Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Nhứt: Chánh Niệm
Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Hai: Trạch Pháp
Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Ba: Tinh Tấn
Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Tư: Hỷ
Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Năm: ThưThái
Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Sáu: Định
Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Bảy: Xả
Trở Thành Một Vị Thánh
Không phải nhìn trời mà đắc đạo, cũng không phải đọc sách hay nghiên cứu kinh
điển mà thành đạo. Không phải suy nghĩ, không phải mong ước mà sự giác ngộ sẽ
bùng vỡ trong tâm bạn. Có những điều kiện cần thiết để đưa đến giác ngộ, tiếng
Pali gọi là bojjhanga
, hay những yếu tố giác ngộ. Có tất cả bảy yếu tố.
Chữ bojjhanga nguyên từ hai chữ bodhi, có nghĩa là giác ngộ hay
người giác ngộ, và anga là yếu tố, nguyên nhân. Như vậy, bojjhanga có
nghĩa là nguyên nhân đưa đến sự giác ngộ. Một nghĩa khác của chữ bojjhanga
căn cứ trên một trong hai nghĩa của gốc chữ Pali trên. Căn cứ trên gốc chữ
bodhi, thì bojjhanga có nghĩa là sự hiểu biết hay thấy bốn chân lý Tứ
Diệu Ðế : chân lý của sự khổ và bất toại nguyện, chân lý về nguyên nhân của sự
khổ và bất toại nguyện, chân lý về sự chấm dứt khổ và chân lý về con đường đưa
đến sự chấm dứt khổ hay bát chánh đạo. Căn cứ trên gốc chữ anga, thì bojjhanga
có nghĩa là một phần đặc biệt của trí tuệ thấy rõ Tứ Diệu Ðế .
Mọi thiền sinh đều hiểu Tứ Diệu Ðế ở một mức độ nào đó, nhưng hiểu biết thật sự
bốn chân lý này đòi hỏi một thời điểm chuyển biến đặc biệt của tâm, gọi là đạo
tâm. Ðó là một trong những điểm trí tuệ cao nhất của Thiền Minh Sát bao gồm
kinh nghiệm Niết Bàn. Một khi thiền sinh có được kinh nghiệm này thì sẽ hiểu
sâu xa Tứ Diệu Ðế, và như thế có nghĩa là thiền sinh này đã có bảy pháp trợ bồ
đề. Thiền sinh này bấy giờ được gọi là Thánh. Như vậy, bảy pháp trợ bồ
đề hay những yếu tố giác ngộ là một phần hay những đặc tính của một vị thánh.
Ðôi khi bảy yếu tố giác ngộ còn được gọi là sambojjhanga. Tiếp đầu ngữ sam-
có nghĩa là đầy, hoàn hảo, đúng, có sự thật. Tiếp đầu ngữ này chỉ là sự xưng
tụng, hay nhấn mạnh, chứ không thêm vào điều gì chủ yếu hay quyết định làm cho
nghĩa khác đi.
Bảy pháp trợ bồ đề hay bảy đức tính của một vị thánh nhân là: niệm, trạch pháp,
tinh tấn, hỉ, thư thái, định và xả
(sati, dhamma vicaya, viriya, piti, passaddhi, samadhi, upekkha). Bảy yếu tố
này có thể tìm thấy trong mọi giai đoạn khi hành thiền minh sát. Nhưng chúng ta
có thể nói rằng bảy yếu tố giác ngộ sẽ rất rõ ràng ở vào lúc thiền sinh bắt đầu
thấy rõ sự sinh diệt của các hiện tượng.
Làm thế nào để phát triển những yếu tố này? Muốn phát triển những yếu tố này
phải hành thiền minh sát. Ðức Phật dạy, "Này chư tỳ khưu, nếu Tứ Niệm Xứ được
thực hành với nỗ lực, tinh tấn và chuyên cần, chăm chỉ thì bảy pháp trợ bồ đề
sẽ tự động phát triển trọn vẹn
".
