Trung Tâm Hộ Tông Trang Chủ


Tiểu Bộ Kinh - Tập VIII

Chuyện Tiền Thân Đức Phật (V)

Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt


Chương XVI (tt)


515. Chuyện nam tử Sambhava (Tiền thân Sambhava)

Trẫm chẳng màng ngôi vị đế vương..,

Trong lúc trú tại Kỳ Viên, bậc Ðạo sư kể lại câu chuyện này liên quan đến sự Viên mãn của Trí tuệ Tối thắng.

Các chi tiết đưa đến phần mở đầu câu chuyện sẽ được nêu ra trong Tiền thân Mahà Ummagga Ðường Hầm lớn, Chương XXII, tập VII.

*

Ngày xưa có vị vua danh hiệu Dhananjaya Korabya trị vì tại kinh đô Indapatta ở quốc độ Kuru (Câu-lâu). Một Bà-la-môn tên Sucìrata là tế sư cùng là quốc sư của ngài trong mọi vấn đề thánh sự. Nhà vua cai trị rất đúng pháp, thực hành bố thí cùng nhiều thiện sự khác. Một ngày kia ngài chuẩn bị một câu hỏi liên quan việc phụng sự Chân lý, nên sau khi mời Bà-la-môn Sucìrata an tọa xong, và cung kính đảnh lễ vị ấy, ngài đưa vấn đề ra hỏi bằng cách ngâm bốn vần kệ:

1. Trẫm chẳng màng ngôi vị đế vương,
Su-cì, và thống trị giang sơn,
Vì mong trẫm đạt thành cao cả,
Ngự trị khắp toàn cõi thế gian.

2. Bằng Chánh chân thôi, tránh lỗi lầm,
Bởi vì tất cả đấng quân vương,
Ở trên trần thế cần theo đúng
Bất cứ điều Chân chánh Thiện lương.

3. Do đó ta xa lánh lỗi lầm
Ðời này và mãi mãi ngàn năm
Ta cầu mong được danh vinh hiển
Ở giữa chư Thiên lẫn thế nhân.

4. Này hỡi tế sư, hãy biết rằng
Những gì Chân thiện, trẫm mong làm,
Vậy khi được hỏi, xin cho biết
Những việc làm nào đúng Thiện Chân.

Lúc bấy giờ, đó là cả vấn đề cao siêu thuộc phạm vi tri kiến của một vị Phật. Ðó là vấn đề ta phải đem ra thưa trình lên đức Phật Chánh Ðẳng Chánh Giác, hoặc nếu không có Ngài, thì ta phải trình với một vị Bồ-tát đang mong cầu quả vị Chánh Ðẳng Chánh Giác kia. Còn Sucìrata không phải là một vị Bồ-tát nên không lý giải được vấn đề; vì thế ông chẳng hề làm ra vẻ thông thái, mà đành thú nhận sự bất tài của mình qua vần kệ sau:

5. Khải tấu Ðại vương, chẳng có ai
Ngoài Vi-dhu ấy đủ thiên tài,
Nói điều kỳ diệu là Chân thiện,
Chúa thượng hằng mong thực hiện hoài.

Nhà vua nghe lời này, liền phán:

- Vậy Tôn giả hãy đi ngay.

Và vua ban một tặng vật để vị tế sư đem theo và trong niềm mong mỏi ông lên đường, ngài ngâm vần kệ:

6. Hiền hữu, đi ngay lấy phiến vàng
Ðến Vi-dhu ấy, trẫm nhờ mang
Tặng phần xứng trí nhân ưu tú
Dạy trẫm điều Chân thiện tỏ tường.

Nói xong ngài cho ông một phiến vàng đáng giá một trăm ngàn đồng tiền dùng để viết lời giải đáp vấn đề lên trên đó, một xe ngựa để đi đường, một đạo binh hộ tống, một tặng vật và bảo ông đi ngay.

Khởi hành từ thành Indapatta, ông không đi thẳng Ba-la-nại, trước tiên đến thăm nhiều nơi chốn các bậc hiền nhân cư ngụ, vẫn không thấy ai có thể giải đáp vấn đề được, ông đi dần đến Ba-la-nại. Trong khi nghỉ tại đó, cùng vài người tùy tùng đến nhà Vidhura vào giờ ăn sáng, sau khi nhờ thông báo việc đến yết kiến, ông được mời vào và thấy tế sư Vidhura đang dùng điểm tâm tại nhà riêng.

Bậc Ðạo sư ngâm vần kệ thứ bảy để giải thích sự việc này:

7. Bhà-rad vội vã tiến lên đàng
Ðến gặp Vi-dhu, thấy bạn vàng
Ngồi tại nhà riêng, sắp sửa dự
Bữa cơm thanh đạm sáng tinh sương.

Lúc bấy giờ Vidhura là bạn thiếu thời của Sucìrata, đã học chung tại nhà một vị giáo sư, nên sau khi cùng ăn điểm tâm với nhau, tế sư Sucìrata an tọa, và được tế sư Vidhura hỏi:

- Hiền hữu đến đây có việc gì?

Tế sư Sucìrata nêu rõ lý do đến đây và ngâm vần kệ thứ tám:

8. Ðến vì thánh chỉ chúa Câu-lâu
Dòng dõi Yu-dhi, hiện thỉnh cầu,
Hiền hữu, Vi-dhu, cho đệ biết
Thiện lương, Chân chánh phải là đâu.

Lúc bấy giờ, vị Bà-la-môn này đang đeo đuổi công việc sưu tập các dòng tư tưởng của một số người, việc ấy cứ chồng chất lên cao như thể nước lụt sông Hằng dâng tràn, cho nên chẳng có thì giờ giải đáp vấn đề này được nữa. Vì thế, ông ngâm vần kệ thứ chín nêu rõ trường hợp mình:

9. Tràn ngập chủ đề quá lớn lao
Như sông Hằng nước lụt tuôn trào,
Ta không thể nói đâu là lẽ
Chân Thiện, hiền huynh đến thỉnh cầu.

Nói vậy xong, ông lại thêm:

- Ta có một con trai rất thông minh, cháu ấy còn mẫn tuệ hơn ta nhiều. Cháu sẽ giải thích rõ cho hiền hữu. Vậy hãy đến gặp tiểu điệt.

Và ông ngâm vần kệ thứ mười:

10. Hiện giờ đệ có một con trai
Tên gọi Bhà-dra ở giữa đời,
Tìm đến chàng ngay, chàng sẽ nói
Thiện lương, Chân lý rõ cho ngài.

Nghe điều này, tế sư Sucìrata liền rời nhà vị tế sư Vidhura, đến tư thất của Bhadrakàra, và thấy chàng đang ngồi ăn điểm tâm giữa đám thân nhân của chàng.

Bậc Ðạo sư ngâm vần kệ thứ mười một làm sáng tỏ vấn đề này:

11. Lúc ấy Bhà-rad lại vội vàng
Ðến Bha-dra gấp tại gia đường,
Giữa bao bằng hữu đang tề tựu,
An tọa thong dong được thấy chàng.

Khi đến nơi, vị tế sư được chàng thanh niên Bhadrakàra tiếp đãi nồng hậu, mời lên tọa sàng cùng nhiều tặng vật. Vừa khi an tọa, và được hỏi nguyên cớ đến thăm, ông ngâm vần kệ thứ mười hai:

12. Ðến vì thánh chỉ Câu-lâu
Dòng họ Yu-dhi, hiện thỉnh cầu
Hiền điệt Bhà-dra, cho chú biết
Thiện lương, Chân lý phải là đâu.

Lúc ấy Bhadrakàra đáp lại:

- Thưa Tôn giả, ngay bây giờ, tiểu điệt đang có dự mưu dan díu với vợ một người khác. Cho nên trí óc của tiểu điệt không được thư thái để giải đáp vấn đề. Song em trai cháu tên là Sanjaya còn thông thái hơn cháu nhiều. Xin Tôn giả đi hỏi chàng, chàng sẽ giải đáp vấn đề của Tôn giả.

Chàng ngâm vần kệ để bảo ông đến đó:

13. Cháu bỏ thịt nai thật ngọt ngon,
đang theo đuổi tắc kè con,
Làm sao có thể nào thông hiểu
Ðâu lẽ Thiện lương với Thật chơn?

14. Song có em trai, ngài phải biết,
San-ja tên gọi, hãy lên đường
Kiếm chàng cho được, chàng tuyên thuyết
Chân Thiện ngài nghe thật tỏ tường.

Ông liền đi đến nhà Sanjaya ngay và được chàng tiếp niềm nở, khi được hỏi lý do đến đấy, ông nói rõ ra.

Bậc Ðạo sư ngâm hai vần kệ để giải thích sự việc này:

15. Lúc ấy Bhà-rad phải vội vàng
Ðến San-jay gấp tại gia đường
Giữa bao bằng hữu đang tề tựu,
An tọa thong dong được thấy chàng.

16. Ðến vì thánh chỉ chúa Câu-lâu,
Dòng dõi Yu-dhi, hiện thỉnh cầu
Hiền điệt San-jay, cho chú biết
Thiện lương, Chân lý phải là đâu.

Nhưng Sanjaya cũng đang bận bày mưu tính kế, chàng liền thưa với ông:

- Thưa Tôn giả, tiểu điệt đang theo đuổi vợ người khác, và lại sắp đi xuống sông Hằng để qua sông. Sáng tối trong lúc tiểu điệt qua sông thường phải gặp nanh vuốt tử thần, cho nên tâm trí tiểu điệt đang rối ren, tiểu điệt không thể giải đáp vấn đề của Tôn giả được, song em trai tiểu điệt là Sambhava, mới lên bảy tuổi đã thông minh tài trí hơn tiểu điệt gấp cả trăm ngàn lần đấy. Em cháu sẽ nói chuyện với Tôn giả, xin hãy đi tìm để hỏi em cháu ngay.

Bậc Ðạo sư ngâm hai vần kệ để giải thích sự việc:

17. Tử thần há miệng rộng đầy chông
Sáng tối chờ con, hỡi thúc ông
Làm thế nào con thưa với chú
Ðâu là Chân lý với Hiền lương?

18. Song có em thơ, chú biết chăng,
Sam-bha tên gọi, hãy lên đường,
Tìm em, thưa chú, em nêu rõ
Chân lý, Thiện lương thật tỏ tường!

Nghe vậy, tế sư Sucirata nghĩ thầm: "Vấn đề này ắt là điều kỳ bí nhất trên đời. Ta chắc không ai đủ sức giải đáp cả".

Nghĩ vậy ông ngâm hai vần kệ:

19 - 20. Việc lạ lùng này phật ý ta,
Chẳng hai con lớn, chẳng ông cha,
Biết phương giải đáp điều mầu nhiệm
Vậy nếu như chàng cũng chịu thua,
Thì phải chăng đây là cậu bé
Biết gì về lý Thiện Chân ư!

Nghe vậy, Sanjaya đáp:

- Thưa Tôn giả, xn ngài đừng tưởng Sambhava chỉ là đứa trẻ thơ dại. Nếu chẳng ai giải đáp được vấn đề của Tôn giả, thì cứ đi hỏi em cháu.

