Trung Tâm Hộ Tông Trang Chủ


Tiểu Bộ Kinh - Tập VI

Chuyện Tiền Thân Đức Phật (III)

Hòa thượng Thích Minh Châu và Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt


Chương IV (tiếp theo)


326. Chuyện Thiên Hoa Kakkàru (Tiền thân Kakkàru)

Kẻ nào giữ mình không trộm cắp ...,

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên, cách Ðề-bà-đạt-đa đã gây ra sự ly gián trong Giáo đoàn như thế nào, rồi sau đó bỏ đi với các đệ tử trưởng của ông, và khi đám này tan rã, ông hộc ra một dòng máu nóng.

Các Tỷ-kheo đem chuyện ấy bàn trong Pháp đường và bảo rằng Ðề-bà-đạt-đa đã dùng vọng ngôn gây nên sự ly gián kia, sau đó mang bệnh, và chịu bao nhiêu đau đớn. Bậc Ðạo Sư bước vào hỏi các Tỷ-kheo đang họp nhau ngồi bàn tán chuyện gì. Sau khi nghe kể lại, Ngài dạy:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ mà từ xưa kia, ông ta cũng đã là một kẻ nói dối; và không phải chỉ bây giờ mà từ xưa kia, ông ta cũng đã phải chịu khổ đau vì nói dối.

Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-lai-nại, Bồ-tát là một vị thần ở cõi trời Ba mươi ba. Bấy giờ có một cuộc lễ lớn tại Ba-la-nại, Một đám đông rắn thần Nàga và chim Kim sí điểu Garuda cùng các địa thần đến dự lễ. Và bốn Thiên thần từ cõi trời Ba mươi ba mỗi vị mang một tràng thiên hoa Kakkàru cũng đến dự lễ. Suốt trong khoảng mười hai dặm của thành phố đều sực nước hương thơm của các hoa ấy. Mọi người đều xôn xao, tự hỏi không biết các vị mang các bông hoa ấy là ai. Các Thần nói:

- Họ đang nhìn chúng ta đấy.

Rồi từ sân điện bay lên và dùng thần lực đứng ngay trên không. Ðám đông tụ tập lại, vua cùng các hoàng tử theo vua đến hỏi các vị thần ấy từ cõi nào đến:

- Chúng ta từ cõi trời Ba mươi ba đến .

- Các ngài định đến đây để làm gì?

- Ðể dự lễ.

- Các hoa này là hoa gì thế?

- Chúng tên là thiên hoa Kakkàru.

- Thưa các ngài, ở thế giới thiên thần,các ngài có thể đeo hoa khác. Hãy cho chúng tôi hoa này đi.

Các thần trả lời:

- Các hoa này chỉ xứng với những vị thần có đại lực; còn đối với hạng thấp kém, những kẻ ngu si, tội lỗi trong cõi người thì hoa này không xứng hợp. Nhưng những ai trong cõi người có được những đức hạnh như thế ... như thế... thì những bông hoa này xứng hợp với họ.

Rồi vị trưởng các Thần ấy đọc lên bài kệ đầu:

Kẻ nào giữ mình không trộm cắp.
Miệng lưỡi luôn tránh tật dối lời
Ðạt nên danh vọng cao vời.
Giữ tâm yên ổn - xứng đòi hoa đây.

Nghe thế, một vị giáo sĩ hoàng gia tự nghĩ: "Ta chẳng có một đức tính nào trong các đức tính nói trên, nhưng ta sẽ nói dối để có được những bông hoa này. Ðược như thế mọi người sẽ tin rằng ta có các tính hạnh ấy". Rồi ông ta nói:

- Tôi có đủ những đức tính ấy.

Thế là ông ta được trao hoa để mang. Rồi ông ta đến xin vị thần thứ hai, vị này đọc bài kệ thứ hai:

Kẻ nào kiếm tiền tài chân thật
Tránh gian manh để đạt giàu sang
Thú vui quá độ, tránh luôn,
Xứng phần được đóa thi
ên hương đây này.

Giáo sĩ nói:

- Tôi đầy đủ những đức tính ấy.

Và thế là ông ta được trao hoa để mang. Rồi ông đến xin vị thần thứ ba, vị này đọc bài kệ thứ ba:

Kẻ nào chẳng lệch xa mục đích,
V
à lòng tin bất dịch chẳng rời,
Thức ăn ngon chẳng đoái hoài,
Chánh chân đòi hỏi hoa trời này đây.

Vị giáo sĩ nói:

- Tôi đầy đủ những đức tính ấy.

Thế là ông ta được trao hoa để mang. Rồi ông đến xin vị thần thứ tư, vì này đọc bài kệ thứ tư:

Kẻ nào chẳng phê bình người tốt
Dù sau lưng hay trước mặt người
Làm tròn việc đúng như lời,
Xứng đ
òi phần thưởng hoa trời này đây.

Giáo sĩ nói:

- Tôi đầy đủ các đức tính này.

Và ông được trao hoa để mang.

Như vậy các vị Thần tặng bốn tràng hoa cho giáo sĩ rồi quay về cõi trời. Khi các Thần vừa ra đi, giáo sĩ bị một cơn đau khốc liệt tấn công, ở trong đầu như có mũi nhọn đâm và như có đồ vật bằng sắt đập vào. Cuồng trí vì đau đớn, ông lăn lộn vật vã và kêu la ầm ĩ. Khi mọi người hỏi:

- Thế này là sao?

- Tôi tự xưng có những đức hạnh mà tôi vốn không có. Tôi đã nói dối để xin các Thần ấy những bông hoa này, hãy gỡ hoa ra khỏi đầu tôi.

Họ liền gỡ hoa ra nhưng không được vì hoa đã gắn chặt như một vành sắt. Thế rồi họ đỡ ông ta lên và đưa ông về nhà. Vua bảo các cận thần:

- Bà-la-môn ác hạnh kia sắp chết, ta nên làm gì đây?

- Tâu Ðại vương - các quan đáp - chúng ta hãy tổ chức một lễ hội. Các Thiên Thần sẽ trở lại.

Vua liền tổ chức một lễ hội và các Thiên Tử ấy trở lại và làm ngập tràn thành phố với hương thơm của các bông hoa kia, họ đứng tại chỗ cũ trong sân chầu. Dân chúng tụ tập và mang Bà-la-môn ác hạnh kia, đặt nằm sấp xuống trước các Thiên thần. Ông ta van xin các Thần:

- Kính lạy các ngài, xin hãy tha mạng cho tôi.

Các Thần bảo:

- Các bông hoa này không thích hợp với một kẻ độc ác xấu xa. Trong tâm, ông đã định lừa dối chúng ta và ông đã phải nhận lấy hậu quả của những lời ông nói dối.

Sau khi quở trách mọi người, các Thần gỡ tràng hoa khỏi đầu ông, khuyến dụ mọi người rồi quay về trú xứ riêng của họ.

*

Khi bậc Ðạo Sư thuyết giảng xong. Ngài nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ, Ðề-bà-đạt-đa là Bà-la-môn ấy, Ca-diếp là một trong các Thiên thần, Mục-kiền-liên là vị Thần thứ hai, Xá-lợi-phất là vị Thần thứ ba, còn ta là vị Thần Trưởng chúng.

-ooOoo-

327. Chuyện Hoàng Hậu Kàkati (Tiền thân Kàkati)

Hương quyện quanh tôi là hơi thở ...,

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo hối tiếc vì đã thọ giới xuất gia.

Vào dịp này, bậc Ðạo Sư hỏi Tỷ-kheo ấy rằng có thật ông đã buồn chán không và khi ông trả lời:

- Bạch Thế Tôn thật thế.

Bậc Ðạo Sư dạy:

- Không thể canh phòng phụ nữ. Không có cách gìn giữ họ an toàn. Các trí giả ngày xưa đã đặt một phụ nữ ở giữa biển, trong một cung điện gần hồ Simbalì (trên đỉnh núi Tu-di) mà vẫn không thể giữ danh tiết của nàng.

Rồi Ngài kể một chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là thái tử, con của chánh hoàng hậu. Ngài lớn lên và khi vua cha mất, ngài nối ngôi, Kàkàti là chánh hoàng hậu của ngài, xinh đẹp như một tiên nữ. Hình thức cũ của huyền thoại này sẽ được kể đầy đủ trong số 536, Tiền thân Kunàla. Sau đây chỉ là phần vắn tắt của chuyện.