Hành Tứ Niệm Xứ không có nghĩa là nghiên cứu, suy nghĩ, nghe những bài giảng
hay bàn luận về Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ hay bốn pháp chánh niệm này cần phải
được thực hành bằng cách quán sát chánh niệm một cách trực tiếp theo bốn phương
pháp: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp.
Niệm thân là niệm trên các chuyển biến hay các cảm giác của thân. Niệm thọ là
niệm trên các cảm giác khổ thọ, lạc thọ và vô ký thọ. Niệm tâm là chánh niệm
trên tâm và tư tưởng. Niệm pháp là chánh niệm trên các đối tượng khác của tâm:
thấy, nghe, nếm, v.v...Ðức Phật dạy thêm rằng thiền sinh phải kiên trì chánh
niệm và thực hành liên tục không gián đoạn. Cách hành thiền của Ngài Mahasi
nhằm phát triển trọn vẹn bảy yếu tố giác ngộ và cuối cùng kinh nghiệm thánh đạo
tâm theo đúng lời dạy của Ðức Phật.
Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Nhứt: Chánh Niệm
Chánh niệm được dịch từ tiếng Pali là Sati. Tuy nhiên phải hiểu danh từ này với
nghĩa tích cực hơn. Chánh niệm phải được hiểu theo nghĩa là tâm tiến đến đối
tượng và bao phủ đối tượng toàn diện, xuyên thấu vào trong đối tượng không
thiếu sót một phần nào. Như vậy Sati phải được hiểu là: sức mạnh quán sát.
Nhưng ở đây, để giản dị ta tiếp tục dùng chữ Chánh Niệm với nghĩa năng động của
nó để dịch chữ sati. Chúng ta sẽ có một ý niệm rõ ràng hơn khi quán sát ba khía
cạnh của chánh niệm: Ðặc Tính, Chức Năng và Sự Biểu Lộ. Trong vi diệu pháp đã
miêu tả các khía cạnh này như sau:
Không Hời Hợt Bề Mặt
Ðặc tính của chánh niệm là không hời hợt bề mặt, có nghĩa là chánh niệm phải
xuyên suốt và thâm sâu. Nếu ném một nút chai điền điển xuống dòng nước, nút
chai sẽ nhấp nhô và nổi trôi theo dòng nước. Nếu ném xuống nước một hòn đá, hòn
đá sẽ chìm xuống đáy dòng. Cũng vậy, chánh niệm sẽ đưa tâm chìm sâu vào đối
tượng mà không phơn phớt trên bề mặt của nó.
Khi hành thiền, bạn lấy sự chuyển động của bụng làm đề mục theo dõi. Bạn cố
gắng tập trung tâm ý dán sát vào đề mục để tâm không trượt khỏi đề mục và chìm
sâu vào tiến trình chuyển động của bụng. Khi tâm xuyên suốt tiến trình này, bạn
sẽ hiểu được bản chất thực sự của sự căng thẳng, sức ép, chuyển động, v.v...
Giữ Ðối Tượng Trong Tầm Quán Sát của Mình
Chức năng của chánh niệm là giữ đối tượng luôn luôn ở trong tầm quán sát của
mình. Không quên, cũng không để tâm trượt ra ngoài đối tượng. Khi chánh niệm có
mặt thì đối tượng xuất hiện sẽ được ghi nhận không bị quên hay bỏ sót. Muốn
tránh sự theo dõi hời hợt bề mặt và để cho đối tượng được quán sát một cách kỹ
càng, chúng ta phải hiểu và thực hành khía cạnh thứ ba của chánh niệm, đó là
yếu tố hiển bày. Khi Yếu Tố Hiển Bày được phát triển sẽ kéo theo hai yếu tố
trên, đặc tính và chức năng. Sự hiển bày chính của chánh niệm là tâm trực diện
với đề mục, mặt đối mặt với đề mục.
Ðối Diện với Ðề Mục
Giống như bạn đang đi trên đường dài gặp một khách bộ hành đi ngược chiều về
hướng bạn. Khi bạn hành thiền, tâm phải đối diện với đề mục một cách như vậy.
Chỉ khi bạn đối diện trực tiếp với đề mục thì chánh niệm mới thực sự phát sinh.
