Trung Tâm Hộ Tông  Trang Chủ


Ngay Trong Kiếp Sống Này

Tác Giả: Sadadaw U Pandita
Dịch Giả: Khánh Hỷ



Mười Ðạo Binh Ma
(tiếp theo)

oo0oo

Ðạo Binh Ma Thứ Tám: Kiêu Mạn và Vô Ơn

Chinh phục được hoài nghi, thiền sinh bắt đầu hiểu được một vài khía cạnh của giáo pháp. Bất hạnh thay, Ðạo Binh Ma Thứ Tám đang sẵn chờ dưới hình thức kiêu mạn và vô ơn. Kiêu mạn khởi sinh khi thiền sinh bắt đầu cảm nhận được an lạc, thư thái, khinh khoái, và những lợi lạc khác trong việc hành thiền. Ðến đây, thiền sinh phân vân không biết thầy mình có đạt được thành quả kỳ diệu như mình chưa. Không biết các thiền sinh khác có hành thiền tích cực như mình không, vv...

Kiêu mạn phần lớn xảy ra khi thiền sinh ở vào giai đoạn nhất thời thấy được sự sanh diệt của các hiện tượng. Ðây là một kinh nghiệm kỳ diệu ngay trong hiện tại, thấy rõ sự sinh ra rồi diệt ngay tức khắc của các đối tượng dưới ánh sáng chánh niệm. ở giai đoạn này, hàng loạt phiền não sẽ kéo đến. Chúng được gọi là Vipassana Kilesa, phiền não của minh sát, bởi vì các loại phiền não này có thể trở nên những chướng ngại tai hại. Vì vậy, thiền sinh cần phải hiểu chúng một cách rõ ràng. Mẻna, hay kiêu mạn, mang đặc tính của một tâm tinh tấn tràn đầy hỉ lạc và nhiệt tâm cao độ. Khi thiền sinh tràn đầy năng lực, tràn đầy hỉ lạc, cảm thấy mình thành công lớn lao, nên có ý nghĩ, "Ta thật vĩ đại, không ai bằng được mình".

Một khía cạnh trội hẳn của kiêu mạn là sự thô cứng, ngưng đọng, tâm của thiền sinh sẽ căng phồng và cứng ngắc như con trăn vừa nuốt một con vật nào. Khía cạnh này của kiêu mạn cũng tạo nên sự căng thẳng trong cơ thể và trong tư thế của thiền sinh. Nạn nhân của kiêu mạn có cái đầu rất to, nhưng có cái cổ cứng ngắt nên rất khó cúi đầu thi lễ người nào.

Quên Ơn Người Ðã Giúp Ðỡ Mình

Kiêu mạn là một tâm sở đáng sợ. Nó hủy diệt lòng biết ơn, làm cho ta khó có thể thừa nhận được rằng mình đã nợ biết bao nhiêu người. Nó khiến ta quên đi những việc tốt đẹp mà người khác đã làm cho ta trước đây. Ta coi thường các vị ân nhân và chê bai, dèm pha đức hạnh của họ. Không những thế, ta còn tìm cách che dấu đức hạnh của ân nhân mình để không ai coi trọng họ. Thái độ đối với ân nhân như thế này là khía cạnh thứ hai của kiêu mạn.

Tất cả chúng ta đều có ân nhân. Ðặc biệt là lúc còn bé, cha mẹ thương yêu nuôi nấng, dạy dỗ và hỗ trợ ta những khi cần thiết. Thầy giáo giúp ta có kiến thức. Bạn bè giúp ta những lúc ta gặp khó khăn. Hãy nhớ những món nợ mà ta đã nhận từ các bậc ân nhân này. Luôn luôn khiêm nhường biết ơn và cố gắng tìm cơ hội để giúp đỡ các bậc ân nhân là vũ khí lợi hại để chiến thắng đạo binh ma kiêu mạn.

Thật là dễ dàng tìm thấy những kẻ vô ơn này. Một người được bạn giúp đỡ trong lúc khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ này, họ đã giải quyết được những bế tắc đương thời, nhưng về sau, họ lại phủi ơn và còn thốt lên những lời bạc nghĩa. "Bạn đã giúp tôi được gì nào?" Ðây là thái độ thường gặp trên thế gian này.

Ngay cả một nhà sư cũng trở thành kiêu mạn. Cảm thấy đã nổi tiếng và được mọi người biết mình là một giáo sư qua sự nỗ lực của mình, vị sư này quên mất thầy tế độ và giáo thọ, những vị ân sư đã giúp đỡ lúc mình mới bước chân vào chùa làm chú sa di. Những vị ân sư này có thể đã chỉ dẫn vị sư kia học hỏi, cung cấp những phương tiện cần thiết khi nhà sư tu học, hoặc chỉ dẫn nhà sư hành thiền, khuyên bảo hay quở trách những lúc thích nghi để sau này nhà sư trở thành một vị đại đức trẻ tuổi có trách nhiệm, hiểu biết và đức độ.