Rồi chàng ngâm mười hai vần kệ nêu lên những đức tính của cậu bé này qua các ví dụ chứng minh trường hợp trên:

21. Xin ngài đi hỏi Sam-bha,
Xin ngài chớ vội khinh là trẻ thơ,
Em đầy thông thái tài ba
Nói ngay ngài biết đâu là Thiện Chân.

22. Khác nào ánh nguyệt trong ngần
Sáng bừng vượt hẳn sao giăng đầy trời,
Ánh sao le lói mờ soi
Chim dần trong ánh rạng ngời Hằng nga,

23. Cũng như chú bé Sam-bha
Trí tài kiệt xuất vượt xa tuổi vàng,
Hỏi Sam-bha, biết tỏ tường,
Xin ngài chớ vội khinh thường tuổi thơ.

24. Em đầy thông thái tài ba
Nói rành Chân Thiện đâu là lẽ ngay.
Tháng tư quyến rủ đắm say,
Vượt xa tất cả tháng ngày trong năm.

25. Hoa xuân đâm lộc nảy mầm,
Màu xanh bát ngát bao trùm rừng cây,
Bé Sam-bha cũng thế này,
Vượt xa tuổi trẻ, trí tài tuyệt luân.

26. Như trên đỉnh tuyết Hương Sơn
Rừng cây bao phủ, có thần điểm trang
Tỏa ra ánh sáng huy hoàng,
Mùi hương ngào ngạt dần lan toàn miền,

27. Dành cho vô số thần tiên
Tìm nơi ẩn náu bình yên chốn này.
Bé Sam-bha cũng như vầy,
Vượt xa tuổi trẻ, trí đầy khôn ngoan.

28. Khác nào ngọn lửa huy hoàng
Cháy tràn lan khắp đồng hoang tung hoành,
Với cây cột lửa cuộn nhanh,
Không hề biết thỏa, tan tành cỏ non.

29. Ðể trơ một lối đen ngòm,
Bất kỳ nơi chốn lửa bùng lướt qua.
Cũng vầy chú bé Sam-bha,
Trí tài kiệt xuất vượt đà ấu niên,

30. Khác nào một ngọn lửa thiêng
Ðốt bằng bỏ sống trong đêm tối trời,
Gặp cây gỗ quý nhất đời,
Giục cơn thèm cháy sáng ngời cao xa.

31. Cũng vầy chú bé Sam-bha
Thông minh trí tuệ vượt xa tuổi vàng,
Hỏi Sam-bha, chớ coi thường
Em thông hiểu, nói tận tường Thiện Chơn.

32. Trâu nhờ sức lực tráng cường
Ngựa nhờ tốc độ phô trương giống nòi,
Bò nhờ vắt sữa tuôn vòi,
Hiền nhân, ta biết nhờ lời khôn ngoan.

33. Sam-bha cũng vậy, mầm non,
Thông minh trí tuệ vượt hơn tuổi vàng,
Hỏi Sam-bha, chớ coi thường
Em thông thái, nó tận tường Thiện Chân.

Trong khi Sanjaya ca ngợi Sambhava như vậy, tế sư Sucìrata nghĩ thầm: "Ta sẽ đặt vấn đề với cậu bé này là biết ngay".

Ngài hỏi:

- Thế tiểu hiền điệt ở đâu rồi?

Chàng liền mở cửa sổ giơ tay chỉ và nói:

- Ngài nhìn cậu bé đằng kia, da óng như vàng ròng, đang chơi cùng các trẻ khác bên đường trước cửa, chính đó là tiểu đệ của cháu. Xin cứ đến hỏi, tiểu hiền đệ sẽ giải đáp vấn đề của ngài với mọi lý lẽ huyền diệu của một vị Phật.

Sucìrata nghe thế, liền bước xuống khỏi dinh, đến gần cậu bé vừa đúng lúc cậu bé đang đứng, áo quần xốc xếch vắt qua vai, hai tay đang bốc đất.

Bậc Ðạo sư ngâm vần kệ giải thích sự việc này:

34. Lúc ấy Bhà-rad lại vội vàng
Ðến Sam-bha gấp tại gia đường
Ở ngoài công lộ, kìa ngay đó
Cậu bé đùa chơi thấy rõ ràng.

Bậc Ðại sĩ vừa khi thấy vị Bà-la-môn kia đến đứng trước ngài, liền hỏi:

- Hiền hữu đến đây có việc gì chăng?

Vị tế sư đáp:

- Này tiểu hiền điệt, ta đã đi khắp cõi Diêm-phù-đề mà không tìm ra người nào đủ tài trí giải đáp vấn đề ta đặt ra, nên nay ta đến đây tìm cháu.

Cậu bé nghĩ thầm: "Họ bảo đây là vấn đề khắp cả cõi Diêm-phù-đề chưa giải đáp được, nên vị này đến tìm ta. Còn ta đã am hiểu thông thạo rồi".

Lúc ấy cậu thấy hổ thẹn, liền vứt cục đất đang cầm trong tay, sửa sang áo quần lại đàng hoàng và bảo:

- Này Tôn giả Bà-la-môn, cứ hỏi đi, ta sẽ giải đáp cho ngài với mức tinh thông lưu loát của một vị Phật.

Rồi với trí tuệ Tối thắng, ngài mời vị kia lựa chọn đề tài để hỏi. Vị Bà-la-môn liền hỏi vấn đề qua các câu kệ:

35. Ðến vi thánh chỉ chúa Câu-lâu,
Dòng dõi Yu-dhi, hiện thỉnh cầu,
Hiền điệt Sam-bha, cho chú biết,
Thiện lương, Chân lý phải là đâu?

Vấn đề được hỏi kia quá rõ ràng đối với Sambhava như thể vầng trăng tròn giữa bầu trời cao. Ngài bảo:

- Này hãy nghe lời ta.

Và ngài giải đáp vấn đề Phụng sự Chân lý qua các vần kệ:

36. Hiền hữu, ta nay sẽ bảo ngài,
Ðúng như bậc trí phải trình bày,
Vua cần biết rõ điều Chân Thiện,
Song việc vua làm, ai có hay?

Trong khi ngài đứng giữa đường phố thuyết giảng Chân lý với giọng ngọt như mật, âm thanh vang dội khắp thành Ba-la-nại, mỗi phía vang đến mười hai dặm đường. Nhà vua cùng các phó vương và nhiều vua khác tụ tập lại, bậc Ðại sĩ liền đứng giữa đám đông ấy, tuyên thuyết Chân lý. Sau khi đã hứa giải đáp vấn đề qua vần kệ này, giờ đây ngài nêu lời giải đáp vấn đề Phụng sự Chân lý:

37. Ðáp lại đức vua, hãy tấu ngài:
"Ngày nay không hẳn giống ngày mai,
Thần khuyên Chúa thượng nên thông suốt
Nắm lấy thời cơ kịp đến tay".

38. Ta ước mong hiền hữu tế sư
Gợi cho vua biết cách suy tư,
Nhờ đây tâm trí ngài an lạc:
Vua phải tránh xa mọi oán thù,
Cũng chớ đi theo đường ác độc
Như là người độn trí mê mờ.

39. Ðừng gây tội lỗi mất tâm hồn,
Ðừng phạm hành vi bất chánh chơn,
Ðừng có bao giờ theo ác hạnh,
Ðừng đưa huynh đệ bước sai đường.

40. Ai biết hoàn thành đúng chánh chân
Những điều này, giống nguyệt tròn dần,
Như vua danh tiếng tăng lên mãi,
Làm ánh sáng soi đám bạn thân,
Yêu mến họ hàng, khi tận mạng
Hiền nhân sẽ đạt đến thiên cung.

Như vậy chẳng khác nào đem vầng trăng soi rọi khắp bầu trời, bậc Ðại sĩ giải đáp vấn đề của vị Bà-la-môn này với mọi vẻ tinh thông của một bậc Giác Ngộ. Dân chúng reo hò vỗ tay vang dậy. Hàng ngàn tiếng reo tán thưởng cùng vô số khăn vẫy lên không và tiếng búng tay lách tách. Họ thả luôn cả đồ trang sức trên tay. Vua Ba-la-nại hoan hỷ tỏ lòng tôn kính ngưỡng mộ ngài. Còn vị tế sư Sucìrata, sau khi tặng thưởng ngài một ngàn cân vàng, liền viết câu giải đáp vấn đề trên bằng son đỏ vào phiến vàng ấy và khi đến kinh thành Indapatta, ông tâu trình vua về câu giải đáp Phụng sự Chân lý như trên.

Phần vua nhờ kiên tâm hành trì các pháp chân chánh, về sau được lên thiên giới.

*

Khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Ðạo sư bảo:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ, mà ngay từ xa xưa, Như Lai đã dùng đại trí để giải đáp mọi vấn đề.

Và Ngài nhận diện Tiền thân:

- Vào thời bấy giờ Ànanda (A-nan) là vua Dhananjaya, Anuruddha (A-na-luật-đà) là Sucìrata, Kassapa (Ca-diếp) là Vidhura, Moggallàna (Mục-kiền-liên) là Bhadrakàra, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là thiếu sinh Sanjaya, và Trí giả Sambhava chính là Ta.

-ooOoo-

516. Chuyện khỉ chúa (Tiền thân Mahàkapi)

Tương truyền đại đế xứ Kà-si..,

Câu chuyện này được bậc Ðạo sư kể trong lúc trú tại Trúc Lâm, về việc Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) ném đá vào Ngài.

Vì vậy khi Tỷ-kheo quở trách Ðề-bà-đạt-đa về việc xúi giục các thợ săn bắn cung vào đức Phật và sau đó lại ném đá vào Ngài, bậc Ðạo Sư bảo:

- Không phải chỉ bây giờ, mà cả ngày xưa nữa, Ðề-bà-đạt-đa cũng đã ném đá vào Ta.

Nói xong Ngài kể câu chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, khi vua Bradhmadatta trị vì xứ Ba-la-nại có một nông dân dòng họ Bà-la-môn trong một làng Kàsi, sau khi cày ruộng xong, thả trâu ra và bắt đầu cuốc đất. Ðàn trâu trong khi gặm lá ở bụi cây dần dần tẩu thoát vào trong rừng. Người ấy nhận thấy trời tối liền đặt cuốc xuống đi tìm đám trâu nhưng chẳng thấy đâu, gã quá buồn khổ đi lang thang vào trong rừng tìm chúng, dần dần đến tận vùng Tuyết Sơn. Vì lạc mất phương hướng, gã lang thang bảy ngày nhịn đói, nhưng khi nhìn thấy cây Tinduka, gã trèo lên hái trái ăn. Rồi tuột khỏi cây này gã rơi xuống một vực thẳm như địa ngục sâu 60 cubit (1 cubit = 45cm) và ở đó cả mười ngày.

Thời bấy giờ Bồ-tát sinh làm thân Khỉ, đang lúc ăn trái rừng, ngài thấy gã kia, liền dùng một hòn đá lôi gã ra khỏi vực. Trong lúc Khỉ đang ngủ, gã kia đập đầu Khỉ bằng một cục đá, bậc Ðại Sĩ biết được việc này, liền vùng dậy nhảy lên cành cây, đứng lại và kêu to:

- Này tôn ông, ngài đang ngồi trên đất bằng, ta sẽ chỉ đường cho ngài từ trên ngọn cây này rồi ta sẽ đi ngay.