Người ta bảo khuôn mặt biểu lộ tánh tình. Nếu bạn tin như vậy và bạn muốn xét
xem một người nào, bạn phải cẩn thận xem xét kỹ gương mặt của họ, sau đó bạn
mới có thể phán đoán về họ. Nếu bạn có thể xem xét gương mặt của họ một cách
cẩn thận và không bị các phần khác của cơ thể họ làm bạn phân tâm, thì bạn mới
có thể xét đoán một cách chính xác.
Trong khi hành thiền, bạn cũng phải áp dụng phương pháp tương tự -- nếu sắc bén
hơn thì càng tốt -- để theo dõi đối tượng quán sát. Chỉ khi nào bạn nhìn một
cách kỹ càng tinh tế thì bạn mới có thể hiểu được bản chất thực sự của đối
tuợng.
Khi nhìn khuôn mặt ai lần đầu, bạn chỉ nhìn thoáng qua, nhìn một cách tổng
quát. Nếu nhìn kỹ hơn, bạn sẽ thấy rõ những chi tiết như lông mày, mắt, môi,
v.v...Cũng vậy, khi theo dõi chuyển động của bụng, lúc đầu, bạn nhìn một cách
tổng quát các tiến trình của chúng. Ban đầu bạn chỉ đưa tâm đối diện với sự
phồng xẹp. Về sau bạn nhìn kỹ càng hơn, và những chi tiết sẽ tự nó hiển bày mà
không cần đến sự cố gắng của bạn. Bạn sẽ ghi nhận những cảm giác khác nhau sinh
rồi diệt, như sự căng thẳng, áp lực, nóng lạnh, chuyển động, v.v...
Khi thiền sinh liên tục đối mặt với đề mục, sự tinh tấn của thiền sinh sẽ trổ
quả. Chánh niệm sẽ trở nên tích cực hơn và gắn chặt hơn vào đối tượng quán sát,
không bị bỏ sót, không lãng quên, không lơ là phớt qua. Lúc tâm chánh niệm như
thế thì phiền não không thể nào xen vào được. Nếu chánh niệm được duy trì một
thời gian dài, thiền sinh sẽ khám phá ra một sự trong sáng kỳ diệu của tâm, bởi
vì phiền não đã vắng bóng.
Bảo vệ tâm khỏi bị phiền não tấn công là khía cạnh thứ hai của sự biểu hiện
chánh niệm. Khi chánh niệm kiên trì và liên tục tích cực thì trí tuệ sẽ phát
sinh, và thiền sinh sẽ thấy rõ bản chất của thân và tâm. Không những thiền sinh
thấy được sự sinh diệt của cảm giác mà còn thấy rõ những đặc tính riêng biệt
của vô vàn hiện tượng danh sắc diễn ra bên trong.
Thấy Tứ Diệu Ðế
1. Thiền sinh có thể thấy trực tiếp là các hiện tượng danh và sắc, hay thân và
tâm, đều đau khổ. Ðó là thiền sinh đã thấy được chân lý thứ nhất.
Khi thấy rõ chân lý thứ nhất thì sẽ thấy rõ ba chân lý sau. Ðiều này được ghi
rõ trong kinh điển và chúng ta có thể kiểm chứng qua kinh nghiệm trực tiếp của
chúng ta.
2. Bởi vì có chánh niệm vào lúc các hiện tượng danh sắc xảy ra nên trong lúc ấy
không có tham ái. Khi tham ái vắng mặt thì chân lý thứ hai sẽ hiển bày. Tham ái
là gốc của đau khổ. Khi tham ái vắng bóng thì gốc của đau khổ sẽ tan biến.
3. Chân lý thứ ba là sự chấm dứt đau khổ sẽ được thấy rõ khi si mê và các phiền
não khác đều dừng nghỉ và biến mất. Khi chánh niệm hay trí tuệ có mặt, thiền
sinh sẽ thấy tất cả sự vật đều xảy ra tạm thời, từ khoảnh khắc này sang khoảnh
khắc khác.
