Yếu Tố Giác Ngộ Thứ Ba: Dũng Cảm Tinh Tấn
Tinh tấn là năng lực kiên trì, liên tục hướng tâm vào đối tượng quán sát. Tinh
tấn, hay viriya, được định nghĩa là viranam bhavo, "đặc tính của người hùng".
Ðiều này giúp ta hiểu được ý vị và đặc tính của việc hành thiền của chúng ta,
hàm ý rằng, ta phải dũng cảm và tinh tấn trong khi hành thiền.
Người chăm chỉ và chịu khó sẽ có khả năng làm được những việc kỳ diệu. Người
dũng cảm tinh tấn sẽ dấn bước vào khó khăn với tinh thần vô úy. Chú giải cho
rằng đặc tính của tinh tấn là sự kiên trì chịu đựng khi đương đầu với khổ đau
và khó khăn. Tinh tấn là khả năng để thấy kết quả không ngại gian nguy, không
sợ khó khăn.
Thiền sinh phải kiên nhẫn chấp nhận những khó khăn xảy đến ngay lúc bắt đầu
hành thiền. Khi đến trường thiền, bạn để lại sau lưng mọi lạc thú quen thuộc,
mọi sở thích thường ngày. Bạn phải ngủ ít lại và nằm trên một tấm đệm khiêm
nhường trong một cái cốc nhỏ hẹp. Lúc thức dậy, bạn phải tập ngồi xếp bằng bất
động nhiều giờ trong ngày. Một điều khó khăn cực kỳ đối với bạn, là trong lúc
hành thiền phải đương đầu với một con tâm bất mãn, vọng động, không chịu ở yên
trên đề mục mà chỉ muốn đi lang bạt mọi nơi, nhất là hay hướng về những gì tốt
đẹp, ưa thích tại nhà mình.
Mỗi khi bạn bắt tay vào việc hành thiền, thì dường như lúc ấy bạn cảm thấy cơ
thể mình căng thẳng khó chịu hay bị cơn đau hoành hành. Bạn cố gắng ngồi xếp
bằng cho được một tiếng trong tĩnh lặng, nhưng mới ngồi được chừng mươi lăm
phút, một con muỗi đến quấy rầy bạn, cổ bạn bị cứng, chân bạn bị tê, bạn bắt
đầu muốn nổi quạu. Bạn muốn sống một đời sống tiện nghi sung túc, cơ thể bạn
được nuông chiều, tâng tiu và đối xử dễ dãi. Bạn luôn luôn thay đổi tư thế mỗi
khi cảm thấy một chút khó chịu nhỏ xíu phát sinh. Bây giờ, than ôi, cơ thể phải
chịu muôn vàn đau khổ. Bạn bị hành hạ đủ điều, và vì cơ thể đau khổ nên khiến
bạn đau khổ theo.
Cảm giác khó chịu có sức mạnh và khả năng kỳ lạ làm cho tâm bạn mệt mỏi và tàn
tạ. Ý muốn đầu hàng luôn luôn cám dỗ bạn. Tâm bạn suy nghĩ mông lung: "Ta chỉ
cần trở chân một chút thì sẽ được định tâm ngay". Thế là chẳng bao lâu bạn chịu
đầu hàng.
Kiên Nhẫn Chịu Ðựng
Bạn cần phải dũng cảm tinh tấn, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn. Nếu bạn
gia tăng tinh tấn, tâm bạn sẽ có đủ sức mạnh để chịu đựng với đau nhức, khó
chịu, mỏi mệt một cách kiên nhẫn và can đảm. Tinh tấn có khả năng làm cho tâm
tươi mát và giữ tâm mạnh mẽ, dầu cho có gặp những hoàn cảnh khó khăn.
Có hai cách để gia tăng năng lực. Một là tự khích lệ mình. Hai là nhờ một người
bạn hay một vị thầy giúp đỡ. Chỉ cần thêm một ít năng lực là tâm bạn sẽ trở nên
mạnh mẽ.
Hỗ Trợ Cho Tâm Mệt Mỏi
Các nhà chú giải nói rằng, tinh tấn có chức năng hỗ trợ. Nó nâng đỡ tâm khi tâm
lụn bại vì sự đau nhức. Giống như những cây cột nhà to lớn nâng đỡ khiến cho
căn nhà được vững chải trong gió mưa bão táp, sự dũng mãnh tinh tấn giúp cho
thiền sinh tiếp tục hành thiền với một tinh thần hăng say và tươi mát, vượt qua
mọi sự đau nhức khó khăn. Bạn sẽ tự mình kinh nghiệm lợi ích lớn lao của tâm
dũng cảm tinh tấn này.
Thiền sinh bị đau khổ vì bệnh kinh niên có thể gặp một vài khó khăn trong lúc
hành thiền. Phải đương đầu với sự đau nhiều lần khiến năng lực của cơ thể và
tâm trí suy mòn, uể oải và chán nản. Bởi thế, chúng ta không ngạc nhiên khi
thấy những thiền sinh đau yếu vào trình pháp với tâm trạng thất vọng, chán nản.
Thiền sinh cảm thấy mình chẳng tiến bộ và cứ gặp chướng ngại mãi. Mọi cố gắng
đều như vô vọng. Thế rồi một số tư tưởng yếu đuối đến với họ. Họ muốn chịu
thua; họ muốn bỏ khoá thiền hay ngưng hành thiền một thời gian. Ðôi lúc, qua
một vài lời khuyến khích, tôi có thể giải quyết được tình trạng khó khăn này
của thiền sinh để giúp họ tự tin và tiếp tục hành thiền, và độ một vài ngày
sau, họ trở lại trạng thái bình thường và hăng say hành thiền như trước.
Ðiều quan trọng trong lúc hành thiền là có được sự khuyến khích hay khích lệ.
Sự khuyến khích và khích lệ này không phải chỉ thuần là sự tự khích lệ, tự
khuyến khích, mà còn phải có sự hỗ trợ của một người bạn đạo hay một vị thầy.
Những người này sẽ khích lệ bạn tiến bước khi bạn bị chùn bước, sẽ nâng đỡ bạn
khi bạn vấp ngã.
Tâm Dũng Cảm: Câu Chuyện Tỳ Khưu Ni Citta
Tinh tấn được biểu hiện qua lòng dũng cảm kiên trì. Câu chuyện của vị tỳ khưu
ni Citta sau đây biểu lộ cho thấy những đức tánh này.
Nhận thức được nỗi khổ của cuộc đời, thấy rõ thân tâm là nơi chất chứa biết bao
nhiêu phiền lụy, nên Citta rời bỏ đời sống thế tục, khoác áo nhà tu với mục
đích thoát khỏi đau khổ. Bất hạnh thay, tỳ khưu ni Citta bị bệnh kinh niên, và
bệnh này đến từng cơn không thể tiên liệu trước được. Có ngày Citta đang thấy
khoẻ mạnh bỗng nhiên ngã bệnh. Citta là một người có tâm kiên định. Cô muốn
giải thoát, và quyết tâm đạt cho bằng được, không ai có thể ngăn cản ý chí của
cô.
Những lúc cô mạnh khỏe, cô tích cực hành thiền đã đành, nhưng những khi bệnh
hoành hành, cô vẫn tiếp tục, mặc dầu không thể tích cực như những lúc khỏe
mạnh. Ðôi khi việc hành thiền của cô tiến triển đều đặn, bỗng nhiên cơn đau kéo
đến, thế là cô phải bị thụt lùi.
Chị của tỳ khưu ni Citta lo lắng, sợ Citta hành thiền quá sức, khuyên cô nên
lưu tâm đến sức khỏe và giảm bớt việc hành thiền, nhưng tỳ khưu ni Citta vẫn
kiên trì tinh tấn hành thiền ngày này qua ngày nọ, năm này qua năm khác không
thối chuyển. Lúc tỳ khưu ni già hơn, cô phải chống gậy để đi kinh hành, thân
thể cô ốm yếu chỉ còn da bọc xương, nhưng tâm cô ta thật hùng mạnh.
Một ngày nọ tỳ khưu ni Citta quyết định vượt qua mọi chướng ngại do bệnh tật và
tuổi già gây ra. Cô tự nhủ: "Hôm nay ta phải tận lực cố gắng, chẳng cần quan
tâm gì đến cơ thể của ta nữa. Hôm nay, hoặc là ta chết, hay phiền não sẽ bị tận
diệt".
Tỳ khưu ni Citta bắt đầu chống gậy leo lên đồi. Cô rất chánh niệm. Từng bước
từng bước, cô đi trong chánh niệm. Vừa già vừa ốm yếu, nhiều lần cô té ngã và
phải bò, nhưng cô vẫn kiên trì không thối chuyển. Cô hoàn toàn giao phó thân
mạng mình cho giáo pháp. Mỗi bước cô đi, mỗi tấc cô bò lên đỉnh đồi đều được
làm trong chánh niệm. Khi cô leo đến đỉnh đồi, cô bị mệt nhoài, nhưng tâm chánh
niệm của cô vẫn không bị phá vỡ.
Citta lập đi lập lại nhiều lần quyết định của mình: "Hoặc là ta chết, hay là
phiền não sẽ bị tiêu diệt". Cô hành thiền thật tích cực. Có bao nhiêu sức lực,
cô đều dồn vào việc hành thiền, và ngay trong ngày đó, tỳ khưu ni Citta đã đạt
được mục đích của mình. Tràn đầy hỉ lạc, tỳ khưu ni Citta xuống đồi không cần
chống gậy với một tâm sáng suốt minh mẫn. Bây giờ Citta khác hẳn lúc cô bò lên
đồi. Cô trở nên tươi tắn, khỏe mạnh và an lạc, tự tại.