Thế là ngài cứu gã kia ra khỏi rừng, chỉ đúng đường cho gã rồi biến mất trong rừng núi ấy. Còn gã kia vì đã gây tội ác với bậc Ðại sĩ, nên hóa thành tên hủi, chẳng khác nào ngạ quỷ đội lốt người trên trần thế. Trong bảy năm liền, gã đau đớn chất chồng, lang thang hết nơi này sang nơi khác, gã đến ngự viên Migàcira (Lộc Uyển) tại thành Ba-la-nại, trải ngọn lá chuối trên một góc, gã nằm xuống, lòng đau khổ điên cuồng.

Lúc bấy giờ vua Ba-la-nại đến ngự viên và trong khi dạo chơi, tìm thấy người kia, liền hỏi:

- Ngươi là ai và ngươi đã làm gì đến nỗi phải khổ như vậy?

Gã trình vua toàn thể câu chuyện với đầy đủ chi tiết.

Bậc Ðạo sư ngâm vần kệ để làm sáng tỏ vấn đề:

1. Tương truyền đại đế xứ Kà-si,
Một thuở Ba-la-nại trị vì,
Cùng với hiền thần trên đại lộ
Vào đến Vườn Nai một bữa kia.

2. Ðằng kia vua thấy gã La-môn,
Một bộ xương khô bước chập chờn,
Da trắng vì mang dòng máu hủi,
Xù xì xương xẩu tựa cây mun.

3. Ngạc nhiên trước cảnh tượng đau thương
Của kẻ không may, nặng khổ buồn:
"Thật tội nghiệp ngươi", ngài phán hỏi,
Tên gì, ác quỷ phận đành mang?

4. Giống như tuyết trắng cả tay chân,
Ta chắc đầu ngươi lại trắng hơn,
Thân thể ngươi tràn đầy vết hủi,
Bệnh kia ghi dấu ấn riêng phần.

5. Lưng ngươi như suốt chỉ giăng hàng,
Lồi lõm, dài ngoằn lại uốn quăn,
Xương khớp đen điu như mẩu gỗ,
Chẳng hề ai thấy kẻ ngang bằng!

6. Ngươi từ đâu đến, kẻ lang thang,
Khốn khổ bơ vơ, da bọc xương,
Ðầu đội nắng trời nung bức lửa,
Chịu bao đói khát quá đau thương?

7. Hình hài tàn phá thật kinh hoàng,
Chẳng xứng nhìn lên ánh nhật quang,
Ngay chính mẹ ngươi chắc cũng chẳng
Còn mong nhìn trẻ quá tồi tàn!

8. Ác nghiệp gì xưa ngươi đã gây
Hay là ngộ sát kẻ nào đây,
Tội gì người phạm, ta mong biết,
Xui khiến ngươi mang nỗi khổ này?

Gà Ba-la-môn đáp lại:

9. Thần xin thưa thật với Tôn quân
Hành động đúng như một thiện nhân,
Vì kẻ không bao giờ dối trá,
Người hiền khen ngợi giữa phàm trần.

10. Xưa kia thần đến một rừng hoang,
Tìm kiếm đàn trâu tối lạc đàng,
Băng mãi lối mòn rừng rậm rạp,
Nơi loài voi ở, bước lang thang.

11. Lạc trong rừng rậm quá hoang sơ,
Chịu đói khát đau khổ xót xa,
Suốt bảy ngày ròng thần lẩn quẩn,
Chốn loài hổ dữ mớm con thơ.

12. Trái độc tối kinh, cũng cứ thèm
Ô kìa, đôi mắt bỗng bừng lên:
Cây xinh lắt lẻo ngang bờ vực,
Lơ lửng trái thơm trĩu nhánh mềm.

13. Những trái rơi theo gió lạnh rung
Thần nhai ngấu nghiến nuốt thơm lừng,
Vẫn còn khao khát, thần leo vội:
"Cách ấy no nê được vẹn toàn".

14. Chưa từng ăn quả chín ngon sao!
Thần vội giơ tay hái thật nhiều,
Cành lá, dựa thân vào gãy đứt
Như là chặt bởi búa ông tiều.

15. Cành gãy làm cho ngã lộn thân,
Không gì chặn lại, rớt nhanh dần
Trên bờ vực thẳm, đầy tường đá,
Không thoát khỏi hang vực thẳm cùng.

16. Nước sâu nằm dưới bờ vực kia,
Cứu mạng không tan nát thảm thê,
Rồi bất hạnh thay, thần tuyệt vọng,
Mười đêm nằm đợi thật dài ghê!

17. Cuối cùng một chú Khỉ dài đuôi
Trú ẩn trong hang đá, đến nơi,
Nhảy nhót cành này sang bụi nọ,
Hái ăn trái chín thật xinh tươi.

18. Chợt thấy thần vàng vọt héo khô,
Ðộng lòng trắc ẩn, Khỉ kêu to:
"Khốn thay! Ta thấy ai nằm đó
Tuyệt vọng đau thương ngập tận bờ
Như vậy, ví như người hoặc quỷ,
Ông là ai đó, nói nguyên do".

19. Thần đầy cung kính, vội thưa ngay:
"Một kẻ khốn cùng chính lão đây,
Song phước đức dành cho Khỉ hết,
Nếu tìm được cách cứu thân này".

20. Chúa Khỉ chuyển cành ở núi cao,
Mang hòn đá nặng lực anh hào,
Ấy nhờ tu luyện tròn công hạnh,
Mục đích tỏ bày trọng đại sao:

21. "Tôn ông, trèo đến chỗ lưng này,
Quanh cổ ta, ghì chặt cánh tay,
Tức tốc ta đem ông thoát khỏi
Vách tường đá, chính cảnh tù đày".

22. Hoan hỷ, thần ghi nhớ rõ ràng
Lời khuyên của chúa Khỉ vinh quang,
Trèo lên lưng nọ, đôi tay bám,
Quanh cổ trí nhân thật vững vàng.

23. Chúa Khí lúc này thật mạnh thay,
Kiên cường can đảm đến như vầy
Dẫu rằng mệt lả vì hao sức,
Chốc lát đưa lên vách đá dày.

24. Kéo thần xong, cất tiếng anh hùng:
"Ta mệt nhoài: xin đứng hộ phòng,
Bên cạnh mình ta, tôn giả hỡi,
Trong khi ta ngủ giấc say nồng.

25. Các thứ như beo, gấu, hổ, sư,
Nếu nhìn ta, thấy quá thờ ơ,
Chúng liền giết hại ta ngay đấy,
Tôn giả canh phòng, chớ phải lo".

26. Trong lúc thần đang đứng hộ phòng
Hầu vương đánh một giấc an thân,
Một tư tưởng xấu xa nhen nhúm
Tiềm ẩn lan dần ở nội tâm:

27. "Khỉ, vượn, hươu, nai thật ngọt ngon
Vậy sao ta chẳng giết hầu vương
Ðỡ cơn đói khát và con thịt
Cung cấp cho ta món tuyệt trần?

28. Khi no dạ, chẳng muốn chần chờ,
Song kiếm thật đầy thực phẩm khô,
Tích trữ cho nhiều ngày vất vả,
Từ rừng ta sẽ kiếm đường ra".

29. Cầm viên đá suýt đánh tan tành
Chiếc sọ kia, song bởi phận mình
Tay vụng về đưa lên loạng quạng,
Vung ra yếu ớt chẳng nên hình.

30. Chúa Khỉ nhanh chân nhảy ngọn cây
Toàn thân bê bết máu tuôn đầy,
Từ xa trách móc nhìn thần mãi
Với cặp mắt tuôn lệ chảy dài:

31. "Cầu trời ban phước lộc tôn ông,
Ðừng làm như vậy, chỉ cầu mong
Kẻo sau số phận ngài, ta chắc
Gặp phải người hành động bất nhân.

32. Than ôi nhục nhã đến như vầy!
Sao trả ơn ta cách thế này?
đã cứu ông ra thoát khỏi
Vực kia sâu thẳm hãi kinh đầy!
|
33-34. Cứu tử, chơi trò phản bội ta
Âm mưu việc ác với tâm ma,
Coi chừng, kẻ ác, e đày đọa,
Khốc liệt xuất từ ác nghiệp kia
Ðem họa tử vong cho chủ nó,
Khác nào trái giết gốc tre già.

35. Ta chẳng còn tin tưởng ở ngươi,
Vì ngươi làm ác với ta rồi,
Hãy đi tới trước kia cho khéo,
Còn để ta nhìn thấy bóng thôi.

36. Thoát bầy dã thú đói tìm mồi,
Ngươi trở về nơi sống đời
Thẳng tắp con đường dài trước mặt,
Ði theo như ý muốn nhà ngươi".

37. Ðến đây, dòng lệ Khỉ lau khô,
Vội vã nhanh chân nhảy xuống hồ
Rửa sạch chiếc đầu bê bết máu
Ôi, vì thần, đã chảy tuôn ra!

38. Từ đấy, đầy đau khổ đoạn trường,
Ðốt thiêu, vò xé bởi Hầu vương,
Lê bước thân tàn, thần thất thểu,
Tìm nơi giải khát cho mình luôn.

39. Nhưng khi thần đến vũng hồ kia,
Mặt nước đều loang lổ máu me,
Một dòng đỏ sẫm dần dần hiện
Thành một đám như lửa lập lòe.

40. Mỗi giọt nước kia dính đến thân,
Hóa thành mụt nhọt lớn lên dần,
Như Vil-va trái khô rồi nứt
Giống hệt sắc da lẫn cỡ tầm.

41. Máu mủ tràn ra thật đáng nhờm,
Nơi nào thần muốn được an thân,
Dù là thành thị hay thôn dã,
Dân chúng chạy bay hỗn loạn luôn.

42. Lảng tránh vì mùi quá thối tha,
Trong khi gậy, đá cứ tung ra:
"Này tên khốn nạn! Ðừng đi đến
Gần chúng ta!" Toàn thể hét la.

43. Như vậy khổ đau thật đáng thương,
Thần mang theo suốt bảy năm trường,
Tùy theo hạnh nghiệp mình gây tạo,
Mỗi người đi đến một con đường.

44. Thần ước mong chư vị vạn an,
Mọi người, thần gặp gỡ trên đàng,
Xin đừng phản bạn, ôi hèn hạ,
Kẻ phạm tội mưu chống bạn vàng!

45. Tất cả những ai với bạn mình
Tỏ ra là kẻ thiếu chân thành,
Như bầy hủi phải ăn năn tội,
Thân hoại, vào trong ngục tái sinh.

Và trong lúc kẻ kia đang tâu trình vua, ngay chính thời điểm ấy, mặt đất há miệng rộng ra làm gã mất dạng và được tái sinh vào Ðịa ngục. Khi gã bị trái đất nuốt xong, vua ra khỏi ngự viên và trở về thành.