4. Thấy chân lý thứ tư liên quan đến sự phát triển bát chánh đạo. Sự phát triển
này xảy ra cùng một lúc ở mỗi thời điểm chánh niệm. (Xem tiếp chương Chiếc Xe
Ðưa Ðến Niết Bàn).
Bởi vậy, trong một phương diện nào đó, chúng ta có thể nói rằng Tứ Diệu Ðế được
thấy rõ khi chánh niệm và trí tuệ có mặt. Ðiều này đưa chúng ta trở về với hai
định nghĩa trên của bảy pháp trợ bồ đề. Chánh niệm là một phần của tâm chứa
đựng trí tuệ quán thấu chân tướng của sự vật. Nó là một phần của trí tuệ giác
ngộ. Nó có mặt trong tâm của người hiểu rõ Tứ Diệu Ðế . Thế nên nó được gọi là
yếu tố của giác ngộ, một giác chi.
Chánh Niệm Là Nguyên Nhân của Chánh Niệm
Nguyên nhân đầu tiên của chánh niệm không gì khác hơn là sự chánh niệm. Có hai
loại chánh niệm: Chánh niệm của người mới hành thiền thì yếu, và chánh niệm của
người có nhiều kinh nghiệm hành thiền thì mạnh mẽ hơn. Chính sự chánh niệm mạnh
mẽ này giúp đạo quả phát sinh. Thật vậy, phát triển chánh niệm là tạo nên một
cái trớn, giây phút chánh niệm đầu tiên tạo nên giây phút chánh niệm tiếp theo.
Bốn Yếu Tố Ðể Phát Triển Chánh Niệm
Chú giải đề cập đến bốn yếu tố giúp cho chánh niệm phát triển và trở nên mạnh mẽ
cho đến khi nó xứng đáng được mang danh hiệu là trợ bồ đề.
-
Chánh Niệm và Giác Tỉnh
Chữ giác tỉnh ở đây có nghĩa là chính xác, trọn vẹn, dùng mọi năng lực của tâm
để quán sát. Bạn phải áp dụng chánh niệm và giác tỉnh (ghi nhớ và biết mình)
trong khi theo dõi ghi nhận đề mục chính là sự chuyển động của bụng và các đề
mục khác như đau nhức, nghe, suy nghĩ v.v... Trong khi đi, đứng hay làm các tác
động khác như co duỗi tay, ngẩng đầu, cúi đầu, quay trước, quay sau...bạn cũng
phải áp dụng chánh niệm và giác tỉnh.
-
Tránh Người Không Chánh Niệm
Nếu bạn để hết tâm vào việc thực hành chánh niệm, nhưng có người không chánh
niệm đến nói chuyện quấy rầy bạn. Thử nghĩ xem, sự chánh niệm của bạn sẽ bị tan
biến mau lẹ đến chừng nào.
-
Thân Cận Người Chánh Niệm
Người chánh niệm sẽ giúp bạn có sự khích lệ lớn lao. Thân cận với họ, trong một
hoàn cảnh có thể giữ được chánh niệm, sẽ giúp bạn phát triển và đào sâu chánh
niệm.
-
Hướng Tâm Vào Sự Chánh Niệm
Hướng tâm vào sự chánh niệm có nghĩa là đặt chánh niệm lên hàng đầu, ưu tiên
cho chánh niệm, luôn luôn nhắc nhở tâm trở về với chánh niệm trong mọi lúc.
Ðiều này rất quan trọng, tạo nên thói quen không lơ là đãng trí hay quên. Bạn
nên cố gắng chánh niệm càng nhiều càng tốt. Tránh mọi hoạt động không đưa đến
chánh niệm sâu xa.
Là một thiền sinh, bạn chỉ có một việc để làm, đó là luôn luôn chánh niệm về
những gì đang xảy ra trong hiện tại. Trong một khoá thiền tích cực, bạn phải
xếp qua một bên mọi tương quan với xã hội bên ngoài. Không viết hay đọc, ngay
cả đọc kinh điển. Lúc ăn nên thận trọng không rơi vào những thói quen thất niệm
trước đây. Hãy xét xem thử thời gian, địa điểm và số lượng thực phẩm bạn ăn có
thích nghi cho việc chánh niệm không. Nếu không thì hãy điều chỉnh.
Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Hai: Trạch Pháp
Tâm ta đầy mê mờ tăm tối bao phủ, nhưng khi trí tuệ sinh khởi thì ánh sáng đến.
Mê mờ và tăm tối biến mất. Ánh sáng làm hiển lộ các hiện tượng danh sắc, giúp
tâm có thể thấy chúng một cách rõ ràng. Cũng như khi đi vào phòng tối nếu có
được một cây đèn bấm, thì ta sẽ thấy được những gì trong phòng.
Trạch Pháp trong Thiền Minh Sát không có nghĩa là tìm tòi, nghiên cứu, hay suy
nghĩ thẩm định, tuyển lựa, v.v..., mà có nghĩa là trực giác, một sự nhận biết
bằng trí tuệ để phân biệt mọi đặc tính của các hiện tượng. Chữ trạch pháp được
dịch từ danh từ Pali "vicaya" còn có nghĩa là trí tuệ thấu triệt và sáng suốt.
Khi vicaya có mặt thì trạch pháp và trí tuệ cùng hiện khởi.
Trạch pháp là thấy các pháp; ở đây là thấy các hiện tượng của thân và tâm, thấy
luật điều hành các hiện tượng đó, thấy những đặc tính riêng, cũng như những đặc
tính chung của các đối tượng. (Ðặc tính riêng của sắc là tứ đại, đặc tính của
đất, nước, gió, lửa. Ðặc tính riêng của danh là nhận biết. Ðặc tánh chung của
danh và sắc là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã, hay không có bản chất.)
Ðây là hai đặc tính mà thiền sinh phải kinh nghiệm trong khi hành thiền.
Thấy Rõ Bản Chất Các Pháp
Tính chất của trạch pháp là khả năng hiểu biết phát sinh từ sự thấy rõ bản chất
thực sự của các pháp mà không qua sự suy nghĩ.
Loại Trừ Ðen Tối
Trạch pháp có công năng loại trừ hắc ám. Khi vicaya có mặt, chánh niệm được
thắp sáng, đề mục quán sát được thấy rõ, tâm có thể nhận thức được những đặc
tính và suốt thấu được bản chất của đối tượng.
Ở một mức độ cao hơn, trí tuệ có công năng loại trừ mọi bóng tối che lấp, giúp
tâm xuyên suốt Niết Bàn.
Vậy trạch pháp là một yếu tố quan trọng trong việc hành thiền. Khi trạch pháp
yếu đuối hay vắng mặt thì ta sẽ gặp khó khăn.
Phá Tan Bối Rối Phân Vân
Khi bước chân vào một căn phòng tối tăm, bạn sẽ thấy bối rối, phân vân. Bạn có
thể tự nghĩ: "Coi chừng lại đạp lên vật gì. Lò dò như vầy, không khéo lại giập
ống quyển, va đầu vào tường như chơi". Tâm ta bối rối hỗn loạn vì không biết
trong phòng có vật gì và chúng nằm ở đâu. Cũng vậy, khi trạch pháp có mặt thì
tâm ta không ở trong tình trạnh bối rối hoang mang, đầy do dự và hoài nghi: "Có
người hay không có người? Có tự ngã hay không có tự ngã? Ta là một cá thể hay
không phải là một cá thể? Có linh hồn hay không có linh hồn? Có tinh thần hay
không có tinh thần?".
Bạn cũng có thể có những nghi ngờ như vậy. Có thể bạn nghi ngờ về vô thường,
khổ và vô ngã: "Bạn có chắc rằng mọi vật đều vô thường không? Có thể có vài thứ
không hoàn toàn khổ như những thứ khác. Có thể có một cái ta mà ta chưa tìm ra
cũng không chừng". Bạn có thể nghĩ rằng Niết Bàn chẳng qua là một chuyện thần
tiên mà thiền sư tưởng tượng ra chứ không có thật.