Các vị tỳ khưu ni khác đều lấy làm ngạc nhiên trước sự biến đổi kỳ diệu của cô.
Họ hỏi lý do. Sau khi được Citta thuật lại mọi chuyện, họ lấy làm kính phục vô
cùng.
Ðức Phật dạy: "Dầu chỉ sống trong một ngày mà tích cực hành thiền còn hơn sống
trăm năm mà thiếu nỗ lực
". Trong công việc làm ăn cũng như trong chánh trị xã hội và giáo dục, chúng ta
thường thấy các vị lãnh đạo đều là những người tích cực làm việc. Tích cực hăng
say sẽ giúp chúng ta thành công trong mọi lãnh vực. Ðó là điều hiển nhiên trong
thực tế. Trong việc hành thiền cũng vậy. Nỗ lực tinh tấn là điều kiện tối thiết
yếu. Bạn phải chánh niệm liên tục và duy trì chánh niệm trong từng phút giây
không để gián đoạn. Trong dũng cảm tinh tấn không có chỗ cho lười biếng giải
đãi.
Sức Nóng Làm Bốc Hơi Phiền Não
Ðức Phật gọi tinh tấn là một sức nóng, atapa. Khi tràn đầy sự tinh tấn, tâm trở
nên nóng. Sức nóng của tâm có khả năng làm phiền não khô héo. Chúng ta có thể
so sánh phiền não với sự ẩm ướt. Một tâm thiếu năng lực sẽ trở thành ẩm ướt và
nặng nề bởi phiền não. Với chánh niệm mạnh mẽ, tâm sẽ làm cho phiền não bốc hơi
trước khi phiền não đụng đến nó. Như vậy, khi tâm tràn đầy năng lực tinh tấn
thì phiền não sẽ không thể đụng đến nó, và cũng không thể đến gần nó. Bất thiện
pháp không thể tấn công nó được.
Nếu nói về phân tử lượng, thì sức nóng xuất hiện dưới hình thức gia tăng rung
động, hay là giao động. Một thỏi sắt nóng đỏ thực sự đang rung động với một tốc
độ hết sức nhanh chóng và trở nên mềm dẻo thích ứng. Trong việc hành thiền cũng
vậy. Khi tinh tấn mạnh mẽ, sự rung động trong tâm gia tăng biểu hiện qua sự mềm
dẻo dễ uốn nắn. Tâm đầy năng lực nhảy từ đề mục này sang đề mục khác một cách
dễ dàng mau lẹ. Tâm vừa mới xúc chạm đã nung nóng đối tượng lên làm cho đối
tượng rung động, mềm dẻo, khiến ta mất hẳn ảo tưởng về vật cô đọng và đứng yên.
Do đó, ta thấy rõ được sự tan biến của đối tượng.
Ðôi lúc việc hành thiền đang trên đà tiến triển tốt đẹp, tinh tấn tự động làm
việc như thỏi sắt đã được nung đỏ, được lấy ra khỏi lửa, nhưng vẫn còn giữ được
sức nóng trong một thời gian. Khi phiền não cao bay xa chạy thì tâm sẽ trong
sáng thanh tịnh và sắc bén. Khi tâm trong sáng, thanh tịnh và sắc bén sẽ ý thức
và ghi nhận được chi tiết của các hiện tượng phát sanh một cách dễ dàng. Năng
lực chánh niệm này giúp tâm thấu suốt sâu xa đề mục quán sát và trụ tại đó mà
không bị tán loạn hay phân tán đi nơi khác. Khi chánh niệm và chánh định được
thiết lập thì trí tuệ phát sinh.
Với sự tinh tấn kiên trì, các yếu tố tốt đẹp của chánh niệm, chánh định và trí
tuệ phát sinh và trở nên mạnh mẽ kéo theo những điều tốt đẹp khác, những trạng
thái an lạc hạnh phúc. Tâm trong sáng sắc bén và bắt đầu đi sâu hơn vào bản
chất của sự vật.
Tai Hại Của Sự Làm Biếng Và Niềm Vui Của Giải Thoát
Nếu không kiên trì tinh tấn, thì dã dượi buồn ngủ và lười biếng sẽ tấn công
bạn; sự chú tâm sẽ trở nên cùn lụt, và bị độc hại lẻn vào. Bởi vì thiếu hay mất
sự chú tâm nên bạn chẳng còn quan tâm đến việc bạn đang còn ở trong trạng thái
thiện hảo hay xấu xa. Bạn có thể nghĩ rằng việc hành thiền của bạn đang tự động
trôi chảy đều đặn mà chẳng cần đến sự cố gắng của bạn. Ðây là một loại lười
biếng, thiếu dũng cảm có thể lôi bạn xuống dốc và tàn phá hủy diệt bạn. Tâm bạn
sẽ trở nên ẩm ướt, sũng nước và nặng nề, đầy tiêu cực, bất thiện, như một tấm
chăn bị rêu mốc vì bị vất ngoài mưa gió.
Thông thường, phiền não có thể kéo bạn vào trong dục lạc ngũ trần, đặc biệt là
vào trong tham ái. Người thiếu dũng cảm tinh tấn sẽ dễ bị tham ái lẻn vào và
dần dần bị chìm đắm vào trong dục lạc ngũ trần. Nếu tinh tấn được bơm vào, thì
tâm sẽ vượt ra khỏi tình trạng độc hại này. Khi tâm đã được tinh tấn làm cho
sung mãn sẽ trở nên nhẹ nhàng, thư thái, trơn tru, giống như một hỏa tiễn đã
vượt ra ngoài sức hút của quả đất, tiến vào không gian vô trọng lực.
Khi tâm thoát khỏi sự trì đọng nặng nề của ái dục và của sân hận thì sẽ an lạc
tĩnh lặng và tràn đầy các hạnh phúc khác. Những loại an lạc tịch tịnh êm dịu
này chỉ có thể đạt được qua sức nóng của lửa tinh tấn do chính bạn tạo nên.
Lúc bấy giờ bạn sẽ tự mình cảm nhận tự do giải thoát. Có thể một ngày nào đó,
trong khi bạn đang hành thiền, mùi thơm của bánh vừa mới chín lọt vào mũi bạn.
Nếu bạn đang chánh niệm tỉnh thức hay ghi nhớ biết mình thì bạn sẽ ghi nhận hay
niệm đấy chỉ là mùi, chỉ là hương trần, chỉ là một đề mục để hành thiền mà
không bị ảnh hưởng bởi hương vị thơm tho này. Dầu bạn biết rằng đó là hương
thơm, nhưng bạn không bị dính mắc vào hương này. Bạn sẽ không bỏ thiền, đứng
dậy để tìm hiểu xem hương đã đến từ đâu, và ai đang nấu bánh, v.v...
Cũng vậy, khi bạn đang chánh niệm tỉnh thức thì một đối tượng không hài lòng
đến với bạn, tâm sân hận cũng sẽ không phát sinh, và sự lầm lạc hay si mê cũng
sẽ vắng mặt. Khi bạn thấy rõ ràng bản chất của thân và tâm thì những yếu tố bất
thiện sẽ không điều khiển hay kiểm soát bạn được.
Thực phẩm cũng là một vấn đề thật khó khăn đối với thiền sinh, nhất là khi
thiền sinh đang tham dự một khóa thiền. Không còn bị tham luyến vào thức ăn
nữa, nhưng thiền sinh lại bị một trở ngại mới, và trở ngại lớn lao này đè nặng
tâm mình, đó là sự chán ghét thực phẩm. Khi thiền sinh thật sự chánh niệm,
thiền sinh sẽ thật sự kinh ngạc khi khám phá ra rằng thực phẩm không còn hương
vị gì đối với mình nữa. Bởi vì việc hành thiền tiến triển thâm sâu nên thiền
sinh bắt đầu thấy thực phẩm thật ghê tởm. Thiền sinh chỉ ăn vài miếng là không
muốn ăn nữa. Nhiều thiền sinh, khi kinh nghiệm được sự hỉ lạc mạnh mẽ, sự hỉ
lạc này trở thành thức ăn cho tâm họ, khiến họ hoàn toàn mất hẳn thích thú
trong việc ăn uống. Những loại thiền sinh trên nên chế ngự phản ứng này bằng
cách ăn uống cho đủ thực phẩm để duy trì năng lực của mình. Khi cơ thể thiếu
chất dinh dưỡng thì sức mạnh và năng lực sẽ bị mất, và cuối cùng việc hành
thiền sẽ bị sụp đổ tàn lụi.
Nhiều người mơ ước gặt hái nhiều lợi ích từ sự tinh tấn, nhưng nếu họ không
chịu tận lực cố gắng, thì sẽ bị nhận chìm vào trong chán nản tuyệt vọng. Tiếng
Pali chỉ hạng người này là kusita. Trong xã hội, nếu một người không chịu làm
việc để tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình sẽ bị người khác chê bai
khinh rẻ. Họ sẽ bị chê là kẻ lười biếng hay bị gán vào những danh từ xấu xa
khác. Chữ kusita đặc biệt để chỉ những ai bị người khác nhục mạ hay phỉ báng.
Trong việc hành thiền cũng vậy. Vào lúc cần nhiều tinh tấn, thiền sinh lại
không thể gom tinh tấn để đương đầu với những khó khăn, mà thu mình, rụt cổ,
nhát gan, trốn chạy, thì đó là loại thiền sinh thiếu can đảm, thiếu dũng lược.