*

Bậc Ðạo sư chấm dứt Pháp thoại và bảo:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ mà ngày xưa nữa, Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) đã ném đá vào Ta.

Và Ngài nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy, kẻ phản bạn kia là Ðề-bà-đạt-đa và Ta chính là Khỉ chúa.

-ooOoo-

517. Tiền thân Dakarakkhasa

Chuyện này sẽ được trình bày trong Tiền thân số 546, Mahà Ummagga (Ðường hầm lớn), tập VII.

-ooOoo-

518. Chuyện long vương Pandara (Tiền thân Pandara)

Người nào chuyện bí mật đem phơi..,

Câu chuyện này bậc Ðạo sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) nói dối và quả đất đã há miệng nuốt sống ông như thế nào.

Thời đó là lúc Ðề-bà-đạt-đa bị chúng Tỷ-kheo quở trách, bậc Ðạo sư bảo:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ mà cả ngày xưa nữa, Ðề-bà-đạt-đa đã nói dối và đã bị quả đất nuốt chửng.

Nói xong, Ngài kể câu chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, có năm trăm thương nhân lên tàu ra khơi. Vào ngày thứ bảy, khi họ đã khuất dạng khỏi đất liền, họ bị đắm tàu giữa biển và tất cả làm mồi cho cá chỉ trừ một người. Người này nhờ gió đẩy đến bờ Karambiya, lên bờ, mình trần trụi, vô cùng khốn khổ, gã lang thang khắp nơi khất thực. Dân chúng nghĩ: "Ðây là bậc tu hành khổ hạnh thiểu dục tri túc".

Và họ tiếp đãi gã rất ân cần. Song gã bảo:

- Ta đã có đủ sống rồi.

Và khi họ cúng dường y trong y ngoài, gã đều không nhận thứ gì cả. Họ bảo nhau:

- Chẳng có bậc khổ hạnh nào vượt quá vị này về phương diện thiểu dục tri túc.

Và lại càng hân hoan vô cùng vì gã, họ xây am ẩn sĩ cho gã trú ẩn và gã lấy danh hiệu Karambiya đạo sĩ.

Trong khi gã ở đó, gã được nhiều lợi dưỡng vinh quang, cả Long vương lẫn Kim sí Ðiểu vương đều đến bày tỏ lòng tôn kính gã, vị Long vương này có danh hiệu là Pandara. Một ngày kia Kim sí Ðiểu vương đến gặp đạo sĩ, và sau khi đảnh lễ vị này, ngồi xuống một bên và bảo:

- Thưa Tôn giả, dân chúng của ta, khi tấn công loài Rồng rắn, thường hay bị chết đuối. Ta không biết cách nào bắt Rồng rắn cho đúng. Nghe nói có điều bí ẩn chi đây. Ngài có thể dỗ dành chúng nói ra điều bí ẩn ấy chăng?

- Ðược rồi - đạo sĩ nói.

Khi Ðiểu vương từ giã ra về, vừa đúng lúc Long Vương đến tôn kính đảnh lễ xong ngồi xuống, gã hỏi:

- Này Long vương, loài Kim sí Ðiểu nói rằng khi bắt loài Rồng, chúng bị giết chết rất nhiều. Thế lúc đánh bắt Rồng rắn, làm sao cho chúng được an toàn?

Long vương đáp:

- Thưa Tôn giả, đây là điều bí mật của loài ta, nếu ta nói ra, ta sẽ gây tai họa tàn sát cả chủng tộc của ta.

- Sao thế, ngài nghĩ rằng ta nói với kẻ nào chăng? Ta chẳng nói với ai đâu, ta chỉ hỏi cho thỏa thích hiếu kỳ thôi. Ngài cứ tin ta và nói cho ta biết, đừng e sợ gì cả.

Long vương hứa sẽ nói và từ giã.

Ngày hôm sau ẩn sĩ lại gạn hỏi, Long vương cũng không nói ra. Song vào ngày thứ ba, lúc Long vương đến và ngồi xuống, ẩn sĩ bảo ngay:

- Hôm nay là ngày thứ ba ta hỏi ngài rồi. Tại sao ngài không nói?

- Thưa Tôn giả, ta sợ ngài kể lại cho kẻ khác.

- Ta sẽ không hé môi với ai cả, nói đi, đừng sợ gì.

Thế là Long vương bảo ẩn sĩ hứa sẽ không kể lại với ai rồi nói:

- Thưa Tôn giả, loài Rồng rắn chúng ta nuốt đá lớn cho nặng mình và nằm sát xuống, rồi loài Kim sí Ðiểu đến, chúng ta há miệng ra, nhe răng nhào đến chúng. Chúng chụp lấy đầu bọn ta, và trong khi chúng cố nhấc lên mà chúng ta lại nặng và nằm sát đất, nước tràn lên chúng khiến chúng chết chìm giữa biển. Một số Kim sí điểu chết như vậy. Trong lúc bắt bọn ta, tại sao chúng lại chụp lấy đầu? Nếu bọn ngu xuẩn kia chụp lấy đuôi chúng ta và dốc ngược đầu xuống, chúng sẽ bắt bọn ta phải nhả ra những hòn đá đã nuốt ấy, thế là làm cho bọn ta nhẹ đi và tha bọn ta về tổ chúng.

Long vương đã tiết lộ bí mật như vậy với ác nhân này.

Sau đó khi Long vương ra về, Ðiểu vương lại đến đảnh lễ đạo sĩ Karambiya xong, liền hỏi:

- Thưa Tôn giả, thế Tôn giả đã biết điều bí mật của Long vương chưa?

- Thưa ngài, đã.

Và gã kể mọi điều vừa được kể trên cho gã.

Nghe xong, Ðiểu vương bảo:

- Long vương đã sai lầm nặng nề, đáng lẽ không nên nói cho ai biết cách tàn sát chủng tộc mình như vậy.

Thế là vừa nổi gió lên, Ðiểu vương liền chụp lấy đuôi Long vương Pandara và dốc ngược đầu xuống, làm chúa Rồng nay phải nhả những hòn đá đã nuốt vào cổ, rồi Ðiểu vương mang Long vương bay lên không. Rồng Pandara, trong lúc bị treo ngược đầu lên không như vậy, liền than khóc thê thảm:

- Ta tự gây khổ cho ta rồi!

Và chúa Rồng ngâm các vần kệ:

1. Người nào chuyện bí mật đem phơi
Bất cẩn, lòng không muốn giữ lời,
Kẻ ngốc bị kinh hoàng trấn áp,
Như ta, Rồng chúa ngã nhào thôi!

2. Người nào ngu xuẩn lộ ra ngoài
Tư tưởng cần che dấu mặt trời,
Kinh hoảng ngập tràn vì lẻo mép,
Như ta, Rồng chúa gặp chim mồi!

3. Không nên để bạn hữu tham gia
Ý tưởng thâm trầm nhất của ta,
Bạn tốt có khi đầy xuẩn ngốc,
Kẻ khôn lừa dối, phải phòng xa!

4. Tin tưởng gã, ôi! Có phải chăng?
Chuyên trì khổ hạnh bậc hiền nhân?
Phơi bày bí mật, ta lầm lỗi,
Ta khóc, giờ đây nỗi đoạn trường!

5. Chuyện riêng tư, gã khốn len vào,
Bí mật ta không giữ được nào,
Ta sợ mối nguy từ gã đến,
Giờ ta khóc chính nỗi thương đau.

6. Tưởng bạn trung thành tận tủy xương
Sinh lòng kính sợ, nặng tình thương
Ân tình tiết lộ cho người khác
Ngã gục, người ngu chẳng thể vươn!

7. Ai nói lên cùng đám ác nhân
Ðiều thầm kín phải giữ trong tâm
Ðược xem rắn độc nơi trần giới,
"Kẻ ấy, tránh xa!" Chúng thét rần!

8. Cẩm y, mỹ nữ, gỗ chiên-đàn
Hương liệu, vòng hoa, thực phẩm ngon,
Mọi dục ác kia, ta tránh cả,
Ðiểu vương, nếu đến giúp Long vương!

Rồng chúa Pandara đã khóc than như vậy qua tám vần kệ trong khi bị dốc ngược trên không. Ðiểu vương nghe tiếng than khóc liền khiển trách Long vương và bảo:

- Này Long vương, tại sao lại than khóc sau khi đã tiết lộ bí mật cho đạo sĩ kia?

Và Ðiểu vương ngâm vần kệ:

9. Trong chúng ta, ba kẻ sống đây,
Nói tên ai kẻ đáng trách này?
Chẳng sư, chẳng điểu, nhưng ngài ngốc,
Mang họa Long vương nhục nhã đầy!

Nghe vậy, Rồng Pandara liền ngâm vần kệ khác:

10. Ðạo sĩ, theo ta, một bạn vàng,
Chuyên trì khổ hạnh, bậc hiền nhân,
Ẩn tình ta lộ, ta lầm lỗi,
Ta khóc, giờ đây, chính khổ thân!

Kế đó Ðiểu vương lại ngâm bốn vần kệ khác nữa:

11. Nhân sinh trần thế phải lìa đời,
Thánh đạo cho con cháu phải soi,
Bằng tự điều thân, chân chánh hạnh,
Con người thành đạt đích cao vời.

12. Chẳng ai thân thiết vượt song thân,
Không kẻ thứ ba ái luyến bằng,
Song ẩn tình, người đừng tỏ lộ,
E rằng phản bội thật không tưởng!

13. Mẹ cha, quyến thuộc khắp xa gần,
Bạn hữu đồng minh, dẫu thiết thân!
Ẩn ý ngươi đừng nên tỏ lộ,
Về sau phản bội, phải ăn năn.

14. Vợ hiền xinh đẹp, tuổi còn xuân,
Chia xẻ bầy con, đám bạn thân,
Song chớ tỏ bày điều bí ẩn,
E nàng phản bội, phải đề phòng.

Tiếp theo là các vần kệ sau:

15. Ðừng ai đem chuyện kín phơi ra,
Phải giữ như kho báu của nhà,
Việc tiết lộ ra điều bí mật,
Hiền nhân chẳng muốn ngợi khen mà.

16. Bậc trí không nên lộ tấc lòng,
Với cừu nhân hoặc với hồng quần,
Những người nô lệ lòng tham dục,
Bọn chúng tỏ ra lũ bốc đồng.

17. Ai hé lộ ra một ẩn tình
Cho người không có trí thông minh,
Sợ lòng tin bị người làm phản,
Phải chịu người kia khống chế mình.

18. Những người biết được chuyện riêng tư
Mà bạn chẳng nên để lộ ra,
Sẽ khiến bất an tâm trí bạn,
Vậy đừng tiết lộ chuyện riêng mà!

19. Ban ngày chỉ có một mình ta,
Cứ bạo gan nêu chuyện kín ra,
Song giữa đêm khuya trời vắng vẻ,
Ðừng liều lĩnh lộ chuyện riêng mà.

20. Bởi vì chắc chắn ở bên lưng,
Cỏ kẻ phản ta đứng sẵn sàng,
Lời thoáng đưa đều nghe lọt cả:
Vậy đừng tin chúng: đệ cầu mong!

