chủ
được lấy lại tài sản. Quần chúng đều hoan hô. Tiếng hoan hô làm thành tiếng ồn
ào lớn. Vua nghe tiếng ồn ào liền hỏi:
- Tiếng ồn ào gì vậy?
- Thưa Ðại vương, một vụ kiện xử sai đã được bậc trí
Dhammaaddhaja xử lại đúng pháp, vì vậy đó là tiếng ồn ào do quần chúng hoan hô.
Vua bằng lòng, bảo mời Bồ-tát đến và hỏi:
- Thưa Sư trưởng, trẫm nghe nói Sư trưởng mới xử kiện?
- Thưa Ðại vương, phải. Thần vừa xử xong một vụ kiện mà
tướng quân Kàlaka đã xử sai.
Vua nói:
- Bắt đầu từ nay, Sư trưởng hãy xử các vụ kiện. Ðôi
tai trẫm sẽ sung sướng, và thế giới sẽ tăng thịnh.
Bồ-tát không muốn xử kiện. Nhưng vua yêu cầu:
- Vì thương xót mọi loài hữu tình, Sư trưởng hãy ngồi
xử kiện.
Vì vậy Bồ-tát nhận lời.
Từ đấy trở đi Bồ-tát ngồi xử kiện, và xử cho người sở
hữu chủ chính đáng được thắng kiện. Còn Kàlaka không được tiền hối lộ, lợi
dưỡng bị hao hụt nên bắt đầu gièm pha Bồ-tát trước mặt vua. Ông ta tâu với vua:
- Thưa Ðại vương, Dhammaddhaja muốn đoạt quốc độ của
ngài.
Vua không tin và bảo ông ta đừng nói như vậy nữa.
Kàlaka nói:
- Nếu Ðại vương không tin thần, khi nào Dhammaddhaja đi
đến hầu, Ðại vương hãy nhìn qua cửa sổ, rồi Ðại vương sẽ thấy Dhammaddhaja đã
làm cho toàn thành phố nằm trong tay của ông ta.
Vua thấy đám người được Bồ-tát xử kiện, tưởng rằng đấy
là hội chúng của Bồ-tát. Vua sinh lòng nghi ngờ Bồ-tát và hỏi:
- Này tướng quân, nay chúng ta phải làm gì?
- Thưa thiên tử, hãy giết nó.
- Chúng ta không thấy nó phạm trọng tội nào, làm
sao ta giết nó được?
- Ðã có một cách.
- Cách gì vậy?
- Hãy bảo nó làm một việc không thể làm được. Khi nó
làm không được, ta lấy tội ấy, và ta sẽ giết nó.
- Nhưng việc gì không thể làm được?
- Thưa Ðại vương, một khu vườn có đất tốt, được
trồng cây và chăm sóc phải cần từ hai đến bốn năm mới sanh trái được. Ðại vương
hãy cho gọi nó đến và bảo: "Ngày mai, trẫm muốn đến chơi tại một khu vườn. Hãy
làm cho trẫm một khu vườn". Nó sẽ không thể làm được. Chúng ta nhân tội ấy sẽ
giết nó.
Vua mời Bồ-tát đến nói:
- Thưa bậc Hiền trí, Trẫm đến chơi tại khu vườn cũ
lâu ngày đã chán. Nay trẫm muốn đến chơi ở một khu vườn mới. Hãy xây dựng cho
trẫm một khu vườn mới. Nếu khanh không làm được việc ấy, khanh sẽ mất mạng.
Bồ-tát biết: "Có lẽ vì Kàlaka không nhận được tiền
hối lộ, nên nó làm cho vua chống đối ta". Bồ-tát nói với vua:
- Thưa Ðại vương, thần biết thần sẽ lo việc ấy.
Rồi đi về nhà, sau bữa ăn, Bồ-tát nằm trên giường suy
nghĩ.
Lúc ấy chiếc ngai của Ðế Thích (Thiên chủ Sakka) trở
thành nóng. Ðế Thích hướng tâm suy nghĩ, biết rằng Bồ-tát đang gặp khó khăn,
liền vội vàng hiện đến phòng ngủ của ngài, đứng trên không và hỏi:
- Thưa bậc Hiền trí, ngài đang suy nghĩ gì?