Bấy giờ có một vua Garuda (Kim sí điểu: chim thần cánh vàng) giả trang làm ông người đàn ông đến chơi súc sắc với vua Ba-la-nại. Vua chim thần Garuda đâm ra yêu hoàng hậu Kàkàti, nên mang nàng về trú xứ của loài Gadura và sống hạnh phúc với nàng ở nơi ấy. Vua Ba-la-nại mất nàng liền bảo một nhạc công tên là Natakuvera đi tìm nàng. Nataluvera thấy vua chim đang nằm trên đệm cỏ eraka ở một cái hồ nọ. Khi chim thần Garuda sắp rời nơi ấy, chàng liền ngồi giữa đám lông của vương điểu và nhờ cách ấy mà chàng được chở đến trú xứ của loài chim thần Garuda.

Tại đây, chàng được hưởng những đặc ân của hoàng hậu, sau đó chàng lại ngồi trên cánh chim thần kia và trở về nhà. Thế rồi vào lúc vua chim Garuda đến chơi súc sắc với vua Ba-la-nại, chàng nhạc công cầm đàn bước lên chỗ hai người chơi súc sắc, đứng trước vua và chàng đọc bài kệ đầu dưới hình thức một bài ca:

Hương quyện quanh tôi là hơi thở
Của mối tình người ở nơi xa.
Kà-kà-ti đẹp ấy mà
Khiến tôi rung động sâu xa trong lòng.

Nghe thế, chim thần Garuda trả lời bằng bài kệ thứ hai:

Vượt qua biển, qua dòng Ke-buk,
Phải chăng người đến được đảo ta?
Bảy v
ùng biển rộng bay qua.
Sim-bal rừng ấy người đà đến nơi?

Natakuvera nghe thế, liền đọc bài kệ thứ ba:

Khắp trời rộng, nhờ ngài tôi vượt,
Và tôi đây đến được Sim-bal,
Bay ngang bao biển, bao sông,
Mối t
ình tôi gặp, nhờ phần ngài thôi.

Vương điểu Garuda đọc bài kệ thứ tư:

Thật cuồng si, việc tôi xảo trá,
Khiến tôi thành một gã ngu đần
Người y
êu nên giữ riêng phần,
Kìa! Tôi phục vụ như hàng mối mai.

Thế rồi chim Garuda nọ mang hoàng hậu trả về cho vua Ba-la-nại và không bao giờ trở lại nữa.

*

Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài giảng và tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, Tỷ-kheo bất mãn đắc quả Dự Lưu.

Và Bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ Tỷ-kheo bất mãn kia là Natakuvera, còn Ta là vua ấy.

-ooOoo-

328. Chuyện Không Khóc Người Chết (Tiền thân Ananusociya)

Sao ta nhỏ lệ vì em chứ ...,

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một người chủ đất có vợ chết. Chàng chẳng thiết tắm rửa, ăn uống, bỏ bê công việc nông trại. Quá sầu đau, chàng lang thang khắp nghĩa địa mà than vãn trong khi nghiệp lực từ đời trước đưa đến quả Dự Lưu đang bừng cháy như một ngọn lửa trong đầu chàng.

Bậc Ðạo Sư vào lúc sáng sớm, quan sát khắp thế gian, đã thấy được chàng. Ngài tự nghĩ: "Ngoài Ta ra, không ai có thể giải được nỗi sầu muộn của người này và ban năng lực cho chàng nhập Dự Lưu. Ta sẽ là chỗ an trú cho chàng".

Thế là khi Ngài đi khất thực trở về và thọ thực xong. Ngài đem theo Tỷ-kheo thị giả và đi đến nhà người chủ đất ấy. Khi nghe bậc Ðạo Sư đến, chàng liền ra đón Ngài, cung kính mời Ngài ngồi vào chỗ đã soạn sẵn rồi đảnh lễ Ngài và ngồi xuống bên.

Bậc Ðạo Sư hỏi:

- Này cư sĩ, vì sao ông im lặng thế?

Chàng đáp:

- Bạch Thế Tôn, con đang sầu muộn vì nàng.

Bậc Ðạo Sư dạy:

- Này cư sĩ, cái gì có thể tan rã thì tan rã, nhưng khi điều này xảy ra, người ta không nên phiền muộn. Các bậc hiền trí ngày xưa, khi mất vợ, họ biết chân lý này và do đó họ không đau buồn.

Rồi do yêu cầu của chàng, bậc Ðạo Sư kể một chuyện đời xưa.

*

Câu chuyện này sẽ được kể trong số 443. Tiền thân Cullabodhi ở Chương Mười. Sau đây chỉ là phần tóm tắt của câu chuyện.

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, ngài theo đuổi tất cả các môn học nghệ tại Takkasilà rồi trở về với cha mẹ ngài. Ở Tiền thân này, bậc Ðại Sĩ trở thành môn đồ của đạo Thánh hiền. Cha mẹ ngài bảo ngài là họ sẽ tìm cho ngài một người vợ. Bồ-tát nói:

- Con không muốn sống đời có vợ con. Khi cha mẹ qua đời, con sẽ sống đời của một nhà tu khổ hạnh.

Vì cha mẹ cừ nài nỉ mãi, ngài sai làm một bức tượng bằng vàng và bảo:

- Nếu cha mẹ kiếm cho con được một thiếu nữ giống như trong tượng này thì con sẽ lấy làm vợ.

Cha mẹ ngài liền sai vài thám tử cùng với một số lớn tùy tùng và bảo họ đặt tượng vàng trong một xe đóng kín rồi đi tìm kiếm khắp các đồng bằng nước Ấn Ðộ, đến khi nào tìm thấy được một tiểu thư Bà-la-môn giống như vậy thì đem tượng vàng đổi lấy và đem thiếu nữ về cho họ.

Bấy giờ có một thánh giả kia từ cõi Phạm Thiên tái sinh dưới hình thức một thiếu nữ ở một thành phố thuộc vương quốc Kàsi, trong ngôi nhà của một Bà-la-môn gia sản tới tám trăm triệu đồng. Thiếu nữ tên là Sammillabhàsini. Ở tuổi mười sáu, nàng là một thiếu nữ tươi đẹp, dễ thương, giống như một tiên nữ mang đủ mọi nét đẹp nữ giới.

Mãnh lực của đam mê tội lỗi không hề nảy sinh được một ý nghĩ xấu nào trong nàng nên nàng thật là hoàn toàn thuần khiết. Những người kia mang tượng vàng đi khắp đó đây cho đến khi họ tới ngôi làng ấy. Dân làng trông thấy tượng liền hỏi:

- Tại sao Simmillabhàsini, con gái của người Bà-la-môn ấy lại được đặt ở đó?

Các thị giả nghe thế liền tìm đến gia đình Bà-la-môn ấy và chọn Sammillabhàsini làm hôn thê cho chủ của họ. Nàng nhắn với cha mẹ.

- Khi cha mẹ mất, con sẽ sống đời tu hành, con không muốn lập gia đình.

Cha mẹ nàng bảo:

- Này cô, cô nghĩ gì thế chứ?

Rồi họ nhận tượng vàng và gởi con gái đi cùng với một đoàn tùy tùng đông đảo. Lễ cưới được cử hành trái với ý nguyện Bồ-tát và Sammillabhàsini. Dù phải chia xẻ chung một phòng, một giường, cả hai vẫn không nhìn nhau bằng con mắt dục lạc tội lỗi, mà cùng sống với nhau như hai nam hay hai nữ tu sĩ thanh tịnh.

Chẳng bao lâu cha mẹ của Bồ-tát qua đời, ngài lo tang lễ, rồi gọi Sammillabhàsini đến và bảo:

- Này em yêu, tài sản của gia đình ta lên tới tám trăm triệu đồng và tài sản của gia đình em cũng đáng giá tám trăm triệu đồng nữa. Em hãy lấy hết đi và hãy sống cuộc đời của một gia trưởng. Ta sẽ trở thành một người tu khổ hạnh.

Nàng trả lời:

- Chàng ơi, nếu chàng trở thành một ẩn sĩ thì em cũng sẽ trở thành một ẩn sĩ, em không thể bỏ chàng được.