Lúc đứng tuổi có thể ra sống một mình nơi khác. Có thể nhà sư này lúc bấy giờ mới phát triển tài năng. Nhà sư trở thành một vị pháp sư tài ba được nhiều người mến mộ. Mọi người kính nể nhà sư, dâng cúng nhà sư nhiều lễ vật và mời nhà sư đi đến nhiều nơi để giảng dạy. Khi đạt được địa vị cao trọng, nhà sư có thể sẽ trở thành kiêu mạn. Có thể một ngày nào đó, vị thầy cũ của nhà sư đến gần nhà sư và vui mừng nói: "Chà, mới đây mà mau quá. Mới lúc nào sư còn là chú sa di, tôi lo dạy dỗ cho sư, giúp đỡ sư mọi điều. Nay thấy sư thành công như vậy, tôi thiệt là vui mừng hết sức". Nhà sư trẻ có thể cười mỉa trả lời: "Lúc nhỏ chỉ học với thầy vậy thôi, chứ tôi chưa biết được gì nhiều. Sau này nhờ tôi tự cố gắng học hỏi đó chớ".

Chuyện tương tự như vầy có thể xảy ra trong cộng đồng tăng lữ hay gia đình người đời. Trong mỗi gia đình, mỗi người đều mang ân của người khác: từ tình thương yêu cho đến những cảm thông giúp đỡ lúc gặp khó khăn. Thử tưởng tượng một cá nhân trong gia đình sống với các người khác trong tình thương yêu đùm bọc và tương trợ, rồi một ngày nào đó có sự bất hoà xảy ra...

Trên thế gian này có nhiều cách giải quyết vấn đề chẳng có hiệu quả chút nào, nhưng bất hạnh thay, lại có tánh cách phổ biến. Thay vì giải quyết vấn đề một cách trực tiếp với nhau trong tình thương, những người trong gia đình lại đem chuyện bất hoà ra bêu xấu với thiên hạ. Họ than trách, nguyền rủa hoặc coi thường anh chị em hay bà con trong gia đình một cách trực tiếp hay gián tiếp.

Trước khi nhục mạ hay kết tội một người nào đó trong gia đình mình, hãy xem kỹ tâm mình và hoàn cảnh lúc bấy giờ. Những hình thức nói móc, đá hậu, bẻ giò lái, hạ uy tín, hay coi thường người khác là một khía cạnh của kiêu mạn. Kinh điển đưa ra hình ảnh một người nổi nóng bốc phân ném vào người khác. Người này đã tự bôi bẩn mình trước khi làm bẩn đối phương. Vậy khi có chuyện bất hoà trong gia đình thì hãy cố gắng giải quyết với thiện tâm trong kham nhẫn, tha thứ và từ ái.

Thử tưởng tượng một khách lữ hành, với một hành trình vất vả, vào một buổi trưa nóng bỏng, đến nghỉ chân dưới một cội cây rợp bóng bên đàng. Người lữ hành cảm thấy thoải mái dựa vào gốc cây ngủ một giấc ngon lành. Bạn sẽ nghĩ thế nào nếu lúc thức dậy, trước khi tiếp tục hành trình, người lữ hành đốn ngã cội cây. Kinh điển gọi đây là một kẻ vô ơn. Người như vậy thì chẳng biết gì đến ơn nghĩa. Không phải chỉ tránh làm hại ân nhân mình là đủ, chúng ta phải có bổn phận đền ơn trả nghĩa nữa.

Cũng có trường hợp chúng ta không có dịp để đền ơn người đã giúp đỡ mình. Tuy vậy, chúng ta cũng được coi như kẻ biết ơn, nếu ít nhất chúng ta nhớ đến những việc mà họ đã giúp đỡ chúng ta trước đây. Nếu có dịp để đền ơn thì ta hãy thực hiện. Chuyện đền ơn nghĩa chẳng liên quan gì đến đức hạnh hay tư cách của người thi ơn. Dầu ân nhân có đức hạnh hơn ta, kém ta, hay bằng ta, chuyện ấy chẳng ăn nhằm gì. Một điều cần thiết để họ trở thành ân nhân của ta đó là họ đã giúp đỡ ta trước đây, thế thôi.

