Trung Tâm Hộ Tông  Trang Chủ



Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt

Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh


HÓA ĐỘ CÔNG TỬ YASA

CÙNG VỚI BẠN HỮU

Mới một vài trận mưa đầu mùa mà đây đó đã trở nên lầy lội, ướt át. Đức Phật bàn tính với năm vị tỳ-khưu là phải sửa sang, tu bổ cốc liêu, đường kinh hành để có thể an cư ở đây khi chưa tìm ra địa điểm thích hợp hơn. Nhờ đã quen với đời sống khổ hạnh nên họ xem những công việc này chỉ như sự nghỉ ngơi, tịnh dưỡng. Họ đi kiếm cây, kiếm lá. Và cũng may là nhờ có bọn trẻ chăn bò vui vẻ đến giúp sức. Mấy hôm sau, các mái lá và vách lá đã được ken dày có thể ngăn được mưa lớn và gió lớn; ngoài ra, họ còn bện được một số tọa cụ bằng cây, giường cây để sử dụng. Trong am lá của đức Phật, bây giờ đã khá rộng rãi, đã có đầy đủ giường, tọa cụ, nền  đất được lót cây khá sạch sẽ. Trên tọa cụ, trên giường cây, nền cây ấy đều được trải thảm cỏ, tuy không không đẹp nhưng ấm cúng, khô ráo. Khi đang làm thì mấy đứa trẻ mang đến những ghè đất nung đựng nước, to có, nhỏ có đem tặng cho mấy vị sa-môn. Thế là, bên chái hiên trái, họ hì hục lấy đá lót nền, đặt ghè nước để làm chỗ rửa chân cho đức Thế Tôn. Họ còn làm những đường kinh hành khá rộng rãi giữa các hàng cây. Có những tảng đá tự nhiên chỗ này chỗ kia thì họ sửa sang, quét dọn để làm chỗ hành thiền giữa trời. Tất cả trông đã có dáng vẻ tiện nghi của một khu rừng an cư lý tưởng. Khung cảnh càng có vẻ yên ổn và thanh bình hơn khi những chú nai lớn nhỏ đủ sắc màu nhỡn nhơ gặm cỏ hoặc tò mò đưa mắt tròn to nhìn những những con người vô hại. 

Ngày tháng từ từ trôi qua. Các vị tân tỳ-khưu – các bậc thánh A-la-hán - vẫn thay phiên nhau đi trì bình khất thực, sống, chiêm nghiệm giáo pháp đã được học, đồng thời an trú lạc về thiền, lạc về  quả. Vài ba hôm, các vị lại mang về những tấm vải tương đối còn tốt. Họ giặt phơi, kiếm rễ và củ để nhuộm trở thành màu hoại sắc. Cái nào trông có vẻ tốt nhất, họ dâng đến đức Phật. Họ còn chịu khó cắt, nhuộm những tấm vải nhỏ khác để quàng vào người những khi muốn tắm giữa trời mưa.

Koṇḍañña nói với các bạn đồng tu:

- Chúng ta như được thoát xác, trở thành những con người mới. Đạo lớn đã thấy rồi, việc cần làm đã làm xong rồi. Giáo pháp của đức Thế Tôn như một mặt trời, chiếu rọi vào mấy ngàn năm u tối của các giáo phái truyền thống. Mai này, một số kẻ trí trên thế gian sẽ tìm đến tu học, đấy là sự thật không cần phải tiên tri. Vậy thì những y cũ, bát cũ đã xả ra, chúng ta phải giặt giũ, xông khói nhuộm lại để dành cho bạn hữu đến sau!

Thế là họ tất bật công việc khi đang còn một số ngày nắng ráo.

Đức Phật dường như để dành hết thì giờ cho việc ngồi thiền và kinh hành. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ngài thường trở lại cận định, sử dụng tầm và tứ, hướng tâm, sắp đặt lại nền tảng của giáo pháp, chia làm ba thời kỳ: sơ thiện, trung thiện và hậu thiện. Sơ thiện là căn cơ ban đầu dành cho tất thảy những người đang tu tập, không kể người hay trời. Trung thiện để dành cho những căn cơ đã thấy pháp, đã Nhập lưu. Và hậu thiện dành cho những vị thánh đã đắc quả A-la-hán. Đức Phật đã dùng tuệ phương tiện để thiết lập một số bài giáo pháp thích hợp với ba giai đoạn ấy. Đối với sơ thiện thì nói về bố thí, trì giới, phước báu các cảnh trời; nuôi dưỡng đức tin và các bổn phận tại thế, các đức lý trần gian, tùy thuộc các vai trò, chỗ đứng trong xã hội. Đối với trung thiện, ngoài các bài pháp nền tảng ở sơ thiện, căn cơ này còn cần phải học hỏi và tu tập về thiền định và tuệ quán để làm cho yên lặng hoặc cắt đứt thêm một số kiết sử buộc ràng. Hậu thiệnbậc vô học - không còn học cách thức để đoạn trừ phiền não nữa - nhưng họ sẽ là những cánh chim trời tự do, sau này bay lượn khắp nơi để tùy duyên hóa độ chúng sanh. Vậy cái mà họ cần học, là phải thuần thục, rành rẽ cách thức đi đứng, nói năng, cách thọ dụng tứ sự, cách nói pháp, giảng đạo… Nói cách khác, hậu thiện phải thể hiện được đời sống thiểu dục, tri túc và các trí phương tiện khác. Còn có một sự thực là, không phải ai cũng giảng pháp, thuyết pháp được. Và như vậy, mỗi vị vô học  sẽ giáo hóa chúng sanh bằng chính đời sống giải thoát, bằng chính giới hạnh, thiền định, đức độ, tứ vô lượng tâm hoặc bằng chính cái học pháp mà họ đã thành tựu. Tuy nhiên, các cái gọi là phương tiện trí này rất nguy hiểm. Cái gì cũng phương tiện cả, và, các giáo phái chủ, giáo phái sư thường vận dụng phương tiện để mưu cầu danh vọng và lợi dưỡng cho bản thân họ. Cứu cánh biện minh cho phương tiện, và do vậy, các phương tiện được thực hiện khó phân biệt chính tà, thiện ác. Biên giới này rất mong manh. Các đệ tử của Như Lai, sau này xuống đời, Như Lai phải thiết lập tiêu chuẩn cho ranh vực này khi vận dụng trí phương tiện độ sinh. Đó là: các phương tiện phải lợi mình, lợi người; lợi mình là làm cho mình muội lược tham sân si, hướng đến giác ngộ, giải thoát; và lợi người cũng phải đặt mục tiêu như thế.

Đức Phật còn cần phải trải qua thời gian dài nữa, dùng trí phân tích để triển khai từng điểm một, từng chữ, từng câu một từ hai bài pháp quan trọng là Chuyển pháp luân và Vô ngã tướng. Cả năm vị đạo sĩ tân tỳ-khưu đều là dòng dõi danh gia bà-la-môn, sở văn, sở học đều vững chắc, thế mà đã phải rất nhiều ngày mới lãnh hội được giáo pháp, huống gì đại chúng có trình độ giới hạn, thấp thỏi, đôi khi lại thiểu trí, ít học hoặc chẳng có chút sở học nào! Giai cấp sát-đế-lỵ - vua chúa, hoàng gia, quý tộc, tướng lãnh, chiến sĩ - thường có học, có trình độ kiến thức dễ tiếp thu, dễ giáo hóa; nhưng chiến sĩ thì cũng như ngưòi dân bình thường mà thôi. Giai cấp bà-la-môn thì bây giờ đã sa sút, ngoại trừ các giáo chủ, giáo sĩ xuất gia, các danh gia vọng tộc, các gia đình bà-la-môn làm chủ những trang trại rộng lớn, giàu có thì con em họ được học hành chu đáo; còn đa phần giáo dân thuộc tập cấp này cũng nghèo khổ, cũng thất học. Giai cấp vệ-xá - gồm thương gia, các ngành nghề trong xã hội – thì bây giờ họ đã vươn lên: làm chủ ngân khố, làm chủ tịch các nghiệp đoàn, làm chủ một ngành nghề, những đại thương gia nắm huyết mạch kinh tế xã hội. Họ đã nghiễm nhiên bước chân vào giới quý tộc để làm quan đại thần, cố vấn kinh tế cho các tổng, các trấn và cả triều đình. Một số gia đình giàu có thuộc thành phần giai cấp này đều có thuê các gia sư bà-la-môn dạy học tại tư gia nên kiến thức, sở học của con em họ cũng tương đương giới sát-đế-lỵ. Giới lao động thợ thuyền các ngành nghề khác thì đa phần nghèo đói và thất học. Giai cấp thủ-đà-la – làm các công việc lao động chân tay vất vả, nặng nhọc thì hoàn toàn tối tăm. Còn giới chiên-đà-la - nô lệ - không thuộc giai cấp nào thì ở ngoài rìa xã hội, đời sống của họ được xem như chung thân khổ sai, làm những công việc dơ uế rồi còn bị xã hội coi khinh, phỉ nhổ, chà đạp còn tệ hơn súc vật. Thành phần này, mặc dầu họ thua các giai cấp trên về mọi phuơng diện, nhưng nếu hữu duyên, có căn cơ từ kiếp trước cũng có thể giúp một số người nào đó uống được những giọt nước trong lành của giáo pháp. Nói tóm lại, bất kể thành phần nào, nếu hữu duyên thì có thể tế độ trước, bằng vô duyên thì không thể. Vậy, cương yếu giáo pháp thì không thay đổi, nhưng tùy theo trình độ, căn cơ của chúng sanh để vận dụng giáo pháp cho thích hợp.

Bārāṇasī  trước đây vốn là một giang cảng, là nơi tàu thuyền buôn bán từ phía bắc và phía tây sông Gaṅgā đổ vào; lại là nơi hợp lưu của hai con sông VaruṇāAsī – sau trở thành tên của thành phố. Kể từ thời cổ đại, Bārāṇasī đã là một thành phố kinh tế và thương mãi sầm uất, thịnh vượng. Nơi đây vốn nổi tiếng các loại gỗ tốt,  vải vóc phong phú, tơ lụa tinh xảo, hàng gấm dày dệt chen những sợi chỉ vàng - vàng thật - được giới sang trọng, giàu có trong và ngoài lục địa ưa chuộng. Khi đời sống của lớp thị dân trở nên có của ăn của để thì nó kéo theo sự phát triển của tôn giáo, xuất hiện một số ngành nghề kỹ nghệ và những mặt hàng kinh doanh khác. Các giáo phái bà-la-môn chọn đất thịnh vượng này làm thủ phủ; thế là điện đài, đền miếu, am thất mọc lên như nấm. Các cơ sở kinh doanh liên hệ đến tôn giáo được dịp phát triển. Các thợ gốm, thợ đúc đồng sản xuất các loại bình lớn nhỏ để đựng nước thiêng soma dùng trong các lế thánh tẩy, rảy nước. Việc buôn bán các loại trầm hương ( chiên-đàn), hương nhu, hương hồi cùng một số nhiên liệu tương thích để đáp ứng cho việc tế thần lửa, thần sông, thần núi, thần gốc đa cùng mấy triệu vị thần khác – đua nhau phát triển rất là  thuận lợi, vui vẻ. Các lễ hiến tế súc vật, trái quả, hỏa thiêu bên bờ sông Gaṅgā không thể thiếu hoa; và thợ làm tràng hoa bắt đầu được xem như một nghề có thu nhập cao! Những ngưòi làm củi, chất đốt để hỏa thiêu lại có công ăn việc làm! Và ôi thôi, nào là các dịch vụ liên hệ đến các tế sư, tế đàn, hỏa táng, khách hành hương kéo theo xe ngựa, tàu thuyền đưa đón, các nhà nghỉ, nhà trọ, người hướng dẫn, ăn uống… có dịp đua nhau phục vụ! Có tiền, có bạc, có khách lữ hành làm ăn lui tới, có tiểu gia, có đại gia - tất là có tửu điếm, thanh lâu, có rượu chè bài bạc, có gái làng chơi và có hưởng thụ xa hoa, trụy lạc.