- Thế thì nàng hãy làm như thế đi. Chàng nói.

Như vậy họ tiêu hết gia sản bằng cách bố thí và vứt bỏ gia tài của họ như nhổ bỏ một búng đàm, rồi cả hai người đi vào vùng Tuyết Sơn và theo cuộc đời khổ hạnh. Sau khi đã sống một thời gian lâu bằng cách lượm hái trái, rễ cây, họ rời dãy Tuyết Sơn đi xuống kiếm muối và giấm, rồi dần dần họ tìm thấy đường đến Ba-la-nại và sau đó họ trú trong vườn cây của nhà vua.

Trong khi họ sống ở đó, vị ẩn sĩ trẻ tuổi mảnh mai này vì phải ăn cơm nhạt của loại gạo trộn mà bị bịnh kiết lỵ hành hạ và không có được thuốc chữa nên nàng trở nên quá gầy yếu. Bồ-tát trong khi đi khất thực phải ẵm nàng theo, mang nàng đến cổng thành và đặt nàng nằm trên một cái ghế dài trong một tiền đường rồi vào thành khất thực. Khi Bồ-tát vừa mới ra đi thì nàng tắt thở. Mọi người thấy vị nữ tu khổ hạnh sắc đẹp phi thường, liền tụ họp đến quanh nàng khóc lóc tiếc thương. Sau khi đi khất thực trở về, Bồ-tát nghe nàng đã chết liền bảo:

- Cái gì có tính chất tan rã thì tan rã. Mọi hiện hữu vô thường đều thuộc loại này cả.

Nói thế xong, ngài ngồi xuống chiếc ghế dài nàng đang nằm và ăn thức ăn trộn rồi súc mịệng. Mọi người đứng gần đó tụ tập lại quanh ngài và nói:

- Bạch Tôn giả, vị nữ tu khổ hạnh này là gì của ngài?

Ngài đáp:

- Khi tôi còn là cư sĩ, nàng đã là vợ tôi.

Họ nói:

- Bạch Tôn giả, trong khi chúng tôi khóc lóc tiếc thương và không thể ngăn được xúc động, tại sao ngài lại không khóc?

Bồ-tát bảo:

- Khi nàng còn sống, nàng đã thuộc về tôi theo một số phận nào đó. Khi nàng sang thế giới khác, chẳng có gì thuộc về nàng cả. Nàng đã bước vào lãnh vực của các vị khác. Thế thì tại sao tôi lại phải khóc nàng?

Rồi ngài thuyết giảng Chân lý cho mọi người qua các bài kệ sau đây:

Sao ta nhỏ lệ vì em chứ,
Hỡi Sam-mil-la-bhà-si-ni.
Em xinh đẹp đã chết đi
Từ nay ta hẳn c
òn gì em đâu?

Kẻ yếu đuối âu sầu g
ì chớ?
Khóc lóc làm chi những thứ mượn vay?
Tử vong đã hơi thở này,
Thì từng giờ phút trao tay tử thần.

Dầu ai đứng hay đang ngồi đó,
Ðang nằm hay dời chỗ, gì chăng,
Chỉ trong chớp mắt qua ngang,
Chỉ trong một lúc tử thần kề ngay.

Ðời bất ổn ta đây đã tính,
Mất bạn bè chẳng tránh được ra.
H
ãy yêu mọi thứ còn kia,
Chớ buồn khi chúng phải lià xa ta.

Bậc Ðại Sĩ thuyết giảng Chánh pháp qua các bài kệ này sẽ giải thích sự vô thường của vạn vật. Mọi người hoàn tất lễ tang cho vị nữ tu ấy. Còn Bồ-tát quay về dãy Tuyết Sơn, đạt tuệ giác cao hơn do Thiền định, rồi ngài tái sanh cõi Phạm thiên.

*

Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt Pháp thoại, Ngài tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, người chủ đất đắc quả Dự Lưu. Sau đó bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ mẹ của La-hầu-la là Sammillabhàsini, còn Ta là nhà tu khổ hạnh ấy.

-ooOoo-

329. Chuyện Con Khỉ Đen Lớn (Tiềnthân Kàlabàhu)

Ta từng hưởng lắm thức ăn ...,

Chuyện này do bậc Ðại Sư kể khi Ngài trú lại Trúc Lâm về việc Ðề-bà-đạt-đa mất các lợi dưỡng và danh vọng.

Khi Ðề-bà-đạt-đa đã nuôi lòng hiềm thù đức Phật một cách phi pháp và sai một xạ thủ giết Ngài, tội lỗi của ông ai ai cũng biết qua việc ông thả con voi Nàlàgiri (để làm hại đức Phật). Thế rồi mọi người lấy mất trú xứ và các khẩu phần của ông và vua chẳng đoái hoài đến ông nữa. Khi đã mất nguồn lợi dưỡng và danh vọng, ông ta đi khắp nơi sống bằng cách xin các nhà quyền quí.

Các Tỷ-kheo bắt đầu bàn tán trong Pháp đường rằng Ðề-bà-đạt-đa đã nghĩ ra cách thu đạt lợi dưỡng và danh vọng thế nào và khi đã kiếm được chúng thì ông ta lại không thể giữ được chúng. Bậc Ðạo Sư đến và hỏi các Tỷ-kheo đang ngồi bàn việc gì; khi nghe kể lại, Ngài dạy:

- Này các Tỷ-kheo, chẳng phải chỉ bây giờ mà xưa kia cũng thế, Ðề-bà-đạt-đa đã bị tước mất các lợi dưỡng và danh vọng.

Rồi Ngài kể cho họ nghe một chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một con vẹt tên là Ràdha. Ngài là một con vẹt khỏe mạnh, chân và cánh đều toàn hảo. Con vẹt em trai ngài tên là Potthapàda. Một người bẫy chim kia bẫy được đôi chim này và mang chúng đến dâng vua Ba-la-nại. Vua bỏ cả hai con vào trong một chiếc lồng bằng vàng, chăm sóc chúng, cho chúng ăn mật và bắp rang đựng trong một chiếc đĩa bằng vàng và cho uống nước đường. Chúng được chú ý chăm sóc đặc biệt, và đạt lợi dưỡng danh vọng cao vời nhất.

Thế rồi một người thợ rừng nọ mang đến dâng vua một con khỉ đen lớn tên là Kàlabàhu (Ðen lớn). Vì khi đến sau các con vẹt nên nó nhận được lợi dưỡng và cung kính nhiều hơn, trong khi ấy đôi vẹt lại không còn được trọng vọng như trước.

Bồ-tát nhờ có các đức tính của bậc Giác Ngộ nên chẳng nói một lời, nhưng em ngài vì không có đức tính ấy nên không thể chịu nổi sự trọng vọng mà người ta dành cho con khỉ, liền nói:

- Anh ơi, trước kia, ở cung điện vua, họ cho chúng ta thức ăn ngon, còn bây giờ chúng ta chẳng được gì cả, họ dâng hết mọi thứ cho con khỉ Kàlabàhu. Vì chúng ta không nhận được lợi dưỡng trọng vọng do vua ban. Nơi đây, chúng ta phải làm gì chứ? Này chúng ta hãy đi vào rừng mà sống.

Vẹt em nói thế và đọc bài kệ đầu:

Ta từng hưởng lắm thức ăn,
Khỉ kia nay lại được phần ta xưa.
R
à-dha hãy đến rừng già,
Cách người xử tệ sửa ra thế nào?

Ràdha nghe thế liền đọc bài kệ tiếp:

Dù là được, mất ra sao,
Khen, ch
ê, vui, khổ, vinh cao, nhục dày,
Ðều là giả tạo, đổi thay.
Sao em lại cứ ngập đầy sầu đau?

Nghe thế, Potthapàda vẫn không thể bỏ được hiềm thù với con khỉ liền đọc bài kệ thứ ba:

Rà-dha, chim trí tuyệt cao,
Hẳn anh phải biết việc nào xảy ra.
Ai sẽ là người đuổi tên kia
Từ triều vua trở lại nhà nó xưa?

Ràdha nghe thế liền đọc bài kệ thứ tư:

Mặt nhăn, tai động ấy mà,
Sẽ làm bầy trẻ vương gia hãi hùng.
Khỉ kia tinh quái lạ thường,
Ngày kia sẽ chạy tìm đường kiếm ăn.