Ðây là năm vần kệ sẽ xuất hiện trong vấn đề Năm vị Hiền nhân của Tiền thân Ummagga, số 546, tập VII.

Tiếp theo là các vần kệ này:

21. Như cổ thành vây bọc tứ phương,
Với hào, cọc sắt, đã coi thường
Quân thù xâm nhập vào Tiên giới,
Bí mật người khôn giữ kín luôn.

22. Những người dù vội vã nhanh lời,
Chuyện kín vẫn không hé hở môi,
Mà quyết giữ mình luôn vững chắc,
Thật lòng chân chánh, đấy là người
Cừu nhân phải tránh, như đi trốn
Lúc rắn độc đang đuổi chạy dài!

Khi Chân lý đã được Ðiểu vương tuyên thuyết như vậy, Long vương Pandara liền ngâm vần kệ:

23. Lõa thể, cạo đầu, gã xuất gia,
Lang thang khất thực khắp quê nhà,
Ôi! Ðem bí mật khai cùng gã,
Phúc đức tan tành, số phận ta!

24. Giới hạnh nào, tu sĩ phải trì,
Phát nguyền nào, tránh lỗi lầm chi?
Làm sao thoát ác hành vây hãm,
Ðể đạt thiên cung cuối hạn kỳ?

Ðiểu vương đáp:

25. Bền lòng, kham nhẫn, tự điều thân,
Vứt bỏ vọng ngôn, với hận sân,
Tu sĩ đoạn trừ bao tội lỗi,
Sau cùng đạt đến cảnh thiên cung.

Long vương Pandara nghe Ðiểu vương thuyết Pháp như vậy liền xin tha mạng và ngâm vần kệ này:

26. Như trẻ sơ sinh, mẹ ngắm nhìn,
Khắp người rung động, thú thần tiên,
Ðiểu vương cũng vậy, xin ban bố,
Từ ái đàn con, đấng mẹ hiền!

Sau đó Ðiểu vương tha mạng cho Long vương và ngâm vần kệ nữa:

27. Chúa Rồng, ta thả bạn bây giờ
Thoát chết, cho ngài được tự do
Trong các bầy con này, chỉ có:
Con nuôi, con ruột, học trò ta,
Là ba trẻ hưởng nhiều sung sướng,
Quả thật ngài là một giữa ba!

Nói vậy xong, Ðiểu vương hạ cánh từ trên không và đặt Long vương xuống mặt đất liền.

Bậc Ðạo sư ngâm hai vần kệ để làm sáng tỏ vấn đề:

28. Nói vậy xong, Chim chúa thả ngay
Kẻ thù, đáp nhẹ địa cầu này:
Nay ta giải phóng, mau đi kiếm
An trú xa nơi hiểm họa đầy,
Dù bạn lên bờ hay dưới nước,
Ta nguyền phòng hộ kỹ từ rày.

29. Như lương y có đủ tài năng,
Con bệnh hiểm nghèo đã chữa xong,
Như nước mát trong hồ giải khát
Cho bao người được thỏa thuê lòng,
Như nhà trú ẩn trời băng giá
Ta, chốn bạn nhờ, lúc bại vong.

Ðiểu vương lại bảo:

- Xin hãy đi ngay.

Rồi Chim thần thả Long vương ra. Long vương liền biến mất vào cảnh giới của loài Rồng rắn.

Còn Ðiểu vương trở về nơi cư ngụ của loài Kim sí Ðiểu, tự nhủ:

- Long vương Pandara đã được ta tin tưởng nhờ lời thề nguyền nên được ta thả ra. Bây giờ ta phải thử thách xem tình cảm của vị này đối với ta ra sao.

Rồi đi đến cảnh giới Long vương, Chim thần này nổi cơn thần phong của loài Kim sí Ðiểu lên thật mạnh.

Thấy vậy, Long vương tưởng Kim sí Ðiểu vương đến bắt mình, liền hóa hình dài cả ngàn sải (1 sải: 1m 82) và nuốt cát sỏi cho nặng rồi nằm sâu xuống, vừa dấu đuôi dưới mình xong, vừa vội giương cao mồng lên như thể sẵn sàng cắn Ðiểu vương.

Thấy vậy, Ðiểu vương liền ngâm vần kệ:

30. Kìa, Long vương trước đã làm lành,
Nay bỗng dưng ngài há bộ nanh,
Với địch thủ ngài trong thuở trước,
đâu ngài phách lạc hồn kinh?

Nghe lời này Long vương ngâm ba vần kệ:

31. Phải luôn nghi ngại kẻ thù mình,
Chớ quá tin ngay bạn chí tình,
Lòng cả tin sinh niềm sợ hãi,
Giết ngươi từ gốc đến đầu cành.

32. Sao đặt lòng tin tưởng một người
Trước kia ta đã cãi tranh rồi?
Hãy lo phòng hộ mình cho kỹ,
Yêu kẻ địch à? - Chẳng có ai!

33. Hãy gây tin tưởng khắp nơi nơi,
Song chớ tin vào bất cứ ai,
Ðừng để người nghi ngờ chính bạn,
Song tâm hướng đến mối nghi hoài;
Người nào thực sự là người trí,
Cần phải hết lòng gắng sức thôi,
Bản tính mình không hề để lộ,
Phơi bày ra trước mặt người đời!

Hai vị đã trò chuyện với nhau như vậy xong liền hòa giải với nhau và cùng nhau thân thiết đi đến am của ẩn sĩ khổ hạnh kia.

Bậc Ðạo sư ngâm vần kệ để làm sáng tỏ vấn đề này:

34. Này thấy xứng đôi bạn thánh thần,
Toát ra dáng điệu tịnh tham tâm,
Như đôi tuấn mã cùng cương chạy,
Ðến chốn nhàn cư của Thánh nhân.

Về vấn đề này, bậc Ðạo sư ngâm thêm một vần kệ nữa:

35. Long vương đi thẳng đến thầy tu,
Rồng chúa báo ngay với kẻ thù:
"Phải biết hôm nay ta thoát nạn,
Không nhờ tình Thánh giả dành cho!".

Tiếp theo, vị khổ hạnh liền ngâm vần kệ khác:

36. Trịnh trọng ta thề trước Ðiểu vương,
Với ngài, ta nặng trĩu tình thương,
Hơn bao giờ cả, song rung cảm
Vì mối tình thân với đại bàng,
Ta đã sai lầm vì cố ý,
Chớ không do bởi tính ngông cuồng!

Nghe vậy, Long vương liền ngâm ba vần kệ:

37. Người thấy đời này lẫn kiếp sau
Chẳng hề thương ghét nhọc lòng đâu,
Tu hành đội lốt, ngài mong dấu
Hành động phi nhân, ngược thánh bào.

38. Nhuốm đầy ty tiện, dáng cao siêu,
Khoác áo tu, lòng chẳng tự điều,
Bản tính chứa tầm tư hạ liệt,
Ngài chuyên tạo ác nghiệp bao nhiêu!

Rồi để khiển trách gã, vị này lại ngâm vần kệ nhiếc mắng:

39. Chỉ điểm, dối lừa, muốn giết oan
Bạn lành vô tội, vậy ta mong
Nhờ đây Thề nguyện điều Chân thật:
Bảy mảnh, đầu ngài phải vỡ tan.

Thế là ngay trước mắt Long vương, đầu kẻ tu khổ hạnh kia bị vỡ nát thành bảy mảnh và mặt đất nứt ra ngay ở nơi gã đang ngồi. Gã biến mất vào lòng đất và tái sinh vào địa ngục Avìci (A-tỳ). Còn Long vương và Ðiểu vương đều trở về cảnh giới của riêng mình.

*

Bậc Ðạo sư làm sáng tỏ sự kiện vị ấy đã bị nuốt trửng vào lòng đất bằng vần kệ sau cùng:

40. Vì thế ta nay nhắn nhủ rằng
Chớ bao giờ phản bội thân bằng
Còn gì tồi tệ hơn nhìn thấy
Một thứ bạn bè giả dối chăng?
Bị nuốt trôi vào lòng đất lạnh,
Kẻ mồm độc ấy ngã nhào lăn,
Và người khổ hạnh nay đành chết
Vì chính lời kia của chúa Rồng

*

Ðến đây bậc Ðạo sư chấm dứt Pháp thoại và bảo:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ mà ngay cả xưa kia nữa, Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) đã nói dối và bị nuốt trửng vào lòng đất.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy, ẩn sĩ là Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa), Long vương là Sàriputta (Xá-lợi-phất), và Kim sí Ðiểu vương chính là Ta.

-ooOoo-

519. Chuyện Hoàng hậu Sambulà (Tiền thân Sambulà)

Run rẩy nép mình dáng hãi kinh..,

Câu chuyện này bậc Ðạo sư kể lại trong lúc Ngài trú tại Kỳ Viên, về Hoàng hậu Mallikà (Mạt-lợi)

Phần khởi đầu được kể đầy đủ trong Tiền thân Kammàsapinda (số 415, tập IV). Lúc bấy giờ nhờ công đức cúng dường ba phần cháo dâng đức Như Lai, ngay hôm ấy bà được sắc phong địa vị chánh hậu, cai quản đám cung tần trung tín, bà đầy đủ năm vẻ nữ sắc yêu kiều, tài trí tột bực, lại là đệ tử của đức Phật, bà tỏ ra là một vợ hiền tận tụy. Lòng nhiệt tình của bà sáng chói tỏa khắp cả kinh thành.

Vì vậy một ngày kia, các Tỷ-kheo bắt đầu bàn luận trong Chánh pháp đường việc hoàng hậu Mallikà là một hiền phụ trung kiên, tận tụy như thế nào. Bậc Ðạo sư, lúc đến đó, liền hỏi các Tỷ-kheo đang bàn luận đề tài gì, và khi được biết, Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ bây giờ mà ngay cả ngay xưa nữa, bà ấy đã là một vợ hiền tận tụy.

Nói vậy xong, Ngài kể câu chuyện quá khứ.

*

Một thuở nọ, Brahmadatta có một hoàng nam mệnh danh là Sotthisena, và lúc đến tuổi trưởng thành, chàng được phong làm phó vương. Chánh phi của chàng là Sambulà cực kỳ diễm lệ, dung sắc rực rỡ chói lọi như thể ánh đèn chiếu sáng trong chốn tối tăm.

Song dần dần chứng bệnh phong cùi xuất hiện trên mình phó vương Sotthisena và mọi lương y đành bó tay chữa trị. Khi các vết lở loét chảy mủ ra, thật hôi tanh khủng khiếp đến độ phó vương tuyệt vọng kêu lên:

- Ngai vàng có ích gì cho ta đâu? Thôi ta vào rừng sâu này chết một mình không cần bạn bè cho xong.

Khi đã cho trình vua cha, chàng rời hậu cung ra đi.

Mặc dù chàng cố sức ngăn cản, Sambulà vẫn không chịu trở về, mà bảo:

- Thiếp xin nguyện chăm sóc Chúa công trong rừng thẳm.

Rồi nàng cùng chàng ra đi, từ bỏ kinh thành. Khi vào rừng, chàng xây một lều cỏ để trú thân ở một nơi có bóng cây và nước suối, trái rừng đầy đủ. Còn vương phi săn sóc chàng ra sao?