Chuyện xưa có kể lại rằng, có một thanh niên nọ làm việc vất vả để nuôi mẹ, nhưng mẹ chàng thanh niên này là một người đàn bà không đứng đắn. Bà ta muốn giấu con điều này. Nhưng ngày nọ, một kẻ mách lẻo trong làng cho chàng biết rõ sự thật. Chàng thanh niên trả lời: "Ông bạn ơi, mẹ tôi muốn làm gì thì làm theo ý thích. Bổn phận của tôi là phải làm việc để nuôi bà ta". Ðây là một chàng thanh niên rất hiểu biết. Anh ta biết được phạm vi làm việc của mình, đó là đền ơn sanh thành dưỡng dục; còn tánh tình của bà ta thế nào đó là chuyện của bà ta. Người thanh niên này là một trong hai loại người hiếm có và quí báu trên thế gian: người thi ân và người đền ân. Người thi ân là người có hảo tâm và tử tế giúp người khác với lý tưởng cao thượng.

Ðức Phật là một trong những người thi ân cao cả. Ngài không ngừng cố gắng giúp đỡ chúng sanh bằng cách chỉ rõ con đường giải thoát để họ có thể tự thực hành hầu thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi. Mọi người chúng ta đều chịu ơn Ngài nên phải có bổn phận nhớ ơn và đền ơn. Một trong những cách đền ơn và nhớ ơn cao quí là tích cực hành thiền. Người đền ơn là người nhớ đến những việc làm tốt đẹp mà ân nhân mình đã làm cho mình, và cố gắng đền ơn khi có cơ hội. Tôi hy vọng rằng các bạn có được đức tính của hai hạng người hiếm hoi cao quí trên, và chiến thắng vẻ vang Ðạo Binh Kiêu Mạn Thứ Tám.

Ðạo Binh Ma Thứ Chín: Danh Lợi

Khi thực hành thâm sâu thì tác phong và cách cư xử của bạn được cải thiện. Bạn trở nên khả kính và khuôn mẫu. Có thể bạn bắt đầu chia xẻ giáo pháp với người khác, hay kinh nghiệm giáo pháp của bạn sẽ hiển lộ ra ngoài, chẳng hạn như bạn sẽ trình bày giáo pháp một cách rõ ràng. Mọi người có thể có lòng tin sâu xa nơi bạn. Lợi lộc và quà tặng sẽ đến với bạn thật nhiều. Người ta có thể đồn rằng bạn đã đắc đạo, bạn ban bố những bài pháp lớn.

Vào lúc này, bạn dễ bị Ðạo Binh Ma Thứ Chín đánh gục. Những lời tán dương và cử chỉ kính trọng của mọi người đối với bạn sẽ in sâu vào tâm bạn. Bạn có thể bắt đầu tìm cách để nhận được quà tặng, lợi lộc nhiều hơn và quí hơn ở tín đồ một cách kín đáo, tinh tế hay công khai, lộ liễu. Bạn có thể tự hào rằng mình xứng đáng được nổi danh bởi vì mình thực sự cao cả hơn người khác. Tham vọng bất chánh có thể vượt trội lòng thành thật giúp đỡ, dạy dỗ hay chia xẻ những kinh nghiệm mà mình có được trong lúc hành thiền. Có thể bạn mong muốn thật sự chia xẻ cho người khác những thành quả mà bạn đã gặt hái được trong lúc hành thiền, nhưng sự phục vụ vị tha này bị lấn át bởi tính tự kiêu và lòng ước muốn được đền bù xứng đáng những gì mình đã bỏ ra. Có thể là tư tưởng sau đây sẽ đến với bạn, "Ô, ta thật là vĩ đại đó chớ. Không biết có ai được như ta không. Ta bây giờ là hình ảnh quen thuộc và đáng yêu của mọi người. Ta có thể yêu cầu Phật tử mua cho ta một chiếc xe mới".

Mặt trận thứ nhất của Ðạo Binh Ma Thứ Chín là lợi lộc vật chất: quà tặng hay lễ vật từ tín đồ thuần thành. Mặt trận thứ hai là những lời tán dương và lòng kính trọng của Phật tử. Mặt trận thứ ba là danh thơm, tiếng tốt.

Về phần cư sĩ thì Ðạo Binh Ma Thứ Chín tấn công các thiền sinh đã có được một kết quả tốt trong việc hành thiền. Ðối với các thiền sinh bình thường, đạo binh danh lợi có thể tấn công họ dưới hình thức mong muốn có được chỗ ở tiện nghi hay có quần áo tốt và thoải mái trong khi hành thiền. Thiền sinh có thể cảm thấy tự hào về sự hành thiền của mình và muốn được mọi người thừa nhận mình là một thiền sinh cỡ lớn. Những thiền sinh chưa thực hành thâm sâu rất dễ bị tự đánh lừa về những thành đạt của mình. Một thiền sinh có được chút ít kinh nghiệm nhưng chưa sâu có thể trở nên quá tự tin. Thiền sinh này vội vã muốn bước nhanh lên diễn đài Phật giáo và dạy người khác. Làm thế là muốn được thán phục và tán dương. Người loại này sẽ dạy thiền minh sát giả, không phù hợp theo kinh điển, cũng không do ở sự thực hành thâm sâu. Người này sẽ làm hại cho những ai theo học với họ.