Chỉ ít lâu sau, khỉ ta lúc lắc đôi tay, chọc phá làm cho các vương tử bé nhỏ sợ hãi la ré lên. Vua hỏi xem việc gì đã xảy ra và khi nghe kể lý do, ngài phán:

- Ðuổi nó đi!

Thế là con khỉ bị đuổi đi và đôi vẹt lại trở về hoàn cảnh như trước, được lợi dưỡng và trọng vọng.

*

Khi thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ, Ðề-bà-đạt-đa là Kàlabàhu, Ànanda là Potthapàda, còn Ta là Ràdha.

-ooOoo-

330. Chuyện Thử Thách Giới Đức (Tiền thân Silavìmamsa)

Quyền lực trên đời khó sánh tày ...,

Chuyện này do bậc Ðại Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Bà-la-môn từng thử thách đức hạnh của mình.

Hai câu chuyện tương tự đã được kể trước đây (số 86 và 290). Ở đây, Bồ-tát là vị giáo sĩ hoàng gia của vua Ba-la-nại.

*

Ðể thử thách đức hạnh của mình, luôn trong ba ngày, mỗi ngày ngài lấy một đồng tiền trong kho của vua. Ngài bị cáo là gian trộm và bị đưa ra trước nhà vua. Ngài nói:

Quyền lực trên đời khó sánh tày,
Ðức hiền uy lực diệu kỳ thay.
Khi mang lấy dáng dấp hiền hậu,
Rắn độc tránh điều tổn hại ngay.

Sau khi ca ngợi đức hạnh bằng bài kệ trên và được vua thỏa ý, ngài sống đời tu khổ hạnh. Bấy giờ có một con diều hâu chộp được một miếng thịt trong một hàng bán thịt kia, cắp thịt vào chân và bay vù lên không. Bọn chim liền vây lấy nó, tấn công nó bằng chân, bằng vuốt và mỏ. Không chịu nổi đau đớn, diều hâu ấy đành thả miếng thịt. Một con khác chộp lấy thịt, con này cũng bị tấn công, bị đau như trước đành thả rơi miếng thịt. Rồi một con khác sà xuống vồ miếng thịt. Hễ con nào được thịt thì bị đám còn lại đuổi theo và con nào nhả thịt ra thì được yên thân. Bồ-tát thấy thế liền nghĩ: "Những tham dục của chúng ta cũng giống như những miếng thịt. Ai nắm lấy chúng thì bị đau khổ, ai thả chúng ra thì được an bình".

Và ngài đọc bài kệ thứ hai

Chim cắt đang khi có thức ăn,
Bọn chim mồi đến mổ đau ran;
Khi chim đ
ành thả rơi phần thịt,
Bọn chúng liền thôi, chẳng ngó ngàng.

Rồi vị khổ hạnh đi ra khỏi thành phố.

Trên đường dong ruổi, ngài đến một ngôi làng kia và vào lúc chiều tối, ngài nằm nghỉ trong nhà của một người nọ.

Bấy giờ có một nữ tỳ tên Pingalã hẹn hò với một nam nhân: "Anh hãy đến vào giờ ấy, giờ ấy ..." Sau khi rửa chân cho chủ và gia đình chủ và khi mọi người đều nằm ngủ, cô ta ngồi ở bậc cửa chờ tình nhân đến. Suốt canh một và canh hai cô đều tự bảo: "Bây giờ chàng sắp đến rồi!."

Nhưng khi trời sáng, cô hết hy vọng và tự bảo: "Thế là chàng không đến!" Rồi cô ta nằm xuống và ngủ ngon.

Bồ-tát thấy chuyện xảy ra như thế liền tự bảo: "Người phụ nữ này từng ngồi quá lâu như thế hy vọng người tình sẽ đến; nhưng bây giờ nàng biết anh ta không đến, trong cơn thất vọng, nàng ngủ thật an bình. Ngài liền đọc bài kệ thứ ba:

Vui thay mơ ước được hoàn thành.
Trái ngược dường bao, mộng vỡ nhanh.
Hy vọng tiêu tan, dù chán nản.
Pin-ga-là đấy! Ngủ an lành.

Ngày hôm sau, ngài ra khỏi làng và đi vào một khu rừng trông thấy một vị ẩn sĩ đang ngồi trên đất chuyên tâm thiền định. Ngài nghĩ: "Ở đời này và cả đời sau, không có hạnh phúc nào hơn niềm cực lạc của thiền định".

Rồi ngài đọc bài kệ thứ tư:

Ở cõi này hay ở cõi nào,
Không gì vượt hỷ lạc thiền đâu
Kẻ n
ào miệt mài tu thanh tịnh
Thân được bình an, hại chẳng vào.

Thế rồi, ngài đi sâu vào rừng, sống cuộc đời ẩn dật của một vị Rishi (Tiên nhân chứng đạo) phát huy thắng trí do thiền định rồi được vào cõi Phạm thiên.

*

Thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ, Ta đây là vị giáo sĩ nọ.

-ooOoo-

331. Chuyện Trưởng lão Kokàlika (Tiền thân Kokàlika)

Kẻ phạm lỗi nói không thích đáng...,

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về Trưởng lão Kokàlika. Câu chuyện khởi đầu được kể đầy đủ ở số 481, Tiền thân Takkàrika.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là một vị đại thần rất được vua trọng vọng. Bấy giờ vua có tính lắm lời. Bồ-tát tự nghĩ: "Ta sẽ làm dứt tính huyên thuyên của vua". Và ngài chờ đợi dịp thuận tiện để giảng giải cho vua.

Một hôm vào trong vườn cây và ngồi trên một phiến đá dành cho mình. Vua ngồi xuống gốc cây xoài, trên đó có một con chim cu đen đẻ trứng vào tổ của một con quạ rồi bỏ đi. Con quạ mái chăm lo cái trứng con chim cu. Chẳng bao lâu, trứng nở ra một chim cu con. Quạ tưởng rằng đấy chính là con của nó nên nó chăm sóc chim cu, mang mồi về cho nó ăn. Con chim nhỏ còn chưa đủ lông đủ cánh, đã kêu lên tiếng chim cu non nớt. Quạ liền nghĩ: "Con chim non này ngay bây giờ đã thốt lên giọng lạ lùng. Khi nó lớn lên nó sẽ còn làm gì nữa? "Thế là quạ lấy mỏ mổ chết chim cu và ném nó ra khỏi tổ. Xác chim cu rơi xuống chân vua. Vua hỏi Bồ-tát:

- Này khanh, thế này là nghĩa gì?

Bồ-tát nghĩ: "Ta đang tìm việc tốt để giảng cho vua một bài học, và nay ta đã được dịp ấy rồi". Vì vậy ngài nói:

- Tâu Ðại vương, những hạng lắm lời, nói quá nhiều không đúng lúc, đều phải gặp như thế. Tâu Ðại vương, chim cu nhỏ bé này được quạ nuôi nấng, khi còn chưa đủ lông cánh, nó đã thốt lên một tiếng kêu quá sớm. Thế là quạ biết rằng đấy không phải là con của nó liền mổ chết và ném nó ra khỏi tổ. Tất cả những ai nói không đúng lúc và nói nhiều quá, dù cho đó là người hay vật đều phải chịu đau khổ như thế cả.

Rồi ngài đọc bài kệ sau:

Kẻ phạm lỗi nói không thích đáng,
Như chim cu tận mạng oan thôi.
D
ù cho thuốc độc, gươm mài,
Cũng không tàn hại bằng lời nói sai

Người khôn đắn đo hoài lời nói,
Với người thân không vội tỏ lòng.
Muốn trao lời, xét tận cùng
Như Kim sí điểu bắt Thần rắn kia.

Từ khi Bồ-tát thuyết giáo như thế, vua trở nên đắn đo trong lời nói. Vua càng trọng vọng Bồ-tát và ban ân tứ cho ngài càng nhiều hơn mãi.

*

Sau khi thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy Kokàlika là con chim cu nhỏ ấy, còn Ta là vị thần hiền trí.

-ooOoo-

332 Chuyện Chiếc Gậy Thúc Xe (Tiền thân Rathalatthi)

Hại người lại tỏ mình bị hại ...,

Chuyện này do bậc Ðại Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về vị giáo sĩ của vua Kosala.

