Trung Tâm Hộ Tông Trang Chủ
Soạn giả:
Tỳ khưu Hộ Pháp |
PHẦN I BÀI KINH DẠY VỀ NGHIỆP Tích chuyện cậu Subha Cậu Subha là con trai của phú hộ Todeyya. Trong kinh thành Sāvatthi, phú hộ Todeyya có của cải đến 87 koṭi (870 triệu), nhưng ông nổi tiếng là người keo kiệt bủn xỉn trong của cải tài sản của mình. Tuy ông được sinh ra trong thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, nhưng ông không từng làm phước thiện bố thí cúng dường đến Đức Phật dù chỉ là một muỗng cháo, một vá cơm. Đến lúc lâm chung, ông phú hộ Todeyya có tâm tham luyến tiếc của cải tài sản ấy, cho nên sau khi chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh làm con chó trong nhà cũ của ông. Con chó được cậu Subha hết mực thương yêu, hễ cậu dùng món ăn nào thì nó cũng được ăn món ăn ấy; nó còn được cậu bồng ẵm cho nằm trên giường sang trọng. Canh chót đêm ấy, sau khi xả đại bi định, Đức Thế Tôn quán xét chúng sinh nên tế độ, thì thấy con chó trong nhà cậu Subha. Ngài quán xét thấy rõ con chó ấy vốn tiền kiếp là ông phú hộ Todeyya; vì tâm luyến tiếc của cải tài sản lúc lâm chung, cho nên sau khi chết, ác nghiệp cho quả tái sinh làm con chó trong nhà của ông. Buổi sáng ngày hôm sau, Đức Thế Tôn đi khất thực đến đứng trước biệt thự của cậu Subha. Nhìn thấy Đức Thế Tôn, con chó chạy ra sủa. Khi ấy, Đức Thế Tôn gọi nó Todeyya, tên tiền kiếp của nó, nó tủi phận chạy vào nhà nằm trên đống tro bên cạnh bếp lò. Đó là nguyên nhân khiến cậu Subha tìm đến gặp Đức Thế Tôn vấn đạo. Sau khi lắng nghe Đức Thế Tôn giải đáp những điều thắc mắc của mình, cậu Subha phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo rồi xin thọ phép quy y Tam Bảo. Còn con chó sau khi chết, ác nghiệp lại cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci. Nhân duyên Đức Phật thuyết bài kinh Cūḷakammavibhaṅgasutta Đức Thế Tôn quán xét thấy rõ cậu Subha sẽ xin thọ phép quy y Tam Bảo, cho nên, buổi sáng hôm ấy, Đức Thế Tôn ngự đi khất thực đến đứng trước biệt thự của cậu Subha. Khi ấy, cậu Subha đi vắng, con chó nhìn thấy Đức Thế Tôn nó chạy ra sủa. Đức Thế Tôn gọi tên con chó rằng: - Này Todeyya, ngươi không biết thân phận làm chó của ngươi, mà còn sủa Như Lai nữa. Kiếp sau ngươi còn phải tái sinh trong đại địa ngục Avīci. Nghe Đức Thế Tôn truyền như vậy, con chó vô cùng khổ tâm, cúi đầu chạy vào nhà và đến nằm chỗ đống tro gần bếp. Những người trong nhà không một ai có thể bồng nó lên nằm trên giường sang trọng của nó. Cậu Subha trở về nhà nhìn thấy con chó đáng yêu của mình nằm chỗ đống tro gần bếp, nên hỏi rằng: - Ai đem con chó xuống nằm chỗ này vậy? Những người trong nhà thưa rằng: - Thưa cậu chủ, không có ai bồng nó xuống nằm chỗ ấy. Nó tự đến nằm, chúng tôi đã cố gắng bồng nó lên nằm trên giường, nhưng nó không chịu. - Thưa cậu chủ, nguyên do sự việc xảy ra như vầy: Sáng nay, Samôn Gotama đi khất thực đến đứng trước cổng nhà, con chó nhìn thấy Samôn Gotama, nó chạy ra sủa thì Samôn Gotama truyền rằng: “Này Todeyya, ngươi không biết thân phận làm chó của ngươi sao, mà còn sủa Như Lai nữa. Kiếp sau ngươi còn phải tái sinh trong đại địa ngục Avīci”. Nghe như vậy, con chó vô cùng đau khổ chạy vào nhà và đến nằm trên đống tro gần bếp. Nghe người nhà thuật lại như vậy, cậu Subha nổi giận nói rằng: - Thân phụ của ta đã tái sinh lên cõi Phạm thiên, làm gì có con chó tên Todeyya. Nhưng tại sao Samôn Gotama gọi con chó bằng tên thân phụ của ta. Samôn Gotama chỉ nói nhảm mà thôi. Cậu Subha muốn tìm đến Đức Thế Tôn để hăm dọa Ngài, vì lời nói của Ngài. Cậu Subha liền đi thẳng đến ngôi chùa Jetavana gặp Đức Thế Tôn để hỏi rõ những sự việc xảy ra có đúng như những người trong nhà thuật lại hay không? Đức Thế Tôn xác nhận đúng sự thật như vậy, rồi Ngài hỏi cậu Subha rằng: - “Này Subha, những thứ của báu mà cha của con đã chôn giấu nơi nào, ông có nói cho con biết hay không?” Nghe Đức Thế Tôn hỏi như vậy, cậu Subha liền phát sinh tâm tham những thứ của báu ấy, nên tâm không còn tức giận nữa, mà từ tốn bạch rằng: - Kính bạch Đức Samôn Gotama, cha của con chôn giấu những thứ của báu như: Những thỏi vàng đáng giá 100 ngàn kahāpana, đôi dép bằng vàng đáng giá 100 ngàn kahāpana, và nhiều báu vật vô giá khác… ở chỗ nào, mà cha của con không nói cho con biết. Nay cha của con đã chết rồi thì làm sao con có thể biết được? Bạch Ngài. - Này Subha, con trở về nhà, cho con chó ăn món cơm nấu bằng sữa tươi với nước mía… rồi bồng ẵm nó lên nằm trên giường. Khi nó vừa bắt đầu ngủ, con vỗ về hỏi nó về những thứ của báu chôn giấu chỗ nào. Nó sẽ chỉ chỗ ấy cho con biết. Cậu Subha phát sinh tâm tham hoan hỷ nghĩ rằng: “Nếu có thật thì ta được những thứ của báu ấy. Nếu không có thật thì ta sẽ trở lại để hăm dọa Samôn Gotama vì lời nói của Ngài”. Cậu Subha làm theo lời chỉ dẫn của Đức Thế Tôn, con chó thức dậy, nhảy xuống giường vừa chạy vừa kêu, đến chỗ chôn giấu những thứ của báu, nó lấy chân cào chỗ ấy. Cậu Subha đào xuống đất và gặp được những báu vật của người cha đã chôn giấu, mà cậu không biết. Được những thứ báu vật ấy, cậu Subha phát sinh tâm vô cùng hoan hỷ, đồng thời phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Thế Tôn - Bậc Toàn Giác biết rõ mọi điều, mà những người khác không có một ai biết được như Ngài. Cậu Subha đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, cậu đặt 14 câu hỏi, bạch hỏi Đức Thế Tôn, kính xin Ngài giải đáp những câu hỏi ấy. Đó là nguyên nhân mà Đức Thế Tôn thuyết bài kinh Cūḷakammavibhaṅgasutta. Nội dung bài kinh Cūḷakammavibhaṅgasutta Con là Ānanda, được nghe bài kinh Cūḷakammavibhaṅga-sutta từ nơi kim ngôn của Đức Thế Tôn như vầy: Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana của ông phú hộ Anāthapiṇḍika gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy, cậu Subha là con của ông phú hộ Todeyya đến hầu đảnh lễ, vấn an Đức Thế Tôn xong, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Cậu Subha con của ông phú hộ Todeyya bạch hỏi rằng: - Kính bạch Đức Gotama, pháp nào là nhân, là duyên phân loại con người thấp hèn hoặc con người cao quý trong đời này như: Số người chết yểu, số người sống lâu. Số người có nhiều bệnh hoạn, số người có ít bệnh hoạn. Số người có thân hình xấu xí, da dẻ sần sùi đáng ghê sợ; số người xinh đẹp, da dẻ hồng hào duyên dáng đáng chiêm ngưỡng. Số người có ít quyền lực, số người có nhiều quyền lực. Số người có ít của cải tài sản, số người có nhiều của cải tài sản. Số người sinh trong gia đình thuộc dòng dõi thấp hèn, số người sinh trong gia đình thuộc dòng dõi cao quý. Số người không có trí tuệ, số người có nhiều trí tuệ. Kính bạch Đức Gotama, pháp nào là nhân, là duyên phân loại con người thấp hèn hoặc cao quý như vậy? Bạch Ngài. Đức Thế Tôn truyền dạy rằng: - “Này Subha, tất cả chúng sinh đều có nghiệp là của riêng mình, họ là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra họ, nghiệp là bà con thân quyến của họ, nghiệp là nơi nương nhờ của họ. Chính nghiệp phân loại chúng sinh thấp hèn hoặc cao quý”. - Kính bạch Đức Gotama, con không thể hiểu rõ ý nghĩa rộng lớn của lời dạy tóm tắt ấy, bởi vì Ngài chưa phân tích giảng giải. Kính xin Đức Gotama phân tích giảng giải rộng cho con hiểu rõ ý nghĩa của lời dạy tóm tắt ấy. Bạch Ngài. - Này Subha, như vậy, con hãy nên chú tâm lắng nghe. Như Lai sẽ phân tích giảng giải. Cậu Subha con của ông Todeyya cung kính vâng lời dạy của Đức Thế Tôn rằng: Kính bạch Đức Gotama, dạ con xin vâng lời Ngài. Khi ấy Đức Thế Tôn truyền dạy rằng: 1. Người chết yểu - Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người sát hại sinh mạng của chúng sinh, là người tàn nhẫn có bàn tay đẫm máu, hăng say trong sự sát hại chúng sinh, không có lòng thương xót đến tất cả chúng sinh cùng khổ… Sau khi người ấy chết, ác nghiệp sát sinh ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác nghiệp sát sinh ấy không có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), mà nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người chết yểu (do quả của ác nghiệp sát sinh trong kiếp quá khứ của họ). Này Subha, sát hại sinh mạng của chúng sinh, tâm tàn nhẫn, bàn tay đẫm máu, hăng say trong sự sát hại chúng sinh, không có lòng thương xót đến tất cả mọi chúng sinh cùng khổ là tạo ác nghiệp dẫn đến cho quả làm người chết yểu. 2. Người sống lâu - Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người không sát hại sinh mạng của chúng sinh, là người tránh xa sự sát sinh, từ bỏ khí giới sát sinh, có tâm hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi, có lòng thương xót đến tất cả mọi chúng sinh cùng khổ, có tâm từ bi tế độ đến tất cả mọi chúng sinh. Sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không sát sinh ấy cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới, cõi trời (do nhờ thiện nghiệp mà họ đã tạo trong kiếp trước). Hoặc sau khi người ấy chết, nếu thiện nghiệp không sát sinh ấy không cho quả tái sinh lên cõi trời mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người sống lâu (do nhờ quả của thiện nghiệp không sát sinh trong kiếp quá khứ của họ). Này Subha, không sát hại sinh mạng của chúng sinh, tránh xa sự sát sinh, từ bỏ khí giới sát sinh, tâm biết hổ thẹn tội lỗi và biết ghê sợ tội lỗi, thương xót tất cả mọi chúng sinh, tâm từ bi tế độ đến tất cả mọi chúng sinh là tạo thiện nghiệp dẫn đến cho quả làm người sống lâu. 3. Người có nhiều bệnh hoạn - Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người thường hay hành hạ, làm khổ chúng sinh bằng tay chân, hoặc bằng cách ném đá, hoặc đánh bằng gậy gộc, hoặc bằng khí giới… Sau khi người ấy chết, ác nghiệp hành hạ làm khổ chúng sinh cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác nghiệp hành hạ làm khổ chúng sinh không có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), mà do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người có nhiều bệnh hoạn (do quả của ác nghiệp hành hạ, làm khổ chúng sinh trong kiếp quá khứ của họ). Này Subha, thường hành hạ, làm khổ chúng sinh bằng tay chân, hoặc bằng cách ném đá, hoặc đánh bằng gậy gộc, hoặc bằng khí giới… là tạo ác nghiệp dẫn đến cho quả làm người có nhiều bệnh hoạn. 4. Người có ít bệnh hoạn - Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người không hành hạ, không làm khổ chúng sinh bằng tay chân, hoặc bằng cách ném đá, hoặc đánh bằng gậy gộc, hoặc bằng khí giới… Sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không hành hạ, không làm khổ chúng sinh cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới, cõi trời. Hoặc sau khi người ấy chết, nếu thiện nghiệp không hành hạ, không làm khổ chúng sinh không có cơ hội cho quả tái sinh lên cõi trời, mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người có ít bệnh hoạn (do nhờ quả của thiện nghiệp không hành hạ, không làm khổ chúng sinh trong kiếp quá khứ của họ). Này Subha, không hành hạ, không làm khổ chúng sinh bằng tay chân, hoặc bằng cách ném đá, hoặc đánh bằng gậy gộc, hoặc bằng khí giới… là tạo thiện nghiệp dẫn đến cho quả làm người có ít bệnh hoạn. 5. Người xấu xí, da dẻ sần sùi đáng ghê sợ - Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người có tính hay nóng giận, thường căm tức nhiều, khi bị người khác xúc phạm dù chút đỉnh cũng phát sinh tâm sân hận, căm thù, giận dữ, gây tai hại, hành động tàn ác, biểu lộ tính hung ác. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp sân hận ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác nghiệp sân hận ấy không có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), mà do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người xấu xí, da dẻ sần sùi đáng ghê sợ (do quả của ác nghiệp sân hận trong kiếp quá khứ của họ). Này Subha, tính hay nóng giận, thường căm tức nhiều, khi bị người khác xúc phạm dù chút đỉnh cũng phát sinh tâm sân hận, căm thù, giận dữ, gây tai hại, hành động tàn ác, biểu lộ tính hung ác là tạo ác nghiệp dẫn đến cho quả làm người xấu xí, da dẻ sần sùi đáng ghê sợ. 6. Người xinh đẹp, da dẻ hồng hào đáng ngưỡng mộ - Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người không hay nóng giận, tâm mát mẻ, không tức giận; khi bị người khác xúc phạm cũng không phát sinh tâm sân hận, không oán thù, không giận dữ, không gây tai hại, không hành động tàn ác, không biểu lộ tính hung ác. Sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không sân hận ấy cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới, cõi trời. Hoặc sau khi người ấy chết, nếu thiện nghiệp không sân hận ấy không cho quả tái sinh lên cõi trời, mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người xinh đẹp, da dẻ hồng hào đáng ngưỡng mộ (do nhờ quả của thiện nghiệp không sân hận trong kiếp quá khứ của họ). Này Subha, tính không hay nóng giận, không tức giận; khi bị người khác xúc phạm cũng không phát sinh tâm sân hận, không oán thù, không giận dữ, không gây tai hại, không hành động tàn ác, không biểu lộ tính hung ác là tạo thiện nghiệp dẫn đến cho quả làm người có thân hình xinh đẹp, da dẻ hồng hào đáng ngưỡng mộ. 7. Người có ít quyền lực Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người có tính hay ganh tỵ, tỏ ra ganh tỵ, sinh tâm ganh tỵ trong lợi lộc, lễ vật, tôn kính, yêu mến, lễ bái, cúng dường của người khác. Sau khi người ấy chết, ác nghiệp ganh tỵ ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác nghiệp ganh tỵ ấy không có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), mà do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người có ít quyền lực (do quả của ác nghiệp ganh tỵ trong kiếp quá khứ của họ). Này Subha, tính hay ganh tỵ, tỏ ra ganh tỵ, sinh tâm ganh tỵ trong lợi lộc, lễ vật, tôn kính, yêu mến, lễ bái, cúng dường của người khác là tạo ác nghiệp dẫn đến cho quả làm người có ít quyền lực. 8. Người có nhiều quyền lực Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người không có tính ganh tỵ, không tỏ ra ganh tỵ, không sinh tâm ganh tỵ trong lợi lộc, lễ vật, tôn kính, yêu mến, lễ bái, cúng dường của người khác (là người có tâm hoan hỷ). Sau khi người ấy chết, thiện nghiệp không ganh tỵ ấy cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới, cõi trời. Hoặc sau khi người ấy chết, nếu thiện nghiệp không ganh tỵ ấy không có cơ hội cho quả tái sinh lên cõi trời, mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người có nhiều quyền lực (do nhờ quả của thiện nghiệp không ganh tỵ trong kiếp quá khứ của họ). Này Subha, tính không ganh tỵ, không tỏ ra ganh tỵ, không sinh tâm ganh tỵ trong lợi lộc, lễ vật, tôn kính, yêu mến, lễ bái, cúng dường của người khác (là người có tâm hoan hỷ) là tạo thiện nghiệp dẫn đến cho quả làm người có nhiều quyền lực. 9. Người có ít của cải Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người không bố thí cơm, nước, vải, xe cộ phương tiện, hoa, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở đến Samôn, Bàlamôn… Sau khi người ấy chết, ác nghiệp không bố thí ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), mà do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người có ít của cải (do quả của ác nghiệp không bố thí trong kiếp quá khứ của họ). Này Subha, tính không bố thí cơm, nước, vật thực, vải, xe cộ phương tiện, hoa, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở đến Samôn, Bàlamôn… là tạo ác nghiệp dẫn đến cho quả làm người có ít của cải (người nghèo khổ). 10. Người có nhiều của cải Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người hay làm phước bố thí cơm, nước, vải, xe cộ phương tiện, hoa, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở đến Samôn, Bàlamôn… Sau khi người ấy chết, thiện nghiệp bố thí ấy cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới, cõi trời. Hoặc sau khi người ấy chết, nếu thiện nghiệp bố thí ấy không có cơ hội cho quả tái sinh lên cõi trời, mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người có nhiều của cải (do nhờ quả của thiện nghiệp bố thí trong kiếp quá khứ của họ). Này Subha, tính hay làm phước bố thí cơm, nước, vải, xe cộ phương tiện, hoa, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở đến Samôn, Bàlamôn… là tạo thiện nghiệp dẫn đến cho quả làm người có nhiều của cải (người giàu có). 