Một người lười biếng sống trong lầm than khổ sở, không những họ không được
người khác kính mến, mà còn bị phiền não dễ dàng tấn công. Phiền não chờ đợi
lúc tinh tấn yếu kém để tấn công. Thế là tâm bị ba loại phiền não xâm nhập, đó
là dục tưởng, sân tưởng và hại tưởng. Tư tưởng tham dục, tư tưởng sân hận và ý
nghĩ làm hại kẻ khác sẽ tới tấp tấn công bạn. Lúc ấy tâm bị đàn áp đau đớn khổ
sở. Người lười biếng dễ bị những loại tâm bất thiện này chi phối. Họ cũng dễ bị
những loại bất thiện tâm khác như dã dượi, buồn ngủ chế ngự. Thêm vào đó, khi
thiếu tinh tấn, thiền sinh không thể duy trì những giới luật căn bản. Khi giới
luật bị hủy hoại thiền sinh sẽ bị mất niềm vui và lợi ích do giới luật thanh
tịnh đem lại.
Việc hành thiền bị lười biếng phá hoại trầm trọng. Lười biếng cướp mất cơ hội
để thiền sinh thấy rõ bản chất thật sự của mọi vật khiến thiền sinh không có
dịp để nâng tâm mình lên cao hơn. Thế nên Ðức Phật nói rằng những kẻ làm biếng
bị mất nhiều điều lợi ích và tốt đẹp.
Kiên Trì
Muốn cho sự tinh tấn khai triển mạnh mẽ trở thành một yếu tố giác ngộ cần phải
có sự kiên trì; có nghĩa là năng lực tinh tấn không được bỏ dở hay cô đọng mà
phải được liên tục tăng cường. Với sự kiên trì tinh tấn, tâm sẽ được bảo vệ
thoát khỏi những tư tưởng bất thiện sai lầm.
Phải có rất nhiều tinh tấn mới chế ngự được dã dượi buồn ngủ. Khi tinh tấn mạnh
mẽ, thiền sinh sẽ cảm thấy giới luật, tâm định và trí tuệ của mình bền vững.
Thiền sinh kinh nghiệm được những lợi ích do tinh tấn đem lại. Tâm thiền sinh
sáng suốt, rõ ràng, đầy sức mạnh, đầy năng lực và năng động.
Thiền sinh sẽ hiểu rõ ràng những lợi ích của tinh tấn khi chính thiền sinh
thưởng thức được những hạnh phúc kỳ diệu do việc hành thiền đem lại. Có lẽ
thiền sinh đã quán sát theo dõi những cảm giác đau nhức tột cùng và đã chinh
phục được chúng, không bị phản ứng, và cũng không bị cảm giác đau nhức này đè
bẹp. Tâm đạt được một sự thỏa thích lớn lao vì cảm nhận được sự thành công hoàn
hảo của mình. Thiền sinh cảm thấy biết ơn sự tinh tấn, vì chính nhờ tinh tấn mà
tâm không bị những nỗi khó khăn đè bẹp, đã vượt qua những khó khăn này và chiến
thắng vinh quang.
Chú Tâm Sáng Suốt Là Nguyên Nhân Phát Sinh Tinh Tấn
Ðức Phật đã tóm lược phương pháp làm cho tinh tấn hay năng lực phát sinh, đó là
sự chú tâm sáng suốt. Sự chú tâm sáng suốt giúp phát sinh ba loại tinh tấn. Ðó
là tinh tấn khởi động, tinh tấn phóng thích và tinh tấn kiên trì.
Tinh tấn khởi động, hay tinh tấn đề khởi, là tinh tấn cần thiết ở giai đoạn đầu
tiên trong khi hành thiền, đặc biệt là trong một khoá thiền. Lúc đầu tâm bị chế
phục bởi công việc mới, về lâu sau, mọi việc sẽ được ổn định. Ðể việc hành
thiền tiến triển, bạn phải nghĩ đến những lợi ích của công việc làm của bạn rồi
bắt đầu tinh tấn chú tâm chánh niệm.
Một thiền sinh mới bắt đầu hành thiền chỉ được hướng dẫn những đề mục căn bản.
Bạn chỉ chú tâm vào đề mục chính, và chỉ chú tâm vào đề mục phụ khi bạn bị
phóng tâm. Lúc này, bạn chỉ cần có loại tinh tấn đầu tiên, đó là loại tinh tấn
khởi động, giống như tầng đầu tiên của hỏa tiễn đẩy hỏa tiễn rời khỏi mặt đất.
Dầu khi bạn đã có thể chánh niệm trên đề mục chính một thời gian và lúc này tâm
bạn đã một phần nào ổn định, nhưng không phải việc hành thiền luôn luôn trơn
tru như vậy. Chướng ngại sẽ bước vào. Nào đau, nào nhức, nào buồn ngủ, v.v...
Bạn cảm thấy mình là nạn nhân đáng thương của đau nhức, không kiên nhẫn, tham
lam, dã dượi, buồn ngủ và hoài nghi. Có lẽ bạn đã từng hưởng thụ những cảm giác
an tịnh thoải mái ở một mức độ nào đó bởi vì bạn có thể an trú trong đề mục đầu
tiên một thời gian, nhưng thình lình những khó khăn tấn công bạn. Vào lúc này
tâm trở nên nhu nhược, thiếu can đảm và lười biếng. Tinh tấn khởi động không đủ
sức mạnh để đương đầu với những khó khăn này. Bạn cần phải có một hậu thuẫn đặc
biệt để đương đầu với buồn ngủ, đau nhức, để vượt qua các chướng ngại.
Loại tinh tấn thứ hai là tinh tấn triển khai hay phóng thích, giống như tầng
thứ hai của hỏa tiễn đẩy hỏa tiễn ra khỏi tầng khí quyển của trái đất. Sự khích
lệ của thiền sư sẽ giúp đỡ bạn tích cực trong giai đoạn này. Bạn cũng có thể tự
khích lệ bằng cách suy tư đến những lý do tốt đẹp để làm khởi dậy tinh tấn
phóng thích.
Trang bị bằng vũ khí dũng cảm bên trong và bên ngoài, bây giờ bạn có một liên
minh tinh tấn để quán sát sự đau nhức. Nếu bạn có thể chế ngự được sự khó khăn
của mình, bạn sẽ cảm thấy thật hăng hái, phấn khởi, và nhờ thế, sự tinh tấn của
bạn được tăng cường. Bạn sẵn sàng ghi nhận một cách chánh niệm mọi đối tượng
hiện ra. Có thể bạn chế phục được sự đau lưng, hay bạn nhìn vào trong sự tấn
công của dã dượi buồn ngủ và thấy nó biến mất giống như một làn mây mỏng. Lúc
ấy tâm sẽ trở nên tươi mát và trong sáng. Bạn sẽ cảm thấy năng lực tinh tấn lên
cao độ. Ðó là kinh nghiệm trực tiếp của tinh tấn triển khai. Sau đó, việc hành
thiền có thể tiến triển đều đặn, trơn tru, và tâm sẽ cảm thấy thoả mãn. Lúc
này, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy thiền sư bảo bạn thực tập nhiều điều đặc
biệt. Chẳng hạn, thiền sư bảo bạn chú tâm vào vài điểm đụng trong cơ thể. Sự
chú tâm này nhằm mục đích khích lệ tinh tấn kiên trì, loại tinh tấn thứ ba.
Tinh tấn kiên trì rất cần thiết để hỗ trợ cho bạn duy trì thâm sâu việc hành
thiền của mình, đưa bạn đến mục tiêu giải thoát. Loại tinh tấn này chẳng khác
nào tầng thứ ba của hỏa tiễn giúp hỏa tiễn có đủ năng lực để hoàn toàn thoát ra
khỏi sức hút của trái đất. Khi bạn phát triển tinh tấn kiên trì, bạn sẽ bắt đầu
du hành qua các tầng thiền minh sát.
Sự an lạc hạnh phúc mà bạn đạt được trong lúc hành thiền sẽ tan biến khi bạn
trở về đời sống thế tục, trừ phi bạn đạt được một mức độ an lạc tịch tĩnh thâm
sâu hơn. Bạn có thể tự kiểm nghiệm lại việc này qua kinh nghiệm hành thiền của
chính mình. Một câu hỏi cần đặt ra ở đây, là tại sao bạn hành thiền? Tôi nghĩ
rằng, mục tiêu tối thiểu của bạn là để đạt được quả tu đà hườn hay nhập lưu,
tầng giác ngộ đầu tiên giúp bạn khỏi tái sanh vào bốn đường ác. Dầu mục tiêu
của bạn là gì đi nữa, cũng đừng tự mãn cho đến khi bạn đạt được mục tiêu. Do
đó, bạn cần khai triển tinh tấn kiên trì, đừng để tinh tấn này bị giảm thiểu
hay ngưng đọng. Tinh tấn kiên trì phát triển mãi mãi cho đến khi bạn đạt đến
đích của mình. Khi tinh tấn được phát triển tốt đẹp theo đường lối này tiếng
Pali gọi là paggahita viriya.
Cuối cùng, vào giai đoạn cuối của việc hành thiền, tinh tấn thành đạt từng mức
thứ tư, đó là tinh tấn thành tựu. Tinh tấn thành tựu giúp bạn hoàn toàn thoát
khỏi sức hút của dục lạc, tiến đến giải thoát Niết Bàn. Có lẽ bạn muốn biết
giải thoát Niết Bàn là như thế nào. Ðược ! Hãy tinh tấn đi rồi bạn sẽ thấy.
Mười Một Cách Ðể Phát Sanh Tinh Tấn
Chú giải có ghi rõ mười một cách để phát sanh tinh tấn.