Tương truyền khi vị giáo sĩ đang đánh xe đến một ngôi làng thuộc địa phận của ông bỗng gặp phải một đoàn xe trên một con đường hẹp. Ông la lên:

- Tránh ra các người!

Khi một chiếc xe không tránh ra ngoài đường đi, ông tức giận quá, liền ném chiếc gậy thúc ngựa vào người đánh xe ấy. Chiếc gậy chạm vào ách xe ấy và dội trở lại trúng vào trán ông, khiến ông bị u đầu. Giáo sĩ quay trở về và đến tâu với vua rằng ông bị bọn đánh xe làm bị thương. Những người đánh xe ấy được gọi đến. Các phán quan tra cứu trường hợp ấy và thấy rằng chỉ riêng giáo sĩ có lỗi.

Một hôm chuyện ấy được bàn tán trong Pháp đường. Các Tỷ-kheo bàn về việc giáo sĩ của vua bảo rằng ông ta bị một số người đánh xe tấn công và khi được vua xử, ông ta bị thua kiện. Bậc Ðạo Sư đến và hỏi các Tỷ-kheo đang ngồi bàn việc gì. Khi được nghe kể lại, Ngài dạy:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ mà ngày xưa người kia cũng đã hành động giống y như thế.

Rồi ngài kể cho họ nghe một chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát là vị phán quan của nhà vua. Vị giáo sĩ của vua đánh xe về ngôi làng do ông đứng đầu, thế rồi cũng hành động giống y như chuyện trên đây. Nhưng ở chuyện này khi vua nghe giáo sĩ kể chuyện, liền gọi những người đánh xe lại và chính vua ngồi xử. Vua chẳng có xem xét gì đến sự việc mà lại nói:

- Các ngươi đã đánh giáo sĩ của ta và làm cho trán của ông sưng lên.

Rồi vua ra lệnh thâu hết tài sản của họ.

Bấy giờ, Bồ-tát nói với vua:

- Tâu Ðại vương, ngài không tra xét sự việc mà lại phán rằng họ phải bị tịch thu hết của cải. Nhưng có nhiều người sau khi tự làm tổn thương mình lại tuyên bố rằng họ bị người khác làm tổn thương. Do đó, người nào thi hành luật pháp mà không xét vụ án thì thật là sai lắm. Vị ấy không nên hành động cho đến khi nghe hết mọi sự.

Rồi ngài đọc các bài kệ sau đây:

Hại người, lại tỏ mình bị hại
Mình đánh người, than phải đòn thoi.
Trí nhân thận trọng xét soi,
Nghe hai bên trước, tuyên lời chánh chân.

Ghét thế nhân dục tầm, biếng nhác,
Người giả tu dối gạt rành rành!
Hôn quân thường quyết định nhanh,
M
à không nghe rõ sự tình ra sao.

Nóng giận không đời nào có thể
Trong người hiền hợp lẽ biện minh.
Ðời đời công chính vang danh,
Quân vương cân nhắc ban h
ành lệnh ra.

Nhà vua nghe lời Bồ-tát, liền phán xét thật công minh và vụ án kia được xét xử đúng đắn, phần lỗi thuộc về giáo sĩ ấy mà thôi.

*

Bậc Ðạo Sư chấm dứt thuyết giảng và nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy, vị Bà-la-môn đóng cùng một vai trong cả hai câu chuyện, còn Ta là vị quan hiền trí.

-ooOoo-

333. Chuyện Con Tắc Kè (Tiền thân Godha)

Ngài cho tôi biết rõ ra...,

Chuyện này do bậc Ðại Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một người chủ đất nọ. Câu chuyện khởi đầu đã được kể đầy đủ trước đây (số 328). Nhưng ở đây, khi hai vợ chồng đi đòi nợ trở về, trên đường họ gặp một số người đi săn, những người này cho họ một con tắc kè quay và bảo cả hai hãy ăn món ấy. Người chồng bảo vợ đi kiếm nước, rồi anh ta ăn hết cả con tắc kè. Khi vợ trở lại, anh ta nói:

- Này em, con tắc kè đã chạy mất rồi!

Nàng nói:

- Ðược rồi, thưa chàng, con tắc kè chạy rồi thì ai làm gì được?

Nàng uống một ít nước, sau đó cả hai đến Kỳ Viên. Khi ngồi hầu bậc Ðạo Sư, Ngài hỏi người vợ như sau:

- Này cư sĩ, ông này có ân cần, thương yêu và giúp đỡ bà không?

Nàng trả lời:

- Con thương yêu, ân cần với chàng, nhưng chàng chẳng hề thương yêu con.

Bậc Ðạo Sư dạy:

- Ðược rồi, giả như ông đã cư xử với bà như thế thì cũng chớ buồn rầu. Khi ông nhớ lại các đức hạnh của bà, ông sẽ ban riêng cho bà quyền lực tối cao.

Rồi do yêu cầu của hai vợ chồng. Ngài kể một chuyện đời xưa.

*

Chuyện kể này cũng giống chuyện kể trên, nhưng ở đây, khi hai vợ chồng thái tử đang trên đường trở về cung vua, một đám thợ săn thấy họ quá khốn khổ, đã cho họ một con tắc kè quay và bảo họ chia nhau ăn. Người vợ lấy một cây leo làm dây cột nó rồi xách nó theo dọc đường. Khi đến một cái hồ, họ rời đường chính và đến ngồi dưới một gốc cây đa. Thái tử bảo:

- Này em, hãy đi xuống hồ, dùng một ngọn lá sen mà kiếm nước, sau đó chúng ta sẽ ăn phần thịt này.

Người vợ treo con tắc kè lên một cành cây và đi kiếm nước. Người chồng ăn hết cả con tắc kè, ngồi quay mặt đi. Khi nàng mang nước về, chàng nói:

- Này em, con tắc kè đã tụt xuống cành cây và chui vào một đụn kiến. Ta chạy theo và chộp được chóp đuôi nó. Nhưng nó đứt đôi ra và nó chui biến vào trong lỗ, để lại phần đuôi mà ta nắm được đây.

- Ðược rồi chàng ạ - nàng nói - chúng ta biết tính sao được khi con tắc kè đã nướng lại chạy thoát đi? Nào,chúng ta hãy lên đường!

Uống nước xong, hai vợ chồng đi đến Ba-la-nại. Thái tử lên ngôi, phong cho vợ làm chánh hoàng hậu nhưng đó chỉ là một cái chức hờ, vua chẳng ban cho nàng danh vọng gì cho nàng cả.

Bồ-tát muốn chiếm danh dự cho nàng nên đứng trước vua, ngài hỏi nàng:

- Tâu hoàng hậu, chẳng có lúc nào chúng thần được lệnh bà cho thứ gì cả? Tại sao lệnh bà lại chẳng kể gì đến chúng thần thế?

Hoàng hậu đáp:

- Này hiền khanh, ta chẳng nhận được gì của đức vua cả thì làm sao ta có thể ban tặng cho khanh được? Ðức vua có thể ban tặng cho ta thứ gì nào? Hồi chúng ta còn trong rừng, ngài đã một mình ăn hết con tắc kè nướng.

- Tâu hoàng hậu, - Bồ-tát nói, - Có lẽ đức vua không làm như thế đâu, lệnh bà chớ nói về đức vua như thế.

Hoàng hậu đáp:

- Này khanh, sự việc này còn chưa rõ đối với khanh nhưng đã quá rõ đối với vua và ta.

Rồi hoàng hậu đọc bài kệ đầu:

Ngài cho tôi biết rõ ra
Ở trong rừng thẳm, trước kia, tâu ngài:
Tắc kè nướng bứt dây gai,
Từ cành đa nọ thoát ngay ấy mà.
Bên trong lớp áo vỏ dà,
Giáp dày, gươm sắc, tôi đà rõ soi.

Hoàng hậu bày tỏ lỗi lầm của vua như thế trước các triều thần. Bồ-tát nghe xong liền nói:

- Tâu hoàng hậu, từ khi đức vua không còn yêu lệnh bà nữa, tại sao bà còn tiếp tục sống nơi đây làm cho cả hai người phải phiền hà như thế?