11. Người sinh trong gia đình thuộc dòng dõi thấp hèn Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người có tính ngã mạn, khó dạy, không biết đảnh lễ bậc đáng đảnh lễ (như Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng…, Đức Phật Độc Giác, bậc có giới đức cao thượng…); không biết cung kính đón rước bậc đáng đón rước, không biết nhường chỗ cao quý cho bậc đáng nhường chỗ, không biết tránh đường cho bậc đáng tránh đường, không biết cung kính cúng dường bậc đáng cung kính cúng dường, không biết tôn trọng bậc đáng tôn trọng, không biết lễ bái cúng dường bậc đáng lễ bái cúng dường… Sau khi người ấy chết, ác nghiệp không tôn kính ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác nghiệp không tôn kính ấy không có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), mà do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ sinh trưởng trong gia đình thuộc dòng họ thấp hèn (do quả của ác nghiệp không tôn kính trong kiếp quá khứ của họ). Này Subha, tính ngã mạn, khó dạy, không biết đảnh lễ bậc đáng đảnh lễ (như Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng…, Đức Phật Độc Giác, bậc có giới đức cao thượng…); không biết cung kính đón rước bậc đáng đón rước, không biết nhường chỗ cao quý cho bậc đáng nhường chỗ, không biết tránh đường cho bậc đáng tránh đường, không biết cung kính cúng dường bậc đáng cung kính cúng dường, không biết tôn trọng bậc đáng tôn trọng, không biết lễ bái cúng dường bậc đáng lễ bái cúng dường… là tạo ác nghiệp dẫn đến cho quả làm người trong gia đình thuộc dòng dõi thấp hèn. 12. Người sinh trong gia đình thuộc dòng dõi cao quý Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người có tính dịu dàng, không ngã mạn, dễ dạy, biết đảnh lễ bậc đáng đảnh lễ (như Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng…, Đức Phật Độc Giác, bậc có giới đức cao thượng…), biết cung kính đón rước bậc đáng đón rước, biết nhường chỗ cao quý cho bậc đáng nhường chỗ, biết tránh đường cho bậc đáng tránh đường, biết cung kính cúng dường bậc đáng cung kính cúng dường, biết tôn trọng bậc đáng tôn trọng, biết lễ bái cúng dường bậc đáng lễ bái cúng dường… Sau khi người ấy chết, thiện nghiệp biết tôn kính ấy cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới, cõi trời. Hoặc sau khi người ấy chết, nếu thiện nghiệp biết tôn kính ấy không cho quả tái sinh lên cõi trời, mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người sinh trưởng trong gia đình thuộc dòng dõi cao quý (do nhờ quả của thiện nghiệp biết tôn kính trong kiếp quá khứ của họ). Này Subha, tính dịu dàng, không ngã mạn, dễ dạy, biết đảnh lễ bậc đáng đảnh lễ (như Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng…, Đức Phật Độc Giác, bậc có giới đức cao thượng…), biết cung kính đón rước bậc đáng đón rước, biết nhường chỗ cao quý cho bậc đáng nhường chỗ, biết tránh đường cho bậc đáng tránh đường, biết cung kính cúng dường bậc đáng cung kính cúng dường, biết tôn trọng bậc đáng tôn trọng, biết lễ bái cúng dường bậc đáng lễ bái cúng dường… là tạo thiện nghiệp dẫn đến cho quả làm người trong gia đình thuộc dòng dõi cao quý. 13. Người không có trí tuệ Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người gần gũi thân cận với Samôn hay Bàlamôn mà không bạch hỏi rằng: Kính bạch Ngài, pháp nào là pháp thiện? Pháp nào là pháp bất thiện (ác pháp)? Pháp nào là pháp có tội? Pháp nào là pháp vô tội? Pháp nào là pháp nên thực hành? Pháp nào là pháp không nên thực hành? Pháp nào mà con đã thực hành rồi, sẽ đem lại sự bất lợi, sự khổ não lâu dài? Pháp nào mà đã con thực hành rồi, sẽ đem lại sự lợi ích, sự an lạc lâu dài?... Sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh). Hoặc sau khi người ấy chết, nếu ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh), mà do nhờ thiện nghiệp khác cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người không có trí tuệ (do quả của ác nghiệp ấy trong kiếp quá khứ của họ). Này Subha, gần gũi, thân cận Samôn hoặc Bàlamôn mà không bạch hỏi rằng: Kính bạch Ngài, pháp nào là pháp thiện? Pháp nào là pháp bất thiện (ác pháp)? Pháp nào là pháp có tội? Pháp nào là pháp vô tội? Pháp nào là pháp nên thực hành? Pháp nào là pháp không nên thực hành? Pháp nào mà con đã thực hành rồi, sẽ đem lại sự bất lợi, sự khổ não lâu dài? Pháp nào mà đã con thực hành rồi, sẽ đem lại sự lợi ích, sự an lạc lâu dài? Đó là ác nghiệp dẫn đến cho quả làm người không có trí tuệ (người ngu dốt). 14. Người có nhiều trí tuệ Này Subha, trong đời này, một số người đàn ông hay đàn bà là người gần gũi thân cận với Samôn hay Bàlamôn và thường bạch hỏi rằng: Kính bạch Ngài, pháp nào là pháp thiện? Pháp nào là pháp bất thiện (ác pháp)? Pháp nào là pháp có tội? Pháp nào là pháp vô tội? Pháp nào là pháp nên thực hành? Pháp nào là pháp không nên thực hành? Pháp nào mà con đã thực hành rồi, sẽ đem lại sự bất lợi, sự khổ não lâu dài? Pháp nào mà con đã thực hành rồi, sẽ đem lại sự lợi ích, sự an lạc lâu dài?...