- Người là ai?
- Ta là Ðế Thích.
- Vua bảo ta làm một khu vườn, nên ta suy nghĩ về
vấn đề ấy.
- Thưa bậc Hiền trí, chớ lo âu, tôi sẽ làm cho ngài một
khu vườn như rừng Nandana, như rừng Cittalata ở thiên giới. Ta sẽ làm tại chỗ
nào?
- Hãy làm tại chỗ ấy.
Ðế Thích làm khu vườn xong, đi về thành chư Thiên.
Ngày hôm sau, tận mắt thấy khu vườn, Bồ-tát đi bảo
cho vua:
- Thưa Ðại vương, khu vườn đã làm xong cho ngài, xin
hãy đi đến tiêu khiển.
Vua đi đến, thấy khu vườn có thành bao vây, rộng mười
tám khuỷu tay, có sắc đỏ, có các cửa và vọng lầu, được tô điểm với nhiều loại
cây nặng trĩu hoa và trái! Vì vậy vua nói với Kàlaka:
- Bậc hiền trí đã làm như lời ta nói. Nay chúng ta phải
làm gì?
- Thưa Ðại vương, nếu nó có thể làm một ngôi vườn
trong đêm, thời sao nó không thể cướp đoạt vương quốc?
- Nay chúng ta phải làm cái gì?
- Chúng ta có thể bảo nó làm một việc khác không
thể làm đưọc.
- Việc gì vậy?
- Chúng ta bảo nó làm một cái hồ bằng bảy báu.
Vua nói:
- Tốt lắm,
Và vua cho gọi Bồ-tát đến và bảo:
- Thưa Sư trưởng, Sư trưởng đã làm xong khu vườn. Sư
trưởng hãy làm một cái hồ bảy báu tương xứng với khu vườn này. Nếu không thể
làm được, mạng sống của khanh không còn nữa.
Bồ-tát thưa:
- Tốt lắm, thưa Ðại vương, có thể thần sẽ làm được.
Rồi Ðế Thích làm một cái hồ tuyệt đẹp, có một trăm cái
bến, có một ngàn khúc cong, trên che kín với sen năm sắc, giống như hồ trong
vườn Nandana ở thiên giới.
Hôm sau, Bồ-tát tận mắt thấy cái hồ ấy liền báo cho vua
biết:
- Thưa thiên tử, cái hồ đã làm xong cho ngài.
Vua thấy cái hồ, lại bảo Kàlaka:
- Nay chúng ta phải làm gì?
- Thưa Ðại vương, hãy bảo nó làm một cái nhà tương xứng
với khu vườn.
Vua bảo Bồ-tát:
- Thưa Sư trưởng, nay hãy làm một ngôi nhà toàn bằng
ngà tương xứng với khu vườn và cái hồ này! Nếu khanh không làm đưọc, mạng sống
của khanh sẽ không còn.
Và Ðế Thích làm một ngôi nhà đúng như vậy.
Hôm sau, Bồ-tát tận mắt thấy ngôi nhà liền báo cho vua
biết. Vua thấy ngôi nhà ấy hỏi Kàlaka:
- Nay chúng ta phải làm gì?
Thưa Ðại vương, hãy bảo nó làm một hòn ngọc tương xứng
với ngôi nhà.
Vua bảo Bồ-tát:
- Này bậc hiền trí, hãy làm một hòn ngọc tương xứng với
ngôi nhà bằng ngà này. Với ánh sáng hòn ngọc, trẫm sẽ đi dạo chơi trong nhà.
Nếu khanh không làm đưọc, khanh sẽ không còn mạng sống nữa.