Rồi ngài đọc hai bài kệ:

Ai trọng ta, ta thời xứng trọng,
Tỏ hảo tâm, hành động đáp đền;
Chẳng n
ên tốt với bọn hèn,
Kẻ nào tránh mặt, chẳng nên yêu vì.

Kẻ bỏ ta, ta thì bỏ hẳn,
Chớ yêu thương kẻ chẳng thương ta.
Như chim lìa bỏ cây khô,
Bay tìm trú xứ nơi xa trong rừng.

Khi nghe Bồ-tát nói, vua nhớ lại những đức hạnh của hoàng hậu, liền bảo:

- Này ái hậu, đã lâu ta không để ý đến đức hạnh của nàng, nhưng qua lời nói của bậc Hiền trí này, ta nhận biết các đức hạnh ấy. Hãy thứ lỗi cho ta. Trọn vương quốc này của ta, ta tặng riêng nàng đấy.

Rồi vua đọc bài kệ thứ tư:

Chức quyền cao quân vương có sẵn
Nên tỏ bày tình nặng nghĩa thâm,
Ta đem vương quốc tặng nàng
Hãy ban tặng phẩm cho hàng ái ưu.

Nói xong vua ban quyền lực tối cao cho hoàng hậu và tự nghĩ: "Chính nhờ người ấy mà ta nhớ lại các đức hạnh của nàng". Vua cũng ban quyền cao cho vị Hiền trí ấy.

*

Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng và tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, cả hai vợ chồng ấy đều đắc quả Dự Lưu.

Và bậc Ðaọ Sư nhận diện Tiền thân:

- Hai vợ chồng trong chuyện ngày nay cũng chính là hai vợ chồng trong chuyện ngày xưa, còn Ta chính là vị Hiền trí.

-ooOoo-

334. Chuyện Khuyến Dụ Quốc Vương (Tiền thân Ràjovada)

Con bò đực vượt dòng đi lạc hướng ...,

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về việc khuyến dụ một ông vua. Câu chuyện khởi đầu sẽ được kể đây đủ trong số 521. Tiền thân Tesakuna. Nhưng ở đây, bậc Ðạo Sư dạy:

- Tâu Ðại Vương, các vị vua ngày xưa, khi được nghe những lời dạy của bậc hiền trí, đã trị vì rất công chính và đã đạt đến cõi trời.

Rồi theo yêu cầu của vua, Ngài kể một câu chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, ngài theo đuổi tất cả các học nghệ rồi ngài sống đời tu hành phát huy các Thắng trí và các Thiền chứng. Ngài trú trong một nơi tịnh lạc của dãy Tuyết Sơn, sống bằng trái và rễ cây rừng.

Lúc bấy giờ, vua rất mong muốn tìm ra các khuyết điểm của mình, liền đi khắp nơi xem ai có thể nêu ra các lỗi lầm của ngài chăng. Nhưng ngài không tìm được ai nói đến khuyết điểm của ngài cả; trong triều, ngoài triều cũng không; trong thành, ngoài thành cũng không nốt. Ngài nghĩ: "Tìm trong nước xem sao?"

Rồi ngài giả trang đi khắp nước nhưng cũng không tìm được ai nói tới khuyết điểm, chỉ nghe nói tới công hạnh của ngài. Vua lại nghĩ: "Ở vùng Tuyết Sơn thì sao?" Thế là vua vào rừng và lang thang đây đó cho đến khi gặp nơi ẩn dật của Bồ-tát. Nơi đây vua chào Bồ-tát, thân mật hỏi han ngài và ngồi xuống một bên. Bấy giờ Bồ-tát đang ăn mấy trái sung chín mà ngài đã mang từ trong rừng về. Sung ngon và ngọt như đường mịn. Bồ-tát nói với vua:

- Thưa Ðại vương, ngài hãy dùng trái sung này và uống một ít nước.

Vua theo lời, rồi hỏi Bồ-tát:

- Thưa Tôn giả, sao trái sung chín này ngọt quá đến như vậy?

Bồ-tát đáp:

-Thưa Ðại vương, vua hiện nay trị vì công chính, vì vậy trái sung này ngọt như thế đấy.

- Thưa Tôn giả, thế thì trong một đời vua bất chính, sung sẽ mất vị ngọt của nó chăng?

- Thưa Ðại vương, đúng thế. Trong các thời vua bất chính thì dầu, mật, đường v.v... ngay cả rễ cây, trái rừng cũng đều mất đi vị ngon ngọt của chúng. Chẳng những thế mà, toàn cả vương quốc đều trở nên dở dang, vô vị; nhưng khi những nhà lãnh đạo công chính thì những thứ này trở nên ngon ngọt thơm tho, và toàn thể vương quốc đầy vẻ thanh tao, và hương ngào ngạt.

Vua nói:

- Thưa Tôn giả, chắc hẳn là như thế.

Rồi chẳng để cho Bồ-tát biết rằng mình là vua, ngài chào Bồ-tát và quay về Ba-la-nại.

Ðể chứng nghiệm lời nói của vị ẩn sĩ, vua trị vì bất chính và tự nghĩ: "Ta sẽ biết rõ mọi việc đúng sai như thế nào?. Chỉ ít lâu sau, vua quay trở lại rừng, chào Bồ-tát và kính cẩn ngồi xuống một bên. Bồ-tát cũng nói đúng như những lời trước kia, và mời ngài ăn một trái sung chín, nhưng sung lại chát. Thấy sung chát, vua nhổ ra và nói:

- Thưa Tôn giả, sung chát quá!

Bồ-tát nói:

- Thưa Ðại vương, hẳn vua là kẻ bất chính, vì khi các người lãnh đạo bất chính thì mọi vật, khởi đầu từ các trái cây trong rừng, mất hết vị ngọt ngào thơm ngon của chúng.

Rồi ngài đọc bài kệ sau:

Con bò đực vượt dòng đi lạc hướng,
Ðàn cái theo, hàng ngũ rối tan tành.
Người cầm đầu theo các lối loanh quanh,
Dẫn bọn kém đến đường c
ùng hèn mạt,
Toàn vương quốc, hận một đời phóng dật.

B
ò đực kia, nếu hướng dẫn thẳng đường,
Bầy cái theo sau nó sẽ ngay h
àng.
Người cầm đầu, nếu theo đường công chính
Cả đám đông sẽ tránh điều bất hạnh
Khắp nước nh
à sẽ hưởng lạc tịnh an.

Sau khi Bồ-tát trình bày về Chánh pháp, vua cho ngài biết rằng mình là vua, và nói:

- Thưa Tôn giả, trước đây chính do ta mà những trái sung được ngọt, rồi sau đó trở thành chát, nhưng nay ta sẽ làm cho chúng ngọt trở lại.

Rồi vua chào Bồ-tát và trở về, trị vì công chính, làm cho mọi sự trở lại trạng thái nguyên thủy của nó.

-ooOoo-

335. Chuyện Chó Rừng (Tiền thân Jambuka)

Chó rừng, coi chừng đấy...,

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về việc Ðề-bạt-đạt-đa bắt chước đức Phật. Tình tiết dẫn đến câu chuyện đã được kể ở phần trước (số 204). Ðây là bản tóm tắt.

Khi bậc Ðạo Sư hỏi Xá-lợi-phất rằng Ðề-bà-đạt-đa đã làm gì khi Trưởng lão đến gặp ông ta. Trưởng lão đáp:

- Bạch Thế Tôn, khi muốn bắt chước Ngài, ông ấy đặt một cái quạt vào tay con và nằm xuống rồi Kokàlika lấy đầu gối thúc vào ngực ông ta. Thế đấy, khi bắt chước Ngài, ông ta phải gặp nạn.

Bậc Ðạo Sư dạy

- Ðiều ấy trước đã xảy đến với Ðề-bà-đạt-đa rồi.

Rồi do yêu cầu của Trưởng lão, Ngài kể câu chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra là một con Sư tử, trú tại một cái động trong dãy Tuyết Sơn. Một hôm, sau khi giết chết một con Bò và ăn thịt nó xong, Sư tử uống một ngụm nước rồi quay về hang. Một con Chó rừng trông thấy Sư tử và vì không thể chạy thoát được, nó nằm sấp xuống.

Sư tử hỏi:

- Này anh Chó rừng, anh làm gì thế?

Chó rừng đáp:

- Thưa ngài, tôi mong làm tôi tớ của ngài.