Sau khi người ấy chết, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới, cõi trời. Hoặc sau khi người ấy chết, nếu thiện nghiệp ấy không cho quả tái sinh lên cõi trời mà lại cho quả tái sinh trở lại làm người trong cõi người này, thì người ấy sẽ là người có nhiều trí tuệ (do nhờ quả của thiện nghiệp ấy trong kiếp quá khứ của họ). Này Subha, khi gần gũi, thân cận Samôn hoặc Bàlamôn và thường bạch hỏi rằng: Kính bạch Ngài, pháp nào là pháp thiện? Pháp nào là pháp bất thiện (ác pháp)? Pháp nào là pháp có tội? Pháp nào là pháp vô tội? Pháp nào là pháp nên thực hành? Pháp nào là pháp không nên thực hành? Pháp nào mà con đã thực hành rồi, sẽ đem lại sự bất lợi, sự khổ não lâu dài? Pháp nào mà con đã thực hành rồi, sẽ đem lại sự lợi ích, sự an lạc lâu dài? Đó là thiện nghiệp dẫn đến cho quả làm người có nhiều trí tuệ. Này Subha, tóm lại nghiệp và quả của nghiệp là như sau: Hành ác nghiệp sát sinh, quả của ác nghiệp sát sinh là người chết yểu, trở thành người chết yểu. Hành thiện nghiệp không sát sinh, quả của thiện nghiệp không sát sinh là người sống lâu, trở thành người sống lâu. Hành ác nghiệp hành hạ chúng sinh, quả của ác nghiệp hành hạ chúng sinh là người có nhiều bệnh hoạn, trở thành người có nhiều bệnh hoạn. Hành thiện nghiệp không hành hạ chúng sinh, quả của thiện nghiệp không hành hạ chúng sinh là người có ít bệnh hoạn, trở thành người có ít bệnh hoạn. Hành ác nghiệp sân hận, quả của ác nghiệp sân hận là người xấu xí, trở thành người xấu xí, da dẻ sần sùi đáng ghê sợ. Hành thiện nghiệp không sân hận (có tâm từ), quả của thiện nghiệp không sân hận (có tâm từ) là người xinh đẹp, trở thành người xinh đẹp, da dẻ hồng hào đáng chiêm ngưỡng. Hành ác nghiệp hay ganh tỵ, quả của ác nghiệp hay ganh tỵ là người có ít quyền lực, trở thành người có ít quyền lực. Hành thiện nghiệp không ganh tỵ (hoan hỷ), quả của thiện nghiệp không ganh tỵ (hoan hỷ) là người có nhiều quyền lực, trở thành người có nhiều quyền lực. Hành ác nghiệp không bố thí, quả của ác nghiệp không bố thí là người có ít của cải, trở thành người có ít của cải (người nghèo khổ). Hành thiện nghiệp bố thí, quả của thiện nghiệp bố thí là người có nhiều của cải, trở thành người có nhiều của cải (người giàu có). Hành ác nghiệp khó dạy, không biết tôn kính, quả của ác nghiệp khó dạy, không biết tôn kính là người thấp hèn, trở thành người sinh trong dòng dõi thấp hèn. Hành thiện nghiệp dễ dạy, biết tôn kính, quả của thiện nghiệp dễ dạy, biết tôn kính là người cao quý, trở thành người sinh trong dòng dõi cao quý. Hành ác nghiệp không học hỏi về ác pháp, thiện pháp từ các bậc thiện trí, quả của ác nghiệp không học hỏi về ác pháp, thiện pháp là người không có trí tuệ, trở thành người không có trí tuệ (người ngu dốt). Hành thiện nghiệp học hỏi về ác pháp, thiện pháp từ các bậc thiện trí, quả của thiện nghiệp học hỏi về ác pháp, thiện pháp là người có trí tuệ, trở thành người có nhiều trí tuệ. Này Subha, tất cả mọi chúng sinh đều có nghiệp là của riêng họ, họ là người thừa hưởng quả của nghiệp của họ; nghiệp là nhân sinh ra họ, nghiệp là bà con thân quyến của họ; nghiệp là nơi nương nhờ của họ. Chính nghiệp phân loại chúng sinh thấp hèn hoặc cao quý. Khi nghe Đức Thế Tôn truyền dạy như vậy, cậu Subha con của ông Todeyya bạch với Đức Thế Tôn rằng: Kính bạch Đức Gotama, lời giáo huấn của Ngài rõ ràng quá! Kính bạch Đức Gotama, lời giáo huấn của Ngài rõ ràng quá! Kính bạch Đức Gotama, ví như lật ngửa ra vật nằm sấp, hoặc mở ra vật bị đóng, hoặc chỉ đường cho người lạc đường, hoặc rọi đèn vào chỗ tối tăm để cho người có đôi mắt sáng được nhìn thấy mọi vật như thế nào, Đức Thế Tôn thuyết pháp bằng nhiều cách cũng rõ ràng như thế ấy. Kính bạch Đức Gotama, con thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức Gotama, nơi Đức Pháp và nơi chư Tỳ khưu Tăng. Kính xin Đức Gotama công nhận con là người cận sự nam đã quy y nương nhờ nơi Tam Bảo kể từ nay cho đến trọn đời. (Xong bài kinh Cūḷakammavibhaṅgasutta)
Kinh Mahākammavibhaṅgasutta 4 Hạng Người Một đoạn trong bài kinh Mahākammavibhaṅgasutta Đức Phật thuyết giảng cho Ngài Đại đức Ānanda, có 4 hạng người trong đời như sau: - Này Ānanda, trong đời này, có 4 hạng người, đó là: 1. Trong đời này, một số người là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi số người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh. 2. Trong đời này, một số người là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi số người ấy chết, ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau, mà là thiện nghiệp khác có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời. 3. Trong đời này, một số người là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi số người ấy chết, thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời. 4. Trong đời này, một số người là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi số người ấy chết, thiện nghiệp ấy không có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau, mà là ác nghiệp khác có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh. 4 Nhóm Samôn, Bàlamôn 1. Này Ānanda, một số Samôn hoặc Bàlamôn nhờ sự tinh tấn đè nén được phiền não chướng ngại, nên tâm an định, không dễ duôi, tinh tấn không ngừng dẫn đến chứng đắc thiên nhãn thông trong sáng hơn hẳn mắt thường của con người, có định tâm vững chắc nhìn thấy rõ người kia là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; và thấy rõ sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh. Vị Samôn hay Bàlamôn công bố rằng: - Thưa quý vị, điều đó chứng tỏ rằng: “Có các ác nghiệp, và cũng có quả của các ác nghiệp”. Thật vậy, chính tôi có thiên nhãn thông trong sáng nhìn thấy số người kia là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; và tôi cũng thấy rõ sau khi số người ấy chết, ác nghiệp ấy cho quả cả thảy đều bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh. Thưa quý vị, những người nào là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, ác nghiệp cho quả cả thảy đều bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh. Những người nào thấy và biết như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng; còn những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai. Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng: “Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”. 2. Này Ānanda, một số Samôn hoặc Bàlamôn nhờ tinh tấn đè nén được phiền não chướng ngại, nên tâm an định, không dễ duôi, tinh tấn không ngừng dẫn đến chứng đắc thiên nhãn thông trong sáng hơn hẳn mắt thường của con người, có định tâm vững chắc nhìn thấy rõ người kia là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; và thấy rõ sau khi người ấy chết, được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời. Vị Samôn hay Bàlamôn ấy công bố rằng: - Thưa quý vị, điều đó chứng tỏ rằng: “Không có các ác nghiệp, và cũng không có quả của các ác nghiệp”. Thật vậy, chính tôi có thiên nhãn thông trong sáng nhìn thấy rõ người kia là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; và tôi cũng thấy rõ sau khi người ấy chết, được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời. Thưa quý vị, những người nào là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; tất cả những người ấy sau khi chết, cả thảy đều được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời. Những người nào thấy và biết như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng; còn những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai. Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng: “Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”. 3. Này Ānanda, một số Samôn hoặc Bàlamôn nhờ tinh tấn đè nén được phiền não chướng ngại, nên tâm an định, không dễ duôi, tinh tấn không ngừng dẫn đến chứng đắc thiên nhãn thông trong sáng hơn hẳn mắt thường của con người, có định tâm vững chắc nhìn thấy rõ người kia người là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; và thấy rõ sau khi người ấy chết, thiện nghiệp ấy cho quả được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời. Vị Samôn hay Bàlamôn ấy công bố rằng: - Thưa quý vị, điều đó chứng tỏ rằng: “Có các thiện nghiệp, và cũng có quả của các thiện nghiệp”. Thật vậy, chính tôi có thiên nhãn thông trong sáng nhìn thấy rõ người kia là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; và tôi cũng thấy rõ sau khi người ấy chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời. Thưa quý vị, những người nào là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, thiện nghiệp cho quả cả thảy đều tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời. Những người nào thấy và biết như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng; còn những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai. Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng: “Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng” 4. Này Ānanda, trong đời này, một số Samôn hoặc Bàlamôn nhờ tinh tấn đè nén được phiền não chướng ngại, nên tâm an định, không dễ duôi, tinh tấn không ngừng dẫn đến chứng đắc thiên nhãn thông trong sáng hơn hẳn mắt thường của con người, có định tâm vững chắc nhìn thấy rõ người kia là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; và thấy rõ sau khi người ấy chết, bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh. Vị Samôn hay Bàlamôn ấy công bố rằng: Thưa quý vị, điều đó chứng tỏ rằng: “Không có các thiện nghiệp, và cũng không có quả của các thiện nghiệp”. Thật vậy, chính tôi có thiên nhãn thông trong sáng nhìn thấy rõ người kia là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; và tôi cũng thấy rõ sau khi người ấy chết, bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh. Thưa quý vị, những người nào là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, cả thảy đều bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh. Những người nào thấy và biết như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng; còn những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai. Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng: “Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”. Đức Phật công nhận và không công nhận những lời lẽ của Samôn hoặc Bàlamôn 1. Này Ānanda, trong 4 nhóm Samôn hoặc Bàlamôn ấy: - Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng: “Thưa quý vị, có các ác nghiệp, và cũng có quả của các ác nghiệp”. Như Lai công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy. - Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng: “Thưa quý vị, người nào sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi người ấy chết, ác nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh”. Như Lai cũng công nhận lời lẽ của vị Samôn hay vị Bàlamôn ấy. - Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng: “Thưa quý vị, những người nào sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, cả thảy đều bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh”. Như Lai không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy. - Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng: “Những người nào thấy và biết đúng như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng. Những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai”. Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy. Những vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng: “Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”. Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy. Tại vì sao? Này Ānanda, bởi vì trí tuệ phân tích của Như Lai biết rõ nhiều loại nghiệp, biết rõ trạng thái của mỗi loại nghiệp (nghiệp hiện tại và nghiệp quá khứ). 2. Này Ānanda, trong 4 nhóm Samôn hoặc Bàlamôn ấy: Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng: “Thưa quý vị, không có các ác nghiệp, và cũng không có quả của các ác nghiệp”. Như Lai không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy. Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng: “Thưa quý vị, thật vậy, người nào sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi người ấy chết, được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời”. Như Lai công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy. Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng: “Thưa quý vị, những người nào sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, cả thảy đều được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời”. Như Lai không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy. Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng: “Những người nào thấy và biết đúng như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng. Những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai”. Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy. Những vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng: “Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”. Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy. Tại vì sao? - Này Ānanda, bởi vì trí tuệ phân tích của Như Lai biết rõ nhiều loại nghiệp, biết rõ trạng thái của mỗi loại nghiệp (nghiệp hiện tại và nghiệp quá khứ). 3. Này Ānanda, trong 4 nhóm Samôn hoặc Bàlamôn ấy: Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng: “Thưa quý vị, có các thiện nghiệp, và cũng có quả của các thiện nghiệp”. Như Lai công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy. Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng: “Thưa quý vị, thật vậy, người nào tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi người ấy chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời”. Như Lai cũng công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy. Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng: “Thưa quý vị, những người nào là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, cả thảy đều được tái sinh trên cõi thiện dục giới, cõi trời”. Như Lai không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy. Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng: “Những người nào thấy và biết đúng như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng. Những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai”. Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy. Những vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng: “Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”. Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy. Tại vì sao? - Này Ānanda, bởi vì trí tuệ phân tích của Như Lai biết rõ nhiều loại nghiệp, biết rõ trạng thái của mỗi loại nghiệp (nghiệp hiện tại và nghiệp quá khứ). 4. Này Ānanda, trong 4 nhóm Samôn hoặc Bàlamôn ấy: Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng: “Thưa quý vị, không có các thiện nghiệp, và cũng không có quả của các thiện nghiệp”. Như Lai không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy. Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng: “Thưa quý vị, thật vậy, người nào tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi người ấy chết, bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh”. Như Lai công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy. Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng: “Thưa quý vị, những người nào tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi tất cả những người ấy chết, cả thảy đều bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula,ngạ quỷ, súc sinh”. Như Lai không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy. Vị Samôn hoặc vị Bàlamôn nào nói rằng: “Những người nào thấy và biết đúng như vậy, thì những người ấy thấy và biết đúng. Những người nào thấy và biết khác (không đúng như vậy), thì những người ấy thấy và biết sai”. Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy. Những vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy căn cứ vào điều tự mình thấy, tự mình biết, tự mình chứng kiến, rồi phát sinh tà kiến chấp thủ vững chắc, nên khẳng định rằng: “Chỉ có biết như vậy mới đúng sự thật mà thôi, còn biết khác chỉ là vô dụng”. Như Lai cũng không công nhận lời lẽ của vị Samôn hoặc vị Bàlamôn ấy. Tại vì sao? - Này Ānanda, bởi vì trí tuệ phân tích của Như Lai biết rõ nhiều loại nghiệp, biết rõ trạng thái của mỗi loại nghiệp (nghiệp hiện tại và nghiệp quá khứ). Nghiệp Và Quả Của Nghiệp 1. Này Ānanda, trong 4 hạng người ấy, hạng người nào trong đời là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi người ấy chết, ác nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh; do trong thời gian trước, người ấy đã tạo ác nghiệp cho quả khổ; hoặc trong thời gian sau, người ấy cũng tạo ác nghiệp cho quả khổ; hoặc trong lúc lâm chung, người ấy có tà kiến. Cho nên, sau khi người ấy chết, ác nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh. Trong đời này, người ấy là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến. Ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất); hoặc có cơ hội cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2); hoặc có cơ hội cho quả từ kiếp thứ 3 và những kiếp tiếp theo v.v…). 2. Này Ānanda, trong 4 hạng người ấy, hạng người nào trong đời là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến; sau khi người ấy chết, được tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời; do trong thời gian trước, người ấy đã tạo thiện nghiệp cho quả an lạc; hoặc trong thời gian sau, người ấy cũng tạo thiện nghiệp cho quả an lạc, hoặc trong lúc lâm chung, người ấy có chánh kiến. Cho nên, sau khi người ấy chết, thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời. Trong đời này, người ấy là người sát hại chúng sinh, trộm cắp của cải tài sản của người khác, tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), nói lời vô ích, có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, có tâm thù hận, có tà kiến. Ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất); hoặc không có cơ hội cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2); hoặc không có cơ hội cho quả từ kiếp thứ 3 và những kiếp tiếp theo v.v…). 3. Này Ānanda, trong 4 hạng người ấy, hạng người nào trong đời là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi người ấy chết, thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời; do trong thời gian trước, người ấy đã tạo thiện nghiệp cho quả an lạc; hoặc trong thời gian sau, người ấy cũng tạo thiện nghiệp cho quả an lạc, hoặc trong lúc lâm chung, người ấy có chánh kiến. Cho nên, sau khi người ấy chết, thiện nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trên cõi thiện dục giới, cõi trời. Trong đời này người ấy là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến. Thiện nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất); hoặc có cơ hội cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2); hoặc có cơ hội cho quả từ kiếp thứ 3 và những kiếp tiếp theo v.v…). 4. Này Ānanda, trong 4 hạng người ấy, hạng người nào trong đời là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến; sau khi người ấy chết, bị tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh; vì trong thời gian trước, người ấy đã tạo ác nghiệp cho quả khổ; hoặc trong thời gian sau, người ấy cũng tạo ác nghiệp cho quả khổ, hoặc trong lúc lâm chung, người ấy có tà kiến. Cho nên, sau khi người ấy chết, ác nghiệp có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh. Trong đời này người ấy là người tránh xa sự sát hại chúng sinh, tránh xa sự trộm cắp của cải tài sản của người khác, tránh xa sự tà dâm với vợ hoặc chồng hoặc con của người khác, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), tránh xa sự nói lời vô ích, không có tâm tham lam của cải tài sản của người khác, không có tâm thù hận, có chánh kiến. Thiện nghiệp ấy không có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại (kiếp thứ nhất); hoặc không có cơ hội cho quả kiếp kế tiếp (kiếp thứ 2); hoặc không có cơ hội cho quả từ kiếp thứ 3 và những kiếp tiếp theo v.v…). Này Ānanda, như vậy tóm lại: Ác nghiệp nặng ngăn cản ác nghiệp nhẹ. Ác nghiệp có cơ hội ngăn cản thiện nghiệp. Thiện nghiệp có cơ hội ngăn cản ác nghiệp. Thiện nghiệp có nhiều năng lực ngăn cản thiện nghiệp có ít năng lực. (Tóm lược từ bài kinh Mahākammavibhaṅgasutta)