Bối cảnh hiện thực khái quát Bārāṇasī là như thế. Ở đây có một đại thương gia hào phú. Có lẽ ông là chủ của một nghiệp đoàn buôn bán tơ lụa – có mối giao thương rộng rãi với những đoàn lạc đà, theo Con đường tơ lụa đến tận Ai Cập, Ả Rập, Hy Lạp, các xứ Tây Vực và sang cả tận Trung Hoa. Công tử Yasa là con trai duy nhất của vị cự phú, được gia đình xem như ngọc, như ngà, được cưng chiều từ thuở ấu thơ. Biết bao nhiêu là thầy giáo bà-la-môn làm gia sư chăm lo rèn cặp cho công tử được nên người. Công tử muốn gì được nấy. Đến tuổi trưởng thành, Yasa được người cha cự phú thương yêu, kiến lập cho ba tòa cung điện thích hợp với ba mùa tương tợ thái tử Siddhattha vậy. Ngoài người vợ chính môn đăng hộ đối, giàu có, đẹp người, đẹp tính, Yasa luôn được đoanh vây quanh mình hàng chục hầu thiếp trẻ trung, sen ngó, hàng chục ca nhi mỹ nữ phục vụ giải trí, rượu trà, đàn ca hát xướng, vũ điệu nghê thường, yến tiệc linh đình…

Sống đời hưởng thụ đế vương như thế nhưng Yasa thường không được vui, chàng luôn ưu tư và sầu muộn. Hôm kia, nửa đêm thức giấc, sau cuộc truy hoan mệt mỏi, nhìn đám hầu thiếp và vũ công, ca nhi xiêm áo trễ tràng, phấn hương nhễ nhại, nằm ngủ li bì, thở ngáy, nước dãi… trông như một đống thịt ươn thật đáng ghê tởm. Sợ hãi, chán ngán và kinh tởm tột cùng, Yasa không kịp thay áo ngủ, chỉ xỏ vội chân vào đôi hài nhung thêu chỉ vàng, mở cửa trốn đi như trốn một ám ảnh xấu xa, một ngục tù hôi tanh, bẩn thỉu. Yasa bước đi như bước trong cơn mê, miệng không ngớt lảm nhảm: “Ôi! khốn nạn thay cho tôi! Bi khổ thay cho tôi! Đọa đày thay cho tôi! Ghê sợ thay cho tôi! Bẩn thỉu thay cho tôi!” Yasa cứ mải miết lảm nhảm và cứ bước đi không định hướng. Đêm ấy, trời âm u nhưng khô ráo, sao tỏ mờ mờ, bước chân vô định của Yasa dẫn chàng đến Lộc Uyển khi vừa rạng sáng.

Hạnh phúc và duyên lành thay cho Yasa, vào cuối canh ba, tâm trạng rối ren, chán chường và những bước chân lang thang của Yasa lọt vào tầm võng lưới hướng tâm của Đức Phật; và ngài còn thấy rõ, chàng là một duyên lành không những cho bản thân mình mà còn trợ duyên cho những bước đi của giáo pháp vào buổi đầu.

Đức Phật, lúc ấy, đang ở cuối con đường kinh hành, nghe  tiếng ta thán lảm nhảm của Yasa, thấy rõ tâm lý thống khổ cùng cực của Yasa, ngài dùng thần thông, khẽ đưa âm thanh của tiếng nói, xuyên thẳng vào tâm vào trí của Yasa – như một luồng sáng giữa đêm sâu đen kịt, như một giọt nước trong veo và ngọt lành giữa sa mạc; lại còn như lời mẹ nói với con đầy bao dung và từ ái:

- Này Yasa! Này con! Ở nơi này không có khốn nạn, không có bi khổ, không có đọa đày, không có điều gì đáng phải ghê sợ và điều gì bẩn thỉu phải xa lánh! Này Yasa! Này con! Hãy đến đây, và hãy ngồi xuống đây, Như Lai sẽ nói chuyện với con!

Như một hồi chuông tỉnh thức, Yasa bàng hoàng như vừa rời khỏi một giấc mê dài. Ra khỏi rừng cây, xa xa thấp thoáng bóng một vị sa-môn giữa sương mù. Yasa nhè nhẹ cởi đôi hài, quăng bỏ bên vệ đường rồi đi chân đất, dè dặt lần bước tới… Đức Phật mỉm cười chỉ tay vào một tảng đá:

- Hãy ngồi xuống đây, Yasa, rồi con sẽ được nếm thưởng hương vị của sự an lành, thanh tịnh và những niềm vui vô nhiễm.

Rồi bằng giọng phạm âm với tám tuyệt hảo, với trí tuệ phương tiện dịu dàng, phong phú, quảng bác và sâu nhiệm, đức Phật từ từ, từng câu, từng chữ, từng ngữ nghĩa dìu dắt tâm và trí Yasa bước vào cõi pháp xán lạn và quang vinh. Ban đầu, ngài nói về sự nguy hiểm của đời sống trác táng, chúng sẽ làm cho cơ thể bị hủy hoại, sinh lực tiêu mòn, và tâm trí, theo đó cũng trở nên đần độn, mất dần sự nhạy bén, linh hoạt. Đắm mình trong đời sống dục lạc chỉ đem đến sự nhàm chán, ghê tởm; nhưng may mắn cho ai đã thoát ra khỏi vũng lầy dơ uế ấy. Bản chất của đời sống là dukkha, nó có hai mặt: khổ đau và lạc thú, xấu và tốt, nước mắt và nụ cười. Nhưng chúng thường lẫn trong nhau, ở trong nhau, tan hòa trong nhau; và đôi khi là hai phạm trù đối lập. Nếu ta nỗ lực săn tìm lạc thú qua mắt tai mũi lưỡi thân ý thì ta sẽ đối diện với đau khổ trùng trùng. Có một đôi mắt xanh, trong suốt – nó nhìn ngắm mọi sự mọi vật vượt xa và vượt trên khổ lạc – hai mặt của bản chất đời sống ấy. Nó thanh bình và vô nhiễm. Hãy để tâm và trí tỉnh thức để giao đối, tiếp xúc với vạn hữu thì thực tại mới mẻ, mầu nhiệm ấy hiện ra. Và rồi hãy nhìn xem: trời đất, sương mù, sông núi, cỏ cây… tất cả đều an bình và vô sự. Tất cả chúng đều trọn vẹn như chúng đang là. Chim ca, hoa nở, lá vàng, lá xanh, trăng mọc, trăng lặn… đều tuyệt bích và đại toàn. Khi tâm hồn ta u ám và buồn chán thì mọi sự mọi vật đều u ám và buồn chán. Khi tâm hồn ta trong lành và vui vẻ thì mọi sự mọi vật đều trong lành và vui vẻ. Tâm và cảnh ấy tương duyên, tương tác. Tùy thuộc cách nhìnthực tại như thị sẽ biến thành mặt này hay mặt kia. Đừng chìm đắm hoặc chán nản ở bên này mà cùng đừng thao thức, mơ ước phía bên kia. Bên nào cũng là sự thay đổi, biến dịch, hóa trang của dukkha cả. Là kẻ trí, là bậc thức giả thì phải đứng trên đỉnh cao ngàn tầm cây thốt nốt, bước ra khỏi sự cương tỏa bít bùng, mê hồn trận của võng lưới Māyā ấy. Khi sống trong thế giới tương quan, đi bằng đôi chân đất hữu hạn của mình, bao giờ sự duyên sanh khổ, lạc vẫn là điều tất yếu. Rồi khổ đến, ta bị khổ cuốn đi; lạc đến, ta bị lạc cuốn đi. Và đấy là tử sanh, là ma vương, là sầu bi ưu não. Như Lai có một tấm bản đồ, có một con đường để thoát ra khỏi mê hồn trận ấy, ra khỏi lưới Māyā ấy, ra khỏi nơi thống khổ điêu linh ấy – này con, này Yasa! Con có muốn nghe không?

Là bậc trí, nghe xong tức khắc hiểu, Yasa tin chắc là có con đường ấy, bèn quỳ xuống, vui mừng, rưng rưng, sụp lạy; chàng ôm bàn chân bụi của đức Thế Tôn, cất lời khẩn thiết, muốn nghe con đưòng bất tử…

Lúc ấy, trời lắc rắc mưa, đức Phật dẫn Yasa đi về hương thất của ngài. Cả năm vị thánh tỳ-khưu hay chuyện cũng đến hầu xung quanh và để nghe pháp. Đức Phật thấy tâm hồn của Yasa đã ổn định nên ngài từ từ, ân cần từng bước một, sử dụng phương tiện thuận thứ, giảng nói về bố thí, trì giới… là lộ trình sơ tu cho những cư sĩ tại gia để ly thoát bốn cảnh giới bất hạnh…

Hôm nay có thêm một vị khách - nên bốn vị thánh tăng, đúng lúc, đảnh lễ đức Phật, rời hương phòng, lên đường trì bình khất thực. Đức Phật lại giảng tiếp về thời pháp. Khi biết tâm và trí của Yasa đã sẵn sàng, đức Phật nói tóm tắt Tứ diệu đế, chỉ nhấn mạnh Đạo đế - con đường ly thoát mọi khổ ách…

Thế là, như hằng triệu đêm hư vô, tăm tối được vén mở, Yasa dường như thật sự được mở mắt. Một bầu trời quang rạng, tinh khôi, trong lành chợt được trải rộng ra từ sau cánh cửa vô minh. Trong đống bùn dơ uế, hôi hám và bẩn chật của cõi đời tục lụy, đang từ từ, khiêm tốn, e ấp nở ra một đóa sen vô nhiễm. Yasa đã đắc Pháp nhãn, đã có lòng tịnh tín, bất động với con đường, đã xuôi vào dòng chảy thanh bình, an lạc. Vừa tri ân, vừa xúc động, Yasa quỳ mọp ôm bàn chân của đức Phật, nghẹn ngào không nói nên  lời…

Trưa đến, bốn vị thánh đi bát về, lựa chọn những vật thực ngon nhất, họ mang đến, dâng cúng cho đức Thế Tôn. Sau khi giữ lại phần mình, họ cũng trân trọng dâng cúng cho vị trưởng lão tôn kính  - ngài Koṇḍañña – và một phần phải lẽ cho ông công tử giàu sang quý phái. Yasa cảm động quá, đồng thời có một niềm vui mới mẻ tràn ngập tâm hồn làm cho chàng chỉ biết trào nước mắt. Lạ lùng quá là những thức ăn này! Đây là thức ăn của các bậc thánh nhân - thức ăn có được bởi những gót chân trần vô nhiễm, bởi sự tinh lọc của những năm tháng dài tu tập - đã ưu ái chia sẻ cho, nên chàng thọ dụng rất cẩn trọng. Mấy mươi năm sống trong giàu sang nhung lụa, mọi thức ăn, thức uống cầu kỳ, quý hiếm trên rừng, dưới biển đầy đủ dưỡng chất và mỹ vị, không có gì Yasa chưa từng thọ dụng, thế nhưng, chàng đã chán ngán chúng. Còn ở đây, chỉ với những thức ăn tầm thường này mà sao nó ngon thế! Và khi nhìn đức Phật và các vị sa-môn ngồi kiết già, với bình bát trước mặt - đầu hơi cúi xuống, mấy ngón tay của bàn tay phải vo tròn thức ăn, cẩn trọng, nhịp nhàng, uyển chuyển như những ngón tay của nhạc công nắn vuốt điêu luyện trên những sợi dây đàn, chẳng có động tác nào là thiếu, thừa, chẳng có cử chỉ nào là không giác niệm - Yasa mới hiểu biết và cảm nhận được thêm rằng, giáo pháp và con người là một. Đức Phật và các vị thánh sa-môn này đã thể hiện được lý tưởng rốt ráo của Vệ-đà, là điều mà chưa vị thánh bà-la-môn nào làm được: Hòa đồng tiểu ngã vào đại ngã! Tuy nhiên, đại ngã ở đây không phải là vũ trụ nhất thể siêu hình, không phải là thượng đế hữu ngã toàn năng, không phải là năng lực huyền bí siêu linh – mà nó hiện thực, cụ thể và có sự sống nhân văn hơn thế! Ở nơi các ngài: hiểu và thấy, trí và giác, tri và hành, thân và tâm… đều được thắp sáng trong một niệm hiện tiền tỉnh thức, viên dung và nhất thể! Là một thanh niên có sở học vững chắc, Yasa chỉ nhìn ngắm, tư duy là có thể hiểu thêm, thấy thêm một tầng nữa của giáo pháp: cái tiềm ẩn bên trong mà hiển bật ra bên ngoài!