Sự biểu hiện của trạch pháp là xóa tan mọi bối rối hoang mang. Khi trạch pháp
có mặt thì mọi vật đều sáng sủa, và tâm có thể thấy rõ ràng những gì đang có
mặt. Khi thấy rõ bản chất của các hiện tượng tâm vật lý, bạn sẽ không còn lo
lắng phải va vào tường. Vô thường, khổ não, vô ngã sẽ được bạn thấy một cách rõ
ràng. Cuối cùng bạn sẽ chứng ngộ Niết Bàn và không còn chút hoài nghi nào nữa.
Chân Ðế
Trạch pháp làm biểu lộ các đặc tướng của chân đế hay sự thật tuyệt đối
(paramattha), nghĩa là hiểu biết đối tượng một cách trực tiếp không qua tục đế
hay khái niệm. Có ba loại chân đế: hiện tượng vật chất, hiện tượng tâm, và Niết
Bàn.
Hiện tượng vật chất bao gồm bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa. Mỗi yếu tố có những
đặc tính riêng biệt và sẵn có trong đó. Chúng ta trực nhận được những yếu tố
này ngay chính trong thân thể của chúng ta.
Yếu tố đất, hay địa đại, mang đặc tính cứng. Yếu tố nước, hay thủy đại, mang
đặc tính lỏng, hay dính hút. Yếu tố lửa, hay hỏa đại, là nhiệt độ nóng, lạnh.
Yếu tố gió, hay phong đại, là sự kéo, căng, cơ động, hay di chuyển.
Hiện tượng tâm cũng có những đặc tính riêng. Chẳng hạn tâm hay thức có đặc tính
nhận biết đối tượng và các tâm sở mang những đặc tính khác, chẳng hạn tâm sở
xúc có đặc tính xúc chạm, tâm sở thọ có đặc tính vui buồn...
Bây giờ hãy chú tâm vào sự phồng xẹp của bụng. Khi bạn chú tâm chánh niệm vào
chuyển động, bạn sẽ thấy những cảm giác bên trong như là căng thẳng, kéo, dãn,
sức ép, chuyển động, đó là những biểu hiện của yếu tố gió. Bạn cũng có thể thấy
lạnh hay nóng, đó là yếu tố lửa. Bạn có thể thấy cứng hay mềm đó là yếu tố đất.
Bạn có thể thấy lỏng hay dính hút đó là nước. Những cảm giác này là đối tượng
của tâm. Chúng là các pháp mà bạn quán sát. Nếu bạn nhận biết một cách trực
tiếp và bạn chánh niệm cảm giác một cách đặc biệt thì bạn có thể nói rằng trạch
pháp đang có mặt trong bạn.
Trạch pháp cũng có thể nhận biết được những khía cạnh khác của pháp. Khi bạn
nhận biết được chuyển động phồng xẹp, bạn có thể ngẫu nhiên ghi nhận rằng có
hai hiện tượng khác nhau đang xảy ra. Một bên là hiện tượng vật chất, cảm giác
căng cứng và chuyển động. Một bên là sự ý thức, đó là tâm ghi nhận, nhận biết
đề mục. Ðó là sự hiểu biết, xuyên thấu vào bản chất của sự vật.
Khi bạn tiếp tục hành thiền, một loại trí tuệ khác sẽ hiện khởi. Bạn sẽ thấy
rằng tất cả các pháp đều mang đặc tính vô thường, bất toại nguyện và vô ngã.
Yếu tố trạch pháp sẽ giúp bạn nhìn thấy bản chất của thế gian qua các đối tượng
thân và tâm. Khi trí tuệ nhận biết vô thường, bất toại nguyện và vô ngã chín
muồi thì bạn sẽ có đủ khả năng để chứng nghiệm Niết Bàn. Trong trường hợp này,
trạch pháp cũng còn nghĩa là thấy rõ Niết Bàn.