Rồi Ðế thích làm xong hòn ngọc. Hôm sau Bồ-tát tận mắt
thấy hòn ngọc, liền trình vua. Vua hỏi Kàlaka nên làm gì, Kàlaka thưa:
- Thưa Ðại vương, thần nghĩ có một vị thần nào đó
đã làm theo ý muốn của Bà-la-môn Dhammaddhaja, nay hãy bảo nó làm một cái gì mà
ngay các vị thần cũng không làm được. Các vị thần không thể làm được một con
người đầy đủ bốn đức tánh. Do vậy, Ðại vương hãy bảo nó làm một con người giữ
vườn đầy đủ bốn đức tính.
Vua bảo Bồ-tát:
- Này Sư trưởng, Sư trưởng đã làm xong cho chúng ta
một khu vườn, một cái hồ, một cung điện bằng ngà, một hòn ngọc chiếu tỏa ánh
sáng. Nay khanh hãy làm một người giữ vườn đầy đủ bốn đức tánh để bảo vệ khu
vườn của ta. Nếu khanh không thể làm được, khanh sẽ mất mạng.
Bồ-tát đáp:
- Thưa vâng, nếu có thể, sẽ lo làm việc ấy.
Rồi ngài đi về nhà. Sau buổi ăn ngon, ngài nằm nghỉ.
Sáng sớm, ngài thức dậy ngồi trên mặt giường suy nghĩ: "Thiên chủ Ðế Thích đã
làm những gì có thể làm được, nhưng Ðế Thích không có thể làm con người giữ
vườn đầy đủ bốn đức tánh. Sự việc là như vậy, thà chết cô độc trong rừng tốt
hơn là chết trong tay người khác".
Vì vậy, không nói với một ai, Bồ-tát từ lầu đi xuống,
ra khỏi thành bằng cổng chính, vào rừng và ngồi dưới một gốc cây suy tư về
thiện pháp. Ðế Thích biết sự việc ấy, hóa làm một người thợ rừng, đến gặp
Bồ-tát và thưa:
- Thưa ngài Bà-la-môn, ngài được nuôi dưỡng tế nhị, sao
lại đi vào rừng này ngồi làm gì?
Ðể hỏi ý nghĩa này, Ðế thích đọc bài kệ đầu:
Ngài sống vẻ an lạc,
Sao bỏ nước vào rừng?
Như một người khốn khổ
Một mình dưới gốc cây,
Ngồi thẫn thờ sầu muộn?
Nghe vậy, Bồ-tát đọc bài kệ thứ hai:
Ta sống vẻ an lạc
Nhưng bỏ nước vào rừng,
Như một người khốn khổ
Cô độc ngồi gốc cây Suy tư về Thánh pháp.
Rồi Ðế Thích thưa:
- Thưa ngài Bà-la-môn, sự việc là như vậy, sao ngài
ngồi tại chỗ này?
- Vua bảo làm một người giữ vườn đầy đủ bốn đức
tánh và vì không có thể làm được một người như vậy, nên ta suy nghĩ: Sao ta lại
chết trong tay người khác? Ta sẽ vào rừng, và chết cô độc ở đó. Vì vậy nên ta
đến đây.
- Thưa ngài Bà-la-môn, tôi là thiên chủ Ðế Thích, tôi
đã làm ngôi vườn v.v... cho ngài. Tôi không thể làm một người đầy đủ bốn đức
tánh, nhưng trong nước của vua có một thợ hớt tóc tên là Chattapàni đầy đủ bốn
đức tánh. Nếu phải có một người giữ vườn, hãy giới thiệu người hớt tóc này là
người giữ vườn.
Ðế Thích khuyên nhủ Bồ-tát, an ủi Bồ-tát chớ sợ gì nữa,
rồi đi về thành phố chư Thiên.
Bồ-tát về nhà, ăn sáng xong đi đến cửa cung, thấy
Chattapàni tại đấy. Ngài cầm tay anh ta và hỏi:
- Thưa bạn Chattapaàni, nghe nói bạn có đủ bốn đức
tánh phải không?
Chattapàni nói:
- Ai bảo ngài tôi có đầy đủ bốn đức tánh?
- Chính thiên chủ Ðế Thích!
- Vì nguyên nhân gì Ðế Thích nói vậy?
Bồ-tát kể lại tất cả câu chuyện và nói lý do ấy.