Trong lúc ấy, tại tòa trang viện giàu sang bậc nhất ở thành phố Bārāṇasī, cha mẹ Yasa hốt hoảng khi thấy Yasa mất tích. Bà mẹ là người phát hiện đầu tiên khi lên lầu thăm con trai, bà đau khổ tột cùng, đầu bù tóc rối, hớt hải chạy tới chạy lui, nước mắt nước mũi dầm dề. Người cha hay tin cũng bàng hoàng cả người, nhưng ông đã sớm tỉnh táo, suy nghĩ rằng: Mỹ nữ, tiệc tùng, tửu sắc, ca vũ… đối với con trai ta, từ lâu, dường như nó nhàm chán rồi. Ta thấy trong đôi mắt nó là sự mệt mỏi, lờ đờ. Ta không thấy nó có được một nụ cười thật sự vui vẻ. Nó hay thở dài. Dáng đi của nó không còn nhanh nhẹn, toát ra cái sức sống thanh xuân nữa. Và nó cũng hay nhìn ra xa đâu đó ở cuối chân trời…

Ông bảo với gia nhân - hằng chục người đang chầu chực xung quanh đợi ông sai bảo:

- Các ngươi hãy tản mác ra xa thành phố, đi tìm kiếm trong các khu rừng ở ngoại ô - chắc chắn công tử của các ngươi đang lang thang đâu đó giữa núi đồi, giữa thiên nhiên tịch lặng…

Nói xong, các gia nhân lên những con ngựa khỏe lao vụt đi; và chính ông cũng tất tả lên đường. Do linh tính mách bảo, ông leo xe hai ngựa tiến lần về phía Isipatana. Tại chỗ ngựa không còn đi được, ông đi bộ lần theo con đường mòn để đến Lộc Uyển. Khá trưa, người quản gia lanh lẹn, phi ngựa ngược chiều, trên tay cầm đôi hài nhung thêu chỉ vàng:

- Là đôi hài của công tử, thưa chủ - con đã tìm thấy trong rừng tu  của các sa-môn khổ hạnh!

Người quản gia dẫn đường. Buổi trưa, khu rừng tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng lá xào xạc, mấy chú nai hồn nhiên gặm cỏ, thỉnh thoảng rơi xuống vài tràng chim hót líu lo. Ông trưởng giả cảm nghe tâm hồn mình yên ổn trở lại. Theo con đường mòn, họ lần đến chiếc cốc lá có vẻ lớn rộng nhất, nằm giữa hai cội Assattha cổ thụ tàn lá xanh um, mát mẻ. Đức Phật đã đứng bên cửa, thân phụ Yasa cúi chào ngài, đưa đôi hài ra và thăm hỏi tin tức về con trai của mình. Đức Phật đã biết chuyện này và ngài đang có ý chờ đợi. Yasa đang ngồi bên cạnh, nhưng đức Phật đã sử dụng thần thông che dấu đi rồi nói rằng:

- Hãy bình tĩnh và hãy ngồi xuống đây, ông trưởng giả! Rồi ông sẽ tìm thấy con trai yêu quý của mình!

Xiết đổi vui mừng, ông trưởng giả cung kính chấp tay xá chào rồi lặng lẽ ngồi xuống. Đức Phật bắt đầu vào chuyện. Ngài nói rằng, không ai là không đau khổ, không ai là không sầu muộn. Ông trưởng giả giàu sang tột đỉnh, ngồi trên đống châu ngọc, bạc vàng, của cải, tài sản nhưng dễ gì có được giây phút thanh bình, hạnh phúc, có phải thế không? Đêm ngày ông sống trong lo sợ. Lo sợ bị mất cắp, lo sợ nạn nước lửa, lo sợ kẻ phản bội, lo sợ và nghi kỵ cả kẻ ăn người ở, lo sợ thuế má và các tâm lý thất thường của vua quan – không biết sẽ bị vu oan, vu cáo, vu chụp và tịch thu gia sản lúc nào! Bây giờ, đứa con trai duy nhất, cưng chiều, thương yêu, cưng chiều như trứng để đầu đẳng - lại làm cho ông hụt hẩng, sầu muộn… là tại vì sao, nguyên nhân bởi đâu hở ông trưởng giả?

Đức Phật – như một vầng trăng sáng - từ từ nói, và ông trưởng giả thì chăm chú lắng nghe. Thỉnh thoảng, ông lại ngước nhìn đức Phật: Ồ, vị này, không phải là người đâu, lại càng không phải những du sĩ lang thang khất thực nhan nhãn trong thành phố. Từ cách phục sức y áo, râu tóc đến cung cách, cử chỉ, ngôn ngữ - đều toát ra cái thanh sáng, cao đẹp và an bình một cách lạ lùng! Lại nữa, ông ta như nhìn xuyên thấu, thấy rõ cả những tâm sự, ý niềm lao xao của ta nữa! Ồ, ông ta đã nói đúng làm sao! Ta không có hạnh phúc, ấy là điều chắc thật – nhưng ngay chính cả vợ con, ta cũng không dám nói điều ấy! Ta đối diện với cô đơn và hư vô của chính mình…

Đức Phật đọc được ý nghĩ của ông trưởng giả, nên ngài từ từ khai mở. Khởi từ những dukkha hiện tại, đức Phật giảng nói đến con đường khả dĩ được thanh bình và an lạc hơn, cái gì tạo nên những trạng thái tâm lý thanh lương, nhẹ nhàng và mát mẻ. Thế là đức Phật chỉ nói sơ một chút về khổ đế, sau đó giảng thêm những pháp thuận thứ - nhưng đã triển khai cách khác, hợp với căn cơ, trình độ và hoàn cảnh cụ thể của ông trưởng giả hơn!

Nghe xong thời pháp, nhờ có trí, ông trưởng giả đắc quả Tu-đà-hoàn – Pháp nhãn - ông sung sướng quá. Lần đầu tiên trong đời, ông cảm nghiệm sâu sắc sự biến chuyển lạ lùng của con người ông, từ cách nhìn về bản thân và cuộc đời, cho đến các quan niệm vui khổ giữa thế gian. Quả thật ông đã được chuyển hóa. Ý nghĩa về thời pháp của đức Thế Tôn như cơn mưa rào mát mẻ đã xối sạch một phần đau khổ và phiền muộn ở trong ông…

- Như Lai là người tỉnh thức, là người giác ngộ - đức Phật chậm rãi nói - là người mà không phải người, cũng chẳng phải thuộc nhóm những du sĩ lang thang, ta bà khắp thành phố quê hương của ông. Giáo pháp mà Như Lai giảng nói không ở trong truyền thống tôn giáo quen thuộc. Là con đường mà Như Lai đã tự tìm ra. Như Lai đã giải thoát tất thảy mọi phiền não; đã thông tỏ, thấu suốt tất thảy mọi tâm, mọi cảnh, mọi nhân, mọi quả, mọi tánh, mọi tướng, mọi duyên, mọi báo của tất thảy chúng sanh trong ba cõi sáu đường. Như Lai là Phật – phải hiểu đúng như thế!

Ông trưởng giả lạnh người khi thấy đức Phật đọc được tâm ý của mình, bèn tỏ ra quy thuận:

- Bạch đức Tôn Sư! Nhờ hồng ân của ngài cùng với thời pháp vi diệu, con đã rất mát mẻ tâm hồn và đã thấy đường để đi. Ngài đã dựng lại ngay ngắn các đồ vật đã bị lật đổ. Ngài đã chỉ trỏ cho con thấy những cái gì đã bị giấu kín. Ngài đã chỉ lối đưa đường cho những người lạc bước. Ngài đã cầm ngọn đèn rọi sáng trong đêm tối để cho ai có mắt có thể trông thấy. Xin cho con được nương tựa nơi đức Thế Tôn và nương tựa nơi Giáo pháp ấy!

- Còn nữa, này ông trưởng giả - đức Phật nói – Ông phải còn cần nương tựa nơi Tăng đoàn thánh hạnh của Như Lai nữa!

Cả năm vị thánh A-la-hán không biết từ đâu đã ngồi oai nghi, trang nghiêm, thanh tịnh xung quanh đức Phật. Sợ hãi quá, ông quỳ xuống, sụp lạy. Đức Phật bèn hướng dẫn cho ông trưởng giả cách đọc quy y. Và ông đã trở thành vị thiện nam thứ ba, và là cận sự nam (upāsaka) đầu tiên quy y Tam Bảo trong giáo hội của đức Tôn Sư.

Bây giờ, ông trưởng giả mới sực nhớ là ông đến đây để tìm tông tích của người con trai! Đức Phật biết điều ấy, ngài thâu lại thần thông – thì công tử Yasa đang ngồi bên cạnh! Gặp lại con, ông mừng mừng tủi tủi. Mà sao lạ, tâm hồn ông đã thay đổi. Và nhìn nét mặt an lành, thanh thản của Yasa, ông chợt hiểu là con trai ông còn thay đổi sâu sắc hơn cả ông. Và chỉ có đức Phật và chư vị thánh Tăng mới biết rõ là vị công tử kia đã đắc quả A-la-hán sau khi nghe thời pháp mà đức Phật giảng nói cặn kẽ cho ông trưởng giả.

- Này con – ông trưởng giả nói - mẹ con đang đau khổ lắm đấy. Con hãy trở về để cho mẹ con đời sống!

Yasa chợt đưa mắt nhìn đức Phật, hiểu ý Yasa muốn xuất gia nên ngài đỡ lời:

- Này ông trưởng giả! Ông là người đã thấy pháp, đã quy y Tam Bảo, đã trở thành một cận sự nam, bây giờ ông hãy suy nghĩ đi! Yasa – con trai ông – bây giờ đã là một vị thánh, một bậc A-la-hán, một người đã vĩnh viễn cắt lìa mọi ô nhiễm, phiền não, sống đời giải thoát, viễn ly các dục, các hữu. Một con người như vậy thì có thể nào trở lại với đời sống đoanh vây bởi dục lạc của trần thế? Như một con chim đã sổ lồng, có khi nào nó muốn chui trở lại vào trong cái lồng! Như kẻ đã ra khỏi tù, có bao giờ muốn trở lại chốn lao tù? Như con thú đã vùng vẫy ra khỏi cái bẫy của người thợ săn lại muốn trở lại nằm trong cái bẫy? Hãy trả lời đi và Yasa sẽ vâng theo tri kiến và chủ ý của ông!

Đưa mắt lặng lẽ nhìn đức Phật, năm vị thánh Tăng và Yasa nữa, ông trưởng giả cảm nhận được cả một không gian an bình, thanh tịnh và siêu thoát; lại nữa, giáo pháp ông vừa được thọ hưởng mà dư vị của nó còn tràn đầy, thấm đẫm tâm và trí – ông hiểu rất sâu sắc rằng là Yasa đã chọn lựa đúng, bèn cúi gập đầu xuống:

- Bạch đức Thế Tôn! Con trai của đệ tử đã bước vào đạo lộ trong sạch rồi, không thể nào thích thú trở lại trong vũng bùn dơ uế nữa. Đệ tử đã thấy. Vậy thì ngay ngày mai, xin cung thỉnh đức Thế Tôn, có chư Tăng và Yasa theo hầu  - đến nhà đệ tử để cho đệ tử có dịp cúng dường buổi ngọ trai!

Đức Phật nhận lời trong im lặng. Đám gia nhân của ông trưởng giả ngồi đứng lố nhố đầy đặc ở bên ngoài. Họ dìu ông trưởng giả - có vẻ không còn sầu muộn nữa - trở về nhà, còn Yasa thì ở lại với nhóm sa-môn khổ hạnh, họ không hiểu tại sao, nhưng không dám hỏi.