Niết Bàn có đặc tính xuất thế, khác hẳn các đặc tính và hiện tượng thông
thường. Vì vậy, không thể dùng ngôn ngữ thế tục để diễn đạt. Tuy nhiên, có thể
hiểu Niết Bàn là thường, vĩnh viễn, không đau khổ, an lạc và hạnh phúc. Giống
như các đối tượng khác, Niết Bàn được gọi là vô ngã, nhưng bản chất vô ngã của
Niết Bàn khác hẳn với vô ngã của các hiện tượng thông thường, vì vô ngã của
Niết Bàn không có đau khổ và vô thường, mà chỉ có an lạc và trường cửu.
Khi tâm xuyên thấu Niết Bàn, nhờ trạch pháp, ta sẽ thấy các đặc tính của Niết
Bàn một cách rõ ràng. Trạch pháp hiểu rõ bằng trí tuệ các pháp đã đưa chúng ta
đến Niết Bàn, và bấy giờ, cho chúng ta thấy Niết Bàn một cách rõ ràng.
Trí Tuệ Tự Phát Là Nguyên Nhân của Trạch Pháp
Theo Ðức Phật, chỉ có một nguyên nhân duy nhất giúp phát sinh trạch pháp, đó là
trí tuệ tự phát, sự hiểu biết trực tiếp. Muốn có được trí tuệ này, bạn phải
tích cực chánh niệm. Bạn phải ý thức một cách thông suốt bằng chánh niệm những
gì đang xảy ra, rồi tâm sẽ có trí tuệ để thấu suốt bản chất của các hiện tượng.
Sự hoàn thành này đòi hỏi phải có sự chú tâm sáng suốt, sự chú tâm thích hợp.
Khi tâm hướng về đối tượng một cách chánh niệm, bạn sẽ có trí tuệ đầu tiên, hay
tri kiến trực tiếp. Khi yếu tố trạch pháp phát sinh, thì trí tuệ sẽ đương nhiên
và tuần tự nối chân theo như một học sinh tuần tự học bậc tiểu học, trung học,
rồi lên đại học và cuối cùng, tốt nghiệp.
Bảy Cách Khác Ðể Phát Triển Trạch Pháp
Chú giải có nói lên bảy cách để giúp cho trạch pháp phát triển.
1. Ðặt Câu Hỏi
Ðó là đặt câu hỏi liên quan đến giáo pháp và việc hành thiền. Ðiều này có nghĩa
là tìm một người hiểu biết giáo pháp để nói chuyện và học hỏi. Những người Tây
phương rất dễ dàng hoàn tất điều kiện đòi hỏi đầu tiên này. Ðây là một đức tính
tốt giúp cho trí tuệ phát triển.
2. Sạch Sẽ
Sạch sẽ ở đây là sạch sẽ bên trong và sạch sẽ bên ngoài, tức là sạch sẽ chính cơ
thể mình và những gì quanh mình. Sạch sẽ bên trong, hay sạch sẽ thân, là phải
năng tắm rửa, đầu tóc gọn gàng, móng tay móng chân cắt ngắn và đừng để bị bón
uất. Sạch sẽ bên ngoài là ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng; phòng ốc thứ tự, gọn gàng
và sạch sẽ. Ðiều này giúp cho tâm trong sáng. Khi mắt nhìn thấy bụi bặm và sự
hỗn loạn thiếu ngăn nắp, thì sự bối rối hỗn loạn cũng phát sanh theo. Nhưng khi
mọi điều kiện và hoàn cảnh chung quanh đều gọn gàng, tươm tất, thì tâm sẽ trong
sáng. Một tâm trong sáng là điều kiện lý tưởng cho việc phát triển trí tuệ.
3. Quân Bình Tâm
Quân bình ngũ căn đã được đề cập ở phần trước. Tín, tấn, niệm, định, huệ phải
được phát triển hài hoà. Tín quân bình với huệ, tinh tấn quân bình với định.
Việc hành thiền tùy thuộc vào sự quân bình các lực hỗ tương này.
Nếu đức tin mạnh hơn trí tuệ thì sẽ thành cả tin. Bất cứ cái gì cũng tin được,
hoặc sẽ bị lôi cuốn bởi những tư tưởng quá sùng tín, quá mộ đạo. Ðức tin rất
cần thiết nhưng phải biết quân bình với trí tuệ. Nếu không thì đức tin sẽ trở
thành một trở ngại.