1. Suy nghĩ đến sự khổ ở bốn ác đạo.
Khi bạn rơi vào sự lười biếng, hãy suy tư đến những cảnh đáng sợ ở bốn ác đạo,
hay apaya. Apa- có nghĩa là thiếu, hay không có. Aya, có nghĩa là nghiệp tốt
dẫn đến an vui hạnh phúc, đặc biệt chỉ những hạnh phúc an vui ở cõi người, cõi
trời, cõi phạm thiên và Niết Bàn. Như vậy, apaya có nghĩa là nơi thiếu hạnh
phúc, thiếu an vui.
Thế nên, nếu bạn không hành thiền, bạn sẽ rơi vào khổ cảnh. Nơi đó, bạn sẽ
không có cơ hội để làm điều thiện. Có bốn cảnh khổ, nhưng cảnh dễ quán sát nhất
và hiện rõ nhất trước mắt bạn là cảnh súc sanh. Hãy xét xem những sinh vật trên
mặt đất, dưới biển cả và trên không. Chúng có thể làm được điều thiện không?
Chúng có thể làm được những điều mà chẳng ai khiển trách không?
Súc sanh sống trong mờ tối của ảo tưởng. Chúng bị si mê che ám không hiểu rõ,
không thấy rõ mọi sự. Côn trùng chẳng hạn. Chúng chẳng khác nào những bộ máy
được hoạch định sẵn bởi những cơ cấu vật chất, làm những tác động không có được
một chút khả năng lựa chọn, học hỏi, hay hiểu biết. Phần lớn súc sanh có tiến
trình tâm hạn chế trong việc sinh tồn và truyền giống.
Trong thế giới của súc sanh, cá tánh riêng biệt thật đơn giản. Chúng vừa là kẻ
sát hại, vừa là nạn nhân. Ðó là một thế giới đầy hung bạo, cá lớn nuốt cá bé.
Hãy nghĩ đến nỗi sợ hãi và vọng tưởng trong tâm của chúng sanh trong những điều
kiện bất nhân, tàn nhẫn, thiếu tình thương này. Hãy tưởng tượng đến nỗi đau khổ
và tuyệt vọng của chúng sanh bị chết dưới móng vuốt của chúng sanh khác. Chết
trong đau đớn tận cùng. Làm sao súc sanh có thể tái sanh vào một kiếp sống tốt
đẹp? Tâm lúc chết qui định cuộc sống tương lai, nhưng làm sao súc sanh có thể
thoát khỏi sự sợ hãi luôn luôn có mặt trong chúng?
Súc sanh có thể làm việc nghĩa không? Chúng có thể giữ giới được không? Chúng
có thể sống đời sống đạo đức không? Nói chi đến việc hành thiền, làm sao chúng
có thể làm được? Làm thế nào chúng hiểu cách kiểm soát và phát triển tâm cho
đến lúc thuần thục? Thật là hãi hùng, thật là đáng sợ, khi nghĩ đến một đời
sống trong đó chỉ chứa toàn là sự bất thiện.
Suy tưởng như thế sẽ giúp cho bạn tinh tấn: "Bây giờ ta là một thiền sinh. Ðây
là cơ hội tốt. Tại sao ta lại phí thời giờ để lười biếng chế ngự? hãy tưởng
tượng kiếp sau ta làm một con thú, ta sẽ không bao giờ phát triển được những
yếu tố giác ngộ. Ta không được phung phí thì giờ. Ðây là lúc ta phải cố gắng".
2. Suy nghĩ đến những lợi ích của tinh tấn
Một số lợi ích của sự tinh tấn đã được nói đến ở phần trên. Bạn có được cơ hội
quí báu để gặp Giáo Pháp, những lời dạy của Ðức Phật. Ðã có Pháp bảo, một bảo
vật quí giá không gì sánh kịp thì bạn không nên bỏ lỡ cơ hội để tiến bước trên
con đường giúp bạn thâu nhận được phần tinh túy của Giáo Pháp. Bạn có thể tự
mình chứng ngộ bốn thánh đạo, thánh quả và Niết Bàn.
Nhờ thực hành, bạn có thể chiến thắng khổ đau. Dầu bạn chưa hoàn toàn thoát
khỏi mọi đau khổ trong kiếp sống này đi nữa, bạn cũng phải tận lực để đạt được
quả nhập lưu để khỏi tái sanh vào bốn cảnh khổ. Bạn đã có duyên may gặp được
Phật pháp, không phải người nào cũng có được cơ hội này. Người gặp được Phật
Pháp là người có sự may mắn đặc biệt. Nếu không tận dụng cuộc sống này để thành
tựu đạo quả, bạn đã đánh mất một cơ hội lớn lao. Bởi thế, bạn phải dũng cảm
tinh tấn, vì không phải dễ dàng đi trên đường giải thoát này. Nếu nỗ lực kiên
trì, bạn sẽ đạt được thành quả lớn lao. Ðừng bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi này.
Nếu bạn suy tư theo cách này, tinh tấn sẽ phát sinh và bạn sẽ nỗ lực cố gắng
hành trì để đạt đến mục tiêu thấy rõ chân lý.
3. Suy Nghĩ Ðến Những Bậc Giác Ngộ Ðã Ði Trên Con Ðường Này
Ðây là con đường trong sáng tốt đẹp. Chư Phật quá khứ và môn đệ của các Ngài,
những vị A la hán và các vị thánh nhân tiếp theo đã đi trên con đường này. Nếu
bạn muốn cùng đi trên con đường thánh thiện này thì hãy kiên trì tinh tấn với
phẩm hạnh trang nghiêm và quyết tâm mạnh mẽ. Ðây là đường đi của những vị anh
hùng, những bậc vĩ nhân, không phải là của những tên vô lại, những kẻ biếng
nhác, những kẻ trốn tránh thế gian để khỏi bị nợ nần lôi kéo, những kẻ thất
tình thất chí.
Các bậc tiền bối đã đi trên con đường này có nhiều hạng. Có vị sinh từ nơi
quyền quí cao sang, đầy đủ vật chất. Có vị sống trong bần hàn cơ cực, bị mọi
điều áp bức. Thường chư Phật, chư Thánh, là những kẻ có đầy đủ sức khoẻ, có đầy
đủ tiện nghi, sanh trưởng trong các gia đình giàu có sung túc. Nếu các ngài
tiếp tục đời sống thế tục, thì các ngài cũng sẽ có một cuộc sống đầy đủ về phần
vật chất, nhưng các ngài thấy được sự trống không vô vị của thế gian, và mang
hoài bão thành tựu một hạnh phúc cao thượng hơn, vượt ra ngoài những lạc thú
tầm thường thấp kém. Cũng có những người khác sinh trưởng từ một nơi khiêm
nhường hơn. Họ ý thức được sự áp chế của xã hội, hay của người lãnh đạo, hoặc
để chống lại những khổ đau trần thế. Họ có tầm nhìn xa hơn người bình thường.
Họ muốn nhổ tận gốc rễ đau khổ chứ không muốn làm dịu bớt khổ đau hay chỉ để
trả thù đời. Những người này đã mạnh dạn bước lên trên đường dẫn đến nơi thoát
khổ.
Ðức Phật dạy rằng sự cao thượng tùy thuộc vào sự trong sạch bên trong chứ không
tùy thuộc vào giai cấp xã hội. Tất cả chư Phật và chư Thanh Văn đã có tinh thần
cao thượng, mong muốn đạt được những hạnh phúc thanh cao lớn lao, vượt khỏi
hạnh phúc chật hẹp và không vững bền của trần thế. Bởi vậy, các ngài đã rời bỏ
gia đình, đi trên đạo dẫn đến Niết Bàn. Ðó là con đường cao thượng, không phải
là con đường dành cho những kẻ bướng bỉnh, những người bỏ cuộc.
Bạn hãy nhắc nhở mình: "Những bậc thanh cao lỗi lạc đã đi trên con đường này.
Ta phải cố gắng theo chân các ngài. Ta không thể đờ đẫn, lười biếng chảy thây
đứng ì một chỗ ở đây. Ta sẽ đi với tinh thần hết sức cẩn trọng và vô úy. Ðây là
cơ hội để ta trở thành người của một gia đình cao thượng, bao gồm những thành
viên xuất chúng, đi trên con đường quí báu thanh cao. Ta nên tự chúc mừng mình
vì đã có cơ hội làm việc này. Những người như ta đã đi trên con đường này đã
giải thoát. Ta cũng vậy. Ta sẽ giải thoát, giác ngộ như họ".
Nhờ suy tư như trên, tinh tấn sẽ phát sinh và đưa bạn đến mục đích Niết Bàn.
4. Nhớ Ơn Người Khác Ðã Giúp Ðỡ Ta
Phương tiện thứ tư giúp phát sinh tinh tấn là tôn trọng và biết ơn những kẻ đã
để bát và những người đã ủng hộ tứ vật dụng cần thiết để ta có thể sống một đời
sống thánh thiện. Ðối với những nhà sư và các ni cô, điều này có nghĩa là tôn
trọng, biết ơn những người đã hỗ trợ. Không phải chỉ biết ơn vào lúc được dâng
cúng, mà phải luôn luôn ý thức rằng sự ủng hộ hay hỗ trợ của kẻ khác là để giúp
chúng ta có thể tiếp tục việc hành trì một cách tốt đẹp.
Thiền sinh cư sĩ cũng tùy thuộc vào sự hỗ trợ của người khác bằng nhiều cách.