Đợi mọi người đi khuất, Yasa quỳ năm vóc sát đất, dưới chân đức Phật:

- Bạch đức Thế Tôn! Hãy cho con được sống trong Tăng đoàn thánh hạnh!

Ngồi lại trong tư thế kiết-già, đức Phật chứng minh rằng là Yasa đã là vị tỳ-khưu, rồi ân cần nhắc nhở rằng: Bây giờ con hãy sống đời phạm hạnh thiêng liêng trong sạch vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người! Quay qua Koṇḍañña, đức Phật nói:

- Phẩm mạo, tăng tướng, y bát, cách mặc y, mang bát, tứ oai nghi, cách trì bình khất thực của Yasa – bây giờ là phần việc của ông, do ông và huynh đệ sắp đặt, hướng dẫn!

Thế rồi, sáng hôm sau, sáu vị tỳ-khưu thánh Tăng A-la-hán tháp tùng đức Phật - thong dong, nhàn nhã đi đến Bārāṇasī, vào trang viện gia đình của Yasa, tại trung tâm thành phố. Tướng mạo, phong cách của đức Phật cùng sáu vị thánh tăng, Yasa theo sau - đều thuộc thành phần trí thức, tóc râu sạch sẽ, y áo tươm tất, lại còn được thu thúc thanh tịnh, trang nghiêm nữa - là hình ảnh mới lạ, lần đầu tiên tại thủ phủ của tôn giáo bà-la-môn này! Người ta không ngớt xôn xao, bàn tán. Người ta tụ họp từng nhóm nhỏ, lặng lẽ nhìn, tò mò hoặc đưa tay chỉ trỏ. Có lẽ là họ phát hiện Yasa - vị công tử giàu sang, con nhà cự phú nổi tiếng ăn chơi - cũng ở trong đoàn sa-môn!

Những tấm thảm nhung đỏ được trải từ ngoài cửa, có nước rửa chân. Gia nhân đứng hầu ăn mặc đồng phục màu mè như lễ hội. Vào nhà, chỗ ngồi đâu đó được thu xếp chu đáo, cẩn trọng, sang trọng. Cha mẹ của Yasa và bà vợ chính của Yasa đích thân quỳ lạy, nghênh tiếp, sắp đặt, hầu soạn lễ phẩm, thực phẩm. Thỉnh thoảng, họ lại ngừng tay, chăm chú nhìn Yasa với tình cảm buồn vui xen trộn phức tạp.

Nước rửa tay đựng trong những chiếc bình bằng vàng. Khăn lau tay là gấm lụa thượng hạng tẩm hương chiên-đàn. Thực phẩm cứng mềm thượng vị công phu và cầu kỳ. Họ dâng vào bát cho đức Phật và chư vị tỳ-khưu. Các ngài thọ dụng trong lặng lẽ.

Quán cơ duyên, thời pháp sau đó của đức Phật cũng đưa hai vị phu nhân vào quả vị Nhập lưu - tịnh tín bất động tâm - nên việc xuất gia của công tử Yasa lại trở thành hỷ sự trong gia đình. Và hai bà cũng xin được quy y Tam Bảo, trở thành hai cận sự nữ (upāsikā) đầu tiên trong giáo hội của đức Phật.

Ít hôm sau, sự kiện Yasa xuất gia, đi theo đoàn sa-môn một tôn giáo lạ, có một vị Phật vừa mới ra đời - xuất thân là một thái tử - tạo nên một chấn động lớn làm cho cả thành phố Bārāṇasī xôn xao, dư luận bàn tán sâu rộng nhất là trong thành phần trí thức. Một thanh niên có một gia sản cự phú, sống trong giàu sang nhung lụa, có cả ba tòa biệt điện, kẻ hầu người hạ, hưởng thọ dục lạc như một vị tiểu vương - thế mà phất tay bỏ đi sống đời không cửa, không nhà! Giáo lý ấy chắc hẳn có một sức thu hút mãnh liệt? Giáo lý ấy chắc hẳn có một tư tưởng phi thường? Giáo lý ấy ở trong truyền thống hay ở ngoài truyền thống? Những nghi vấn ấy tạo nên sự tò mò, cuốn hút bốn vị công tử các gia đình thương gia danh giá, giàu sang khác: Đó là Vimāla, Subāhu, PunnajiGavampati – là bạn thân của Yasa – tìm đến Lộc Uyển để hỏi đạo. Rồi sau thời pháp vi diệu, cả bốn công tử đều đắc quả A-la-hán, thọ giới tỳ-khưu, theo chân đoàn sa-môn khất sĩ – không trở về thăm gia đình nữa! Chưa hết, năm mươi thân hữu khác của năm vị - đều là thành phần ưu tú, trí thức - ở rải rác trong thành phố và các vùng phụ cận, nghe tin lạ lùng, kẻ sau, người trước tìm đến - rồi họ cũng đắc quả A-la-hán, trở thành tỳ-khưu chẳng màng đời sống ngũ dục, gia đình và sự nghiệp!

NHỮNG BÀI PHÁP QUAN TRỌNG TẠI LỘC UYỂN –

DÀNH CHO THÀNH PHẦN ƯU TÚ

Có lẽ duyên ở Bārāṇasī vậy là vừa đủ. Bây giờ còn là mùa mưa, nước sông Gaṅgā dâng cao, tràn bờ - việc đi khất thực bắt đầu khó khăn, lều xá tạm cư cần phải làm thêm cho đủ chỗ 60 người - đức Phật bàn tính với 5 vị trưởng lão để sắp xếp, cắt đặt công việc ăn ở. Tuy nhiên, chỉ ít hôm sau là mọi công việc lại trở nên dễ dàng. Các gia đình thương gia, thân quyến và gia nhân của các vị công tử tìm đến. Sau khi thấy không thuyết phục được con em của mình, chủ của mình, mà ngược lại, họ bị thuyết phục – nên đã tự động cho người mua vật liệu, ra tay làm cốc liêu chỗ này, chỗ kia cho các ngài! Rồi vấn đề thiếu y, thiếu bát và những vật dụng cần thiết – các gia đình dâng cúng đầy đủ cả.

Thời gian ở đây, những lúc trời tạnh ráo, đức Phật cho Koṇḍañña triệu tập Tăng chúng để giảng những thời pháp quan trọng. Mặc dầu các vị - hội chúng độc thân trí thức và quý phái, thành phần tinh ba của xã hội – đã là bậc A-la-hán cả; nhưng những chi tiết pháp và luật áp dụng vào đời sống thì họ còn cần phải học hỏi nhiều.

Đức Phật giảng một bài pháp liên hệ đến việc hướng tâm đúng - tức là như lý tác ý (yoniso-manasikāra) - ở trong mọi thời, ở trong mọi lúc. Hướng tâm giống như bánh lái của một con thuyền, bánh lái hướng về phương nào thì con thuyền sẽ đi theo hướng ấy. Cũng vậy, hướng tâm sai lệch – phi như lý tác ý (ayonisa-manasikāra) thì toàn bộ thân tâm sẽ sai lệch, mọi cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức đều phải bị lệch lạc. Như Lai cũng nhờ vào sự hướng tâm đúng đắn, chân thực này, là yếu tố quyết định để đắc quả Chánh Đẳng Giác. Sau này, lúc du hành giữa cõi ta-bà, lúc thuyết pháp độ sinh, các thầy tỳ-khưu phải thường tỉnh thức, giác niệm điều ấy và cũng thường chỉ giáo cho mọi người như thế.

Bài pháp thứ hai, đức Phật tuyên bố, hiện nay, ngài và hội chúng tỳ-khưu ở đây đều đã thoát khỏi mọi kiết sử buộc ràng ở cõi người cũng như cõi trời; đã không còn dính mắc bất kỳ một lưới võng nào của dục hữu, dục tham, dục ái – dù thô tháo hay tế vi. Cuối thời pháp, có một số câu hỏi liên hệ về nhân và quả, tâm và cảnh của các cõi - đức Phật đã cặn kẽ mở rộng nhãn quan và kiến văn cho chư đệ tử - bằng cách sử dụng thần thông cho họ thấy ngay trước mắt các cảnh giới từ Địa ngục cho đến Tha hóa tự tại thiên cùng nhân quả nghiệp báo của chúng. Riêng các cảnh giới thuộc thiền định - sắc và vô sắc - đức Phật dạy nên tu thiền định, năm vị trưởng lão sẽ hướng dẫn cho họ, sẽ tức khắc thấy ngay các cảnh giới ấy trong tâm của mình.

Bài pháp thứ ba, đức Phật kể câu chuyện về một người thợ đóng bánh xe, làm hai bánh xe cho đức vua Pacetana thời xưa. Một bánh xe, người thợ cẩn thận, chú tâm, công phu làm trong sáu tháng ròng rã. Qua bánh xe thứ hai, do sự đốc thúc của nhà vua nên ông đã nóng nảy, vội vã chỉ làm trong sáu ngày thì xong. Khi chiếc xe  được cẩn ngọc, dát vàng, rèm châu, sáo bạc lấp lánh sang trọng – do đôi ngựa thuần chủng kéo đi – chưa được nửa do-tuần, chiếc xe đã gãy ngã, sụp đổ. Khi quan sát, bánh xe thứ nhất vẫn kiên cố, vững chắc; bánh xe thứ hai có nhiều khuyết điểm ở vành, nan, trục nên bị đứt lìa hoặc gãy vụn. Cũng vậy, này các thầy tỳ-khưu! Các thầy tuy đã đoạn lìa phiền não, nhưng những tiền khiên tật, nghiệp, thói quen xấu được huân tập lâu đời vẫn còn hiển lộ đâu đó qua thân, khẩu, ý – chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ. Những khuyết điểm, những khuyết tật này cũng cần phải chỉnh sửa trong thời gian dài mới ổn cố và toàn vẹn được. Nếu không, các thầy sẽ bị ngã nhào, không phải ngã nhào trên hành trình giải thoát – mà ngã nhào ra khỏi phẩm mạo tăng tướng phạm hạnh với thân khẩu ý toàn bích, không có một khiếm khuyết nào! Thế là đức Phật phải giảng nói rất kỹ về ngữ, nghiệp, mạng - ba tiết chế tâm sở cùng một số luật nghi, tế hạnh - như là đời sống bất ly của một sa-môn trong giáo đoàn tỉnh thức, làm mẫu mực cho tứ chúng sau này y chỉ.

Cuối thời pháp thứ ba, có những câu hỏi liên hệ đến truyền thống tôn giáo cũ, hiện đang đóng đô và phát triển rầm rộ ở thành phố Bārāṇasī, quê hương của họ.

Về lãnh vực này, Yasa và bạn hữu - những người ở trong lòng hiện tượng và vụ việc - đã trình tự, thay phiên nhau phác họa bối cảnh vừa khái quát vừa chi tiết rất là rõ ràng, mạch lạc. Họ nói rằng, Bārāṇasī là lãnh địa, là linh địa của tri thức Vệ-đàUpanishad, tư tưởng nhân quả, tái sanh, luân hồi có đề cập thông qua nhưng bị chìm mất bởi bàn tay của các vị thần linh với sự thưởng phạt bất minh, tùy tiện. Ai cầu nguyện nhiều, tế lễ trâu, bò, cừu, dê hậu hĩ thì sớm được lên hầu hạ bên chân của các thần. Ai không tin, phỉ báng thánh thần hoặc lễ lạt có vẻ coi thường – thì xem chừng bị đày xuống hỏa ngục! Cả một tập đoàn bà-la-môn chuyên nghiệp nắm độc quyền thần linh ở trong tay nên tha hồ bày ra các loại tế đàn: tiểu tế, trung tế, đại tế! Chưa thôi, việc gì cũng phát sanh lễ cả. Từ việc sinh đẻ, cưới hỏi, hỏa táng, cuộc đất, hướng nhà, ốm bệnh, bán buôn, đi buôn, đi xa, lên thuyền, lên ngựa, làm nhà, lạc thành, đầu tháng, cuối tháng, giữa tháng… tất tần tật đều có lễ, có các thầy bà-la-môn chủ trì, phán lệnh, truyền lệnh, rảy nước thiêng, đọc thần chú, bùa chú, pháp thuật… Rồi hiến tế thần nước, thần lửa và hằng trăm vị thần khác biết bao nhiêu là của cải, tài sản, đầu súc vật! Vì ai cũng muốn lên thiên đàng nên các thầy bà-la-môn bày ra việc bán mua ấy để kiếm lợi nhuận béo bở, sống vinh thân phì gia, vợ con đùm đề, hưởng thọ dục lạc mà ít đổ mồ hôi - lại còn được ăn trên ngồi trước! Thành phố Bārāṇasī, chưa có một nghề nào khỏe khoắn nhưng sang trọng, thịnh vượng và phát đạt bằng nghề thầy tu!