Giải Thích 4 Tính Chất Của Nghiệp Theo Chú giải bài kinh Mahākammavibhaṅgasutta, giảng giải 4 tính chất của nghiệp và cơ hội cho quả của nghiệp. 1. Ác nghiệp nặng ngăn cản ác nghiệp nhẹ như thế nào? Ác nghiệp có vô số loại, trong vô số ác nghiệp ấy, nếu ác nghiệp nào có cơ hội, thì ác nghiệp ấy mới có thể cho quả. Ác nghiệp có cơ hội, có quyền ưu tiên nhất trong các ác nghiệp, đó là ác nghiệp nặng nhất. Ác nghiệp nặng nhất có khả năng ngăn cản ác nghiệp nhẹ khác không cho có cơ hội cho quả; ác nghiệp nặng nhất ấy giành quyền ưu tiên cho quả của ác nghiệp ấy trong thời kỳ tái sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), và tiếp tục cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla). Còn các ác nghiệp khác trở thành ác nghiệp hỗ trợ cho ác nghiệp nặng nhất ấy cho quả càng nặng thêm nữa. Như vậy, gọi là ác nghiệp nặng ngăn cản ác nghiệp nhẹ. 2. Ác nghiệp có cơ hội ngăn cản thiện nghiệp như thế nào? Mỗi chúng sinh trong vòng tử sinh luân hồi từ vô thuỷ cho đến kiếp hiện tại này, chắc chắn đã tích luỹ cả vô số ác nghiệp lẫn vô số thiện nghiệp. Vậy ác nghiệp nào có cơ hội, thì ác nghiệp ấy cho quả của nó. Ác nghiệp có cơ hội cho quả thì ngăn cản thiện nghiệp cho quả trong những trường hợp như sau: Trường hợp người tạo ác nghiệp tà kiến cố định (aniyata-micchādiṭṭhikamma) nghĩa là người này hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp. Trong các loại ác nghiệp, ác nghiệp tà kiến cố định này nặng nhất, không có nghiệp nào có thể ngăn cản ác nghiệp ấy cho quả của nó được. Cho nên, sau khi người ấy chết, chắc chắn ác nghiệp tà kiến cố định cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci. Trường hợp người không có ác nghiệp tà kiến cố định, mà có tạo ác nghiệp vô gián (anantariyakamma) như giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật, và chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng. Ác nghiệp vô gián này nặng thứ nhì, sau khi chết chắc chắn ác nghiệp vô gián này cho quả tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avicī (không có nghiệp nào có thể ngăn cản được). Trường hợp người không có ác nghiệp tà kiến cố định và ác nghiệp vô gián, mà có tạo ác nghiệp thường hành nghĩa là tạo ác nghiệp hằng ngày đêm trở thành thói quen. Nếu không có thiện nghiệp nào có năng lực hơn, thì chính ác nghiệp thường hành này có cơ hội cho quả của nó. Trường hợp trong lúc lâm chung, người ấy bị mê sảng, hoặc phát sinh tâm sợ hãi… do hiện tượng của ác nghiệp, đó là ác nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, cho nên sau khi người ấy chết, ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái sinh trong cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh. Như vậy, gọi là ác nghiệp có cơ hội ngăn cản thiện nghiệp không cho quả, để cho ác nghiệp ấy cho quả của nó. 3. Thiện nghiệp có cơ hội ngăn cản ác nghiệp như thế nào? Ngoại trừ 2 loại ác nghiệp trọng tội đặc biệt là: Ác nghiệp tà kiến cố định và ác nghiệp vô gián ra, người nào đã tạo các loại ác nghiệp loại thường khác, nhưng về sau, người ấy có tâm biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, rồi cố gắng tinh tấn, có khả năng tạo mọi thiện nghiệp từ dục giới thiện nghiệp, sắc giới thiện nghiệp, vô sắc giới thiện nghiệp, cho đến Siêu tam giới thiện nghiệp (4 Thánh Đạo), thì thiện nghiệp này có khả năng, có cơ hội ngăn cản ác nghiệp không cho quả, để cho thiện nghiệp ấy cho quả của nó. Hoặc trường hợp trong lúc lâm chung, người thân của bệnh nhân thỉnh mời chư Tỳ khưu Tăng đến thăm bệnh nhân, khi còn sáng suốt hiểu biết, Ngài Đại đức hướng dẫn bệnh nhân thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, rồi chư Tỳ khưu Tăng tụng kinh cho bệnh nhân nghe, thuyết pháp giảng dạy, làm cho bệnh nhân phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, và giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch, lắng nghe kinh, lắng nghe pháp… đó là thiện nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung. Cho nên người bệnh sau khi chết, chính thiện nghiệp phát sinh lúc lâm chung ấy cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới, cõi trời, hưởng được mọi sự an lạc trong cõi trời. Như vậy, gọi là thiện nghiệp có cơ hội cho quả ngăn cản ác nghiệp không cho quả. 4. Thiện nghiệp có nhiều năng lực ngăn cản thiện nghiệp có ít năng lực như thế nào? Thiện nghiệp có 4 loại từ thấp đến cao như sau: 8 dục giới đại thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm trong sự bố thí giữ giới, hành thiền v.v... 5 sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 5 sắc giới thiền thiện tâm. 4 vô sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 vô sắc giới thiền thiện tâm. 4 Siêu tam giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 Thánh Đạo Tâm. Thiện nghiệp có nhiều năng lực có cơ hội cho quả, ngăn cản các thiện nghiệp có ít năng lực không cho có cơ hội cho quả như sau: Trong những dục giới đại thiện nghiệp, dục giới đại thiện nghiệp nào có cơ hội, có quyền ưu tiên cho quả tái sinh, thì dục giới đại thiện nghiệp ấy ngăn cản các dục giới đại thiện nghiệp khác còn lại không có cơ hội trực tiếp cho quả, mà trở thành đại thiện nghiệp hỗ trợ cho quả của đại thiện nghiệp ấy được an lạc thêm nữa. Trong những sắc giới thiện nghiệp và vô sắc giới thiện nghiệp, nếu hành giả đã chứng đắc đến bậc thiền hữu sắc hoặc bậc thiền vô sắc nào cao nhất, thì chỉ có bậc thiền cao nhất ấy mới có cơ hội, có quyền ưu tiên cho quả tái sinh mà thôi; các bậc thiền thấp còn lại trở thành thiện nghiệp vô hiệu quả, không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa. Như vậy, gọi là thiện nghiệp có nhiều năng lực ngăn cản thiện nghiệp có ít năng lực cho quả. 4 Siêu tam giới thiện nghiệp có đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 Thánh Đạo Tâm liền cho quả tương ứng là 4 Thánh Quả Tâm, không có thời gian khoảng cách (akālikadhamma) nghĩa là sau khi Thánh Đạo Tâm nào diệt liền tiếp theo Thánh Quả Tâm ấy sinh, chỉ sau 1 sát-na tâm sinh và diệt trong cùng một Thánh Đạo lộ trình tâm ấy. 4 Thánh Đạo Tâm tương ứng với 4 Thánh Quả Tâm trở thành 4 bậc Thánh Nhân: 1. Nhập Lưu Thánh Đạo Tâm - Nhập Lưu Thánh Quả Tâm trở thành bậc Thánh Nhập Lưu. 2. Nhất Lai Thánh Đạo Tâm - Nhất Lai Thánh Quả Tâm trở thành bậc Thánh Nhất Lai. 3. Bất Lai Thánh Đạo Tâm - Bất Lai Thánh Quả Tâm trở thành bậc Thánh Bất Lai. 4. Arahán Thánh Đạo Tâm – Arahán Thánh Quả Tâm trở thành bậc Thánh Arahán. 4 Siêu tam giới thiện nghiệp hoàn toàn không cho quả tái sinh kiếp sau như những tam giới thiện nghiệp. 4 bậc Thánh Nhân có khả năng đặc biệt hạn chế kiếp tái sinh theo tuần tự từ thấp đến cao như sau: - Bậc Thánh Nhập Lưu vĩnh viễn không còn tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh, mà chỉ còn tái sinh kiếp sau trong cõi thiện dục giới nhiều nhất 7 kiếp; đến kiếp thứ 7 bậc Thánh Nhập Lưu ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. - Bậc Thánh Nhất Lai chỉ còn tái sinh trong cõi thiện dục giới 1 kiếp duy nhất nữa mà thôi; trong kiếp ấy bậc Thánh Nhất Lai ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. - Bậc Thánh Bất Lai vĩnh viễn không còn tái sinh trở lại trong cõi thiện dục giới, mà chỉ tái sinh lên cõi trời sắc giới mà thôi; tại cõi trời sắc giới, bậc Thánh Bất Lai chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn tại cõi trời sắc giới, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới. - Bậc Thánh Arahán ngay trong kiếp hiện tại, khi hết tuổi thọ đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới. |
[Ðầu trang][Trở về trang Mục lục][Trở về trang Thư Viện]
updated: 2007