Sư tử nói:

- Ðược, hãy làm thế đi.

Rồi Sư tử dẫn nó về nơi mình ở, hàng ngày mang thịt về cho nó ăn. Chó rừng mập ra nhờ thịt vụn do Sư tử mang về.

Một hôm, cảm thấy niềm tự hào nổi lên trong mình, Chó rừng liền đến gần Sư tử và bảo:

- Thưa ngài, tôi là một vật chướng ngại cho ngài. Ngài cứ phải mang thịt về nuôi sống tôi mãi. Hôm nay, ngài hãy ở lại đây. Tôi sẽ đi giết một con voi và sau khi ăn no nê xong, tôi sẽ mang thịt về cho ngài.

- Này bạn Chó rừng, chớ nuôi ý nghĩ ấy. Bạn đâu có phát xuất từ một dòng giống giết voi mà ăn thịt? Voi chắc chắn là thân thể to lớn. Ðừng mang lấy điều gì trái với bản chất của bạn, hãy nghe lời ta đi.

Và Sư tử liền đọc bài kệ đầu:

Chó rừng, coi chừng đấy!
Ðôi ngà voi dài ấy.
Loài bạn bé tí hon
Khó có được một con
Dám đối mặt thú nọ
Oai h
ùng và đồ sộ.

Mặc dầu Sư tử can ngăn, Chó rừng vẫn ra khỏi hang. Hú lên ba lần tiếng hú của chó rừng. Nó nhìn xuống núi và trông thấy một con voi đang đi dưới ấy. Nó định nhảy xuống đầu voi, liền phóng lên, lộn nhào trên không rồi rớt xuống chân voi. Voi nhấc chân trước đạp vào đầu Chó rừng vỡ ra từng mảnh. Chó rừng nằm đó rên la. Voi rống lên và bỏ đi.

Bồ-tát đến và đứng trên đỉnh dốc thấy Chó rừng đã phải chuốc lấy cái chết như thế nào, liền tự bảo: "Chó rừng này bị giết vì quá tự phụ."

Rồi ngài đọc ba bài kệ sau:

Chó rừng nọ mang oai Sư tử,
Ðã một lần toan cự voi kia.
Ngã nhào, ngực vỡ kêu la,
Mới hay tiếc đã vội ra đối đầu.

Ai thích đấu kẻ n
ào siêu đẳng
Sức mạnh kia nếu chẳng nhận ghi,
Sẽ đ
ành chia xẻ tức thì
Chó rừng số phận sầu bi thế này.

Kẻ biết lượng sức tài mình có,
Biết e dè khi tỏ lời ra,
Sống tròn bổn phận đời ta,
Bao nhi
êu cừu địch cũng là thắng thôi.

Bồ-tát đọc các bài kệ trên, tuyên thuyết những phận sự đúng đắn phải làm trong cõi đời này.

*

Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, bậc Ðạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Bấy giờ Ðề-bà-đạt-đa là con chó rừng, còn ta là con sư tử.

-ooOoo-

363. Chuyện Vương Tử Chatta Vĩ Đại (Tiền thân Brahachatta)

"Cỏ " vẫn là tiếng ngài kêu mãi...,

Chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một kẻ xảo quyệt.

Tình tiết đưa đến câu chuyện đã được kể trước đây.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta đang trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ-tát là quan đại thần và là cố vấn của vua về thế sự và thánh sự. Vua Ba-la-nại mang một đạo quân lớn đi đánh vua Kosala, đến Xá-vệ và sau trận chiến, đã vào thành bắt vua Kosala làm tù nhân. Bấy giờ vua Kosala có một con trai là vương tử Chatta. Chàng giả trang thoát đi.

Ðến Takkasilà chàng học được ba bộ Vệ-đà và mười tám ngành văn học nghệ thuật. Thế rồi chàng rời Takkasilà và trong khi nghiên cứu cách ứng dụng các học nghệ, chàng đến một làng ở biên địa. Ở một khu rừng gần đó có năm trăm ẩn sĩ sống trong các lều lá của họ. Vương tử đến với họ. Chàng mong mỏi học hỏi họ nên chàng cũng trở thành ẩn sĩ và sau đó chàng học được mọi kiến thức của họ. Chẳng bao lâu chàng trở thành người lãnh đạo của đám môn đệ ấy.

Một hôm chàng gọi các đạo hữu của chàng lại và nói:

- Này các hiền giả, tại sao các bạn không đi đến vùng trung tâm?

Họ bảo:

- Thưa Tôn giả, chúng tôi nghe nói vùng trung tâm là nơi những người khôn ngoan sống. Họ đặt cho mình những câu hỏi, họ khiến mình phải cảm ơn, phải chúc tụng và họ trách cứ những kẻ thô lậu. Vì thế chúng tôi không dám đến đó.

- Chớ sợ, chàng bảo - tôi sẽ lo các thứ ấy cho các bạn.

Họ bảo:

- Thế thì chúng tôi sẽ đi.

Rồi tất cả đều mang theo các vật dụng cần thiết để đi đường và đến Ba-la-nại.

Bấy giờ vua Ba-la-nại, sau khi chiếm lĩnh toàn thể vương quốc Kosala, đặt các viên chức tâm phúc ở lại làm quan cai trị, còn vua gom góp mọi tài sản quý giá rồi mang chiến lợi phẩm quay về Ba-la-nại. Vua bỏ đầy các vật quý giá kia trong các bình bằng sắt rồi đem chôn trong ngự viên và vẫn sống ở nơi ấy.

Các ẩn sĩ kia ngủ đêm ở trong ngự viên ấy, hôm sau vào thành khất thực, đến cổng cung điện. Vua rất thích cung cách của họ đến độ gọi họ vào và mời họ ngồi trên bệ, hỏi họ nhiều vấn đề như vậy, như vậy... Chatta chiếm được lòng vua nhờ chàng đáp được hết mọi câu hỏi của vua. Vua lại càng bằng lòng hơn nữa, và hứa cho tất cả được ở trong vườn cây của mình.

Bấy giờ, Chatta biết thần chú tìm ra kho tàng được chôn dấu. Trong lúc trú tại đó, chàng cứ tự nghĩ: "Ðâu là chỗ ông ấy có thể cất giấu tiền bạc của cha ta nhỉ?" Rồi đọc thần chú và kiếm tìm khắp nơi, chàng khám phá ra rằng của cải ấy được chôn trong vườn cây. Nghĩ rằng với tiền bạc ấy, chàng có thể khôi phục vương quốc của mình, chàng liền gọi các ẩn sĩ kia lại và bảo:

- Này các bằng hữu, tôi là con của vua Kosala. Khi vương quốc của chúng tôi bị vua Ba-la-nại chiếm, tôi đã giả trang trốn thoát và toàn mạng đến nay, giờ đây, tôi đã chiếm được tài sản thuộc về gia đình tôi. Với tài sản này, tôi sẽ khôi phục vương quốc của tôi. Các bạn định sẽ làm gì nào?

- Chúng tôi sẽ cùng đi với ngài. Họ đáp.

- Ðồng ý.

Chàng bảo, rồi sai làm những cái bao lớn bằng da. Ðêm đến, chàng đào lỗ ở khoảng đất kia và lấy các bình chứa tiền bạc lên. Chàng bỏ tiền vào các bao và lấy cỏ đựng đầy các bình kia. Chàng ra lệnh năm trăm đạo hữu cùng mang tiền bạc rồi chạy về Xá-vệ.

Nơi đây, chàng bắt hết các quan chức của vua và khôi phục vương quốc của chàng. Chàng xây thành, tháp canh và thực hiện nhiều công việc khác nữa. Chàng xây dựng một thành phố vững chắc chống lại cuộc tiến công của bất cứ một ông vua cừu địch nào, và chàng ở tại đó.

Vua Ba-la-nại nghe trình:

- Các nhà tu khổ hạnh đã lấy kho tàng trong vườn của ngài và chạy đi rồi.

Vua vào vườn, mở các bình ra và thấy chỉ có cỏ trong đó mà thôi. Vì mất kho báu, vua ngập tràn sầu muộn. Vua vào thành phố vừa lang thang khắp nơi vừa thì thầm: "Cỏ, cỏ". Chẳng có ai có thể làm vơi nỗi sầu muộn của vua được.