Thế rồi, đức Phật trình bày những tri kiến của đạo giải thoát. “Như Lai không bao giờ muốn thành lập một tôn giáo mới. Ở trong truyền thống hoặc ở ngoài truyền thống, Như Lai đều không quan tâm. Vấn đề của Như Lai là con người, sự nhận chân như thực về con người cùng những tồn tại đau khổ của nó. Như Lai không bàn về tư tưởng, nhân tình, nhân văn, nhân bản đi liền với các nấc thang giá trị đã được con người định giá, xác lập, thiết lập có tính ước lệ từ ngàn xưa đến nay. Cái con người bằng xương bằng thịt cùng với cảm xúc, tư tưởng, tâm hồn, nhận thức ấy, tại sao lại lúc vui, lúc buồn, lúc hỷ, lúc lạc, lúc khát vọng, lúc bạo tàn… rồi đem đến đau khổ cho mình và cho người khác. Như Lai khảo sát con người ấy, thấy sầu bi khổ ưu não nơi con người ấy rồi tìm cách tốt nhất để pha chế một phương thuốc thoát khổ. Sự diệt khổ đã được tìm thấy. Giác ngộ, giải thoát đã được tìm thấy. Nay Như Lai đi khắp nơi để giảng nói về đạo lộ bất tử ấy. Chỉ đơn giản như vậy thôi. Giáo pháp của Như Lai không có một vị thần linh nào, không có tế lễ, tắm nước sông Gaṅgā để tẩy sạch tội lỗi, hay rảy nước phép, nước thánh để tiêu trừ tai ươn, hoạn nạn; không có bùa thuật huyền bí, không giết hằng trăm ngàn súc vật tế thần lửa, thần Kālī hoặc tế vị thượng đẳng thần nào để xin xỏ một cái gì. Không có giáng tội, ban phúc, không có bán mua, hứa hẹn kiếp này và kiếp kia. Lại càng không thành lập một đẳng cấp hoặc một tổ chức quyền uy linh thiêng hoặc thế tục nào cả. Chẳng tuyên truyền quảng bá cho một lý tưởng nào. Giáo pháp của Như Lai và các sa-môn của Như Lai thực hành theo trung đạo, thiểu dục và tri túc, đi xin ăn của mọi nhà, hoàn toàn vô sản và bần hàn, sống đời yểm ly và giải thoát tất cả những hệ lụy, phiền não của cuộc đời. Vô ngã, khiêm nhu, vắng lặng và trong sạch là đời sống của Như Lai và giáo hội của Như Lai.”

Hội chúng trí thức lãnh hội rất nhanh nội dung tinh tủy của bài pháp. Tuy nhiên, có vị muốn hỏi cho rõ ràng hơn:

- Bạch đức Thế Tôn! Tắm nước sông Gaṅgā chỉ rửa sạch bụi bẩn, chứ không thể tẩy sạch các tội lỗi – các bà-la-môn thông thái cũng nói như vậy; nhưng họ còn nói rằng: Chỉ có lễ “thánh tẩy thiêng liêng” với những nghi lễ nghiêm túc, đúng đắn, kính thành mới mang đến hiệu quả rửa sạch tội lỗi do con ngưòi phạm tội gây nên!

Đức Phật bác bỏ quan niệm ấy, nói rằng, ác nghiệp và tội lỗi do chính ta tạo bằng thân, khẩu hay ý; vậy thì muốn hết tội, hết nghiệp để có được đời sống trong sạch, thì phải biết thanh tịnh hóa thân khẩu và ý! Chẳng có thần linh nào tham dự ở đấy cả!

Vị khác lại nói:

- Còn tục thờ thần lửa nữa, bạch đức Tôn Sư! Tập tục tế đàn lửa thiêng có từ kinh Vệ-đà – các bà-la-môn chuyên nghiệp tuân thủ và thực hành rất bài bản. Họ nói rằng, lễ nghi thờ cúng càng nhiều đầu và máu súc vật thì thần Agni mới mang phước quả ấy lên thiên giới để chứng minh cho lòng thành của gia chủ. Một số khác, nhất là quần chúng giáo đồ ngu muội lại tin tưởng ngây ngô rằng, lửa thiêng sẽ đốt cháy hết tội lỗi đối với ai thành kính thờ thần lửa; còn những lễ hỏa thiêu bên bờ sông linh thánh, có chủ tế, có tế vật, có cầu nguyện – thì linh hồn người chết mới được siêu sanh! Nay nhờ đức Thế Tôn vén mở, chúng đệ tử mới hiểu đấy là trò ma mị của tập cấp tu sĩ chủ tế bà-la-môn buôn thần bán thánh!

Một vị khác nữa:

- Bạch đức Thế Tôn! Tắm rửa tội ở sông Gaṅgā, chúng ta chỉ thương xót cho đám dân cuồng tín dại khờ, dẫu sao họ cũng chưa làm hại ai! Thờ thần lửa cũng vậy, ít ra là họ cũng biết sợ hãi tội lỗi mà ngăn ngừa được một số việc ác. Cả hai hình thức tín ngưỡng trên có thể châm chước. Nhưng một đôi nơi tế người sống, và nơi nào cũng giết hại hàng ngàn, hằng vạn súc vật thì quả là tổn thương đến lòng trắc ẩn và lẽ công bằng của sự sống!

Đức Phật nhè nhẹ gật đầu:

- Các thầy đã hiểu đúng giáo pháp của Như Lai! Không ai có thể mua chuộc hoặc hối lộ vị thần linh nào để tẩy rửa ác nghiệp của  mình; cũng không thể dùng sanh mạng của sinh linh vô tội để hiến tế cho mục đích tín ngưỡng mù quáng của mình. Động vật, súc vật các loại, bò bay máy cựa đều là chúng sanh, do nghiệp, do hậu quả của ác nghiệp mà noãn thai thấp hóa vào thân xác chúng sinh hạ đẳng. Mai này, trả xong nghiệp quả, chúng cũng có thể trở lại thân người hoặc tái sanh vào các cảnh giới khác. Giáo pháp của Như Lai xem sự sống là bình đẳng, phải có lòng thương yêu, bi mẫn  đối với tất cả chúng sanh, không phân biệt.

Đức Phật kết luận:

- Tất cả cái gọi hình thức, lễ nghi, cầu khấn, tế tự cùng mọi cấm giới theo tập tục, phong tục, tập quán của truyền thống, của xã hội, của tín ngưỡng tôn giáo… chỉ có tính cách ràng buộc nhau trong những trật tự ngây ngô và niềm tin quy ước cuồng tín, thường tạo thêm gánh nặng và đau khổ cho nhau trong vô minh, kéo dài luân hồi sinh tử – không bao giờ đưa đến giác ngộ, giải thoát. Đối với Như Lai, đấy là kiết sử, giới cấm thủ, ngăn bít sự thăng hoa tinh thần, tiến bộ tâm linh. Một bậc thánh Tu-đà-hoàn, một vị Nhập lưu cũng đã cắt đứt được ba sợi giây trói buộc, đó là thân kiến, hoài nghigiới cấm thủ - các thầy biết rõ như vậy chứ?

Không có gì minh nhiên, minh triết hơn thế nữa. Ngoài giải thoát trítâm giải thoát, tuệ giải thoát - đức Phật còn tuần tự khai mở nhãn quan và kiến văn phong phú, đa diện cho chư vị thánh Tăng dần dần biết vận dụng phương tiện trí trên con đường hoằng pháp lợi sinh.

Giáo pháp được giảng nói kỹ càng như thế mà đức Phật vẫn chưa yên tâm, ngài còn cắt đặt thành từng nhóm nhỏ, bảo Koṇḍañña phân công cho Bhaddiya, Mahānāma, VappaAssajī hướng dẫn cặn kẽ để cho định của họ càng thâm sâu và tuệ càng sắc bén thêm nữa. Trong lúc đó, đức Phật lại còn bận rộn vì những phái đoàn học chúng cư sĩ: Họ đến vì đủ mọi lý do, nhưng phần đông, sau khi nghe pháp, đã trở thành hai hàng cận sự nam nữ.

 HÃY RA ĐI NHƯ NHỮNG CÁNH CHIM TRỜI TỰ DO

Những lều tre, mái lá lau sậy cũng chống đỡ nổi qua suốt mùa mưa khắc nghiệt. Cuối tháng chín, mực nước các sông hồ đã rút xuống, các lối đi đây đó đã tạm thời khô ráo. Nhờ thời tiết chuyển mùa mà không gian trở nên xanh sạch đẹp, trong lành và mát mẻ. Hội chúng trí thức của đức Phật nhờ thấm nhuần giáo pháp, tẩm mát, sung mãn niềm vui siêu thế nên tâm hồn phơi phới, thanh thoát – đôi vị thốt lên những cảm hứng ngữ xuất thần, những câu kệ thơ thanh bình, vi diệu.

Biết đã đến thời củng cố thêm phương tiện trí trên con đường hoằng pháp nhiêu khê mai hậu; đức Phật lại cho tụ họp hội chúng, thuyết thêm hai thời pháp quan trọng nữa, nội dung nhắm đến bổn phận và trách nhiệm của mỗi thành viên. Nhờ đều là thành phần ưu tú, thông minh cả nên họ nắm bắt rất nhanh. Đoạn tóm tắt, đức Phật cất giọng hùng hồn, mạnh mẽ như tiếng sấm gióng giữa trời mưa:

-“ Nầy các thầy tỳ-khưu! Như Lai và các thầy đã thoát khỏi tất thảy mọi trói buộc, dầu ở cảnh người, cảnh trời dục, sắc hay vô sắc. Bây giờ, tất cả chúng ta hãy ra đi như những cánh chim trời tự do!

Hãy ra đi! Hãy bay qua sông dài biển rộng! Hãy lên đường vì lợi ích vì sự an lạc cho phần đông! Vì lòng từ bi, hãy mang lại sự tốt đẹp, sự lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Mỗi người hãy đi mỗi ngã, đừng đi chung một đường! Hãy tùy duyên mà hoằng dương, truyền bá chánh pháp! Hãy tùy căn cơ mà thuyết giáo độ sinh. Giáo pháp của Như Lai các thầy đã uống được giọt nước đầu nguồn rồi. Giáo pháp ấy toàn hảo ở đoạn đầu (sơ thiện), toàn hảo ở đoạn giữa (trung thiện), toàn hảo ở đoạn cuối (hậu thiện) và toàn hảo cả ý nghĩa và văn cú nữa. Hãy công bố đời sống phạm hạnh thiêng liêng vừa toàn thiện vừa trong sạch. Có những chúng sanh còn vướng ít bụi cát trong mắt, nếu không nghe được giáo pháp sẽ bị đọa lạc một cách đáng thương xót; nhưng nếu họ nghe được, họ sẽ thấu hiểu, thấy rõ và sẽ được giải thoát.

Nầy các thầy tỳ-khưu! Khi các thầy ra đi mỗi người mỗi phương – thì Như Lai cũng ra đi. Như Lai sẽ đi về hướng Uruvelā, đến làng Senānī thăm lại các gia đình ân nhân thí chủ, lại có duyên hóa độ cho nhiều người, sau đó sẽ đến Māgadha, thủ đô Rājagaha thăm đức vua Bimbisāra như lời hứa thuở trước.