Thành Thật

Muốn thắng Ðạo Binh Ma Thứ Chín, động cơ đằng sau sự nỗ lực của bạn là phải thành thật. Nếu bạn bắt đầu hành thiền chỉ với mục đích muốn được lợi lộc tán dương hay để nổi tiếng thì bạn sẽ không tiến bộ chút nào. Bạn sẽ gặt hái được nhiều lợi ích nếu bạn thường xuyên thẩm xét lại động cơ thúc đẩy việc hành thiền của mình. Nếu bạn thật sự chân thành, trong sáng trong việc hành thiền, nhưng về sau lại đầu hàng kẻ thù là tham ái về lợi lộc, bạn sẽ trở thành say sưa và chểnh mảng. Một người say sưa và chểnh mảng sẽ có một cuộc sống đầy bất an và đau khổ. Vì say sưa, thỏa mãn với lợi lộc nhỏ nhoi nên họ quên mất mục đích của việc hành thiền. Họ bị các bất thiện pháp chi phối khiến có lời nói và hành động sai lầm, do đó việc hành thiền của họ bị thụt lùi.

Chúng ta tin rằng đau khổ phải có chỗ chấm dứt, và chúng ta có thể đạt được mục tiêu là chấm dứt khổ đau nhờ hành thiền. Ðó là động cơ chân thật, chính đáng giúp ta tránh khỏi lòng tham lam, ham muốn được lợi lộc và danh tiếng thế gian. Trở thành một chúng sanh, một con người có đời sống thì phải chịu nhiều đau khổ vì sinh và tử. Tiến trình sinh ra là một đau đớn khốn cùng, và cái chết thì sẵn sàng chờ đón. Giữa hai giai đoạn sinh và tử này là đau ốm, bệnh tật, tai nạn, và tuổi già. Lại còn có những khổ tâm khác: không đạt được những gì ta thích, buồn rầu, và mất mát. Không được gần gủi những người và vật ta thương, phải gần gủi những người ta không ưa thích, v.v... Muốn tránh khỏi những đau khổ này, chúng ta ngồi thiền, thực hành giáo pháp, con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau, giải thoát, Niết Bàn. Một số chúng ta đi hành thiền, bỏ lại sau lưng mọi hoạt động thế tục, như việc làm, việc học, trách nhiệm xã hội và những lạc thú thế gian khác bởi vì chúng ta tin rằng đau khổ sẽ đi đến chỗ chấm dứt. Thực ra, không phải chỉ đi tham dự những khóa thiền ta mới có thể hành thiền được, vì chúng ta có thể hành thiền bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào nếu chúng ta cố gắng loại trừ phiền não. Khi bạn ngồi thiền một nơi nào đó, chẳng hạn ở góc phòng sách, thì bạn cũng được gọi là pabbajita, người viễn ly thế gian để diệt trừ phiền não.

Tại sao chúng ta muốn diệt trừ phiền não? Vì phiền não là một kẻ thù nguy hiểm. Nó hành hạ áp chế những kẻ nằm trong quyền lực của nó. Nó như một ngọn lửa nóng đốt cháy da thịt, tim gan, hành hạ ta đủ điều. Khi phiền não bừng dậy trong người nào, nó sẽ đốt cháy, hành hạ, hủy hoại thân thể và tâm hồn người đó. Trong phiền não không có lấy một chút tốt đẹp nào cả.

Ba Loại Phiền Não

Có ba loại phiền não: phiền não tác động, phiền não tư tưởng, và phiền não ngủ ngầm. (1) Phiền não tác động xuất hiện khi ta không giữ những giới căn bản như sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, uống rượu và các chất say.

(2) Phiền não tư tưởng tế nhị hơn. Một người không làm hay nói điều bất thiện, chẳng hạn, không phạm ngũ giới, nhưng tâm vẫn bị ám ảnh muốn giết, muốn hủy hoại, muốn làm hại cơ thể chúng sanh khác, muốn lấy, tước đoạt, lừa dối kẻ khác để làm chủ một vài vật mà mình ưa thích. Người nào đã bị phiền não này chi phối sẽ thấy rõ thế nào là đau khổ và đau khổ đã hành hạ ta như thế nào. Một người không kiểm soát được phiền não tư tưởng có khuynh hướng muốn làm hại chúng sanh bằng cách này hay cách khác.