Cha mẹ và bạn bè đã giúp ta, hoặc giúp tài chánh, hay thay ta coi sóc công việc
của ta để ta rảnh rỗi đi hành thiền. Dù ta có phải trả tiền trong khi tham dự
một khóa thiền đi nữa, ta cũng phải nhờ những sự hỗ trợ khác trong lúc hành
thiền: Chỗ ở, điện nước, thực phẩm được nấu nướng bởi những người tình nguyện
và những nhu cầu khác cũng được hỗ trợ chu đáo. Bạn phải có sự tôn trọng và
biết ơn sâu xa về những dịch vụ mà những người khác đã hỗ trợ cho bạn. Những
người hỗ trợ này là những kẻ có lòng tốt và có từ tâm rộng lớn.
Bạn có thể tự nhủ: "Ta nên hành thiền thật tinh tấn để đền ơn những người có
thiện tâm đã hỗ trợ cho ta. Ðây là cách đền đáp lòng tốt của những vị có đức
tin nhiệt thành đã tận tâm giúp đỡ ta. Ðể những nghĩa cử của họ không bị phí
phạm, ta sẽ xử dụng những gì ta được cung ứng một cách chánh niệm để phiền não
của ta bị cắt đứt bớt dần và tận diệt hầu phước báu của những kẻ đã hỗ trợ ta
mang lại kết quả tốt đẹp tương xứng".
Ðức Phật qui định giới luật để giúp chư tăng ni sống trong tinh thần hòa ái
hạnh phúc. Một trong những điều giới này cho phép chư tăng ni nhận lãnh các vật
dụng do thí chủ dâng cúng. Cho phép chư tăng ni nhận lãnh của tín thí, không
phải để chư tăng ni sống đời sống xa hoa. Tứ vật dụng do thí chủ dâng cúng gồm
thức ăn, chỗ ở, thuốc men, y phục, nhằm mục đích giúp chư tăng ni có đủ thuận
duyên tu hành để diệt bỏ phiền não. Bởi vậy, khi nhận lãnh của tín thí, chư
tăng ni phải dành hết thì giờ vào việc tu trì giới định huệ để cuối cùng giải
thoát khỏi đau khổ phiền lụy.
Bạn có thể suy tư rằng:
"Chỉ có thể hành thiền tinh tấn ta mới có thể đền đáp lòng tốt của các vị hỗ
trợ. Tích cực chánh niệm là cách thể hiện sự biết ơn của ta đối với tất cả
những người đã giúp đỡ ta có đủ phương tiện để hành thiền."
5. Suy Tư Ðến Việc Nhận Lãnh Di Sản Cao Thượng
Di sản cao thượng gồm có bảy đức tính tinh thần sau đây: đức tin, giới luật, hổ
thẹn tội lỗi, ghê sợ tội lỗi, hiểu biết giáo pháp, có sự dứt bỏ và trí tuệ. Có
sự dứt bỏ bao gồm dứt bỏ phiền não và bố thí. Trí tuệ ám chỉ những tuệ minh sát
và trí tuệ chứng ngộ Niết Bàn.
Những di sản tinh thần trên có điểm đặc biệt là những di sản mang đặc tính phi
vật chất nên không bị luật vô thường chi phối. Di sản cao thượng này khác hẳn
di sản vật chất mà ta có thể nhận được từ cha mẹ, vì là di sản vật chất nên có
thể bị mất mát, biến đổi và hủy hoại. Hơn nữa, di sản vật chất, trong nhiều
phương diện, có thể không làm cho chúng ta thỏa mãn. Một số người đã tiêu xài
nhanh chóng những gì mình nhận được. Một số khác không thấy được giá trị của
những di sản vật chất này. Trong khi đó, di sản tinh thần luôn luôn đem lại lợi
ích cho ta. Di sản cao quí này luôn luôn bảo vệ ta, và tính chất thanh cao của
di sản này không bao giờ thay đổi. Di sản này sẽ theo ta đến ngưỡng cửa tử
thần, và sẽ theo sát cánh ta dù ta luân lưu đến nơi nào trong tam giới này.
Trong cuộc sống thế tục, nếu con cái ngỗ nghịch không nghe lời cha mẹ, cha mẹ
có thể truất bãi quyền hưởng di sản của con. Cũng vậy, một người đã gặp giáo
pháp nhưng lười biếng chảy thây trong việc thực hành, thì cũng bị truất bãi
quyền hưởng bảy di sản tinh thần thanh cao. Chỉ những ai tinh tấn kiên trì với
tâm bất thối trong việc thực hành mới xứng đáng nhận lãnh di sản quí báu này.
Tinh tấn chỉ được phát triển trọn vẹn khi ta đã xuyên thấu các tuệ giác nội
quán và đạt đến thánh đạo tâm. Năng lực đã được phát triển hay đức tinh tấn
hoàn hảo này là điều kiện tất yếu để được nhận lãnh thất bảo di sản, hay gia
tài cao thượng, gồm bảy món bảo vật tinh thần quí báu này.
Nếu bạn tiếp tục kiện toàn đức tinh tấn trong khi thực hành, bảy đức tánh thanh
cao trên luôn luôn có mặt trong bạn. Suy tư như vầy, bạn sẽ có nhiều hứng khởi
để tinh tấn hành thiền.
6. Suy Tưởng Ðến Ân Ðức và Năng Lực của Ðức Phật
Sự suy tưởng thứ sáu giúp phát triển tinh tấn, đó là nghĩ đến ân đức và năng
lực lớn lao của Ðức Phật, người đã khám phá và dạy cho chúng ta con đường giải
thoát. Ðức tính vĩ đại của Ðức Phật được biểu thị qua bảy lần quả đất rung
chuyển. Quả đất rung chuyển lần đầu tiên khi Bồ tát giáng sanh vào lòng Phật
mẫu. Quả đất rung chuyển lần thứ hai khi thái tử Tất Ðạt Ða rời bỏ cung điện
tìm đường cứu khổ. Quả đất rung động lần thứ ba khi Bồ tát cảm thắng ma vương.
Quả đất rung động lần thứ tư khi Bồ tát chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh
giác. Quả đất rung động lần thứ năm khi Ðức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên.
Quả đất rung chuyển lần thứ sáu khi Ðức Phật trở về trái đất sau ba tháng giảng
dạy vi diệu pháp cho Phật mẫu tại cung trời Ðao lợi. Quả đất rung chuyển lần
thứ bảy khi Ðức Phật Niết Bàn.
Hãy suy nghĩ đến trí tuệ thâm sâu và lòng từ bi vô lượng của Ðức Phật. Biết bao
nhiêu chuyện tiền thân nói đến ba la mật hoàn hảo của Ngài. Một vị Bồ tát phải
trải qua biết bao thời gian để hoàn thành mục tiêu của mình. Biết bao ba la mật
Ngài đã thực hiện. Biết bao tình thương Ngài đã ban trải để phục vụ nhân loại
và chúng sanh.
Phải biết rằng nếu bạn tiếp tục cố gắng, bạn có thể thọ hưởng được những đức
tánh cao quí của Ðức Phật.
Trước khi Ðức Phật thành đạo, chúng sinh bị mê mờ trong đám mây đen tối của si
mê lầm lạc. Khi ánh sáng giải thoát chưa được tỏ rạng, chúng sanh mò mẫm trong
bóng đêm. Trên thế gian này, người ta đã tìm đủ mọi cách để mong đạt được an
vui hạnh phúc, từ ép xác khổ hạnh cho đến tận hưởng những lạc thú ngũ dục,
nhưng không có con đường nào dẫn con người đi đến nơi an vui hạnh phúc thật sự.
Chỉ có Ðức Phật mới tìm ra con đường giải thoát khổ đau, đến nơi an lạc hạnh
phúc trường cửu. Chúng ta là những kẻ đại phúc được đi trên con đường giải
thoát của Ngài. Vậy thì chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không tiến bước!
Thệ Nguyện Giải Thoát Chúng Sanh
Trong một tiền kiếp của Ðức Phật, Ngài là một đạo sĩ ẩn cư tên là Sumedha. Ðây
là chuyện xảy ra hằng a tăng kỳ vào thời Ðức Phật Dipankara (Phật Nhiên Ðăng).
Ðạo sĩ Sumedha, thấy rõ sự đau khổ của chúng sanh trong vòng mê tối trông chờ
sự xuất hiện của Ðức Phật. Ngài thấy chúng sanh cần phải được hướng dẫn để qua
bờ kia một cách an toàn. Thế nên đạo sĩ Sumedha đã từ bỏ sự đắc đạo mà Ngài có
đủ khả năng để đạt được ngay trong kiếp sống ấy. Từ đấy, ngài phải trải qua bốn
a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp để kiện toàn ba la mật mà trở thành một bậc
chánh đẳng chánh giác. Với năng lực của một bậc chánh đẳng chánh giác, Ngài sẽ
hướng dẫn cho vô số chúng sanh giải thoát chứ không phải chỉ một mình Ngài. Khi
công hạnh đầy đủ, đạo sĩ trở thành một vị Phật, một người phi thường, cao
thượng hơn hẳn mọi người khác.
Muốn trở thành một vị Phật, Ngài đã kiện toàn ba sự thành tựu sau đây: thành
tựu nhân, thành tựu quả, và thành tựu phục vụ. Nhờ đức hạnh, Ngài đã thành tựu
nhân dẫn đến giác ngộ, đó là sự tinh tấn mà Ngài đã đào luyện trong nhiều kiếp
sống để kiện toàn ba la mật, sức mạnh tinh thần của sự thanh tịnh tâm.
Rất nhiều câu chuyện thuật lại đức từ bi và giới hạnh của Ðức Bồ tát. Từ kiếp
này sang kiếp khác, ngài đã hi sinh chính mình cho hạnh phúc an vui của kẻ
khác. Sự phát triển tâm thanh tịnh là nền tảng cho sự giác ngộ của Ngài dưới
cội cây bồ đề. Sự giác ngộ này được gọi là thành tựu quả, vì đó là kết quả tự
nhiên của thành tựu nhân hay sự khai triển năng lực mạnh mẽ của tâm thanh tịnh.