Hãy ra đi! Nầy các thầy tỳ-khưu! Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí! Hãy truyền dạy giáo pháp nhiệm mầu và bất tử! Hãy mang lại sự tốt đẹp và mùa xuân an lành cho nhân thế. Làm được như vậy là các thầy đã hoàn tất bổn phận và nhiệm vụ của những Như Lai sứ giả trên cõi đời nhiều khổ ít vui nầy!”

Như vậy là đức Phật đã gởi đi bốn phương sáu mươi vị thánh Tăng A-la-hán, như là những sứ giả đầu tiên với tâm với tuệ giải thoát toàn bích nhất, không chừa lại bên mình một ai cả. Hội chúng bây giờ mới thấy rõ thêm là từ rày họ phải tự lực, đơn thân độc mã trên lộ trình vô định. Họ phải chiêm nghiệm đời sống thánh thiện của những sa-môn khất sĩ, đầu chần chân đất, không hành lý, tư lương, tứ cố vô thân, hoàn toàn chỉ biết nương tự nơi chính mình.

Trưởng lão Koṇḍañña chợt nêu một câu hỏi rất xác đáng:

- Bạch đức Thế Tôn! Giáo pháp trong sáng, lành mạnh và thiết thực nầy sẽ chuyển hóa và biến cải rất nhiều người thuộc nhiều giai cấp khác nhau. Vậy khi hóa độ được họ - đức Thế Tôn thì ở xa - chúng đệ tử phải làm như thế nào để cho hai hàng cận sự nam nữ quy y? Lại có trường hợp thọ giới xuất gia sa-di, xuất gia tỳ-khưu thì chúng đệ tử phải làm sao?

Đức Phật mỉm cười:

- Khi khuyên các thầy ra đi khắp bốn phương trời để hoằng hóa là Như Lai đã âm thầm để cho mỗi người được toàn quyền quyết định về điều ấy. Như Lai được tự do mà các thầy cũng được tự do kia mà!

Koṇḍañña cúi đầu lĩnh ý rồi thưa bạch:

- Đệ tử hiểu! Nhưng ở đây sẽ có nghi thức nào để phân biệt cách thọ trì của hai hàng cư sĩ áo trắng, tiểu giới xuất gia sa-di (pabbajā) và đại giới xuất gia tỳ-khưu (upasampadā)?

- Chẳng cần thiết đưa ra các nghi thức khác nhau, nhất là vào lúc này! Chỉ cần họ có tịnh tín (hoặc có thêm giới, thí) - đối với hai hàng cận sự, vào buổi đầu. Chỉ cần có tịnh tín (hoặc có thêm giới, trí) - đối với hàng xuất gia, vào buổi đầu. Phải quán căn duyên của họ mà tùy nghi, này Koṇḍañña!

- Vậy thì chúng đệ tử sẽ thực hiện như thế này: Đối với cư sĩ, đối với ai có lòng tin trong sạch vào giáo pháp này, chúng đệ tử sẽ cho họ chấp tay và quỳ bên chân vị tỳ-khưu truyền giới, đọc ba lần: Buddhaṃ saranaṃ gacchāmi! Dhammaṃ saranaṃ gacchāmi! Sanghaṃ saranaṃ gacchāmi!

Đức Phật gật đầu. Koṇḍañña thưa tiếp:

- Đối với lễ xuất gia sa-di, tỳ-khưu – chúng đệ tử sẽ cho họ cạo sạch râu tóc, mang bát (đất nung hoặc gỗ), đắp y nội và ngoại màu vàng hoại sắc, chừa vai trái, đảnh lễ, chấp tay cung kính trước vị tỳ-khưu truyền giới rồi cũng đọc ba lần Tam quy như trên!

Đức Phật lại gật. Koṇḍañña có vẻ suy nghĩ một lát:

- Khắp nơi, đâu cũng là đất, là lãnh cư của sáu phái bà-la-môn truyền thống; và nghe đâu, bây giờ cũng thịnh hành sáu phái khác ở ngoài truyền thống nữa. Sẽ có những cuộc chống đối, nhục mạ, thách thức hay tranh luận xẩy ra trên lộ trình hành hóa gian nan. Chúng đệ tử học vấn ít ỏi, kiến văn hẹp hòi, lại chưa trang bị môn học lý luận - nếu gặp những tay biện sĩ lang thang, những luận sư học vấn sâu rộng, miệng lưỡi khéo giỏi… thì chúng đệ tử phải làm sao để đối phó?

Điều quan tâm của Koṇḍañña rất là thiết thực. Đức Phật chợt một hai sát-na vào đại định, một hai sát-na sau, xuất định, trở lại cận định, phóng hào quang sáu màu từng đôi một phủ quanh người, quanh cội cây Assattha rồi tỏa rộng ra không gian. Cả sáu mươi vị A-la-hán cũng ngồi yên lặng như đại định, chiêm ngưỡng vẻ đẹp tướng dụng của một bậc Chánh Đẳng Giác. Một lát, thâu lại hào quang, đức Phật nhìn khắp chúng đệ tử một vòng, rồi cất giọng điềm đạm, nghiêm từ dạy bảo:

- Người và pháp là một. Các thầy ai cũng có hào quang tỏa ra bên ngoài cả. Ấy là sự thực chứng bên trong, tỏ lộ ra ngoài bằng ngữ, nghiệp, mạng thanh tịnh, bằng oai nghi, luật giới, bằng thiểu dục, tri túc, bằng vô sản bần hàn, bằng không dính mắc bất kỳ ô nhiễm nào từ ngoại giới cũng như nội tâm. Vậy đối với những ai phỉ báng, nhục mạ, các thầy đã có áo giáp nhẫn nhục và từ bi! Đối với ai muốn tranh luận thì hãy nói với họ rằng: Thế gian tranh luận với Như Lai, với đệ tử Như Lai; Như Lai và đệ tử của Như Lai không tranh luận với thế gian. Và nếu họ cứ muốn miệng lưỡi đấu khẩu – thì nói với họ rằng: Giáo pháp của Như Lai là để học hỏi, tu tập, thực hành; là để dành cho tuệ giác, trực giác tâm linh chứng nghiệm ở bên trong – chứ không phải là ở bên ngoài kiến thức, miệng lưỡi, trí thức, lý trí và luận thức đa biện! Nếu những khi cần nói, các thầy cứ nói, không ngại ngùng gì cả! Vì sao vậy? Vì chúng ta có thể biết tất cả hoặc biết một, hai phần giáo pháp, tư tưởng của họ; nhưng giáo pháp, tư tưởng, đạo lộ tu tập của Như Lai - hiện có trong tâm và tuệ của các thầy - thì họ không biết gì cả!

Hội chúng thánh Tăng thế là đã thông suốt. Họ đã biết phải làm gì, đã biết phải đối phó ra sao trên bước đường đời đầy chông gai và bụi bặm.

Đức Phật chợt phóng một hào quang sáng trắng từ đỉnh trán, nói một câu cuối để tiễn đưa chúng đệ tử lên đường:

- Các thầy phải ghi nhớ ý tưởng cẩm nang này mà xử sự: “Hãy im lặng như Chánh pháp! Hãy nói năng như Chánh pháp”

Đấy là vào năm năm trăm tám mươi bảy  trước CN, nhằm ngày mười sáu tháng mười Âm lịch, đức Phật đã an cư mùa mưa đầu tiên, sau đó ngài cùng với sáu mươi vị thánh Tăng tuần tự trước sau rời Lộc Uyển, tụ lạc Isipatana rồi tản mác khắp bốn phương trời vì sứ mạng thiêng liêng, cao cả. Có ai biết rằng, những dấu chân đầu tiên này, là những dấu chân vĩ đại nhất trong lịch sử tôn giáo, tư tưỏng, lịch sử văn hóa và văn minh của nhân loại.

HÓA ĐỘ NHÓM VƯƠNG TỬ HAM CHƠI

Đứng trước chiếc cốc lá xinh xắn do các vị tỳ-khưu dày công dựng lợp, đức Phật đưa mắt nhìn quanh. Suốt bốn tháng an cư mùa mưa ở đây, với rừng cây này, với những chú nai này, con đường kinh hành này đã trở nên thân thuộc. Sa-môn sống đời không cửa, không nhà, nếu ở lâu dưới một gốc cây quá ba đêm cũng có thể phát sanh quyến luyến - ngoại trừ các vị đã chấm dứt lậu hoặc. Giới luật mai hậu cho Tăng chúng chắc phải chế định học giới này!

Lộc Uyển đã vắng lặng, chỉ còn một số ít vị rời chân muộn. Đức Phật nhắm hướng đông nam cất bước. Ra khỏi khu rừng, không gian thoáng đãng, ánh nắng trong lành, gió mát rung rinh đầu cây ngọn cỏ. Con đường đất đỏ dài xa hút tầm mắt đã khô ráo, tấp nập bộ hành, xe ngựa lui tới. Sau mùa mưa, nước sông hồ còn đầy, rừng núi tươi xanh và ruộng đồng mạ non phới phới. Đây là khoảng thời gian dễ chịu nhất trong năm, một hai tháng tới tiết trời còn ấm áp, rất thuận lợi cho chư vị sa môn ta-bà đây đó.

Xế trưa, đức Phật bước qua chiếc cầu ván chông chênh, nhắm hướng một xóm nhà nằm khuất sau lùm tre để trì bình khất thực. Đã lâu quá, đức Phật mới đi xin ăn - vì tại Lộc Uyển, các vị tỳ-khưu thay nhau dâng cúng. Điều này cũng hợp pháp và luật – vì ngài quá bận rộn giảng pháp, dạy pháp cho chúng đệ tử. Xóm cư dân ở nơi đây cũng thuần thành; và có lẽ họ đã nghe danh các vị sa-môn ở Vườn Nai nên họ đặt bát rất hậu hĩ và rất kính thành. Ngoài ra, chính đức Phật đôi khi không biết: Dong mạo của ngài đẹp quá, khí sắc của ngài tươi rạng quá; ai cúng dường đến ngài cũng cảm thấy niềm hoan hỷ lâng lâng có đến nửa ngày!

Cũng lâu quá mới được ở một mình, đức Phật bỏ đường lớn, đi vào con đường nhỏ dẫn đến khu rừng Kappāsīya – bây giờ là cả một rừng hoa: Từng chùm, từng chùm hoa Kadamba màu cam nghệ rực rỡ như ửng lên nền trời. Vào bên trong, khu rừng rất thoáng đãng, xác hoa như dệt thảm; và kìa, mấy con suối trong vắt giao nhau như mấy con rắn lượn từ thác nước trắng xóa trườn qua những tảng đá xanh đen ngoạn mục. Đức Phật ngồi nghỉ một lát, hít thở khí trời trong lành, thơm hương rồi thanh thản độ thực. Trong ngoài đều vắng lặng, thanh bình.

Rửa bát, úp bát vào trên một tảng đá cạnh suối, đức Phật đi kinh hành một lát rồi ngồi thiền định nghỉ ngơi. Chợt một bầy chim cất cánh rần rật rồi một toán người ồn ả bên kia cánh rừng đi sang. Họ đều là thanh niên trẻ trung, phục sức sang trọng, quý phái - cả nam lẫn nữ - có cả một số trẻ em, bọn gia nhân hầu hạ, mang theo lều trại, các loại nhạc cụ cùng thức ăn vật uống.

Thấy một sa-môn tĩnh tại ngồi dưới gốc cây, một thanh niên tách đoàn bước tới, lễ độ chấp tay hỏi:

- Thưa ngài sa-môn! Ngài có thấy một cô gái - một kỹ nữ - đi ngang qua đây không?