(3) Phiền não ngủ ngầm thường không xuất hiện ra ngoài. Nó nằm ẩn bên trong, chờ đợi cơ hội nhảy ra tấn công. Phiền não ngủ ngầm chẳng khác nào một người đang nằm ngủ say. Khi thức giấc, tâm người này bắt đầu lay động. Ðó là phiền não tư tưởng khởi sinh. Khi người này ngồi dậy và bắt đầu làm việc là lúc đang từ phiền não tư tưởng chuyển sang phiền não tác động.

Có thể so sánh ba loại phiền não này với chuyện sau đây. Một người quẹt diêm và sơ ý gây ra cháy rừng. Que diêm là phiền não ngủ ngầm. Lửa phát sinh khi diêm quẹt vào hộp là phiền não tư tưởng. Cháy rừng là phiền não tác động.

Dập Tắt Lửa Phiền Não

Nếu bạn thật tâm thực hành giới, định, huệ, thì bạn có thể chế ngự, dập tắt, và loại trừ tất cả ba loại phiền não. Giữ giới là loại bỏ phiền não tác động. Thực hành thiền định là chế ngự phiền não tư tưởng, và hành thiền minh sát sẽ nhổ tận gốc rễ phiền não ngủ ngầm. Chính phiền não ngủ ngầm là gốc rễ của hai loại phiền não tư tưởng và phiền não tác động. Khi bạn thực hành giới, định huệ, bạn sẽ có được những loại hạnh phúc mới.

Thực hành giới thì sự thích thú vào ngũ dục sẽ được thay thế bằng sự an lạc tạo bởi giới hạnh thanh tịnh. Nhờ phiền não tác động vắng bóng, người giữ giới hạnh thanh tịnh sẽ có một cuộc sống tương đối trong sạch, an lạc và hạnh phúc. Chúng ta thực hành giới bằng cách giữ năm giới căn bản hay những giới qui định trong phần giới của bát chánh đạo: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Tất cả các điều này đều đặt căn bản ở điểm không làm hại người khác và không làm hại chính mình.

Bạn có thể phân vân không biết trên thế gian này có ai thực sự giữ giới luật trong sạch không. Chắc chắn rằng có nhiều người giữ giới trong sạch. Trong những khoá thiền, thiền sinh rất dễ dàng giữ giới trong sạch vì họ sống trong một môi trường thích hợp cho sự giữ giới. Nhiều người tiến xa hơn trong việc giữ ngũ giới. Họ giữ tám giới. Các vị tỳ kheo hay tỳ kheo ni phải giữ nhiều giới hơn. Trong khi đến thiền viện để hành thiền, ta có thể đạt được những thành quả lớn lao nhờ sự cố gắng của chính ta. Những việc ta thấy khó khăn trước đây như giữ giới luật, khép mình vào kỷ luật, thanh lọc tâm, v.v..., đều trở thành dễ dàng.

Giữ giới chỉ là bước đầu. Khi ta muốn loại trừ thêm các phiền não cần phải luyện tâm thanh tịnh. Loại phiền não thứ hai, phiền não tư tưởng sẽ được loại trừ nhờ thiền định, hay thực hành phần định trong bát chánh đạo: chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Sự tinh tấn liên tục và kiên trì rất cần thiết. Muốn ghi nhận các hiện tượng xảy ra trong từng giây phút một không để loạn tâm chi phối, đòi hỏi phải có một sự tinh tấn liên tục và kiên trì. Trong đời sống thường nhật, rất khó duy trì tinh tấn liên tục và tinh tấn kiên trì. Bởi vậy, thời gian ở thiền viện là thời gian thuận lợi nhất. Ta nên tận dụng thời gian này để luyện tâm.

Nhờ liên tục tinh tấn, chánh niệm và định tâm trong từng giây phút một, ta chế ngự được phiền não tư tưởng. Tâm không còn tán loạn mà an trụ trên đề mục. Lúc bấy giờ các phiền não không dấy lên được, và tâm đạt được trạng thái gọi là upasama sukha, tức là tịnh lạc. Ðó là sự an lạc, thanh tịnh, tĩnh lặng có được nhờ phiền não đã bị chế ngự. Tâm không còn bị sân hận, tham ái và giao động chi phối. Khi có được hạnh phúc tuyệt diệu này, ta sẽ thấy tất cả mọi lạc thú của cuộc đời do ngũ dục đem lại đều thấp kém. Ta sẽ thấy tịnh lạc là hạnh phúc siêu việt hơn cả nên sẵn sàng vất bỏ sang một bên mọi lạc thú thế tục mà ta đã ham muốn và chấp giữ trước đây. Nhưng khi đạt được tịnh lạc như thế này, bạn cũng đừng tự mãn và xem đây là mục tiêu cuối cùng.