Thành tựu thứ ba của Ðức Phật là thành tựu trong sự phụng sự kẻ khác qua nhiều
năm giảng dạy. Sau khi thành đạo, Ngài không an hưởng hạnh phúc một mình, mà
với tình thương rộng lớn, Ngài ban bố giáo pháp cho mọi người, giúp những người
có duyên lành thấy rõ đạo giác ngộ. Ngài tích cực trong việc giáo hóa chúng
sanh cho đến ngày Ngài Niết Bàn.
Suy tư đến những đức tính hoàn hảo của Ðức Phật sẽ giúp bạn tinh tấn dũng mãnh
trong việc hành thiền.
Lòng Bi Mẫn Dẫn Ðến Hành Ðộng
Lòng bi mẫn là động lực duy nhất đã khiến Bồ tát Sumedha hi sinh sự thành đạo
của mình ngay trong kiếp sống đó để nỗ lực tinh tấn trở thành một vị Phật. Thấy
chúng sanh đắm chìm trong đau khổ vì không được người hướng dẫn, Bồ tát, với
tình thương bao la, thệ nguyện đạt thành trí tuệ cao cả để giải thoát chúng
sanh ra khỏi vòng luân hồi đau khổ triền miên này.
Lòng bi mẫn đưa đến hành động. Và hành động phải có trí tuệ lèo lái mới đem lại
những lợi ích thiết thực. Trí tuệ giúp Ngài biết rõ hướng đi, biết đâu là chánh
đạo, đâu là mê đồ. Tình thương giúp Ngài có can đảm và nghị lực để hoàn thành
mục tiêu. Nếu có lòng bi mẫn mà không có trí tuệ, bạn có thể gây ra nhiều tai
hại cho kẻ khác hơn là giúp đỡ. Nếu có trí tuệ mà không có lòng bi mẫn, bạn sẽ
dửng dưng trước những đau khổ của kẻ khác.
Cả hai, trí tuệ và lòng bi mẫn phải được kiện toàn nơi một vị Phật. Nhờ có tình
thương nên Bồ tát đã chịu luân lưu trong vòng luân hồi nhiều đời nhiều kiếp,
chịu biết bao khổ sở để kiện toàn ba la mật hầu có đủ năng lực giúp đỡ chúng
sanh đang đắm chìm trong đau khổ. Ngài có đủ đức nhẫn nhục, sức chịu đựng kiên
trì, để đương đầu với những lời nói khiếm nhã nhục mạ, những hành động thô bạo
xâm phạm đến thân thể Ngài. Nhờ có trí tuệ Ngài đã có thái độ thích nghi trong
mọi hoàn cảnh, có hành động hợp lý và sáng suốt, biết rõ những gì cần làm và
những gì không nên làm, biết cách chế ngự và kiểm soát thân tâm mình và biết
cách hướng dẫn người khác đi theo chánh đạo.
Tình thương của Ðức Phật lớn lao hơn cả tình thương của tất cả những người mẹ
trên thế gian cộng lại. Người mẹ có khả năng tha thứ lớn lao vì việc nuôi dưỡng
một đứa trẻ không phải là chuyện dễ dàng. Nhiều đứa trẻ có tánh tình hung bạo
đã làm tổn thương tình cảm và gây nên thương tích cho mẹ. Dầu cho có bị tổn
thương đến đâu, mẹ vẫn có thể sẵn sàng tha thứ. Ðức tha thứ của Ðức Phật còn to
lớn hơn nhiều. Ngài tha thứ cho tất cả chứ không riêng cho những người thân yêu
của mình. Ðức tha thứ là một biểu hiện của lòng từ bi.
Kiếp nọ, Bồ tát sanh làm một con khỉ. Một hôm đang đi trong rừng, khỉ thấy một
người bà la môn đang đau khổ tuyệt vọng dưới một cái hố sâu. Ðộng lòng trắc ẩn,
Bồ Tát tiến đến gần hố để cứu. Nhưng Ngài phân vân không biết mình có đủ sức
mạnh để đưa người đàn ông ra khỏi hố sâu không. Trí tuệ phát sanh, Bồ tát bèn
thử khả năng của mình bằng cách nâng một tảng đá gần đó và đặt lại chỗ cũ. Sau
khi nâng thử tảng đá, thấy mình đủ sức, Bồ tát bèn lần xuống hố cứu người bà la
môn.
Ðưa được người bà la môn ra khỏi hố, Bồ tát mệt nhoài nằm dài dưới đất. Người
bà la môn vô ơn, không nghĩ đến công lao của Bồ tát, bưng một tảng đá thật lớn
đập vào đầu Ngài. Y muốn giết Bồ tát để lấy thịt. Bồ tát tỉnh dậy, thấy mình
gần chết, Ngài hiểu biết mọi sự, nhưng vẫn không tức giận. Ðây là sự biểu hiện
đức tính tha thứ của Ngài. Ngài nói với người bà la môn trong từ ái: "Ta đã cứu
ngươi, nhưng ngươi lại giết ta? Ngươi thử nghĩ xem như vậy có nên không?".
Nói xong, Bồ tát đuối sức muốn tắt thở. Thế nhưng Bồ tát chẳng hề oán giận
người bà la môn mà lại lo ngại cho y. Bồ tát tự nhủ: "Không biết mình chết đi,
người bà la môn có thể tìm ra đường để thoát khỏi khu rừng rậm này không?". Với
tình thương tràn đầy, Bồ tát cắn răng chịu đựng đau nhức, dồn hết sức tàn đưa
người bà la môn ra khỏi khu rừng dày đặc.
Gió dường như ngừng thổi, cây rừng im lìm bất động, chim chóc ngưng tiếng hót.
Bồ tát kiên trì nặng nề lê bước. Máu từ vết thương của Ngài rơi từng giọt trên
đường. Vừa đến được lối mòn dẫn ra khỏi khu rừng, Bồ tát trút hơi thở cuối
cùng. Ðất trời rung chuyển, thác nước đổ ầm ầm, mây mờ u ám tiếc thương.
Ngay khi là một con khỉ, tình thương của Bồ tát còn tràn đầy như vậy. Hãy tưởng
tượng xem, cho đến lúc công hạnh viên mãn, trở thành một vị Phật tình thương
của Ngài bao la đến đâu!
Hoàn Toàn Giác Ngộ
Trải qua vô số kiếp thực hiện lý tưởng Bồ tát, hoàn thành ba la mật, kiếp cuối
cùng, Ngài là một vị thái tử sinh ra ở Trung Ấn Ðộ. Ngài đã chịu đựng nhiều thử
thách trước khi khám phá ra con đường cao thượng. Nhờ con đường này, Ngài trực
nhận sâu xa ba đặc tánh vô thường, khổ, và vô ngã của các hiện tượng giới. Nhờ
thực hành thâm sâu, Ngài tuần tự vượt qua các tuệ giác, và cuối cùng giác ngộ
quả vị A la hán hoàn toàn diệt trừ tham sân si, trở thành bậc Chánh Biến Tri,
thông hiểu mọi sự. (Lúc Ðấng Chánh Biến Tri muốn thông hiểu điều gì, Ngài chỉ
cần hướng tâm đến điều đó, thì tức thời câu trả lời sẽ hiện ra trong tâm Ngài).
Khi thành đạo, Ðức Phật được gọi là thành tựu quả. Sự thành tựu này là kết quả
của sự hoàn thành những nguyên nhân và những điều kiện tiên khởi mà Ngài đã vun
bồi từ nhiều kiếp trước.
Sau khi trở thành Phật, Ngài vẫn không quên lý tưởng mà Ngài đã quyết tâm theo
đuổi và thực hiện qua nhiều a-tăng-kỳ kiếp, kể từ lúc Ngài còn là đạo sĩ
Sumedha. Mục đích chính yếu của hành trình gian khó và lâu dài của Ngài là để
giúp chúng sanh vượt qua biển khổ. Cho đến khi thành đạo, biết bao công hạnh,
từ bi và trí tuệ đã được Ngài vun bồi. Dựa trên hai đặc tính quan trọng, từ bi
và trí tuệ, Ðức Phật giảng giải giáo pháp suốt bốn mươi lăm năm cho đến khi
Ngài nhập Niết Bàn. Mỗi ngày, Ðức Phật chỉ nghỉ hai tiếng đồng hồ. Ngài dành
thì giờ còn lại để phụng sự giáo pháp, giúp chúng sanh hưởng hạnh phúc an vui
bằng nhiều cách. Trước giờ cuối cùng từ giã cuộc đời, Ngài còn độ cho một tu sĩ
ngoại đạo là Subhadda giác ngộ giáo pháp cao thượng, trở thành một vị A la hán.
Công trình giáo hóa phục vụ của Ngài gọi là sự "thành tựu công đức phục vụ".
Ðây là kết quả đương nhiên của thành tựu nhân và thành tựu quả. Tại sao lúc còn
là đạo sĩ Sumedha, Bồ tát đã có đủ khả năng để giác ngộ và hoàn toàn thoát khỏi
mọi phiền não, mà Ngài lại khước từ để tiếp tục luân lưu trên thế gian này,
sống chung đụng với mọi người? Câu trả lời là: bởi vì tình thương rộng lớn nên
Ngài muốn giúp chúng sanh thoát khổ bằng cách chỉ cho họ thấy chánh đạo. Ðây là
tình thương rộng lớn nhất, trong sạch nhất, và là trí tuệ thâm sâu nhất.