Nàng dậy thật sớm, quét dọn lều sân mang nước đến cho chàng súc miệng. Khi chàng súc miệng xong, nàng nghiền nát nhiều loại cỏ thuốc thoa vào các vết lở loét của chàng rồi đưa trái cây ngon ngọt cho chàng ăn. Khi chàng đã súc miệng, rửa tay, nàng chào chàng và bảo:

- Xin Chúa công hãy chuyên tâm làm việc thiện.

Rồi nàng cầm cái thúng, cái xẻng, và cái móc đi vào rừng hái trái cây cho chàng. Khi chàng ăn hết, nàng đem nước thơm cho chàng uống rồi mới ăn trái cây phần mình.

Nàng lại sắp đặt một tọa sàng có khăn phủ lên, và trong lúc chàng nằm trên đó, nàng rửa chân cho chàng, thay áo quần, tắm gội đầu cho chàng xong, nàng đến nằm xuống cạnh tọa sàng. Nàng chăm sóc Chúa công của nàng như vậy đó.

Một ngày kia, trong lúc đem trái cây về nhà, nàng thấy một hang có con suối, nàng liền đặt thúng trên đầu xuống, đứng bên bờ hang, rồi bước xuống tắm, nàng xoa khắp người với thuốc nhuộm vàng rồi tắm rửa. Xong xuôi nàng trèo lên mặc áo quần bằng vỏ cây và đứng trên bờ suối. Cả khu rừng sáng rực lên vì dung sắc rực rỡ tỏa ra từ thân thể nàng. Lúc ấy có một con ác quỷ Dạ-xoa đi tìm mồi, thoạt trông thấy nàng, liền mê mẩn ngâm đôi vần kệ sau:

1. Run rẩy nép mình dáng hãi kinh,
Ai đây đang đứng cạnh hang ghềnh,
Nói đi, thục nữ thân bồ liễu,
Quyến thuộc là ai, với quý danh?

2. Nương tử là ai, đẹp rỡ ràng,
Ðâu là dòng giống của nhà nàng,
Khiến nàng chiếu rực khu rừng sáng,
Chốn lạc cư muôn loại thú hoang?
Yêu quỷ là ta đầy kính cẩn
Nghiêng mình, bái phục trước tôn nhan!

Nghe ác quỷ nói thế, nàng đáp lời qua ba vần kệ:

3. Thái tử Sot-thi kế vị ngai,
Xứ Kà-si, hãy biết như vầy,
Ta là vương hậu hoàng nam ấy,
Thường gọi Sam-bu chính hiệu này.

4. Vương tử Vi-đề đang ốm đau,
Khổ thân mê loạn ở rừng sâu,
Mình ta chăm sóc chàng nằm liệt,
Không thế, chắc chàng phải chết mau!

5. Ðây miếng thịt nai thật ngọt ngon,
Ta vừa kiếm được chốn rừng hoang,
Ðem về dâng chúa công ta đó,
Giờ bởi thiếu ăn đã mỏi mòn!

Ác quỷ:

6. Chúa công bệnh hoạn ích gì chăng?
Ngài chẳng cần vương hậu, hỡi nàng,
Mà chỉ cần người nuôi bảo hộ,
Ta mong chiếm địa vị ông hoàng!

Vương phi:

7. Lòng ta mòn mỏi với ưu sầu,
Khốn khổ bơ vơ, đẹp chẳng cầu,
Nếu quỷ vương tìm nương tử mới,
Hãy cầu nàng khác đẹp dường nào!

Ác quỷ:

8. Thê thiếp bốn trăm sẵn của ta
Tôn vinh lầu các ở đồi xa,
Xin nàng chiếu cố, ngôi cao ngự,
Cho thỏa bao nguyền ước thiết tha.

9. Hỡi mỹ nhân tươi sáng ánh vàng,
Những gì nàng quý chuộng cho nàng,
Ta đều ban tặng, xin mời đến,
Cùng ta tận hưởng thú trần gian.

10. Nếu chối từ làm vợ quỷ vương,
Hiển nhiên nàng hóa miếng mồi ngon
Cho ta thọ dụng hôm nay đấy,
Ðể lót lòng ta đã nhịn cơm.

Bậc Ðạo sư:

11. Ác quỷ mày râu rậm bảy chòm,
Khiến cho người thất đảm kinh hoàng,
Thấy nàng lạc lỏng bơ vơ bước,
Liền nắm chặt tay ấy của nàng.

12. Bị cầm giam bởi quỷ hung tàn,
Cừu địch nàng kia, ác dục tràn,
Nàng chỉ khóc thương chàng vắng mặt,
Chẳng hề quên nỗi khó riêng chàng.

Vương phi:

13. Ta chẳng buồn vì số phận ta,
Làm mồi cho quỷ ác căm thù,
Song vì tình trượng phu tôn quý,
Ly biệt ta, đành phải héo khô.

14. Chư thần đi vắng cả rồi chăng?
Chẳng vị nào cai quản thế gian
Ðể trấn áp hành vi sỉ nhục,
Cản ngăn điều phóng đãng dâm loàn!

Lúc ấy cung đình của Ðế Thích Thiên chủ rung động vì công năng đức hạnh của nàng, chiếc ngai bằng hoàng thạch của ngài trông có vẻ nóng lên; ngài suy nghĩ, tìm ra duyên cớ, liềm cầm kim cang chùy phi nhanh đến trước con quỷ và ngâm vần kệ:

15. Giữa đám quần đệ nhất danh,
Chính nàng toàn hảo, trí thông minh,
Khác nào ngọn lửa đang bừng sáng,
Ví thử ngươi ăn thịt gái lành,
Ác quỷ, đầu ngươi liền vỡ nát,
Thành ra bảy mảnh phải tan tành.
Vậy đừng làm hại nàng, nên thả,
Nàng, vợ hiền dâng hiến trọn mình.

Nghe vậy, con quỷ liền thả Sambulà. Thiên chủ nghĩ thầm: "Con quỷ này sẽ còn tái phạm một lần nữa".

Vì thế ngài lấy dây trói, giam lỏng nó trên ngọn núi thứ ba cách xa chỗ ấy, để nó không trở lại đấy được, rồi nồng nhiệt ngợi khen vương phi xong, ngài trở về thiên đình của ngài. Còn vương phi, sau khi mặt trời lặn, phải nhờ ánh trăng trở về lều cỏ.

Bậc Ðạo sư ngâm tám vần kệ giải thích sự việc:

16. Thoát quỷ kia, nàng vội lại nhà,
Như chim về thấy chết con thơ,
Hay bò bị cướp bê con dại,
Than khóc nhìn hang ổ trống trơ.

17. Cũng vậy, Sam-bu tiếng tốt vang,
Hoàng phi liền cất giọng kêu than,
Thất thần, hoảng hốt, bơ vơ quá,
Ðơn độc, vô phương giữa núi ngàn:

18. "Tiện thiếp xin quỳ lạy Ðạo sư,
La-môn, hiền thánh trí nhân từ,
Bơ vơ, lạc lỏng thay, thân thiếp
Chạy đến thần nhân để trú nhờ.

19-20. Cọp beo, sư tử, chúa sơn lâm,
Cùng các loài hoang thú ở giữa rừng,
Tiện thiếp xin chào mừng tất cả,
Cỏ cây, hoa lá mọc um tùm,
Xin chào rừng rậm màu xanh ngắt
Cùng núi cao dốc đứng chập chùng.

21. Tiện thiếp xin thi lễ Dạ thần,
Trên cao tinh tú điểm huy hoàng,
Ðêm dày tựa đóa sen xanh thẳm,
Nhuốm vẻ đậm đà nhất thế gian!

22. Thiếp xin thi lễ cả sông Hằng,
Là mẹ hiền chung của suối sông,
Ở giữa loài người trên hạ giới,
Bha-gi-ra mỹ hiệu vang lừng.

23. Tiện thiếp xin chào đỉnh Tuyết Sơn,
Là vua ngự trị mọi sơn lâm,
Ðà chồng chất nhất cao hùng vĩ,
Vượt hẳn lên toàn cảnh thế gian.

Nhìn thấy nàng đang than khóc như thế, Sotthisena nghĩ thầm: "Nàng than khóc quá lời. Ta không biết có ý gì đây, nếu nàng làm thế vì yêu thương ta, thì tim nàng sẽ tan nát. Thôi ta phải thử nàng xem sao".

Chàng liền đi đến ngồi ở cửa lều. Nàng đến cửa vẫn còn than khóc, đảnh lễ chàng xong, nàng hỏi:

- Nãy giờ chúa công ở đâu?

Chàng đáp:

- Này vương phi, ngày thường nàng chưa hề về nhà giờ này, hôm nay nàng về quá trễ.

Rồi chàng ngâm vần kệ hỏi nàng:

24. Này quý phi danh tiếng vọng vang,
Sao nàng về muộn quá chiều tàn?
Tình lang yêu dấu nào đâu hẳn
Ðã giữ nàng lâu hóa trễ tràng?

Nàng đáp lại:

- Tâu chúa công, thiếp đang mang trái cây về nhà thì gặp một con quỷ si tình thiếp, nắm tay thiếp và bảo: "Nếu nàng không nghe lời ta, ta sẽ ăn thịt nàng ngay".

Và nàng ngâm vần kệ:

25. Bị cừu địch bắt, nặng sầu tư,
Thiếp nói lời cùng quỷ Dạ-xoa:
"Ta chẳng buồn đau vì số phận
Làm mồi cho ác quỷ tinh ma,
Song vì tình trượng phu tôn quý
Ly biệt ta, đành phải héo khô".

Rồi nàng kể hết mọi chuyện cho chàng nghe và nói:

- Khi thiếp đang bị quỷ bắt giữ như vậy không thể nào thoát thân được, thiếp liền xin sự phò hộ của chư thần, nên Ðế Thích Thiên chủ hiện ra, cầm chùy kim cang trong tay, ở trên không hăm dọa ác quỷ thả thiếp ra. Rồi ngài lại lấy dây thần trói quỷ trên ngọn núi thứ ba xa chỗ ấy, xong biến mất. Thế là thiếp đã được Ðế Thích Thiên chủ cứu mạng.

Thái tử Sotthisena nghe xong liền bảo:

- Này vương phi, chuyện có thể là như vậy. Với nữ nhân thật khó biết được sự thật. Trong vùng Tuyết Sơn có nhiều sơn nhân, ẩn sĩ, và pháp sư. Ai sẽ tin nàng đây?

Nói vậy xong chàng ngâm vần kệ:

26. Các nàng ngọc nữ quá tinh khôn,
Thật hiếm khi tìm được thật chơn,
Cung cách nữ nhân làm rối trí,
Như đường cá lội giữa trùng dương!

Nghe vậy, nàng đáp:

- Tâu Chúa công, dù chàng không tin thiếp, thiếp vẫn nói nhân danh chân lý và thiếp sẽ chữa bệnh cho chàng.