Còn có một sự hạnh phúc nữa cao trội hơn hẳn tịnh lạc. Ðó là trí tuệ. Vậy hãy tiến thêm một bước nữa để thực hành trí tuệ. Thực hành để phát triển trí tuệ là thiền minh sát. Những tuệ giác do minh sát đem lại có thể loại bỏ tạm thời hay vĩnh viễn các phiền não ngủ ngầm. Khi chánh niệm được phát triển hài hoà với tinh tấn, đức tin, chánh định và trí tuệ, thì bạn bắt đầu trực nhận được bản chất của thân và tâm. Thế là nhóm trí tuệ trong bát chánh đạo là chánh kiến, chánh tư duy bắt đầu phát triển và dần dần tâm tiến đến các tuệ giác cao hơn. Tuệ giác phát triển thì các phiền não ngủ ngầm càng bị yếu đi và tàn lụi dần. Nếu thiền sinh kiên trì hành thiền thì trí tuệ sẽ phát triển lớn mạnh hơn cho đến lúc đạt đạo quả. Lúc bấy giờ, các phiền não ngủ ngầm hoàn toàn bị tiêu diệt.

Ðến đây thì lợi lộc, sự kính trọng và tiếng thơm sẽ tự động đến với bạn. Vào lúc bấy giờ, bạn cũng không bị dính mắc vào chúng vì chúng quá nhỏ nhoi so với kết quả cao quí mà bạn đã đạt được qua nỗ lực hành thiền của mình. Dù thực tâm không nghĩ đến lợi lộc, tiếng thơm, nhưng khi thành công thì lợi lộc và danh thơm sẽ đến một cách tự nhiên, và thiền sinh sẽ biết cách xử dụng lợi lộc và tiếng thơm một cách thích hợp, đồng thời tiếp tục hành thiền cho đến khi rời bỏ thân giả tạm này.

Ðạo Binh Ma Thứ Mười: Khen Mình, Chê Người

Tất cả chúng ta dầu ít nhiều đều ý thức được sự đau khổ. Ðau khổ hiện diện trong lúc sinh, lúc sống và khi chết. Khổ đau và phiền lụy trong cuộc sống khiến ta có ý muốn chấm dứt khổ đau, sống trong an lạc hạnh phúc. Ðó là ý muốn, là đức tin, và có lẽ cũng do ý muốn và đức tin này thúc đẩy nên bạn mới chịu khó đọc những lời giảng dạy này.

Trong lúc hành thiền, mục đích chính yếu và cao quí của chúng ta có thể bị phá hoại bởi những hiệu quả phụ của việc hành thiền. Chúng ta đã nói đến những tác động tai hại của lợi lộc, kính trọng và danh tiếng. Song song với chúng, còn có hai loại phiền não lợi hại khác, đó là khen mình mà chê người. Ðó là đạo binh thứ mười. Ðạo Binh Ma Thứ Mười được dàn bày để đánh gục các thiền sư.

Khen mình thường tấn công thiền sinh sau khi họ đạt được một số tiến bộ trong thực hành. Chẳng hạn, khi họ cảm thấy giới luật của mình được hoàn hảo, họ có thể quá tự tin, nhìn mọi người chung quanh và nói, "Người kia chẳng giữ giới luật. Họ không được trong sạch và thánh thiện như ta." Nếu điều này xảy ra, chúng ta đã sa vào ổ phục kích của Ðạo Binh Ma Thứ Mười. Ðạo binh cuối cùng này là đạo binh hùng mạnh nhất phá hủy sự tiến bộ của chúng ta. Thời kỳ Ðức Phật có Ðề Bà Ðạt Ða, nhờ hành thiền tinh tấn, đạt được một số thần thông. Quá tự đắc với pháp thần thông của mình, Ðề Bà Ðạt Ða sanh ra kiêu mạn nên đã có nhiều hành động sai lầm đến nỗi nhiều lần âm mưu giết Ðức Phật. Khi hành động sai trái phát khởi ông ta không còn chánh niệm nên không có gì để bảo vệ chống lại đạo binh ma khen mình chê người.

Cốt Tủy Của Ðời Sống Thánh Thiện

Chúng ta có thể thỏa thích về sự trong sạch của chúng ta, nhưng không nên chê bai, hạ thấp người khác xuống và thổi phồng mình lên. Giới, Ðịnh, Huệ có thể so sánh với một khúc cây có lõi rất quí. Cành lá là danh dự, tiếng thơm, lời khen tặng và lợi lộc. Vỏ mỏng bên ngoài là giới. Vỏ dày bên trong là định. Phần gỗ là thần thông. Phần lõi là trí tuệ bao gồm đạo quả giải thoát.