Trí tuệ hoàn hảo giúp Ðức Phật phân biệt rõ ràng đâu là lợi ích, đâu là tai
hại. Nếu không có sự phân biệt tối quan trọng này, làm thế nào Ngài có thể giúp
đỡ những chúng sanh khác? Cần phải có trí tuệ để thấy rõ con đường đi đến an
vui hạnh phúc, và con đường dẫn đến đau khổ lầm than. Nhưng phải có tình thương
để khỏi dửng dưng trước số phận của chúng sanh, để tích cực đưa chúng sanh đi
trên đường an vui hạnh phúc. Với lòng từ bi, Ðức Phật khuyên bảo, khích lệ
chúng ta tránh xa những hành động làm tổn hại và gây đau khổ cho kẻ khác. Với
trí tuệ, Ðức Phật biết lựa chọn những lời giáo huấn thích hợp, chính xác và đầy
hiệu quả để hướng dẫn chúng ta. Sự hài hoà trí tuệ và tình thương đã khiến Ðức
Phật đã trở thành một bậc đạo sư vô thượng. Ðức Phật không hề có tư tưởng vị kỷ
mong muốn được ca tụng vinh danh, hay được tín đồ tâng bốc nịnh hót. Ngài hòa
với mọi người nhưng không đồng với họ. Ngài đến với chúng sanh nhằm mục đích
chỉ ra chính đạo để chúng sanh tận dụng khả năng của chính mình giải thoát mọi
khổ đau. Ðó là tình thương cao cả của Ngài. Sau khi làm xong bổn phận, Ngài trở
về tịnh cư trong rừng. Ngài không sống quần tụ, đùa cợt và không bị đồng hóa
với đám đông như người thế. Ngài không tán tụng sự giàu có hay tri thức của thế
tục. Ngài không bao giờ lấy làm hãnh diện có được những tín đồ giàu có hay học
thức. Chẳng khi nào Ngài giới thiệu học trò mình với mọi người theo lối người
thế tục: "Ðây là học trò tôi, một thương gia giàu có. Ðây là giáo sư nổi tiếng,
v.v...". Rất khó để sống độc cư hay ẩn cư. Không một người bình thường nào có
thể vui hưởng một đời sống cô tịch hoàn toàn ngoại trừ Ðức Phật. Bởi thế, Ngài
là một người phi thường.
Vài Hàng Nhắn Nhủ Các Vị Hướng Dẫn Tinh Thần
Ðây là một điểm quan trọng cho những ai muốn trở thành một pháp sư hay một
thiền sư. Cần phải thực hành một cách kín đáo, thận trọng đối với đệ tử của
mình. Nếu có một sự liên hệ nào với họ, phải luôn luôn ghi nhớ rằng đây là một
sự liên hệ trong tình thương lớn lao theo gương của Ðức Phật. Quá thân thiết
với thiện tín là một điều nguy hiểm, một sự tai hại lớn lao. Nếu thiền sư quá
thân mật với thiền sinh, dần dần thiền sinh sẽ coi thường và mất lòng kính
trọng.
Thiền sư phải theo gương Ðức Phật để có thái độ thích hợp trong khi chia xẻ
giáo pháp với người khác. Ðừng lấy làm tự mãn vì đã trở thành một người dạy đạo
nổi tiếng và hiệu quả. Phải dạy đạo với lòng chân chính từ bi. Thiền sư phải cố
gắng đem lại lợi ích cho thiền sinh qua cách trình bày kỹ thuật thực hành để
điều phục thân, khẩu, ý hầu có được chân bình an hạnh phúc. Thiền sư phải liên
tục xem xét mục đích của việc dạy đạo của mình để điều hướng hành động và tư
tưởng mình đúng theo chánh đạo.
Một lần được hỏi: "Thế nào là phương cách dạy thiền có hiệu quả nhất?". Tôi đã
trả lời: "Trước tiên và quan trọng hàng đầu là phải thực hành cho đến khi thiền
của mình trở nên tinh luyện, xảo diệu. Thứ đến là phải học hỏi thâm sâu giáo
pháp kinh điển. Cuối cùng là phải áp dụng hai khả năng trên một cách chân chánh
từ bi để hướng dẫn người khác. Dạy đạo trên căn bản của ba yếu tố này chắc chắn
sẽ đem lại hiệu quả tốt".
Nhiều người có danh tiếng, được thành công một cách kỳ lạ nhờ ở "dịp may" hay
nghiệp của họ. Họ không cần phải thành tựu nhân như Ðức Phật đã làm. Họ không
cần phải cố gắng, nhưng họ vẫn được giàu có. Nhiều người cho là họ có vận hên.
Những người này bị thiên hạ chỉ trích: "Tôi không hiểu vì sao ông ta, bà ta đạt
được địa vị này, ông ta, bà ta làm biếng hết sức, lại thiếu học hành. Thật
chẳng xứng đáng với sự may mắn này".
Một số khác làm việc chăm chỉ, hăng say, nhưng có lẽ họ chẳng có thông minh,
hay chẳng có năng khiếu đặc biệt gì, nên nếu có đạt được mục đích, thì cũng đạt
được một cách chậm trễ. Họ không thể thành tựu quả. Những người như thế cũng bị
thiên hạ chỉ trích: "Ðúng là ông già đau khổ. Ông ta làm việc cật lực, nhưng
cũng chẳng được gì, vì đầu óc ông trống rỗng, đần độn, v.v..". Cũng có một số
người thông minh, tài trí có thừa nhưng không gặp thời vận, thất bại liên miên,
cũng không được thiên hạ trọng nể. Lại có một số khác làm việc rất chăm chỉ và
thành công nhưng không giúp đỡ kẻ khác họ cũng bị thiên hạ chỉ trích là ích kỷ,
bỏn xẻn, không có lòng nhân từ, v.v...
Trên thế gian này không ai là không bị chỉ trích. Những lời chỉ trích đôi khi
đúng và đôi khi sai. Người ta thường có thói xấu là hay nói sau lưng người
khác. Một số phê bình chỉ trích chỉ là những lời đồn đãi nhảm nhí, một số nói
đến sự thật nhưng chỉ nói đến những lầm lạc và khiếm khuyết của người khác.
Những người thành công bằng bất cứ lý do nào, nhờ may mắn hay tài trí, sau khi
thành đạt ước mơ của mình, họ an hưởng sự giàu sang phú quý và chẳng chia xẻ gì
cho người khác. Ðức Phật, trái lại, sau khi thành tựu viên mãn, Ngài bắt đầu
phục vụ nhân loại, phục vụ chúng sanh, giúp họ thoát khỏi khổ đau đến nơi an
vui hạnh phúc. Ðức Phật là người đặc biệt, Ngài thành tựu cả ba: nhân, quả và
phục vụ. Người ta có thể viết một quyển sách nói lên những sự vĩ đại, sự hoàn
hảo của Ðức Phật, người khám phá và bậc thầy của đạo giải thoát. ở đây tôi chỉ
muốn mở một cánh cửa để các bạn chiêm nghiệm đức hạnh của Ngài hầu có thể khai
triển tinh tấn trong việc hành thiền của các bạn. Chiêm nghiệm sự vĩ đại của
Ðức Phật, bạn sẽ hết lòng kính mộ và quí mến Ngài. Bạn sẽ cảm thấy rất sung
sướng hân hoan có cơ hội kỳ diệu để đi trên con đường mà đấng cao thượng đã
khám phá và dạy dỗ. Dĩ nhiên bạn hiểu rõ rằng, để đi trên một con đường như thế
này, bạn không được nhu nhược, đần độn hay biếng nhác.
Cầu mong các bạn đầy hứng khởi, đầy can đảm, mạnh mẽ và kiên trì, và mong các
bạn tiếp tục đi trên con đường này cho đến đích cuối cùng.
7. Suy Nghĩ Ðến Sự Vĩ Ðại Của Giòng Dõi Chúng Ta
Chúng ta hành thiền theo kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthana sutta), bởi vậy chúng ta
được coi như là người thuộc dòng dõi cao thượng của Ðức Phật. Bạn có thể tự hào
gọi mình là con trai hay con gái của Ðức Phật.
Khi hành Thiền Minh Sát là bạn đã được tiếp huyết pháp bảo. Dù bạn có sanh sau
thời kỳ Ðức Phật bao lâu đi nữa, dù bạn có thuộc chủng tộc, tín ngưỡng, hay
phong tục nào đi nữa, nếu thực hành giới, định, huệ, thì bạn là những thành
viên của gia đình pháp bảo. Giáo pháp là máu huyết của chúng ta. Chúng ta có
chung dòng máu với những kẻ cao thượng đã được đào luyện cùng một phương cách
vào thời kỳ Ðức Phật. Chúng ta hãy tinh tấn thực hành, biết vâng lời và tôn
kính, sống theo lý tưởng cao cả và vĩ đại của dòng dõi này.
Anh chị của chúng ta trong thời kỳ Phật còn tại thế là những người có sự chăm
chỉ và can đảm lớn lao. Họ không bao giờ thối bước hay đầu hàng. Họ luôn luôn
cố gắng cho đến khi hoàn toàn thoát khỏi mọi đau khổ. Vì chúng ta là con cháu
của giòng dõi vĩ đại cao quí này, nên chúng ta phải luôn luôn tận lực cố gắng
hoàn thành lý tưởng, không chùn bước hay đầu hàng.
8. Suy Tưởng Ðến Sự Cao Quí Của Bạn Ðạo
Ðiều thứ tám làm gia tăng tinh tấn là sự suy tưởng đến sự cao quí của những
người bạn đạo của chúng ta. Tiếng Pali gọi những pháp hữu cao quí này là
brahmacariya, có nghĩa là những người sống một đời sống thánh thiện.