Thế là khi đã rót đầy một bình nước để thực hiện một lời Ước nguyện Chân lý, nàng đổ nước từ trên đầu chàng và ngâm vần kệ:

27. Ước mong Chân lý, chốn nương thân,
Thiếp chẳng yêu ai khác Chúa công,
Thiếp nguyện cầu xin nhờ Nói Thật
Bệnh chàng nay được chữa lành chăng?

Khi nàng thực hiện lời Nguyện cầu Chân lý ấy xong, nước vừa được rảy lên đầu Sotthisena thì bệnh hủi liền biến mất như thể rỉ đồng gặp cường toan vậy. Sau khi ở lại đó vài ngày, hai vị rời khu rừng, đi đến Ba-la-nại và vào ngự viên.

Phụ vương biết chuyện hai con đã về, liền vào ngự viên, ngay tại đó, ngài bảo đem chiếc lọng hoàng gia đến che lên đầu Sotthisena, làm lễ quán đảnh sắc phong Sambulà lên ngôi chánh hậu. Sau đó ngài đưa hai con về thành, và chính ngài xuất gia tu hành, lập am trong ngự viên, nhưng vẫn thường dùng ngự thiện trong cung.

Còn vua Sotthisena chỉ phong Sambulà lên ngôi chánh hậu, song chẳng ban huệ gì cho nàng, chàng chẳng quan tâm ngay cả đến đời sống của nàng, mà chỉ ham hưởng lạc thú với những nữ nhân khác. Sambulà hờn ghen với đám tình địch kia nên gầy mòn bạc nhược, cả thân hình nổi gân xanh xao ra dáng bệnh hoạn.

Một ngày kia, phụ hoàng của vua, vi ẩn sĩ đã xuất gia ấy, đến dùng ngự thiện, nàng liền yết kiến ngài cho khuây khỏa nổi buồn. Sau khi ngài dùng bữa xong, nàng đảnh lễ ngài và ngồi xuống một bên. Trông thấy tình trạng suy nhược của nàng, ngài ngâm vần kệ hỏi:

28. Bảy trăm vương tượng trực bên mình,
Phòng hộ sẵn sàng khởi chiến binh,
Thiện xạ hàng trăm ngừa hiểm họa,
Ðâu cừu nhân đến khiến hồn kinh?

Nghe vậy, nàng đáp lại:

- Tâu phụ vương, chúa thượng không còn như xưa đối với thần thiếp nữa.

Rồi nàng ngâm năm vần kệ:

29. Chàng yêu mỹ nữ tựa liên hoa,
Giọng điệu thiên nga cất tiếng thưa,
Rung động lòng chàng say đắm đuối,
Khi chàng nghe chúng nhịp nhàng ca,
Thiếp không còn ngự trong tâm tưởng,
Tình cảm chàng, như một thuở xưa!

30. Nữ nhân dáng đẹp tựa thiên nga,
Trang điểm toàn châu báu sáng lòa,
Tuyệt sắc cung tần nằm yểu điệu,
Mê hồn quyến rủ mắt vương gia!

31. Mong lần nữa lạc bước rừng hoang,
Kiếm mỗi bữa ăn đỡ dạ chàng,
Thiếp sẽ được chàng yêu quý lại,
Rừng xanh ngự trị bỏ ngai vàng!

32. Gấm vóc lụa là khoác nữ nhi,
Cao lương mỹ vị đủ tràn trề,
Diễm kiều, song nếu chàng không chuộng,
Thà kết lụa đào để chết đi!

33. Gái nghèo khốn khổ ngủ giường rơm,
Nếu được yêu thương dưới mắt chồng,
Cũng hưởng một đôi niềm hạnh phúc,
Mà người chỉ thiếu tấm tình nồng
Không hề biết đến, dù đầy đủ
Tất cả mọi điều, tấu phụ vương!

Khi nàng giải thích cho vị vua ẩn sĩ hiểu nguyên nhân vì đâu nàng héo mòn như vậy, ngài liền triệu vua tới và bảo:

- Này vương nhi Sotthisena, khi vương nhi bị bệnh hủi giày vò khốn khổ phải chốn vào rừng sâu, nàng đã cùng vương nhi vào rừng, săn sóc hầu hạ đủ mọi nhu cầu cho vương nhi, lại nhờ thần lực Chân lý chữa bệnh cho vương nhi nữa; bây giờ sau khi nàng đã làm phương tiện cho vương nhi ngự chiếc ngai vàng, vương nhi không biết đến địa vị của nàng, thật là lỗi đạo lắm. Một hành động phản bội bạn hiền như vậy là một tội lớn.

Rồi ngài ngâm vần kệ:

34. Khó tìm được vợ chung tình,
Nam nhi tốt với vợ mình, khó sao,
Vương nhi đức hạnh dường nào,
Với chồng, nàng lại dạt dào tình thương.
Vậy giờ đây, hỡi quân vương,
Với Sambu, phải trọn đường thủy chung.

Sau khi khiển trách vương nhi xong, ngài đứng dậy bỏ ra về ngay. Khi vương phụ đi rồi, vua triệu Sambulà đến và bảo:

- Này ái hậu, xin hãy tha thứ lỗi lầm của trẫm bấy lâu nay. Từ nay về sau trẫm giao hết quyền hành cho ái hậu.

Và nhà vua ngâm vần kệ cuối cùng:

35. Hưởng đầy phúc lộc dồi dào,
Ái khanh vẫn cứ xanh xao héo mòn,
Vì lòng nặng trĩu ghen hờn,
Từ nay trẫm với phi tần cung nga,
Là người dưới trướng Sam-là,
Sẵn sàng tuân phục lệnh bà phán sai!

Từ đó nhà vua cùng hoàng hậu sống hạnh phúc bên nhau, thực hành bố thí, và các thiện pháp.

Ðến khi từ trần, hai vị đi theo đúng hạnh nghiệp của mình. Còn vị ẩn sĩ khổ hạnh tu tập phát khởi Thiền định, về sau tái sinh vào Phạm thiên giới.

*

Bậc Ðạo sư chấm dứt Pháp thoại xong lại bảo:

- Không chỉ bây giờ mà ngay cả ngày xưa nữa, Mallikà đã là người vợ thủy chung.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Lúc bấy giờ Sambulà là Mallikà, Sotthisena là vua xứ Kosala, vị ẩn sĩ kia chính là Ta.

-ooOoo-

520. Chuyện vị thần cây Tindu (Tiền thân Gandatindu)

Lòng nhiệt thành là hướng Niết bàn..,

Câu chuyện này bậc Ðạo sư kể lại trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc giáo hóa một ông vua.

Việc giáo hóa này được kể đầy đủ trong Tiền thân số 334 Tiền thân Ràjovàda tập III và số 521, Tiền thân Tesakuna, tập V.

*

Ngày xưa tại quốc độ Kampila, trong kinh thành phía Bắc xứ Pancala, có vị vua danh hiệu Pancala, cai trị bất công vì theo ác đạo và phóng dật buông lung, bởi thế các quần thần cũng trở nên bất công như nhà vua. Dân chúng bị thuế má nặng nề áp bức liền đem vợ con lang thang vào rừng như bầy dã thú.

Những vùng trước kia là làng mạc, nay hoang vắng cả, dân chúng ban ngày thì sợ quân sĩ của nhà vua nên không dám ở trong nhà, và lấy hàng rào gai bao bọc lại, khi trời mới tảng sáng, họ đã biến dạng vào rừng. Ban ngày họ bị quân lính của vua tước đoạt của cải còn ban đêm lại bị bọn cướp hoành hành.

Vào thời ấy, Bồ-tát xuất hiện trong thân hình một vị Thần cây Tinduka ở ngoại thành, hằng năm nhận được phẩm vật cúng dường của nhà vua trị giá một ngàn đồng tiền, ngài nghĩ thầm: "Nhà vua thật buông lung phóng dật, quốc độ đang suy tàn, ngoài ta ra, không ai có thể đưa vua trở về chánh đạo. Vua này là kẻ ban ơn cho ta, hằng năm lại dâng tặng ta phẩm vật một ngàn đồng tiền. Vậy ta sẽ giáo hóa cho vị vua này".

Thế là đang đêm tối, ngài vào hậu cung đứng trên không, ngay phía đầu vương sàng, phóng ra một luồng hào quang. Vua thấy ngài sáng chói như mặt trời mọc, liền hỏi ngài là ai và từ đâu đến. Nghe vua hỏi, ngài đáp:

- Này Ðại vương, ta là thần Tinduka đến đây khuyên nhủ ngài.

Vua hỏi:

- Ngài muốn khuyên trẫm điều gì?

Bậc Ðại sĩ đáp:

- Ðại vương buông lung việc trị nước, cả quốc độ đang điêu tàn như thể làm mồi cho bọn quần thần tay sai. Vua chúa buông lơi việc trị nước không thể nào làm chủ vận mệnh quốc gia được, ngay trong đời này chính họ sẽ bị suy tàn và đời sau phải tái sinh vào địa ngục, một khi vua chúa buông lơi việc cai trị, quần thần bên ngoài lẫn bên trong quốc độ buông lơi theo cả, vì thế nhà vua phải hết sức lo trị nước.

Nói xong, ngài ngâm các vần kệ ghi lại một bài học đạo đức:

1. Lòng nhiệt tình là hướng Niết-bàn,
Buông lung thường dẫn đến vong thân,
Những người tỉnh giác không hề chết,
Phóng dật khác nào đã mạng vong.

2. Buông lung có gốc tự kiêu căng,
Phóng dật sinh hư hỏng, mạng vong,
Hư hỏng tác thành ra ác nghiệp,
Ðoạn trừ phóng dật, hỡi Anh quân!

3. Người hùng phóng dật biết bao phen,
Bị tước giang sơn lẫn bạc tiền,
Ðiền chủ trở thành người thất lạc
Không nhà, trôi giạt, khổ triền miên.

4. Khi vua buông lỏng việc kinh bang,
Không đúng theo danh nghĩa, tiếng vang,
Ví thử bạc vàng đều biến mất,
Chỉ còn ô nhục với ông hoàng!

5. Phi thời phóng dật, hỡi quân vương,
Từ chánh, ngài đi lạc bước đường,
Quốc độ phồn vinh ngày trước ấy
Nay làm mồi bọn cướp tan hoang.

6. Hoàng nam chẳng hưởng được giang san,
Vàng bạc, lúa ngô, viện bảo tàng,
Quốc độ làm mồi cho kẻ ác,
Ngài còn bị tước cảnh vinh quang.

7. Ông hoàng bị tước đoạt giang san
Với các kho châu báu, bạc vàng
Chẳng được niềm tin yêu thuở trước,
Của thân bằng quyến thuộc, lân bang.

8. Xe ngựa, quản xa, với vệ binh,
Lục quân lúc trước thật hùng anh,
Khi nhìn vua phải tiêu cơ nghiệp,
Cũng chẳng còn vì nể, kính danh.

9. Ngu xuẩn sống đời chẳng kỷ cương,
Bị lời tà dụ dỗ, sai đường,
Người ngu chóng mất vinh quang cũ
Như rắn phải quăng lớp vỏ tàn.

10. Song kẻ nào thức dậy đúng thời,
Không hề mỏi mệt, kỷ cương noi,
Cả đàn gia súc đều tăng trưởng,
Tài sản người kia lớn mãi hoài.