Mặt khác, nếu trí tuệ hay sự thông thái quá trội sẽ khiến tâm vọng động, suy
nghĩ, đánh giá. Nhiều lúc sẽ đưa đến hậu quả là thiền sinh sẽ tự lừa dối mình
bằng nhiều cách.
Nếu tinh tấn quá trội, thiền sinh sẽ quá thích thú và hăng say thực hành. Khi
quá hăng say thì tâm sẽ giao động bất an, không thể an trụ trên đề mục quán
sát. Khi tâm trượt khỏi đề mục, vọng động tán loạn sẽ gây ra nhiều sự khó chịu.
Nếu định nhiều quá lại có thể dẫn đến làm biếng và dã dượi buồn ngủ. Khi tâm
trở nên tĩnh lặng và dường như dễ dàng an trụ trên đề mục không rời thì thiền
sinh bắt đầu muốn nghỉ ngơi và buông lỏng; lúc đó dã dượi buồn ngủ sẽ sớm bước
chân vào.
Quân bình ngũ lực là một điều quan trọng thiết yếu mà thiền sư phải biết thấu
đáo để hướng dẫn thiền sinh. Phương pháp căn bản nhất để quân bình và tái lập
lại sự quân bình là tăng cường sức mạnh cho những lực còn lại, đó là chánh
niệm.
4 & 5. Tránh Người Thiểu Trí, Thân Cận Bậc Thiện Trí
Yếu tố thứ tư và năm hỗ trợ cho trạch pháp giác chi là tránh xa người thiểu trí
và thân cận bậc thiện trí. Thế nào là một bậc thiện trí? Thiện trí thức có thể
là người học hỏi và thông hiểu kinh điển, cũng có thể là người có tâm trí sáng
suốt, hiểu điều phải lẽ trái. Nếu thân cận với những người này, sự hiểu biết về
lý thuyết của bạn sẽ gia tăng, và bạn sẽ có thể vun bồi cho mình một thái độ
tri thức tốt đẹp. Nhưng có một loại thiện trí thức khác có thể đem lại sự hiểu
biết và thông thái cho bạn ngoài phạm vi sách vở, đó là người ít nhất đã đạt
được tuệ sinh diệt trong thiền minh sát. Ðó là tuệ thấy được sự sinh diệt của
mọi hiện tượng giới. Một người chưa đạt được tuệ này không thể dạy thiền cho
người khác được, bởi vì khi thân cận với họ, thiền sinh không thể được khích lệ
để phát sanh trạch pháp giác chi.
6. Suy Tư Ðến Những Chân Lý Thâm Sâu
Ðiều hướng dẫn này, mới nghe, dường như đi ngược hẳn với phương pháp hành thiền,
vì hành thiền là quán sát các hiện tượng danh sắc không qua suy nghĩ hay lý
luận. Ðiều căn bản của sự suy tư ở đây là suy tư đến bản chất của các hiện
tượng thân tâm dưới ánh sáng của minh sát như: ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành,
thức), suy tư về các yếu tố và đặc tính của ngũ uẩn dưới khía cạnh phi nhân
tính của chúng, nghĩa là chỉ có ngũ uẩn mà không có người, có ta trong đó.
7. Phải Hoàn Toàn Chú Tâm Vào Việc Phát Triển Trạch Pháp.
Yếu tố hỗ trợ quan trọng cuối cùng làm phát sanh trạch pháp là hoàn toàn dấn
thân vào việc phát triển trạch pháp giác chi. Luôn luôn đem hết tâm trí mình
vào việc phát triển trạch pháp và trí tuệ trực tiếp. Nhớ một điều là chẳng cần
phải lý luận hay dùng trí thông minh của mình để chia chẻ hay phân tích kinh
nghiệm của mình. Chỉ cần chăm chỉ hành thiền để gặt hái kinh nghiệm mới mẻ của
thân và tâm.