Anh ta đáp:
- Thưa vâng, tôi có bốn đức tánh.
Bồ-tát liền cầm tay Chattapàni đi đến yến kiến vua và
thưa:
- Thưa Ðại vương, Chattapàni nầy có đủ bốn đức tánh.
Nếu cần một người giữ vườn, Ðại vương hãy bảo người này giữ vườn.
Vua hỏi Chattapàni:
- Có thật là khanh đầy đủ bốn đức tánh?
- Thưa vâng, tâu Ðại vương.
- Khanh có bốn đức tánh nào?
Vị ấy đọc bài kệ này:
Tôi không có ganh tị,
Tôi cũng không uống rượu,
Tôi không có ái nhiễm,
An trú không phẫn nộ,
Thiên tử, tôi là vậy.
Vua hỏi:
- Này Chattapàni, có phải khanh nói: Tôi không có ganh
tỵ?
- Ðúng vậy, thưa Thiên tử.
- Thấy những duyên cớ gì, khanh không có ganh tỵ?
- Thưa Ðại vương, hãy nghe đây.
Chattapàni đọc bài kệ này, nói lên tính không ganh tỵ
của mình:
Xưa vì một nữ nhân,
Là vua, tôi ra lệnh
Bắt trói vị tế sư,
Nhưng vị ấy dạy tôi
An trú vào Thánh pháp,
Do vậy tôi không ganh.
Rồi vua hỏi Chattapàni:
- Này Chattapàni, do thấy tác hại gì, khanh là người
không uống rượu?
Chattapàni đọc bài kệ này:
Kính thưa bậc Ðại vương,
Xưa tôi uống rượu say,
Tôi đã ăn cả thịt
Chính đứa con trai tôi,
Tôi khổ đau sầu muộn, Thề từ bỏ uống rượu.
Rồi vua lại hỏi:
- Này bạn, do thấy duyên cớ gì bạn không còn ái nhiễm?
Chattapàni nói lên duyên cớ ấy với một bài kệ này:
Xưa tôi chính Ðại vương
Tên Kì-ta-và-sa,
Con tôi đã làm vỡ
Bình bát Ðộc Giác Phật,
Và nó phải mệnh chung.
Do vậy, không ái nhiễm.
Vua tiếp tục hỏi Chattapàni:
- Do duyên cớ gì, bạn trở thành người không phẫn nộ?
Chattapàni nói lên duyên cớ ấy với một bài kệ này:
Tôi là A-ra-ka,
Bảy năm tu từ tâm,
Bảy kiếp sống Phạm thiên,
Do vậy, không phẫn nộ.
Khi Chattapàni đã nói lên bốn đức tánh của mình, vua
khen ngợi Bồ-tát trước hội chúng. Ngay lúc ấy, các vị đại thần, Bà-la-môn, gia
chủ v.v... đều đứng dậy, và la lớn:
- Ôi, đồ ăn hối lộ! Ôi kẻ ăn trộm ác độc! Ngươi không
được của hối lộ, nên nói xấu bậc hiền trí và muốn giết vị ấy.
Họ bắt giữ Kàlaka, kéo ông ta ra khỏi cung vua, rồi
chụp lấy bất cứ vật gì, kẻ lấy đá, người lấy côn, họ đánh ông ta vỡ đầu và chết
ngay. Xong họ nắm chân ông ta lôi đi và quăng xác trên đống phân.
Từ đó về sau, vua trị nước thật đúng pháp, rồi đi theo
nghiệp của mình lúc mệnh chung.
*
Sau khi kể Pháp thoại này, bậc Đạo sư nhận diện
Tiền thân:
- Lúc bấy giờ, tướng Kàlaka là Ðề-bà-đạt-đa, người thợ
hớt tóc Chattapàni là Xá-lợi-phất, còn Dhammaddaja là Ta vậy.
-ooOoo-
Đầu trang
| Mục lục |
01 | 02 | 03 |
04 | 05 | 06 |
07 | 08 | 09 | 10 |
11 | 12 | 13 |
14 | 15
|