Ðầu tiên, những người bạn đạo cao quí này là các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, sa di,
sa di ni. Tỳ kheo ni đoàn của Phật Giáo Nguyên Thủy nay đã mất. Có thể nói vào
thời đại của chúng ta chỉ có tỳ kheo và sa di thực hành theo giới luật của Ðức
Phật. Còn thiện nam tín nữ, tu nữ (silashin), dù giữ ít giới luật hơn, nhưng
sống đời sống thánh thiện.
Dầu tại gia hay xuất gia, mọi thiền sinh đều thực hành giới, định, huệ. Là một
thiền sinh, bạn giữ giới hạnh của những vị học trò của Ðức Phật lúc Ngài còn
tại tiền, đó là các Ngài Sariputta (Xá Lợi Phất), Ngài Moggallana (Mục Kiền
Liên), hai vị thượng thủ thinh văn của Phật, cũng như Ngài Ca Diếp. Về phía tỳ
khưu ni, có trưởng lão ni Gotami và môn đệ, cùng rất nhiều vị tỳ kheo ni cao
quí và dũng cảm, kiên trì để thành tựu giáo pháp. Tất cả những người cao quí ấy
là bạn của chúng ta trong đời sống thánh thiện. Chúng ta có thể đọc tiểu sử của
những vị này để chiêm nghiệm đức thanh cao, tính can đảm và lòng nhiệt thành
của các ngài.
Khi suy tưởng đến điều này, chúng ta có thể tự hỏi: "Liệu chúng ta có thể sống
một đời sống lý tưởng và tiêu chuẩn thanh cao như các ngài không?" Chúng ta
cũng có thể lấy làm hãnh diện và đầy hứng khởi để nghĩ rằng chúng ta đang có
được sự hỗ trợ của tất cả các bằng hữu cao thượng trên trong khi nỗ lực tinh
tấn hằng ngày.
Câu Chuyện Về Trưởng Lão Ni Sona: Không Muốn, Không Yêu Thương
Trưởng lão ni Sona trước khi xuất gia là một người mẹ của mười đứa con. Chúng
lớn lên, dần dần thành lập gia đình và ở riêng. Khi đứa con cuối cùng thành gia
thất, chồng bà quyết định xuất gia tu hành. Một thời gian sau, Sona gom góp tất
cả tài sản chia cho các con và bảo chúng tuần tự nuôi dưỡng mình.
Lúc đầu bà rất hạnh phúc. Bà lần lượt đến thăm hết đứa này đến đứa khác. Lúc ấy
bà cũng đã già rồi. Nhưng dần dần về sau, các con của bà cảm thấy mệt mỏi khi
bà đến ở với họ, vì họ phải bận rộn với gia đình của chính họ. Các con dâu và
con rể thường than vãn, tỏ vẻ khó chịu và miễn cưỡng mỗi khi bà đến thăm.
Thấy mình bị hất hủi, bị đối xử thiếu tình thương, bà đâm ra buồn nản và nhận
ra rằng mình đang có một đời sống không thoải mái thanh cao chút nào. Có lúc bà
nghĩ đến cái chết, nhưng bà thấy đây là giải pháp không thỏa đáng. Thế là bà
quyết định đến chùa xin xuất gia.
Sau khi xuất gia, bà không thể đi khất thực hay làm các công việc khác trong
chùa vì quá già. Hằng ngày bà chỉ giữ nhiệm vụ nấu nước cho các ni sư. Dầu đã
già yếu, nhưng Sona rất thông minh. Nghĩ đến hoàn cảnh của mình, bà tự nhủ: "Ta
chẳng còn sống được bao lâu nữa. Ta phải lợi dụng cơ hội này để tích cực hành
thiền, không để mất một giây phút nào".
Vì quá già yếu nên lúc kinh hành, ni sư Sona phải vịn vào tường, đi vòng quanh
chùa. Lúc kinh hành trong rừng, Sona chọn nơi có cây mọc gần nhau rồi từ từ đi
từ cây này sang cây khác. Nhờ chuyên cần tinh tấn với tâm quyết định dũng mãnh,
chẳng bao lâu ni sư Sona đắc quả A la hán.
Chúng ta có thể thấy rằng sự vô ơn của đám con bà Sona là cơ duyên tốt để bà
Sona giác ngộ. Sau khi thành đạo, ni sư Sona thường nói: "Hãy nhìn trong thế
gian. Con người bị dính mắc vào đời sống gia đình và muốn hưởng hạnh phúc thế
tục. Nhưng vì bị con cái hất hủi, nên ta đã từ bỏ gia đình, sống đời sống không
nhà. Nhờ thế mà bây giờ ta đã đạt được chân lý giải thoát".
Vào thời ni sư Sona, rất dễ vào chùa để xin xuất gia và trở thành một ni sư.
Ngày nay, phái nữ không có cơ hội để xuất gia thành một tỳ khưu ni vì ni đoàn
đã mất, nhưng đừng lấy thế làm thất vọng. Nếu một phụ nữ muốn từ bỏ đời sống
thế tục vẫn có thể vào chùa xin tu.
Mặc dầu một cách tinh xác theo giới luật, thì phụ nữ ngày nay không thể thành tỳ
khưu ni, nhưng theo kinh tạng, thì phụ nữ hiện nay vẫn có thể trở thành tỳ khưu
hay tỳ khưu ni theo lời dạy của Ðức Phật. Vì theo kinh tạng, điều kiện đòi hỏi
để một người trở thành tỳ khưu, tỳ khưu ni, là phải thực tâm thanh lọc tâm ý
đúng theo bát chánh đạo. Như vậy, phụ nữ không bị mất đặc quyền trở thành một
tỳ khưu ni trong thời đại này mà họ có thể trở thành một tỳ khưu nữa.
9. Tránh Xa Người Biếng Nhác
Cách thứ chín làm phát sanh tinh tấn là tránh xa người biếng nhác. Có những
người không thích mở mang tâm trí. Họ chẳng muốn tự thanh lọc tâm mình. Họ chỉ
muốn ăn, ngủ và vui chơi theo ý họ. Họ chẳng khác nào con trăn sau khi nuốt mồi
nằm bất động hằng giờ. Làm sao bạn có hứng khởi đẩy mạnh tinh tấn khi thân cận
với những hạng người này? Bạn cần phải tránh xa việc nhập bọn với những kẻ
biếng nhác chảy thây này. Có tránh xa hạng người này thì bạn mới có thể bước
được một bước tích cực để triển khai hạnh tinh tấn.
10. Làm Bạn Với Người Siêng Năng Tinh Tấn
Bây giờ, bạn hãy bước thêm một bước nữa để thân cận với các thiền sinh tinh tấn
kiên trì trong việc đào luyện tinh thần qua việc nỗ lực hành thiền. Ðây là cách
thứ mười để làm phát sanh tinh tấn.
Người bạn siêng năng tinh tấn ở đây đặc biệt được đề cập đến là những thiền
sinh trong khóa thiền, nhưng thực ra, bạn có thể thân cận với những người có
nhiệt tâm với giáo pháp, kiên nhẫn, chịu đựng và quyết tâm tinh cần chánh niệm
từng giây phút một và kiên trì tinh tấn ở mức độ cao. Một người để hết tâm trí
vào việc phát triển tinh thần, chú trọng đến sức khỏe của tâm, là người bạn tốt
nhất của thiền sinh.
Trong khóa thiền, bạn có thể noi theo gương của những thiền sinh gương mẫu. Bạn
có thể nhìn cung cách và việc thực hành của họ mà cố bắt chước theo cho bằng
hay vượt hơn họ. Ðiều này sẽ giúp bạn phát triển chính mình. Bạn sẽ tập nhiễm
theo thói quen tinh cần của họ. Hãy theo gương các người siêng năng tinh tấn để
tạo sự siêng năng tinh tấn cho chính mình.
11. Kiên Trì Hướng Tâm Vào Việc Phát Triển Ðức Tinh Tấn
Cách cuối cùng và tốt nhất để làm phát sanh tinh tấn là kiên trì hướng tâm vào
việc phát triển đức tinh tấn. Chìa khoá của việc thực hành này là phải đề ra
một quyết tâm. "Tôi sẽ cố gắng chánh niệm trong từng giây từng phút. Tôi không
để tâm phiêu bồng trượt khỏi đề mục trong khi ngồi, đứng, đi, di chuyển từ nơi
này đến nơi khác. Tôi không để một phút giây chánh niệm nào bị vất bỏ". Nếu bạn
không tinh cần mà lại bất cẩn, thiếu thận trọng, hoặc có tinh thần chủ bại, thì
việc hành thiền của bạn sẽ bị tan rã ngay từ phút đầu.
Mỗi phút giây phải được vun bồi bằng sự dũng cảm tinh tấn này. Phải có nỗ lực
tinh cần bền bỉ. Mỗi khi lười biếng lẻn vào, dù chỉ trong phút giây, bạn phải
chụp lấy ngay và đẩy ra ngoài. "Kosajja", hay lười biếng, là một trong những
yếu tố phá hoại lớn lao nhất trong việc hành thiền. Bạn có thể loại trừ nó bằng
đức tinh tấn bao gồm can đảm, bền chí, kiên nhẫn, chịu đựng.
Hy vọng tinh tấn sẽ phát sinh trong bạn qua mỗi một hay toàn thể mười một cách
trên, để bạn có thể tiến nhanh trên đạo giải thoát và cuối cùng nhổ tận gốc rễ
mọi phiền não trói buộc.