Giả thử có một cây lớn bị bão ngã đổ trong rừng. Một người thợ rừng thấy vậy bèn lấy rìu chặt cành lá rồi đem cành lá về nhà. Người thợ rừng này chẳng khác nào một thiền sinh thỏa thích trong lợi lộc, lời khen tặng và danh tiếng.

Một người khác có thể lột lấy lớp vỏ mỏng bên ngoài rồi đem chúng về. Người chỉ lấy lớp vỏ mỏng này chẳng khác nào một thiền sinh bằng lòng với giới luật trong sạch của mình mà không chịu đào luyện tâm.

Người thợ thứ ba cạy lấy phần vỏ dày bên trong. Người thợ này chẳng khác nào thiền sinh thông minh hơn biết rằng giới luật chưa phải là mục đích cuối cùng; phải chú trọng đến việc phát triển tâm. Thiền sinh này có thể học một loại thiền định nào đó rồi cố công hành trì. Sau khi đạt được nhất tâm trong thiền định, thiền sinh này cảm thấy mình đã đạt được điều vĩ đại. Tâm thiền sinh này lúc bấy giờ rất ổn cố và đầy an lạc, hạnh phúc. Thiền sinh này có thể đạt được các tầng thiền hay định tâm sâu xa. Thế rồi một tư tưởng đến với thiền sinh: "Ta thật là cừ, còn mấy người kia có vẻ luôn luôn bất an, giao động". Thiền sinh tưởng rằng mình đã đạt được tinh túy của thiền minh sát và thánh quả, nhưng thật ra thiền sinh này bị đạo binh ma thứ mười là kiêu mạn tấn công.

Người thợ thứ tư đẽo lấy phần gỗ đem về. Người thợ này chẳng khác nào thiền sinh có nhiều tham vọng hơn, cố gắng phát triển thần thông. Sau khi hành thiền một thời gian, thiền sinh có thần thông và đầy tự hào về thành quả của mình. Thêm vào đó, thật là thú vị khi vui đùa với khả năng mới tạo được của mình. Tư tưởng sau đây có thể đến với thiền sinh: "Ô, đây là thành quả cao tột, chắc là cốt tủy của giáo pháp. Chẳng ai có thể làm được điều này. Mấy người kia không thể nhìn được ngay trước mắt mình, hình ảnh chư thiên và chúng sanh ở địa ngục". Nếu không đánh bại được đạo binh ma thứ mười này thì thiền sinh sẽ bị say sưa và bất cẩn trong việc phát triển thiện tâm, và cuộc sống của thiền sinh sẽ đầy đau khổ.

Thần thông không phải là giải thoát thực sự. Ngày nay, nhiều người còn bị thu hút bởi những kẻ có phép thần thông. Bởi lý do đó, chỉ biểu diễn một chút thần thông là đã khiến nhiều người có đức tin. Lúc Ðức Phật còn tại thế cũng có những trường hợp tương tự. Thật vậy, lần nọ, có một thiện nam đến gần Ðức Phật yêu cầu Ngài dùng thần thông để làm phương tiện truyền bá giáo pháp. Ông ta đề nghị Ðức Phật bảo những học trò có nhiều thần thông biểu diễn cho mọi người xem, ông ta nói: "Khi thấy phép lạ, mọi người đều thán phục và tin tưởng. Làm như vậy, Ngài sẽ có rất nhiều tín đồ."

Ðức Phật từ chối lời yêu cầu này. Ông thiện nam yêu cầu đến ba lần. Cả ba lần Ðức Phật đều từ chối. Cuối cùng, Ðức Phật nói với người thiện nam: "Có ba loại thần thông. Một là bay lên không trung hay chun xuống đất, hay biểu diễn những điều kỳ lạ mà người thường không thể nào làm được. Hai, là đọc được tâm người khác. Họ có thể biết được tâm người khác và có thể nói: "Hôm qua anh đã nghĩ như vậy, và đã làm điều đó như vầy, như vầy...". Người ta sẽ thán phục và nể sợ họ. Nhưng có một loại thần thông thứ ba rất quan trọng. Ðó là khả năng chỉ dẫn người khác. Chẳng hạn người có thần thông này có thể nói: "Anh có hành động, cử chỉ, và lời nói như vậy là không tốt. Ðó là những điều bất thiện, không đem lại an lạc và hạnh phúc cho chính anh và cho người khác. Anh nên bỏ điều đó và nên làm những điều lành như vầy, như vầy..., và anh nên hành thiền theo cách tôi sắp chỉ dẫn cho anh đây. Năng lực hướng dẫn người khác đi theo chánh đạo là loại thần thông quan trọng nhất".