Đức Phật ngồi đây là ngài cố ý chờ đợi nhân duyên này. Họ là ba mươi vị vương tử, là hoàng thân – là con của các bà thứ phi của đức vua Mahākosala - đều là hoàng đệ của đức vua Pasenadi nước Kosala, có thủ đô là Sāvatthī. Đức vua Pasenadi xuất thân xuất sắc tại đại học Takkasīla, có tài, có đức; sau khi lên ngôi đã đối xử với các hoàng đệ rất tốt, ai cũng có lãnh địa, tài sản, chức vị tại triều đình hay các tổng trấn. Ông vua anh của họ không có chỗ nào để chê! Cả đức và tài của ông ta trùm lấp tất cả nên sinh ra độc đoán, chuyên quyền. Các vị hoàng thân cảm thấy sở tài, sở học của mình không biết dùng vào đâu nên sinh ra buồn chán. Thỉnh thoảng, họ lại gặp nhau, ngoạn du sông núi, rong chơi đây đó, tìm vui nơi khách điếm, lữ đình, tửu quán, lời ca tiếng nhạc để giải khuây. Thế là những cỗ xe sang trọng rời Sāvatthī, theo con đường bộ hành thương mãi ghé thăm những nơi nổi tiếng. Lần này, đã cùng với vợ con chơi chán ở Bārāṇasī - thành phố ăn chơi xa xỉ - họ ghé thăm khu rừng này. Trong bọn, có một vị hoàng thân còn trẻ, chưa có vợ - nên dẫn theo một cô kỹ nữ. Trưa nay, lúc mọi người đang nghỉ ngơi đây đó giữa rừng hoa, cô kỹ nữ cuỗm tất cả vàng bạc, tư trang rồi trốn đi mất… Họ chia nhau đi tìm, đến ngang đây thì gặp đức Phật.

Quán nhân duyên những vị vương tử này có trình độ học thức, ít bụi cát trong mắt, có thể thấu hiểu giáo pháp nhanh chóng; lại nữa, họ là những nhân tố, những hạt giống quan trọng để sau này dễ dàng đến hoằng pháp tại đế quốc này, cảm hóa đức vua Pasenadi, triều đình và nhân dân của ông ta. Giáo pháp nếu muốn vững mạnh để phát triển thì cần những ông vua có quyền lực ủng hộ, tốt nhất là trở thành một cận sự nam!

Vì nhân là vậy, duyên là vậy – nên khi vị hoàng thân hỏi tìm tông tích người kỹ nữ - đức Phật bèn sử dụng tâm từ bao phủ tất thảy mọi người rồi chậm rãi, ung dung, mỉm cười nói:

- Này hỡi chư vị vương tử lá ngọc cành vàng! Chư vị nghĩ thế nào? Hãy trả lời cho Như Lai xem nào? Đi tìm một cô con gái có tâm địa xấu xa là tốt hơn – hay đi tìm chính mình, tìm cho ra con người thực của mình tốt hơn?

Nhìn tướng mạo như rồng, như phượng của vị sa-môn trẻ - ngài mới ba mươi sáu tuổi - nụ cười tỏa sáng, thế ngồi tự tại, phong cách điềm đạm, ngôn lời có cánh có lửa; lại dường như còn bị thu hút bởi một từ lực mát mẻ nữa – nên họ từ từ, lặng lẽ, bất giác đưa mắt nhìn nhau rồi ngồi xuống ở xung quanh, cũng rất lặng lẽ! Cả đời, họ chưa nghe ở đâu, học hỏi ở đâu một câu nói lạ lùng như thế: Đi tìm con người thực của mình!

Một vị hoàng thân có vẻ niên trưởng, có kiến thức sâu rộng, từ tốn thưa rằng:

- Triết học Vệ-đà và cả Upanishad đều xem thế giới này là Māyā, là huyễn hóa, chẳng có cái gì là thực cả! Vậy thì xin dám thưa ngài đại sa-môn! Có thể tìm ra cái thực, cái con người thực của mình được chăng?

Đức Phật từ ái đưa mắt một vòng, biết với câu hỏi như vậy, mọi người theo dõi yên lặng và chăm chú như vậy - thì hội chúng này đã sẵn sàng, sẵn sàng có tai để nghe, sẵn sàng có trí để thấu hiểu – ngài bèn thả thêm một câu hỏi nữa:

- Quả thật là chư vị có biết chắc, có nắm rõ về tư tưởng Māyā ấy, cái huyễn hóa, không thực ấy? Hãy giảng giải cho Như Lai được mở rộng kiến văn xem nào?

Cái cách nhìn, cách nói, cách hỏi của đức Phật tuy rất khiêm tốn, nhưng biểu lộ sự chững chạc, toát ra phong cách của một bậc thầy uyên bác, già dặn trên học trưòng lý luận – đang đối thoại với học trò của mình! Hội chúng này đều trí thức và đa văn nên họ hiểu, họ mỉm cười nhẹ. Một vị hoàng thân chợt cởi chiếc hoàng bào lót chỗ ngồi, cất giọng sang sảng:

- Biết rõ chứ, biết chắc chứ - thưa ngài sa-môn! Ở đây, chúng tôi hơn một nửa đều xuất thân từ đại học Takkasīla, dẫu bộ môn chuyên ngành là trị quốc, an dân – nhưng cũng trang bị chu đáo tất thảy mọi triết học cổ đại và đương thời; và Māyā là tư tưởng xuyên suốt, là sợi chỉ đỏ nối liền mọi giáo phái truyền thống; nó cũng là nhận thức luận của mọi tư biện chính quy nhất!

Vị khác tiếp lời:

- Xin cho tôi được bổ túc có tính kinh viện thêm một chút. Māyā là thực tại toàn bộ nhưng nó không phải nhất nguyên, không phải nhị nguyên. Mặc dầu cái trò biến ảo của nó phân làm hai mặt - nửa thực nửa hư, nửa có nửa không – nhưng không xác lập được cái gì là thực, cái gì là hư, cái gì là có, cái gì là không! Và, Upanishad - tập đại thành của những tư tưởng đi sau – đã từ cái Māyā quái gở này mà lập ra triết học Bất nhị!

Đức Phật lắng nghe, rất chăm chú lắng nghe. Đến ngang đây, ngài lại hỏi nữa:

- Chư vị đã có được một nền tảng giáo dục vững chắc, sở học vững chắc, trình bày và lập ngôn đều rất chính xác và rõ ràng. Cảm ơn chư vị, Như Lai đã lãnh hội rồi. Tuy nhiên, Như Lai còn thắc mắc. Vậy thì khi tiếp thu rất là chính thống tư tưởng Māyā ấy, triết học Bất nhị ấy – thì chư vị sẽ sống ra sao? Nghĩa là sẽ thu xếp đời mình như thế nào? Ý Như Lai nói là nó có giúp cho đời sống của chư vị có ý nghĩa? An lành và hạnh phúc hơn?

Đức Phật nghe xào xạc đâu đó vài hơi thở dài. Cả hội chúng chợt im lặng – im lặng như đối diện với hư vô, như một đêm đông băng giá, không một tiếng thở của đất, không một nách lá, một hạt vỏ nào cựa mình... Giữa không gian thinh lặng ấy, ngài lại còn đưa thêm câu hỏi nữa, như cố ý đẩy tư duy của những chàng trai trẻ này vào chỗ bế tắc:

- Hoặc nói cách khác. Sau nhận thức luận là triết lý hành động! Như Lai còn chưa hiểu một điều: Không biết Vệ-đàUpanishad có đưa ra một con đường nào, một lộ trình tu tập nào để bước ra khỏi cái Māyā ấy, cái Bất nhị ấy?

- Có đấy, thưa ngài đại sa-môn! Một vị khác có vẻ ưu tư đáp – Ôi! Có quá nhiều con đường: thánh ca, tán tụng, tế lễ, cầu nguyện, thần chú, pháp thuật; rồi còn cách thức tẩy uế tâm hồn, các giai đoạn Yoga, điều tức, điều khí; tụng đọc “aum, aum” linh thiêng, trống rỗng tâm ý để thể nhập vào đấng Ishvāra, đấng Rāma, đấng Brāhman...Nghĩa là càng học hỏi càng rối rắm, tối tăm làm cho mụ mị tâm trí đi, thôi thì tất thảy xin giao phó cho thượng đế, giao phó cho các thượng đẳng thần...

Đức Phật lại hỏi tiếp:

 - Hóa ra vẫn không giải quyết được vấn đề của con người, với những tồn tại của hiện thực: Lo âu, ưu tư, khát vọng, sợ sệt, ganh ghét, thất vọng, buồn chán, sầu muộn...?

Một người đáp:

- Không giải quyết được – vì đấy là chân lý, là Māyā! Tất thảy thế giới này là bất toàn, rỗng không, nước mắt, niềm vui, khổ lạc, già chết! Không có một ước mơ, một lý tưởng nào có thể thực hiện và nắm bắt được ở trong tay. Vì chúng thực mà hư, chúng hiện rồi mất. Thế giới xung quanh ta cũng thế: ruồi muỗi, sâu bọ, cỏ cây... chúng sinh rồi để mà diệt, chúng diệt rồi để mà sinh! Ảo hóa cả. Kiếp người, vạn kiếp người – cho chí quả đất, trăng sao, sông núi cũng bị bào mòn, hư sụp, rồi cũng bị chìm mất vô tăm trong sự vận hành của đại hóa. Con người có ý nghĩa gì với những ưu tư, sầu muôn, thao thức trăn trở của hắn – có ích gì? Vô nghĩa thôi!

Đức Phật nghĩ thầm: “Họ ở chỗ cao sang. Trí thức, kiến văn của họ còn hơn cả Yasa! Danh vọng, quyền uy, tập cấp, địa vị, gia sản, dục lạc... đều đứng đầu xã hội - thế nhưng họ chỉ muốn rong chơi cho qua ngày đoạn tháng do nỗi buồn tâm linh và bất lực truớc thế giới Māyā nghiệt ngả. Họ đã thấy rõ Dukkha một cách rất sâu sắc - nên ta rất dễ đưa họ bước vào dòng...”

- Nầy chư vị vương tử! Đức Phật bắt đầu thời pháp mà giống như tâm sự - Không dấu gì chư vị, Như Lai trước đây là thái tử Siddhattha, dòng tộc Sākya, thành phố Kapilavatthu, một nước nhỏ bên cạnh Kosala, là chư hầu của quý quốc đấy! Như Lai cũng từng có ba tòa cung điện, có một đời sống vương giả như chư vị vậy. Nhưng suốt tuổi thanh xuân, Như Lai không tìm thấy niềm vui chân thực, không ngớt thao thức, ưu tư và trăn trở. Chính những tư duy màu xám của chư vị vừa rồi cũng là tư duy bi quan của Như Lai một thời! Chúng ta bị lưới Māyā ấy bủa vây. Chúng ta bị thế giới Māyā ấy nuốt chửng! Tuy nhiên, chính cái ngày có con trai đầu lòng, cái ngày đăng quang vương vị, Như Lai đã từ bỏ tất cả để lên đường, xuất gia làm một lang thang khất sĩ du phương tầm đạo. Như Lai không đầu hàng Māyā! Thế rồi, suốt sáu năm tầm thầy học đạo, lang thang khổ hạnh, và khổ hạnh đến tận cùng, Như Lai vẫn chưa tìm ra chìa khóa để mở cánh cửa Māyā. Chính khi gần chết, chính giây phút kề bên lưới hái của tử thần, tại dãy núi Gayā, Như Lai đã tỉnh thức, đã tìm ra được lộ trình Trung đạo. Rồi đêm ấy, đêm trăng tròn tháng Vesākha – cách đây chừng nửa năm - tại cội cây Assattha, bên sông Nerañjarā, gần tụ lạc Uruvelā – Như Lai đã chiến thắng nội giới cũng như ngoại giới, cởi bỏ tất cả mọi xiềng xích của Māyā, lưới buộc của Māyā, bước ra khỏi tử sinh: Giác ngộ và giải thoát trọn vẹn! Như Lai biết mình đã đắc quả Chánh Đẳng Giác, đã trở thành một vị Phật...

Vì muốn cảm hóa hội chúng trí thức này, nên nói đến ngang đây, đức Phật lại sử dùng thần thông, một loại hào quang sáng trắng bao phủ khắp thân mình, như ngồi trong mặt trời, mặt trăng - rồi nói tiếp:

- Cái mà tư tưởng truyền thống rút ra hệ luận - được gọi là Māyā ấy – thì Như Lai gọi là Dukkha! Và Như Lai đã có một công thức sau đây: Māyā, nguyên nhân của Māyā, sự chấm dứt Māyā, và con đường dẫn đến sự chấm dứt Māyā! Nếu chư vị vương tử muốn nghe thì Như Lai sẽ giảng nói!