11. Ðại đế, xin ngài mở rộng tai,
Lắng nghe dân chúng nói bao lời:
Nhờ nghe, nhìn được điều Chân lý,
Thành đạt đường theo phước nghiệp ngài.

Như vậy, bậc Ðại sĩ đã giáo hóa vua mười một vần kệ, rồi bảo:

- Ðại vương hãy đi nuôi dưỡng quốc độ, đừng chậm trễ, chớ để đất nước suy tàn.

Nói xong ngài trở lại cõi của ngài.

Vua nghe các lời khuyên ấy, vô cùng cảm kích, ngay hôm sau, ngài liền giao việc nước cho các vị đại thần và cùng với vị tế sư của hoàng gia, rời kinh thành bằng đông môn và đi được một khoảng chừng vài trăm thước. Nhằm lúc ấy, có một ông lão vốn là dân làng lấy những cành cây gai trong rừng về đặt quanh nhà, sát cửa lớn, rồi cùng vợ con vào rừng. Buổi chiều, khi quân lính vua đã bỏ đi, người ấy trở về nhà đến gần cửa bị đầu gai nhọn đâm vào chân, lão ngồi vắt chân lên, vừa rút gai ra, vừa nguyền rủa vua qua vần kệ:

12. Mong tên trúng ở chiến trường
Cho Pan-ca bạo chúa thương khóc đời,
Như ta có cớ kêu trời,
Thế này vì bị gai dài đâm da!

Lời nguyền rủa vua này phát ra nhờ thần lực của Bồ-tát, lão già nguyền rủa vua như thể một người được Bồ-tát nhập vào, hành động này của lão phải được hiểu như vậy. Vào lúc đó, vua cùng vị tế sư của ngài đang cải trang đứng trước mặt lão.

Vị tế sư nghe như vậy liền đáp kệ:

13. Tôn ông nay tuổi đã già,
đôi mắt đã mù lòa, cho nên,
Chẳng công bằng để xét xem,
Chính ta đáng bị rủa nguyền đó sao?
Chúa Brah-ma biết thế nào,
Khi chân ông bị gai cào đâm da?

Nghe lời này, ông lão ngâm ba vần kệ:

14. Hiển nhiên vì chúa Brah-ma
Cho nên mới khổ thân ta thế này!
Như dân cô thế thường hay
Bị đem chém giết vì bầy hại dân.

15. Ban đêm bị trộm ăn phần,
Ban ngày gặp lũ thuế nhân thu tiền;
Ác nhân đầy rẫy toàn miền,
Khi bầy bạo chúa nắm quyền trong tay.

16. Khổ đau vì sợ nỗi này,
Dân lành đành phải chạy bay vào rừng,
Chung quanh nhà rải lung tung
Ðám gai để được yên phận mình!

Nghe nói vậy vua bảo vị Sư trưởng:

- Này Sư trưởng, lão già này nói đúng lắm, đó là lỗi của ta. Vậy ta hãy trở về cai trị nước cho đúng pháp.

Lúc ấy, Bồ-tát nhập vào thân của vị Sư trưởng, đứng trước mặt vua bảo:

- Tâu Ðại vương, ta hãy xem xét vấn đề này cho kỹ.

Rồi từ làng ấy qua một làng khác, hai vị lại nghe lời của một bà già. Nghe nói bà này nghèo khổ có hai con gái đã lớn mà bà không muốn cho hai con vào rừng. Nhưng chính bà phải tìm củi, lá khô về cung cấp cho hai con. Một ngày kia, bà lão trèo lên cây lượm lá, bị té lăn tròn xuống đất, liền nguyền rủa vua phải chết đi và ngâm vần kệ này:

17. Khi nào vua ấy chết đi?
Chao ôi, còn chúa trị vì non sông,
Các con lẻ bóng phòng không,
Thở than mong kiếm tấm chồng hoài hơi!

Vị tế sư ngâm vần kệ ngăn lời bà lão:

18. Xấu mồm vô ích, bà ơi!
Những lời bà mới kêu trời gào la,
Làm sao vua kiếm đâu ra
Trong làng cho mỗi gái tơ một chồng?

Bà già nghe nói đáp lại hai vần kệ:

19. Lời ta chẳng phải ác ngôn,
Cũng không phải nói hoài công hão huyền;
Khi còn thất thế dân đen
Chịu đàn áp bởi lắm tên giết người:

20. Ðêm nằm cho trộm làm mồi,
Ban ngày lũ thuế nhân xơi mất phần!
Ác nhân đầy rẫy non sông,
Khi quyền cai trị hôn quân nắm hoài
Thời suy, bần nữ lắm người
Buồn tình chẳng kiếm được ai làm chồng!

Nghe bà lão nói, cả hai vị đều nghĩ: "Bà lão này nói đúng vấn đề đây".

Rồi hai vị đi xa hơn một khoảng đường lại nghe một gã nông dân nói chuyện. Trong lúc gã cày ruộng, con bò của gã tên gọi Saliya ngã lăn ra vì bị lưỡi cày đụng phải, gã chủ bò liền nguyền rủa vua qua vần kệ:

21. Cầu Pan-ca chúa ngã lăn,
Trúng nhằm mũi giáo của quân thù hằn,
Như Sa-li ngã xuống đường,
Thương thay! Cày đụng bị thương nằm đờ!

Vị Sư trưởng liền ngâm vần kệ chận gã lại:

22. Ngươi hờn giận chúa Brah-ma
Song ai có thấy đâu là nguyên do?
Vì ngươi phỉ báng đức vua,
Tội kia tất cả đều là của ngươi!

Nghe thế, gã nông phu đáp ba vần kệ:

23-24. Vì vua, ta cứ giận sôi,
Nên ta cương quyết giữ lời thẳng ngay;
Dân đen thất thế như vầy,
Bị tàn sát bởi lắm tay giết người:
Ðêm nằm cho trộm làm mồi,
Ban ngày lũ thuế nhân xơi mất phần!..

25. Gia nô phải nấu hai lần
Rồi mang cơm nước muộn màng cho ta,
Lúc đang há họng chờ nhà,
Bò ta bị đụng ắt là mạng toi!

Đi xa hơn một đoạn nữa, hai vị vào một làng kia. Sáng sớm hôm sau, một con bò trở chứng đá người vắt sữa ngã nhào, sữa đổ tung tóe. Người này liền ngâm vần kệ nguyền rủa vua Brahmadatta:

26. Cầu Pan-ca chúa ngã lăn,
Vì do một mũi kiếm đâm trận tiền,
Như ta, bò đá lăn chiêng,
Ðá luôn thùng sữa đổ liền hôm nay!

Vị tế sư ngâm vần kệ đáp:

27. Này, bò đá gậy thúc dai,
Hay là thùng sữa của người đổ ra,
Việc gì đến chúa Brah-ma,
Khiến ngài chịu mọi gièm pha thế này?

Nghe vậy người vắt sữa bò ngâm ba vần kệ đáp:

28-29. Pan-ca chúa đáng trách thay
Vì nền cai trị, thưa ngài La-môn,
Dân lành cô thế thấy luôn
Bị tàn hại bởi những quân giết người:
Ban đêm bị trộm rình mồi,
Ban ngày lũ thuế nhân xơi mất phần!..

30. Hung hăng là thứ bò rừng,
Việc đem vắt sữa, chưa từng trước đây,
Ta đành vắt sữa hôm nay,
Vì nhu cầu sữa mỗi ngày một tăng!

Hai vị bảo nhau:

- Gã này nói đúng đấy.

Rồi từ làng ấy hai vị đi ra đường cái tiến về kinh thành. Trong một làng nọ, có gã thu thuế giết một con bê con có đốm rồi lột da để làm bao da bọc kiếm, khiến bò mẹ nó quá buồn khổ vì mất con thơ, bỏ cả ăn cỏ uống nước, chỉ lang thang kêu khóc. Thấy vậy trẻ con trong làng nguyền rủa vua:

31. Cầu Pan-ca chúa héo mòn,
Hoài công than khóc mất con như vầy,
Bò kia quẩn trí thương thay,
Ði tìm bê nhỏ, người nay giết càn!

Vị tế sư liền ngâm vần kệ khác:

32. Khi bò trâu phải lạc đàn,
Muốn vơi nỗi khổ, khóc vang kêu gào.
Vậy thì duyên cớ làm sao
Khiến ngươi chê trách nhằm vào vua ta?

Lũ trẻ đáp lại hai vần kệ sau:

33. Tội tình của chúa Bra-hma,
Việc này con thấy rõ ra rành rành:
Bơ vơ khốn đốn dân lành,
Vẫn thường bị bọn bạo hành giết tươi:

34. Ban đêm bị trộm rình mồi,
Ban ngày lũ thuế nhân xơi mất phần!
Ác nhân đầy rẫy non sông,
Khi quyền cai trị hôn quân nắm tròn,
Cớ sao bê hãy còn non,
Phải đem giết bỏ, chỉ cần bao da?

- Các ngươi nói đúng đấy.

Hai vị nói xong liền ra đi. Trên đường, họ thấy trong một hồ nước khô cạn, bầy quạ đang lấy mỏ bắt ếch nhái ăn thịt. Khi hai vị đến nơi, Bồ-tát vận dụng thần lực nguyền rủa vua qua miệng con nhái:

35. Cầu Brah-ma chúa chết chùm,
Cùng bầy con cháu ở trong chiến trường,
Như ta nhái bén rừng hoang,
Làm mồi cho lũ quạ làng hôm nay!

Nghe vậy vị tế sư ngâm vần kệ, nói chuyện với con nhái:

36. Nhái cần biết rõ, nhái này,
Ðại vương không thể giữ bầy nhái ranh!
Việc này vua chẳng tội tình,
Khi bầy quạ đớp em anh nhà mày!

Nghe vậy, nhái đáp lại hai vần kệ:

37. Tế sư lời nịnh khéo thay,
Phỉnh lừa vua chúa như vầy ác gian,
Mặc cho dân bị sát tàn,
Nhà vua cứ tưởng lối đàng quốc sư
Quả là đệ nhất tài ba;
Giá như có phúc mọi nhà phồn vinh.

38. Nước này an lạc, thái bình,
Quạ kia được hưởng phần mình cực sang
đâu cần phải giết càn
Các loài nhỏ mọn như đàn ễnh ương?

Nghe vậy vua và vị Sư trưởng đều nghĩ thầm: "Tất cả mọi loài, ngay cả nhái rừng, đều nguyền rủa ta".

Vì thế, khi về thành, hai vị lo cai trị nước thật đúng pháp và hành trì theo lời thuyết giảng của bậc Ðại sĩ, hai vị chuyên tâm bố thí và làm các thiện sự khác.

*

Ðến đây, bậc Ðạo sư chấm dứt Pháp thoại với vua Kosala bằng các lời này:

- Này đại vương, một vị vua phải dứt bỏ các ác đạo và cai trị đúng pháp.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy, vị Thần cây Tinduka chính là Ta.

-ooOoo-

Đầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08


[Mục lục Tiểu Bộ][Trở Về Trang Thư Mục]