Bồ-Tát tự nghĩ: "Vua đang gặp lúc quá khổ. Ngài cứ lang thang đây đó và nói nhảm mãi. Ngoài ta ra, không ai đủ sức để xua nỗi sầu muộn của ngài được. Ta sẽ giải thoát cho ngài khỏi cơn đau khổ.

Thế rồi, một hôm Bồ-Tát ngồi im lặng cùng với vua, khi vua bắt đầu nói nhảm, ngài đọc bài kệ đầu:

"Cỏ" vẫn là tiếng ngài kêu mãi,
Kẻ nào giành cỏ ấy của ngài?
Ngài cần chi với cỏ vầy?
Tại sao ngài cứ lời này thốt ra?

Vua nghe Bồ-Tát nói thế liền trả lời bằng bài kệ thứ hai:

Chính đạo sĩ Chat-ta nổi tiếng.
Như thế n
ày câu chuyện xảy ra;
đem cỏ thế vàng ta,
Ta đây trách cứ riêng nhà nó thôi.

Nghe thế, Bồ-Tát đọc bài kệ thứ ba:

Bọn tinh ma vẫn noi đường lối:
"Cho ít thôi, nhưng đổi lấy nhiều".
Của ri
êng phần nó mang theo,
Cỏ kia để lại, há điều khôn ngoan?

Nghe thế, vua đọc bài kệ thứ tư:

Ðức hạnh chẳng theo đàng lối nọ,
Ðức này dành cho lũ ngu si,
Ðức kia chắc hẳn đáng nghi,
Học theo cũng chẳng ích chi, hão huyền!

Khi vua trách cứ Chatta như vậy và nghe những lời ấy của Bồ-tát, vua liền thoát khỏi cơn sầu muộn và từ đó trị vì vương quốc của mình rất công chính.

*

Bậc Ðạo sư chấm dứt bài thuyết giảng và nhận diện tiền thân:

- Bấy giờ Tỷ-Kheo xảo quyệt kia là đạo sĩ Chatta, còn Ta là vị quan hiền trí nọ.

-ooOoo-

337. Chuyện Cái Sàng Tọa (Tiền thân Pìtha)

Ôi, tôi đã chẳng mời ngồi...,

Câu chuyện này do bậc Ðạo sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-Kheo.

Tương truyền ông ta từ vùng quê đến Kỳ Viên. Sau khi cởi bỏ y bát, ông đến đảnh lễ bậc Ðạo sư và hỏi các chú tiểu:

- Này các chú, ai chăm lo các Tỷ-Kheo ở nơi khác đến Xá-vệ?

Các chú tiểu đáp:

- Trưởng giả Cấp Cô độc và nữ đại cư sĩ Visàkhà trông nom cả Tăng đoàn thay thế bậc phụ mẫu của họ.

- Tốt lắm, ông ta nói như thế.

Và lờ mờ sáng hôm sau, trước hơn ai hết, ông đến nhà ông Cấp Cô Ðộc. Vì ông đến vào giờ không hơp lý nên chẳng có ai chăm sóc ông cả. Không nhận được thứ gì nơi đây, ông liền bỏ đi và đến nhà bà Visàkhà. Nơi đây, cũng vì đến quá sớm nên không nhận được gì cả. Sau khi quanh quất đó đây, ông trở lại và khi thấy cháo sữa đã hết, ông liền quay bỏ đi. Ông lại đi quanh quẩn đó đây, và khi trở về, thấy cơm đã hết, ông quay lại Tinh xá và bảo:

- Các Tỷ-Kheo ở đây nói rằng hai gia đình ấy thuộc những tín hữu thuần thành, nhưng thật ra cả hai đều chẳng tín thành và cũng chẳng là người mộ đạo.

Như thế ông cứ đi khắp nơi trách cứ hai gia đình ấy.

Vì vậy một hôm các Tỷ-Kheo bắt đầu bàn tán trong Pháp đường rằng Tỷ-Kheo ấy từ vùng quê đến cửa nhà của các gia trưởng kia lúc quá sớm, nên đã không nhận được các thứ cúng dường và đi khắp nơi mắng nhiếc các gia đình ấy.

Bậc Ðạo sư đến và hỏi các Tỷ-Kheo đang ngồi bàn tán việc gì. Khi nghe kể lại, Ngài gọi Tỷ-Kheo kia đến và hỏi ông ta có thực như thế không. Tỷ-Kheo ấy nói:

- Bạch Thế tôn, thật như thế.

Bậc Ðạo sư dạy:

- Này Tỷ-Kheo, tại sao ông lại giận chứ? Ngày xưa, trước khi đức Phật xuất hiện trên thế gian này, khi các nhà tu khổ hạnh viếng thăm một gia đình mà không nhận được tặng vật, họ không hề tỏ ra tức giận.

Cũng với lời này, Ngài kể một chuyện đời xưa.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-Tát sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, ngài theo đuổi các học nghệ tại Takkasilà và sau đó ngài sống đời Phạm hạnh của một nhà tu ẩn dật. Sau khi sống một thời gian dài trong dãy tuyết Sơn, ngài đến Ba-la-nại để kiếm muối và giấm. Ngài trú trong một vườn cây và sáng hôm sau vào thành mà khất thực. Bấy giờ, có một thương gia ở Ba-la-nại là một tín hữu thuần thành. Bồ-Tát hỏi tìm một gia đình thành tín và khi nghe nói đến gia đình thương gia nọ, liền đến nhà ông ta. Bấy giờ vị thương gia đã đi bái kiến vua và người nhà của ông cũng chẳng có ai gặp ngài. Vì vậy ngài quay trở ra.

Sau đó thương gia ấy từ cung về trông thấy ngài, chào ngài rồi cầm lấy bình bát của ngài và mời vào nhà. Nơi đây ông mời ngài ngồi và chăm sóc ngài, rửa và xức dầu thơm đôi bàn chân ngài, mang cơm, bánh và các thức ăn khác ra mời. Trong lúc ngài dùng bữa, ông hỏi ngài điều này, điều nọ.

- Thưa Tôn giả, mọi khách lạ đến nhà chúng tôi, dù là hành khất, đạo sĩ hay Bà-la-môn, đều chẳng bao giờ phải ra đi mà không nhận những tặng vật biểu lộ sự cung tôn. Thế mà hôm nay người của chúng tôi lại không trông thấy ngài, khiến ngài phải ra đi mà không được dâng chỗ ngồi, nước uống, không được rửa chân, không được dâng cơm, cháo để ngài dùng. Ðấy là lỗi của chúng tôi. Xin ngài tha thứ cho chúng tôi về điều ấy.

Rồi ông đọc bài kệ đầu:

Ôi, tôi đã chẳng mời ngồi,
Chẳng mang nước uống, chẳng mời ngài ăn.
Tôi đây thú thật tội phần.
Cầu xin Tôn giả một lần thứ tha.

Bồ-Tát nghe thế liền đọc bài kệ thứ hai:

Thứ tha tôi có chi mà!
Tôi nào cảm thấy phiền hà gì đâu!
Lần kia, một ý thoáng mau:
"Người đây, thói tục phần n
ào lạ xa".

Vị thương gia nghe xong, liền trả lời bằng hai bài kệ nữa:

Thói tục từ lâu đời
Truyền tận đến chúng tôi
Mỗi lần khác lạ đến
Ân cần vẫn đón mời.

Chỗ khách ngồi, mời mọc,
Cung cấp thứ khách cần,
Mang nước đến rửa chân,
Ðãi khách như thân tộc.

Bồ-Tát ở lại nơi ấy ít ngày, giảng dạy cho vị thương gia thành Ba-la-nại về bổn phận của mình. Sau đó ngài lui vào dãy Tuyết sơn. Nơi đây, ngài phát huy các Thắng trí và các Thiền chứng.

*

Bậc Ðạo Sư chấm dứt bài thuyết giảng và tuyên thuyết Tứ Ðế. Ở phần kết thúc Tứ Ðế, vị Tỷ-Kheo kia Ðắc quả Dự Lưu và Ngài nhận diện Tiền thân.

- Bấy giờ, Ànanda là vị thương gia ở Ba-la-nại, còn Ta là vị ẩn sĩ nọ.

-ooOoo-

Đầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14

[Mục lục Tiểu Bộ][Thư Mục Tổng Quát]