Bằng cách như vậy, xảo diệu như vậy, thiện thuyết như vậy - đức Phật từ từ, chậm rãi giảng nói Tứ diệu đế một cách khác – làm cho ba mươi vị hoàng thân thấm đẫm hương vị của pháp mầu, hỷ lạc dâng đầy từng chân tơ kẽ tóc, len tận từng ngõ ngách của tế bào, tâm niệm. Họ đã chứng quả Tu-đà-hoàn - Nhập lưu - mọi nghi nan tiêu sạch, một chân trời rộng mở, thanh sáng và cao đẹp.

Suốt buổi chiều, đức Phật lại thuyết thêm, cặn kẽ về con đường, cặn kẽ cả những chi tiết. Ngài cũng mở rộng cho họ thấy rõ các cõi cùng nhân quả nghiệp báo của chúng sanh ở đấy. Càng nghe, càng thấy, họ càng thâm tín đức Phật và giáo pháp. Vị niên trưởng đắc quả A-na-hàm, thêm hai mươi tám vị nữa đắc quả Tư-đà-hàm; riêng vị trẻ nhất cặp bồ cô kỹ nữ - không tiến bộ thêm!

Khi cả ba mươi vị vương tử đồng xin xuất gia, đức Phật chấp thuận, nhưng ngài bảo là phải giải quyêt cho ổn thỏa vấn đề vợ con. Họ đồng ý. Rồi suốt đêm, không biết họ đã thuyết phục như thế nào, cắt đặt công việc như thế nào, mà sáng ngày, những người hầu đã mang xe ngựa đến, đưa vợ con họ về Sāvatthī - đồng thời, họ chuẩn bị y bát đâu đó đầy đủ cả!

Với râu tóc sạch sẽ, với chiếc bát sắt đen tuyền, với màu y vàng đất - cả ba mươi vị vương tử dường như đã thoát xác, đã biến thành ba mươi vị sa-môn với phẩm mạo, tăng tướng đẹp đẽ, tươi sáng. Quỳ bên chân đức Phật, sau khi đọc xong ba lần Tam quy, cả ba mươi vị đồng đắc quả A-la-hán.

Ở lại khu rừng Kappāsīya thêm mấy hôm nữa, đức Phật lại ân cần tứ giáo các vị thánh Tăng bốn bài pháp quan trọng nữa, sau đó, khuyên họ ra đi, đến miền Pāvāya, thuộc lãnh thổ Kosala để hoằng hóa lợi sanh. Ba mươi vị sa-môn này, sau được gọi là nhóm tỳ-khưu Pāvāya. Thế là giáo hội độc thân của đức Tôn Sư lại có thêm ba mươi nhân tố ưu tú nữa, thành chín mươi vị sứ giả truyền giáo lỗi lạc.

VỀ THĂM LẠI CỘI CÂY GIÁC NGỘ VÀ DÒNG SÔNG LINH THIÊNG

Chừng mười hôm sau, đức Phật đã về đến rừng khổ hạnh. Ngài nhàn nhã nhìn ngắm cảnh vật. Cây cối sau mùa mưa nó xanh thắm,  tươi đẹp lạ thường. Con đường đi qua cội cây Bodhirukkha (Assattha cũ) bị một dòng nước từ núi Gayā đổ xuống, xé rách một đoạn lớn - Đức Phật đành phải đi tắt qua ngả xóm làng. Hương lộ này, ngài đã đi lại lắm lần, nhà cửa, người vật vẫn như cũ. Bò, dê vẫn lác đác đây đó giữa đồng ruộng, bên nương vườn, ven lộ và cả  trong sân, sát bên cửa mọi nhà! Thanh bình, yên ổn, lam lũ và đói nghèo xen lẫn trong nhau!

Đến một điền trang to lớn, có lẽ là giàu sang nhất ở trong thôn, đức Phật dừng chân lại: phải ghé thăm gia chủ triệu phú Senānī,Sujātā và cô bé Punna - những vị ân nhân với những bát sữa kỳ diệu giúp ta sống lại để thành tựu đạo giác ngộ.

Đức Phật được cả nhà ra đón tiếp nồng hậu. Ông triệu phú người đẫy đà, cao lớn, da đỏ hây hây, có nụ cười hào sảng và rộng mở, đích thân chuẩn bị chỗ ngồi và tiếp trà nước. Bà Sujātā bế chú bé trai hồng hào, bụ bẫm, ngồi nơi chiếc ghế thấp, nụ cười tươi rạng, xởi lởi:

- Chú chó nhỏ đây, thưa ngài sa-môn! Nhờ ngài mà gia đình chúng con được hạnh phúc như nguyện. Xin ngài sa-môn ban phúc lành cho cháu!

Cô bé Punna từ nhà trong, chạy ra, mang cho cháu bé một bình sữa; nó nhìn đức Phật không chớp mắt! Nó vô tư, dí dỏm:

- Ông sa-môn bây giờ trông còn đẹp hơn vị thần linh thuở trước nữa. Nhưng hôm nay, nghe người trong làng đồn với nhau, bảo ông sa-môn đã thành Phật rồi! Phật là cái gì nhỉ? Có bằng thần, bằng thánh không?

Mọi người cười xòa. Gia nhân nam nữ mấy chục người ở trong điền trang ít khi thấy được một khất sĩ quý phái, từ hòa như vậy – cũng xúm xít ở xung quanh. Cậu bé chăn bò Sotthiya - người tặng tám bó cỏ - cùng với ba bốn đứa bạn, không biết hay tin từ lúc nào, cũng đứng thập thò ở ngoài cổng trước. Ông triệu phú Senānī hiểu ý, vẫy tay rồi bảo gia nhân mở cổng, cho phép các chú bé vào chơi! Đức Phật không biết, vì ngài không hướng tâm - chứ tin đồn về ngài, về thần thông, về pháp lực, về hào quang trong đêm thành đạo, cả về sau này ở Lộc Uyển, ở Bārāṇasī - được mọi người truyền tụng, ca ngợi khắp nơi, tràn qua xóm, qua làng, qua khắp các thị trấn, thành phố, nước này sang nước khác. Và nhất là: một vị Phật, một vị Chánh Đẳng Giác đã ra đời!

Sử dụng làn khí mát mẻ của tâm từ, đức Phật ban rải đến mọi người, sau đó, ngài thuyết một thời pháp, nói về bố thí, trì giới, hạnh phúc các cảnh trời, an trí họ nơi Tam quy rồi trở về cội cây Bodhirukkha lúc trời nhá nhem tối. Sotthiya và ba chú bé đi theo, nói là ông Phật nói hay quá, chúng muốn nghe thêm nữa! Và đức Phật lại hoan hỷ kể cho chúng nghe những câu chuyện cổ xưa - truyện tích Jataka – nói về nhân quả nghiệp báo, làm cho chúng rất thỏa thích. Niềm tin phát khởi, chúng muốn đi theo ngài, để được hầu hạ và được nghe pháp! Đức Phật có hứa khả, nhưng ngài bảo là bây giờ chưa phải lúc, đợi một thời gian nữa, ngài sẽ cho đi theo giáo đoàn!

Đêm ấy - vào những ngày cuối tháng mười - trời không trăng, đức Phật ngồi quang định suốt đêm, lấy hào quang tự thân soi sáng cả một vùng. Chư thiên, địa tiên, thọ thần ở xung quanh, tìm đến chiêm ngưỡng, tỏ lòng tôn kính và xin được nghe pháp. Đức Phật thấy giáo pháp của ngài có duyên, không những với cõi người, mà còn với cõi rồng, dạ-xoa, a-tu-la, các cõi trời dục giới, cõi trời phạm thiên sắc giới nữa. Chỉ có cõi trời Vô tưởng hữu tình, cõi Vô sắc giới, cõi Địa ngục vô gián là không có duyên mà thôi! Vì nghĩ vậy nên ngài đã ưu ái ban cho họ một thời pháp, nội dung nói rằng, cảnh giới mà chư vị đang sống, là quả phước rất nhỏ từ quá khứ, hết sức mạnh của phước bảo trì, quý vị cũng phải bị đọa lạc vào các cảnh giới đau khổ. Lại nữa, phước của chư vị tuy hơn cõi người, nhưng về trí, về tuệ, về các lãnh vực ba-la-mật khác, coi chừng, chư vị khó có thể so bì! Vậy hãy tu tập. Cõi của các vị không thuận lợi bằng cõi người để tu tập các công đức, nhưng quý vị cũng có thể dùng năng lực của mình để hộ trì cho giáo pháp, hộ trì cho những người hiền lương, hộ trì cho làng mạc thôn xóm, hộ trì cho những người cận sự nam nữ hai hàng... Đấy là những việc làm hiện nay lợi lạc cho chư vị vậy!

Bọn trẻ hóa ra không chịu về, suốt đêm chúng thỏa thích, sung sướng nằm dưới chân đức Phật, nằm trong ánh sáng hào quang  yên ổn và ấm cúng của ngài!

Sáng ngày, chim cất giọng hót líu lo, râm ran - đức Phật đi kinh hành dọc bên sông Nerañjarā, đến chỗ đám cỏ độ cơm sữa và quăng mâm vàng, ngài ngồi xuống, nghĩ đến công hạnh của chư Phật quá khứ. “Vùng đất này, con sông linh thiêng này đã có ba vị Phật xuất hiện, rồi theo định luật sinh diệt, tất cả đều tàn rụi, chỉ có những chúng sanh hữu duyên với giáo pháp mới nếm được hương vị bất tử. Nay Như Lai là vị Phật thứ tư, cũng miền đất này, cũng con sông này, cũng có duyên rất lớn với giáo pháp của Như Lai!”

Đức Phật đứng dậy, ngước nhìn trời, nhìn mây, lắng nghe gió, ngài biết sẽ còn một vài trận mưa lớn nữa, sau đó, thời tiết sẽ chuyển mùa, sang đông, nhưng vài tháng tới còn dễ chịu. Bọn trẻ lại xúm xít sau lưng, chúng nói:

- Bạch ngài sa-môn, bạch Phật...

- Ừ, các con cứ gọi Như Lai là Phật như mọi người trong làng vậy!

- Bên kia sông, lác đác trong mấy khu rừng ở Uruvelā, ba bốn tháng nay có rất đông đạo sĩ đến dựng lều trại để ở. Nhưng họ không giống với ngài. Họ bện tóc, đa phần mặc áo vỏ cây và tu hạnh rất khắc khổ!

Đức Phật mỉm cười:

- Họ ngâm mình dưới nước sông lạnh và họ còn tế thần lửa nữa, phải không?

Bọn trẻ ngạc nhiên, trố mắt nhìn. Đức Phật trở lại cội cây, lấy y bát rồi đi vào làng. Hôm nay, gia đình triệu phú Senānī có thỉnh mời đặt bát nhưng đức Phật đã từ chối, vì ngài muốn đi hóa duyên khắp cả mấy thôn làng. Rồi từng buổi sáng, từng buổi sáng, hình bóng trang nghiêm và thanh tịnh của đức Phật đã gieo vào lòng dân chúng một sự tín mộ sâu xa. Từng buổi chiều, đôi khi cả đêm đến, bên từng bó đuốc bập bùng, đức Phật lại thuyết pháp, giảng đạo cho từng nhóm người, đặt họ vào Tam quy - thành hai hàng cận sự nam nữ. Bây giờ họ đã biết – đây đúng là một vị Phật, một vị Chánh Đẳng Giác!

Hôm kia, biết là đúng thời, đức Phật rời cội cây Bodhirukkha, lên bè vượt sông, đạp qua hướng bắc, chênh nam đi vào địa giới của các vị đạo sĩ bện tóc.

Tiếp theo


[Ðầu trang][Trở về trang Mục lục][Trở về trang Thư Viện]

updated: 2009