"Này người thiện nam, nếu hai loại thần thông đầu tiên được biểu diễn cho người có đức tin vào thiền minh sát, thì sẽ không phá hủy đức tin của họ. Nhưng với người chưa có đức tin ở Tam Bảo, ở pháp hành, họ sẽ nói: "Những pháp thần thông này có gì lạ đâu? Tôi biết trong những tôn giáo khác cũng có người đạt được loại thần thông như vầy. Chẳng qua đó là nhờ trì chú và các loại pháp bí truyền khác chứ gì". Những người như vầy sẽ hiểu sai lạc giáo pháp của Như Lai".

"Loại thần thông thứ ba là loại thần thông tốt nhất. Này người thiện nam, khi một người có thể nói đây là điều xấu, đừng làm. Anh nên nói lời chân chánh và có hành động chơn chánh. Ðây là cách gội rửa tâm thoát khỏi phiền não. Ðây là cách hành thiền. Ðây là cách để đạt được an lạc và hạnh phúc Niết Bàn, thoát khỏi đau khổ. Ðó là loại thần thông hoàn hảo nhất."

Bằng mọi cách, nếu thích, bạn có thể cố gắng hành trì để đạt thần thông. Hành trì để đạt thần thông không phải là điều thiết yếu, nhưng cũng không có gì đi ngược với thiền minh sát. Không ai cản bạn, và nếu bạn không đạt được thần thông nào, thì cũng không ai chế nhạo bạn đâu. Chỉ cần đừng nhầm lẫn xem thần thông là tinh túy của giáo pháp. Một người có thần thông mà tin rằng mình đã đạt được mục đích tối hậu của đạo là một sự si mê lớn. Ðây là một người muốn tìm cái lõi của cây, nhưng mới đến được phần gỗ đã lấy làm thỏa mãn, vì hiểu lầm đây là điều mà mình muốn tìm.

Vậy thì, sau khi có thần thông phải tiếp tục phát triển thiền minh sát để thấy được đạo quả và tinh tấn liên tục cho đến khi đắc A La Hán. Khi chánh niệm và chánh định phát triển tốt đẹp thì trí tuệ nội quán sẽ có đà tiến lên cao và thấu suốt được chân tướng của mọi vật hiện khởi. Ðây cũng là một loại thần thông, nhưng chưa phải là mục đích cuối cùng. Cuối cùng, bạn có thể đạt được Tu Ðà Hườn, tâm nhập lưu. Ðó là sự giác ngộ đầu tiên. Khi đạt thánh đạo đầu tiên này, bạn đi sâu vào Niết Bàn. Lần đầu nhổ tận gốc rễ một số phiền não. Khi đạt đạo thì quả đến liền sau đó. Bạn có thể tiếp tục hành thiền để khai triển quả tâm. Khi quả tâm đến, bạn sẽ ở trong tịnh lạc của Niết Bàn. Ðạo tâm chỉ đến một lần trong đời, nhưng quả tâm có thể đến nhiều lần. Bạn chỉ cần có tâm cố gắng là có thể trở lại quả tâm bất kỳ lúc nào và bao lâu cũng được.

Tuy nhiên, đối với Ðức Phật, thì quả đầu tiên cũng còn quá thấp. Phải hành trì thêm để giác ngộ hoàn toàn, vì chỉ khi giác ngộ hoàn toàn, bạn mới tận diệt hết phiền não. Ðây là trường hợp của người thợ rừng thứ năm biết lấy lõi cây đem về.

Sau khi so sánh khúc cây với việc hành thiền, Ðức Phật kết luận: "Lợi ích của giáo pháp Như Lai không chỉ nằm ở lợi lộc, danh thơm, tiếng tốt v.v... Lợi ích của giáo pháp Như Lai không chỉ nằm ở giới luật thanh tịnh. Lợi ích của giáo pháp Như Lai không chỉ nằm ở các tầng thiền. Lợi ích của giáo pháp Như Lai không chỉ nằm ở việc đắc thần thông. Cốt tủy của giáo pháp Như Lai là giải thoát mọi phiền não, và sự giải thoát này có thể đạt được bất kỳ lúc nào".

Hy vọng các bạn có đủ sức mạnh, năng lực và can đảm, dũng mãnh để đối đầu với mười đạo binh ma, và tận diệt chúng không chút thương tiếc để thành tựu các tuệ minh sát. Cầu mong các bạn đạt được ít nhất quả nhập lưu ngay trong kiếp sống hiện tại này. Cầu mong các bạn giải thoát hoàn toàn và chấm dứt mọi khổ đau.


Tiếp theo

Source: BuddhaSasana



[Ðầu trang][Mục Lục][Trở về trang Thư Viện]

updated: 2007